Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 07 năm 2017

Nâng cao giá trị sản phẩm chè

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

Tuyên Quang là tỉnh xếp vào tốp tỉnh có nhiều diện tích chè nhất khu vực miền núi phía Bắc với gần 9.000 ha. Cây chè trụ trên đất Tuyên Quang đã gần 60 năm nhưng hiệu quả sản xuất và đời sống người làm chè chưa cao do năng suất vườn chè chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, thương hiệu sản phẩm chưa được chú trọng.

Các hộ nhận khoán thuộc đội 11, Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm thu hái chè.

Diện tích nhiều, năng suất thấp

Theo đánh giá mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 8.861 ha chè, trong đó có 8.432 ha cho thu hái. Trong đó, huyện Yên Sơn có diện tích chè lớn nhất 2.937 ha, Hàm Yên 2.137 ha, Sơn Dương 1.567 ha, Na Hang 1.366 ha, còn lại các huyện, thành phố có diện tích chè dưới 500 ha.

Năng suất chè bình quân năm 2016 của tỉnh đạt 78 tạ/ha, trong khi đó bình quân chung của cả nước là 88 tạ/ha. Yên Sơn cũng là huyện có năng suất chè đạt cao nhất 93 tạ/ha, Sơn Dương 86 tạ/ha, Hàm Yên 82 tạ/ha, Na Hang 36 tạ/ha. Năng suất chè đạt thấp do diện tích chè chủ yếu trong dân, các hộ trồng tự phát, không ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới và thực hiện biện pháp thâm canh chè.

Với những nơi có các công ty cổ phần chè (trước đây là nông trường) thì ở nơi đó có năng suất chè cao, phần do các hộ nhận khoán vườn chè với doanh nghiệp, bà con các xã lân cận liên doanh với doanh nghiệp được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật thâm canh chè. Trong đó, Yên Sơn có 2 doanh nghiệp (chè Sông Lô và chè Mỹ Lâm), Sơn Dương có chè Tân Trào. Đây là những doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh chè nhiều năm trên địa bàn tỉnh.

Điều dễ nhận thấy trong cơ cấu 15 giống chè trên địa bàn, những giống chè lá mỏng, búp nhỏ phát triển chậm (chè Trung du) chiếm tới 50% diện tích chè của tỉnh. Các giống chè có năng suất và chịu thâm canh như PH1, PH8, PH11, LDP1, LDP2 có 2.803 ha chiếm 30% diện tích, còn lại 20% là chè giống chè đặc sản (Bát Tiên, Đại Bạch Trà, Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên). Tổng sản lượng chè nguyên liệu thu hái năm 2016 toàn tỉnh đạt 65.674 tấn, tăng 3.500 tấn so với năm 2014.

Hiện toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp và HTX, tổ hợp tác đăng ký kinh doanh chế biến tiêu thụ sản phẩm chè với công suất chế biến 514 tấn nguyên liệu/ngày (16.850 tấn/năm). Từ các cơ sở chế biến và công suất thiết bị hiện nay thì sản lượng chè hiện có mới đáp ứng 40% công suất chế biến trên địa bàn. Do có nhiều cơ sở chế biến, thiết bị công nghệ khác nhau và thị trường tiêu thụ khác nhau dẫn đến giá bán có sự chênh lệch khá rõ. Nhóm hàng sản phẩm xuất khẩu có giá từ 20 đến 43 triệu đồng/tấn; nhóm sản phẩm nội tiêu bán từ 60 đến 80 triệu đồng/tấn và nhóm hàng có thương hiệu nội tiêu đạt 100 đến 120 triệu đồng/tấn. Cá biệt sản phẩm chè Bát tiên Mỹ Bằng 350 đến 500 triệu đồng/tấn.

Một số sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh trưng bày tại Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và chế biến chè do Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức tháng 6-2017.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Nhìn vào thực trạng sản xuất chè của tỉnh, chúng ta thấy rõ tiềm năng, lợi thế cây chè vẫn chưa được phát huy. Năng suất chè nguyên liệu có sự chênh lệch khá lớn, các công ty cổ phần có từ 7 đến 10% diện tích đạt năng suất từ 20 đến 30 tấn/ha/năm. Trái lại, diện tích chè các hộ dân quản lý năng suất chỉ đạt 4 đến 7 tấn/ha/năm.

Nguyên nhân khiến năng suất chè đạt thấp là do người dân sử dụng giống chè thoái hóa; trồng chè ở vị trí có độ dốc cao; mật độ không đông đặc và chăm sóc thâm canh không đảm bảo quy trình. Trong công nghiệp chế biến có tới 45 cơ sở với thiết bị công nghệ khác nhau nên tạo ra mặt hàng sản phẩm khác nhau. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân tự sản xuất chế biến sản phẩm chè xanh truyền thống theo quy trình làm héo, dệt men, vò sao khô và lên hương, đánh mốc. Mặc nhiên chưa có chế tài và tiêu chí về xác định xuất xứ nguyên liệu, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chí sản phẩm chè xanh về màu nước, hương, vị của sản phẩm chè.

Thực hiện các giải pháp cho ngành chè của tỉnh phát triển, thời gian qua, Tuyên Quang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa nói chung và cây chè nói riêng. Trong đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025.

Trước đó, năm 2014 có Nghị quyết 10 và 12 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hỗ trợ một số cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó là Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chế tài về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè và Quyết định số 10, Kế hoạch số 47 về dự án cánh đồng lớn.

Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tạo được thương hiệu chè, tăng thu nhập cho người làm chè rất cần có chế tài quản lý cụ thể vùng nguyên liệu cho từng cơ sở sản xuất để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất, giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đủ thời gian cách ly. Đặc biệt, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần hỗ trợ khuyến khích khâu chế biến, tạo ra sản phẩm chè chất lượng có sức cạnh tranh cao và đa dạng mẫu mã sản phẩm chè.

Duy Hùng

Lao đao vì giá khoai lang giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Hàng chục héc-ta khoai lang của bà con nông dân ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, giá của loại nông sản này đang sụt giảm mạnh, khiến nhiều người trồng khoai lao đao vì thua lỗ.

Đứng trước ruộng khoai lang đang thuê hàng chục nhân công thu hoạch, ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 3, xã Hòa Phong buồn rầu: “Gia đình tôi lần đầu trồng khoai lang Nhật Bản. Vụ này tôi thuê đất trồng 5 ha khoai lang. Hiện khoai đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm hơn 50% so với thời điểm gần 2 tháng trước. Vào giữa tháng 5 giá khoai được thương lái thu mua từ 12-15 nghìn đồng/kg thì nay xuống còn 6 nghìn đồng/kg”. Theo ước tính của ông Minh, vụ khoai này đạt năng suất khoảng 17 tấn/ha thì gia đình ông thua lỗ từ 40 -50 triệu đồng/ha.

Người dân xã Hòa Lễ thu hoạch khoai lang.

Theo nhiều hộ dân trồng khoai lang ở xã Hòa Lễ, để trồng một vụ khoai, từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch phải mất từ 5 – 6 tháng. Chị Trần Thị Minh Trang ở thôn 9 cho biết: Trồng khoai tốn rất nhiều nhân công và chi phí đầu tư, chăm sóc. Đến vụ thu hoạch, mỗi ngày gia đình chị phải thuê trên 10 người làm với chi phí 180-200 nghìn đồng/người, chưa kể phải thuê cả máy xới đất. Nhưng với giá khoai hiện tại thì gia đình chị phải bù lỗ không ít.

Nỗi buồn không chỉ với riêng người trồng khoai mà ngay cả những thương lái cũng không mấy vui. Anh Trần Thế Sơn, thương lái thu mua khoai lang đến từ Lâm Đồng cho hay, khoảng 1 tháng trở lại đây, do khoai lang ở các tỉnh khác cũng đang thu hoạch rộ, nguồn cung vượt cầu nên giá khoai lang sụt giảm. Hơn nữa, Tây Nguyên bước vào mùa mưa, chất lượng khoai lang cũng giảm đi, củ xấu hơn và hay bị sâu nên các đầu mối nhập khẩu khoai lang “chê”.

Trong vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện Krông Bông có 124 ha khoai lang được trồng chủ yếu ở các xã: Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, Hòa Lễ… Trong đó có 68 ha của người dân ngoại tỉnh vào thuê đất trồng.

Theo ông Lê Thanh Chương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, những mặt hàng nông sản thông thường được giá thì mất mùa, được mùa thì mất giá. Cho nên bà con nông dân cần chủ động trong sản xuất, đồng thời gắn với quy hoạch của địa phương, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trong khi giá cả nông sản không ổn định.

Khả Lê

Lúa giống OM 5451 hút hàng, giá tăng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, gần đây lúa giống OM 5451 trên thị trường rất hút hàng, giá hiện tăng ít nhất từ 2.000-3.500 đồng/kg so với hồi đầu năm 2017 và so với cùng kỳ năm trước.

Trước đây, lúa giống OM 5451 cấp xác nhận chỉ có giá 10.000-11.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 13.000-13.500 đồng/kg, thậm chí có nơi còn cao hơn mức này. Trong các vụ lúa vừa qua, nhiều nông dân gieo trồng lúa OM 5451 đạt năng suất cao hơn khoảng 500 kg/ha, giá bán cũng cao hơn các loại lúa khác từ 300-500 đồng/kg. Do vậy, giống lúa OM 5451 đã và đang được nhiều nông dân tại ĐBSCL chọn gieo sạ trong vụ thu đông 2017. Tuy nhiên, việc tập trung gieo sạ một loại lúa trên diện tích quá nhiều có thể làm phát sinh những rủi ro, nhất là khi nông dân sử dụng các nguồn lúa giống chưa đảm bảo chất lượng hoặc sử dụng lúa "thịt" hàng hóa thông thường để gieo sạ.

Theo nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống tại TP Cần Thơ, lúa giống OM 5451 thuộc quyền sở hữu trí tuệ của một doanh nghiệp, các cơ sở và đơn vị khác muốn sản xuất loại lúa giống này phải được sự cho phép của doanh nghiệp sở hữu bản quyền và phải chịu một khoản phí nhất định. Điều này đã khiến cho giống lúa OM 5451 không được các cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống phát triển sản xuất đại trà như nhiều giống lúa khác, góp phần làm nguồn cung bị ảnh hưởng.

Khánh Trung

May rủi với lúa vụ 3

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hiện mực nước khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp đang biến động lên. Những dự báo tình hình nước lũ đã được ngành chức năng khuyến cáo đến người dân, tuy nhiên những ngày qua, diện tích lúa vụ 3 ngoài quy hoạch ở huyện Hồng Ngự đang tăng lên. Với lịch xuống giống hiện tại, nguy cơ nước lũ đe dọa diện tích này rất cao.

Lúa hè thu đang gặp khó khăn trong việc bơm tiêu úng, người dân vẫn xuống giống vụ 3

Ở khu đê bao số 1 xã Thường Phước 1 trong khi diện tích lúa hè thu sắp thu hoạch bị mưa và triều cường đe dọa thì những diện tích liền kề nông dân “xé rào” xuống giống lúa vụ 3 tự phát với hàng chục hécta. Lúa đang giai đoạn mạ, có nguy cơ bị nước lũ đe dọa, khó khăn việc tiêu úng trong thời gian tới.

Mấy ngày qua, địa phương đã chỉ đạo hợp tác xã tăng cường bơm tiêu úng ở các diện tích lúa hè thu cho nông dân để đảm bảo thu hoạch an toàn. Riêng các diện tích lúa bị đổ ngã, người dân tiến hành cắt tay.

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn huyện có 158ha lúa ngoài đê bao xuống giống tự phát, trong khi vài tuần trước con số này chỉ khoảng 10ha. Với lịch xuống giống này, các diện tích lúa vụ 3 tự phát sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 7 âm lịch. Đây cũng là thời điểm nước lũ thượng nguồn đạt đỉnh nên nguy cơ lũ đe dọa rất cao.

Dường như người dân đang đánh đổi tiền tỷ vào nguy cơ may rủi khi đổ tiền của và công sức vào lúa vụ 3 ở những khu vực không đảm bảo an toàn và trước dự báo lũ đến sớm và lớn như hiện nay.

Minh Hồ

Vĩnh Long: Khoai lang đỏ mất mùa, rớt giá

Nguồn tin: Nông nghiệp VN

Bà con nông dân trồng khoai lang ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết giá khoai lang đỏ hiện nay đang giảm mạnh khiến nhiều nông hộ trồng khoai lỗ nặng.

Các thương lái thu mua khoai lang đỏ tại ruộng với giá 80.000 đồng/tạ.

Với giá bán khoai lang đỏ như hiện tại bà con bị lỗ từ 6 triệu đồng/công

Hiện nay do thời tiết thất thường, mưa nhiều dẫn đến nhiều ruộng khoai ngập úng, năng suất khoai lang đỏ giảm từ 20 tạ/1 công (1.000m2), bình quân năng suất đạt chỉ 50 tạ/công. Chi phí đầu tư cho 1 công khoai lang đỏ ở thời điểm hiện tại là 10 triệu đồng/công. Với giá bán như hiện tại bà con bị lỗ từ 6 triệu đồng/công trở lên, khiến nhiều bà con lo lắng và quay lưng với giống khoai lang này.

Ngược lại, khoai lang tím Nhật hiện nay giá khoảng 600.000 đồng/tạ, đây là mức giá khá cao, nhiều bà con phấn khởi. Tuy nhiên, theo ông Hồ Tuấn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Đông, cho biết, cũng giống như khoai lang đỏ, năng suất khoai lang tím Nhật cũng giảm khoảng 10 tạ/công, bình quân chỉ đạt khoảng 30 - 35 tạ/công. Như vậy, mỗi công khoai bà con đầu tư chi phí 12 triệu đồng/công thì cũng có lời khoảng 6 - 9 triệu đồng/công. Đánh giá chung vẫn có hiệu quả cao hơn lúa từ 3 - 4 lần.

Theo bà con nông dân trồng khoai ở Bình Tân, thời tiết mưa gió nhiều vào những tháng trước khiến cho ruộng khoai không phát triển tốt, ngập úng làm chết khoai dẫn đến năng suất giảm rất nhiều so với vụ đầu xuân.

Minh Đảm

Thừa Thiên Huế: Hơn 4.500 ha lúa bị bệnh gây hại nặng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Thông tin trên được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế (TT&BVTV) xác nhận vào ngày 13/7. So với tuần trước, diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại tăng gấp đôi, chủ yếu rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, khô vằn…

Trong đó, bệnh rầy nâu gây hại mật độ từ 750-1.500 con/m2, nơi cao 3.000-5.000 con/m2; sâu cuốn lá nhỏ mật độ 10-20 con/m2, nơi cao 40-50 con/m2; nhện gié tỷ lệ 15%-40%; khô vằn 10-30%...

Các địa phương bị nhiễm nặng tập trung ở thị xã Hương Trà, các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc…

Chi cục TTT&BVTV đang tập trung hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế thiệt hại đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hoàng Triều

Bỏ tiền tỷ trồng thanh long “xấu xí”

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Người nước ngoài họ không cần trái bự, không cần mẫu mã đẹp. Da thanh long có thể chỗ xanh chỗ đỏ, tai thanh long có thể úa vàng họ vẫn nhập. Nhưng tuyệt đối chất lượng trái phải chuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong giới hạn cho phép…

Nếu không có tấm biển "Trang trại thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP" thì ai cũng tưởng đây là vườn thanh long bị chủ bỏ bê. Mỗi trụ chỉ có vài chục dây thanh long điểm màu vàng nhàn nhạt. Trên những trụ có khoảng vài chục trái thanh long...

Trồng thanh long sạch

… Đang mãi nhìn những trụ thanh long với những trái to bằng trái ổi cỡ lớn, có phần “xấu xí”, tôi giật bắn mình vì tiếng sủa của hai con bẹc giê to đùng. “Lu vào trong”, tiếng một người đàn ông, quát. Lúc này tôi có dịp nhìn kỹ hơn người vừa quát hai con chó.Một vóc dáng cao nhòng, mặt góc cạnh, nhưng ánh mắt nhìn ấm áp. Tôi đoán đây là anh Đỗ Nghi, người hẹn tôi trước đó một ngày. Vừa ngồi xuống bàn nước, anh nói: “Thanh long của anh khác người ta quá hả? Mỗi trụ chỉ vài chục dây thôi… Thanh long sạch nó vậy đó”. Nói rồi anh cười. Tiếng cười của con người dường như đang tìm thấy niềm vui. Mà quả thật vậy, suốt một giờ liền bên bàn nước, anh chậm rãi kể tôi nghe cách trồng thanh long của mình.

Sinh ra trong gia đình ở phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận làm nông nghiệp với Đỗ Nghi là một điều hết sức mơ hồ. Rồi lớn lên, anh Nghi mưu sinh bằng nghề chở phân bò bán cho các trang trại thanh long. Khách hàng của anh chủ yếu là chủ các trang trại thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thuộc hàng lớn nhất tỉnh. Mỗi khi vào những trang trại này, nhìn những hàng thanh long trĩu quả, nhà xưởng, kho bãi được thiết kế bài bản, cảnh nước phun ra từ các pét anh bỗng có ước muốn xây dựng cho mình một trang trại như thế. Tiếp xúc với nhiều trang trại, được thấy một “thị trường thanh long đang có bước chuyển mình” và trong sự nắm bắt nhanh nhạy của người đã có mục đích, đam mê, anh quyết định xây dựng trang trại theo chuẩn là sản phẩm phải sạch. Năm 2012, khi anh Nghi quyết định thực hiện kế hoạch với trồng thanh long sạch cũng là lúc giá thanh long bắt đầu nhảy múa, lên cao xuống thấp bất thường. Để có vốn, anh Nghi đã bán dàn xe tải chở phân bò và vay thêm ngân hàng. “Thời điểm đó nhiều người nói tôi bị khùng, đang có thu nhập ổn định từ việc bán phân bò lại chuyển qua trồng thanh long. Người thân, vợ con cản ghê lắm nhưng thanh long với tôi không chỉ là kinh tế mà nó là cả đam mê nên tôi quyết định làm. Sau này thấy tôi mê quá nên vợ con cũng ủng hộ”, anh Nghi nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Với lưng vốn kiến thức kha khá về trồng thanh long sạch, anh Nghi đã xây dựng cho mình một quy trình sản xuất riêng, tự đặt tiêu chí chất lượng cho từng khâu sản xuất. Trong những tháng ngày lăn lộn với xe phân bò, anh Nghi nhận ra một điều muốn hạn chế mầm bệnh thì phải kiểm soát được chất lượng nguồn phân bón cho cây thanh long. Và từ đó, khu chuồng nuôi hơn 30 con bò được xây dựng. Phân bò sau khi đưa đến nơi khu xử lý phân thuốc được trộn thêm chế phẩm sinh học Trichoderma để thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ và ngăn ngừa các loại nấm bệnh. Phân bò sau 1 tháng ủ mới được mang ra bón cho cây.

Khi thanh long được 1 năm tuổi trên cành bắt đầu xuất hiện những đốm màu nâu. Nếu như người trồng thanh long khác thì sẽ mua thuốc về để phun nhưng với Đỗ Nghi thì không. Anh Nghi cắt bỏ ngay phần thanh long bị nhiễm bệnh, bởi có dùng thuốc phun trị thì mầm mống của bệnh vẫn còn bên trong dây thanh long, chờ khi thời tiết thích hợp sẽ bùng lên và lây sang cành khác. Với những trụ bị bệnh nhiều, anh Nghi sẵn sàng nhổ bỏ trồng trụ mới. Cành thanh long, trái thanh long, cỏ sau khi cắt được đưa lên xe máy cày mang cho bò ăn. Với anh Nghi vệ sinh vườn là khâu quan trọng nhất, quyết định đến mầm bệnh có trong vườn. Kiểm soát chất lượng từ đầu vào, chăm sóc kỹ cho từng trụ nên 5.000 trụ thanh long của anh Nghi phát triển rất nhanh, cành xanh, dây mập.

Trong cái khó, ló cái khôn

Đầu năm 2014, khi những trái thanh long đầu tiên chín đỏ, Đỗ Nghi đã thấy được tương lai rộng mở. Nhưng, thanh long của anh Nghi chín đúng lúc hàng nhiều. “Đắt ra quế, ế ra củi”, không ít thương lái đến rồi lại đi vì trái thanh long của anh Nghi ít dùng thuốc nên da không căng, tai không xanh, không đạt chuẩn xuất khẩu. Ngày thương lái cắt thanh long anh Nghi buồn không nói lên lời. 1 tấn thanh long mà thương lái chỉ lấy 1,5 tạ còn lại cho qua hàng dạt với giá vài nghìn đồng. “Bán xong lứa đầu tiên, mình buồn ghê lắm, ăn cơm không nổi luôn, bao nhiêu hy vọng vỡ hết. Thanh long sạch mà cạnh tranh với thanh long sử dụng nhiều phân thuốc theo cách thông thường thì chỉ có lỗ nên mình đổi hướng ngay”, anh Nghi nhớ lại.

Sau nhiều đêm thức trắng, một tia sáng lóe lên khi anh nhớ có một vài người bạn ở TP.Hồ Chí Minh đang bán hàng online và rất cần nông sản sạch. “Người dân TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương họ đã biết đến trái thanh long từ lâu. Nhưng họ không dám ăn vì sợ phân thuốc nhiều. Bây giờ mình phải tập cho họ ăn lại”, anh Nghi nhớ lại. Khoảng tháng 3/2014, anh Nghi thực hiện chương trình quảng bá sản phẩm. Ban đầu là nhờ người quen ở TP.Hồ Chí Minh giới thiệu sản phẩm của mình đến bạn bè, rồi lên mạng giới thiệu sản phẩm kèm theo cam kết về chất lượng, độ ngọt và an toàn vệ sinh thực phẩm. “Những tháng đầu chỉ được vài chục kilogam nhưng vất vả lắm. Cả ngày ngồi chờ người ta gọi điện rồi cắt trái, đón xe gửi hàng đi các nơi, rồi hồi hộp chờ người giao hàng báo khách đã nhận hàng. Nhưng được cái vui vì giá bán bao giờ cũng cao hơn thị trường chung rất nhiều”, anh Nghi nhớ lại. Đến cuối năm 2014 thì thanh long ở trang trại Đỗ Nghi đều được bán nội địa. Để chủ động trong việc bán sản phẩm, anh Nghi chia nhỏ diện tích ra chong đèn. Vào lúc chính vụ, một trụ anh chỉ để vài chục trái còn lại cắt bỏ để đảm bảo cây vừa nuôi trái vừa phục hồi sau mùa chong đèn. Qua thời gian, lượng khách tìm đến với trang trại Đỗ Nghi mua sản phẩm ngày một nhiều. Và một trong những khách hàng của anh Nghi đã mang đến một cơ hội mới.

“Cất cánh” sang trời u

Đầu năm 2015, rất nhiều công ty xuất khẩu thanh long liên hệ với anh Nghi để hợp tác xuất khẩu, nhưng anh bỏ ngoài tai vì đầu ra đã có, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, cuộc gọi vào lúc 23h một ngày cuối năm 2015 là bước ngoặt lớn với anh Nghi. “Trước đó, một công ty xuất khẩu nông sản ở TP. Hồ Chí Minh có điện thoại ra nói sẽ đến thăm vườn. Thực sự mình không quan tâm bởi lúc đó vài tuần lại có người liên hệ. Sau đó vài ngày, khoảng 23h đêm thì người đó gọi điện nói đang đi cùng ông kỹ sư trưởng công ty nông sản bên Đức lên vườn thanh long và đề nghị tôi có mặt ở đó. Thấy họ nhiệt tình nên mình cũng chạy lên. Đến nơi, họ không hỏi nhiều chỉ xin lấy ngẫu nhiên mẫu cành, trái và đất. Khoảng 15 phút, các mẫu lấy xong họ hẹn sáng mai tiếp tục làm việc. Sáng hôm sau họ mới hỏi về quy trình sản xuất và nói sẽ đưa mẫu này qua Đức xét nghiệm. Nếu đạt tiêu chuẩn thì họ sẽ ký hợp đồng với mình. Nói thật, trước đó mình thờ ơ với mấy công ty kia bao nhiều thì lúc đó mình hồi hộp, chờ đợi bấy nhiêu. Nhìn cách họ làm việc là mình biết họ rất chuyên nghiệp và đây là một cơ hội lớn…”, anh Nghi nhớ lại.

Khoảng 1 tháng sau, công ty đó điện lại và đặt những container thanh long đầu tiên. Sau khoảng thời gian khẳng định chất lượng sản phẩm, đối tác bên Đức đề nghị anh Nghi làm chứng chỉ GlobalGAP để xuất khẩu trực tiếp. Hôm tôi đến, anh Nghi cùng với công nhân đang lựa từng trái thanh long đóng container. Cầm trái thanh long nặng cỡ 2,5 đến 3 lạng anh Nghi khẳng định: “Đây mới là size chuẩn xuất sang Đức. Người nước ngoài họ không cần trái bự, không cần mẫu mã đẹp. Da thanh long có thể chỗ xanh chỗ đỏ, tai thanh long có thể úa vàng họ vẫn nhập. Nhưng tuyệt đối chất lượng trái phải chuẩn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong giới hạn cho phép”. Hiện nay, mỗi tháng anh Nghi xuất sang Đức từ 1 đến 3 container. Do nhu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu tăng đều nên sắp tới anh Nghi sẽ trồng thêm 2.000 trụ thanh long ruột tím.

Ăn thử miếng thanh long anh Nghi vừa hái xuống, tôi cảm nhận vị ngọt, thơm dịu khi vừa chạm vào đầu lưỡi... Thanh long ruột trắng nhưng độ ngọt không khác gì thanh long ruột đỏ. Thanh long của anh Nghi không đẹp nhưng tương lai lại sáng sủa. Chủ động tìm hướng đi mới, không phụ thuộc vào một thị trường nào đã giúp cho anh Nghi từ một người không biết gì về nông nghiệp trở thành “kỹ sư” thanh long. Và nếu có thêm những người chủ động đột phá như anh Nghi thì sẽ ít đi “bài ca muôn thuở” của nông sản - được mùa mất giá…

Ký sự của Nguyễn Luân

Xuất khẩu trái cây: Cẩn thận không thừa

Nguồn tin: VOV

Là thị trường tiềm năng nhưng UAE vẫn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải cảnh giác trước các dấu hiệu lừa đảo, gian lận thương mại…

Thời gian qua, một số doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu trái cây sang thị trường Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất (UAE) đã có đơn khiếu nại và đề nghị Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE hỗ trợ, can thiệp bởi một số doanh nghiệp nhập khẩu trái cây tại thành phố Dubai có dấu hiệu lừa đảo, gian lận thương mại…

Lừa đảo gian lận theo quá trình

Theo kiến nghị của các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp nhập khẩu của UAE đã thực hiện việc lừa đảo, gian lận thương mại theo một quá trình hết sức tinh vi và rất khó nhận biết. Các doanh nghiệp UAE thường thuyết phục doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu trái cây như chanh, chuối...theo thông lệ của thành phố Dubai, với phương thức thanh toán trước 50% và thanh toán toàn bộ sau khi nhận được hàng đúng chất lượng (cam kết thanh toán 15 ngày sau khi nhận hàng).

Tuy nhiên, sau khi nhận được hàng, các doanh nghiệp UAE đã gửi thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam để lấy chứng từ gốc, sau đó liên tục lấy lý do trục trặc ngân hàng để lấp liếm việc phát hành thanh toán giả, trì hoãn việc thanh toán (thậm chí là cả khoản 50% kinh ban đầu).

Trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam làm “căng”, các doanh nghiệp UAE sẽ sử dụng thủ thuật tráo hàng chất lượng kém, khiếu nại doanh nghiệp Việt Nam mà không có bất cứ giấy tờ giám định chất lượng nào.

Với tình trạng này, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị chậm thanh toán từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí có doanh nghiệp sang tận nước sở tại để đòi tiền nhưng cũng không giải quyết được, do doanh nghiệp UAE cố tình lẩn tránh hoặc dùng thủ đoạn “câu giờ”.

Thống kê của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE cho thấy, đã có 13 doanh nghiệp UAE có dấu hiệu lừa đảo bằng hình thức kể trên, có nhiều doanh nghiệp đã bị kiện ra tòa với lý do không thanh toán tiền cho bên xuất khẩu.

Ông Phạm Trung Nghĩa - Tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai – UAE cho biết, thị trường UAE tương đối mở và dễ tính, đồng thời cũng là thị trường trung chuyển đến 40% lượng hàng hoá nhập khẩu. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh rất khốc liệt về giá cả hàng nhập khẩu và biên lợi nhuận thường ở mức thấp.

“Mặc dù Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã có các cảnh báo, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn có giao dịch với các doanh nghiệp UAE “có vấn đề”. Vậy nên khi doanh nghiệp Việt Nam thấy các hợp đồng mua hàng ở mức giá cao hơn giá thị trường từ những doanh nghiệp mới, lạ thì cần hết sức cảnh giác”, ông Nghĩa cảnh báo.

Đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Dubai cũng hết sức lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý, hạn chế việc cho trả chậm hoặc nợ tiền. Nếu có cho chậm thanh toán cũng chỉ ở mức 10-20% tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp cho trả chậm đến 1/2 giá trị lô hàng, khi phát sinh vấn đề sẽ bị đọng vốn và khó giải quyết.

Vai trò của Thương vụ rất quan trọng

Để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, làm ăn kinh doanh có hiệu quả với phía UAE, ông Nghĩa cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm công tác xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường, bạn hàng tại UAE một cách kỹ lưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật.

“UAE là quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp các nước hoạt động kinh doanh với thời gian hàng chục năm, có những doanh nghiệp làm ăn chắc chắn, bài bản, uy tín. Doanh nghiệp Việt Nam có thể ký hợp đồng, thoả thuận cung cấp dài hạn hàng hoá đối với các doanh nghiệp này theo mức giá xác định từng thời điểm, trên cơ sở % hoa hồng chia sẻ cho doanh nghiệp đầu mối tại UAE. Trường hợp bán hàng theo chuyến, cần xác định rõ giá thị trường của hàng và phương thức thanh toán thích hợp”, ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, một yếu tố hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, đó là hạn chế việc cạnh tranh theo kiểu bán hàng giá thấp để có hợp đồng. “Điều này sẽ càng khiến cho doanh nghiệp UAE tận dụng ép giá, ép phương thức thanh toán. Nghiêm trọng hơn là phá vỡ mặt bằng giá hàng Việt Nam tại thị trường UAE”, ông Nghĩa lưu ý và khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt cần tránh tâm lý hám lợi trong kinh doanh gây ra các tranh chấp không cần thiết.

Điều quan trọng trên hết theo ông Nghĩa là các doanh nghiệp phải tiến hành sàng lọc và xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là đối tác mới lần đầu giao dịch, đối tác tìm kiếm qua internet. Đối với các đơn hàng ký kết lần đầu với đối tác mới, doanh nghiệp cần liên hệ với Thương vụ để đề nghị hỗ trợ, xác minh về giá cả, tư cách pháp nhân, uy tín.

“Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại UAE sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm đưa hàng hóa Việt vào nhiều hơn nữa tại các hệ thống siêu thị. Thương vụ cũng sẽ trực tiếp làm việc và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tìm kiếm và xác minh khách hàng nhập khẩu vào UAE”, ông Nghĩa cam kết./.

13 doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo và gian lận thương mại tại UAE: Green Belt Food Stuff; Diamond Empire General Trading; Vintage International F.Z.C.; Mohammad Mehdi General Trading; Onion Food Stuff Trading; Khushi Trading; Olwen International FZC; Red Fort Trading; Season Food Stuff Trading; Lassani Food Stuff Trading; Mahak Gulf Trading; Takbeer Trading và công ty Floral Fruit./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Giá thanh long ruột đỏ hồi phục do nhu cầu xuất khẩu tăng cao

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời điểm hiện tại, nông dân vùng chuyên canh thanh long huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi bởi giá nông sản này đang hồi phục trở lại.

Nông dân phấn khởi vì giá thanh long ruột đỏ tăng

Toàn huyện Châu Thành hiện có hơn 20ha thanh long ruột đỏ được trồng tập trung tại các xã Phú Hựu, An Phú Thuận...

Theo ông Trần Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu, hiện tại giá thanh long ruột đỏ loại 1 dao động từ 29.000 - 30.000 đồng/kg; loại 2 có giá 19.000 - 20.000 đồng/kg, tăng khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg so với tháng trước.

Nhiều nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ cho biết, giá thanh long tăng là do nhu cầu xuất khẩu đang tăng cao.

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, sau khi thu hoạch xong thanh long chính vụ, nông dân tiến hành áp dụng biện pháp chong đèn để kích thích thanh long ra trái mùa nghịch. Nhờ giá thanh long mùa nghịch cao hơn nhiều lần so với chính vụ nên nhiều nhà vườn thu được lợi nhuận ổn định.

Tuy nhiên, điều khiến nông dân lo lắng hơn là sâu bệnh xuất hiện trên thanh long ngày càng nhiều, nhất là bệnh đốm trắng. Chính vì thế, năng suất thanh long ruột đỏ giảm khoảng 10% so với các năm.

Hoài Minh

Đặt cược với chanh không hạt

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng,

Vượt lên suy nghĩ làm ăn manh mún, anh Trần Thiện Thanh Vân (thôn Lâm Nghĩa, xã Phi Tô, Lâm Hà, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư trồng 3,5 ha chanh không hạt, bước đầu thực hiện ý tưởng hình thành vùng chanh nguyên liệu xuất khẩu.

Vườn chanh bắt đầu cho thu hoạch chính. Ảnh: H.Thắm

Giữa vùng đồi bạt ngàn cà phê xanh tốt, diện tích vườn hơn 8 ha của gia đình anh Trần Thiện Thanh Vân tô điểm thêm những gam màu xanh khác biệt. Đó là 3.000 trụ tiêu thẳng tắp và hơn 2.000 gốc chanh bắt đầu đơm hoa kết quả. Gặp lại anh nông dân 39 tuổi nhưng có máu làm giàu từ nông nghiệp bộc bạch: “Cũng mạo hiểm chứ, nhưng trước khi làm, mình có quá trình chuẩn bị hơn 10 năm ròng, nên rất tự tin sẽ nắm phần thắng”.

Hiện tại, vườn chanh đang cho thu hoạch những trái đầu tiên với năng suất 2 tấn/tháng (dự kiến mức bình quân là 4 tấn/tháng/ha). “Nếu như rau, hoa mình phải chở ra vựa ở ngoài Đức Trọng, Lâm Hà thì dù việc đi lại còn rất nhiều khó khăn nhưng thương lái vẫn thu mua tận vườn mỗi lần thu hoạch. Điều này chứng tỏ hiện chanh đang rất có sức hút trên thị trường”, anh Vân nhận định.

Theo anh Vân, đất đai và khí hậu ở đây hoàn toàn phù hợp với cây chanh cũng như các loại cây công nghiệp lâu năm khác. Đồng thời trong quá trình chuyển đổi có thể trồng xen canh với cà phê từ lúc nhỏ. Thời gian thu hoạch cũng có thể chủ động trong vòng 15 ngày mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng như một số loại cây khác.

Bên cạnh việc tự tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật, anh cũng xuống tận Long An để tham quan xưởng chế xuất chanh xuất khẩu của “nữ hoàng” chanh không hạt miền Tây - Bùi Thị Ba để tìm đầu ra cho loại quả này.

Nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu, thay vì sử dụng nước trực tiếp từ các hồ tự nhiên, anh Vân đã mạnh dạn tự đào hồ trên đỉnh đồi với sức chứa 20.000 m3, và đào thêm 3 giếng khoan để hằng ngày bơm nước lên hồ. Anh cho biết, với hệ thống tưới tự động đây là cách làm mà anh đã tham khảo ở nhiều nơi, vừa đơn giản lại vừa tiết kiệm được điện năng.

Để quản lý chất lượng nguồn nước, anh cũng tiến hành nuôi cá trong hồ, nhận thấy cá sinh trưởng tốt nên ý tưởng tự chế biến thành phân cá cũng ra đời. Và hiện được sử dụng để bón cho chanh và cà phê.

Anh cho biết thêm, theo tính toán, sản lượng chanh có thể đạt 50 tấn/ha/năm. Với giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, hàng năm mỗi ha chanh có thể đem lại doanh thu ít nhất khoảng 500 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư lại thấp hơn, hoặc bằng so với cây cà phê truyền thống.

Đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu, anh Vân nhận thấy đầu ra của cây chanh rất rộng mở: Ở Long An và các tỉnh miền Tây đã có hàng ngàn ha trồng chanh không hạt. Đối với người dân địa phương, cây chanh theo hướng nguyên liệu còn khá lạ lẫm. Mọi người thường nghĩ nó là loại gia vị sử dụng trong bữa ăn hàng ngày nhưng thực tế còn rất nhiều công dụng khác mà thế giới đã khai thác. Nhu cầu của thế giới rất lớn, chanh được sử dụng để chiết tinh dầu, không cần lượng nước nhiều nên thu hoạch dựa vào kích thước, màu sắc. Nguồn xuất khẩu cũng khá rộng, đặc biệt là khu vực Trung Đông hoặc các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc…

Khi được đề cập đến nỗi băn khoăn là người đầu tiên ở Phi Tô và cả Lâm Hà đưa chanh vào trồng trên diện tích lớn và vấn đề tiêu thụ sản phẩm khi chanh vào thời kỳ thu hoạch chính, anh Vân chỉ cười: “Cũng có người nói tôi điên vì trồng nhiều như vậy biết bán ở đâu?”.

Anh cho biết, mục tiêu hướng đến của mình là trồng chanh xuất khẩu, thành lập thương hiệu chanh không hạt như những địa phương khác đã làm. Quá trình tìm hiểu ở Long An, Tiền Giang… đã cho anh nhiều kinh nghiệm và những đầu mối xuất khẩu. Hiện cũng có nhiều người đến tham quan mô hình này của anh và bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích nhỏ lẻ. Anh Vân cũng đang tìm hiểu và muốn có thêm nhiều hộ tham gia cùng anh trong việc thành lập hợp tác xã vào thời gian tới. Toàn bộ kỹ thuật cũng như việc tiêu thụ, liên hết sẽ do anh chịu trách nhiệm chính.

Riêng anh, trong năm tới sẽ chuyển đổi hết gần 8 ha đất trồng cà phê sang trồng chanh và tiêu. “Cả chanh và tiêu đều là cây công nghiệp lâu năm nên đó là hướng đi của mình. So với tiêu thì trồng chanh có chi phí đầu tư thấp hơn, nhưng đòi hỏi công chăm sóc và thời gian thu hoạch rải rác trong suốt cả năm. Bắt đầu chuyển đổi từ năm 2015 và hiện giờ đang là giai đoạn chuyển mình với nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Bài toán chuyển đổi này sẽ hoàn thiện trong vòng khoảng 3 năm nữa. Khi đó, nguồn thu từ chanh và tiêu có được sẽ cao gấp nhiều lần so với cà phê hiện tại”, anh tâm sự.

Hồng Thắm

Sôi động thị trường cây giống

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Cũng như mọi năm, khi thời tiết xuất hiện mưa nhiều thì không ít nhà vườn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tất bật sửa sang mặt liếp và cải tạo lại đất để chuẩn bị trồng các loại cây ăn trái. Lúc này, thị trường cây giống cũng bắt đầu nhộn nhịp.

Ông Điền luôn chăm chút cây giống cẩn thận để chuẩn bị cung ra thị trường.

Dạo quanh các trung tâm và cơ sở sản xuất cây giống nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) thuộc địa phận Hậu Giang, mọi người sẽ nhận ra không khí vận chuyển và mua bán cây giống của người dân trong và ngoài tỉnh rất tất bật. Theo đó, đa phần khách hàng đều lựa chọn một số loại cây ăn trái chủ lực như: cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt, xoài Đài Loan, mít Thái, mãng cầu xiêm… về trồng cho kịp thời vụ.

Đang ngồi lựa cây cam sành giống, ông Trần Văn Hơn, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, bày tỏ: “Hơn 3 năm trước, tôi có trồng 3 công cam sành, giờ vườn cây đã cho trái và thu về lợi nhuận trên 50 triệu đồng/năm. Thấy vậy, còn 2 công vườn tạp phía sau nhà, tôi đã dọn sạch, lên liếp và mua cây giống xong. Dự định, trong 10 ngày tới tôi sẽ mang ra trồng để kiếm thêm thu nhập”.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, phong trào phá bỏ vườn tạp, cải tạo lại đất kém hiệu quả trồng các loại cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người dân. Theo ông Huỳnh Ngọc Điền, ở ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, xuất phát từ nguyên nhân trên, khi cầu vượt cung thì giá bán cây giống tại các cơ sở sản xuất như ông cũng theo đó nhích lên. Cụ thể, đối với các nhóm hàng cây giống có múi như: cam sành, bưởi, chanh không hạt có giá từ 12.000-18.000 đồng/cây (tùy loại); mít Thái, xoài Đài Loan, mãng cầu xiêm dao động 20.000-30.000 đồng/cây (tùy loại), cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/cây giống so với cùng kỳ năm trước.

Ông Điền chia sẻ thêm: “Hiện cơ sở sản xuất của tôi làm đa dạng các loại cây giống, nhưng số lượng vẫn không đủ cung ra thị trường. Bởi vì, thời gian gần đây, bà con đến hỏi mua rất nhiều. Tính từ đầu năm đến nay, tôi đã cung ứng ra thị trường gần 30.000 cây giống các loại và hiện chuẩn bị ghép bo hơn 20.000 cây thuộc giống mít Thái, bưởi da xanh để kịp giao hàng cho khách”.

Có thể nói, tuy là cách thức ghép bo cây giống truyền thống, nhưng sử dụng phương pháp bài bản nên hầu hết các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn tỉnh đều “ăn nên làm ra”, trong đó có cơ sở sản xuất cây mãng cầu tháp bình bát của ông Trần Hòa Bình, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.

Ông Bình thông tin: “Chỉ hơn 1 năm nay, phong trào trồng mãng cầu xiêm tháp bình bát này mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, bên cạnh chủ động cây giống để tự trồng trên diện tích hơn 5 công đất của gia đình thì tôi còn tìm tòi, học hỏi, tự tháp để bán cho người dân có nhu cầu trồng với trên 3.000 cây giống mỗi năm. So với những ngành, nghề khác thì sản xuất cây giống khá công phu, nhưng nhu cầu vốn ít, thời gian thu hồi vốn nhanh, trung bình cũng kiếm lời khoảng 5.000 đồng/cây. Số tiền lời không lớn, nhưng nhờ số lượng nhiều nên kinh tế gia đình tôi cũng ổn định và vươn lên thoát nghèo”.

Bằng sự cần cù, kết hợp với vừa trồng vừa sản xuất cây giống, đời sống của gia đình của ông Bình ngày càng thay đổi. Hàng năm, từ bán trái mãng cầu và sản xuất cây giống, ông Bình có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hiện ông còn dự định mở rộng quy mô sản xuất cây giống vì nhu cầu khách hàng ngày một nhiều.

Còn ông Phan Văn Niềm, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, cho hay: “Bằng sự uy tín, cơ sở của chúng

tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, vì vậy khách hàng mới tin cậy và đặt với số lượng lớn. Thông thường, tùy vào diện tích đất trồng mà bà con điện thoại đặt hàng từ 200-500 cây giống/người mua. Song, để có số lượng giao cho khách, chúng tôi ở đây chủ động đi tìm kiếm thêm các cây bình bát mọc hoang theo các vườn tạp ở địa phương và sử dụng đất của gia đình để trồng cây bình bát giống, nhằm sản xuất quanh năm”.

Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nhìn nhận: Nhìn ở góc độ địa phương, thời gian qua, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi của người dân ngày càng mạnh mẽ. Theo đó, việc lựa chọn trồng cây ăn trái luôn được bà con quan tâm. Thế nên, các cơ sở chuyên sản xuất cây giống trong và ngoài địa phương phát triển nhiều nên không lo việc thiếu hụt nguồn cung.

“Để trồng đạt hiệu quả, người dân cần chú ý và lựa chọn các cơ sở uy tín chuyên sản xuất ra cây giống sạch bệnh để trồng, nhằm góp phần tăng năng suất, hạn chế rủi ro. Còn các cơ sở sản xuất cây giống thì cần áp dụng kỹ thuật chiết, ghép bài bản, chọn những nhánh ghép bo khỏe mạnh, những cây đầu dòng, không nhiễm sâu bệnh. Nhất là nên thực hiện ghép và trồng trong nhà lưới để cây giống phát triển tốt, đạt đúng chuẩn xuất ra thị trường để làm ăn lâu dài”, ông Đức khuyến cáo.

Chí Công

Nhiều loại trái cây chủ lực giảm giá, nhà vườn lao đao

Nguồn tin: VOV

Do cung vượt cầu, thị trường xuất khẩu dội hàng nên nhiều loại trái cây ở tỉnh Tiền Giang giảm giá.

Ở thời điểm này, thanh long ruột trắng nhà vườn ở Tiền Giang đang được bán với giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, ruột đỏ giá 15.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so tháng trước.

Nhà vườn bày bán trái thanh long ven Quốc lộ 1

Riêng trái thanh long bị nhiễm bệnh hay mẫu mã không đẹp giá chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Trái khóm (dứa) tháng trước giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn dưới 3.000 đồng/kg.

Hầu hết các loại trái cây chủ lực khác ở tỉnh Tiền Giang đều giảm giá từ 10-20% so với tháng trước. Để tự “giải cứu” mình, nhà vườn mang trái cây bày bán lưu động ở các vỉa hè, nơi công cộng, ngã ba đường...

Điều đáng quan tâm là hiện nay, do chưa hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định nên các mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn an toàn, Viet Gap cũng không hấp dẫn được thị trường. Từ đó, mức giá trái cây ở mô hình GAP cũng tương đương với trái cây sản xuất theo mô hình sản xuất truyền thống và vẫn bị ế ẩm.

Thương lái thu mua khóm chỉ giá vài ngàn đồng/kg

Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quyết Thắng, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết, sản phẩm Viet Gap tiêu thụ rất ít.

"Làm đúng theo quy trình Viet Gap nhưng thị trường không cần sản phẩm này. Những người có nhu cầu sản phẩm Viet Gap như các siêu thị thì họ mua rất nhỏ giọt. Từ đó, nông dân gặp khó khăn trong sản xuất, mất phương hướng. Một số người có quan niệm là không cần nâng chất lượng sản phẩm mà làm sao đạt năng suất, sản lượng để bán có tiền", ông Thành chia sẻ./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Hiếu Giang tổng hợp


 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop