Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 04 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 04 năm 2021

Lợi nhuận cao nhờ trồng rau màu mùa khô

Nguồn tin: Báo Long An

Sau vụ rau tết, nông dân huyện Bến Lức, tỉnh Long An tiếp tục xuống giống vụ rau màu mới nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô, nông dân đào ao, khai nước vào các rãnh để trữ nước ngọt, sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế bốc hơi nước,...

Nông dân chủ động được nguồn nước tưới, tiêu trong vụ này

Với 0,2ha đất xen canh, gối vụ các loại rau màu như cải, ngò, húng, mướp, đậu rồng…, ông Nguyễn Văn Bào (ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp) đầu tư khoảng 7 triệu đồng làm hệ thống tưới nước tự động bằng ống nhựa. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm nguồn nước tưới trong mùa khô, vừa ít tốn công chăm sóc rau. Mỗi năm, ông Bào trồng 3-5 vụ, mỗi vụ kéo dài từ 2-4 tháng. Sau khi trừ chi phí, ông lãi từ 70-80 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với trồng lúa.

Ông Bào chia sẻ: “Việc áp dụng hệ thống tưới nước tự động có thể giữ được độ ẩm của đất và phun tưới đều khắp các luống, giúp rau không bị khô héo. Mỗi ngày, tôi tưới 3 lần để rau phát triển tốt”.

Thời gian qua, trồng rau màu từng bước mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2018, xã Long Hiệp thành lập Hợp tác xã Rau an toàn với 16 thành viên, canh tác trên 3,3ha rau màu các loại. Tham gia hợp tác xã, các hộ dân được học tập và trao đổi kinh nghiệm trồng rau, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Trung bình mỗi năm, người trồng có lợi nhuận từ 30-36 triệu đồng/0,1ha.

Trước tình hình thời tiết nắng nóng, nông dân phải làm đất kỹ, bón đầy đủ các loại phân hữu cơ, đào ao trữ nước và sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế thoát nước, giữ ẩm tốt cho cây, bảo đảm cho rau màu phát triển trong mùa khô./.

Việt Hằng - Lê Hạnh

Đa dạng hóa loại hình tiêu thụ các sản phẩm từ cây thanh long

Nguồn tin: Báo Long An

Sau dịch bệnh Covid-19 đặt ra bài toán đầu ra cho trái thanh long. Nếu gặp trường hợp bất khả kháng giá trái thanh long xuống thấp thì đầu ra cho trái thanh long sẽ được giải quyết như thế nào? Từ đó, nông dân, doanh nghiệp và lái thu mua thanh long đã tìm ra nhiều giải pháp hài hòa để cây thanh long luôn có đầu ra ổn định, đỡ phải quá lo lắng.

Bông thanh long đang được thương lái thu mua

Có thể bán non vườn thanh long khi vừa ra bông

Anh Trương Văn Phân làm thuê cho trang trại thanh long xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chia sẻ: “Sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nông dân trồng thanh long rất lo lắng do giá trái lên xuống thất thường. Nhiều nông dân sau khi xông đèn, cây ra hoa đã được nhiều thương lái đến ngã giá mua non”.

Được biết, do ít vốn nên anh Phân đã bán vườn thanh long 5 công đất của mình với giá 150 triệu đồng, sau khi đã xông đèn cho ra bông. Phần còn lại là do lái tự chịu trách nhiệm: Chăm sóc, vuốt ngoe, dưỡng cây cho ra trái,…

Tại khu vực xã Hiệp Thạnh, nhiều thương lái từ Tiền Giang và các kho thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành đến ngã giá trước, mua non vườn thanh long. Theo nhận xét của Giám đốc HTX Thanh long Vạn Thành - Nguyễn Vạn Thành, trên địa bàn xã Hiệp Thạnh có từ 70-80% nông dân trồng thanh long bán non vườn thanh long; tùy theo giai đoạn và công chăm sóc từng vườn mà lái trả giá khác nhau.

Ông Thành ước tính: “Đối với những hộ trồng thanh long có diện tích nhỏ (dưới 5.000m2), sau khi xông đèn cho ra trái ước trên 10 triệu đồng tiền điện thì nông dân bán cho lái được trên 100 triệu đồng. Thời gian còn lại, họ đi làm thuê cũng trên vườn thanh long, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Ngoài ra, nhiều hộ sau khi bán non vườn thanh long làm các công việc khác có thu nhập cũng khá”.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều khó khăn cho nông dân như khi đặt cọc thì lái chỉ trả trước cho nông dân 50% số tiền mua non vườn thanh long. Nếu khi bán trái thanh long có giá, lái có lời thì không sao nhưng nếu thanh long rớt giá thì lái sẽ “cò kè” buộc nông dân giảm tiền bán thanh long để hai bên cùng chịu rủi ro hoặc lái bỏ cọc. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cãi vã nhưng do tâm lý “dĩ hòa vi quý” nên chưa xảy ra tranh chấp.

Đa dạng hóa sản phảm từ cây thanh Long

Cũng theo ông Thành, hiện trên địa bàn xã Hiệp Thạnh và các vùng giáp ranh có lái thu mua bông thanh long với giá từ 5.000-7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào mùa này, ít ai bán bông vì trái thanh long đang có giá. Thế nhưng, đây cũng là một cơ hội cho nông dân vì vào mùa mưa, trái thanh long rớt giá, nông dân bán bông để cây ít chịu áp lực cung cấp dinh dưỡng, dành sức cho vụ kế tiếp mà vẫn có hoa lợi trên cây. Bông thanh long nấu lẩu và xào với thịt, cá đều là món ăn bổ dưỡng; một số nơi còn phơi khô để bán cho tiệm thuốc Bắc dùng để giải độc cho cơ thể.

“Ngoài việc bán bông thanh long thì theo nhiều nhà vườn, khi thanh long rớt giá, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp nước ép trái cây ở huyện Đức Hòa và Bến Lức sẵn sàng mua trái thanh long để ép nước trái cây. Họ cũng mua với giá theo sát thị trường nên nông dân rất phấn khởi. Hợp tác xã Vạn Thành cũng nhiều lần bán trái thanh long cho 2 cơ sở nói trên” - ông Thành thông tin.

Bên cạnh việc ép nước trái cây thanh long để giải khát, bông thanh long dùng làm thức ăn, bồi bổ sức khỏe thì trái thanh long còn dùng để chế biến rượu vang và nhiều sản phẩm khác đa dạng cho người sử dụng. Với sự chung tay, góp sức của nhà nông, doanh nghiệp và thương lái, việc tìm và tạo đầu ra cho sản phẩm từ cây thanh long cũng đã có lời giải./.

Đại Lâm

Giá thanh long ruột đỏ tăng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Sau thời gian dài giảm giá, thanh long ruột đỏ tại huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đang tăng giá trở lại so với tháng trước.

Thanh long ruột đỏ tăng giá trở lại

Ông Trần Văn Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hội quán (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) cho biết: “Hiện thanh long ruột đỏ loại 1 có giá 35.000 – 36.000 đồng/kg; loại 2 giá 31.000 đồng/kg; loại 3 giá 26.000 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân giá thanh long tăng là do nông dân đang sản xuất trái vụ nên năng suất cung ứng cho thị trường không nhiều. Bên cạnh đó, mặt hàng này được thị trường tiêu thụ tốt nên các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua trở lại”.

TRANG HUỲNH

Hậu Giang: Giá xoài cát Hòa Lộc tăng cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Do nhu cầu mua tăng cao khi vào dịp cúng Thanh minh nên giá xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) tăng cao. Hiện tại, thương lái thu mua xoài cát Hòa Lộc loại 1 giá 45.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Riêng xoài loại 2 cũng được thu mua với giá cao là 40.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Quang, chủ vườn xoài cát Hòa Lộc ở xã Tân Hòa cho biết, với giá cao như hiện nay, bán 1 tấn trái nhà vườn có lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. So với các vụ trái trong năm, thời điểm này trái xoài cát Hòa Lộc cho lợi nhuận cao nhất.

Hiện tại, nhà vườn trồng xoài ở Châu Thành A cũng đang thực hiện bao trái vụ xoài nghịch năm 2021. Vụ trái này sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 4 âm lịch tới.

VIỆT PHƯƠNG

Hướng đi cho nông nghiệp sạch

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Canh tác theo tiêu chuẩn VietGap nhưng hiện nay một số hộ trồng rau trên địa bàn thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước) vẫn phải cạnh tranh với rau trôi nổi trên thị trường, thậm chí còn phải bán giá thấp hơn. Điều mong mỏi nhất của người nông dân hiện nay là đưa sản phẩm rau sạch ra thị trường rộng rãi, phục vụ nhu cầu của người dân với giá bán hợp lý.

Với kinh nghiệm trồng rau 25 năm, hơn 5 năm nay gia đình ông Lê Xuân Thăng, ngụ ấp Phú Long, xã Thanh Phú chuyển sang trồng rau theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap. Vườn rau nhà ông có đủ loại như bồ ngót, rau cải, mồng tơi và các loại rau thơm… Theo ông Thăng, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap đòi hỏi nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt và ghi chép lại từng quy trình về thời gian xuống giống, sinh trưởng, phân bón, thuốc nên rất tốn thời gian...

Ông Thăng cho biết: “Khi mình làm sản phẩm rau sạch theo chuẩn VietGap thì đòi hỏi rau phải đẹp, không già quá hay non quá. Tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nhưng giá đầu ra thấp và không ổn định. Nông dân trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần có chính sách hỗ trợ để bán được sản phẩm giá cao hơn các loại rau trôi nổi thì mới đáp ứng được ngày công”.

Ông Nguyễn Văn Duyệt chăm sóc vườn rau của gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP

Cũng canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGap, hộ ông Nguyễn Văn Duyệt, tổ 3, ấp Phú Long, xã Thanh Phú vẫn bán rau cho thương lái với giá bằng các loại rau trên thị trường. Theo ông, mỗi ngày gia đình bỏ mối cho thương lái từ 80-100kg. Nếu bán cho các siêu thị hay cửa hàng tiện ích thì giá từ 18.000-20.000 đồng/kg nhưng bán cho thương lái giá chỉ dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg. Như vậy rất thiệt thòi cho người nông dân đang theo hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn.

“Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành tạo điều kiện giúp những người nông dân sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGap có chỗ tiêu thụ sản phẩm nhằm quảng bá rộng rãi hơn về loại sản phẩm này. Từ đó, người dân có sự so sánh, lựa chọn các sản phẩm sạch để đảm bảo cuộc sống và nâng giá trị các loại rau sạch trên địa bàn thị xã” - ông Duyệt kiến nghị.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Bình Long có 8 hộ trồng rau đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap với diện tích khoảng 3 ha, chủ yếu tập trung tại xã Thanh Phú, với sản lượng khoảng 4,5 tấn/năm. Sản phẩm của các hộ trồng rau hiện nay chủ yếu bán cho thương lái, với giá phụ thuộc vào thị trường nên đầu ra không ổn định. Do vậy, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm này đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Bình Long Nguyễn Đăng Hoàn cho biết: Thời gian tới, để tìm đầu ra ổn định cho các hộ, các tổ hợp tác trồng rau, hướng đến là hợp tác xã trồng rau sạch, hội sẽ liên hệ với những nơi tiêu thụ số lượng lớn và ổn định như các siêu thị, bách hóa xanh. Từ đó, giúp các hộ yên tâm canh tác.

Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Thị Hồng Vân: “UBND thị xã sẽ tập trung chỉ đạo các ngành tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Từ đó hình thành các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao”.

Để giải bài toán đầu ra cho rau sạch nói riêng và các loại sản phẩm nông nghiệp sạch nói chung, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Chủ tịch UBND thị xã Bình Long cho biết: Trong thời gian tới, UBND thị xã sẽ đề ra những chính sách để thu hút các doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa bàn thị xã. Đồng thời, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, giúp sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn có chỗ đứng vững trên thị trường.

Với những khó khăn hiện nay, để sản phẩm nông nghiệp sạch có đầu ra ổn định thì cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn các cấp làm cầu nối. Như vậy, nông sản sạch mới đến được các cửa hàng tiện ích, siêu thị... với mức giá tương xứng công đầu tư, chăm sóc. Từ đó, giúp người nông dân yên tâm canh tác, nhân rộng các mô hình nông nghiệp sạch, chất lượng, mang tính đặc trưng của địa phương.

Văn Tâm

Câu chuyện về Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỷ phú (NDTP) tỉnh Bến Tre được thành lập vào tháng 7-2018 là mô hình mới đầu tiên trong cả nước. Việc hình thành CLB là xuất phát từ nhu cầu thực tế và khát vọng làm giàu theo tinh thần Đồng khởi khởi nghiệp của những nông dân có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Đến nay, toàn tỉnh có 8 CLB NDTP với 230 thành viên.

Tham quan các mô hình sản xuất của thành viên Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Chợ Lách.

Lực lượng nông dân dẫn đầu

Là người định hướng và cùng tham gia sinh hoạt với CLB NDTP tỉnh Bến Tre ngay từ những ngày đầu tiên, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi khẳng định: CLB NDTP tỉnh là mô hình cụ thể hóa ý tưởng của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng.

“Cách nay hơn 10 năm, trong một chuyến về công tác tại tỉnh, đồng chí Thào Xuân Sùng có hỏi tôi rằng: Bến Tre có những nông dân nào là tỷ phú không. Khi ấy, tôi rất ngập ngừng, trả lời rằng, Bến Tre còn nghèo lắm, làm gì có những nông dân nào là tỷ phú… Trong chuyến về thăm này, đồng chí đi đến những hộ nông dân nuôi bò tại huyện Ba Tri, có những hộ đang nuôi năm, bảy chục con, trung bình mỗi con trị giá 30 triệu đồng. Như vậy có nhiều hộ nuôi bò đang nắm giữ mô hình kinh tế có trị giá hơn tỷ đồng. Khi đó, đồng chí mới chỉ ra rằng: Đây! Họ là nông dân tỷ phú đây!” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi kể.

Bí thư Tỉnh ủy cho biết thêm, sau chuyến đi này, lãnh đạo tỉnh đã ngồi lại với Hội Nông dân tỉnh để khảo sát kỹ nông dân trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Kết quả nhận thấy, tỉnh có rất nhiều nông dân sản xuất giỏi, có lợi nhuận mỗi năm từ 1 tỷ đồng trở lên. Như vậy, câu trả lời cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là: Tỉnh có nhiều, thậm chí rất nhiều nông dân có thể là tỷ phú.

Ngày 18-7-2018, CLB NDTP tỉnh được thành lập, bước đầu có 20 thành viên, là những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. “Lần đầu tiên sinh hoạt tại nhà anh Huỳnh Văn Quận - Chủ nhiệm CLB NDTP tỉnh (xã Giao Long, huyện Châu Thành), CLB chỉ có 20 thành viên. Đến nay, có gần 50 thành viên tham gia. Hiện có 7 huyện đã thành lập CLB NDTP, nâng tổng số CLB toàn tỉnh là 8, với 230 thành viên”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lao Văn Trường cho biết.

Tôn vinh các danh hiệu

Qua 12 lần sinh hoạt, CLB NDTP tỉnh đã giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho bà con. Đồng thời, tôn vinh những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng lực lượng nông dân giỏi dẫn đầu trên từng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở nông thôn.

Từ chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại Thái Lan, đến nay, CLB NDTP tỉnh đã xây dựng được 6 mô hình: mô hình trồng bưởi đạt chuẩn VietGAP của ông Huỳnh Văn Quận; mô hình Hợp tác xã (HTX) nhãn Long Hòa của anh Nguyễn Hữu Thanh; mô hình trang trại bò giống chất lượng cao của anh Lưu Văn Cõi; mô hình trồng xen trong vườn dừa của anh Ngô Văn Hội; mô hình tổ chôm chôm sạch của anh Đào Tấn Cảnh; mô hình trồng hoa kiểng trong nhà lưới của chị Nguyễn Thị Nga. Các mô hình đều mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng cho nhiều nông dân làm theo.

Từ năm 2018 đến nay, CLB NDTP tỉnh có 3 thành viên được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn nông dân xuất sắc toàn quốc, như: chị Nguyễn Thị Nga, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (năm 2018); anh Trần Thành Nam, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (năm 2019); anh Nguyễn Hữu Thanh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại (năm 2020). Hay trường hợp anh Nguyễn Văn Hòa - thành viên CLB NDTP huyện Châu Thành được tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào năm 2019. Anh Đặng Văn Bảy, thành viên CLB NDTP Thạnh Phú đoạt Cúp vàng người nuôi tôm thẻ đạt kỷ lục 14,6 con/kg do Tập đoàn chăn nuôi CP tổ chức vào năm 2020...

Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh tặng quà cho hộ nghèo tại lần sinh hoạt thứ 8.

Thành viên của các CLB đã tích cực tiên phong làm nòng cốt tham gia và vận động nhiều người khác tham gia vào tổ hợp tác, HTX tại địa phương. Đến nay, các thành viên đã tham gia thành lập được 7 HTX và 26 tổ hợp tác, như: chị Nguyễn Thị Vinh là Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Khánh A; anh Phạm Văn Mười - Chủ nhiệm CLB NDTP huyện Mỏ Cày Bắc là Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thành An; anh Huỳnh Văn Quận - Chủ nhiệm CLB NDTP tỉnh là thành viên Ban kiểm soát HTX Nông nghiệp Giao Long; anh Phạm Hồng Khanh - Chủ nhiệm CLB NDTP huyện Chợ Lách là Giám đốc HTX Thắng Lợi; NDTP nhãn Nguyễn Hữu Thanh là Giám đốc HTX Long Hòa…

Mục tiêu hướng tới

Anh Đặng Văn Bảy là tỷ phú tôm biển huyện Thạnh Phú đã cam kết sẽ hỗ trợ phát triển thêm 40 thành viên cho CLB NDTP huyện trong năm 2021. Vì đây là sân chơi cho nông dân sản xuất giỏi, am hiểu kỹ thuật và là nơi để giúp đỡ, lan tỏa mô hình cho nhiều nông dân khác cùng làm giàu. Mục tiêu hướng đến là huyện không chỉ dừng lại ở vài chục mà sẽ phát triển thêm hàng trăm NDTP.

Đầu năm 2021, Thạnh Phú là địa phương thứ 7 ra mắt CLB NDTP với số lượng thành viên ban đầu đông nhất so với CLB các huyện còn lại. Trong đó, nông dân Đặng Văn Bảy có thu nhập bình quân từ 20 - 30 tỷ đồng/năm từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Định hướng trong quý II-2021, Hội Nông dân tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển thêm 2 CLB tại 2 huyện, thành phố còn lại, với ít nhất 40 thành viên. Hiệu quả bước đầu của các CLB sẽ tạo nền tảng để phát triển một số tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Trong đó, chính những thành viên CLB là những người đóng vai trò nòng cốt.

Riêng đối với các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, các thành viên CLB làm nòng cốt trong việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Phấn đấu năm 2021 đạt 500ha nuôi công nghệ cao. Đặc biệt, thành viên CLB NDTP huyện Thạnh Phú làm nòng cốt thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao xã Thạnh Phong. Tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, thành viên CLB liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, cây giống…

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lao Văn Trường nhấn mạnh, hướng tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng các CLB NDTP tập trung liên kết xây dựng mô hình sản xuất với quy mô lớn; các hoạt động liên quan đến tham quan mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Tại buổi sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỷ phú tỉnh vào tháng 3-2021, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến phấn khởi và kỳ vọng vào hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ của CLB trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục thành lập thêm 2 CLB tại các huyện, thành phố còn lại. Sau khi 9/9 huyện, thành phố đã có CLB thì tập trung bám sát chương trình hành động của tỉnh 2021 - 2025, hoạch định cụ thể kế hoạch hoạt động của từng CLB với mục tiêu không ngừng phát triển, vươn xa.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Thu 40 lít mật ong hoa cà phê chè mỗi ngày

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau gần 2 tuần đưa đàn ong 240 thùng từ Thôn 10, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng lên khu vực thôn Đa Thọ, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Trại ong Trần Cường đã thu bình quân 40 lít mật ong và 20 kg phấn hoa cà phê chè mỗi ngày.

Hàng ngày đàn ong đi lấy mật hoa cà phê chè từ 5 giờ sáng và trở về từ 17giờ tạo mật ong dưới tán rừng thông Xuân Thọ, Đà Lạt.

Theo chủ nhân Trại ong Trần Cường, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng mật ong và phấn hoa cà phê chè thu được tại khu vực xã Xuân Thọ nêu trên giảm 30%, nhưng bù lại chất lượng mật ong đậm đặc hơn, nên giá bán tại chỗ tăng lên khoảng 20% vẫn được người tiêu dùng địa phương và khách du lịch lựa chọn.

Đây là năm thứ 7, Trại ong Trần Cường đưa ong lấy mật hoa cà phê chè tại khu vực xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Nơi đây dự kiến đến cuối tháng 4 này, Trại ong Trần Cường kết thúc mùa lấy mật ong hoa cà phê chè năm 2021 với sản lượng tiếp tục mỗi ngày tăng lên khoảng 60 lít…

VĂN VIỆT

Tăng thu nhập nhờ nuôi ngỗng sư tử

Nguồn tin: Nhân Dân

Ngỗng là loài dễ nuôi, lớn nhanh, cho chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trong số các loài ngỗng, thì ngỗng sư tử có tầm vóc to, cho sản lượng thịt cao hơn hẳn ngỗng cỏ, thích hợp với phương thức chăn thả trên đồng bãi. Ngỗng sư tử có đặc điểm dễ nhận diện là đầu to, mỏ đen thẫm, trước trán có mào lớn lồi ra rõ rệt, ở giữa có vằn vàng; lông mầu xám thẫm, xương to, thịt hơi trắng… Khi trưởng thành ngỗng đực có thể nặng hơn 6 kg/con, ngỗng cái nặng từ 5 kg/con… Tại thành phố Vinh (Nghệ An), mặc dù mô hình nuôi ngỗng còn khá mới mẻ nhưng anh Đinh Văn Vinh (ở xóm Hồng Liên, xã Nghi Liên) đã thành công trong việc phát triển kinh tế nhờ nuôi ngỗng sư tử. Với lợi thế có trang trại gần đồng ruộng, thuận lợi cho việc nuôi ngỗng thả đồng, anh Vinh đã quyết định đầu tư nuôi 300 con ngỗng sư tử. Đây là những con giống anh đặt mua ở Hà Nội, đã được tiêm phòng đầy đủ, với giá 120 nghìn đồng/con. Để nuôi ngỗng đạt năng suất cao, anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, đến các mô hình nuôi ngỗng đạt hiệu quả học hỏi thêm kinh nghiệm và tìm hiểu về thị trường tiêu thụ ngỗng trên địa bàn.

Anh Vinh chia sẻ, ngỗng là loài có sức đề kháng cao nên ít xảy ra dịch bệnh. Tháng đầu tiên nuôi ngỗng luôn là vất vả nhất vì giai đoạn này nuôi nhốt hoàn toàn, nếu không chăm sóc, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nhất là không giữ ấm được cho ngỗng con, thì tỷ lệ chết sẽ rất cao. Từ tháng thứ 2 trở đi, chủ yếu là nuôi thả đồng, nên ngoài thức ăn hỗn hợp sẽ tận dụng thêm được nguồn thức ăn tự nhiên, công chăm sóc sẽ đỡ vất vả hơn. Đàn ngỗng của anh đã đạt được năng suất cao, mang lại thu nhập tốt cho gia đình nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Cụ thể, kết quả sau bốn tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 94%, trọng lượng bình quân xuất chuồng đạt 5,5 kg/con. Với giá bán 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi hơn 63 triệu đồng. Hiện ngỗng thương phẩm của anh chủ yếu được tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch và nhà hàng trên địa bàn thành phố Vinh.

Từ hiệu quả của mô hình, có thể thấy so với các loài gia cầm khác thì nuôi ngỗng sư tử cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đây cũng là mô hình gợi mở hướng chăn nuôi mới, góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

LAM SƠN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop