Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 3 năm 2019

Phú Yên: Ồ ạt khai thác keo non, lấy đất trồng sắn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Người dân thu hoạch keo, chuyển đi tiêu thụ - Ảnh: LÊ TRÂM

Hiện nay, giá gỗ nguyên liệu tăng, giá sắn củ tươi cũng tăng nên nông dân khai thác gỗ keo bán rồi cày đất trồng sắn. Điều đáng nói là nhiều người còn khai thác “lấn” sang rừng keo non để lấy đất xuống giống cây sắn.

Cưa hạ keo non

Dọc theo vùng gò đồi từ xã Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) xuống xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), tỉnh Phú Yên, nhiều tốp người đang chặt keo và chất lên xe tải để chở đi tiêu thụ. Điều đáng nói là có những rừng keo còn non cũng bị chặt hạ rồi cưa từng khúc gom lại chất đống để bán.

Ông Bùi Văn Thiện ở xã Sơn Định, đang thu hoạch keo cho hay: Tôi vừa bán 1ha keo đúng tuổi (5 năm) được 40 triệu đồng lấy đất trồng sắn. Giờ tôi thuê người đến chặt tiếp 1ha keo non (4 năm tuổi) để tiếp tục trồng sắn.

Theo ông Thiện, 1ha keo non nhẹ ký bán được 30 triệu đồng, nếu “nuôi” giáp năm nữa thì gỗ to ra bán kiếm thêm 10 triệu đồng; trong khi đó, giá sắn đã tăng lên 2.300 đồng/kg nên 1ha sắn, bán tại ruộng, không mất công nhổ cũng được 17 triệu đồng. Thấy lãi nên ông quyết định “hạ” keo trồng sắn.

Cách đây 3 năm (2016), giá gỗ nguyên liệu keo lá tràm, bạch đàn là 1.200 đồng/kg, tương đương 1,2 triệu đồng/tấn; còn giá sắn thì nhà máy thu mua 1.700 đồng/kg với 30 độ bột. Thế nhưng, sắn lại bị bệnh chổi rồng chỉ đạt 15-20 độ bột, thương lái mua tại ruộng còn 500-700 đồng/kg; trừ chi phí cày bừa, phân bón, chăm sóc, nông dân bị lỗ.

Thời điểm đó, giá mía cũng thấp nên người trồng mía không lãi là bao. Vì vậy, nhiều người bỏ sắn, mía trồng keo. Theo nhiều nông dân, thời gian trồng đến khi khai thác keo phải 5-6 năm, lứa keo bây giờ đang thu hoạch, kể cả keo non 4 năm đều nằm trong tâm bão tháng 12/2017.

Cơn bão mạnh này làm cho những cây keo còn sống đến bây giờ số cụt ngọn, số nghiêng gốc bứt rễ, mất sức nên lớn chậm; sẵn giá sắn tăng, keo cũng được giá nên nhiều người khai thác keo trồng sắn.

Không nên chuyển đổi cây trồng tự phát

Trước tình hình người dân ồ ạt khai thác keo non để trồng sắn, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân khuyến cáo: Hiện giá sắn tăng cao, tuy nhiên nông dân không nên vì thế mà phá keo, mía để lấy đất trồng sắn, dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Người dân không nên chạy theo giá cả, mà cần tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Ngành chức năng thì lo ngại việc chuyển đổi cây trồng tự phát theo điệp khúc “trồng, chặt” không chỉ dẫn đến mất cân đối vùng nguyên liệu mà còn phát sinh dịch bệnh hại cây trồng.

Tại huyện Sông Hinh, thời gian qua, bệnh khảm lá virus gây hại lây lan nhanh, nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do nông dân sử dụng giống sắn từ các vùng trồng sắn đã bị bệnh khảm lá như HLS11, KM 419... Sắn bị bệnh khảm lá thì không cho năng suất và không có thuốc điều trị, phải tiêu hủy; thế nhưng hiện nay, nông dân vẫn bán keo non trồng sắn trên vùng sắn đã nhiễm bệnh.

Ông Kso Y Tín ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) cho hay: Trước chúng tôi thu hoạch keo lớn (đúng tuổi) rồi thuê công lột vỏ bán các nhà máy mới mua. Còn hiện nay có một thuận lợi là keo non bán keo bì (keo luôn vỏ), giá thấp hơn nhưng vẫn có lãi nên nông dân bán keo lấy đất trồng sắn.

Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, bệnh khảm lá sắn đang có xu hướng lây lan, uy hiếp các vùng trồng sắn trong tỉnh. Hiện bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích 108,5ha; trong đó có 45ha sắn niên vụ 2018-2019 và 63,5ha sắn niên vụ 2019-2020.

Riêng niên vụ 2019-2020, huyện Sông Hinh có 30ha sắn bị nhiễm bệnh tập trung tại các xã Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bia, Ea Bá, Ea Trol; huyện Tây Hòa 15ha tại xã Hòa Mỹ Tây. Do đó, nông dân cần chủ động phòng trừ bằng cách không mua giống từ các tỉnh có dịch bệnh khảm lá virus hại sắn cũng như các giống không rõ nguồn gốc.

MẠNH LÊ TRÂM

Trồng rau công nghệ cao tại Quảng Nam cho hiệu quả kinh tế rõ rệt

Nguồn tin: VOV

Mô hình trồng rau công nghệ cao tại Quảng Nam không chỉ làm giàu cho chủ vườn mà còn giúp người dân địa phương có công ăn việc làm ổn định.

Tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thời gian gần đây, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau công nghệ cao. Nhiều mô hình bước đầu mang lại nguồn thu đáng kể. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các bạn trẻ còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Năm ngoái, anh Nguyễn Văn Hoàng, ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thuê 6.000 m2 đất ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn để trồng rau thủy canh công nghệ cao. Đây là mô hình trồng rau sạch khép kín, hệ thống tưới tự động điều chỉnh theo nhiệt độ bên ngoài. Sau một thời gian ngắn, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện, vườn rau thủy canh của anh Hoàng có nhiều loại rau: như xà lách, cải, bí đỏ, mướp đắng, mùng tơi…

Mô hình trồng rau công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Hoàng mang lại thu nhập cao.

Anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết, rau làm ra chủ yếu bán qua kênh trực tuyến và bán cho các nhà hàng, vụ vừa rồi thu nhập gần cả 100 triệu đồng. Mô hình trồng rau hữu cơ bước đầu có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương.

"Hiện tại, mình trồng không đủ để bán ra thị trường. Thời gian tới, mong các cơ quan đoàn thể hỗ trợ vốn và đầu ra để phát triển thêm mô hình", anh Hoàng nói.

Cũng như anh Hoàng, mô hình trồng rau công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Y, ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Chị Y kể, cách đây 2 năm, qua tìm hiểu sách báo, tham quan một số mô hình trồng rau ở Đà Lạt, chị quyết định đầu tư trồng rau thủy canh. Hiện nay, vườn rau công nghệ cao, rộng 1.000 m2 của chị Y có gần 20 loại rau. Trong đó, nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, sản lượng lớn, hiệu quả kinh tế, như: xà lách ôn đới, xà lách mỡ, xà lách lolo tím, xà lách roman... Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, siêu thị nông sản sạch tại thành phố Đà Nẵng, Hội An.

Vườn rau công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Y rộng hơn 1000 m2 với 20 loại rau các loại.

Dịp Tết vừa qua, mỗi ngày chị Y bán ra thị trường từ 1 tạ đến 1,5 tạ rau sạch các loại.

"Hiệu quả của vườn rau mình đang làm thì hiện tại đầu ra ổn. Ban đầu tôi đầu tư vốn là 900 triệu đồng, tôi thấy doanh thu tương đối ổn. Một ngày tôi có thể thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng. Đầu ra đang cung cấp những nhà hàng ở Hội An, tiêu thụ khá nhiều. Mong các ban ngành tỉnh, có thể hỗ trợ vốn để mở rộng phục vụ được thực phẩm sạch cho người dân ở đây và những vùng lân cận", chị Nguyễn Thi Y chia sẻ.

Mỗi ngày chị Y thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng từ vườn rau.

Hiện, tỉnh Quảng Nam có hàng trăm bạn trẻ làm kinh tế giỏi. Từ nguồn vốn của ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, gần 16.000 lượt thanh niên được vay hơn 500 tỷ đồng phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Bí thư Huyện Đoàn Duy Duyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: Những mô hình trồng rau công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, không chỉ làm giàu cho bản thân mà họ còn giúp đỡ cho nhiều thanh niên, người dân địa phương có công ăn việc làm ổn định./.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

An Giang: Giá lúa tăng, nông dân phấn khởi

Nguồn tin: Báo An Giang

“3 tuần trước, nông dân trên địa bàn TX. Tân Châu rất lo lắng trước tình hình tiêu thụ lúa, gạo vụ đông xuân 2018-2019, nhưng ngay sau khi có chủ trương triển khai mua dự trữ lúa, gạo quốc gia (20.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa), giá lúa trên thị trường Tân Châu nói riêng, toàn tỉnh An Giang nói chung đã có những chuyển biến tích cực” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng thông tin.

Giá lúa tăng

“Giá lúa vụ đông xuân 2018-2019 trên địa bàn TX. Tân Châu đã tăng từ 4.350 đồng lên 4.800 đồng/kg, so 3 tuần trước, giá lúa IR 50404 tăng 300 - 450 đồng/kg, điều này cho thấy tính hiệu quả từ chủ trương triển khai mua dự trữ lúa, gạo quốc gia của Chính phủ. Giá lúa trên đồng tăng đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, thu hoạch lúa đông xuân, đặc biệt là việc mua bán trở nên dễ dàng hơn” - bà Trần Thị Lệ (xã Tân An, TX. Tân Châu) thông tin.

Vụ đông xuân 2018-2019, gia đình bà Lệ sản xuất 3ha lúa với giống IR50404. Do thu hoạch ở trà lúa thứ 2 nên cách đây 2 ngày, bà bán lúa cho Công ty TNHH Minh Phát (TX. Tân Châu) giá 4.800 đồng/kg. Với giá bán này, bà Lệ rất phấn khởi vì đã có lãi trên 1 triệu đồng/công. “Làm ruộng bây giờ vất vả lắm, do tình hình biến đổi khí hậu nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, sâu bệnh trên lúa nhiều, vì vậy khi đến vụ thu hoạch, nông dân mong bán được giá cao để có tiền sinh hoạt và trả tiền vật tư nông nghiệp” - bà Lệ trần tình.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương xay xát để phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu trong quý II-2019

Vụ đông xuân 2018-2019, TX. Tân Châu có diện tích xuống giống 10.827ha tập trung ở 8 vùng sản xuất trên địa bàn. Những giống lúa được gieo sạ nhiều là: IR 50404, Đài Thơm 8, OM5451, OM 6976… năng suất bình quân đạt 6,42 tấn/ha. Những ngày qua, giá lúa trên đồng tăng trở lại nên nông dân rất phấn khởi, bởi sau vụ lúa này, bà con có thể tái sản xuất vì đã có lời. Hiện nay, các địa phương có tiến độ thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 nhanh nhất tỉnh là Tri Tôn (trên 32.000ha), Tịnh Biên (trên 12.000ha), An Phú (hơn 10.000ha). Dự báo khoảng 3 tuần nữa, các địa phương trên sẽ thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân.

Giá nếp cũng tăng

Cục Thống kê tỉnh cho biết, 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của tỉnh đạt hơn 82.000 tấn, tương đương kim ngạch đạt gần 42 triệu USD. So cùng kỳ tăng khoảng 34% về lượng và tăng 36% về kim ngạch và bước sang đầu tháng 3, các doanh nghiệp trong tỉnh đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống lẫn tiềm năng, chính điều này đã giúp giá lúa, nếp trong tỉnh những ngày qua có chuyển biến tích cực.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, Phú Tân) Trần Văn Lô Ba cho biết, hiện giá nếp trên địa bàn đã tăng 500 đồng/kg (từ 4.500 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), với mức giá này, người sản xuất nếp có lãi từ 700-800 đồng/kg. “Trước tình hình tiêu thụ lúa, nếp như hiện nay, chúng tôi đang có những định hướng mới, nghĩa là trên diện tích 1.700ha của hợp tác xã, chúng tôi không tập trung làm nếp hết diện tích, mà sẽ chuyển một số diện tích sang trồng lúa, dưa lưới và các loại cây ăn trái có giá trị xuất khẩu cao để cải thiện đời sống người nông dân trong hợp tác xã” - ông Lô Ba thông tin.

Giá lúa, nếp tăng đã tạo sự phấn khởi cho nông dân. Song về lâu dài, nông dân tại các địa phương cần tính đến việc cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác (thông qua mô hình hợp tác xã nông nghiệp) để ở đó, hợp tác xã có tư cách pháp nhân ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp, giúp nông dân không phải lo toan khi đến vụ thu hoạch. Hiện nay, trên diện tích gần 234.000ha lúa đông xuân toàn tỉnh chỉ có 11.218ha (của 13 doanh nghiệp) thực hiện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Điều này cho thấy, nếu diện tích ký liên kết tiêu thụ lúa vẫn nằm ở mức “khiêm tốn” như hiện nay thì tình hình tiêu thụ lúa, gạo trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó. Giải pháp cho vấn đề này là phải nâng diện tích ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lên mức cao hơn để đến vụ thu hoạch, nông dân không phải lo lúa rớt giá như hiện nay.

"Dự báo thời gian tới, giá lúa, gạo trên thị trường sẽ tiếp tục tăng vì các công ty đã mở kho mua lúa để làm hàng xuất khẩu giao theo hợp đồng đã ký. Mặt khác, lượng lúa trên thị trường sẽ ngày càng ít dần vì thời vụ thu hoạch đã qua…" - Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát (TX. Tân Châu) Trần Văn Hùng thông tin.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

Lão nông sáng chế máy thu hoạch mì

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Hầu hết những người trồng mì tại huyện Krông Pa, Gia Lai đều biết ông Phạm Văn Tỉnh (tổ dân phố 6, thị trấn Phú Túc). Lý do là bởi ông Tỉnh đã sáng chế chiếc cày thu hoạch mì giúp nông dân tiết kiệm sức lao động.

Theo sự giới thiệu của ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Tỉnh. Khi chúng tôi đến nơi, ông Tỉnh và những người thợ của mình đang cặm cụi hoàn thiện một chiếc cày thu hoạch mì để chuẩn bị giao cho khách. Ông Tỉnh cho biết, ông sinh ra ở Thái Bình. Năm 1985, ông theo gia đình vào huyện Krông Pa lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông theo học ngành cơ điện ở Trường Công nhân cơ khí nông nghiệp 4 Trung ương (nay là Trường Cao đẳng nghề cơ điện-Xây dựng và Nông Lâm Trung bộ).

Ông Phạm Văn Tỉnh (bìa trái) giới thiệu về chiếc cày thu hoạch mì. Ảnh: G.H

Sinh ra trong gia đình thuần nông nên ông Tỉnh thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Thấy gia đình và những người trồng mì khi đến mùa thu hoạch phải vất vả nhổ từng cây rất tốn công, năm 2013, ông đã tự mày mò chế tạo chiếc cày thu hoạch mì. “Ngày trước, gia đình tôi cũng trồng hơn 5 ha mì. Qua nghiên cứu học hỏi trên báo chí và mạng internet cùng với kiến thức học được, tôi đã mày mò chế tạo chiếc cày thu hoạch mì. Đầu tiên, tôi chỉ nghĩ chế tạo ra chiếc cày để gia đình sử dụng. Nhưng sau đó, thấy nhiều người đặt hàng, tôi bắt đầu làm và bán ra thị trường. Hiện tại, ở huyện Krông Pa chưa có cách nào thu hoạch mì hiệu quả bằng chiếc cày của tôi”-ông Tỉnh nói.

Tiếng lành đồn xa, đến nay, không chỉ nông dân ở khu vực phía Đông Nam tỉnh tìm mua chiếc cày thu hoạch mì của ông Tỉnh mà nhiều người ở các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Tây Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận cũng tìm đến đặt hàng. Chiếc cày của ông gồm 3 bộ phận: khung, trụ và lưỡi bằng sắt. Trong đó, khung cày có độ rộng 1,5-2 m, chiều cao khoảng 1 m, thích hợp để lắp ráp vào phía sau các loại máy cày. Chiếc cày của ông có loại 1 trụ và loại 2 trụ, có thể tháo lắp dễ dàng và điều chỉnh tùy theo độ rộng của hàng mì.

Bà Nguyễn Thị Luận (tổ dân phố 12, thị trấn Phú Túc) cho biết: “Gia đình tôi có 5 ha mì. Trước kia, mỗi khi thu hoạch, gia đình tôi đều phải bơm nước vào rẫy mì trước 1 ngày để cho đất ẩm thì mới nhổ được. Còn bây giờ, với chiếc cày do ông Tỉnh sáng chế, không cần tưới nước cũng có thể thu hoạch dễ dàng. Cày đến đâu là mì sẽ được móc lên đến đó, không sót củ nào và chỉ cần theo sau thu gom lại. Hiện tại, mỗi ngày, tôi có thể thu hoạch trên 1 ha mì, nhanh hơn gấp 4-5 lần so với nhổ thủ công”.

Chiếc cày do ông Tỉnh sáng chế có ưu điểm là nhẹ, củ mì cày lên không bị gãy, giảm bớt công lao động. Ngoài ra, sau khi cày nhổ mì, chiếc cày còn có tác dụng xới đất để trồng các loại cây khác vào vụ sau. Hiện ông Tỉnh bán với giá 9 triệu đồng/chiếc cày loại 1 trụ và 12 triệu đồng/chiếc cày loại 2 trụ. “Giá như vậy là rẻ hơn nhiều so với các loại cày khác trên thị trường nên được nhiều nông dân chọn mua. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của tôi làm được 1 chiếc nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường”-ông Tỉnh chia sẻ.

Sáng chế của ông Tỉnh đã được cơ quan chuyên môn đánh giá cao về tính khả thi, hiệu quả trong việc đưa cơ giới vào sản xuất, giúp người nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.

Ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa: “Sáng chế của ông Tỉnh đã giúp nông dân giảm bớt thời gian và công sức khi thu hoạch mì. Ông Tỉnh đã mang sáng chế này tham dự hội thi “Nhà nông đua tài” của tỉnh năm 2016 và đạt giải nhất; năm 2017 đạt giải khuyến khích ở cuộc thi “Nhà nông sáng chế” của tỉnh. Hy vọng thời gian tới, ông Tỉnh tiếp tục có thêm nhiều sáng chế giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn”.

GIA HƯNG

Người trồng chuối kêu cứu!

Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi

Chuối là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau, nhưng hiện nay những người trồng chuối đang chật vật vì giá chuối bị rớt đến mức thảm hại. Cà Mau đang thực hiện và từng bước hoàn thiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chính bị ảnh hưởng bởi giá cả thị trường mà tiêu chí thu nhập bình quân đầu người của các địa phương có diện tích trồng chuối lớn bị ảnh hưởng theo, gây khó khăn cho tiến trình xây dựng nông thôn mới và cản trở sự phát triển của địa phương.

Có nhiều hộ đào ao nuôi cá rồi lấy chuối cho cá ăn.

Để chương trình mục tiêu sớm về đích, ngoài nỗ lực chỉ đạo sát sao của ngành chức năng, chính quyền địa phương thì sự chung sức, đồng lòng, đóng góp của người dân là yếu tố quyết định. Dân giàu thì nước mới mạnh, hiện nay, người dân đang gặp khó khăn vì vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” luôn đeo bám. Những hộ dân dưới tán rừng tràm, vừa mới vươn lên giờ phải “ngụp lặn” trong bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cà Mau là tỉnh có diện tích canh tác cây chuối lớn thứ 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với trên 5.500ha. Cây chuối được trồng nhiều ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời. Những năm gần đây, cây chuối là nguồn thu chính của người dân trên địa bàn tỉnh. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020: Phát triển ngành hàng keo lai; tái cơ cấu ngành hàng lúa chất lượng cao; tái cơ cấu ngành hàng chuối chất lượng cao; phát triển ngành hàng tôm sinh thái; tái cơ cấu ngành hàng cá bổi U Minh và tái cơ cấu ngành hàng cua biển.

Vì giá chuối quá rẻ, nhiều hộ “hy sinh” buồng chuối để lấy bắp to, tròn đem bán.

Từ khi có đề án tái cơ cấu, người dân vô cùng phấn khởi, nhất là những hộ dân sinh sống ở vùng ngọt hóa, vùng đất lâm phần. Bà con đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng chuối, vì chuối cho năng suất cao. Đây được xem là một hình thức lấy ngắn nuôi dài hiệu quả, giúp cho người dân dưới tán rừng có cuộc sống ổn định.

Bà Hồ Thị Bồi ở Ấp 14, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), cho biết: “Gia đình tôi trước đây trồng lúa dưới tán rừng, nhưng do có đề án tái cơ cấu, giá chuối lại cao, tính ra 1kg chuối bằng 1kg lúa, trồng chuối nhẹ công chăm sóc hơn, nên gia đình tôi quyết định chuyển sang trồng chuối, giờ chuối lại bị rớt giá, không biết phải làm sao”.

Hộ bà Bồi có tổng diện tích trên 7ha, bà dành 4ha trồng tràm, phần còn lại trồng lúa nhưng khi giá chuối lên cao, bà lên liếp hết diện tích đất để trồng chuối. Bà Bồi nhớ lại: “Khoảng năm 2015, giá chuối từ 5.000 - 5.200 đồng/kg. Bình quân nửa tháng tôi thu hoạch 1 lần, thu về trên 4 triệu đồng”.

Thế nhưng giá chuối lên xuống thường xuyên, từ cuối năm 2017 đến nay, giá chuối chỉ còn ở ngưỡng từ 2.000 - 2.500 đồng/kg. Bà con vẫn bóp bụng bán, nhưng thời điểm hiện tại, giá chuối chỉ còn 1.000 đồng/kg. Nếu giá chuối chỉ giữ ở mức này thì người dân không thể cầm cự được mà phải trồng giống cây khác.

Theo ông Hồng, diện tích chuối trên địa bàn Ấp 14, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), đang dần bị thu hẹp. Điển hình năm 2018 giảm 30ha so với năm 2017, do giá chuối ngày càng giảm, nông dân không còn trụ nổi.

Ông Trần Việt Hồng, Bí thư Chi bộ Ấp 14: “Nếu từ nay cho tới mưa xuống mà chuối không lên giá thì nhà tôi phá bỏ, trồng giống cây khác. Chứ giờ 1 tấn chuối chỉ có 1 triệu đồng thì người dân không thể sống được”.

Hộ ông Hồng chỉ trồng hơn 3ha chuối thường, còn hộ bà Bồi trồng chuối xiêm cấy mô cho trái chắc, tròn. Đây là mô hình thử nghiệm do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh hỗ trợ 1.500 gốc và 300kg phân trồng thử nghiệm. Đến nay, bà đã nhân rộng toàn diện tích đất. Bà Bồi trần tình: “Nếu trồng chuối cấy mô thì phải có giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg bà con mới có lời, vì không phải trồng xong để chuối tự lớn, mà phải bón phân, dọn ủ, chăm sóc thì chuối mới cho trái khỏe”.

Toàn Ấp 14 có trên 50ha trồng chuối, bình quân mỗi đợt người dân thu hoạch hơn 350kg/ha. Mỗi tháng thu hoạch 2 lần. Nhưng với giá chuối hiện tại, bà con không còn thiết tha thu hoạch. Có những hộ đã phá bỏ chuối và đang trồng tràm.

Ông Nguyễn Hồng Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích: “Mấy năm gần đây người dân dưới tán rừng phát triển là nhờ vào cây chuối, giờ chuối xuống giá, địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên, nhưng cũng chưa có hướng giải quyết”.

THIÊN KIM

TP. Cần Thơ: Sầu riêng Phong Điền vào vụ sớm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Ngay những ngày đầu năm 2019, nhà vườn huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) đã có sầu riêng bán ra thị trường. Có thể nói đây là tín hiệu vui đối với bà con trồng loại trái cây này, bởi hằng năm chính vụ thường rơi vào thời điểm tháng 6, tháng 7.

Anh Huỳnh Văn Đầy (áo vàng)- mời khách thưởng thức sầu riêng sớm vụ ngay tại vườn nhà. Ảnh: MAI THẢO

Đến vườn sầu riêng của gia đình anh Huỳnh Văn Đầy, xã Tân Thới, huyện Phong Điền những ngày cuối tháng giêng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của gia đình anh khi có mùa vụ thu hoạch rất sớm. Khu vườn anh Đầy đã có một đợt thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch đợt 2. Trước khi tận tay cắt và tách một trái sầu riêng với từng múi có cơm vàng rất thơm ngon để mọi người cùng thưởng thức, anh Đầy hướng về khu vườn với những trái sầu riêng Ri6 trái to đều, màu sắc đẹp mắt, anh vui vẻ, nói: “Vườn của tôi có hơn 3 công, với 80 cây, còn cho trái chỉ có 75 cây. Đợt thứ 2 này cũng gần tới rồi, còn mười mấy ngày nữa sẽ thu hoạch, cũng nhờ cho trái sớm nên giá bán cũng khá hơn các năm”.

Hơn 3 công sầu riêng của gia đình anh Huỳnh Văn Đầy nằm trong khoảng 6ha trồng sầu riêng của Hợp tác xã Tân Thới 1. Không chỉ riêng anh Đầy mà bà con trong hợp tác xã nói chung đều rất phấn khởi với chuyện xã viên mình có kỹ thuật xử lý ra trái sớm, nhờ đó giá bán cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Có thời điểm sầu riêng Ri6 được thu mua trên 70.000 đồng/kg. Hiện nay bước vào tháng 3, dù giá giảm đôi chút, nhưng bình quân từ 40.000 - 55.000 đồng/kg, mức giá này vẫn mang thu nhập khả quan cho bà con nhà vườn. Ông Huỳnh Văn Hoảnh, Giám đốc Hợp tác xã Tân Thới 1, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, chia sẻ: “Trước đây phần lớn anh em xã viên trồng sầu riêng theo mùa vụ. Năm nay, cháu Đầy là xã viên trong HTX đi học kỹ thuật để làm trái sớm, năng suất cũng ổn mà đầu ra cũng tốt. Bà con trong hợp tác xã năm tới chắc sẽ nhân rộng mô hình có trái sớm này, để bán được giá cao…”.

Năm nay, toàn huyện Phong Điền có gần 340ha sầu riêng ở giai đoạn ra trái. Trong đó, khoảng 2% diện tích cho trái sớm từ tháng 1 đến cuối tháng 3, đây là nét mới đáng phấn khởi của địa phương. Bên cạnh đó, ước tính 80% sản lượng sẽ được thu hoạch rộ trong tháng 4 và tháng 5, còn lại sẽ được thu hoạch dần đến tháng 7 là cơ bản dứt điểm. Như vậy, cùng với việc có sản phẩm cung ứng ra thị trường từ rất sớm, mùa vụ sầu riêng năm nay ở huyện Phong Điền tiếp tục kéo dài hơn so các năm trước. Ông Phan Thanh Trung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phong Điền lưu ý những vấn đề bà con trồng sầu riêng cần quan tâm chăm sóc để đạt năng suất và sản lượng tốt trong cả mùa vụ năm nay: “Đặc biệt trong thời điểm này thời tiết tương đối nắng nóng, mực nước tương đối thấp, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cung cấp đủ nước cho cây sầu riêng trong giai đoạn đậu trái này. Khuyến cáo bà con đi thăm vườn thường xuyên, đặc biệt là kỹ thuật tỉa bông, tỉa trái, tạo điều kiện cho trái phát triển tốt nhất. Cần quan tâm phòng trị các đối tượng dịch hại, đặc biệt là sâu đục trái trong giai đoạn đầu, bà con mình cũng cần quan tâm nghiên cứu đề phòng trị tốt…”.

Mùa vụ đến sớm, kéo dài và chất lượng trái sầu riêng được nâng lên, giá thành ổn định không chỉ mang đến niềm vui cho bà con nông dân mà còn là tín hiệu khả quan cho ngành nông nghiệp huyện trong việc phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng gắn kết với tiêu thụ. Ngành nông nghiệp huyện Phong Điền đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, UBND về phối hợp vận động tất cả bà con nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng nhãn hiệu các loại trái cây đặc sản, trong đó có trái sầu riêng.

MAI THẢO

Xuất khẩu xoài Vĩnh Long sang Mỹ- thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Xoài sẽ là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu vào tiêu thụ. Đây là một tin vui đối với người trồng xoài của Việt Nam nói chung cũng như người dân ở ĐBSCL và Vĩnh Long nói riêng.

Xoài Vĩnh Long xuất khẩu sang Mỹ là tín hiệu vui cho nông sản Vĩnh Long.

Tín hiệu vui

Sau 10 năm đàm phán bền bỉ thì xoài của Việt Nam được chính thức cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa).

Đây là một tin vui đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và của người trồng xoài. Mới đây, Vĩnh Long cũng đã ký kết hợp tác giữa Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path (Hà Nội) với các hợp tác xã, tổ hợp tác xoài của tỉnh để xuất khẩu xoài sang thị trường Hoa Kỳ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cho biết: Hiện nay sản xuất nông sản khó nhất là vấn đề đầu ra, nhất là đang hội nhập.

Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp lẫn nông dân phải vượt qua nhiều rào cản. Vĩnh Long là tỉnh tiềm năng có đủ các mặt hàng nông sản và đây là lần đầu tiên tỉnh đưa mặt hàng xoài xuất khẩu sang Mỹ và được thị trường khó tính này chấp nhận chứng tỏ nông sản Vĩnh Long đã đạt một số tiêu chuẩn đề ra.

Có mặt hàng xoài cát núm tham gia ký kết “xuất ngoại”, chú Nguyễn Văn Liễm- Giám đốc Hợp tác xã xoài cát núm Trung Chánh (Vũng Liêm) phấn khởi:

Được xuất khẩu sang Mỹ là một niềm tự hào cho trái xoài của hợp tác xã, các xã viên khi nghe thông tin này cũng rất mừng bởi sản phẩm sẽ có thêm đầu ra, giá cả cũng ổn định hơn. Hiện hợp tác xã có 17 xã viên với khoảng 10ha trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với năng suất trung bình từ 8- 9 tấn/ha, dự kiến mỗi năm hợp tác xã cung ứng cho thị trường từ 90- 100 tấn xoài.

Ông Trần Hoàng Tựu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết: Một số mặt hàng nông sản của Vĩnh Long như chôm chôm, thanh long, nhãn,... đã xuất sang được một số nước lớn như: Úc, Mỹ,...

Tiếp theo đó là mặt hàng xoài cũng đã được xuất ngoại, đây là cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao cho nông sản Vĩnh Long và đây được xem là dấu ấn ban đầu, để làm tiền đề thực hiện các bước tiếp theo.

Với phương châm “sản xuất an toàn bền vững và hợp tác an toàn lâu dài”, hy vọng Vĩnh Long sẽ có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hơn nữa.

Cần nỗ lực “mở” và “giữ” thị trường

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, Vĩnh Long hiện có gần 44.500ha trồng cây ăn trái với tổng sản lượng trên 440.900 tấn/năm. Trong đó, có gần 4.900ha xoài, chiếm 11% diện tích cây ăn trái, được trồng tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình với các loại giống như: xoài cát núm, xoài cát chu, xoài xanh Đài Loan, xoài Tứ Quý,…

Tuy nhiên đến hiện tại, toàn tỉnh chỉ có trên 93ha xoài đạt chứng nhận VietGAP và thực hiện xây dựng mã số vùng trồng trên một số cây trồng như: xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi,...

Trái xoài Vĩnh Long được công ty đối tác đánh giá cao.

Do đó, để đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm xuất khẩu, ngành chức năng lẫn nông dân phải chú trọng công tác quản lý chất lượng sản phẩm, cần phải thực hiện theo đúng quy trình, tiêu chuẩn từ khâu quy hoạch vùng trồng nông sản an toàn, phương thức sản xuất, thu hái, bảo quản, đóng gói tới bao bì mẫu mã sản phẩm,....

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Văn Liêm cho rằng: Đưa vào thị trường khó tính là tín hiệu vui nhưng cũng là vấn đề thể hiện sự trách nhiệm của nông dân, khuyến cáo nông dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất để đảm bảo an toàn, uy tín, bền vững và thực hiện theo đúng các cam kết với doanh nghiệp về cách thức sản xuất, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Song song đó, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path cũng cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật và các yêu cầu do đối tác đặt ra để nông dân tiếp nhận và thay đổi thói quen sản xuất, phù hợp với thị trường xuất khẩu và mở rộng quy mô canh tác.

Đánh giá cao về chất lượng trái xoài Vĩnh Long, bà Phùng Thị Thu Hương- Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Green Path- cho biết: Phía công ty rất mong muốn hợp tác lâu dài cùng nông dân trồng xoài ở Vĩnh Long.

Trên cơ sở các mô hình sản xuất xoài theo chuẩn VietGAP, công ty mong muốn bà con sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị và tạo được sự bền vững cho trái xoài Vĩnh Long.

Có thể thấy, mở được thị trường đã khó, giữ thị trường lại càng khó hơn. Do đó, muốn xuất khẩu nông sản đạt hiệu quả cao và bền lâu đòi hỏi doanh nghiệp lẫn nông dân phải khai thác tốt lợi thế, áp dụng quy trình sản xuất sạch đáp ứng những rào cản về chất lượng, đặc biệt là phải tăng cường quảng bá, nâng cao thương hiệu, giữ uy tín với các đối tác.

Có như vậy, việc xuất khẩu nông sản mới tiếp tục bứt phá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị và thu nhập.

Bài, ảnh:TRÀ MY

Bình Định: Làm giàu nhờ trồng quýt đường

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay gia đình ông Nguyễn Cai, ở thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm, sau khi đã trừ mọi chi phí đầu tư trên diện tích 1 ha trồng quýt đường.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn, ông Cai với tay hái những trái quýt chín vàng trên cây trĩu quả bóc mời khách. Mùi hương của từng chùm quýt đường đang đến mùa kỳ thu hoạch khiến bất kỳ ai cũng muốn thử. Quả đúng như chủ vườn giới thiệu, những trái quýt đường ở đây ngọt lịm, mọng nước và ít hạt. Tuy mới chính thức cho thu hoạch được 2 năm qua nhưng hiện trung bình mỗi cây quýt đường cho gia đình ông Cai khoảng 50 kg quả/năm. Đặc biệt, loại quýt này mỗi năm cho thu hoạch hai lần, vụ chính vào tháng 10, vụ phụ vào tháng 3 nên mang lại hiệu quả cao. Đến mùa thu hoạch, chỉ cần nhấc máy điện thoại lên alo là có thương lái cho xe vào tận vườn thu hoạch.

Vốn là người địa phương, trước đây trên diện tích trồng quýt đường, ông Cai đầu tư trồng mía đường nhưng không hiệu quả, vì là đất đồi nên đá nhiều hơn đất, trồng cây gì cũng khó. Ông Cai nhận định, đây là loại đất chỉ phù hợp cho cam, bưởi, quýt.... nên cất công vào tận tỉnh Đồng Tháp để mua giống quýt đường về trồng thử. Dưới bàn tay lao động cần mẫn của ông Cai cùng với các con, qua 3 năm trồng thấy hiệu quả nên ông đã đầu tư mở rộng diện tích đất để trồng loại trái cây này.

Ông Cai cho biết, đất đai ở thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân phù hợp cho cây ăn trái hơn, trong đó có quýt. “Đất ở đây có đá, rất mát, loại đất này nếu trồng cây ăn trái thì sẽ cho quả ngọt, chất lượng hơn hẳn trồng ở trên đất thịt” - ông Cai chia sẻ. Loại quýt đường này trồng 2 năm cho ra trái. Tuy nhiên, sang năm thứ 3, khi cây quýt đã trưởng thành thì mới cho nhiều trái. Ông Cai cho biết, so với trồng các loại hoa màu khác như mía, đậu đỗ các loại, doanh thu từ cây quýt đường cao hơn hẳn. Giá quýt bán tại vườn trung bình khoảng 20.000 đồng/kg. Như vậy, hằng năm mỗi cây quýt đường của gia đình ông Nguyễn Cai cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.

Ông Cai (đứng giữa) giới thiệu với khách mô hình trồng quýt đường cho hiệu quả cao của gia đình

Vài năm gần đây, do trồng quýt đường thu nhập cao hơn hẳn các loại hoa màu khác nên nhiều gia đình tại thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích canh tác sang trồng quýt đường. Ông Đỗ Cao Phi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Xuân cho biết, hiện nay thôn Đồng Sim đã có 22 hộ với khoảng 41,5 ha quýt đường, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm tấn quả. Quýt đường ở Đồng Sim được các tiểu thương vào tận vườn thu mua sau đó vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ, trong đó có nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

Quýt đường trồng ở Đồng Sim cho năng suất, chất lượng khá cao. Do đó, chính quyền xã Tây Xuân đang rất khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi những vùng đất pha đá, không phù hợp với các cây hoa màu khác sang trồng cây ăn trái, trong đó có quýt đường, cam, bưởi da xanh…

Minh Khoa

Xuất khẩu nông sản chính ngạch: Hướng phát triển bền vững

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Đứng thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản thực phẩm, nhưng tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là thiếu bền vững bởi xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, hướng tới phát triển bền vững thì xuất khẩu chính ngạch là lựa chọn tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện chỉ có 5% nông sản xuất khẩu của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Số còn lại chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất. Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, hạn chế lớn của nông sản Việt Nam nằm ở bài toán chất lượng và thương hiệu. Bởi chất lượng chưa đạt, thương hiệu chưa có thì nông sản nước ta không thể xuất khẩu tới thị trường lớn theo đường chính ngạch. Để nông nghiệp phát triển bền vững người sản xuất cần thay đổi tư duy, sản xuất định hướng, theo nhu cầu và đáp ứng được những tiêu chuẩn do thị trường đó đưa ra.

Thực tế, nhiều năm qua, nông sản Việt gặp nhiều rủi ro bởi xuất khẩu tiểu ngạch, điển hình là thị trường Trung Quốc. Chỉ cần mỗi lần phía thị trường này ngừng nhập khẩu, nông sản nước ta lại rơi vào tình trạng “được mùa - mất giá”, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như nông dân. Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) Võ Quan Huy chia sẻ: "Huy Long An là một trong những doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu trực tiếp, chính ngạch sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Để xuất khẩu chính ngạch sang 2 thị trường khó tính này, hơn 200ha chuối của doanh nghiệp ngoài việc đạt tiêu chí VietGAP, còn phải đáp ứng thêm 200 tiêu chí khắt khe của doanh nghiệp Nhật Bản và 170 tiêu chí của Hàn Quốc về các điều kiện như: Đất, nước, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và phải ghi chép nhật ký hằng ngày... Mỗi năm, công ty xuất khẩu sang thị trường này với tổng giá trị hàng triệu USD".

Theo ông Phạm Việt Anh, đại diện tổ chức GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) tại Việt Nam, để có những hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, nông sản Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP hay cao hơn là GlobalGAP. Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các hợp tác xã, các doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng... Có như vậy, nông sản mới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp và người sản xuất rất cần thông tin về yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu. Bởi, một số thị trường, các tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật thường xuyên thay đổi, nhưng doanh nghiệp trong nước lại thiếu kênh thông tin để cập nhật dẫn đến tình trạng bị động, hàng hóa bị trả lại, không ổn định. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có kênh thông tin chính thức giúp doanh nghiệp, hợp tác xã cập nhật thường xuyên nhu cầu, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, qua đó, xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Hiện nay xuất khẩu theo chính ngạch là lựa chọn đúng đắn, hướng đi tích cực, tạo hiệu quả tốt cho nông sản trong bối cảnh hội nhập. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Để đạt các hợp đồng chính ngạch, nông dân, doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức... xây dựng kênh thông tin cụ thể, kịp thời về lĩnh vực này cho hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân tham khảo, từ đó chủ động trong sản xuất, bảo quản, chế biến nhằm đạt yêu cầu xuất khẩu chính ngạch tại thị trường thế giới".

ĐỖ MINH

Hướng đến nền nông nghiệp thông minh

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Hiện nay, nhiều hộ nông dân vẫn còn lúng túng trong việc ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Làm gì để giúp nông dân làm nông thông minh, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp.

Trồng dưa lưới trong nhà kính, sử dụng công nghệ tưới tự động là hướng làm nông nghiệp thông minh hiện nay.

Còn nhiều hạn chế, thách thức

Theo các nhà khoa học, thực tế quy mô sản xuất ở Hậu Giang nhỏ lẻ, hạ tầng cơ sở và hạ tầng công nghệ thông tin chưa thật tốt, trình độ nguồn lực giới hạn, do vậy cần có tư duy tiếp cận nền nông nghiệp 4.0, ứng dụng phù hợp công nghệ cao. Tiếp cận đúng từng ngành hàng, hài hòa với cả công nghệ của giai đoạn nông nghiệp 3.0 (tự động hóa, nhà màng), điều này cũng đồng nghĩa với sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Có nhiều lý do, cũng như những thuận lợi cho sự cần thiết phải ứng dụng phù hợp công nghệ cao trong thời kỳ nông nghiệp 4.0, đó là nông nghiệp Hậu Giang chủ yếu phát triển về số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí sản xuất quá cao, chất lượng sản phẩm còn kém, giá trị thấp nên hiệu quả thấp. Tài nguyên hạn chế, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, HTX quy mô nhỏ và chưa đủ mạnh, phụ thuộc đầu ra của sản phẩm. Sản xuất theo thói quen kinh nghiệm, truyền thống, không theo chuỗi do vậy không kiểm soát được chất lượng cũng như không truy xuất được nguồn gốc. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, chế biến tại các vùng sản xuất chưa tốt, chưa thu hút đầu tư, bán sản phẩm thô, giá thấp, giải cứu tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những thuận lợi căn bản là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự ưu tiên đặc biệt quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Ứng dụng công nghệ cao ngày càng được cộng đồng quan tâm, tăng nhanh các mô hình ứng dụng công nghệ, một vài doanh nghiệp chế biến bắt đầu đầu tư. Với các tồn tại cũng như các thuận lợi nêu trên, rất cần phát triển một nền nông nghiệp dựa vào khoa học và công nghệ. Do đó, rất cần thiết tỉnh đánh giá đúng tiềm năng phát triển là điều kiện tiên quyết, trong đó phải đáp ứng tiêu chí quan trọng bậc nhất là hiệu quả.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được đẩy mạnh và tỉnh đã xác định hướng đi riêng, đó là phát triển nông nghiệp xanh. Năm 2019, Hậu Giang tiếp tục phát huy hiệu quả công việc đã triển khai từ năm 2018, thúc đẩy mô hình làm kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics. Những năm qua, nông nghiệp Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản hàng hóa như tác động xấu của biến đổi khí hậu, rõ nhất là có những cơn mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường; an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều tồn tại. Ngoài ra, cách làm của nông dân vẫn dựa theo thói quen, kinh nghiệm, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao; mối liên kết giữa người nông dân, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng, các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh…

Quan tâm liên kết chuỗi giá trị

Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Hậu Giang và để thực hiện hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc giúp nông dân làm nông nghiệp thông minh, bên cạnh các giải pháp cụ thể từ sự chỉ đạo thì vấn đề thay đổi tư duy và đồng hành của các bên liên quan là chìa khóa của thành công. Trường Đại học Cần Thơ có Khoa phát triển nông thôn đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là điều kiện thuận lợi do hiểu biết và sâu sát với thực tế của địa phương, thuận lợi trong trao đổi, hợp tác phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Khoa phát triển nông thôn đề xuất sẽ là đầu mối cho các hoạt động hợp tác, tư vấn, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư các ngành hàng trọng tâm, ngành hàng lựa chọn cho ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Ưu tiên đầu tư cho HTX, vì HTX là đơn vị tiềm năng của ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phải đủ lớn để vận hành được, không đầu tư dàn trải, không theo số lượng. Lựa chọn đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng được sản xuất cho ứng dụng công nghệ cao. Có thể đào tạo qua chương trình hợp tác, thực tập sinh nước ngoài để học tập, nắm bắt công nghệ cao về áp dụng, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao. Địa phương cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động có thiện chí, có tài để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vốn là cái doanh nghiệp luôn luôn thiếu và yêu cầu nên cần đáp ứng cho doanh nghiệp thật sự muốn đầu tư.

Còn ông Trương Chí Hào, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, cho rằng: Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, từ khi thành lập, công ty đã tiến hành khảo sát và xây dựng vùng nguyên liệu với số lượng cung cấp ổn định và chất lượng an toàn cho nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, quá trình tự xây dựng vùng nguyên liệu thì cần có nguồn lực tài chính, nhân sự tập trung cho vùng nguyên liệu quá lớn, rất khó bảo đảm chuỗi giá trị của nông sản từ đồng ruộng đến khách hàng được trọn vẹn. Thông thường, sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến nơi thu mua, phân loại, đóng gói, vận chuyển đến nhà máy chế biến hoặc đến chợ đầu mối, làm các thủ tục thu nhận. Với nhiều công đoạn nêu trên, việc quản lý rủi ro không thể đơn giản mà ngược lại cần có tính chuyên nghiệp thì mới làm tốt được. Tạo ra được sản phẩm tốt phù hợp với yêu cầu thị trường chính là tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vì một trong các khâu bị bẻ gãy thì rủi ro sẽ có và ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm. Sự liên kết này cũng làm giảm bớt chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận nhờ vào việc giảm chi phí đầu tư, giảm sản phẩm hỏng, giảm thời gian tồn trữ vận chuyển. Nếu liên kết sản xuất trực tiếp với nông dân nhỏ lẻ thì mối quan hệ ràng buộc lỏng lẻo, khó áp dụng chế tài nếu nông dân không tuân thủ hợp đồng đã ký. Thực tế, có tình trạng bị vỡ hợp đồng do biến động giá thị trường, nảy sinh tình huống bị trà trộn sản phẩm ngoài không bảo đảm chất lượng.

Đối với Công ty Cổ phần nông trại sinh thái (Ecofarm) đã từng tham gia hỗ trợ các dự án dưa hấu VietGAP, chanh không hạt VietGAP trong giai đoạn 2011-2014 ở huyện Vị Thủy và Châu Thành. Do đó, Ecofarm hiểu rõ lợi thế, tiềm năng cũng như những khó khăn để phát triển nông nghiệp thông minh. Ecofarm nhận thấy rằng hoạt động của hệ thống thành viên Ecofarm phù hợp và có thể đáp ứng được mong đợi của bà con nông dân cũng như của tỉnh Hậu Giang về thực hành nông nghiệp thông minh trong giai đoạn 2020-2025. Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty Ecofarm cho rằng, vì lợi ích của nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai nói chung và của bà con nông dân Hậu Giang nói riêng, công ty sẵn sàng chia sẻ thông tin, nguồn lực cũng như mối quan hệ với các đơn vị, doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động và bà con nông dân tỉnh Hậu Giang. Đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào các dự án nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch tại tỉnh Hậu Giang trên cơ sở các bên đều có lợi. Tư vấn, chuyển giao một phần hoặc trọn gói các công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp thông minh.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, khẳng định: Việc giúp nông dân làm nông thông minh là hết sức cần thiết, qua đó giúp tỉnh đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để phát triển các mô hình thông minh trong nông nghiệp. Từ đó giúp nông dân, HTX dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các viện, trường, các hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, chỉ ra những kinh nghiệm ứng dụng phù hợp công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, làm nông thông minh, giúp bà con nông dân Hậu Giang có lời giải cho câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì và làm như thế nào, qua đó làm giàu được từ ruộng vườn, trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng việc xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp là một yêu cầu cấp bách phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được điều này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của nhà quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, các doanh nghiệp, ngân hàng và người nông dân; trong đó người nông dân đóng vai trò là chủ thể chính. Do đó, nông dân phải có khát vọng làm giàu, tinh thần khởi nghiệp, sự cầu thị và niềm tin thành công. Từ đó, mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen, sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động tự tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật để đổi mới. Đồng thời, phải là người bạn đồng hành, là đối tác tin tưởng của các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để đôi bên cùng có lợi.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop