Tin nông nghiêp ngày 17 tháng 01 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 17 tháng 01 năm 2020

Sầu riêng Krông Pách hướng tới thị trường xuất khẩu

Nguồn tin: VOV

Krông Pách là huyện có diện tích sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoạch lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với hơn 2.000 ha, tổng sản lượng hơn 40.000 tấn.

Phát huy lợi thế để phát triển bền vững cây sầu riêng trong những năm tới, chính quyền và nông dân huyện Krông Pách đang triển khai các bước canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là các điều kiện cơ bản cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng ra thị trường nước ngoài.

Sầu riêng Krông pach được gắn mã truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Hoàn tất khâu trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới, ông Bùi Bá Dũng, ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk liền chạy xe ra rẫy sầu riêng trồng xen cà phê cách nhà 2km để thăm vườn và khởi động hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây.

Ông Dũng cho biết, được hướng dẫn của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pách, tháng 3/2019, 2ha sầu riêng của gia đình ông đã được gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, thực hiện xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch, bản thân ông và nhiều người trồng sầu riêng tại đây đã tham gia các lớp tập huấn và thay đổi phương thức canh tác đảm bảo đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAp.

“Sầu riêng VietGap về lâu dài thì chi phí đỡ tốn hơn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn hơn. Không chỉ vậy, giá cả tốt hơn, thương lái mua tốt hơn. Ví dụ như vụ này, nhà tôi được giá cao, mà chăm sóc cũng ít sâu bệnh”, ông Dũng nói.

Ông Dũng tưới nước cho vườn sầu riêng bằng điều khiển từ xa.

Việc thay đổi phương thức canh tác sầu riêng không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, mà còn tạo nên một thế hệ nông dân dám làm lớn, nghĩ lớn, biết ứng dụng giống mới, công nghệ mới để vươn tới thành công.

Với 30 tấn thu được từ hơn 1 ha sầu riêng, anh Y Siên A Yun, buôn Jung 2, xã Ea Yông cho rằng đây là một kỳ tích mà 5 năm về trước anh không dám mơ tới. Ngôi nhà mới xây trị giá hơn 1 tỷ đồng là trái ngọt mà anh có được từ vườn sầu riêng của mình.

“Ngày xưa trồng sầu riêng không biết các kỹ thuật chăm sóc, cũng tưới nước, bỏ phân nhưng không biết dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh cho cây. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn và học hỏi cách làm sầu riêng từ những người có kinh nghiệm thì tôi đã thành công. Hiện nay không cần hỏi ai nữa, tôi tự làm được hết rồi. Từ khi thay đổi phương thức canh tác sầu riêng cuộc sống khá hơn, sắm sửa được các vật dụng trong nhà”, anh Y Siên chia sẻ.

Ông Y Ngăt Niê, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pách cho biết, hiện toàn xã có 900 ha cây ăn trái, riêng cây sầu riêng chiếm 700 ha, trong đó có trên 500 ha đã cho thu hoạch. Vụ 2019, toàn xã bán được hơn 7.500 tấn sầu riêng, thu về hơn 300 tỷ đồng.

Cũng theo ông Y Ngắt, dù giá sầu riêng không đạt đỉnh như niên vụ 2018, nhưng với mức giá từ 45.000 - 55.000 đồng/kg cũng đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ trồng sầu riêng, giúp cho các buôn làng nơi đây vươn lên mạnh mẽ.

“Từ khi có sầu riêng đem lại sự phát triển cho bà con người Êđê, như cuộc sống gia đình anh Y Thơm, Y Siên đã khá hơn rất nhiều... Nhiều gia đình biết cách bón phân, thuốc bảo vệ thực vật nên sầu riêng tươi tốt. Nhiều hộ trong 1 ha có 15-20 tấn”, ông Y Ngắt cho hay.

Người dân Krông Pách thu hoạch sầu riêng.

Đắk Lắk hiện có hơn 5.000 ha sầu riêng, trong đó riêng huyện Krông Pách có đến hơn 2.000 ha, chiếm gần 1/2 diện tích của toàn tỉnh. Tổng sản lượng sầu riêng niên vụ 2019 của huyện đạt 33.000 tấn đã mang về lợi nhuận kinh tế rất cao cho người nông dân.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pách cho biết, để chủ động đầu ra cho sản phẩm tiến tới phát triển bền vững mặt hàng sầu riêng, năm 2019 huyện Krông Pách đã phối hợp với các đơn vị và người dân làm được gần 400 ha có giấy chứng nhận VietGap và gần 400 ha được truy xuất nguồn gốc từ sản phẩm sầu riêng. Tuy rằng diện tích không lớn nhưng bước đầu cũng thay đổi ý thức, tư duy của người dân trồng cây ăn quả nói chung và cây sầu riêng nói riêng.

“Đối với sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pách được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với bà con để sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra đối với thị trường và kỳ vọng sẽ được xuất khẩu trong năm 2020 và những năm tới”, ông Hoàng thông tin thêm.

Một mùa xuân nữa lại về trên vùng đất đỏ bazan huyền thoại, với sự thay đổi tư duy canh tác của người trồng sầu riêng và sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành nông nghiệp huyện Krông Pách hứa hẹn cây sầu riêng sẽ mang đến những mùa vàng thực thụ, góp phần mang lại sự no ấm cho người dân nơi đây./.

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

Cần thận trọng khi trồng giống xoài ăn sống

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Xoài là một trong những loại cây ăn trái chủ lực, có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, nhiều nông dân trồng xoài cho thu nhập khá tốt. Song, việc phát triển nhanh diện tích trồng xoài tại nhiều địa phương, nhất là giống xoài Đài Loan, đã tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với việc tiêu thụ loại trái cây này...

Nguy cơ mất cân đối cung- cầu

Cả nước có trên 99.000ha xoài, với sản lượng đạt hơn 825.000 tấn. Miền Nam là vùng trồng xoài trọng điểm, chiếm khoảng 81% diện tích và 92% sản lượng so với cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở ĐBSCL, kế đến là Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tại ĐBSCL, cây xoài được trồng với diện tích khá lớn tại nhiều địa phương: An Giang với hơn 10.247ha chủ yếu là xoài Đài Loan, kế đến Đồng Tháp hơn 10.169ha, Vĩnh Long 4.899ha, Tiền Giang 3.759ha, Cần Thơ 2.837ha, Kiên Giang 2.712ha, Sóc Trăng 2.048ha…

Thương lái thu mua xoài của nông dân ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Việc phát triển trồng xoài có nhiều thuận lợi do thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, tạo động lực cho nông dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trái xoài của Việt Nam đã được xuất khẩu thành công vào nhiều thị trường khó tính: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc mang lại giá trị cao. Song, phải nhìn nhận rằng, việc trồng xoài của nông dân tại nhiều địa phương vẫn chưa thật sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nông dân tại nhiều nơi đã và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng xoài Đài Loan (xoài tượng xanh hay xoài Ba màu). Đây là loại xoài chuyên để ăn sống, xuất khẩu trái tươi, khó có thể bảo quản lâu nên rất dễ gặp cảnh dội hàng.

Để cây xoài phát triển bền vững, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin về thị trường, kịp thời cập nhật tình hình sản xuất, diện tích trồng xoài tại các địa phương trong nước và quốc tế để có khuyến cáo kịp thời cho nông dân. Tránh tình trạng người dân ồ ạt tập trung trồng xoài Đài Loan hay một giống xoài nào đó mà chưa rõ tình hình cung- cầu, chưa biết bán cho ai, nông dân chọn trồng chỉ đơn giản bởi thấy trước đó nhiều người trồng có hiệu quả, lại dễ trồng thì rủi ro là khó tránh...

Cần hiểu thị trường

Ông Trần Văn Dũng, nông dân trồng xoài ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Về giá cả đầu ra xoài cát Hòa Lộc hầu như luôn ở mức cao so với xoài giống Đài Loan vì ăn rất thơm ngon và thường xuyên không có đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Song, nhiều nông dân lại không thích trồng xoài cát Hòa Lộc, chuộng trồng xoài Đài Loan vì nghĩ rằng nó được xuất khẩu, lại dễ trồng, dễ xử lý ra trái rải vụ và năng suất cũng cao, mỗi trái xoài Đài Loan có thể đạt trọng lượng 1-1,5kg. Do vậy, diện tích trồng xoài Đài Loan tại nhiều nơi liên tục tăng cao, gây nguy cơ thừa hàng rớt giá. Những năm gần đây, có nhiều thời điểm giá xoài Đài Loan chỉ ở mức 5.000-10.000 đồng/kg".

Bước đầu, nhiều địa phương đã hình thành được các vùng trồng xoài tập trung: xoài Cát Chu (Đồng Tháp), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), xoài Xiêm Núm (Vĩnh Long), xoài tượng xanh hay xoài Ba màu (An Giang), xoài Úc (Khánh Hòa). Nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP…) và đăng ký cấp mã số vùng trồng để sản phẩm đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các mô hình liên kết theo chuỗi, với sự gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều và phát huy hiệu quả, mở ra triển vọng lạc quan về sự phát triển của chuỗi giá trị ngành xoài trong tương lai.

Chuyên gia Nguyễn Phước Tuyên, Giám đốc Công ty An Điền, Nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, nhiều nông dân tập trung trồng xoài Đài Loan để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà không biết rằng ở nước họ đang có diện tích và sản lượng trồng xoài gấp 5-6 lần nước ta. Ở Trung Quốc cũng có một số nơi như Đảo Hải Nam có mùa vụ xoài chính vụ giống ở Việt Nam. Riêng các tỉnh: Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Tứ Xuyên hay Quý Châu có mùa vụ thu hoạch xoài chính vụ tương đối khác ở nước ta, thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8. Hiện sản lượng xoài tại Trung Quốc đạt gần 5 triệu tấn/năm. Thời gian qua, giá xoài ở nước ta phụ thuộc rất nhiều vào tình hình nguồn cung và việc nhập khẩu xoài từ Trung Quốc, chứ không phải phụ thuộc nhiều vào mùa vụ xoài ở Việt Nam như nhiều người nghĩ. Ngoài Trung Quốc, hiện nhiều nước khác trên thế giới cũng có diện tích trồng xoài khá lớn, đặc biệt Ấn Độ là nước đang có trên 2,2 triệu héc-ta trồng xoài.

Cũng theo ông Tuyên, nông dân tại nhiều địa phương đang "cong lưng" trồng và đẩy mạnh xuất khẩu nhóm xoài tượng ăn sống mà "quên" đầu tư, phát triển đúng mức cho nhóm xoài phục vụ ăn chín. Chúng ta là nước xuất khẩu xoài nhưng hiện phải nhập một lượng lớn xoài từ các nước Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan, nhất là các loại xoài phục vụ ăn chín. Hiện xoài ăn chín xuất khẩu chủ lực của ta chủ yếu là xoài cát Hòa Lộc và Cát Chu, trong khi Thái Lan họ có tới 6 loại xoài ăn chín, số lượng xoài phục vụ ăn sống của họ cũng hơn gấp nhiều lần ở nước ta và sản phẩm xoài họ đưa ra thị trường có bao bì, mẫu mã bắt mắt, với đầy đủ thông tin cần thiết cho người tiêu dùng. Đây là vấn đề mà các ngành chức năng cùng nông dân, doanh nghiệp và các nhà khoa học cần phải quan tâm, để có hướng phát triển phù hợp cho xoài Việt Nam.

Xoài là loại cây ăn trái được sản xuất, tiêu thụ khá lớn trên thế giới. Sản xuất xoài ở nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để xử lý ra trái rải vụ ở nhiều thời điểm trong năm và có một số loại xoài đặc sản, xoài ngon đã và đang xuất khẩu: xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu, xoài Xiêm Núm, xoài Úc - Khánh Hòa, xoài tượng xanh. Do vậy, nước ta có những lợi thế cạnh tranh nhất định so với các nước và hoàn toàn có thể gia tăng sản xuất và xuất khẩu xoài trong thời gian tới. Vấn đề là cần quan tâm tổ chức lại việc sản xuất và tiêu thụ một cách tốt hơn. Kịp thời khắc phục tình trạng nông dân trồng xoài theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào và theo thị trường, mà không biết giá bán sẽ ra sao.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Thái Nguyên: Bưởi Đại Từ đã sẵn sàng xuống chợ

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đã cận kề, đây là thời điểm các vườn bưởi ở Tiên Hội, Quân Chu, Hoàng Nông… (Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang được người dân gấp rút thu hoạch cung cấp cho thị trường. Bưởi năm nay được mùa nên dồi dào về số lượng, thêm vào đó là hương vị thơm ngon, thu hút nhiều khách hàng gần xa.

Theo nhiều người dân trồng bưởi, năm nay thời tiết thuận lợi nên bưởi rất sai quả và sáng mã. Chị Nguyễn Thị Bình, ở xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Nông chia sẻ: Gia đình tôi hiện có gần 5.000m2 trồng bưởi Diễn. Đến thời điểm này, gia đình đã thu được khoảng 50% số lượng quả trong vườn. Sản lượng quả năm nay ước tăng từ 10-15% so với năm ngoái.

Với gần 60ha trồng bưởi các loại, Tiên Hội hiện là một trong những địa phương có diện tích bưởi lớn nhất ở Đại Từ, tập trung chủ yếu ở các xóm: Tiên Trường 1, Tiên Trường 2. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và được chăm sóc tốt nên chất lượng quả ở đây không thua kém gì các vùng bưởi nổi tiếng khác. Nhãn hiệu “Bưởi Tiên Hội” lâu nay đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, ưa chuộng. Ông Trần Văn Nhâm, xóm Tiên Trường 1 là một trong những hộ đi đầu trong việc đưa cây bưởi Diễn về trồng ở địa phương. Mang những trái bưởi thơm, vàng ruộm ra bổ mời khách, ông Nhâm phấn khởi: Bưởi năm nay được mùa, cây nào cũng sai trĩu cành. Với trên 200 gốc bưởi đã cho thu hoạch, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu hái được khoảng 20.000 quả. Mỗi quả bưởi có trọng lượng từ 0,8-1kg.

Gần 5 năm nay, ông Nhâm đã trồng, chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ để có sản phẩm an toàn. Nhờ vậy, mặc dù gia đình ông trồng diện tích khá lớn nhưng cũng không lo về đầu ra bởi ngay từ đầu vụ, các đơn vị, thương lái đã đến tận nhà đặt mua. Do bưởi trồng từ 10-15 năm, nên cho chất lượng quả ngon, vị ngọt đậm. Ngoài bưởi Diễn có giá từ 15-20 nghìn đồng/quả, gia đình ông Nhâm còn có các giống bưởi khác như: Bưởi đỏ Luận Văn (còn được gọi là bưởi tiến Vua), bưởi Phúc Trạch với giá cao hơn là 30 nghìn đồng/quả.

Tương tự như gia đình bà Nguyễn Thị Bình, ông Trần Văn Nhâm, tại các địa phương khác trên địa bàn huyện Đại Từ, người dân cũng đã và đang tích cực thu hoạch bưởi để phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán. Theo người dân trồng bưởi, để bưởi sai quả, khâu chăm sóc là quan trọng nhất. Sau khi thu hái, người trồng phải làm cỏ, bón phân chuồng và các phân vô cơ. Thời kỳ cây đậu quả phải bón một đợt phân nữa. Ngoài ra, trong thời kỳ chăm sóc phải chú ý đến các loại sâu bệnh như bệnh nấm, ruồi vàng và bọ xít nhỏ... Đồng thời, để bảo quản bưởi được lâu, giữ nguyên hương vị thơm ngon, tinh khiết thì khi quả vào độ chín nên thu hoạch vào lúc trời nắng đẹp. Thay vì sử dụng túi nilon để bọc bưởi nhằm phòng, chống sâu bệnh, giữ mã đẹp, hiện nay, nhiều hộ dân ở Đại Từ đã chuyển sang sử dụng túi vải để giữ gìn môi trường. Ngoài các hộ trồng riêng lẻ, nhiều bà con đã liên kết lại với nhau để hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng bưởi. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra đồng đều về chất lượng, số lượng lớn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật cũng thuận lợi hơn, đem lại thu nhập cao cho người dân. Đơn cử như: HTX Tiên Trường 3, Tổ hợp tác Trồng cây ăn quả thị trấn Quân Chu, HTX Cây ăn quả Hoàng Nông… Hiện, toàn huyện đã có 20ha bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài trồng bưởi để thu quả, hiện nay, một số hộ dân ở Đại Từ còn trồng bưởi cảnh, đáp ứng nhu cầu trưng bày dịp Tết. Bên cạnh bán buôn, bán lẻ tại vườn, nhiều hộ còn tăng cường giới thiệu sản phẩm thông qua nhiều kênh, như: Trang web, Facebook, Zalo…

Thu Huyền

Long An: Rau củ quả giảm giá mạnh, nông dân thất thu

Nguồn tin: Báo Long An

Khác với nhiều năm trước, những ngày giáp Tết Canh Tý năm 2020, rau củ quả, rau xanh bất ngờ giảm giá mạnh, không khí tại nhà vườn trầm lắng, nông dân thất thu.

Giá rau củ quả đang xuống thấp, nông dân thất thu

Khác với những năm trước, khi bước sang những ngày giáp Tết, nông dân thường hân hoan chuẩn bị cho một mùa thu hoạch rau Tết, nhưng ở thời điểm này, không khí tại nhà vườn trầm lắng hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do nhiều loại rau ngắn ngày giá đã xuống rất thấp, được dự báo tiếp tục xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới, kể cả những ngày cận Tết.

Giá các loại rau củ quả kể trên bán ra tại ruộng chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg

Những ngày này, các hộ dân trồng rau củ quả cũng trong tình cảm thất thu vì giá giảm mạnh. Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh, Thủ Thừa - Nguyễn Quốc Cường chia sẻ, hơn 1 tuần qua, giá các loại khổ qua, dưa leo, mướp, bầu, bí đều giảm giá khá mạnh. Giá các loại rau củ quả kể trên bán ra tại ruộng chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm này của năm 2019, giá bán ra gấp đôi, từ 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Ông Cường cũng so sánh, nếu nông dân bán giá rau củ quả ở mức từ 7.000 - 8.000 đồng/kg thì có lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ (sau trừ chi phí). Nhưng với giá thấp như hiện nay nông dân thất thu, thua lỗ, ở hộ nào trồng dưa leo thì lỗ ít (chi phí bỏ ra ít), hộ nào trồng khổ qua sẽ lỗ nhiều hơn (chi phí cao).

Ông Phạm Vinh, xã Long Khê, Cần Đước chia sẻ, ông đang trồng 0,2ha cải xà lách và đang cho thu hoạch nhưng giá rau đang giảm khá mạnh khiến gia đình thất thu. Theo đó, 1 chục cải (10 bó, 0,5kg/bó), giá bán cho thương lái chỉ được 20.000 đồng. Với giá bán ra như thế, gia đình ông không dám thuê nhân công nhổ cải, sơ chế mà phải tự thực hiện các công đoạn để tránh thua lỗ và mong lấy đủ vốn đầu tư ban đầu. Ngoài cải xà lách giảm giá mà các loại cải xanh, cải ngọt cũng đồng loạt giảm giá.

Giải thích nguyên nhân giá rau củ quả xuống thấp, ông Cường cho rằng, các loại này là cây ngắn ngày nên nông dân có tâm lý trồng bán tết, dẫn đến tình cảnh cung vượt cầu.

Bên cạnh đó, thời điểm tết, các loại rau củ quả được trồng ở tỉnh Lâm Đồng được nhập về đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Theo nhiều chủ vựa rau củ quả tại chợ phường 2, TP.Tân An, thời điểm những tháng cuối năm 2019, thời tiết tại tỉnh Lâm Đồng thuận lợi cho trồng trọt các loại rau, kể cả trồng ngoài trời và trong nhà kính đều phát triển rất nhanh, ít bị sâu bệnh gây hại. Năng suất các loại rau cũng cao hơn hẳn so với những năm trước. Thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào trong cả nước chính là nguyên nhân khiến nguồn cung vượt cầu, giá các nông sản ở Đà Lạt lẫn nhiều tỉnh, thành khác, kể cả Long An giảm mạnh./.

Thanh Tùng

Trồng trọt dưới tán rừng

Nguồn tin: Báo An Giang

Thời gian qua, bằng việc tăng cường các hình thức khuyến nông, khuyến lâm đã giúp cư dân vùng Bảy Núi (An Giang) phát triển các mô hình vườn đồi và vườn rừng, nhất là đối với khu vực đồi đất dốc và những nơi có điều kiện thích hợp. Bên cạnh giao khoán đất rừng thì việc tạo sinh kế cho các chủ rừng đã giúp việc bảo vệ rừng càng thêm bền vững.

Sản xuất nông - lâm kết hợp

Ở khu vực đồi núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang), mức nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng bình quân khoảng 1 ha/hộ. Với hình thức này, bà con vừa có thể khai thác lợi thế đất đồi dốc để trồng trọt theo mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, vừa giúp các chủ rừng gắn bó với việc chăm sóc, bảo vệ rừng phát triển bền vững. Được giao khoán 9.000m2 đất rừng ở khu vực xã An Phú (Tịnh Biên) để chăm sóc và bảo vệ rừng, anh Hồ Văn Minh (ấp Núi Kéc, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) đã chọn lựa các loại cây trồng để xen canh vào đất rừng. Trừ ra khoảng 3.000m2 diện tích đất nhiều đá và khô cằn, diện tích còn lại anh Minh trồng xen hồng quân, đinh lăng, nghệ xà cừ, nghệ đỏ, cây ngải đen, củ huyền... dưới tán rừng.

Nếu năm nào nhàn rỗi, khi hạt mưa rớt xuống, anh Minh tranh thủ trồng thêm đậu que, đậu đũa... để tăng thêm thu nhập. Theo anh Minh, không riêng gia đình anh mà bà con được giao khoán đất rừng ở địa phương đều cố gắng tận dụng để sản xuất các mô hình trồng trọt. Như vậy, lúc vào mùa khô thì ngày ngày đều tưới nước, dọn đất, chăm bón cây trồng... đây là cách để gắn bó và bảo vệ rừng.

Những cây hồng quân trồng dưới tán rừng của anh Minh đã bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên, giá bán 15.000 đồng/kg. Với 30 cây hồng quân, anh Minh thu được trên 20 triệu đồng. Do chăm bón tốt, kèm thêm đợt mưa vừa rồi, hồng quân cho trái tiếp đợt 2, với giá bán hiện tại là 18.000 đồng/kg, giúp gia đình anh có một khoản thu nhập cho chi tiêu trong gia đình.

Đặc biệt, anh Minh còn trồng thêm cây ngải đen dưới tán rừng, giúp bảo tồn nguồn dược liệu quý của địa phương. Do trồng xen dưới tán rừng, tận dụng được nguồn nước mưa nên cây ngải thích nghi tốt. Sau 5-6 tháng trồng sẽ thu hoạch từ 10-15kg, các nhà thuốc thu lại với giá 35.000-40.000 đồng/kg. “Có năm, tôi trồng thêm cây nghệ đỏ, nghệ xà cừ, đinh lăng... Mình trồng xen canh nhiều loại cây trồng khác nhau, mùa nào cây đó nên bù qua đắp lại cũng có thu nhập” - anh Minh chia sẻ.

Củ huyền xứ núi

Hễ khi trời dứt mưa, cư dân vùng núi Kéc, núi Dài, núi Trà Sư… tất bật thu hoạch nhiều loại củ, quả ở địa phương. Trong đó, việc trồng củ huyền và chế biến bột huyền tinh trở thành nghề truyền thống. Người dân ở đây cho rằng, củ huyền có tính dược, vừa có tác dụng làm mát cơ thể, trị được một số bệnh thông thường nên bột huyền tinh đã trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương khi giới thiệu với du khách gần xa.

Năm nay, bà con trồng củ huyền ở vùng Bảy Núi khá phấn khởi khi vừa được mùa, được giá. Vì bột huyền bán được giá cao hơn so với củ thô, nên đa số người dân đều biết cách thức sơ chế củ huyền thành bột huyền tinh. Thời điểm hiện tại, bột huyền tinh được bán với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg, cao hơn năm trước.

Gia đình chị Lê Thị Hồng Vân (ngụ ấp Núi Kéc, xã Thới Sơn) đã gắn bó với nghề trồng củ huyền hơn 10 năm nay. Trồng, thu hoạch xong lại chế biến thành bột huyền tinh, sau đó lấy bột tiếp tục làm các loại bánh: bánh ít, chè, bánh đúc, hạt trân châu, bánh phục linh...

Hễ thấy mưa rớt hạt, bà con đem củ huyền giống đi trồng, khi mùa mưa kết thúc là chuẩn bị đến mùa thu hoạch. Thời gian sinh trưởng của củ huyền khoảng 6 tháng là có thể thu hoạch, để đến 7-8 tháng sẽ có củ huyền già, lượng tinh bột thu được sẽ nhiều hơn. Nhà chị Vân trồng được 2 công củ huyền, xen trong vườn hồng quân với mô hình vườn đồi, năng suất thu hoạch được 2 tấn/công.

“Bào chế củ huyền lấy bột cực công lắm, nhiều công đoạn và nhân công… Để 1kg bột tinh cần đến 5kg củ thô. Hiện nay, nhờ đầu tư máy xay bột, vắt bột nên bà con nhẹ công hơn. Người sản xuất và chế biến bột huyền phần lớn vẫn thực hiện thủ công, chỉ đưa máy móc vào vài công đoạn, vừa đảm bảo hương vị nguyên gốc và chất lượng củ huyền vốn có xứ núi” - chị Vân thông tin.

ÁNH NGUYÊN

Cà Mau: Khẩn trương ứng phó hạn mặn

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, hạn mặn, nắng nóng kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại trong sản xuất và đời sống của người dân. Hiện có hàng ngàn héc-ta lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng khô hạn; Sụp lún ở nhiều nơi; Nước sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn... Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tích cực vào cuộc nhằm tìm giải pháp hướng dẫn người dân ứng phó. UBND tỉnh vừa tổ chức đoàn công tác khảo sát thực tế nắm tình hình và chỉ đạo kịp thời cho ngành chức năng, chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng.

Bài học đắt giá cho vụ lúa

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN, trên địa bàn tỉnh có hơn 6.500 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm mặn và đa phần có mức thiệt hại từ 70%. Dự báo trong thời gian tới, có khoảng 100 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng sẽ bị ảnh hưởng.

Trồng lúa trên đất nuôi tôm là mô hình có tính ổn định và bền vững, tuy nhiên, thiệt hại vụ lúa năm nay ở một số xã trên địa bàn huyện Thới Bình là lời cảnh tỉnh đối với người dân về tập quán và quan điểm sản xuất. Việc đa phần người dân chọn giống và thời điểm xuống giống theo kinh nghiệm mà ít quan tâm đến khuyến cáo của ngành chức năng đã làm cho thiệt hại về lúa năm nay tăng lên. Bài học từ thiệt hại vụ lúa năm 2016 do hạn, mặn vẫn chưa thực sự cảnh tỉnh được người dân.

Kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai tại 2 huyện bị ảnh hưởng nặng nhất là Thới Bình và Trần Văn Thời, đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử làm trưởng đoàn, đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong sản xuất hiện nay. Diện tích lúa - tôm của huyện Thới Bình năm nay hơn 18.600 ha, đã có 10 ngàn héc-ta bị thiệt hại, trong đó hơn 5.700 ha thiệt hại trên 70%. Điều đáng nói là những diện tích bị thiệt hại đa phần đều thuộc diện tích trồng lúa mùa địa phương, giống Một bụi đỏ. Đây là những giống ngành không khuyến cáo sử dụng sau thiệt hại của vụ mùa năm 2016. Trong khi đó, các giống lúa được khuyến cáo sử dụng như ST20, ST24 ít bị thiệt hại, nhưng người dân khu vực này chưa thực sự quan tâm vì nhiều lý do.

Bà Trịnh Hồng Đào, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, cho biết: “Tôi trồng giống Một bụi đỏ năm rồi vẫn cho năng suất tốt, năm nay hạn sớm mất trắng. Hơn 13 công lúa đến thời điểm này bỏ luôn chứ không gặt vì mỗi công chỉ được 1-2 giạ, không đủ tiền mướn gặt”. Không chỉ hộ bà Trịnh Hồng Đào mà hầu như các hộ dân trong ấp trồng giống lúa này đều bị thiệt hại tương tự.

Trưởng ấp Quyền Thiện Huỳnh Công Thành cho biết: “Năm nay, những hộ sử dụng lúa ngắn ngày đều ít bị ảnh hưởng, trong khi những hộ dùng giống Một bụi đỏ gần như mất trắng. Lý do là trước đây giống Một bụi đỏ phù hợp. Tập quán của người dân là khi sử dụng giống nào hiệu quả là tiếp tục chọn, ít chịu thay đổi dù có được khuyến cáo. Thiệt hại năm nay là bài học thực tế. Hiện có nhiều hộ chủ động xin vào tổ hợp tác, trong khi trước đó vận động họ không đồng ý”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (giữa) khảo sát thiệt hại do hạn mặn tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình.

Tổ chức lại sản xuất để ứng phó hạn, mặn

Diễn biến hạn hán, xâm mặn đã được cảnh báo từ trước đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân chuyển đổi giống lúa mùa địa phương, giống Một bụi đỏ sang các giống ngắn ngày năng suất cao và ít bị ảnh hưởng của hạn, mặn, nhưng vì nhiều lý do người dân vẫn không chuyển đổi.

Sau khi khảo sát thực tế ở các hộ dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định sơ bộ lý do người dân chỉ “trung thành” với gống lúa "quen thuộc": Đa số hộ dân cho rằng họ đã sử dụng giống lúa trên từ lâu trên đất nuôi tôm thấy hiệu quả nên không muốn thay đổi. Những giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày như ST20, ST24 chi phí sản xuất cao hơn và chưa thấy đầu ra...

Điều này cũng cho thấy công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.

Trước thực tế trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo trong chuyến khảo sát là địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, đồng thời kịp thời có kế hoạch, phương án chuyển đổi sản xuất phù hợp cho người dân. Phải thay đổi phương thức, tập quán sản xuất của người dân, cũng như có những hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật trồng các giống lúa ngắn ngày như ST20, ST24. Phát huy vai trò của các HTX ở địa phương. Ngành chức năng cũng đã hướng dẫn thực hiện liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng nguồn lúa giống và đầu ra sản phẩm ổn định cho nông dân.

Cần cho người dân thấy việc tham gia vào các tổ sản xuất, HTX là cần thiết. Giám đốc HTX Dân Phát Trịnh Hoàng Cung cho biết: “HTX mới thành lập chưa lâu, lúc đầu vận động người dân tham gia sản xuất theo mô hình HTX rất khó khăn, nhưng hiện nay nhiều hộ bắt đầu chủ động xin vào. Năm 2019, tình hình chung là thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng các thành viên HTX được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ chọn giống lúa phù hợp nên một số hộ dù có thiệt hại nhưng không đáng kể, còn lại đều hiệu quả”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, sau chuyến khảo sát, UBND tỉnh sẽ có công văn chỉ đạo khắc phục, ứng phó với thiệt hại do thiên tai. Trước mắt, ngay thời điểm này, đề nghị Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát tình hình thiệt hại lúa - tôm khi còn hiện trạng để đề xuất phương án khắc phục, hỗ trợ (nếu cần thiết) cho UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, cần có phương án, giải pháp hướng dẫn người dân khắc phục sớm nhất (ngay trong tuần sau).

"UBND huyện Thới Bình tập trung rà soát nhanh, xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, liên kết chuỗi tại những nơi có đủ điều kiện trong năm 2020", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý.

Việc khuyến cáo, tuyên truyền, vận động nông dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ chất lượng thấp sang trồng các giống lúa có chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giống phù hợp với vùng đất nhiễm mặn như: ST20, ST24, OM2517, lúa lai BT-E1 và sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao OM5451, OM6162, Camau1, Camau2... là rất cần thiết./.

Cũng trong chuyến khảo sát, UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng, các địa phương tập trung ứng phó với tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi; Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, công tác phòng chống cháy mùa khô... Về nước sạch, hiện toàn tỉnh có hơn 20 ngàn hộ gặp khó khăn trong tiếp cận nước sạch, ngành chức năng cần rà soát, phân loại mức độ thiếu nước (không tiếp cận được nguồn nước, tiếp cận được nhưng cần mở rộng mạng lưới nước, có nước nhưng không sử dụng được do nhiễm nặn...) để có giải pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Sở NN&PTNT phối hợp với địa phương thống kê, phân loại đối tượng thiếu nước sinh hoạt để đề xuất hướng xử lý kịp thời nhưng phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài.

Về tình hình sụp lún hiện diễn biến khá phức tạp, ngành chức năng cần theo dõi, báo cáo kịp thời, đồng thời hướng dẫn người dân ứng phó. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cũng đề nghị, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo với dân về tình hình sạt lở, dự báo nơi nào có nguy cơ sạt lở cho dân biết để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khi sự cố xảy ra. Sở Giao thông vận tải phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương phương án giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hoá, vật tư trong vùng ngọt hoá.

Đặng Duẩn

Nhà vườn ở Lâm Đồng mất Tết vì rau rớt giá

Nguồn tin: VOV

Nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng phải nhổ bỏ nhiều loại rau ăn lá vì giá rau liên tục giảm mạnh, giá bán ra không đủ trả tiền công cho người thu hoạch.

Trước ruộng rau xà lách hơn 2,5 sào đang vào vụ thu hoạch, ông K’ Nhiễu ở thôn K Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Các năm trước cứ vào vụ tết, vườn rau này cho thu nhập gần 40 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi rau phát triển tốt nhưng giá thì rớt thê thảm chỉ còn 2.000 đồng/kg khiến gia đình thất thu.

Rau xanh rớt giá, tiền bán không đủ trả công thu hoạch.

“Rau lên giá nhà vườn ăn Tết cũng sung túc hơn tí, năm nay rau giảm giá coi như tết cũng buồn”, ông K’ Nhiễu nói.

Tương tự gần 1 sào trồng ngò thơm của gia đình anh K’Trúc ở thôn K Long C cả tháng nay cũng không chăm tưới vì càng làm càng lỗ. Anh K’ Trúc than thở, gia đình đang chuẩn bị nhổ bỏ ngò thơm để làm đất trồng cây khác.

“Vườn rau này vứt từ Noel tới giờ. Nó rẻ quá nên bỏ luôn, nếu làm thì chỉ thu được mấy trăm ngàn đến 1 triệu nhưng mà chi phí không đủ nên gia đình bỏ luôn. Tôi đang xem cây gì được giá mới xuống giống tiếp”, anh K’ Trúc cho hay.

Theo ông K Hùng, trưởng thôn K Long, do giá rau giảm mạnh nên nhiều nhà vườn đã bỏ không thu hoạch, chấp nhận thua lỗ.

“Năm nay từ tháng 10, tháng 11 tới giờ, nhiều loại rau vẫn xuống giá, khiến bà con trồng rau phải bỏ vườn. Vì người dân không đủ công để cắt. Một công hiện nay còn từ 150.000 - 180.000 đồng/ngày. Họ bỏ vườn còn khỏe hơn là đi cắt mà phải trả tiền công không cho người thu hoạch”, ông K Hùng cho biết thêm.

Không chỉ huyện Đức Trọng mà tại các vùng rau trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, tình trạng các nhà vườn bỏ ruộng cũng diễn ra từ nhiều ngày nay.

Nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng phải nhổ bỏ nhiều loại rau ăn lá vì giá rau liên tục giảm mạnh.

Anh Ya Dung, ở xã P’ró, huyện Đơn Dương chia sẻ: “Giá rau có 2.000 đồng/kg, bà con thấy giá rẻ và hợp đồng người ta mua không đưa tiền nên bà con không có chi phí để làm cỏ. Vì vậy nên họ bỏ bê ruộng rau”.

Giá các loại rau xuống thấp không chỉ khiến nông dân thua lỗ mà các thương lái cũng lao đao. Bà Nguyễn Thị Kim Trúc, ở thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, người chuyên chở rau phân phối tới các chợ đầu mối của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Rau năm nay rớt giá là do thời tiết thuận lợi, nông dân các tỉnh, thành đều có thể trồng rau xanh nên nguồn cung khá dồi dào. Mặc dù càng làm càng lỗ nhưng bà không thể bỏ các bạn hàng truyền thống.

“Đi buôn nghề này thì phải chấp nhận thôi, khi rau lên được 20.000 đồng thì mình có lời, giờ xuống 2.000 mình phải chịu. Nửa năm nay, tôi thua lỗ khoảng 500 triệu đồng vì rau. Mình không lãi được đồng xu nào mình cũng phải nuôi công người thu hoạch, vì khi đó họ mới làm cho mình”, bà Trúc than thở.

Lâm Đồng là vựa rau lớn nhất nước. Toàn tỉnh có trên 25.000 ha diện tích trồng rau, hoa, sản lượng đạt 2,6 triệu tấn, nhưng trong đó chỉ có khoảng 15% sản lượng rau được tiêu thụ qua mạng lưới hợp đồng. Với giá rau xuống thấp như hiện nay, nhiều nhà vườn tại tỉnh Lâm Đồng năm nay ăn Tết kém vui./.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên

Phú Yên: Đức Bình Đông đưa nước về cho cây trồng trên đất màu cạn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Ông Hùng đang vận hành thử hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên cây chuối. Ảnh: MINH DUYÊN

Thời gian qua, từ các chương trình hỗ trợ sản xuất, UBND xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã đưa nước về tưới cho cây trồng trên đất màu cạn. Từ đây người dân giảm được chi phí nhân công, tăng hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Thạch Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông, cho biết: Đất màu giàu chất dinh dưỡng nhưng do thiếu nước nên chưa phát huy hết tác dụng trong sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục điều này, thời gian qua, xã thí điểm mô hình sử dụng béc phun quay tự động, đồng thời khuyến khích người dân áp dụng thêm kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt để phù hợp với từng loại cây trồng. Với các loại rau màu, chiều cao thấp người dân dùng béc phun. Những cây trồng cao, tán rộng, bà con sử dụng ống tưới nhỏ giọt.

Hộ ông Nguyễn Lại ở thôn Chí Thán, từng được hỗ trợ 18 triệu đồng xây dựng bể chứa nước để triển khai mô hình béc phun quay tự động vào trồng cỏ nuôi bò. Theo ông Lại, nhờ có nước, cỏ voi sinh trưởng tốt trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho bò. Từ 5 con bò lai ban đầu, sau hơn một năm đến nay gia đình ông đã nhân đàn thành 13 con. Đồng thời, ông còn áp dụng cả kỹ thuật tưới nhỏ giọt.

“Nhà tôi có diện tích đất sản xuất gần 1,5ha, trong đó 1ha trồng chuối cấy mô tưới bằng kỹ thuật nhỏ giọt, diện tích rau màu còn lại dùng béc phun quay. Đây là những loại cây cần nước, nếu dùng cách tưới phun như cũ thì phải thuê công nhân mà lượng nước tưới cho cây không đều. Từ khi sử dụng hai kỹ thuật này, gia đình tôi không cần thuê nhân công tưới nên giảm được chi phí. Cây trồng cũng phát triển tốt mà không phải phân thuốc nhiều”, ông Lại nói.

Cũng giống như ông Lại, hộ anh Kpá Y Thai ở buôn Thung, cũng được hỗ trợ giống cây trồng để thuận lợi cho việc áp dụng các kỹ thuật tưới nước tiên tiến. Theo anh Kpá Y Thai, anh được hỗ trợ khoảng 500 cây giống chuối cấy mô cho 5 sào. Để cây phát triển tốt, anh cũng tưới nước bằng các phương pháp mới nên cây trồng phát triển tốt, giảm chi phí nhân công. Hiện vườn chuối của anh đã ra trái, kịp bán trong dịp Tết Nguyên đán này.

Ông Nguyễn Thạch Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bình Đông, cho biết thêm: Hiện sản xuất nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã, vì vậy nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi là cách để tăng thu nhập cho kinh tế hộ và thực hiện xóa đói giảm nghèo. Cùng với nhân rộng mô hình tưới nước mới, xã còn thực hiện hỗ trợ giống cây, giống lúa… giúp bà con có điều kiện thay đổi tập quán canh tác cũ, từng bước nâng cao kỹ thuật sản xuất.

BẠCH VÂN

Bà Rịa - Vũng Tàu: Diêm dân phấn chấn vì ‘được mùa, được giá’

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời tiết những ngày cuối năm rất thuận lợi, giúp các ruộng muối đạt năng suất cao. Cùng với đó, giá muối ở mức cao đã giúp bà con Bà Rịa - Vũng Tàu thu lãi lớn. Nhiều diêm dân kỳ vọng, những vụ đầu năm “thắng lớn” sẽ báo hiệu một niên vụ thành công.

Diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền thu hoạch muối.

TẤP NẬP THU HOẠCH MUỐI

Dù chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng không khí lao động trên những cánh đồng muối của tỉnh vẫn tấp nập. Tại xã An Ngãi, một trong những vựa muối lớn nhất của tỉnh, ngay từ sáng sớm, các diêm dân đã hăng say với công việc của mình. Gương mặt bà con không giấu được vẻ vui mừng, phấn khởi.

Ông Huỳnh Văn Thuyết (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đang hối hả cùng nhân công thu hoạch lứa muối trải bạt thứ 3 của niên vụ này. Ông Thuyết cho biết: “Hiện tôi đang sản xuất 3ha muối, trong đó có 0,8ha là muối trải bạt. Đến nay, với việc cả 3 vụ muối đều thuận lợi, tôi thu trên 20 tấn/vụ, tăng 3-5 tấn so với cùng kỳ. Khởi đầu niên vụ muối đã có năng suất cao thế này khiến tôi rất phấn khởi”.

Không chỉ năng suất tăng, giá muối cũng giữ ở mức cao giúp bà con diêm dân thu lãi lớn. Ông Nguyễn Văn Gia (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đang sản xuất 5ha, trong đó có 1ha muối trải bạt cho biết, gia đình ông đã thu hoạch được 2 vụ, với khoảng hơn 60 tấn muối/ vụ. Ông Gia cho biết, dù các hộ làm muối đều được mùa, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Muối thu hoạch đến đâu được thương lái đến thu mua hết đến đó. “Hiện nay, giá muối trải bạt đang ở mức 1.200 đồng/kg, muối thường 1.000-1.100 đồng/kg, ngang với mức cao nhất của năm ngoái. Với giá này, mỗi ha muối, diêm dân có thể thu lãi 7-10 triệu đồng/vụ”.

Trên các cánh đồng muối tại phường 12 và xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu), nhiều diêm dân sản xuất muối da đất cũng đang bắt đầu xuống đồng. Dù chưa thu hoạch do bà con ở đây bắt đầu niên vụ trễ hơn, đồng thời hình thức làm muối da đất của diêm dân Long Sơn dài hơn nhiều so với làm muối trải bạt. Tuy nhiên, với thời tiết thuận lợi, giá cả cao nên nhiều diêm dân dự báo, vụ muối đầu năm cũng sẽ cho lợi nhuận cao hơn những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Gia, xã An Ngãi, huyện Long Điền cào muối chuẩn bị bán cho thương lái.

TÌM ĐẦU RA ỔN ĐỊNH CHO “MUỐI BÀ RỊA”

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, niên vụ 2019-2020 toàn tỉnh có hơn 766ha sản xuất muối, giảm khoảng 103ha so với niên vụ 2018-2019. Trong đó, diện tích muối thô là 731ha, diện tích muối trải bạt là hơn 35ha, tập trung ở huyện Long Điền, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu. Bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cho biết, để phát triển bền vững nghề sản xuất muối trong bối cảnh đô thị hóa, đơn vị đang triển khai thực hiện một số mô hình muối ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào. Bà Hà cho biết: “Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm “Muối Bà Rịa” đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Chúng tôi dự kiến có kế hoạch làm việc và hợp tác chặt chẽ trong khâu tiêu thụ đối với các hộ, doanh nghiệp làm nước mắm tại Phú Quốc (Kiên Giang). Cùng với đó, tỉnh cũng đang xây dựng các chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; đồng thời, liên kết cùng bà con diêm dân tìm kiếm thị trường, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ muối với bà con diêm dân”.

Giá muối đã tăng gấp 5 lần so với cuối năm 2016: Cuối năm 2016, giá muối chạm đáy, chỉ còn 200-250 đồng/kg. Nhưng vào cuối năm 2017, giá muối bứt phá ngoạn mục, đạt mức 1.000 đồng/kg và lên đến mức giá kỷ lục vào cuối năm 2018 (1.200 đồng/kg). Từ đó đến nay, giá muối tương đối ổn định. Đầu năm 2020, giá muối đang ở mức 1.000 đồng/kg.

Diêm dân trên địa bàn tỉnh đang rất phấn khởi bởi những vụ muối đầu niên vụ thuận lợi. Trong ảnh: Diêm dân xã An Ngãi, huyện Long Điền thu hoạch muối.

Bài, ảnh: QUANG VINH

Bắc Giang: Chăn nuôi thu bạc tỷ

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Do biết ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm và coi đây là hướng đi chính để phát triển kinh tế gia đình. Không ít hộ mỗi năm đã cho họ thu nhập hàng tỷ đồng và trở thành những điển hình của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Những tỷ phú từ lợn, gà

Anh Trần Văn Phan, xã Tiên Lục (Lạng Giang) chăm sóc đàn lợn thương phẩm.

Con đường đi qua gia đình anh Trần Văn Phan ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục (Lạng Giang) lâu nay vẫn được trải vôi bột trắng xóa. Tại trang trại lợn của mình, anh Phan đã bố trí hợp lý khu chăn nuôi lợn thương phẩm, lợn giống, lợn nái với hệ thống quạt thông gió hoạt động thường xuyên. Nhìn mô hình chăn nuôi quy mô như vậy ít ai biết rằng chỉ cách đây chừng 56 tháng, gia đình anh đã phải tiêu hủy gần 30 tấn lợn thịt do bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Theo anh Phan, đã hơn chục năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn chưa bao giờ anh thấy có bệnh dịch nào lại ảnh hưởng nặng nề như đợt dịch vừa rồi. Nhưng vốn say sưa với loài vật nuôi này, anh

Phan đã không chùn bước. Quan niệm của anh là “ngã ở đâu phải đứng lên ở đấy” chính vì vậy cùng với khống chế dịch để tránh lây lan, anh Phan đã tăng cường vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cán bộ thú y và kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chăn nuôi.

Với cách làm này, hiện nay anh đang nuôi hơn 1 nghìn con lợn thương phẩm. Gần nửa tháng nay, tư thương các nơi đã về mua và lượng khách đặt đến chừng 25-27 tháng Chạp là tiêu thụ hết cả đàn. Với giá bán tại trang trại dao động từ 85-90 nghìn đồng/kg, gia đình anh có thu nhập hàng tỷ đồng. Nói về nỗi lo của mình và nhiều người nuôi lợn trong đợt dịch vừa qua, anh Phan bộc bạch: “Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm thật nhưng cách ứng phó cũng không quá phức tạp. Cùng với phương pháp tiêu độc khử trùng do cơ quan thú y hướng dẫn, tôi tăng cường vệ sinh chuồng trại bằng nước vôi trong. Đây chính là kinh nghiệm giúp tôi khống chế dịch thành công và có đàn lợn như ngày hôm nay”.

Khác với anh Phan, anh Dương Văn Hùng, thôn Tân Lập, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) lại chọn chăn nuôi gà là hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Lý giải về quy trình đầu năm nuôi gà lai chọi, giữa năm nuôi gà mía và cuối năm nuôi gà chíp, anh Hùng chia sẻ: “Gà lai chọi và gà mía là những giống gà có lợi thế về trọng lượng và chất lượng, cho hiệu quả kinh tế cao. Riêng con gà chíp do lợi thế về hình thức, mẫu mã đẹp nên vào dịp Tết bán rất chạy”. Với cách làm này, bình quân một năm, anh Hùng xuất ra thị trường từ 1,8 đến 2 vạn gà thương phẩm, tổng sản lượng khoảng 50 tấn mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 3 tỷ đồng.

Kinh nghiệm của anh Hùng là nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi, chuồng nuôi bảo đảm đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Cùng đó, khu vực chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ. Phải biết rõ lai lịch, nguồn gốc, tình trạng bệnh dịch của vật nuôi mới nhập. Trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định, kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại. Đồng thời phải kiểm sóat không để chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó mèo và người lạ ra vào khu vực chăn nuôi.

Lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

Theo ông Nguyễn Quang Nông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trường hợp như anh Phan, anh Hùng là những điển hình và đây cũng là những “hạt nhân” tiêu biểu của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở các địa phương trong tỉnh. Được biết, những năm qua, phong trào nông dân SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã được triển khai rộng khắp. Qua đây, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, tạo sức lan tỏa và đã được nhân rộng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.

Chỉ tính riêng năm 2019, qua bình xét toàn tỉnh đã có 109.454 hộ đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp. Trong đó, cấp T.Ư 453 hộ, cấp tỉnh 3.012 hộ, còn lại là cấp huyện và cấp xã. Trên địa bàn đã xuất hiện những nông dân tiêu biểu được công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, "Nhà khoa học của nhà nông"... Cùng với tổ chức tốt phong trào thi đua SXKDG, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân đóng góp tương trợ với số tiền hơn 16 tỷ đồng, hơn 15.700 ngày công, giúp đỡ hơn 1.000 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, công lao động và nhiều vật tư nông nghiệp khác để giúp họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng...

“Thời gian tới, cùng với ngành chức năng, các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vay vốn phát triển sản xuất... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ phong trào nông dân SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Quang Nông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định.

Ngọc Hân

Nuôi chim cút sinh sản thu lãi cao

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Sau gần 3 tháng triển khai, đến nay mô hình chăn nuôi 8.000 con chim cút sinh sản theo hướng an toàn tại tổ 10 và 11, phường Cam Giá, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp T.P Thái Nguyên triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Tỷ lệ nuôi sống chim cút bình quân đạt trên 98%, sau 40-45 ngày tuổi, chim bắt đầu đẻ trứng. Khối lượng bình quân đến thời điểm sinh sản từ 200 - 250g/con; tỷ lệ đẻ đạt trên 90% trong những tháng đầu và đẻ liên tục trong vòng 7-8 tháng. Hiện, các hộ chăn nuôi đang có trứng chim cút an toàn cung cấp ra thị trường. Với giá bán 420 đồng /1quả trứng, trung bình 5.000 con đẻ trong 01 tháng người dân thu lãi trên 13,5 triệu đồng.

Trước đó, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ chim cút cái giống 20 ngày tuổi, đã được tiêm vác xin phòng bệnh; một phần thức ăn hỗn hợp dạng viên; tập huấn kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc nuôi dưỡng chim cút theo quy trình an toàn sinh học.

Tùng Lâm

Quảng Trị: Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Dẫn dụ chim yến có thể nói là nghề “một vốn, bốn lời”, bởi không cần đầu tư chăn nuôi, chỉ bỏ tiền xây nhà rồi dụ chim yến về sinh sống, làm tổ. Loài chim trời này hiện đang mang về nguồn thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nuôi yến. Từ một vài hộ nuôi yến, đến nay việc đầu tư xây dựng nhà nuôi yến đã bắt đầu phát triển ở nhiều địa phương như các xã Gio Châu, Gio Hải, Gio Mỹ, Gio Việt, Trung Giang, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong), thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), thành phố Đông Hà…

Một cơ sở nuôi chim yến của người dân ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: HTS

Khi hỏi về nguồn lợi nhuận mà chim yến mang lại, anh Phan Văn Trọng ở Khu phố 2 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) cho biết, anh là người tiên phong trong việc xây dựng nhà nuôi yến ở thị trấn Cửa Việt. Khoảng đầu năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra làm ảnh hưởng đến nghề sấy hấp cá của gia đình anh. Nguồn thu nhập của gia đình anh bị sụt giảm. Qua nhiều đêm trăn trở, cuối cùng anh quyết định chọn nghề xây dựng nhà nuôi yến. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu từ sách, báo, ti vi cũng như sự hỗ trợ về mặt kĩ thuật của những người nuôi yến ở tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hoà mà anh quen biết, cuối năm 2016 anh đầu tư 500 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc phục vụ nuôi chim và bắt đầu dẫn dụ chim yến. Đến nay, cơ sở nuôi yến của anh Trọng có trên 200 cặp chim yến bố, mẹ về sinh sống, làm tổ. Từ năm 2016 đến năm 2018, anh chỉ mới “thu bói” tổ yến với thu nhập mỗi năm khoảng vài chục triệu đồng. Năm 2019, cơ sở nuôi yến của gia đình anh mới thực sự vào “chính vụ” với nguồn thu nhập mang lại khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm (giá tổ yến thô trên thị trường giao động khoảng 27 - 28 triệu đồng/ kg; tổ yến đã nhặt sạch lông có giá trên 30 triệu đồng/kg). Trong năm 2018, anh Trọng xây dựng thêm một nhà nuôi yến nữa với số tiền đầu tư hơn 2 tỉ đồng, hiện đã đưa vào sử dụng.

Anh Trọng cho biết: “Nuôi chim yến là nghề mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều người nuôi, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ “trắng tay” cao. Và hiện nay, người nuôi yến chủ yếu là mang tính tự phát. Nhiều hộ nuôi yến khi bắt tay vào nuôi đã không nghiên cứu đầy đủ về điều kiện khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái cũng như tập tính sinh trưởng của loài chim yến. Dẫn đến việc một số hộ nuôi yến đầu tư nguồn vốn lớn để xây nhà nuôi yến xong, số lượng yến về làm tổ ít hoặc không về làm tổ. Rồi chim yến về làm tổ, nhưng đến mùa đông lạnh, nhiệt độ xuống thấp làm yến chết hàng loạt gây thiệt hại cho người nuôi yến...”.

Theo anh Trọng thì chim yến là loài chim ăn côn trùng bay gồm rầy nâu, rầy xanh, mối… trong thiên nhiên. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông. Tổ yến có nhiều thành phần chất dinh dưỡng quý hiếm và nhiều khoáng chất giúp bổ phổi, tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe… Qua kinh nghiệm nuôi yến của anh trong thời gian qua, thì khi xây dựng nhà yến, việc làm đầu tiên là chọn vị trí và khu vực tốt cho việc xây dựng ngôi nhà nuôi chim yến. Bởi vị trí và khu vực cho nhà nuôi yến rất quan trọng, quyết định chi phí xây dựng, quản lí, tốc độ phát triển bầy đàn cũng như năng suất, chất lượng tổ yến. Yếu tố tiếp theo là nhiệt độ trong nhà nuôi yến, bởi nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng đàn yến trong nhà.

Khi thiết kế và xây dựng nhà nuôi yến phải tính đến sự tác động của việc thay đổi nhiệt độ của môi trường, làm sao cho nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ổn định ở mức 27 - 29 độ C (đây là mức chuẩn cho chim yến sinh sống, làm tổ, sinh sản và phát triển). Một yếu tố nữa đó là ánh sáng trong nhà nuôi yến. Chim yến thường có xu hướng thích những góc tối, kín đáo, ấm, yếu tố này người nuôi yến phải chú ý khi tiến hành thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến. Nhà nuôi yến nên đặt theo hướng Đông - Tây hoặc Nam - Bắc. Ngoài các yếu tố trên thì hệ thống âm thanh chim yến để tạo tiếng kêu bầy đàn, là tín hiệu dẫn đường cho chim yến biết nơi ở của chúng và dẫn dụ chim về nhà yến là vô cùng quan trọng. Hệ thống âm thanh là một tổ hợp bao gồm máy phát âm thanh (đầu phát gắn thẻ nhớ USB, thẻ nhớ MP3…), dây dẫn âm thanh, hệ thống loa gồm loa nóc, loa lỗ, loa dẫn đường, loa trong phòng, bộ điều khiển âm thanh theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản của chim trong năm…

Thực tế qua tìm hiểu một số mô hình nuôi chim yến ở các địa phương chúng tôi nhận thấy, hấu hết các cơ sở nuôi chim yến đều mang tính tự phát và chưa có định hướng phát triển dài hạn…; sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định; các nhà nuôi yến gây ra tiếng ồn từ thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến, với âm thanh lớn và khó nghe; tiềm ẩn nguy cơ về dịch cúm gia cầm… Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần phải định hướng quy hoạch nuôi chim yến trên cơ sở báo cáo thống kê, khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn; có các văn bản hướng dẫn kĩ thuật về xây dựng nhà nuôi yến, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học; quy định về tần suất và thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (đây cũng là căn cứ để xử lí vi phạm về tiếng ồn); có các giải pháp về khoa học công nghệ liên quan tới phòng trừ dịch bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

HTS

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop