Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 16 tháng 9 năm 2019

Hơn 60 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Nguồn tin:  Cổng TTĐT Chính Phủ

Thông qua chính sách hỗ trợ, đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hơn 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ...

Nhiều hợp tác xã áp dụng mô hình trồng rau sạch trong nhà kính

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5/12/2017, năm 2019, Sở NN&PTNT thực hiện hỗ trợ 20 HTX Nông nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các máy cày, máy cấy, máy làm xúc xích và máy bảo quản.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, các HTX đã tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn hộ thành viên sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ATTP, xây dựng nhãn hiệu, 46 HTX đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử QRcode.

Đáng chú ý, thông qua chính sách hỗ trợ, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ...

Hiện đã có 43 HTX nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, như: HTX Cuối Quý trồng rau hữu cơ nhà kính, lựa chọn giống chất lượng cao nhập từ Đài Loan, kỹ thuật xử lý gia nhiệt để triệt mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng, chất lượng rau được người tiêu dùng đánh giá cao; HTX Gạo hữu cơ Đồng Phú sản xuất từ giống lúa nguyên chủng Bắc thơm số 7 theo tiêu chuẩn Pamci của Nhật Bản, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, đất sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đồng thời xa khu dân cư, nghĩa trang, nguồn nước sản xuất được lọc qua than hoạt tính, giá trị gạo tăng gấp 2 lần so với mặt bằng chung.

Một số HTX trên địa bàn thành phố cũng đã áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, như: HTX Hoa lan Đan Hoài đã thuê hơn 3ha đất đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp với kinh phí đầu tư 2,5 - 3 triệu đồng/m2. HTX này đã xây dựng thương hiệu hoa Flora giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản lượng hiện nay đạt 1 triệu cây lan/năm. HTX Công nghệ cao Thăng Long sản xuất chế phẩm sinh học hữu cơ cung cấp cho nhiều tỉnh thành lân cận, đã thuê 15ha đất ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để trồng cam, thuê 5 ha đất bãi sông hồng trồng chuối tiêu hồng (giống Thái Lan) xuất khẩu, thuê 1 ha đất ở huyện Hoài Đức nuôi cá chép bể với năng suất 5 tạ/ha; HTX Rau củ quả Hồng Thái đầu tư 2ha nhà kính trồng măng tây xanh với công nghệ tự động, sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, là mô hình sản xuất bước đầu đạt hiệu kinh tế quả cao, thời gian tới HTX tiếp tục mở rộng thêm 3 ha.

Không chỉ có vậy, một số HTX sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Đơn cử mô hình HTX xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối, bước đầu các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng.

Tiêu biểu như: HTX Hoàng Long thành viên góp đất 5 ha xây dựng khu chăn nuôi khép kín, tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. HTX đã tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi diện tích 720 m2, chăn nuôi lợn giống, lợn thịt (lợn ông bà 80 con, lợn bố mẹ 335 con, lợn thịt 3.600 con), khu xử lý chất thải ngoài hàng rào khu vực chuồng trại khoảng 2,8 ha. Bên cạnh đó, HTX tổ chức giết mổ, làm mát, cấp đông, chế biến sản phẩm từ thịt như: giò, chả, xúc xích... với nhãn hiệu thịt lợn sinh học A-Z.

Hoặc HTX Nông trại xanh Ba Vì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 13 thành viên, đã thuê 25 ha đất của Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì để nuôi bò sữa, sản lượng sữa đạt khoảng 800.000 lít/năm. HTX sản xuất 8 sản phẩm từ sữa, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng/năm, thị trường tiêu thụ Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Bình...

Vĩnh Hoàng

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ nâng chất sản phẩm

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Những năm trước, bà Lê Thị Hoa ở khu phố 2, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) thường sử dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế cây trồng thấp và sản phẩm không đạt chất lượng như mong muốn, chi phí đầu tư cao. Do sử dụng nhiều phân bón hóa học nên cây trồng mau già cỗi và giảm năng suất nhanh theo năm. Qua tìm hiểu trên báo, đài và internet, bà Hoa nhận thấy phải chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để đạt hiệu quả kinh tế cao và dần nâng cao chất lượng sản phẩm mới có thể cạnh tranh đầu ra ổn định.

Bà Lê Thị Hoa ở khu phố 2, thị trấn Chơn Thành chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ

Với kinh nghiệm nhiều năm trồng cây ăn trái, tuy nhiên sản xuất theo hướng hữu cơ còn rất mới đối với bà. Do vậy, bà Hoa bắt đầu chuyển từ bón phân hóa học sang bón phân hữu cơ được ủ từ các loại phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp chăm bón vườn mít, sầu riêng và bưởi da xanh. Bà còn thu gom bã mía của các quán nước giải khát về chế biến, ủ thành phân bón cho cây trồng trong vườn. Bên cạnh đó, bà cũng sử dụng thêm chế phẩm sinh học để phun vườn cây. Nhờ vậy, cây trồng phát triển tốt, ít bị nhiễm nấm, sâu bệnh gây hại.

Bà Hoa cho biết, canh tác theo hướng hữu cơ tốn công sức hơn, bù lại giảm chi phí và có môi trường trong sạch, không còn khó chịu với mùi thuốc bảo vệ thực vật như trước. Vườn bưởi, sầu riêng, mít phát triển xanh tốt, trái to, đều và chất lượng thơm ngon hơn. Tuy nhiên, điều bà Hoa lo ngại là người tiêu dùng chưa phân biệt đâu là sản phẩm hữu cơ, đâu là sản phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên khi bán giá cũng chưa cao hơn bao nhiêu. Với hơn 30 cây sầu riêng, khoảng 20 cây bưởi da xanh và 60 cây mít, mỗi năm bà Hoa thu khoảng 150 triệu đồng. Để phát triển sản xuất ổn định trong thời gian tới, bà Hoa sẽ chú trọng cập nhật thông tin hữu ích, mô hình mới về nông nghiệp hữu cơ áp dụng vào thực tế nhằm nâng cao giá trị kinh tế.

Tiến Công

36 cây sầu riêng cho thu hoạch 13 tấn quả

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Anh Mai Văn Tiềm, ở thôn Thuận Hòa, xã Thuận Hạnh (Đắk Song, tỉnh tỉnh Đắk Nông) có vườn sầu riêng chỉ 36 cây nhưng năm nào cũng mang về nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

36 cây sầu riêng đạt sản lượng 13 tấn quả, thu về 500 triệu đồng

36 cây sầu riêng giống Dona (nguồn gốc Thái Lan) được gia đình anh Tiềm trồng xen trong 0,9 ha hồ tiêu từ năm 1999. Số sầu riêng này đã cho thu hoạch hơn 10 năm nay.

Hầu như năm nào vườn sầu riêng của anh Tiềm cũng được mùa

Năm 2019, vườn sầu riêng của anh Tiềm đạt sản lượng khoảng 13 tấn quả, thu về 500 triệu đồng.

Thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng

Theo anh Tiềm, trồng sầu riêng cần phải am hiểu về quy trình, kỹ thuật chăm sóc; phải biết cách xử lý để cây ra hoa, đậu quả, giữ quả không bị rụng. "Để đạt năng suất cao, tôi đã phải mày mò, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng nhiều nơi. Bây giờ, xem lá, xem cây tôi có thể “bắt mạch” được cây cần gì, thiếu chất gì để có cách chăm sóc, bón phân phù hợp", anh Tiềm chia sẻ.

36 cây sầu riêng được trồng xen canh với hồ tiêu và được chăm sóc bài bản, khoa học

Đức Hùng

Vùng cà phê công nghệ cao của Lạc Dương (Lâm Đồng)

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Cà phê Lang Biang đã và đang có chỗ đứng nhất định trong đời sống. Chính vì vậy, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) chủ trương hình thành vùng cà phê công nghệ cao với diện tích 300 ha để trở thành vùng nguyên liệu nhằm duy trì thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang đã đăng ký và được bảo hộ.

Việc lựa chọn sản xuất cà phê công nghệ cao của nông dân đem lại chất lượng cũng như giá trị sản phẩm cao hơn.

Sản xuất theo quy trình

Với lợi thế vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, đất đai, chất lượng cà phê ở Lạc Dương rất thơm ngon nên từ khi huyện tiến hành xây dựng thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu, nhiều công ty bắt đầu liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê cho bà con, giúp cà phê vừa tăng năng suất, vừa có giá bán cao hơn mặt bằng thị trường chung và so với các năm trước. Đặc biệt là việc hình thành vùng cà phê công nghệ cao để hợp nhất quy trình sản xuất cũng như tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê.

Khi sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, người dân tham gia sẽ được các kỹ sư trực tiếp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, định hướng các loại phân thuốc và quy trình chăm sóc cụ thể cho từng vườn dựa vào các yếu tố phát triển của cây, chất đất, địa hình... từ khâu chăm sóc đến khi thu hoạch. Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê xanh tốt đang thời kỳ đậu trái, ông Liêng Hót Ha Lan (thị trấn Lạc Dương) phấn khởi khoe: “Chuyển đổi trồng cà phê công nghệ cao, vụ này cà phê rất sai quả, chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thu mua cũng tốt hơn”. Với 2 ha cà phê đang bước vào tuổi thứ 6, ông Ha Lan cho hay, năm nay cà phê có dự báo cho trái nhiều hơn các năm bởi ông đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, bón phân đúng quy trình, không để cây phát triển tự nhiên như cách làm trước đây.

Ông Rơ Ông Ha Plúc (thị trấn Lạc Dương) cho biết thêm: Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất cây cà phê năm qua cao hơn hẳn, giá thành cũng cao hơn. Mùa vụ năm nay, người dân bắt đầu tiếp cận việc sản xuất theo quy trình. Cái lợi lớn nhất khi tham gia vào quy trình sản xuất mới là người dân học được kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình. Đó là một trong những động lực giúp người dân yên tâm, tiếp tục bám vào cây cà phê và sống tốt từ cây trồng chủ lực này.

Cà phê thị trấn Lạc Dương được xác định là một trong những nguồn nguyên liệu chính có chất lượng của thương hiệu cà phê Lang Biang, hướng tới vùng nguyên liệu sạch nhờ vào điều kiện tự nhiên và không lạm dụng thuốc hóa học.

Góp mặt của “4 nhà”

Việc phát triển và hình thành vùng sản xuất cây cà phê ứng dụng công nghệ cao đã giúp cho người nông dân nắm vững hơn về khoa học kỹ thuật, có kỹ năng tốt hơn trong phát triển kinh tế trang trại, xóa bỏ tình trạng du canh du cư phát nương làm rẫy, hạn chế phá rừng, hủy hoại tài nguyên đất. Qua đó, chuyển từ nền nông nghiệp thiên về số lượng sang chất lượng và giá trị bằng cách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tạo mô hình nông nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ theo hệ thống sản xuất - thu mua - bảo quản - chế biến và tiêu thụ với sự tham gia của 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp).

Ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Hiện nay, toàn huyện Lạc Dương còn khoảng gần 4.000 ha cà phê Arabica, trên thế giới cũng rất ít địa phương trồng được loại cà phê thơm ngon này để cạnh tranh, nên việc đăng ký nhãn hiệu thật sự là bước đi trước của huyện. Vùng sản xuất chuyên canh cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng và thực hiện tại thị trấn Lạc Dương được xác định là vùng sản xuất cà phê có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương.

Tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá thu mua của tư thương thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân trồng cà phê, tới doanh nghiệp thực hiện thu mua cà phê của nông dân theo hợp đồng. Việc thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm cà phê còn nhiều hạn chế. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô nên giá trị sản phẩm thấp, chưa thực sự nâng cao thu nhập cho người trồng cây cà phê. Trước thực tế đó, bên cạnh Công ty A.COM vào đầu tư, huyện cũng đã mời một vài doanh nghiệp cà phê như Con Sóc ở thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Nông sản Langbiang chỉ chuyên thu mua cà phê của Lạc Dương để làm thương hiệu riêng và đang đi chào hàng ở một số nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc…Từ đây, thúc đẩy thương hiệu cà phê Lang Biang sẽ bay xa hơn nữa và nâng tầm giá trị cây cà phê.

Triển khai, phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang, thu hút các nhà đầu tư vào vùng nguyên liệu sạch, tập trung góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trồng cà phê trên địa bàn thị trấn Lạc Dương là hướng đi mà trong tương lai chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích.

HOÀNG YÊN

Bạc Liêu: Xuống giống vụ lúa trên đất tôm gần 8.200ha

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Từ đầu tháng 9/2019 đến nay, các địa phương vùng ngọt của tỉnh Bạc Liêu đã xuống giống vụ lúa trên đất tôm gần 8.200ha.

Năm nay, các địa phương khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm; tập trung chủ yếu ở huyện Phước Long, Hồng Dân và TX. Giá Rai.

Để giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật sản xuất và ứng dụng vi sinh trong sản xuất lúa, tôm sạch, ngành Nông nghiệp tỉnh đã mở hơn 30 lớp tập huấn kỹ thuật với gần 1.000 nông dân dự học.

PV

Thúc đẩy chăn nuôi trang trại gắn với an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Số lượng trang trại chăn nuôi lợn áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tổng đàn giảm 7%

Ngày 13/9, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019. Do bệnh bệnh này chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết cao nên đã khiến tổng đàn lợn của nước ta đến nay giảm khoảng 7%.

Hiện thịt lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp kịp thời nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020. Nhưng có tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả lợn Châu Phi, như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam…

“Số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35 - 40%. Đây là những tín hiệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học thích ứng với bệnh dịch tả lợn Châu Phi".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương nghiên cứu, xem xét, cân nhắc việc tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, Bộ sẽ nghiên cứu các phương án để thúc đẩy nhiều hơn nữa hình thức liên kết chăn nuôi theo một chuỗi khép kín từ các nguyên liệu đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y....) cho đến sản phẩm đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm). Hình thức này thường được liên kết giữa các doanh nghiệp, công ty sản xuất chăn nuôi vừa và lớn (liên kết dọc). Chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết chuỗi khép kín sẽ cho ra những sản phẩm không những truy xuất rõ được nguồn gốc mà đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tối ưu.

Các sản phẩm thịt theo quy trình chăn nuôi, giết mổ, đóng gói khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tái đàn gắn với an toàn sinh học

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra con số: “Nếu như năm 2016 cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, chiếm tỷ lệ 6,6% sang năm 2017 số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước tăng lên gần 2.500 trang trại (tăng 15,6%) và chiếm tỷ lệ 24,4% với tổng đàn còn là xấp xỉ 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,3%”.

Số liệu thống kê mới nhất năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.

Qua đó, có thể nhận thấy xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn… được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đối với hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, năm 2016 cả nước có gần 29.000 hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 10%. Đến năm 2018, số hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước giảm xuống còn xấp xỉ 28.000 hộ, chiếm tỷ lệ 11,1% số hộ chăn nuôi lợn cả nước và tổng đầu đàn con trên 373.000 con, chiếm tỷ lệ 10%.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, số lượng hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học và tổng số đầu con năm 2017 và 2018 giảm so với năm 2016, song tỷ lệ hộ chăn nuôi và tỷ lệ tổng đàn lợn ổn định và có biểu hiện tăng nhẹ. Điều này phù hợp với xu thế là số lượng hộ chăn nuôi ngày càng thu hẹp và quy mô chăn nuôi ngày càng tăng lên./.

Đỗ Hương

Bến Tre: Phân bò Ba Tri tiêu thụ mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Những ngày qua, xe tải liên tục về Ba Tri (tỉnh Bến Tre) để chở phân bò đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Đông.

Bốc vác phân bò lên xe tải ở xã Tân Xuân.

Nông dân thu gom phân bò tập trung tại các con đường lớn của huyện, được thương lái thu mua với giá từ 5 - 6 ngàn đồng/bao (phân khô, khoảng 5 - 6kg/bao).

Hiện tại, huyện Ba Tri có số lượng đàn bò nhiều nhất tỉnh (khoảng 97 ngàn con). Các xã có số lượng bò nuôi nhiều, như: Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Nhơn, Tân Xuân, Phước Tuy, Phú Ngãi...

Huyện cung cấp nhiều bò thịt đạt chất lượng cao trên thị trường, cũng là nơi cung cấp nhiều phân bò cho các tỉnh miền Đông. Tại huyện, có một số người làm đại lý phân bò. Có người làm nghề phơi phân bò, vận chuyển và bốc vác phân bò.

Anh Nguyễn Văn Hiền (xã Phước Tuy) cho biết: “Một con bò lớn, nếu cho ăn đủ sức, mỗi ngày sẽ cho khoảng 1kg phân khô. Bình quân mỗi năm, tiền rơm cho mỗi con bò lớn ăn khoảng 2 triệu đồng”.

Theo anh Hiền, tiền bán phân bò bù đắp phân nửa tiền rơm. Tuy nhiên, phân bò năm nay bán không được giá như năm 2018.

Hiện tại, phần lớn nguồn phân bò bán cho thương lái ở các tỉnh miền ngoài.

Tin, ảnh: H.Đức

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop