Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 11 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 11 năm 2016

Anh Nguyễn Đình Thuận: Làm giàu nhờ trồng cây vú sữa tím

Nguồn tin: Tiền Giang

Cây vú sữa tím được bà con nông dân ở các xã Nam Quốc lộ 1A, nằm cạnh Sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trồng từ khoảng 10 năm trở lại đây, bởi đặc điểm là cho trái sớm trước tết, trái to và bán có giá, giúp cho nhiều hộ có thu nhập cao, vươn lên làm giàu nhờ trồng cây vú sữa tím. Trong đó có anh Nguyễn Đình Thuận (sinh năm 1971) ngụ ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận.

Anh Thuận đang bao trái vú sữa.

Với 6.000 m2 đất, khi nắm bắt được thông tin về loại vú sữa tím, anh Thuận liền tham quan tận vườn và đặt mua về trồng khoảng 120 cây (bình quân trồng 20 cây/công đất), trồng với khoảng cách 7m/cây. Nhờ tiếp thu các kiến thức khoa học - kỹ thuật của ngành Khuyến nông chuyển giao nên khâu chăm sóc tốt, đến nay, vườn vú sữa của anh đã cho trái ổn định. Trái vú sữa đầu mùa, trái to thuộc loại hàng cơi (từ 1 kg/trái trở lên, giá không dưới 70.000 - 80.000 đồng/trái. Đến ngày rộ, bán khoảng 30.000 đồng/kg. Thu nhập sau trừ chi phí, lợi nhuận hằng năm của vườn khoảng 300 triệu đồng.

Anh Thuận chia sẻ: "Nghề trồng vườn cũng lắm vất vả, cây vú sữa cũng phải xử lý, bón phân phải đúng lúc, nhất là từ khi xử lý ra hoa là bắt đầu dưỡng bông, đến khi tượng trái (nút áo), nửa tháng phun thuốc trừ sâu 1 lần, sử dụng đúng phân, thuốc và liều lượng, bởi sơ sẩy là háp bông, rụng trái. Các đối tượng gây hại thường là sâu lông cạp trái và ruồi đục trái. Chính vì vậy mà cần phải bao trái (mỗi vụ bao khoảng 30.000 trái). Nhờ bao trái, trái vú sữa không bị sần sùi hoặc vết cạp của côn trùng, đảm bảo an toàn vệ sinh, nên trái vú sữa tím luôn bán được giá cao...".

Anh Tuấn

Mở rộng thị trường cho thanh long Bình Thuận

Nguồn tin: Báo Công Thương

Chủ trì đoàn doanh nghiệp Bình Thuận tham dự Hội chợ kinh tế thương mại Trung - Việt năm 2016 ở Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc), ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh Bình Thuận đang rất nỗ lực tìm cách mở rộng thị trường cho trái thanh long, Bộ Công Thương cũng đang rất quan tâm và ủng hộ việc này.

Thanh long Bình Thuận tại Hội chợ kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt (Hà Khẩu) 2016

Bình Thuận là tỉnh có quy mô sản xuất thanh long lớn nhất nước với diện tích khoảng 26.000 ha, sản lượng đạt 500.000 tấn/năm. Thanh long Bình Thuận có chất lượng cao, đã được bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và đã có mặt ở thị trường gần 40 nước trên thế giới. Nhờ trồng thanh long, người dân Bình Thuận đã dần xóa đói, giảm nghèo, thậm chí làm giàu. Diện tích và sản lượng thanh long ở Bình Thuận trong thời gian qua đang tiếp tục tăng. Tỉnh Bình Thuận đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sản xuất thanh long tập trung, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap… để đáp ứng tốt hơn các đòi hỏi của thị trường.

Vấn đề đặt ra đối với trái thanh long Bình Thuận hiện nay là làm sao mở rộng được thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm. Hiện sản lượng thanh long Bình Thuận có đến 80% được xuất khẩu, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc chiếm tới 90% khối lượng, xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu, châu Á… mới chỉ đạt khoảng 10.000 tấn/năm. Tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự có hiệu quả.

Khó khăn đối với trái thanh long Bình Thuận trong việc chiếm lĩnh thị phần trên thị trường thế giới hiện nay là bởi đa số các doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Long của Bình Thuận chỉ có qui mô vừa và nhỏ, trình độ ngoại thương còn hạn chế, thiếu kinh phí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu ra cho thanh long còn thiếu sự hợp tác trong kinh doanh, nhất là ở khâu thu mua khiến giá cả không ổn định. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nói chung còn yếu, chưa thường xuyên.

Thanh Long Bình Thuận

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị cho trái thanh long, các nhà quản lý của Bình Thuận đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như doanh nghiệp nước ngoài tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Kính cho biết, thời gian vừa qua thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu Tân Thanh, Pò Chài (Lạng Sơn) nhiều khi bị ách tắc ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả cũng như chất lượng. Để mở thêm lối đi cho trái thanh long sang thị trường Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận đã làm việc với tỉnh Lào Cai, tỉnh Hà Giang để xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai và Thanh Thủy (Hà Giang). Việc Sở Công Thương Bình Thuận chủ trì tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ thương mại biên giới Trung - Việt (Hà Khẩu) năm 2016 là để quảng bá sản phẩm, tìm đối tác mới tiêu thụ thanh long qua cửa khẩu Lào Cai.

Để đa dạng hóa sản phẩm, một số doanh nghiệp Bình Thuận đã nghiên cứu, chế biến siro thanh long, rượu thanh long, thanh long sấy khô… đưa ra thị trường. Tuy nhiên, công nghệ chế biến vẫn thô sơ, quy mô còn nhỏ, hiệu quả chưa cao. Tỉnh Bình Thuận đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính trên thế giới.

Ngoài ra, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã xúc tiến các hoạt động mở rộng tiêu thụ nội địa ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương có dung lượng thị trường lớn. Đến nay, các cơ quan chức năng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã cam kết giúp Bình Thuận đưa trái thanh long tiếp cận tới các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị trên địa bàn.

Tin vui cho trái thanh long Bình Thuận là đã được Bộ Công Thương đưa vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Ngày 23/11/2016 tới đây, một hội nghị kết nối tiêu thụ thanh long quy mô lớn sẽ diễn tại Bình Thuận do Bộ Công Thương chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Bình Thuận, đại diện nhiều tỉnh phía Bắc có dung lượng thị trường lớn cũng như nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản, trái cây, doanh nghiệp phân phối lớn sẽ được mời đến tham dự. Theo đường ngoại giao, Bộ Công Thương cũng đã mời và dự kiến sẽ có khoảng 30-40 doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm tham dự hội nghị này. Với sự nỗ lực của địa phương, sự quan tâm của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, thanh long Bình Thuận chắc chắn sẽ ngày càng có chỗ đứng vững và mở rộng được thị phần ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu./.

Ngọc Quỳnh

Dừa xiêm lùn da xanh trên đất cát

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Về thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vườn dừa xiêm lùn da xanh được trồng trên vùng cát ven biển đang cho trĩu quả của ông Lê Xuân Bá (SN 1957).

Ông Dậu bên buồng dừa sai quả

Trên vùng cát khô khốc rộng đến 1ha, 150 cây dừa xiêm lùn da xanh của ông Bá phủ bóng xanh rờn, làm mát dịu cả vùng cát cằn cỗi.

“Trong dịp đi tham quan mô hình trồng dừa xiêm lùn tại tỉnh Bến Tre, tui thấy trái rất sai, mỗi buồng từ 30 - 40 trái, thích nghi cả vùng đất nhiễm mặn, phèn, cát trắng bạc màu. Mê quá, tui quyết định mua 200 cây từ Trung tâm giống Đồng Gò với giá 30.000 đồng/cây về trồng thử nghiệm. Đến bây giờ tui mới dám quả quyết quyết định của mình là đúng”, ông Bá nói.

Theo ông Bá, khác với những loại dừa xiêm thông thường, khi cây phát triển từ 7 - 10m mới cho quả, vườn dừa xiêm lùn da xanh gần 4 năm tuổi của ông ken dày buồng, trái chen lấn nhau khin khít, chỉ cách mặt đất từ 0,5 - 1m. Trồng giống dừa này nhà vườn không phải leo trèo, chỉ ngồi xổm là hái được trái.

“Giống dừa xiêm lùn da xanh dễ chăm sóc và xử lý sâu bệnh, đặc biệt là giảm được công thu hoạch, rất phù hợp với vùng đất cát ven biển. Trồng 3 năm là có trái, đặc biệt nước dừa có vị ngọt thanh đậm hơn một số giống truyền thống khác. Trung bình mỗi tháng tui bán cho thương lái 1 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 600 trái với giá bán sỉ tại gốc là 15.000 đồng/trái. Vị chi mỗi tháng tui có thêm khoản thu nhập 9 triệu đồng”, ông Bá phấn khởi cho hay.

Ông Bá chia sẻ thêm về kỹ thuật trồng: Muốn trồng giống dừa này trên vùng đất cát thì phải khoan giếng nước ngọt. Để phục vụ nước tưới cho vườn dừa của mình, ông Bá đã khoan 4 cái giếng; ngoài ra, do nền đất cát yếu, trước khi trồng ông cho san ủi mặt cát bằng phẳng, sau đó đổ thêm một lớp đất sỏi để tạo mặt bằng ổn định trên cát và xung quanh hố trồng, nhằm hạn chế cát sụt lở lấp vào đọt gây hại cây giống.

Mỗi hố trồng cách nhau khoảng 6m, đường kính 1m, sâu 60cm. Để kích thích bộ rễ nhanh phát triển, ông bón lót vào mỗi hố từ 10 - 15kg phân hữu cơ hoai mục trước khi đặt giống. Sau khi trồng, ông đóng cọc để giữ cho cây khỏi lệch, dùng rơm, tàu dừa khô che chắn cho cây giữ ẩm và hạn chế xói mòn khi tưới thời kỳ đầu.

Để cây nhanh phát triển, ông cho dừa “ăn” phân hữu cơ kết hợp NPK bón thúc trong giai đoạn mới trồng. Khi dừa bắt đầu đâm bẹ, ra trái, ông tiếp tục bồi thêm đất thịt vào gốc để giữ gốc bền chặt.

“Tuy nhiên, do thời gian đầu chưa nắm bắt hết đặc tính của giống dừa mới nên vẫn có hàng chục cây chưa kịp thích ứng dẫn đến bệnh vàng lá thối đọt, chết yểu, làm cho tỷ lệ hao hụt hơn 20%. Sau khi 150 cây còn lại phát triển tươi tốt tui mới yên lòng, nhưng lòng vẫn còn hồi hộp lắm. Đến khi dừa cho trái vụ đầu tiên tui mới thật sự phấn khởi”, ông Bá bộc bạch.

Cũng ở thôn Tăng Long 2, ngoài vườn dừa của ông Bá còn có 1ha dừa xiêm lùn da xanh được trồng trên cát đang trong thời kỳ cho trái chín của ông Nguyễn Văn Dậu (SN 1956). Tuy xuống giống chậm hơn 1 năm so với vườn dừa của ông Bá, nhưng hiện nay trong số 130 cây trong vườn dừa của ông Dậu đã có hơn 70% cây cho quả.

Ông Dậu bày tỏ: “Thấy vườn dừa giống mới của ông Bá phát triển xanh tốt tui đâm mê, học tập làm theo. Được ông Bá sự động viên, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về mặt kỹ thuật, tui mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để có vườn dừa hôm nay. Ở Hoài Nhơn, những vườn dừa xiêm lùn da xanh trồng tập trung như của tui và của ông Bá mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nên đầu ra đang rất rộng mở”.

Tam Quan Nam là một trong những xã ven biển có diện tích dừa nhiều nhất huyện Hoài Nhơn với trên 200ha. Tuy nhiên, thành công của ông Bá và ông Dậu với mô hình trồng dừa xiêm lùn da xanh trên cát ven biển đã mở ra hướng làm ăn mới cho cư dân sống ven 25km bờ biển trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam cho biết: “Nếu mô hình này được nhân rộng và được sự hỗ trợ của ngành chức năng, chắc chắn cây dừa xiêm lùn da xanh không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho bà con sống ven biển mà còn tạo cảnh quan môi trường biển, chống cát bay và nhất là góp phần đảm bảo an ninh trật tự tuyến biển”.

“Phải 1 - 2 năm nữa thì vườn dừa mới cho trái thật sự ổn định, dự kiến từ 150 - 200 trái/cây/năm. Hiện lượng trái chỉ mới đạt khoảng từ 10 - 15 trái/buồng. Tui đang tự ươm giống để tiếp tục nhân rộng trên 0,5ha diện tích còn lại. Ngoài ra, trong thời gian tới tui sẽ ươm giống cung cấp cây giống và sẵn lòng hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân nào muốn trồng dừa xiêm lùn da xanh...”, ông Lê Xuân Bá.

AN NHÂN

Bình Định: Huyện Phù Mỹ trồng 714 ha kiệu Tết

Nguồn tin: Báo Bình Định

Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết: Vụ kiệu Tết năm 2017, toàn huyện trồng 714 ha, giảm hàng chục hecta so với vụ này năm ngoái. Nguyên nhân là giá kiệu giống và rơm tủ kiệu tăng cao; nắng nóng kéo dài, đất thiếu độ ẩm cần thiết khi thời vụ cho phép.

Diện tích trồng kiệu Tết tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Hòa (163,3 ha), Mỹ Hiệp (150 ha), Mỹ Trinh (111 ha), Mỹ Phong (80 ha)...

Hiện nay, hầu hết diện tích kiệu Tết đã hơn 90 ngày tuổi. Kiệu sinh trưởng, phát triển tốt, nhất là trên chân đất cao, dễ thoát nước, không bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa kéo dài vừa qua. Hiện người trồng kiệu đang tập trung nhổ cỏ, bón phân đợt 2.

XUÂN LỘC

Thu nhập cao từ lan cắt cành và rau mầm

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

Với 3.400 cây phong lan Mokara cắt cành, trong đó 1.500 cây đã cho thu hoạch, trồng trên phạm vi 1.000m2 đất dự án chưa triển khai tại tổ 16B phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng do chính quyền địa phương cho mượn, mấy tháng nay, anh Lê Thành Trung, thu hơn 100 bông/ngày. Với giá 13.000 – 15.000 đồng/bông, ngày nào chàng cử nhân trẻ này cũng có trong tay trên dưới 1 triệu đồng lãi ròng.

Anh Phùng Văn Phương đang tưới cho rau mầm.

Lê Thành Trung đến với nghề trồng hoa rất tình cờ. Trong một lần vào thăm bạn tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, được bạn dẫn tham quan các mô hình trồng hoa, anh nhận thấy trồng phong lan Mokara cắt cành không chỉ “hái ra tiền” mà còn làm đẹp cho đời.

Thế rồi, không bỏ lỡ cơ hội, anh lưu lại ít ngày học hỏi kinh nghiệm và đặt mua cây giống với ý định sẽ triển khai mô hình tại Đà Nẵng. Ít lâu sau, chia tay công việc đang làm với cương vị Phó phòng Kế toán của một doanh nghiệp du lịch với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng, anh đến với nghề trồng hoa. Được chính quyền địa phương, nhất là Hội Nông dân phường Hòa Xuân động viên, khuyến khích, tạo cơ hội về đất, vốn vay, anh mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, mua cây giống về trồng.

Đầu năm 2016, cơ sở hạ tầng vườn hoa hoàn thiện, những luống trồng đã phủ lớp vỏ đậu phộng, anh Trung xuống giống 1.500 cây. 3 tháng sau, anh trồng tiếp 1.900 cây, đến nay vườn hoa xanh ngát với những bông hoa đủ màu sắc nằm giữa khu dân cư trông rất đẹp.

Hỏi về bí quyết để có những cây phong lan to khỏe, lá xanh tràn đầy sức sống ấy, Thành Trung cho biết: Yếu tố quan trọng nhất trong trồng loài hoa cắt cành là cây giống phải to khỏe và kỹ thuật bón phân thích hợp.

Loại phân thích hợp nhất là bón hỗn hợp đạm, lân, ka-li. Giai đoạn đầu có tỷ lệ đạm cao hơn lân, ka-li để kích thích rễ phát triển. Giai đoạn sau ngược lại, để cây chắc khỏe, phát triển tốt, bón lân, ka-li nhiều hơn đạm. Khi tưới không cần nước nhiều, chỉ vừa đủ để hạn chế nấm phát sinh. Khi đánh luống, chú ý cho đất nghiêng về một phía để thoát nước.

Chưa dừng lại ở đó, Thành Trung đang có kế hoạch mở rộng quy mô vườn hoa, năm tới sẽ đưa hơn 1.000 cây giống về trồng.

Nói về thị trường tiêu thụ, Thành Trung cho biết: Ngày nào khách hàng cũng đến tận vườn, chọn bông cắt và thanh toán tại vườn. Ở thành phố gần triệu dân, nhu cầu hoa tươi rất lớn. Với loài hoa này, vài ba chục vườn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, 5 năm nay, ngày nào gia đình anh Phùng Văn Phương, tổ 8C, phường Hòa Xuân cũng đưa ra thị trường 20kg rau mầm, thu về 1 triệu đồng, lãi khoảng 600.000 - 700.000 đồng.

Đến thăm cơ sở sản xuất rau mầm của gia đình anh mới hay, đây là hoạt động kinh tế khá đơn giản, nhưng cho thu nhập cao. Giá để các khay rau mầm đặt ngay phòng khách và dọc lối đi. Chỉ trong phạm vi chừng 30m2, có hơn 200 khay, trong đó có loại vừa rắc giống, có loại chuẩn bị thu hái.

Anh Phương cho biết: Tiếp cận được nghề “làm chơi ăn thiệt” này từ năm 2011. Hồi đó, sau khi giải tỏa chuyển đến nơi ở mới, chưa có việc làm, Hội Nông dân phường tư vấn mở cơ sở sản xuất rau mầm. Tìm hiểu trên mạng, nhận thấy loại rau này trồng khá đơn giản, nhanh thu hoạch. Cái khó nhất là khâu tiêu thụ. Để yên tâm đầu tư, anh đến nhiều nơi tìm hiểu và biết các nhà hàng, quầy bán rau sống tại chợ luôn cần số lượng lớn. Sau khi được một số chủ quầy bán rau nhận tiêu thụ, anh mạnh dạn đầu tư.

Thông qua lớp tập huấn do Hội Nông dân phường tổ chức và trực tiếp tham quan học hỏi tại một số cơ sở sản xuất rau mầm trên địa bàn quận, ngay lứa đầu tiên, sản phẩm rau mầm của anh Phương đạt chất lượng. Chỉ 4 - 5 ngày kể từ khi gieo hạt là cho thu hoạch. Sản xuất cũng rất đơn giản. Đất sạch trải lớp chừng 2-3cm trên khay, gieo hạt giống rau cải củ đã ngâm ủ. Ngày đầu tiên đậy bạt kín để giữ ẩm. Ngày hôm sau rau đã nẩy mầm hết lượt.

Mỗi ngày tưới bằng phun sương vài ba lần. Đến ngày thứ 4 khi cây rau cao chừng 6-7cm, chưa bung lá là thu hoạch. Sản xuất từ đất sạch, nước sạch, không hề bón bất cứ thứ gì, rau mầm là loại nông sản có độ an toàn cao.

“Từ ngày sản xuất đến nay, ít khi bị hỏng. Ngày nào cũng thu hái hơn 30 khay và xuống giống cũng chừng đó. Công việc này chỉ chiếm thời gian chừng vài ba giờ đồng hồ. Khách hàng ổn định, sáng sớm đã có người đến mua”, anh Phương cho biết.

Nguyễn Cầu

Hiệu quả mô hình "Sản xuất cà phê bền vững"

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau một thời gian triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất cà phê bền vững”, vườn cà phê của hộ ông Trịnh Tấn Vinh (thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc, Di Linh, Lâm Đồng) đã mang lại hiệu quả về năng suất, chất lượng, trong khi chi phí đầu tư cho sản xuất đã giảm đáng kể.

Ông Trịnh Tấn Vinh đã trồng cây lạc dại phủ kín toàn bộ vườn cà phê. Ảnh: N.Brừm

Năm 2007, gia đình ông Trịnh Tấn Vinh là một trong những hộ sản xuất cà phê ở huyện Di Linh tham gia Dự án cà phê bền vững E.D.E (Đức).

Với diện tích 1 ha cà phê già cỗi, giống cũ và cho năng suất thấp, thời gian qua, ông Vinh đã tiến hành cải tạo đất bằng cách sử dụng phân hữu cơ, kết hợp trồng cây che bóng và cây lạc dại.

Ưu điểm của việc cải tạo đất, nhất là từ cây lạc dại không chỉ giữ được độ ẩm, đất không bị rửa trôi, xói mòn mà còn cung cấp chất đạm cho cây trồng. Song song với việc cải tạo đất, ông Vinh còn cải tạo giống bằng hình thức ghép chồi cà phê giống mới để dần dần kiến thiết lại vườn cây. Sau gần 9 năm thực hiện mô hình sản xuất cà phê bền vững, đến nay, vườn ông Vinh đã phủ kín cây lạc dại và ghép cải tạo gần 100% diện tích cà phê.

Ông Vinh chia sẻ: “Trước đây, việc trồng và chăm sóc cà phê chủ yếu chỉ theo phong trào và dựa vào kinh nghiệm là chính, nên chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại đạt thấp. Từ khi tham gia sản xuất cà phê bền vững, được đào tạo kiến thức về quy trình sản xuất cà phê theo Bộ quy tắc 4C; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về bón phân cân đối..., giảm bớt giá thành đầu tư nhưng cây vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất ổn định”.

Điều đáng nói là khi tham gia mô hình, đến nay, vườn cà phê của ông Vinh tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tốn chi phí thuê nhân công làm cỏ, tưới nước như trước kia, mà hiệu quả kinh tế mang lại khá cao với năng xuất 3,5 tấn cà phê nhân/ha và dự tính trong niên vụ này đạt 4 tấn/ha.

“Là thành viên Hội người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng nên mong muốn của tôi là liên kết những nông dân có quan điểm chung về nền nông nghiệp xanh, bền vững; giảm bớt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ô nhiễm môi trường… nhằm đem lại một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường sống” - ông Trịnh Tấn Vinh nói.

Với 1 ha cà phê của gia đình, những năm gần đây, ông Vinh đã giảm đáng kể việc sử dụng các loại phân vô cơ (đã giảm 50%). Hằng năm, ông chỉ đầu tư 300 kg đạm, 100 kg lân, 100 kg kali, với giá khoảng 19 triệu đồng; còn lại ông chuyển sang sử dụng phân hữu cơ dạng bón, tưới gốc và phun qua lá thân thiện với môi trường.

NDONG BRỪM

Tiền Giang: Vùng Ngọt hóa Gò Công sẽ không còn sản xuất lúa 3 vụ

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Ngày 10-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.

Bơm chuyền cứu lúa trong vụ đông xuân 2015 - 2016 tại vùng Ngọt hóa Gò Công.

Theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, cơ bản đến năm 2025, toàn vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc luân canh lúa màu. Riêng huyện Tân Phú Đông không còn diện tích sản xuất lúa, toàn bộ diện tích đất lúa chuyển sang trồng cây ăn trái thích nghi và cây màu hoặc luân canh tôm - lúa, lúa - cá.

Theo đó, tổng diện tích phải thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đến năm 2025 là 26.147 ha (của 37 xã, 3 phường, 4 thị trấn của 5 huyện, thị phía Đông). Trong đó, diện tích thực hiện cắt vụ là 23.143 ha; 3.004 ha chuyển sang trồng cây ăn trái và chuyển vụ 4.128 ha (trên đất lúa 3 vụ/năm). Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, toàn vùng cắt vụ 14.632 ha, chuyển sang trồng cây ăn trái 2.065 ha, luân canh trên nền đất lúa 3.000 ha; giai đoạn 2021 - 2025, cắt vụ 5.524 ha, chuyển sang trồng cây ăn trái 597 ha, luân canh trên nền đất lúa 1.028 ha.

N.VĂN

Khánh Hòa: Hướng dẫn lịch thời vụ năm 2017

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản hướng dẫn lịch thời vụ và cơ cấu giống sản xuất nông nghiệp năm 2017.

Theo đó, sở khuyến cáo người dân nên bố trí lịch thời vụ để tránh các yếu tố bất lợi của thời tiết và sâu bệnh. Cụ thể, thời gian gieo sạ vụ đông xuân: giống trung từ ngày 25-11 đến 5-12; giống ngắn ngày từ ngày 10 đến 25-12; lúa hè thu: giống ngắn ngày từ ngày 20 đến 30-4 (trà 1), từ ngày 25-5 đến 5-6 (trà 2); lúa thu đông: giống ngắn ngày từ ngày 5 đến 15-10, giống trung từ ngày 25-9 đến 5-10. Chú ý vùng không chủ động nước tùy theo điều kiện bố trí gieo sạ phù hợp, tận dụng nguồn nước sau mưa lụt.

Các địa phương vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, tu bổ, nạo vét kênh mương, làm đất sớm, ra quân diệt chuột đồng loạt bằng cách áp dụng tổng hợp các biện pháp thủ công, sinh học, hóa học. Đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng chương trình 3 giảm, 3 tăng; sử dụng giống nguyên chủng, xác nhận; áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp; tăng cường giống lúa ngắn ngày; rà soát, khoanh vùng sản xuất bỏ vụ trong 2 năm 2015, 2016 để tiến hành công tác chuyển đổi cây trồng…

PHÚ LÂM

Chặt mía sát gốc có lợi cho nông dân

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Khi thu hoạch, công nhân phải chặt sát gốc, róc sạch rễ lá, loại bỏ mía mầm. Nếu chặt đúng theo quy trình kỹ thuật sát gốc sẽ tăng lợi nhuận đáng kể cho người nông dân.

Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) cho biết, bên cạnh định hướng nâng cao năng suất mía, TTCS còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng mía, nâng cao chữ đường và giảm lượng tạp chất của mía nguyên liệu.

Vụ thu hoạch 2015-2016 vừa qua, năng suất vùng nguyên liệu mía Tây Ninh đạt 73 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9,3 nhưng tạp chất bình quân mía nguyên liệu lên đến 5,1%.

Tạp chất là một yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất, chế biến đường từ khâu thu hoạch mía đem lại. Tạp chất mía cao gây ảnh hưởng xấu đến quá trình chế biến đường vì tạp chất không tạo ra đường nhưng vẫn đi vào máy ép cùng với mía làm tăng trọng tải ép và giảm hiệu suất hoạt động của máy móc.

Với nguyên liệu sạch, trung bình 10 tấn mía sẽ cho ra 1 tấn đường. Trong khi mía tạp chất cao phải cần 11-12 tấn mía để tạo ra 1 tấn đường, làm tăng chi phí nguyên liệu, vận hành máy và chế biến.

Thu hoạch mía bằng cơ giới.

Tạp chất còn làm giảm độ tinh khiết, giảm chất lượng đường. Ngoài ra, tạp chất còn làm tăng chi phí vận chuyển. Tạp chất không những làm cho lợi nhuận của người nông dân trồng mía bị giảm mà còn làm giảm hiệu quả sản xuất của các nhà máy chế biến đường.

Theo TTCS, tạp chất nhiều có nguyên nhân từ khâu thu hoạch không đúng yêu cầu. Hiện nay, kỹ thuật đốn chặt mía vẫn chưa được nông dân quan tâm đúng mức, cách thức thu hoạch của nhân công chặt mía vẫn còn thô sơ. Đa số người dân thu hoạch mía bằng thủ công, do đó tạp chất mía nguyên liệu vẫn còn rất cao, mía chặt xa gốc khá phổ biến dẫn đến việc thất thoát cả về năng suất và chất lượng mía nguyên liệu.

Để cải thiện vấn đề này, các doanh nghiệp chế biến đường đã chủ động cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, cụ thể như công ty TTCS. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, TTCS đã có 10 máy thu hoạch mía với công suất hoạt động 300 tấn mía/máy/ngày.

Dự kiến có khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu sẽ được thu hoạch bằng máy, giảm áp lực từ công lao động trong những thời gian cao điểm. Chất lượng mía được thu hoạch bằng máy sẽ cao hơn thu hoạch thủ công do máy chặt sát gốc hơn. Bên cạnh đó, máy thu hoạch sẽ xé tơi lá mía, để lại một nguồn phân hữu cơ cho đất, giúp tiết kiệm chi phí phân bón cho vụ sau.

Để giảm thiểu tối đa tạp chất từ việc thu hoạch mía không đạt yêu cầu, công ty TTCS đã đề ra các quy chuẩn thu hoạch mía để cải thiện tình trạng nêu nên. Trong đó có yêu cầu bắt buộc khi thu hoạch, công nhân phải chặt sát gốc, chặt ngọn đúng đến mặt trăng – đỉnh sinh trưởng, róc sạch rễ lá, loại bỏ mía mầm.

Nếu chặt đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ mang lại lợi ích tăng thêm cho người nông dân trồng mía trung bình từ 5 – 6 tấn mía/ha. CCS bình quân tăng lên từ việc chặt sát gốc bình quân từ 0,2 - 0,3. Chặt mía đúng yêu cầu kỹ thuật làm tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân.

Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch mía cũng ảnh hưởng lớn chất lượng mía nguyên liệu. Quá trình thu hoạch diễn ra thuận lợi và nhanh chóng sẽ bảo đảm năng suất và chất lượng mía, giúp mía tái sinh gốc tốt, tạo điều kiện phát triển ở những vụ sau.

Hoàng Thi

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop