Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 06 năm 2021

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Nhiều thách thức

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh

Phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp là xu hướng sản xuất ngày càng được nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, ở Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ còn khá mới mẻ và nhiều thách thức.

Thu hoạch dưa lưới. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Ðông

Ông Lâm Chí Dũng, một nông dân có khoảng 100 ha đất trồng mía ở ấp Thanh Xuân (xã Mỏ Công) và ấp Bàu Ðá (xã Trà Vong, huyện Tân Biên) chia sẻ, để cây mía đạt năng suất cao (khoảng 100 tấn/ha), từ hơn 10 năm nay, ông áp dụng việc bón phân hữu cơ.

“Trước đây, tôi mua bã bùn tươi của nhà máy mía đường, một năm bón khoảng 30 tấn, khi nhà máy không còn bán nữa, tôi tìm hiểu và chọn những loại phân hữu cơ khác có chất lượng, trung bình một năm bón khoảng 4 tấn. Sử dụng phân hữu cơ làm cho nền đất bền vững, không thoái hoá. Ngoài ra, tôi còn sử dụng các chế phẩm sinh học giúp nâng cao năng suất, chất lượng mía, nhờ vậy mà những năm qua, cây mía luôn đạt năng suất cao và ổn định”- ông Dũng nói.

Vụ Ðông Xuân 2017-2018, anh Cao Văn Thanh, nông dân trồng lúa ở khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng cùng các nông dân trên địa bàn liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa Ðài Thơm 8. Thời điểm đó, anh cùng một số nông dân trồng thử nghiệm lúa hữu cơ với diện tích 5 ha.

Khi làm lúa hữu cơ, anh Thanh dùng phương pháp cấy lúa chứ không sạ, vì sạ theo kiểu truyền thống có mật độ dày, trong mùa vụ có nhiều loại sâu bệnh gây hại nhưng các loại thuốc hữu cơ có tác dụng rất chậm, ảnh hưởng đến năng suất. Anh Thanh cho biết: “Qua trồng thử nghiệm, năng suất lúa giảm chỉ còn khoảng 2/3 so với thông thường. Trong khi đó, giá thu mua lúa không cao, chỉ 6.000 đồng/kg, và không được nhiều người quan tâm nên đầu ra của lúa hữu cơ còn khó khăn. Nếu đầu ra của sản phẩm ổn định, giá cả hợp lý thì nông dân mới mạnh dạn đầu tư”.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ở bước chuyển tiếp giữa giai đoạn khuyến khích người sản xuất hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, chuyển qua sử dụng phân bón hữu cơ và tiến tới chỉ sử dụng phân hữu cơ. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người sản xuất chuyển qua sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, hạn chế và không sử dụng thuốc hoá học.

Trên địa bàn tỉnh có 54 ha mì được cấp chứng nhận phù hợp phương pháp sản xuất hữu cơ organic EU (cây khoai mì) và phương pháp sản xuất hữu cơ USDA-NOP (cây trồng, xử lý/chế biến cây khoai mì). Giấy này cấp cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Umbrella. Một số cây trồng chưa có quy trình hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Trồng trọt xây dựng, khi Cục Trồng trọt ban hành, Sở NN&PTNT sẽ triển khai đến người sản xuất biết để thực hiện.

Trồng rau thuỷ canh ở Hợp tác xã Nhà (thị xã Hoà Thành).

Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều thách thức. Việc phòng, chống dịch bệnh chủ yếu bằng các chế phẩm sinh học nên tác dụng chậm và khó đạt hiệu quả cao trên diện rộng, năng suất thấp hơn so với quy trình canh tác thông thường.

Bên cạnh đó, phần lớn các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ, manh mún nên khó khăn trong việc tập trung diện tích để cùng sản xuất. Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nghiêm ngặt, đòi hỏi người sản xuất phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào trong khi nhận thức, trình độ của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế.

Về thị trường tiêu thụ, do năng suất không cao, công lao động nhiều nên giá thành sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ thường cao gấp 2-4 lần bình thường; trong nhiều trường hợp, sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt (ví dụ: vẫn có một số đốm bệnh, vết sâu ăn trên sản phẩm…). Ngoài ra, người dân chưa quan tâm về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nên vấn đề tiêu thụ gặp không ít khó khăn.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ cần rất nhiều yếu tố đi kèm như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trang thiết bị phục vụ; kiến thức, kỹ thuật về nông nghiệp hữu cơ; thị trường tiêu thụ... Theo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, theo đó, đẩy mạnh ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học, tác nhân phòng trừ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, thuốc BVTV hoá học trong trồng trọt.

Ðối với trang thiết bị, Sở NN&PTNT khuyến cáo các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao áp dụng hệ thống tưới điều khiển tự động trong sản xuất đối với rau màu, cây ăn quả... Áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất là một trong những điều kiện tiến tới áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, tỉnh còn định hướng phối hợp với một số viện, trường đại học xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng, vật nuôi chính của tỉnh.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, tỉnh định hướng thực hiện các nhóm giải pháp như: phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có cơ sở khoa học, thực tiễn về tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ để xây dựng lộ trình phát triển sản xuất phù hợp với thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nông dân xã Bàu Ðồn (huyện Gò Dầu) thu hoạch sầu riêng.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kể cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ.

Bên cạnh đó, truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng; nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực và khuyến nông về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường quản lý Nhà nước về đầu vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chất lượng sản phẩm; xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ngày 19.8.2020, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 885 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2020-2025, xác định được vùng và quy mô đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên đối tượng cây, con cụ thể như sau: vùng sản xuất lúa hữu cơ khoảng 35-50 ha; vùng sản xuất rau màu hữu cơ khoảng 15-28 ha; vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ 40-63 ha; vùng sản xuất cây dược liệu hữu cơ 2-5 ha; vùng chăn nuôi heo hữu cơ số lượng đạt trên 250 con; vùng chăn nuôi bò hữu cơ số lượng đạt trên 250 con; vùng chăn nuôi dê hữu cơ số lượng đạt trên 1.500 con; vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ số lượng đạt trên 60.000 con.

Giai đoạn 2026-2030, triển khai nhân rộng các mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh với chỉ tiêu: vùng sản xuất lúa hữu cơ với diện tích khoảng 70-110 ha; vùng sản xuất rau màu hữu cơ khoảng 40-85 ha; cây ăn quả hữu cơ khoảng 75-170 ha; vùng sản xuất cây dược liệu hữu cơ 8-10 ha; vùng chăn nuôi heo hữu cơ số lượng đạt trên 500 con; vùng chăn nuôi bò hữu cơ số lượng đạt trên 500 con; vùng chăn nuôi dê hữu cơ số lượng đạt trên 2.500 con; vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ số lượng đạt trên 100.000 con.

Trúc Ly

Lâm Đồng: Chuối Laba ‘bén rễ’ trên đất Ka Đô

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Mạnh dạn đi tìm con đường mới để làm giàu bằng chính nghề nông nghiệp và một trong số cây trồng đó là chuối Laba “bén rễ” trên vùng Ka Đô, Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Với diện tích 7 sào trồng chuối Laba, gia đình chị Phạm Thị Thùy Vân có mức thu nhập ổn định

Trong cái nắng của những ngày đầu tháng 6, chúng tôi theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô đến thăm vườn chuối Laba hơn 5 năm tuổi của gia đình chị Phạm Thị Thùy Vân (42 tuổi). Bằng nụ cười thân thiện, chị Vân mời chúng tôi thưởng thức những quả chuối chín mọng mà gia đình vừa cắt vào sáng sớm. “Cái nghiệp với cây cỏ, ruộng đất nó ăn vào máu rồi hay sao ấy, bỏ không được. Cứ cái gì ít người làm thì tôi mới làm” - chị Vân mở đầu câu chuyện.

Năm 2016, sau nhiều lần trăn trở vì giá cả nông sản như cà chua, cải bắp... bấp bênh,... vợ chồng chị Vân quyết định đi tìm hướng sản xuất mới hiệu quả hơn. “Trong lúc loay hoay tìm cây trồng để phát triển, tôi được anh trai truyền đạt kinh nghiệm và chỉ cách chuyển qua trồng chuối Laba. Suy đi tính lại, cuối cùng tôi quyết định chuyển 7 sào đất sang trồng loại chuối này. Lúc mới trồng, không chỉ người dân xung quanh mà ngay cả tôi cũng chưa dám nghĩ mình sẽ ổn định như bây giờ” - chị Vân chia sẻ.

Được anh trai hỗ trợ về mặt cây giống và kinh nghiệm trồng, hơn nữa chị Vân còn biết mỗi gốc chuối Laba cho thu hoạch liên tục trong vòng 15 năm mới phải trồng lại nên đã mạnh dạn chuyển qua trồng chuối. Đặc điểm của giống chuối Laba là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít dùng thuốc trừ sâu, chịu nước, trổ buồng quanh năm nên chị lại càng yên tâm hơn.

Qua những lần thăm hỏi, được biết giống chuối Laba rất phù hợp với vùng đất này. Sau khi trồng chuối Laba phát triển rất nhanh, chỉ 8 tháng sau là cho thu hoạch lứa đầu tiên, có những buồng nặng tới 50 kg, quả to, căng nhẵn. Cứ vậy, lớp này nối tiếp lớp khác, 5 tháng tuổi cây trổ buồng, sau đó 3 tháng thì chuối chín.

Khi lứa đầu tiên thu hoạch, một đầu mối chuyên thu mua nông sản ở Đức Trọng vào thấy vườn chuối của gia đình đã “mê tít”. Ngay hôm đó, họ làm hợp đồng nhận bao tiêu chuối lâu dài cho gia đình chị Vân với giá 6.000 đồng/kg, số lượng chuối không hạn chế... “Trồng chuối lời gấp nhiều lần trồng rau, sản phẩm làm ra đến đâu thương lái cho người vào tự thu hoạch, vận chuyển, vợ chồng tôi chỉ việc đứng nhìn cân, ghi sổ số lượng chuối để tính tiền. Hiện với 7 sào chuối cho thu hoạch, cùng với việc bán cây giống, mỗi năm gia đình thu về được 350 triệu đồng” - chị Vân thông tin.

Cũng như gia đình chị Vân, nhận thấy hiệu quả kinh tế ổn định và có đầu ra để an tâm, năm 2017, gia đình anh Nguyễn Quốc Phong (35 tuổi) ở Ka Đô bắt đầu trồng 4 sào chuối Laba.

Anh Phong kể rằng, trồng chuối Laba không phải là không có những khó khăn. Cây chuối cơ bản rất dễ trồng, nhưng chỉ cần làm sai là công gầy dựng mất hết. Do không thuê được nhân công phụ việc theo đúng ý nên gia đình phải ôm tất tần tật những công việc trong vườn, từ mua bao ni-lông về trải quanh gốc chuối để hạn chế cỏ; xử lý cây con để cây mẹ có đủ chất dinh dưỡng; đánh dấu cây ra hoa, trổ buồng, tìm cách để cây chịu được gió bão không bị ngã đổ. Hơn nữa, lúc đầu chuối Laba rất dễ trồng, chỉ cần đào cái hố, thả cây non xuống, sau khoảng 1 năm là cho thu hoạch, không cần chăm bón nhiều. “Nhưng một thời gian sau cây chết dần, năng suất giảm hẳn. Tôi tìm hiểu nguyên nhân mới biết giống chuối này phải trồng đúng tiêu chuẩn hố sâu 80x80 cm, vì khi chuối lớn thì rễ chuối dần dần đẩy lên và hay xới xung quanh gốc. Khi trồng phải bón phân tưới nước đầy đủ, chỉ cần 8 tháng là thu hoạch được, năng suất có thể lên tới 40 - 60 kg/buồng” - anh Phong nói.

Cũng theo tính toán của anh Phong, diện tích trồng 4 sào chuối của anh hiện tại có 300 cây, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng, bao gồm giống và hệ thống tưới nước tự động. Với chi phí đầu tư, chăm sóc như vậy, vườn chuối Laba của anh thu hoạch 2 tháng 1 lần với giá bán cho thương lái mua tại vườn là 6.000 đồng/kg. Nếu lúc nở rộ, sản lượng anh thu về có lúc lên đến 1 tấn/lần.

Ông Lưu Hoàng Mẫn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đô cho biết: “Trước nay, xã Ka Đô vẫn luôn ưu tiên phát triển rau, củ, quả ngắn ngày phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã luôn biết chủ động tìm ra hướng đi mới chứ không chạy theo số đông, đồng thời tìm hiểu và lựa chọn những cây giống phù hợp với nhu cầu thị trường và đặc điểm thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, một trong số đó là việc trồng chuối Laba. Trên thực tế, tại địa phương chuối Laba không thể thay thế được các giống cây truyền thống, tuy nhiên so sánh về nguồn thu nhập và có đầu ra ổn định, giống chuối này đang là một trong những lựa chọn được người dân địa phương tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm và mang về trồng. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục giới thiệu các chương trình vay vốn hỗ trợ lãi vay để tạo điều kiện cho hộ nông dân phát triển sản xuất.

THÂN THU HIỀN

Mít siêu sớm giá giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Gần đây, nhiều hộ dân trồng mít siêu sớm lo lắng khi giá mít giảm mạnh, thậm chí một số nhà vườn không tìm được thương lái thu mua. Theo nhận định của nhiều nhà vườn, giá mít giảm nguyên nhân phần lớn do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc khó xuất khẩu, còn thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết lượng mít lớn của các địa phương. Do vậy làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhiều nhà vườn sản xuất mít siêu sớm.

Giá mít siêu sớm giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo ông Nguyễn Văn Hai, xã Xuân Hòa (Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), ông có 800 gốc mít siêu sớm đang giai đoạn thu hoạch. Nếu như cùng kỳ thời điểm năm trước, giá mít được thương lái thu mua từ 15.000 - 40.000 đồng/kg (tùy thời điểm), từ cuối tháng 11 (âm lịch) năm 2020 đến tầm tháng 3 (âm lịch) năm 2021 giá mít vẫn còn ở mức cao từ 16.000 - 42.000 đồng/kg thì đến thời điểm hiện tại giá mít bắt đầu sụt giảm dần xuống còn 7.000 - 8.000 đồng/kg mít loại 1, từ 2.000 - 3.000 đồng/kg mít dạng xô. Với mức giá này, nhà vườn lỗ nặng.

Nếu như nhà vườn “thất thu” trong vụ mít này thì thương lái thu mua cũng gặp không ít khó khăn nhưng buộc lòng phải mua mít cầm chừng giữ mối với các nhà vườn để thu mua các vụ sau. Anh Trần Văn Lắm - thương lái thu mua mít xã Trinh Phú (Kế Sách) chia sẻ: “Khoảng 2 tuần nay giá mít giảm sâu, buộc lòng chúng tôi phải mua mít của nhà vườn giảm giá xuống. Thực tế giá mít được mua xô tại vườn là 2.000 - 3.000 đồng/kg, thương lái chúng tôi chở đến vựa cân lại chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Nếu tính chi phí vận chuyển và công lao động tới tận vườn thu hoạch trái thì không có lời, thậm chí bị lỗ nếu trong quá trình vận chuyển mít bị dập. Chính vì giá mít giảm mạnh nên nhiều thương lái mua mít ngưng thu mua, dẫn đến nhiều nhà vườn không tìm được nơi tiêu thụ mít…”.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích trồng mít trên địa bàn tỉnh hơn 1.100ha. Mít thường được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, phục vụ thị trường xuất khẩu, bởi ngoài việc để chín tự nhiên dùng ăn tươi trực tiếp, mít còn được dùng làm sản phẩm mít sấy khô nên có thời điểm hút hàng, giá cao, đem lại nguồn thu nhập tốt cho nhà vườn. Tuy nhiên, thời gian gần đây do dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại một số nước nhập khẩu nên việc xuất khẩu gặp khó; đồng thời do lượng mít lớn nên việc tiêu thụ trên địa bàn tỉnh không nhiều dẫn đến cung vượt cầu, giá mít giảm mạnh.

THÚY LIỄU

Sóc Trăng: Sầu riêng Xuân Hòa (Kế Sách) khôi phục sau hạn, mặn

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng

Năm 2020, nhà vườn trồng sầu riêng tại Xuân Hòa, huyện Kế Sách bị thiệt hại gần 50% diện tích do mặn xâm nhập. Vụ năm nay bà con ra sức cải tạo, chăm sóc, chủ động với hạn, mặn, nhờ vậy cây đã phục hồi cho năng suất khá cao.

Canh tác hơn 1,5 ha sầu riêng giống Ri 6, những ngày này, gia đình của ông Đoàn Út Xuân đang tất bật thu hoạch để kịp thời bán cho thương lái. Ông chia sẻ, sau khi bị ảnh hưởng của đợt hạn, mặn năm 2020, gia đình đã chủ động theo dõi độ mặn thường xuyên, làm ao tích trữ nước ngọt kèm với đó là tích cực chăm sóc, nhờ vậy mà vườn cây đã hồi phục lại sau hạn, mặn. Ước vụ này đạt 20 tấn/ha. Hiện thương lái thu mua với giá 54 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình còn lời khoảng 1 tỷ đồng.

Diện tích sầu riêng tại Xuân Hòa cơ bản đã phục hồi sau hạn, mặn năm 2020 và cho năng suất khá cao.

So với cùng thời điểm năm 2020 thì vụ sầu riêng năm nay năng suất và giá bán tương đối cao. Theo ghi nhận vụ này, trung bình mỗi ha cho sản lượng 20 tấn trái, tăng 5 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Giá được thương lái thu mua từ 50 - 60 ngàn đồng/kg, cao hơn từ 20 - 25 ngàn. Sau khi trừ chi phí nhà vườn còn lời vài trăm triệu đồng. Theo ông Lưu Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết, ngay sau khi kết thúc đợt hạn, mặn năm 2020, địa phương đã chủ động xây dựng phương án phòng chống hạn, mặn như đầu tư các công trình thủy lợi, gia cố cống, bọng; thường xuyên kiểm tra độ mặn để cập nhật tình hình đến với bà con trên địa bàn. Nhà vườn cũng không còn chủ quan khi lấy nước tưới cho cây mà trang bị máy đo độ mặn, làm ao bạt để tích trữ nước ngọt... nhờ vậy mà diện tích sầu riêng năm nay cơ bản đã phục hồi tốt.

Xã Xuân Hòa có diện tích trồng sầu riêng gần 400 ha, chủ lực là giống Ri 6 và Monthong, sầu riêng Thái. Năm nay, nhờ mưa sớm, cây không bị mặn xâm nhập nên việc ra hoa kết trái đạt tốt. Vụ sầu riêng năm nay còn thu hoạch kéo dài đến tháng 7 dương lịch thì mới kết thúc - ông Lưu Quốc Thanh cho biết thêm.

Phương Anh

Trồng nấm kết hợp hệ thống điện mặt trời áp mái: Hiệu quả khả quan

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) liên kết với doanh nghiệp và một số hộ dân triển khai trồng các loại nấm nguyên liệu bên trong trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp hệ thống điện mặt trời áp mái. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mở ra triển vọng sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Năm 2020, huyện Chư Pưh có 34 hộ cá thể và doanh nghiệp đầu tư trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp hệ thống điện năng lượng mặt trời. Đến nay, 27 trang trại triển khai sản xuất theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT với các loại cây trồng như: nấm bào ngư, nấm tai mèo, đinh lăng, nha đam, sâm đương quy… Trong đó, mô hình trồng nấm ứng dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại trồng nấm của HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trên cơ sở Dự án trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái do Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Nhị An Gia Lai đầu tư vốn, nhân công và dây chuyền sản xuất, đầu năm 2021, bà Nguyễn Thị Thanh và bà Trần Thị Mỹ Hạnh (làng Thơ Ga B, xã Chư Don) liên kết với HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS đầu tư trên 500 triệu đồng trồng nấm bào ngư xám và nấm tai mèo theo hướng VietGAP và GlobalGAP với diện tích hơn 2 ha. Trong đó, HTX cung cấp toàn bộ nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Qua hơn 7 tháng, cây nấm sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, mỗi tháng, HTX cung cấp 2-3 tấn nấm bào ngư xám và nấm tai mèo cho thị trường với giá bán bình quân 25 ngàn đồng/kg.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Trần Văn Công cho hay: “Qua thực tế triển khai mô hình, chúng tôi thấy cây nấm dễ trồng, dễ chăm sóc, rất phù hợp với điều kiện khí hậu, độ ẩm ở các trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái. Các trang trại có đất, còn chúng tôi có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm. Vì vậy, có thể mở rộng hợp tác với nhau, tận dụng diện tích đất ở dưới mái của hệ thống điện mặt trời để trồng nấm”. Còn bà Trần Thị Kim Hoa (làng Thơ Ga B) thì cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tôi được HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS nhận vào làm công nhân trồng nấm. Mỗi tháng, tôi được trả khoảng 4 triệu đồng”.

Theo ông Trần Văn Công, với giá bán bình quân 25 ngàn đồng/kg nấm, sau khi trừ chi phí, HTX thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, sau khi hết chu kỳ khai thác nấm bào ngư xám, phần phôi bỏ ra sẽ được sử dụng trồng nấm rơm hoặc ủ làm phân hữu cơ. “Thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết xây dựng chuỗi giá trị khép kín với các doanh nghiệp và hộ dân có dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái bằng hình thức cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi hướng đến vùng chuyên canh sản xuất nấm đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP”-ông Công cho biết thêm.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-thông tin: Sau gần 1 năm triển khai, mô hình sản xuất nấm công nghệ cao tại trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Phòng đang đề xuất UBND huyện tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp tại các trang trại năng lượng áp mái để tìm hướng đi phù hợp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hỗ trợ các trang trại hợp tác với nhau hình thành chuỗi liên kết với người dân và các HTX sản xuất nấm với quy mô hàng hóa tập trung. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bên liên kết sản xuất theo hướng bền vững.

NGUYỄN DIỆP

Khởi nghiệp với nghề trồng nấm sạch

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Năm 2017, chị Mai Thị Ánh Xuân, ấp Phước Xuân, xã An Khánh, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng nấm sạch. Mỗi tháng, chị thu lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Chị Mai Thị Ánh Xuân thu hoạch nấm sạch.

Lựa chọn nghề chưa qua đào tạo khiến chị gặp không ít khó khăn khi khởi nghiệp. Nhưng với lòng ham học hỏi và quyết tâm cao, chị Xuân đã gặt hái được những thành công bước đầu đáng khích lệ. Chị Xuân cho biết: “Ban đầu, tôi đối mặt với không ít khó khăn như: kỹ thuật trồng nấm chưa nhiều, kinh nghiệm chủ yếu tích lũy là học trên mạng. Khi trại nấm đầu tiên, tôi dùng cột kê (tức cột bằng cây dừa rồi kê gạch) để treo gần 5 ngàn bịch phôi nấm, nặng gần 7 tấn. Sau đó, bão đến, gió mạnh làm sập trại trồng nấm tôi may mắn thoát kịp. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu. Lứa nấm đầu tiên đã được sản xuất thành công mang về lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Tôi xem đó là động lực cho mô hình của mình”.

“Khi trồng nấm, điều kiện nhiệt độ khoảng 26 - 300C. Ánh sáng tầm khoảng có thể đọc sách là được. Khi trồng, tôi khử khuẩn bằng vôi trước và trang bị lưới chống côn trùng để nấm có thể phát triển tốt. Khi thu hoạch, tôi thường hái vào sáng sớm hoặc khuya vì lúc này nấm đạt khoảng 3 - 4cm, độ ẩm cao, tai nấm rất đẹp. Khi tưới nước 3 tiếng sau, tôi mới thu hoạch để tránh nấm bị nhũng”, chị Xuân chia sẻ.

Lúc đầu, chị đầu tư 5 trại trồng nấm. Mỗi trại có diện tích khoảng 50m2. Chị Xuân đã trồng nhiều loại nấm như: hoàng kim, bào ngư, hoàng đế, hồng ngọc, nấm mèo, nấm mối đen... cung ứng thị trường.

Hiện nay, chị Ánh Xuân trồng khoảng 8 loại nấm, với khoảng 19 - 20 ngàn phôi nấm. Theo chị, nấm trồng quanh năm và sau khoảng 2 tháng sẽ có thu hoạch. Bằng sự đam mê tìm tòi sáng tạo, các trại nấm của chị Xuân dần ổn định, năng suất trung bình một tháng đạt 200 - 400gram nấm/bịch phôi. Sản lượng hàng tháng đều đặn từ 300 - 450kg nấm. Nấm bán giá từ 40 - 60 ngàn đồng/kg. Mỗi tháng trại nấm mang về lợi nhuận cho chị gần 20 triệu đồng. Ngoài việc trồng nấm, chị Mai Thị Ánh Xuân còn gầy dựng vườn rau sạch khoảng 35m2. Trung bình 1 tháng chị thu hoạch khoảng 20kg. Chị Xuân nói thêm: “Hiện nay, tôi sản xuất nấm theo phương thức nấm sạch, chủ yếu là tưới nước sạch, không sử dụng chất bảo quản cũng như thuốc hóa học. Trong thời gian tới, tôi sẽ đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký mô hình OCOP để đưa sản phẩm đến thị trường xa hơn”.

Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Văn Hoàng nhận định: Thời gian qua, nhiều cá nhân tại huyện Châu Thành đã “dám nghĩ, dám làm”, tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương để tạo ra những mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nông nghiệp, chị Mai Thị Ánh Xuân đã bước đầu đạt được thành công với mô hình trồng nấm sạch. Đây là mô hình kinh tế triển vọng tại địa phương.

Bài, ảnh: Trúc Lan

Lâm Đồng: Lạc đen bén rễ đất Đức Trọng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Giống lạc đen CNC1 được Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc và các cộng sự tại Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp tuyển chọn từ nguồn vật liệu (nhập nội). Đây là giống lạc cho năng suất cao hơn từ 15 - 20% so với giống lạc thường hiện nay. Đặc biệt, chất lượng của giống lạc đen có giá trị trong y học.

Chị Phạm Thị Hương bên vườn lạc đen bội thu

Từ sự hợp tác giữa chị Phạm Thị Hương (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) và Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, giống lạc này đã bén rễ đất Đức Trọng và cho một vụ mùa bội thu.

Chúng tôi hẹn gặp chị Phạm Thị Hương khi chị đang tất bật thu hoạch vụ lạc đen đầu tiên. Chị Hương cho biết: “Tôi may mắn được đọc trên một bài báo viết về Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc và các cộng sự của mình nghiên cứu thành công về giống lạc đen, với năng suất, chất lượng, cũng như tác dụng mà giống lạc đen mang lại cao gấp bội so với giống lạc thường. Vì vậy, tôi đã nảy ra ý định là sẽ trồng thử giống lạc này, nên đã liên hệ trực tiếp với Tiến sĩ Kim Cúc và được Tiến sĩ đồng ý gửi hạt giống để thử nghiệm. Cách đây khoảng nửa năm, tôi đã cùng lúc trồng thử nghiệm giống lạc đen này tại đất Phan Rang và Đức Trọng, đến khi thu hoạch thì sản phẩm thu được tại Phan Rang cho ra hạt lạc nhỏ như hạt thóc, còn tại Đức Trọng thì trái ngược, hạt to, đều, năng suất cao. Vậy là tôi quyết định trồng giống lạc này trên mảnh đất Đức Trọng và sau 4 tháng gieo trồng, khi thu hoạch cho năng suất, chất lượng đúng như mong đợi”. Nói rồi chị Hương dẫn chúng tôi đi một vòng “mục sở thị”, những hạt lạc vừa được nhổ lên, hạt nào cũng to đều. Đặc biệt là giống lạc đen CNC1 có đặc điểm khác biệt với các giống lạc thường đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay là vỏ hạt màu tím sẫm nên gọi lạc đen (giống lạc thường trồng phổ biến hiện nay có vỏ hạt màu hồng).

Chị Hương cũng cho biết thêm, trong lần đầu thu hoạch này, năng suất giống lạc đen đạt 10 tấn/ha, trong khi đó giống lạc thường chỉ đạt 7,0 tấn/ha. Ngoài ra, giống lạc này cũng có thời gian chăm sóc và đầu tư ít hơn so với giống lạc thường và giá thu mua cũng cao hơn (hiện lạc đen có giá khoảng 20 ngàn đồng/kg), trừ các chi phí, người dân cũng thu được từ 10 - 12 triệu đồng/sào/vụ.

Theo Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, lạc đen sau khi thu hoạch, có thể được chế biến thành các sản phẩm như: bơ, dầu, phomai, sữa... Trước hiệu quả mà giống lạc đen mang lại, chị Hương cũng quyết định đứng ra đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho người dân địa phương. “Tôi sẽ cung cấp giống, phân bón cho người dân, sản phẩm trồng ra tôi cũng sẽ chịu trách nhiệm thu mua cho bà con. Và nếu bà con cần tiền đầu tư, tôi có thể cho ứng trước. Hiện, đã có khoảng 5, 6 người đăng ký trồng giống lạc đen này”. Chị Phạm Thị Hải (Tổ 27, Hàng Thông, thị trấn Liên Nghĩa) cho biết: “Tôi có 6,5 sào đất, vừa rồi trồng thử nghiệm giống lạc đen trên 1 sào đất tôi thấy năng suất rất cao, công chăm sóc lại ít nên tôi quyết định sẽ tiếp tục đầu tư trồng hết 6,5 sào đất hiện có của gia đình”.

Mới đây, thông báo với chúng tôi, chị Hương vui mừng cho biết, chị vừa được Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp công nghệ cao - Viện Di truyền nông nghiệp ủy quyền là chi nhánh độc quyền tại Lâm Đồng phân phối, chế biến các sản phẩm độc quyền từ lạc đen. Chị Hương đang bắt tay đầu tư nhà xưởng và chọn sản phẩm chủ lực từ lạc đen là làm dầu lạc đen, bơ lạc đen... cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, chị cũng đang làm thủ tục thành lập Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao chuyên sản xuất, chế biến, dịch vụ, thương mại, đầu tư, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ.

So với giống lạc thường, lạc đen CNC1 thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội là: Dạng hình cây gọn, thân đứng, sinh trưởng, phát triển khỏe. Lá của lạc đen có màu xanh đậm; ra hoa đậu quả tập trung, quả to, chắc, tỷ lệ hạt/củ > 70%, ít bị nhiễm sâu bệnh hại...

NHẬT MINH

Huyện Cư Kuin (Đắk Lắk): Công bố dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

UBND huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) vừa công bố bệnh dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại địa bàn huyện.

Theo đó, vùng có dịch là xã Ea Ning; vùng bị uy hiếp là các xã: Ea Hu, Cư Êwy, Ea Bhốk, Ea Ktur, Ea Tiêu, Dray Bhăng, Hòa Hiệp.

UBND huyện yêu cầu, trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu bò và sản phẩm của trâu bò trên địa bàn xã Ea Ning; Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y, UBND các xã tập trung nguồn lực để dập dịch, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; thành lập các chốt chặn tại trục đường chính ra, vào vùng dịch; tuyên truyền vận động người dân chủ động tiêm phòng vắc-xin cho trâu bò…

Lực lượng thú y tiêu hủy bò bị bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn xã Ea Ning (huyện Cư Kuin)

Được biết, trên địa bàn Đắk Lắk hiện đã có 3 huyện có dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, với tổng số mắc bệnh là 10 con. Trong đó, 8 con ở huyện Cư Kuin; 1 con ở huyện Buôn Đôn và 1 con ở huyện Krông Pắc.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đàn gia súc nhằm phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời. Hiện Chi cục đang đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí mua 200.000 liều vắc-xin để chống dịch.

Minh Thuận

Giá trứng lao dốc, người nuôi bán tháo đàn chim cút

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Giá trứng cút ngày càng giảm, khiến nhiều hộ nuôi phải bán tháo đàn. Ảnh: NGỌC HÂN

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến giá trứng cút đang xuống thấp chưa từng thấy. Để thu hồi vốn, nhiều hộ dân gấp rút bán tháo cả trang trại chim cút mái, dù lỗ hàng trăm triệu đồng.

Càng nuôi càng lỗ

Hơn 20 năm sống bằng nghề nuôi chim cút đẻ trứng, bà Lê Thị Cương ở khu phố Mỹ Hòa, phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa cho biết, năm nay là năm khó khăn nhất khi bà phải bán tháo hàng ngàn con chim cút mái do bù lỗ quá nhiều nhưng không ai mua.

“Gia đình tôi nuôi 15.000 con chim cút mái đẻ trứng. Trước khi xảy ra dịch, thương lái về tận nhà thu mua với giá 40.000-45.000 đồng/100 trứng, chim đẻ không đủ bán. Còn từ đầu tháng 3 đến nay, giá trứng cút ngày càng giảm, thương lái chỉ thu mua với giá 25.000-30.000 đồng/100 trứng ăn. Trong khi giá thức ăn nuôi chim lại lên. Mỗi ngày, riêng tiền cám nuôi chim nhà bà mất khoảng 3 triệu đồng, một tháng gần 90 triệu đồng. Bán trứng không đủ tiền mua cám cho chim ăn”, bà Cương chia sẻ.

Cũng nuôi chim cút để phát triển kinh tế, ông Lê Văn Diệm ở khu phố Uất Lâm, phường Hòa Hiệp Bắc cho biết gia đình ông cũng phải bán tháo hơn phân nửa số chim cút đang nuôi. “Hơn 10 năm nuôi chim cút đẻ trứng, chưa năm nào chúng tôi khó khăn như năm nay. Để nuôi chim cút đẻ trứng, riêng tiền giống tôi đã mất 10.000 đồng/con, nuôi tiếp 70 ngày sau cút mới đẻ trứng. Vậy mà lúc chim cho thu hoạch trứng thì giá lại xuống thấp chưa từng thấy. Bán chim mái đẻ chỉ có 8.000 đồng/con, tức là mỗi con chim cút tôi bị lỗ 2.000 đồng, chưa kể tiền cám, tiền chăm sóc mấy tháng trời không công”, ông Diệm thở dài.

Theo ông Diệm, để hòa vốn thì giá trứng cút phải từ 35.000 đồng/100 trứng, giá chim thịt phải trên 12.000 đồng/con. Dù biết lỗ nhưng các hộ dân nuôi chim cút như nhà ông Diệm vẫn phải bán để thu hồi vốn. “Mỗi ngày, bình quân 1.000 con chim ăn hết 1 bao cám, với giá 275.000 đồng/bao, tính ra nếu nuôi 12.000 con phải tốn hết 3,3 triệu đồng, chưa kể điện, nước, dọn dẹp chuồng trại; vậy mà thu hoạch khoảng 11.000 trứng bán chưa được 3 triệu đồng. Chúng tôi đành phải bán vội chứ càng nuôi càng lỗ nặng”, ông Diệm nói.

Cần hỗ trợ vốn

Theo ông Ngô Thành Công, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Bắc, địa phương có nghề truyền thống nuôi chim cút đẻ trứng và cung cấp con giống. Toàn phường có khoảng 400 hộ nuôi, mỗi hộ nuôi từ 1.000-12.000 con. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trứng cút không thể tiêu thụ hết, dẫn đến người nuôi thua lỗ phải bán tháo đàn. Hiện nay, nhiều hộ đã giảm gần 50% tổng đàn hoặc nghỉ hẳn vì không còn vốn để nuôi. “Trước tình trạng này, để duy trì số lượng trang trại cút hiện có, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động nông dân nắm bắt nhu cầu của thị trường và hạn chế quy mô đàn cút cho phù hợp”, ông Công cho biết.

Là một người chuyên thu mua trứng và chim cút giống của bà con để phân phối ra thị trường, bà Lê Thị Hội ở phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: “Hiện giá trứng cút và giá chim cút giảm mạnh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Xe khách đi các tỉnh thì không chạy; đám tiệc, cưới hỏi, hàng quán tạm ngừng hoạt động, nên lượng khách ổn định của gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Muốn tiêu thụ giúp bà con nhưng không thể, tôi chỉ mua được phần nào thôi”. Theo bà Ngô Thị Sen ở khu phố Mỹ Hòa, hiện mỗi ngày để duy trì đàn, gia đình bà cũng như nhiều hộ khác phải chấp nhận lỗ vốn. “Muốn tiếp tục duy trì nghề chăn nuôi cút này, tôi rất mong các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ; đồng thời đề nghị hội nông dân cấp trên tiếp tục phân bổ nguồn vốn quỹ hỗ trợ để nông dân có điều kiện vay vốn phát triển chăn nuôi, sản xuất”, bà Sen nói.

Ông Võ Tấn Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, một số mặt hàng sản xuất chăn nuôi của nông dân bị thua lỗ rất nặng. Hiện hội đang rà soát lại tình hình chăn nuôi cút trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc và tìm cách hỗ trợ nông dân nuôi cút đối phó với cuộc khủng hoảng giá. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng, chính quyền các cấp sớm lên phương án hỗ trợ cho bà con nông dân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và có điều kiện tái sản xuất. Đặc biệt, ngành Ngân hàng tiếp tục cho bà con vay vốn; với những hộ quá khó khăn, thua lỗ khi nuôi cút thì nên khoanh nợ để bà con có điều kiện tiếp tục sản xuất.

Ông Võ Tấn Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa: Chúng tôi rất mong các ngành chức năng, chính quyền các cấp sớm lên phương án hỗ trợ cho bà con nông dân, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và có điều kiện tái sản xuất. Đặc biệt, ngành Ngân hàng tiếp tục cho bà con vay vốn; với những hộ quá khó khăn, thua lỗ khi nuôi cút thì nên khoanh nợ để bà con có điều kiện tiếp tục sản xuất.

NGỌC HÂN

Triển vọng từ mô hình nuôi trâu vỗ béo

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Nghe nhạc, ăn bã bia, tắm phun sương hằng ngày, hàng chục con trâu to tròn, béo mộng là kết quả phương thức nuôi trâu khác lạ của ông Hoàng Ngọc Rạng ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Từ trước đến nay, nông dân ở Quảng Trị chủ yếu nuôi bò theo hình thức thâm canh, vỗ béo mà hầu như chưa ai nuôi trâu theo hình thức này. Là một nông dân thực thụ, siêng năng, chăm chỉ, luôn tìm tòi, học hỏi, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, ông Rạng đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trâu thâm canh có quy mô, bài bản. Với cách nuôi trâu khác lạ, chưa ai làm về thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh, chỉ trong vòng một năm mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới cho người nông dân.

Ông Hoàng Ngọc Rạng đang giới thiệu kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo cho khách -Ảnh: ANH VŨ

Ông Rạng cho biết, qua tìm hiểu trên internet và bạn bè, đồng đội từ các tỉnh khác, đầu năm 2020, ông mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi trâu thâm canh, vỗ béo. Mô hình nuôi trâu vỗ béo mà ông Rạng đang làm là nuôi nhốt hoàn toàn. Những con trâu to, gầy ốm được mua về sau đó tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, tẩy giun sán và cho ăn theo chế độ riêng. Trâu đưa vào nuôi vỗ béo đều là trâu đực, khi mới mua về phải nuôi riêng biệt ở một chuồng khác để theo dõi sức khỏe, dịch bệnh trong vòng 7 - 10 ngày. Với 2 dãy chuồng diện tích khoảng 150 m2 , 1 kho chứa thức ăn được xây dựng kiên cố, mỗi đợt ông Rạng nuôi từ 20 - 30 con trâu. Mỗi con trâu nuôi theo hình thức này tầm 3 tháng là có thể xuất bán với giá từ 40-60 triệu đồng, cho lãi bình quân hơn 5 triệu đồng/con.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, ông Rạng trồng 1 mẫu cỏ voi, dự trữ 10 tấn rơm khô. Đặc biệt, để trâu phát triển nhanh, ông liên hệ với các nhà máy bia mua bã bia với giá 1 triệu đồng/tấn về cho trâu ăn. Những con trâu mới mua về ban đầu không chịu ăn bã bia nhưng sau 3 đến 4 ngày không cho ăn bất kỳ loại thức ăn nào để buộc chúng phải ăn và quen dần. Trâu nuôi theo hình thức này mỗi ngày cho ăn 2 lần với khoảng 50 kg thức ăn hỗn hợp cỏ, rơm, bã bia, trong đó bã bia 25 kg. “Nuôi trâu theo hình thức thâm canh, vỗ béo này không khó, quan trọng là tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ, chuồng trại phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ; phải có đủ nguồn nước sạch để cho trâu uống và tắm hằng ngày. Đặc biệt việc cho ăn bã bia trâu phát triển nhanh vì đây là loại thức ăn không những bổ sung đạm mà thành phần chất xơ trong bã bia rất dễ tiêu hóa nhờ có tác dụng kích thích vi sinh vật phân giải xơ trong dạ dày trâu”, ông Hoàng Ngọc Rạng chia sẻ.

Ngoài chế độ thức ăn, chuồng trại phải luôn được vệ sinh hết sức sạch sẽ. Chất thải của trâu được dọn ngay đưa ra khu vực riêng để làm phân chuồng bón lại cho cỏ và các loại cây trồng khác. Chuồng được xây dựng thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Đặc biệt được lắp đặt hệ thống tưới phun sương để trâu tắm trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, ông Rạng cũng lắp thêm hệ thống âm thanh để mở nhạc hằng ngày cho trâu nghe như hình thức nuôi bò Kobe của Nhật Bản. “Hiện nay thị trường đầu ra đối với trâu rất dễ, nuôi không kịp để bán. Ngoài một số ít bán tại địa phương, phần lớn đều nhập cho các thương lái xuất bán đi Trung Quốc”, ông Rạng cho biết thêm.

Với cách nuôi này, trong năm đầu tiên gia đình ông Rạng đã xuất bán ra thị trường gần 100 con trâu, sau khi trừ các khoản chi phí ông thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Mô hình cũng đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động.

Trong thời gian tới, gia đình ông Rạng dự định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi với số lượng lớn hơn để nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy nhiên ông cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ diện tích đất trồng cỏ; các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi; được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi trâu bò để mô hình mang lại hiệu quả cao hơn. “Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình nuôi trâu thâm canh, vỗ béo của ông Hoàng Ngọc Rạng. Đây là mô hình tiêu biểu trong hội viên nông dân huyện, với cách nuôi mới, sáng tạo đã mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi ở địa phương. Hội sẽ đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng để ông Hoàng Ngọc Rạng mở rộng quy mô. Đồng thời xem đây là mô hình điểm để nhân rộng trong hội viên”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Trần Vũ Minh cho biết.

Thời gian gần đây, mô hình nuôi trâu vỗ béo của ông Hoàng Ngọc Rạng được nhiều người đến tìm hiểu, học tập, ông Rạng cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm để mọi người cùng nhân rộng. Với nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp như Quảng Trị thì cách nuôi này sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi ở địa phương.

Anh Vũ

Hưng Yên: Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường. Đây là hướng đi bền vững trong định hướng phát triển chăn nuôi được các cấp, ngành chuyên môn và người dân áp dụng, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Hưng Yên.

Chăn nuôi theo hướng tuần hoàn ở xã Việt Hòa (Khoái Châu)

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Phan Giang Đông, xã Việt Hòa (Khoái Châu) rộng trên 3 ha. Khu vực chuồng trại chăn nuôi, ao thả cá và trồng cây ăn quả được bố trí hợp lý, thuận tiện sử dụng phụ phẩm của trồng trọt để nuôi gà, cá, sử dụng chất thải của chăn nuôi để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Anh Đông cho biết: “Đối với khu vực nuôi lợn, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng nuôi kín. Nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó, ½ diện tích nền chuồng phía sau thấp hơn ½ diện tích nền chuồng phía trước từ 35-40cm với độ dốc từ 1-2 độ; phía cuối chuồng được đặt ống thoát nối với hầm biogas để xử lý. Gia đình tôi tận dụng trên 200m rãnh nước để xử lý chất thải sau hầm biogas, giúp loại bỏ mùi, giảm nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường. Chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý sẽ dùng để tưới dưỡng cho diện tích cây ăn quả, rau màu. Qua 2 năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, môi trường sản xuất được bảo đảm”.

Đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Toàn huyện hiện có trên 100 nghìn con lợn, khoảng 1,4 triệu con gia cầm và trên 3 nghìn con trâu, bò. Để đồng thời giải quyết vấn đề kinh tế và môi trường trong chăn nuôi, thời gian qua, huyện đã hướng dẫn các chủ trang trại áp dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, xây dựng nhiều mô hình, giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bền vững như: Áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi; sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Trấu, mùn cưa, rơm, rạ, vỏ lạc… làm đệm lót sinh học; chất thải của chu trình chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi thủy sản…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 10,2 triệu con, trong đó, có trên 465 nghìn con lợn, khoảng 37 nghìn con trâu, bò và trên 9,7 triệu con gia cầm. Toàn tỉnh hiện có 585 trang trại chăn nuôi, 27 hợp tác xã chăn nuôi. Với mục tiêu hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm… làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, biện pháp kỹ thuật, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, tạo điều kiện cho người dân đầu tư chăn nuôi khép kín, quy mô lớn, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải để sử dụng trong nông nghiệp. Cùng với đó, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh…

Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng 1 nghìn công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học để xử lý chất thải, hỗ trợ 25 máy ép phân, 96 bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 30%. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được hiệu quả cao trên các lĩnh vực như: Kinh tế, môi trường, xã hội. Quá trình chăn nuôi theo chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.

Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp ở một số địa phương bị thu hẹp để ưu tiên phát triển đô thị, không quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng cho các mô hình trang trại tổng hợp. Các trang trại chăn nuôi tập trung hiện phải liên kết với các hợp tác xã, người dân chuyên canh sản xuất rau màu để sử dụng hợp lý chất thải chăn nuôi…

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo vệ và tái tạo môi trường sinh thái trong nông nghiệp, ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi; xây dựng và triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Hoàn thiện và phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quay vòng tuần hoàn trả lại hữu cơ cho đất, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả nông hộ và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải, phụ phẩm nông nghiệp…

Hoa Phương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop