Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 3 năm 2019

Cây giống quyết định tương lai những vườn mắc ca

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Để phát triển cây mắc ca thành cây trồng chiến lược tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng quy trình sản xuất giống theo tiêu chuẩn chất lượng.

700

Các hộ nông dân tìm hiểu kỹ thuật cắt ghép cây Mắc ca

Tại Hội thảo phát triển và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam vừa tổ chức tại huyện Đơn Dương, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển cây mắc ca ở Việt Nam, các ý kiến cho rằng, giống cây trồng có vai trò vô cùng quan trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi cũng như tính đề kháng với côn trùng, dịch hại.

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cây mắc ca được nhập vào nước ta từ năm 1994 với số lượng nhỏ và diện tích tăng dần từ năm 2003, cho đến nay ước tính lên đến vài triệu cây. Vì là cây trồng nhập nội còn mới nên thông tin về giống và quy trình canh tác cũng như công tác nghiên cứu đang tiếp tục triển khai từ Trung ương đến địa phương trồng mắc ca.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Viện nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp, từ năm 2004 đến nay, Viện đã phối hợp với các hộ gia đình, các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu xây dựng được gần 100 ha mô hình khảo nghiệm giống mắc ca ở gần 20 tỉnh, thành thuộc các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm xác định các vùng sinh thái phù hợp cho gây trồng mắc ca cũng như chọn lọc các giống mắc ca sai quả phù hợp cho từng vùng sinh thái.

Trong nghiên cứu của nhóm tác giả gồm thuộc Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp thì Tây Bắc và Tây Nguyên là 2 vùng có điều kiện sinh thái phù hợp nhất cho năng suất hạt cao nhất, đồng thời có chất lượng hạt tốt nhất.

Kết quả nghiên cứu cũng đưa ra 6 giống có năng suất hạt cao và được công nhận giống gồm: OC; 246; 842; Daddow; A38 và QN1.

Tuy nhiên, hiện nay với sự gia tăng nhanh chóng diện tích mắc ca, nhiều cơ sở, hộ gia đình đã tự ươm giống mắc ca không xuất phát từ cây đầu dòng khiến cho chất lượng giống không đảm bảo. Các hộ dân tự sản xuất cây thực sinh tại gia đình rồi đem trồng hoặc bán. Việc làm này sẽ khiến cây sau khi trưởng thành sẽ ra hoa đậu quả kém.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khuyến cáo, khi người dân trồng tự phát, theo phong trào, trồng cây không theo bộ giống rất dễ rơi vào loại giống có tỷ lệ thu hồi nhân kém.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho rằng, một cây giống đó nó sinh tồn và phát triển cho cả một chu kỳ mấy chục năm thì bà con phải tính toán vì nó thể hiện lợi nhuận bền vững cho người trồng mắc ca. Nếu mua giống không rõ nguồn gốc, sau này không hiệu quả thì mất mát vô cùng lớn. Người dân nên mua giống tại các cơ sở có uy tín, được Bộ NN-PTNT xác nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất giống từ cây đầu dòng. “Nếu người dân chọn nhầm giống không tốt sẽ thiệt hại rất lớn, vì trồng vài năm cây mới cho quả. Thiệt hại về kinh tế khi phải chăm sóc, chờ đợi nhưng thiệt hại lớn nhất là niềm tin vào loại cây trồng đó”, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Võ Duẩn, Giám đốc Công ty TNHH Him Lam Mắc ca phân tích: “Cây đầu dòng đóng vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất cây giống mắc ca ghép. Do đó, cây đầu dòng phải là cây được định danh rõ ràng, được trồng khảo nghiệm và được công nhận phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng trồng đã ra hoa đậu quả, cho năng suất ổn định ít nhất 3 năm trở nên mới được khai thác hom ghép. Cây mắc ca ghép phải được định danh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực trồng, chỉ có như thế năng suất, chất lượng mắc ca mới đạt hiệu quả tối ưu”.

Nghiên cứu và tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất từ khâu chọn giống đến quy trình canh tác, thu hoạch, thu mua và chế biến đóng vai trò quan trọng để phát triển vùng nguyên liệu mắc ca bền vững, đảm bảo cho người dân yên tâm phát triển sản xuất, ông Võ Duẩn nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo mắc ca, cũng là tỉnh đầu tiên quy hoạch trồng cây mắc ca đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Yếu tố giống rất quan trọng với cây mắc ca, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng tới quá trình canh tác sau này. Ban chỉ đạo mắc ca của tỉnh cũng thường xuyên khuyến cáo người dân nên mua giống tại các cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất giống tiêu chuẩn. Trong khi đó, địa phương cũng xác định đây là cây trồng đa chức năng nên khuyến khích người dân phát triển trồng xen với các loại cây như cà phê, chè.

ĐOÀN KIÊN

Phù Mỹ (Bình Định): Người trồng ớt có thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Bình Định

Dù giá ớt lên xuống thường xuyên, có lúc đảo chiều nhưng đến thời điểm này, giá ớt đang nằm ở mức khá, khiến nhiều người trồng ớt phấn khởi.

Theo nhiều hộ trồng ớt ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), giá ớt chỉ thiên đang ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg; ớt sừng (loại ớt chỉ địa) đang ở mức cao, dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, có lúc vọt lên mức 45.000- 47.000 đồng/kg - gấp hàng chục lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Ông Đinh Hoàng Anh, thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang chăm sóc ruộng ớt của mình.

Ông Ngô Văn Tứ (thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang), cho biết, trước Tết, giá ớt chỉ địa chỉ ở mức 2.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng ớt Đông - Xuân trà sớm trên chân đất cao, gò đồi, không buồn hái bán, tiền thu về không đủ trả công hái. Sau tết, giá ớt bất ngờ tăng mạnh lên và đạt mức “kịch sàn” là 47.000 đồng/kg trong khoảng 5 ngày liền. Đây là đỉnh giá trong 5 - 6 năm trở lại đây. Nếu giá ớt tiếp tục duy trì ở mức từ 22.000- 25.000 đồng/kg, người trồng ớt vẫn có thu nhập khá.

Ông Đinh Hoàng Anh (thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang) trồng 7 sào ớt cho hay: “Mỗi sào ớt tôi đầu tư khoảng 3 triệu đồng. Bình quân mỗi sào thu hoạch được xấp xỉ 1 tấn ớt, với giá 22.000đ/kg, trừ chi phí, người trồng ớt cầm chắc khoản lãi gần 20 triệu đồng, cao hơn trồng lúa rất nhiều”.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN &PTNT huyện, do giá ớt mấy năm qua khá bấp bênh, nên vụ ớt Đông- Xuân năm nay diện tích ớt của Phù Mỹ chỉ còn chừng 890 ha. Dù phấn khởi khi ớt được giá nhưngchứng kiến sự thất thường của giá ớt trong khung thời gian quá ngắn, nông dân vẫn đắn đo rất nhiều khi tính toán đến việc phát triển diện tích.

THANH TRỌN

Chọn hướng đi nào?

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Nhiều địa phương có diện tích tiêu lớn của Đồng Nai đang triển khai các dự án cánh đồng lớn trồng tiêu sạch để nâng giá trị cho tiêu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Quang (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) giới thiệu hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel tại vườn tiêu của gia đình

Trong đó, cái gốc vẫn chính là sự thay đổi tư duy của nông dân làm nông chuyên nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng chất lượng, có doanh nghiệp bao tiêu.

* “Tiếp sức” cho tiêu

Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trước thực trạng nông dân ồ ạt trồng tiêu, Sở đã khuyến cáo người dân địa phương ngưng mở rộng diện tích. Để giải bài toán đầu ra bền vững cho nông sản nói chung, cho cây tiêu nói riêng, Đồng Nai đang triển khai các dự án cánh đồng lớn sản xuất an toàn, liên kết doanh nghiệp bao tiêu. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung phát triển ngành chế biến để tăng giá trị cho nông sản.

Vườn tiêu gần 2 hécta của gia đình ông Nông Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác cụm 2, xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) chết vì dịch bệnh, ông vẫn quyết định đầu tư trồng mới bằng giống tiêu mới cho năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt. Theo ông Thành: “Tổ hợp tác tiêu của chúng tôi sản xuất đạt chuẩn VietGAP nên ngay cả giai đoạn đầu ra khó khăn vẫn có doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định hơn ngoài thị trường. Với việc chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất và đạt năng suất cao thì tiêu vẫn là cây trồng cho thu nhập ổn định với nông dân”.

Ông Nguyễn Văn Quang (xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) là người tiên phong trồng tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel. Nói về giải pháp tăng sức cạnh tranh cho cây tiêu trong giai đoạn khó khăn, ông Quang chia sẻ: “Tôi tự bỏ công ủ phân bón hữu cơ; sử dụng các giải pháp sinh học trong phòng và trừ bệnh nên năng suất vườn tiêu của tôi năm sau cao hơn năm trước, lại hạn chế được rủi ro dịch bệnh. Giai đoạn thị trường tiêu khó khăn, nông dân càng cần phải quan tâm đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới để vừa giảm giá thành sản xuất, vừa tạo ra sản phẩm an toàn thì mới tạo ra lợi thế cạnh tranh”.

* Phải làm tiêu sạch

Ông Nguyễn Hồng Phúc, nông dân chuyên làm tiêu sạch được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu đi những thị trường khó tính tại huyện Cẩm Mỹ cho rằng: “Điều quan trọng nhất để tăng giá trị xuất khẩu của tiêu Việt Nam vẫn là ở tư duy sản xuất của nông dân. Họ phải thật sự chuyên nghiệp trong đầu tư để có giải pháp giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng. Trong đó, xây dựng được thương hiệu bằng uy tín chất lượng thì ngay cả khi thị trường tiêu gặp khủng hoảng như hiện nay họ vẫn có lợi nhuận”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) so sánh: “1 tấn tiêu Việt Nam xuất khẩu thường có giá thấp hơn từ 200-300 USD so với mặt bằng chung của thế giới. Nguyên nhân là do tiêu Việt Nam không có thương hiệu, bị đánh giá thấp về chất lượng, nhất là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên phải chấp nhận ở phân khúc giá rẻ”.

Để tính bài toán cạnh tranh cho tiêu Việt Nam, ông Luân cho rằng ngành hồ tiêu cần hướng đến phát triển bền vững, nâng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Muốn như vậy, nông dân phải đầu tư khoa học - kỹ thuật để sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc. Khâu thương mại cũng cần phải tổ chức lại, giảm bớt trung gian.

Đây cũng là mục tiêu của tỉnh Đồng Nai trong việc triển khai chương trình xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất an toàn, liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết: “Toàn huyện hiện còn trên 2 ngàn hécta tiêu. Từ đầu năm 2018, huyện đã triển khai dự án sản xuất tiêu sạch đạt chuẩn GlobalGAP với mô hình điểm khoảng 10 hécta tại xã Thanh Bình, sản phẩm có doanh nghiệp bao tiêu. Từ những mô hình điểm này sẽ nhân rộng ra cho nông dân, khuyến khích họ chuyển hướng sản xuất sạch để có đầu ra bền vững và ngày càng quan tâm đầu tư khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất và lợi nhuận cho vườn tiêu”.

Lê Quyên

Chuối xiêm sản lượng ít, giá tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thời điểm này, nhu cầu sử dụng chuối xiêm tăng mạnh, nhưng sản lượng hiện tại khá ít nên các thương lái đã chủ động nâng giá thu mua.

Theo anh Nguyễn Văn Thảo (ảnh), thương lái ở tỉnh Vĩnh Long, thu mua chuối xiêm trên địa bàn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), chuối xiêm hiện nay được thu mua với giá dao động từ 70.000-75.000 đồng/chục (10 nải), bình quân tăng 15.000 đồng/chục so với cách nay một tháng. Nếu vài tháng trước chỉ cần 3 ngày gia đình anh đã thu mua đầy ghe khoảng 10.000 nải thì bây giờ phải mất từ 5-6 ngày mới thu mua đủ số lượng. Chuối sau khi mua về được vận chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh giao cho các đầu mối với giá từ 80.000-90.000 đồng/chục.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Long Hồ (Vĩnh Long): Chôm chôm mùa nghịch giá cao, nhà vườn phấn khởi

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Thời điểm này, nhiều nông dân trồng chôm chôm ở các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) phấn khởi vì giá chôm chôm nghịch vụ đang được thương lái thu mua với mức giá khá cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước những ngày qua, thương lái đến tại vườn thu mua chôm chôm Java với mức giá dao động từ 18.000- 21.000 đ/kg, gấp đôi so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Riêng chôm chôm Thái có giá dao động từ 45.000- 50.000 đ/kg, chôm chôm đường giá từ 20.000- 22.000 đ/kg.

Sở dĩ giá chôm chôm thời điểm này đạt mức cao là do năm nay nhiều vườn trồng chôm chôm xử lý không đạt năng suất nên cung không đủ cầu.

Tin, ảnh: HỒNG NAM

Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh

Nguồn tin:  Nông Nghiệp VN

2 tháng đầu năm nay, giá trị XK của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh. Đâu là nguyên nhân?

Thanh long XK sang Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm nay, có tới 6 mặt hàng nông sản chủ lực giảm về giá trị XK so với cùng kỳ năm trước, trong đó có những mặt hàng bị suy giảm khá nhiều.

Cụ thể: Gạo đạt 311,594 triệu USD, giảm 23,4%; cà phê đạt 551,762 triệu USD, giảm 19,3%; hạt điều đạt 390,902 triệu USD, giảm 16,7%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 151,828 triệu USD, giảm 13,3%; hạt tiêu đạt 100,918 triệu USD, giảm 12,5%; rau quả đạt 585,498 triệu USD, giảm 9,7%; TĂGS và nguyên liệu đạt 84,443 triệu USD, giảm 1,4%. Như vậy, 2019 là năm mà XK nông sản 2 tháng đầu năm có nhiều mặt hàng bị giảm giá trị XK nhất trong 10 năm qua (năm 2016, có 6 mặt hàng bị giảm giá trị XK trong 2 tháng đầu năm là cà phê, chè, hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ).

Trong danh mục thống kê các nhóm hàng hóa XK chủ lực của Tổng cục Hải quan, co 12 mặt hàng thuộc ngành nông nghiệp là thủy sản; rau quả; điều; cà phê; chè; hạt tiêu; gạo; sắn và sản phẩm từ sắn; TĂGS và nguyên liệu; cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm mây, tre, cói và thảm. Dẫu biết rằng những tháng đầu năm thường không phải là thời điểm chính về XK của phần lớn mặt hàng nông sản chủ lực, nhưng việc có tới 7 mặt hàng bị giảm giá trị XK trong 2 tháng đầu năm, là một điều đáng lo ngại.

Nguyên nhân chính là gì? Không khó để nhận ra đó là những khó khăn về mặt thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Trong 7 mặt hàng bị giảm giá trị XK, có tới 4 mặt hàng mà Trung Quốc là thị trường lớn nhất, gồm gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, rau quả, TĂGS và nguyên liệu.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, XK rau quả sang Trung Quốc đang bị chững lại do một số chính sách, quy định mới của nước này như không mua bán qua đường tiểu ngạch, phải có chứng nhận nguốn gốc, thông tin trên bao bì … Về những quy định mới từ phía Trung Quốc, ông Shi Xinbiao, một chuyên gia về thị trường Trung Quốc, cho biết rõ thêm rằng ngày 10/12/2018 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo khẩn đối với Hải quan cả nước Trung Quốc, trong đó đưa ra những yêu cầu rõ ràng đối với các hạng mục kiểm dịch hoa quả XNK giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Theo đó, từ 1/1/2019 các cơ quan Hải quan khi tiến hành kiểm dịch thực vật với hoa quả nhập từ Việt Nam, phải xác nhận hoa quả có nguồn gốc từ các nhà vườn, các cơ sở đóng gói đã được đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận. Nếu phù hợp với yêu cầu thì mới cho phép tiến hành kiểm dịch. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc không phải từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng kí thì không được phép nhập vào Trung Quốc.

Khi các DN của Trung Quốc NK hoa quả của Việt Nam qua Cục kiểm dịch XNK Quảng Tây xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập cảnh” thì cần phải cung cấp hình ảnh chụp bao bì có chứa những thông tin truy xuất chất lượng hoa quả. Ngoài ra DN phải ghi rõ bằng tiếng Anh và tiếng Trung tên, xuất xứ, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói hoa quả, cũng như mã vạch, mã QR, tem nhận diện chống hàng giả để tiện kiểm tra, theo dõi.

Những chính sách, quy định mới vừa được áp dụng từ đầu 2019, khiến cho XK rau quả 2 tháng đầu năm sang Trung Quốc gặp khó khăn. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực XK sang Trung Quốc cũng gặp khó khăn tương tự.

Việc Trung Quốc đang xả kho ngô dự trữ, khiến cho giá ngô của nước này trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế như sắn lát, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới XK sắn, nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sang thị trường này. Với hạt gạo, nhu cầu yếu của thị trường thế giới, cộng với những khó khăn mới trong XK gạo sang Trung Quốc như đánh thuế cao tới 50% từ giữa năm 2018 và một số quy định khắt khe khác, đã khiến cho giá trị gạo XK giảm mạnh nhất trong các mặt hàng nông sản chủ lực.

Với các mặt hàng điều, cà phê và hạt tiêu, giá trị XK giảm có nguyên nhân chính là do giá XK những mặt hàng này đều giảm khá nhiều do cung đang vượt cầu trên phạm vi toàn cầu. Thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn đang chịu sức ép dư cung, giá giảm chủ yếu ở các quốc gia sản xuất chính như Brazil, Việt Nam, Ấn Độ. Thị trường cà phê toàn cầu cũng như vậy do sản lượng cà phê tăng cao ở các quốc gia sản xuất chính như Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia dẫn đến giá giảm. Ngoài ra một số quốc gia sản xuất cà phê đang có kế hoạch gia tăng sản lượng mặt hàng. Cụ thể: Kenya đang lên kế hoạch cải thiện sản lượng cà phê từ mức 35 triệu lên 240 triệu kg/năm; Ethyopia cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng cà phê gấp 5 lần so với hiện tại trong vòng 5 năm tới…

SƠN TRANG

Đưa ít nhất 200 cán bộ nông nghiệp sang Nhật Bản học tập

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Năm 2018 là năm đầu tiên thí điểm đưa cán bộ, lao động HTX đi học tập, lao động ở nước ngoài, đã có 39 cán bộ xuất cảnh đi Nhật Bản học tập.

Theo số liệu tại cuộc họp do Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tổ chức ở TPHCM ngày 11-3, năm 2018 cả nước có thêm 1.920 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 9 liên hiệp HTX thành lập mới, nâng số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên 13.856 HTX và 39 liên hiệp HTX. Chất lượng của HTX được nâng cao, tỷ lệ HTX loại tốt và khá khoảng 55%; số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,8 lần, từ chưa đầy 200 HTX năm 2017 lên trên 520 HTX năm 2018. Mỗi địa phương có ít nhất 3 - 5 mô hình liên kết chuỗi giá trị hiệu quả, có sự tham gia của các HTX và doanh nghiệp đầu vào, đầu ra đối với các sản phẩm chủ lực. Cùng thời gian này, cũng đã giải thể 381 trong số 700 HTX nông nghiệp cần giải thể. Năm 2018 là năm đầu tiên thí điểm đưa cán bộ, lao động HTX đi học tập, lao động ở nước ngoài, đã có 39 cán bộ xuất cảnh đi Nhật Bản học tập.

Nhiệm vụ trọng tâm 2019 của ngành kinh tế hợp tác là thành lập tối thiểu 2.000 HTX nông nghiệp, trong đó 60% HTX ở mức khá, giỏi, hỗ trợ và khuyến khích khoảng 1.000 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, duy trì và nâng cấp 550 HTX nông nghiệp hiện nay và hỗ trợ mới cho 450 HTX. Thu hút khoảng 500 cán bộ trình độ đại học, cao đẳng về làm việc ở HTX nông nghiệp, nâng số này lên 900 - 1.000 cán bộ cho cả nước; tiếp tục thí điểm đưa ít nhất 200 cán bộ HTX nông nghiệp sang Nhật Bản học tập.

CÔNG PHIÊN

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop