Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 10 năm 2019

Sáu nhóm/sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Chiều 14-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) họp báo thường kỳ quý III, thông tin về phát triển nông nghiệp 9 tháng năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 9 tháng qua, ngành Nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán, lũ lụt ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp; khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc…

Tuy nhiên, toàn ngành Nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá, đạt 2,02%, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước, trong đó thủy sản tăng cao (6,12%), lâm nghiệp tăng 3,98%...

Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, giá các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với với cùng kỳ năm 2018; trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%.

Đặc biệt, 6 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8% và triển vọng sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019); cà phê (2,1 tỷ USD, giảm 21,8%), gạo (đạt gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%), hạt điều (2,4 tỷ USD, giảm 5,4%), rau, quả (2,15 tỷ USD, giảm 4,3%), tôm (2,4 tỷ USD, giảm 8,0%)...

QUỲNH DUNG

Chuẩn bị khai hội ‘Trái cây có múi tỉnh Hòa Bình’ 2019

Nguồn tin: Lao Động

Cây ăn quả có múi đang là đặc sản thế mạnh của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Theo Hoàng Huy

Lễ hội được tổ chức từ ngày 1-5.11.2019 với quy mô 250 gian hàng là các loại trái cây đặc sản có múi của tỉnh Hòa Bình và các sản phẩm tiêu biểu, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức.

Trong số 250 gian hàng tham gia hội chợ, khu Lễ hội cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình có 150 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cây ăn quả có múi: Cam, quýt, bưởi, sản phẩm nông sản đặc hữu của các địa phương, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh Hòa Bình;

Khu văn hóa ẩm thực: 20 gian hàng giới thiệu các món ăn truyền thống của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh, thành; Khu giới thiệu tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khu vực gian hàng thương mại tổng hợp: Trưng bày, bán sản phẩm có chất lượng của các doanh nghiệp như: hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, sinh vật cảnh, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…

Khu gian hàng nông nghiệp và sản phẩm mỗi xã một sản phẩm (OCOP) khu vực phía Bắc với 100 gian hàng được bố trí nhằm giới thiệu và bán các sản phẩm thủy sản, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây, giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp.

Khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng sao của các địa phương; Khu máy móc thiết bị: Máy móc phục vụ sản xuât, chế biến nông lâm thủy sản; phương tiện vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch.

Khu thủ công mỹ nghệ: Sản phẩm làng nghề, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống sản xuất bằng mọi chất liệu: chế tác kim hoàn, đất nung, tre nứa, gỗ, vải, giấy và các ngành nghề thủ công truyền thống khác.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội và Hội chợ còn diễn ra các hội nghị kết nối sản phẩm, Chương trình OCOP, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực miền Bắc (chiều 1.11.2019); Chương trình Nhịp cầu nhà nông (sáng 2.11.2019); Chương trình tham quan của đoàn nông dân của tỉnh Hòa Bình tới tham quan, học tập tại Lễ hội và Hội chợ cùng các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn văn nghệ được tổ chức từ các ngày 2-4.11.2019.

Kết thúc lễ hội, UBND tỉnh Hòa Bình sẽ tổng kết và trao tặng bằng khen cho các đơn vị tiêu biểu, điển hình tham gia Lễ hội và Hội chợ (ngày 5.11.2019).

M.M

Long An có hơn 1.000ha mít Thái

Nguồn tin: Báo Long An

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Long An "rộ" lên phong trào trồng mít giống Thái. Không chỉ được trồng xen trên các vườn cây hay thay thế nhiều loại cây ăn trái khác, mà thậm chí mít Thái còn được trồng ngay trên nền đất ruộng.

Hiện nay, diện tích trồng mít Thái ngày càng tăng

Theo thống kê từ ngành Nông nghiệp, hiện tổng diện tích mít Thái toàn tỉnh hơn 1.000ha, tập trung nhiều ở các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.

Trong đó, diện tích cho trái khoảng 350ha, sản lượng ước đạt gần 3.500 tấn, giá bán bình quân từ 10.000 - 35.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm là 50.000 - 65.000 đồng/kg, nông dân thu về 300 - 600 triệu đồng/ha/năm. Với mức lợi nhuận hấp dẫn, cao gấp nhiều lần trồng lúa, nông dân tại các huyện trên địa bàn tỉnh liên tục mở rộng diện tích trồng mít Thái. Chỉ tính riêng trong năm 2019, diện tích trồng mới là trên 380ha.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang cây mít trên nhiều địa phương không theo quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều rủi ro trong mùa lũ, gây ngập úng do hệ thống đê bao chưa hoàn thiện, khép kín. Ngoài ra, canh tác lúa và mít xen kẽ trong vùng sẽ gây khó khăn cho việc sử dụng cơ giới hoá trong khâu làm đất, thu hoạch lúa, không đồng bộ trong điều tiết nước. Hơn hết, việc ồ ạt trồng mít Thái nhiều dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thương lái ép giá./.

Kim Ngọc

Làm giàu từ cây Sen

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

Anh Nguyễn Chí Mạnh ở xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) từ nhỏ gắn bó với nghề nông, nhận thấy ở quê có nhiều ao hồ, thùng vũng anh mạnh dạn đấu thầu, canh tác tới 60 mẫu đất, trong đó có 50 mẫu trồng sen.

Xã Song Hồ bước vào thời đổi mới với sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế do biết phát huy nghề truyền thống. Không những vậy, người Song Hồ còn tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho nông dân cả huyện. Trong bối cảnh ấy, người dân Song Hồ gần như chuyển hẳn sang làm thủ công nghiệp, ruộng đồng không còn mặn mà nữa. Để phát huy hết giá trị đồng đất, địa phương khuyến khích các hộ nông dân mạnh dạn nhận ruộng phát triển mô hình kinh tế mới. Anh Nguyễn Chí Mạnh cùng vợ là Đào Thị Hồng là người thành công trong lĩnh vực này.

Anh Mạnh sinh năm 1971, trong gia đình nông dân ở thôn Lạc Hoài, học hết Trung học phổ thông ở nhà sản xuất cùng gia đình. Năm 1992 khi địa phương chủ trương cho thuê bãi bồi ven sông Đuống làm gạch, anh Mạnh thầu một khẩu lò. Đến năm 1998 anh mua ô tô tải chuyên bán gạch ra Hà Nội. Năm 2004 nghề làm gạch đóng cửa, anh Mạnh quay sang thuê thầu đất làm trang trại nhỏ, diện tích hơn 2 ha theo mô hình: vườn, ao nuôi thả cá, chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt. Do chất đất không thích hợp nên diện tích làm vườn thu nhập không đáng kể. Thu nhập ao cá mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, chăn nuôi chuồng trại khoảng 200 triệu, lãi chừng 150 triệu.

Có vốn anh lại đầu tư cải tạo ao và tiếp tục thuê đất của 3 thôn Tú Tháp, Đạo Tú, Đông Khê gần khu trang trại, tổng diện tích lên đến 60 mẫu. Anh quy hoạch lại, dành 4 mẫu ao tiếp tục nuôi thả cá, 6 mẫu làm vườn, còn 50 mẫu cấy lúa. Tuy nhiên thu nhập từ cấy lúa không hiệu quả. Anh đầu tư đắp bờ khoanh vùng giữ nước chuyển sang trồng sen lấy hạt. Đầu ra của hạt sen khá bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Anh chuyển sang lấy bát non cấp cho thị trường trong nước.

Vựa sen Hồng Mạnh dần trở nên có uy tín. Để có được điều đó, anh Mạnh cho biết, ngoài việc canh tác sen thì điều quan trọng nhất là phải diệt trừ được nạn chuột. Chuột thích ăn sen, mà cánh đồng lớn rất khó bảo vệ. Bát sen bị chuột gặm dù chỉ một miếng nhỏ cũng mất giá. Để chống chuột phải đánh mồi ngay từ khi gặt vụ mùa xong, kéo dài đến vụ cấy chiêm năm sau. Khi sen lên phải thường xuyên cắt dọn cỏ sạch sẽ các bờ vùng không để chuột có môi trường ẩn náu. Khi vào vụ thu hoạch sen hầu như không còn chuột đến phá. Thỉnh thoảng có chuột vãng lai nhưng mức độ phá hoại không đáng kể. Thu hoạch từ canh tác sen cao gấp 3 lần canh tác lúa. Anh Mạnh còn dành 5 mẫu trồng giống sen trăm cánh chuyên cấp cho các cơ sở làm trà sen ở Hà Nội. Ngoài ra vợ chồng anh Mạnh còn có thu nhập phụ từ việc cho mượn nền sen chụp ảnh và thú câu cá.

Là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Nguyễn Chí Mạnh 2 lần vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen giai đoạn từ năm 2012-2017.

Phạm Thuận Thành

Phòng trừ sâu keo mùa thu

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa ban hành quy trình kỹ thuật phòng chống để các địa phương phổ biến, hướng dẫn nông dân áp dụng, giúp việc phòng chống sâu keo mùa thu hiệu quả và an toàn bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bao gồm biện pháp canh tác, thủ công, sinh học, bẫy, bả và biện pháp hóa học.

Hiện có trên 16.400ha bắp bị nhiễm sâu keo mùa thu ở 43/63 tỉnh, thành.

Trước đó, Cục BVTV chỉ đạo Trung tâm BVTV phía Bắc phối hợp với Công ty Syngenta VN sử dụng Fortenza Duo 480FS xử lý hạt giống để phòng trừ và được thực hiện trong nhà lưới và đồng ruộng.

Khi sử dụng Fortenza Duo 480FS xử lý với lượng 600ml/100kg hạt giống có hiệu lực cao trong phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại giai đoạn đầu cây bắp từ nảy mầm đến 14 ngày sau gieo.

Thời điểm trước 10 ngày sau gieo hiệu lực đạt trên 86%, thời điểm 14 ngày sau gieo đạt từ 81%-84% và hiệu lực kéo dài có thể lên tới 18-20 ngày sau gieo tùy điều kiện thời tiết và mật độ sâu. Nhờ đó, cây con được bảo vệ khỏi sự gây hại của sâu ngay từ đầu nên bảo toàn được mật độ cây, giúp giảm lượng phun thuốc từ 1-2 lần; cây con phát triển tốt hơn so với cây không xử lý thuốc.

Trung tâm BVTV phía Bắc đề nghị Cục BVTV bổ sung Fortenza Duo 480FS vào danh mục thuốc sử dụng tạm thời trong phòng trừ sâu keo mùa thu, đồng thời đề nghị Công ty TNHH Syngenta VN sớm đăng ký Fortenza Duo 480FS vào danh mục thuốc xử lý hạt giống trong phòng trừ sâu keo mùa thu trên bắp.

CÔNG PHIÊN

Thanh niên lập nghiệp từ bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thực hiện phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, những năm gần đây, một số thanh niên xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã triển khai mô hình trồng bưởi da xanh. Mô hình này đã giúp thanh niên ổn định thu nhập và làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Hồ Hoàng Kha kiểm tra bưởi sắp đến ngày thu hoạch.

Cùng chị Trần Thị Lan, Phó Bí thư Thị Đoàn Phú Mỹ đến thăm một số hộ thanh niên tiêu biểu tại xã Sông Xoài làm giàu bằng cây bưởi da xanh, chúng tôi thực sự ấn tượng trước những cây bưởi trĩu cành, đang chờ ngày thu hoạch.

Anh Hồ Hoàng Kha (ấp Phước Bình), mới 26 tuổi nhưng đang sở hữu 9ha đất, với 2.500 cây bưởi da xanh. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, sau khi học hết lớp 12, anh Kha không học lên đại học mà quyết định ở nhà phụ gia đình trồng trọt, chăm sóc vườn bưởi. Thông qua sự giới thiệu của Xã Đoàn, anh được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, nhất là cách chăm sóc sâu bệnh trên cây bưởi. Năm 2010, anh thử nghiệm kỹ thuật trồng bưởi theo hướng công nghệ cao trên diện tích đất trồng của gia đình. Anh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bón phân nuôi cỏ dưới gốc bưởi, kết hợp quá trình quang hợp để tạo thành các chất hữu cơ trong cây cỏ. “Sau khi chết, xác cỏ phân hủy thành phân hữu cơ rất tốt cho cây bưởi. Cách làm này vừa tiết kiệm được nhân công, vừa không ảnh hưởng đến môi trường đất. Do có mùn và phân hữu cơ, tỷ lệ đậu trái trên cây bưởi cũng nhiều hơn so với trước đây”, anh Kha phân tích.

Nhờ học hỏi kỹ thuật, anh sử dụng biện pháp kích hoa gối vụ cho cây vừa ra trái lại tiếp tục trổ bông. Với kỹ thuật này, 1 năm cây cho trái 3 vụ. Năm 2010, 9ha bưởi của gia đình chỉ cho khoảng 15 tấn trái, đến năm 2013, năng suất tăng lên gấp đôi và đến năm 2018 đã tăng lên 60 tấn. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lãi 1,5 tỷ đồng. Anh nhẩm tính, dịp Tết Canh Tý sắp tới, vườn bưởi nhà anh sẽ cho khoảng 20 tấn. Với giá thành từ 45.000-60.000 đồng/kg, gia đình anh sẽ có một cái Tết “ấm”. Hiện nay, vườn bưởi của gia đình anh còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. “Năm 2014, tôi tham gia HTX Bưởi da xanh Sông Xoài và hiện nay là Phó Giám đốc HTX. Với kinh nghiệm có được, tôi đã hướng dẫn các thành viên để cây bưởi da xanh đạt hiệu quả cao hơn”, anh Kha cho hay.

Cũng mạnh dạn trồng cây bưởi da xanh, anh Phan Quang Chung, 21 tuổi, hiện đang sở hữu 1,2 ha trồng bưởi da xanh 5 năm tuổi. Học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây cẩn thận, đúng quy trình, vườn bưởi của anh cho năng suất ổn định, trái ngon, ngọt, được thị trường ưa chuộng. “Vườn bưởi của gia đình tôi có 150 gốc, mỗi năm cho 2 vụ trước và sau Tết, cộng thêm 1 vụ trái mùa cũng giúp tôi có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, với kỹ thuật kích cho hoa gối vụ, tôi đã có thu nhập tốt hơn. Nếu bình thường bưởi da xanh có giá khoảng 32.000-40.000 đồng/kg thì dịp Tết, bưởi đẹp có giá đến 60.000 đồng/kg”, anh Chung nói.

Tốt nghiệp hệ trung cấp, Trường CĐ Phát thanh Truyền hình 2 năm 2012, chị Dương Thị Hạnh (29 tuổi, Phó Bí thư Xã Đoàn Sông Xoài) xin về địa phương công tác tại Trạm Truyền thanh xã Sông Xoài. Để góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Phú Mỹ mua 1 con bò giống và đầu tư vào vườn bưởi da xanh. Đến nay, chị đã trả hết nợ vay và còn phát triển đàn bò lên 3 con. Ngoài ra, 1 sào bưởi da xanh với 30 gốc cũng mang lại cho chị thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng/năm. “Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở rộng vườn bưởi để tăng thêm nguồn thu”, chị Hạnh nói.

Anh Lý Văn Nhẹ, Bí thư Xã Đoàn Sông Xoài cho biết, thay vì rời bỏ quê hương, đến các thành phố lớn lập nghiệp, việc một số ĐVTN mạnh dạn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương là rất đáng quý. Đó là các mô hình chăn nuôi dê, trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây bưởi da xanh. Không chỉ làm giàu cho bản thân, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, các ĐVTN này còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, là những gương thanh niên tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

Trồng xen đinh lăng dưới tán dừa – mô hình mới, hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Chị Nguyễn Thị Thảo – thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) chia sẻ: Sau thời gian tìm hiểu ở nhiều nơi, biết được cây đinh lăng, một loại cây dược liệu, thích nghi dưới bóng râm, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của vườn dừa hơn 7 năm tuổi của gia đình. Bởi cây dừa hơn 7 năm tuổi, tầng lá vươn lên ở độ cao từ 2 - 2,5m so với mặt đất. Những khoảng đất trống rộng lớn giữa các hàng dừa, mà từ trước đến nay hầu hết nhà vườn nào cũng bỏ không. Tận dụng khoảng đất này, bước đầu chị Thảo trồng 20.000 gốc đinh lăng trên diện tích 1 ha. Cây đinh lăng có chiều cao tối đa chỉ khoảng 1,5 m, mặc dù gốc đinh lăng chỉ trồng cách gốc dừa khoảng 60 cm nhưng tán lá của 2 cây cùng phát triển tốt khi ở các tầng khác nhau.

Kỹ sư Trần Hoài Việt – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh cho biết: Khi trồng xen đinh lăng dưới tán cây dừa, 2 cây này có tác dụng tương hỗ lẫn nhau. Bởi ở tầng trên, đinh lăng được lá dừa bao phủ, hạn chế những tia nắng lọt qua. Ở dưới nền đất ánh sáng hầu như ít khi lọt qua được bởi tán lá đinh lăng bao phủ vì vậy cũng hạn chế cỏ dại.

Đối với cây đinh lăng khi trồng xen dưới bóng râm, tốc độ phát triển nhanh gấp 3 lần so với trồng độc canh đinh lăng ngoài nắng. Khi trồng xen đinh lăng, trong quá trình chăm sóc 1 năm bón 4 lần phân hữu cơ vi sinh chuyên dụng cho đinh lăng, cây dừa cũng được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, giúp cho cây càng thêm xanh tốt, cho nhiều trái hơn. Về phần quang hợp, cây đinh lăng cung cấp lượng ôxy ngày và đêm cho dừa và ngược lại dừa cũng cung cấp ôxy cho đinh lăng.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm chị Thảo đã biến vùng đất cát pha Giồng Triền thôn 3, xã Hồng Sơn khô khốc ngày nào rợp bóng vườn dừa xanh. Nơi chân cát được dừa che chở, bảo vệ, chống nước cuốn trôi vào mùa mưa và lá chắn chống cát bay mùa khô làm cho vùng đất trở nên phì nhiêu, màu mỡ, môi trường, khí hậu nơi đây cũng trở nên mát dịu, trong lành. Chị Thảo cho biết thêm: Để loại cây trồng này phát triển bền vững, chị đã tìm hiểu, hợp đồng với Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh sản xuất đinh lăng theo hình thức liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trồng 1 ha đinh lăng, tổng chi phí khoảng 170 triệu đồng gồm tiền giống, phân bón và hệ thống tưới. Sau 9 tháng hoặc chậm nhất 1 năm kể từ khi trồng, có thể thu hoạch thân và lá đinh lăng lần thứ nhất. Sau đó cứ khoảng 6 tháng, Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh sẽ thu hoạch thân và lá 1 lần. Với giá bao tiêu theo hợp đồng, lá tươi có giá 2.000 đồng/kg; thân, cành tươi 15.000 đồng/kg. Sau 5 năm trồng sẽ thu hoạch toàn bộ thân, lá củ, rễ cây đinh lăng. Lúc bấy giờ mỗi gốc đinh lăng đạt trọng lượng từ 5 – 8 kg. Chị Thảo chủ vườn dừa chia sẻ: Từ khi trồng xen đinh lăng, dừa đóng trái nhiều hơn, năng suất, sản lượng tăng gấp 2 - 3 lần so với trước. Như vậy, trồng xen cây đinh lăng dưới tán dừa sẽ cho thu nhập kép từ 2 loại cây trồng, nâng cao với hiệu quả kinh tế trên một đơn vị sản xuất. Bà Phạm Thị Lựu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Sơn cho biết: Toàn xã Hồng Sơn có khoảng 800 ha đất cát pha với gần 800 hộ dân trực tiếp sản xuất cây dừa. Một vùng đất đầy tiềm năng, nhiều triển vọng cho cây đinh lăng xen canh phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhận thấy mô hình trồng đinh lăng xen dưới tán dừa có nhiều triển vọng của chị Thảo, anh Nguyễn Hoàng Vũ - thôn 7, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc đã thực hiện nhân rộng 20.000 cây đinh lăng vào vườn dừa của gia đình nơi chân cát Giồng Triền.

Phương thức trồng xen canh cây đinh lăng dưới tán dừa theo hình thức liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với công ty của chị Thảo ở thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc đã mở ra một lựa chọn mới đối với cây trồng phù hợp cho nông dân xã nhà. Việc trồng xen canh 2 cây trồng này cho thu nhập kép trên một đơn vị diện tích.

Theo hạch toán của kỹ sư Trần Hoài Việt – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp Thiên Đường, tỉnh Tây Ninh: Trung bình mỗi gốc đinh lăng 5 kg x 30.000 đồng =150.000 đồng/gốc; 150.000 đồng x 20.000 gốc đinh lăng/1ha nông dân sẽ thu được 3 tỷ đồng; cộng với thu nhập cành, lá liên tục trong 5 năm là 1,7 tỷ đồng. Như vậy nông dân sẽ có thu nhập đến 4,7 tỷ đồng sau 5 năm trồng 1 ha đinh lăng.

NGUYỄN THƯỜNG

Tín hiệu vui đầu vụ lúa trên đất nuôi tôm ở Cà Mau

Nguồn tin: CTV Cà Mau

Ngay từ đầu vụ, do thời tiết thuận lợi, lượng mưa phân bổ đều nên giúp nông dân dễ dàng rửa mặn, cải tạo đất để sản xuất vụ lúa tôm theo đúng lịch thời vụ của ngành chuyên môn. Theo kế hoạch, vụ lúa – tôm năm nay, Cà Mau sẽ sản xuất hơn 38.000ha.

Trong đó, sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 500 ha tại huyện Thới Bình và một phần diện tích ở các huyện: Cái Nước, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo bà con chọn các giống lúa chất lượng cao, thích ứng với điều kiện nhiễm mặn, như: OM 2517, OM 5451, OM 6162, Cà Mau 1, Cà Mau 2, lúa đặc sản RVT…; Thường xuyên kiểm tra độ mặn để có biện pháp xử lý kịp thời, áp dụng các quản lý dịch hại tổng hợp vào canh tác lúa, cũng như sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hóa học gây tác động xấu cho môi trường nuôi./.

PV: Diễm My

Hiệu quả từ trồng mít không hạt trên đất đồi cằn cỗi

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Mô hình trồng mít không hạt của anh Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh). Ảnh: VĂN THÙY

Trên nền đất đồi bạc màu, cằn cỗi tưởng chừng bỏ đi, anh Nguyễn Văn Út ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã tìm cho mình hướng đi riêng bằng loại cây trồng mới chưa từng có ở địa phương, đó là mít không hạt và đã mang lại hiệu quả.

Mít không hạt xuất hiện ở nước ta từ nhiều năm nay, tuy nhiên trên địa bàn huyện Sông Hinh và các địa phương lân cận vẫn chưa có nhiều hộ trồng. Với diện tích khoảng 3ha đất đồi cằn cỗi, anh Nguyễn Văn Út đã thử trồng nhiều loại cây nhưng không mang lại hiệu quả. Cách đây 5 năm, bằng quyết tâm của mình, anh Út đã lặn lội vào Cần Thơ (nơi sản xuất ra giống mít không hạt) để tìm hiểu và mua giống. Không có nhiều tiền, anh Út đặt mua 180 cây mang về, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm. Đến nay, tại vườn của anh đã có khoảng 160 cây ra trái và cho thu hoạch vụ thứ hai.

Riêng vụ năm nay, anh Út thu được hơn 560 trái, trung bình mỗi trái nặng 8kg, giá bán bình quân khoảng 50.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Út cho biết: “Mít không hạt của vườn nhà tôi trồng có hương vị thơm ngon, the ngọt, không nhựa, đặc ruột, ăn được cả xơ lẫn múi. Mít không hạt rất sai trái, ăn rất ngon, tuy nhiên loài mít này có nhược điểm là trái không đẹp, thường mắc eo. Khi mít chín đến đâu thì có người đặt mua đến đó; riêng vụ năm nay, gia đình tôi thu được trên 220 triệu đồng”.

Theo anh Út, mít không hạt không tốn nhiều công chăm sóc, chưa xuất hiện sâu bệnh hại, không cần quá nhiều nước tưới. Thực tế từ khi trồng đến nay, anh Út chỉ tưới giai đoạn đầu xuống giống và lúc ra trái non nếu đúng thời điểm nắng hạn. Nói về kinh nghiệm, anh Út khuyến cáo không nên khoan lỗ mà nên đào hố sâu khoảng 70cm sau đó trộn phân chuồng và phân lân cho xuống hố để tạo độ xốp. Khoảng cách trồng cũng không nên quá thưa gây lãng phí đất, tốt nhất là hàng cách hàng và cây cách cây 5m nhằm hạn chế chiều cao của cây khoảng 4-4,5m để dễ dàng cho việc chăm sóc, thu hoạch…

Ông Võ Tấn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ly, cho hay: “Những năm gần đây, nông dân xã Ea Ly đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như bơ, sầu riêng, cam, quýt, xoài, bưởi… mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Riêng cây mít không hạt, đến nay ở xã Ea Ly mới chỉ có hộ anh Nguyễn Văn Út trồng. Qua 2 vụ, cây mít không hạt đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và có nhiều ưu điểm như khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và đặc biệt là không kén đất như các cây ăn quả khác. Điều này đã chứng minh thực tế tại hộ anh Út, với nền đất pha cát hoang hóa mà mít vẫn sai trái”.

Với đặc tính lá dày, khả năng chịu hạn tốt, thích nghi với đất đồi dốc, bạc màu nên cây mít không hạt hơn hẳn một số loại cây trồng khác. Đến thăm vườn mít của anh Út, ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh rất tâm đắc: Mít không hạt đã mở ra một triển vọng mới cho việc phát triển kinh tế nông hộ, đa dạng hóa cây trồng trên đất bạc màu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sông Hinh là địa phương có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, đây là một trong những mô hình tốt để Hội Nông dân huyện nhân rộng trong thời gian sắp tới.

VĂN THÙY

Đak Pơ (Gia Lai): Lai tạo đàn bò giúp nâng cao thu nhập

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Những năm gần đây, huyện Đak Pơ, Gia Lai rất quan tâm lai tạo đàn bò của địa phương thông qua các chương trình, dự án. Nhờ đó, chất lượng đàn bò của huyện đã không ngừng được nâng cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững.

Hỗ trợ bò lai sinh sản cho hộ nghèo

Năm 2012, dự án chăn nuôi bò lai sinh sản được triển khai thí điểm tại xã Tân An với 20 hộ tham gia, nguồn vốn là 1 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương hỗ trợ 600 triệu đồng, số tiền còn lại do các hộ tham gia dự án đối ứng. Sau 7 năm triển khai, từ 20 hộ, dự án đã được nhân rộng ra 60 hộ. Ông Vương Ngọc Phúc-Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An-cho biết: Dự án đã góp phần giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn (thôn Tân Phong, xã Tân An) là một trong 20 hộ tham gia dự án năm 2012. Vào thời điểm đó, giá bò giống cao nên ngoài 30 triệu đồng vay được từ dự án, ông Sơn đầu tư thêm vào 7 triệu đồng để mua 1 còn bò lai sinh sản. Sau 2 năm, con bò này đã đẻ được 2 con bê. Nhờ bán bê, gia đình ông đã có tiền trả lại vốn vay dự án. Đến nay, gia đình ông đã phát triển đàn bò lên 7 con. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường 2-3 con bê được 50-60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hương (thôn 4, xã An Thành, huyện Đak Pơ) đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ mua bò lai sinh sản. Ảnh: N.H

Năm 2017, dự án chăn nuôi bò lai sinh sản tiếp tục được Hội Nông dân huyện Đak Pơ triển khai tại 2 xã Phú An và An Thành với 10 hộ tham gia. Mỗi hộ được Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho vay 20 triệu đồng để mua 1 con bò giống. Ông Nguyễn Văn Hương (thôn 4, xã An Thành) cho biết: “Đến nay, con bò của gia đình tôi đã để được 2 con bê. Bò lai sinh sản tốt, sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt đảm bảo nên giá bán cao hơn các giống bò địa phương. Ví dụ, một con bê mới sinh có trọng lượng 20-30 kg, nuôi khoảng 6 tháng thì đạt 70-80 kg. Với giá thị trường hiện nay, mỗi con bê lai 6 tháng tuổi bán được 11-13 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần so với giống bò cỏ địa phương”.

Ngoài các dự án chăn nuôi bò lai sinh sản của Hội Nông dân, hàng năm, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đak Pơ cũng quan tâm hỗ trợ bò lai sinh sản cho hộ nghèo ở các làng, xã đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, từ nguồn vốn gần 1,2 tỷ đồng của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ 72 con bò lai giống Zebu cho các hộ nghèo. Ông Dương Thái Thạch-Phó Chủ tịch UBND xã Ya Hội-thông tin: “Toàn xã có 19 hộ được nhận bò từ 2 dự án này. Thay vì nhận bò từ trên cấp về rồi giao cho bà con như trước, năm nay, việc hỗ trợ bò được giao cho UBND xã làm chủ đầu tư. Nhờ đó, chất lượng bò đảm bảo hơn, trọng lượng bò trung bình đạt 155-170 kg/con”.

Lai tạo đàn bò vùng dân tộc thiểu số

Trong 2 năm 2017-2018, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện Đak Pơ đã dành 665 triệu đồng mua 18 con bò đực giống lai Zebu để hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 5 xã: Ya Hội, Yang Bắc, An Thành, Phú An và Hà Tam. Các hộ này được phép thu tiền tối đa là 50.000 đồng/lần phối giống cho bò cái của hộ khá, giàu và không lấy tiền đối với các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Khi bò đực đã thực hiện phối giống cho 50 con bò cái thì hộ đó được thụ hưởng con bò đang nuôi. Đến nay, đã có 60 con bò cái được phối giống, sinh sản được 8 con bê có chất lượng tốt.

Hiện nay, toàn huyện Đak Pơ có 15.322 con bò, trong đó, bò lai chiếm gần 87%. Đây là địa phương có tỷ lệ bò lai cao nhất tỉnh. Đặc biệt, huyện có khoảng 7.000 con bò lai được phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng mừng là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nuôi bò lai đều nhanh chóng thoát nghèo bền vững và không ít hộ đang từng bước vươn lên làm giàu. Ông Nguyễn Văn Vịnh-Giám đốc Trại giống vật nuôi huyện Đak Pơ-cho biết: Đak Pơ có lợi thế trong việc phát triển mạnh đàn bò lai, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những hộ nuôi bò lai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều được hưởng lợi nhiều mặt như hỗ trợ giống, cho mượn giống, thụ tinh nhân tạo, hướng dẫn quy trình nuôi theo đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên hầu hết bà con đã biết tận dụng diện tích đất sẵn có để trồng cỏ nuôi bò, nâng cao chất lượng đàn bò.

Theo ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, vận động và hướng dẫn người dân tập trung nâng cao chất lượng đàn bò để tăng thu nhập, không chỉ thoát nghèo mà còn có thể làm giàu từ chăn nuôi bò lai. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ đàn bò lai đến năm 2020 đạt gần 100% theo kế hoạch tỉnh giao”.

NGUYỄN HIỀN

Ổn định giá cả thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019. Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).

Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI); phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan để có giải pháp bảo đảm mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 và 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các nội dung trên trước ngày 21/10/2019.

Minh Hiển

Tổng số lượng heo của cả nước vẫn còn khoảng 24-25 triệu con

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Giá thịt heo đang tăng vù vù, nhiều gia đình còn không dám mua thịt heo về ăn, phải chuyển sang các loại gia cầm. Trong khi Bộ NN-PTNT khẳng định, lượng thịt heo bị thiếu hụt chỉ khoảng 200.000 tấn, còn các nguồn khác dự báo con số 500.000 tấn.

Nhiều địa phương trong cả nước đang thiếu thịt heo vì “đại dịch” tả heo châu Phi quét qua từ hồi tháng 3-2019 đến nay. Trong khi hiện lại đang bước vào mùa cưới, liên hoan, lễ hội… nên nhu cầu thực phẩm tăng, càng khiến giá thịt heo tăng nhanh.

Khoảng 1 tháng nay, giá heo tại nhiều địa phương bắt đầu tăng mạnh khi nguồn cung “cạn”, khiến người tiêu dùng lo ngại vì có thể tiếp tục khan thiếu thịt heo vào dịp cuối năm, giá càng tăng hơn.

Ở nhiều vùng quê, những gia đình nghèo hiện đang phân vân, không dám mua thịt heo nhiều vì giá đắt, phải chuyển sang các loại thực phẩm vẫn có giá cả ổn định hơn, như thịt gà, thịt vịt, các loại cá...

Trong khi đó, tại Trung Quốc, dịch tả heo châu Phi hoành hành trong năm 2018 và đầu năm 2019 đang đẩy giá heo “phát sốt” ở ngay thời điểm hiện tại, có nơi giá heo hơi (heo sống) đã tăng tới hơn 100.000 đồng/kg.

Chiều tối 14-10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý 4-2019 và nhiều câu hỏi được nêu ra xoay quanh tình trạng đáng lo ngại này.

Cuộc họp báo chiều tối 14-10 nóng về lo ngại giá thịt heo tăng cao

Thông tin tại cuộc họp báo, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, tính đến ngày 14-10, giá thịt heo bình quân ở miền Bắc đã tăng cao nhất lên tới 63.000 đồng/kg (trong khi những tháng của quý 2, giá heo rớt xuống chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg).

Tại miền Trung, giá bình quân là 50.000-57.000 đồng/kg. “Hai khu vực trọng điểm nuôi heo là Hà Nội và Đồng Nai, đến chiều 14-10, giá bán heo hơi là 59.000 đồng và 62.000 đồng/kg”- ông Trọng cho biết.

Nhiều người lo ngại con số dự báo khoảng 200.000 tấn thịt heo có thể thiếu hụt vào dịp cuối năm, cũng như số lượng heo bị chết và phải tiêu hủy bởi dịch tả heo châu Phi suốt 7 tháng qua (ước khoảng 5 triệu con) có thể không đúng, thực tế còn lớn hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng khẳng định rằng, đến thời điểm này, đã có 56 tỉnh, thành phố báo cáo về sản lượng, số lượng heo đang có, để đáp ứng cho thị trường. Theo đó, tổng đàn heo tại 56 địa phương là trên 22 triệu con. Nếu cộng thêm số lượng của 7 tỉnh nữa chưa báo cáo thì tổng số lượng heo của cả nước vẫn còn khoảng 24-25 triệu con. “Đây là số liệu thực tế”- ông Trọng nói.

Về lo ngại giá thịt heo trong nước đang tăng cao, nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu nhập khẩu thịt heo tại Trung Quốc lại đang rất lớn, giá tăng lên mức rất cao, do nước này cũng bị dịch tả heo châu Phi hoành hành, gây “khủng hoảng” thực phẩm, dẫn tới tình trạng thịt heo từ Việt Nam sẽ “chạy” sang Trung Quốc.

Nhưng ông Trọng khẳng định, hiện Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu theo đường chính ngạch, không còn tiểu ngạch, nên thịt heo Việt Nam không thể xuất sang Trung Quốc.

Để bù đắp và ổn định nguồn cung cho thị trường, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hai hội nghị triển khai, thúc đẩy chăn nuôi thịt bò và gia cầm… bù đắp cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt.

Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, sẽ không để xảy ra thiếu thực phẩm, không để giá thịt heo tăng cao. Hiện nay, các nguồn thực phẩm thay thế, bù đắp cho thịt heo đều tăng đáng kể, trong đó thịt bò đã tăng thêm 42%, thịt gia cầm tăng hơn 13%, thủy sản tăng 60,2%... Trong trường hợp cần thiết thì sẽ nhập khẩu để bình ổn giá cả.

VĂN PHÚC

Nông dân Trương Chí Thức: Lãi hàng trăm triệu đồng từ nuôi rắn ri voi

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Những năm gần đây, phong trào nuôi các loài động vật hoang dã được nhiều nông dân áp dụng vì cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình nuôi rắn ri voi trong bể xi măng cho lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Trương Chí Thức (sinh năm 1983, ngụ xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những người nuôi thành công với mô này.

Anh Trương Chí Thức với 2 con rắn ri voi trong giai đoạn sinh sản. Ảnh: T.Q

Sau khi tốt nghiệp ra trường, có tấm bằng kỹ sư nuôi trồng thủy sản, anh Trương Chí Thức tập trung cho việc phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2009, qua tìm hiểu các mô hình kinh tế hiệu quả, nhận thấy mô hình nuôi rắn ri voi ít vốn đầu tư lại cho thu nhập khá, anh Thức liền đến huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) tìm mua 2 con rắn ri voi bố mẹ và 14 con rắn nhỏ về nuôi. Hơn 1 năm, đàn rắn lớn nhanh, anh không bán mà để sinh sản. Qua 3 năm, anh đã có đàn rắn với hàng trăm con, trọng lượng từ 1 - 4kg/con.

Thấy nuôi rắn sinh sản cho nguồn thu khá nên anh Thức đầu tư nuôi rắn sinh sản, bán rắn giống. Hiện nay, trung bình mỗi năm anh bán trên 2.000 con rắn giống (80.000 đồng/con) cho thu nhập từ 160 - 220 triệu đồng/năm. Ngoài bán rắn giống, mỗi năm anh còn xuất bán trên 50 con rắn thịt (700.000 đồng/kg), cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

Anh Thức cho biết: “Rắn ri voi rất dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, ít bệnh. Thức ăn ưa thích của chúng là cá trê, nhái, cá phi… Cứ 3 ngày cho ăn một lần, định kỳ 7 - 10 ngày thay nước một lần. Khoảng 12 tháng nuôi, rắn đạt trọng lượng từ 0,5 - 1kg/con. Sau 2 năm, rắn sinh sản; mỗi năm sinh sản một lần. Rắn ri voi dễ tiêu thụ, thương lái tìm đến tận nhà thu mua. Ngoài nuôi rắn ri voi, tôi đang đầu tư nuôi thêm 350 con rắn ri cá”.

Mô hình nuôi rắn ri voi rất hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với những hộ ít vốn, ít đất, đặc biệt là đối với người dân vùng nông thôn.

Minh Luân

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop