Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 10 năm 2019

Giá lúa tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Sau một thời gian ở mức thấp, giá nhiều loại lúa tại vùng ĐBSCL hiện tăng trở lại từ 100-300 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.

Thu hoạch lúa ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL như: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… giá lúa tươi IR50404 ở mức 4.100-4.400 đồng/kg; lúa tươi OM5451 từ 5.000-5.100 đồng/kg; lúa Jasmine 85 có giá 51.000-5.300 đồng/kg; lúa tươi Đài Thơm 8 ở mức 5.400-5.600 đồng/kg. Giá lúa tăng do nguồn cung lúa hàng hóa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã giảm mạnh so với trước vì phần lớn các diện tích lúa thu đông 2019 đã được nông dân thu hoạch và tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa. Trong khi đó, gần đây hoạt động thu mua lúa cũng được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh để đảm bảo nguồn hàng phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, cũng như phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa trong các tháng cuối năm.

Vụ thu đông 2019, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ gieo trồng được 64.248ha lúa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến ngày 9-10, nông dân đã thu hoạch được 59.440ha lúa, với năng suất ước đạt 51,68 tạ/ha. Hiện diện tích lúa còn lại chưa thu hoạch tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Thạnh.

Tin, ảnh: Khánh Trung

Thăm vườn cam Nam Đông

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Cam là một trong những cây trồng chủ lực, thích nghi với điều kiện tự nhiên tại Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế). Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây cam, huyện Nam Đông đã vận động người dân mở rộng diện tích trồng, mang lại thu nhập khá cao.

Ngày 4/10, cam Nam Đông đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”.

Sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Cam Nam Đông” gồm: quả cam tươi; cây cam giống; dịch vụ mua bán.

Việc công bố nhãn hiệu tập thể "Cam Nam Đông" sẽ giúp người dân trong vùng dự án tăng thu nhập bền vững từ sản phẩm địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.

Hiện nay, huyện Nam Đông có gần 130ha cam, trong đó 75ha đã cho sản phẩm, trung bình mỗi ha cho năng suất khoảng 200 tấn. Với giá cam hiện nay, người dân Nam Đông thu về khoảng 400 triệu đồng/ha.

Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nam Đông, năm 2019, dự ước sản lượng năm sẽ đạt 15.000 tấn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển thêm 200 đến 250ha cam.

“Trong số các địa phương, xã Hương Hòa là nơi có diện tích lớn nhất, khoảng 80 ha. Sau khi được cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” chúng tôi đang tập trung vào khâu quảng bá và truy xuất nguồn gốc bằng việc đăng ký mã QR code. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập 3 cửa hàng chuyên giới thiệu đặc sản Nam Đông, trong đó cam là sản phẩm chủ lực tại Huế. Hiện, cam Nam Đông vẫn chưa có đầu mối bao tiêu sản phẩm, nhưng hiện nay luôn được tiêu thụ hết trên thị trường thông qua các kênh bán lẻ. Trong đề án phát triển du lịch đến năm 2025, những vườn cam sẽ là những địa điểm du lịch nằm trong các tour tuyến đến Nam Đông”, ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nam Đông cho hay.

Cùng Thừa Thiên Huế Online ghé thăm và trải nghiệm, thưởng thức cam Nam Đông tại những khu vườn của nông dân:

Hiện nay, Nam Đông đã trồng được 4 loại cam khác nhau. Mùa này, cam Nam Đông đang vào vụ thu hoạch

Trong đó, giống cam xã Đoài được trồng và bước đầu thích hợp với thổ nhưỡng...

...còn giống cam Vinh với đặc điểm dị tật quả đôi ở phía trong giúp phân biệt với các loại cam khác

Đến Nam Đông, dưới sự hướng dẫn của chủ vườn, du khách được vào vườn thoải mái khám phá. Mỗi người chọn cho mình loại cam yêu thích...

Thưởng thức cam ngay tại vườn

Tại những ngôi chợ ở Nam Đông, cam là sản phẩm không thể thiếu...

...và người dân địa phương đang tự hào về nhãn hiệu tập thể “Cam Nam Đông”

Khánh Nhật (thực hiện)

Đất cho quả ngọt

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Ít ai biết rằng, bưởi da xanh ruột hồng, loại trái cây đặc trưng nổi tiếng ở tỉnh Bến Tre và cũng là giống cây trồng khó tính, giờ đây đã hiện hữu trên những vườn cây ăn trái của vùng đất Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Thế mới thấy, dù là tiên phong hay đi sau, những nông dân ở vùng đất phèn, trũng này luôn làm nên những điều thật ngạc nhiên và lắm tự hào.

Dọc theo con đường nhựa láng bóng đến xã Khánh Hưng, nếu không được hướng dẫn trước hay để ý, thật khó biết được, ngay tại chốn thôn quê này có vườn cây ăn trái xum xuê, đặc biệt là vườn bưởi da xanh ruột hồng chính hiệu, loại nông sản nổi tiếng khắp vùng ĐBSCL.

Vườn cây ăn trái này không đề tên cũng không bảng hiệu, nằm khuất sau hàng rào kiên cố. Chủ nhân của vườn cây ăn trái này cũng khá đặc biệt, một phụ nữ đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy nhưng giỏi lao động, giỏi tính toán không kém cạnh đàn ông và có tình yêu mãnh liệt với vườn tược, với cây ăn trái, bà Trần Thị Việt Anh, ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời.

Sau bao khổ cực, vườn bưởi da xanh ruột hồng của bà Việt Anh đã cho quả ngọt.

Tôi đến vườn bưởi của bà vào thời điểm chính vụ, mấy trăm gốc bưởi đang cho trái xanh tốt, có những trái to, tròn, bóng láng, nặng cả mấy kí-lô-gam. Bà bảo: “Tuy là thời điểm chính vụ nhưng tôi để lượng trái thu hoạch không nhiều, chỉ còn lại khoảng 20%, để tránh tình rạng rớt giá”. Vừa dẫn khách tham quan, chủ nhân nhà vườn vừa chia sẻ, tính ra vụ này đã là vụ thu hoạch thứ 4. Vụ mùa năm nay phải khẳng định là vụ mùa thành công như mong đợi. 300 gốc bưởi chưa tàn vụ nhưng đã cho thu hoạch được 5 tấn. Điều đáng mừng hơn nữa là ngay thời điểm chính vụ (tháng 8 âm lịch), ngay tại nhà vườn Bến Tre giá bán chỉ 30 ngàn đồng/kg nhưng vườn bưởi của bà bán được giá cao hơn 1,5 lần.

Nói về chuyện cây ăn trái, theo bà Việt Anh, đó là câu chuyện dài, từ hiệu quả kinh tế cho đến tiềm năng của vùng đất quê hương mình và cơ hội để vườn cây ăn trái ở Cà Mau nói chung, Trần Văn Thời nói riêng vươn lên cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như hướng đi tất yếu của cây ăn trái hiện nay. Bà bảo, nhìn trên bản đồ đất nước, hầu như Cà Mau mình ít có loại trái cây nào mang thương hiệu riêng, trứ danh, trong khi tiềm năng của quê hương mình từ đất đến con người đâu thiếu. Khát khao cháy bỏng đưa tên Cà Mau đi xa hơn nữa, không chỉ là vùng đất của lúa, của hoa màu, của cá đồng mà còn vùng đất đầy hứa hẹn của cây ăn trái đã trở thành động lực giúp bà xây dựng nên vườn cây ăn trái với bưởi, ổi xum xuê như bây giờ.

Phải khẳng định, cây ăn trái là mô hình lý tưởng giúp nông dân phát triển kinh tế. Theo tính toán bài bản của bà Việt Anh, hiệu quả kinh tế của cây bưởi đơn giản ở 3 dấu bằng (=), hiểu nôm na là 170 gốc bưởi = diện tích 3 công ruộng = hiệu quả kinh tế của 170 công ruộng. Nói là nói vậy nhưng cao hơn hay không và cao bao nhiêu còn phụ thuộc vào 4 chữ “bản lĩnh nhà vườn”, đó là tầm nhìn, là tính toán từ trồng trọt, chi phí, thời điểm thu hoạch.

Hiệu quả kinh tế cao nhưng trong tình hình hiện nay, không thể đi theo lối mòn mà phải đổi mới. Bà Việt Anh chia sẻ, qua các lần tham gia hội thảo xúc tiến thương mại ĐBSCL, vấn đề được quan tâm hiện nay là nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững, nông dân trồng cây ăn trái phải đi theo xu thế loại bỏ dần thói quen lạm dụng phân, thuốc hoá học mà sử dụng phân hữu cơ sinh học nhằm tạo ra sản phẩm sạch. Và đây cũng đang là hướng đi của 30 thành viên Hợp tác xã cây ăn trái sạch Khánh Hưng mà bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc.

Nhận thấy trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, 7 năm nay, anh Lê Minh Khôn ở ấp Công Nghiệp B mạnh dạn cải tạo 3 ha đất trồng cây ăn trái như bưởi da xanh ruột hồng, ổi, cam xoàn. Và mới đây, anh trồng thử nghiệm giống bơ 034, giống cây ăn trái chưa có mặt trên vùng đất Trần Văn Thời.

Cũng là thành viên của Hợp tác xã cây ăn trái sạch Khánh Hưng, anh Khôn cho biết: “Tạo ra sản phẩm sạch là hướng đi tất yếu để có thể trụ vững trong thời buổi hiện nay. Nông dân tụi tôi phải thay đổi từ tập quán sản xuất. Hạn chế sử dụng phân hoá học mà thay bằng phân hữu cơ sinh học, tập thói quen ghi chép trong quá trình sản xuất như ngày trồng, ngày bón phân… Ngoài các giống cây trồng đã thành công, tôi trồng thử nghiệm bơ 034 với 70 gốc vì thấy loại trái cây này giá cao, ổn định và muốn đa dạng hoá cây trồng, chứng minh vùng đất Trần Văn Thời mình cũng có thể trồng được giống cây này”.

Hy vọng giúp nhau làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, những người nông dân như bà Việt Anh, anh Khôn và nhiều nông dân yêu cây ăn trái, yêu vườn tược đang ấp ủ tham vọng một ngày gần đây, các nhà vườn trong hợp tác xã có thể bao tiêu sản lượng cây ăn trái của tỉnh và xuất sang tỉnh bạn. Có tham vọng, có động lực phấn đấu, trên hành trình ấy, khó khăn nhất định còn nhiều, nhưng họ luôn nghĩ: “Nông dân là sống với đất, chỉ cần cư xử chân thành với đất, đất nhất định sẽ trả lại những giá trị xứng đáng”./.

Ngọc Minh

Vị ngọt bưởi Hoàng

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Tháng Mười, khi cái nắng thu hanh hao, vàng rộm như rót mật khắp không gian cũng là thời điểm người nông dân Hưng Yên bước vào vụ thu hoạch bưởi Hoàng. Với hương vị thơm ngon ngọt dịu, đặc biệt quả to hơn những loại bưởi khác, bưởi Hoàng của Hưng Yên đang trở thành loại quả đặc sản được nhiều người mua về thưởng thức, hay làm quà mỗi dịp ghé thăm Hưng Yên.

Những gốc bưởi Hoàng lâu năm của cô Nguyễn Thị Huệ ở Mễ Sở (Văn Giang)

Năm nào cũng vậy, vào vụ bưởi Hoàng chín, chị Nguyễn Minh Chiều ở Gia Lâm (Hà Nội) lại về thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở (Văn Giang) để mua hàng trăm quả về biếu người thân, bạn bè và để gia đình ăn dần. Chị Chiều cho biết: “Tôi đã từng thưởng thức bưởi Hoàng ở nhiều nơi nhưng nhận thấy bưởi Hoàng được trồng ở đây chất lượng nhất, mã đẹp, tép bưởi mọng nước, vị ngọt thơm”.

Thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở được coi là “thủ phủ” của giống bưởi Hoàng bởi nơi đây không chỉ sản xuất ra những quả bưởi có chất lượng ngon nhất mà còn lưu giữ được nhiều gốc bưởi cổ có tuổi đời trên 60 năm. Từ cây bưởi cổ thụ đó, nhiều gia đình đã chiết cành, nhân giống để nhiều người dân địa phương cùng trồng.

Ông Nguyễn Đông Bình, Chủ tịch UBND xã Mễ Sở cho biết: Xã Mễ Sở hiện có khoảng 5ha trồng bưởi Hoàng, tập trung chủ yếu ở thôn Hoàng Trạch. Hầu như nhà nào trong thôn cũng trồng bưởi, nhà ít vài ba cây, nhà nhiều trồng vài sào. Giống bưởi này thường cho thu hoạch vào đầu tháng 10 dương lịch, thời gian kéo dài khoảng 1 tháng. Do thu hoạch “lệch vụ” với bưởi Diễn nên thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/quả. Nhờ cây bưởi mà nhiều nông dân nơi đây có cuộc sống khá giả.

Ông Vũ Văn Việt là một trong những hộ có diện tích bưởi lớn nhất thôn Hoàng Trạch. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi 20 năm tuổi, cây nào cây đấy sai trĩu quả, ông Việt giới thiệu tỉ mỉ đặc tính, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, hiệu quả kinh tế của cây bưởi Hoàng mang lại.

Ông Việt cho biết: “Năm nay, gia đình tôi thu khoảng 5.000 quả bưởi. Từ đầu tháng 9, thương lái đã đến tận vườn đặt mua với giá trung bình 25.000 đồng/quả. Chỉ với 5 sào trồng bưởi, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí”.

Bưởi Hoàng là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch khá. Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh như: Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ... cũng nhân rộng trồng giống cây này.

Cách đây 7 năm, tình cờ được nếm thử hương vị của quả bưởi Hoàng, ông Nguyễn Văn Yêm ở xã Hàm Tử (Khoái Châu) “lặn lội” lên Văn Giang để mua giống cây này về trồng trên diện tích 2 sào vườn. Chỉ sau 2 năm, cây bưởi Hoàng được chăm sóc đúng kỹ thuật đã phát triển xanh tốt và ra những quả đầu tiên. Đến nay, vườn bưởi Hoàng đã cho thu ổn định, mỗi năm từ 1.000 – 1.500 quả.

Ông Yêm cho biết: “Do cây bưởi đã trồng lâu năm, lại được gia đình tôi bón cây bằng đậu tương lên men nên chất lượng quả rất ngon. Vì thế, từ Rằm tháng Tám nhiều khách quen đã đến đặt mua trước với giá 25.000 đồng/quả. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã cơ bản thu hoạch xong vụ bưởi Hoàng”.

Cô Nguyễn Thị Huệ, một nhà vườn ở xã Mễ Sở (Văn Giang) cho biết: “Hiện nay người tiêu dùng không chỉ chú ý đến chất lượng, mẫu mã mà còn rất quan tâm đến quy trình sản xuất sạch, an toàn. Vì vậy, quy trình sản xuất ra một quả bưởi sạch được gia đình tôi hết sức chú trọng, dù công đoạn mất nhiều thời gian. Quá trình chăm sóc cây được áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng đèn sinh học để bẫy côn trùng…”.

Ngoài thu hoạch chính vụ, nhiều hộ gia đình còn chọn những quả bưởi Hoàng to, mã đẹp, cuống lá sum suê từ những cây bưởi “tơ” mới trồng 2- 3 năm để dành bán dịp Tết Nguyên đán. Dù quá trình chăm sóc có kỳ công hơn nhưng giá bán lại cao gấp 3 – 4 lần, trung bình 100.000 đồng/quả mà không đủ phục vụ nhu cầu khách hàng.

Theo số liệu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Hưng Yên hiện có gần 1.258 ha bưởi các loại, trong đó chủ yếu là giống bưởi Hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh... Bưởi Hoàng là giống cây thích hợp với điều kiện đất đai ở nhiều địa phương của Hưng Yên, cho thu hoạch lệch vụ nên giá cả ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, để việc phát triển ổn định, bền vững, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân nên trồng cây bưởi theo quy hoạch, không phát triển ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu; chú trọng chăm sóc, cải tạo diện tích cây đã trồng; tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm khi thu hoạch…

Dương Miền

Hạn mặn sẽ xuất hiện sớm và có khả năng ảnh hưởng sản xuất lúa đông xuân 2019-2020

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nước từ thượng nguồn sông Mekong về biển hồ Tonle Sap (Campuchia) thấp, cho nên, lượng nước đổ về vùng ĐBSCL của Việt Nam hiện ở mức thấp, xấp xỉ báo động 1. Đồng thời, dự báo lượng mưa năm nay sẽ cơ bản kết thúc vào tháng 11-2019, có lưu lượng cũng chỉ tương đương trung bình nhiều năm.

Đồng ruộng tại An Giang đón nước thượng nguồn đổ về, hứng lấy phù sa, phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2019-2020 sắp đến.

Từ những yêu tố trên, ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nhận định: hạn mặn vào mùa khô cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng khả năng sẽ ít nguy hiểm so với mùa khô 2015-2016. Cụ thể, từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng sâu vào đất liền đến 20-30km, tính từ vùng cửa sông. Đến tháng 1 và 2- 2020, ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào đất liền từ 40- 67km, cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn mùa khô 2015-2016 từ 6- 27km. Điều này sẽ gây ra rủi ro cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2019-2020 tại khu vực cách biển từ 40 đến 60km… Ngay thời điểm này, các địa phương vùng ĐBSCL nên mở đồng đón nước, hứng lấy phù sa phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời có thể dự trữ nước để phục vụ cho mùa khô sắp tới.

Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến cáo: những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2019-2020 trong tháng 10-2019, với khoảng 400.000ha, tăng 200.000-250.000ha so với cùng kỳ. Trong tháng 11 và 12-2019 lần lượt xuống giống tiếp 700.000ha và 400.000ha ở các địa phương còn lại. Một số vùng xuống giống vụ đông xuân muộn phải kết thúc từ ngày 10-1-2020. Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây thiệt hại lúa đông xuân 2019-2020…

Tin, ảnh: H.VĂN

Bỏ túi bạc triệu nhờ thanh long ruột tím hồng

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Với năng suất cao, chất lượng tốt, ít nhiễm sâu bệnh và đặc biệt là có màu sắc đẹp, ruột tím hồng nên hơn một năm qua, chị Trần Thị Đào ở ấp Ngọn, xã Hậu Thạnh (Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã mạnh dạn đưa giống cây thanh long ruột tím hồng trồng thử nghiệm. Mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Chị Đào là một trong những hộ tiên phong của xã Hậu Thạnh trồng cây thanh long ruột tím hồng. Chị Đào cho biết: “Diện tích trồng thanh long này trước đây tôi canh tác lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao do gần kênh nên ruộng hay bị khô, cỏ mọc nhiều. Đầu năm 2018, do người quen giới thiệu, tôi sang tỉnh Vĩnh Long tham quan mô hình và thấy hiệu quả từ cây thanh long ruột tím hồng. Từ đó, tôi tìm hiểu rồi học hỏi kinh nghiệm và quyết định mua giống về trồng thử trên diện tích hơn 2 công đất của gia đình”.

Chị Trần Thị Đào ở xã Hậu Thạnh (Long Phú) thu nhập khá nhờ thanh long ruột tím hồng.

Nhờ chịu khó chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên khoảng 8 tháng, vườn thanh long của gia đình chị Đào đã cho trái vụ đầu tiên. “Tuy là giống thanh long mới nhưng tôi thấy cũng tương đối dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc dễ hơn các giống thanh long khác vì ít sâu bệnh, cây phát triển mạnh, thân to, khỏe. Cây có khả năng ra hoa mạnh và gần như quanh năm, hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Thời gian thu hoạch thanh long ruột tím hồng kéo dài hơn so với thanh long ruột đỏ. Vụ đầu thanh long ra lai rai nhưng tôi chưa để nhiều trái sợ cây mất sức. Năm nay là vụ thứ hai, tàn cây đã đủ lớn, tược nhiều nên tôi bắt đầu để trái nhiều hơn. Thời gian từ khi trồng đến khi ra hoa đầu tiên khoảng 8 - 10 tháng, thời gian ra hoa chính vụ từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch và mùa nghịch là các tháng còn lại. Thanh long ruột tím hồng có khả năng ra hoa tự nhiên, hầu như không phải dùng các thuốc kích thích ra bông trái” - chị Đào chia sẻ.

Cũng theo chị Đào, để giống thanh long này đạt năng suất cao và quả chất lượng ngon, cần bón phân hợp lý cũng như tăng cường quản lý sâu bệnh hại tốt thì sẽ giảm chi phí nhiều so với trồng thanh long ruột trắng và đỏ. Hiện vườn thanh long ruột tím hồng của gia đình chị Đào có trên 3.000 gốc đã bước sang năm thứ hai. Theo chị, năm nay thanh long phát triển tốt và đang trong mùa thuận nên dự tính bình quân mỗi trụ cho thu hoạch khoảng 10kg và cho thu hoạch nhiều đợt trong năm. Với mẫu mã đẹp, vỏ quả màu đỏ tươi, sáng và khá bóng đẹp, tai quả thường có màu xanh đến xanh đỏ, khá cứng, bảo quản được lâu, đặc biệt thịt quả có màu tím hồng, vị ngọt chua thanh nên được người tiêu dùng và thương lái ưa chuộng. Vì vậy, giá bán giao động từ 15.000 đồng đến 50.000/kg, mỗi công trồng thanh long ruột tím hồng, gia đình chị Đào có thu nhập vài chục triệu đồng. Hiện vườn thanh long của gia đình chị Đào được nhiều nông dân đến tham quan.

Được biết, trong những năm qua, trên địa bàn xã Hậu Thạnh, nhiều nông dân đã biết phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm, từng bước đem lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao. Với hiệu quả bước đầu đem lại của thanh long ruột tím hồng cho thấy đây là loại cây ăn trái phù hợp với điều kiện của địa phương, mở ra triển vọng sản phẩm nông sản mới có giá trị cao cho nông dân.

K. Thoa

Hạn mặn sẽ xuất hiện sớm và có khả năng ảnh hưởng sản xuất lúa đông xuân 2019-2020

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nước từ thượng nguồn sông Mekong về biển hồ Tonle Sap (Campuchia) thấp, cho nên, lượng nước đổ về vùng ĐBSCL của Việt Nam hiện ở mức thấp, xấp xỉ báo động 1. Đồng thời, dự báo lượng mưa năm nay sẽ cơ bản kết thúc vào tháng 11-2019, có lưu lượng cũng chỉ tương đương trung bình nhiều năm.

Đồng ruộng tại An Giang đón nước thượng nguồn đổ về, hứng lấy phù sa, phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2019-2020 sắp đến.

Từ những yêu tố trên, ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, nhận định: hạn mặn vào mùa khô cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng khả năng sẽ ít nguy hiểm so với mùa khô 2015-2016. Cụ thể, từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng sâu vào đất liền đến 20-30km, tính từ vùng cửa sông. Đến tháng 1 và 2- 2020, ranh mặn 4 gam/lít xâm nhập sâu vào đất liền từ 40- 67km, cao hơn 10-15km so với trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn mùa khô 2015-2016 từ 6- 27km. Điều này sẽ gây ra rủi ro cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2019-2020 tại khu vực cách biển từ 40 đến 60km… Ngay thời điểm này, các địa phương vùng ĐBSCL nên mở đồng đón nước, hứng lấy phù sa phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời có thể dự trữ nước để phục vụ cho mùa khô sắp tới.

Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến cáo: những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ như: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2019-2020 trong tháng 10-2019, với khoảng 400.000ha, tăng 200.000-250.000ha so với cùng kỳ. Trong tháng 11 và 12-2019 lần lượt xuống giống tiếp 700.000ha và 400.000ha ở các địa phương còn lại. Một số vùng xuống giống vụ đông xuân muộn phải kết thúc từ ngày 10-1-2020. Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn sẽ giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây thiệt hại lúa đông xuân 2019-2020…

Tin, ảnh: H.VĂN

Đồng Tháp: Bảo vệ an toàn diện tích lúa Thu đông và vườn cây ăn trái

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Theo một số địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, năm nay nước lũ về muộn nhưng mực nước lũ khá cao, lên nhanh trong tháng 9, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã tập trung lãnh đạo công tác phòng, chống mưa bão, giảm nhẹ thiên tai, chủ động gia cố các bờ bao thấp để bảo vệ an toàn diện tích lúa Thu đông và vườn cây ăn trái.

Chủ động gia cố các bờ bao thấp để bảo vệ an toàn vườn cây ăn trái

Các địa phương triển khai thực hiện chủ trương xả lũ có kiểm soát để lấy phù sa vào đồng ruộng cũng như quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho vườn cây ăn trái và chăn nuôi của người dân trên địa bàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tham mưu xây dựng lịch sản xuất vụ Đông xuân năm 2019 - 2020, sau khi lũ rút tiến hành bơm nước, vệ sinh đồng ruộng, thông báo để người dân biết xuống giống đồng loạt đúng lịch thời vụ.

Đồng thời định hướng người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp, hiệu quả kinh tế cao, giảm diện tích sản xuất lúa vụ Hè thu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Ngọc Tâm

Hướng đến mô hình chuỗi liên kết

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Có một thực tế là trong khi nhiều hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ rơi vào tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” vì giá gà (đặc biệt là gà công nghiệp) giảm đến mức kỷ lục trong vòng mười năm trở lại đây thì chủ những trang trại gia cầm tham gia các chuỗi liên kết xuất khẩu vẫn “bình chân như vại”. Vì sao lại có câu chuyện ấy?

Có thể xem bệnh Dịch tả lợn châu Phi là một tác nhân bởi số lượng lợn bị tiêu hủy lớn và người chăn nuôi không thể nhanh chóng tái đàn. Đón bắt những thiếu hụt từ thị trường (thịt lợn), nhiều hộ chăn nuôi đã “ào ạt” chuyển sang nuôi gà công nghiệp vì thời gian nuôi nhanh (chỉ mất từ 35 đến 40 ngày). Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tổng đàn gà đã tăng đột biến. Tăng trưởng “nóng”, thiếu sự kiểm soát dẫn đến cung vượt cầu. Hậu quả là giá gà giảm, người chăn nuôi thua lỗ.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát mới thua lỗ, còn những trang trại có quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn, tham gia các chuỗi liên kết xuất khẩu đều có đầu ra ổn định, thì người nuôi không bị ảnh hưởng nhiều.

Mặt khác, nhiều người cho rằng, giá gà giảm do trong 8 tháng năm 2019, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 100.000 tấn thịt gà, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và mức giá bán tại các siêu thị rất cạnh tranh so với thịt gà nội địa. Tuy nhiên, lượng thịt gà nhập khẩu là các sản phẩm phụ như đùi, cánh, chân… nên chỉ tác động phần nào đến thị trường. Và, trong tương lai, việc nhập khẩu này vẫn là câu chuyện dài song hành cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi và điều này cũng giúp người tiêu dùng nước nhà có thêm nhiều lựa chọn.

Nói như vậy để thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá gà giảm, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ chính là do lối làm ăn tự phát dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát. Đây là vấn đề không mới và trong thời gian qua, người nông dân ở nhiều vùng, miền trong cả nước đã phải trả giá cho cung cách làm ăn thiếu tính toán dài hơi này.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, hướng đến mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp là hướng đi tin cậy, là cách để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, “giải thoát” người chăn nuôi gia cầm khỏi tình trạng mất ăn, mất ngủ mỗi khi “rơi giá”.

Do đó, việc cần làm ngay lúc này là tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang các mô hình liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín cung ứng sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó là tạo thêm các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp có sản phẩm gia cầm xuất khẩu mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm… Đây là việc phải làm trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

Mặt khác, tổng đàn gia cầm hiện nay đã tăng, nhưng so với bình quân đầu người thì vẫn thấp, do vậy, ngoài việc mở rộng chăn nuôi một cách bài bản, có quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ thì việc gia tăng thị phần thịt gà lên 25% (hiện nay là 20% đến 21%) và giảm thị phần thịt lợn là định hướng cần thiết để ngành chăn nuôi phát triển cân đối, theo kịp xu thế tiêu dùng…

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và Hội nông dân các cấp, cần có định hướng kịp thời, nhất là trong bối cảnh ngành chăn nuôi có những diễn biến bất thường để người dân không lúng túng, xác định được hướng đầu tư dài hạn. Ngành chăn nuôi cần căn cứ vào quy hoạch, dự báo về sức tiêu thụ của thị trường để khuyến cáo người chăn nuôi nên đầu tư theo hướng nào. Tránh việc để người dân tính toán theo thói quen, kinh nghiệm dẫn đến đầu tư tự phát...

Hướng đến mô hình chuỗi liên kết giá trị, "buôn có bạn, bán có phường", từ bỏ cung cách chăn nuôi thiếu tính toán căn cơ sẽ góp phần quan trọng giúp người chăn nuôi gia cầm nói riêng và nông dân nói chung tránh được tình trạng "được mùa rớt giá" bấy lâu nay.

THẾ VĂN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop