Tin nông nghiêp ngày 16 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 16 tháng 11 năm 2019

ST24 hay ST25 mới là giống gạo ngon nhất thế giới?

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Thông tin về giống gạo ST đạt giải nhất cuộc thi gạo ngon thế giới năm 2019 (World's Best Rice 2019), tổ chức tại Manila (Philippines) từ ngày 10 đến 13-11 được nhiều cơ quan báo chí trong nước đăng tải nhưng có phần trái ngược nhau. Theo đó, các trang báo đăng thông tin trên đầu tiên thì giống ST24 là giống đạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới, ngược lại nhiều trang báo đăng trong nửa buổi sáng ngày 13-11 trở đi lại là giống ST25. Vậy ST24 hay ST25 mới là giống gạo được công nhận ngon nhất thế giới tại cuộc thi lần này?

Trang thông tin của ban tổ chức xác nhận chính thức ST25 là giống gạo đạt giải nhất hội thi ngon nhất thế giới năm 2019.

Để xác minh, làm rõ kết quả chính thức của hội thi, tối ngày 13-11, người viết đã liên hệ được với Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua – Trưởng nhóm nghiên cứu giống lúa ST, khi anh và đoàn dự thi còn đang ở Philippines và được anh cho biết: “Tại hội thi lần này, cả 2 loại gạo ST24 và ST25 đều được ban giám khảo chấm đồng điểm với nhau, làm cho ban giám khảo có đôi chút phân vân nên ngay trong buổi sáng ngày 12-11 (giờ Việt Nam) ban giám khảo đã công bố giống ST24 là giống gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Tuy nhiên, đến tối ngày 12-11, không hiểu sao ban giám khảo lại có quyết định thay đổi chọn giống gạo ST25 là gạo ngon nhất tại hội thi lần này để công bố chính thức trên trang thông tin của mình (trtworldrice.com)”.

Sau khi giải thích cụ thể thông tin trên, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết thêm: “Thật ra, các cơ quan báo chí trong nước đăng tin đầu tiên giống gạo ST24 đạt giải nhất là không sai, bởi đây là kết quả công bố đầu tiên, còn kết quả sau cùng là do có sự điều chỉnh, thay đổi theo quan điểm riêng nào đó của ban giám khảo. Tuy nhiên, với kết quả dự thi lần này, chúng ta rất đáng tự hào vì cả 2 giống ST24 và ST25 đều được đánh giá là loại gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.

Như vậy, với kết quả điều chỉnh sau cùng của Ban Giám khảo hội thi, dù ST24 có đồng điểm với giống ST25, nhưng giống ST25 mới là giống được công nhận đạt giải nhất hội thi gạo ngon thế giới năm 2019.

Xuân Trường

Đánh bạc với... trời

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Tây Nguyên bước vào mùa khô thì cũng là thời điểm các xã vùng biên Ea Súp (tỉnh Báo Đắk Lắk) đón hàng trăm lao động từ các miền quê ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến trú ngụ, mưu sinh. Họ đổ tiền bạc và mồ hôi trên những ruộng dưa hấu rồi “cầu trời, khấn đất”… Trong câu chuyện của những người nông dân chất phác này, trồng dưa cũng giống như “đánh bạc với trời”, vụ được vụ mất, có khi lãi đậm hay bị lỗ nặng chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Du canh cùng những ruộng dưa

Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 10, khi thời tiết vùng Tây Nguyên bước vào mùa khô thì vợ chồng anh Nguyễn Quang Dũng (SN 1979) lại dắt díu nhau từ xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn (Bình Định) lên Ea Súp thuê đất, dựng trại trồng dưa. Năm nay, anh thuê 2 ha đất ở thôn 11 (xã Ia R'vê) để dựng trại trồng dưa. Gọi là trại nhưng nó giống cái lều chăn vịt hơn, chỉ tuềnh toàng, trống hoác, tạm bợ một tấm bạt rộng tầm 20 m2 được giằng néo bởi vài cành cây rừng to bằng bắp tay. Vào những giai đoạn cao điểm, đó là không gian sinh hoạt, ăn nghỉ của trên 10 con người.

Nhân công làm thuê cho các chủ ruộng dưa ở huyện Ea Súp.

Không riêng gì anh Dũng, theo thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm, huyện Ea Súp có khoảng 200 - 300 người từ các tỉnh khác đến đây thuê đất trồng dưa. Và hàng trăm chủ ruộng dưa ở đây đều có cuộc sống tạm bợ như vậy. “Chúng tôi sống du canh với dưa, rày đây mai đó nên chẳng quan trọng gì nơi ăn chốn ở. Chỉ cần cái võng ngã lưng, chợp mắt qua đêm là được.” – anh Dũng mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Vợ chồng anh có nghề trồng dưa hấu cũng ngót 20 năm. Trước đây anh chỉ làm dưa quanh quẩn trên những bãi bồi dọc sông Kôn ở dưới quê, diện tích nhỏ, năm được năm mất nên thu nhập bấp bênh. Vài năm trước, có người quen rủ anh lên Ea Súp thuê đất khai hoang trồng dưa, anh đánh liều khăn gói lên đường. Từ đó, vợ chồng anh bắt đầu cuộc sống “du canh” cùng những ruộng dưa…

Theo lời anh Dũng, trồng dưa là sống “du canh” theo dưa, bởi dân gian đã đúc kết: “Dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen”. Có nghĩa đất trồng dưa phải là đất lạ thì mới sinh trưởng tốt, cho quả to, ngọt, đạt yêu cầu. Thường thì trên một diện tích đất, phải sau khoảng 2 - 3 năm mới trồng một vụ dưa.

Không chỉ những chủ ruộng dưa, vì cuộc mưu sinh nên nhiều lao động phổ thông cũng phải sống “du canh” theo từng thời kỳ sinh trưởng của dưa. Ông Nguyễn Văn Vân (SN 1960, quê xã An Phú, thị xã An Nhơn, Bình Định), một chủ ruộng dưa rộng 3 ha ở đây cho biết: Tất tần tật các công đoạn làm dưa đều phải thuê nhân công, từ khâu làm đất, xuống giống, tỉa dây, cắm hom, chọn trái, bón phân… cho đến lúc thu hoạch. Theo ông Vân, công làm dưa không nặng mà chủ yếu là biết việc nên phụ nữ, người già ai cũng có thể làm được. Thường thì chủ ruộng dưa quê ở đâu sẽ thuê nhân công ở đó đến làm. Họ ăn, ở trong trại cùng với chủ. Trại dưa của ông hiện đang có trên 10 người. Chủ trại bao ăn, tiền công mỗi người 200.000 đồng/ngày.

“Đánh bạc với… trời”

Theo kinh nghiệm của những người trồng dưa thì ngoài yếu tố “ruộng lạ”, loại cây trồng này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, phân bón, công chăm sóc… Nếu dưa vừa xuống giống mà gặp mưa thì cây sẽ bị thối rễ, còn trong giai đoạn đang phát triển quả mà gặp mưa dầm thì coi như hỏng cả vụ, bởi dưa sẽ bị nứt, thối quả. Dưa hấu “kiêng” mưa, nhưng lại đòi hỏi phải được tưới nước thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Vân ví von: “Trồng dưa cũng giống như chăm con mọn. Phải theo sát từng đọt dưa mỗi ngày, mỗi giờ mới có thể kịp thời xử lý những mầm bệnh phát sinh, giúp dưa phát triển tốt được”.

Ông Võ Văn Vân (thứ hai từ phải sang) cùng một số chủ ruộng dưa trò chuyện với phóng viên trong túp lều tuềnh toàng tạm bợ. Ảnh: Trọng Khang

Ông Vân là một trong những người đầu tiên đến đất Ea Súp này thuê đất trồng dưa và cũng là người đã nếm trải được nhiều vị “ngọt – đắng” của cái nghề cơ cực này. Ông bảo: “Trồng dưa giống như đánh bạc với trời, khi thắng khi thua, chẳng ai nói trước được chuyện gì”. Nói rồi ông nhẩm tính: Cộng tất cả các khoản đầu tư cho 1 ha dưa là khoảng 160 triệu đồng, sau 2 tháng rưỡi sẽ thu hoạch. Nếu “trời thương”, dưa được mùa (40 tấn/ha), bán được giá khoảng 4.500 đồng/kg thì có lãi. Giá bán thấp hơn thì coi như thua.

Ông Vân kể: “Vụ dưa năm 2018 tui cũng trồng 3 ha dưa với tổng chi phí đầu tư khoảng 450 triệu đồng. Đến khi thu hoạch, giá dưa chỉ có 1.500 đồng/kg, lỗ “trắng mắt” gần 300 triệu đồng. Nhưng bù lại mùa trước nữa, giá dưa lên cao, tui thu được lãi khoảng 500 triệu đồng. Năm nay cũng trồng 3 ha, tui vừa làm vừa “cầu trời, khấn đất” nhưng chưa biết thế nào…”. Tương tự, năm 2018, anh Nguyễn Quang Dũng cũng đầu tư trồng 2 ha dưa ở xã Ia J'lơi và đã phải “ôm nợ” 200 triệu đồng khi giá dưa nằm ở mức 1.700 đồng/kg.

Câu chuyện buồn – vui, được – mất của những người trồng dưa không chỉ ở năng suất, giá thành mỗi vụ, mà đôi khi lại là hên – xui như một canh bạc theo đúng nghĩa đen. Anh Nguyễn Quang Dũng nhớ lại: Có những thời điểm giá dưa rất “ngọt”, buổi sáng đầu nậu vào ruộng tranh nhau mua 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng qua bữa cơm, đến chiều thì… “đứng hình”. Thậm chí giá rớt thê thảm xuống còn 2.000 - 3.000 đồng/kg mà cũng không có ai mua. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, những ai may mắn bán được dưa giá cao thì lãi lớn, còn lại số chưa kịp bán thì đành phải ôm nợ vì lỗ.

Cùng chung tâm trạng phập phồng lo lắng, anh Nguyễn Văn Tín (SN 1980, quê ở Nhơn Phước, An Nhơn, Bình Định) góp chuyện thêm: “Làm nông sợ nhất là thiên tai, kế đến là “nhân tai”. Dưa chứ có phải gạo, ngô đâu mà để bán dần được. Sản phẩm mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra, đến thời kỳ thu hoạch mà người ta không mua thì coi như bỏ luôn trên ruộng”. Năm ngoái, anh Tín trồng 1,5 ha và phải chịu lỗ 150 triệu đồng do giá dưa xuống quá thấp. Hết vốn, năm nay anh quyết định vay ngân hàng để tiếp tục với “canh bạc” này.

Việt Cường

Hậu Giang: Mít trái, mít giống đều tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Sau thời gian giá mít Thái bị lao dốc xuống mức thấp khiến cho nhiều nông dân trồng mít ở huyện Châu Thành lo lắng thì những ngày đầu tuần này, giá mít Thái bắt đầu tăng vọt trở lại.

Mít có giá, các cơ sở đang đẩy mạnh thu mua.

Theo chủ vựa chuyên thu mua mít Trường Lực, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, mấy ngày qua, thị trường mít trái đang có dấu hiệu tiêu thụ mạnh. Thông qua cách đặt hàng từ các nhà máy chế biến mít sấy khô trong nước và thị trường Trung Quốc, từ đó giá mít trái cũng bắt đầu tăng trở lại. Với giá thu mua tại vựa mít loại I từ 10kg trở lên từ 27.000-28.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước đây.

Cùng thời gian này, giá mít trái tăng, cây mít giống cũng nhích lên. Theo chị Phượng, chủ trại bán cây giống ở ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, những ngày gần đây cơ sở mỗi ngày bán ra khá nhiều cây giống mít Thái. Giá bán ra cũng có chiều hướng tăng cao hơn, với giá thấp nhất là 14.000 đồng/cây, cao nhất là 35.000 đồng/cây, tùy theo kích cỡ cây con giống, tăng từ 4.000-5.000 đồng/cây so với tháng trước đây.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Làm giàu từ vườn xen canh trên đất D'ran

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Bằng tính cần cù, nhẫn nại, một nông dân ở D’ran - Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã làm giàu trên mảnh đất đồi khô cằn nhờ trồng xen các loại cây trồng.

Ông Trương Công Tâm thu hoạch thơm trong vườn

Rất nhiều người ở thôn Phú Thuận, thị trấn D’ran, Đơn Dương biết đến ông Trương Công Tâm như là một tấm gương chăm chỉ làm ăn, chịu khó làm giàu trên mảnh vườn nhà.

Vượt qua cả đoạn đường dài dẫn sâu vào khu vườn trồng hồng ăn trái theo sự chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi gặp ông Tâm khi ông đang chở những giỏ hồng vừa hái xuống bỏ mối cho đại lý. Ông kể với chúng tôi, ngay từ năm 1986, khi còn là chàng thanh niên 17 tuổi, ông Tâm đã bắt đầu trồng hồng trên mảnh đất của gia đình. Mảnh đất này rộng hơn 2 ha nằm trên một ngọn đồi cao, đường vào khó đi, vậy mà hơn 30 năm qua, ông vẫn cần mẫn ngày ngày lên chăm chút cho mảnh vườn. Ban đầu khu vườn này ông Tâm cho biết chỉ trồng độc nhất cây hồng.

“Ngày đó cây hồng có giá lắm, vùng D’ran này bao người trồng hồng, giờ thì hồng không còn được ưa chuộng, nhiều người chuyển sang trồng cây khác nhưng bao nhiêu năm gắn bó tôi vẫn thích cây hồng” - ông Tâm cười.

Ông Tâm cho biết, từ vườn hồng ăn trái này, mỗi năm ông bỏ mối cho đại lý hơn 10 tấn, có năm trúng vụ gần 20 tấn, trung bình mỗi năm cũng thu được chừng 70 đến 80 triệu đồng.

Nhưng vùng đất D’ran nơi ông sinh sống còn là nơi trồng thơm nổi tiếng của Đơn Dương nên từ lâu ông đã trồng xen trong vườn hồng trên 7 sào thơm, tính trung bình mỗi sào khoảng 4 nghìn gốc và cho thu hoạch quanh năm. Chính nhờ vườn thơm, mỗi năm ông Tâm thu được trên 200 triệu đồng. “Thơm thì lúc nào bán cũng được, cứ thu lai rai. Nhất là vào mùa tết do nhu cầu thờ cúng tổ tiên của người Việt nên thơm bán cũng được giá” - ông Tâm cười.

Trong rẫy hồng trên đồi, gần đây ông Tâm còn thử trồng xen thêm nhiều loại cây ăn trái khác như bơ, quýt, dâu da và cả 3 sào cà phê. Với cà phê ông Tâm cho biết, trước đây có lúc giá trên 30 nghìn đồng/ký tươi thì thu nhập còn được nhưng nay giá cà phê xuống rất thấp, có lúc bán chỉ 5 nghìn đồng/ký tươi nên thu không đủ tiền phân chăm bón, sau vụ mùa này ông Tâm sẽ chặt bỏ cà phê, tái tạo lại đất để trồng bơ.

Với cây bơ, theo ông Tâm, trước đây người dân D’ran trồng bơ hạt, đó là giống bơ thường, cây cho trái nhiều nước, hạt to, giống bơ này những năm gần đây thị trường không chuộng, giá khá rẻ, chỉ chừng 7-10 nghìn đồng/ký nên hiện trong vườn ông đang ghép các loại bơ có chất lượng tốt, giá thành cao như bơ Boot, bơ 034. Hiện trong rẫy nhà ông có 60 gốc bơ đang ghép giống, dự tính 2 năm nữa có thể cho thu hoạch.

Cùng đó, trong vườn ông còn trồng 150 gốc quýt, nay đã có thu hoạch, giá quýt bán ra thị trường chừng 15 nghìn đồng/ký, đợt cao điểm trong năm như mùa tết cũng lên đến 25-30 nghìn/ký. Từ quýt, mỗi năm ông thu thêm được chừng 10-20 triệu đồng.

Tất nhiên trong nguồn thu trên ông Tâm cho biết, cũng phải chi ra từ 20-40 triệu đồng trong năm cho việc mua phân bón, mua xăng dầu. Ông Tâm vui vẻ chia sẻ rằng, hơn 20 năm qua, gia đình ông hầu như rất ít thuê mướn người làm mà tự tay vợ chồng làm hết, từ phát cỏ, bón phân, nhân giống, thu hoạch trái cây. Rẫy nhà ông không cần tốn công chăm sóc nhiều vì toàn loại cây trồng lâu năm. “Như hồng thì cứ tới vụ mùa mình ra hái thôi, thơm thì lâu lâu phát cỏ cho quang, cà phê thì lâu mới tưới ít phân” - ông cười.

Vậy nên theo ông, vốn đầu tư ít, chủ yếu lấy công làm lãi, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng.

Ngoài 2 mẫu đất trên đồi trồng cây ăn quả, gia đình ông Tâm còn có 4 sào đất dưới thấp trồng hoa màu, ông chỉ trồng cà chua và đậu leo, 2 loại này trồng xen kẽ theo mùa. Ông dùng cà chua làm phân bón cho vụ mùa đậu leo và ngược lại, như vậy sử dụng phân hữu cơ, đất tốt, cây lại phát triển nhanh. Thỉnh thoảng ông cũng thử đổi một vài loại cây trồng khác nhưng với ông hai giống đậu leo và cà chua dễ trồng, dễ bán.

Với ông Tâm, không phải vụ mùa nào cũng trúng, cũng bội thu, có năm này năm khác, nhưng ông tâm niệm cứ lấy lãi bên rẫy trên cao để bù lỗ cho rau dưới thấp khi cần. “Mình sinh sống trong vùng không thuận lợi so với nhiều nơi trên đất Đơn Dương nhưng không sao, đất nào cây đó, cứ cố gắng hết sức” - ông Tâm tâm sự.

NGỌC BÍCH - GIA KHÁNH

Vụ cà phê 2019 ở Tây Nguyên: Khó có sự đảo chiều về giá

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Vào thời điểm đầu tháng 11/2019, nhiều diện tích cà phê niên vụ 2019-2020 ở các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Theo đánh giá, mặc dù năng suất, sản lượng vụ cà phê năm nay tăng so với năm trước nhưng giá cà phê những ngày đầu vụ vẫn còn ở mức thấp khiến người trồng cà phê kém vui.

Dù năng suất cao hơn vụ cà phê năm trước nhưng người trồng cà phê vẫn không vui vì giá cả xuống thấp. Ảnh tư liệu

Xuất khẩu cà phê tháng 10 năm 2019 ước đạt 87 ngàn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,35 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 14,6% về khối lượng và giảm 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.717 USD/tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 13,3% và 8,6%. 9 tháng đầu năm 2019, ngoại trừ hai thị trường Philippines có giá trị xuất khẩu cà phê tăng 15%, hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 10/2019, giá cà phê thế giới biến động giảm mạnh. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2019 thị trường London giảm 108 USD/tấn xuống còn 1.212 USD/tấn.

Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2019/2020 đạt 169,1 triệu bao (khối lượng 60 kg), giảm 5,4 triệu bao so với niên vụ 2018/2019. Tiêu thụ cà phê toàn cầu đạt mức kỷ lục 167,9 triệu USD, hàng tồn kho cuối kỳ sẽ giảm 2,8 triệu bao, xuống còn 33,5 triệu bao. USDA dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2019/2020 tăng thêm 100.000 bao so với niên vụ 2018/2019 đạt 30,5 triệu bao.

Nhìn vào diễn biến giá cả từ vụ cà phê trước đến giờ, người trồng cà phê không hy vọng nhiều vào việc giá cà phê có thể đảo chiều. Mới đây, Bộ Nông nghiệp-PTNT dự báo, giá cà phê sẽ còn ở mức thấp cho tới cuối năm nay do Việt Nam vào vụ thu hoạch mới, trong khi tồn kho cà phê Brazil vụ mùa năm ngoái lẫn năm nay vẫn còn dồi dào và người Brazil vẫn bán mạnh do tỷ giá đồng Reais giảm thấp ở mức đang có lợi cho họ.

Giá cà phê giảm do nguồn cung cà phê toàn cầu hiện đã dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại lan rộng. Thị trường cà phê trong nước biến động giảm mạnh cùng xu hướng thị trường thế giới.

Giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này ở khu vực Tây Nguyên-nơi chiếm tới 95% diện tích cà phê cả nước, mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo. Bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, rồi thu hái, phơi, sấy…

Có thể nói, giá cả, đầu ra ổn định là điều mà người nông dân luôn ước mơ để có thể yên tâm gắn bó lâu dài với cây cà phê. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh như hiện nay đang khiến không ít nông dân trồng cà phê không khỏi nao núng và tính đến việc thay đổi cây trồng.

Bình Minh

Khó khăn chồng chất khi nông dân Bình Phước mất mùa tiêu

Nguồn tin: VOV

Hiện đã gần hết thời gian tiêu ra hoa mà trái đậu không bao nhiêu khiến người nông dân Bình Phước lo mất mùa.

Khoảng tháng 11 hàng năm là thời điểm cuối kỳ ra hoa, đậu trái của nhiều vườn tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ nông dân đang trong tình cảnh lo lắng vì tỷ lệ cây tiêu ra hoa, đậu trái đang ở mức thấp.

Gia đình ông Đặng Văn Lập, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp có vườn tiêu 1.000 trụ. Năm 2018, vườn tiêu nhà ông thu hoạch được 4 tấn hạt nên năm nay ông đầu tư khá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn với mong muốn đẩy năng suất tiêu lên. Nhưng hiện đã gần hết thời gian tiêu ra hoa mà trái đậu không bao nhiêu khiến ông Lập rất lo lắng.

Nông dân Bình Phước lo mất mùa vì cây tiêu ra hoa, đậu trái thấp.

"Thời tiết không thuận lợi nên lượng ra trái, ra hoa rất kém. Với diện tích 2ha như thế này, năm ngoái thu được khoảng 4 tấn nhưng năm nay ước tính không nổi 3 đến 4 tạ", ông Lập nói.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng cây tiêu rụng hoa nhiều như hiện nay, bằng kinh nghiệm, ông Bùi Văn Ngời, nông dân xã Phước Thiện cho rằng, do thời tiết khô nóng, mưa muộn nên độ ẩm không khí thấp dẫn tới cây tiêu khó ra hoa, đậu trái. Vườn tiêu 400 trụ của gia đình ông Ngợi cũng trong tránh được cảnh này.

Từ phía ngành chức năng, bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước nhận định, do giá tiêu đi xuống trong thời gian vừa qua nên các hộ dân cũng lơ là, ít bỏ công chăm bón, dẫn tới cây tiêu phát triển không tốt, năng suất thấp, khả năng chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt kém đi. Mặt khác, trước đây khi giá tiêu ở mức cao khiến cho việc chuyển đổi cây trồng của nông dân diễn ra ồ ạt, người dân trồng tiêu cả ở những nơi không phù hợp về điều kiện đất đai, chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc.

Bà Tuyết cho biết: "Về quy trình sản xuất, bà con tuân thủ chưa chặt chẽ. Đối với ngành nông nghiệp, chúng tôi đã liên tục có lớp tập huấn những biện pháp canh tác bền vững cũng như nắm bắt sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo cây tiêu phát triển khoẻ mạnh, bền vững".

Người trồng tiêu ở Bình Phước đang đứng trước nguy cơ mất mùa. Thêm vào đó, giá tiêu hạt liên tục giảm trong thời gian gần đây, hiện chỉ ở mức 41.000 đồng/kg. Khó khăn chồng chất hơn khi nông dân đổ hết vốn liếng cho cây tiêu ngay từ đầu vụ và giờ loay hoay chưa biết tìm đâu ra vốn tái đầu tư cho vụ mùa sau./.

Duy Phương/VOV-TPHCM

Để nông nghiệp hữu cơ phát triển xứng tầm

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam, trong nước hiện có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là doanh nghiệp và nhóm hộ nông dân. Trong đó, doanh nghiệp chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ trong nước. Còn các nhóm hộ nông dân phần lớn sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế cho nên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp.

Sản xuất NNHC ở Bình Phước cũng không nằm ngoài nhận định nêu trên. Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 ha nhà lưới, nhà màng trồng rau, hoa, quả; 7 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án nông nghiệp sạch, NNHC, công nghệ cao với tổng diện tích 590 ha... Sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ và công nghệ cao trong tỉnh phát triển đã đem lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân. Hầu hết các hộ đầu tư sản xuất NNHC đều có chung mong muốn là làm ra sản phẩm sạch, có nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, phần lớn đều than phiền là quy trình sản xuất khá khắt khe, chi phí sản xuất cao, thị trường không ổn định, thậm chí giá bán bằng giá sản phẩm thông thường, nhưng vẫn không được khách hàng ưu tiên lựa chọn vì mẫu mã không đẹp.

Ngoài những “lực cản” về giá cả và mẫu mã, thì sản xuất NNHC còn chịu nhiều yếu tố tác động khác. Đó là trình độ sản xuất và khoa học, kỹ thuật còn thấp nên chất lượng sản phẩm và năng suất không cao. Khí hậu nước ta rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển và gây hại, trong khi đây là thách thức lớn nhất trong sản xuất NNHC. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức chứng nhận sản xuất NNHC còn thiếu và yếu; việc thực thi pháp luật về chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC, minh bạch hóa quá trình sản xuất sản phẩm NNHC chậm... Đặc biệt, công tác quản lý thị trường sản phẩm NNHC trong nước còn nhiều bất cập, thậm chí là “hỗn độn”, dẫn đến không ít người sử dụng bỏ tiền mua sản phẩm có trị giá cao, nhưng không nhận được sản phẩm như mong muốn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Để NNHC được đầu tư xứng với tiềm năng, thế mạnh và người tiêu dùng thực sự yên tâm, rất mong cấp có thẩm quyền và ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển NNHC, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn và nâng cao năng lực của các cơ quan chứng nhận sản phẩm NNHC. Với vai trò nòng cốt trong thúc đẩy phát triển NNHC, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ xây dựng mô hình điểm làm hạt nhân liên kết phát triển thành vùng sản xuất... Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng tham mưu chính quyền ban hành chính sách và các quy định hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia sản xuất NNHC; tổ chức nhiều hơn nữa các diễn đàn tuyên truyền giúp người tiêu dùng hiểu rõ, sử dụng sản phẩm NNHC chính là bảo vệ chính sức khỏe của bản thân và gia đình họ. Theo đó, đòi hỏi người nông dân phải tính toán kỹ khi sản xuất, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để đảm bảo cung - cầu và luôn trung thực trong sản xuất để có những sản phẩm chất lượng, tạo sự tin tưởng, gắn bó của người tiêu dùng.

Lâm Phương

Nông sản Hòa Bình về xuôi

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Sáng 14/11, tại Siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội), Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình khai mạc Tuần lễ giới thiệu Sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng của tỉnh Hòa Bình năm 2019, kéo dài tới ngày 18/11.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các đại biểu cắt băng khai mạc tuần lễ giới thiệu nông sản Hòa Bình. Ảnh VGP/Thành Chung

Tới tham dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; Bí thư tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh; lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, UBND tỉnh Hòa Bình và một số bộ, ngành Trung ương.

18 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Hòa Bình trưng bày 22 gian hàng giới thiệu các mặt hàng chất lượng nhất của địa phương và thực hiện chính sách giảm giá khá “sâu” như cam Cao Phong (còn 20.000 đồng/kg), bưởi đỏ, bưởi da xanh Tân Lạc (33.000 đồng/quả), quýt Hòa Bình (30.000 đồng/kg) và các mặt hàng rau, củ, quả Lương Sơn, Yên Thủy, các loại trà túi lọc (Sachi, Giảo cổ lam, cao cà gai leo,…), tôm, cá sông Đà, gà ri Lạc Sơn,… với giá rất hấp dẫn. Tất cả các mặt hàng này đều có đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc.

Ngoài Hà Nội, các mặt hàng của Hòa Bình cũng sẽ xuất hiện tại hệ thống các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong dịp này.

Phó Thủ tướng tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm cá sông Đà có gắn truy suất nguồn gốc. Ảnh VGP

Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, lượng tiêu thụ nông, thủy sản của Hòa Bình ở các tỉnh, thành phố khác còn thấp. Thị trường thành phố Hà Nội mới chỉ tiêu thụ từ 20-30% so với khả năng cung cấp của tỉnh Hòa Bình vì chưa hình thành mối liên kết giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ, thiếu thông tin về nguồn gốc sản phẩm.

Qua tuần lễ này, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Hòa Bình muốn hướng tới đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của người dân Hà Nội và các tỉnh phía Bắc trong dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý.

“Tỉnh Hòa Bình và các doanh nghiệp địa phương muốn gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp của Hà Nội, các tỉnh lân cận để giới thiệu sản phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản chất lượng, an toàn, các sản phẩm OCOP nói riêng và xúc tiến phát triển đầu tư, thương mại và du lịch nói chung”, ông Khánh nói.

Được biết, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở Hòa Bình thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap. Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ về nhãn hiệu tập thể như nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, bưởi đỏ - Tân Lạc, tôm, cá sông Đà, gà - Lạc Thủy, cam Cao Phong… được cấp Chứng nhận về Chỉ dẫn địa lý.

Tính tới hết năm 2018, tỉnh Hòa Bình có 10.500 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh là gần 5.200 ha, năng suất bình quân đạt 239 tạ/ha, sản lượng hơn 123.700 tấn, gấp 3 lần so với năm 2015. Tốc độ phát triển cây có múi đạt 45%/năm, cao gấp 5 lần so với tốc độ phát triển cây có múi toàn quốc.

Ngoài ra, Hòa Bình còn có trên 4.000 lồng cá, sản lượng 8.000 tấn, gà ta đạt 4,2 triệu con.

Dự báo tới năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi của Hòa Bình sẽ đạt trên 12.000 ha, sản lượng trên 30.000 tấn; 5.000 lồng cá với sản lượng 10.000 tấn, gà đạt 5,2 triệu con. Quy mô sản xuất có thể phát triển thêm 30% so với hiện nay vào năm 2025.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem một sản phẩm OCOP được gắn mã 4 sao của Hòa Bình. Ảnh VGP/Thành Chung

Việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh còn khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi cao, vùng biên giới, trong đó có Hòa Bình luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Riêng Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ này đã 2 lần trực tiếp lên thị sát và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Thủ tướng đánh giá diện mạo của tỉnh đã có nhiều đổi thay nhanh, tích cực, nhất là thu nhập của người dân đã khá hơn, yếu tố quan trọng thể hiện chất lượng tăng trưởng.

Là tỉnh miền núi với dân tộc Mường chiếm 63%, tỉnh có nhiều tiến bộ về xây dựng nông thôn mới, hình thành một số vùng về thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu hình thành chuỗi sản phẩm hàng hóa. Số xã nông thôn mới ở Hòa Bình là tiêu biểu cho vùng Tây Bắc.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình phải có chiến lược, quy hoạch phát triển, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn như nông nghiệp, du lịch.

Với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự tham gia tích cực, chủ động của doanh nghiệp và người dân, các sản phẩm nông nghiệp của Hòa Bình đã từng bước khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Sự kiện ngày hôm nay tại Hà Nội là biểu hiện sinh động cho những quyết tâm của chính quyền và người dân tỉnh Hòa Bình trong cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Không chỉ Hòa Bình mà địa phương miền núi lân cận như Sơn La, có điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản của miền Bắc và cả nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng nhiều lần từng nhấn mạnh hướng đi thành công trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các tỉnh, thành phố có cây đặc sản là không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà phải hướng tới đáp ứng cả thị trường nước ngoài để có thành công lâu bền.

Trước những kết quả ban đầu này, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến để thông qua Đề án phát triển vùng dân tộc thiểu số tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội nhằm nhân rộng lên nhiều mô hình như Sơn La và những kết quả ban đầu như Hòa Bình đã đạt được để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống của đồng bào dân tộc, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi.

Thành Chung

Bình Định: Nhân rộng mô hình nuôi vịt biển thương phẩm

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ngày 12.11, tại Tuy Phước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo báo cáo nhân rộng mô hình “Liên kết chăn nuôi vịt biển thương phẩm (hướng thịt) gắn tiêu thụ”. Hơn 70 đại biểu là lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện Tuy Phước, Vân Canh, TX An Nhơn, TP Quy Nhơn, khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông, cùng một số nông dân tiêu biểu ở các địa phương trên dự hội thảo.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ tháng 4 - 10.2019, mô hình được triển khai tại xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) và xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) với 5 hộ tham gia, quy mô 10.000 con giống (Vịt biển 15 - Đại Xuyên). Đánh giá kết quả thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của mô hình đều đạt và vượt yêu cầu, như: Tỷ lệ đàn vịt nuôi sống ở xã Cát Chánh đạt 97% và xã Phước Hòa là 95%; trọng lượng bình quân xuất chuồng đạt 2,45 kg/con. Chi phí nuôi tương đương với các giống vịt khác nhưng do được giá hơn (bình quân 15.000 đồng/con) nên lợi nhuận khá hơn. Ngoài ra, nhờ một số ưu điểm của vịt biển, việc chăn nuôi giống vịt này giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực về vùng mặt nước.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá, mô hình nuôi vịt thương phẩm này có khả năng nhân rộng trong toàn tỉnh, đặc biệt là tại các vùng ven biển, xâm nhập mặn, như: Phước Sơn, Phước Hòa (Tuy Phước); Cát Minh, Cát Chánh (Phù Cát); Hoài Mỹ, Tam Quan (Hoài Nhơn) và Mỹ Thọ, Mỹ Lộc (Phù Mỹ).

XUÂN VINH

Thu nhập cao từ nuôi bò sinh sản và gà thả đồi

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bản Áng, xã Thanh Bình (Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn), chị Nguyễn Thị Nhạn không những năng nổ, nhiệt tình với công việc xã hội mà còn là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi...

Mô hình nuôi bò nhốt sinh sản của gia đình chị Nguyễn Thị Nhạn cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo chân cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chợ Mới, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Nhạn ở thôn Bản Áng.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi. Chị Nhạn chia sẻ: "Trước đây gia đình cũng thuộc diện khó khăn, thiếu vốn nên công việc chăn nuôi, trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Tuy nhiên khi được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện gia đình tôi đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp V.A.C.R cho thu nhập ổn định".

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình chị vừa đầu tư trồng, chăm sóc rừng vừa chăn nuôi gà thả đồi, sau khi có thu nhập từ chăn nuôi gà, chị mạnh dạn vay thêm vốn của Ngân hàng CSXH từ chương trình giải quyết việc làm, chương trình nước sạch để đầu tư mở rộng quy mô. Sau nhiều năm, gia đình chị đã mua thêm được quỹ đất để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, chăn nuôi bò sinh sản, đào ao thả cá.

Hiện nay gia đình chị nuôi hơn 1.000 con gà đang tuổi xuất chuồng, gồm giống gà Lạc Thủy, gà ri và gà ta, chất lượng gà thả đồi tốt nên đầu ra ổn định. Ngoài ra, gia đình chị còn có 2.000m2 thả các loại cá rô phi đơn tính, cá trắm, chép, trung bình mỗi năm cho thu khoảng 1 tấn cá thương phẩm, trừ chi phí thu về từ 20 - 30 triệu đồng.

Gia đình chị Nhạn còn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 9 con bò sinh sản theo hình thức nuôi nhốt, trồng cỏ làm thức ăn. Mỗi năm đàn bò sinh sản được vài con, con cái để nhân đàn, con đực thì bán, mỗi con bê cũng được giá từ 15 - 20 triệu đồng. Đàn bò được gia đình chị chăm sóc thường xuyên nên ít bị bệnh, phát triển sinh sản tốt. Không chỉ đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình chị Nhạn còn khai thác lợi thế để trồng rừng sản xuất, đến nay chị sở hữu 2ha rừng mỡ, keo 3 năm tuổi.

Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Nhạn khiến nhiều người ngưỡng mộ khi mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng. Nhiều năm nay gia đình chị Nhạn liên tục đạt danh hiệu hội nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Chợ Mới.

Đồng chí Phạm Thị Hồng Tươi- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Bình nhận xét: Chị Nhạn là cán bộ hội rất năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc xã hội, không những thế còn là hội viên làm kinh tế giỏi, là tấm gương tiêu biểu để các hội viên khác học tập và làm theo./.

Hà Thanh

Người Việt đầu tiên mang bột dế mèn bán ra thế giới

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

Trong số những sản phẩm của người trẻ khởi nghiệp, có lẽ bột protein chế biến từ dế mèn là sản phẩm độc đáo và táo bạo nhất. Liều mình chọn sản phẩm bột dế để khởi nghiệp, thế mà Đặng Cao Nam, nhà sáng lập, giám đốc Công ty TNHH Cricket One (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã chinh phục được các thị trường lớn của châu Á và châu Âu.

Bột dế mèn ra đời

“Nếu tham gia thị trường sẽ thống trị mảng thức ăn từ dế, đó là lý do vì sao thôi thúc tôi khởi nghiệp từ dế mèn”, Đặng Cao Nam chia sẻ. Tâm đắc với con dế mèn cũng bởi đây là nguồn thức ăn giàu protein và “độc, lạ”.

Để chăn nuôi dế quy mô công nghiệp, chàng chai 8X và cộng sự của mình xây dựng quy trình chăn nuôi chuẩn, trong đó, thiết kế nhà nuôi bằng bê tông trong môi trường tự nhiên, sử dụng thùng nuôi bằng nhựa có sức chứa lớn, phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để chế biến thức ăn chuyên biệt cho dế từ các phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hợp tác với nông dân từ khâu đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư và con giống tới bao tiêu sản phẩm.

Khi đã có nguồn nguyên liệu ổn định, Nam và cộng sự của mình đầu tư nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế để sản xuất bột protein, đạt công suất 12 tấn/ tháng. “Sản phẩm của Cricket One là bột protein được chế biến tỉ mỉ và các chiết xuất ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực và có giá trị gia tăng cao”, Đặng Cao Nam tự hào cho biết.

Gọi vốn từ các tổ chức quốc tế

Khi khởi nghiệp, Nam cũng gặp những trở ngại về vốn. Lúc này, Nam kết nối với Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp cao TP.HCM và được sử dụng công nghệ của đơn vị này trong vòng 6 tháng để chế biến bột protein từ dế. Đồng thời, tham gia vào các chương trình, dự án hỗ trợ vốn của các tổ chức quốc tế. Khi chứng minh được năng lực và khả thi của dự án, Nam tiếp cận được nguồn vốn. Theo đó, tham gia Chương trình doanh nhân xã hội trẻ (YSE) do Quỹ quốc tế Singapore (SIF) tổ chức, Startup Cricket One là một trong 7 mô hình doanh nghiệp xã hội may mắn giành giải thưởng và gọi vốn thành công trong vòng chung kết. Startup Cricket One cũng đoạt giải nhất Chương trình thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mekong (MATCH 2018) do Chính phủ Australia và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Mang bột dế ra thế giới

Sản phẩm thành công gặp không ít trở ngại, tại thị trường Việt Nam chưa phát triển ngành chế biến các sản phẩm từ dế nên bột protein của công ty khó tiêu thụ trong nước, thận chí trở nên xa lạ.

Qua nghiên cứu, biết một số thị trường lớn như: Mỹ, Anh, Úc, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm bột protein, Nam và cộng sự của mình xây dựng kênh phân phối và đặt quan hệ với đối tác. Bột protein của Công ty TNHH Cricket One có giá rẻ, lại đạt các chứng nhận ASC, MSC nên cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác, thị phần đạt được tại các quốc gia Á - Âu khá tốt.

Muốn bột protein phổ biến và được nhiều thị trường chấp nhận, phải tìm ra tính ứng dụng của sản phẩm - đây là phương châm kinh doanh của chàng trai 8X Đặng Cao Nam. Từ suy nghĩ đó, Đặng Cao Nam và cộng sự của mình phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu chiết xuất tinh dầu, sản phẩm mới từ dế phục vụ ngành chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất mỹ phẩm, chế biến thức ăn cho thú cưng. Đồng thời, nghiên cứu, tìm ra công thức chuẩn chế biến xúc xích, mayonnaise từ dầu dế, thịt dế, sau đó, mang đi chào hàng tại thị trường Nhật. “Được người Nhật khen công thức hoàn hảo và khi chế biến có vị ngon hơn xúc xích, mayonnaise có trước đó, từ đó, họ chọn doanh nghiệp của tôi làm đối tác cung cấp bột protein”, chàng trai 8X chia sẻ.

Bột dế được làm từ dế xay mịn, giàu protein. Nghiên cứu cho thấy, protein trong bột dế có thể so sánh với protein của ức gà không da, có khoảng 58 - 65% protein trong mỗi con dế, là nguyên liệu có giá trị để làm các món ăn nhẹ nhiều dinh dưỡng.

Thêm vào đó, bột dế cũng rất giàu vitamin và khoáng chất. Bột dế giàu vitamin B12 (24 microgram trên 100 g). Con số này gấp khoảng 10 lần so với cá hồi. Bột dế cũng chứa sắt, khoảng 6 - 10 miligram mỗi 100 g - nhiều hơn gấp đôi so với rau bina. Nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy, cơ thể chúng ta hấp thụ các khoáng chất như sắt từ bột dế dễ dàng hơn so với thịt bò.

HẢI ĐĂNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop