Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 4 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 4 năm 2019

Bình Phước: Cây mít và khuyến cáo của ngành nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Thị trường giá mít từ đầu năm 2019 đến nay liên tục tăng bất thường. Trước tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, giá mít dao động từ 12-15 ngàn đồng/kg. Thế nhưng sau tết, giá mít liên tục tăng và ngày 9-4, mít loại 1 dao động từ 45-50 ngàn đồng/kg, loại 2 từ 30-40 ngàn đồng/kg. Với giá mít như thế, mỗi héc ta mít sẽ cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, nhà nông có thể lãi đến 800 triệu đồng/ha. Đặc biệt, giá mít đang cao rơi vào thời điểm đầu mùa mưa, vì thế nhiều người đổ xô đầu tư trồng mít.

Khách tìm mua giống mít ở cơ sở cây giống Thành Lợi, thành phố Đồng Xoài

Giá mít giống hiện nay dao động từ 40-50 ngàn đồng/cây, cao hơn 10% so cùng kỳ năm 2018 mặc dù chưa vào thời điểm chính vụ xuống giống. Chủ cơ sở giống cây trồng Thành Lợi tại phường Tân Đồng (Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cho biết, tuần qua cơ sở này đã bán ra thị trường cả ngàn cây mít giống. Nguyên nhân cây giống bán nhanh nhất so với các loại cây trồng khác là do giá mít đang ở mức cao. Tuy nhiên, nguyên nhân giá mít tăng cao đột biến thì hầu hết các cơ sở cung cấp giống cây trồng không ai biết.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cho biết: Giá mít tăng cao bất thường từ đầu năm đến nay là do thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh. Cùng với mít, chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng đang được giá. Tuy nhiên, người dân nên cảnh giác trước thị trường giá mít hiện nay, không chạy đua theo phong trào giá cao thì trồng, giá thấp thì chặt bỏ. Với cách làm như thế chỉ có thua thiệt. Hiện ở các tỉnh miền Tây, người dân cũng đang đua nhau trồng mít. Để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tỉnh Bình Phước nên tìm hiểu thị trường, nhất là vấn đề liên kết chuỗi sản xuất, tìm kiếm doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho nông sản và chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới. Nhất là cây chuối đòi hỏi kỹ thuật cao từ cây giống đến phương pháp canh tác để có màu sắc, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao mới xuất khẩu ra các thị trường ngoài nước.

Việc chạy đua trồng khoai lang Nhật, chuối già hương cho đến cây thanh long, hành tím, rùa tai đỏ... của những năm trước là bài học đắt giá không bao giờ cũ trong lĩnh vực cây trồng và vật nuôi.

Đông Kiểm

Rộn ràng lễ hội tại ‘thủ phủ’ dưa hấu Quảng Ngãi

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Lễ hội dưa hấu nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của bà con nông dân, động viên, cổ vũ tinh thần của bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Ảnh: VGP

Ngày 13/4, tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ hội dưa hấu nhằm tôn vinh cây nông nghiệp chủ lực cũng như huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá, mua bán, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Địa điểm tổ chức lễ hội dưa hấu là thôn Thọ An, xã Bình An, nơi duy nhất có đồng bào Cor sinh sống, là địa bàn có thiên nhiên ưu đãi vì có cảnh quan hùng vĩ, với thác Tuyền Tung còn nguyên sơ, cũng là địa bàn canh tác chủ lực của cây dưa hấu. Nơi tổ chức cũng là di tích lịch sử cấp tỉnh “căn cứ Tuyền Tung”.

Được biết, vụ Đông Xuân 2018-2019, toàn tỉnh Quảng Ngãi trồng gần 1.000ha dưa hấu, riêng huyện Bình Sơn đã chiến hơn 1/2 diện tích và được xem là “thủ phủ” dưa hấu của tỉnh Quảng Ngãi.

Lễ hội dưa hấu diễn ra nhiều hoạt động, Ban tổ chức cũng tổ chức trưng bày các gian hàng và bán hàng “mỗi xã một sản phẩm” nhằm tôn vinh giá trị vùng miền.

Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Hiện Bình Sơn có trên 60% dân số làm nông nghiệp, trong đó cây dưa hấu chiếm tỷ lệ cao trong phát triển kinh tế của người dân, hầu hết tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều có trồng dưa hấu, trong đó có 10 xã trọng điểm chuyên trồng dưa hấu. Đất trồng dưa là đất thịt nhẹ hoặc đất cát pha và cả đất gò đồi, nên dưa hấu có thể canh tác được tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Người dân Bình Sơn đang hướng tới sản xuất nông sản sạch, trong đó có cây dưa hấu, tức là việc chăm sóc cây dưa hấu theo quy trình, sử dụng theo hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện, nông dân bón phân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật.

Lưu Hương

Hiệu quả từ mô hình trồng mận trong nhà lưới

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Với mong muốn nâng cao hiệu quả trong canh tác nông nghiệp, từ năm 2018, ông Tống Văn Phong - Giám đốc Hợp tác xã nông sản an toàn Vĩnh Thới (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã áp dụng mô hình trồng mận An Phước trong nhà lưới. Mô hình này nhằm hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ông Tống Văn Phong rất tâm đắc với mô hình trồng mận trong nhà lưới

Áp dụng việc trồng mận theo hướng sạch

Thời gian trước, ông Tống Văn Phong từng trải qua nhiều công việc khác nhau. Vì hoàn cảnh gia đình nên ông xin nghỉ việc để chuyên tâm canh tác 4ha đất trồng quýt đường - loại đặc sản nổi tiếng của huyện Lai Vung. Nhờ loại cây trồng đặc sản này, mỗi năm trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông Phong thu lãi hàng trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng từ 40 công đất trồng quýt đường.

Đến năm 2016, cây quýt đường không còn mang lại hiệu quả tối ưu, trong lúc loay hoay tìm loại cây mới thay thế, ông Phong tình cờ phát hiện giống mận An Phước đáp ứng được tiêu chí mà ông Phong đang cần. Sau khi tìm hiểu và học cách trồng, ông Phong quyết định mua cây mận giống về trồng trên 1ha đất. Sau thời gian chăm sóc, cây mận phát triển tốt và bắt đầu cho trái. “Giống mận này có đặc điểm là ra trái quanh năm, trái lớn, đặc ruột, ăn rất ngọt. Thấy khả quan, tôi đã chuyển sang trồng mận. Tới mùa thu hoạch, mận An Phước bán được giá cao, thu nhập mang lại rất tốt” - ông Phong chia sẻ.

Cuối năm 2018, sâu hại tấn công vườn mận ngày càng nhiều, ông Tống Văn Phong đi khắp nơi học hỏi cách phòng tránh. Thấy mô hình trồng cây ăn trái trong nhà lưới của nông dân tỉnh Lâm Đồng khá hiệu quả, ông Phong áp dụng ngay vào vườn mận của mình. Theo đó, ông Phong đầu tư 200 triệu đồng mua màng lưới phủ khắp vườn mận; đồng thời bao trái bằng bao xốp để mận có thêm lớp bảo vệ tránh sâu rầy. Mận vừa bao lưới vừa bao trái sẽ có mẫu mã đẹp, vị ngọt, ngon hơn so với trái trồng thông thường.

Trong canh tác, ông Phong tuân thủ nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhưng trái mận vẫn có được màu sắc, hương vị đặc trưng thu hút nhiều thương lái, doanh nghiệp đến thu mua. Trong đó, Siêu thị Vinmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) tiêu thụ từ 10 – 20 tấn mận/tháng để cung ứng sản phẩm cho toàn bộ hệ thống và phục vụ thị trường xuất khẩu.

Giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới

Với chi phí gần 200 triệu đồng để làm nhà lưới, ban đầu ông Tống Văn Phong cũng ngán ngại, nhưng sau một vụ thu hoạch với năng suất, chất lượng và lợi nhuận mà trái mận mang lại, ông hết sức phấn khởi.

Theo ông Phong, ưu điểm của việc dùng màng lưới bao phủ vườn mận là giảm được lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, khoảng cách mỗi lần phun xịt cũng xa nhau, đảm bảo an toàn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa các loài sâu bệnh như ruồi vàng đục trái. Bên cạnh đó, trồng mận An Phước bón phân rất ít, khi tiến hành bao trái thì không bón thêm phân nữa.

Nhờ áp dụng mô hình trồng mận trong nhà lưới giúp gia đình ông Tống Văn Phong tiết kiệm được chi phí và nông sản luôn đảm bảo chất lượng. Theo quan sát, mận An Phước nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì mỗi cây sẽ cho từ 100 - 120kg trái/vụ, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất toàn vườn từ 80 – 90 tấn/năm. Với giá bán ổn định, sau khi trừ chi phí, ông Phong lãi trên 400 triệu đồng/năm.

Ông Phong cho biết: “Bao lưới sẽ giúp nhà vườn đỡ xịt thuốc hơn, tiết kiệm khoảng 50% chi phí, giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với sản xuất theo kiểu truyền thống. Bên cạnh đó, mô hình này còn có ưu điểm khác là giúp tiết kiệm nước tưới, ứng phó tốt với thời tiết hạn hán. Cụ thể, lớp lưới cách nhiệt sẽ giúp cho vườn giữ ẩm tốt, tiết kiệm khoảng 30 – 40% nước tưới”.

Ngoài ra, ông Phong còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động với các công việc như: bao trái, bao lưới, thu hoạch... thu nhập bình quân mỗi ngày 150.000 đồng/người.

Nhận thấy mô hình trồng mận của ông Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân các địa phương lân cận tìm đến học hỏi quy trình canh tác. Ông Mai Quốc Hậu – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung nhận định: “Trong xu thế hội nhập, đòi hỏi người sản xuất cây ăn trái cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, nhằm cạnh tranh lành mạnh trên thương trường và an toàn cho người tiêu dùng về lâu dài. Vì vậy, mô hình trồng mận trong nhà lưới đang giúp người nông dân tìm cách sản xuất hiệu quả. Mô hình này giúp mận quang hợp tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại. Qua đó, giúp người dân có thu nhập ổn định”.

KHANH PHAN

Bàn cách phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn Gia Lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Trước tình trạng hồ tiêu bị chết, năng suất thấp và giá cả tụt dốc, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp nông dân sản xuất loại cây trồng này theo hướng bền vững.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai khoảng 16.278 ha. Song đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.547 ha hồ tiêu của 32.278 hộ bị chết. Trong đó, hồ tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ là 4.535 ha, do già cỗi hơn 56 ha và do sâu bệnh hơn 955 ha.

Sản xuất hồ tiêu bền vững là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân lựa chọn. Ảnh: Đức Thụy

Để giúp nông dân sản xuất hồ tiêu bền vững, vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tổ chức Hội thảo tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững thông qua ứng dụng Viet Nam IPC Farmers App cho đại diện một số hộ trồng hồ tiêu các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Phước. Tại buổi tập huấn, ông Homey Cheriyan-Viện trưởng Viện phát triển cây gia vị Ấn Độ đã chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất hồ tiêu bền vững: “Nông dân ở nước tôi thường sản xuất hồ tiêu theo 3 dạng, như: trồng xen trong các vườn tạp, cho leo bám trên các loại cây trong vườn (chiếm 50% tổng diện tích); trồng độc canh trên đất đồi dốc, thung lũng; trồng xen lên hệ thống cây che bóng trong các vườn chè, cà phê. Việc áp dụng mô hình trồng xen sẽ giúp người sản xuất nông nghiệp có nguồn thu ổn định. Bởi nếu cây trồng này xuống giá sẽ có cây khác bù vào. Ngoài ra, qua nghiên cứu, các loại bệnh trên cây hồ tiêu thường xuất hiện và lây qua cây giống. Do đó, ở nước chúng tôi, khâu quản lý nguồn giống rất chặt chẽ và khi đưa đến người nông dân tuyệt đối phải sạch bệnh”.

Ông Homey Cheriyan cho biết thêm, tại Ấn Độ, các trường đại học và công ty tư nhân đều được khuyến khích nghiên cứu để tạo ra các giống hồ tiêu có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh hại. Sau khi nghiên cứu xong, nguồn giống mới sẽ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định rồi mới đưa vào sản xuất. Điều quan trọng nhất là người dân Ấn Độ sử dụng giống hồ tiêu sạch bệnh, năng suất cao, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu từng vùng, xử lý kỹ đất, trồng xen canh và sản xuất theo hướng hữu cơ.

Sản xuất hồ tiêu bền vững là hướng đi đang được nhiều doanh nghiệp, nông dân lựa chọn. Ảnh: Đ.T

Cũng tại hội thảo, người trồng hồ tiêu còn được giới thiệu, hướng dẫn khai thác thông tin và sử dụng ứng dụng Viet Nam IPC Farmers App. Ông Nguyễn Viết Khoa-Trưởng phòng Đào tạo (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: “Ứng dụng này sau khi tải về và cài đặt trên điện thoại giúp nông dân nhận biết dấu hiệu bệnh của cây, thông tin giá cả thị trường, thời tiết, nhật ký nông hộ, lịch thời vụ, quy trình canh tác. Nông dân cũng có thể trao đổi thông tin với chuyên gia về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất bằng cách miêu tả và gửi hình ảnh về những vấn đề mà họ đang đối mặt. Các chuyên gia sẽ giải đáp trực tiếp đến điện thoại di động của nông dân. Ngoài ra, nhờ tính năng thông báo và cảnh báo, nông dân sẽ biết về điều kiện khí hậu bất lợi có thể xảy ra, được nhắc về một hoạt động quan trọng cần thực hiện…”.

Tham gia buổi tập huấn, ông Võ Văn Lâm (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 2 ha hồ tiêu, hiện tại tỷ lệ chết hơn 30%. Qua những kinh nghiệm được truyền đạt từ các chuyên gia, sắp tới, tôi sẽ chuyển những diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Đối với diện tích hồ tiêu đang phát triển, tôi sẽ áp dụng phương pháp tủ gốc, trồng cây che bóng để giữ ẩm cho cây và sản xuất theo hướng hữu cơ”. Còn ông Nguyễn Thanh Hiền (thôn Hòa Hiệp, thị trấn Nhơn Hòa) hy vọng rằng, những kinh nghiệm của các chuyên gia cộng với ứng dụng Viet Nam IPC Farmers App sẽ giúp nông dân tiếp tục gắn bó với cây hồ tiêu.

Trao đổi với P.V về định hướng phát triển cây hồ tiêu của tỉnh, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Để phát triển hồ tiêu bền vững, trước hết người dân phải quan tâm đến đầu vào khi sản xuất, đó là sử dụng nguồn giống sạch bệnh, xử lý đất hiệu quả để tránh nguồn lây bệnh. Tiếp đó phải hạn chế sử dụng phân bón vô cơ mà chuyển qua sử dụng phân bón hữu cơ. Trong phân bón hữu cơ cũng phải được xử lý đảm bảo tránh tồn dư nguồn gây bệnh. Đối với những diện tích hồ tiêu bị chết hiện nay của người dân, tuyệt đối không tiến hành tái canh mà nên chuyển qua các loại cây trồng khác như cây ăn quả, kết hợp trồng cây ngắn ngày và dài ngày để tạo thu nhập. Người dân cũng nên sản xuất có chứng nhận theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Ngoài ra, việc liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc… giúp đầu ra ổn định, đảm bảo phát triển bền vững. Đối với những vườn hồ tiêu còn sống nhưng trên những chân đất không phù hợp phải tổ chức đánh giá lại và dần chuyển đổi sang cây trồng phù hợp hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

LÊ NAM

Tuyên Quang: Liên kết, sản xuất nông sản đặc sản: Cú huých cho sản xuất hàng hóa

Nguồn tin:  Báo Tuyên Quang

Nông sản đặc sản địa phương như cá chiên, vịt bầu, chè Shan tuyết… sau một thời gian dài lận đận tìm thị trường, giờ đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã bắt tay vào liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Vũ Đình Thường (ngoài cùng bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Thường Mai giới thiệu mô hình nuôi trồng thủy sản của công ty với người nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang. Ảnh: Quốc Việt

Vịt bầu cổ xanh Chiêm Hóa cũng giống như vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ ở một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 10 năm trở lại đây, sự có mặt của giống vịt lai hàng hóa tràn lan trên địa bàn huyện, với đặc điểm ngắn ngày, dễ nuôi, nhanh xuất bán, nhiều bà con chuyển sang chăn nuôi giống vịt này, khiến câu chuyện bảo tồn giống vịt bầu cổ xanh trở nên cấp thiết.

Khi anh Hà Văn Doãn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hà Đức chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mà cụ thể là đầu tư vào việc bảo tồn, nhân giống vịt bầu cổ xanh của địa phương, nhiều người không khỏi ái ngại, vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với anh, cũng là lĩnh vực được đánh giá là bấp bênh, khó thu lãi hơn rất nhiều so với xây dựng cơ bản. Anh Doãn bảo, anh vốn là người dân tộc Tày, quê gốc ở xã Nhân Lý (Chiêm Hóa). Anh nhớ những ngày còn nhỏ, được thưởng thức miếng thịt vịt quê ngọt thơm, chắc thịt, đậm đà, nhưng dần dà, món ăn này không còn xuất hiện nhiều nữa, thay vào đó là thịt vịt lai hàng hóa bà con nhập giống từ xuôi lên. Theo ông Hà Quang Mai, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Chiêm Hóa, giống vịt bầu có đặc điểm đẻ thưa, ngắt quãng, thời gian nuôi 1 con cũng kéo dài từ 3 - 3,5 tháng, nên nhiều bà con không còn mặn mà lưu giữ, nuôi lớn thành hàng hóa mà chỉ giữ vài ba con làm giống. Năm 2017, Công ty TNHH MTV Hà Đức thực hiện dự án bảo tồn, nhân giống vịt bầu cổ xanh Chiêm Hóa và thu được kết quả khả quan. Sau 2 năm, đơn vị đã xuất bán được hơn 8.000 con giống cho bà con địa phương; cung cấp cho thị trường gần 1.000 con vịt bầu thương phẩm. Hiện, Công ty TNHH MTV Hà Đức đang hoàn thiện các thủ tục cấp chứng nhận VietGAP cho đàn vịt bầu thương phẩm, truy xuất nguồn gốc và đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm vịt bầu cổ xanh Chiêm Hóa. Anh Doãn cho biết, đơn vị đã làm việc với một số siêu thị tại Hà Nội, Quảng Ninh để tìm đầu ra, ngay sau khi sản phẩm được chứng nhận VietGAP, dự kiến giá bán mỗi kg khoảng 150 nghìn đồng.

Cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra sản phẩm chè Shan của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang).

Hợp tác xã Sơn Trà mới thành lập tháng 7 - 2018 nhưng cũng đã để lại dấu ấn đối với người trồng chè Shan tuyết đặc sản ở Hồng Thái (Na Hang). Anh Đàng Xuân Trân, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc thành lập hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè Shan đặc sản xuất phát từ chính nhu cầu của anh em trong ban quản trị, vì một thời gian dài chè Shan đặc sản Hồng Thái không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ, do rất ít người biết đến. Hợp tác xã liên kết với 16 hộ trồng chè trong xã, với hơn 60 ha chè Shan đã cho thu hoạch, giá thu mua chè búp tươi là 15 nghìn đồng/kg. Anh Trân cho biết, từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã xuất bán ra thị trường gần 6 tấn chè búp khô, giá bán trung bình 300 nghìn đồng/kg. Năm 2019, hợp tác xã đang tập trung vào phân khúc chè chất lượng cao, giá bán khoảng 1 triệu đồng/kg. Yêu cầu để sản xuất loại chè này là bà con phải hái đúng 1 tôm 1 lá, giá thu mua 1 kg búp tươi là 50 nghìn đồng/kg. Giám đốc Hợp tác xã Đàng Xuân Trân chia sẻ, việc tập trung vào phân khúc hàng cao cấp sẽ định hình được giá trị, thương hiệu của sản phẩm chè Shan Hồng Thái trên thị trường, qua đó, tạo niềm tin, nâng cao thu nhập cho người trồng chè địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có gần 40 hợp tác xã, tổ hợp tác có tham gia liên kết với doanh nghiệp, 12 doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với hợp tác xã và nông dân, 45 trang trại có tham gia liên kết với doanh nghiệp để sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như chè, gỗ rừng trồng, rau, lúa, sắn, ớt, trâu, bò, lợn... Sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào lĩnh vực này đã góp phần không nhỏ trong việc khôi phục, duy trì sản xuất các mặt hàng nông sản đặc sản, là cú huých cho nông nghiệp tỉnh ta phát triển theo chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: Trần Liên

Bến Tre: Hợp tác xã lúa tôm Thạnh Phú tiến tới hoạt động như doanh nghiệp

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Sáng 12-4-2019, tại xã An Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cùng đại diện một số ngành có buổi làm việc với Hợp tác xã (HTX) lúa tôm Thạnh Phú.

HTX lúa tôm Thạnh Phú chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2017. Từ 82 thành viên ban đầu, đến nay, HTX có hơn 170 thành viên. Vốn điều lệ 500 triệu đồng.

Đầu năm 2018, HTX được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 cấp giấy chứng nhận lúa đạt chuẩn VietGAP, với tổng diện tích gần 100ha.

Sau đại hội thường niên, Ban Giám đốc HTX đã xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đến nay, HTX đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng dịch vụ đối với thành viên. HTX đã cung cấp 7 tấn lúa giống, 10 tấn phân bón, 600 ngàn giống tôm càng toàn đực và 200 ấn chỉ bảo hiểm xe máy.

Tại buổi làm việc, đại diện HTX đề xuất huyện hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn như: đẩy nhanh tiến độ cấp đất để HTX đủ điều kiện nhận vốn từ Dự án AMD theo hình thức PPP. Hướng dẫn HTX thực hiện thủ tục đăng ký để đủ điều kiện sản xuất và mua bán lúa giống. Hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình và chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ. Giúp hoàn thành các thủ tục đăng ký tham dự OCOP tại Bến Tre. Hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để cuối năm 2019 đạt mức độ xếp hạng "3 sao", góp phần tạo điều kiện tốt nhất đưa sản phẩm HTX ra thị trường…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đào Công Thương lưu ý, lãnh đạo xã An Nhơn tiếp tục quan tâm tháo gỡ kịp thời những khó khăn của HTX. Trước mắt, chức danh Giám đốc HTX phải tách riêng biệt, không thực hiện kiêm nhiệm. Do tới đây, HTX hoạt động như doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường nên phải dành thời gian nhiều hơn để đạt hiệu quả. Xã nhanh chóng thống nhất quy trình chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để HTX có điều kiện gọi vốn xây dựng nhà xưởng.

Đối với HTX, bám vào kế hoạch kinh doanh thời gian qua triển khai hoạt động ra sao, hiệu quả đến đâu để khắc phục những hạn chế, những việc chưa làm được. Đồng thời, HTX tận dụng hết lợi thế đang có; rà soát lại những nội dung đề xuất tiểu dự án “Mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm lúa sạch”, nhằm tranh thủ sự đầu tư của Dự án AMD theo mô hình hợp tác công tư.

"Các ngành huyện tiếp tục hỗ trợ HTX các thủ tục cho thuê đất; thủ tục tiếp nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, mở lớp tập huấn sản xuất lúa giống, mở rộng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm" - Chủ tịch UBND huyện yêu cầu.

Tin, ảnh: Quốc Vinh

Huyện Ngọc Hiển (Cà Mau): Thả thêm một cá thể rùa quý hiếm về biển

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi

Chiều 11/4, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với Đồn Biên phòng Đất Mũi, chính quyền địa phương xã Đất Mũi và anh Nguyễn Văn Non (ngụ Ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), cùng thả một cá thể rùa biển quý hiếm nặng khoảng 40kg về môi trường tự nhiên, tại cửa biển Rạch Mũi.

Đại diện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cùng anh Non thả cá thể rùa về biển.

Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Non, vào khoảng 23 giờ ngày 10/4/2019, trong quá trình đánh lưới cá, anh phát hiện một cá thể rùa nặng khoảng 40kg bị mắc lưới, anh đem cá thể rùa vào bờ trình báo với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Sau khi nhận được thông tin của anh Non, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với Đồn Biên phòng Đất Mũi, chính quyền địa phương xã Đất Mũi và anh Nguyễn Văn Non tiến hành thả cá thể rùa về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Mũi, huyện Ngọc Hiển, trong tình trạng sức khỏe tốt.

Trước đó vào ngày 20/3/2019, Hạt kiểm lâm huyện Ngọc Hiển, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Đồn biên phòng Rạch Gốc và anh Nguyễn Văn Nghĩa đã tiến hành thả cá thể rùa nặng khoảng 60kg về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển.

Như vậy có thể thấy, thời gian qua, ý thức của người dân trong việc bảo vệ các cá thể quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam được thực hiện khá tốt.

HUỲNH TỨ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop