Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 02 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 02 năm 2020

Gỡ khó cho nông sản thời virus Corona

Nguồn tin:  Báo An Giang

Với những mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong một thời gian nhất định, bởi dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) gây ra tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động xuất khẩu nông sản vào quốc gia này bị gián đoạn hoặc hạn chế. Giải pháp trước mắt, kể cả lâu dài là tăng cường thêm các kênh phân phối nội địa, tìm kiếm thêm những thị trường mới tiềm năng, ổn định.

Nỗi lo xứ xoài

Từ khi quyết định chuyển đổi đất lúa sang trồng xoài ở vùng cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang), ông Nguyễn Văn Liệt (xã Bình Phước Xuân) chưa bao giờ thấy xoài rớt giá như hiện nay.

“Đối với xoài 3 màu loại 1 (hơn 620gr/trái), những lúc giá thấp nhất cũng hơn 15.000 đồng/kg. Vừa qua Tết năm nay, xoài đột ngột giảm giá mạnh, nhiều vựa hạn chế thu mua dù giá bán tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg” - ông Liệt thông tin.

Nhờ tập trung vào thị trường nội địa và xuất khẩu thị trường cao cấp, sản phẩm xoài Keo của Hợp tác xã Long Bình vẫn tiêu thụ tốt

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu cho biết, diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện hiện đạt 6.116,83ha, trong đó diện tích xoài đến tuổi cho trái khoảng 4.172ha (chiếm hơn 68% diện tích).

Dự kiến từ tháng 2 đến tháng 6-2020, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 19.630 tấn. Mặc dù vùng xoài Chợ Mới có thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc nhưng số lượng chưa nhiều, trong khi hơn 90% sản lượng được xuất sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch.

Do vậy, khi bị ảnh hưởng dịch bệnh virus Corona, Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu thì phần lớn các vựa xoài trên địa bàn huyện Chợ Mới cũng ngưng hoạt động.

Hiện nay, tình hình thu mua ở các vựa xoài rất trầm lắng, chỉ còn vài vựa xoài lớn đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu tiêu thụ nội địa với giá mua rất thấp, bình quân 5.000 đồng/kg (xoài loại 1 từ 7.000-8.000 đồng/kg; xoài loại 2, 3 rớt xuống còn 2.000-4.000 đồng/kg), trong khi thời điểm trước khi có dịch bệnh, giá xoài thu mua bình quân đạt 15.000 đồng/kg. Ghi nhận sơ bộ, tại các vựa hiện nay còn tồn hơn 100 tấn xoài chưa tiêu thụ được.

Bộ Công thương cho biết, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan đã mở cửa vào ngày 3-2, Trung Quốc đã thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu vào cuối tháng 2-2020. Theo kế hoạch ban đầu, TP. Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) dự kiến sẽ thông quan cửa khẩu Tân Thanh vào ngày 9-2 nhưng đã quyết định lùi lại thêm 20 ngày nữa do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Như vậy, thời gian khôi phục hoạt động trao đổi của cư dân biên giới (theo các cặp cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn như: Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình...) cũng sẽ phải lùi tới cuối tháng 2-2020, thay vì ngày 10-2 như đã thông báo. Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục gián đoạn hoặc hạn chế.

Tìm hướng đi mới

Đối với “vựa nếp” Phú Tân, hiện nay mới bước vào thu hoạch nên chưa bị ảnh hưởng trước dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, khi sản lượng nhiều, giá bán sẽ bị tác động bởi Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nếp chính của Việt Nam.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, Phú Tân xuống giống 23.855ha lúa nếp, phần lớn diện tích đang giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trổ.

Trong đó, diện tích đã thu hoạch được hơn 100ha với năng suất 6,96 tấn/ha. Dự kiến đến cuối tháng 2-2020, diện tích lúa nếp chín có khả năng thu hoạch trên 10.000ha, sản lượng khoảng 65.000 tấn.

Hiện nay, giá bán nếp tươi ở mức khá (từ 5.500-6.000 đồng/kg). Vụ đông xuân, có 3 công ty liên kết sản xuất tiêu thụ với 4 hợp tác xã (HTX) của huyện, đạt diện tích 760ha, gồm: Công ty An Thạnh ký với HTX Phú An 400ha nếp; Công ty Nguyễn Phú Vinh ký với HTX Thạnh Phú 10ha, ký với HTX Nam Phú Bình 100ha; Công ty TNHH Lương thực Phước Thịnh ký với HTX Hưng Tân 250ha.

Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, UBND huyện Phú Tân đề nghị ngành chuyên môn tỉnh giới thiệu thêm doanh nghiệp (DN) đến tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn huyện.

Đối với mặt hàng lúa, diễn biến dịch bệnh Covid-19 không quá đáng lo bởi hiện nay, Trung Quốc không phải là thị trường chiếm thị phần nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Đối với nếp, nếu liên kết phân phối tốt thì hoàn toàn có thể tiêu thụ nội địa hoặc DN thu mua nếp tươi, sấy khô rồi tích trữ vào kho chờ thời điểm thích hợp xuất khẩu (nếp khô bảo quản được lâu).

Đối với xoài, nếu tính toán lại giống xoài, tiêu chuẩn chất lượng, hướng đến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng, giá trị cao thì có thể giải quyết được đầu ra lâu dài.

Điển hình như ở vùng biên giới An Phú, HTX Long Bình vẫn hoạt động tốt khi tập trung liên kết với nông dân ở các xã: Khánh Bình, Khánh An và thị trấn Long Bình để xây dựng vùng nguyên liệu xoài Keo, hợp đồng thu mua để giao cho các DN đặt hàng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Chủ nhiệm HTX Long Bình Huỳnh Thanh Minh cho biết, giá mua xoài Keo tại vườn hiện bình quân 15.000 đồng/kg, trong khi giá bán loại xoài này tại chợ là 30.0000 đồng/kg. “Khi nông dân tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, sản phẩm xoài hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang những thị trường khó tính” - ông Minh nhấn mạnh.

Thấy được khuynh hướng này, UBND huyện Chợ Mới đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn để có thể tiêu thụ được nhiều thị trường.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, các DN tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường công tác mời gọi đầu tư, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị của các loại cây ăn trái như: xoài, mít, sầu riêng…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Bộ Công Thương: Doanh nghiệp hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ xuất khẩu chính ngạch

Nguồn tin:  Công Thương

Để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây nên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và phía đối tác Trung Quốc có khả năng nhận hàng.

DN cũng cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Bộ Công Thương khuyến cáo DN hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ xuất khẩu chính ngạch

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu (XK) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày 13/2, Bộ Công Thương đã có hàng loạt công văn gửi các đơn vị chức năng. Cụ thể, Bộ Công Thương có công văn số 0135/XNK-NS gửi Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị phối hợp rà soát, đánh giá lại tình hình và chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cả nước có kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đối với các loại nông sản trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới như thanh long, dưa hấu, có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản xuất, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này. Đối với diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn.

Bộ Công Thương cũng đồng thời có công văn số 0136/XNK-NS đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ logistics (đặc biệt là DN có kho lạnh) hỗ trợ DN kinh doanh nông thủy sản và trái cây thông qua việc ưu tiên bảo quản các loại trái cây đang gặp khó khăn khi XK sang Trung Quốc, đồng thời trong khả năng của mình giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, vận chuyển, bốc xếp...

Các hiệp hội, ngành hàng nông lâm thủy sản được đề nghị thường xuyên theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất nhập khẩu nông thủy sản và các khuyến cáo của Bộ Công Thương để kịp thời thông tin tới các hội viên nhằm chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, xuất khẩu hàng hóa, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất kinh doanh như thời gian qua.

Ngoài ra, ngay 12/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 223/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Trong đó yêu cầu Bộ Y tế: “Khẩn trương chủ trì, thống nhất với các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Công Thương, UBND các tỉnh có đường biên giới và cơ quan liên quan xây dựng quy trình kiểm dịch y tế, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phương tiện để áp dụng tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên nguyên tắc tạo thuận lợi, đẩy nhanh hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng dịch bệnh”. Bộ Công Thương cũng đề nghị Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) sớm có hướng dẫn quy trình nêu trên và truyền thông rộng rãi để các tổ chức, cá nhân liên quan biết và áp dụng thực hiện.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thị trường XK mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, trái cây trong giai đoạn hiện nay.

Bảo Ngọc

Cà Mau: Chuối già Nam Mỹ xuất khẩu bình thường

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Nhiều mặt hàng trái cây tươi như dưa hấu, thanh long… xuất khẩu qua đường tiểu ngạch giảm giá thê thảm, do ảnh hưởng của Covid-19. Thế nhưng, chuối già Nam Mỹ xuất khẩu theo đường chính ngạch thì giá bán và số lượng xuất đi không bị ảnh hưởng.

Hộ ông Châu Quốc Khải (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) có diện tích trên 200 ha, là một trong số ít những chủ vườn chuối ở địa bàn tỉnh xuất khẩu theo con đường chính ngạch sang Trung Quốc và một số nước khác. Trước tình hình Covid-19 bùng phát, việc xuất khẩu của ông Khải dường như không bị ảnh hưởng về giá cả và số lượng chuối tiêu thụ. Trong khi đó, chuối già Nam Mỹ của nhiều chủ vườn ở Cà Mau xuất tiểu ngạch thông qua các cửa khẩu phía Bắc giáp ranh biên giới Việt - Trung bị ùn ứ nặng.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, ông Khải tuân thủ khá nhiều quy chuẩn của đối tác trong khâu chăm sóc, sơ chế và vận chuyển chuối.

Theo ông Khải, chuối vườn nhà ông được xuất thẳng vào các siêu thị lớn của Trung Quốc. Giá hiện tại khoảng 10 ngàn đồng/kg, cao hơn gấp 2-3 lần so với giá bán ở thị trường Việt Nam. Trái lại, chuối của nhiều chủ vườn xuất khẩu tiểu ngạch hiện không xuất bán được, giá giảm mức kỷ lục từ 10 ngàn đồng/kg còn 2-3 ngàn đồng/kg vẫn khó bán, khiến người trồng chuối gặp khó.

Theo Sở Công thương Cà Mau, việc tuân thủ quy chuẩn của đối tác nước ngoài trong sản xuất và xuất khẩu chuối chính ngạch là cần thiết đối với nhà vườn. Điều này giúp sản phẩm đầu ra của nông dân được bao tiêu tốt, ít bị rủi ro hay biến động giá. Đồng thời, chỉ có xuất khẩu bằng con đường chính ngạch thì chúng ta mới có hy vọng đưa các mặt hàng vào thị trường này ổn định, bền vững. Ngược lại, nếu cứ xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở thì vẫn tiếp tục bị ách tắc, ùn ứ./.

Chuối sau khi thu hoạch được cắt nải, rửa sạch.

Sản phẩm đầu ra được bao tiêu tốt, ít bị biến động giá.

Mỹ Mỹ

Mỗi ngày xuất 50 tấn thanh long bằng đường biển

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã chủ động xuất nông sản qua Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á bằng đường biển. Trung bình mỗi ngày xuất được khoảng hơn 50 tấn, nếu tính từ trước Tết Nguyên đán 2020 đến nay, hiệp hội đã xuất hơn 1.000 tấn thanh long.

Ngày 13-2, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho biết việc xuất khẩu thanh long qua thị trường Trung Quốc bằng đường bộ gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh; trong đó có thời gian dài không xuất được nên thanh long bị ùn ứ, giá xuống rất thấp, khiến hàng loạt hộ nông dân gặp khó.

Trước tình cảnh này, Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An đã chủ động xuất nông sản qua Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á bằng đường biển. Trung bình mỗi ngày xuất được khoảng hơn 50 tấn, nếu tính từ trước Tết Nguyên đán 2020 đến nay, hiệp hội đã xuất hơn 1.000 tấn thanh long.

Cũng theo ông Trịnh, nếu như trước Tết Canh Tý 2020, giá thanh long ruột đỏ thương lái chỉ mua có 5.000 đồng/kg, nay tăng lên 12.000 - 15.000 đồng/kg. Sau khi vận chuyển bằng đường biển sang Trung Quốc và một số nước (phần nhiều qua cảng Cát Lái), thương lái đem hàng bán trực tiếp tại các chợ hoặc các trung tâm thương mại của nước sở tại, với giá 40.000 - 42.000 đồng/kg.

Nhờ giá có lời nên lượng xuất khẩu bằng đường biển có tăng hơn trong mấy ngày qua. Đây cũng là một hướng mở tốt để “giải cứu” thanh long đang bị ùn ứ hiện nay.

KIẾN VĂN

Không xuất chuối được sang TQ, thương lái ‘tìm đường’ sang Thái Lan

Nguồn tin: VOV

Mặc dù không xuất khẩu chuối qua Trung Quốc nhưng một số thương lái Quảng Trị vẫn mua chuối của người dân để xuất bán sang Thái Lan và trong nước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các tư thương tạm ngưng xuất khẩu chuối qua thị trường Trung Quốc. Tuy không xuất khẩu chuối qua Trung Quốc nhưng một số thương lái vẫn mua chuối của người dân với mức giá ổn định để xuất bán ra thị trường Thái Lan và trong nước.

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị trồng hơn 3.800ha chuối. Dịp Tết Canh Tý vừa qua, chuối Hướng Hóa chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Thái Lan và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 (nCoV), việc xuất khẩu chuối sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế bị ngưng trệ.

Thương lái mua chuối của người dân để bán sang Thái Lan.

Chị Trương Thị Chi, tiểu thương tại chợ chuối Tân Long, huyện Hướng Hóa cho biết, tuy không xuất khẩu chuối qua Trung Quốc nhưng các thương lái vẫn mua chuối của người dân với mức giá ổn định từ 4.000- 5.000 đồng/kg để xuất bán ra thị trường Thái Lan và trong nước.

“Từ sau Tết đến nay, vẫn chưa xuất khẩu được chuối sang Trung Quốc, chỉ đóng hàng đưa đi Thái Lan. Giá cả sau Tết cũng bình thường, trong Tết thì giá chuối có đắt hơn. Chuối sang Thái Lan cũng bán được giá cao, 1kg giá 5.000 đồng, còn lại đóng để đưa đi Huế, Đà Nẵng… Mỗi ngày mua khoảng 7 tạ đến 1 tấn, người mua đặt chừng nào thì mình thu mua chừng đó”, chị Chi chia sẻ.

Ông Võ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho hay, mỗi năm, người trồng chuối ở xã Tân Long thu hoạch khoảng 1.900ha chuối, giúp người dân địa phương nâng cao đời sống.

“Hiện nay, tại thị trường Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đến việc thu mua chuối tại địa bàn. Trong tương lai, nếu dịch bệnh chưa khống chế được thì sẽ ảnh hưởng đến thu mua hàng nông sản trên địa bàn. Địa phương cũng đang tìm các giải pháp, trước mắt đề xuất với các cơ quan ban ngành cấp trên tạo mọi điều kiện cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi cho bà con”, ông Võ Văn Cương nói.

Việc mua chuối của người dân để xuất bán sang thị trường Thái Lan đã kịp thời hỗ trợ người nông dân trong thời điểm khó khăn hiện nay. Các cơ sở chế biến cũng mua chuối với số lượng lớn giải quyết được đầu ra cho bà con.

Người dân Quảng Trị chở chuối đi bán.

Chị Trần Thị Hoài Nhung, chủ cơ sở chế biến chuối sấy khô ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, các cơ sở chế biến chuối trên địa bàn là địa chỉ tin cậy giúp người nông dân yên tâm sản xuất: “Sản lượng chuối tươi thu mua vào và sản lượng chuối sấy khô xuất ra có mức tiêu thụ tạm ổn định. 2 năm trước sản phẩm mới làm ra nhiều người còn chưa biết đến, năm vừa rồi địa phương hỗ trợ tem, nhãn mác thương hiệu thì nhiều nơi cũng đã biết đến”.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Các doanh nghiệp, tiểu thương, người sản xuất hàng nông sản không nên quá trông chờ vào một thị trường nào.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Trị cho biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp ở Quảng Trị đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan 120 tấn chuối. Ngành Công Thương tỉnh này đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các nhà phân phối hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Địa phương cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Mặt hàng chuối tươi cũng gặp nhiều khó khăn như các mặt hàng rau quả trên toàn quốc. Sở Công Thương đang hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp để xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Thái Lan. Hiện nay, sở Công Thương đang theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường trong thời gian dịch bệnh này để tham mưu cho UBND tỉnh có phương án điều hành để bình ổn thị trường khi cần thiết”, ông Nguyễn Hữu Hưng cho hay./.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Sử dụng thảm cỏ bảo vệ cây chanh trước hạn, mặn

Nguồn tin: Báo Long An

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới vào trồng và chăm sóc cây chanh. Mặc dù năm nay, thời tiết bất thường, hạn, mặn xâm nhập sớm và khốc liệt, thế nhưng, vườn chanh 50ha của HTX vẫn xanh tốt và ra trái sum suê.

Trên kênh Xáng Lớn, độ mặn tăng cao xâm nhập sâu vào nội đồng

Giám đốc HTX - Trần Duy Thuận chia sẻ: “Sau nhiều năm rút kinh nghiệm đối phó với hạn mặn ở khu vực xã Lương Hòa, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng thảm cỏ để bảo vệ cây chanh trong mùa hạn, mặn là rất hợp lý. Do đó, khi biết thông tin năm nay mặn xâm nhập sớm nên Ban Giám đốc HTX chỉ đạo thành viên giữ cỏ lại từ tháng 8/2019 để đối phó với hạn, mặn. Đến nay, phương pháp này cho thấy sự hiệu quả”.

Hiện vườn chanh của HTX vẫn xanh tươi, trong khi các kênh, rạch xung quanh khô hạn; nước mặn (độ mặn đo ngày 10/2 kênh Xáng Lớn là 3,9g/l) xâm nhập sâu vào các kênh nội đồng.

Vườn chanh của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức vẫn xanh tười, trĩu quả nhờ sử dụng cỏ chống hạn, mặn

Sở dĩ HTX làm được điều này là do có sự chuẩn bị từ trước một cách đồng bộ khi quy hoạch vườn chanh. Theo đó, HTX xây dựng bờ bao xung quanh vườn để ngăn mặn, đồng thời thiết kế khoảng cách giữa các liếp chanh khá rộng, đủ để sử dụng toàn bộ máy móc trong việc phun thuốc, thu hoạch và chăm sóc cho cây chanh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào từng gốc chanh.

Phần đất dưới gốc chanh vẫn giữ độ ẩm khá tốt trong khi thời tiết bên ngoài khô hạn và nắng nóng

Ông Thuận chia sẻ: “Các lớp cỏ xung quanh gốc giữ độ ẩm cho cây chanh trong những tháng hạn, mặn rất tốt. HTX không phun thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng máy cắt cỏ lớp trên (vẫn giữ gốc), do đó, khi nắng hạn, cỏ vẫn sống và bảo vệ gốc chanh. Phân thuốc được hòa chung vào nước để bơm cho từng gốc chanh”.

Máy phun thuốc, tưới phân do hợp tác xã tự chế tạo

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng chanh và cơ giới hóa sản xuất nên HTX sử dụng rất ít nhân công, qua đó, tiết kiệm rất nhiều chi phí.

Ông Phùng Văn Hội, một hộ nông dân trồng 3ha chanh gần vườn chanh của HTX, cho biết: “Tôi thấy phương pháp giữ cỏ bảo vệ cây chanh trước hạn, mặn của HTX rất hiệu quả nên đang áp dụng cho vườn chanh của gia đình”. Được biết, ông Phùng Văn Hội cũng đang làm đơn xin gia nhập HTX .

Chanh đang cho trái trong mùa khô hạn

Đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức có trụ sở khang trang ven ĐT830. HTX đang xây dựng kho chứa chanh và phòng đông lạnh để bảo đảm chất lượng cho trái chanh trước khi xuất khẩu.

Ông Thuận phấn khởi: “Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng trụ sở HTX thành nơi để nông dân, doanh nghiệp thảo luận các giải pháp về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”./.

Lâm Đỗ

Tây Ninh: Cả tỉnh còn hơn 28 ngàn ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Tây Ninh, tính đến ngày 7.2, diện tích mì trong tỉnh hiện còn trên đồng là 35.827 ha; trong đó diện tích nhiễm bệnh khảm lá là 28.372 ha.

Cụ thể, vụ Hè thu 2019 toàn tỉnh sản xuất 7.361 ha mì, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá còn trên đồng là 4.010,50 ha, lũy kế diện tích đã thu hoạch 2.923,2 ha. Vụ Mùa 2019 xuống giống 7.329,2 ha, diện tích bị nhiễm bệnh 6.788 ha. Riêng vụ Đông xuân 2019 – 2020, toàn tỉnh xuống giống 24.060 ha, trong đó diện tích mì nhiễm bệnh là 17.573,5 ha.

Một diện tích mì xuống giống vụ Đông xuân bị nhiễm bệnh khảm lá tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, do công tác thông tin tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người sản xuất. Từ đó đã có nhiều hộ dân sử dụng nguồn giống mì sạch bệnh để trồng, diện tích xuống giống HLS-11 đã giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước (vụ Đông xuân giảm 50%, vụ Hè thu 2019 giảm 78%).

Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường thông tin vận động người dân tiêu hủy toàn bộ cây hoặc tàn dư cây sau thu hoạch, không sử dụng cây mì bệnh để làm giống; sử dụng tài liệu “Quy trình tạm thời phòng trừ bệnh khảm lá cây khoai mì” và clip “Bệnh khảm lá – cách nhận biết và phòng trị” làm tài liệu thông tin hướng dẫn rộng rãi đến người dân để nâng cao nhận thức về bệnh khảm lá. Đồng thời cập nhật diện tích xuống giống, diện tích nhiễm và tỷ lệ nhiễm bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

Thế Nhân

Năm 2020, Hà Nội phát triển 300ha rau ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Theo Sở NN& PTNT Hà Nội, trong năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 34.000-35.000ha rau được sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó, diện tích được cấp giấy chứng nhận rau an toàn đạt 5.000-7000ha.

Ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất rau hữu cơ với diện tích hơn 100ha tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất... Các mô hình thí điểm sản xuất rau an toàn theo chuỗi thí điểm áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia PGS (là hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ).

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh phát triển diện tích rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao với hơn 300ha trong năm 2020. Các loại rau ứng dụng công nghệ cao và rau sản xuất theo phương pháp hữu cơ đều là những sản phẩm có thương hiệu, tạo uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài thành phố Hà Nội…

ĐỖ MINH

Trồng khổ qua xen mía thu nhập 15 triệu đồng/công

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vụ mía này, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) có hơn 1.000ha rẫy dây trồng xen với mía, trong đó có khoảng 400ha trồng khổ qua, năng suất 2 tấn/công. Hiện khổ qua được thương lái thu mua với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 4.000 đồng/kg. Với giá bán và năng suất này, trừ hết chi phí, người trồng khổ qua xen mía có thu nhập 15 triệu đồng/công.

Giá khổ qua tăng mạnh, giúp nhà vườn trồng khổ qua đạt lợi nhuận rất cao.

Bà Lê Thị Xoàn, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết trồng khổ qua xen mía là cách làm truyền thống của người dân nơi đây. Bởi cây mía 2-3 tháng đầu còn nhỏ, tận dụng đầu mỗi hàng mía người dân thường trồng thêm khổ qua để tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác. Năm nay, khổ qua trúng giá nên một công khổ qua trồng xen cho thu nhập cao gấp 3 lần so với mía vụ vừa rồi.

Tin, ảnh: D.KHÁNH - V.MINH

Rau, củ Đà Lạt biến động mạnh

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Do đặc điểm vùng chuyên canh rau, củ và biến động thị trường tiêu thụ, giá bán đối với một số loại rau, củ phổ biến tại Đà Lạt đang có biến động mạnh.

Giá hành tây người dân trồng tại TP Đà Lạt hiện cung không đủ cầu khiến giá tăng mạnh

Theo ghi nhận, ngày 13/2 nhà vườn tại Đà Lạt bán rau xà lách và cô rôn với giá từ 32.000-34.000 đồng/kg; súp lơ xanh 35.000 đồng/kg… trong khi trước Tết Canh Tý nhiều nông hộ không tiêu thụ được phải nhổ bỏ rau già cho bò ăn hoặc cày làm phân xanh. Mặt hàng đậu leo từ 9.000 đồng/kg cũng đã tăng lên 20.000 đồng/kg, sú tim, cải thảo cũng tăng từ 1.500 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg. Tiểu thương Lê Thị Lê Thu (ngụ Phường 7, TP Đà Lạt) cho hay, giá rau Đà Lạt đã tăng một phần lớn do nhu cầu tiêu thụ ở TP HCM và các tỉnh tăng cao. Trong khi đó, diện tích canh tác rau xà lách, súp lơ, sú tím… giảm so với năm 2019.

Tương tự, hành tây Đà Lạt tăng 7.000 đồng lên từ 14.000-17.000 đồng/kg; khoai tây Đà Lạt từ 12.000 đồng tăng lên 17.000 đồng/kg nhưng hút hàng. Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Thảo Nguyên cho biết, lượng nông sản của công ty đưa ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tăng 40% so với bình thường. Theo ông Sơn, dịp trước Tết Canh Tý phía Bắc có mưa đá làm nhiều diện tích rau bị hư hại; còn hành tây, khoai tây nguồn hàng từ Trung Quốc đang tạm dừng nhập nên họ phải nhập hàng từ Đà Lạt.

Ngược lại ở thời điểm này, người dân trồng ớt ngọt ở xã Xuân Trường và Trạm Hành (Đà Lạt) đang rầu rĩ vì giá ớt ngọt bán tại vườn đột ngột giảm sâu, từ 30.000 đồng/kg dịp tết, nay chỉ còn 8.000 đến 10.000 đồng/kg nhưng sức tiêu thụ chậm. Cá biệt, có hộ trồng ớt ở xã Trạm Hành đã phải hái vứt bỏ để nuôi cây vì giá quá rẻ và khó bán. Về nguyên nhân, theo bà con nông dân, từ khi có thông tin đóng cửa khẩu xuất hàng qua Trung Quốc thì giá ớt ngọt và cà chua giảm sâu và bán không được.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau, củ của tỉnh Lâm Đồng đạt 42 triệu đô la. Các mặt hàng nói trên xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều, chủ yếu xuất đi các nước Đông Bắc Á, châu Âu. Vì vậy, tình hình dịch bệnh không ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu nông sản của địa phương.

C.PHONG

Thu nhập khá từ nuôi gà tre

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tuy mới nuôi gà tre nhưng anh Đỗ Đức Tuấn (SN 1982, ngụ ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) đã có thu nhập khá. Nuôi thử nghiệm 2.000 con gà tre, sau 4 tháng chăm sóc, anh xuất bán và thu lãi gần 100 triệu đồng.

Trước đây, anh Tuấn chuyên nhận nuôi heo thương phẩm cho các công ty. Mỗi năm, anh xuất khoảng 150 tấn heo, thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Đến giữa năm 2019, bệnh dịch tả heo châu Phi hoành hành, gia đình anh phải tiêu hủy đàn heo và tạm ngưng nuôi.

Anh Đỗ Đức Tuấn vừa xuất bán 2.000 con gà tre với giá 90 ngàn đồng/kg

Qua học hỏi kinh nghiệm những mô hình chăn nuôi hiệu quả và khảo sát thị trường, anh nhận thấy nhu cầu tiêu thụ gà tre thương phẩm trên thị trường khá lớn nên đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại trên vườn cao su của ba mẹ. Anh về tỉnh Đồng Nai tìm hiểu và đặt mua 2.000 con gà tre giống với giá 11 ngàn đồng/con. Anh cho biết, gà tre phải có bộ lông mượt, nhanh nhẹn, mỏ khép kín, chân bóng, bụng thon, rốn kín... mới đảm bảo sinh trưởng. Trước khi đưa gà về úm thì chuồng nuôi và dụng cụ chăn nuôi phải được khử trùng trước từ 5-7 ngày và chuẩn bị đầy đủ thức ăn, thuốc thú y cần thiết. Chuồng nuôi bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, không bị gió lùa, nền chuồng cao ráo, sạch sẽ...

Trong quá trình nuôi, anh luôn tìm hiểu, học hỏi qua sách, báo, tài liệu, tivi... để biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho gà tre. Anh Tuấn vui vẻ nói: “Gà tre bình quân khoảng gần 1kg/con. Thức ăn của gà tre rất dễ tìm nên khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó, chủ yếu là: Rau, củ, lúa, gạo, đậu, bắp, lá cây, cỏ các loại... Gà tre ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp; khi được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ, hợp vệ sinh... gà rất mau lớn”. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 1kg/con. Anh vừa xuất bán 2.000 con gà tre, với giá 90 ngàn đồng/kg, thu lãi gần 100 triệu đồng. Tới đây, anh sẽ mở rộng chuồng trại, đầu tư khoảng 4.000 con gà về nuôi và tiếp tục đầu tư tái đàn heo.

Bà Đào Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập cho biết: Nuôi gà tre rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Bình Phước. Người nông dân chỉ cần sử dụng khu đất trống, dưới vườn điều, cao su, cây ăn trái..., chuồng trại bảo đảm thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông là gà phát triển tốt, thịt thơm ngon. Đặc biệt, gà tre có sức đề kháng cao, chất lượng thịt tốt, giá cả và nhu cầu thị trường ổn định. Gà tre đang là vật nuôi tiềm năng, giúp nông dân cải thiện kinh tế.

Khắc Bảy

Kiểm soát chặt giao dịch gia cầm trước nguy cơ dịch bệnh cúm A

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Đây là yêu cầu của Ban Chỉ đạo 389 trước tình hình dịch bệnh cúm A (H5N1) từ Trung Quốc có thể xâm nhiễm Việt Nam và nguy cơ bùng phát sinh dịch bệnh trên gia cầm có thể lây lan sang người trong thời gian tới.

Nhằm triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả Công văn số 167/TTg-NN ngày 5/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và người; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) các bộ, ngành, tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ đồng bộ.

Quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị cần chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch theo dõi, nắm chắc tình hình dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và người trên địa bàn phụ trách; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, sông, suối... trên biên giới, nhất là tại địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc chưa qua kiểm dịch theo qui định...

Các đơn vị cần chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân biết tác hại và chủ động tham gia phòng, chống dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và trên người; không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm...; chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp để chủ động phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả dịch cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm và trên người.

Cần công khai số điện thoại Đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân, quần chúng nhân dân biết để cung cấp thông tin liên quan các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm.

Ban Chỉ đạo 389 các đơn vị cần phối hợp với các cơ quan quản lý tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm... của các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có biên giới, cửa khẩu.

Anh Minh

Kêu gọi người tiêu dùng ‘giải cứu’ gia cầm vì rớt giá quá thấp

Nguồn tin: Công Thương

Không chỉ có thanh long, dưa hấu, thịt và trứng gia cầm hiện đang rớt gá mạnh, nhiều cơ quan, doanh nghiệp kêu gọi người tiêu dùng tăng tiêu thụ để giảm bớt khó khăn.

Sáng ngày 13/2, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh phát đi thông báo kêu gọi đoàn viên công đoàn, công nhân viên lao động, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản (dưa hấu, thanh long) và sản phẩm gia cầm (trứng, thịt) để giảm bớt khó khăn với người trồng tỉa, chăn nuôi.

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh - cho biết, dịch cúm Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận công nhân viên chức, người lao động, nhất là trong các ngành sản xuất, chế biến lượng thực, thực phẩm. Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh đề nghị công đoàn viên, người lao động, cán bộ công nhân viên trên địa bàn thành phố tăng cường sử dụng các nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe vào lúc giữa ca cho người lao động như thịt, cá, trứng, trái cây để tăng sức khỏe và hỗ trợ nhà sản xuất.

Hưởng ứng công văn kêu gọi của Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, Công đoàn khối Doanh nghiệp thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh đã phát động triển khai đến các công đoàn cơ sở. Ngay sau khi phát đi thông báo, đã có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hưởng ứng đặt mua trứng gà của Công ty Ba Huân với giá 12.000 đồng/vỉ (loại 10 trứng/vỉ), bằng phân nửa giá ngoài thị trường.

Trứng gia cầm đang bị tồn kho và khó tiêu thụ do dịch cúm tác động và sức mua giảm

Do ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm, dịch cúm Covid -19 và do sau kỳ nghỉ Tết tình hình tiêu thụ giảm, thịt gà và trứng gà giảm giá mạnh là tiếp tục khó tiêu thụ. Tại các trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện giá gia cầm (gà, vịt) giảm liên tục kể từ sau Tết đến nay. Tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thời điểm trước Tết, giá gà công nghiệp lông trắng 25.000-26.000 đồng/kg, loại gà 2-2,5 kg/con. Hiện nay giá đã giảm xuống còn 12.000-13.000 đồng/kg, mức giảm tới 50% trong thời gian chưa đến một tháng và thấp nhất so với hàng chục năm gần đây. Đối với loại gà công nghiệp loại từ 3 - 4 kg/con, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg. Tương tự, gà thả vườn (gà lông màu) hồi trước Tết Nguyên đán giá bán 55.000 - 65.000 đồng/kg, hiện chỉ đạt 25.000 đồng/kg. Loại gà tam hoàng trước Tết 50.000-60.000 đồng/kg, hiện chỉ bán 17.000 đồng/kg.

Giá gà xuống dốc, giá vịt cũng giảm theo và khó tiêu thụ. Tại Bình Dương, Đồng Nai, giá vịt 18.000 đồng/kg, trong khi trước Tết là 45.000-50.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ trại chăn nuôi gà ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết, giá gà bán ra hiện nay chỉ bằng phân nửa giá thành chăn nuôi, khiến cho người nuôi lỗ nặng. Nguyên nhân giá gia cầm lao dốc như hiện nay do sức mua trên thị trường thấp và dịch cúm gia cầm, cùng với dịch cúm Covid -19 tác động. Bà Hà Thi Minh, chủ trại chăn nuôi gà vịt ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, giá gà vịt giảm sâu là do nhiều bếp ăn tập thể ở trường học và công ty ngừng hoạt động.

Giá gia cầm hiện giảm sâu không chỉ do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thấp, dịch cúm Covid -19 tác động mà còn ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 đã xuất hiện ở một số địa phương. Theo Cục thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 8 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 xuất hiện tại bốn tỉnh thành phố gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội và Quảng Ninh, đồng thời một lượng lớn gia cầm đã được tiêu hủy. Như vậy, ngành chăn nuôi gia cầm hiện đang lâm vào cảnh có nhiều yếu tố bất lợi đến tình hình chăn nuôi lẫn tiêu thụ. Vì thế sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tăng cường sử dụng các loại thực phẩm từ gia cầm là một cách để góp phần giải tỏa bớt khó khăn với người chăn nuôi và khơi thông thị trường.

Trần Thế

Bến Tre: Nâng cao hiệu quả Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Theo bà Trần Thị Tuyết Anh - cán bộ Dự án Phát triển đàn bò sửa tỉnh Bến Tre, đến nay, tổng đàn bò sữa trong vùng dự án là 2.175 con, tăng 648 con so với năm 2018. Trong đó, đàn bò F2 được cấp phát trong dự án là 760 con, gieo tinh nhân tạo là 1.415 con. Hiện có 94 hộ đăng ký bán sữa cho Công ty Vinamilk, bình quân 12 con/hộ. Với 650 con bò sữa đang khai thác sữa (30% tổng đàn), năng suất bình quân 12kg/con/ngày, sản xuất bình quân mỗi ngày 7,8 tấn, tăng 4,8 tấn so với năm 2018.

Các chuyên gia Hà Lan khảo sát hiệu quả dự án.

Hỗ trợ người nuôi

Dự án tiếp tục kết nối Công ty Vinamilk hỗ trợ hoạt động thu mua sữa của hộ tham gia: hỗ trợ hộ lập “thẻ xanh” bán sữa, giấy xác nhận tiêm phòng, xử lý các trở ngại phát sinh. Dự án kết nối công ty sữa tại Long An, bán sản phẩm sữa (không đạt bán cho Công ty Vinamilk) theo hình thức bán dùm cho hộ, góp phần giải quyết tồn đọng. Trong năm 2019, dự án tiếp tục hỗ trợ 10 mô hình chuồng trại, nâng tổng số mô hình đã hỗ trợ là 228 mô hình; 18 mô hình máy vắt sữa, nâng tổng số 95 mô hình; 5 mô hình máy băm cỏ, nâng tổng số 40 mô hình.

Tiếp tục hỗ trợ tinh phối giống bò nền, đàn bò sữa F1, F2. Đến nay, tổng số bò đã phối giống bò sữa là 2.607 con (1.303 bò nền, 965 bò F2, 88 bò F1) với 5.038 cọng tinh được sử dụng. Tình hình sức khỏe đàn bò sữa ổn định. Dự án tiêm phòng 100% vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng đàn bò sữa định kỳ hàng năm. Dự án liên tục kết nối các công ty kỹ thuật bên ngoài tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ như: tư vấn dinh dưỡng bò sữa, kiểm tra thể trạng bò sữa, gọt móng bò, triển khai thức ăn TMR vào sử dụng cho bò sữa đối với những hộ nuôi thiếu cỏ trong mùa khô.

Dự án phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tổ chức 1 lớp tập huấn cho 100 nông dân về Luật HTX. Phối hợp với Công ty CJ tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật gọt móng bò cho đội ngũ kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức đưa đội ngũ kỹ thuật đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ 7 ngày tại Trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh, Trại bò sữa Củ Chi. Phối hợp với Công ty Vinamilk, Công ty CJ, Công ty Nanovet, Công ty Bayer tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ thuật cải thiện dinh dưỡng, thể trạng bò sữa; điều trị viêm vú, viêm móng, viêm khớp giúp hộ nuôi nâng cao năng suất sữa, cải thiện chất lượng sữa. Tính đến nay, dự án đã tổ chức 647 lớp tập huấn, trong đó tập huấn chuyên đề Heifer là 367 lớp, các chuyên đề kỹ thuật 280 lớp. Dự án đã tổ chức 2 đợt học tập kinh nghiệm tại trại bò sữa Hà Nam và Trại bò sữa Long An.

Thành lập Hợp tác xã bò sữa

Dự án tham dự Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát tồn dư Aflatoxin trong sản xuất sữa tươi nguyên liệu tại Hà Nội”. Qua hội thảo, các địa phương đã tạo điều kiện cho nông dân nâng quy mô ít nhất 10 con/hộ, đảm bảo cân bằng giữa số lượng bò sữa với diện tích trồng cây thức ăn cho bò sữa. Làm tốt công tác tuyên truyền để nông dân ký kết hợp đồng với các công ty thu mua sữa ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi và đảm bảo thu mua hết sữa cho dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ cho nông hộ. Dự án đã tổ chức thành lập HTX bò sữa Bến Tre với 105 thành viên, vốn điều lệ 250 triệu đồng.

Đến cuối năm 2019, tổng số thành viên đăng ký tham gia HTX là 110 thành viên, có 70 xã viên hoàn thành vốn góp, với tổng số tiền là 192 triệu đồng, đạt 77% tổng vốn theo kế hoạch và đạt 67% thành viên góp vốn. HTX triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh như cung cấp dịch vụ, thức ăn, các sản phẩm thú y trên bò sữa cho hộ tham gia, có 85 mặt hàng sản phẩm thú ý, thức ăn cung cấp các loại; giá bán cho xã viên thấp hơn giá thị trường bên ngoài từ 3 - 5%. Doanh thu đạt 654,247 triệu đồng, lợi nhuận đạt 21,51 triệu đồng.

Ngoài ra, dự án đã có 39 hộ chuyển giao 55 bò cho 40 hộ nuôi. Ban Quản lý (BQL) dự án tiếp tục thu hồi nguồn vốn hỗ trợ cho hộ để tiếp tục chuyển giao cho hộ mới tham gia. Năm 2019, BQL phối hợp với Tổ chức Heifer Việt Nam thực hiện đánh giá cuối kỳ dự án, thực hiện kiểm toán hàng năm theo quy định. Đến tháng 6-2019, BQL dự án đã nhận đủ 100% cam kết đầu tư cho dự án từ Heifer Việt Nam và Ngân sách tỉnh cấp. Tiến độ giải ngân đến hết tháng cuối năm 2019 đạt 93%. Nguồn tiền thu hồi trong dự án đến nay là 917 triệu đồng.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc BQL dự án, mô hình chăn nuôi bò sữa đã cải thiện thu nhập hộ tham gia, chuỗi sản xuất kết nối bền vững từ đầu vào và thị trường tiêu thụ, là mô hình sản xuất được khuyến cáo nhân rộng trong hoạt động chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hoạt động kinh tế hợp tác thông qua hoạt động của HTX bò sữa Bến Tre bước đầu đã chứng minh được hiệu quả mang lại cho xã viên. Sắp tới, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hộ tham gia dự án để đảm bảo đàn bò sữa phát triển tốt về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Mở rộng dự án sang các địa phương khác có đủ điều kiện nuôi bò sữa để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà; đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ tăng quy mô đàn. Xây dựng trang trại bò sữa với quy mô từ 35 con trở lên. Hỗ trợ HTX bò sữa phát triển mạnh, bền vững, hoạt động có hiệu quả.

Trong năm 2019, sản lượng sữa bán cho Trạm trung chuyển sữa tươi Ba Tri - Bến Tre trung bình 5,9 tấn/ngày, tăng 3,75 tấn so với năm 2018, giá bình quân 13.253 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Tổng lượng sữa sản xuất đến nay là 2.972 tấn, gồm sản lượng bán cho trạm sữa là 1.925 tấn, số còn lại người nuôi bán ra bên ngoài và nuôi bê.

Bài, ảnh: Hương Thu

Hiếu Giang tổng hợp 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop