Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 02 năm 2016

Đóng các cửa cống khi độ mặn đạt 2%o

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, ngay từ đầu mùa khô đến nay, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp với các Trạm thủy lợi huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, cập nhật số liệu mặn thường xuyên và tập trung chỉ đạo công tác vận hành các cửa cống và xuống đập thời vụ khi độ mặn đạt 2%o ở xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Xà Phiên, Thuận Hưng, Thuận Hòa (huyện Long Mỹ); xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Vị Tân, phường VII, phường III, phường IV, phường V (thành phố Vị Thanh); xã Long Phú, Long Trị, Long Trị A, Long Phú, Tân Phú, phường Bình Thạnh, Thuận An, Trà Lồng (thị xã Long Mỹ); xã Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy, Vị Đông, Vị Trung, thị trấn Nàng Mau, (huyện Vị Thủy); xã Phương Phú, thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp)…

Trong mùa khô năm nay, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp tỉnh sẽ vận hành đóng mở các cửa cống hệ thống đê bao Vị Thanh - Long Mỹ và hệ thống ngăn mặn Nam Xà No theo kế hoạch. Chi cục Thủy lợi Hậu Giang sẽ vận hành đóng mở các cửa cống trên tuyến đê bao tiểu dự án Ô Môn - Xà No khi độ mặn ngoài sông đạt 2%o để phục vụ công tác phòng chống xâm nhập mặn cho diện tích lúa Đông xuân 2015 - 2016 và xuống giống vụ lúa Xuân hè, Hè thu 2016 và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân vùng bị xâm nhập mặn.

H.TÂM

Bến Tre: Nông dân thăm đồng ngay sau Tết

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Ông Lê Văn Hoa (Hai Hoa) ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đầu năm thu hoạch bưởi da xanh. Ảnh: Hoàng Vũ

Mùng 4 tháng Giêng, mặc dù khắp nơi vẫn còn nồng hương Tết, thế nhưng nhiều nông dân đã khẩn trương ra vườn, xuống ruộng chăm sóc cho cây trồng, đặc biệt là những nông dân trồng bưởi da xanh.

Chăm sóc vườn cây

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 5.500ha bưởi da xanh. Tết Bính Thân 2016, giá bưởi không cao như năm trước, nhưng do thời tiết thuận lợi, thêm vào đó là sự cần cù chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nên bưởi đạt sản lượng cao, người trồng bưởi có thu nhập không thua mùa Tết năm rồi; ai nấy đều phấn khởi đón mùa Xuân mới. Ông Nguyễn Văn Hạnh ở ấp Quới Lợi, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, khẩn trương ra vườn ngay sau 3 ngày Tết để kiểm tra tình hình sâu bệnh trên 10 công bưởi da xanh, nhất là sâu đục trái trong mùa nắng để phun xịt thuốc kịp thời.

Mùa Tết năm nay, hầu hết vườn bưởi trên địa bàn tỉnh đều đạt sản lượng cao hơn năm trước từ 30 - 50%, giá bán trung bình ở các vườn từ 25 - 35 ngàn đồng/kg. Sau đợt thu hoạch trước Tết, nhiều nhà vườn vẫn còn thu hoạch bưởi với số lượng nhiều vào cuối tháng Giêng, nên việc khẩn trương chăm sóc bưởi sau Tết nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế được nông dân đặc biệt quan tâm.

Tỉnh hiện có 29 tổ hợp tác bưởi da xanh; trong đó có 2 tổ hợp tác sản xuất đạt chuẩn VietGAP, 1 tổ đạt chuẩn GlobalGAP đều được bao tiêu đầu ra sản phẩm ổn định. Việc liên kết sản xuất nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở có đầu ra ổn định đã từng bước làm thay đổi nhận thức sản xuất cây ăn trái của nông dân. Sản xuất có tổ chức để dễ dàng kết nối tiêu thụ là mục tiêu của nhiều nông dân trồng bưởi hiện nay.

Thăm đồng mùa vụ

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ngày mùng 3 Tết, nông dân huyện Bình Đại đã đồng loạt ra thăm đồng, chăm sóc vụ lúa Đông Xuân 2016. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, những ngày trước và trong Tết, thời tiết đêm lạnh, ngày nắng có sương mù vào sáng sớm là điều kiện thích hợp cho nhiều loại dịch bệnh, sâu hại phát triển nhanh. Chính vì thế, thăm đồng thường xuyên trong những ngày trước, trong và sau Tết sẽ giúp bà con chủ động nắm chắc tình hình ruộng lúa của mình.

Vụ lúa Đông Xuân 2015 - 2016, Bình Đại xuống giống hơn 390ha lúa, đạt gần 74% kế hoạch. Hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Trước Tết, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp đã làm cho các trà lúa phát triển chậm và bị vàng lá. Mặc dù điều kiện sản xuất trong vụ này được dự báo là không thuận lợi, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, song không khí ra đồng ngày đầu năm hết sức nhộn nhịp, phấn khởi.

Để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất lúa khi thu hoạch, Bình Đại đã tập trung công tác thủy lợi; vận động nông dân chủ động nạo vét kênh mương nội đồng, tích trữ nước phục vụ tốt sản xuất lúa; cử cán bộ khuyến nông xuống từng xã, thị trấn kiểm tra, vận động bà con xuống giống theo lịch thời vụ, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, bón phân, làm cỏ, lấy nước vào ruộng và cách phòng trừ dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh.

K. Thu - T. Hương

Lãi hơn 400 triệu đồng/ha nhờ trồng rau

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 1 nghìn ha rau xanh các loại với sản lượng hàng trăm nghìn tấn phục vụ thị trường dịp Tết vừa qua.

Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại vào thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 nên nhiều nơi thất thu rau xanh khiến sản phẩm khan hiếm, giá tăng cao.

Trong đó, các mặt hàng chủ lực như: Bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua có giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Bắp cải được thương nhân mua buôn tại ruộng 10 - 15 nghìn đồng/bắp; su hào 10 - 12 nghìn đồng/củ, súp lơ 15 - 17 nghìn đồng/chiếc, cà chua 20 - 25 nghìn đồng/kg. Với giá bán như trên, trừ chi phí nông dân lãi hơn 15 triệu đồng/sào, tương đương hơn 400 triệu đồng/ha.

Trịnh Lan

Nghệ An: Nông dân Quỳnh Lưu thắng lớn vụ rau Tết

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Vụ sản xuất rau đông 2015 ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được xem là thắng lợi khi rau được giá. Người dân đang tích cực chuẩn bị cho thị trường rau sau Tết.

Những ngày đầu năm mới, tại vùng chuyên sản xuất rau màu lớn của huyện là xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng, niềm vui được giá rau vụ đông đã tạo niềm tin để bà con tích cực chăm sóc cho trà rau sau Tết.

Bà Bùi Thị Thanh ở xóm 4, xã Quỳnh Lương trồng 3 sào su hào. Bà cho biết: Chưa bao giờ, su hào được bán với giá cao từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg tại ruộng trong dịp trước và trong tết năm nay, cao hơn 3 lần so với các năm.

Đang thu hoạch gần 3 sào su hào tại ruộng, bà Bùi Thị Thanh ở xóm 4, xã Quỳnh Lương cho biết: Chưa khi nào, rau vụ đông thắng lớn như năm nay, mặc dù thời tiết mưa nhiều, giá rét có tác động xấu đến sự sinh trưởng của rau nhưng nhờ chăm sóc và phòng trừ cẩn thận nên rau của người dân vẫn đảm bảo phục vụ tết, giá rau còn cao 3 - 4 lần so với ngày thường. "Trong tết, gia đình tôi bán được gần 20 triệu đồng tiền rau, giờ còn gần 1 sào su hào để bán dịp ra tết. Vụ rau đông này gia đình tôi thu lãi được gần 30 triệu đồng", bà Thanh phấn khởi.

Cùng chung niềm vui về vụ rau đông thắng lợi, ông Phạm Văn Minh ở xóm 5, xã Quỳnh Lương cho biết: Vụ trồng rau tết năm nay, gia đình ông đưa vào trồng 2 sào rau cải, súp lơ, rau thơm, cải bắp… Theo ông, đây là những loại rau bán chạy nhất trong những ngày tết vừa qua. Do thời tiết rét kéo dài, rau Tết trồng chậm phát triển nên đòi hỏi nông dân phải bỏ công chăm sóc và áp dụng kỹ thuật cao hơn. Nhưng bù lại, giá bán cao hơn, thường mỗi sào cao gấp 2 đến 3 lần cho với trồng rau ngày thường. Như rau đông các năm, su hào khoảng 10 - 12 nghìn đồng/kg nhưng năm nay giá lên tới 30 - 40 nghìn đồng/kg; súp lơ 15 nghìn đồng/búp, cao hơn năm ngoái 10 nghìn/búp...

Nguyễn Thị Lan, xóm 4, xã Quỳnh Minh cho biết năm nay rau có giá cao hơn so với các năm nên bà thu xếp công việc nhà để xuống đồng chăm sóc, tưới bón cho gần 1 sào súp lơ. Dự tính khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch.

Toàn xã Quỳnh Lương có 250 ha đất chuyên canh rau màu quanh năm và vào vụ đông diện tích này sẽ mở rộng thêm khoảng 50 ha để sản xuất rau vụ đông phục vụ dịp trước trong và sau tết. Trong năm 2015, sản lượng rau của toàn xã đạt hơn 20 nghìn tấn với giá trị gần 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương cho biết: Mặc dù khí hậu năm nay thất thường, mưa rét kéo dài khiến cho cây rau vụ đông phát triển chậm, bị chững lại một thời gian ngắn, năng suất có giảm hơn so với mọi năm một chút nhưng nhìn chung không có ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của bà con. Bù lại, năm nay giá cả tương đối cao hơn so với năm nên bà con rất phấn khởi tăng gia sản xuất. Nếu như năm trước xảy ra hiện tượng thừa rau sau vụ Tết thì khả năng năm nay không xảy ra, vì rau trồng đến kỳ thu hoạch đều được thu mua hết.

Hiện tại, giá thu mua tại ruộng đối với su hào có giá 20.000 đồng/kg, cải bắp 25 - 30 nghìn/kg; súp lơ giá 5.000 - 6.000 đồng/búp; cà chua 10.000 - 12.000 đồng/kg... Giá các loại rau trên đều tăng từ 2- lần so với ngày thường và các năm trước. Bình quân vụ đông năm nay bà con thu khoảng 20 - 25 triệu đồng/sào. Ước tính tổng thu nhập tăng hơn 30% so với vụ rau đông năm trước.

Tại xã Quỳnh Minh, không khí sản xuất rau màu cũng không kém phần nhộn nhịp. Vụ rau đông thắng lợi đã thôi thúc bà con hăng hái sản xuất rau để phục vụ nhu cầu thị trường. Bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Thu hoạch vụ đông năm nay hơn hẳn mọi năm, rau màu mặc dù hơi kém phát triển nhưng giá cả lại cao hơn hẳn so với năm ngoái. Rau thu hoạch đều được tiểu thương thu mua hết, không còn hàng tồn. Giá bán ổn định, bà con phấn khởi lắm, thu hoạch hết vụ rau này tôi lại trồng tiếp, kịp bán dịp ra Giêng.

Được mùa rau vụ Đông, bà con vùng trồng rau huyện Quỳnh Lưu vui mừng phấn khởi và đang tiếp tục bắt tay vào sản xuất để phục vụ cho thị trường trong dịp sau tết.

Việt Hùng

Phù Mỹ (Bình Định): Kiệu Tết trúng giá

Nguồn tin: Báo Bình Định

Với diện tích sản xuất 714ha, tuy năng suất có thấp hơn mọi năm nhưng nhờ được giá nên năm nay người trồng kiệu ở Phù Mỹ (Bình Định) phấn khởi vì có thu nhập cao.

Nông dân Mỹ Trinh cân kiệu Tết.

Ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ, cho biết: Năm nay, năng suất kiệu tuy thấp hơn năm ngoái từ 50 - 70kg/sào nhưng do giá kiệu không ngừng tăng từ đầu vụ đến ngày 26, 27 tháng Chạp nên người trồng kiệu có thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân trồng kiệu ở Tường An, xã Mỹ Quang, cho hay: “Năm nay, từ đầu vụ đến cuối vụ, giá kiệu lá cũng như kiệu củ tăng dần, có thời điểm gấp hai lần so với năm ngoái”. Với diện tích 2 sào, tiêu thụ kiệu củ, sản lượng 300 kg/sào, giá bán bình quân 30.000đ/kg, vụ Tết này ông Bảy thu 18 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, còn lãi hơn 10 triệu đồng, gần gấp hai lần so với kiệu Tết năm ngoái trên cùng diện tích.

Thời điểm 10 ngày cuối tháng Chạp Ất Mùi, giá kiệu củ tăng lên 35.00 - 40.000 đồng/kg. Nhiều hộ nhổ bán sau, thu nhập cao chưa từng có. Hộ ông Đỗ Văn Hùng (xã Mỹ Trinh) trồng 1 sào, sản lượng 330kg kiệu củ, bán giá 40.000 đồng/kg, tổng thu hơn 13 triệu đồng. Ông Hùng phấn khởi nói: “Cũng diện tích đó, năm ngoái năng suất 400 kg/sào, bán giá 20.000 đồng/kg, chỉ thu 8 triệu đồng. Năm nay quá mừng vì giá cao tăng cao, thu nhập cao hơn”.

XUÂN LỘC

Rau sạch Yên Châu - hướng giảm nghèo bền vững

Nguồn tin: VOV

Mặc dù mới qua 1 năm triển khai nhưng mô hình trồng rau sạch ở Sơn La đã trở thành nghề mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Trồng rau là công việc quen thuộc, gắn bó từ lâu với cuộc sống thường nhật của người dân. Tuy nhiên, trồng và chăm sóc một cách bài bản, theo công nghệ cao, thì đây thực sự là điều mới mẻ đối với người dân vùng cao ở huyện Yên Châu, Sơn La. Mới 1 năm triển khai, nhưng trồng rau sạch đã trở thành nghề mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình bà Phạm Thị Hợp ở bản Chiềng Phú, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) đã quen với việc trồng rau từ vài chục năm nay, nhưng chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Trồng rau theo kiểu tiện đất đến đâu thì trồng đến đó; việc sử dụng phân gio và thuốc bảo vệ thực vật không ai hướng dẫn, nên có đến đâu phun đến đó, nồng độ, liều lượng tùy ý.

Đầu năm 2015, gia đình bà Hợp và một số gia đình được cấp ủy, chính quyền địa phương ở huyện, xã cho phép thành lập Hợp tác xã sản xuất rau an toàn. Từ đây, các gia đình được cán bộ khuyến nông huyện, xã trực tiếp xuống hướng dẫn cách thức sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP.

Theo đó, các hộ thành viên phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các qui định về quá trình trồng, lựa chọn nguồn giống, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đến quy trình thu hoạch, bảo quản... Tiêu chí đặt lên hàng đầu là nguồn rau phải an toàn, có xuất xứ rõ ràng.

Theo bà Phạm Thị Hợp, trồng rau theo chuẩn VIETGAP năng suất có giảm so với trồng rau theo phương pháp truyền thống, nhưng giá bán cao hơn và ổn định, nên tính ra hiệu quả kinh tế vẫn đạt. Với 5.000m2 đất trồng các loại rau cải, xu hào, cà chua, cà pháo… trong năm, gia đình bà đã thu gần 20 tấn sản phẩm, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

“Hợp tác xã rau sạch luôn được cán bộ kỹ thuật huyện quan tâm về hướng dẫn trồng và chăm sóc rau đúng quy trình. Sản phẩm của Hợp tác xã không những phục vụ cho gia đình, bản thân, mà còn phục vụ cho tất cả người dân trong huyện, trong tỉnh, thậm chí về tận quê Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An…”, bà Phạm Thị Hợp nói:

Ông Hà Văn Dự, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau sạch Chiềng Phú, huyện Yên Châu cho biết, như nhiều vùng khác, trồng rau từ lâu đã là công việc quen thuộc với các hộ dân ở đây. Tuy nhiên, bà con trồng một cách tự phát, manh mún nhỏ lẻ, gần như không cho thu nhập.

Nhận thấy lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng và nhiều điều kiện để phát triển vùng rau sạch, đầu năm 2015, huyện, xã đã cho phép bà con thành lập hợp tác xã rau sạch Chiềng Phú và xác định đây là mô hình thí điểm của toàn huyện. Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Ban chủ nhiệm Hợp tác xã đã được huyện, xã cho đi tham quan, học tập mô hình rau sạch ở nhiều vùng như ở huyện Mộc Châu, tham khảo thị trường tiêu thụ tại các siêu thị lớn tại Hà Nội…

Từ kinh nghiệm sẵn có, cộng với được hướng dẫn kỹ thuật một cách bài bản, mô hình rau sạch ở Chiềng Phú đã phát triển mạnh về quy mô và cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đến nay, bản đã hình thành vùng chuyên canh rau tập trung, với trên 20 ha. Thống kê trong năm đầu, các xã viên đã thu hoạch trên 100.000 tấn sản phẩm rau, củ, quả các loại.

Điều vui nhất là bà con được tiếp cận phương pháp trồng rau sạch theo tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Với thương hiệu rau sạch, sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, huyện, mà đã vươn ra thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…

“Sản phẩm của Hợp tác xã làm ra đều có đầu ra tiêu thụ ổn định hơn nhiều so với thời kì sản xuất manh mún và không theo hướng dẫn. Được trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật hỗ trợ, giúp đỡ nên quy trình sản xuất luôn được đảm bảo, thu hút nhiều xã viên tham gia”, ông Dự chia sẻ.

Nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở huyện vùng cao Yên Châu. Trong 5 năm tới, huyện đặt mục tiêu hình thành các vùng chuyên canh hoa, quả và rau sạch chất lượng cao.

Ông Hà Như Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước mắt, huyện sẽ tập trung xây dựng các mô hình thí điểm, khi thành công sẽ nhân rộng ở nhiều địa bàn khác. Với hợp tác xã rau sạch Chiềng Phú, mới đây, huyện đã đầu tư hàng chục triệu đồng từ ngân sách để xây dựng hệ thống điện, nước và cải tạo đường giao thông, giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau.

“Năm 2015 huyện đã thành lập 4 hợp tác xã, trong đó có 1 hợp tác xã trồng rau, 1 hợp tác xã sản xuất dịch vụ tổng hợp và 2 hợp tác xã về trồng và tiêu thụ cây ăn quả. Hiện nay riêng với Hợp tác xã trồng rau đã được công nhận sản xuất rau an toàn. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn in bao bì để có địa chỉ và đặt vấn đề với một số sàn giao dịch rau tại Hà Nội để giúp việc tiêu thụ được thuận lợi”, ông Huệ cho biết.

Không nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nên Yên Châu hiện vẫn là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Sơn La. Với việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình trong sản xuất nông nghiệp, Yên Châu đang hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững từ nông nghiệp./.

Thanh Thủy - Thu Thùy/VOV - Tây Bắc

Xây dựng chuỗi giá trị cho hạt gạo

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Những ngày sau Tết Bính Thân 2016, nông dân các tỉnh ĐBSCL bước vào thu hoạch lúa đông xuân - vụ mùa chủ lực trong năm. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh xuất hiện nhiều khiến năng suất lúa bị ảnh hưởng; ngoài ra, giá lúa dao động ở mức không cao nên lợi nhuận mà nông dân thu về không như mong muốn…

Chi phí tăng, lợi nhuận giảm…

Sáng 14-2 (mùng 7 Tết), nông dân Lê Văn Tám, ngụ ấp Hòa Quới, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã ra đồng thuê máy gặt thu hoạch 5 công lúa đông xuân. Nếu như vụ đông xuân năm ngoái, lúa trúng mùa năng suất đạt khoảng 1.000kg/công thì nay lúa bị giảm xuống chỉ còn 850kg/công. “Vụ đông xuân này do nước lũ về thấp nên không có phù sa bồi đắp đồng ruộng, thiếu nước để tháo chua, rửa phèn, thải loại sâu bệnh… cộng với lượng mưa ít, nắng hạn nhiều nên không thuận lợi cho lúa phát triển. Mặc dù nông dân đã sử dụng nhiều loại phân thuốc phòng ngừa nhưng năng suất lúa vẫn giảm, trong khi chi phí sản xuất lại tăng”, ông Tám than.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa

Cạnh ruộng lúa ông Tám là khu đất gần 40 công của ông Lê Văn Minh (xã Hòa Tân) cũng vừa thu hoạch và bán cho thương lái với giá 4.600 đồng/kg (lúa tươi hạt dài). Ông Minh tính toán: “Hồi trước Tết Bính Thân 2016 giá lúa tươi loại thường chỉ có 4.300 đồng/kg, lúa tươi hạt dài giá 4.500 đồng/kg… Sau tết, thương lái bắt đầu thu mua lúa trở lại với giá tăng khoảng 100 đồng/kg. Thấy giá nhích lên, nông dân mừng, nhưng do năm nay năng suất giảm nên đồng lời bị teo tóp. 40 công lúa đông xuân của tôi năm ngoái lời hơn 100 triệu đồng, còn năm nay mức lợi nhuận chỉ đạt 80 triệu đồng, giảm tới 20 triệu đồng…”.

Cùng cảnh ngộ trên, ông Lâm Văn Sáu, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), tâm sự: “Vụ đông xuân này, nông dân canh tác vô cùng vất vả bởi sâu bệnh nhiều, chuột cắn phá… nên phải ra đồng thường xuyên. Đến nay, lúa đã chín vàng và thương lái đặt cọc mua với giá dao động từ 4.500 - 4.600 đồng/kg (lúa tươi hạt dài), tính ra nông dân lãi khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha”. Tại cánh đồng lúa thơm ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), nông dân vừa ăn tết, vừa phải theo dõi diễn biến thị trường lúa gạo. Ông Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ có 8ha lúa thơm, bộc bạch: “Ở khu vực này thương lái mua lúa thơm (loại tươi, giống Jasmine) tại ruộng chỉ 4.700 đồng/kg, như vậy là thấp quá. Chưa kể năng suất lúa thơm năm nay chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ từ 1 - 2 tấn/ha khiến lợi nhuận chỉ còn hơn 15 triệu đồng/ha, mức này là không cao”.

Liên kết chuỗi giá trị

Năng suất giảm, giá lúa không cao khiến nông dân lo lắng là chuyện đương nhiên; thế nhưng những hộ sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” được doanh nghiệp bao tiêu vẫn đạt mức lợi nhuận hấp dẫn. Ông Nguyễn Văn He, ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang), tiết lộ: “Nông dân vùng này ký hợp đồng trọn gói với Công ty TNHH Lương thực Vĩnh Bình và sản xuất theo yêu cầu của công ty. Từ lúa giống, phân thuốc, vật tư… đều được công ty cung ứng 100%, đến khi thu hoạch thì trừ lại. Hiện công ty cho giá thu mua lúa khô (giống xuất khẩu) là 7.000 đồng/kg, tính ra nông dân có lời khoảng 25 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất riêng lẻ bên ngoài”. Thật ra, mô hình sản xuất theo “cánh đồng lớn” có sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu để phát triển nền sản xuất lúa gạo bền vững. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả và được Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khuyến cáo nhân rộng, nhưng đến nay việc phát triển chưa như mong muốn.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL phân tích: “ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo của cả nước, mặc dù những năm gần đây diện tích đất lúa có giảm do ảnh hưởng đô thị hóa, công nghiệp hóa… nhưng nhờ ứng dụng tốt giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật… nên đã góp phần tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Mặt được là vậy, nhưng trước những diễn biến của thời tiết khắc nghiệt, biến đối khí hậu tác động sẽ khiến sản xuất lúa gạo ngày càng cam go hơn; do đó cần phải nhanh chóng tìm ra mô hình canh tác mới phù hợp. Sau thời gian thử nghiệm cho thấy “cánh đồng lớn” là hướng đi đúng, vì vậy tùy theo từng vùng, từng nơi mà chúng ta nhân rộng việc sản xuất lúa theo “cánh đồng lớn”, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị thì mới bền vững được”. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cũng lưu ý: “Nông nghiệp sẽ chịu áp lực lớn trong tiến trình hậu WTO, TPP và tác động biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp từ bây giờ sẽ rất khó tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức để phát triển nền sản xuất lúa gạo bền vững trong tương lai. Việc liên kết 4 nhà, xây dựng chuỗi giá trị cho lúa gạo cần tính toán nhân rộng. Làm được điều này, ngành chức năng phải tổ chức lại sản xuất, tập hợp nông hộ nhỏ lại để hình thành nền sản xuất lớn theo hướng liên kết với doanh nghiệp. Song song đó, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bằng việc dạy nghề cho 1/3 lao động nông thôn để làm nông dân, 2/3 lao động nông thôn còn lại thì học nghề phi nông nghiệp để tìm việc làm khác nhằm tăng thu nhập. Nguyên nhân, là làm nông nghiệp bây giờ đã được cơ giới hóa, sử dụng máy móc nên không cần nhiều lao động thủ công”.

Theo các nhà chuyên môn, để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo thành công cần phát huy vai trò kinh tế hợp tác. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ phát triển các hợp tác xã kiểu mới để tập hợp nông dân. Hợp tác xã sẽ đại diện cho nông dân ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, tổ chức các dịch vụ chung, như: cung ứng vật tư, dịch vụ bảo vệ thực vật, hệ thống sấy, bảo quản, tạm trữ, tìm đầu ra cho sản phẩm… Hợp tác xã sẽ góp phần làm giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng lúa gạo và tăng giá bán giúp nông dân được lợi trong chuỗi giá trị…

"Danh xưng “vựa lúa quốc gia” dành cho vùng ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng nay cần nhận thức lại. Đã đến lúc người dân miền Tây không cần tự hào về mỹ từ “vựa lúa”, bởi tự hào mà chi khi những người làm ra thật nhiều nông sản để cung ứng cho toàn cầu mà dân ta vẫn còn khó khăn. Vì vậy cần phải tính toán hợp lý việc chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ bát cơm đầy sang bát cơm ngon; cần thương mại hóa lúa gạo nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho nông dân để họ làm giàu…". (Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Ăn Tết không quên đồng ruộng

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Dù là những ngày tết nhưng nông dân ở vùng Gò Công (Tiền Giang) vẫn không quên chăm lo việc đồng áng. Họ thường xuyên thăm đồng nhằm nắm bắt kịp thời tình hình thời tiết và dịch bệnh để có giải pháp ứng phó.

Anh Dương Tấn Bửu đang phun xịt thuốc diệt sâu cuốn lá.

Thời điểm tết đến, tiết trời se lạnh là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh phát triển. Chính vì thế, cùng không khí rộn ràng của những ngày tết thì người nông dân cũng tích cực đi thăm đồng ruộng, kịp thời phòng tránh các loại dịch hại cho cây lúa.

Hiện tại, hầu hết các trà lúa đông xuân năm 2015 - 2016 tại TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây đều đang bước vào giai đoạn làm đòng. Giai đoạn này cây lúa rất cần nước, thế nên người dân rất tích cực trong việc bơm nước vào ruộng. Năm nay, tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm, cùng với đó là lượng mưa ít khiến cho tình trạng thiếu nước diễn ra trầm trọng, ảnh hưởng đến việc sản xuất vụ đông xuân.

Thời điểm này, hầu hết các kinh nội đồng đều đã cạn, để có nước phục vụ cho việc tưới nhiều địa phương đã tổ chức bơm chuyền nhiều cấp để cứu lúa. Ông Nguyễn Văn Ninh (54 tuổi, ngụ ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) cho biết: “Dịp tết này, lượng nước ở các kinh nhiều hơn những ngày thường do có một số người ngừng bơm. Tranh thủ mấy ngày này có nhiều nước, tôi bơm vào ruộng để dự trữ phòng khi cạn nước”.

Bên cạnh không khí rộn ràng, tưng bừng của những ngày tết thì không khí lao động hăng say của những nông dân trên đồng ruộng càng làm cho mùa xuân thêm màu sắc. Hình ảnh những bác “nông phu” lom khom trên ruộng lúa là những điểm nhấn trong bức tranh mùa xuân vui tươi, rộn ràng.

Mặc dù là những ngày tết nhưng ngày nào ông Đặng Tấn Cường (ngụ ấp Thành Nhứt, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) cũng đi thăm ruộng đều đặn 2 lần. Ông Cường cho biết, hiện hơn 1 ha lúa đông xuân của ông đã được 50 ngày tuổi và đang làm đòng.

Cứ 3 ngày là ông tiến hành bơm nước 1 lần, việc bơm nước cũng đỡ hơn thời gian trước nhờ chủ trương đắp đập bơm chuyền. Thời điểm này, do sự trở lạnh của thời tiết, thế nên trên ruộng lúa xuất hiện một số sâu, bệnh, vì thế cần phải thăm đồng thường xuyên để kịp thời phòng trị.

Ông Nguyễn Văn Ninh tranh thủ những ngày tết bơm nước vào ruộng để dự trữ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại trên phần lớn các trà lúa đông xuân ở khu vực Gò Công đang bị sâu cuốn lá tấn công. Ngoài ra, trên một số diện tích lúa còn xuất hiện bệnh cháy bìa lá, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây.

Anh Dương Tấn Bửu (ngụ ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) cho biết: “Hiện ruộng lúa 45 ngày tuổi của tôi bị sâu cuốn lá tấn công, để bảo vệ lúa thì tôi tiến hành phun xịt thuốc để diệt chúng. Những ngày qua, mặc dù là tết nhưng tôi vẫn tích cực đi thăm đồng, tài sản của mình mà!”.

Ngoài những dịch hại trên thì việc chuột đồng cắn phá trên những trà lúa đang ở giai đoạn làm đòng cũng là một mối nguy hại đối với bà con nông dân. Nhờ sự tích cực trong việc thăm đồng nên người trồng lúa đã có những biện pháp kịp thời như làm người nộm, bã thuốc... để hạn chế sự phá hoại của chuột.

“Nhìn chung năm nay nạn chuột đồng phá hoại lúa xảy ra nhiều hơn. Để đối phó với loài nguy hại này phải dùng bã thuốc để diệt chúng” - ông Cường cho biết.

Nhờ sự cần mẫn, siêng năng trong việc đồng áng của nông dân khi tết đến, xuân về đã giúp bà con kịp thời phòng tránh và bảo vệ ruộng lúa của mình. Chính sự cần cù, chịu thương, chịu khó này sẽ mang đến cho bà con một mùa xuân trọn vẹn, vui tươi hơn.

MINH THÀNH

Nông dân tất bật sau Tết

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Ngay sau những ngày nghỉ Tết, trong khi người trồng lúa hối hả bắt tay vào gieo cấy vụ Xuân thì tại các vùng rau, vùng hoa trên địa bàn TP, bà con nông dân cũng tất bật vào vụ mới.

Vùng rau, vùng hoa nhộn nhịp sau Tết

Mới 7 giờ sáng mùng 4 Tết Nguyên đán, cánh đồng rau thôn Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh đã có rất đông bà con xuống đồng chăm sóc, thu hái rau xanh, vận chuyển hàng hóa ra chợ bán buôn. Vừa nhanh tay giũ, rửa từng thớ đất bám vào rễ rau, chị Bùi Thị San, thôn Vân Trì vừa cho biết, rau không giống vật nuôi, đến ngày là phải thu hoạch ngay, để lâu rất dễ bị thối, hỏng. Cũng bởi vậy mà ngay sau khi kết thúc 3 ngày Tết cổ truyền, gia đình chị San đã ra đồng thu hái rau xanh mang đi bán.

Nông dân huyện Phú Xuyên gieo cấy vụ Xuân. Ảnh: Thanh Hải

Tất bật không kém, dọc con đường chạy qua vùng rau xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ rất đông nông dân xuống đồng. Chị Hoàng Thị Thu, cụm 3, xã Long Xuyên cho biết, ngay từ mùng 3 Tết, những chuyến xe chở đầy rau xanh đã rục rịch rời cánh đồng tới các khu chợ lân cận như chợ Săn, chợ Gạch… phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhu cầu về rau xanh trong dịp Tết tương đối lớn, cộng với giá rau cao đã giúp cho gia đình chị Thu và nhiều hộ trồng rau ở Long Xuyên có nguồn thu nhập tốt.

Giống như các hộ trồng rau, từ tối mùng 2 Tết, nhiều người trồng hoa ở Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm đã chở những chuyến hoa đầu tiên ra chợ Quảng Bá phục vụ nhu cầu tiêu dùng hoa tươi liên tục của người dân. Bà Chu Thị Chúc, cụm dân cư số 3, phường Tây Tựu chia sẻ, hoa đến lứa nở là phải cắt bán. Do đó, không ít hộ trồng hoa phải tranh thủ đi chúc Tết ban ngày, chiều tối về cắt hoa, đêm chở ra chợ bán. Guồng quay công việc hối hả, tất bật từ những ngày Tết. Bù lại, hoa tươi trong dịp Tết Bính Thân được giá nên nhiều nông dân rất phấn khởi. Đơn cử, hoa ly có giá 300.000 – 400.000 đồng/chục, hoa cúc 150.000/mớ 50 bông, hồng son 1 triệu đồng/mớ 50 bông…

Ngày hôm qua (14/2) là Ngày Lễ tình nhân (Valentine) nên trên cánh đồng hoa của phường Tây Tựu, không khí làm việc dường như đông vui, tấp nập hơn. Các hộ dân tất bật cắt hoa bán, trong đó chạy hàng nhất là hoa hồng, ly… Theo các hộ trồng hoa, mùa Valentine năm nay, hoa bán chạy hàng hơn do sản lượng ít nhưng giá chỉ ở mức vừa phải, không quá cao. Cụ thể, giá bán buôn hoa hồng cành dài trong ngày 14/2 chỉ khoảng 60.000 – 70.000 đồng/mớ 50 bông, cành ngắn là 30.000 – 40.000 đồng/mớ, hoa cúc đại cũng chỉ có giá khoảng 1.000 đồng/bông… Cùng với công việc thu hoạch, các hộ trồng hoa còn bắt tay vào cắt tỉa, sửa cây hay trồng lứa hoa mới. “Trồng hoa hầu như không có ngày nghỉ” – một nông dân Tây Tựu tâm sự.

Xuống đồng gieo cấy lúa Xuân

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, ngay từ ngày mồng 4 tháng Giêng (tức ngày 11/2), nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn TP đã xuống đồng cấy lúa vụ Xuân. Là một trong những hộ gia đình xuống đồng sớm nhất của xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, chị Nguyễn Thị Khởi cho biết: "Nhận thấy thời tiết ấm, mạ lại dài nên từ sáng mồng 4 Tết, tôi đã huy động cả 4 lao động trong gia đình ra đồng nhổ mạ, cấy lúa, đến nay gia đình đã cấy được 5 sào ruộng". Không chỉ có Đội Bình mà trên các xứ đồng thuộc các xã Trầm Lộng, Minh Đức, Hoa Sơn (huyện Ứng Hòa) cũng đang phủ lên mình màu mạ non xanh. Đến hết ngày 14/2, Ứng Hòa đã cấy được 180ha lúa Xuân. Cùng với đó, huyện tiếp tục đôn đốc các địa phương chủ động lấy nước và làm đất phục vụ nông dân gieo cấy thuận lợi với 100% diện tích đã đủ nước và trên 70% diện tích hoàn thành làm đất đợt 2.

Tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức do đặc thù thời điểm cấy lúa vụ Xuân trùng với lễ hội chùa Hương nên nhiều hộ phải tranh thủ thuê nhân công để sớm hoàn thành diện tích lúa của gia đình. Vừa thoăn thoắt cấy những hàng mạ non thẳng tắp, chị Đồng Thị Tuấn, ở thôn Đục Khê, xã Hương Sơn cho hay: "Gia đình tôi mượn thêm nhân công để cấy xong 2 sào ruộng trong ngày hôm nay vì ngày mai còn tiếp tục chèo đò phục vụ khách về trẩy hội".

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, tính đến hết ngày 14/2, toàn huyện đã cấy được 15% tổng diện tích lúa Xuân, trong đó tập trung tại các xã Hương Sơn, An Phú, An Tiến... Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại dịp trước Tết Nguyên đán nên một số xã đã phải lùi thời gian gieo mạ, song nhờ được che phủ nilon và chăm sóc cẩn thận nên toàn bộ diện tích mạ vẫn đảm bảo sinh trưởng tốt. "Trong ngày hôm nay (15/2), các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ đồng loạt xuống đồng cấy lúa Xuân, dự kiến đến hết ngày 25/2, huyện sẽ hoàn thành gieo cấy 100% diện tích" – ông Tuấn khẳng định.

Cùng với việc vận động nông dân khẩn trương gieo cấy để đảm bảo thời vụ cấy xong trong tháng 2, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các huyện chủ động cung ứng đủ nước và phân bón cho nông dân với phương châm "không để mạ non mới cấy thiếu phân, thiếu nước". Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt cho biết, mặc dù hôm nay (15/2) là ngày đầu tiên của đợt rét mới, nhiệt độ ở ngưỡng trên 150C nên các địa phương trên địa bàn TP vẫn ra quân cấy lúa Xuân bình thường. Đối với những diện tích lúa đã được cấy, nông dân cần tiếp tục giữ nước để mạ nhanh bén rễ, ra lá non.

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, tính đến hết ngày 14/2, tổng diện tích có nước trên địa bàn TP đã đạt trên 70%; 100% địa phương hoàn thành gieo mạ; trên 80% diện tích đã làm đất và làm đất lần 2 đạt trên 90%, diện tích đã cấy đạt khoảng 8% kế hoạch. Một số huyện có tiến độ gieo cấy nhanh hơn so với kế hoạch như: Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Phúc Thọ. Theo chỉ đạo chung, toàn TP phấn đấu gieo cấy lúa Xuân xong trong tháng 2/2016.

Nhóm phóng viên NN – NT

Trái đu đủ có hình giống hoa mai 5 cánh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Bà Võ Thị Kim Chung (SN 1963, ngụ khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) có vườn trồng cây đu đủ phía sau nhà, đang giai đoạn cho trái và thu hoạch.

Ba Chung chưng quả đu đủ hình giống hoa mai 5 cánh trên bàn thờ

Mới đây, trong lúc ra thăm vườn, bà Chung phát hiện một số quả đu đủ có hình giống hoa mai 5 cánh, trông rất đẹp mắt.

Cận cảnh quả đu đủ hình giống hoa mai 5 cánh trên cây

Phát hiện quả đu đủ kỳ lạ, bà Chung đã hái trái đu đủ chín có hình giống hoa mai 5 cánh, để chưng trên bàn thờ. Trái đu đủ cân nặng khoảng 2kg. Bà Chung cho biết, cây đu đủ trồng trong vườn, chăm sóc, nở hoa, kết trái tự nhiên, không có bàn tay chỉnh sửa và tạo hình của con người.

Dương Út

Xuất khẩu trái cây sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ

Nguồn tin: Hà Nội Mớ

Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Bộ NN&PTNT, thanh long là loại quả xuất khẩu chủ lực chiếm trên 40% tổng kim ngạch; một số loại quả như xoài, nhãn, vải… đã và đang tiếp cận xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản...

Lựa chọn thanh long xuất khẩu.

Hiện cả nước có hơn 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm, đạt tiêu chuẩn VietGap. Khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ là cơ hội cho những sản phẩm an toàn được xuất khẩu mạnh sang các nước.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần tổ chức lại sản xuất để đáp ứng được cả số lượng trái cây bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân để ký kết hợp đồng, giám sát chất lượng từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm trái cây...

Quỳnh Dung

100 tấn nhãn Edor đầu tiên được XK sang thị trường Mỹ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Việc 100 tấn nhãn Edor đầu tiên đã được HTX Nhãn Châu Thành cung ứng cho đối tác để xuất sang thị trường Mỹ là một thông tin rất vui cho người nông dân.

Lần đầu tiên nhãn Edor ở Đồng Tháp được xuất ngoại

Đầu năm 2016 người nông dân trồng xoài và nhãn ở tỉn Đồng Tháp rất phấn khởi đã được ký hợp đồng xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang thị trường khó tính như Mỹ, Nhật…

Đây là kết quả bước khởi đầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Đồng Tháp đang tiên phong thực hiện.

Việc 100 tấn nhãn Edor đầu tiên đã được HTX Nhãn Châu Thành cung ứng cho đối tác để xuất sang thị trường Mỹ là một thông tin rất vui cho người nông dân.

Bởi đây là thị trường đầy tiềm năng nhưng rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Do áp dụng quy trình canh tác theo hướng an toàn của tiêu chuẩn VietGap mà nhãn Châu Thành đã vượt qua rào cản, bước vào thị trường khó tính.

Ngoài ra, ăm 2015 vừa cũng là năm thăng hoa của nhà vườn trồng xoài tại huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh là 2 địa phương có diện tích trồng xoài rất lớn. Bởi nơi đây đã xây dựng thương hiệu, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn, liên kết sản xuất rải vụ… cho trái xoài cát chu xuất sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

LÊ HOÀNG VŨ

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop