Tin nông nghiêp ngày 16 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 16 tháng 01 năm 2020

Sợ rủi ro, nhiều nhà vườn không mặn mà với thị trường tết

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trong khi các nhà vườn ở mọi nơi đang ráo riết tập trung chăm sóc vườn cây để có sản phẩm bán vào dịp Tết Nguyên đán thì nhiều nhà vườn ở Đắk Lắk lại không mặn mà lắm, với lý do rủi ro cao…

Nhiều năm nay, nông dân Đắk Lắk đã tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển mạnh các loại cây ăn trái, chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và khu vực Tây Nguyên. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 22.730 ha cây ăn quả (tăng trên 6.200 ha so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó cây có múi thuộc họ cam, quýt khoảng 1.874 ha.

Vườn cây ăn quả của gia đình chị Trịnh Thị Hoa đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch sau Tết Nguyên đán.

Trước tình trạng diện tích cây ăn quả tăng nhanh, năm nay nhiều nhà vườn đã chủ động điều chỉnh vườn cây cho trái vụ, chứ không nhắm vào thị trường tết như mọi năm. Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Cây ăn trái Vang Thanh Ea Súp (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) cho biết, hiện HTX có 50 ha cây ăn trái các loại (xoài, ổi, chanh, quýt…), mặc dù chỉ mới có một số ít diện tích cho thu hoạch nhưng các thành viên đều không nhắm vào thị trường tết vì năm nay nơi nào cũng trồng được cây ăn trái, nguy cơ dội hàng sẽ cao. Để tránh rủi ro về giá, bà con đều xử lý vườn cây cho ra trái vụ (trước và sau Tết) để phục vụ thị trường ngày thường với giá ổn định.

Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức (huyện M’Đrắk) hiện có 10 ha cây ăn trái (cam, quýt, bưởi) đã được các thành viên thu hoạch bán hết trước Tết Nguyên đán, các nhà vườn đang chăm sóc cho vụ mới sau Tết. Theo chị Trịnh Thị Hoa (thôn 3, xã Cư Prao), gia đình chị có 2 ha trồng xen 600 cây bưởi da xanh, 2.000 cây cam xoàn, 1.000 cây quýt đường. Sau khi tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, chị nhận thấy năm nay diện tích cây ăn trái tăng nhanh không chỉ trên địa bàn Đắk Lắk mà ở cả các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên… nên lượng trái cây tung ra vào dịp Tết sẽ rất lớn, đó là chưa kể các loại trái cây từ miền Tây lên và các loại trái cây nhập khẩu khác. Do đó, gia đình chị quyết định làm trái vụ và bán hết trước Tết Nguyên đán.

Việc tăng nhanh về diện tích, sản lượng, trong khi sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội địa, giá trị xuất khẩu không đáng kể nên giá cả bấp bênh khiến nhiều nhà vườn e ngại đầu tư cho thị trường tết.

Trong khi các nhà vườn lo chăm sóc vụ mới thì các thành viên của HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công (HTX Thành Công) ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đối mặt với sâu bệnh hại gây vàng lá, hư quả, khiến năng suất giảm đến 70%. Ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX cho biết, tổng diện tích của HTX có 110 ha, bệnh vàng lá, thối rễ khiến nhiều vườn cây chết gần hết nên bà con không chú trọng đến thị trường tết, thu hoạch đến đâu bán đến đó. Mặt khác, thị trường trái cây đang bão hòa, các nơi đều trồng cây ăn trái, giá cũng không cao hơn so với mọi năm nên bà con cũng không mặn mà.

Vườn quýt của thành viên HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Vận tải Thành Công đang cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các loại cây ăn quả ở Đắk Lắk có chất lượng tốt ngang với các vùng khác nên người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng. Hiện trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng chuyên canh về cây ăn quả như Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, Buôn Đôn... Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện kịp thời các biện pháp phòng bệnh do thời tiết, thường xuyên thăm vườn để có biện pháp phòng trừ kịp thời…

Minh Thuận

Cao Bằng: Quýt Trà Lĩnh vào mùa

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Quýt Trà Lĩnh đã có thương hiệu riêng, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị ngọt và hương thơm đặc trưng. Từ cây quýt đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ dân, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Quýt Trà Lĩnh được bày bán tại chợ huyện.

Đến xã Quang Hán (Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng) , vùng có diện tích trồng quýt lớn nhất huyện vào những ngày này, khắp các khu vườn rực rỡ sắc vàng của quýt đang mùa chín rộ. Bà con nông dân phấn khởi, tất bật thu hái bán ra thị trường. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng thêm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên năm nay, các vườn quýt đều cho quả sai hơn so với các năm trước. Hiện, người dân đã thu hoạch được khoảng 60% để bán ra thị trường.

Nhìn những vườn quýt sai trĩu quả ít ai biết được rằng cách đây hàng chục năm về trước, giống quýt Trà Lĩnh chỉ được người dân trồng một vài cây trong vườn để phục vụ gia đình. Sau này, nhiều người biết tiếng quýt Trà Lĩnh thơm ngon đã đến vườn thu mua, người dân nơi đây mới nghĩ đến trồng tập trung. Nhờ đó, diện tích trồng quýt cũng tăng lên từng năm. Xã Quang Hán hiện có trên 95 ha quýt. Cùng với việc mở rộng diện tích đất trồng, cây quýt đã đem đến cho người dân xã Quang Hán nguồn thu nhập đáng kể, đặc biệt là khai thác tốt những diện tích đất trống, đất bỏ hoang.

Thời gian gần đây, các hộ dân tại địa phương đã đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc cây quýt theo quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, các vườn quýt đã phát huy giá trị, mang lại thu nhập cho mỗi hộ từ 100 - 300 triệu đồng/vụ, nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Anh Hoàng Văn Đấu, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán cho biết: Gia đình tôi trồng giống quýt bản địa đã hơn chục năm. Hiện, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 50%. Với 500 gốc quýt, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Theo người dân trồng quýt, khi bước vào chính vụ cây quýt sẽ chín đồng loạt, nếu bán không kịp quả sẽ hỏng. Không như loại trái cây khác, quả quýt khó bảo quản, dễ bị dập nát khi vận chuyển. Trồng quýt rất khó chăm sóc, mỗi năm chỉ cho một vụ, nếu không được giá và được mùa nông dân vô cùng khó khăn. Do đó, để có quýt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp bán từ nay đến Tết, người trồng quýt thường căng bạt cho cây để tránh mưa và sương giá. Năm nay, tùy kích cỡ, quýt được chia làm nhiều loại. Càng gần Tết Nguyên đán, tùy thuộc nhu cầu của thị trường, giá quýt cũng sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, quá trình phát triển giống quýt địa phương thành cây hàng hóa là một chặng đường dài của cả chính quyền và nhân dân huyện Trà Lĩnh, bắt đầu bằng đề tài "Phục tráng, bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh" được triển khai tại các xã Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc. Năm 2013, huyện Trà Lĩnh phối hợp với các nhà khoa học tạo ra những cây quýt đầu dòng, nhân giống cây sạch bệnh để trồng đại trà trên địa bàn xã Quang Hán, trồng mới 1,5 ha vườn quýt sạch bệnh, cải tạo 0,5 ha quýt kém hiệu quả và sản xuất cây giống quýt Trà Lĩnh, đáp ứng cho nhu cầu trồng tập trung. Đến nay, toàn huyện trồng được 164 ha quýt, trong đó có trên 60 ha đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã: Quang Hán, Cao Chương, Cô Mười và thị trấn Hùng Quốc, năng suất đạt từ 12 - 15 tấn/ha.

Niềm vui khi khôi phục lại được giống quýt bản địa càng được nhân lên khi thương hiệu quýt Trà Lĩnh có nhãn hiệu tập thể. Năm 2016, quýt Trà Lĩnh được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quýt Trà Lĩnh được khách thập phương biết đến. Văn bằng bảo hộ đó là cơ hội tốt để địa phương quảng bá danh tiếng đặc sản Cao Bằng ra thị trường trong nước và quốc tế. Thế nhưng, đến thời điểm này quýt Trà Lĩnh chỉ được bày bán chủ yếu tại các chợ và các thương lái đến vườn thu mua. Thực tế, người dân tự trồng và tự tìm cách tiêu thụ. Các tem, nhãn của thương hiệu hầu như không được sử dụng.

Theo quy định, logo nhãn hiệu tập thể "Quýt Trà Lĩnh" phải được dán trên từng quả và sử dụng trên tất cả các phương tiện quảng cáo, bao bì, vật dụng chứa sản phẩm. Tuy nhiên, hiện các hộ dân vẫn chưa có ý thức tận dụng giá trị nhãn hiệu, rất ít hộ đầu tư mua tem mang logo nhãn hiệu dán lên quả quýt. Vì vậy, khi bán ra thị trường, khó phân biệt đâu là quýt Trà Lĩnh và đâu là quýt ở nơi khác. Ngoài ra, vỏ của quả quýt có dầu nên việc dán nhãn không giữ được lâu nên khi bán ra thị trường nếu bên mua yêu cầu dán nhãn thì người dân mới dán nhưng chủ yếu là dán trên bao bì khi đóng hộp.

Quýt Trà Lĩnh được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đây là cơ hội lớn cho người dân trong việc phát triển cây trồng đặc sản của địa phương. Đồng thời đặt ra thách thức đối với chính quyền huyện trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu quýt Trà Lĩnh. Trước thực tế đó, huyện tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về giá trị nhãn hiệu "Quýt Trà Lĩnh". Từ đó, các nông hộ sản xuất quýt nói chung phải tuân thủ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất cũng như quản lý, duy trì, bảo vệ và phát triển danh tiếng cho quýt Trà Lĩnh.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Lĩnh Hà Minh Hải cho biết: Hiện nay, huyện tiếp tục nhân rộng diện tích trồng quýt tại các xã lên 20 ha. Liên kết với các công ty, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm quýt ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, tiến hành quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung và sản xuất hữu cơ; áp dụng các biện pháp khoa học đẩy mạnh thâm canh, chọn giống, giải pháp canh tác, mật độ... để các loại cây trồng phát triển tốt, lâu dài, trở thành hàng hóa có uy tín trên thị trường. Đây là hướng đi mới góp phần bảo tồn và nâng tầm thương hiệu quýt Trà Lĩnh.

Hà Thu

Kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa và câu chuyện mang công nghệ về làng

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Thời gian gần đây, với nhiều nông dân ở Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), việc ứng dụng máy bay phun xịt thuốc không người lái (drone) không còn xa lạ mà thiết bị công nghệ này đang trở thành “trợ thủ” đắc lực giúp cho việc đồng áng của nông dân nhẹ nhàng hơn. Việc thành lập mô hình sử dụng máy bay công nghệ thay sức người trong công đoạn phun xịt thuốc là ý tưởng của anh Lâm Trọng Nghĩa (33 tuổi), một kỹ sư nông nghiệp đang công tác tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông.

Kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa bên cạnh chiếc drone

Nông dân khỏe hơn nhờ máy bay không người lái

Theo chân nhóm “biệt đội bay” phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) - cách người dân địa phương thường gọi nhóm dịch vụ phun xịt thuốc bằng máy bay công nghệ của anh Lâm Trọng Nghĩa, chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa rộng mênh mông của xã Phú Đức, huyện Tam Nông. Ở đây, người dân địa phương sống chủ yếu nhờ cây lúa, trung bình mỗi nông hộ sở hữu ít nhất từ vài ha đến vài chục ha canh tác lúa là chuyện bình thường. Diện tích canh tác lớn cũng là một trong những lợi thế giúp huyện Tam Nông thuận lợi trong xây dựng mô hình cánh đồng lớn, tuy nhiên trong bối cảnh thiếu lao động trầm trọng ở vùng nông thôn thì sở hữu diện tích canh tác lớn cũng khiến cho nhiều nông hộ gặp khó khăn.

Theo chân “biệt đội bay”, chúng tôi đến ruộng của anh Võ Thanh Vũ ở ấp Phú Xuân, xã Phú Đức. Hiện tại, ruộng lúa anh Vũ được gần 40 ngày tuổi, đợt phun thuốc này anh sử dụng một số nhóm thuốc để phòng trừ bệnh đạo ôn và rầy trên cây lúa. Hiện gia đình anh canh tác hơn 30ha lúa, với diện tích canh tác như vậy thì việc thuê nhân công phun xịt thuốc vào mỗi vụ mùa luôn là bài toán nan giải với anh. Song từ ngày biết đến thiết bị máy bay phun xịt thuốc không người lái, công việc đồng áng của anh Vũ đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Vừa đến ruộng chưa đầy 10 phút, chiếc drone bắt đầu cất cánh và cần mẫn làm công việc. Nhìn không chớp mắt về phía con drone đang lượn ra lượn vào vèo vèo trên đồng lúa, anh Vũ cười tâm đắc: “Công nhận bây giờ khoa học hiện đại quá, cả trăm công lúa mà xịt thuốc nhanh chớp nhoáng, chứ với diện tích này trước đây phải mấy người gồng lưng quẩy bình xịt cả ngày cũng chưa xong”.

Giống như anh Vũ, nông dân Huỳnh Văn Quang ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông sở hữu hơn 12ha lúa, cũng là một trong những “mối quen” của “biệt đội bay” chia sẻ: “Do sạ lúa tập trung cùng một thời điểm ở các ô bao nên đôi khi có dịch bệnh hoặc rầy tấn công sẽ ảnh hưởng trên diện rộng. Những lúc dịch bệnh bùng phát tập trung thì việc tìm nhân công để phun xịt thuốc luôn khiến tôi đau đầu. Tuy nhiên, từ ngày có mấy cái máy bay này, tôi không lo ngại chuyện thiếu nhân công phun xịt thuốc nữa...”.

Chi phí phun xịt thuốc giữa máy bay và phun truyền thống gần như tương đương nhau, giá trung bình khoảng 200 ngàn đồng/ha nhưng hiệu quả phun xịt của máy bay lại tối ưu hơn. Nhờ hiệu quả phun xịt tốt nên phun bằng máy bay sẽ giảm được khoảng 30% chi phí thuốc BVTV so với phun xịt bằng tay. Dù năng suất lúa không có nhiều thay đổi nhưng nhờ tiết kiệm được chi phí thuốc BVTV nên so với cách phun xịt thuốc truyền thống, ứng dụng máy bay công nghệ có thể giúp nông dân tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/ha”.

Một ưu điểm nổi bật khác của những chiếc máy bay phun xịt thuốc đó là khi sử dụng máy, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, vì vậy hạn chế thấp nhất việc phơi nhiễm thuốc BVTV.

Thể tích bình chứa thuốc khoảng 10 lít, đủ phun cho diện tích 5.000m2 lúa, thời gian phun xịt từ 20 - 25 phút/ha, trung bình mỗi máy có thể phun từ 20 - 25ha

Gian nan buổi đầu máy bay không người lái về làng

Hiện tại, ngoài anh Vũ và anh Quang, Tổ phun xịt thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái của kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa có khoảng trên 200 khách hàng thường xuyên. Bên cạnh những khách hàng thường xuyên tại Tam Nông, “biệt đội bay” còn được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh ủng hộ.

Để đạt được kết quả như hiện tại, phải kể đến những tháng ngày lỳ đòn “chịu đấm ăn xôi” của chàng kỹ sư trẻ. Anh Nghĩa nhớ lại: “Nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, tôi hiểu được những khó khăn của người nông dân trong việc sản xuất lúa hiện nay. Phần lớn các công đoạn trong sản xuất đều được ứng dụng cơ giới hóa nhưng riêng công đoạn phun xịt thuốc BVTV thì hầu như vẫn còn sử dụng thủ công là chính, khiến chi phí sản xuất cao. Để tìm lời giải cho những trăn trở này, tôi đã chọn giải pháp ứng dụng máy bay không người lái vào công đoạn trên”.

Anh Nghĩa từng khăn gói xuống Hậu Giang, nơi có những thiết bị bay đảm nhiệm công đoạn phun xịt thuốc cho người nông dân để tìm hiểu về tính hiệu quả của drone. Anh Nghĩa bày tỏ: “Ban đầu nhiều nông dân Hậu Giang còn ngần ngại nhưng sau khi thấy hiệu quả, bà con rất tin tưởng với mô hình này, sau khi tìm hiểu cặn kẽ, tôi quyết tâm về thực hiện ngay ý tưởng thành lập Tổ phun xịt thuốc BVTV”.

Với suy nghĩ thiết bị bay không người lái sẽ là một trong những chìa khóa giúp xây dựng cánh đồng hiện đại. Hơn nữa, đây sẽ là giải pháp triển vọng giúp nông dân quê nhà giảm bớt áp lực trong canh tác nông nghiệp, anh Nghĩa đánh liều đầu tư một con drone trị giá gần nửa tỷ đồng, bấp chấp sự can ngăn của gia đình.

Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu đến với anh trong việc tìm những khách hàng đầu tiên. “Khi ấy nhìn máy bay, nông dân ai nấy cũng trầm trồ nhưng để drone phun thuốc thì không nông dân nào dám. Họ sợ không hiệu quả, sợ lúa sập, nhiều lúc máy bay chưa kịp cất cánh thì nhiều nông dân đã bỏ về không chịu xem đến cuối buổi. Nhưng cũng còn an ủi bởi trong số bà con nông dân sau khi xem trình diễn cuối cùng cũng có một nông dân đặt hàng phun thuốc”, anh Nghĩa nhớ lại.

Drone sẽ bay theo lộ trình đường bay được thiết lập sẵn, khi hết thuốc drone sẽ tiếp tục tự động quay về nạp thuốc và bay về vị trí cũ để phun thuốc

Khi những người trẻ bắt tay làm nông nghiệp hiện đại

Với những va vấp buổi đầu, anh Lâm Trọng Nghĩa hiểu rằng, để tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp bằng các ứng dụng công nghệ thì làm một mình rất khó để thành công. Xuất phát từ suy nghĩ đó, anh bắt đầu tìm thêm những cộng sự có chung ý tưởng và đam mê để hợp tác. Người đầu tiên gia nhập vào “biệt đội bay” là anh Lê Quốc Trung (33 tuổi), bạn học phổ thông của anh, cũng là kỹ sư nông nghiệp.

Anh Lê Quốc Trung tâm sự: “Nhiều năm gắn bó với nông dân và cả các doanh nghiệp, tôi nghĩ điểm nghẽn lớn nhất trong xây dựng chuỗi liên kết ở ngành hàng lúa gạo chính là việc kiểm soát lưu tồn thuốc BVTV trong hạt gạo. Với thói quen và tập quán lâu đời, nông dân rất khó để có được lượng hàng lớn đồng chất để cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu khi mà mỗi miếng ruộng, mỗi nông dân phun xịt đủ kiểu. Tuy nhiên, nếu được hướng dẫn, tư vấn kỹ lưỡng về các loại hoạt chất cấm không được sử dụng trong sản xuất lúa xuất khẩu thì lúa của nông dân sẽ đảm bảo an toàn để xuất khẩu. Để làm được điều này ngoài nhiệm vụ cung cấp dịch vụ phun xịt thuốc thì nhân viên trong từng nhóm bay của chúng tôi phải được đào tạo các kiến thức về nông nghiệp vững vàng để có thể tư vấn cách dùng thuốc, thời điểm phun thuốc hiệu quả và tiết kiệm nhất cho nông dân. Trong định hướng sắp tới, Tổ phun xịt thuốc BVTV của chúng tôi sẽ làm như thế, bởi chúng tôi nghĩ rằng, với những giải pháp có thể mang lại lợi nhuận cao nhất thì nông dân sẽ gắn bó với mình”.

Hiện tại, 2 chàng kỹ sư trẻ cũng đang ấp ủ xây dựng một nền nông nghiệp dựa trên nền tảng 4.0. Theo đó, 2 anh đang tìm hiểu về một sản phẩm khác là máy bay nhận biết quang phổ, đảm nhiệm chức năng thu thập dữ liệu về sức khỏe của từng khu vực lúa thông qua màu lá lúa. Từ đó, nhóm sẽ xây dựng dữ liệu tổng quát, khu vực lúa nhiễm sâu bệnh, thiếu nước, thừa phân... Sau khi dữ liệu được trí tuệ nhân tạo phân tích, sẽ đưa ra giải pháp quản lý dịch hại hiệu quả. Đặc biệt, máy bay mang thuốc đến nơi cần để phun không phải phun hết thửa ruộng. “Song, tất cả chỉ đang còn là những ý tưởng, hiện tại nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là làm sao để mở rộng được mạng lưới của mình, kêu gọi nhiều “bạn đồng hành” hơn nữa để nâng số máy bay nhiều nhất có thể. Hiện tổ phun xịt thuốc của chúng tôi đang sở hữu 4 máy...”.

Với những hiệu quả tích cực của mô hình, Dự án Tổ phun xịt thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái của 2 kỹ sư trẻ đạt giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba Cuộc thi khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Lưu Văn Tiến - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông đánh giá, dự án này rất phù hợp với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt, việc áp dụng máy bay phun thuốc sẽ giải được bài toán thiếu nhân công, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Mỹ Lý

Cải thiện thu nhập nhờ nuôi dê tại Đak Đoa

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Glar (huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã chọn chăn nuôi dê là hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Bước đầu, nghề chăn nuôi dê đã cho thấy hiệu quả, giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập.

Gia đình chị Alor Như Loan (làng Dôr 2) trước đây chỉ trông vào 5 sào cà phê nên cuộc sống khá khó khăn. Để cải thiện thu nhập, năm 2015, chị quyết định đầu tư chăn nuôi dê. Chị lặn lội sang tận Đak Lak mua 5 con dê cỏ (4 dê mẹ và 1 dê đực) về nuôi, đồng thời tìm mua giống cỏ tốt nhất về trồng xen vào vườn cà phê để làm thức ăn cho dê. Chị Loan cho biết, dê là động vật ăn tạp nên việc kiếm thức ăn cho chúng không khó. Người nuôi có thể tận dụng thức ăn có sẵn như lá gòn, lá keo dầu, lá mít, lá xoan hay trồng cỏ, khoai lang cho dê ăn. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư chăn nuôi ít, dê lại mắn đẻ nên nhanh có lãi. “Sau 4 năm nuôi, đàn dê của gia đình tôi đã tăng thêm 64 con. Tôi đã bán 63 con (bao gồm cả dê thịt và dê giống), thu được hơn 100 triệu đồng. Hiện gia đình tôi vẫn còn 6 con dê để làm giống. Gia đình đang dự định sẽ trồng thêm khoai lang để chủ động thức ăn nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi”-chị Loan cho hay.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Glar (huyện Đak Đoa) đã cải thiện thu nhập nhờ chăn nuôi dê. Ảnh: H.T

Nhận thấy chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, năm 2016, gia đình anh A Lâm (cùng làng) cũng đã bỏ ra 7,5 triệu đồng để mua 5 con dê cỏ về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình anh đã phát triển lên 75 con. Ngoài để lại 10 con dê khỏe nhất làm giống, anh đem bán số còn lại, thu về gần 130 triệu đồng. Từ số tiền này, anh đầu tư trồng hơn 200 trụ hồ tiêu vào vườn cà phê đã già cỗi. Anh A Lâm chia sẻ: Dê hay mắc bệnh tiêu chảy, loét miệng truyền nhiễm, chướng bụng đầy hơi và ký sinh trùng. Tuy nhiên, nếu đảm bảo thức ăn tươi mới, không bị ôi thiu hay quá cứng, chuồng nuôi luôn khô ráo thì dê rất ít khi bị bệnh. Dê lại nhanh sinh sản và bán khá được giá (giá dê thịt 120 ngàn đồng/kg) nên cho lãi cao. Vì vậy, gia đình đang dự định sẽ mở rộng chăn nuôi dê. Anh cũng mong Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi để có điều kiện phát triển chăn nuôi, cải thiện thu nhập.

Theo anh Mlây-Chi hội trưởng chi hội Nông dân làng Dôr 2, mỗi năm, dê mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Chỉ sau 5 tháng nuôi, dê đã đạt trọng lượng 25-30 kg/con. Bán với giá trung bình 120.000 đồng/kg sẽ thu được trên 3 triệu đồng/con. “Đến nay, làng có 7 hộ nuôi dê. Hầu hết các hộ đều đánh giá là nuôi dê cho lãi cao. Họ cũng đang có ý định mở rộng chăn nuôi dê nên rất mong Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn ưu đãi”-anh Mlây cho hay.

Ngoài làng Dôr 2, hiện nay, nhiều hộ dân ở các làng khác trên địa bàn xã Glar cũng đang chọn chăn nuôi dê làm hướng đi mới để cải thiện thu nhập. Chị Nhêm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar-cho biết: Người dân trong xã bắt đầu chú trọng chăn nuôi dê từ năm 2015. Đến nay, toàn xã có hơn 20 hộ chăn nuôi dê với số lượng 6-10 con dê mẹ/hộ. Qua khảo sát của Hội, tuy chăn nuôi dê là nghề phụ nhưng cho lãi cao hơn so với nuôi bò hay trồng cà phê. Đặc biệt, ngoài việc có thêm thu nhập từ bán dê, người dân còn có nguồn phân để bón cho cây trồng. “Ngoài các hộ đang chăn nuôi dê có dự định mở rộng quy mô thì trên địa bàn xã hiện có nhiều hộ nghèo cũng mong muốn chăn nuôi dê để cải thiện thu nhập nhưng còn gặp khó về nguồn vốn. Vì vậy, Hội Nông dân xã đã lập danh sách và đang đề nghị Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương hỗ trợ vốn để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển chăn nuôi dê. Hội mong các cấp Hội và Nhà nước giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ giống cỏ và tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho dê; đồng thời, chuyển đổi việc tặng bò theo chương trình nông thôn mới cho hộ nghèo sang tặng dê để phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi, giúp người dân nhanh có thu nhập để thoát nghèo”-Chủ tịch Hội Nông dân xã nêu nguyện vọng.

HỒNG THƯƠNG

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Để đảm bảo sức khỏe cho đàn bò trong những ngày giá rét, gia đình chị Bàn Thị Vui, xóm Độc Lập, xã Phúc Chu (Định Hóa) đã dự trữ rơm rạ và trồng thêm 2 sào cỏ voi. Ảnh: T.L

Mặc dù mùa Đông năm nay đến muộn hơn so với những năm trước, nhưng theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Chính vì vậy, để chủ động ứng phó với thời tiết, bà con nông dân huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc.

Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của người dân xã Quy Kỳ (Định Hóa). Toàn xã hiện có gần 400 con trâu, bò và trên 5.000 con dê. Trước đây, người dân có thói quen chăn thả gia súc tự do trên rừng nên vào mùa Đông nên thường xảy ra tình trạng gia súc bị chết đói, chết rét. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng trâu, bò bị chết vì đói, rét không còn do bà con đã dần từ bỏ tập quán chăn thả gia súc tự do; đồng thời, chủ động hơn trong phòng chống rét, dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Từ Điển, Phó Chủ tịch xã Quy Kỳ cho biết: Đối với hầu hết các hộ nông dân trên địa bàn xã, gia súc không chỉ là nguồn sức cày, kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là tài sản có giá trị lớn của mỗi gia đình. Nếu gia súc bị dịch bệnh hoặc chết rét, không ít gia đình sẽ lâm vào cảnh trắng tay, đối diện với nguy cơ tái nghèo. Chính vì vậy, hiện nay, người dân rất quan tâm đến việc phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc. Vào mùa Đông, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chủ động sửa chữa, gia cố lại chuồng trại, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho gia súc và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc khi xảy ra rét đậm, rét hại…

Gia đình ông Trần Văn Tiền, thôn Gốc Hồng, xã Quy Kỳ hiện đang nuôi 7 con trâu. Rút kinh nghiệm từ những mùa Đông năm trước, năm nay, ngay từ đầu tháng 10 Âm lịch, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, gia đình ông đã gia cố, che chắn chuồng trại bằng bao tải và bạt cũ để ngăn không cho gió lạnh, sương muối làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn trâu trong những ngày giá rét. Bên cạnh đó, sau khi gặt lúa mùa, ông cũng tích trữ một lượng lớn rơm khô để làm thức ăn cho đàn trâu trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, không thể đưa trâu ra ngoài chăn thả. Ngoài rơm rạ dự trữ, gia đình ông còn trồng thêm cỏ và chuẩn bị cám gạo, ngô, sắn, nước muối... để bổ sung, tăng sức đề kháng cho đàn trâu trong những ngày rét đậm, rét hại.

Cũng giống như gia đình ông Tiền, ngay sau khi đợt không khí lạnh đầu mùa tràn về, gia đình ông Ma Văn Đức, thôn Nà Chát, xã Linh Thông đã chủ động đưa 5 con bò đang chăn thả trên rừng về nhà nuôi nhốt để tiện trông coi, chăm sóc. Ông Đức chia sẻ: 5 con bò của gia đình tôi trị giá hơn 100 triệu đồng. Đây là tài sản lớn nhất của gia đình nên tôi không thể chủ quan được. Ngoài việc sửa chữa, che chắn lại chuồng trại và chuẩn bị các loại thức ăn dự trữ, tôi còn tiêm vắc - xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y xã.

Theo thống kê, hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Định Hóa có trên 24.700 con, trong đó, 5.521 con trâu; 5.000 con bò và 14.200 con dê. Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc đã và đang trở thành hướng phát triển kinh tế chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện. Vì vậy, công tác bảo vệ an toàn cho đàn gia súc trong mùa giá rét có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hằng năm, ngay khi bước vào mùa Đông, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Huyện cũng đã thành lập các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, kiểm tra và hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.

Nguyên Ngọc

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop