Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 06 năm 2021

Bảo vệ vườn cây ăn trái thời điểm giao mùa

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời tiết trong tỉnh Đồng Tháp đang trong giai đoạn giao mùa với diễn biến bất thường khi đêm và sáng thường có những trận mưa kéo dài. Đây có thể xem là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên các loại cây ăn trái. Vì vậy, nông dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh nhằm bảo vệ diện tích canh tác.

Nông dân chủ động cung ứng đủ dinh dưỡng cho vườn cây ăn trái thời điểm giao mùa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có hơn 33 ngàn ha cây ăn trái, tập trung chủ yếu ở các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh, Lấp Vò... Trong thời điểm giao mùa, các loại sâu, bệnh có thể xuất hiện trên cây ăn trái như: sâu đục cành, bệnh thán thư, đốm nâu, đốm trắng...

Tại huyện Lai Vung, thời gian qua, do ảnh hưởng của hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi khiến diện tích cây có múi của huyện chỉ còn hơn 3 ngàn ha, trong đó có khoảng 318ha quýt hồng. Nông dân Lai Vung đang tập trung bảo vệ vườn cây có múi thời điểm giao mùa. Là nhà vườn đang triển khai trình diễn “Giải pháp tạm thời khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, héo xanh trên cây có múi”, ông Nguyễn Văn Đầy ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết, thời điểm bắt đầu mùa mưa, không khí ẩm ướt sẽ khiến cây quýt hồng bị loét, sẹo trái. Vì vậy, từ đầu tháng 4 âm lịch, nông dân phải chủ động phòng ngừa bằng cách dùng vôi đá ngâm để phun cho cây quýt, giúp ngừa bệnh loét và sát khuẩn. Đồng thời khi trời mưa dầm phải chủ động các biện pháp chằng buộc để chống cành, hạn chế đổ gãy cây; khơi thông rãnh thoát nước không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Đối với cây cam xoàn, ông Hà Văn Giữ ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung chia sẻ: “Qua nhiều năm canh tác, tôi thấy khi thời tiết đang nắng mà có mưa xuống là trái cam sẽ bị nứt da, ghẻ và khô cuống khiến rụng trái. Vì vậy, để đảm bảo cho vườn cam xoàn sinh trưởng tốt, tôi chọn cách sử dụng bón phân hữu cơ cho cây. Kết hợp với đó là giữ lớp cỏ trong vườn nhằm giữ độ ẩm bền vững cho vườn cây. Ngoài ra, trong thời điểm mưa dầm, tôi phải chủ động các biện pháp thủy lợi hạn chế ngập úng trong vườn...”.

Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung chia sẻ: “Thời điểm chuyển mùa, để phòng trừ các loại dịch bệnh trên cây có múi, nông dân chỉ cần sử dụng thuốc có chứa các gốc đồng (Cu). Trong trường hợp phát hiện bệnh ở phần rễ phải chủ động khâu thoát nước tốt. Thời gian qua, qua khuyến cáo của các chuyên gia và sự tuyên truyền của ngành nông nghiệp, nông dân đã chủ động bón phân cân đối, hạn chế phân đạm; kết hợp với việc quét vôi gốc và thân cây giúp phòng ngừa vi khuẩn Phitopthora gây bệnh. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng thường xuyên vận động bà con chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Đồng thời cử cán bộ bám sát địa bàn nhằm hỗ trợ nông dân các biện pháp điều trị hiệu quả”.

Chủ động các biện pháp thủy lợi nhằm đảm bảo vườn cây không bị ngập úng trong mùa mưa bão

Tại huyện Châu Thành, trong thời điểm giao mùa, thanh long là cây trồng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Ông Nguyễn Tấn Tước - thành viên Hợp tác xã Thanh long Hội quán (xã Phú Hựu) cho biết: “Thời tiết đang có những trận mưa kéo dài, thanh long dễ bị ảnh hưởng với các loại bệnh đốm trắng, đốm nâu, thán thư... Trong đó, bệnh đốm nâu thường xuất hiện nhiều. Với kinh nghiệm nhiều năm canh tác, trước thời điểm mưa dầm, tôi chủ động vệ sinh sạch cỏ dại, tiến hành tỉa cành cho vườn thông thoáng, sạch sẽ, không để vườn quá rậm rạp. Cùng với đó, tôi không tưới nước vào chiều tối vì sẽ tạo điều kiện ẩm độ cho bệnh gây hại. Ngoài ra, khi phát hiện những cành bị nhiễm đốm nâu phải loại bỏ bằng cách thu gom chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy...”.

Theo ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Phòng kỹ thuật, huấn luyện, chuyển giao công nghệ thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, thời tiết đang giao mùa nên trên nhiều loại cây ăn trái, trong đó có thanh long sẽ xuất hiện nhiều loại dịch hại. Tuy nhiên, vì trong thời điểm phòng dịch Covid-19, hạn chế tiếp xúc đông người nên đơn vị không tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp phun phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn trái cho nông dân. Song, ngành nông nghiệp huyện cũng chủ động soạn thảo nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết cách nhận biết, phương pháp phòng trừ sâu và bệnh hại nhằm thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh giúp nông dân nhận biết và có cách phòng trị”.

Trang Huỳnh

Nỗi lo phát triển ‘nóng’ chanh tứ mùa

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Cây chanh tứ quý (tứ mùa) cho thu hoạch quanh năm, giá cả lại ổn định nên người dân nhiều xã ở huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) đã đua nhau trồng. Cả huyện đã lên tới trên 957 ha chanh. Cây chanh vượt đồi, xuống cả đất soi bãi và đất lúa. Khi thấy cây trồng mang lại giá trị, người dân trồng, đó là nhu cầu chính đáng nhưng nếu không có “bàn tay” quy hoạch rất dễ phát triển ồ ạt, cung vượt cầu, dẫn đến thảm cảnh giải cứu nông sản là điều khó tránh khỏi. Bởi thế, thay vì làm theo phong trào, lợi ích trước mắt, hơn ai hết người nông dân cần có cái nhìn xa hơn...

Nhìn xa hơn...

Từ năm 2018 đến nay, giá bán chanh luôn ổn định, như thời điểm hiện nay giá bán tại vườn từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ từ 25 - 30 nghìn đồng/kg. Giá bán cao, nhiều nhà vườn thu lãi lớn.

Vườn chanh trĩu quả của chị Hoàng Thị Huyền, thôn Khâu Lình, xã Phù Lưu đang mùa thu hoạch. Nhìn những trái chanh căng tròn cảm nhận được niềm vui được mùa của người nông dân. Chị Huyền phấn khởi nói, cách đây 10 năm chị chọn trồng cây chanh tứ mùa khi cả xã đang nô nức trồng cam sành. Nhiều người bảo, sao không trồng cam, nhiều hộ thành tỷ phú từ cam đấy, trong lòng chị cũng phân vân. Nhưng chị đã nghĩ nhiều rồi, nếu ai cũng lao vào cam thì ai mua quả. Cây cam cũng khiến nhiều người khốn đốn, cung vượt cầu, nguy cơ rớt giá lúc nào cũng thường trực. Cây chanh có lợi thế nhất là thu nhiều vụ trong năm, không kén đất, chống chịu sâu bệnh tốt. Sau những phân tích ấy, chị Huyền quyết định gắn bó với cây chanh. Từ 100 gốc chanh ban đầu, chị đã phát triển đến 700 gốc và hiện chanh của chị đã có từ 7 đến 10 năm tuổi. Mấy năm nay, năm nào chị thu lãi 500 triệu đồng từ bán quả chanh.

Anh Nình Văn Thiết, thôn Pá Han, xã Phù Lưu thu hoạch chanh tứ mùa.

Anh Bế Văn Từ, thôn Thọ, xã Phù Lưu có 300 gốc chanh tứ mùa trồng trên đất soi bãi đem lại giá trị kinh tế ổn định cho gia đình anh. Anh Từ chia sẻ, sau một thời gian trồng và chăm sóc chanh, thấy cây chanh có nhiều ưu điểm phù hợp phát triển kinh tế vườn, năm 2016 anh đầu tư gần 100 triệu mua giống, phân bón, thuê nhân công làm đất trồng chanh. Anh Từ phân tích, cây chanh tứ mùa không chỉ cho thu nhập cao, ổn định mà việc chăm sóc cũng khá đơn giản. Người trồng chanh có thể tăng cường bón phân hữu cơ đã qua xử lý để cây sai quả, mã đẹp, mọng nước. Thời gian cho trái chỉ mất 2 năm, đủ 3 năm là bắt đầu thu tiền. Với giá bán tại vườn 15 nghìn đồng/kg, dự kiến thu về hơn 80 triệu đồng tiền bán quả chanh.

Nhiều hộ dân ở Yên Phú cũng trở thành triệu phú từ trồng chanh. Gia đình anh Lương Văn Hải ở thôn Chiềng có thu nhập 200 triệu đồng từ 170 gốc chanh tứ mùa trên đất soi bãi. Năm 2012, anh Hải đưa cây chanh vào trồng, thổ nhưỡng phù hợp cộng với cách chăm sóc khoa học nên vườn chanh phát triển tốt. Chỉ 2 năm sau bắt đầu cho ra những lứa quả đầu tiên. 5 năm qua, mỗi năm anh thu trung bình 6 tấn quả chanh tươi. Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm chanh tươi cho thị trường, anh Hải còn tổ chức chiết ghép nguồn cây giống có chất lượng để phục vụ nhu cầu phát triển cây chanh tứ mùa của bà con nông dân trên địa bàn xã và các xã vùng phụ cận, thu nhập vài chục triệu đồng một năm. Anh Hải khẳng định, cây chanh không bao giờ mất mùa, lại thu nhiều lần trong năm nên người dân cũng có tiền quanh năm.

Phát triển “nóng” và giải pháp kiềm chế

Từ hiệu quả kinh tế đem lại, cây chanh tứ mùa đã được nhiều nông dân lựa chọn đưa vào trồng. Toàn tỉnh có trên 1.000 ha chanh thì riêng huyện Hàm Yên lên đến 957,4 ha, trong đó chanh trồng trên đất lúa 249 ha. Hiện, diện tích đang cho thu hoạch 554,2 ha, sản lượng chanh ước đạt khoảng 11.630 tấn/năm, giá trị đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.

Xã Phù Lưu có nhiều chanh tứ mùa nhất huyện Hàm Yên. Chỉ trong 2 năm 2018 - 2019 đất trồng chanh đã tăng gần gấp đôi. Hiện xã có trên 400 ha chanh được trồng ở 24 thôn, nhưng tập trung nhiều nhất ở thôn Pác Cáp, Họp, Kẽm, Khâu Lình. Trong đó, có 80 ha trồng thay thế cây cam già cỗi, 150 ha trồng trên đất soi bãi, 50 ha trồng trên đất lúa, còn lại là người dân trồng trên đất vườn. Lý giải về cây chanh phát triển “nóng”, đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, cây chanh đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nên nhiều người đổ vào trồng chanh. Có ngày người trồng chanh Phù Lưu bán ra thị trường 100 tấn quả tươi, thu về gần 3 tỷ đồng. Số tiền đó thật “khó cưỡng” trong bối cảnh nhiều loại cây trồng rớt giá thảm hại.

Cán bộ xã Phù Lưu kiểm tra diện tích chanh tứ mùa trồng trên đất lúa tại thôn Pác Cáp.

Người dân xã Phù Lưu cho rằng, cây chanh không mất quá nhiều công chăm sóc mà đem lại cho thu tiền quanh năm, như kiểu có “lương tháng” nên ai cũng thích trồng.

Trong 3 năm qua, xã Minh Dân cũng phát triển trên 100 ha chanh tứ mùa. đồng chí Ma Ngọc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cây chanh thực sự là cây có lợi thế vì không kén đất, không “nhõng nhẽo” như nhiều loại cây ăn quả khác, cứ đưa cây xuống đất là lên xanh tốt, cho quả. Đấy là điều hấp dẫn người trồng. Hiện nay, nguồn thu từ cây chanh trên địa bàn xã chỉ đứng sau cây cam, có một số hộ đã phát triển đến hơn 1 ha chanh.

Cây chanh đang phát triển rất “nóng” ở Hàm Yên, rất cần có sự định hướng, chỉ đạo của chính quyền để tránh những hệ lụy từ việc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” do khủng hoảng thừa.

Đồng chí Ma Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu khẳng định, trên địa bàn xã nhiều hộ đưa cây chanh xuống đất lúa. Kiểm soát sự phát triển ồ ạt này, từ năm 2020, UBND xã chỉ đạo quyết liệt tuyệt đối không cho người dân sử dụng máy móc xuống ruộng để lập ụ, đào dãy, đặc biệt phá bờ làm mất kết cấu của ruộng. Hộ nào vi phạm sẽ lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với các giải pháp “cứng” cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền hội viên, đoàn viên vận động gia đình không phát triển cây chanh theo phong trào. Bởi, bài học từ phá vỡ quy hoạch từ cây cam sành ở Phù Lưu là bài học nhãn tiền cho nhiều gia đình.

Nói về giải pháp ổn định cây chanh, đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên cho biết, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp kiềm chế phát triển “nóng” cây chanh, không đưa cây chanh xuống đất lúa. Phòng cũng đã hướng dẫn người dân tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng, thực hiện liên kết các hộ thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất chanh tứ quý Phù Lưu; nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tạo thành chuỗi phát triển bền vững. Huyện đã đăng ký chanh quả là sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đồng chí Đàm Ngọc Hưng, vấn đề cốt lõi là người nông dân phải chủ động trong sản xuất, đánh giá nhu cầu thị trường, tuân thủ quy hoạch cơ cấu cây trồng của huyện, không chạy theo phong trào. Vì cây chanh không phải là cây trồng chủ lực, huyện chỉ xác định là cây trồng có lợi thế, hơn nữa nhu cầu sử dụng không lớn. Vậy nên phát triển ồ ạt sẽ gây ra tình trạng mất cân đối cung cầu, nông dân chính là những người hứng chịu hậu quả.

Thu nhập từ trồng chanh tứ mùa khá hấp dẫn, cộng với những lợi thế vượt trội từ loại cây trồng này trong chăm sóc và rải vụ. Nhưng tình trạng người dân đua nhau trồng chanh đang khiến cho nguy cơ phá vỡ quy hoạch đang hiện hữu. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh vai trò của chính quyền và cơ quan chức năng thì chính người nông dân phải có cái nhìn xa hơn về nhu cầu thị trường để không nếm trái đắng.

PV

Thanh long rớt giá còn 3.000 – 5.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Long An

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cùng với tình trạng lượng hàng lớn đang vào thời điểm chính vụ, giá thanh long giảm từ 20.000 – 21.000 đồng một ký so với cùng kỳ, chỉ còn 3.000 – 5.000 đồng mỗi ký.

Vận chuyển thanh long đến kho bằng xe ba gác tại xã Hiệp Thạnh, Châu Thành

Ông Trương Văn Phích, ngụ phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An có 3.000 trụ thanh long ruột đỏ, năm ngoái, thời điểm này, giá thanh long thấp nhất cũng phải ở mức từ 7.000 – 15.000 đồng.

Tuần trước, ông Phích cắt bán đợt đầu tiên với giá 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đợt thu hoạch sáng nay, xe tải của kho đến thu mua xuất đi Trung Quốc, chê chất lượng trái không đạt, nên chỉ đồng ý thu mua với giá bổ đồng 4.000 đồng/kg.

“Bình thường khi bán cho thương lái mới có hợp đồng từ trước, còn bán cho kho xuất đi Trung Quốc thì giá có khi thay đổi trong một ngày”, ông Phích nói.

Vườn nhà ông thu hoạch tổng cộng 15 tấn trái, theo tính toán, với chi phí đầu vào khoảng 6.000 đồng/kg, ông Phích vẫn còn thua lỗ mỗi kg 2.000 đồng.

Tại thủ phủ thanh long Châu Thành với 8.100ha, vụ này có khoảng 3.000ha cho trái, sản lượng khoảng 4,5 - 5 tấn/ha. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện Châu Thành cho lập 2 chốt kiểm soát tại 2 tuyến đường “yết hầu” từ TP.Tân An vào địa phương, gồm 1 chốt tại Đường tỉnh 827A, xã Hòa Phú và chốt còn lại tại Đường tỉnh 827B, xã Bình Quới.

Trưa 11/6, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải cùng đoàn làm việc đã đến các chốt kiểm soát kiểm tra, đồng thời hỗ trợ các kính chắn giọt bắn cùng khẩu trang, vật tư cần thiết cho các chốt kiểm soát.

Theo quy định, tài xế cùng những người trên xe container thu mua thanh long từ địa bàn tỉnh khác trước khi vào huyện Châu Thành phải dừng tại các chốt kiểm tra thân nhiệt, khai báo lịch trình di chuyển. Sau đó, họ tiếp tục được hướng dẫn đến Trung tâm Y tế huyện kiểm tra nhanh Covid-19 rồi mới được lấy hàng.

Hai chốt kiểm soát tại huyện Châu Thành được lập từ đầu tháng 6, mỗi ngày kiểm soát khoảng gần 200 container vào địa bàn. Theo kế hoạch, hai chốt vẫn tiếp tục duy trì đến hết vụ thu hoạch thanh long.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải cho biết, do đang thời điểm chính vụ, lượng hàng lớn, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến giá thanh long giảm xuống thấp. Người dân vụ này vì thế không có lãi, mà chỉ bán lấy chi phí để nuôi vụ tiếp theo. Dù giá rẻ, tuy nhiên, theo ông Khải, do thanh long của người dân đa số đã hợp đồng với thương lái từ trước, nên không có tình trạng hàng tồn đọng không bán được.

Được biết, thời gian tới, thị trường Trung Quốc sẽ truy xuất nguồn gốc của trái thanh long Việt Nam, trong đó có thanh long Châu Thành. Vì vậy, huyện Châu Thành đang củng cố lại các tổ hợp tác, hợp tác xã, theo hướng phát triển bền vững.

Ngoài ra, địa phương cũng đang hướng dẫn người dân hoàn chỉnh chỉ dẫn địa lý, mã vùng, mã vạch, mã kho, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường thời gian tới.

Tỉnh Long An hiện có 11.823ha thanh long, diện tích trồng mới 183ha, diện tích cho sản phẩm 11.140ha; năng suất 292,74 tạ/ha; sản lượng 326.118 tấn. Trong đó, diện tích trồng thanh long được tập trung tại huyện Châu Thành và một số huyện Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, TP.Tân An. Hiện nay vào mùa chính vụ, ước sản lượng thu hoạch khoảng 81.383 tấn. Cụ thể, tháng 6 khoảng 22.383 tấn, tháng 7 khoảng 23.000 tấn, tháng 8 khoảng 18.000 tấn, tháng 9 khoảng 18.000 tấn. Giá thanh long ruột đỏ hiện nay: 3.000-4.000 đồng/kg, giảm 20.000 – 21.000 đồng/kg so với cùng kỳ./. Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An

Thanh Nga – Thường Sơn

Nông dân lại lo giá lúa giảm!

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thời điểm này, nông dân TP Cần Thơ bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2021. Vụ này, do phân bón, vật tư đầu vào tăng giá làm chi phí sản xuất tăng mạnh, nông dân rất kỳ vọng lúa trúng mùa, bán được giá cao, có vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, giá lúa đang có xu hướng giảm, nông dân không khỏi lo lắng.

Nông dân ở huyện Thới Lai chăm sóc lúa hè thu 2021.

Chi phí sản xuất tăng

Vụ hè thu do đồng ruộng không được bồi bổ phù sa và thời tiết nhiều bất lợi nên năng suất lúa chắc chắn không bằng vụ đông xuân vừa rồi. Trong khi đó, chi phí sản xuất lúa vụ này thường tăng do nông dân phải tốn thêm các chi phí bơm nước và tăng lượng sử dụng phân bón so với vụ đông xuân. Từ đầu vụ hè thu đến nay, nhìn chung nguồn nước phục vụ cho sản xuất được đảm bảo tốt và nông dân cũng tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng cao nên chi phí sản xuất lúa đã tăng đáng kể so với các vụ lúa trước.

Ông Phạm Thành Văn ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, có 12 công lúa OM 380 vụ hè thu, cho biết: "Chi phí sản xuất tăng ít nhất khoảng 300.000 đồng/công so với vụ đông xuân. Do giá nhiều loại phân bón tăng cao từ 150.000-200.000 đồng/bao so với trước và đầu vụ gặp thời tiết nắng hạn, phải tốn nhiều chi phí bơm tưới nước và phòng trừ cỏ dại. Vụ này tôi dự đoán năng suất chỉ đạt 600-700kg trở lại. Do vậy, nông dân kỳ vọng lúa vụ này bán được giá cao thì mới có lời. Tuy nhiên, gần đây giá lúa có chiều hướng giảm, nông dân không khỏi lo lắng, đặc biệt là những nông dân chưa có hợp đồng bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Phong ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai, có 14 công lúa sạ giống IR 50404, cũng cho biết: “Vụ này, chi phí sản xuất tăng mà lúa lại không trúng, tôi ước chỉ đạt năng suất khoảng 600kg lúa tưới/công, nên phải bán được giá từ 6.000 đồng/kg trở lên tôi mới có thể kiếm lời 1,5-2 triệu đồng/công. Hiện lúa của gia đình tôi đã chín và chuẩn bị thu hoạch”. Cũng theo ông Phong, nhờ chủ động tìm mối lái bán lúa từ khá sớm nên được thương lái đặt tiền cọc 500.000 đồng/công với giá 6.000 đồng/kg (cao hơn 600 đồng/kg so với vụ hè thu năm trước). Tuy nhiên, gần đây giá lúa giảm, tới thu hoạch thương lái có thể đòi hạ giá thu mua...”.

Cần giải pháp kịp thời

Sau một thời gian tăng lên ở mức cao kỷ lục, gần đây giá gạo xuất khẩu của nước ta có chiều hướng giảm trở lại so với những tháng đầu năm 2021. Nhiều doanh nghiệp và tiểu thương kinh doanh lúa gạo đã có động thái giảm giá thu mua nhằm hạn chế rủi ro về phần mình. Cách nay 2-3 tuần, thương lái tìm đến tận nhà những hộ dân có sản xuất lúa hè thu để đặt tiền cọc mua lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.900-6.100 đồng/kg đối với lúa IR 50404 và nhiều giống lúa 0M 380, OM 5451, OM 18... Tuy nhiên, hiện nay thương lái tạm thời không còn thu mua lúa với mức giá cao như trên. Bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp Trường Ðông, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: “Hơn 4 công ruộng của tôi may mắn đã được thương lái thỏa thuận mua với giá 5.900 đồng/kg, chứ bây giờ những hộ dân chưa chịu nhận tiền cọc trước đó, thì nay thương lái đã giảm ít nhất 400-500 đồng/kg. Nguyên nhân được thương lái nêu ra là do giá gạo xuất khẩu giảm, cũng như do tình hình mưa gió liên tục trong những ngày qua khiến việc thu hoạch và thu mua lúa gặp khó”.

Tình hình mưa gió trong những ngày qua là nguyên nhân chính làm giá lúa giảm nhanh. Hiện nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta dù có giảm so với các tháng trước nhưng vẫn ở mức rất cao so với cùng kỳ các năm trước. Chất lượng gạo của nước ta đã được nâng cao, đầu ra xuất khẩu có nhiều thuận lợi và thị trường xuất khẩu gạo được mở rộng sang nhiều thị trường khó tính. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo, giá lúa gạo trong ngắn hạn sẽ khó giảm sâu, nông dân cần bình tĩnh để có thể thỏa thuận bán lúa với mức giá hợp lý. Nông dân do không có điều kiện phơi sấy nên đều chọn giải pháp bán lúa tươi tại ruộng ngay sau thu hoạch. Ðây là vấn đề nông dân cần thay đổi trong tương lai nhằm có thể bán được lúa giá cao hơn. Nông dân cần tăng cường liên kết và phát huy vai trò của các hợp tác xã và tổ hợp tác trong thực hiện khâu phơi sấy và trữ lúa sau thu hoạch chờ thời điểm có giá tốt mới bán. Qua đó, cũng tránh được tình trạng bị động khi lúa chín vào các thời điểm có mưa gió cần thu hoạch ngay mà thương lái chậm thu mua, nông dân phải chờ đợi, dẫn đến lúa có thể bị giảm năng suất và chất lượng.

Vụ hè thu 2021, nông dân TP Cần Thơ gieo trồng được 75.194ha lúa, cao hơn 179ha so với cùng kỳ, đạt 104,1% so với kế hoạch. Vụ này, nông dân trên địa bàn thành phố chủ yếu gieo trồng các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 380, OM 18, OM 4218, Ðài Thơm 8… Trong đó, giống OM 5451 chiếm tỷ lệ 73,2%, giống OM 380 chiếm tỷ lệ 5,9%. Riêng giống IR50404 chỉ chiếm 9,5% trên tổng diện tích xuống giống. Lúa hè thu 2021 đang chủ yếu ở giai đoạn trổ đến chắc xanh, chín chuẩn bị thu hoạch và đã có một số diện tích được thu hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ yêu cầu ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ bệnh đạo ôn cổ bông và cháy bìa lá để quyết định biện pháp phòng trị kịp thời. Nhắc nhở nông dân giữ nước trên ruộng từ 3-5cm để cây lúa đủ nước giữ lá luôn xanh, giúp hạt vào chắc tốt. Trong tình hình mưa bão thất thường như hiện nay, trên một số trà lúa chín sớm, cần vận động bà con nông dân chủ động các phương tiện thu hoạch, vận chuyển đảm bảo thu hoạch được thuận lợi và hạn chế tối đa thất thoát sau thu hoạch.

Tính đến ngày 2-6, trên địa bàn TP Cần Thơ đã có 108ha lúa hè thu được thu hoạch, năng suất ước đạt 53,1 tạ/ha.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Bạc Liêu: Hàng chục ngàn tấn muối còn tồn đọng trong dân

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Toàn tỉnh có gần 1.500ha sản xuất muối, trong đó có hơn 100ha sản xuất muối trải bạt. Diện tích sản xuất muối tập trung nhiều ở huyện Đông Hải và Hòa Bình. Trong vụ muối năm nay, mưa trái mùa gây thiệt hại hơn 2.300 tấn muối, tổng trị giá ước tính 1,53 tỷ đồng. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này lượng muối tồn trong dân vụ mùa trước khoảng 9.000 tấn, cộng với vụ muối năm nay thì lượng muối tồn đọng lên đến hàng chục ngàn tấn. Trong khi đó, giá muối thấp, ngành Nông nghiệp đề nghị Trung ương, tỉnh có chính sách hỗ trợ ngành muối chế biến nhiều mặt hàng để tiêu thụ, nhất là xuất khẩu. Có như vậy, muối Bạc Liêu mới không còn cảnh tồn đọng do không tiêu thụ được.

M.Đ

Tìm lời giải thỏa đáng cho ngành chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

Một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay đó là giá sản phẩm của ngành chăn nuôi có xu hướng giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao bởi nguyên liệu sản xuất chủ yếu nhập, tăng mạnh. Đứng trước khó khăn kép này, nhiều trang trại, gia trại phải hoạt động cầm chừng, liên tục bù lỗ, giảm số lượng đàn, thậm chí, buộc phải bỏ trống chuồng chờ giá thức ăn bình ổn trở lại. Để ngành chăn nuôi giữ vững vị trí chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, rất cần các cơ chế thỏa đáng của nhà nước và nội lực từ chính người chăn nuôi.

Nỗi lòng người chăn nuôi

Gặp ông Ngô Văn Chiến, Giám đốc HTX Chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh, xã Đông Thọ (Yên Phong), chúng tôi mới biết những khó khăn mà người nuôi đang vấp phải. Ông Chiến chia sẻ: “HTX chúng tôi chuyên sản xuất con giống gia cầm, quy mô chăn nuôi khoảng 3.000 con gia cầm bố mẹ, mỗi tháng cung ứng ra thị trường 95.000 con gia cầm giống. Lượng thức ăn chăn nuôi tiêu tốn mỗi ngày 500 kg. Thời gian qua, do giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 2.000- 2.500 đồng/kg, trong khi giá con giống không tăng, có thời điểm giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất, nên từ đầu năm đến nay, HTX bù lỗ hơn 1 tỉ đồng. Nếu giá thức ăn không giảm, giá con giống không tăng thì HTX thực sự đứng trước nguy cơ thu hẹp hoạt động”. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá thức ăn chăn nuôi tăng chính là ở các hộ chăn nuôi gia cầm, bởi số trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm chiếm ưu thế toàn tỉnh, tổng đàn 5,6 triệu con. Sản phẩm từ gia cầm cũng đóng vai trò chủ lực trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, nếu thiếu hụt sẽ ảnh hưởng lớn đến cung- cầu, khiến lạm phát tăng cao.

Trải lòng với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, xã Đức Long (Quế Võ) không khỏi lo lắng: “ Mỗi ngày, HTX sử dụng khoảng 40 bao (trọng lượng 25 kg/bao) các loại thức ăn thủy sản khác nhau. Từ đầu năm đến nay, các loại thức ăn thủy sản đã 3-4 lần điều chỉnh tăng giá, khoảng 35.000- 40.000 đồng/bao. Điều này có nghĩa mỗi ngày chi phí cho thức ăn tăng khoảng 1,5 triệu- 1,6 triệu đồng. Trong khi đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá các loại cá đều giảm và khó tiêu thụ. Đơn cử như giá cá lăng cùng thời điểm này năm trước là 65.000 đồng/kg, nay giảm còn 52.000- 55.000 đồng/kg, giá cá diêu hồng giảm từ 50.000 đồng/kg xuống 30.000- 32.000 đồng/kg. Hiện tại, HTX còn khoảng 100 tấn cá đến thời kỳ thu hoạch nhưng rất khó tiêu thụ, bởi nhiều thương lái ngại qua các chốt kiểm dịch, chuỗi nhà hàng ăn uống cơ bản ngừng hoạt động, nên khó khăn càng chồng chất. Nhiều thành viên của HTX đứng trước nguy cơ thua lỗ”.

Sản phẩm gia cầm chiếm ưu thế trên thị trường.

Ngay cả với người chăn nuôi lợn, mặt hàng đang có giá bán tốt hiện nay cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Ông Nguyễn Văn Dư, chủ trang trại chăn nuôi quy mô 900 con lợn nái, 500 lợn thịt tại xã Ninh Xá (Thuận Thành) và trang trại chăn nuôi quy mô 2.000 lợn thịt tại xã Văn Môn (Yên Phong) phân tích: “Hiện tại, mỗi ngày trang trại tiêu tốn khoảng 120 đến 150 bao thức ăn chăn nuôi. Với giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 60.000- 70.000 đồng/bao như hiện nay, trang trại phải chi phí thêm từ 8 triệu-10 triệu đồng. Chưa kể chi phí các loại vaccin và một số vật tư khác, trong khí giá lợn hơi giảm (70.000 đồng/kg), giá lợn giống không tăng, 2,5 triệu đồng/con khiến cho trang trại gặp nhiều khó khăn”. Cũng theo ông Dư, chi phí để sản xuất ra một con giống hiện nay đã là 2,5 triệu đồng, sản xuất ra 1 kg lợn hơi khoảng 65.000 đồng, như vậy không có lãi. Với tình hình này, người chăn nuôi lợn sẽ phải tính toán thận trọng khi tái đàn.

Giá thức ăn tăng cao đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực nuôi trồng của người dân, tác động trực tiếp đến doanh thu, nếu không được tháo gỡ kịp thời, người chăn nuôi sẽ nản, nguồn cung thực phẩm khan hiếm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tại thời điểm diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 hiện nay.

Tận dụng nguyên liệu tại chỗ

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát thị trường được biết: Giá thức ăn chăn nuôi tăng do ngành Chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thời gian qua, nhiều loại nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng giá, đồng USD tăng cao, ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định: “Nguyên nhân chính khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng đột ngột là do nguồn nguyên liệu sản xuất tăng, hiện chúng ta vẫn phải nhập tới 70% nguyên liệu, trong khi nguồn cung trên thế giới đang rất khan hiếm”. Giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh so với trước. Cụ thể, trong khoảng nửa năm trở lại đây, thức ăn chăn nuôi tăng giá từ 3-5 lần, có loại tăng 6-7 lần so với trước đó. Mức tăng dao động từ 2.000- 2.500 đồng/kg tùy loại. Trung bình, mỗi bao cám 25 kg tăng từ 50.000-70.000 đồng. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, khiến người chăn nuôi gặp nhiều áp lực.

Ngành chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro lớn khi giá thế giới biến động. Vì vậy, một mặt cần giải pháp bình ổn thị trường đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, mặt khác, đẩy mạnh sản xuất các loại nguyên liệu tại chỗ. Phương án giảm mạnh diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng ngô, đậu nành và các loại cây nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi mang tính khả thi, vừa giúp tiết kiệm nước tưới, thích ứng biến đổi khí hậu, vừa tạo nguồn thức ăn dồi dào cho chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi phát triển mô hình chế biến thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động, phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, HTX. Đồng thời đẩy mạnh thâm canh, trồng xen vụ các loại cây nguyên liệu cho chăn nuôi, kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi. Đây là bài toán khả thi giúp ngành chăn nuôi có chỗ đứng vững vàng trong mọi hoàn cảnh.

Cần có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng

Nhận định về tình hình hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng 280.000 con, đàn gia cầm khoảng 5,6 triệu con, sản lượng thủy sản khoảng 10.000 tấn. Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng, tối thiểu từ 5 đến 10% tùy loại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người nuôi và sức tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Để bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, đòi hỏi người chăn nuôi cần có sự cân nhắc, tính toán cẩn thận khi tái đàn, giảm thất thoát, rủi do trong quá trình chăn nuôi. Quan trọng nhất là các địa phương cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi về vốn đầu tư, tạo điều kiện về đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá. Đi đôi với đó, các đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần thực hiện công khai niêm yết giá và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm để giữ chữ tín đối với người nuôi.

Việc hình thành, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi đã và đang tạo ra bước ngoặt lớn trong việc cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Với những khó khăn, thách thức như hiện nay, ngành Nông nghiệp cần nâng cao một bước trong công tác phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, lựa chọn phát triển những đối tượng con nuôi có tính cạnh tranh, phù hợp với trình độ sản xuất và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bởi khi tham gia phát triển chuỗi liên kết sẽ giúp chia sẻ được rủi ro trong các khâu, dù chi phí đầu vào có tăng nhưng vẫn bảo đảm có lãi hoặc không lỗ. Hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển và nhân rộng các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thiết nghĩ, để kiến tạo sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay cần sự vào cuộc, sát sao của cơ quan chức năng trong giám sát, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi, cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước và quan trọng là nội lực từ chính các chủ trang trại, gia trại trong chiến lược chăn nuôi của riêng mình. Ngành chăn nuôi cần vững vàng vượt qua khó khăn, giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp, vì sự phát triển bền vững.

Phóng sự của Lan Tuấn

Lâm Đồng: Nuôi ong mật theo hướng sinh học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thực hiện mô hình nuôi ong mật an toàn theo hướng sinh học và bước đầu mang lại hiệu quả.

Mô hình nuôi ong mật cho người dân nguồn lãi ròng 50 - 80 triệu đồng/100 đàn/năm

Ông Nguyễn Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết: Trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình theo hướng phát huy thế mạnh của các sản phẩm có lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các chuỗi liên kết trong sản xuất từ khâu đầu vào đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có giá trị thu nhập cao hơn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt cho nông dân vùng đồng bào DTTS.

Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã phổ biến, hỗ trợ người dân đồng bào DTTS ở địa bàn thực hiện hàng loạt mô hình để phát triển kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trong đó có mô hình nuôi mong mật an toàn theo hướng sinh học. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã cấp 105 thùng giống ong mật và 7 máy quay mật hỗ trợ cho nông dân vùng DTTS của thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn bà con chăn nuôi, thu hoạch mật ong theo hướng an toàn sinh học và giới thiệu cho bà con các đơn vị thu mua mật ong. Hiện chương trình này đang tiếp tục được mở rộng.

Cụ thể, tại xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà), gia đình chị K’Dung là một trong những hộ đồng bào DTTS làm nghề nuôi ong. Đầu năm 2020, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ 80% vốn trong việc phát triển mô hình ong mật theo hướng an toàn sinh học. Đây là mô hình chăn nuôi bền vững, hiệu quả gắn với việc bảo vệ môi trường tại địa phương.

Chị K’Dung cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ và số lượng ong xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay, gia đình có tổng cộng trên 200 đàn ong. Số lượng này bao gồm mô hình nuôi ong lấy mật và lấy sữa. Trước đây, vì chỉ nuôi ong lấy mật nên thường xuyên phải di chuyển, đưa ong đi lấy mật khắp nơi, rất vất vả. Từ năm ngoái, gia đình nhận được sự hỗ trợ nên chuyển qua nuôi ong lấy mật kết hợp lấy sữa. Mô hình này hiệu quả, lợi nhuận cao và cũng nhàn hạ hơn. Trong mùa hoa cà phê vừa qua, gia đình thu về hơn 2 tấn mật và bán sỉ với giá 60.000 đồng/kg, bán lẻ 90.000 - 100.000 đồng/kg”. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các kỹ sư, các nông hộ đã nắm rõ đặc điểm sinh học của ong, đồng thời biết cách chăm sóc, xử trí khi ong bị bệnh. Bên cạnh đó, người nông dân cũng nắm rõ từng mùa hoa, vùng hoa, nhất là hoa cà phê để chuẩn bị tốt nhất cho đàn ong lấy mật chất lượng cao và an toàn.

“Mô hình nuôi ong rất phù hợp với các nông hộ ít đất sản xuất và nhân công lao động”, Chị K’Dung khẳng định

Trung bình, chi phí đầu tư mỗi đàn ong (1 thùng) giống là 1 triệu đồng và một mô hình hiệu quả cần nuôi khoảng 70 đàn. Ghi nhận tại xã Đạ Đờn, hiện nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở địa phương muốn làm nghề nuôi ong nhưng vì chi phí đầu tư như vậy là quá cao nên họ “lực bất tòng tâm”. Tuy nhiên, từ hiệu quả thực tiễn tại hộ chị K’Dung, gần chục hộ khác ở địa phương đã quyết tâm học tập và bắt đầu chuyển hướng vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi ong.

Ông Nguyễn Văn Tuận cho biết thêm, mô hình nuôi ong lấy mật theo hướng an toàn sinh học là mô hình hiệu quả. Đây cũng là mô hình cải thiện sinh kế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS, đồng thời nhằm tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, Trung tâm phối hợp cùng các cơ quan chức năng và người dân thực hiện mô hình với 7 hộ dân tham gia. Ngoài việc hỗ trợ vốn lên đến 80%, Trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong hướng an toàn sinh học cho người thực hiện mô hình và những người có nhu cầu tìm hiểu, thực hiện. Với sự thích ứng và phát triển của đàn ong như hiện tại, các mô hình đạt năng suất bình quân từ 24 - 25 kg/đàn/năm, với mức giá hiện nay, dự kiến mỗi đàn ong sẽ cho thu nhập từ 2,4 đến 2,5 triệu đồng/năm. Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, mô hình nuôi ong mật hướng an toàn sinh học có thể áp dụng rộng rãi tại các vùng chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là mô hình hữu hiệu, cần nhân rộng ở địa phương, đặc biệt là tại các vùng đồng bào DTTS.

NGỌC NGÀ

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop