Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 02 năm 2016

Kiếm bộn tiền dịp Tết nhờ rau cần

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Trồng rau cần có thu nhập ổn định, thậm chí là thu nhập rất cao, nhất là trong mấy ngày Tết. Đây là thời cơ cho những bà con nông dân có vườn, ruộng trồng rau và biết nắm bắt thời vụ, cây trồng.

Trồng và bán rau cần nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Hợi (xã Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, chưa bao giờ giá rau lại cao kỷ lục như đợt vừa qua. Song theo bà Hợi, mức giá này cũng giúp bà con sản xuất bù lại được một phần thiệt hại sau đợt mưa rét kéo dài vừa qua.

Bà Hợi hái rau cần bán trong những ngày rau xanh tăng giá.

Nhận thấy, rau cần vừa dễ trồng lại vừa có giá dịp Tết nên năm nào cũng vậy, bà Hợi tranh thủ vụ màu, trồng thêm lứa rau cần (mỗi lứa 25 – 30 ngày) giúp tăng thu nhập cho gia đình. Mặc dù, ruộng rau cần chưa được 1 sào Bắc Bộ (chỉ có 260m2) nhưng gia đình bà Hợi đã thu về tiền triệu một cách dễ dàng sau mỗi vụ.

Được biết, mỗi mớ rau cần có giá 17.000 đồng (ngày mùng 2 Tết), gấp 3 lần ngày thường; Gia đình bà Hợi có 10 luống rau cần, mỗi luống bán được khoảng 4 triệu đồng.

“Mấy hôm trước Tết, thời tiết rét đậm, rét hại, mưa lớn kéo dài, tôi lo quá! Chỉ sợ hỏng hết ruộng rau. Cũng may, tôi chăm sóc cẩn thận nên ruộng rau cần ít bị ảnh hưởng”, bà Hợi chia sẻ.

Còn bác Nguyễn Thị Thủy (Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) có 2 sào trồng cần cho hay, nhân giống rau cần rất đơn giản, chỉ dùng phân vịt để mục, bón trong thời kỳ sinh trưởng và phun thuốc chống đốm lá. Rau thường không có sâu nên không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“So với trồng lúa thì trồng rau cần hiệu quả hơn nhiều. Sản xuất rau cần có thu nhập ổn định, trừ chi phí, 1 sào rau cần gia đình tôi thu lãi 20 – 25 triệu đồng/vụ”, bác Thủy chia sẻ.

Được biết, nhu cầu rau xanh những ngày Tết tăng cao, nhiều người dân tranh thủ hái cả rau non ở những ruộng mới trồng đem bán để tăng thêm thu nhập.

Ruộng rau cần "hái ra tiền" của những người nông dân vất vả.

Tuy nhiên, theo chị Hải Hà (Hà Đông, Hà Nội), mâm cơm ngày Tết nhiều thịt nên rau xanh luôn được các gia đình ưa chuộng. “Ăn thịt mấy ngày Tết ngán lắm, nay chỉ muốn có chút rau xanh cho đỡ xót ruột. Rau đắt thì mua ít vậy. Đối với gia đình tôi, món bún xào rau cần là được nhiều người ưa thích nhất. Món này vừa mát lại không bị nhanh ngán”, chị Hải Hà cho hay.

Miền Bắc vừa trải qua đợt rét kỷ lục, ảnh hưởng đến nguồn cung khiến rau xanh tăng giá đột biến. Nhiều người không khỏi “giật mình” khi biết giá rau xanh tăng từ 2 - 3 lần so với trước đó, thậm chí, có loại tăng gấp 7 lần khiến nhiều bà nội trợ đắn đo trước khi rút hầu bao. Ngược lại, đây lại là dịp kiếm bộn tiền của những người nông dân biết nắm bắt thời vụ, cây trồng.

Linh Hà

Ngày xuân nói chuyện làm giàu: Thu 800 triệu đồng/ha/năm từ trồng rau công nghệ cao

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Có một nông dân ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trồng rau công nghệ cao "không nhà lưới" XK được sang Nhật...

Nông dân Huỳnh Đoàn Thông bên hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động được lập trình sẵn nhằm chăm sóc cây rau (cà tím, khổ qua, bầu bí) ở chế độ tối ưu.

Do giá mủ cao su xuống thấp, chỉ còn khoảng 26 triệu đồng/tấn mủ nên không ít nhà vườn đốn bỏ để trồng cây, nuôi con khác có hiệu quả hơn.

Trong đó, có việc trồng rau công nghệ cao “không nhà lưới” trên đất cao su của một nông dân ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mang lại hiệu quả cao.

Lãi 600 triệu đồng/ha, năm

Men theo con đường nhỏ nằm sát bìa QL1 đi huyện Trảng Bàng, theo số điện thoại 0988545295 chúng tôi tìm đến trang trại 3 ha của nông dân Huỳnh Đoàn Thông (55 tuổi) ở ấp Lộc Thuận, xã Lộc Hưng.

Gần hai năm trước, diện tích này được phủ kín bởi cây cao su đang khai thác, tuy nhiên do giá mủ thấp chưa đến 3.000đ/kg mủ khô, tức 30 triệu đồng/tấn/ha. Tổng cộng 3 ha thu nhập 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí 30%, còn lại 63 triệu đồng/năm tính ra không có hiệu quả.

Thế là, vào tháng 1/2014, ông Thông quyết định cưa cây bán gỗ được gần 200 triệu đồng. Với số vốn này ông dốc hết đầu tư vào việc trồng rau theo công nghệ cao với thu nhập bất ngờ lên đến 800 triệu đồng/ha/năm.

Ông Thông là một trường hợp cá biệt ở địa phương, bởi theo ông Hà Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng, hầu hết người nông dân trong xã sau khi phá bỏ cây cao su thì đa số trồng giống bắp lai F1 cho một số Cty giống hoặc đầu tư trang trại nuôi bò.

Nếu trồng 1 ha giống bắp lai hợp đồng với Cty CP (Thái Lan) hoặc Cty Bioseed (Ấn Độ), chỉ trong vòng 4 - 5 tháng đạt năng suất 8 tấn/ha sẽ có thu nhập 30 - 40 triệu đồng/ha; còn nuôi bò thịt với số lượng lớn 30 con thì mỗi lứa bò vỗ béo 2 - 3 tháng, mỗi tháng bò tăng trọng 40 - 50 kg/con. Sau thời gian được vỗ béo, mỗi con xuất chuồng đạt từ 4 - 6 tạ, lời ít nhất 3 triệu đồng/con trở lên.

“Tuy nhiên, từ trước đến nay, các Cty giống hạn chế hợp đồng với nông dân do đầu ra sản phẩm F1 không ổn định, còn nuôi bò muốn hiệu quả phải có diện tích trồng cỏ, mà vấn đề này không hẳn ai cũng giải quyết được.

Vì vậy, vẫn biết rằng trồng cây cao su không có hiệu quả bằng cây, con khác, nhưng việc lựa chọn để thay nó bằng một mô hình khác thật sự có hiệu quả hơn là không dễ”, ông Thuận nhấn mạnh.

Mới gặp ông Thông lần đầu, ít ai nghĩ rằng ông là một nông dân chính gốc do tác phong nhanh nhẹn và kiến thức khoa học nông nghiệp khá rộng. Ông bảo trước khi phá bỏ 3 ha cao su, ông đã phải bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu về kỹ thuật trồng rau công nghệ cao, đặc biệt tìm đối tác giải quyết đầu ra sản phẩm.

Ông dẫn chúng tôi đi tham quan 2 ha cà tím XK đang phát triển xanh tốt được trồng bằng phương pháp “giá thể”, tức trồng trong bầu đất, xơ dừa, tro trấu và phân chuồng ủ hoai. Đây là giống cà tím được phía Nhật bao tiêu sản phẩm, đổi lại người trồng phải đảm bảo tuyệt đối tiêu chuẩn kỹ thuật do đối tác đưa ra, trong đó phun thuốc trừ sâu luôn dưới ngưỡng “cấp độ” cho phép.

Giống cà tím này có tên Senryo do phía Nhật cung cấp với giá 100 triệu đồng/kg, trồng được 20 ha. Sau 1 tháng trồng là thu hoạch và kéo dài 4 - 5 tháng, năng suất bình quân đạt 40 tấn/vụ/ha. Làm một phép tính, 1 kg cà tím bán qua Nhật Bản giá 10.500đ, vị chi có trên 400 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí công lao động, vật tư khoảng 30%, vẫn còn lãi gần 300 triệu đồng. Một năm sản xuất hai vụ cà tím, tính ra lãi ròng lên đến 600 triệu đồng/ha.

Ngỡ rằng tôi không tin, ông đưa cho tôi xem hợp đồng mua bán cà tím với một Cty của Nhật Bản có trụ sở tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM với các điều khoản ràng buộc khắt khe như: Tất cả các loại thuốc trừ sâu và hóa chất khác dùng trong canh tác phải là những loại được bên B (phía Nhật) chấp nhận; ngoài ra bên B sẽ không mua cà tím nếu phát hiện trên trái có những biểu hiệu của lỗ sâu hoặc có sâu bên trong; trái hư, sẹo, chai cứng, đặc biệt là có mùi thuốc sâu..

Bí quyết là gì?

Ngoài việc trồng 2 ha cà tím, ông dành ra 1 ha trồng khổ qua và bầu bí. Riêng khổ qua, với năng suất 30 tấn/ha/vụ 5 tháng, bán vào chợ rau và siêu thị với giá 5.000đ/kg, ông Thông đã có thu nhập thêm gần trăm triệu đồng/năm.

Trước đây lúc trồng cao su, mỗi năm ông sử dụng lao động đếm trên đầu ngón tay để bón phân và cạo mủ, còn nay tổng số lao động thường xuyên ăn ở làm việc trong trại đã là 10 người với mức lương 5 triệu đồng/tháng với các công việc chính như làm cỏ, phun thuốc, thu hoạch và phân loại sản phẩm.

Diện tích trồng khổ qua theo công nghệ cao tiêu thụ nội địa, chủ yếu bán cho các siêu thị

Do cà tím chủ yếu là XK non, do người Nhật có nhu cầu ăn trái non nên trong phân loại cũng phải chọn trái đảm bảo không được chín (già) quá, trái nhỏ, đẹp, cân nặng từ 85 - 110 gr/trái, chiều dài trái khoảng 12 - 14cm.

Vẫn theo ông Thông, bí quyết trồng rau công nghệ cao đạt kết quả như mong muốn, ngoài việc “dám nghĩ dám làm, kiên trì học hỏi, xúc tiến thị trường”, điều tiên quyết là người nông dân phải đầu tư hệ thống tưới nước và bón phân tự động được lập trình phần mềm sẵn nhằm đạt chế độ chăm sóc cây trồng tối ưu. Giá của mỗi hệ thống thiết bị này NK từ Israel là 180 triệu đồng và tất nhiên trong quá trình sử dụng sẽ giảm được rất nhiều chi phí công lao động và vật tư.

Ngoài ra, trồng cây trong bầu (tức “giá thể”) trên cùng một diện tích có ưu điểm là ít bị bệnh, rút ngắn thời gian giữa hai vụ, lao động có việc làm thường xuyên hơn. Đặc biệt, vụ sau trồng không bị ảnh hưởng, vừa hủy xong vụ trước là có bầu trồng ngay nên khoảng cách giữa hai vụ rất ngắn, chỉ có 5 - 10 ngày.

Sau khi thu hoạch cà tím, các lao động phân loại để phục vụ cho việc xuất khẩu

Trong khi đó, nếu trồng theo cách thông thường, trước khi chuẩn bị cho vụ sau thì đất phải cày bỏ ải, tức không sản xuất nên lao động thất nghiệp có khi cả tháng.

“Từ đầu năm 2015, tôi áp dụng công nghệ mới nên tăng được 2 vụ/năm, từ việc chọn lọc các loại giống rau năng suất vượt trội cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống cung cấp phân bón tự động nên thu nhập đạt cao. Năm 2014 thu nhập từ cà tím chỉ khoảng 400 triệu đồng do trồng 1 vụ, năm 2015 tăng lên 2 vụ nên thu nhập tăng gấp 2 lần.

Quan trọng nhất là trồng cây trong bầu, không cần cày đất, giảm được chi phí. Một lao động có thể vô 300 bầu/ngày mà tỷ lệ hao hụt rất thấp, trong khi gieo trồng ngoài đất vừa có tỷ lệ hao hụt cao mà trong quá trình sinh trưởng cây trồng cũng thiếu tính bền vững hơn”, ông Thông nói.

Theo GS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội BVTV Việt Nam, trong điều kiện nông nghiệp nước ta hiện nay thì công nghệ cao cần hội tụ đủ ba yếu tố.

Thứ nhất, công nghệ đó phải có hàm lượng chất xám cao hơn so với mặt bằng sản xuất hiện tại; thứ hai, công nghệ đó phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ kỹ thuật của địa phương nơi áp dụng; thứ ba, sản phẩm của công nghệ đó phải có chất lượng tốt, an toàn, có giá trị hàng hóa, thị trường và hiệu quả kinh tế.

Như vậy, tuỳ theo đối tượng SX không nhất thiết lúc nào cũng phải SX bằng công nghệ sinh học hiện đại, trồng cây trong nhà kính, nhà lưới đắt tiền mới gọi là công nghệ cao.

ĐỖ QUYÊN

Hết Tết, trái dư vẫn đầy đồng

Nguồn tin: Người Lao Động

Do nhà nhà đua nhau trồng, trong khi nhu cầu của thị trường đối với loại trái cây mới này không nhiều nên trái dư vẫn còn đầy đồng, dù đã hết Tết.

Vài năm trở lại đây, vì muốn có thêm màu sắc vàng rực, suốt năm luôn được dư giả nên nhiều gia đình ở Nam Bộ chọn mua trái dư về để bổ sung vào mâm ngũ quả chưng dịp Tết, thay vì chỉ gồm những quả quen thuộc, như quen gọi: Cầu (mãng cầu), vừa (trái dừa), đủ (trái đu đủ) và xài (trái xoài) như trước đây.

Do lượng cung vượt cầu nên trái dư tồn đọng rất nhiều ở các nhà vườn

Nắm bắt được nhu cầu thiết thực trên, nhiều nhà vườn ở Hậu Giang và TP Cần Thơ đã xuống giống ruộng dư để phục vụ dịp Tết Bính Thân năm nay. Nếu như Tết năm trước, mỗi trái dư có giá từ 3.000 - 10.000 đồng thì Tết này, dư chỉ còn 1.000 đồng/trái nhưng sức mua vẫn thấp hơn rất nhiều so với lượng cung ứng ra thị trường. Nguyên nhân là do cây dư có nhiều trái (cả 100 trái/cây) và nhà vườn xuống giống ồ ạt nên Tết năm nay, thương lái đã ngó lơ đến ruộng dư của nhà vườn. Ngoài ra, trái dư quá nhỏ, không thể ăn được… nên người dân cũng không mặn mà lắm khi chọn mua.

Đã hết Tết nhưng trái dư vẫn còn đầy đồng ở Hậu Giang và TP Cần Thơ

Bà Võ Thị Thu, một hộ dân ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cho rằng: “Nhìn vẻ ngoài vàng rực thì trái dư trông rất đẹp mắt, thích hợp để chưng Tết. Tuy nhiên, trái dư không thể ăn được. Trong khi đó, tâm lý của người dân là luôn muốn được thưởng thức cái “lộc” từ những loại trái cây chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết để lấy may mắn”.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, một thương lái thu mua trái dư ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) thì cho rằng, do trái dư còn quá mới lạ nên người dân ít chọn mua, dẫn đến hết Tết mà trái dư vẫn còn đầy đồng là điều dễ hiểu. Có thể, vài năm nữa trái này mới xuất hiện nhiều trong mâm ngũ quả của người dân Nam Bộ.

Công Tuấn

Đường dài mới biết "ông tám tấn"

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Đã mấy lần theo đoàn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thăm “ông tám tấn” ở vùng xa của xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, nhưng khi “độc hành”, tôi phải vòng đi vòng lại nhiều lượt mới tìm lại đúng con đường đến nơi. Nghe vậy, “ông tám tấn” bảo nếu rẽ vô đây từ đường phố Bảo Lộc thì xa hơn một phần tư từ đường phố Di Linh. Giờ hình dung xấp xỉ ba mươi năm trước, “ông tám tấn” xuất phát từ xứ đồng bằng miền Đông Nam Bộ, hăm hở vượt hành trình rất dài và rất xa thăm thẳm mới đặt chân định canh, định cư nơi chốn này…

“Ông tám tấn” Lê Quang Linh trong vườn cà phê cao sản ở Lộc Đức, Bảo Lâm

Qua cầu Đan Mạch, vượt những đồi cao…

Xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm hai mươi năm trước thường ví như ốc đảo bởi có con suối lớn chảy cắt dọc, xẻ ngang, cách trở giao thông. Nay thì đường nhựa nối những nhịp cầu không chỉ chạy bon bon đến tận các khu trung tâm dân cư, mà còn phân chia nhiều ngã rẽ khiến tôi phải vừa đi vừa hỏi từng chặng mới chạm được bước chân vào sân nhà “ông tám tấn” ở thôn Tiền Yên của xã Lộc Đức này. Những ngày cuối năm cũ 2015, cà phê vào mùa thu rộ rất tất bật, thay vì ra trung tâm thị trấn Lộc Thắng dẫn đường tôi vào xã Lộc Đức như đã dự định trước đó cả năm, “ông tám tấn” phải ở nhà vận hành các cỗ máy xay xát những bao cà phê tươi vừa hái trên cây xuống, rồi trải những tấm bạt ra trước sân để phơi dưới nắng xuân, sẵn tiện chờ tôi đến. “Mấy lần trước, anh ngồi trên ô tô chắc khó thuộc đường như nhiều người khác. Giờ đi xe máy đến nơi thì lần sau không bị lạc nữa. Anh cần ghi nhớ các mốc chính trên đường như: cầu Đan Mạch, cây xăng, trường mẫu giáo… là yên tâm chạy một mạch đến nhà tôi…” - “ông tám tấn” chia sẻ với tôi khi vừa vượt qua hơn một buổi đường xa tới đây.

Cái tên cầu Đan Mạch lần đầu tiên tôi nghe thấy, nhưng phải hẹn dịp sau để tìm hiểu, bởi ngay sau câu chào hỏi, “ông tám tấn” đã “lôi kéo” tôi vào cuộc “vừa đi đường, vừa kể chuyện” giữa bốn bề điệp trùng cà phê. Câu chuyện dẫn nhập về biệt danh “ông tám tấn” xuất hiện từ bao giờ? Và làm sao có thể trở thành “ông tám tấn” được nhiều cán bộ lãnh đạo cấp trung ương, cấp tỉnh đến thăm như vậy?! Chuyện là cách đây khoảng 5 năm, ở xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm nổi lên hộ ông Lê Quang Linh đã ghép “trẻ hóa” thành công 10ha cà phê hơn 20 năm tuổi, mỗi vụ thu hoạch đồng loạt đạt 8 tấn nhân/ha, tăng gấp 4 lần so với năng suất những năm trước đó, vì vậy được ngành nông nghiệp từ cấp huyện lên cấp tỉnh, cấp trung ương xét chọn làm mô hình cà phê ghép tái canh tiêu biểu của vùng Tây Nguyên và của cả nước. Mô hình nhân rộng và lan tỏa khá nhanh, nhiều hộ nông dân từ vùng gần đến vùng xa trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, đã liên tục tìm đến vườn cà phê ông Linh học hỏi kỹ thuật cắt ghép cải tạo, quy trình chăm bón cây cà phê đạt năng suất 8 tấn nhân/ha, từ đó không ai bảo ai, nhưng bỗng nhiên “đồng thanh” gọi ông Linh là “ông tám tấn” lúc nào không hay.

Đường dài ai có ghép chồi mới hay

“Cà phê năm ngoái của hộ gia đình tôi thu được 8 tấn nhân/ha thì năm nay giảm xuống còn 7 tấn/ha. Do nuôi cà phê đa thân, nên cứ một năm năng suất đạt đỉnh 8 tấn nhân/ha thì năm sau giảm xuống còn trên dưới 7tấn nhân/ha và năm sau nữa thì trở lại 8 tấn nhân/ha là khép kín một chu kỳ…” - “ông tám tấn” Lê Quang Linh cho biết. Theo đó, vào thời điểm đầu niên vụ năm 2015 - 2016, mỗi ngày trên 10ha cà phê ghép của ông Linh thu hoạch từ 1,2 - 1,5 tấn tươi; thời điểm thu rộ, con số này có thể đạt đến 15 tấn tươi. Kinh nghiệm gần 30 năm sơ chế cà phê sau thu hoạch ở đất Lộc Đức, Bảo Lâm, ông Linh đúc kết với 2 hình thức: phơi hạt thóc (hạt nhân trái tươi đã bóc vỏ ngay trong ngày thu hoạch bằng máy) khoảng 4 ngày nắng và phơi nguyên vỏ cà phê (phơi nguyên trái cà phê tươi) khoảng 10 ngày nắng trước khi cất trữ vào các kho bảo quản trong nhà. Ở giai đoạn đầu ra sản phẩm, ông Linh bán cà phê nhân nhiều đợt trong năm khi mức giá thị trường xét thấy hợp lý nhất. Cụ thể, niên vụ năm 2014 - 2015, tổng sản lượng thu được 80 tấn nhân, ông Linh bán ra 4 đợt mới hết - đợt cuối cùng vào tháng 10/2015, giá mỗi ký từ 36.000 - 38.500 đồng. “Hàng năm, cộng tất cả mọi chi phí thâm canh tỉa cành, làm cỏ, bón phân, tưới nước, công lao động… trên mỗi hecta cà phê ghép cải tạo khoảng 2 tấn cà phê nhân, trừ ra thì còn lại là lãi ròng từ 5 - 6 tấn nhân...” - “ông tám tấn” Lê Quang Linh tính nhẩm.

“Ông tám tấn” Lê Quang Linh (cầm loa) giới thiệu quy trình canh tác cà phê ghép năng suất cao với quan khách

Ông Linh kéo một cành có hai nhánh cà phê dày đặc trái từ trên “độ cao” hơn ba mét xuống thấp ngang ngực và tiết lộ rằng, thu hoạch xong thì hai cành này phải cưa bỏ để nuôi hai chồi mới đang phát triển bên dưới, sang năm sẽ trở về mức năng suất cao hơn. Cách làm này tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu trên mạng internet đến các buổi hội thảo, tập huấn rồi trao đổi kinh nghiệm hàng ngày giữa nhà nông với nhà nông với nhau. Nhớ hồi mới chân ướt chân ráo với “tay nghề” trồng lúa từ vùng đồng bằng miền Đông Nam Bộ lên xã Lộc Đức, Bảo Lâm thuộc vùng núi Tây Nguyên, ông Linh cùng vợ phải vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn khi phải tay cuốc, tay liềm, ngày đêm đào tận gốc, trốc tận rễ từng bụi cỏ tranh um tùm, vỡ đất trồng dâu, nuôi tằm ngắn ngày để nuôi cây cà phê trồng dài ngày. Vừa làm vừa học nghề trồng, chăm sóc cà phê trong mọi điều kiện có được, hết qua năm tháng này đến năm tháng kia, ông Linh và vợ cố gắng chắt chiu, tích lũy từng khoản hoa lợi nhỏ, kiên trì, nhẫn nại học hỏi từng quy trình canh tác, từng kỹ thuật ghép chồi, không bỏ cuộc khi gặp vụ mùa thất bát, quyết tâm mở rộng đơn vị diện tích cà phê chỉ hàng ngàn mét vuông từ gần 30 năm trước, tăng lên hơn trăm ngàn mét vuông đến bây giờ.

“Bây giờ nước, phân, cần, giống của cây cà phê đòi hỏi khắt khe nhiều lắm. Đất Lộc Đức, Bảo Lâm mấy mươi năm trước có độ ẩm cao, dinh dưỡng nhiều, sâu bệnh ít, nay thì ngược lại” - ông Linh nhận định. “Giáo trình” mà ông Linh (trình độ văn hóa lớp 5) đã tự “biên soạn” từ việc “đối thoại” gần ba thập niên với từng cành cây, ngọn cỏ, rãnh đất… trong 10ha diện tích cà phê ghép cải tạo năng suất cao, cũng khá dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc với tất cả mọi người tìm đến tham khảo, áp dụng. Như về các công đoạn ghép mầm chồi cao sản với gốc cà phê 20 năm tuổi, năm đầu chặt bỏ một phần ba thân cây để đón đủ ánh sáng nuôi 5 chồi ghép mới dưới gốc; năm thứ hai chặt bỏ hai phần ba thân cây còn lại để ghép 5 chồi cuối cùng. Ba năm sau, 10 chồi ghép sinh trưởng thành 10 thân mới đồng loạt cho trái thu hoạch. Tưới tràn nước dưới gốc cây vào mùa khô, một lần tưới kéo dài 12 giờ, khoảng 2 tuần tưới một lần. Bón phân mỗi năm chia thành 5 đợt, trong đó chiếm phần lớn là lượng phân gà, phân cút, phân hữu cơ vi sinh được chế biến từ vỏ hữu cơ. Bơm thuốc bảo vệ thực vật hàng năm 4 đợt để phòng, trừ các bệnh mọt cành, rệp sáp, nấm gỉ sắt, thán thư. Dùng máy phát làm sạch cỏ, thu gom cùng với lá khô và các loại xác bã thực vật khác rồi chôn xuống rãnh đất đào sâu khoảng 30cm giữa hai hàng cà phê…

“Dù đã đạt 8 tấn nhân/ha/năm với quy trình ghép cải tạo, thâm canh ổn định diện tích 10ha cà phê của mình, nhưng tôi vẫn thường xuyên bổ sung những kỹ thuật, kinh nghiệm mới tiếp cận được, nhằm mục đích giữ vững năng suất thu hoạch này với thời gian lâu dài hơn nữa…” - “ông tám tấn” Lê Quang Linh chân tình.

Ghi chép: VĂN VIỆT

Đầu năm thăm “thủ phủ” hồ tiêu

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Nhờ có lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, cây hồ tiêu trên vùng đất Đông Nam bộ đã và đang trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của các địa phương trong khu vực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Các năm gần đây, giá hồ tiêu tăng cao đã giúp nhiều nông hộ vụt thành “đại gia”. Lúc này, hồ tiêu được ví như cây… tiền.

Gặp “vua” hồ tiêu

Những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, cây trồng ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) bắt đầu thay “áo mới”, rẫy vườn được bà con trong vùng tỉa tuốt, rào chắn, chuẩn bị cho mùa canh tác mới. Xuân Thọ được mọi người biết đến là vùng chuyên canh hồ tiêu khá nổi tiếng ở Đồng Nai; cả xã có diện tích tiêu tương đối lớn với 500/1.570ha cây trồng lâu năm. Tiêu Xuân Thọ cho năng suất trung bình từ 2,5 tấn - 3 tấn/ha, nhiều diện tích nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật đạt năng suất trên 8 tấn/ha. Ở địa phương này, bà con ngưỡng mộ tay nghề trồng tiêu của nông dân Trần Hữu Thắng (ấp Phước Lộc, xã Xuân Thọ), với danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới”, do Hiệp hội Hồ tiêu thế giới phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương vinh danh vào năm 2013.

Trong không khí của những ngày đầu xuân, thấy chúng tôi đến, nông dân Trần Hữu Thắng không khỏi xúc động đưa bàn tay chai sạn mở cánh cổng ngôi biệt thự đón vào nhà. Sau vài câu thăm hỏi, ông Thắng chủ động dẫn chúng tôi ra vườn tiêu để vừa tham quan vừa chuyện trò theo nếp nhà nông. Chỉ tay vào gốc tiêu hơn 15 năm tuổi xum xuê trái, ông Thắng kể thuở ban đầu làm quen với cây hồ tiêu, vợ chồng ông phải kéo nước từ núi Gia Lào về tưới. Ông đầu tư đường ống, máy bơm nước hết 3 cây vàng. Ông Thắng tâm sự: “Hàng ngày vợ chồng đi làm thuê hoặc trồng đậu, bắp, mì để lo miếng ăn từng ngày. Thời gian sắp xếp được là vợ chồng lo tưới, làm cỏ, dựng trụ tiêu. Chúng tôi mơ có ngày vườn tiêu sẽ đem lại tiền tỷ”.

Xoay trở mãi đến năm 2006, ông Thắng mới thực sự trở thành chủ của trên 2ha hồ tiêu. Khi kinh tế dần phát triển, ông mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cũng như áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn tiêu, nhờ đó đẩy năng suất tiêu đạt 6 - 8 tấn/ha. Ông Thắng hồ hởi khoe: “Với cách làm này, dù giá tiêu xuống còn 40.000 đồng/kg, tôi vẫn lời 200 triệu đồng/ha/năm. Mấy năm nay, tiêu hạt có giá 170.000 - 200.000 đồng/kg, dân chúng tôi lãi được từ 700 - 800 triệu đồng/ha”.

Tạm chia tay vùng đất Xuân Thọ, chúng tôi tiếp tục ghé thăm trang trại của anh Nguyễn Văn Mẫn, ở ấp Tân Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), một trong những người thoát nghèo và trở nên khấm khá nhờ trồng tiêu. Cặm cụi bên những gốc tiêu sau Tết Nguyên đán, anh Mẫn tâm sự: Năm 1987, anh từ miền quê Thanh Hóa vào BR-VT làm công nhân cho công trường cà phê. Đến năm 1991, nông trường cà phê giải thể, anh mua lại khoảnh đất gần 1ha để làm kinh tế vườn. Cũng như những hộ gia đình khác trong xã, vợ chồng anh đổ hết vốn liếng vào trồng cà phê. Tuy nhiên, sau đó giá rớt chỉ còn vài ngàn đồng/kg khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Mãi tới năm 2005, cây hồ tiêu đến với gia đình anh như một bài toán để thoát nghèo. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của Trung tâm khuyến nông huyện, vợ chồng anh mạnh dạn phá toàn bộ diện tích cà phê để thay bằng cây hồ tiêu. Sau 3 năm vừa học vừa làm, hơn 1.000 gốc tiêu của anh đã cho thu hoạch bước đầu. Năm 2013, nhờ cây tiêu, vợ chồng anh cất căn nhà khang trang ngay mặt đường với giá 1,2 tỷ đồng. Càng về sau, giá tiêu càng tăng, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua thêm 0,6ha đất trồng thêm 1.000 gốc tiêu. Nhẩm tính sơ sơ, tài sản của anh Mẫn hiện tại cũng trên chục tỷ đồng.

Được anh Mẫn mời về “tệ xá”, chúng tôi ngạc nhiên trước căn nhà to và đẹp của gia đình. Anh Mẫn cười nói: “Trong xã còn nhiều căn nhà to đẹp hơn nhà mình, có hộ còn mua ô tô, mua đất, mở rộng kinh doanh sang các ngành nghề khác… Tôi chưa có điều kiện nên chỉ mở rộng diện tích trồng tiêu, xây căn nhà tử tế và lo cho con cái học hành đàng hoàng là đủ rồi”.

Anh Mẫn chăm sóc vườn tiêu chuẩn bị thu hoạch

Nông thôn vươn mình

Sau Tết Nguyên đán Bính Thân, người trồng tiêu ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) có thêm niềm vui vì hồ tiêu năm nay đậu trái cao và ít sâu bệnh. Năng suất năm nay của toàn huyện ước đạt 7 - 8 tấn hạt hồ tiêu/ha, vượt gấp đôi so với vụ tiêu năm 2015. Nguyên nhân là nhờ thời tiết thuận lợi trong giai đoạn ra bông đậu trái; ngoài ra, giá hồ tiêu tăng cao nhiều năm qua cũng phần nào giúp nông dân đầu tư mạnh và chăm sóc hồ tiêu tốt hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành, huyện Châu Đức (tỉnh BR-VT) cho biết, toàn xã hiện có 860ha hồ tiêu, đang cho thu hoạch 680ha. Trong xã có tới 80% nông hộ trồng tiêu. Giá hồ tiêu những ngày đầu năm 2016 tuy không bằng thời điểm giữa năm 2015 nhưng vẫn được đánh giá là khá ổn định, dao động trong khoảng 165.000 - 175.000 đồng/kg. Về cơ bản, thu nhập đem lại vẫn cao gấp 2 - 3 lần so với cây trồng khác. Thời gian tới, xã vẫn chú trọng định hướng phát triển hồ tiêu là cây trồng chủ lực.

Số liệu từ Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000ha hồ tiêu, được trồng chủ yếu ở huyện Châu Đức với hơn 6.000ha, xếp thứ hai là huyện Xuyên Mộc với hơn 2.500ha... Hiện tỉnh đang triển khai các dự án trồng tiêu sạch để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Còn tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, nông dân đã phát triển diện tích hồ tiêu lên đến hơn 25.000ha. Dù có năm được năm mất, nông dân trong khu vực Đông Nam bộ mỗi mùa thu hoạch hồ tiêu cũng “bỏ túi” trên dưới 500 triệu đồng/ha.

“Cổ súy” cho việc phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu là điều không nên, nhưng có thể khẳng định loại cây có hương vị cay nồng này đã giúp nhiều gia đình nông dân đổi đời. Bà Nguyễn Thị Dáng, Trưởng ban Kinh tế - Hội Nông dân tỉnh BR-VT, cho hay, thời điểm hiện tại người dân đang hết sức phấn khởi do giá tiêu ổn định. Vụ hồ tiêu năm 2016 được đánh giá rất khả quan, thông tin từ các cấp hội cơ sở thì sản lượng hồ tiêu của bà con trong vụ thu hoạch những ngày tới sẽ cao hơn các năm trước. Đó là những tín hiệu vui mừng trong sản xuất nông nghiệp ngày đầu năm.

ĐỨC TRUNG - NÔNG NGÂN

Sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung: Hướng đi đúng

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô, ngành nông nghiệp Hà Nội đã không ngừng phát triển giống lúa và vùng trồng lúa hàng hóa tập trung, chất lượng cao. Qua các chương trình, dự án đã thực hiện, nhiều cánh đồng lúa chất lượng cao, quy mô lớn, tập trung đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân.

Kiểm tra, chăm sóc lúa chất lượng cao.

Những mô hình hiệu quả

Từng nổi tiếng với sản xuất lúa Bắc thơm số 7 và loại gạo "tiến vua", song do tác động của đô thị hóa, nông dân xã Thanh Văn (Thanh Oai) không mặn mà với trồng lúa. Trước thực trạng đó, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (Sở NN&PTNT) đã phối hợp xây dựng mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Thanh Văn, khôi phục lại loại gạo "tiến vua" nức tiếng một thời. Ông Nguyễn Huy Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Văn cho biết: Do nhiều nguyên nhân, vì mấy năm trước, nông dân địa phương không thiết tha với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cấy lúa nên "ly nông" chuyển sang làm việc tại nhà máy, xí nghiệp. Năm 2012, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với giống Bắc thơm số 7 cho hiệu quả kinh tế cao, nên các hộ đã quay lại canh tác lúa hàng hóa. Đến nay, xã Thanh Văn có hơn 300ha sản xuất lúa chất lượng cao. Phấn khởi hơn, gạo Thanh Văn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể với tên gọi "Gạo Bồ Nâu".

Không riêng Thanh Oai, sau một thời gian dài chiếm vị thế độc tôn, các giống lúa lai, lúa thuần đã phải nhường chỗ cho lúa năng suất, chất lượng cao. Theo Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, việc xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là cấp thiết, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Sau 5 năm thực hiện, diện tích lúa chất lượng của các xã không ngừng tăng. Đáng nói, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao không những cho năng suất cao hơn so với gieo cấy đại trà mà còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc canh tác theo hướng tập trung "một vùng, một giống, một thời gian" ngày càng được mở rộng, góp phần chuyển dịch sản xuất lúa theo hướng hàng hóa...

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Đến nay, Hà Nội đã xây dựng thành công cánh đồng lớn sản xuất giống lúa chất lượng với quy mô hàng nghìn héc ta ở nhiều địa phương. Dẫn đầu phải kể đến huyện Ứng Hòa với diện tích gần 3.400ha, chiếm 34% tổng diện tích gieo cấy; tiếp đến các huyện Thanh Oai gần 3.000ha, chiếm 45% diện tích gieo cấy; Đông Anh 2.990ha, chiếm 47% diện tích gieo cấy; Phúc Thọ 1.720ha, chiếm 42% diện tích gieo cấy... Đặc biệt, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao gồm gạo Bồ Nâu - Thanh Văn, gạo thơm Bối Khê - Tam Hưng, gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, chỉ tính riêng 10 quận nội thành, trung bình mỗi năm tiêu thụ khoảng 67.000 tấn gạo chất lượng cao. Hà Nội có khoảng 210.000ha chuyên trồng lúa, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Ðức, Thường Tín... Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu 5 năm tới, tiếp tục tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao (chiếm 70% diện tích sản xuất lúa). Thành phố sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp nông dân duy trì và mở rộng diện tích sản xuất. Đặc biệt, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các HTX chuyên sản xuất các sản phẩm lúa, gạo đặc trưng cũng như mạng lưới liên kết tiêu thụ sản phẩm... Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, duy trì diện tích sản xuất lúa nhưng phải là lúa chất lượng cao; mô hình sản xuất lúa hướng tới theo chuỗi khép kín. Bên cạnh đó, đưa sản phẩm lúa chất lượng của các HTX tiêu biểu tham dự các hội chợ như hội chợ sản phẩm nông nghiệp, từng bước giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận sản phẩm lúa, gạo được sản xuất theo hướng an toàn.

Đào Huyền

“Hai lúa” xuất ngoại

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà lão nông Nguyễn Văn Bớt ở ấp 5, xã Tân Hưng (Đồng Phú). Bên ly trà nóng, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện đời, làm kinh tế rồi thành “chuyên gia” bất đắc dĩ để hướng dẫn cho sinh viên Trường đại học Nông Lâm về thực tập hay đi truyền đạt kinh nghiệm, bí quyết trồng ca cao xen điều cho nông dân tỉnh bạn...

Năm 2014, ông là nông dân duy nhất của Bình Phước cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham dự Festival Cocoa được tổ chức tại thành phố Ba-Li (Indonesia). Với ông, chuyến đi ngắn ngày nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, nhất là về thị trường ca cao.

CHUYÊN GIA “BẤT ĐẮC DĨ”

Cũng như nhiều hộ nông dân “ba chìm, bảy nổi” với nhiều loại cây trồng nhưng vẫn không thoát được đói nghèo, ông Bớt rời Đắk Lắk về Bình Phước lập nghiệp với số vốn dành dụm được để mua lại vườn điều rộng 5 ha. Năm 2006, từ thông tin trên báo chí, ông Bớt biết đến mô hình ca cao xen canh trong vườn điều cho thu nhập cao nên tìm đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên để tìm hiểu và mua cây giống về trồng. Không mạo hiểm ở một chủng loại, ông mua 12 dòng ca cao khác nhau trồng xen canh thí điểm trên 2 ha điều. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, vườn điều 5 ha của ông đều được trồng xen ca cao.

Lão nông Nguyễn Văn Bớt hướng dẫn sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại vườn ca cao của gia đình

Vừa trồng vừa nghiên cứu, học hỏi, đến nay, vườn ca cao của ông đã bước sang năm thứ 9 với năng suất đạt 1,6-1,7 tấn/ha. Để bán được giá cao, ông học kỹ thuật lên men cho hạt ca cao. Với ca cao lên men, ông bán giá 70 ngàn đồng/kg hạt khô, 60 ngàn đồng/kg hạt xô. Trong khi ca cao không lên men chỉ bán giá 45-50 ngàn đồng/kg hạt khô. Ngoài nguồn thu ca cao, mỗi năm ông còn thu trên 10 tấn điều, kết hợp với nuôi gà thả vườn. Với 5 ha, ông thu lợi trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Từ thành công của gia đình, năm 2008, 32 hộ dân trồng ca cao ở xã Tân Hưng đã liên kết với ông thành lập Tổ hợp tác ca cao Tân Hưng do ông làm tổ trưởng. Tổ hợp tác hoạt động trên tinh thần tự nguyện để truyền đạt cho nhau kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ ca cao nên không bị tư thương ép giá. Trong 2 năm 2012, 2013, ca cao rớt giá, nhiều nông hộ đã chạy theo phong trào chặt bỏ cây ca cao. Bởi vậy, từ 200 ha năm 2008 đến đầu năm 2015, Tổ hợp tác ca cao Tân Hưng chỉ còn 60 ha. Trăn trở với việc cây ca cao bị “khai tử” sớm, ông Bớt ngày đêm nghiên cứu đầu ra, tìm giải pháp vận động các hội viên không chặt bỏ mà tăng cường chăm sóc vườn cây để nâng cao năng suất. Cuối năm 2014 đến nay, giá ca cao tăng trở lại, nhiều hộ dân đã quay lại với cây trồng này. Năm 2015, Tổ hợp tác ca cao Tân Hưng trồng mới 15 ha xen canh trong vườn điều, nâng tổng diện tích lên 75 ha. Ông Bớt cho biết: “Trồng ca cao phải thăm vườn thường xuyên, kịp thời phát hiện sâu bệnh để điều trị, tỉa cành, tạo tán đúng cách và phải đảm bảo đủ phân bón, độ ẩm, bóng mát cho cây...”.

Từ mô hình xen canh cho hiệu quả kinh tế cao, ngôi nhà của ông Bớt ít khi vắng khách vì người dân khắp nơi tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ hướng dẫn cho nông dân trong tỉnh, từ năm 2013 đến nay, ông liên tục được mời đi báo cáo kinh nghiệm trồng ca cao tại các hội thảo, diễn đàn do Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT tổ chức. Nhiều đoàn khách các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm. Ông đã hướng dẫn cho 15 sinh viên Trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đến thực hiện các bài tập, khóa luận tốt nghiệp tại vườn xen canh ca cao của gia đình. Sinh viên Nguyễn Thanh Tới, Khoa Lâm nghiệp, Trường đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Em được UBND xã Tân Hưng giới thiệu đến thực tập tại mô hình ca cao xen điều của ông Bớt. Mô hình này đang cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy chưa qua trường, lớp đào tạo nhưng ông Bớt có nhiều kinh nghiệm truyền đạt cho chúng em về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, cách phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, ông nhớ các thông số về chi phí đầu tư, sản lượng thu được qua các năm; những vấn đề đặt ra khi thực hiện xen canh, đa canh... như một chuyên gia thực thụ”.

...VÀ XUẤT NGOẠI

Thực hiện tốt mô hình ca cao xen canh dưới tán điều, năm 2014, ông Bớt vinh dự là nông dân duy nhất của tỉnh Bình Phước cùng đoàn cán bộ sở NN&PTNT các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, Ban quản lý Dự án hợp tác công tư (PPP) phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam tham dự Festival Cocoa được tổ chức tại thành phố Ba-Li (Indonesia). Chuyến đi này đã giúp ông có thêm định hướng, chiến lược lâu dài để phát triển cây ca cao.

Sau chuyến đi này, tôi rút ra một kinh nghiệm từ nước bạn là không nên độc canh cây ca cao và không trồng cây bằng hạt. Ở Indonesia, hầu hết ca cao được trồng bằng hạt, cây phát triển tự nhiên, không nhiều cành nhánh nên năng suất chỉ đạt 4-5 tạ/ha. Trong khi ca cao Việt Nam đạt 1,5 tấn/ha. Hạt ca cao ở Indonesia to, mẩy hơn nhưng ở nước bạn không thực hiện lên men nên chất lượng sôcôla không ngon như ở nước ta. (Ông Nguyễn Văn Bớt)

Ông Bớt kể: “Festival Cocoa - Indonesia tổ chức cuối năm 2014 với sự tham gia của 35 gian hàng từ các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số tỉnh, thành của Indonesia. Đoàn Việt Nam cũng có một gian hàng trưng bày sản phẩm ca cao. Gian hàng này do tôi thuyết trình với người tham quan. Sau đó, chúng tôi được đến tham quan vườn ca cao cho năng suất cao của một hộ dân ở Indonesia và tham dự hội thảo đầu bờ được tổ chức ngay tại vườn”.

Qua trao đổi với nông dân Indonesia, ông Bớt biết được Chính phủ Indonesia rất quan tâm đến cây ca cao. Năm 2012, khi ca cao rớt giá, Chính phủ Indonesia đã tuyên truyền, vận động nông dân không chặt bỏ, đồng thời hỗ trợ phân bón giúp họ giảm chi phí đầu tư nên vẫn yên tâm giữ vững diện tích. Trong khi ở Việt Nam, nông dân đua nhau chặt bỏ. Chỉ tính riêng Tổ hợp tác ca cao xã Tân Hưng đã chặt bỏ 140 ha.

Lão nông Nguyễn Văn Bớt hướng dẫn sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại vườn ca cao của gia đình

Ông Bớt nói: “Sau chuyến đi, tôi cập nhật được rất nhiều thông tin về thị trường ca cao thế giới. Tại Bờ Biển Ngà, một trong những quốc gia sản xuất ca cao hàng đầu thế giới nhưng cây ca cao đang bước vào thời kỳ già cỗi nên sẽ giảm lượng cung. Trong khi nhu cầu ca cao của thế giới ngày càng tăng, đặc biệt tăng cao ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... Dự báo đến năm 2020, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao. Trong khi Việt Nam có khí hậu và đất đai rất thích hợp cho cây ca cao phát triển. Sản phẩm ca cao Việt Nam đang xếp hàng đầu thế giới về chất lượng nên trong tương lai, cây ca cao sẽ “không phụ lòng người”, nhất là việc xen canh trong vườn điều sẽ làm tăng thu nhập cho nông dân”.

Trong câu chuyện đầu xuân mới, ông Bớt hồ hởi: “Gia đình tôi có được cơ ngơi như hôm nay là nhờ gắn bó với cây ca cao và điều. Vì vậy, tôi mong ngành nông nghiệp sang năm mới sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn nữa đến người nông dân, đặc biệt là các hộ trồng điều để họ có cơ hội duy trì, phát triển vườn điều và đón một cái tết sung túc, ấm áp, no đủ”.

Minh Luận

Cơm gạo tím than

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Một nông dân trên đường đi làm đồng vô tình phát hiện 3 bụi lúa có màu sắc lạ mọc ven kinh nên nhổ về nhân giống. Sau 2 năm đã trở thành cánh đồng rộng 40ha. Đặc biệt, loại lúa này khi chà ra gạo có màu tím than, ngon cơm và chứa nhiều dinh dưỡng.

Ông Nguyễn Văn Trãi phấn khởi giới thiệu về loại gạo mới.

Hạt ngọc lộc trời!

Cận tết, chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa tím than của hợp tác xã Tân Cường (ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông- Đồng Tháp) vào một buổi sáng dịu mát. Cạnh cánh đồng lúa Jasmine là 3ha lúa tím than đang thu hoạch. Những bông lúa no dài màu nâu sậm, trĩu oằn rung rinh trong gió. Mùi rơm tươi từ cánh đồng này cũng thoang thoảng mùi thơm lạ. Bóc vỏ một hạt lúa tím, bên trong là màu gạo tím than, vị ngòn ngọt, beo béo, thơm thơm.

Nói về hạt gạo mới lạ này, ông Dương Văn Hùng- Phó Giám đốc hợp tác xã Tân Cường cho biết: Cơ duyên đến với hạt giống này rất tình cờ, như hạt ngọc trời ban. Năm 2012, trên đường đi thăm ruộng, ông đã vô tình phát hiện 3 bụi lúa màu tím sậm mọc bên bờ kinh, thấy lạ nên nhổ về và nhân giống sạ được 60m2, sau gần 3 tháng thu hoạch được 25kg lúa. Thấy gạo có màu sắc bắt mắt, nên ông tiếp tục nhân ra và trồng tiếp các vụ sau.

Trúng nhất là vụ Đông Xuân 2014- 2015, thu hoạch được 70 tấn gạo lứt, giá trung bình khoảng 27.000 đ/kg. Cho “chắc ăn”, ông Hùng đã đến Viện Lúa ĐBSCL xin kiểm nghiệm lại nguồn gốc lúa tím than và tiếp tục đưa đến các cơ quan chuyên môn để phân tích hàm lượng dinh dưỡng và độc tố trong gạo. Kết quả thu được thì hàm lượng Omega 3 đạt 40,67mg/100g, hàm lượng Anthocyanin đạt 190mg/kg (2 chất này không có trong các loại gạo thông thường).

Hạt cơm màu tím than bắt mắt, thơm ngon.

Ông Hùng vui vẻ nói: Gạo tím than Tân Cường có hàm lượng vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, tiểu đường, xương khớp, béo phì,... Bên cạnh đó, vì sử dụng phân hữu cơ và sản xuất theo hướng an toàn sinh học nên giảm chất độc hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ kết quả khả quan trên, ông đã mạnh dạn nhân rộng diện tích, đến nay trong tay ông đã có 20ha lúa tím. Hợp tác xã Tân Cường cũng đang sở hữu diện tích tương đương. Đây là giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn từ 84- 86 ngày, hạt lúa và gạo đều màu tím than. Giống này dễ chăm sóc, có tính kháng sâu bệnh tốt, khá nhất là vụ Đông Xuân vừa qua thu hoạch được 5 tấn/ha.

Ông Hùng nói thêm: Cũng có một số tỉnh- thành khác có gạo tím than song gạo tím than Tân Cường mang nhiều đặc tính riêng hơn như màu tím sậm hơn, hạt nhỏ hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn. Vừa đong gạo, anh Nguyễn Văn Anh- một công nhân của hợp tác xã cho biết: “Loại gạo này cơm dẻo, thơm, mềm, nở gấp 3 lần so với gạo trắng thông thường, phải nấu với tỷ lệ 1 lít gạo/ 1,5 lít nước thì cơm mới ngon. Đặc biệt, cơm rất giàu chất dinh dưỡng. Tôi ăn hoài riết ghiền luôn”.

Ông Lưu Văn Tiến - Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Nông cho biết: Giống lúa tím than là giống lúa mới, do nhân viên của hợp tác xã Tân Cường phát hiện và nhân giống. Hiện hợp tác xã đang nhờ phục tráng và đưa vào bộ giống lúa Việt Nam. Ưu điểm của giống là kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu, ít nhiễm bệnh cháy bìa lúa. Gạo tím than giàu chất dinh dưỡng, vitamin A, B, chất xơ. Sản phẩm này đã có mặt tại một số siêu thị. Ngành nông nghiệp cũng có hướng nhân rộng loại giống lúa này.

Hướng đến mở rộng quy mô, xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc hợp tác xã Tân Cường, tuy giống lúa này có năng suất không cao bằng các giống lúa thông thường song nó đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bởi đây là giống lúa mới, hợp tác xã mới bắt đầu mở rộng diện tích năm nay nên rất mong muốn được giới thiệu đến người tiêu dùng một giống gạo sạch, an toàn, sản xuất bằng phương pháp hữu cơ và các chế phẩm sinh học, với hương vị tự nhiên 100%.

Những bông lúa màu tím trĩu oằn bông.

Song do đây là loại gạo mới nên hiện vấn đề đầu ra cũng còn khó khăn. “Giá trị kinh tế cao nhưng do chủ yếu còn tiêu thụ nội địa nên vẫn đắn đo chưa nhân rộng thêm nữa”- ông Trãi nói. Dù vậy, vẫn có tín hiệu đáng mừng là một số cơ sở y tế tư nhân đã có kế hoạch nghiên cứu để bổ sung loại gạo này làm thực phẩm gạo chức năng.

Thêm vào đó, nhiều đối tác từ Nhật Bản, Hoa Kỳ đã đến tham quan và đặt vấn đề thu mua với hợp tác xã. Hiện thị trường tiêu thụ của loại gạo này chủ yếu ở các tỉnh lân cận và TP Hồ Chí Minh, với giá bình quân mỗi kỳ gạo đã đóng gói là 30.000đ nên hợp tác xã đang cải tiến mẫu mã bao bì sao cho bắt mắt hơn để giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng.

Vừa tiếp đoàn tham quan cánh đồng lúa tím than đến từ Nhật Bản, ông Trãi chia sẻ: Sau khi sản phẩm được công nhận quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tích cực thăm dò tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm thì hợp tác xã sẽ mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc, mở rộng diện tích và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để cung ứng sản phẩm gạo an toàn cho người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu các nước.

Hiện hợp tác xã đang kết hợp với ông Dương Văn Hùng tiếp tục xây dựng nhãn hiệu “Gạo tím than Tân Cường” và nghiên cứu sản xuất theo hướng hữu cơ, tiếp tục phân tích các hàm lượng dinh dưỡng để đưa gạo tím than Tân Cường vào nhóm gạo màu chức năng và chế biến các sản phẩm tiếp theo như rượu tím than Tân Cường (dự kiến sẽ ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán 2016), bột gạo tím than Tân Cường.

Trước khi rời cánh đồng lúa tím than, ông Hùng còn thông tin: hợp tác xã đang nghiên cứu vào trồng thử nghiệm thêm giống lúa Nàng Son, được lai tạo giữa gạo hạt trắng và hạt gạo tím than. Rồi đây, bên cạnh những cánh đồng vàng óng, những cánh đồng trĩu tím sẽ tạo ra nhiều cánh đồng với hạt lúa son đỏ. Với sự tìm tòi, tâm huyết cùng hạt gạo, những nông dân này đã và đang cho ra nhiều sản phẩm gạo mới lạ, ngon và hấp dẫn.

Đây ắt hẳn sẽ là một trong những lựa chọn làm quà tết khá mới mẻ, độc đáo cho người thân trong dịp tết đến, xuân về.

Cánh đồng lúa tím than bội thu.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường được thành lập vào năm 2000, với các dịch vụ nông nghiệp như: bơm tưới, cung cấp nước sạch, sấy lúa, bảo quản lúa, sản xuất giống và tiêu thụ lúa hàng hóa... Toàn bộ khâu làm đất và thu hoạch lúa ở hợp tác xã đã thực hiện 100% bằng máy của các thành viên và của hợp tác xã, tổ chức hoạt động, đáp ứng đúng lịch thời vụ từ khâu gieo sạ đến thu hoạch....

Ngoài gạo tím than là loại giống mới, hợp tác xã còn chuyên sản xuất và cung ứng cho thị trường giống gạo Jasmine (chiếm 90% diện tích của hợp tác xã), gạo thơm đặc sản Tân Cường (với diện tích trồng 180ha).

TRUNG NGUYÊN

Hối hả xuống đồng cấy lúa xuân

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Tranh thủ thời tiết ấm, nguồn nước thuận lợi, mùng 3 tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nông dân ngoại thành Hà Nội đã ra đồng làm đất, chăm sóc mạ và gieo cấy lúa xuân. Trên các xứ đồng, tiếng cười, nói của bà con xen lẫn trong tiếng máy làm đất, tạo nên không khí lao động tất bật, khẩn trương nhằm mục tiêu giành vụ xuân thắng lợi.

Nhân dân xã Cam Thượng (Ba Vì) ra đồng cấy lúa xuân.

Mới mùng 3 Tết, khi không khí xuân vẫn tràn ngập trong mọi gia đình nhưng trên cánh đồng Nội thuộc xã Tam Đồng (Mê Linh) nhiều nông dân đã ra đồng chăm sóc mạ, lấy nước, kiểm tra diện tích lúa mới cấy. Bà Bùi Thị Mão, thôn Cư An, xã Tam Đồng cho biết: "Tranh thủ thời tiết nắng ấm, tôi cùng hàng xóm ra cấy dặm diện tích lúa bị chết trong đợt rét đậm, rét hại đầu vụ gây ra". Gia đình bà Mão cấy hơn một mẫu ruộng từ trước tết Nguyên đán, qua kiểm tra cho thấy chỉ một phần nhỏ diện tích bị thiệt hại phải cấy dặm, còn về cơ bản lúa đã bắt đầu bén dễ, hồi xanh.

Xuôi xuống các xã Đại Thắng, Nam Triều, Nam Phong... của huyện Phú Xuyên, ruộng đồng cũng đã no nước. Theo ông Phan Cao Lạc, Bí thư Đảng ủy xã Nam Triều, khi có lịch lấy nước đổ ải, Đảng ủy xã đã có văn bản chỉ đạo HTX Nông nghiệp dịch vụ lập danh sách các hộ dân đăng ký làm đất, cấy máy để triển khai sớm. Đặc biệt, đây là năm thứ 5 xã áp dụng 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất nên các tổ dịch vụ của xã triển khai trong vòng 10-15 ngày là hoàn thành. Qua thống kê cho thấy, vụ xuân 2016, nhân dân xã Nam Triều đăng ký cấy bằng mạ khay, máy cấy khoảng 300ha, chiếm 90% diện tích lúa xuân của xã.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Hữu Thước cho biết: Vụ xuân 2016, Phú Xuyên tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên áp dụng mạ khay, máy cấy. Chính vì vậy, đến nay huyện đã hỗ trợ nhân dân mua được 155 máy cấy, dẫn đầu thành phố về áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, điển hình là các xã Đại Thắng, Nam Triều, Nam Phong, Phú Túc, Văn Hoàng...

Dọc các tuyến quốc lộ 21B, quốc lộ 6 và 32 qua các huyện, thị xã: Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ lên Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì... nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi đã xuống đồng sản xuất vụ xuân cho kịp khung thời vụ. Theo thống kê của Phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội), đến hết ngày 10-2, toàn thành phố mới cấy được gần 3.000ha lúa xuân, đạt 3,1% diện tích. Diện tích lúa cấy tập trung ở các địa phương: Thị xã Sơn Tây cấy được gần 600ha, đạt 35% tổng diện tích; Ba Vì (900ha, khoảng 13%); Phúc Thọ (khoảng 500ha, khoảng 11,5%).

Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, nguyên nhân diện tích lúa xuân 2016 đạt thấp là do TP Hà Nội chỉ đạo cấy trà xuân muộn, tập trung từ ngày 12 đến ngày 28-2. Tuy nhiên, đối với những diện tích lúa xuân gieo cấy trước tết Nguyên đán, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng khuyến cáo nông dân trong những ngày Tết phải thường xuyên ra thăm đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để có biện pháp chăm sóc mạ xuân và diện tích lúa mới cấy.

Để giành vụ xuân thắng lợi, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị thủy lợi huy động tối đa trạm bơm dã chiến hoạt động hết công suất, tiếp nước vào đồng ruộng, trục kênh, mương, ao hồ phục vụ nhân dân làm đất, đổ ải; các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động nhân dân khẩn trương ra đồng làm đất, cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất, phấn đấu hoàn thành 100% diện tích lúa xuân trong tháng 2-2016.

Hoàng Văn

Bình Phước: Người trồng cà phê ở Bom Bo “ngậm đắng”!

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Niên vụ cà phê năm 2015-2016 đã kết thúc. Nhưng với người trồng cà phê ở xã Bom Bo nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung, không còn rộn tiếng cười như những năm trước, bởi cả giá và sản lượng đều “tụt dốc không phanh”.

Bom Bo được coi là thủ phủ của cây cà phê ở huyện Bù Đăng (Tỉnh Bình Phước). Toàn xã hiện có 904 ha cà phê với sản lượng mỗi năm đạt bình quân 1.200 tấn. Những năm qua, cây cà phê đã góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Nhưng giờ đây, đi đâu cũng nghe mọi người bàn về giá cà phê và nỗi lo vì mất giá. Do người trồng cà phê có tâm lý chờ giá lên nên chỉ những hộ có kinh tế khó khăn, bắt buộc phải trả nợ và không còn cách nào xoay xở mới phải bán khi giá cà phê xuống thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng ở thôn 5, xã Bom Bo trữ cà phê chờ lên giá

Ông Bùi Văn Thực ở thôn 5, xã Bom Bo cho biết: “Gia đình có 3 sào cà phê. Mọi năm thu được 7 tạ, bán hơn 40 ngàn đồng/kg nhân, nhưng năm nay, giá giảm chỉ còn trên 30 ngàn đồng/kg, tính ra không đủ chi phí đầu tư, chăm sóc. Nếu nhà nào phải thuê người thu hoạch thì cầm chắc lỗ. Giá quá thấp nên nhiều hộ đang trữ lại chờ lên giá”. Còn anh Nguyễn Công Thăng ở thôn 8, xã Bom Bo có 2 ha cà phê, năm nay thu được 3,5 tấn, cho biết sẽ ký gửi đại lý, chờ qua tết giá nhích lên mới bán.

Cà phê là loại nông sản để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Hiện đa số diện tích cà phê ở Bom Bo có năng suất bình quân 2 tấn/ha. Với những bất lợi về thời tiết, dự báo niên vụ cà phê 2016-2017 tiếp tục khó khăn. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Hoàng ở thôn 5, xã Bom Bo đã thu hoạch xong 4 ha cà phê và xát thành hạt để bảo quản. Anh Hoàng cho biết: Những năm trước thời tiết thuận lợi, gia đình thu bình quân 8 tấn cà phê nhân/vụ nhưng vụ này chỉ thu được gần 6 tấn. Mất mùa lại rớt giá, để trả tiền thuê nhân công hái, tôi phải bán một ít, còn lại cất trữ đợi giá lên.

Hiện giá cà phê tươi trong tỉnh chỉ khoảng 6.000 đồng/kg; cà phê nhân trên 30 ngàn đồng/kg, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ giá xuống thấp mà do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho cây rụng nhiều trái non, dẫn đến sản lượng cà phê giảm chỉ bằng 2/3 so với niên vụ 2014-2015. Như vậy, vụ cà phê năm nay vừa mất mùa vừa mất giá.

Ông Nguyễn Văn Phương ở thôn 8, xã Bom Bo than thở: “Gia đình tôi có 5 ha cà phê. Vốn đầu tư trung bình mỗi ha khoảng 30 triệu đồng/vụ, chưa kể tiền công. Năm nay, cả năng suất, chất lượng và giá cà phê đều giảm, lại bị tiểu thương ép giá nên nếu bán thời điểm này sẽ lỗ. Mong sao qua tết giá cà phê tăng, chúng tôi mới có khả năng trả nợ và tiếp tục đầu tư cho vụ tới”.

Ông Nguyễn Đức Đặng, Phó chủ tịch UBND xã Bom Bo cho biết: Thời điểm này năm ngoái, giá cà phê vẫn ở mức 40 ngàn đồng/kg, còn năm nay, giá cà phê xuống nhanh quá. Vì vậy, ngay từ đầu niên vụ 2016 -2017, UBND xã đã khuyến cáo nông dân cần chú trọng hơn việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng sản lượng, lấy công làm lời. Đồng thời vận động các đại lý, công ty bán phân bón theo hình thức trả chậm cho người dân, giúp họ có vốn tiếp tục đầu tư sản xuất.

Hiện trên địa bàn xã có 7 đại lý thu mua cà phê nhưng ở mức nhỏ lẻ nên lượng cà phê doanh nghiệp tích trữ không cao. Giá giảm mạnh dẫn đến lượng cà phê tồn trong dân không nhỏ sẽ gây ra mối lo ngại khi niên vụ cà phê 2016-2017 đang cận kề.

Hữu Dụng

Khánh Hòa: Giá chuối Suối Cát "leo thang"

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Thời tiết nắng nóng khiến Suối Cát - vựa chuối lớn nhất tỉnh Khánh Hòa thất thu đáng kể. Giá chuối Tết cũng vì thế “leo thang” từng ngày…

Vườn chuối của ông Nguyễn Văn Minh đã bán xong.

Sản lượng giảm

Với 750 ha chuối mốc, tập trung nhiều ở thôn Khánh Thành Bắc, Khánh Thành Nam, và 3 thôn Suối Lau 1, 2, 3, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) được xem là vựa chuối lớn nhất tỉnh. Chuối Suối Cát nức tiếng cả vùng Nam Trung bộ vì buồng lớn, trái to, vỏ chuối có màu trắng sáng tự nhiên do có một lớp phấn phủ ngoài (cũng vì thế chuối Suối Cát còn gọi là chuối mốc), khi chín lại cho màu vàng sáng đẹp, để lâu cũng không thâm đen nên được người dân chuộng mua để thờ cúng, đặc biệt vào ngày Tết.

Những buồng chuối mang danh Suối Cát.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thành Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát, vụ chuối Tết năm nay, lượng chuối trên địa bàn giảm mạnh. “Do nắng hạn gay gắt nên nhiều diện tích chuối cho năng suất thấp (3-4 nải/buồng), thất thu nhất là ở thôn Khánh Thành Bắc. Toàn xã ước chỉ có khoảng hơn 30% diện tích chuối cho buồng từ 7-8 nải chất lượng cao. So với năm ngoái, vụ chuối năm nay giảm chừng 60% sản lượng”, ông Huy cho biết. “Năm ngoái, chúng tôi không có bãi để đặt chuối, xe chở ngày đêm không hết. Nhưng đến 16 tháng Chạp, lượng chuối gom được còn hạn chế”, ông Phạm Xuân Anh, một người thu mua chuối ở Suối Cát nói.

Giá liên tục tăng

Thường từ 23 tháng Chạp, người dân Suối Cát bắt đầu thu hoạch chuối ồ ạt để cung ứng cho thị trường Tết nguyên đán. Giá chuối cũng theo đó tăng từng ngày.

Xe chở chuối tấp nập phóng về chợ

Chuối được tập trung về

Chờ người mua

Xem hàng và trả giá

Chuối đã có chủ!

Khảo sát cho thấy, thời điểm rằm tháng Chạp, gia đình ông Nguyễn Tân và chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát) chỉ bán được 100.000-150.000 đồng/buồng (3-4 nải). Nhưng sau đó, giá chuối nhích dần lên theo ngày, trung bình thêm 20.000 - 50.000 đồng/buồng/ngày. Đến ngày 25 tháng Chạp, vườn chuối 500 cây của ông Nguyễn Văn Minh (thôn Suối Lau 2) đã bán đứt với giá trung bình 250.000 đồng/buồng, riêng những buồng chuối loại 1 (có 8-9 nải to đẹp) được bán với giá 900.000 đồng. Ông Minh cho biết, chuối loại 1 dao động từ 500.000-600.000 đồng/buồng; chuối loại 2 khoảng 250.000-300.000 đồng/buồng và chuối loại 3 có giá 150.000 đồng/buồng. Tuy nhiên, dù là chuối loại 1, chỉ cần trong buồng có 1 trái chín vàng thì giá lập tức giảm một nửa!

Theo kinh nghiệm hàng chục năm thu mua chuối của chị Nguyễn Thị Ái Vân (thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát), càng cận Tết, khi nhu cầu của người dân tăng cao, giá chuối tại đây còn tiếp tục “leo thang”. Riêng so với thời điểm rằm tháng Chạp năm ngoái, năm nay, giá chuối đã tăng 30%.

Thực tế, đến sáng 25 tháng Chạp, nhiều hộ ở Suối Cát đã bán được chuối với giá 620.000 đồng/buồng. Giá những buồng chuối chất lượng thấp hơn cũng tăng nhưng không đáng kể.

“Sự kiện đặc biệt” ở chợ chuối này là vào sáng 24 tháng Chạp, khi hai anh em ở xã Diên An, huyện Diên Khánh (trồng chuối tại Suối Cát) bán được một buồng chuối loại 1 với giá 2 triệu đồng! “Cả chợ chuối đổ dồn vào xem tôi nhận phiếu, không tin được!”, người em nói. Phấn khởi, ngày 26 tháng Chạp, hai anh em chở tiếp 4 buồng chuối đi bán. Chỉ 4 buồng chuối loại 1 đang chở, người này cho biết, tuy trái chuối cũng căng, màu vỏ sáng đẹp, múp đầu, nhưng do trái ngắn hơn trái chuối của buồng hôm trước, lại còn kẹt một số quả lép ở nải cuối nên anh chỉ phát giá 3 triệu đồng/4 buồng. Sau 1 giờ dạo chợ, anh quyết định chuyển bớt sang cho người anh 2 buồng để rộng chỗ, trông trái chuối “nở” hơn và dặn anh: “Không được bán dưới 1 triệu đồng nhé!”.

TIỂU MAI

Bà giáo về hưu làm giám đốc công ty rau sạch

Nguồn tin: Người lao động

Đến thăm trang trại rau sạch ở thôn Đạ Nghịt, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) của “bà trùm” rau mùi và rau thủy canh Đà Lạt Phạm Thị Thu Cúc một ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ nữ chủ nhân.

Không vòng vo kể lể, bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty Rừng hoa Bạch Cúc, nữ chủ nhân của thương hiệu rau nổi tiếng Đà Lạt, thẳng thắn: “Đừng nhắc lại chuyện khởi nghiệp và duyên nợ với nghề nông của tôi nữa vì điều đó đã cũ rồi. Chuyện tôi là giáo viên về hưu, kinh doanh bất động sản thất bại phải bán hết đất và thuê đất trồng rau rồi làm giàu từ rau sạch ai cũng biết. Điều tôi muốn nói và tin rằng cộng đồng rất quan tâm là mô hình rau thủy canh, loại rau có thể nói là an toàn tuyệt đối với sức khỏe con người”.

Bà Thu Cúc giới thiệu về vườn rau thủy canh xanh non mơn mởn của mình

Nổi tiếng là người cung cấp độc quyền một số loại rau mùi cho hệ thống Metro và một số nhà hàng, khách sạn ở TP HCM, đồng thời là một trong những người đi đầu trong phong trào trồng cà chua “khủng” nhưng từ tháng 5-2015, bà Cúc bất ngờ dừng dự án này để bắt tay vào làm rau thủy canh. “Nói rau thủy canh an toàn tuyệt đối là vì khi trồng không bơm, không xịt thuốc bảo vệ thực vật, đem mẫu đi kiểm nghiệm thì hàm lượng nitrat thấp so với mức cho phép nhiều lần” - bà Cúc giải thích. Một số nhà phân phối đề nghị bà Cúc cung ứng hàng theo dạng hàng nhãn riêng của họ nhưng bây giờ thương hiệu Rừng hoa Bạch Cúc đủ lớn để bảo chứng cho chất lượng sản phẩm và được người tiêu dùng tin cậy. Nhà bán lẻ quay lại yêu cầu ghi nhãn Rừng hoa Bạch Cúc trên sản phẩm để dễ bán hàng. Để được như vậy, bà Cúc đã phải nỗ lực không ngừng, luôn tiên phong trong vấn đề chất lượng, hướng đến mục tiêu mang lại nguồn thực phẩm an toàn cho cộng đồng.

Kể về hành trình làm rau thủy canh, bà Cúc cho hay vào tháng 10-2014, khi Công ty Rijk Zwaan (chuyên về giống cây trồng của Hà Lan) tổ chức tập huấn tham quan mô hình trồng cà chua khổng lồ ở Malaysia, bà đã tận mắt chứng kiến và được chia sẻ về kỹ thuật canh tác rau thủy canh. Trở về Việt Nam, bà quyết tâm làm thử.

“Người đi đầu bao giờ cũng khó. Vốn thì tôi không ngại vì đã được ngân hàng tin tưởng cho vay, cũng không phải lo về đầu ra sản phẩm vì đã có Metro sẵn sàng bao tiêu. Về kỹ thuật trồng cũng đã có chuyên gia Hà Lan hướng dẫn. Khó nhất chính là xây dựng hệ thống dàn trồng thủy canh. Hệ thống này hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, tại Đà Lạt chưa ai biết. Mọi thứ từ nước, điện, hầm tưới, hệ thống dàn… đều phải tự mò mẫm và phải trả giá không ít. Chưa kể việc sử dụng phân bón hóa học 100%, bản thân tôi cũng lo ngại sẽ tồn dư trong cây rau. Song, khi thu hoạch, đưa rau đi kiểm nghiệm, tôi mới hiểu với kỹ thuật của nước ngoài, lượng phân bón cung cấp cho cây được tính toán kỹ, đủ cho cây phát triển chứ không tồn dư. Vì vậy, mọi chỉ tiêu luôn dưới ngưỡng cho phép nhiều lần” – bà Cúc tiết lộ.

Đã có rất nhiều người đến vườn rau của bà để tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng rau thủy canh Đã có rất nhiều người đến vườn rau của bà để tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng rau thủy canh Hiện mỗi ngày bà Cúc cung ứng ra thị trường khoảng 500kg xà lách thủy canh, gồm 18 loại, chủ yếu bán ở các chuỗi siêu thị Metro, BigC, Vinmart... và tăng lên 700-800 kg/ngày vào những ngày trước Tết.

Theo bà Cúc, cái khó nhất lúc này là đầu tư ban đầu cho rau thủy canh quá lớn. Làm rau hữu cơ hoặc rau an toàn chỉ cần nhà lồng khoảng 150 triệu đồng/sào, trong khi rau thủy canh cần đến 700-800 triệu đồng/sào, gấp 5-6 lần. Giá rau bán ra tùy thời điểm có cao hoặc thấp hơn rau ngoài thị trường.

“Tôi không so sánh giá rau thủy canh với rau trên thị trường vì giữa công ty tôi và các nhà phân phối thỏa thuận giá để người tiêu dùng có thể mua được. Tuy vậy, cũng khó tính toán lợi nhuận của mô hình này vì chi phí đầu tư quá lớn, khấu hao kéo dài” - bà Cúc bày tỏ.

Bà Phạm Thị Thu Cúc: Phải đam mê mới thành công!

Tôi bén duyên với nghề nông và phát hiện mình đam mê nghề này khá muộn màng. Nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi luôn mong muốn góp phần đưa thực phẩm an toàn lên mâm cơm của mỗi nhà và tuyên truyền cho nhiều người biết về rau sạch. Tới đây, Rừng hoa Bạch Cúc sẽ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, mục đích chính nhằm giới thiệu cho người dân – du khách biết các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Từ thực tiễn của mình, tôi nghiệm ra rằng làm nông nghiệp – nhất là nông nghiệp công nghệ cao, muốn thành công phải thực sự đam mê. Nông nghiệp không dễ thành công nếu không có đam mê. Nếu có tiền, kỹ thuật nhưng không có đam mê thì chưa đủ. Phải yêu, phải hiểu và lao vào làm thực tế thì mới thành công được.

Thanh Nhân

Thức dậy “vàng xanh”

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Tôi theo hương quế ngọt ngào ngược dòng sông Hồng về Văn Yên (Yên Bái) - mảnh đất được ví như “thủ phủ” của quế - loại cây rừng mộc mạc, thuần khiết nhưng ẩn chứa những giá trị kinh tế vô cùng lớn.

Xuân trên vùng quế Văn Yên. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

Hơn khi nào người dân hiểu được giá trị của rừng và lần đầu tiên sản phẩm quế được tôn vinh như sản vật quý tại Lễ hội Quế Văn Yên tổ chức lần thứ nhất năm 2015, làm ấm lòng người dân bản địa, thắp sáng niềm tin trọn đời ơn Đảng, ơn Bác Hồ kính yêu…

Chẳng nhớ cây quế có ở đất Văn Yên từ khi nào, chỉ biết rằng, những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, đồng bào Dao ở xã Đại Sơn đã trồng đồi quế “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Cũng từ đây, cây quế gắn bó khăng khít, thủy chung với đồng bào các dân tộc trong huyện, đưa Văn Yên trở thành địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với trên 23.000 ha, tập trung chủ yếu ở 8 xã vùng cao là Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn.

Bỏ lại sau lưng những thăng trầm, biến động của thị trường, vượt lên những thách thức của thời gian, cây quế đã có vị trí xứng đáng trong cơ cấu cây trồng của huyện khi khẳng định giá trị hơn hẳn lúa, ngô và các loại cây trồng truyền thống khác, trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chính tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái.

Sánh ngang với quế Trà My của tỉnh Quảng Nam hay quế Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi về hàm lượng tinh dầu, sản phẩm quế của huyện Văn Yên đã tham gia vào thị trường xuất khẩu và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan và khắp Đông Âu... Được biết, mỗi năm, huyện Văn Yên khai thác khoảng 1.000 ha quế, sản lượng quế vỏ khô xấp xỉ 7.000 tấn, sản lượng cành lá tận thu khoảng 55.000 tấn, gỗ quế 40.000 mét khối và gần 300 tấn tinh dầu quế được chiết xuất, giá trị thu về gần 400 tỷ đồng.

Người trồng quế đất Văn Yên dẫu vẫn biết cây quế có nhiều giá trị và công dụng nhưng cũng chẳng thể ngờ quế lại quý đến thế. Quế được ví như thể “vàng xanh” - thứ tinh chất thuần khiết chắt chiu từ linh khí của trời đất, kết hương trong khí thiêng của đại ngàn và sự gắn bó máu thịt, cần cù, chịu thương, chịu khó, chứa đựng cả những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân bản địa.

Càng tự hào hơn khi quế Văn Yên nằm trong số 16 sản phẩm trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Giờ đây, cây quế không chỉ còn là biểu tượng tinh thần của riêng đồng bào Dao trên đất Văn Yên mà được người dân trong huyện ý thức phát triển và bảo tồn nguồn giống quý. Sự tri ân hậu hĩnh của rừng, nhất là khi điệp trùng đồi núi được chăm chút bởi ngút ngàn một màu xanh của quế đã trả về người trồng rừng Văn Yên những giá trị kinh tế lớn đến không ngờ.

Ít thấy ở đâu có những nông dân giàu như nông dân trồng quế ở Văn Yên. Với 60 ha quế hiện có, trong đó có trên 40 ha quế trồng từ 25 năm đến trên 30 năm; đặc biệt có gần 200 cây quế giá trị 40 triệu đồng/cây và hơn 100 cây giá trị trên 30 triệu đồng/cây, ông Đặng Nho Quyên ở thôn Thác Cá, xã Mỏ Vàng đang là nông dân người Dao sở hữu số tài sản trị giá lên tới trên 50 tỷ đồng từ trồng quế. Và chuyện những nông dân có tài sản cỡ chừng tiền tỷ từ trồng quế ở đất Văn Yên không còn là điều hiếm thấy.

Lạc vào Đại Sơn - một trong 4 địa phương nằm trong vùng lõi khu bảo tồn nguồn giống quế của huyện, chẳng thể không vui, không ngỡ ngàng háo hức trước cuộc sống ngày một đủ đầy, sung túc của người dân. Mùa quế 2015 tiếp nối một mùa bội thu khi thị trường xuất khẩu quế trên thế giới ít biến động, giá quế tiêu thụ trong vùng ổn định, đem về cho người trồng quế Đại Sơn gần 50 tỷ đồng.

Hiện, xã Đại Sơn có gần 3.000 ha quế đã trồng và đang cho khai thác. Bên cạnh đó, hàng năm, xã thực hiện trồng mới và trồng bổ sung vào diện tích đã khai thác khoảng hơn 150 ha nên đất đai ở địa phương này chẳng còn nơi nào là đồi hoang, núi trọc. Tỷ lệ che phủ rừng đã chiếm 70%, đạt mục tiêu nghị quyết Đảng bộ xã đề ra. Nói như Bí thư Đảng ủy xã Bàn Phúc Minh: “Cây lúa, cây ngô đã bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ của địa phương, thế nhưng quế mới là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính”.

Trồng quế đã trở thành một nghề và những dịch vụ ăn theo cây quế đang được mở ra, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trong vùng. Huyện Văn Yên hiện có trên 200 doanh nghiệp kinh doanh và chế biến quế đứng chân trên địa bàn. Riêng xã Đại Sơn có 1 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, 6 cơ sở thu mua và sơ chế quế, mỗi năm giải quyết việc làm cho không dưới 150 lao động nông nhàn.

Không ly hương, ly nông, người Dao, người Tày, người Kinh ở Đại Sơn nói riêng và các vùng quế vẫn thủy chung, tâm huyết gắn bó với đất rừng quê hương và cây đặc sản quế để làm giàu cho mình, cho địa phương, đưa quế trở thành cây trồng đầu tiên của huyện xây dựng được thương hiệu uy tín.

Miên man với chuyện của người trồng quế, đến thôn 3, gặp Trưởng thôn Lý Văn Lâm tôi mới phần nào hiểu vì sao người dân ở đây luôn coi quế là cây xóa nghèo và làm giàu. Cả thôn 3 có hơn bảy chục hộ nhưng diện tích ruộng nước chỉ có chưa đầy 14 ha. Người dân trong thôn sống chủ yếu dựa vào rừng mà quế là cây chủ lực. Tính trung bình mỗi hộ có chừng từ 3 - 5 ha quế. Theo kinh nghiệm và cách tính toán của Trưởng thôn Lâm, tiếng là cây trồng lâu năm nhưng chỉ từ năm thứ 3 trở đi, quế đã cho khai thác tỉa. Mươi, mười lăm năm sau thì đây thực sự là số tiền tiết kiệm lớn, là của để dành không sợ trượt giá. Chẳng thế mà dẫu đường đất đi lại trong thôn còn khó khăn, cách trở nhưng thôn 3 đã có đến gần nửa số hộ có nhà xây khang khang cỡ chừng bạc tỷ.

Trò chuyện với Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Minh, con trai của cụ Hoàng Văn An - người đã 2 lần được gặp Bác Hồ và cũng chính là người khởi xướng phong trào trồng đồi quế “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ở xã Đại Sơn và huyện Văn Yên, anh Minh cho hay, hiện gia đình anh đang là một trong 2 hộ của xã tham gia vào Đề án bảo tồn giống quế của huyện, trong đó 20 cây quế gần 30 năm tuổi của gia đình đã được huyện lựa chọn để bảo tồn nguồn giống tốt.

Được biết, mục tiêu của Đề án sẽ đưa 12,5 ha quế cây có đường kính 30 cm trở lên, có chiều cao 15 m trở lên tại 4 xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Nà Hẩu để bảo tồn nguồn giống và làm tiền đề phục vụ phát triển du lịch mà Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ Nhất với chủ đề “Cây quế Văn Yên hội nhập và phát triển” đã thể hiện rõ quyết tâm của huyện trong việc quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm quế nhằm thu hút đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch với bạn bè trong nước và quốc tế.

Rời miền đất quế, mang ước vọng của người dân gửi vào xuân mới, tôi thêm tin với lợi thế mà đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mở ra, rồi đây cây quế sẽ hội nhập và phát triển mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của một vùng đất thiêng…

Minh Thúy

Chợ Mới (An Giang) chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả

Nguồn tin: Báo An Giang

Chợ Mới (tỉnh An Giang) có diện tích trồng rau màu cao nhất tỉnh, với hơn 35.000 héc-ta nhờ tiên phong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với các mô hình sản xuất hiệu quả để tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Đây là hướng đi đúng trong xu thế hội nhập.

Ươm giống, trồng màu công nghệ cao

Lãnh đạo huyện Chợ Mới xác định, nông nghiệp phải thật sự là nền tảng để thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển. Xuất phát từ quan điểm đó, từ năm 1995 đến năm 2000, huyện đã chủ động thực hiện khâu đột phá về xây dựng bờ bao kiểm soát lũ để sản xuất vụ 3 ăn chắc, tăng vòng quay của đất, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo đời sống dân sinh. Huyện ủy đã xây dựng “Chương trình hành động đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010”, triển khai đề án “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2001-2008; 2014 -2020” và dự án “Vùng nguyên liệu rau màu xuất khẩu huyện Chợ Mới”. UBND huyện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chú trọng chọn lọc giống để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng màu có giá trị cao, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, vườn cây ăn trái gắn du lịch sinh thái tại 3 xã cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân), mang lại những thành tựu khá nổi bật.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Nguyễn Văn Sanh thông tin: “5 năm qua, huyện đã chuyển đổi 3.464 héc-ta lúa kém hiệu quả sang chuyên canh rau màu, vườn, luân canh 2 lúa-1 màu. Diện tích trồng lúa của huyện chỉ còn 55%, đạt giá trị bình quân hơn 118 triệu đồng/héc-ta; màu, vườn chiếm 45%, đạt giá trị bình quân gần 700 triệu đồng/héc-ta, cao gấp 6 lần trồng lúa. Xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân đã chuyển đổi 100% diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn và màu. Giá trị bình quân 1 héc-ta đất sản xuất cây màu đạt trên 368 triệu đồng”. Đặc biệt, Chợ Mới đã quy hoạch vùng chuyên canh màu 5.000 héc-ta, hệ số vòng quay của đất đạt 3,33 vòng, GRDP đầu người đạt 70,9 triệu đồng/năm.

Trồng màu hệ số đất quay vòng nhanh, kinh tế cao

Nhiều mô hình gắn với chuỗi liên kết giá trị ở Chợ Mới, như: Trồng bắp, nuôi bò, chuyển từ lúa sang trồng màu và làm vườn, du lịch sinh thái... nâng cao thu nhập cho người dân từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm. Sản xuất bền vững và hiệu quả nhất là mô hình 2B (trồng bắp-nuôi bò) cho hiệu quả kinh tế cao. Trồng 1 công bắp, nuôi 3 con bò lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm, đây là mức thu nhập khá lý tưởng đối với nông dân hiện nay. Phân bò còn sử dụng làm khí đốt biogas (mô hình 3B) tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, cải thiện môi trường. Ở các vùng chuyên canh, nông dân trồng nhiều loại màu chủ lực theo nhu cầu thị trường, thời gian sinh trưởng ngắn (1-3 tháng), mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Cây kiệu vụ thu đông lợi nhuận 250 triệu đồng/héc-ta; ớt lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng/héc-ta; khoai cao lợi nhuận từ 100-170 triệu đồng/héc-ta... Với 2.000 héc-ta trồng xoài đang cho trái, mỗi năm nông dân thu lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng kéo theo hình thành thêm mô hình hai nhà “nhà vườn-nhà vựa”. Đặc biệt, mới đây, 7,5 héc-ta vườn xoài của 9 hộ dân xã Bình Phước Xuân đạt tiêu chuẩn VietGap. Đây là tín hiệu tốt nâng cao chất lượng xoài, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Niềm vui trúng mùa xoài của chủ vườn

Các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa sang sản xuất cây, con có giá trị kinh tế cao đang thổi luồng gió mới đến nông dân, bộ mặt nông thôn Chợ Mới ngày thêm đổi mới!

“Huyện xác định các khâu đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là: Giống, thủy lợi nội đồng và ứng dụng khoa học-kỹ thuật để tạo đà phát triển. Việc hoàn thành công trình bờ bao kiểm soát lũ và công trình hệ thống láng nhựa giao thông nông thôn giai đoạn 1995-2002 đã tạo bước chuyển mình đáng kể để người dân mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang màu, vườn đem lại giá trị cao. Chợ Mới còn được Chính phủ đầu tư 1.209 tỷ đồng để thực hiện Dự án Nam Vàm Nao nhằm mở rộng, nâng cấp và kiên cố hóa 2 công trình “thế kỷ” trước đó. Huyện còn xây dựng 166 công trình đê kết hợp với giao thông nội đồng dài 565 km, toàn bộ trạm bơm dầu chuyển sang 519 trạm bơm điện. Nhờ vậy, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng kết hợp với hệ thống đê bao có khả năng chống lũ triệt để cho 22.704 héc-ta/ 84 tiểu vùng và tạo nên hệ thống giao thông nội đồng khá hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo thế vững chắc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi”- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trương Trung Lập đúc kết.

HẠNH CHÂU

Hồ tiêu 2016: Vì sao mất mùa nhưng sản lượng vẫn cao?

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Khoảng tháng 5 năm 2016 mới bắt đầu vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino nên hạn hán xảy ra cả trong mùa mưa, vì vậy đa phần vườn tiêu giảm sản lượng so năm 2015 (năm mất mùa). Nhưng diện tích tiêu tơ (3-7 năm tuổi) cho thu hoạch tăng nên sản lượng cao hơn năm 2015 và giá không bằng nhưng vẫn ở mức cao...

MẤT MÙA GIỐNG TIÊU CHỦ LỰC VĨNH LINH

Những ngày giáp tết Nguyên đán 2016 về vùng trồng tiêu trọng điểm của huyện Lộc Ninh, những vườn tiêu giống Ấn Độ (chiếm 12% diện tích tiêu ở Bình Phước) đã cho thu hoạch. Ở các xã Lộc Hòa, Lộc An tuy chưa vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu với giống tiêu chủ lực là Vĩnh Linh (gần 50% diện tích) và tiêu Trung (tiêu Lộc Ninh), đa phần nông dân phản ánh mất mùa, năng suất, sản lượng ước giảm 50% so với năm 2014 và 25-30% so với năm 2015. Hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là các dé tiêu ngắn, hạt thưa hơn.

Giữa mùa mưa, người trồng tiêu ở ấp Thạnh Đông, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) vẫn phải căng mình tưới nước cho vườn tiêu

Anh Trần Minh Chánh ở ấp 6, xã Lộc Hòa có gần 10 ngàn nọc tiêu và là một trong những người trồng tiêu kỳ cựu cho biết: “Nhờ dòng suối bao quanh trang trại và đất đỏ bazan, lại không nằm dưới lô cao su nên vườn tiêu của gia đình tôi có nguồn nước dồi dào. Nước không bị nhiễm phèn nhưng do tác động của thời tiết nên phần diện tích tiêu giống Vĩnh Linh đều giảm năng suất và sản lượng, kể cả tiêu tơ đang trong thời kỳ cho năng suất cao”. Giống tiêu Vĩnh Linh của anh Chánh ước giảm 25% sản lượng so năm 2015. Anh Phan Trang ở ấp 3, xã Lộc An với kinh nghiệm 25 năm trồng tiêu chia sẻ: “Vườn tiêu già của gia đình tôi ước giảm 30% sản lượng so với năm 2015. Như vậy, so với năm 2014 sản lượng giảm 55%”.

Vườn tiêu của “vua” trồng tiêu Nguyễn Bá Thịnh ở ấp 4, xã Lộc An với 3.300 nọc trồng năm 1996, năm 2015 thu 8 tấn, năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 6 tấn. Mất mùa nặng nhất là vườn tiêu già của ông Nguyễn Minh Quán ở ấp 4, xã Lộc An (3 ha) năm 2015 năng suất đạt 2,7 tấn/ha nhưng năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 0,5 tấn/ha.

Khuyến nông viên Hoàng Sánh ở xã Lộc Thiện cho biết: Đầu năm 2016, qua khảo sát mùa vụ ở Lộc Thiện và khu vực trồng tiêu trọng điểm Lộc An, Lộc Hòa, nhiều vườn xơ xác, sản lượng giảm sâu 40% so với năm 2015. Chỉ có khoảng 10% tiêu giống Vĩnh Linh ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh là có năng suất, sản lượng bằng năm 2014 và cao hơn 2015 khoảng 10%. Chủ yếu là tiêu ở thời kỳ cho năng suất cao, 3-7 năm tuổi.

Vườn tiêu giống Vĩnh Linh của anh Chánh cho chuỗi ngắn và trái thưa

Theo kết quả khảo sát mùa thu hoạch hồ tiêu năm 2015-2016 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ở 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu là Bình Phước, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Nguyên, dự đoán sản lượng hồ tiêu cả nước chỉ cao hơn chút ít so với vụ 2015 (nhờ tăng diện tích trồng mới năm 2012 đã cho thu hoạch) nhưng không bằng vụ 2014, ước đạt tổng sản lượng khoảng 135-137 ngàn tấn (năm 2015 là 134 ngàn tấn).

HẠN GIỮA MÙA MƯA

Vua trồng tiêu thế giới năm 2014 - ông Nguyễn Bá Thịnh và nhiều khuyến nông viên có kinh nghiệm dày dạn trồng, chăm sóc hồ tiêu ở Lộc Ninh cho rằng: Mùa mưa năm 2015 đến muộn, suốt mùa khô không có mưa trái mùa, trời nắng gắt diễn ra vào tháng 4-5 của năm 2015, sau đó lại mưa đột ngột vào cuối tháng 5 là thời kỳ phân mầm, ra hoa đã tác động xấu đến sản lượng vụ tiêu 2016. Do đó, các vườn tiêu giống Vĩnh Linh ra hoa đợt này đều bị gãy đốt, rụng khớp hàng loạt. Đa số những vườn tiêu ra hoa đợt 2 (tháng 6) mới cho thu hoạch tốt (giống tiêu Trung và tiêu sẻ).

Trong tháng 1, khối lượng tiêu xuất khẩu ước đạt 7.000 tấn, kim ngạch đạt 67 triệu USD, giảm 30,2% về khối lượng và 31,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trước đó, xuất khẩu tiêu năm 2015 đạt 133 ngàn tấn với 1,26 tỷ USD, giảm 14,4% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm 2015 đạt 9.507 USD/tấn, tăng 22,7% so với năm 2014. Năm 2015, giá tiêu cao đỉnh điểm và diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia kinh tế ở lĩnh vực hồ tiêu cho rằng có gom hàng, đầu cơ xảy ra trên thị trường trước hiện tượng El nino khắc nghiệt.

Thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015 là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Singapore với 35,2% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (36,7%), Tây Ban Nha (33,9%), Hàn Quốc (28,3%) và Anh (26,7%).

Bà Trần Thị Yến ở ấp Bù Rên, xã Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) than thở: Mùa tiêu năm 2015, với 1.500 trụ tiêu cho trái bói gia đình tôi thu được 1,2 tấn. Cứ nghĩ năm 2016 tiêu vào vụ thu hoạch năm thứ 2 năng suất sẽ tăng gấp 2-2,5 lần nên gia đình tôi đã tập trung chăm sóc theo hướng hữu cơ hóa để vườn tiêu bền vững. Thế nhưng, năm nay hạn hán xảy ra ngay giữa mùa mưa. Mùa mưa kết thúc sớm và đã gần 4 tháng nay ở Bù Gia Mập không có trận mưa trái mùa nào nên nước ngầm trong đất dường như đã cạn kiệt. Vườn tiêu xơ xác không có trái, sản lượng ước đạt 0,5 tấn.

Tháng 8-2015 là thời điểm mưa kéo dài nhưng khi đi thực tế, hình ảnh chúng tôi ghi nhận được là người trồng vẫn phải căng mình tưới nước cho tiêu mới trồng và tiêu kinh doanh. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn thì lượng mưa 2015 giảm 30% so với năm trước. Hạn hán xảy ra ngay cả trong mùa mưa khiến năng suất, sản lượng vụ tiêu 2016 bị ảnh hưởng.

Mất mùa nhưng sản lượng hồ tiêu cả nước niên vụ 2016 vẫn cao hơn năm 2015. Do giá tiêu năm 2015 quá cao nên nông dân đa phần đã bán hết vào thời điểm tháng 10 và 11 năm trước. Giữa tháng 12-2015 đến nay (thời điểm Việt Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch giống tiêu Ấn Độ), giá tiêu đã giảm 10.000 đồng/kg và dao động từ 157-159.000 đồng/kg. Cụ thể, ngày 1-2, giá tiêu đen ở Lộc Ninh đại lý mua vào 159.000 đồng/kg. Nhiều nông dân cho rằng, đây vẫn là mức giá “lý tưởng” của hồ tiêu so với nhiều nông sản xuất khẩu chủ lực khác. Theo các đại lý thu mua tiêu, thị trường hồ tiêu năm 2016 sẽ không có biến động về giá mạnh như 2015.

P.Hà

, 06/02/2016

Ngày cập nhật: 8/2/2016

Khát vọng thoát nghèo từ cây mía

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Trong tổng số 14 nhóm cải thiện sinh kế (LEG) đang được dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên triển khai tại huyện Kông Chro thì duy chỉ có một nhóm LEG trồng mía được triển khai tại làng Kia 2, xã An Trung. Theo anh Phùng Bảo Quốc-cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF), thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp để cây mía phát triển, rễ cây mía bám sâu nên có khả năng chịu hạn tốt. Hơn nữa, chu kỳ khai thác của cây mía là 4 năm; trong 4 năm liên tục ấy người dân sẽ được hưởng lợi mà không tốn thêm nhiều khoản chi phí khác.

Làng Kia 2 cách trung tâm xã khoảng 7 km nhưng do bị ngăn cách bởi sông Ba nên muốn đến làng vào mùa nước lớn buộc phải dùng đò, bằng không phải đi đường vòng chừng 20 km. Làng Kia 2 có 98 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người Bahnar nhưng có 43 hộ nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nhưng do thói quen canh tác lạc hậu cộng với việc làng chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi nên năng suất cây trồng đạt thấp, thậm chí có năm mất trắng! Do đó với người dân nơi đây, cây mía được xem là lựa chọn số một, bởi nó có khả năng chịu hạn, phù hợp với nhiều loại đất, giá cả tương đối ổn định và có đầu ra bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, cây mía cũng lại là thách thức lớn đối với người dân trong làng. Bởi lẽ, trồng mía đòi hỏi người dân phải có nguồn vốn để đầu tư mua giống, phân bón... và hơn thế là phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật…

Ảnh: P.D

Vài năm trở lại đây, một số hộ dân trong làng cũng bắt tay vào trồng mía nhưng vì không đủ vốn nên phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ các tư thương. Các tư thương cho các hộ gia đình ứng trước tiền chăm sóc mía, rồi tiền chi tiêu hàng tháng, đến cuối năm thu hoạch, họ sẽ tính cả vốn lẫn lãi một lần, vì vậy thu hoạch xong bà con cũng vừa đủ trả nợ. Và cứ như thế, mong muốn thoát nghèo của bà con dường như bế tắc.

Đầu năm 2015, được tin có Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên về hỗ trợ triển khai nhóm cải thiện sinh kế trồng mía, bà con trong làng vô cùng phấn khởi. Một trang mới đã mở ra cho cuộc sống của bà con nơi đây, nhất là 10 hộ dân thuộc diện được hỗ trợ tham gia nhóm LEG. Trước khi nhóm được thành lập, dự án đã phối hợp với cán bộ ở làng họp để thông báo sơ bộ về ý nghĩa của dự án cũng như các quy định hỗ trợ của dự án. Ông Đinh Ninh-thành viên nhóm LEG, thật thà nói: “Trước đây, đất sản xuất của nhà mình toàn cho người khác thuê, họ bỏ phân, bỏ giống, vốn, còn mình chỉ đi làm cỏ thuê cho họ. Thỉnh thoảng hết tiền tiêu, mình xin ứng trước một ít, đến cuối vụ thu hoạch, nếu người thuê đất tính toán trừ các khoản chi phí mà còn lời thì trả thêm cho mình một ít, nếu họ nói không có lời thì thôi!”.

Không riêng gia đình ông Đinh Ninh mà nhiều hộ dân trong làng vì không có vốn sản xuất, không có kỹ thuật trồng trọt nên đều chọn cách cho người khác thuê đất. Có người cho thuê đất rồi trở thành người làm thuê trên chính đất của gia đình… Vì vậy, khi được chọn tham gia nhóm LEG, họ như nắm được “chiếc phao” cứu sinh và ai nấy đều quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Trước tiên, 10 hộ trong nhóm đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực và biện pháp chọn giống cũng như kỹ thuật cày-bừa, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bón phân cho cây mía, cách nhận biết cây bị sâu bệnh… Được dự án hỗ trợ vốn, các hộ tham gia nhóm cũng trực tiếp cùng với Ban Phát triển xã, cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng khảo sát giá, chọn mua giống mía cho năng suất cao-giống mía K95-84, rồi các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Chưa hết, cán bộ của dự án cũng trực tiếp xuống ruộng để hướng dẫn bà con các bước cần thiết trong quá trình trồng, từ cách làm đất, xuống giống, bón phân, chăm sóc cây mía… Nhờ vậy, các hộ dân trong nhóm đã dần thay đổi “cách nghĩ, cách làm” vốn đã “ăn sâu” trong tiềm thức. Ông Đinh Dớt-thành viên nhóm LEG trồng mía làng Kia 2, phấn khởi: “Lâu nay, người dân trong làng mình vẫn quen với kiểu canh tác truyền thống, sau đó phó mặc hoàn toàn cho thiên nhiên nên năng suất cây trồng không cao, năm được năm mất. Nhờ tham gia nhóm LEG, được cán bộ hướng dẫn tận tình, mình hiểu được rằng, muốn trồng cây gì cũng cần phải có kiến thức, phải mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật thì năng suất cây trồng mới cao”.

Đến nay, ruộng mía đã được 80 ngày tuổi và đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại một vụ mùa bội thu, cải thiện cuộc sống cho các hộ tham gia. Trưởng nhóm trồng mía làng Kia 2, Đinh Thị Hlech, vui mừng nói: “Bà con rất ưng cái bụng khi được dự án hỗ trợ nên ai cũng chăm sóc để cây mía phát triển xanh tốt. Không bao lâu nữa, bà con trong làng sẽ thoát khỏi cái nghèo thôi”.

Phương Dung

Đặc sản xoài thơm Vĩnh Hòa (An Giang)

Nguồn tin: Báo An Giang

Hiện diện trên vùng đất Vĩnh Hòa (An Giang) hơn 100 năm nay, nhưng vị ngọt thanh, mùi thơm rất riêng và lượng thịt nhiều của trái xoài thơm ở đây không hề thay đổi. Giống như tên gọi, xoài thơm Vĩnh Hòa (TX Tân Châu) trở thành đặc sản mang thương hiệu địa phương, bởi chỉ khi được trồng trên vùng đất này, trái xoài mới có được hương vị đặc trưng.

Trong mâm ngũ quả ngày Tết, cùng với xoài là các loại trái cây, như: Mãng cầu, dưa hấu, dừa, đu đủ... hợp thành mâm ngũ quả ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Xoài thơm Vĩnh Hòa là một lựa chọn độc đáo, vì có màu vàng óng ánh rất đẹp mắt, cộng thêm dáng trái tròn, thon dài cộng với mùi thơm… Khi để càng chín thì màu càng đẹp, mùi thơm hơn, qua 3 ngày Tết cũng là lúc xoài chín đều, lúc này thưởng thức là ngon nhất.

Trước nay, xoài Vĩnh Hòa tập trung nhiều ở vùng đất cồn ấp Vĩnh An, Vĩnh Bường... có thời gian xoài bị lão, cằn cỗi cộng thêm sạt lở đất nên diện tích xoài thơm càng bị thu hẹp, đứng trước nguy cơ mất gốc. Thấy vậy, người dân địa phương nhân giống lại, bằng cách ươm giống từ hột xoài (cùi xoài). Chỉ với 8 cây đầu dòng ban đầu, đến nay diện tích đã nâng lên khoảng 5 héc-ta trồng tập trung, chưa kể trồng rải rác theo hộ gia đình. Vì muốn bảo tồn giống xoài đặc sản, từ ruộng trồng lúa, nhiều nông dân đã làm đất, lên liếp trồng xoài. Dù cùng kỹ thuật canh tác, nhưng có lẽ do ảnh hưởng bởi thổ nhưỡng, loại xoài trồng vùng đất này không có được vị ngọt và mùi thơm như loại xoài trồng vùng cồn bãi bồi, đất pha cát.

Sở Khoa học và Công nghệ An Giang phối hợp Trường đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài “Khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa”, giúp địa phương khôi phục chất lượng, năng suất, kích cỡ trái, mở rộng diện tích trồng... để hướng tới xuất khẩu. Qua 5 năm triển khai, đã công nhận 3 cây xoài đầu dòng có phẩm chất trái, năng suất cao và ổn định; đồng thời sản xuất được 1.000 cây xoài giống bằng phương pháp “nhân giống vô tính hay còn gọi là ghép bo”, tổ chức tập huấn kỹ thuật và chuyển giao quy trình canh tác. Cuối năm 2013, Trường đại học Cần Thơ chuyển giao 630 cây xoài giống về cho những hộ dân trồng ở ấp Vĩnh An và Vĩnh Bường.

Canh tác hơn 100 cây xoài từ 5 đến 15 năm tuổi, vườn của ông Nguyễn Phước Hồng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa, được chọn làm cây đầu dòng để ghép bo, tạo giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng. “Trước giờ, chỉ trồng theo kiểu truyền thống ươm hột, đến 5 năm sau mới cho trái, nên ít khi nào bà con chịu đầu tư trồng nhiều. Còn bây giờ, bằng hình thức ghép bo, từ 2,5 - 3 năm, xoài bắt đầu cho trái được. Nhờ vậy, sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng, mau đem lại thu nhập” - ông Hồng phân tích. Khi ghép bo xoài, muốn đảm bảo được mùi vị, không bị ảnh hưởng nên chọn bo và gốc ghép đều là xoài thơm. Xoài thơm trồng khoảng 1 năm tuổi là có thể ghép bo (bo được lấy từ cây đầu dòng khoảng 15 năm tuổi).

Ngoài việc dự các lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình canh tác cây ăn quả, ông Hồng cùng bà con địa phương còn tham gia tập huấn quy trình áp dụng VietGap để có được xoài sạch và hướng tới xuất khẩu. “Sắp tới, có thể mở rộng diện tích cây xoài thơm Vĩnh Hòa, bằng việc đem đến vùng đất núi Tri Tôn và Tịnh Biên trồng thử nghiệm. Nếu đạt hiệu quả sẽ mở rộng diện tích, hướng đến việc sản xuất bền vững”- ông Hồng tin tưởng.

Giống như loại xoài cát Hòa Lộc và cát chu, đông xuân là vụ chính của xoài thơm Vĩnh Hòa, còn nghịch mùa xoài sẽ cho trái ngay thời điểm Tết. Trong canh tác xoài thơm, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến thời tiết lúc xoài ra hoa, thời điểm quyết định đến tỷ lệ đậu trái ít hay nhiều. “Mùa nghịch rất khó kích thích cây ra hoa, đậu trái. Do chi phí cao, nhà vườn kinh nghiệm mới dám làm. Bù lại, xoài bán rất được giá, giúp bà con thu được lợi nhuận cao” - anh Măng hồ hởi. Một cây xoài sung sức, từ 7 - 10 năm tuổi có thể cho trái 400 - 500kg. Trung bình, mỗi ký xoài từ 3 - 4 trái, giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg (tùy loại và thời điểm).

Với tiếng tăm từ lâu, xoài thơm Vĩnh Hòa rất được ưa chuộng, nguồn cung cấp không đáp ứng người tiêu dùng. Tương lai không xa, diện tích xoài thơm ở đây sẽ được mở rộng, sản phẩm không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống Tân Châu, TP. Hồ Chí Minh... mà đặc sản vùng đất đầu nguồn này, sẽ xâm nhập các siêu thị, thị trường... phía Bắc và xuất khẩu sang các nước lân cận.

ÁNH NGUYÊN

Hết Tết, trái dư vẫn đầy đồng

Nguồn tin: Người Lao Động

Do nhà nhà đua nhau trồng, trong khi nhu cầu của thị trường đối với loại trái cây mới này không nhiều nên trái dư vẫn còn đầy đồng, dù đã hết Tết.

Vài năm trở lại đây, vì muốn có thêm màu sắc vàng rực, suốt năm luôn được dư giả nên nhiều gia đình ở Nam Bộ chọn mua trái dư về để bổ sung vào mâm ngũ quả chưng dịp Tết, thay vì chỉ gồm những quả quen thuộc, như quen gọi: Cầu (mãng cầu), vừa (trái dừa), đủ (trái đu đủ) và xài (trái xoài) như trước đây.

Do lượng cung vượt cầu nên trái dư tồn đọng rất nhiều ở các nhà vườn

Nắm bắt được nhu cầu thiết thực trên, nhiều nhà vườn ở Hậu Giang và TP Cần Thơ đã xuống giống ruộng dư để phục vụ dịp Tết Bính Thân năm nay. Nếu như Tết năm trước, mỗi trái dư có giá từ 3.000 - 10.000 đồng thì Tết này, dư chỉ còn 1.000 đồng/trái nhưng sức mua vẫn thấp hơn rất nhiều so với lượng cung ứng ra thị trường. Nguyên nhân là do cây dư có nhiều trái (cả 100 trái/cây) và nhà vườn xuống giống ồ ạt nên Tết năm nay, thương lái đã ngó lơ đến ruộng dư của nhà vườn. Ngoài ra, trái dư quá nhỏ, không thể ăn được… nên người dân cũng không mặn mà lắm khi chọn mua.

Đã hết Tết nhưng trái dư vẫn còn đầy đồng ở Hậu Giang và TP Cần Thơ

Bà Võ Thị Thu, một hộ dân ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cho rằng: “Nhìn vẻ ngoài vàng rực thì trái dư trông rất đẹp mắt, thích hợp để chưng Tết. Tuy nhiên, trái dư không thể ăn được. Trong khi đó, tâm lý của người dân là luôn muốn được thưởng thức cái “lộc” từ những loại trái cây chưng trong mâm ngũ quả ngày Tết để lấy may mắn”.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, một thương lái thu mua trái dư ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) thì cho rằng, do trái dư còn quá mới lạ nên người dân ít chọn mua, dẫn đến hết Tết mà trái dư vẫn còn đầy đồng là điều dễ hiểu. Có thể, vài năm nữa trái này mới xuất hiện nhiều trong mâm ngũ quả của người dân Nam Bộ.

Công Tuấn

Cam ông Xê

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Với tình yêu, lòng đam mê, nhiệt huyết và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất vùng cao, ông Phan Thế Xê (59 tuổi, trú thôn 9, xã Hương Hòa, Nam Đông, Thừa Thiên Huế) đã tạo dựng được thương hiệu “vua cam” trên đất Nam Đông, với thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm.

“Vua cam” Phan Thế Xê (bên phải) giới thiệu một số dòng cam mới. Ảnh: T.Bình

Ngày đầu năm mới 2016, theo đúng hẹn “vua cam” Nam Đông- Phan Thế Xê đón chúng tôi tại thị trấn Khe Tre bằng chiếc Ford RANGER bán tải tự lái. Ông khoe, đầu năm 2014, nhờ trúng vụ cam trước đó hơn 500 triệu đồng, gia đình quyết định mua chiếc xe này. “Chiếc xe bán tải này giúp ích cho tôi và gia đình rất nhiều. Đầu mùa nó giúp tôi vận chuyển cây giống, phân bón, mùa thu hoạch lại vận chuyển cam từ rẫy về nhà, ra chợ. Những dịp học tập kinh nghiệm trồng cam ở các tỉnh gần, nó cũng gắn bó với tôi”- ông kể.

Đến đỉnh đồi, xuống đi bộ chừng 300m qua con đường đất đỏ, “thủ phủ” cam của ông Xê hiện ra bạt ngàn. Vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn cây, ông Xê giới thiệu các nhóm cây trồng từng gắn bó với những kỷ niệm vui buồn. Ông nhớ lại, người dân định canh định cư như ông trước đây lên Nam Đông sinh sống thường mang theo nhiều giống cây trồng để canh tác. Thấy cây gì có hiệu quả kinh tế cao sẽ lấy đó làm cây chủ lực nhân rộng. Năm 2005, qua học hỏi và tìm hiểu một số nơi, ông từng trồng thành công 300 gốc quýt lai, quả bói vụ đầu thu hơn 25 triệu đồng. Vào thời điểm đó số tiền 25 triệu đồng có nằm mơ vợ chồng ông cũng không nghĩ tới. Năm tiếp theo, khi ông chuẩn bị phát triển thêm diện tích trồng quýt thì tai họa ập đến. Cả 300 gốc quýt trĩu quả chuẩn bị thu hoạch, gặp trận mưa kéo dài rụng sạch, ông lỗ nặng nên đành chặt bỏ quýt.

Từ thất bại này, ông tìm hiểu kỹ mới vỡ lẽ với điều kiện khí hậu mưa nhiều như ở Nam Đông, độ ẩm cao sẽ không thích hợp với cây quýt chính vụ. Không ngại khó, ông chuyển qua trồng cam và tự mày mò, học hỏi rồi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Ban đầu ông trồng ít, qua nhiều lần thất bại lại đứng lên và dần dần vay vốn mở rộng quy mô. Ông cất công đi học tập, tham quan nhiều nơi, nghiên cứu kỹ từ intenet và đi đến quyết định phải đầu tư cây cam theo hướng chuyên canh. Năm 2004, ông bàn với vợ mua gần 4ha đất đồi làm trang trại, trong đó trồng hơn 2ha trồng 1.000 gốc cam Sài Gòn chuẩn giống (giống sunkit của Mỹ). Sau hơn 3 năm cây cho trái bói, đến năm thứ tư thì vườn cam trĩu quả chín mọng và mang hiệu quả kinh tế cao. Năm 2015 vườn cam của ông cho thu hoạch 48 tấn quả (bình quân mỗi cây cho 1,2 tạ quả), với giá dao động 18.000 - 25.000 đồng/1kg, ông thu được khoảng 1 tỉ đồng. Như vậy trung bình mỗi cây cam cho thu nhập trên 1 triệu đồng. Đây là vụ mùa “trúng” đậm nhất của gia đình ông. Những năm trước, trung bình mỗi mùa từ vườn cam 1.000 gốc này, gia đình ông thu nhập 300 - 600 triệu đồng.

Theo ông Xê, để trồng cam thành công cần có nhiều yếu tố, trong đó chọn cây giống, bố trí thời vụ, chế độ chăm sóc là đặc biệt quan trọng. Nhờ áp dụng kỹ thuật tổng hợp, dùng thiên địch diệt sâu hại đúng thời điểm, chú trọng thảm thực vật dưới gốc cây… nên mỗi năm ông chỉ tốn 70 - 80 triệu đồng tiền phân bón, diệt sâu, tiền công. Ngoài giống cam Sài Gòn cho hiệu quả kinh tế cao và tạo dựng được thương hiệu “Cam ông Xê”, ông còn trồng thử nghiệm rất nhiều giống cây có múi khác như: cam valencia, cam Vân Du, cam ruột đỏ, cam sành, bưởi, thanh trà, quýt Thái Lan... Theo ông, cây nào phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao sẽ được nhân rộng.

Do chất lượng cam ngon nên những năm gần đây ở Nam Đông thương hiệu “Cam ông Xê” được nhiều người biết đến. Mùa thu hoạch, thương lái, khách hàng tự tìm đến vườn cam ông Xê nườm nượp. Thương hiệu cam ông Xê nổi tiếng đến nỗi mặc dù cam của ông đã bán hết ở vườn, nhưng tại chợ Nam Đông vẫn xuất hiện cam ăn theo thương hiệu “cam ông Xê”. Với sự nổi tiếng của mình, bây giờ anh em, họ hàng hay những người từ nơi xa đến học hỏi, có khó khăn ông đều sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ. Hiện nay, giống cam của ông đã giúp cho một số bà con ở Hương Phú, Hương Hòa phát triển và cho thu nhập cao. Sau nhiều năm gắn bó với cây cam, ông Xê đi đến kết luận: Cây cam là giống “khó chơi”. Phát triển cây cam phải hết sức thận trọng và có định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường. Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ, xem xét từng vùng đất có trồng được cam không để khuyến cáo bà con và nên theo sát người để chỉ đạo.

Theo ông Xê, quy trình theo Vietgap đầu tiên trồng là chọn đất trồng, phải là đất mới, đất bằng hoặc có độ dốc vừa phải, đảm bảo các yếu tố nước tưới tiêu tương đối thuận tiện, khắc phục đường giao thông đi lại thuận lợi cho việc chăm sóc vườn sau này.

Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, qua nhiều năm lựa chọn và trồng khảo nghiệm, một số giống cam đã thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng gò đồi Nam Đông và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện huyện đang lập kế hoạch phát triển cây cam trên các xã Hương Hòa, Hương Lộc, Hương Phú… chủ yếu lấy giống từ vườn cam ông Xê, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 400ha cam, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Song song với đó, huyện sẽ hướng dẫn bà con trồng cam theo chuẩn Vietgap, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến đến xây dựng thương hiệu “Cam Nam Đông”.

Thái Bình

Trái cây miền Tây có “vé” xuất ngoại

Nguồn tin: VOV

Lần đầu tiên nông sản Đồng Tháp có mặt trên kệ hàng tại hệ thống bán lẻ, siêu thị của những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ…

Năm 2015 vừa qua đánh dấu nhiều bước ngoặc quan trọng trong xúc tiến thương mại và đầu tư của tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, khi lần đầu tiên nông sản vùng đất sen hồng có mặt trên kệ hàng tại hệ thống bán lẻ, siêu thị của những thị trường nước ngoài, nhất là ở các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ. Đây là kết quả bước khởi đầu quan trọng của bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Đồng Tháp đang tiên phong thực hiện.

Đón cái tết Bính Thân 2016, nhà vườn Đồng Tháp đã mở lòng để nói về sự quyết tâm để nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Ông Hồ Văn Sơn một nông dân chuyên trồng nhãn ở xã An Nhơn huyện Châu Thành - nơi được mệnh danh là “vương quốc” nhãn không giấu được xúc động cho biết, đã 30 năm qua rất khó khăn chưa được nguồn xuất khẩu sang Mỹ thì năm 2015 vừa qua đã làm được điều này, nhà vườn nơi đây rất phấn khởi.

Niềm vui, này không chỉ riêng của gia đình ông Sơn, của Hợp tác xã nhãn Châu Thành mà còn là của người dân Đồng Tháp. Bởi ngoài giá trị về mặt kinh tế, việc nhãn edor Châu Thành có mặt trên thị trường Mỹ còn là niềm tự hào cho nông sản Đồng Tháp. Sau bao năm lận đận, trồng rồi chặt, chặt rồi trồng, giờ đây cây nhãn đã mang về trái ngọt cho nhà vườn.

Các sản phẩm nông sản có thế mạnh của Đồng Tháp, trong đó có xoài Cát Chu và nhãn

Ông Trương Văn Rồi, Giám đốc Hợp tác xã Nhãn Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Ở đây bà con cố gắng thực hiện VietGap theo mô hình ở Mỹ. Thời gian qua bà con làm rất tốt”.

Việc 100 tấn nhãn Edor đầu tiên đã được Hợp tác xã cung ứng cho đối tác để xuất sang thị trường Mỹ là một thông tin rất vui không chỉ đối với người dân Đồng Tháp mà còn của cả nhà vườn cả nước. Bởi đây là thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do áp dụng quy trình canh tác theo hướng an toàn của tiêu chuẩn VietGap mà nhãn Châu Thành đã vượt qua rào cản này để nâng tầm cho một loại nông sản thế mạnh, vốn đã bị dịch chổi rồng tàn phá những năm qua.

Theo Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, một khi sản phẩm được thị trường Mỹ chấp nhận rồi thì nhãn chúng ta sẽ xuất sang được các thị trường khó tính khác.

Có thể nói, ngoài trái nhãn huyện Châu Thành xuất ngoại thì năm 2015 vừa qua cũng là năm thăng hoa của nhà vườn trồng xoài tại huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Bởi nơi đây đã xây dựng thương hiệu, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, liên kết sản xuất rải vụ… cho trái xoài cát chu. Đó là những nỗ lực mà chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người nông dân cùng chung tay để đưa xoài các chu Cao Lãnh bước sang nhiều thị trường khó tính. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… là những thị trường đầy tiềm năng đối với mặt hàng thế mạnh của Đồng Tháp.

Xoài ngon Cao Lãnh

Ông Huỳnh Thanh Bá, Phó Giám đốc Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Bà con nông dân mình rán phấn đấu sau sản xuất được 70% trái xoài xuất khẩu, 30% thì bán nội địa thì khi đó bà con mình sẽ rất là ổn định. Bà con mình có thể làm giàu trên mạnh vườn của mình”.

Với 2 Hợp tác xã chuyên canh hàng trăm ha xoài, thương hiệu xoài Cát Chu Cao Lãnh sẽ còn vươn xa trong tương lai khi ngày càng có nhiều sự quan tâm, khảo sát thị trường và thiết lập mối quan hệ đối tác trong việc cung cấp mặt hàng này qua các nước lớn. Đây cũng là triển vọng lớn nhằm giải bài toán “trúng mùa mất giá” vốn dĩ tồn tại hàng thập kỉ qua không chỉ ở Đồng Tháp mà ở nhiều vùng đất sản xuất nông nghiệp trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Chì, Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Hợp tác xã xoài thì rất mừng trong quá trình hội nhập thì có nhiều nước đến mua xoài của Việt Nam. Nhất là xoài chu Cao Lãnh. Đối với Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây thì phải vận động bà con không sử dụng các loại thuốc mà người ta cấm”.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tìm hiểu về các sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp

Đã có được những kết quả bước đầu trong việc tìm đầu ra ổn định cho hai mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, từ đó tạo động lực cho nhà vườn nâng cao giá trị hàng hóa của mình làm ra. Thế nhưng hơn ai hết, người nông dân vùng đất Đồng Tháp đầy cần cù, chịu thương, chịu khó cũng cần xem đây vừa là động lực vừa là thách thức lớn để mài mò, quyết liệt hơn trong việc tìm ra những giá trị bền vững, lâu dài trong thời gian tới cho sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Từ đó, gắn với tiêu chí mà nền nông nghiệp Đồng Tháp đang hướng đến là phát huy những giá trị xanh từ những tiềm năng xanh./.

Thanh Tùng/VOV - ĐBSCL

Tiền Giang: Ông Trần Văn Cang: Làm giàu nhờ trồng dừa xiêm lục

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Trong không khí ấm áp của những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp về lại ấp Tân Hòa, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã chứng kiến những đổi thay kể từ sau khi xã ra mắt nông thôn mới. Con lộ nhỏ hẹp có nhiều "ổ gà" năm xưa đã không còn nữa, mà thay vào đó là con đường nhựa rộng chạy thẳng tắp. Chính nhờ vậy mà kinh tế nhiều hộ ở đây bắt đầu vươn lên thấy rõ.

Điển hình nhất là ông Trần Văn Cang (SN 1950), người chuyên trồng dừa xiêm, mà cuộc sống giờ đây đã giàu lên. Bởi đất của ông thuộc vùng đất trũng (đất ngập phèn quanh năm), sau nhiều năm cải tạo, ông lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái, mà chủ lực là dừa xiêm lục, chất lượng ngọt ngon, bán được giá, kinh tế gia đình ngày càng phát triển vươn lên làm giàu.

Ông Trần Văn Cang ngồi bên cây dừa xiêm lục.

Bởi đất của ông thuộc vùng đất trũng (ngập phèn quanh năm), sau nhiều năm cải tạo, ông lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái, mà chủ lực là dừa xiêm lục, chất lượng ngọt ngon, bán được giá, kinh tế gia đình ngày càng phát triển vươn lên làm giàu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình ông Cang từ tỉnh Long An về đây để định cư lập nghiệp. Với diện tích 3 ha vùng đất trũng ngập phèn của ông bà để lại, ông khai phá trồng lúa, nhưng trồng lúa không mang lại hiệu quả, bởi ruộng sâu, triều cường và lũ lụt, luôn ngập úng, nước chậm thoát, dù có thu hoạch được nhưng năng suất đạt cũng không cao, đó là chưa nói đến mất trắng mỗi khi có lũ lụt tràn về; cuộc sống lúc bấy giờ vô cùng vất vả, thiếu thốn.

Qua nhiều ngày trăn trở, ông quyết định chuyển đổi cây trồng, và chọn cây dừa là cây trồng chủ lực. Ông lên liếp trồng, lúc đầu cũng chỉ trồng 3 công đất. Nhưng thời gian sau khoảng 2 năm, cây dừa cho trái, thấy dừa cho trái tốt, nước ngọt ngon, thu hoạch bán được giá, ông bắt đầu mở rộng thêm diện tích, nâng đến nay trồng 2,7 ha, còn chừa lại 3 công trồng lúa.

Ông Cang phấn khởi chia sẻ, dừa xiêm lục, mỗi quày dừa từ 15 đến 20 trái, cho trái to hơn dừa “ẻo Mã Lai”. Hương vị ngọt thanh, bán có giá. Dừa khoảng 20 ngày đốn 1 lần. Mỗi lần thu hoạch khoảng từ 5.000-6000/trái. Trung bình mỗi tháng thu khoảng 14-15 triệu đồng tiền dừa.

Có tham quan mới thấy cách trồng dừa của ông rất bài bản, đúng kỹ thuật khuyến cáo của ngành Khuyến nông. Vườn của ông hiện có 3 khu, chung quanh hàng rào xây dựng kiên cố. Đất lên liếp mặt rộng 6 m, mương rộng 4 m, trồng 2 mép liếp, cây cách cây 5 m. Chính vì vậy vườn dừa rất thoáng, đủ nước nuôi cây, nên cây cho trái nhiều.

Bây giờ thì cuộc sống gia đình ông đã ổn định, nhà cửa khang trang sạch đẹp, đã qua đi rồi cái thời khốn khó, chính là nhờ nhạy bén trong cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cây trồng đúng hướng nên sinh lợi cao. Niềm vui của ông là được chính quyền công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền cấp tỉnh.

ANH TUẤN

“Vua” tạo hình trái cây

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Người chủ khu vườn bưởi trên là anh Võ Trung Thành ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, vừa bước qua tuổi 55. Cách đây 5 năm anh là nhà vườn đầu tiên ở ĐBSCL nghĩ ra tạo hình bưởi hồ lô.

Những ngày giáp Tết Bính Thân 2016, “vua bưởi tạo hình” di chuyển như con thoi để tư vấn cho các nhà vườn ở Phú Tân vừa thiết kế bưởi tạo hình hồ lô, “Cát Tường”, “Tài - Lộc”, “Bản đồ Việt Nam”… Chỉ với 3 công vườn trồng giống bưởi Năm Roi, 5 năm qua anh đã trở thành tỷ phú nổi tiếng với trái cây tạo hình độc đáo này.

Võ Trung Thành - vua tạo hình bưởi Năm Roi ở ĐBSCL

Chân dung của “vua bưởi tạo hình” bắt đầu từ câu chuyện nghe rất “kỳ cục”. “Cách đây 7 năm, tình cờ phát hiện một trái bưởi bị kẹt trong nhánh cây và vẫn phát triển bình thường nhưng với hình thù “chẳng giống ai”. Thế là tôi nảy ra ý tưởng “uốn ép” sao cho nó ra hình dạng bầu rượu hồ lô”, anh Thành nhớ lại kỷ niệm. Cận tết năm đó anh ép vài trái để chưng cho vui. Hóa ra lại vui hơn mong đợi khi anh đem sản phẩm dự đấu xảo trái cây ngon ở Hội chợ Quốc tế Cần Thơ và đoạt giải. Đó là niềm động viên anh bắt tay sản xuất “hàng độc” vào dịp tết năm 2009. Và từ đó, biệt danh “vua bưởi tạo hình” cũng được giới thương lái và nhà vườn đặt cho anh Thành. Không chỉ làm giàu cho chính bản thân, anh còn hướng dẫn 26 gia đình (bình quân 1 hộ có 1ha vườn) làm bưởi hồ lô bán trong dịp tết và hình thành CLB sản xuất trái cây tạo hình với vai trò chủ nhiệm CLB được giao cho anh Thành. Những thành quả của anh Thành cũng là niềm tin để nhà vườn ĐBSCL bầu chọn anh đảm nhận vị trí Chủ nhiệm CLB Nông dân sáng tạo ĐBSCL.

Giờ đây, không chỉ TPHCM, Đà Nẵng mà tận Hà Nội, khách hàng cũng “săn tìm” đặt hàng bưởi tạo hình trong dịp tết. Sau bưởi Năm Roi tạo hình hồ lô, anh Thành “kỳ công” tạo hình bưởi có chữ “Tài - Lộc”, “Phước - Lộc - Thọ”, “Cát Tường”. Trong đó, một doanh nghiệp lớn trong nước đã mời anh làm chuyên viên kỹ thuật tạo hình bưởi “Cát Tường” để xuất khẩu. Anh Thành được hưởng lương trên đầu sản phẩm bưởi tạo hình, còn các nhà vườn ở Châu Thành - Hậu Giang được công ty hỗ trợ vật liệu tạo hình và bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, thu nhập của hàng chục nhà vườn trồng bưởi tạo hình nơi đây, từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng dịp tết đã khá phổ biến.

Bưởi Năm Roi được tạo hình “Bản đồ Việt Nam” lần đầu tiên sẽ xuất hiện trong dịp Tết Bính Thân 2016 này ở ĐBSCL. Trong đó, “vua bưởi tạo hình” rất nôn nao chờ ngày “trao tay” 1.000 trái bưởi hình “Bản đồ Việt Nam”, trong đó, 800 trái đã được khách đặt hàng với giá dao động từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng/trái.

“Khi tình hình biển Đông nóng lên, tôi muốn gửi gắm tình cảm yêu quê hương, yêu biển đảo, nhất là trong ngày tết rất cần hành động “ôn cố tri tân”. Từ đó, tôi lại nảy ra ý tưởng tạo hình “Bản đồ Việt Nam”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên da trái bưởi Năm Roi để nhắc nhở con em nhớ, yêu thương và có trách nhiệm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”, anh Thành Tâm sự. Ngày tết, người dân luôn mong muốn có cặp trái cây ý nghĩa mang lại may mắn. Giờ bưởi Năm Roi với hình “Bản đồ Việt Nam”, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ mang đến nhiều ý nghĩa thiêng liêng khi được đặt trên bàn thờ tổ tiên.

Trời se lạnh nhưng anh vẫn tranh thủ thức sớm ra vườn. Hết tỉa cắt cành, lại “o bế” từng dây khung ốp để tạo hình trên trái bưởi. Anh mân mê và nở nụ cười tươi rói bên những trái bưởi “đóng dấu” bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu, nhô lên trên màu da xanh mát dịu của trái bưởi Năm Roi.

CAO PHONG

Vườn chuối công nghệ cao hàng chục tỷ đồng của nông dân miền Tây

Nguồn tin: Vnexpress

Cải tạo 90 ha đất hoang, một nhóm nông dân lập nên vườn chuối công nghệ cao đầu tiên ở miền Tây, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính với giá bán gấp 5 lần thông thường.

“Còn hơn một tháng nữa mới thu hoạch nhưng toàn bộ sản lượng 3.500 tấn chuối thương phẩm đã được các đối tác từ Hàn Quốc, Nhật Bản bao tiêu hết với giá 7.000 đồng một kg, gấp 5 lần so với bình thường”, nông dân Lâm Văn Hộ (58 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Lâm Phát Hưng, thuộc Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) phấn khởi nói.

Xới đất vườn chuối bằng máy để bón phân và tưới nước dạt hiệu quả cao, tiết kiệm nhân công. Ảnh: Cửu Long

Với giống chuối già truyền thống của Việt Nam được cấy mô, áp dụng kỹ thuật trồng theo kiểu công nghệ cao, kỹ sư Nguyễn Khoa Nam - phụ trách kỹ thuật tại vườn chuối cho biết các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc và Philippines đã sang tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng thùng, bảo quản cho kỹ sư và nhân công địa phương đến khi thuần thục họ mới rút về nước.

Vườn chuối có kỹ sư nông nghiệp đảm trách kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch...

Trồng 10 ha chuối theo công nghệ cao xuất khẩu ra nước ngoài thành công hơn một năm qua, ông Lâm Văn Hộ cùng 7 nông dân khác mạnh dạn góp vốn gần 20 tỷ đồng cải tạo mảnh đất hoang của nông trường thành vườn chuối 90 ha. Hiện có 180.000 cây đang cho trái (tất cả đều có lý lịch theo dõi, quản lý). Đến lúc thu hoạch, mỗi buồng có trọng lượng từ 20kg đến 30kg. Vườn chuối sẽ cho các cây con, thu hoạch 3 vụ rồi mới xuống giống lại.

Máy đóng gói chuối sau thu hoạch do nông dân tự chế có năng suất làm việc bằng 6-8 lao động phổ thông.

“Hiện có nhiều đối tác trực tiếp đến khảo sát khu vườn cũng như kỹ thuật trồng rồi đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm, nhưng trước mắt chúng tôi chưa đáp ứng được", ông Hộ nói.

Ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết: “Qua thời gian trồng thử nghiệm cho đến nay thì mô hình này đạt hiệu quả rất cao. Chúng tôi coi đây là mô hình điểm, tới đây sẽ nhân rộng ra cho các nông trường viên vì đầu ra rất ổn định…”.

Cửu Long

Sạt lở cồn Thanh Long gây thiệt hại 18 ha cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Vụ sạt lở ngày 29 tết tại cồn Thanh Long, xã Quới Thiện (Vũng Liêm, Vĩnh Long) gây ngập nước toàn bộ diện tích vườn cây ăn trái đặc sản đang trong thời kỳ cho trái hơn 18 ha và 5 căn nhà bị ngập hoàn toàn với chiều sâu từ 1,5- 2m.

Trong đó, mức thiệt hại trên vườn cây ăn trái hơn 50%. Hiện người dân nơi đây rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục, góp phần ổn định cuộc sống và kịp thời cứu vườn cây ăn trái đặc sản.

Trước đó, vào ngày rằm tháng chạp năm 2015 tuyến đê bao này đã bị vỡ một đoạn với chiều dài khoảng 10m và đã được người dân gia cố kịp thời. Tiếp đó, đến ngày 28 và 29 tháng chạp, tuyến đê bào này tiếp tục vở thêm 2 đoạn với tổng chiều dài 20 mét và kéo dài đến nay.

HẠNH UYÊN

Đi đúng hướng, cam xoàn sẽ... không xoàng!

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Không ồn ào, rầm rộ như cam sành, cam mật, hơn thập niên qua, cây cam xoàn vẫn âm thầm gieo lộc cho nông dân Hậu Giang bằng những vụ mùa bội thu. Nhiều người cho rằng, cam xoàn không chỉ là cây trồng “xóa nghèo” mà đã trở thành cây “làm giàu” của nông dân Hậu Giang.

Những trái cam xoàn trĩu trịt trên cây bao năm qua đã giúp người dân Hậu Giang làm giàu dù chỉ với diện tích nhỏ.

1kg cam bằng 5kg lúa

Những năm gần đây, giá cam cam xoàn tại các chợ, vựa trái cây luôn đứng ở mức cao, từ 27.000-30.000 đồng/kg, lúc mùa nghịch có giá cao từ 40.000-50.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho thị trường. Trong khi chi phí đầu tư cho một công cam xoàn từ 10-15 triệu đồng, cây trồng khoảng hơn 2 năm là cho thu hoạch, mỗi năm 2 đợt trái (chính vụ và nghịch vụ). Lợi nhuận cao hơn rất nhiều loại cây khác, trong khi nhu cầu của thị trường hiện nay lại lớn nên nhiều nông dân ở thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp đang chuyển hướng đầu tư. Cũng nhờ cam xoàn mà nhiều gia đình đã phất lên vì luôn được thương lái tìm mua với giá cao. Nhiều nhà vườn ở đây so sánh, 1kg cam bằng 5kg lúa, mỗi cây cho giá trị trên 1 triệu đồng/năm. Theo nhẩm tính, mỗi tấn cam, nông dân lời không dưới 30 triệu đồng.

Với đặc trưng của loại quả ngon ngọt, mọng nước, được thị trường ưa chuộng, ngoài ra, cam xoàn có đặc điểm cho trái tăng theo từng năm nên nhiều nông dân chọn là cây trồng chủ lực. Nhiều gia đình chỉ với diện tích nhỏ chưa đầy 2 công đất cũng có thể làm giàu. Như gia đình của anh Cao Văn Tiên, ở ấp 5, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, với 90 gốc cam xoàn được trồng gần 10 năm nay đã đem về lợi nhuận khá cho gia đình, bình quân mỗi gốc cam xoàn hiện giờ cho gần 100 kg/năm. Đặc biệt là khoảng 3 năm nay, từ vườn cam xoàn này đem lợi nhuận cho gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Tiên nói: “Tuy cây cam này khó trồng, cực lúc bón phân, bồi gốc. Nhưng nhìn chung khỏe hơn làm lúa rất nhiều”.

Theo chân anh cán bộ kỹ thuật xã Long Trị A, tôi về ấp 4, xã Long Trị A, thăm lão nông Đặng Văn Em, 59 tuổi - là người đầu tiên mang cây cam xoàn gắn kết với nông dân xứ này. Dẫn lối chúng tôi là những vườn cam lá xanh mướt. Thỉnh thoảng bắt gặp một vài vườn trái vẫn chưa thu hoạch, trĩu trịt trên cành, quả no tròn mê mẩn lòng người. Đi bộ qua chiếc cầu tre nhỏ, tôi bước vào một căn nhà mát mẻ, khang trang, đầy đủ tiện nghi, gặp ngay lão nông nổi tiếng “làm liều” - người mà hơn chục năm trước đây dám “bỏ gừng theo cam”. Nghe câu chuyện khởi nghiệp của ông Đặng Văn Em mà trong lòng ứa lệ. “Hơn 10 năm ra riêng, số vốn của gia đình tôi chỉ còn 1 công, đất ruộng cha mẹ cho phải cầm cố để nuôi 6 đứa con ăn học. Quần quật vừa làm thuê vừa làm ruộng nhà, trồng hết cây nọ đến cây kia trên 1 công đất còn lại mà khá không nổi, chuyển sang trồng gừng cũng đủ cơm ngày qua bữa. Lúc đó tôi cứ nghĩ, ước mơ chuộc đất chỉ có thể là trong chiêm bao”, ông Em nhớ lại.

Thế rồi từ lời tư vấn của người bạn hàng bán cây giống ở chợ Long Mỹ bảo rằng cam xoàn cho trái rất ngọt mà giá cao, ông quyết định lên liếp trồng cam. Lúc đầu, ông mua 100 nhánh cam xoàn của người bán hàng đã giới thiệu mà còn “thiếu chịu” 30 cây. Từng ngày chăm chút, bón phân, thấm thoát hơn 2 năm trôi qua, cây cam không phụ lòng người, ra hoa, đậu quả, dâng tặng cho ông những trái chiếng tươi ngon, tròn trịa. Ông nói tiếp: “Đất phèn Long Trị A trồng lúa còn khó trúng vậy mà cam xoàn lại rất tốt. Cây sàng lọc chất phèn chua thành vị ngọt. Không biết vì trời thương hay cây không phụ lòng người chăm bón mà ra trái đều và đẹp, nhìn đã mắt lắm!”. Cũng từ mùa cam năm đó mà cuộc sống của ông bắt đầu sang trang mới. Dù chỉ bán với giá 7.000 đồng/kg, nhưng số tiền thu về nhiều gấp mấy lần so với thu nhập từ ruộng lúa. Đến mùa trái tiếp theo, cam tiếp tục hút dinh dưỡng, cho trái trĩu trịt hơn. Nối tiếp thành công vụ 3, vụ 4, nhà ông Em chật hơn vì xe gắn máy trong nhà hai, ba chiếc, ti vi, tủ lạnh đầy đủ. Sau 9 mùa trái, ông Đặng Văn Em tiếp tục cải tạo liếp, đắp mô mới để bắt đầu trồng chu kỳ cam thứ hai.

Loại cam ngày xưa bị chê “xoàng xĩnh”, giá trị không bằng củ gừng nay đã làm nên chuyện. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà vườn nghe tiếng đến thăm tấp nập. Chỉ 10 năm nay, cam xoàn đã chiếm lĩnh vùng đất Long Trị A, trở thành cây trồng chủ lực. Từ khi có cam xoàn, nhiều nhà ngói, nhà tường trong xứ này thay phiên nhau mọc lên. Tôi chợt choáng ngợp khi được anh cán bộ kỹ thuật xã chỉ tay vào ngôi nhà “to đùng” mới xây của chủ 3 công cam xoàn trị giá nửa tỉ đồng của ông Phạm Vũ Phong. Một mình ông Phong làm vườn dư sức nuôi cha mẹ già cùng vợ, hai con đang tuổi ăn tuổi lớn. Từ khi bén duyên với cam xoàn, dân nhà vườn ở đất Long Trị A này đủ đầy, dư sức lo chuyện chi xài, cho con học hành, mua sắm tiện nghi trong gia đình.

Ông Đặng Văn Em (phải) là người đầu tiên mang cam xoàn về Long Trị A trồng, từ nghèo khó, nay trở nên khá giả.

Khẳng định thương hiệu

Trái cam xoàn còn “gieo lộc” đến nhiều nơi như Châu Thành A, Phụng Hiệp. Có thể nói, xã Phương Phú thành công trong chặng đường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, một phần cũng nhờ vào cây cam xoàn. Hệ thống hợp tác xã ở đây vững chắc, phát triển đều nhờ vào mô hình trồng cam xoàn. Ông Võ Văn Đê, Giám đốc Hợp tác xã cam xoàn Phương Phú, khoe: “Năm rồi, hợp tác xã lời bạc tỉ nhờ cam xoàn trúng giá. Tuy hợp tác xã chỉ có 10ha thu trái chiếng nhưng hiệu quả vượt hơn cả mong đợi”.

“Thủ lĩnh” vườn cam xoàn lớn nhất Hợp tác xã là anh Sáu Tài (Nguyễn Văn Tài), ở ấp Phương An A. Dù chỉ mới hơn 40 tuổi đời mà anh là chủ của 26 công vườn, trong đó có 19 công cam xoàn. Anh Tài chia sẻ: “Trước kia, tôi trồng mía, lam lũ quanh năm mà thu về chẳng được bao nhiêu. Nhưng chỉ sau 4 năm trồng cam đã phất lên hẳn. Mỗi năm thu về cũng vài trăm triệu đồng. Nhờ đó, năm nay tôi mới cất được thêm 1 căn nhà nữa để có chỗ mở rộng dịch vụ buôn bán cây giống, chứa phân, thuốc dự trữ cho cây”.

Mỗi năm, vào dịp tháng 7, tháng 8 âm lịch, xe thu mua lũ lượt kéo về các vườn cam thu mua trái, cung hàng ra tận chợ, siêu thị ở Hà Nội.

Huyện Phụng Hiệp đã dành hẳn một nghị quyết phát triển vùng chuyên canh trồng cam cho xã Phương Phú và các xã lân cận. Theo kế hoạch, xã Phương Phú sẽ mở rộng đất trồng chuyên canh cam xoàn để tạo vùng nguyên liệu, phát triển vùng cam hàng hóa và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp Nguyễn Văn Lẫy cho rằng: “Thời gian tới, thông qua Đề án 1.000, các đề tài, dự án khoa học, huyện Phụng Hiệp sẽ tập trung chính sách quản lý, hỗ trợ người dân phát triển vùng chuyên canh cam xoàn. Ngành nông nghiệp huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng biện pháp tiên tiến vào chăm sóc cây cam, quản lý giống cam và việc triển khai xây dựng vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Không những vậy, Huyện ủy chỉ đạo xã, các ngành vận động các hộ sản xuất cam ở đây cùng nhau liên kết, thành lập tổ hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, vùng cam xoàn mới phát triển mạnh mẽ và xây dựng bền vững thương hiệu.

Hơn 1 năm qua, Hợp tác xã cam xoàn Phương Phú thu lời bạc tỉ chỉ với hơn 3ha cam xoàn cho trái.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự trợ sức của các nhà khoa học, tâm huyết của những ông chủ vườn cam, một thời gian không xa tới đây, cam xoàn sẽ có tên, có tuổi như bưởi Năm Roi Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, giúp người dân xứ Hậu Giang ngày càng ấm no, sung túc.

Với đặc trưng ngon, ngọt, cam xoàn luôn được thương lái “xếp hàng” mua với giá cao.

Ông Lê Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: “Thấy được tiềm năng của cam xoàn, Sở đã hỗ trợ HTX cam xoàn Phương Phú xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho trái cam xoàn với tên thương hiệu là “Cam xoàn Phụng Hiệp”. Dự kiến, trong năm nay sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hồ sơ và công bố nhãn hiệu. Sở đã mời các nhà khoa học nhiều kinh nghiệm từ Trường Đại học Cần Thơ về thực hiện đề tài “Nâng cao năng suất, chất lượng cam xoàn Phụng Hiệp và xoài cát Bảy Ngàn theo tiêu chuẩn VietGAP” để cam xoàn có chỗ đứng trên thị trường không chỉ vì thương hiệu mà còn vì phẩm chất đặc trưng riêng không loại cam nào có được”.

TRÚC LINH

Đặc sản mãng cầu Tây Ninh: Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay, Tây Ninh mới chỉ có một đơn vị và một hộ trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP được gắn thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bà Đen”. Đó là hộ ông Huỳnh Biển Chiêu (Tân Hưng, Tân Châu) và Công ty TNHH Nam Trạng, kinh doanh sản phẩm trái mãng cầu không bị ruồi đục gây giòi.

Thời gian qua, Sở Công thương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã tích cực hỗ trợ quảng bá sản phẩm trái mãng cầu Tây Ninh ra các địa phương ngoài tỉnh lẫn quốc tế tại các hội chợ triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại. Sở Khoa học và Công nghệ cũng xin chủ trương của tỉnh để in tài liệu, tờ rơi về trái mãng cầu Tây Ninh bằng tiếng Anh cung cấp cho các sở, ngành sử dụng quảng bá loại trái cây này khi tham gia các hội nghị, hội chợ, hội thảo trong nước và quốc tế.

Vườn mãng cầu ở khu vực chân núi Bà Đen.

Mới đây, tại hai hội chợ được tổ chức ở Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm trái mãng cầu của ông Chiêu và Công ty Nam Trạng được người tiêu dùng ưa chọn mạnh mẽ. Dù giá bán trái loại một đến 60.000 – 70.000 đồng nhưng cung không đủ cầu.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai dự án trồng mãng cầu theo hướng VietGAP ở vùng chuyên canh 15 ha trên địa bàn Thành phố, huyện Tân Châu và huyện Dương Minh Châu với kinh phí gần 96,5 triệu đồng.

Sở cũng đang xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP gắn với chỉ dẫn địa lý – hay còn gọi là thương hiệu “Bà Đen”.

Dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2018, dự án này cần hơn 1,6 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được sử dụng để xây dựng trình diễn 30 ha mãng cầu VietGAP thương hiệu Bà Đen, trình diễn phòng trừ ruồi vàng đục trái gây giòi và chi phí cho tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền…

Thời gian qua, UBND huyện Dương Minh Châu cũng chỉ đạo các xã trên địa bàn huyện tổ chức đăng ký chỉ dẫn địa lý Bà Đen cho trái mãng cầu; tổ chức thành lập HTX để quản lý quy trình sản xuất, đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý Bà Đen, tem nhãn, logo…

Thu hoạch mãng cầu ở vườn của ông Huỳnh Biển Chiêu.

Tuy nhiên, người dân trồng mãng cầu thuộc 3 xã trong vùng chỉ dẫn địa lý Bà Đen chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Họ chủ yếu bán cả vườn mãng cầu từ khi còn đang ra hoa hoặc trái còn non cho thương lái. Do đó, các hộ trồng mãng cầu thờ ơ với việc tham gia tổ hợp tác, HTX; không tích cực tham gia các hoạt động được nhà nước hỗ trợ nhằm xây dựng vùng chuyên canh cây mãng cầu có sản lượng, chất lượng và độ an toàn cao đối với người dùng.

“Đây là thực trạng chung ở 8 xã trồng mãng cầu thuộc vùng chỉ dẫn địa lý Bà Đen hiện nay”, một cán bộ Sở Khoa học và công nghệ cho biết.

Đáng chú ý là, trong khi ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) - hộ nông dân trồng mãng cầu VietGAP duy nhất ở Tây Ninh sản xuất, kinh doanh ổn định thì có hai HTX mãng cầu lại xin giải thể, gồm HTX mãng cầu Thạnh Tân và HTX dịch vụ nông nghiệp Thuận Phong.

Theo thông tin từ Liên minh HTX Tây Ninh, thời gian qua, cả 2 HTX nói trên hoạt động không mấy hiệu quả.

Hoàng Thi

Về vùng tỷ phú cam đồi

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Xe tôi bon bon trên con đường nhựa phẳng phiu dẫn vào thị trấn Nông trường Trần Phú nơi có diện tích cam, quýt nhiều nhất huyện Văn Chấn (Yên Bái). Hai bên đường, những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang lẫn trong màu vàng rực của những vườn cam, quýt trĩu quả. Một mùa vàng đã lại về nơi mảnh đất này.

Vụ cam này, hộ anh Nguyễn Văn Thông - Khu 8, thị trấn Nông trường Trần Phú thắng lớn.

Đón khách trong căn biệt thự vừa xây dựng gần 2 tỷ đồng, nông dân Đoàn Hồng Ngọc cho biết đó là thành quả của những mùa cam bội thu. Vườn cam của anh Ngọc có khoảng 1.000 cây trên diện tích 2 ha. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ mọi chi phí, anh Ngọc bỏ túi khoảng 400 triệu đồng/ha.

Anh cho biết: "Tôi trồng cam được hơn 17 năm rồi, trước đây gia đình chỉ trồng vài cây quanh nhà vừa làm cảnh vừa có cái cho trẻ ăn chơi, khoảng 7 năm trở lại đây mới trồng nhiều làm hàng hóa. Hai năm vừa qua, những người trồng cam chúng tôi đều được mùa, năng suất gấp đôi những năm trước, mỗi năm đều thu gần 1 tỷ đồng. Cũng nhờ có cây cam mà người dân ở đây đã đổi đời".

Bước vào một ngôi nhà có mấy người đang lựa chọn quýt bỏ vào từng thùng xốp chuẩn bị chở đi, tôi hỏi: “Quýt nhà hay mua từ vườn khác vậy em?”. Một cô gái trẻ đang liền tay bốc quýt đáp: “Quýt nhà chị gái em đấy, em sang giúp chị thu hái thôi anh ạ!"

- Thế nhà chị em trồng được mấy héc-ta?

- Có gần 2 ha thôi anh ạ. Vậy là ít đó. Ở đây có nhiều nhà trồng được trên bốn, năm héc-ta đấy anh ạ!". Cô gái vừa làm vừa vui vẻ chuyện. Hỏi thêm mới biết chỗ này là thuộc xã Minh An nhưng vườn cam bên đường lại thuộc thị trấn Nông trường Trần Phú. Cô chủ nhà còn khá trẻ trên tay cầm quyển sổ ghi chép từng mã quýt được đặt lên bàn cân. Kế bên là người chồng tên Hiếu và cậu con trai 8 tuổi.

- Nghe nói quýt năm nay trúng mùa và được giá, thế này nhà mình thắng to nhỉ? Tôi hỏi chuyện anh chồng. Hiếu thủng thẳng đáp:

- Giá quýt năm nay cũng như mọi năm thôi anh ạ. Nếu gia đình nào thu đầu vụ thì thắng lớn đấy! 1 kg quýt đường canh đầu vụ có giá khoảng 35.000 đồng/kg nhưng đến thời điểm này chỉ bán được khoảng 25.000 đồng/kg thôi!

- Vậy mọi năm, trừ chi phí 2 ha quýt nhà mình thu lãi bao nhiêu? Phải được trên tỉ đấy nhỉ? Trả lời tôi bằng một nụ cười có vẻ bí ẩn, cô vợ nói:

- Không được đâu anh, cỡ vài trăm triệu thôi. Tiền phân, tiền thuốc gần 300 triệu, tiền nhân công cũng “nặng” lắm.

Tôi nhẩm tính trong đầu, thấy chủ nhà này có vẻ nói đùa. 2 ha thu hoạch được khoảng 60 tấn, giá mỗi cân khoảng 25.000 đồng/kg, thì cũng thu được khoảng 1,4 tỷ đồng, trừ tiền công chăm sóc, thu hoạch, phân bón, thuốc trừ sâu, thì 2 ha mỗi năm thu về ăn chắc 1 tỷ đồng.

Nhìn quyển sổ trên mặt bàn uống nước thấy ghi công bẻ quýt, công xếp thùng 150.000 đồng một ngày, công xách quýt từ gốc cây đến điểm tập kết trên đồi 200.000 đồng/ngày, công chở quýt bằng xe máy từ điểm tập kết xuống đường 250.000 đồng/ngày. Mỗi ngày đông nhất có tới 20 người bẻ quýt, mười người xếp thùng xốp…

Anh Hiếu cho biết: “Vườn quýt này trồng bằng cành chiết cũng mười mấy năm rồi. Trước đây, do không biết đặc tính của loại cây này nên chúng tôi dùng nhiều phân hóa học do vậy sản lượng giảm một nửa so với giờ đây. Sau khi được học hỏi kinh nghiệm những vùng trồng cam lớn trong cả nước, chúng tôi chuyển sang chăm sóc cây bằng phân hữu cơ, vi sinh do vậy năng xuất cải thiện rõ rệt.

Chỉ vào vườn cam đỏ ối trước mặt anh bảo: “Cũng vườn cam này trước đây bón phân hóa học mỗi gốc cây chỉ cho khoảng 30 – 50 kg quả, từ khi dùng phân hữu cơ, vi sinh cũng gốc cây ấy, mỗi gốc cho 80 kg đến 1tạ quả. Chất lượng cũng tốt hơn, quả ngọt hơn, mát hơn”. Chia tay vợ chồng anh Hiếu, chúng tôi đi sâu vào thung lũng cam quýt Khu 8. Tới vườn cam của anh Nguyễn Văn Thông nằm sâu bên trong, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh cả một khoảnh đất rộng trên 1,7 ha đỏ ối những chùm quýt lúc lỉu, nặng oằn như muốn gẫy gập nếu không có mấy cây nạng đỡ. Toàn quýt là quýt. Chúng tôi chụp ảnh không biết chán, đang chụp góc này lại xuýt xoa với những cành quýt mê hồn ở chỗ khác.

Năm nay khoảng 50 tuổi, anh Thông là chủ của 4 ha quýt. Gần 20 năm gắn bó với cây cam, cây quýt, hơn ai hết, anh Thông hiểu giá trị của loại cây ăn quả có múi này cao gấp hàng chục lần trồng chè và trồng lúa. Vì thế mà anh đã đầu tư mua một chiếc máy xúc Komatsu mi ni về chăm sóc vườn cam, nó có thể đến từng gốc cam mà không bị vướng cành để đào rãnh xới đất, bỏ phân, đường ống tưới cây được kéo lên tận đỉnh đồi. Rồi đầu tư cả một con đường dài gần 1 km để xe tải có thể vào tận vườn chở cam đi tiêu thụ…

Nâng những chùm cam sành trĩu quả, anh Thông khẳng định: "Cam năm nay được mùa anh ạ! Sản lượng cam của gia đình sẽ đạt hơn năm ngoái. Người trồng cam chúng tôi hiện nay đã yên tâm về thị trường, giá cả nhưng vẫn mong muốn có thương hiệu riêng cho vùng quả này".

Thị trấn Nông trường Trần Phú hiện là một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện Văn Chấn với gần 400 ha, năng suất từ 25 - 28 tấn/ha, mỗi năm mang về cho người dân nơi đây trên 100 tỷ đồng. Xác định đây là loại cây mũi nhọn trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân địa phương, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Nông trường Trần Phú đã chỉ đạo nhân dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích chè xấu, thoái hóa, kém chất lượng sang trồng cam.

Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú phấn khởi cho biết: "Những hộ trồng cam ở đây đa số là triệu phú, tỷ phú, như gia đình ông Nguyễn Văn Thông, Đinh Quang Dũng, Lê Minh Đông ở khu 8, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Văn Đường ở khu 7... mỗi vụ cam đều có thu nhập từ 700 triệu đến hơn một tỷ đồng. Thị trấn đang xây dựng những đồi cam đáp ứng yêu cầu thị trường về năng suất cũng như chất lượng để sản phẩm cam của thị trấn sẽ đạt tiêu chuẩn cam sạch và có thương hiệu".

Vẫn biết khi sản phẩm có thương hiệu, thị trường, giá cả ổn định sẽ giúp người nông dân yên tâm sản xuất, song, để xây dựng được một thương hiệu riêng cho loại hàng hóa nông sản này, trước hết phải bắt đầu từ chính việc nâng cao nhận thức, ý thức của người trồng cam trong việc đầu tư chăm sóc ban đầu, đặc biệt là quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được giám sát, tuân thủ nghiêm ngặt, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Yếu tố quan trọng nhất là cây cam phải có chất lượng, an toàn và sạch bệnh. Mong muốn có thương hiệu cho sản phẩm cam của thị trấn Trần Phú nói riêng và cam Văn Chấn nói chung là mong muốn chính đáng của người trồng cam rất cần sự quan tâm phối hợp của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.

Rời thị trấn Nông trường Trần Phú khi nắng xuân ấm áp đã nhuộm vàng cả một vùng núi đồi bạt ngàn trái ngọt, tôi tin rằng thời gian tới cam Văn Chấn sẽ có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường hoa quả đặc sản Việt Nam.

Quang Thiều

Xuất khẩu hơn 2.500 tấn thanh long sang thị trường Thái Lan

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Ông Nguyễn Văn Sang (chủ tiệm cơm gà Cát Tường, TP. Mỹ Tho), chủ trang trại thanh long ruột đỏ (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) cho biết, trong năm 2015 ông đã ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp thanh long cho 1 doanh nghiệp ở Thái Lan. Nhờ vậy, đầu ra được duy trì ổn định, giá xuất luôn cao hơn mức giá trên thị trường nội địa (giá xuất thanh long ruột đỏ thấp nhất cũng trên 30 ngàn đồng/kg).

Ông Sang tại kho bảo quản thanh long xuất khẩu.

Năm qua, trang trại của ông đã xuất khẩu trực tiếp cho doanh nghiệp khoảng 2.300 tấn thanh long ruột đỏ và 350 tấn thanh long ruột trắng; trong đó có 1.700 tấn thanh long ruột đỏ do trang trại ông sản xuất, số còn lại ông thu mua từ một số trang trại thanh long ở trong và ngoài tỉnh (Trà Vinh, Vĩnh Long). Thanh long ruột đỏ hiện được doanh nghiệp Thái Lan thu mua với giá từ 60 - 70 ngàn đồng/kg (loại 1: 70 ngàn đồng/kg; loại 2: 60 ngàn đồng/kg).

Theo ông Sang, do áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm thanh long do trang trại ông sản xuất luôn đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP vào cuối năm 2015) nên được đối tác tin cậy và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài (giá xuất tính theo giá thời điểm).

Được biết, ông Sang vừa đầu tư một nhà kho diện tích 3.000 m2 trên Quốc lộ 50 (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) để phục vụ việc sơ chế, đóng gói, lưu kho bảo quản thanh long xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn một số nông dân (huyện Tân Phước) áp dụng quy trình sản xuất thanh long theo hướng an toàn (theo tiêu chuẩn GlobalGAP) để được bao tiêu sản phẩm lâu dài với giá thu vào luôn cao hơn mức giá trên thị trường ở cùng thời điểm.

HUỲNH VĂN XĨ

Đồng Tháp: Cháy hàng sản phẩm trái xoài in chữ tài lộc

Nguồn tin: VOV

Năm nay, Đồng Tháp cháy hàng trái xoài bao chữ “phát tài phát lộc” và hình bản đồ Việt Nam phục vụ nhu cầu trái cây chưng Tết.

Đến thời điểm này, toàn bộ sản phẩm xoài bao chữ “phát tài phát lộc”, “vạn sự như ý”, “an khang thịnh vượng” và xoài có hình bản đồ Việt Nam phục vụ nhu cầu trái cây chưng Tết đã được tiêu thụ hết tại vườn của anh Huỳnh Thanh Khoa, xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Chọn lựa xoài đạt chất lượng, mẫu mã đẹp để cung cấp cho thị trường Tết

Anh Huỳnh Thanh Khoa cho biết, năm nay, xoài không trúng nên sau khi thu hoạch và chọn lựa chỉ được hơn 1.200 trái xoài có in chữ và hình bản đồ Việt Nam. Mặc dù nhiều nơi tiếp tục đặt hàng nhưng do năm đầu tiên thực hiện nên không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Được biết, mỗi quả xoài bao chữ sau khi trải qua khoảng thời gian gần 4 tháng chăm sóc và không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Xoài đạt chất lượng sẽ có trọng lượng từ 700gr đến khoảng 1kg, có giá bán 300.000 đồng/trái.

Xoài bao chữ “phát tài phát lộc”, “vạn sự như ý”

Ngoài ra, anh Huỳnh Thanh Khoa còn thử nghiệm thành công 30 quả xoài in hình bản đồ Việt Nam với giá bán 500.000 đồng/trái. Theo đó, mùa xoài Tết năm nay, nhóm của anh Khoa thu nhập gần nửa tỷ đồng.

“Bước đầu thực hiện, sản phẩm đưa ra thị trường được rất nhiều người đến xem và đặt hàng. Vì là bước đầu thử nghiệm nên sản lượng không nhiều, phải từ chối hết các nơi đặt hàng. Chỉ cung cấp cho nơi đã bao tiêu toàn bộ. Mục đích để mọi người có trái ngon chưng bày tết cho đẹp, cho vui”.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

Đồng Tháp: Năng suất quýt đường vụ Tết giảm do ảnh hưởng thời tiết

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời điểm hiện tại, nhiều nhà vườn canh tác quýt tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang tất bật thu hoạch các loại quýt cung ứng cho thị trường Tết.

Nhà vườn tất bật thu hoạch các loại quýt cung ứng cho thị trường Tết

Theo nhiều nhà vườn thuộc địa bàn xã Tân Phước, huyện Lai Vung, hiện quýt hồng mua tại vườn loại 1 giá từ 28.000 – 30.000 đồng/kg; loại 2 giá 24.000 – 25.000 đồng/kg; loại 3 có giá 18.000 – 22.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá các loại quýt hồng vẫn giữ mức bình ổn và có chiều hướng giảm nhẹ so với năm trước.

Bên cạnh đó, quýt đường loại 1 được thương lái mua tại vườn khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg; loại 2 có giá 24.000 – 25.000 đồng/kg. Giá quýt đường đang giảm khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg so với năm trước. Theo ông Dương Tuấn Kiệt, nhà vườn ở ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước, huyện Lai Vung cho biết: “Gia đình tôi vừa bán cho thương lái hơn 500kg quýt đường vụ Tết. Năm nay, quýt bị sâu bệnh nhiều nên trái không bóng đẹp như những năm trước. Không những thế, năng suất quýt còn giảm hơn khoảng 10 – 20% so với năm trước. Với giá bán như hiện tại, người trồng quýt chỉ mong kiếm chút đỉnh lời”.

Khánh Phan

Chuối tết tăng giá, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Cận tết, giá chuối tăng mạnh. Người tiêu dùng đắn đo khi chọn mua chuối, còn nông dân trồng chuối thì vui mừng vì có thu nhập khá.

GIÁ CHUỐI TĂNG MẠNH

Dạo qua một vòng các hàng bán chuối ở chợ Tuy Hòa (Phú Yên) trong những ngày giáp tết, loại chuối được bày bán nhiều và tiêu thụ mạnh nhất là chuối mốc. Bà Trần Thị Lài, chủ một hàng chuối, cho biết: Trong những ngày lễ tết, người dân thường chọn mua loại chuối mốc xanh về để đơm cúng ông bà, tổ tiên nên sức tiêu thụ tăng mạnh. Mấy ngày gần đây, hàng chuối của tôi bán được cả trăm nải/ngày. Còn chị Lê Thị Mộng Ngọc, một khách hàng chọn mua chuối, cho hay: Ngoài các loại hoa quả, bánh trái thông thường, trên mâm cỗ ngày tết của gia đình tôi lúc nào cũng có mấy nải chuối xanh. Vì vậy, tôi chọn mua ít nải để chuẩn bị cúng tất niên và cúng đầu năm mới.

Vì lượng chuối tiêu thụ trong dịp cận tết tăng cao nên giá cũng tăng lên từng ngày. Chuối mốc không còn bán theo cân nặng như trước mà được bán theo từng nải, tùy nải lớn, nhỏ và đẹp, xấu mà có giá khác nhau. Bình quân giá chuối mốc dao động từ 20.000-60.000 đồng/nải, tăng gần gấp ba lần so với ngày thường. Theo bà Lê Thị Huệ, một chủ nậu chuyên cung cấp chuối cho các hàng bán chuối lẻ tại chợ Tuy Hòa, hơn một tuần qua, sức tiêu thụ chuối mốc tại chợ tăng mạnh, bình quân mỗi ngày bà cung cấp hơn một tấn chuối cho tiểu thương ở chợ Tuy Hòa và các chợ huyện. Lượng chuối này được bà thu mua tại các vùng chuyên canh cây chuối ở các huyện Tuy An và Sơn Hòa.

NGƯỜI TRỒNG CHUỐI VUI MỪNG

Theo các nông dân trồng chuối, mùa tết là mùa tiêu thụ chính trong năm. Dịp này, sức tiêu thụ và giá chuối đều tăng cao nên nhà nào có chuối thu hoạch vào đúng thời điểm tết sẽ “bội thu”. Chuối được các thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/kg, với giá bán này người trồng chuối có được thu nhập khá cao. Ông Phạm Văn Học ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh (huyện Tuy An), cho biết: Nhà tôi có 3ha chuối, trong đó diện tích chuối tơ chiếm gần nửa nên sản lượng chuối thu hoạch đạt khá cao. Mùa tết này gia đình tôi đã thu hoạch được khoảng bốn tấn chuối. Từ giờ đến tết thu hoạch được khoảng 700kg nữa, ước thu nhập mùa này được hơn 50 triệu đồng.

Để tăng lợi nhuận từ trồng chuối, thời gian qua, nhiều người trồng chuối, bằng kinh nghiệm riêng của mình, cố gắng “can thiệp” canh cho chuối kịp thu vụ tết. Ông Nguyễn Thái Bình, ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh (huyện Tuy An), người có hơn chục năm kinh nghiệm trồng chuối, cho biết: Với kinh nghiệm bản thân, hàng năm vào khoảng tháng 9 Âm lịch tôi cắt bắp tất cả buồng của diện tích chuối lưu gốc. Riêng chuối tơ sẽ chọn thời điểm trồng vào khoảng tháng 7 âm lịch thì hai năm sau chuối sẽ cho thu hoạch đúng mùa tết. Nhờ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết trong kỹ thuật trồng chuối, năm nay gia đình ông Bình đã thu hoạch được khoảng hai tấn chuối đúng dịp tết.

Ông Dương Văn Nam, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh, cho hay: Hiện toàn xã có gần 500ha trồng chuối, tập trung nhiều nhất ở các thôn Quang Thuận và Vĩnh Xuân. Mùa tết năm nay, các vùng trồng chuối ở xã An Lĩnh đưa ra thị trường khoảng 40 tấn chuối, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và các tỉnh ngoài.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện nay người dân ở địa phương này đang phát triển mạnh nghề trồng chuối. Toàn huyện có khoảng 1.300ha chuối được trồng tập trung ở ba xã An Lĩnh, An Xuân và An Thọ, cây chuối trở thành cây trồng chủ lực của các xã miền núi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

SƠN CA

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop