Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2019

Hậu Giang: Vào mùa trái cây chính vụ

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vào mùa trái cây chính vụ, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh vui mừng vì giá bán có khởi sắc hơn so với năm ngoái.

Bước vào thời gian chính vụ nên trái cây bày bán tại các chợ rất phong phú về chủng loại và tăng về số lượng. Sức mua của các loại trái cây cũng tăng nhờ tâm lý của người tiêu dùng thích chọn mua trái cây vào đúng mùa vụ để có giá rẻ hơn trái cây nghịch vụ. Tại các sạp có thể thấy trái cây trong nước chiếm đa số, nhất là các loại đặc sản vào mùa này như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon…

Trái cây đa dạng về chủng loại và tăng số lượng khi vào chính vụ.

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố Vị Thanh, dù giá cả đã bắt đầu “giảm nhiệt” so với cách đây vài tuần, nhưng giá một số loại còn khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Huỳnh Thúy Liễu, tiểu thương bán trái cây tại chợ phường VII, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Mọi năm vào tháng này giá thấp hơn mà nguồn cung dồi dào, còn năm nay giá cao bất ngờ từ đầu vụ nên một số loại nhập ít hơn hẳn”. Như chôm chôm là loại trái cây đặc trưng mùa hè và được bày bán nhiều lại có mức tăng kỷ lục, cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Năm ngoái, chôm chôm loại thường có giá chỉ khoảng 15.000-18.000 đồng/kg, năm nay lên tới 30.000 đồng/kg. Còn chôm chôm Thái thì giá tăng gấp đôi, lên đến 55.000 đồng/kg, chôm chôm đường 50.000 đồng/kg.

Vì giá cao mà khách hàng mua số lượng ít và chuyển sang chọn một số loại trái cây đặc sản vào mua này như măng cụt, sầu riêng… Chị Lê Thị Cẩm Hồng, bán trái cây ở chợ Vị Thanh, cho hay: “Măng cụt vào vụ thu hoạch rộ nên giá đã giảm 20.000 đồng so với tuần trước, còn 50.000 đồng/kg. Tuy chưa giảm mạnh nhưng hiện bán rất chạy, khách mua số lượng nhiều 5-10kg để ăn và biếu, tặng. Chôm chôm và vải thiều thì sức bán chậm hơn nên khi giá hạ so với hiện nay tôi mới dám nhập nhiều”.

Hiện bòn bon, nhãn xuồng đều giảm 10.000 đồng/kg so với cách đây vài tuần. Riêng xoài cát Hòa Lộc giá ổn định 40.000 đồng/kg, sầu riêng Ri 6 là 80.000 đồng/kg. Thanh long cũng có giá 35.000 đồng/kg trở lên, nhưng nguồn cung không dồi dào và bề ngoài không bắt mắt.

Ở vùng trồng nhiều cây ăn trái như Châu Thành A, không khí thu hoạch và mua bán trái cây tại các nhà vườn khá sôi nổi. Đến hẹn lại lên, các thương lái tìm tận vườn thu mua, nhất là mức giá cao ngay từ đầu vụ làm nhà vườn phấn khởi. Ông Trần Hồng Phúc, ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Nhiều thương lái đến tận vườn, có khi trái cây thu hoạch còn không đủ bán. Vườn sầu riêng nhà tôi có 200 gốc cho trái, còn 1 tuần nữa mới thu hoạch nhưng thương lái đặt mua với giá 55.000 đồng/kg”. Cũng theo ông Phúc, mức giá này cao hơn so với năm ngoái 10.000 đồng/kg nên lợi nhuận cũng cao hơn khoảng 50 triệu đồng dù năng suất đạt tương đương.

Giá một số loại trái cây tăng so với năm ngoái làm nhà vườn phấn khởi.

Có cùng niềm vui này là gia đình chị Nguyễn Ái Nga, ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy. Vườn sầu riêng nhà chị có 170 gốc thuộc giống Ri 6 đang cho trái năm thứ 2. Chỉ vài ngày nữa là thương lái sẽ vào mua với giá 50.000 đồng/kg. Trong khi đợt thu hoạch trước chỉ có giá 39.000 đồng/kg. Với năng suất trên 3 tấn trái đợt này, lợi nhuận thu được ước tính trên 100 triệu đồng. Anh Tùng (chồng chị Nga) không giấu được niềm vui khi công sức mấy tháng qua cần mẫn chăm sóc, tưới nước, bón phân đã kết thành trái ngọt.

Bên cạnh niềm vui trúng giá, một số nhà vườn còn lo lắng khi năm nay thời tiết thất thường làm ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu trái và thời gian vào mùa. Ông Trần Ngọc Ánh, ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, cho biết do năm nay thời tiết phức tạp, có thời gian nắng nóng gay gắt nên dù đã có kinh nghiệm nhiều năm trồng măng cụt, nhưng vẫn có hiện tượng rụng bông. Số lượng trái chín sớm, bán giá cao không nhiều. Được biết vườn măng cụt hơn 300 gốc của ông Ánh đang vào đợt thu hoạch rộ, mỗi đợt hái từ 100-200kg. Giá măng cụt được thương lái thu mua hiện nay là hơn 30.000 đồng/kg, đã giảm 20.000 đồng so với đầu vụ.

Bài, ảnh: THIÊN TRANG

Đắk Lắk: Ea Pil phát triển 'nóng' diện tích cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Những năm gần đây, cây ăn quả đã mang lại nguồn thu nhập tăng cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, trở thành cây trồng “đổi đời” cho hàng trăm hộ nông dân ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk). Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” diện tích cây ăn quả một cách tự phát, không theo quy hoạch tại đây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Nhà nhà trồng cây ăn trái

Theo ông Vũ Văn Lương, Chủ tịch UBND xã, Ea Pil nằm ở phía đông bắc của huyện M’Đrắk, vốn là vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, tầng đất canh tác mỏng nên rất kén chọn cây trồng. Năm 2010, một vài hộ dân bắt đầu thử nghiệm trồng cây ăn quả trên diện tích rải rác khoảng 2 ha, bước đầu mang lại thu nhập cao, được các thương lái tại chợ đầu mối, siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiêu thụ nhanh chóng.

Hiệu quả do cây ăn quả mang lại khiến diện tích các loại cây này ở Ea Pil tăng nhanh. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả tại Ea Pil đã tăng gấp 8 lần, riêng trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 4-2019 đã tăng gấp 2 lần. Đến nay, xã Ea Pil đã có 467 ha cây ăn quả, tăng hơn 222 ha so với cuối năm 2018; trong đó, có 356 ha nhãn (tăng trên 137 ha), 111 ha vải (tăng 35,5 ha). Điều đáng nói là chỉ có 23% trong tổng số 467 ha cây ăn quả hiện nay có trong diện tích quy hoạch.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Thạch (thôn 9, xã Ea Pil) thu hoạch nhãn Hương Chi. Ảnh: D. Tiến

Phát triển “nóng” diện tích cây ăn trái ở xã Ea Pil thể hiện rất rõ khi “nhà nhà, vườn vườn trồng cây ăn trái”, dọc theo các tuyến đường liên thôn, liên xã, trên nhiều quả đồi trải dài là những vườn cây ăn quả năm thứ nhất, thứ hai đã xanh tốt hoặc vừa xuống giống. Gia đình anh Nguyễn Xuân Lương (thôn 10) vừa đầu tư gần 100 triệu đồng để chuyển đổi đất trồng hoa màu sang trồng cây nhãn. Còn gia đình anh Trịnh Huy Nam (thôn 9) đang rất kỳ vọng vào một tương lai “vụ mùa bội thu” khi vườn nhãn đang ở năm thứ hai. Anh Trịnh Huy Nam chia sẻ: Mỗi héc-ta cây ăn quả nếu đạt năng suất có thể cho thu nhập gần 300 triệu đồng (chưa trừ chi phí), hiệu quả kinh tế từ cây trồng này rất cao nên bà con đang đổ xô chuyển đổi trồng cây ăn quả.

Hệ lụy khi phát triển “nóng”

Thôn 2 có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai của xã Ea Pil với 87 ha, tăng 62 ha so với năm 2017. Con số này chắc chắn sẽ không ngừng tăng cao trong thời gian tới, bởi theo tính toán của người dân, lợi nhuận mang lại là khá lớn. Ông Nguyễn Hữu Trác (người dân thôn 2) lo ngại: Lợi nhuận trước mắt của từ cây ăn quả là không thể phủ nhận nên bà con đã phá bỏ nhiều cây trồng khác để trồng cây ăn quả. Thế nhưng, phát triển ồ ạt, chuyển đổi với tốc độ quá nhanh như hiện nay, bất chấp điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư của từng hộ gia đình và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương là rất đáng lo ngại. Bài học nhãn tiền về phát triển các loại cây trồng không theo quy hoạch trên địa bàn huyện M’Đrắk vẫn còn: năm 2017 gần 300 ha hồ tiêu ở xã Ea Lai chết đồng loạt, khiến hàng trăm gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần cả tỷ đồng tiền đầu tư, phải bỏ quê ra thành phố làm công nhân; là những vườn cao su 5 năm tuổi không đạt năng suất hay mới đây nhất là hàng nghìn héc-ta mía ngoài quy hoạch bị thương lái ép giá...

Gia đình ông Huỳnh Ngọc Thanh (thôn 4, xã Ea Pil) vừa chuyển đổi 1,8 ha đất trồng hoa màu sang trồng gần 1.000 cây ăn quả.

Theo tính toán, hiện nay chi phí đầu tư mỗi héc-ta cây ăn quả từ 40 – 60 triệu đồng, tùy theo loại cây mà giá bán mỗi cây giống từ 35.000 - 50.000 đồng (tăng 5.000 - 15.000 đồng/cây so với năm 2017) do nhu cầu cây giống tăng cao. Việc phát triển ồ ạt không chỉ rủi ro về thị trường, cung vượt cầu mà còn dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh nhất là khi do nguồn giống không đảm bảo.

Ông Hoàng Biên Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại – dịch vụ nông nghiệp Trường Thịnh (huyện M'Đrắk) thông tin: Hiện nay, nguồn cây giống chủ yếu là người dân tự chiết ghép, nhân giống theo kinh nghiệm sản xuất, chưa được các nhà khoa học kiểm tra, giám định chất lượng. Nếu trồng cây giống không đảm bảo tiêu chuẩn có thể dẫn đến nguy cơ cây trồng đến giai đoạn thu hoạch không đạt năng suất, thời gian thu hoạch chỉ được vài ba năm đầu trong khi quá trình đầu tư lâu dài trước đó rất tốn kém, hay phát sinh các loại sâu bệnh do cây giống chưa được nghiên cứu, xử lý mầm bệnh...

Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm soát quy hoạch hiện nay rất khó, bởi quy mô sản xuất cây ăn quả còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Nông dân còn nặng tâm lý chạy theo lợi nhuận, thấy sản phẩm bán chạy lại đua nhau trồng. Trong khi đó, diện tích cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế.

Thiết nghĩ, để kiểm soát tình trạng phát triển diện tích cây ăn quả ồ ạt, không theo quy hoạch như hiện nay, rất cần sự vào cuộc kịp thời và sâu sát hơn nữa của chính quyền địa phương khuyến cáo kịp thời nông dân sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, không phát triển ồ ạt khiến diện tích phát triển quá mức. Đối với những diện tích hiện nay, địa phương cần có định hướng, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, khuyến cáo bà con chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng gắn với liên kết trong sản xuất, tránh những cuộc "giải cứu" trái cây có thể xảy ra trong tương lai.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk khuyến cáo: Để chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả, người dân phải đặc biệt chú ý điều kiện thổ nhưỡng (đất, nguồn nước), ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây trồng, lựa chọn giống và phối hợp với ngành chức năng để chuyển đổi phù hợp với từng tiểu vùng.

Ninh Nguyệt

Nông dân sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Trước thực trạng khí hậu biến đổi thất thường khiến việc sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm nông sản gặp khó khăn, những năm gần đây Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã vận động các thành viên sản xuất theo hướng thích ứng với biến đối khí hậu, từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu và thiếu bền vững.

Với nhiều hộ dân ở thôn 3 (xã Cư Suê), những năm trước đây, tình hình thời tiết thất thường đã gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, chất lượng sản phẩm cây trồng. Bên cạnh đó, giá cả thị trường thường xuyên biến động, các mặt hàng nông sản thường bị thương lái ép giá khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, giữa năm 2016, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh (sau đây gọi Hợp tác xã) được thành lập đã tạo nên làn gió mới, mở ra hướng phát triển nông nghiệp nhiều triển vọng cho bà con nông dân. Cũng từ khi tham gia vào Hợp tác xã, lối sản xuất, canh tác nông nghiệp của nhiều hộ dân đã được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống lò sấy - đốt biochar góp phần giải quyết vấn đề phơi cà phê cho người dân.

Chị Triệu Thị Châu, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, hướng sản xuất của các hộ dân tham gia vào Hợp tác xã là phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường. Cụ thể, các vườn cây của người dân đều được trồng xen canh nhiều loại cây trồng như cà phê xen tiêu, cà phê xen sầu riêng, bơ và các loại cây ăn trái khác để tạo bóng mát; song song đó được lắp đặt, đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm; đặc biệt, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp để hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng.

Với vai trò đầu mối liên kết các nông hộ, Hợp tác xã đã biến những vườn cà phê, hồ tiêu nhỏ lẻ do từng hộ dân tự mày mò trồng, chăm sóc theo kiểu “phó mặc cho trời” thành 103 ha cà phê xen hồ tiêu, cây ăn trái của 27 thành viên (có tham gia góp vốn) cho năng suất cao, tạo nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn liên kết với 118 hộ dân khác tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê và tiêu. Bà Đặng Thị Lan (thành viên Hợp tác xã) cho biết, trước đây, do chưa nắm vững các kỹ thuật cũng như chưa tham gia vào Hợp tác xã, trung bình năng suất các vườn tiêu của gia đình bà và các hộ dân nơi đây chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha, còn bây giờ đã nâng cao lên 2,5 - 3 tấn/ha. Bên cạnh đó, sản phẩm sau thu hoạch đều được đơn vị liên kết với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu ổn định với giá thành cao hơn so với thị trường bên ngoài. Hơn thế nữa, mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu và các loại cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, bơ vừa tạo cây che bóng để hạn chế việc tưới nước vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

“Mặc dù cây trồng chủ lực của các hộ dân là cà phê và tiêu, thế nhưng những năm gần đây, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu, mua sắm ô tô, phương tiện sản xuất nông nghiệp hiện đại nhờ sản phẩm thu được từ sầu riêng, một trong những loại cây trồng xen canh có giá trị, hiệu quả cao”. Chị Châu khẳng định.

Được biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, các thành viên trong Hợp tác xã đều được Ban Chủ nhiệm cử tham gia các lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp bền vững, khuyến nông, tham quan kinh nghiệm làm nông nghiệp tại Viện Nông lâm nghiệp Tây Nguyên... Cùng với đó, Hợp tác xã đã huy động các thành viên góp vốn để đầu tư xây dựng hệ thống lò sấy - đốt biochar với tổng chi phí gần 1 tỷ đồng nhằm chủ động sơ chế cà phê cho các xã viên khi gặp thời tiết bất lợi.

Chị Triệu Thị Châu cho biết: “Khi chưa có lò sấy, sau khi thu hái cà phê, quá trình phơi phải mất thời gian từ 7 - 10 ngày mới đạt độ nhân; chưa kể nếu gặp trời mưa thì càng không phơi được. Hơn 2 năm nay, đến vụ cà phê, chúng tôi đã yên tâm hơn, không còn phải lo lắng thời tiết thất thường vì cà phê của gia đình được sấy khô chỉ trong khoảng thời gian từ 18 - 22 giờ mà không phải tốn công lao động như phơi thủ công”. Điều đặc biệt nữa là cà phê sau khi thu hoạch được sơ chế bằng lò sấy công nghệ cao nên chất lượng cà phê nhân được đảm bảo hơn; mặt khác lại không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm công lao động, có thêm nguồn phân bón là than sinh học biochar cho cây trồng từ chất đốt trong quá trình sấy.

Vườn cà phê xen sầu riêng xanh tốt của hộ ông Đặng Văn Huy - thành viên Hợp tác xã.

Có thể nói, chính việc liên kết sản xuất theo hướng bền vững, đời sống của các thành viên Hợp tác xã không ngừng được nâng cao với thu nhập bình quân các hộ hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Vui mừng hơn nữa là lối canh tác này đã góp phần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ và tự phát của đa số cộng đồng người Dao ở đây nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn xã. Từ đó, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường.

Thúy Hồng

Giá ớt chỉ thiên tăng gấp đôi, đạt 70.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, nông dân trồng ớt chỉ thiên ở thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang rất phấn khởi vì thương lái cân với giá 70.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với khoảng 2 tháng trước. Giá ớt tăng đột biến như hiện nay là do nguồn cung ít, bởi ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều nên năng suất giảm.

Hộ anh Bùi Thế Lực, ở khu vực Thạnh Hiếu, phường Bình Thạnh, huyện Long Mỹ, trồng 2 công ớt chỉ thiên (6.000 cây). Hiện mỗi ngày gia đình anh bán cho thương lái khoảng 60kg ớt, thu nhập hơn 4 triệu đồng. Anh Lực cho biết, trồng ớt đòi hỏi kỹ thuật, đặc biệt là lúc đậu trái, phải chủ động phòng ngừa bệnh thán thư, xử lý bằng phân hữu cơ thì mới đạt hiệu quả. Nếu chăm sóc tốt, bình quân năng suất đạt 1 tấn/công, sau khi trừ chi phí sản xuất nông dân lời 40-50 triệu đồng/công/đợt thu hoạch. thời gian trồng ớt chỉ thiên khoảng 2,5 tháng, cho thu hoạch đợt đầu kéo dài một tháng. Tùy vào cách chăm sóc mà nông dân có thể thu hoạch ớt 2-3 đợt/vụ.

HOÀNG NHÂN

Lạm dụng thuốc trừ cỏ: Lợi bất cập hại

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Dù được khuyến cáo độc hại, hướng dẫn sử dụng cụ thể trong từng trường hợp song trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, không ít nông dân vẫn lạm dụng thuốc trừ cỏ. Điều này tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, môi trường.

Cứ có cỏ là phun

Thời điểm này tại xã Yên Sơn (Lục Nam) người dân đang tập trung thu hoạch khoai sọ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trên cánh đồng có nhiều đám cỏ úa khô ở dọc bờ ruộng hay cạnh đường. Ban đầu, người ta nghĩ do nắng nóng khiến cỏ cháy lá song trên thực tế chính là bị phun thuốc trừ cỏ.

Bờ cỏ bị phun thuốc trừ cỏ tại xã Yên Sơn (Lục Nam).

Đang tra hạt dưa trên ruộng xung quanh là bờ cỏ chết khô, bà Nguyễn Thị V, thôn Mai Thưởng nói: “Do nhà nhiều việc nên làm cỏ không xuể. Sau khi thu hoạch khoai xong, tôi mua thuốc trừ cỏ phun ở bờ để giảm công lao động”.

Khảo sát cánh đồng trồng khoai sọ, cách nơi bà V đang làm, chúng tôi cũng thấy nhiều thửa ruộng khác xuất hiện những đám cỏ cháy tương tự. Thậm chí khoảnh cỏ sát đường tỉnh 293 không ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác cũng bị cháy rám. Lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vứt bừa bãi trên đoạn mương nước nhỏ.

Đặc biệt, chúng tôi cũng bắt gặp một người dân đang phun thuốc trừ cỏ ngay trên bờ ruộng. Việc phun thuốc trừ cỏ như vậy sẽ làm nhiều thiên địch, côn trùng có lợi bị chết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sâu bệnh trên cây trồng gia tăng.

Theo chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện nay việc sử dụng thuốc trừ cỏ một cách tùy tiện, cứ có cỏ là phun diễn ra phổ biến. Với không ít nông dân thì chuyện phun thuốc trừ cỏ là bình thường, năm nào cũng như vậy, họ đều sử dụng các loại thuốc trừ cỏ.

Trong khi đó, loại thuốc này thông thường có chứa hoạt chất Paraquat, một hoạt chất cực độc được nhà sản xuất khuyến cáo chỉ dùng đối với đất khai hoang, đất không trồng trọt. Phun Paraquat vào buổi sáng, buổi chiều toàn bộ cỏ đều cháy khô.

Nói không với thuốc diệt cỏ

Theo cơ quan chuyên môn, việc sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, trước tiên là người trực tiếp sử dụng. Hoạt chất trong thuốc trừ cỏ là loại cực độc song chỉ hấp thu qua cây trồng một tỷ lệ nhỏ, còn lại thấm vào đất, hòa vào nước. Con người sử dụng nước, sản phẩm không an toàn do nhiễm hoạt chất thuốc trừ cỏ có thể mắc bệnh nan y.

Vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt cạnh mương nước tại xã Yên Sơn.

Để hạn chế ảnh hưởng của thuốc trừ cỏ, năm 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định về việc loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D, Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa một năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm sau khi quyết định trên ra đời. Tiếp đến, ngày 10-4-2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quyết định loại bỏ Glyphosate khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Tuy vậy, quá thời hạn 2 năm xử lý đối với hoạt chất Paraquat nhưng loại thuốc này vẫn bày bán tại nhiều cửa hàng trong tỉnh. Riêng thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate đang được nông dân các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động dùng rộng rãi và được sử dụng trong vòng 2 năm kể từ khi quyết định có hiệu lực. Sau thời gian này, nếu còn tồn lưu sẽ bị thu hồi, tiêu hủy.

Hiện chưa thể xử lý đơn vị kinh doanh thuốc trừ cỏ Paraquat bởi văn bản hành chính của Bộ Nông nghiệp và PTNT cấm hoạt chất này song trong Thông tư cũng do Bộ này ban hành về danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam thì lại có hoạt chất Paraquat. Vì vậy, đơn vị chức năng mới dừng ở mức rà soát, nhắc nhở, tuyên truyền về lộ trình cấm hoạt chất Glyphosate để người dân nắm được.

Do đó, trong khi chờ quy định quản lý có hiệu lực, giải pháp trước mắt là bà con cần nâng cao nhận thức, không sử dụng thuốc trừ cỏ để bảo vệ sức khỏe cho mình và không gây tác động xấu đến môi trường.

Trường Sơn

Hiếu Giang tông hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop