Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 05 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 05 năm 2021

Tiền Giang: Phát triển diện tích vườn cây ăn trái ven biển Gò Công

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Để thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai những địa bàn khó khăn, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đang tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa ven biển chịu ảnh hưởng hạn, mặn hàng năm sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân ổn định cuộc sống. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, toàn huyện hiện có 810 ha vườn trồng cây ăn trái, chủ yếu trồng các loại cây kinh tế cao như: Sơ ri, thanh long ruột đỏ, mãng cầu Xiêm,…Từ đầu năm đến nay, nông dân địa phương đã thu hoạch đạt sản lượng 5.590 tấn trái cây các loại.

Theo khảo sát của ngành chức năng, các loại cây ăn trái đều mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao trước đây. Cao nhất là thanh long ruột đỏ cao gấp 11 lần, bưởi da xanh gấp 07 lần, dừa Xiêm gấp 04 lần,… so với trồng lúa độc canh. Nhờ chuyển đổi sản xuất thành công, thu nhập cao, có của ăn của để, nông dân rất phấn khởi. Là huyện nằm ven biển tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông vốn gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Gần đây, phát huy các tiềm năng kinh tế theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng địa bàn ven biển phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng, thời tiết, thủy văn đã mở ra tương lai mới cho nền nông nghiệp địa phương, được bà con ủng hộ, hưởng ứng một cách tích cực.

Ngoài sơ ri, mãng cầu ta,… là những cây ăn trái truyền thống thích hợp với điều kiện đất đai nhiễm mặn, chịu hạn hán, gần đây, nông dân huyện Gò Công Đông còn đưa thêm nhiều cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu trồng trọt: Thanh long ruột đỏ, mãng cầu Xiêm, chanh tứ quý… Trước mắt, địa phương đã xây dựng vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ gần 200 ha tại xã ven biển Kiểng Phước. Tại đây, đã hình thành Hợp tác xã Thanh long VietGAP Kiểng Phước quy tụ nông dân vùng chuyên canh. Nhờ cây trồng này, từ một xã ven biển nhiều khó khăn, xã Kiểng Phước đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ra mắt xã nông thôn mới; tạo tiền đề để huyện Gò Công Đông được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, sắp tới, huyện tiếp tục định hướng phát triển cây ăn trái chủ lực ở những địa bàn trọng điểm; khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây ăn trái đặc sản trên đất giồng cát ven biển, ven kênh, mương ngọt hóa, trồng lúa khó khăn và thu nhập bấp bênh,… Đồng thời, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, đảm bảo chất lượng cung ứng thị trường, tiến tới hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.

Minh Trí

Cây ăn quả giúp người dân miền núi Quảng Nam làm giàu

Nguồn tin: VOV

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, tăng năng suất, hiệu quả trên cùng 1 đơn vị diện tích, những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn tạo hướng đi mới trong sản xuất phát triển kinh tế.

Ông Võ Tư, quê gốc Quảng Ngãi, lấy vợ rồi định cư ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày, cuộc sống của 2 vợ chồng phải đi làm thuê để lo cái ăn và nuôi con ăn học nhưng cũng thiếu trước hụt sau. Có chút vốn, ông Võ Tư bàn bạc với vợ lên núi mua đất làm trang trại. Thời gian đầu, ông mua cây giống trồng xen canh đậu, bắp và nuôi thêm heo, bò để lấy ngắn nuôi dài. Nhận thấy, khí hậu vùng cao Nam Giang thích hợp với trồng cây ăn trái Nam bộ, ông đã đầu tư mua giống về trồng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Quyết tâm đổi đời, năm 2000, ông Võ Tư tiếp tục vay vốn, mở rộng trang trại hơn 2.000 mét vuông trên sườn đồi ở thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Từ 100 gốc cam ban đầu, đến nay, ông đã có vườn cam với cả ngàn cây. Ngoài ra, ông còn trồng thêm chôm chôm, bơ, măng cụt, mít tố nữ, hồ tiêu… Ông Võ Tư cho biết, mỗi năm, trang trại trồng cây ăn quả của ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, xây được nhà mới khang trang, có tiền nuôi căn ăn học. Ông sẽ tiếp tục phát triển thêm cây bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả để tăng thu nhập.

Mỗi năm trang trại trồng cây ăn quả của ông Võ Tư thu lãi hàng trăm triệu đồng

“Bây giờ mình chiết ra thôi chứ mình không mua giống. Có năm thu tới 200 triệu đồng. Mình cũng mở rộng cây trồng mỗi năm một ít. Hiện có hơn 1.000 gốc cam rồi”, ông Võ Tư nói.

Từ thành công trong việc trồng cây ăn quả, ông Võ Tư đã vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con ở địa phương phát triển mô hình kinh tế vườn và trồng cây ăn quả.

Theo bà Zơ Râm Thị Hai, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Giang, mới đây, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển cây ăn quả gắn với phát triển nông thôn mới. Theo đó, mỗi năm huyện Nam Giang đầu tư 2,5 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương phát triển cây ăn quả. Trong đó, tập trung một số loại cây trồng như bưởi da xanh, cam Vinh, mít Thái và thí điểm trồng cây măng cụt ở một số xã vùng thấp cũng như bảo tồn giống cây bản địa tại địa phương.

“Trong thời gian tới, huyện tập trung phát triển kinh tế, xây dựng mô hình chất lượng phù hợp với đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Lồng ghép các nguồn vốn, huyện đã cân đối các nguồn vốn hỗ trợ nông dân xây dựng trang trại. Huyện đã xây dựng khảo sát lập phương án bảo tồn cây lòong boong bản địa, vì cây này thu nhập rất cao. Phấn đầu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5 đến 7%”, bà Zơ Râm Thị Hai cho biết.

Người dân miền núi Quảng Nam làm giàu nhờ trồng cây ăn quả

Những năm gần đây, phong trào trồng cây ăn quả ở nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh mẽ. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp và sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng về cây giống, kỹ thuật, ngày càng có nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Đây được xem là hướng đi mới giúp người dân miền núi Quảng Nam thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, hiện có hơn 76.000 hộ nông dân trong tỉnh đạt sản xuất kinh doanh giỏi: “Trong những năm qua ở Quảng Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đó là những nông dân giám nghĩ, giám làm để đem lại hiệu quả cao làm thay đổi đời sống, kinh tế xã hội ở nông thôn. Đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc miền núi tự làm trang trại chăn nuôi quy mô lớn để đem lại thu nhập rất cao. Có rất nhiều hộ đồng bào dân tôc đã giàu lên từ kinh tế trang trại, kinh tế vườn”./.

Tuyết Lê/VOV - Miền Trung

Xúc tiến xuất khẩu vải thiều Hải Dương ra nước ngoài

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương

Ngày 18/5 tới đây, UBND tỉnh Hải Dương sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Hội nghị nhằm mục đích đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hải Dương tiếp xúc, trao đổi, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy giao thương và mở rộng liên doanh, liên kết trong tiêu thụ vải và các mặt hàng nông sản của tỉnh với doanh nghiệp trong nước và quốc tế; đặc biệt là đối với vải thiều Thanh Hà, một đặc sản nổi tiếng của Hải Dương nói riêng.

Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh Hải Dương năm 2021 ước đạt 50-55.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Sự kiện sẽ diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hải Dương, kết nối với hàng trăm điểm cầu trong nước và hàng chục điểm cầu nước ngoài từ Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hong Kong, Mỹ, Nhật, Pháp, Singapore và Trung Quốc.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý, nhà khoa học từ các thị trường tiêu thụ vải quan trọng của Hải Dương cũng chia sẻ những thông tin thiết thực liên quan đến tình hình, yêu cầu của thị trường, nhu cầu nhập khẩu quả vải và nông sản Hải Dương.

Trong xu hướng mua sắm online ngày càng trở nên phổ biến trên quy mô toàn cầu, quả vải Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương cũng đã và đang được phát triển thị trường trên nhiều kênh trực tuyến. Tại hội nghị, đại diện các sàn thương mại điện tử lớn như Alibaba, Lazada, hệ thống siêu thị của Vincommerce, các doanh nghiệp đầu mối thu mua xuất khẩu, cơ sở sản xuất, chế biến vải và nông sản Hải Dương sẽ chia sẻ những cơ hội và triển vọng hợp tác, chung tay đưa quả vải thiều và nông sản Hải Dương đi xa tới nhiều phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.

Hội nghị cũng sẽ chứng kiến Lễ Khởi động “Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên Sàn Thương mại điện tử” thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; lễ ký kết hợp tác hỗ trợ vải thiều và sản phẩm nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử giữa Cục Xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT Hải Dương, Sở Công Thương Hải Dương, cùng 2 Sàn thương mại điện tử Lazada và Sendo; các hoạt động trao đổi hợp tác giữa các siêu thị, sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post) và Postmart (Vietnam Post) với các nhà cung ứng vải Hải Dương, giữa các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản Hải Dương.

Trong khuôn khổ hội nghị, từ ngày 18-20/5, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương (Sở Công Thương Hải Dương) tổ chức chương trình kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp cung ứng vải và nông sản Hải Dương với nhiều đầu mối nhập khẩu tiềm năng trên thế giới, bao gồm cả những đầu mối ở các thị trường xuất khẩu vải truyền thống của Hải Dương và những thị trường tiềm năng mới.

Hiện nay, vải thiều và một số loại nông sản của tỉnh Hải Dương sắp bước vào vụ thu hoạch. Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha và cơ bản được canh tác theo hướng VietGAP. Trong đó, 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Đáng lưu ý, có 520 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với 50 ha được cấp chứng nhận.

Riêng huyện Thanh Hà - “thủ phủ” vải thiều của tỉnh Hải Dương, năm 2021 có 3.328 ha vải, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh ước đạt 50-55.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore…/.

Nguồn: VOV

Mùa xoài ảm đạm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hậu quả của việc chuyển đổi ồ ạt sang trồng xoài Úc khiến giá xoài ở huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) rớt thê thảm.

Giá rớt thảm, vựa không dám mua

Những ngày này, tại Cam Lâm - thủ phủ cây xoài của tỉnh, xoài đang vào mùa rộ. Thế nhưng, các vựa đóng cửa im ỉm hoặc thu mua cầm chừng; nhiều vườn xoài Úc chín đỏ chẳng có người mua. Những năm qua, thấy xoài Úc có giá nên nông dân chuyển mạnh sang trồng giống xoài này. Vì thế, tại các vựa xoài, chỉ thấy toàn xoài Úc với quả đỏ ửng đặc trưng. Vì sức mua giảm mạnh nên vựa chỉ chọn những trái to, đẹp mã. Chỉ những trái xoài Úc trái to, chín đỏ, đều, vỏ không tì vết mới được thương lái mua với giá 15.000 đồng/kg. Còn xoài tây (canh nông) thu mua loại 1 giá 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg; các loại xoài khác thương lái không mua.

Thu hoạch xoài Úc.

Những năm trước, vựa xoài Yến Tây (trên Quốc lộ 1, thuộc thị trấn Cam Đức) gom hàng mạnh đưa đi tiêu thụ các tỉnh phía bắc và xuất sang Trung Quốc với nhiều nhân công làm việc ngày đêm, nhưng nay chỉ có 2 người. Bà Nguyễn Thị Yến - chủ vựa cho biết, mọi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 5 - 6 tấn cho thị trường phía bắc và Trung Quốc, hiện nay giảm chỉ bằng 1/10. Do dịch Covid-19, các đối tác từ chối nhận hàng nên cơ sở cũng không dám thu mua xoài của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - chủ vựa thu mua xoài tại thôn Bắc Vĩnh (xã Cam Hải Tây) chia sẻ: “Người trồng xoài chỉ muốn bán tống bán tháo cho nhanh, lấy được đồng nào hay đồng đó nên có lúc không gọi họ cũng chở tới, đặt vài chục ký thì chở đến cả xe. Tôi hiểu tình cảnh khó khăn của họ nhưng không dám mua nhiều vì không thể bán hết”. Hiện nay, cơ sở chỉ thu mua 1 tấn/ngày so với những năm trước 4 - 5 tấn/ngày.

Dọc Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cam Lâm, từ xã Suối Tân đến Cam Thành Bắc, những năm trước, xoài bày bán đầy trên đường thì nay ít hẳn, vài cây số mới có điểm bán xoài cho khách trên đường. Không chỉ các chủ vựa gặp khó, những người thu gom xoài từ vườn bán lại cho vựa cũng lỗ vốn. Những người mua vườn có kinh nghiệm năm nay cũng thua lỗ. Nhiều người vay vốn ngân hàng đặt cược vào các vườn xoài đẹp, mua với giá khá cao, chẳng ngờ lâm vào tình cảnh này, có người mắc nợ hàng trăm triệu đồng…

Người trồng lao đao

Tình hình tiêu thụ xoài ảm đạm khiến nhà vườn lao đao vì chi phí bỏ ra mà không bù đắp được. Khi chúng tôi đến nhà ông Võ Trọng Tâm (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) thấy nhiều giỏ xoài vừa hái xuống, bày la liệt. Các con của ông Tâm buồn hiu ngồi lựa hàng. Một người con cho biết, xoài không ai thu mua nên đành kêu mối quen, giá bao nhiêu cũng bán, miễn sao thu được ít tiền. Cả tấn xoài chỉ bán được 3 triệu đồng, không bõ so với công thuê hái, vận chuyển. Giá xoài rớt thê thảm nhưng công, chi phí không giảm. Tiền công lao động hái xoài từ 6 giờ sáng đến trưa 500.000 đồng/công; gom xoài bằng xe rùa 400.000 đồng/công; xe tải nhỏ chở hàng 300.000 đồng/tấn/2 - 3km. Ngoài ra, chi phí vật tư, phân thuốc trong vụ đều tăng 5 - 10%, nhất là phân bón.

Xoài chín có nguy cơ hỏng do nạn ruồi vàng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây) có vườn xoài rộng hàng héc-ta chuẩn bị thu hoạch nhưng không dám hái vì giá bán rẻ bèo. Chỉ vào những cây xoài tây đã ghép xoài Úc, ông cho biết, vì bị ruồi vàng chích hút nên vườn xoài không còn nhiều trái loại to, đẹp. Chi phí vụ này tăng nhẹ, trong khi giá xoài lại xuống quá thấp nên người trồng bị lỗ, nhất là những vườn đầu tư kỹ hay mất nhiều chi phí cho nước tưới, thuê nhân công. Cách đây hơn nửa tháng, giá xoài vẫn có thể chấp nhận được dù lãi không nhiều: Xoài loại 1 thu mua 20.000 đồng/kg, loại 2 là 8.000 đồng/kg. Lúc đó, ông bán xô thu lãi vài chục triệu đồng, còn đợt này nắm chắc lỗ vì giá xuống thấp chưa từng thấy; để hòa vốn thì giá bán xô phải 17.000 - 18.000 đồng/kg.

Kiến nghị hỗ trợ tiêu thụ

Việc tiêu thụ xoài khó khăn ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn nguyên nhân sản lượng xoài Úc tăng đột biến do quá trình chuyển đổi ồ ạt mấy năm gần đây. Hiện nay, Cam Lâm có hơn 6.000ha xoài các loại, trong đó hơn 4.400ha cho quả. Xoài Úc đang chiếm đa số với 3.500ha, sản lượng hơn 40.000 tấn.

Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, sắp tới, hội sẽ phối hợp các ban, ngành tổ chức giải cứu xoài Úc của Cam Lâm như đã triển khai với bưởi Khánh Vĩnh. Hội nông dân các huyện đang nắm lại sản lượng còn tồn đọng để có hướng giải cứu. Ông Đoàn Ngọc Phước - Chủ tịch UBND xã Cam Hải Tây cho biết, Cam Lâm là thủ phủ xoài của tỉnh, còn xã Cam Hải Tây là vùng trồng xoài lớn nhất của huyện nhưng việc thu mua, chế biến xoài còn rất hạn chế. Các đơn vị như: Công ty TNHH một thành viên EMU (Cam Lâm), Công ty TNHH Vạn Hương (TP. Nha Trang), Hợp tác xã xoài Cam Hải Tây cũng khó thu mua khi giá rớt mạnh, khó tiêu thụ. Trên địa bàn chỉ có 1 cơ sở chế biến xoài sấy dẻo, hoạt động quy mô nhỏ, chủ yếu sử dụng xoài tây, xoài keo… nên không thu mua xoài Úc. Ông Phước kiến nghị tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến xoài và các sản phẩm từ xoài hay kho lạnh quy mô lớn để ổn định giá cả nông sản này giúp nông dân.

Được biết, UBND huyện Cam Lâm đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tiêu thụ xoài cho nông dân. Sở cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Theo sở này, còn hơn 20.000 tấn xoài Úc tại Cam Lâm tồn đọng, chiếm hơn 50% sản lượng của toàn tỉnh. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến vận chuyển, tiêu thụ xoài các tỉnh phía bắc và thị trường Trung Quốc; sản phẩm xoài xuất thô nên giá trị chưa cao; việc liên kết, thu mua, chế biến còn thấp, chưa hiệu quả. Đồng thời, hiện nay cũng là thời vụ thu hoạch của nhiều loại trái cây như vải, nhãn, xoài các nơi. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, trước mắt, đưa xoài Úc vào các chợ đầu mối các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ; kêu gọi hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tham gia giải cứu xoài. Về lâu dài, kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh (Nhà máy Đường Việt Nam, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa…) nghiên cứu, lắp đặt dây chuyền chế biến sản phẩm xoài nhằm hỗ trợ tiêu thụ xoài cho nông dân.

VĨNH LẠC

Hiệu quả từ mô hình dùng rơm sau thu hoạch nấm thay thế màng phủ nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), hiện nay, trên địa bàn xã có một số hộ trồng rau màu xen canh đã áp dụng kỹ thuật dùng rơm sau thu hoạch thay thế màng phủ nông nghiệp mang lại hiệu quả cao.

Ngoài sản xuất 2 vụ lúa, những hộ dân xã Diên Thạnh đã trồng thêm khổ qua rừng để tăng thu nhập. Sau khi cày đất, lên hàng, nông dân tận dụng rơm sau khi đã thu hoạch nấm để đậy trên hàng trồng khổ qua rừng thay vì dùng bạt. Cách làm này không chỉ giảm bớt chi phí sản xuất mà còn tạo điều kiện cho cây trồng phát triển tốt hơn do rơm mục sẽ cung cấp thêm một lượng phân hữu cơ đáng kể và giữ được độ ẩm cần thiết, đặc biệt trong thời tiết nắng hạn kéo dài.

Việc sản xuất các loại rau bằng cách tận dụng rơm sau khi thu hoạch nấm thay thế màng phủ nông nghiệp còn giúp đất tơi xốp, thích hợp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, kéo dài thời gian thu hoạch. Do đó, ruộng khổ qua của các hộ nông dân cho thu hoạch hơn 2 tháng; trừ chi phi sản xuất, lãi hơn 20 triệu đồng, cao hơn so với trồng các loại rau màu khác.

Hội Nông dân xã Diên Thạnh sẽ tiếp tục phổ biến kỹ thuật này cho nhiều hội viên canh tác rau màu khác, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

H.DUNG

Lâm Đồng: Năng suất điều ổn định 7,8 tạ/ha

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Thông tin từ Hội Nông dân của các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, nông dân đang trong vụ thu hoạch điều niên vụ 2021. Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh trên cây điều được khống chế và thời tiết tương đối ổn định, năng suất điều niên vụ 2021 dự tính ở mức 7,8 tạ/ha. Đây là mức năng suất bình quân, không cao nhưng cũng không quá thấp cho người nông dân. Với năng suất này, ước niên vụ điều 2021 tổng sản lượng thu được đạt xấp xỉ 18 ngàn tấn.

Được biết, Lâm Đồng hiện có trên 26 ngàn ha điều, chủ yếu trồng tại khu vực 3 huyện phía Nam. Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, các nông hộ đang tích cực thay đổi quy trình canh tác, canh tác giống điều sản lượng cao nhằm tăng thu nhập trên diện tích đất trồng điều.

D.Q

Trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế

Nguồn tin: Báo Long An

Mô hình trồng nấm rơm xuất hiện tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã khá lâu. Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Hội Nông dân huyện tham quan mô hình trồng nấm rơm

Hiện nay, huyện Đức Hòa có gần 15ha trồng nấm rơm tại các xã: Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Hiệp Hòa, An Ninh Tây,... Một số người chọn trồng bằng cách ủ gòn để giảm công lao động nhưng đa số vẫn chọn trồng nấm bằng cách truyền thống, trồng hoàn toàn bằng rơm và không sử dụng thuốc, hóa chất độc hại.

Ruộng nấm rơm của gia đình bà Phan Thị Nương (ấp Hóc Thơm 1, xã Hòa Khánh Tây) đang thu hoạch. Bà Nương cho biết, vụ này, gia đình bà đầu tư khoảng 6 triệu đồng với hơn 200 cuộn rơm. Vẫn với cách trồng truyền thống và áp dụng một số phương pháp mới, nấm phát triển khá tốt. Giá bán dao động từ 75.000-95.000 đồng/kg. Bà Nương chia sẻ, nấm rơm được trồng theo các công đoạn như ủ rơm, trở rơm, ra meo, đốt rơm và tưới nước. Từ lúc bắt đầu các công đoạn đến khi ủ và ra nấm khoảng 20 ngày. Trồng nấm bằng rơm vất vả nhất ở khâu ủ, trở rơm. Với hơn 200 cuộn rơm đầu tư trồng trong vụ này, dự kiến gia đình bà Nương có thể thu hoạch từ 200-300kg nấm. Nấm rơm được thu hoạch liên tục từ 7-10 ngày. Trong giữa thời kỳ thu hoạch, nấm sẽ rộ 3 ngày liên tiếp, sau đó sản lượng giảm dần đến kết thúc vụ.

Cũng giống gia đình bà Nương, gia đình ông Đặng Văn Dừa (ấp Hóc Thơm 1, xã Hòa Khánh Tây) có kinh nghiệm trên 10 năm trồng nấm rơm. Ông Dừa vừa kết thúc thu hoạch vụ nấm. Ông cho biết, những ngày trước, do thời tiết nắng nóng kéo dài, người trồng nấm vất vả hơn, năng suất không cao. Tuy nhiên, người trồng vẫn có lợi nhuận.

Mô hình trồng nấm rơm bằng rơm tại xã Hòa Khánh Tây

Theo các hộ có kinh nghiệm trồng nấm rơm lâu năm tại xã Hòa Khánh Tây, nông dân có thể trồng nấm rơm quanh năm, chỉ cần có rơm là có thể trồng. Tuy nhiên, mọi người thường chuyển vị trí trồng sau các vụ. Hiện nay, mỗi vụ nấm rơm có thời gian trồng và thu hoạch khoảng 30 ngày. Nếu thời tiết thuận lợi người trồng nấm có thể lãi gấp đôi, gấp 2,5 lần vốn đầu tư.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Hòa - Đào Văn Hùng thông tin: Mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đầu tư ít vốn, thời gian trồng ngắn. Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng nấm rơm cho nông dân. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình tại một số xã, thị trấn có điều kiện phù hợp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Huyện Đức Hòa có diện tích đất trồng lúa khá lớn, đây cũng là lợi thế để các hộ trồng nấm tận dụng nguồn phế phẩm từ cây lúa để sản xuất. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện địa phương đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang lại thu nhập cho người dân, cải thiện kinh tế không ít hộ gia đình./.

Nhã Phương

Tân Châu (Tây Ninh): Thiệt hại hàng tỷ đồng do mưa giông làm ngã đổ chuối

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh

Cơn mưa giông hôm 5.5 đã gây thiệt hại nặng nề về nhà ở, về sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong đó, Tân Châu là địa phương bị thiệt hại nặng với nhiều diện tích cây ăn trái, cây cao su bị gãy đổ, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Anh Thái Trung Hiếu, quản lý vườn chuối già Nam Mỹ rộng 80 ha tại xã Tân Hội cho biết: “Chưa từng có cơn giông nào đáng sợ như vậy. Vườn cây cao su 10 năm tuổi ở gần chỗ tôi cao to là thế mà còn bị gió quật ngã la liệt. Riêng vườn tôi có 80 ha chuối đang cho trái bị giông làm đổ ngã khoảng trên 60%. Trong đó, tỷ lệ chuối sắp thu hoạch khoảng 40%, còn lại là trái non. Ngoài thiệt hại về chuối đang cho trái, vườn chuối này còn bị thiệt hại về cây chuối thế hệ tiếp theo”.

Theo anh Hiếu, bình quân mỗi ha chuối ở vườn này cho năng suất khoảng 35 – 40 tấn/vụ. Tuy nhiên, do bị mưa giông gây hại, hiện chủ vườn chỉ còn “vớt vát” chưa tới 50% năng suất.

Không chỉ vậy, để dọn dẹp đống hoang tàn này, chủ vườn phải tốn một số tiền không nhỏ để thuê nhân công đốn dọn.

Anh Hiếu cho biết thêm, hiện chuối ở đây được thương lái thu mua với giá 10.000 đồng/kg. Ước tính, thiệt hại do mưa giông gây ra đối với vườn chuối này lên đến hàng tỷ đồng.

Dự kiến, phải mất khoảng 6 tháng mới có thể phục hồi để cho trái ở lứa chuối kế tiếp.

AN KHANG

Chư Sê định hướng xây dựng thương hiệu yến sào

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Sự ra đời của Hội Yến sào huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) nhằm tạo mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào của vùng đất này trong những năm tới.

Huyện Chư Sê một thời là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh. Đặc biệt, thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đã khẳng định giá trị, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, do hồ tiêu chết nhiều, giá lại xuống thấp nên bà con nông dân chuyển sang đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến lấy tổ. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 228 nhà nuôi yến với sản lượng hàng năm đạt 700 kg tổ yến. Nghề này giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định.

Nhà nuôi yến của ông Phạm Phú Hoan (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Phạm Phú Hoan (thôn 16, xã Bờ Ngoong) cho biết: “Những năm trước, tôi trồng hơn 10 ha hồ tiêu, cà phê. Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích hồ tiêu của gia đình bị bệnh chết nhiều. Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông và học tập từ những hộ nuôi chim yến, năm 2018, tôi quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng cải tạo lại tầng 3 nhà đang ở thành nhà yến và mua máy móc, thiết bị dẫn dụ chim yến về làm tổ.

Đến nay, đàn chim yến về ở, làm tổ ổn định, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hàng năm, tôi thu được khoảng 10 kg tổ yến thô, bán với giá 22 triệu đồng/kg. Hiện tại, tôi đầu tư mở rộng thêm 400 m2 nhà yến để cùng chung sức với các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê”.

Tương tự, ông Đặng Xuân Tâm (xã Chư Pơng) cho hay: “Năm 2019, tôi đầu tư 600 triệu đồng xây dựng nhà nuôi chim yến cùng các thiết bị máy móc dẫn dụ yến. Cuối năm 2020, tôi thu hoạch lần đầu được 1,5 kg tổ yến. Hiện chim yến tiếp tục về làm tổ nên tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ nghề này.

Vừa rồi, tôi tham gia Hội Yến sào huyện Chư Sê để được chia sẻ những thông tin hữu ích từ các hộ có nhiều kinh nghiệm hơn về kỹ thuật xây nhà, vị trí trổ cửa chuồng, nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh... phù hợp trong nhà yến giúp tăng đàn nhanh, cho tổ đẹp. Chúng tôi chung sức cùng nhau xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ”.

Ông Phạm Tiến Dũng-Chủ tịch Hội Yến sào huyện Chư Sê-cho biết: Hội được thành lập để các hội viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, Hội hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê trong những năm tới.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây, hoạt động dẫn dụ và gây nuôi chim yến phát triển mạnh tại các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê và thị xã Ayun Pa. Toàn tỉnh hiện có 712 nhà yến với sản lượng hàng năm khoảng 3,5 tấn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Nghề nuôi chim yến là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vùng đất Chư Sê có nhiều tiềm năng để phát triển nghề này nhờ nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu phù hợp. Để nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thì cần phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

“Thời gian tới, Hội Yến sào huyện Chư Sê cần giới thiệu, quảng bá hình ảnh qua các hoạt động thương mại điện tử, hội chợ triển lãm, tham gia Chương trình OCOP để phát triển thị trường. Các hộ nuôi chim yến cần cùng nhau xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê như thương hiệu hồ tiêu để nâng cao chất lượng và giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”-ông Nghĩa cho biết thêm.

NGUYỄN DIỆP

Người nuôi gia cầm lỗ nặng

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi giảm, giá thức ăn chăn nuôi liên tục được các công ty tăng khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều người chăn nuôi gia cầm lỗ nặng vì giá bán dưới giá thành sản xuất.

Giá thức ăn tăng liên tục từ đầu năm trong khi giá bán luôn dưới giá thành khiến người nuôi gà lỗ nặng, nhiều người phải bỏ nghề - Ảnh: T.MẠNH

Dự kiến giá thức ăn chăn nuôi (TACN) sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới do giá nguyên liệu trên thế giới vẫn có xu hướng tăng lên. Với giá TACN quyết định tới 65 - 70% giá thành sản xuất, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng cơ quan quản lý cần có những giải pháp căn cơ để đảm bảo ổn định chăn nuôi. Nếu không, tình trạng nông dân bỏ đàn, giảm đàn sẽ xảy ra và nguy cơ sẽ thiếu thịt trong những tháng cuối năm.

5 tháng, 7 lần tăng giá

Trong những ngày đầu tháng 5, các công ty sản xuất TACN liên tục gửi thông báo tăng giá tới các đại lý và người chăn nuôi với mức tăng 200 - 500 đồng/kg. Có thể kể đến như VinaFeed tăng 300 đồng/kg, Công ty TNHH Guyomarc’h-VCN tăng 300 - 400 đồng/kg, Công ty cổ phần ABC Việt Nam tăng 330 đồng/kg, Công ty TNHH Cargill Việt Nam tăng giá 250 - 500 đồng/kg.

Mới đây nhất, ngày 5-5 Công ty C.P Việt Nam tăng giá TACN thêm 400 - 700 đồng/kg... Trong thông báo gửi khách hàng, các công ty đều đưa ra lý do tăng giá do giá nguyên liệu tăng quá cao thời gian qua. Theo các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, đây đã là lần tăng giá TACN thứ 7 kể từ đầu năm đến nay với mức tăng khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg, tương đương với mức tăng 20 - 25%.

Theo ông Phùng Đức Tiến - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, từ cuối năm 2020 đến nay giá nguyên liệu TACN đã tăng bình quân 20 - 30%, cá biệt có những loại nguyên liệu như ngô tăng tới 40%, đậu tương tăng 41%.

Một trong những nguyên nhân khiến giá nguyên liệu TACN tăng cao là do dịch COVID-19 đã tác động đến thị trường nông sản toàn thế giới, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, việc vận chuyển khó khăn do tình trạng thiếu container.

Trong khi đó, theo Hiệp hội TACN Việt Nam, ngành chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên không thể tránh khỏi tác động khi giá thế giới tăng cao, chưa kể dịch bệnh và tình trạng thiếu container rỗng cũng làm tăng giá nguyên liệu nhập khẩu.

Theo các doanh nghiệp sản xuất TACN công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80 - 85% giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10 - 15%. Vì vậy, các công ty buộc phải tăng giá bán lẻ tới tay người chăn nuôi do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam - cho biết giá các loại nguyên liệu chính của TACN bắt đầu tăng từ tháng 10-2020 và liên tục đến nay với mức tăng trung bình từ 30 - 40%, nhưng giá TACN thành phẩm chỉ bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 12-2020. Do các doanh nghiệp thường mua nguyên liệu cho sản xuất từ 3-4 tháng tiếp theo nên giá bán lẻ TACN thường có độ trễ hơn so với giá nguyên liệu.

Hơn nữa, tùy vào tình hình kinh doanh và chiến lược của mình, các nhà máy sản xuất sẽ có mức độ tăng giá khác nhau tùy vào thời điểm chứ không tăng đột ngột như giá nguyên liệu đầu vào.

Nhiều người chăn nuôi bỏ nghề

Ông Trần Văn Thức - chủ trại heo tại Thống Nhất (Đồng Nai) - cho biết với giá xuất chuồng xoay quanh mức 70.000 đồng/kg heo hơi như hiện nay, những trang trại nuôi heo chủ động được heo giống vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, với giá TACN tăng cao, hoạt động chăn nuôi heo đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tả heo châu Phi vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh hay thuốc đặc trị.

"Những ngày qua mỗi đêm có hàng ngàn con heo nhỏ (móc hàm) từ 20 - 65kg/con về các chợ đầu mối tại TP.HCM cho thấy rất nhiều trang trại đang xảy ra dịch bệnh phải bán chạy heo. Một trại nuôi mà dính phải dịch bệnh thì nguy cơ phá sản rất cao, khi giá TACN tăng đã đẩy giá thành nuôi lên nhanh chóng" - ông Thức cảnh báo.

Tuy nhiên, chịu tác động lớn nhất của đợt tăng giá TACN là những người nuôi gà. Sau khi thua lỗ suốt một năm 2020 bởi giá gà xuống thấp, có thời điểm còn 15.000 đồng/kg, giá gà có nhích lên từ đầu năm nay nhưng vẫn không bù lại với mức tăng giá thành. Từ đầu năm đến nay, giá gà công nghiệp dao động ở mức 19.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 27.000 đồng/kg.

Là một người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nuôi gà công nghiệp nhưng mới đây ông Phan Hòa Bình (Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết đã chính thức rời khỏi ngành này vì thua lỗ kéo dài và không nhìn thấy tương lai. Đã có những thời điểm, tổng đàn gà ở các trại của ông Bình lên tới trên 500.000 con/lứa nhưng đến nay đành bỏ để chuyển sang ngành khác.

"Tôi đang đàm phán cho các công ty nước ngoài thuê chuồng trại. Chỉ có những công ty nước ngoài vốn lớn và chăn nuôi nhiều ngành nghề cũng như khép kín cả chuỗi thì may ra mới có thể tồn tại trong ngành này được" - ông Bình than thở.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, giá TACN tăng cùng với giá bán sản phẩm chăn nuôi thua lỗ kéo dài đã dẫn tới việc nhiều người chăn nuôi bỏ nghề. "Với việc Nhà nước cho tự do nhập khẩu phụ phẩm động vật và giá TACN tăng liên tục, ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam đang ở tình thế cực kỳ khó khăn. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc chỉ đơn thuần đầu tư chuồng trại chăn nuôi chắc chắn sẽ lỗ" - ông Ngọc cho biết.

Số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi cho biết trong năm 2020 sản lượng thức ăn chăn nuôi Việt Nam đạt 20,3 triệu tấn, trong đó thức ăn cho heo chiếm 8,9 triệu tấn, tương đương đạt tỉ lệ 43,8%; thức ăn cho gia cầm lần đầu tiên đạt mức 10,7 triệu tấn, chiếm tỉ lệ 53,7%; thức ăn cho các loại vật nuôi khác chiếm 0,6 triệu tấn, đạt tỉ lệ 3,0% trong cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi.

Giá TACN sẽ còn tăng 5 - 10%?

Trong quý 1-2021, Việt Nam đã chi 1,21 tỉ USD để nhập khẩu TACN và nguyên liệu, tăng trên 50% so với quý 1-2020. Cũng trong thời gian này, giá nguyên liệu TACN tiếp tục tăng mạnh như bắp hạt lên 7.371 đồng/kg (tăng 20,3%), khô dầu đậu tương 13.533 đồng/kg (tăng 12,9%), DDGS (bắp vụn) giá 8.700 đồng/kg (tăng 21,9%)...

Và trong tháng 4-2021, giá TACN tiếp tục tăng 2,7 - 3,3% so với quý 1-2021, lên mức 10.995 đồng/kg với thức ăn cho gà thịt lông trắng, 10.697 đồng/kg đối với heo thịt. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá TACN các loại đã tăng bình quân 20 - 30%.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá các loại nguyên liệu TACN vẫn ở mức cao trong quý 2-2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7-2021. Vì vậy, nhiều khả năng giá TACN thành phẩm sẽ còn tăng khoảng 5 - 10% (tương 500 - 1.000 đồng/kg) trước khi ổn định trở lại hoặc giảm xuống.

TRẦN MẠNH

Hải Phòng: Hiệu quả từ mô hình nuôi dê thương phẩm

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Với các ưu điểm như dễ nuôi, thời gian sinh sản nhanh, sức đề kháng cao, vốn đầu tư ban đầu ít, đầu ra ổn định,... nghề nuôi dê ngày càng được nhiều hộ nuôi lựa chọn...

Trại dê của gia đình ông Lê Văn Hợi, xã Bắc Sơn, huyện An Dương (Hải Phòng) là một trong những mô hình quy mô nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Sau thời gian dài tìm hiểu thực tế, nhận thấy dê là đối tượng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn nên ông đã quyết định thực hiện mô hình này.

Trên diện tích 2.100 m2, ông Hợi đã xây dựng chuồng trại theo quy mô khép kín, đảm bảo các điều kiện tránh mưa, tránh nắng, thông thoáng, chống rét,.... Chuồng nuôi được chia ra làm các ô riêng để phân đàn, đồng thời đánh dấu cụ thể từng con dê nuôi để tiện theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của dê cũng như quá trình phối giống, tránh tình trạng dê con cận huyết, cơ thể phát triển ốm yếu, còi cọc.

Chuồng trại nuôi dê được xây dựng khép kín, chia ô để phân đàn...

Khu vực chăn nuôi cũng được bố trí các bãi cỏ thông thoáng để dê có thể vận động săn chắc, nâng cao chất lượng thịt dê. Bình quân mỗi con dê khi xuất chuồng, có trọng lượng khoảng 40 kg. Nhờ có những hướng đi đúng, sau gần 3 năm nuôi, đàn dê khoảng 70 con của gia đình ông Hợi luôn được đảm bảo, không xảy ra dịch bệnh, cho sản lượng cao.

Để chủ động nguồn thức ăn cho dê, ông Hợi đã trồng hơn 1 mẫu cỏ VA06 theo hướng 100% tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học. Ông cũng đầu tư hệ thống tưới tự động giúp cỏ sinh trưởng nhanh, có chất lượng tốt. Nhờ vậy sản phẩm thịt dê từ trang trại của ông luôn được thị trường đón nhận.

Hiện mô hình nuôi dê nói riêng và đại gia súc nói chung được khuyến khích theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài sự chủ động, các hộ nuôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm từ ngành chuyên môn, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với các mô hình mới.

Nguyễn Hương Giang - Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop