Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 11 năm 2020

Vĩnh Long: Lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) tỉnh Vĩnh Long vừa tổng kết dự án “Xây dựng, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017- 2020” thực hiện năm 2020.

Theo đó, trong năm dự án đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao 694,1ha trên địa bàn 5 huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và Long Hồ với 740 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện 13,6 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư trên 1 tỷ đồng, người dân đối ứng 12,5 tỷ đồng.

Tham gia dự án trên, nông dân được chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa theo hướng an toàn nhằm tạo ra sản phẩm lúa chất lượng cao, an toàn. Thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ lúa hàng hóa, vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của tỉnh đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

THÀNH LONG

Quảng Trị: Thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng bão số 13 trên địa bàn tỉnh

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 11 h ngày 14/11/2020, ảnh hưởng của bão số 13 đã gây ra một số thiệt hại ban đầu về tài sản ở các địa phương trong tỉnh Quảng Trị.

Khu vực trại giống cá Cửa Tùng bị ảnh hưởng do bão số 13 - Ảnh: T.T

Nhiều nhà bị tốc mái hoàn toàn -Ảnh: T.T

Thống kê sơ bộ cho thấy có 52 ngôi nhà trên địa bàn huyện Hải Lăng bị tốc mái, 17 trụ điện bị gãy đổ, trong đó Hải Lăng có 13 trụ, Gio Linh 4 trụ. Riêng tại 2 xã vùng biển Hải An và Hải Khê (Hải Lăng), hàng chục hồ nuôi tôm đã bị gió cuốn làm rách bạt trải và mái che hồ ươm giống, một số hồ nuôi tôm bị sạt lở, cát bồi lấp, nhiều chòi để thức ăn chăn nuôi bị tốc mái gây hư hỏng. Gió mạnh tạo sóng cũng đã làm sạt lở tuyến đê bao vùng trũng với chiều dài hơn 35 km. Đã có 5 người bị thương do trong quá trình chằng chống nhà cửa phòng, chống bão. Đáng chú ý, ảnh hưởng của gió bão và sóng biển mạnh đã làm bãi biển xã Gio Hải tiếp tục bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền từ 5-10 m. Tại một số địa phương ở Vĩnh Linh có nhiều diện tích cây cao su, cây lâm nghiệp bị gãy đổ.

Thanh Trúc

Quýt đường Trà Vinh

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Cây quýt đường đã được người nông dân tỉnh Trà Vinh ươm trồng tại tỉnh này từ hơn 50 năm trước. Cây đặc sản này được trồng nhiều nhất ở ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên quýt đường trồng tại đây có năng suất cao, trái tròn đều, vị ngọt thanh hơn so với trái quýt ở những vùng khác.

Quýt đường Trà Vinh được trồng theo phương pháp gieo hạt, do đó 5, 6 năm sau cây mới ra trái, song cây có tuổi thọ từ 30 đến 50 năm. Trước đây, quýt đường Trà Vinh chỉ cho thu hoạch từ tháng Bảy đến tháng Mười âm lịch hằng năm. Hiện nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới, cây quýt đường Trà Vinh còn cho ra quả trái vụ đúng dịp Tết Nguyên đán.

Khác với các loại quýt thường, quýt đường Trà Vinh có quả lớn bằng quả cam, vỏ quýt láng bóng màu vàng ươm, múi mọng nước. Trái cây đặc sản này rất có lợi cho sức khỏe con người vì giúp tăng khả năng chống oxy hóa, hỗ trợ tiêu hóa, giảm huyết áp, cung cấp đường, vitamin C...

Quýt đường Trà Vinh nằm trong tốp 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Năm 2009, quýt đường Long Trị, Trà Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Sản phẩm được bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các sàn thương mại điện tử uy tín.

TUYỀN LÂM

Hậu Giang: Nấm rơm cuối vụ giá tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Là người có nhiều năm trong nghề trồng nấm rơm nên anh Vũ Hoàng Đệ, ở ấp 6, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), cho rằng nếu như có người trồng được nấm rơm trong thời điểm này thì chẳng những bán được giá cao mà còn lãi nhiều gấp bội.

Nông dân trồng nấm ở ấp 6, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, đang thu hoạch nấm rơm.

Bởi theo anh Đệ, thời điểm này hầu như nhiều diện tích đất mặt bằng sân bãi dùng để chất nấm đều bị ngập sâu trong nước nên ít người trồng nấm, còn nếu trồng được trong vụ này thì năng suất nấm cũng giảm. Thông thường 1 chai meo chất vào vụ Đông xuân và Hè thu cho ra khoảng 2-2,5kg nấm, còn vụ này chỉ được từ 1,5-2kg là nhiều. Trong khi nấm rơm là nguồn thực phẩm tiêu thụ mạnh hàng ngày, nhưng rơi vào thời điểm khan hiếm nên giá cả tăng cao. Hiện thương lái vào tận nhà dân mua nấm rơm tươi chưa qua sơ chế làm sạch gốc, có giá từ 42.000-45.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước khi nước nổi gần 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng nấm còn lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng/1.000m2 đất trồng nấm.

Tin, ảnh: QUANG HẢI

Nông dân tăng lợi nhuận nhờ áp dụng mô hình ‘1 phải 5 giảm’

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Mô hình “1 phải 5 giảm” là quy trình kỹ thuật áp dụng trong quá trình canh tác lúa được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Sóc Trăng (Dự án VnSAT) triển khai đến bà con nông dân trong vùng dự án. Mô hình “1 phải 5 giảm” có thể hiểu “1 phải” là phải sử dụng giống lúa xác nhận và “5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước (tiết kiệm nước), giảm thất thoát sau thu hoạch.

Bà con nông dân tham quan ruộng trình diễn mô hình “1 phải 5 giảm” tại ruộng lúa của ông Lý Song, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị). Ảnh: THÚY LIỄU

Thông qua việc sản xuất lúa theo kỹ thuật trên đã góp phần giúp nông dân giảm chi phí đầu tư mùa vụ, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất. Theo đó, mô hình đã được triển khai đến nhiều hộ nông dân, được bà con đồng tình ủng hộ. Trong vụ Hè - Thu năm 2020, mô hình thực hiện tại ruộng của 2 hộ Lâm Huynh và Lý Song, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) tiếp tục đạt kết quả tốt.

Để tuyên truyền nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm” đến bà con nông dân trong vùng dự án, hơn hết là nhìn thấy tận mắt mô hình “1 phải 5 giảm” thực hiện ngay trên ruộng đồng của các hộ dân, Dự án VnSAT đã thực hiện mô hình trên, với diện tích 2ha đất lúa của hộ ông Lâm Huynh và Lý Song vào tháng 6-2020 (vụ Hè - Thu), lượng giống gieo sạ 100kg/ha, phương pháp xuống giống bằng sạ hàng, sạ lan.

Sau thời gian gieo sạ, lúa vào giai đoạn mạ, nhận thấy số chồi tăng cao ở giai đoạn lúa 43 đến 50 ngày và số chồi hữu hiệu ổn định tới lúc lúa trổ bông đến thu hoạch. Đồng thời khi lúa ở giai đoạn đòng (50 ngày) rầy nở, mật số tăng cao, sau khi xử lý thuốc trừ rầy, mật số rầy giảm nhanh, giai đoạn lúa trổ - chín mật số sâu hại thấp không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây lúa. Bên cạnh đó, do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, nắng nóng thích hợp cho nấm và vi khuẩn phát triển (bệnh đạo ôn lá và cháy bìa lá)... nhờ chủ động thăm đồng và phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời nên bệnh hại tuy có xuất hiện nhưng ở mật độ, tỷ lệ thấp 3 - 5% lá, không ảnh hưởng lớn sinh trưởng phát triển của cây lúa...

Ông Lý Song, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) chia sẻ: “Áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Dự án VnSAT, người nông dân được lợi nhiều mặt trong quá trình canh tác lúa. Trước tiên về lượng giống gieo sạ, nông dân đã tiết kiệm đáng kể. Nếu như trước đây, 1ha lúa gieo sạ tầm 140kg giống thì khi áp dụng mô hình, giống gieo sạ không quá 100kg/ha kèm theo đó lượng đạm sử dụng khoảng 61kg - 63kg/ha (giảm hơm 50% so với canh tác lúa truyền thống); số lần phun thuốc trừ sâu, rầy không quá 3 lần và thực tế là chỉ phun thuốc trừ sâu, rầy có 1 lần/vụ...”.

Ông Lâm Huynh, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) bộc bạch: “Xưa giờ nông dân chỉ canh tác lúa theo thói quen, hễ thấy lúa kém xanh là mua ngay phân bón về bổ sung cho lúa xanh tốt trở lại. Hay thấy có ít sâu hại tấn công lúa, bằng mọi giá mua thuốc BVTV về phun ngay. Vì vậy nên chi phí sản xuất lúa bao giờ cũng cao, nhất là trong vụ Hè - Thu thời tiết bất lợi, mưa nhiều, lúa gặp nhiều sâu hại, dịch bệnh tấn công dẫn đến năng suất lúa không được tốt lắm. Nhưng khi áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm” do Dự án VnSAT hỗ trợ kỹ thuật thì tôi yên tâm trong suốt quá trình sản xuất bằng cách ghi chép nhật ký từ giai đoạn xuống giống lúa đến thu hoạch lúa và trong quá trình canh tác áp dụng kỹ thuật giữ nước “ngập, khô xen kẽ”, tiết kiệm được lượng nước tưới và đảm bảo cây lúa phát triển tốt. Nhờ đó, chi phí sản xuất thấp hơn so với sản xuất thông thường từ 1,5 triệu đồng - 2,3 triệu đồng/ha, năng suất lúa cao hơn so ruộng không áp dụng mô hình là 27kg - 35kg/ha”.

Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị Lý Nguyên Hùng cho biết: “Mô hình “1 phải 5 giảm” được Dự án VnSAT triển khai thực hiện tại 2 hộ nông dân nêu trên khá thành công bởi hộ có nhiều kinh nghiệm, trình độ sản xuất tốt, tuân thủ theo quy trình hướng dẫn đã đề ra trong việc bón phân, phun thuốc BVTV, có ghi chép sổ nhật ký của mô hình. Không tự ý xử lý, kịp thời thông tin những trở ngại cho cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình để có biện pháp xử lý, khắc phục. Sở dĩ nông dân nhiệt tình hưởng ứng và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật dự án đưa ra bởi đây là quy trình kỹ thuật cơ bản phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của địa phương. Qua đó, để quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm” giảm giống thành công, nông dân phải làm đất bằng phẳng, đánh rãnh thoát nước tốt và diệt ốc bươu vàng, bởi đây là khâu quan trọng quyết định thành công hay thất bại của việc sạ thưa giảm giống. Tới đây, dự án sẽ nhân rộng thêm các mô hình trình diễn áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” ra diện rộng để nông dân trong vùng dự án học hỏi làm theo…”.

THÚY LIỄU

Dùng long não đuổi ruồi vàng trên dây khổ qua

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Long não sau khi mua về, được bỏ vào các hộp nhựa nhỏ treo cách nhau khoảng 1,5m xung quanh phía ngoài diện tích trồng khổ qua, còn phía trong vườn thì không treo. Mùi thơm từ các hạt long não không những đẩy đuổi được ruồi vàng mà còn đẩy đuổi được những loài côn trùng khác gây hại cho vườn cây khổ qua như các loài sâu, loài bướm có hại…

Từ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau trong quá trình sản xuất, anh Nguyễn Tấn Trung-ngụ ấp Trường An, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành (tỉnh Tây Ninh) được một người nông dân mách bảo cách dùng long não treo xung quanh diện tích trồng khổ qua, sẽ ngăn được việc ruồi vàng đục phá trái khổ qua.

Thực tế, anh Trung đã áp dụng phương pháp này trên diện tích trồng khổ qua khoảng 1.000m2, bước đầu cho kết quả khả quan, qua đợt thu hoạch trái đầu tiên và hiện nay đang thu hoạch vụ trái thứ 2. Trái khổ qua khi thu hoạch có màu sáng đẹp, không bị hư hại nên bán được giá cao.

Theo anh Trung, long não sau khi mua về, được bỏ vào các hộp nhựa nhỏ treo cách nhau khoảng 1,5m xung quanh phía ngoài diện tích trồng khổ qua, còn phía trong vườn thì không treo. Mùi thơm từ các hạt long não không những đẩy đuổi được ruồi vàng mà còn đẩy đuổi được những loài côn trùng khác gây hại cho vườn cây khổ qua như các loài sâu, loài bướm có hại…

Tuy nhiên, giữa những hộp đựng long não, anh Trung cũng có treo những hũ thuốc bảo vệ thực vật nhằm tăng hiệu quả đẩy đuổi côn trùng gây hại chứ không còn dùng phương pháp xịt thuốc trực tiếp lên trái khổ qua như trước đây.

Anh Trung cho biết, với giá long não hiện nay trên thị trường rất rẽ, cộng với tiền mua các hộp nhựa nhỏ để bỏ long não vào treo, vật tư…tính ra khi áp dụng phương pháp này để đẩy đuổi ruồi vàng trên vườn khổ qua, chi phí đầu tư phải bỏ ra khoảng 1,5 triệu đồng, nhưng mang lại hiệu quả cao.

Điều quan trọng là hạn chế được tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sức khỏe cho người nông dân trực tiếp sản xuất. Theo anh Trung, với kết quả ban đầu đạt được, nhiều nông dân đã tìm đến để tìm hiểu mô hình nhằm áp dụng để đẩy đuổi ruồi vàng trên vườn dây khổ qua.

Thời gian qua, không chỉ trái khổ qua bị ruồi vàng tấn công làm hư hại, mà còn nhiều loại cây ăn quả khác cũng bị ruồi vàng tấn công ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm như mãng cầu, xoài… gây tổn thất cho người nông dân.

Việc áp dụng long não đẩy đuổi ruồi vàng cùng một số côn trùng gây hại khác, bước đầu có hiệu quả. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đánh giá lại xem có thể áp dụng trên các loại cây trồng khác hay không nhằm hạn chế tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thiên Tâm

Thu nhập cao từ nuôi gà thương phẩm

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Trí Vạn và bà Nguyễn Thị Tâm (thôn 5, xã Ea Lai, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk) rất khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng tiêu, cà phê song năng suất, sản lượng không cao, giá cả lại bấp bênh.

Năm 2015, sau khi tìm hiểu, vợ chồng ông Vạn, bà Tâm đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua giống gà thương phẩm đạt chất lượng về chăn nuôi. Lúc đầu, ông bà chỉ nuôi thử nghiệm 1.000 con để tích lũy kinh nghiệm cũng như đánh giá mức tiêu thụ của thị trường. Có vốn và kinh nghiệm, ông bà mạnh dạn mở rộng chuồng trại lên diện tích trên 1.500 m2 làm chuồng nhốt, máng ăn, bép uống nước tự động, với số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng; đồng thời liên hệ với các công ty chế biến thực phẩm, thương lái trong và ngoài huyện đến tận trang trại để thu mua.

Bà Tâm chăm sóc đàn gà của gia đình.

Hiện nay, gia đình ông Vạn đã gây dựng được đàn gà trên 7.000 con, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 8 - 10 tấn thịt. Với giá bán hiện nay từ 54.000 – 57.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi hơn 70 triệu đồng/tháng. Theo bà Tâm, yếu tố quyết định thành công trong chăn nuôi gà thương phẩm chính là áp dụng công nghệ nuôi khoa học. Hiện các khu chuồng trại nuôi gà của gia đình được xây dựng thoáng mát đúng quy cách, có lót đệm sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường; thường xuyên phun thuốc tiêu trùng, khử độc, vệ sinh trong và ngoài chuồng gà sạch sẽ. Nhờ vậy mà từ khi nuôi gà đến nay chưa bao giờ trang trại gà của gia đình bị dịch bệnh.

Bên cạnh nuôi gà thương phẩm, gia đình ông Vạn, bà Tâm còn chăm sóc 500 trụ tiêu, 1.500 cây cà phê để nâng cao thu nhập. Ông Trịnh Đình Quyết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Lai cho biết: “Hiện nay, Hội Nông dân xã đang vận động khuyến khích hội viên, nông dân trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm thực tế từ mô hình của gia đình bà Tâm để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường và mang lại thu nhập ổn định”.

Thúy Diệp

Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi vịt siêu trứng

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Con Cuông đã và đang phát triển rộng khắp, qua đó xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại chăn nuôi khép kín.

Trên địa bàn xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện mô hình phát triển kinh tế theo hướng gia trại với thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Mô hình nuôi vịt đẻ siêu trứng của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Chung ở bản Nà Cọ là một trong số nhiều mô hình như vậy.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo ở vùng sâu xã Bình Chuẩn với việc sản xuất nông nghiệp, khai thác và trồng rừng là nguồn thu nhập chính nên cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Là người nông dân trẻ với bản tính siêng năng, cần cù trong lao động, anh Chung nhận thấy để thoát nghèo thì phải đổi mới cách làm ăn, không thể mãi chỉ có độc canh cây lúa, cây ngô…, mà phải biết thâm canh kết hợp với chăn nuôi.

Năm 2017, dựa vào lợi thế phía sau nhà có một con sông chạy dài, nước mát và sạch quanh năm, bãi chăn thả rộng, lại có bóng cây thoáng mát, thức ăn tự nhiên khá dồi dào thuận lợi phát triển chăn nuôi. Nghĩ là làm, anh tiến hành tìm hiểu các mô hình nuôi vịt đẻ trên địa bàn huyện nhà cũng như trên ti vi, báo đài và quyết định đầu tư nuôi vịt giống siêu đẻ.

Ban đầu, anh Chung đầu tư gần 40 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 400 con vịt giống về nuôi thử nghiệm. Lứa vịt đầu tiên khá thành công khi số lượng trứng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết tới đó. Thành công bước đầu đã thôi thúc anh Chung mở rộng quy mô chăn nuôi vịt đẻ siêu trứng từ 400 con ban đầu đến đầu năm 2020 lên đến 1.000 con. Chăn nuôi với số lượng lớn, lại là hộ đầu tiên nuôi vịt đẻ trứng ở địa phương vùng sâu, vùng xa của một xã nghèo nên khó khăn là điều khó tránh đối với người nông dân bởi thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Với bản tính cần cù, anh Chung đã bỏ nhiều công sức để học hỏi kinh nghiệm. Dù bận tới đâu, anh Chung cũng không bỏ lỡ một buổi tập huấn chăn nuôi nào do chính quyền địa phương tổ chức. Do được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn tận tình về cách xây dựng chuồng trại cũng như kỹ thuật chọn giống và chăm sóc nên đàn vịt đẻ trứng của gia đình anh phát triển khỏe mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Chung cho biết: Nuôi vịt đẻ siêu trứng đòi hỏi nhiều yếu tố kỹ thuật, người nuôi cần chú ý đến khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Theo anh Chung, việc lựa chọn con giống giữ vai trò quan trọng nhất vì nếu người nuôi chọn được con giống tốt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì sẽ cho sản lượng trứng cao. Không chỉ có vậy, trong khâu chăm sóc ngoài việc đảm bảo chế độ ăn cho vịt anh còn chú trọng công tác vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên và tiêm phòng vắc-xin đúng quy định.

Mô hình vịt đẻ tại hộ anh Nguyễn Văn Chung

Vịt giống khi bắt về nuôi đến khoảng từ 4,5 - 5 tháng sau thì bắt đầu đẻ trứng. Lưu ý trong quá trình vịt đẻ trứng phải cung cấp đủ chất đạm cho vịt và không được tiêm bất cứ một loại thuốc nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ. Để năng suất, chất lượng trứng đảm bảo thì ngoài chăm sóc cho vịt theo đúng quy trình kỹ thuật, cứ 2 năm anh lại thay lứa vịt đẻ khác. Hiện nay, gia trại của anh Chung có gần 1.000 con vịt đẻ, với những kinh nghiệm tích lũy được từ khi nuôi vịt đến nay, đàn vịt của gia đình anh ít khi mắc dịch bệnh, tỷ lệ vịt đẻ luôn đạt 80- 90%, mỗi ngày anh thu về trên 800 quả trứng. Với giá bán dao động từ 2.500 - 3.000 đồng/quả thì mỗi ngày anh Chung thu được trên 600 nghìn đồng sau khi đã trừ hết chi phí.

Nhờ biết cách tính toán hợp lý, cần cù lao động, đến nay gia đình anh Chung đã có thể chủ động đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, là một hộ có thu nhập ổn định trong xã. Với kinh nghiệm của mình, anh Chung còn chia sẻ, giúp đỡ nhiều bà con địa phương cùng làm ăn. Mô hình của anh được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ thanh niên học tập và làm theo./.

Lệ Hằng - Trung tâm KNKN Nghệ An

Hòa Bình: Chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, không khí lạnh có khả năng ảnh hưởng sớm, nền nhiệt trung bình có xu hướng thấp hơn năm ngoái. Do đó, các địa phương, hộ chăn nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

Người dân xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc) tận dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông.

Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có gần 200 nghìn con trâu, bò; trên 51 nghìn con dê; đàn lợn trên 440 nghìn con và hơn 8 triệu con gia cầm. Là tỉnh miền núi, vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, kèm theo sương muối, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, những năm trước đây, ở một số khu vực trong tỉnh, người dân còn thả rông gia súc trong rừng nên những ngày rét đậm, rét hại gia súc bị chết do đói, rét. Cao điểm nhất là năm 2008, với 11 nghìn con trâu, bò bị chết do đói, rét và năm 2011 với gần 10 nghìn con. Từ năm 2012 đến nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức của người chăn nuôi được nâng lên, số lượng trâu, bò chết vì đói, rét đã giảm mạnh. Năm 2019, toàn tỉnh không còn xảy ra hiện tượng trâu, bò chết trong mùa đông vì đói, rét. Có được kết quả đó là do các hộ chăn nuôi đã chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại giữ ấm cho gia súc. Theo đó, vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh trồng trên 1.500 ha cỏ, ngô; dự trữ trên 38 nghìn tấn rơm, thức ăn thô cho gia súc; trên 45 nghìn chuồng trại xây kiên cố, hơn 16 nghìn chuồng bán kiên cố.

Đà Bắc là một trong những huyện phát triển mạnh về chăn nuôi gia súc. Đến nay, toàn huyện có trên 8.800 con trâu, hơn 9.200 con bò, gần 8.000 con dê, đàn lợn trên 23 nghìn con, tổng đàn gia cầm trên 270 nghìn con. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Là địa bàn vùng cao nên mùa đông ở Đà Bắc khá khắc nghiệt, có những năm nhiệt độ xuống tới 1 - 20C. Những năm qua, các hộ chăn nuôi đã có nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa rét. Chuồng trại ngày càng được xây dựng kiên cố, che chắn cẩn thận vào mùa đông. Bà con tích trữ rơm rạ, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, diện tích đạt trên 100 ha. Nhờ đó, số lượng gia súc chết vì đói, rét giảm mạnh, năm 2019, đàn gia súc của huyện được đảm bảo an toàn trong mùa đông. Năm nay, từ đầu tháng 10, UBND huyện đã ban hành công văn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

Đến xã Tú Lý, hầu như chúng tôi không bắt gặp trâu, bò thả rông. Xã hiện có trên 1.300 con trâu, bò. Theo lãnh đạo xã, mấy năm trở lại đây, do bãi chăn thả bị thu hẹp, hầu như các hộ dân chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo hoặc chăn dắt. Xã có những hộ nuôi nhốt trâu, bò tập trung quy mô trên 20 con, còn lại đa số nuôi nhỏ lẻ. Để đảm bảo thức ăn cho gia súc, người dân tận dụng diện tích đất kém hiệu quả để trồng cỏ, với diện tích trên 20 ha. Đồng thời, tận dụng tối đa rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho gia súc. "Mấy năm trở lại đây, bà con thực hiện rất tốt các biện pháp về phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Năm nay, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, UBND xã đã tuyên truyền cho người dân tiếp tục chủ động về thức ăn, chuồng trại để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi” - đồng chí Nguyễn Văn Điện, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lý cho biết.

Nhìn chung, ý thức của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh về bảo vệ vật nuôi trong mùa đông đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, ở một số khu vực trong tỉnh, nhất là các xã vùng cao vẫn còn tình trạng thả rông gia súc vào rừng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi trong mùa đông, Chi cục Chăn nuôi và thú y khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại; di chuyển đàn trâu, bò thả rông trên rừng về nuôi nhốt tại chuồng trong những ngày giá rét; không nên cho trâu, bò làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 120C. Đồng thời, thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin định kỳ, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi để nâng cao sức miễn dịch, chủ động phòng bệnh cho vật nuôi.

Viết Đào

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop