Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 03 năm 2021

Vải thiều Lục Ngạn - sản phẩm đầu tiên của VN được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với Vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.

Vải thiều Lục Ngạn được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Trịnh Lan

Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Trước đó, vải thiều cũng đã bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới. Với việc được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác. Được biết, toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 15 nghìn ha vải thiều, tập trung tại các xã như: Hồng Giang, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn… Trong đó, nhiều diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP,VietGAP, hữu cơ giúp sản phẩm vừa có mã đẹp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, vải ra hoa đạt tỷ lệ hơn 90%, sinh trưởng phát triển tốt, người dân đang tập trung các biện pháp chăm sóc để vải đậu quả.

Vải thiều Lục Ngạn ra hoa đạt tỷ lệ hơn 90%.

Ảnh: Thế Đại

Năm nay, đối với thị trường Nhật Bản, Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo sản xuất 19 mã số vùng trồng đã được cấp năm 2020; đồng thời rà soát mở rộng thêm một số vùng, nâng tổng diện tích vùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 130 ha. Hiện, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đang đánh giá, thẩm định để cấp mã số vùng trong thời gian tới.

Trịnh Lan

Ninh Thuận: Hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm nước ở xã miền núi Phước Thành

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Xã Phước Thành (Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) thường chịu nhiều tác động của hạn hán, phần lớn diện tích đất canh tác dựa vào nước mưa là chính.

Ngoài những cây truyền thống như: Bắp, đậu, chuối... vài năm gần đây người dân địa phương đưa vào trồng các loại cây ăn trái như: Bưởi da xanh, đu đủ, xoài Đài Loan, xoài Úc, mảng cầu... và áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống phun mưa và dẫn nước tự chảy từ trên núi xuống để tưới cho cây trồng. Nhờ đó, mặc dù bước vào mùa khô, nhưng những vườn cây ăn trái của các nông hộ vẫn phát triển tốt và cho thu nhập cao.

Mặc dù bước vào đầu mùa khô, nhưng vườn cây ăn trái gần 2,5 ha với các giống như: Bưởi da xanh, đu dủ, mảng cầu, điều và xoài Đài Loan trồng trên gò đồi của gia đình ông Đỗ Kim Tùng ở thôn Ma Rớ vẫn phát triển rất tốt. Để có được màu xanh tươi tốt trên nương rẫy, ông Tùng đã bỏ ra trên 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới phun mưa tưới cho cây trồng, nhờ đó giúp các loại cây ăn trái đạt năng suất cao hơn so với cách tưới truyền thống trước đây. Vụ mảng cầu, bưởi và đu đủ vừa qua, gia đình ông đã thu lãi trên 80 triệu đồng nhờ áp dụng mô hình tưới tiết kiệm. Ông Tùng phấn khởi: Trước đây tôi làm theo truyền thống là kéo ống từ dưới suối lên bơm nước cho từng gốc, cực quá nên tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy hiệu quả của hệ thống tưới thông minh, tưới phun mưa nên làm theo. Từ khi áp dụng mô hình đến nay đã được 2 năm, rất hiệu quả, cây cho nhiều trái, giúp kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Vườn bơ của gia đình ông Mai Xuân Vũ ở thôn Ma Rớ phát triển tốt trong mùa hạn nhờ hệ thống tưới tự chảy.

Thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, hiện nay trên địa bàn xã Phước Thành có hơn 7 ha cây ăn trái được nông dân áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước. Thời điểm này, nắng hạn đã bắt đầu diễn ra, nhưng những vườn cây ăn trái của người dân vẫn xanh tốt, cho năng suất cao. Đến thăm vườn cây của gia đình ông Mai Xuân Vũ ở thôn Ma Rớ mới thấy cách làm sáng tạo cùng với tinh thần vượt khó của nông dân thời hiện đại. Để có nguồn nước ổn định tưới cho gần 1 ha các loại cây ăn trái như: Bơ, bưởi da xanh và mảng cầu, ông Vũ đã đầu tư 50 triệu đồng đưa nước từ khe núi tự chảy về tưới cho vườn cây, nhờ đó các loại cây trồng của gia đình ông phát triển rất tốt. Ông Vũ, tâm sự: Mình gắn với nghề nông cũng gần 10 năm trên vùng đất này rồi, ở đây nước sản xuất rất khó khăn do địa hình đồi núi. Chính vì thế mà nảy ra ý tưởng là lấy nước từ trên núi về để tưới cho cây trồng, chỉ có cách này thì sản xuất mới ổn định. Nghĩ là làm, năm 2019 ông đầu tư tiền để mua đường ống dài 1.200m lấy nước từ trên núi về phục vụ sản xuất.

Nhờ những cách làm sáng tạo cùng với tinh thần vượt khó trong sản xuất đã giúp nhiều hộ dân xã Phước Thành có thu nhập cao trong mùa nắng hạn. Đồng chí Chamaléa Tuynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thành, cho biết: Thời gian qua, việc chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày sang các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước trên địa bàn xã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhiều vùng gò đồi trước đây khô cằn giờ đã phủ lên màu xanh tươi tốt của các loại cây ăn trái, qua đó giúp kinh tế của bà con ngày càng phát triển đi lên. Trong thời gian tới, xã sẽ đề xuất với huyện và tỉnh bổ sung nguồn vốn vay để bà con có vốn làm ăn, chuyển đổi cây trồng và áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất, nhằm giúp nâng cao kinh tế gia đình.

Kha Hân

Phước Đông, Gò Dầu (Tây Ninh): Trồng khoai môn sen tím lãi 100.000.000đồng/ha

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Thời gian gần đây, nông dân trên địa bàn xã Phước Đông, huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng mới để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững hơn.

Ông Trần Văn Nhu bên cánh đồng khoai môn sen tím 6 ha của mình.

Gia đình ông Trần Văn Nhu (ngụ ấp Phước Đức A) đầu tư trồng 6 ha khoai môn sen tím (còn gọi là khoai môn cao). Ông Nhu cho biết, môn sen tím dễ trồng, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế khá cao. Sau 6 tháng xuống giống sẽ cho thu hoạch, năng suất từ 15 đến 20 tấn củ/ha. Với giá thương lái thu mua tại vườn là từ 18.000-20.000 đồng/kg như hiện nay, thì sau khi trừ chi phí (gần 100 triệu đồng/ha) ông có lãi gần 100 triệu đồng/ha.

Ông Nhu cho biết thêm, vùng đất ở địa bàn Phước Đông rất thích hợp trồng các loại khoai, đây là một hướng đi mới giúp người nông dân phát triển kinh tế.

Theo bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông, tuy giá trị kinh tế của giống khoai môn sen tím khá cao, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, vì chi phí ban đầu lớn. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho nông dân trên địa bàn chuyển đổi cây trồng từ kém hiệu quả sang các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có khoai môn sen tím.

Trọng Cầu

Tỏi tươi được giá, nông dân Sơn La phấn khởi

Nguồn tin: VOV

Thu mua tại vườn từ 40.000 đ/kg tỏi tươi, sản phẩm không đủ để bán khiến người nông dân vùng trồng tỏi xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La phấn khởi mở rộng diện tích.

Ngoài 2 xã Chiềng Pằn và Chiềng Sàng, Chiềng Đông là xã có diện tích trồng tỏi lớn nhất của huyện Yên Châu. Theo thống kê, toàn xã có hơn 80 ha trồng tỏi, năng suất đạt từ 20 - 25 tấn củ tươi/ha.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng vụ tỏi năm nay lại được mùa, được giá. Tỏi tươi thu mua tại vườn là 40.000đ/kg; tỏi một nhánh (tỏi mồ côi) giá bán trung bình từ 180.000 – 200.000/kg.

Các thương lái đến tận nhà và vườn thu mua tỏi

Tỏi Chiềng Đông được nhiều thương lái đến tận vườn thu mua. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh: Điện Biên, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… Ngoài việc xuất bán tỏi tươi, khô, nhiều HTX trên địa bàn huyện Yên Châu, Phù Yên còn nhập tỏi về làm nguyên liệu sản xuất tỏi đen nhiều nhánh, tỏi đen một nhánh, tỏi tươi ngâm mật ong… góp phần tăng thêm giá trị cho cây tỏi Chiềng Đông.

Tỏi tươi tiếp tục được giá, 40.000đ/kg

Những năm gần đây, cây tỏi là cây trồng chính của vụ đông, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân Sơn La. Mùa trồng tỏi bắt đầu từ tháng 10, sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông, không cần cày xới đất ruộng, người dân dùng cây gỗ vót nhọn đầu để đâm lỗ xuống đất thả tỏi nhánh giống xuống sau đó lấp đất lại. Sau 90 - 110 ngày, cây tỏi cho thu hoạch, thời gian thu hoạch từ cuối tháng 1 đến hết tháng 3 năm sau./.

Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc

Gắn bó với cây điều, người dân sống khỏe

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Với diện tích 137 ngàn ha, điều thuộc nhóm dẫn đầu về cây trồng chủ lực và mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân Bình Phước. Niên vụ 2019-2020, mặc dù giá điều liên tục giảm nhưng nhiều chủ vườn vẫn gắn bó, đầu tư chăm sóc, không ít vườn đạt năng suất 3-4 tấn/ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi, không còn tình trạng sâu bệnh hoành hành nên tỷ lệ điều ra bông, đậu trái cao và cho thu nhiều đợt. Nông dân đang hy vọng vụ điều được mùa, được giá.

Bí quyết trồng điều giỏi

20 năm trồng điều, kinh tế gia đình khấm khá cũng nhờ cây điều nên dù giá cả, mùa vụ có năm được, năm mất nhưng gia đình bà Cấn Thị Ngãi (thôn 9, xã Long Hà, huyện Phú Riềng) vẫn gắn bó với cây trồng này. Hộ bà Ngãi có 6 ha điều, trong đó 4 ha là giống điều ghép BN1 20 năm tuổi cho năng suất bình quân 3-4 tấn/ha, còn lại là giống điều ghép AB mới cho thu hoạch năm thứ 2.

Vườn điều 3,5 ha của gia đình ông Phạm Văn Ánh ở tổ 8, xã Long Bình, huyện Phú Riềng đạt năng suất bình quân 4 tấn/ha. Đây là giống điều địa phương có ưu điểm ra bông sớm, đồng loạt, chống chịu và kháng bệnh cao

Bà Ngãi khẳng định: “Giữ năng suất ổn định qua từng năm đối với vườn điều không đơn giản. Bởi giá cả bấp bênh ảnh hưởng đến quá trình tái đầu tư cho vụ tiếp theo. Mặt khác, cây điều phụ thuộc 80% vào thời tiết nên chỉ dựa vào kinh nghiệm chưa đủ mà phải luôn cập nhật khoa học - kỹ thuật mới để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Kinh nghiệm trồng điều nhiều năm tôi nhận thấy, cây điều sinh trưởng tốt ở nhiệt độ từ 18-320c. Tuy nhiên nhiệt độ tại Bình Phước có ngày lên đến 390c, điều đang trong giai đoạn ra trái non dễ bị khô đen, vì vậy cung cấp chế độ dinh dưỡng, phun thuốc làm mát bông, mát trái ở từng thời điểm rất quan trọng”. 6 ha điều của hộ bà có những cây đang cho thu hoạch nhưng cũng có cây bắt đầu ra bông. Điều này cũng có lợi cho nhà vườn. Bởi vì, các đợt đậu bông đợt sau sẽ giúp nông dân tránh thiệt hại do thời tiết.

Nhìn vườn điều được vệ sinh sạch sẽ, trĩu trái chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới thấy tâm huyết của nhà nông Đàm Văn Thanh (thôn Phú Thành, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng). 4 ha điều là nguồn thu chính của gia đình ông nên đầu tư chăm sóc đúng mức. Nhờ đó, mỗi vụ điều gia đình ông đều bỏ túi khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bí quyết để luôn giữ năng suất bình quân 3-4 tấn/ha của ông Thanh là kinh nghiệm đúc kết qua từng vụ và sự chủ động ứng phó với biến đổi của thời tiết. Đơn cử như vụ điều 2019-2020, hầu hết vườn điều trên địa bàn xã bị giảm năng suất do lượng bông không đồng đều. Nhưng nhờ biết chăm sóc cộng thêm sử dụng thuốc, bón phân đúng cách nên vườn điều của gia đình ông Thanh luôn đạt năng suất từ 3,5-4 tấn/ha. Những ngày này, vườn điều nhà ông Thanh đang cho thu 1,5 tạ/ngày. Với giá điều đầu vụ 27-29 ngàn đồng/kg, theo ông Thanh đây là mức nông dân có thể sống được với cây điều.

Hai nhà nông trồng điều giỏi: Đàm Văn Thanh, Nguyễn Quang Hóa, cùng ở thôn Phú Thành, xã Phú Riềng tham quan các mô hình vườn điều đạt năng suất cao trên địa bàn huyện

Còn đối với nhà nông Nguyễn Tiến Cửu (thôn 10, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) thì bí quyết để có vườn điều năng suất cao là canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế phân hóa học, không xịt thuốc cỏ mà sử dụng máy phát để tránh ảnh hưởng bộ rễ của cây. Trong quá trình điều ra bông gặp mưa trái mùa, ông đều xịt thuốc làm mát bông, mát cây và phòng bệnh thán thư. Trẻ hóa vườn điều và trồng giống mới năng suất cao thay thế dần giống cũ cũng là cách ông Cửu tăng năng suất vườn điều qua từng năm.

“Ẩn số” vụ điều

Ông Nguyễn Văn Danh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Riềng cho biết: Năm nay, tình trạng sâu bệnh, khô cành, cháy lá của những vụ điều trước hầu như ít xuất hiện. Nông dân đã chủ động chăm sóc, phòng ngừa trước mùa vụ. Một số vườn xuất hiện bọ trĩ, rệp sáp nhưng diện tích bị ảnh hưởng chỉ từ 5-10% trên tổng số khoảng 20.400 ha điều toàn huyện. Năng suất bình quân năm nay sẽ đạt từ 1,5-1,6 tấn/ha.

“Vụ điều năm nay nhìn chung rất khả quan, nhiều vườn trái đẹp, hạt mẩy nên nông dân phấn khởi tin tưởng vụ mùa thu lợi cao. Tuy nhiên, giá đầu vụ 28 ngàn đồng/kg, thấp hơn 5.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Đó là điều đang khiến nông dân lo lắng. Hy vọng khi vào chính vụ, giá điều sẽ nhích dần lên và ổn định để nông dân có chi phí đầu tư chăm sóc cho vụ tiếp theo”- ông Lê Minh Hùng, thôn Tân Phước, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng nói.

Thường thì sau tết nông dân bắt đầu vào chính vụ điều. Nhưng năm nay mùa điều bắt đầu khá muộn. Điều ra bông, đậu trái không tập trung mà chín thành nhiều đợt nên chưa thể đoán định được vụ điều này có được mùa hay không. Nếu chỉ tính tỷ lệ đậu trái trên cây thì thời điểm này mới đạt 40% so với năm ngoái. Quan sát kỹ thì trên cây có bông đang phơi màu và trái non, điều sẽ cho thu hoạch thành nhiều đợt. Vì vậy, vụ điều năm nay vẫn là một “ẩn số”.

Ông Nguyễn Quang Hóa, nông dân trồng điều giỏi thôn Phú Thành, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng

Tại huyện Bù Gia Mập, nhiều vườn mới cho thu lác đác, dự kiến khoảng 10 ngày nữa mới vào vụ thu hoạch. Thời tiết bất thường do những cơn mưa trái mùa khiến một số vườn bị khô bông, trái đen và rụng khoảng 20% trái trên mỗi chùm. Tuy nhiên, nhận định chung thì vụ điều năm nay nông dân sẽ trúng mùa.

Gia đình ông Điểu Hồng Mớt ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có 7 ha điều 20 năm tuổi. Từ khi trở thành thành viên Hợp tác xã (HTX) điều Bù Gia Mập và trồng theo hướng hữu cơ Organic, chỉ sử dụng phân vi sinh, phân chuồng bón cho cây nên năng suất vườn nhà ông luôn ổn định trên 2 tấn/ha. Từ đề án tái cơ cấu ngành điều, chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hạt điều, nhất là các sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ có chỉ dẫn địa lý, nông dân xã Bù Gia Mập đã tận dụng lợi thế này để nâng cao thu nhập cho xã viên.

Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX nông nghiệp Bù Gia Mập, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập: Các thành viên trong HTX trồng điều theo hướng hữu cơ Organic. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, HTX đã ký hợp đồng với công ty thu mua ở xã Phước Tân, huyện Phú Riềng cung ứng hơn 1.500 tấn điều thô. Công ty này cũng mua giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá thị trường. Sau khi kết thúc mùa vụ, nông dân còn được công ty bù giá 500-1.000 đồng/kg.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên vụ điều năm nay tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn. Nông dân trồng điều mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá để tăng giá điều thô, giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây điều.

Ngân Hà

Thái Nguyên: Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm 60% tổng đàn gia cầm

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Tận dụng lợi thế có đất rộng, nhiều hộ dân ở xã Tân Lợi (Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã đầu tư chăn nuôi gà cho thu nhập cao.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, gia cầm chủ yếu được chăn nuôi bằng hệ thống chuồng khép kín có điều kkiển nhiệt độ, cấp thức ăn, nước uống tự động, sử dụng thức ăn công nghiệp và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại chiếm 40%, chăn nuôi nông hộ chiếm 60% tổng đàn gia cầm. Toàn tỉnh hiện có 406 trang trại với 276 trang trại chăn nuôi theo hình thức gia công và 130 trang trại tư nhân.

Năm 2020, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng 14,6 triệu con, sản lượng thịt đạt 46.000 tấn, sản lượng trứng đạt 430 triệu quả; giá trị sản xuất sản phẩm gia cầm chiếm gần 54% giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ như: Hợp tác xã gà Đông Thịnh, huyện Phú Bình, Công ty chăn nuôi Phú Gia, công ty liên doanh của CP, Japfa, EmiVet,...

Kim Ngân

Cựu chiến binh trẻ làm giàu từ dê Boer

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Giữa đất cà phê Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), cựu chiến binh Vũ Thanh Tâm đã trở thành một điển hình bởi thái độ tích cực trong cuộc sống, hăng say lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình. Những năm tháng được luyện rèn trong môi trường quân đội đã giúp người cựu chiến binh trẻ vững vàng trong đời sống hàng ngày.

Cựu chiến binh trẻ Vũ Thanh Tâm bên bầy dê Boer

Chúng tôi thăm trại dê giống Boer rất đẹp của Vũ Thanh Tâm giữa lúc anh đang chăm sóc bầy dê con mới sinh. Vũ Thanh Tâm kể, anh vốn là con em đất cà phê Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc. Sinh năm 1992, đúng tuổi 18, anh lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự với đất nước. Năm 2012, Tâm hoàn thành nghĩa vụ công dân, trở về nhà tại Thôn 3, xã Lộc Châu, bắt tay vào cuộc rèn luyện mới, đó là nỗ lực làm ăn kinh tế, xây dựng gia đình.

Vũ Thanh Tâm chia sẻ, vốn con nhà nông, anh không ngại trồng cà phê hay chăn nuôi bò, hai công việc rất quen thuộc, là truyền thống của người dân Lộc Châu. Nhưng anh nhận thấy, làm cà phê thu nhập không cao. Còn con bò, tuy chăn nuôi có lời nhưng thời gian nuôi lâu, vốn quay vòng chậm. Vậy là Vũ Thanh Tâm tìm hiểu nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình và anh tìm thấy con dê Boer. Từ năm 2012, Tâm đã làm chuồng, mua những con dê giống đầu tiên về nuôi với định hướng chính là cung cấp dê giống cho bà con. Anh đã xuống Củ Chi, nơi cung cấp dê Boer giống nổi tiếng để có được nguồn giống tốt nhất.

Trại dê của Vũ Thanh Tâm không lớn, ở thời điểm chúng tôi tới, chuồng chỉ tầm 30 con dê gồm cả giống đực, 20 dê cái đang sinh sản và dê con. Diện tích chuồng cũng chưa đến 100 m2, được làm bằng gỗ rất thoáng mát, sạch đẹp, không hề có mùi hôi. Tâm cho biết, chuồng dê được làm từ gỗ, ván ngăn và sàn gỗ, trên lợp mái tôn, không cần quây chuồng vì bản chất dê Boer là dê xứ lạnh, ưa nhiệt độ mát. Sàn chuồng cách mặt đất 2 m, sàn thưa để chất thải dê rơi xuống mặt đất, giữ vệ sinh sạch sẽ cho bầy dê. Anh cho biết, dê Boer ăn không nhiều, một dê cái trưởng thành nặng 50 kg chỉ yêu cầu 7-9 kg cỏ, hơn 1 kg cám/ngày. Ăn ít, lớn nhanh, thịt nhiều, giá tốt là đúc kết của Tâm về loại dê khá đặc biệt này.

Vũ Thanh Tâm chia sẻ, dê Boer đẻ rất dày, 1 năm được 2 lứa. Từ khi sinh ra tới khi xuất chuồng chỉ có 5-6 tháng, dê đã đạt trọng lượng 45-50 kg, tốc độ lớn rất nhanh. Dê cái mang thai 145 ngày, sinh dê con xong chỉ 50 ngày sau đã có thể lên giống lại, vừa mang thai vừa cho con bú. Sau khi dê mẹ lên giống 10 ngày thì tách dê con khỏi dê mẹ, chỉ cho về chuồng chung với mẹ vào buổi tối. Trại dê của Tâm, mỗi con dê đều được gắn mã số vào tai, quản lý bằng phần mềm máy tính để nắm được cha mẹ, ngày sinh, tránh tình trạng phối sai, phối nhầm và có kế hoạch chăm sóc khoa học nhất. Tâm thực hiện việc đổi dê đực rất cẩn thận với thời gian 12 tháng/lần, đảm bảo chất lượng nguồn giống luôn đạt chuẩn tốt nhất.

Trại dê của anh Tâm dù diện tích khá nhỏ nhưng đang cung cấp một năm 50 dê giống, 100 dê thịt. Dê bán thịt với giá 150 ngàn đồng/kg, dê cái bán giống với giá 400 ngàn đồng/kg, một con dê cái giống có giá trung bình từ 15- 20 triệu đồng. Trại giống dê của Tâm nổi tiếng với việc tận tâm, bán dê giống “có bảo hành”. Người nuôi cần tư vấn kỹ thuật, cách chăm sóc dê, Tâm chạy tới tận nơi, hướng dẫn, tư vấn cho bà con cặn kẽ để đảm bảo dê phát triển khỏe mạnh, mau lớn, cho năng suất cao. Chỉ tính trung bình 1 năm, trừ chi phí Tâm cũng thu được trên 500 triệu đồng, như Tâm chia sẻ là có thể mua được đất, được nhà từ dê. Anh đánh giá: “Khi trồng hay chăm nuôi, người chăn nuôi cần tính toán thời gian thu hồi vốn và có lời, con vật nuôi nào thời gian quá dài sẽ nhiều rủi ro. Như dê Boer là vật nuôi khá hiệu quả vì lớn nhanh, thời gian cho thu rất ngắn, người nuôi thuận lợi rất nhiều trong quay vòng vốn”.

Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc đánh giá Vũ Thanh Tâm rất cao, một cựu chiến binh trẻ, một công dân gương mẫu nhiệt tình trong công tác cộng đồng, một nông dân sản xuất giỏi. Vũ Thanh Tâm là một cựu chiến binh “thế hệ mới”, trẻ trung, sôi nổi, hăng hái làm giàu trên quê hương, phát huy tinh thần người lính trong cuộc sống ngày thường.

DIỆP QUỲNH

Giá thịt lợn hơi tăng, giảm trái chiều, cao nhất là 77.000 đồng/kg

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 14-3, kết thúc một tuần giá thịt lợn hơi trên địa bàn cả nước tăng, giảm trái chiều.

Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 74.000-76.000 đồng/kg; cùng giảm 1.000 đồng/kg gồm các tỉnh: Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình với giá 74.000-75.000 đồng/kg.

Tại thành phố Hà Nội và tỉnh Ninh Bình, giá thịt lợn hơi tăng nhẹ lên mức 76.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi cũng điều chỉnh từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Trong đó, tại 3 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, giá giảm 1.000-2.000 đồng/kg xuống còn 73.000-75.000 đồng/kg; tại các tỉnh: Thanh Hóa, Bình Thuận, giá thịt lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg lên ngưỡng 75.000 đồng/kg. Hiện giá thịt lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên được thương lái thu mua trong khoảng 73.000-77.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thịt lợn hơi ổn định ở mức 73.000-77.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá thịt lợn hơi đang ở mức hợp lý, bảo đảm lợi ích các khâu: Sản xuất, giết mổ, tiêu thụ. Các địa phương đang đẩy mạnh tái đàn lợn với tổng đàn đạt hơn 28 triệu con.

Để đạt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt khoảng 5-6%, sản lượng thịt các loại đạt 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt 3,67 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi lợn đã được quy hoạch tại những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng đàn lợn.

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

QUỲNH NGỌC

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop