Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 4 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 4 năm 2019

Sao không dùng túi bao trái thanh long?

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Mới đây, trên trang web freshplaza đăng bài hàng ngàn hecta thanh long ruột đỏ ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn hữu cơ trong quá trình sản xuất. Khi thanh long bắt đầu đậu trái, nhà vườn sử dụng túi bao chuyên dụng bao từng trái thanh long, nhằm tránh côn trùng, sâu… xâm nhập. Màu sắc của trái thanh long có túi bao thì đồng màu, bóng láng hơn so với thanh long không sử dụng túi bao. Các nhà vườn thu hoạch liên tục tần suất 1 - 2 lần mỗi tháng. Mỗi lần thu hoạch trong khoảng 5 - 10 ngày, đều được cơ quan kiểm định độc lập kiểm tra xác định các tiêu chuẩn. Vì vậy, sản lượng và giá bán ổn định trên các kênh bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến ở mọi tỉnh, thành của Trung Quốc. Khoảng 60% sản lượng thu hoạch được đóng gói bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị; với trọng lượng 180 - 250 gram/quả, kích cỡ mỗi hộp là 12 trái. Loại 9 trái/hộp, thì mỗi quả nặng từ 250 - 350 gram. 40% còn lại được đóng gói trong hộp có trọng lượng từ 10 - 20 kg bán tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Song, các vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ cũng phát triển tại Quảng Tây, đảo Hải Nam; ước tính hơn 30.000 ha năm 2019 cao hơn so với diện tích thanh long Bình Thuận và có cùng thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng nâng cao kiểm soát an toàn thực phẩm truy xuất nguồn gốc với trái cây tươi nhập khẩu gồm có thanh long Việt Nam; dẫn đến ít nhiều bị ảnh hưởng đến sự xuất khẩu thanh long Việt Nam.

Vườn thanh long hữu cơ tại Vân Nam (Trung Quốc) dùng túi bao chuyên dụng để bao trái. Ảnh minh họa

Quay trở lại câu chuyện dùng túi bao chuyên dụng trong sản xuất trái cây. Tại Bình Thuận, mới chỉ một số ít hộ nông dân trồng xoài tại Mũi Né (Phan Thiết), thôn Suối Sâu (xã Suối Kiết, Tánh Linh)… có dùng túi để bao trái xoài trong quá trình sản xuất trái cây. Tại các vườn thanh long, thì chưa ghi nhận người trồng dùng túi bao trái thanh long. Theo các chuyên gia và các nhà vườn có kinh nghiệm, thị trường có nhiều loại túi bao với giá khác nhau. Nhiều quốc gia trên thế giới và các tỉnh bạn khu vực đồng bằng sông Cửu Long sử dụng túi bao trong sản xuất trái cây của quá trình sinh trưởng trái. Đây là cách làm dễ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Ưu điểm khi sử dụng túi bao, vỏ trái cây hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, giảm tỷ lệ sâu bệnh; màu sắc vỏ trái cây cải thiện không bị rám nắng… Vậy thì nông dân Bình Thuận sao không sử dụng túi bao trái thanh long để tạo sản phẩm an toàn, chất lượng hơn, màu sắc hơn để nâng cao giá trị cạnh tranh…?

Trang Minh

Lâm Đồng: Đầu mùa, giá sầu riêng Đạ Huoai đạt ngưỡng 60 ngàn đồng/kg

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Hơn 10 ngày qua, người dân vùng thủ phủ sầu riêng Đạ Huoai tại các xã như Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’Loa, Đạ M’ri và Đạ Oai (tỉnh Lâm Đồng) bắt đầu bước vào thu hoạch sầu riêng chín bói đầu mùa. Theo người dân địa phương, sản lượng sầu riêng chín bói đạt khoảng 10% trên tổng sản lượng sầu riêng vụ mùa năm 2019 của địa phương.

Sầu riêng đầu mùa tại Đạ Huoai đạt ngưỡng 60 ngàn đồng/kg

Theo đó, giá sầu riêng đầu mùa năm nay cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018. Hiện tại, giá sầu riêng ghép các giống Thái Lan được thương lái thu mua tại vườn như Đô Na (giao động từ 57 - 60 ngàn đồng/kg), Ri6 (từ 38 - 42 ngàn đồng/kg) và sầu riêng hạt các loại có giá từ 20 - 25 ngàn đồng/kg. Nhìn chung, so với cùng kỳ năm 2018 thì giá sầu riêng đầu mùa năm nay tăng từ 4 - 7 ngàn đồng/kg.

Theo người dân, vụ thu hoạch chính sầu riêng Đạ Huoai năm nay sẽ bắt đầu từ giữa tháng 5 tới. So với năm 2018, năng suất sầu riêng năm nay cũng tăng lên đáng kể.

Hiện, toàn huyện Đạ Huoai đang có hơn 2.700 ha sầu riêng các loại. Trong đó, sầu riêng ghép các giống Thái Lan như (Mong Thong, Đô Na và Ri6) chiếm khoảng 90% diện tích sầu riêng của toàn huyện. Năm nay, Đạ Huoai có khoảng 2.000 ha sầu riêng cho thu hoạch, với tổng sản lượng ước tính đạt trên 30.000 tấn.

KHÁNH PHÚC

Ngày 18/4 sẽ công bố lô xoài xuất khẩu sang Mỹ đầu tiên

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Đây là buổi lễ quan trọng sẽ được UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức công bố vào ngày 18/4 tại Hội trường Nhà văn hóa Lao Động tỉnh Đồng Tháp.

Ngày 18/4, thị trường Hoa Kỳ chính thức mở cửa với mặt hàng xoài của Đồng Tháp

Dự kiến buổi lễ có trên 170 đại biểu tham dự gồm đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, đại diện Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam...

Trái xoài Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang 40 thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand... Đây cũng là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chỉ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa.

Tại Đồng Tháp, xoài là một trong những loại nông sản thế mạnh được ưu tiên lựa chọn trong xây dựng và phát triển Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với trên 9.300ha, tập trung chủ yếu ở hai khu vực là TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.

Để phát triển bền vững ngành hàng xoài, nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý xoài rải vụ quanh năm, áp dụng kỹ thuật bao trái và xây dựng nhiều vùng xoài nguyên liệu được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Mỹ Lý

Lào Cai: Người dân Bắc Hà bước vào vụ thu hoạch đào Pháp

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Giá bán đào quả ở thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) hiện dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại.

Đào quả bày bán ở thị trấn Bắc Hà.

Hiện nay, huyện Bắc Hà có khoảng 60 ha đào Pháp, trồng tập trung ở thị trấn Bắc Hà và các xã lân cận như Tà Chải, Na Hối, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, năm nay, thời tiết khá thuận lợi, cộng với người dân áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc, nên cây đào phát triển tốt, cho nhiều quả. Ước tính tổng sản lượng đào Pháp năm nay đạt trên 300 tấn.

Giống đào Pháp quả ăn giòn và thanh mát.

Vụ thu hoạch đào Pháp ở Bắc Hà bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào khoảng đầu tháng 5, trong đó, thời điểm đào chín rộ là vào khoảng cuối tháng 4.

Dự báo, việc tiêu thụ quả đào Pháp năm nay sẽ khá thuận lợi, bởi đào chín rộ đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đây là thời điểm lượng khách du lịch lên Bắc Hà tăng cao. Hiện tại, giá bán quả đào ở thị trấn Bắc Hà dao động từ 15.000 đồng – 30.000 đồng/kg tùy loại.

QUANG MINH

Khấm khá nhờ liên kết trồng atisô

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Không khó để gặp những vườn atisô tươi tốt trải dài trên triền dốc của bà con dân tộc thiểu số ở xã Đạ Sar, Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Các hộ dân nơi đây thoát nghèo từ trồng dược liệu bán cho Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar (Cty Ladophar).

Diện tích liên kết trồng atisô của gia đình ông Kră Jăn Ha Ku đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: H.Yên

Ông Liêng Jrang Ha Đoan (Thôn 3, xã Đạ Sar) cho biết, gia đình ông bắt đầu hợp tác trồng atisô với Cty Ladophar từ tháng 9/2018 đến nay. Với diện tích 0,3 ha đất trồng cà phê già cỗi, dịch bệnh, ông chuyển sang trồng atisô, sau 4 tháng cây đã bắt đầu cho thu hoạch lá. Ông chia sẻ, từ hôm trồng đến giờ với chừng ấy diện tích gia đình đã thu được 30 triệu đồng. Với số tiền đó, cộng với thu nhập từ trồng cà phê, ngoài cuộc sống hàng ngày, gia đình ông đủ nuôi hai con đi học. Mới đây, ông Đoan xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Vườn atisô rộng 0,4 ha nhà ông Kră Jăn Ha Ku (Thôn 4, xã Đạ Sar) đang cho thu hái lá atisô. Ông Ha Ku tâm sự, trước đây, mỗi năm cả gia đình ông chỉ trông chờ vào cà phê, mà mấy năm nay cà phê bị dịch bệnh bọ xít muỗi khiến năng suất giảm, thu hoạch không được bao nhiêu nên cuộc sống lâm vào cảnh thiếu thốn. Nhờ chuyển đổi trồng atisô cho công ty mà gia đình ông đã có thu nhập cao hơn rất nhiều. Ông cho biết, được Nhà nước đối ứng nguồn giống tốt, sạch bệnh (theo tỷ lệ 70/30), gia đình phá toàn bộ diện tích 1 ha cà phê để chuyển hướng cây trồng. Ông dành 0,6 ha để trồng rau cải, diện tích còn lại liên kết với công ty trồng atisô. Cứ đều đặn hàng tháng gia đình cắt một đợt lá mang lại khoảng 15 triệu đồng. Nếu cùng diện tích đó thì cà phê một năm mới cho thu hoạch một lần mà chắc chắn không tạo ra mức thu nhập như hiện tại. Hàng tuần, nhóm nhân viên kỹ thuật của Cty Ladophar xuống kiểm tra đồng ruộng để xem người dân trồng và chăm sóc cây như thế nào, cây có dịch bệnh gì không để kịp thời khắc phục. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, bảo đảm thu mua toàn bộ lá atisô với giá thỏa thuận từ đầu vụ. “Giá được điều chỉnh theo giá thị trường, thanh toán sòng phẳng với người bán nên người dân chúng tôi rất yên tâm khi sản xuất” - ông Ha Ku cho hay.

Ông Cil Niêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar chia sẻ, trong khi cây cà phê bị dịch bệnh nên giá trị kinh tế không còn cao nữa thì hướng đi phát triển dược liệu đang mở ra triển vọng thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Hiện tại, trên địa bàn xã có 25 hộ dân đã chuyển đổi trồng atisô với diện tích 5 ha, trong đó có 11 hộ tham gia liên kết với công ty, và con số mong muốn chuyển đổi một phần diện tích của gia đình sang trồng một số cây dược liệu, trong đó có cây atisô có liên kết với Cty Ladophar tiếp tục tăng nhanh do hiệu quả kinh tế của nó mang lại.

Nhu cầu được cung ứng giống sạch bệnh, cho năng suất và hàm lượng dược tính cao đang trở nên cấp thiết đối với hộ nông dân huyện Lạc Dương. Hiện nay, để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh và nâng cao hàm lượng dược chất của atisô, Cty Ladophar đang triển khai thử nghiệm chuyển đổi từ giống cấy mô đã thoái hóa sang loại gieo hạt, để đảm bảo chủ động nguồn cung cấp dược liệu cho chế biến các loại sản phẩm. Theo đó, năm 2018, Công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm giống atisô trồng từ hạt để thay thế cho giống cây truyền thống hiện nay. Hiện nay, người dân ở xã Đạ Sar và Đa Nhim nhận giống cây atisô chất lượng được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cây giống, còn lại người dân tự đối ứng. Sau khi diện tích giống mới này sinh trưởng và phát triển, người dân có thể tự cấy mô để lấy lại nguồn giống chất lượng.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết: Để phát triển diện tích dược liệu mới này, huyện khuyến khích các công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ này khi tham gia trồng dược liệu. Đó cũng là lý do khi Cty Ladophar đã ký kết hợp tác với hai địa phương Đạ Sar và Đa Nhim để hình thành vùng nguyên liệu với diện tích 20 ha. Còn về lâu dài, huyện Lạc Dương phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu cây dược liệu của tỉnh Lâm Đồng.

HOÀNG YÊN

Thu nhập cao từ trồng xen mắc ca trong vườn tiêu, cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trước đây, trên diện tích 5 ha của gia đình, anh Lương Thế Hiệp (thôn 8a, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) chỉ trồng độc canh cây cà phê. Năm 2005, anh trồng cao su nhưng chỉ một thời gian sau, do giá cao su xuống thấp, anh lại phá bỏ hoàn toàn cao su chuyển sang trồng cây hồ tiêu.

Tham quan nhiều mô hình kinh tế tại các địa phương khác, anh nhận thấy nếu chỉ trồng cà phê và hồ tiêu trên một diện tích lớn thì hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, đến năm 2012, anh bàn với vợ trồng thử nghiệm cây mắc ca, loại cây còn ít người trồng tại huyện Ea H’leo. Theo anh Hiệp, so với nhiều loại cây khác, cây mắc ca giá trị kinh tế cao hơn lại tốn ít công chăm sóc, đầu ra dồi dào.

Anh Lương Thế Hiệp (phải) giới thiệu vườn cây mắc ca với khách tham quan.

Hiện nay, trên diện tích 5 ha của gia đình, anh Hiệp đã có 1.000 cây cà phê, 1.000 trụ tiêu, hơn 200 cây mắc ca và 400 cây bơ booth. Chỉ riêng năm 2018, gia đình anh thu được hơn 3 tấn cà phê, 1 tấn tiêu và 3 tấn mắc ca, tổng thu nhập hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, với những kiến thức đã tích lũy được, anh Hiệp còn trực tiếp ghép cây mắc ca để bán ra thị trường, với giá trung bình 55.000 – 60.000 đồng/cây. Thời gian tới, anh Hiệp dự định sẽ trồng xen thêm 200 cây mắc ca nữa.

Từ thành công của gia đình anh Hiệp, nhiều hộ dân xã Ea Hiao cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mắc ca xen canh với hồ tiêu và cà phê, nhằm tạo ra nhiều nguồn thu nhập, tiết kiệm được công sức và thời gian chăm sóc. Ông Lê Thế Thông, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 8a cho biết, thôn hiện có 103 hộ và đã có hơn 70% số hộ trồng cây mắc ca xen trong rẫy của gia đình. Việc trồng xen mắc ca vào vườn cà phê và tiêu đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt do không tốn công chăm sóc, lượng phân bón sử dụng ít hơn các loại cây trồng khác.

Nguyễn Ngọc

Phát huy giá trị đất ngập nước trước thách thức biến đổi khí hậu

Nguồn tin: CTV Cà Mau

Công ước về các vùng đất ngập nước (gọi tắt là Công ước Ramsar) là một hiệp ước Liên chính phủ cung cấp khuôn khổ pháp lý đối với hợp tác quốc tế và hành động quốc gia về bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước và tài nguyên vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, Công ước này có 170 quốc gia thành viên với 2.335 khu Ramsar được công nhận có tầm quan trọng quốc tế.

Việt Nam là thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar và có 9 khu Ramsar đã được công nhận. Trong đó, có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị cốt lỗi của vùng đất ngập nước được xem là vô cùng quan trọng trước thách thức của biến đổi khí hậu.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên trên 41.000 ha. Trong đó, diện tích đất liền hơn 15.000 ha, hơn 26.000 ha ven biển. Vườn được phân thành 4 phân khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phục hồi sinh thái; hành chính dịch vụ và phân khu bảo tồn biển.

Trước khi được công nhận là khu Ramsar mới của thế giới vào năm 2012; năm 2009, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được Tổ chức UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đây là vùng đất ngập nước vô cùng độc đáo, có tính đa dạng sinh học với hơn 90 loài chim, gần 30 loài thú, trên 40 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư và hàng trăm loài thủy sản trú ngụ. Trong đó, có rất nhiều loài động vật quý hiếm. Về hệ thực vật, ở đây có 75 loài thuộc 31 họ. Đặc trưng nhất là hệ thực vật rừng ngập mặn như: Sú, vẹt, đước, mắm.

Sự đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được xem là biểu trưng cho chất lượng môi trường nước, chất lượng rừng… Không chỉ tạo sinh kế cho người dân, phát triển du lịch, mà còn có vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai.

Hiện nay, thách thức lớn mà các Khu Ramsar của Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đang gặp phải đó là chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản dự báo về biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu như mực nước biển dâng từ 75cm đến 1m vào năm 2100 sẽ có khoảng 20% đến 30% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các Khu Ramsar.

Thay vì phù sa bồi lắng, mở rộng diện tích tự nhiên, những năm gần đây, khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng là điểm nóng của tình trạng sạt lở, nước biển dâng, dẫn đến mất đất, mất rừng. Mặt khác, một bộ phận người dân sống xung quanh Khu Ramsar chặt phá cây rừng, săn bắt động vật, khai thác nguồn lợi thủy sản tận diệt.

Để giữ vững và phát huy tối đa các giá trị của khu vực đất ngập nước Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, bên cạnh những giải pháp vừa nêu, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể quản lý đất ngập nước gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, giao thông, thủy lợi, du lịch… một cách hợp lý. Cùng với đó là huy động tối đa nguồn lực đầu tư các công trình chống sạt lở; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm cùng chung tay trồng, bảo vệ và phát triển diện tích rừng ngập mặn; khai thác nguồn lợi thủy sản hợp lý, bảo vệ đất ngập nước./.

PV: Quách Mến

Đề phòng mặn bất thường do thủy điện thượng nguồn và thời tiết cực đoan

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, các vùng cặp sông Tiền và sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường trong tháng 4. Mặn bất thường có thể ảnh hưởng đến các vùng cửa sông do vận hành của các công trình thủy điện ở thượng nguồn và thời tiết cực đoan.

Diễn biến xâm nhập mặn mùa khô năm nay có khả năng có mặn xâm nhập sâu 40- 50km ở tháng 4, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp gió chướng độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo.

Các ảnh hưởng từ việc giảm xả nước từ thủy điện thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL thời gian từ 28/4- 6/5, trung với kỳ triều cường nên mặn có thể vào sâu hơn trong thời kỳ này.

Hiện tại vùng giữa ĐBSCL nguồn nước còn thuận lợi, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra kỹ độ mặn. Vùng giáp ranh với mặn cần chủ động tích nước giai đoạn từ 21- 26/4 để đề phòng mặn xâm nhập thêm do ảnh hưởng của giảm xả nước từ thủy điện thượng nguồn và thời tiết cực đoan.

Để đề phòng rủi ro hạn mặn, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ thời điểm này.

LÊ SƠN

Thành phố Hồ Chí Minh: Tạo ‘đòn bẩy’ phát triển nông sản chủ lực

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được lựa chọn bao gồm: Rau, cây cảnh, bò sữa, lợn, tôm nước lợ, cá cảnh. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm này đang gặp khó khăn về đầu ra. Vì vậy, để tạo “đòn bẩy” phát triển nông sản chủ lực, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho nông dân.

Vẫn khó tìm đầu ra

Năng suất, sản lượng nhóm nông sản chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh đang có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 4.843 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2018. Giá trị sản xuất tăng là dấu hiệu đáng mừng cho nông dân, tuy nhiên, sức tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn hạn chế.

Nông sản chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh được tiêu thụ tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền.

Hiện nay, kênh thu mua rau quả qua thương lái chiếm tỷ lệ 42,2%, thu mua qua hợp tác xã, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 27,3%, thu mua qua chợ đầu mối là 19,1% và chỉ có 10,4% được mua bán tại chợ bán lẻ. Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, tính đến năm 2019 mới có hơn 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Hợp tác xã hay các trang trại muốn cung ứng hàng cho siêu thị phải đáp ứng nguồn hàng ổn định vào mùa mưa.

Trên thực tế, tuy thành phố đang có chính sách ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ với chi phí đầu tư cho việc canh tác lớn.

Bà Trần Thị Lan, ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho biết: “Gia đình tôi từng nuôi 70 con bò sữa, song do giá sữa thấp nên tôi chỉ để lại 20 con. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ nuôi bò khác tại Củ Chi đã phải ngừng nuôi số lượng lớn vì đầu ra khó khăn, giá thức ăn, công lao động cao nhưng giá thu mua sữa lại thấp".

Vì vậy, những nông dân như bà Lan đang mong Nhà nước hỗ trợ vực lại đàn bò, giúp tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Nếu được hỗ trợ tiêu thụ sữa thì bà con sẽ mạnh dạn đổi mới giống bò cho chất lượng và sản lượng sữa cao hơn.

Tương tự, ông Trần Tiến Cảnh, nông dân nuôi tôm ở xã Tân Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ cho biết: “Chúng tôi nuôi tôm chủ yếu bán qua thương lái cho chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền nên luôn bị ép giá, vì vậy rất mong thành phố hỗ trợ nông dân bán tôm cho các siêu thị để có giá tốt và đầu ra ổn định hơn”.

Liên kết để phát triển

Có thể nói, phát triển nông sản chủ lực là hướng đi tốt, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, nhiều doanh nghiệp đơn vị bán lẻ trên địa bàn được thành phố vận động tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhật Trường (Saigon Co.op), cần có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp; tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến “được mùa mất giá” gây thiệt hại cho các hợp tác xã, hộ nông dân; đồng thời đầu tư máy móc thiết bị, nhân sự, kỹ thuật phục vụ đóng gói sản phẩm và sơ chế.

“Thời gian tới, chúng tôi sẵn sàng tăng cường ký kết hợp đồng thu mua nông sản của nông dân thông qua các hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, các hợp tác xã cần bảo đảm nguồn hàng, áp dụng kỹ thuật công nghệ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch” ông Trường cho hay.

Nhằm hỗ trợ nông dân, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã và đang tạo ra cầu nối liên kết các nhà sản xuất với các kênh phân phối lớn có uy tín trong nước như Satra, Saigon Co.op và đã hỗ trợ đưa sản phẩm vào các siêu thị bán lẻ như Aeon (Nhật Bản), Lotte, Emart (Hàn Quốc), Big C (Thái Lan), Auchan (Pháp)... Nhờ đó, kênh phân phối qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng dần để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản”.

Còn ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường các lớp tập huấn cho nông dân; tổ chức liên kết các nông hộ và tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm. Lớp tập huấn với 100 nông dân/lớp dành cho thành viên của Hội Nông dân thành phố và các quận, huyện...”.

Để đẩy mạnh phát triển nhóm nông sản chủ lực, tập trung sản xuất theo hướng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nông dân. Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực; khuyến khích nông dân liên kết, phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại cho ngành Nông nghiệp. Nông dân sẽ được vay vốn lãi suất thấp để phục vụ cho mục đích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuồng trại”.

TUỆ DIỄM

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop