Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2016

Nghệ An vào mùa thu mua, chế biến lạc xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Diễn Châu là huyện trọng điểm của Nghệ An về sản xuất lạc với diện tích 3.500 héc ta, sản lượng đạt khoảng 9.000 tấn. Thu mua, chế biến, xuất khẩu lạc là nghề truyền thống, tạo việc làm cho hàng ngàn gia đình với mức thu nhập cao.

Diễn Thịnh được coi là đất lạc của huyện Diễn Châu. Trong tổng số 3.000 hộ toàn xã thì có tới 1.200 hộ làm nghề thu mua, chế biến, xuất khẩu lạc. Những ngày này, đi đến đâu của xã cũng rộn ràng tiếng máy xay lạc, nhộn nhịp ô tô tải vào ra bốc hàng liên tục.

Anh Vũ Văn Hai ở xóm 5, Diễn Thịnh đầu tư máy xay lạc, những ngày này làm không hết việc. Mỗi vụ như vậy anh thu nhập 50 triệu đồng.

Tuy là nghề phụ nhưng lại là thu nhập chính cho các gia đình ở xã Diễn Thịnh, có lúc cao điểm đơn đặt hàng nhiều, bà con thu mua, chế biến mỗi ngày tới 100 tấn. Việc thu mua không còn phạm vi trong huyện, trong tỉnh mà đã vươn ra một số tỉnh phía Bắc và miền Trung với mỗi vụ lên đến 15.000 tấn.

Cơ sở thu gom lạc của chị Hoàng Thị Lân ở xã Diễn Thịnh. Sau khi thu mua lạc tại huyện Nghi Lộc, Hà Tĩnh, Quảng Bình, chị thuê người làm xay xát, tuyển lựa để nhập cho các đại lý.

Gặp anh Trần Văn Hạnh đang bốc lạc đưa đi nhập được anh cho biết: Đến mùa bà con tỏa đi thu mua khắp nơi trong huyện, trong tỉnh rồi cả Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Mỗi mùa như vậy, gia đình đã thu mua tới hơn 100 tấn lạc vỏ về xay, nhập lạc nhân cho các đại lý xuất khẩu. Tuy chỉ làm khoảng 2 tháng trong năm nhưng nghề "xáo lạc" đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho cả gia đình, có điều kiện để nuôi con ăn học.

Anh Trần Văn Hạnh ở xóm 5, Diễn Thịnh đang thu gom lạc vỏ về chế biến

Doanh nghiệp tư nhân Sỹ Thắng được xem là đơn vị đầu tàu trong việc thu mua và chế biến, xuất khẩu lạc ở Diễn Châu với khoảng 7.000 tấn/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cơ sở đã đầu tư tới 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống kho chứa hàng, máy hút chân không, máy xay, sàng… để sơ chế và bảo quản sản phẩm, đảm bảo chất lượng xuất khẩu; hiện thu hút hơn 30 công nhân xay, tuyển lựa lạc.

Ông Phạm Sỹ Thắng cho biết: Năm nay thị trường Trung Quốc nhu cầu mặt hàng lạc tươi rất mạnh nên từ đầu mùa đến nay chúng tôi đã thu mua được 2.500 tấn lạc tươi để xuất khẩu. Giá lạc năm nay cao hơn năm ngoái mà dễ tiêu thụ, lạc tươi 15.000 đồng/kg (cao hơn năm ngoái từ 1.000 - 2.000 đồng/kg).

Hiện nay việc thu mua lạc tươi đã hết và chúng tôi đang tập trung thu mua lạc vỏ về xay và bán lạc nhân. Chúng tôi đã xuất được những chuyến hàng đầu tiên khoảng 100 tấn sang thị trường Trung Quốc với giá 41.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái tới 5 giá. Để có đủ lượng hàng cho các đối tác Trung Quốc, chúng tôi đang mở rộng địa bàn thu mua ở các tỉnh miền trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định….

Hàng được đóng gói, chuẩn bị xuất sang Trung Quốc

Do đã phát triển hàng chục năm nên nghề thu mua, chế biến, xuất khẩu lạc được coi là nghề truyền thống ở một số xã ở Diễn Châu, kéo dài khoảng 3 tháng từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Hiện Diễn Châu có khoảng 1500 hộ, 10 doanh nghiệp làm nghề này, chủ yếu tập trung ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Vạn, Diễn Hùng. Mỗi mùa như vậy, trung bình mỗi hộ làm nghề “xáo lạc” thu lại từ 30 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay, lạc là sản phẩm nông sản có giá trị rất lớn đối với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm Diễn Châu thu mua, chế biến khoảng 20.000 tấn lạc, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 15.000 tấn, còn lại là thị trường nội địa. Lạc nhân Nghệ An là thương hiệu đã chinh phục được nhiều bạn hàng truyền thống ở Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...

An Hà

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng hành hoa ở HTX Đồng Phong (Ninh Bình)

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Thời gian qua, HTX nông nghiệp Đồng Phong (Nho Quan, Ninh Bình) đã chủ động tìm hiểu và lựa chọn để đưa nhiều loại cây trồng mới vào đồng đất, qua đó từng bước tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, khẳng định vai trò của HTX trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Mới đây, HTX đã tiến hành chuyển đổi diện tích đất lúa-màu sang trồng hành hoa. Mô hình này bước đầu đã đem lại thành công nhất định, mở ra hướng đi mới cho người nông dân.

Mô hình trồng hành hoa của HTX.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng hành hoa của HTX, ông Trịnh Văn Thành, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong phấn khởi cho biết: Ngay sau đại hội, HTX bắt đầu ổn định tổ chức và đi vào hoạt động với 4 thành viên. Không chỉ đứng ra đảm nhận các khâu dịch vụ mà HTX còn mạnh dạn đưa một số mô hình mới vào đồng đất của địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nông dân.

Theo đó, từ đầu tháng 3 năm 2016, HTX phối hợp với Công ty TNHH thực phẩm Thiên Nhiên Xanh (có trụ sở tại địa bàn xã Sơn Hà) trồng thí điểm 2,5 ha hành hoa trên diện tích đất 5% của xã thuộc khu vực cánh đồng Vừng ở thôn Phong Lai 2. Trước đây, diện tích đất ở khu vực này chỉ cấy 1 vụ lúa và trồng 1 vụ màu nhưng hiệu quả không cao.

Để có nguồn nhân lực tham gia mô hình, HTX tiến hành thuê chính những người nông dân ở đây tham gia sản xuất, vừa để họ có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc và học hỏi kinh nghiệm, vừa có thêm thu nhập.

Để triển khai mô hình, Công ty thực phẩm Thiên Nhiên Xanh đã đứng ra cung ứng giống, phân bón theo hình thức trả chậm, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và trực tiếp bao tiêu sản phẩm.

Theo quy trình kỹ thuật trồng cây hành hoa, sau khi xuống giống được 3 ngày thì bắt đầu làm cỏ, chăm bón, mỗi lứa bón phân 5 lần và dừng chăm bón sau 7 đến 10 ngày thì thu hoạch. Sau khi trồng khoảng 45 ngày thì thu hoạch lứa đầu, từ lứa sau cứ 30 - 35 ngày lại thu hoạch 1 lần tuỳ vào tình hình thời tiết và cách chăm bón. Một lần xuống giống có thể thu hoạch được 4 lứa hành với hình thức cắt ngang phần lá, để lại phần gốc.

Hiện nay, HTX nông nghiệp Đồng Phong đang tiến hành thu hoạch lứa thứ 2, năng suất bình quân mỗi sào thu được từ 300 - 350 kg hành hoa. Với giá bán trên 6.000 đồng/1 kg, mỗi sào hành hoa thu về từ 1,8 - 2 triệu đồng/lứa.

Như vậy, với 4 lứa hành thì 1 sào trồng hành hoa có thể thu được từ 6 - 7 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Không những thế, theo tính toán của các nhà khoa học thì từ lứa thứ 2 trở đi, cây hành sẽ đẻ nhánh nhiều hơn và ra ít hoa hơn, năng suất sẽ tăng lên khoảng 400 đến 500 kg/sào.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình trồng hành hoa, ông Trịnh Văn Thành, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong nhận định: Với năng suất thu được từ 2 lứa hành vừa qua có thể khẳng định đây là một trong những cây trồng phù hợp với đồng đất của địa phương, quy trình trồng, chăm sóc cũng đơn giản.

Điều quan trọng hơn cả là mô hình đã góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của bà con về việc áp dụng KHKT cũng như chuyển đổi giống cây trồng, con nuôi phù hợp, thích ứng với thị trường.

Tuy nhiên, đợt cuối tháng 5 vừa qua do thời tiết nắng nóng nên năng suất cây hành đã bị sụt giảm khoảng 1 tạ/sào. Điều này đã được Ban giám đốc HTX rút kinh nghiệm.

Do đó, sang năm, việc trồng hành hoa sẽ được chuyển đổi khung thời vụ từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau nhằm tránh thời tiết nắng nóng. Hơn nữa, khoảng thời gian này, nguồn nhân lực sẽ dồi dào vì nông dân không vướng bận mùa vụ, mặt khác, các hộ xã viên cũng đã nắm bắt được cơ bản kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hành hoa, tin rằng năng suất và hiệu quả kinh tế của cây hành hoa sẽ cao hơn rất nhiều.

Với những tín hiệu vui từ cây hành hoa, HTX nông nghiệp Đồng Phong đã quyết định mở rộng thêm 10-15 ha. Để việc triển khai nhân rộng mô hình đạt hiệu quả cao hơn, hiện nay HTX đang tiến hành đào kênh dẫn nước ở khu đồng Vừng để chủ động nguồn tưới, đồng thời san ủi những gò đất cao để tạo mặt bằng.

Việc trồng hành hoa cũng cho thấy, những chân ruộng có nhiều kẽm và đồng thì cây hành thường bị xoăn lá và khả năng chịu nhiệt kém.

Đây là những vấn đề mà Ban giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong rút ra để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, góp phần tăng thu nhập, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mai Lan

Để cây tiêu chậm lão hóa

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Chỉ cần trồng mỗi trụ tiêu giống như “một đại gia đình” thì khi dây già, đã có thế hệ dây mới phát triển. Vườn tiêu 19 năm nhờ thế “trẻ mãi không già”, lá vẫn xanh đậm. Đó là cách trồng tiêu hiệu quả, bền vững của gia đình anh Lê Văn Hưng, đội 1, ấp Cây Cầy, xã Tân Hưng (Đồng Phú, Bình Phước).

Gia đình anh Hưng có 6,4 ha vườn, trong đó 4 sào tiêu 19 năm và 4 sào tiêu 1 năm. Nói về việc cải tạo vườn tiêu già của gia đình, anh Hưng khẳng định: “Tôi chưa nghĩ tới việc trồng lại khi vườn tiêu vẫn cho 2 tấn trái/năm, thu về 360 triệu đồng”. Quan sát kỹ vườn tiêu cao 5-7m, gốc to bằng cổ tay người trưởng thành, thấy trong 6-10 dây thân ở mỗi trụ có những dây mới 4 năm. Anh Hưng khoe: “Tôi không thể biết mỗi trụ tiêu có bao nhiêu thế hệ dây thân. Chỉ biết lứa đầu tiên có 3 thân dây, được chọn trong 7-12 dây mọc ra từ dây giống. Chúng đã 19 năm và đang mục khô trên trụ. Lứa thứ hai đang dần lão hóa. Còn lứa thứ ba đang ở độ tuổi cho thu hoạch. Cứ như vậy, tất cả thế hệ dây thân được mọc ra từ gốc. Nhờ thế mỗi gốc tiêu đã 19 năm vẫn sung sức, các thế hệ dây thân khỏe mạnh. Có những dây cho 2 bông/mắt”.

Anh Lâm Xưa làm thuê cho nhà anh Hưng, nhờ được hướng dẫn nên chăm sóc vườn tiêu đúng kỹ thuật, cho năng suất cao

Ngoài chậm lão hóa, vườn tiêu của gia đình anh Hưng còn dễ phát hiện sâu bệnh nhờ được cắt bỏ lớp dây ngang, tạo độ thoáng trên mỗi trụ. Các dây giống lại được chủ đích trồng về một phía nên khi tiêu phát triển lên 6-10 dây thân thì chúng không leo chồng chéo lên nhau. Đồng thời, anh Hưng còn trồng 1 dây giống/trụ, giúp tiêu ít phải cạnh tranh dinh dưỡng ngay từ đầu, hạn chế tối đa bệnh xoắn rễ có thể gây chết cây. Anh Hưng cho biết: “Trong thời gian đầu, trụ 1 dây yếu hơn trụ 2 dây do thiếu bóng nhưng sau phát triển nhanh khi không phải chia sẻ nguồn dinh dưỡng”.

Đứng trong vườn tiêu non gần 1 năm của gia đình anh, chúng tôi ngỡ như đang dừng chân trong một nông trại thu nhỏ. Phía trên là giàn chanh dây gần 1 năm đang đậu trái ngang tầm tay với. Anh Hưng chia sẻ: “Vì vườn nằm trên đồi nên gia đình muốn xuống giống tiêu và chanh dây cùng lúc. Sang mùa khô 2016, tiêu còn non nhưng chanh dây bắt đầu cho thu hoạch sau 6 tháng trồng nên vườn tiêu được che nắng bởi giàn chanh dây trưởng thành. Mặt khác, chanh dây cho thu quanh năm, 2 ngày anh Hưng hái trái 1 lần được 15-20kg, cho thu 300-400 ngàn đồng.

Chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong trồng tiêu, gia đình anh Hưng đã giúp vườn tiêu “trẻ mãi không già”, ngoài ra, còn tăng thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng nhờ chanh dây trồng xen.

Cẩm Thơ

Bạc Liêu: Thí điểm trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản thích nghi biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Tiểu dự án mô hình thí điểm trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản tại huyện Phước Long (Bạc Liêu) thuộc dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6) do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng. Đây là mô hình điểm của tỉnh, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư dự án.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm càng xanh nuôi theo mô hình tôm - lúa. Ảnh: P.T.C

Dự án được triển khai tại ấp Phước Thạnh (xã Phước Long, huyện Phước Long). Tiểu dự án được triển khai thực hiện từ năm 2015 - 2017. Mục tiêu đầu tư: Nâng cấp thủy lợi ở cấp cộng đồng, cấp nông hộ để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; cải tiến phương thức nuôi tôm, canh tác lúa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; cải thiện cơ chế quản lý, tổ chức, khai thác thông qua thành lập tổ hợp tác dùng nước và tập huấn nâng cao kỹ năng cho nông dân và cán bộ địa phương.

Theo Sở NN&PTNT, giải pháp công trình được thực hiện từ tháng 5/2016 - 2/2017. Tiểu dự án dành 5,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng 10 cống và 2 trạm bơm kết hợp, bao gồm: cống kênh Năm Thỏ, cống Ông Hội, cống số 1, 2, 3, 4, 5, 6 - kênh 500, cống số 1, số 2 - kênh Hậu. Hai trạm bơm kết hợp cống với 2 tổ máy cho mỗi trạm. Lưu lượng một máy bơm 2.400m3/giờ. Hiện, đơn vị thi công đang khẩn trương đưa dự án đi vào vận hành. Riêng phần phi công trình được triển khai từ tháng 2/2016 - 3/2017 với tổng kinh phí đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng.

Tại buổi lễ khởi động dự án, ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết nông dân tham gia dự án được hỗ trợ 100% lúa giống chịu mặn, tôm giống và vật tư nông nghiệp; được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Nếu như năng suất tôm hiện tại ở huyện Phước Long đạt 150kg/ha, thì khi áp dụng mô hình thí điểm sản lượng tôm sẽ tăng thêm khoảng 20%. Còn năng suất lúa vẫn ổn định từ 4 - 5 tấn/ha. Cái được lớn nhất từ mô hình này là bền vững về môi trường, tôm lúa phát triển tốt ngay trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ông Huỳnh Quốc Khởi cho biết thêm, quy mô gồm 9 hoạt động chính: Thực hiện điều tra kinh tế quy mô 100 nông hộ, xây dựng mô hình mẫu quy mô 18ha/12 hộ (bình quân mỗi hộ 1,5ha); xây dựng mô hình nhân rộng quy mô 30ha/20 hộ (bình quân mỗi hộ cũng 1,5ha).

Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, nhấn mạnh: Dự án sẽ mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng chuyển đổi của huyện trong phát triển sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

HỮU DUYÊN

Đắk Nông: Hồ tiêu được mùa, được giá nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Kết thúc vụ thu hoạch hồ tiêu 2015 – 2016, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phấn khởi vì hồ tiêu tiếp tục được mùa, được giá. Tuy nhiên, cũng chính vì giá hồ tiêu ổn định ở mức cao nên người dân đã ồ ạt mở rộng diện tích cộng với các loại dịch bệnh phát sinh đang là nỗi lo…

Nông dân thu lãi lớn nhờ giá ổn định

Cũng như nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã Nâm N’Jang (Đắk Song), gia đình ông Trần Văn Quyền đã có một vụ hồ tiêu với kết quả như mong đợi. Theo ông Quyền thì sau một năm nỗ lực chăm sóc, chủ yếu là áp dụng các biện pháp phòng, trừ nấm bệnh, vườn hồ tiêu 1,2 ha của gia đình ông cho thu hoạch trên 4 tấn/ha. Với giá bán hiện tại khoảng 170.000 đồng/kg, ông Quyền dự kiến thu được gần 1 tỷ đồng.

Gia đình ông Trần Văn Quyền ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) trồng 2ha tiêu, thu hoạch được trên 4,5 tấn/ha đã mang về cho ông nguồn thu gần 1 tỷ đồng

Ông Quyền cho biết: “Những năm gần đây, tôi không còn lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn tiêu như trước nữa mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học được khảo nghiệm tại các mô hình trồng tiêu bền vững do ngành Khuyến nông tỉnh, các viện nghiên cứu triển khai trên địa bàn để về áp dụng tại gia đình. Việc sử dụng chế phẩm sinh học này giúp phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh hại rễ hồ tiêu hiệu quả nên cây trồng phát triển tốt”.

Còn tại gia đình ông Nguyễn Thanh Nhơn ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) năm nay cũng rất phấn khởi vì năng suất hồ tiêu đạt 5 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha so với vụ trước. Để có được thành quả ấy, thời gian qua, ông Nhơn đã chủ động học hỏi kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu từ những nông dân đi trước, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do cơ quan chức năng tổ chức. Theo đó, những bệnh thường gặp ở cây hồ tiêu như: thối rễ, chết nhanh, vàng lá… đã được ông phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – PTNT thì hiện toàn tỉnh có trên 17.000ha hồ tiêu. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp – PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật thường xuyên cử cán bộ thực hiện tốt công tác điều tra, dự báo tình hình dịch hại trên cây hồ tiêu. Chi cục cũng đã phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, các trường đại học… triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trên cây hồ tiêu mang lại một số kết quả thiết thực, được bà con nông dân ứng dụng rộng rãi.

Còn đó những nỗi lo

Có thể thấy, hồ tiêu đang là cây trồng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Tuy nhiên, trước thực trạng ồ ạt tăng diện tích cùng với khả năng kiểm soát mầm bệnh gây hại cho cây trồng chưa cao nên trong niềm vui được mùa, được giá, người trồng hồ tiêu vẫn còn thấp thỏm những nỗi lo về tính bền vững của loại cây trồng này.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đua nhau mở rộng diện tích trồng hồ tiêu

Theo Quyết định số 230/QĐ-SNN, ngày 17/6/2015 của Sở Nông nghiệp - PTNT về ban hành kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt và kiểm dịch thực vật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì đến năm 2020, toàn tỉnh ổn định diện tích trồng hồ tiêu là 14.907ha, sản lượng đạt 40.873 tấn. Diện tích trồng hồ tiêu được quy hoạch tập trung chủ yếu tại các huyện như: Đắk R’lấp, Chư Jút, Đắk Song. Tuy nhiên, vì hiện tại cây hồ tiêu mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với cây trồng khác nên diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đến nay đã vượt xa quy hoạch đến năm 2020.

Theo số liệu thống kê của trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, đến tháng 12/2015, diện tích tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm trên địa bàn Đắk Nông là 110 ha và diện tích bị bệnh đang tiếp tục tăng.

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, mặc dù UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT đã ban hành nhiều công văn khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích, đồng thời cảnh báo cho người dân về những hậu quả xấu có thể xảy ra, những nguy cơ tiềm ẩn do phát triển tiêu ồ ạt nhưng thực tế diện tích cây trồng này đã tăng rất nhanh trong vài năm trở lại đây. Vì vậy, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu cho nông dân.

Thông qua các buổi tập huấn, các cơ quan chuyên môn đã tuyên truyền cho nông dân thấy được tác hại của việc chạy theo cơ chế thị trường, phát triển cây trồng thiếu bền vững, rút kinh nghiệm từ điệp khúc “được mùa mất giá”… trong thời gian qua đối với một số loại cây trồng khác.

Vì lẽ đó, hiện các hộ trồng tiêu đã từng bước nhận thức rõ mối nguy đang đe dọa đến những vườn hồ tiêu “tiền tỉ” của mình nên đã tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng, cũng như chuyển đổi quy trình canh tác sang sản xuất tiêu sạch, sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn Global, VietGap… để hướng đến một nền sản xuất bền vững, ít rủi ro hơn.

Văn Tâm

Ninh Bình: Trung tâm Khuyến nông tỉnh hội thảo đầu bờ về mật độ trong gieo thẳng lúa

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Sáng 14/6, tại HTX Thượng Hòa, Gia Thanh (Gia Viễn, Ninh Bình), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ và hội thảo về mật độ lúa trong gieo thẳng.

Các đại biểu thăm thực tế khu đồng bố trí các công thức thí nghiệm.

Tới dự có lãnh đạo Chi cục BVTV; Phòng NN&PTNT huyện Gia Viễn; lãnh đạo xã Gia Thanh; một số HTX NN trên địa bàn huyện Gia Viễn. Các đại biểu dự hội nghị đã đi thăm thực tế khu đồng bố trí các công thức thí nghiệm và hội thảo tại hội trường HTX Thượng Hòa.

Gieo thẳng là một biện pháp kỹ thuật ngày càng được áp dụng vào trong sản xuất với vụ xuân 2016 toàn tỉnh đạt gần 12.000ha. Tuy nhiên để áp dụng biện pháp này có kết quả và hiệu quả, ngoài các vấn đề cần chú ý như làm đất, tưới tiêu, trừ cỏ, diệt ốc bươu vàng, chăm sóc, bón phân..., yếu tố về lượng giống cần thiết gieo trên một đơn vị diện tích cùng rất quan trọng và phải phù họp với từng vùng đất, chân đất, giống lúa.

Để xác định vấn đề này, từ vụ mùa 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai đề tài xác định mật độ lúa trong gieo thẳng cho các vùng miền khác nhau. Vụ xuân 2016, Trung tâm đã triển khai mô hình tại HTX Thượng Hòa, Gia Thanh (Gia Viễn) với quy mô 1ha, giống lúa Thiên ưu 8 (trọng lượng 1000 hạt là 21gam).

Mô hình được bố trí thành 3 công thức: CT1 mật độ gieo 157 hạt/m2, tương đương 1,2kg giống/sào; CT2 mật độ gieo 198 hạt/m2, tương đương 1,5kg giống/sào; CT3 mật độ gieo 264 hạt/m2, tương đương 2kg giống/sào.

Các yếu tố khác như: lượng phân bón, cách bón, phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước...ở các công thức là như nhau.

Kết quả cho thấy: Năng suất lý thuyết cao nhất ở CT2 với 70,8 tạ/ha, tương đương với 254,7 kg/sào và thấp nhất ở CT3 với năng suất 68,5 tạ/ha, tương đương 246,7 kg/sào.

Năng suất thống kê cao nhất ở CT2 đạt 61,6 tạ/ha, tương đương với 221,6 kg/sào; thấp nhất ở CT3 với 59.6 tạ/ha, tương đương với 214,7 kg/sào.

Về hiệu quả kinh tế, CT2 cho hiệu quả kinh tế cao hơn CT1 là 18.900 đồng/sào (tương đương với 525.000 đồng/ha) và cao hơn CT3 là 58.900 đồng/sào (tương đương với 1.636.000 đồng /ha).

Đinh Chúc

Tiền Giang: Nông dân xử lý sầu riêng nghịch vụ

Nguồn tin: Tiền Giang

Thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) hiện trồng khoảng 1.400ha sầu riêng, trong đó xã Long Khánh có 900 ha, Phú Quí 400 ha, Thanh Hòa 100 ha, diện tích cho trái trên 50%. Hiện nay, nông dân thị xã Cai Lậy tiến hành xử lý vụ sầu riêng nghịch năm 2016 bằng cách điều tiết nước cạn trong mương, dùng màng nylon phủ mặt liếp, đồng thời phun thuốc kích thích giúp cây ra hoa.

Theo nhiều nông dân: Đầu tháng 5 bắt đầu xử lý sầu riêng nghịch vụ, tạo khô hạn khoảng 1 tháng cây ra hoa, dỡ mũ tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo định kỳ và cho thu hoạch vào tháng 11 âm lịch. Thời điểm từ tháng 11 - 1 âm lịch sầu riêng khan hiếm, thương lái đến tại vườn mua sầu riêng giống Ri 6 từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, tùy chất lượng trái, trừ chi phí nông dân thu lãi 500 triệu đồng/ha.

Thông qua việc xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ giúp nông dân khắc phục trình trạng "được mùa, thất giá", nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu từ cây trồng này.

Thảo Quyên

Thủ Thừa (Long An): Trồng thanh long tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nguồn tin: Báo Long An

3 năm trở lại đây, nhiều nông dân trong huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chuyển từ cây lúa sang trồng thanh long ruột đỏ, việc phát triển ồ ạt, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Vườn thanh long này chỉ cho trái mùa thuận nên đầu ra, giá cả khá bấp bênh

Gần đây, diện tích trồng thanh long trên địa bàn huyện tăng nhanh với 63ha; trong đó, xã Tân Thành 36,50ha; Nhị Thành 8,5ha; Bình Thạnh 6,5ha; Long Thuận 4ha; Mỹ An 2,4ha; Mỹ Phú 2,3ha; Bình An 2,1ha, thị trấn Thủ Thừa 0,7ha;… hầu hết đều canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Bên cạnh đó, do chạy theo phong trào, không ít nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long nên chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như xử lý ra hoa, cho trái;... vì vậy, những vườn thanh long này chỉ cho trái mùa thuận nên đầu ra, giá cả khá bấp bênh.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, các ngành chức năng huyện tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý cho trái, cũng như phòng trừ sâu bệnh. Để phát triển thanh long hiệu quả, bền vững, ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện cần tham mưu cho lãnh đạo huyện đề xuất với tỉnh quy hoạch phát triển bền vững cây thanh long để định hướng phát triển lâu dài hoặc khuyến cáo không nên trồng tự phát, phân tán, sẽ có nhiều rủi ro./.

Huỳnh Du

Hải Phòng: Dưa kim lên ngôi

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Xã Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo) đang là địa phương dẫn đầu toàn miền Bắc trong trồng đại trà dưa kim cô nương, kim hoàng hậu mà bà con gọi chung là dưa vàng.

Chăm sóc ruộng dưa

Vụ này toàn xã có 60ha dưa vàng, sản lượng thu hoạch ước tính 1.200 tấn. Trong đó, có 10ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Năng suất dưa vàng đạt 700 - 800 kg/sào. Do chất lượng dưa vàng ở Tân Hưng cao hơn hẳn so với dưa trồng ở nơi khác nên giá bán cũng cao hơn, từ 15.000 - 17.000 đồng/kg tại ruộng. Trừ chi phí, mỗi sào dưa cho thu nhập 7 - 8 triệu đồng.

Từ thành công của xã Tân Hưng, vụ xuân năm nay, nông dân tại một số địa phương khác cũng chuyển đổi đất lúa và dưa hấu sang trồng dưa vàng. Xã Đại Thắng (huyện Tiên Lãng) vụ này có hơn 4ha dưa vàng. Dưa vàng được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả gấp 2 lần dưa dấu, gấp 4 - 6 lần trồng lúa.

Tại xã Tiên Cường - vùng chuyên canh dưa hấu của huyện Tiên Lãng, từ vụ hè thu năm ngoái, bà con đã trồng thử nghiệm dưa vàng. Vụ xuân này, diện tích dưa vàng được mở rộng nhưng dưa hấu vẫn là cây chủ lực. Giá dưa hấu ổn định hơn năm ngoái, giữ vững ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg tại ruộng, chứ không “nhảy múa” như năm ngoái.

Nông dân các vùng trồng dưa lo nhất vẫn là thị trường tiêu thụ và giá cả. Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung tăng cường khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Người trồng dưa vẫn phải bán lẻ sản phẩm

HÂN MINH - TS

Saigon Co.op sẽ bán 350 - 500 tấn vải thiều

Nguồn tin: Người Lao Động

Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM đã hoàn tất và đang triển khai kế hoạch phân phối, hỗ trợ nông dân phía Bắc tiêu thụ trái vải.

Dự kiến, Saigon Co.op, đơn vị thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, sẽ tiêu thụ khoảng 350 - 500 tấn trái vải. Theo đánh giá chung, chất lượng trái vải tươi năm nay khá tốt nên giá thu mua của Saigon Co.op tại vườn cao hơn năm trước. Để bảo đảm chất lượng, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra sẽ tổ chức kiểm tra, thu mua, vận chuyển và phân phối. Các siêu thị ưu tiên vị trí trưng bày, tổ chức giảm giá liên tục mặt hàng trái cây để đẩy mạnh tiêu thụ.

Vải thiều đầu mùa bày bán tại Co.opmart Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đ.Nghi

Đồng Tháp: Quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 23.534ha trồng cây ăn trái; trong đó, xoài 9.300ha, nhãn 4.100ha, cây có múi 3.700ha (riêng quýt hồng trên 1.000 ha)... Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn trái được tỉnh quan tâm nhiều năm qua. Hiện nay, toàn tỉnh có 44% diện tích trồng cây ăn trái được lên liếp, khép kín đê bao chủ động tưới tiêu; 54% diện tích được tưới tiêu bằng bơm điện và bơm dầu; 68% diện tích được phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy. Thời gian qua ngành nông nghiệp khuyến khích nhà vườn sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP, hỗ trợ các địa phương xây dựng thành công thương hiệu cây ăn trái, như: xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành…; chứng nhận cây đầu dòng trên xoài, nhãn… Đến nay, tỉnh đã có 21ha/25 hộ trồng xoài được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; 5ha/5 hộ trồng xoài được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand với diện tích 33,2ha/40 hộ.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, kỹ thuật canh tác của nhà vườn ở Đồng Tháp khá tốt. Phần lớn nhà vườn là thành viên hợp tác xã, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, như: tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, bao trái làm tăng tỷ lệ xoài loại 1, giảm tỷ lệ ruồi đục trái, nhiễm khuẩn, giảm chi phí thuốc; 95% diện tích trồng xoài, nhãn sử dụng hóa chất Pacobutrazol, Chlorate kali (KClO3) để xử lý ra hoa đồng loạt góp phần tạo lượng hàng hóa lớn kết hợp thực hiện rãi vụ để nâng cao giá bán nông sản. Ngoài ra, trên 90% diện tích trồng xoài của Đồng Tháp áp dụng phương pháp bao trái góp phầm làm giảm chi phí phun thuốc trừ sâu và giảm thất thoát sau thu hoạch.

T.Đạt

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop