Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 07 năm 2017

Khấm khá nhờ thanh long ruột tím

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Chỉ với 3 sào đất ruộng chua mặn, anh Vũ Quang Vịnh ở tổ 12 (phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) thu lãi hơn 20 triệu đồng mỗi tháng từ cây thanh long. Để có thành công này, anh Vịnh có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trồng cây thanh long phù hợp thực tế sản xuất tại địa phương.

Nhờ thụ phấn nhân tạo, hầu hết hoa đều kết trái

Sau khi tham quan mô hình trồng thanh long ở Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), năm 2013, anh quyết định chuyển đổi đất trồng lúa của gia đình sang trồng thanh long ruột tím - giống lai giữa thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ Colombia. Anh là người đầu tiên trồng giống cây mới này tại địa phương. Không ngờ thanh long bén duyên với đất chua mặn nơi đây, cho chất lượng quả vượt trội so với cây trồng ở nhiều vùng khác: quả ngọt, màu tím đỏ đẹp mắt.

Chủ vườn có thể điều khiển thời điểm cây ra quả

Luôn chịu khó suy nghĩ cải tiến sản xuất, anh Vịnh áp dụng thành công một số sáng kiến kỹ thuật phù hợp đồng đất quê mình. Vì trồng thanh long trên đất ruộng nên anh Vịnh lên luống cao để gốc không bị ngập úng. Luống phủ nilon để chống cỏ, chống trôi đất và phân bón, bảo vệ rễ…

 Thanh long ruột tím ngọt, đẹp mắt, được ưa chuộng

Ở đỉnh mỗi trụ thanh long, anh không dùng thanh sắt hoặc lốp xe làm nón tạo tán cho cây như nhiều nơi khác mà tạo nón bằng bê tông. “Nón trụ bằng sắt rất nhanh hỏng vì quê mình gần biển, độ mặn cao trong không khí khiến sắt nhanh han rỉ và gẫy, không tạo được tán cho cây, không quản lý và cắt tỉa cây được. Phải dùng nón trụ bê tông mới được chắc chắn và lâu dài” – anh Vịnh chia sẻ kinh nghiệm.

Vài vụ đầu, thanh long trổ hoa nhiều nhưng đậu quả rất ít. Để tìm nguyên nhân, nhiều hôm anh chong đèn thâu đêm để theo dõi quá trình hoa nở. Anh nhận thấy, hoa đực và hoa cái nở không chụm vào nhau như thanh long ở các vùng khác mà tách rời nhau ra. Anh quyết định thụ phấn nhân tạo cho hoa. Mỗi đợt, vườn cây ra hoa trong vòng 3 đêm, anh thức khuya để dùng bông ẩm quệt phấn từng bông. Nhờ thế, hầu hết số hoa đều kết trái.

Anh Vịnh chăm sóc vườn thanh long

Không những thế, anh Vịnh còn điều khiển cây ra trái vào thời điểm rằm và ngày mồng một âm lịch hằng tháng. Khi đó, nhu cầu thị trường cao, bán nhanh và được giá. Anh cho biết, điều khiển cây ra quả bằng cách điều chỉnh thời điểm, liều lượng phân bón khi cây sắp nở hoa. Chủ vườn còn tính toán chăm sóc sao cho quả có trọng lượng vừa phải, phù hợp túi tiền người dân địa phương, sản phẩm dễ tiêu thụ.

Với 140 gốc thanh long trên 3 sào ruộng, vào vụ thu hoạch chính từ tháng 4 đến tháng 11, trung bình nhà vườn thu 25-30 triệu đồng/tháng. Mùa đông cây ít cho quả hơn. Trên đà thắng lợi, anh Vịnh tiếp tục trồng thêm 2 sào thanh long.

Niềm phấn khởi trong ngày hái quả

Anh Vịnh tiếp tục trồng thêm 2 sào thanh long

Anh khẳng định, thanh long chi phí ít, trồng 1 lần có thể thu trên 10 năm. Nó mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa, “1kg thanh long đổi được 7kg lúa!” như anh ví von.

Hân Minh

Tuyệt chiêu cho nhãn ra hoa trái vụ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Trong khi các vườn nhãn trong tỉnh sắp đến kỳ thu hoạch quả thì nhiều cây nhãn của lão nông Hoàng Quang Tuấn ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên mới bắt đầu ra hoa giữa mùa hè.

Cuối vụ xuân năm nay, trong khi các trà nhãn trong khu vực đều đã tắt hoa, lộ quả, thì nhiều cây nhãn trong vườn nhà lão nông Hoàng Quang Tuấn mới bắt đầu ra hoa. Có thể coi là trà hoa cực muộn, quý hiếm... Tôi còn chưa hết sự trầm trồ, ông Tuấn đã tiếp lời: "Chưa hết đâu “sếp” ạ!".

Cây nhãn đã ra quả lại tiếp tục ra hoa giữa mùa hè

Và phải đợi thêm 2 tháng nữa (quá nửa mùa hè), khi các vườn nhãn ở địa phương đang sắp cho thu hoạch quả, ông Tuấn mới lại “nháy máy” cho tôi: "Mời bác đến thăm nhãn ra hoa giữa mùa hè - hoa trái vụ".

Đi thăm khắp vườn nhãn của gia đình ông Tuấn chúng tôi thấy, bên cạnh gần 500 gốc nhãn đang mang quả đều tăm tắp, lại có cả chục cây nhãn mới bắt đầu ra hoa. Nhãn ra hoa không chỉ ở các cây không ra quả chính vụ, mà nhiều cây nhãn còn vừa mang hoa vừa mang quả.

Để cây nhãn ra hoa cực muộn và ra hoa trái vụ, ông Tuấn vẫn chỉ sử dụng kinh nghiệm khắc phục nhãn ra hoa cách vụ của các nhà nông khi xưa như, chăm bón cho cây phát triển cân đối; phòng trừ sâu bệnh kịp thời; khoanh tiện vỏ thân cây, thân cành...

Nét mới trong cách làm cho nhãn ra cực muộn và ra hoa trái vụ của ông Tuấn là, chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành thích hợp như khoanh tiện vỏ thân cây/cành muộn hơn so với thời điểm khoanh cây cho nhãn ra hoa chính vụ khoảng 1 tháng (để nhãn ra hoa chính vụ cần khoanh tiện vỏ thân cây/cành khoảng tiết Đông chí - giữa tháng 12 DL).

Theo ông Tuấn, nếu không có biến động bất thường về thời tiết, thì trà nhãn trái vụ sẽ cho quả vào mùa đông (khoảng 20 tháng 11 DL). Bởi vì năm 2010 ông đã từng thành công cho nhãn ra hoa giữa mùa hè, thu hoạch quả trong mùa đông, trong khi trọng lượng quả và chất lượng quả không đổi so với trà nhãn ra chính vụ.

Sở dĩ từ năm 2010 tới nay ông Tuấn mới cho nhãn ra hoa trái vụ trở lại, vì quãng thời gian đó anh phải tập trung cho các kế hoạch sản xuất khác.

Hiện trà nhãn ra hoa cực muộn của gia đình ông Tuấn đã khá sai quả, dự kiến sẽ cho thu hoạch muộn hơn so với các trà nhãn muộn ở đây 10 - 15 ngày.

Nếu như những năm trước đây ở một số địa phương có nhãn cho thu hoạch đến giữa tháng 10 đã được coi là của hiếm. Thì nay ông Tuấn có nhãn cho hoạch tới 20 tháng 11, có thể coi là hàng “độc”. Thành công này, sẽ mở ra triển vọng mới cho các nhà vườn chuyên canh nhãn.

Không chỉ là một lão nông lão luyện trong nghề làm vườn, ông Tuấn còn là một cao thủ trong nghề thâm canh cá. Hiện ông đang nuôi thả thường xuyên 3ha cá các loại, trong đó có 1ha cá nuôi thâm canh. Trên diện tích đó, năm 2016 trung bình mỗi mét vuông mặt nước ao nuôi ông thu được hơn 6kg cá thương phẩm, được coi là siêu năng suất, tương đương năng suất nuôi thâm canh cá của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Biết tiếng ông Tuấn, đã có rất nhiều chủ trại nuôi cá khắp các tỉnh thành trên miền Bắc đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm. Trong đó, khá nhiều trại cá nhờ tư vấn kỹ thuật kịp thời từ ông Tuấn, đã thoát khỏi bờ vực phá sản, chủ trại nuôi cá Vũ Thị Thắm ở xã Hoà Phong, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên là một ví dụ.

Đầu năm 2017 vừa qua, nhà vườn Nguyễn Quang Tuấn đã vinh dự được ông Đỗ Tiến Sĩ, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên đến thăm và khích lệ.

Mặc dù mới ở tuổi gần 50, nhưng ông Hoàng Quang Tuấn đã thành công và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm quý trong nghề làm vườn và chăn nuôi thuỷ sản nước ngọt. Có thể coi là một “hiện tượng”. Nên chăng, các nhà chuyên môn sớm vào cuộc tìm hiểu, tổng kết để nhân rộng mô hình.

Hải Tiến

Mít Thái tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Sau thời gian rớt giá chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg, hiện giá mít Thái tăng trở lại với giá 15.000 đồng/kg, khiến nhiều nhà vườn ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phấn khởi.

Mít loại I, từ 10kg trở lên đang có giá 15.000 đồng/kg; loại II, từ 7kg đến dưới 10kg giá 8.000 đồng/kg. Nguyên nhân do mùa nghịch, sản lượng ít, được hợp đồng xuất sang Trung Quốc. Theo dự báo, giá mít Thái còn tăng đến khoảng trung tuần tháng 9 âm lịch. Nếu ở mức giá này, người trồng sau khi trừ chi phí còn lời trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Toàn huyện Châu Thành hiện có 483ha mít Thái. Trong đó, gần 400ha đang cho trái tập trung nhiều ở các xã Đông Phước A, Đông Phước, Phú Hữu và thị trấn Ngã Sáu.

Văn Xuân

6,8 tấn xoài da xanh Sơn La đã sang Australia

Nguồn tin: Kinh tế đô thị

Ngày 12/7, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT về tình hình tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, 6,8 tấn xoài tượng da xanh của tỉnh Sơn La đã được xuất khẩu đi Australia.

Ông Chất cho biết thêm, dự kiến trong tháng 7/2017, sản lượng xoài tượng da xanh xuất khẩu sang Australia sẽ đạt 15 tấn và năm 2018 tỉnh này mở rộng xuất khẩu thêm sản phẩm nhãn quả sang các thị trường khác.

Mẫu xoài tượng da xanh Sơn La được kiểm tra trước khi đưa vào chiếu xạ.

Theo ông Chất, khi có thông tin xuất khẩu xoài sang Australia, giá xoài trên địa bàn đã được các thương lái thu mua với giá cao hơn 3.000 đồng. Hiện cả tỉnh Sơn La đang trồng 5.500ha xoài. Ngoài ra, mặt hàng nhãn, bơ cũng có tiềm năng, lợi thế phát triển tốt và có khả năng xuất khẩu đi các nước. Đến hết tháng 6/2017, tỉnh Sơn La có hơn 35.600ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích trồng mới trong 6 tháng đầu năm là 4.154ha.

Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tỉnh Sơn La có 4 loại cây ăn quả chủ lực trong số 12 cây ăn quả chủ lực của cả nước, trong đó có bơ và xoài Yên Châu được đánh giá cao. Do đó, Sơn La cần đầu tư cho việc liên kết, tiêu thụ và chế biến sâu trái cây. Để nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, sản phẩm quả, tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét định hướng về quy hoạch phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp với các thị trường quốc tế giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến 2025 theo quy hoạch của Bộ. Đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Như Kinhtedothi.vn đã đưa tin, chiều 28/6, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) tổ chức chiếu xạ 3,5 tấn xoài tượng da xanh của tỉnh Sơn La xuất khẩu sang Australia theo đường biển. Xoài tượng da xanh của Sơn La được đánh giá là giống xoài có chất lượng tốt, giòn, thơm ngon đặc trưng, rất phù hợp với thị hiếu ăn tươi hoặc chế biến tại thị trường Australia. Hiện Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (Cục Bảo vệ thực vật) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La đã cấp mã số cho 2 vùng trồng tại bản Văn Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu và bản Noong Xôm, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.

Thiên Tú

Unifarm độc quyền phân phối chuối cho Dole Việt Nam

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Công ty TNHH Dole Việt Nam, công ty con của Dole International Holdings vừa chọn Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm, Bình Dương) làm nhà phân phối độc quyền đối với sản phẩm chuối tại thị trường Việt Nam. Unifarm đã đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam kể từ năm 2009. Unifarm cũng là nhà sản xuất chuối đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận GLOBAL G.A.P., chứng nhận này bảo đảm chất lượng cao và quy trình sản xuất an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Johann Albano, Phó Chủ tịch Dole châu Á phụ trách phát triển kinh doanh tại châu Á cho biết, Dole tin tưởng rằng việc có được Unifarm là nhà phân phối độc quyền sẽ giúp Dole củng cố vững chắc hơn nữa vị thế là một trong những nhà cung cấp sản phẩm chuối chất lượng cao hàng đầu tại thị trường Việt Nam.

Với thỏa thuận mới này, Dole Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt thương hiệu và kỹ thuật cho Unifarm theo các quy trình, hướng dẫn nghiêm ngặt về thương hiệu của Tập đoàn Dole, đồng thời tuân thủ các chương trình bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Xuân Vĩ

Thời cơ vụ thu đông

Nguồn tin: Báo An Giang

Trước tín hiệu khả quan của thị trường xuất khẩu gạo, nhất là nhu cầu đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu cuối năm 2017, vụ thu đông được xem là thời cơ thuận lợi của các địa phương có lợi thế như An Giang. Giành thắng lợi vụ thu đông sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Không được chủ quan

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, mùa mưa năm 2017 ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến sớm nhưng có khả năng kết thúc sớm. Từ tháng 5 đến tháng 8, lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 30% nhưng đến tháng 10, lại thấp hơn TBNN khoảng 30%. Mùa lũ năm 2017 trên hệ thống sông Mê Kông khả năng đến sớm hơn so TBNN. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ năm nay dự báo ở mức báo động 2 - báo động 3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn tập trung kết hợp với điều tiết dòng chảy từ thượng lưu.

Chỉ sản xuất vụ thu đông ở những vùng đê bao ăn chắc

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Võ Thanh Tân cho biết, trước tình hình mưa lũ phức tạp, các địa phương phải tổ chức vụ thu đông hết sức cẩn trọng, không được chủ quan. Ngoài đảm bảo đê bao an toàn, các địa phương cần tuân thủ lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy của tỉnh (đợt 1 từ ngày 15 đến 25-7, đợt 2 từ ngày 5 đến 20-8-2017). Tỉnh phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, đồng thời khống chế lúa, gạo có phẩm cấp thấp như IR50404 ở mức giới hạn từ 15 - 20%. Trên cơ sở thực tiễn sản xuất và khả năng tiêu thụ của thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh đề xuất các nhóm giống chủ lực gồm: Nhóm giống cao sản chất lượng cao (OM5451, OM4900, OM6976, OM7347, OM4218, OM6073, OM6162…); nhóm giống lúa thơm và lúa nếp (Nàng hoa 09, nếp CK92…); giống bổ sung (Jasmine, OM2517, OM2514…).

Đối với nhóm giống có triển vọng có thể thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, Chi cục TT&BVTV An Giang đề xuất các giống: Lộc Trời 2, OM9582, OM9605… “Trước tình hình xuất khẩu nếp có sự biến động theo chiều hướng giảm, ngoại trừ vùng chuyên canh nếp Phú Tân, đề nghị chính quyền các địa phương khác khuyến cáo nông dân giảm xuống giống nếp để hạn chế rủi ro về giá cả do nguồn cung vượt quá nhu cầu” - ông Tân đề xuất.

Sản xuất an toàn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư cho biết, dù gạo có tín hiệu thị trường tốt nhưng An Giang không sản xuất lúa thu đông bằng mọi giá. “An Giang dừng lại ở kế hoạch xuống giống vụ thu đông 170.000 héc-ta là phù hợp. Đối với các vùng sản xuất liên tục, sẽ ưu tiên xả lũ. Đối với những vùng sản xuất trễ lịch thời vụ, sẽ xả lũ luôn để chỉnh lịch xuống giống vụ đông xuân thống nhất, hạn chế rầy di trú liên tục. Đối với vụ thu đông, phải có sự đồng thuận của người dân, đê bao đảm bảo ăn chắc thì mới tổ chức sản xuất” - ông Thư nhấn mạnh.

Thực tế, đã có một số địa phương xuống giống sớm vụ thu đông, như: Tri Tôn (khoảng 6.500 héc-ta), Tịnh Biên (1.200 héc-ta), Phú Tân (4.200 héc-ta), Chợ Mới (1.200 héc-ta)... “Chúng tôi yêu cầu các địa phương đưa 13.000 héc-ta xuống giống sớm này vào danh sách báo động đỏ về khả năng lây lan, bùng phát dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL). Tỉnh và huyện đang củng cố Ban Chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL lúa và các dịch hại khác trên cây lúa để thống nhất chỉ đạo. Việc xử lý sẽ phân thành 3 cấp độ: Cấp độ nhẹ sẽ mời chủ đất lại, giao thuốc tự phun xịt, cấp độ trung bình thì Sở NN&PTNT sẽ phun thuốc dập dịch ngay mà không cần ý kiến của chủ đất, còn cấp độ nặng hơn 20% thì sẽ tiêu hủy ngay lập tức để tránh lây lan trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng diện tích lúa của An Giang mà cả vùng ĐBSCL” - ông Thư nhấn mạnh.

Dù rủi ro có khoảng 13.000 héc-ta xuống giống sớm vụ thu đông, nguy cơ thành ổ chứa dịch rầy nâu, bệnh VL-LXL lúa nhưng theo Giám đốc Sở NN&PTNT, đây lại là “may mắn” của An Giang bởi khi dịch hại tập trung vào diện tích này, nếu kiểm soát và xử lý tốt, đúng thời điểm thì sẽ khống chế trên 80% dịch bệnh cho cả vùng. “Giống như mình gom lại một chỗ để đánh tập trung. Nếu đánh thắng sẽ tiêu diệt gần như trọn ổ. Do vậy, phải tập trung kiểm soát và xử lý dịch bệnh quyết liệt trên trà lúa thu đông sớm” - ông Thư đánh giá.

Ngô Chuẩn

Nông dân vững tin với hồ tiêu - Bài cuối: Chủ động sản xuất tiêu sạch

Nguồn tin: Báo Bình Phước

“Tôi là thành viên nhưng từ đầu mùa đến nay đã giới thiệu bán được 200 tấn phân cho hợp tác xã (HTX) có đòi đồng hoa hồng nào đâu! Nhiều việc không tên của HTX làm cho mình không còn thời gian để chăm sóc vườn tiêu. Nhiều lúc vợ con cằn nhằn nên tôi phải xin ra khỏi ban quản trị, chỉ làm cố vấn cho mấy ổng thôi” - nhà nông Lê Quang Cường, thành viên HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước cho biết.

Đích đến bền vững đang ở đâu?

Kết thúc mùa vụ năm nay, 2,5 sào tiêu của gia đình ông Điểu Tâm ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng (Bù Đốp, Bình Phước) cho 2,5 tấn. Đã gần 1 tháng kể từ ngày thu hoạch, gia đình ông vẫn chưa bán được kilôgam nào. Đơn giản là giá tiêu năm nay thấp hơn ½ giá năm ngoái nên gia đình ông đưa tiêu vào kho chờ giá phục hồi. Ông Lê Quang Cường có 4.000 nọc tiêu, trong đó 2.500 nọc đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 4kg/nọc. Vụ tiêu năm nay gia đình ông thu khoảng 10 tấn, đã bán 5 tấn cho Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice với giá từ 96-110 ngàn đồng/kg, 5 tấn còn lại trữ chờ giá tăng. Ông Phạm Văn Lý ở thôn 5, xã Hưng Phước (Bù Đốp) có 4 ha hồ tiêu. Vụ mùa năm nay, gia đình ông thu 17 tấn, 10 tấn đã bán, 7 tấn còn lại ký gửi cho Công ty Nedspice với giá 91 ngàn đồng/kg nhưng chỉ được thanh toán 2/3 số tiền. Cả xã Hưng Phước gần như nhà nào cũng trữ tiêu chờ giá tăng cho dù phải đi vay vốn ngân hàng để trang trải cuộc sống. Ông Bùi Quốc Hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước lý giải: Những năm trước, giá tiêu cao đến 200 ngàn đồng/kg, năm nay chỉ quanh mức 100 ngàn đồng/kg nên nhiều hộ trữ tiêu chờ giá lên. Ai ngờ thị trường giá hồ tiêu rơi xuống dưới 80 ngàn đồng/kg khiến nông dân rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Theo ước tính của HTX, toàn xã hiện còn tồn đọng khoảng 100 tấn tiêu.

Nhân viên bán hàng của Hợp tác xã sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước được hưởng lương theo doanh số bán hàng

Không chờ đợi sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước, người trồng tiêu ở Bù Đốp đã chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất và hướng đến sản phẩm đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường. Thế nhưng, thị trường tiêu thụ tiêu sạch lại không khác gì tiêu chưa sạch. Ngay cả nông hộ đã có cam kết với công ty bao tiêu sản phẩm nhưng vẫn chưa thể tìm được đầu ra ổn định.

Cần đòn bẩy kịp thời

Ban quản trị HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước có 11 người đang làm việc không lương kể từ ngày thành lập đến nay. Hiện đã có ít nhất 2 người trong ban quản trị xin từ chức để lo việc gia đình. Khi thành lập, HTX đăng ký vốn điều lệ 3,3 tỷ đồng, mỗi thành viên tham gia phải đóng tối thiểu 30 triệu đồng. Tổng vốn của HTX đã góp được 2,6 tỷ đồng. Chi mua đất, xây dựng kho bãi... hết 2,3 tỷ đồng. Để có vốn mua vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ nhu cầu sản xuất của thành viên, ban quản trị phải vận động thành viên góp thêm vốn. Ngoài 300 triệu đồng góp vốn cho HTX, ông Bùi Quốc Hai còn cho HTX mượn sổ đất của gia đình để vay vốn mở cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp. Mặc dù HTX chưa phát sinh lợi nhuận nhưng phải đóng thuế môn bài hơn 2 triệu đồng/năm. “Chúng tôi là nông dân nên không có kinh nghiệm trong kinh doanh. Các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lâu năm lấy sản phẩm cùng giá nhưng không hiểu sao họ lại bán giá thấp hơn. Có những sản phẩm chúng tôi chấp nhận không lãi, thậm chí chấp nhận lỗ tiền công vận chuyển nhưng tính ra giá bán lại cao hơn các đại lý khác. Mặt khác, các công ty, đơn vị cung ứng sản phẩm lại không cho gối đầu nên việc kinh doanh của HTX càng khó khăn hơn” - ông Hai cho hay.

Để HTX đi vào hoạt động ổn định, trước mắt ban quản trị phải trích lợi nhuận từ cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả lương cho kế toán, bốc vác và tài xế theo hướng ăn chia sản phẩm. Còn mọi thành viên trong ban quản trị đều làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm với HTX. Từ khi tiêu rớt giá, nhiều thành viên không còn mặn mà với HTX. Các khoản đầu tư phân bón, thuốc chăm sóc hồ tiêu cũng bị cắt giảm để tiết kiệm cho chi phí sản xuất. Việc kinh doanh của cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp HTX càng khó khăn. Biết là vậy nhưng chúng tôi vẫn phải làm, phải tin vào mình, tin vào hướng đi của HTX” - ông Lê Văn Phương, thư ký HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước khẳng định.

Thực tế trên cho thấy, mục tiêu của HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước nói riêng và các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung không vì lợi nhuận trong việc kinh doanh phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật mà hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, sạch và bền vững. Đây cũng là cách giúp các mặt hàng nông sản nâng cao chất lượng, giảm giá thành trong sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, việc tiếp sức hay nói cách khác là tạo đòn bẩy cho HTX nông nghiệp từ các cấp và ngành chức năng là điều cấp thiết nhất hiện nay.

Đông Kiểm - Ngọc Bích

Kon Plông (Kon Tum): Triển vọng mới từ cây dược liệu

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Xác định cây dược liệu là chủ lực để phát triển kinh tế, huyện Kon Plông (Kon Tum) đang tiếp tục đầu tư, quy hoạch trồng, nhân rộng, khai thác tiềm năng và thế mạnh mà loại cây này mang lại.

Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi, qua rà soát, huyện đang tập trung giao về các xã triển khai nhân rộng và phát triển 78,53ha cây dược liệu. Trong đó, tập trung phát triển 6 loại cây dược liệu chính: sâm dây, sâm đương quy, cà gai leo, cây nghệ, sa nhân, lan kim tuyến đồng thời bảo tồn và phát triển 5 loài cây khác: cây sơn tra, cốt toái bổ, ngũ vị tử, chuối rừng.

Là một trong những xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây dược liệu, trong năm 2016, từ các nguồn vốn của chương trình 30a, 135, xã Măng Cành đã hỗ trợ, giúp người dân tại các thôn Tu Ma, Kon Chênh, Kon Du, Tu Rằng trồng 1,34ha sâm đương quy. Với việc chăm sóc kĩ lưỡng, đến nay, vườn sâm đương quy phát triển tốt, có củ và sắp cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Nết – Chủ tịch UBND xã Măng Cành nói rằng, từ những hiệu quả bước đầu, hiện tại, xã đang vận động 45 hộ nghèo làm đất, mở rộng và phát triển 13ha sâm đương quy trong thời gian đến.

“Các hộ sẽ được hỗ trợ toàn bộ nguồn giống cũng như kĩ thuật trồng. Đến nay, bà con đã làm đất, đợi thời tiết thuận lợi sẽ xuống giống” – ông Nết cho hay.

Không chỉ có đương quy, trong năm 2016, 12 hộ dân tại xã Măng Cành đã xuống giống trồng thí điểm 2ha cây nghệ. Và cũng như đương quy, phù hợp với khí hậu nên nghệ ít bị sâu bệnh và phát triển rất tốt. Hiện tại người dân đang tiếp tục chăm sóc và có kế hoạch thu hoạch vào khoảng cuối năm 2017.

Cùng với việc phát triển sâm đương quy, nghệ, theo hướng của huyện, sắp đến 89 hộ nghèo tại xã Măng Cành cũng được hỗ trợ, triển khai trồng 10,5ha sâm dây và 15ha cây cà gai leo. Và trong thời gian đến, các hộ dân cũng được hướng dẫn, trồng thử nghiệm 1ha cây xạ đen.

Hợp khí hậu, cây đương quy tại xã Măng Cành phát triển tốt

“Trước đây, bà con chủ yếu trồng cà phê xứ lạnh, mì, lúa… 2 năm trở lại đây, được định hướng của huyện, bà con đã chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Hiện tại một số loại cây sau khi xuống giống phát triển khá tốt, hi vọng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao” – ông Nết chia sẻ.

Nhận thấy hiệu quả từ cây dược liệu, những năm trước, các hộ dân trên địa bàn xã Măng Bút cũng tìm hiểu và xuống giống trồng sâm dây, sâm đương quy. Tuy nhiên, vì làm tự phát, trồng nhỏ lẻ nên giá trị kinh tế chưa cao. Vừa qua, khi có định hướng của huyện, xã Măng Bút đã tiến hành hỗ trợ, hướng dẫn cho các hộ dân trồng 1ha sâm đương quy, 2ha cây nghệ. Cùng với đó, các hộ dân cũng đã đăng kí làm đất, đang đợi trời mưa để trồng 7,5ha cây sâm dây.

Bên cạnh một số loại dược liệu trên, vừa qua, huyện cũng đã trồng thử nghiệm 0,03ha lan kim tuyến tại xã Đăk Long. Trong thời gian đến huyện tiếp tục trồng thử nghiệm 1,5ha cây chùm ngây tại xã Ngọc Tem, 2ha cây xạ đen tại xã Măng Cành và xã Hiếu, 2ha cây atisô trên địa bàn xã Đăk Long và 0,12ha cây ba kích tím tại xã Đăk Long.

Nhân giống, trồng thử nghiệm cây kim tuyến

Ngoài diện tích cây nhân rộng, thử nghiệm, xác định cây dược liệu là chủ lực phát triển kinh tế, huyện Kon Plông cũng đã có dự kiến quy hoạch, phát triển 355ha cây dược liệu. Trong đó, quy hoạch trồng 120ha cây sâm dây, 30ha trồng cây sa nhân, 40ha sâm đương quy, 85ha cà gai leo, 75ha cây nghệ và nhân rộng 5ha cây lan kim tuyến.

Để tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện, từ khi triển khai, UBND huyện đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để hỗ trợ nhân dân trồng thử nghiệm cây dược liệu.

Đồng thời, để phát triển lâu dài, nhân rộng, đưa loại cây này thành chủ lực phát triển kinh tế, UBND huyện đã khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào trồng, nhân rộng các loại cây dược liệu đã trồng thử nghiệm thành công.

“Huyện thu hút được 18 dự án liên quan đến trồng, phát triển các loại cây dược liệu; liên kết, ký kết hợp đồng với 4 công ty, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con khi thu hoạch. Trong thời gian đến, huyện sẽ sát sao theo dõi, hướng dẫn bà con kịp thời để việc phát triển cây dược liệu đem lại hiệu quả khả quan, giúp người dân thoát nghèo bền vững” – ông Tín cho hay.

Hoài Tiến

Thay đổi tư duy canh tác để làm giàu

Nguồn tin: Kinh tế đô thị

Với việc mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác trong sản xuất nông nghiệp, anh Vương Sỹ Lực, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đã có thu nhập cao và ổn định từ mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới. Hiện nay khu vườn rộng 2ha của gia đình anh cho thu nhập trên 700 triệu đồng mỗi năm.

Những lợi thế của rau hữu cơ

Để giảm nỗi lo thường trực của nông dân về điệp khúc “được mùa rớt giá”, cũng như hạn chế những rủi ro trong canh tác, anh Lực đã tìm hiểu và đi học hỏi ở các địa phương khác về cách trồng rau hữu cơ trong nhà lưới. Sau 3 năm thực hiện, anh Lực cho biết, hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại vượt trội so với phương pháp canh tác thông thường.

Anh Vương Sỹ Lực giới thiệu về mô hình trồng rau của gia đình.

Trồng rau hữu cơ đã hạn chế được các dịch bệnh trên cây trồng. Do đó, năng suất, giá thành các loại rau, củ, quả không những cao lại được người dân tin dùng. Hàng hóa sản xuất ra đến đâu được người tiêu dùng đặt mua hết đến đó. Không những thế, ưu điểm của mô hình là sản lượng rau tăng từ 10 – 15%, cùng thời gian quay vòng thời vụ cũng tăng từ 5 vụ/năm lên 10 vụ/năm. Nhờ có sản phẩm quanh năm, ngay cả vào mùa mưa, nên mỗi sào rau gia đình anh có thể thu nhập 40 triệu đồng/năm. Hiện nay gia đình anh chủ yếu gieo trồng những loại rau ăn lá như rau cải, rau thơm, rau muống...

Anh Lực chia sẻ, theo kinh nghiệm anh thường xuyên canh tác luân canh các loại rau khác nhau để tránh hại đất và có lợi cho cây trồng. Trên đầu mỗi luống rau đều cắm biển ghi nhật ký xuống giống cũng như thời gian sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để tiện theo dõi chăm sóc. Ngoài hệ thống giàn được xây dựng kiên cố, anh cũng đầu tư xây dựng bể chứa nước với hệ thống lọc hiện đại.

Hướng đến sản phẩm an toàn

Anh Vương Sỹ Lực cho biết, toàn bộ quá trình chăm sóc cho rau màu anh chỉ dùng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Thời gian bón phân và phun thuốc anh đều ghi nhật ký cụ thể, đảm bảo an toàn không còn tồn dư thuốc khi thu hoạch. Ngoài ra, việc trồng rau trong nhà lưới cũng ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu. So với sản xuất thông thường, lượng thuốc trừ sâu giảm từ 2 - 3 lần phun/vụ. Hiện nay, toàn bộ rau sạch trong nhà lưới của gia đình anh đều được các DN ký hợp đồng thu mua cả năm. Trung bình mỗi ngày gia đình anh xuất bán từ 4 – 6 tạ rau các loại, với giá ổn định 1 năm từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Với việc ký hợp đồng dài hạn như vậy, thu nhập của gia đình anh luôn bảo đảm ổn định. Ngoài ra, gia đình anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

"Mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới của gia đình anh Vương Sỹ Lực đã mở ra một hướng canh tác mới cho người nông dân và rất cần được nhân rộng để nâng cao hiệu quả trong canh tác nông nghiệp ở địa phương. " - Ông Vương Đắc Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa

Nguyễn Nga

Tăng độ pH cho đất tái canh cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Chủ đầu tư Dự án Chương trình hỗ trợ phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, kết quả phân tích đất của 11 hộ dân tham gia Dự án tại buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đều chua hơn nhu cầu của cây, do đó nông dân cần phải bón vôi cải tạo đất trước khi tái canh.

Đất trồng cà phê của gia đình ông Y Lê Wi Niê có độ pHKCl 3,98, chua hơn nhu cầu của cây cà phê

Cụ thể, cây cà phê thích hợp với đất có độ chua pHKCl từ 5-6, nhưng phân tích mẫu cho thấy chỉ số pHKCl dao động từ 3,38 - 4,44. Theo các chuyên gia, để đạt hiệu quả tái canh tốt thì nông dân cần bón vôi với khối lượng lớn 1,5-2 tấn/ha. Vôi được rải đều và bừa lẫn vào đất trước khi đào hố trồng dặm. Đồng thời, chú trọng bón phân chuồng hoai mục từ 10-15 kg/hố khi trồng mới.

Thanh Hường

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop