Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 7 năm 2019

Quy định mới về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Ảnh minh họa

Cụ thể, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

a- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

b- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch.

c- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

d- Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.

Quy định thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nghị định số 62/2019/NĐ-CP bổ sung quy định thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Theo quy định, đối tượng có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gửi 1 bản đăng ký đến UBND cấp xã theo mẫu gồm: các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp (người sử dụng đất) có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm.

Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 3 ngày làm việc, UBND cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất, chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.

Trường hợp bản đăng lý chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của UBND cấp xã, trong thời gian 5 ngày làm việc, UBND cấp xã có ý kiến "Đồng ý cho chuyển đổi", đóng dấu vào Bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất. Trường hợp không đồng ý, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản.

Sử dụng kinh phí hỗ trợ

Nghị định số 62/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; trong đó sửa đổi, bổ sung quy định sử dụng kinh phí hỗ trợ.

Theo đó, UBND các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện hỗ trợ cho người trồng lúa: sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc: a- Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyển trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp; b- Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại: tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; thau chua, rửa mặn đối với đất bị nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác; c- Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; d- Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019.

Minh Hiển

TP Hồ Chí Minh: 76% hội viên trang trại khá và giàu

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Hiện nay, Hội Làm vườn và trang trại TPHCM có 2.708 hội viên, sinh hoạt tại 119 cơ sở hội ở xã phường; trong đó, có trên 100 chủ trang trại và gần 1.000 gia trại.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Làm vườn và trang trại TPHCM, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch hội cho biết, qua 7 nhiệm kỳ đại hội, Hội Làm vườn và trang trại TPHCM đã hoạt động với tinh thần tích cực, sáng tạo trong vận động các phong trào, từ việc cải tạo vườn tạp, ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo qua cải thiện bữa ăn vào những năm đầu mới thành lập, đến việc nâng dần lên diện xóa đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, tiến lên làm giàu trên mảnh vườn của mình; góp phần cùng TPHCM tăng dần tỷ lệ hộ viên khá và giàu, từ 50% lên 65% và vài năm gần đây là 76%.

Hiện nay, Hội Làm vườn và trang trại TPHCM có 2.708 hội viên, sinh hoạt tại 119 cơ sở hội ở xã phường; trong đó, có trên 100 chủ trang trại và gần 1.000 gia trại. Với gần 10.000ha vườn cây ăn trái, hội cùng với địa phương cải tạo vườn tạp, chuyển dịch cơ cấu từ vườn cây kém hiệu quả sang vườn cây chất lượng cao. Điển hình là cụm vườn trái cây xã Trung An (huyện Củ Chi), hàng năm đón khoảng 30.000 lượt khách tham quan; cùng nhiều vườn đẹp ở Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh...

ĐĂNG LÃM

Đâu là nông sản thế mạnh của Đồng Nai?

Nguồn tin:  Báo Đồng Nai,

Đồng Nai đã hợp tác với Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) để xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trái xoài Đồng Nai giàu tiềm năng xuất khẩu. Trong ảnh: Một trang trại xoài trồng theo chuẩn xuất khẩu tại huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Mục tiêu là nhằm đánh giá và lựa chọn mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh. Qua đó, định hướng và đưa ra giải pháp xây dựng được các chuỗi giá trị, tăng năng lực cạnh tranh, hiệu quả và bền vững cho nông sản chủ lực của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh gợi ý: “Đề án cần tập trung phân tích sâu các sản phẩm lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đặc biệt là những thế mạnh đặc trưng về cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Về sản phẩm chăn nuôi thì con heo, con gà vẫn là vật nuôi chủ lực tỉnh sẽ tập trung phát triển thành lợi thế cạnh tranh”.

* Chọn sản phẩm “mạnh” thực sự

Góp ý cho đề án, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho rằng: “Chọn cây trồng, vật nuôi thế mạnh cho Đồng Nai cần dựa trên tầm nhìn phát triển của những giai đoạn tiếp theo chứ không phải chỉ trên thực trạng hiện nay”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế viết ra là để ứng dụng vào thực tế. Đề án là cái nền chung để từng địa phương căn cứ trên thế mạnh riêng mà chủ động ứng dụng. Trong đó, đầu tư chế biến sâu là định hướng đúng để tạo chuỗi liên kết, phát triển bền vững cho nông sản thế mạnh Đồng Nai. Điều quan trọng là xây dựng được chuỗi liên kết với nông dân để phát triển toàn diện.

Hiện lợi thế của Đồng Nai là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc tốp đầu cả nước. Các loại cây ăn trái như bưởi, chôm chôm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; nhiều loại cây ăn trái thế mạnh cũng đã xây dựng được vùng sản xuất sạch.

Riêng về chăn nuôi, trong việc phát triển chăn nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp quy mô lớn, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, ông Huỳnh Thành Vinh cho rằng đề án cần đưa vào nhóm giải pháp giải quyết việc làm, dạy nghề cho hàng chục ngàn lao động hiện đang tham gia vào chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn Đồng Nai.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ lại cho rằng: “Đơn vị tư vấn xây dựng đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập quốc tế nên tập trung vào nội dung phát triển về lĩnh vực sơ chế, chế biến cho mặt hàng cây ăn trái đang là thế mạnh của Đồng Nai. Đơn vị tư vấn cũng không nên đưa ra hàng chục đề án, dự án khi triển khai cho các sở, ngành liên quan mà chỉ tập trung vào một số đề án cụ thể của các sản phẩm chủ lực, thế mạnh”.

Cùng quan điểm, Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc nhận định: “Đưa cây điều, cà phê làm cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh cần xem lại bài toán hiệu quả vì các cây trồng trên cho thu nhập rất thấp. Nếu căn cứ vào hiệu quả kinh tế thì phải xác định thế mạnh cây trồng của Đồng Nai là nhóm cây ăn trái từ đó chọn cây chủ lực đặc trưng, thế mạnh mới đưa ra các giải pháp đột phá trong phát triển”.

* Cần trở thành trung tâm chế biến, nông sản

TS.Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp chỉ ra, tầm nhìn phát triển nông sản thế mạnh của Đồng Nai phải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam. Qua đó, tỉnh phải thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương; trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng.

Cây ăn trái hiện đang là thế mạnh của sản xuất nông nghiệp Đồng Nai. Trong ảnh: Trái bưởi Tân Triều đã được cấp chỉ dẫn địa lý

Đồng Nai cũng cần hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại nông sản hàng đầu của Việt Nam; hình thành được một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Theo đó, đề án đưa ra giải pháp địa phương cần thực hiện trong việc khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất; chính sách thu hút nông dân, doanh nghiệp đầu tư; đặc biệt cần chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tàu mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh cần chú trọng các giải pháp về thị trường, phát triển thương hiệu; xây dựng kênh phân phối và xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng trọng điểm.

Bình Nguyên

Đắk Nông: Diện tích bơ tăng, lo ngại đi cùng

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Cây bơ đang mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Diện tích bơ ngày một tăng nhanh và đã vượt quy hoạch của tỉnh Đắk Nông. Diện tích, sản lượng tăng đột biến, chất lượng không đồng đều, chưa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nên cây bơ của Đắk Nông đang bộc lộ những lo ngại về rủi ro, thách thức và các yếu tố bền vững.

Quả bơ Đắk Nông ở một hội chợ về trái cây tại thị xã Gia Nghĩa năm 2018

Diện tích vượt quy hoạch

Đầu mùa mưa năm nay, bà Phạm Thị Năm, thôn 13 xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), mua 20 cây bơ giống về trồng. Bà Năm cho biết, thấy nhiều người trồng bơ, nên bà cũng trồng xen vào vườn cà phê để tăng thêm thu nhập. Còn theo ông Lại Thế Hào, chủ cơ sở kinh doanh cây giống ở Gia Nghĩa, những năm gần đây, bơ là loại cây trồng được nhiều nông dân chọn mua nhiều nhất...

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk R’lấp, những năm gần đây, diện tích bơ trồng mới trên địa bàn tăng khá nhanh. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có trên 554 ha bơ, trong đó bơ kinh doanh: 322 ha và kiến thiết cơ bản: 232 ha. Diện tích bơ tập trung nhiều ở các xã Nghĩa Thắng, Đắk Sin, Nhân Đạo, Đạo Nghĩa...

Sản phẩm bơ Đắk Nông tham gia quảng bá tại một hội chợ năm 2018

Không chỉ ở Đắk R’lấp, theo UBND huyện Đắk Glong, những năm qua, diện tích bơ của địa phương cũng tăng nhanh. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 229 ha bơ, trong đó trồng thuần 69 ha, còn lại là trồng xen canh trong cà phê và các loại cây trồng khác. Tương tự, nhiều địa phương khác như Gia Nghĩa, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil... diện tích bơ cũng tăng "phi mã".

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT, những năm qua, bơ là loại cây có tốc độ tăng diện tích cao nhất trong các loại cây nông nghiệp. Cụ thể, năm 2017, toàn tỉnh mới có 1.253 ha bơ, nhưng đến cuối năm 2018 đã lên đến 2.590 ha.

Hiện nay, quả bơ của Đắk Nông vẫn chủ yếu bán cho thương lái và phục vụ tiêu dùng trong nước

Bộc lộ nhiều lo ngại

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, với tốc độ mở rộng diện tích như hiện nay, người trồng bơ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro sau này. Trước hết rủi ro về chất lượng cây giống, sâu bệnh, tác động của thời tiết. Tình trạng nông dân ồ ạt trồng bơ cũng có thể dẫn đến hệ lụy rớt giá, mất giá.

Ông Nguyễn Văn Thân, ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết, những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết nên thời kỳ bơ ra hoa, đậu quả không được thuận lợi như trước. Chính vì thế, bơ quả ít hơn, những giống bơ khó tính như booth, hass tỷ lệ đậu quả giảm 20-30%. Còn theo ông Vũ Văn Thủy, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), giống bơ mà gia đình ông trồng chủ yếu mua từ các điểm cung cấp giống trôi nổi trên thị trường, nên chất lượng không cao, dễ chết, hay mắc bệnh thối thân.

Anh Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty THHH MTV Dịch vụ Bơ M’nông, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa), cũng cho biết: "Vườn bơ của anh không hiểu vì sao lại cho quả quá nhiều, nhưng quả bị úng nước. Nhiều cây đang phát triển bình thường thì bị chết đứng. Tình trạng cây bơ bị bệnh sâu đục thân, nấm, rụng quả vào mùa mưa cũng xảy ra thường xuyên".

Thực tế, việc diện tích bơ tăng, sản lượng lớn trong khi việc tiêu thụ chủ yếu qua tư thương nên dẫn đến bị ép giá, mất giá. Theo bà Trần Thị Lệ Thu, tư thương chuyên mua, bán trái cây ở chợ Gia Nghĩa, khoảng 5 năm trước, giá bơ booth khoảng 90.000- 120.000 đồng/1 kg. Nhưng khoảng 2 năm nay, giá bơ chỉ còn 50.000- 60.000 đồng/kg.

Cây bơ booth 7 của Công ty NHHH MTV Dịch vụ bơ M'nông (Gia Nghĩa) bị chết

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, năm 2018, sản lượng bơ toàn tỉnh là 13.116 tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2017. Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo năm 2019, sản lượng bơ của tỉnh đạt khoảng 23.750 tấn.

Thiếu các yếu tố bền vững

Theo quy hoạch diện tích cây ăn quả của tỉnh được thực hiện từ năm 2013, diện tích bơ trồng tập trung đến năm 2020 là 1.200 ha. Tuy nhiên, như đã nêu, diện tích bơ toàn tỉnh hiện nay đã đạt 2.590 ha, vượt 1.390 ha so với quy hoạch.

Hiện nay, nông dân trên địa bàn đang trồng rất nhiều loại bơ khác nhau. Tuy được đánh giá có năng suất cao, nhưng chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Cụ thể, theo nhiều chuyên gia, bơ ở Đắk Nông chủ yếu là các loại bơ có thời gian chín rất nhanh, nên khó bảo quản, khó vận chuyển đi xa. Hiện nay, trên thị trường quốc tế, 85% ưa chuộng loại bơ hass, bơ red. Trong khi diện tích các loại bơ này ở Đắk Nông chưa nhiều.

Gem, Hass là loại bơ được 85% thị trường thế giới yêu cầu nhưng ở Đắk Nông, loại bơ này chưa được sản xuất nhiều

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, dù ngành chức năng đã công nhận một số giống bơ đầu dòng ở huyện Đắk Mil. Thế nhưng, việc nghiên cứu về chủng loại, giống bơ nào cho phù hợp với các vùng đất, tiểu vùng khí hậu vẫn chưa được triển khai. Năm 2018, qua các sự kiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng đã có những nỗ lực để xây dựng các mối liên kết giữa các bên như doanh nghiệp, khoa học, nhà nông, nhưng đến nay chưa có mối liên kết nào được hình thành chặt chẽ.

Ông Yên nhấn mạnh: "Tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao (SAM Agritech)... xây dựng nhà máy chế biến bơ. Nhưng đến nay, các đơn vị này cũng mới chỉ tiến hành các bước chuẩn bị, chưa có sự đầu tư nào".

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Xuất khẩu rau, quả: Cần ‘cú hích’ để bứt phá

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Kim ngạch xuất khẩu rau, quả từ đầu năm đến nay đạt hơn 2,06 tỷ USD - đây là kết quả ngoài mong đợi khi quý I xuất khẩu mặt hàng này tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2018. Được đánh giá là mũi nhọn chiến lược, đóng góp lớn vào xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp, mặc dù có nhiều cơ hội mới mở ra từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, nhưng ngành hàng rau, quả vẫn cần "cú hích" nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Sơ chế, bảo quản vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Mỹ Hà

Bứt phá sau thời gian trầm lắng

Nếu như quý I, xuất khẩu rau, quả khá trầm lắng thì trong quý II, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng này tất bật, đón nhận nhiều đơn hàng mới… Tháng 4 vừa qua, lô xoài đầu tiên gồm 8 tấn do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) đã xuất khẩu thành công sang Mỹ.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Nguyễn Thị Hồng Thu cho biết, để xuất khẩu được xoài sang thị trường Mỹ, trái xoài cần đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật… Thành công này mở ra hướng đi nhiều hy vọng cho trái xoài tại các thị trường lớn trong những tháng tiếp theo.

Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (thành phố Hồ Chí Minh) Trương Thị Thanh Thảo chia sẻ: Trong tháng 5 vừa qua, công ty xuất khẩu thành công hơn 3 tấn quả vải của tỉnh Hải Dương sang thị trường Australia, một số nước châu Âu và Trung Đông.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương Nguyễn Văn Phú, vụ vải thiều vừa qua, hơn 50% sản lượng vải được xuất khẩu đi các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Australia... Hay như chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) Lường Trung Hiếu, vụ xoài năm nay, Yên Châu xuất khẩu 3 tấn đi Mỹ, 3 tấn đi Australia và 7 tấn đi Anh. Trước đó, 1.000 tấn xoài của huyện cũng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc…

Đánh giá tình hình xuất khẩu rau, quả từ đầu năm đến nay, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: "Nếu như quý I, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2018 thì bước sang quý II đã sôi động và có sự bứt phá, nâng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này 6 tháng đầu năm đạt 2,06 tỷ USD".

Trong đó, mặt hàng trái cây đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái... Kim ngạch xuất khẩu rau, quả những tháng tiếp theo dự báo sẽ tăng, bởi có sự tác động tích cực từ “làn gió mới” của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại.

Cơ hội mới, "cú hích" mới

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods Group Nguyễn Mạnh Hùng, sự bứt phá trong những tháng qua của mặt hàng rau, quả chính là nhờ sự nhạy bén với thị trường của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm nâng lên đáng kể.

“Nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt giúp xuất khẩu rau, quả liên tục tăng trưởng. Đây cũng là yêu cầu của các thị trường lớn, khó tính như châu Âu khi Việt Nam tham gia EVFTA” - ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Những cơ hội mới mở ra mang lại nhiều thuận lợi nhưng xuất khẩu rau, quả vẫn cần có thêm những "cú hích" mới. Lý do, như Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường chỉ rõ, quy mô sản xuất rau, quả trong nước vẫn nhỏ lẻ, nhiều vườn tạp, diện tích chuyên canh tập trung chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả cả nước.

Tỷ lệ sản xuất rau ứng dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế. Kim ngạch xuất khẩu rau, quả thô đang chiếm hơn 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, mặt hàng qua chế biến chỉ chiếm khoảng 6,6%. Nguyên nhân của những hạn chế trên là nông dân, doanh nghiệp chưa quan tâm đến công nghệ bảo quản, chế biến, mở rộng quy mô sản xuất…

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, ngành hàng rau, quả cần tập trung nâng cao chất lượng hơn nữa, mở rộng diện tích trồng rau, quả theo hướng VietGAP, GlobalGAP... Đặc biệt, cần tập trung vào khâu sơ chế, chế biến. Đây được coi là yếu tố then chốt bởi mới đây, EVFTA được ký kết sẽ giúp ngành hàng này có nhiều cơ hội bứt phá.

Để hình thành vùng rau, quả chất lượng, xây dựng thương hiệu phục vụ xuất khẩu, theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, đến nay, Cục đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải.

Bên cạnh đó, Cục đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây và trồng rau phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, để đẩy mạnh khâu chế biến, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng 7 nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực.

Việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp nêu trên chính là cách tạo ra "cú hích" cho lĩnh vực xuất khẩu rau, quả bứt phá, phát triển một cách bền vững.

“Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương phân tích và đưa ra nhận định cụ thể về các thị trường, từ đó giúp người sản xuất và doanh nghiệp có định hướng trong sản xuất, xây dựng chiến lược kinh doanh, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo bứt phá cho ngành hàng này. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu rau, quả năm 2019 có thể đạt 4,5 tỷ USD (mục tiêu đề ra đầu năm 2019 là 4,2 tỷ USD) và trở thành một trong 3 loại nông sản xuất khẩu chủ lực sau đồ gỗ và thủy sản” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

ĐỖ MINH

Triển vọng từ quy trình truy xuất nguồn gốc sầu riêng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Nhằm định hình, tạo thương hiệu vùng miền cho sầu riêng, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đang tiến hành triển khai quy trình truy xuất nguồn gốc sầu riêng trên toàn địa bàn.

Anh Lê Văn Trung là một trong những hộ tiên phong đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc sầu riêng tại thôn Phước Thành (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) với hơn 1 ha sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê. Vườn sầu riêng của gia đình anh chủ yếu là giống sầu riêng Dona, được trồng 2 đợt vào năm 2004 và năm 2011. Hiện vườn có hơn 120 cây ra quả ổn định và đã được gắn chíp trên mỗi thân cây nhằm phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Anh Trung cho hay, khi sầu riêng Krông Pắc có thương hiệu vùng miền sẽ đủ điều kiện để xuất khẩu theo đường chính ngạch, nhờ đó giá cả có thể cao và ổn định hơn so với việc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái rất bấp bênh như hiện nay. Năm 2018, vườn sầu riêng của gia đình anh Trung cho thu hoạch khoảng 15 tấn, bán với giá 70 nghìn đồng/kg.

Hiện vườn cây còn hơn 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, song anh đang lo lắng đầu ra cho sản phẩm bởi tại các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ, Đắk Nông, Lâm Đồng... cũng đang vào mùa thu hoạch sầu riêng, nhưng thương lái thu mua chậm, giá dao động chỉ ở mức 40 -50 nghìn đồng/kg. Do đó, anh mong sớm hoàn tất quy trình truy xuất nguồn gốc để kịp cho vụ thu hoạch sầu riêng sắp tới.

Vườn sầu riêng trĩu quả của nhà anh Lê Văn Trung.

Tương tự, ông Hồ Sỹ Linh (Trưởng thôn Tân Nam, xã Ea Kênh, Krông Pắc) cũng đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc cho vườn sầu riêng rộng 1,2 ha trồng từ các năm 2013 - 2015. Tháng 3-2019, 40 cây sầu riêng Dona của gia đình đã được gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc. Ông Linh chia sẻ, loại chíp này gắn chặt trên từng thân cây sầu riêng, có tuổi thọ lên tới 5 năm. Mỗi con chíp có ký hiệu cụ thể về tên hộ trồng, mã số cây, độ tuổi... và đã gắn vào cây nào rồi thì không thể gỡ ra nên rất khó làm giả, làm nhái mạo danh sản phẩm. Chưa kể mã tem dán lên quả sầu riêng khi thu hoạch cũng được làm riêng cho từng con chíp cụ thể. Vậy nên khi sản phẩm xuất ra thị trường, đơn vị thu mua, người tiêu dùng... dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ vùng miền của từng quả sầu riêng bằng chiếc điện thoại thông minh có cài phần mềm soi mã vạch. Xác định gắn bó lâu dài với cây sầu riêng, tháng 6-2019, ông Linh tiếp tục tham gia lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với mong muốn tạo ra sản phẩm đúng tiêu chí sạch, ngon, chất lượng. Thấy được lợi ích lâu dài của việc truy xuất nguồn gốc sầu riêng, ông Linh đã vận động được 31 hộ trong thôn đăng ký tham gia. Hiện thôn Tân Nam đã có 9 hộ dân được lập thành 1 nhóm chuẩn bị tiến hành chụp vệ tinh lấy mã vùng.

Chíp điện tử truy xuất nguồn gốc gắn trên từng cây sầu riêng nhà ông Hồ Sỹ Linh.

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, ngay khi nhận được công văn số 445 của UBND huyện vào ngày 21-3-2019 về việc lập cổng thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản, Phòng đã chủ trì, phối hợp UBND các xã, thị trấn và Công ty TNHH Thương mại Truyền thông Kenit để xây dựng và thực hiện kế hoạch thiết lập cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sầu riêng. Theo đó, ngày 28-3-2019, Phòng đã tổ chức hội nghị cho gần 200 hộ dân có trồng sầu riêng trên 2 địa bàn xã Ea Yông và xã Ea Kênh cùng với Công ty TNHH Thương mại Truyền thông Kenit tuyên truyền, phổ biến quy trình kỹ thuật để lập cổng thông tin và các quy định về an toàn thực phẩm. Kết quả vượt mong đợi khi có đến 310 hộ dân ở 2 xã trên đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc cho gần 27 nghìn cây sầu riêng, tương đương hơn 387 ha. Trong tháng 6 vừa qua, Phòng cũng đã mở thêm 2 lớp tập huấn VietGAP trên cây sầu riêng cho hơn 230 hộ dân.

Hiện Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc đang phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành phân theo nhóm vị trí địa lý để quản lý và hướng dẫn người dân thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm: Ghi nhật ký nông hộ, lấy mẫu đất, nước và khi thu hoạch sẽ lấy mẫu sản phẩm đem đi phân tích xem có đạt chuẩn hay không. Trong tháng 7 sẽ chia và đặt tên nhóm, kiểm tra vườn cây, đánh giá phân loại hoàn thành việc quản lý theo nhóm để lập hồ sơ VietGAP cho từng nông hộ, tiến tới lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Theo ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, việc triển khai truy xuất nguồn gốc sầu riêng bước đầu được người dân đồng tình ủng hộ, bởi đây là việc làm mới của Nhà nước giúp nhà nông đi đúng theo Chương trình mục tiêu quốc gia về chuỗi liên kết giá trị, mở ra hướng nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm sầu riêng của địa phương.

Toàn huyện Krông Pắc hiện có gần 2.000 ha sầu riêng cho thu hoạch. Những năm gần đây, diện tích cây trồng mới đều tăng trung bình khoảng 200 ha/năm, chủ yếu trồng xen canh.

Thanh Thủy

Trồng chanh không hạt lãi trên 100 triệu đồng/ha/năm

Nguồn tin: Báo An Giang

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Huỳnh Ngọc Bảo (ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, tỉnh An Giang) đã chuyển đổi 1ha đất trồng lúa sang trồng chanh không hạt kết hợp trồng bưởi da xanh. Mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem về lợi nhuận cho gia đình ông trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Ông Huỳnh Ngọc Bảo chuẩn bị giao chanh cho thương lái

Ông Huỳnh Ngọc Bảo cho biết, chi phí đầu tư cho mô hình của ông đang canh tác không quá cao, khoảng 100 triệu đồng cho 1,5 năm chăm sóc là bắt đầu thu hoạch chanh. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông thu hoạch khoảng 1,2 - 1,5 tấn chanh, bán cho thương lái với giá từ 12.000 - 22.000 đồng/kg, gia đình ông thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, chưa kể lợi nhuận từ bưởi da xanh mang lại, do chưa thu hoạch.

Tin, ảnh: TRUNG HIẾU

Phước Thuận (Ninh Phước, Ninh Thuận): Phát triển các mô hình trồng nho an toàn

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Xác định nho là cây trồng có thế mạnh của địa phương, từ năm 2018 xã Phước Thuận (Ninh Phước, Ninh Thuận) triển khai mô hình “Trồng nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” tại vườn nho tập trung thôn Phước Khánh, với diện tích 10 ha. Từ hiệu quả mang lại, hiện nay Phước Thuận tiếp tục thực hiện mô hình “Vườn nho tập trung kết hợp làm du lịch” với diện tích 30,8 ha cũng tại thôn Phước Khánh và 10 ha ở thôn Thuận Lợi. Ngoài ra xã còn vận động nông dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 15,1 ha nho, nâng diện tích nho toàn xã lên 192 ha. Nhờ trồng nho, nông dân Phước Thuận thu nhập cao hơn từ 8 - 9 lần so với trồng lúa.

“Trồng nho an toàn theo chuẩn VietGAP” tại vườn nho tập trung thôn Phước Khánh.

Bạch Thương

Nhiều mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả

Nguồn tin: Báo Long An

Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án “Xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) 2.000ha trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020” bước đầu đạt kết quả khả quan. Các mô hình trong đề án được thực hiện cho thấy kết quả khá tốt, lợi nhuận cao hơn so với trước, tạo sức lan tỏa và được sự ủng hộ của người dân.

Nhiều mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả

Đạt hiệu quả

Vùng sản xuất rau ƯDCNC 2.000ha của tỉnh nằm trong vùng quy hoạch rau theo Quyết định số 360/QĐ-UBND, ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng rau an toàn đến năm 2020 gồm 23 xã thuộc 3 huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An. Theo Phó Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản) - Đoàn Phương Nga, sau khi triển khai Đề án “Xây dựng vùng sản xuất rau ƯDCNC 2.000ha trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020”, nông dân tham gia và sản xuất đạt hiệu quả cao, tự đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học,... Việc sử dụng phân hữu cơ sinh học, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng giúp cây rau phát triển tốt hơn, ít sâu, bệnh hơn, giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công lao động..., năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống.

Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả Khánh Hậu (TP.Tân An) triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau ƯDCNC với diện tích 10.000m2/3 hộ nông dân, tổng số tiền hỗ trợ trên 32 triệu đồng. Anh Phan Hoài Nam (thành viên HTX Rau củ quả Khánh Hậu) chia sẻ: “Tôi tham gia mô hình 3.000m2, được hỗ trợ 50% chi phí cây giống cà chua, 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Do vụ rồi không phải là chính vụ đối với cà chua và điều kiện thời tiết không thuận lợi nên gia đình tôi có lợi nhuận không cao, chỉ đạt 11 triệu đồng/1.000m2, nhưng vẫn cao hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống từ 1-2 triệu đồng/1.000m2”.

Giám đốc HTX Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) - Đặng Duy Dũng cho biết: “Thời gian qua, thành viên HTX tham gia mô hình sản xuất rau ƯDCNC như trồng dưa hấu, tía tô từ cây con vườn ươm,... Tham gia mô hình, thành viên không những được áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mà còn tăng lợi nhuận. Trung bình 1.000m2, lợi nhuận tăng từ 2-3 triệu đồng”. Ông Đoàn Văn Út (thành viên HTX Phước Thịnh) chia sẻ: “Tôi tham gia mô hình trồng dưa hấu từ cây con vườn ươm với diện tích 5.000m2 và được hỗ trợ 50% chi phí cây giống, 50% chi phí vật tư. Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, giá thành cây con dưa hấu từ vườn ươm là 2.098 đồng/cây. Giá thành cây con nông dân tự gieo là 1.803 đồng/cây. Tổng chi phí sản xuất trung bình ở ruộng mô hình từ 11,58-11,75 triệu đồng/1.000m2. Giá bán trung bình 11.000 đồng/kg. Năng suất của ruộng mô hình từ 3.000-3.050kg/1.000m2, cao hơn đối chứng 200-250kg/1.000m2. Tổng thu từ 33-33,55 triệu đồng/1.000m2, cao hơn đối chứng 2,2-2,25 triệu đồng/1.000m2”.

Còn anh Đặng Phước Tuy (thành viên HTX Phước Thịnh) vui mừng nói: “Tôi tham gia mô hình trồng tía tô từ cây con vườn ươm với diện tích 3.000m2, được hỗ trợ 100% chi phí cây giống và 30% chi phí vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Kết quả cho thấy, giá cây con vườn ươm là 60 đồng/cây (tương đương 5.000 đồng/khay, 84 cây/khay), giá cây con nông dân tự gieo là 38 đồng/cây nên chi phí cây con giống ở ruộng mô hình là 3,3 triệu đồng/1.000m2, cao hơn chi phí nông dân tự gieo là 1,11 triệu đồng/1.000m2. Tuy nhiên, chi phí công lao động (tưới nước, bón phân, phun thuốc, chăm sóc,...) ở ruộng mô hình thấp hơn đối chứng 1,12 triệu đồng/1.000m2 do trồng cây con từ vườn ươm ít tốn công lao động hơn và bộ rễ cây không bị ảnh hưởng nên cây không bị mất sức, vì vậy ít tốn công chăm sóc, tưới nước hơn (giảm 2 lần tưới/ngày so với đối chứng). Tổng chi phí sản xuất ở ruộng mô hình từ 7,39-7,41 triệu đồng/1.000m2 và ruộng đối chứng là 7,44 triệu đồng/1.000m2. Năng suất ở ruộng mô hình từ 1.065-1.078kg/1.000m2, cao hơn đối chứng từ 37-50kg/1.000m2. Tổng thu của ruộng mô hình từ 13,85-14,01 đồng/1.000m2; lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn đối chứng từ 508.000-704.000 đồng/1.000m2”.

Đẩy nhanh tiến độ đề án

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện đánh giá: “Công tác triển khai thực hiện các mô hình được đa số người dân tham gia, đóng góp, chia sẻ ý kiến để quá trình thực hiện được thuận lợi. Người dân đã nhận thức ƯDCNC trong sản xuất rau để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và cải thiện đời sống. Với mô hình rau, sau khi thống nhất với địa phương về các điều khoản hỗ trợ, địa điểm thực hiện, người dân đã chủ động tự đầu tư trước mô hình. Các thành viên được phân công tham gia thực hiện các nội dung của Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động tham mưu, đề xuất và báo cáo kịp thời các khó khăn để tổ trưởng nắm bắt, chỉ đạo, điều hành. Để hoàn thành mục tiêu đề án, thời gian tới, ngành sẽ cùng các địa phương tăng cường tổ chức hội thảo tuyên truyền, kết hợp hướng dẫn tham quan và tập huấn để người dân chứng kiến các mô hình hiệu quả thực tế, tin tưởng tham gia áp dụng sản xuất ƯDCNC. Ngành cũng có kiến nghị, đề xuất tỉnh xem xét, hỗ trợ: Đầu tư đồng bộ 100% chi phí cho mô hình trình diễn (giống, phân, thuốc, hệ thống tưới) thì sẽ dễ đánh giá hiệu quả và thực hiện hơn so với việc chỉ hỗ trợ 30% hoặc 50% chi phí để xây dựng mô hình trình diễn; đối với trạm bơm điện do ngành điện khó khăn về nguồn vốn, cấp tỉnh có chính sách, cơ chế ưu tiên cho ngành điện tạm ứng trước vốn để triển khai thực hiện; hỗ trợ sản xuất cây con giống trong năm đầu tiên sẽ hỗ trợ sản xuất một số cây con giống có giá trị như ớt, cà chua ghép, dưa hấu, một số rau ăn lá khác (mùa mưa), sản phẩm được cấp cho các hộ nông dân trong vùng trồng thử, nhằm tập cho nông dân thay đổi tập quán trong sản xuất cũng như thấy được lợi ích của việc trồng cây con trong vườn ươm, từ đó tạo tiền đề cho HTX phát huy vai trò của vườn ươm; xây dựng mô hình vườn ươm là mô hình mới, vốn đầu tư rất cao, chưa tính chi phí vật tư và công lao động phục vụ sản xuất nên việc thu hồi vốn dài. Để khuyến khích nông dân ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới cũng như cung cấp cho thị trường cây giống sạch bệnh, chủ động trong sản xuất, hạn chế rủi ro do biến đổi khí hậu, tăng số vụ sản xuất trong năm thì cần tiếp tục hỗ trợ HTX xây dựng các mô hình trồng cây con từ vườn ươm trong thời gian tới”./.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.300ha rau ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 65% kế hoạch (2.000ha), trong đó, 100% diện tích sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học,... Tổ Đề án tỉnh triển khai được 22,4ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, gồm 28 mô hình điểm. Các huyện tổ chức thực hiện 30 mô hình điểm với diện tích 15ha, diện tích nhân rộng 1.262,6ha.

Huỳnh Phong

Kon Tum: Lo ngại tái bùng phát dịch bọ cánh cứng trên cây cà phê

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Đến hẹn lại lên, cứ bắt đầu bước vào mùa mưa, người trồng cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) lại phải “chong đèn” canh bọ cánh cứng xuất hiện phá hoại cây trồng, nhất là những diện tích đang trong thời kỳ tái canh. Nhiều biện pháp phòng trừ loại bọ này đã được triển khai, nhưng theo đánh giá của người trồng cà phê, hiện vẫn chưa có giải pháp nào xử lý triệt để, nguy cơ bùng phát dịch bọ cánh cứng trở lại rất cao.

Lo ngại bùng phát dịch trở lại

Mới chỉ bước vào đầu mùa mưa năm 2019, tại một số vườn cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 (Đăk Hà) đã xuất hiện bọ cánh cứng. Dù chưa rộ như năm 2018, nhưng với sự xuất hiện rải rác ở các vườn cà phê cũng khiến người dân lo lắng.

Ghi nhận thực tế tại các vườn cà phê trên địa bàn xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà), thời tiết mưa phùn nhiều ngày qua là môi trường thuận lợi để bọ cánh cứng sinh sôi, phát triển. Ở một số vườn cây đã có hiện tượng bọ cánh cứng cắn lá, cành nham nhở. Đặc biệt, nhiều cây non ở một số diện tích cà phê tái canh năm thứ 2, 3 của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đã bị cắn lá, cành.

Theo ông Nguyễn Văn Bể, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704 nhận định: Theo kinh nghiệm của chúng tôi theo dõi từ những năm trước, thời gian này chính là thời điểm bọ cánh cứng bắt đầu phát triển. Đặc biệt, tầm đầu tháng 7 sang tháng 8 phát triển rất mạnh, nhất là những con ấu trùng đã nở ra ở dưới đất bắt đầu trưởng thành và bay lên phá hoại cà phê.

Dù mùa vụ năm 2018, khi bọ cánh cứng bùng phát thành dịch, người dân trồng cà phê và công ty đã huy động nhân công, vật tư tập trung cho việc diệt trừ bọ cánh cứng, nhưng theo đánh giá của phía Công ty TNHH MTV Cà phê 704 “cũng chỉ mới dừng lại ở việc khống chế, chứ chưa diệt trừ hoàn toàn loại bọ này”.

Tập trung phòng dịch, phục hồi diện tích cà phê bị ảnh hưởng

Niên vụ cà phê năm 2018, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 bị thiệt hại hơn 3,5 tỉ đồng do dịch bọ cánh cứng tàn phá. Diện tích bị ảnh hưởng chủ yếu đang trong giai đoạn tái canh năm thứ 1 và năm thứ 2. Đặc biệt, có 7,5ha cà phê vừa tái canh đã bị dịch bọ cánh cứng tàn phá, không còn khả năng phục hồi. Lo ngại bọ cánh cứng bùng phát, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng mùa vụ cà phê 2019, công tác phòng chống dịch đang được phía công ty tích cực triển khai.

Rút kinh nghiệm từ niên vụ 2018, ngay từ những ngày đầu mùa mưa, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đã xây dựng phương án đối phó với bọ cánh cứng. Theo đó, công ty chú trọng công tác theo dõi thường xuyên, liên tục cả ban ngày và ban đêm; phối hợp với phía người dân nhận khoán, chuẩn bị vật tư, thuốc… để sẵn sàng ứng phó với dịch bọ cánh cứng, đặc biệt với những diện tích cà phê tái canh, cà phê mới trồng.

Diện tích cà phê của Công ty 704 đang phục hồi tốt sau khi bị bọ cánh cứng tàn phá. Ảnh: QT

Ông Nguyễn Văn Bể cho biết: “Lo ngại dịch bọ cánh cứng sẽ xuất hiện trở lại trong điều kiện thời tiết như hiện nay nên về phía công ty đã đề ra nghị quyết, xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật lực để đối phó với bọ cánh cứng. Hiện nay, qua công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên trên các vườn cà phê, bọ cánh cứng đã xuất hiện nhưng với mật độ nhỏ, rải rác. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục cử cán bộ theo dõi thường xuyên, nhất là trong khung giờ từ 18 giờ đến 21 giờ đêm, bởi đây là thời điểm bọ cánh cứng chui từ dưới đất lên và bay vào không trung giao phối. Và khi rơi xuống cành, lá cây cà phê hay thậm chí cây cỏ, keo… chúng ăn trụi lá và vỏ”.

Bên cạnh chủ động công tác phòng chống dịch bọ cánh cứng, công tác phục hồi vườn cây bị bọ cánh cứng phá hoại năm 2018 cũng được phía Công ty triển khai. Theo ông Nguyễn Văn Bể, đối với diện tích hơn 7,5ha bị bọ cánh cứng tàn phá hoàn toàn, hiện, công ty đã có kế hoạch trồng mới lại. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành công việc này. Còn riêng diện tích hơn 65ha cà phê tái canh năm thứ 1 và năm thứ 2, sau hơn 1 năm chăm sóc nay đã phục hồi được 90%.

“Ảnh hưởng nặng nề nhất của loại bọ này chính là chúng cắn hết lá, cành cây, thậm chí ăn cả vỏ nên công tác phục hồi vườn cây rất khó khăn và tốn kém. Với những vườn cây bị tàn phá khoảng 30-40% thì có thể phục hồi được, còn những vườn cây bị nặng thì rất khó. Hơn nữa, khi đã phục hồi được cũng phải mất thêm 1 năm nữa mới có thể cho thu hoạch. Vì vậy, loại bọ này đang gây thiệt hại nặng nề cho người trồng cà phê” - ông Bể cho biết thêm.

Với diễn biến thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của bọ cánh cứng như hiện nay, người trồng cà phê ở Đăk Hà đang phải “mất ăn, mất ngủ” để canh giữ vườn cây. Hy vọng, với sự chủ động trong công tác phòng trừ, người trồng cà phê ở huyện Đăk Hà sẽ loại bỏ được loại bọ nguy hại này và có được một mùa vụ bội thu.

Quang Thái

Giá rơm sụt giảm

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Vào thời điểm này, nông dân tại các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa Hè Thu. Do ảnh hưởng của thời tiết nên nhiều diện tích lúa Hè Thu bị đổ ngả, năng suất đạt thấp, kéo theo đó là chất lượng rơm giảm, giá bán không cao.

Giá rơm giảm so với vụ trước.

Phần lớn tại các cánh đồng, sau khi thu hoạch lúa nông dân đã bán rơm với giá từ 200.000 - 250.000 đ/công, tùy theo chất lượng rơm cũng như vị trí ruộng có thuận lợi cho việc vận chuyển rơm hay không.

Tại huyện Long Hồ, thương lái mua tại ruộng là 15.000 đ/cuộn, giảm 5.000 đ/cuộn so với vụ Đông Xuân.

Theo các thương lái, sở dĩ giá rơm giảm là do mưa nhiều chất lượng rơm không cao, ẩm ướt. “Mưa, đất ướt, cuộn rơm rất khó nên chi phí cao hơn bình thường khoảng 15%, bởi vậy mua rơm cao quá mình bán ra không có lãi”- anh Tư Nghiêm - một thương lái đến từ tỉnh Bến Tre cho biết.

Tin, ảnh: TRẦN NGỌC

Bà Rịa - Vũng Tàu: Mưa lớn, người trồng rau gặp khó

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Những cơn mưa lớn liên tiếp trong thời gian gần đây khiến việc sản xuất rau của nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn. Để tránh thiệt hại, người trồng rau cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Vinh (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) dùng bạt lang che phủ cho rau khi có mưa.

NHIỀU VƯỜN RAU MẤT TRẮNG

Trận mưa lớn cuối tháng 6 vừa qua đã đánh sập vườn mướp hơn 4.000m2, với 5.000 gốc của gia đình ông Nguyễn Văn Dục (thôn Đông Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ). Ông Dục xót xa cho biết, vườn mướp dự kiến đạt hơn 100 tấn, mới thu hoạch được khoảng 10% đã gần như mất trắng. “Vườn mướp vừa bước vào vụ thu hoạch được 10 ngày, mỗi ngày khoảng 1,8 tạ, dự kiến sẽ cho thu hoạch kéo dài trong 2-3 tháng nữa. Tuy nhiên, trận mưa lớn vào cuối tháng 6 đã làm giàn bị sập, ước tính thiệt hại khoảng 60-70 triệu đồng”, ông Dục tiếc nuối.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Quang Thiêm (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) xuống giống các loại rau gia vị, cải thìa cải ngọt, hành lá, húng quế... trên diện tích 5.000m2 theo hình thức luân canh. Những trận mưa lớn trong thời gian qua khiến vườn rau bị ảnh hưởng nặng. Hơn 1.000m2 hành lá của gia đình phải bỏ đi hoàn toàn do nhiễm nấm nổ dọc. “Thương lái cũng vừa từ chối không mua hơn 2 tạ rau húng quế do rau có dấu hiệu nhiễm bệnh, phải bỏ đi. Các loại rau khác cũng chỉ thu hoạch được 60-70%. Tổng thiệt hại của vụ rau này khoản 100 triệu đồng”, ông Thiêm dự tính.

Theo các hộ trồng rau trên địa bàn xã Tân Hải, trong những đợt mưa lớn vừa qua, hầu hết diện tích trồng rau của các hộ đều bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại từ 20-70%, đặc biệt là các loại rau như cải, dền, mùng tơi, hành lá, húng quế, mướp…

Ông Kiều Văn Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hải cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 18ha, luân canh 44 giống rau, phổ biến là các loại rau ăn lá. Năm 2017, UBND xã đã đầu tư kinh phí triển khai 2 dự án bê tông hóa đoạn kênh tại thôn Phước Hải, thôn Láng Cát với tổng chiều dài gần 400m, bước đầu đã giảm bớt tình trạng ngập úng tại các địa phương này. Tuy nhiên, khi mưa lớn, rau vẫn bị hư hại, dập lá và nhiễm bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho bà con, do đa số các hộ vẫn trồng theo hình thức truyền thống. Hội Nông dân xã đã khuyến cáo bà con trồng trong nhà lưới, nhà kính, nhưng kinh phí đầu tư cao nên chưa có hộ nông dân nào áp dụng.

AN TOÀN VỚI BẠT LANG

HTX rau an toàn Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) có 7,8ha trồng rau, trong đó có 5,2ha trồng rau an toàn. Dù thời gian qua đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn, nhưng diện tích trồng rau của địa phương không bị ảnh hưởng nhiều.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng) có 3.500m2 trồng rau các loại. 2 năm trở lại đây, vườn rau của gia đình ông hầu như hư hại không đáng kể trong mùa mưa. Ông Vinh tiết lộ, 2 năm trước, ông đã đầu tư bạt lang để che phủ, bảo vệ rau khi trời mưa. Nhờ vậy, dù mưa lớn, vườn rau của gia đình ông cũng không bị hư hại nhiều, chỉ khoảng 5%. Kinh phí mua bạt không quá tốn kém. Với diện diện tích vườn rau của gia đình ông, chi phí chỉ khoảng 5 triệu đồng. “Loại bạt này rất bền, thời gian sử dụng có thể lên tới 5 năm. Cách làm cũng đơn giản, một bên bạt buộc cố định vào các cọc, khi có mưa, chỉ cần cầm bên còn lại phủ lên rau là xong”, ông Vinh hướng dẫn.

Nhận thấy cách làm này có hiệu quả, ông Vinh đã chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ trồng rau trong HTX. Nhờ đó, bà con trồng rau tại xã Phước Hưng đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn. Ông Đào Xuân Hồng (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng), hội viên HTX rau an toàn Thắng Lợi nhớ lại: “Năm 2017, gia đình tôi gần như mất trắng toàn bộ diện tích trồng rau mùng tơi và cải ngọt do mưa lớn. Từ năm 2018, được ông Vinh chia sẻ phương pháp dùng bạt lang phủ lên rau, chúng tôi đã khắc phục được tình trạng hư hại rau, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa”.

Ông Đỗ Hồng Sơn, cán bộ Hội Nông dân xã Phước Hưng cho biết, Hội đã giới thiệu nhiều đơn vị, cá nhân tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm từ gia đình ông Vinh và đã nhân rộng ra nhiều hộ trồng rau trên địa bàn xã. Nhờ vậy, từ đầu mùa mưa tới nay, diện tích rau trên địa bàn xã chỉ bị ảnh hưởng khoảng 5-10%. Hội Nông dân xã sẽ phối hợp cùng các hộ trồng rau trên địa bàn trao đổi kinh nghiệm, triển khai các biện pháp bảo vệ vườn rau, trong đó có biện pháp dùng bạt lang che phủ.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

Bắc Sơn (Lạng Sơn): Triển vọng kinh tế từ nuôi thỏ

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Với nhiều ưu điểm như: vốn đầu tư ít, không cần nhiều diện tích, dễ nuôi, quay vòng vốn nhanh…từ năm 2016 đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã đầu tư nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Hoàng Thanh Hồng, thôn Nà Yêu, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn cho biết: Qua tìm hiểu trên tivi, báo, đài và đi thực tế một số mô hình, năm 2016, tôi quyết định mua 4 con thỏ giống (3 thỏ nái, 1 thỏ đực) về nuôi. Vừa làm, vừa học hỏi thêm, sau thấy thỏ sinh sản rất nhanh, chi phí đầu tư chuồng trại, thức ăn cũng không lớn, tôi quyết định mở rộng quy mô chuồng. Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 300 con thỏ thịt có những thời điểm không đủ cung cấp cho thị trường. Để nâng cao thu nhập, tôi còn chăm sóc thỏ giống để bán giống cho bà con. Từ đó, bình quân tôi có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Người dân thôn Nà Yêu, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn chăm sóc đàn thỏ

Tương tự gia đình ông Hồng, năm 2017, ông Dương Văn Hiệu, thôn Hữu Vĩnh 1, xã Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn bắt đầu nuôi thử nghiệm 13 thỏ nái. Sau một thời gian chăm sóc, nhận thấy nuôi thỏ có tiềm năng phát triển tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, tăng đàn đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ đó, đàn thỏ sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, gia đình tôi nuôi hơn 100 thỏ nái và hơn 1.000 thỏ thịt. Trung bình mỗi tháng xuất bán thỏ thịt và thỏ giống, trừ chi phí tôi thu lãi từ 12-15 triệu đồng. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng quy mô chuồng trại và trồng thêm một số loại rau, cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ.

Tìm hiểu được biết, từ một vài hộ nuôi thỏ ban đầu, nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã học hỏi và lựa chọn nuôi thỏ để phát triển kinh tế. Hiện nay, tổng đàn thỏ của toàn huyện hơn 6 nghìn con (lớn nhất trong toàn tỉnh), được nuôi tập trung ở một số xã như: Vũ Sơn, Vũ Lăng, Trấn Yên, Hưng Vũ, Hữu Vĩnh, Bắc Sơn, Tân Lập, Đồng Ý, Nhất Hòa…Trung bình mỗi hộ nuôi từ 100 – 400 con, chủ yếu là giống thỏ New zeaLand.

Trò chuyện với ông Hoàng Văn Trọng, thôn Pác Nàng, một trong những hộ nuôi thỏ đầu tiên của xã Trấn Yên, được biết: Thỏ là loài vật dễ nuôi, nếu nuôi ít có thể tận dụng nguồn thức ăn rau, cỏ tại chỗ, kết hợp với cám, ngô. Sau khi nuôi từ 3 đến 3,5 tháng, thỏ đạt trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg và có thể xuất bán với giá bình quân 70 – 80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 50 – 60 nghìn đồng/con. Đặc biệt, thỏ đến tuổi sinh sản cứ sau 30 – 35 ngày sẽ đẻ một lứa, mỗi lứa trung bình từ 7 – 8 con. Thỏ cũng ít bị bệnh, quan trọng nhất chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo. Đồng thời, người nuôi phải chú ý tách thỏ mới sinh với thỏ mẹ để đảm bảo môi trường sạch sẽ cho thỏ con; tiêm phòng đúng giai đoạn; giữ ấm chuồng trại về mùa đông, thoáng mát trong mùa hè…

Hiện nay, nuôi thỏ có đầu ra khá ổn định khi thương lái ở các tỉnh thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định…trực tiếp thu mua. Đặc biệt, bên cạnh việc mua thỏ sống, thương lái còn đặt các hộ nuôi thỏ thịt sẵn, cấp đông để xuất bán cho họ vì nhu cầu của các nhà hàng hiện nay là rất lớn.

Ông Vy Đình Thiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bắc Sơn đang tập trung phát triển các sản phẩm cây, con chủ lực của huyện. Bên cạnh đó, đối với ngành chăn nuôi, ngoài phát triển chăn nuôi đại gia súc trâu bò nhốt chuồng thì qua thực tế sản xuất và nhu cầu thị trường, từ năm 2016 đến nay, một số hộ trên địa bàn huyện đã phát triển nuôi thỏ và có hiệu quả kinh tế cao. Từ thực tế đó, cùng với những diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành chức năng và các tổ chức chính trị – xã hội của huyện đã và đang khuyến cáo bà con duy trì và phát triển chăn nuôi thỏ. Đặc biệt là tuyên truyền, định hướng bà con phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đặc biệt là góp phần đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng thời điểm hiện nay.

NGUYỄN PHƯƠNG

Triển khai dự án xuất khẩu 1 triệu con gà/tuần

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (CPV) để tìm hiểu dự án xuất khẩu 1 triệu con gà/tuần.

Theo đại diện CPV, tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 1 là 230 triệu USD, trong đó hình thành 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Bình Phước, công suất 0,3 triệu tấn/năm; 5 trại gà giống bố mẹ, công suất 0,5 triệu con/năm; 1 nhà máy ấp trứng công suất 53,6 triệu con/năm; 21 trại gà thịt công suất 52 triệu con/năm; 1 nhà máy giết mổ chế biến quy mô thịt gà 116.000 tấn/năm, thịt gà chế biến 36.000 tấn/năm; bột lông vũ 2.100 tấn/năm; tạo ra hơn 3.000 việc làm. Dự kiến cuối năm 2020, giai đoạn 1 dự án đi vào hoạt động.

ĐĂNG LÃM

Ninh Thuận: Thuận Bắc phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Đến nay, huyện Thuận Bắc (tỉnh Ninh Thuận) có tổng đàn gia súc khoảng 42.400 con, trong đó có 21.000 con bò và 21.400 con dê, cừu. Để phát triển chăn nuôi, Thuận Bắc đã triển khai nhân rộng một số mô hình chăn nuôi có hiệu quả như nuôi bò, dê, cừu vỗ béo, sinh sản. Đặc biệt đến nay đã thực hiện sind hóa đàn bò đạt tỷ lệ trên 45%, lai tạo giống dê, cừu đạt trên 75%, qua đó giúp cho nông dân địa phương tăng thu nhập cải thiện đời sống, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới từ 31,37% (năm 2017) xuống còn 26,72%.

Nông dân thôn Mỹ Nhơn (Bắc Phong) chăm sóc bò Sind nuôi tại chuồng.

B.T

Làm giàu nhờ nuôi rắn hổ mang

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Trái với vẻ ngoài yên bình của làng quê nông thôn, ít ai biết, ở huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) đang phát triển mô hình nuôi rắn hổ mang lấy thịt, lấy trứng và cung cấp giống, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ. Nơi đây, người ta vẫn gọi công việc đặc biệt này là nghề nuôi “con không chân”.

Theo chân cán bộ kiểm lâm địa bàn, chúng tôi tìm đến nhà anh Ngô Văn Bình, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà để tận mắt thấy mô hình nuôi rắn hổ mang, phát triển kinh tế.

Vừa pha trà đãi khách, anh Bình vừa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề nguy hiểm và có phần đặc biệt này. Vốn là người nông thôn, anh từng lăn lộn, xoay sở đủ nghề, biết ở đâu có con gì, cây gì mới đều tìm cách đưa về nuôi, trồng. Từ lợn, gà, cá trắm đến ba ba hoặc tôm càng xanh đều lần lượt được anh nuôi thử nghiệm, hết nuôi đến trồng đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi điệp khúc được mùa mất giá, thị trường bấp bênh, dịch bệnh hoành hành. Làm mãi không giàu, anh lại loay hoay tìm hướng mới.

Anh Ngô Văn Bình bắt rắn hổ mang để kiểm tra bệnh.

Năm 2011, qua một số người bạn, anh Bình được tham quan một số mô hình nuôi rắn hổ mang ở tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ, thấy hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh quyết tâm học hỏi và bỏ tiền mua 50 con rắn về nuôi thử nghiệm. Lứa đầu tiên nuôi thành công, lợi nhuận cao nên anh tiếp tục lấy vốn quay vòng mở rộng mô hình. Đến năm 2017, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nuôi rắn rộng 300 m2, hơn 1.000 ô chuồng với chi phí hơn 100 triệu đồng. Vừa nuôi, anh vừa giao lưu, học hỏi với các hộ nuôi rắn khác, đồng thời học cách cho rắn giao phối, thu trứng để ấp con giống tái đàn và bán trứng.

Khu nuôi rắn của anh Bình nằm trên khoảnh đất cao, biệt lập với nhà ở và khu chăn nuôi khác. Khu chuồng được xây bằng gạch, có mái che, đặc biệt chuồng được làm 2 cửa có ổ khóa chắc chắn, tất cả ô thoáng, cửa thông gió đều được che chắn kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ. Theo anh Bình, việc xây dựng chuồng trại kiên cố, che bằng lưới sắt mắt nhỏ để khi rắn có thoát ra khỏi chuồng cũng không thể thoát ra môi trường tự nhiên.

Cẩn thận bật điện, mở cửa, kiểm tra kỹ trong khu chuồng không có rắn xổng ra ngoài, anh mới cho chúng tôi đi vào khu nuôi rắn. Mặc dù có sự chuẩn bị trước, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình, rợn tóc gáy vì những tiếng phì phì phát ra từ những ô chuồng tối om. Thông thường, rắn thịt nuôi khoảng 1 năm sẽ đạt trọng lượng trên 1,8 kg/con là đủ tiêu chuẩn xuất bán.

Công việc của anh Bình là cứ 5 ngày cho rắn ăn 1 lần, thức ăn là cóc được nhập từ Vĩnh Phúc, sau đó sẽ kiểm tra xem rắn ăn hết thức ăn không, kiểm tra bệnh cho rắn. Công cụ cho rắn ăn và bắt rắn hết sức thô sơ gồm 1 que móc và 1 chiếc kẹp gắp. Quá quen thuộc với việc bắt rắn hằng ngày, anh Bình mở cửa chuồng, rọi đèn pin vào trong và bắt ra 1 con rắn. Bị làm phiền, con rắn dựng đầu, bạnh cổ đe dọa nhưng anh làm việc này rất thành thạo, một tay nắm đuôi, một tay cầm móc ngoắc con rắn đưa ra xa, đề phòng chúng quay đầu tấn công. Con rắn to bằng bắp tay người lớn, dài ngoằng, thở phì phì khiến chúng tôi chỉ dám đứng từ xa quan sát và chụp ảnh.

Anh Bình cho biết: Việc cho rắn ăn và kiểm tra bệnh cho rắn là công việc nguy hiểm nhất, đặc biệt là mùa rắn giao phối và đẻ trứng bởi khi đó rắn rất hung dữ. Vào mùa đó, phải đi ủng, găng tay và kính mắt khi mở cửa chuồng kiểm tra và bắt rắn cho ghép đôi. Chỉ cần có kinh nghiệm, thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng, rắn không cảm thấy bị đe dọa thì sẽ không tấn công. “Tôi cũng học được bài thuốc nam trị độc rắn cắn. Ngoài ra, trong chuồng nuôi tôi luôn chuẩn bị sẵn đồ cứu thương, một số loại thuốc kháng độc để đề phòng khi bị rắn cắn. Gần 10 năm nay, chưa bao giờ tôi bị rắn cắn” - anh Bình nói.

Theo chia sẻ của anh Bình, ngoài bán rắn thịt thương phẩm, anh còn ghép đôi cho rắn đẻ trứng, ấp nở để nuôi tái đàn và bán trứng rắn. Quy trình ấp trứng rắn nở cũng rất đơn giản, sau khi rắn cái đẻ trứng xong, người nuôi sẽ lấy ra khỏi chuồng, vùi trong cát ẩm, để nơi nhiệt độ (25 - 270C) trong 68 - 70 ngày là rắn nở, rắn con sẽ tự đục vỏ trứng chui ra. Mỗi năm, gia đình anh Bình có khoảng 10.000 trứng rắn, giá bán dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/quả tùy thị trường từng năm.

“Nhờ bán rắn thịt thương phẩm, rắn giống và trứng rắn, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần nuôi lợn, nuôi gà. Chăm sóc rắn chỉ cần 1 nhân công, 5 ngày vào chuồng cho rắn ăn và kiểm tra rắn 1 lần, vẫn có thời gian làm việc khác. Nghề nuôi rắn không vất vả nhưng nguy hiểm, ngoài ra hiện nay giá thành thức ăn cao, thị trường không ổn định cũng là những khó khăn” - anh Bình tâm sự.

Rời nhà anh Bình, chúng tôi ghé qua một hộ nuôi rắn khác cùng thôn Làng Chưng là gia đình anh Đoàn Văn Ưởng. Khác anh Bình, anh Ưởng chỉ nuôi rắn lấy trứng. Hiện tại, anh Ưởng nuôi 250 con rắn, mỗi năm thu nhập 60 - 100 triệu đồng nhờ bán trứng rắn. Khu chuồng nuôi rắn của anh Ưởng cũng được xây biệt lập, che chắn cẩn thận. Anh còn “chế” dụng cụ đặc biệt để đưa thức ăn vào chuồng rắn, đảm bảo an toàn khi cho rắn ăn.

Anh Đoàn Văn Ưởng cho rắn ăn bằng dụng cụ tự chế.

“Được sự giúp đỡ của anh Bình, năm 2017 tôi bắt đầu nuôi rắn. Tôi không nuôi rắn thịt mà chỉ nuôi rắn đẻ lấy trứng bán. Mỗi năm rắn đẻ 1 lứa, thu trong khoảng 1 tháng là xong. Rắn đẻ ăn ít hơn rắn thịt nên không tốn nhiều chi phí thức ăn. Với 250 con rắn, mỗi tháng tôi chi phí hết khoảng 3,5 triệu đồng tiền thức ăn. Nhờ nuôi rắn, tôi có thể trang trải cuộc sống gia đình, nuôi 2 con ăn học và tích cóp để sửa lại căn nhà” - anh Ưởng tâm sự.

“Nghề nuôi rắn nhiều nguy hiểm, mặc dù người nuôi ai cũng thuộc nằm lòng quy trình an toàn và sơ cứu khi bị rắn cắn nhưng cũng không tránh khỏi sơ suất. Mùa rắn đẻ năm 2018, do chủ quan không đeo kính trong khi cho rắn ăn, tôi đã bị một con rắn phun nọc vào mắt, nhờ sơ cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến thị lực” - anh Ưởng cho biết thêm.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng, trên địa bàn huyện hiện có 13 hộ nuôi rắn, trong đó có 12 hộ (thuộc xã Xuân Quang, xã Sơn Hà và thị trấn Phố Lu) được cấp phép nuôi rắn hổ mang thường (tên khoa học là Naja naja) với gần 6.000 con. Giá bán rắn thịt dao động từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg, trứng rắn dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/quả tùy thời điểm, mang về thu nhập cao và ổn định cho người dân. Để quản lý việc nuôi nhốt rắn, hằng tháng, cán bộ kiểm lâm địa bàn sẽ đến từng hộ nuôi, ghi chép sổ theo dõi, biến động đàn và tuyên truyền đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường cho các hộ nuôi rắn để làm giấy xác nhận nguồn gốc, thủ tục xuất bán khi người dân có nhu cầu.

Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng nhận định: Nuôi động vật hoang dã được xem là xu thế phát triển kinh tế mới. Việc nuôi động vật hoang dã không chỉ giúp nông dân làm giàu, làm phong phú thêm vật nuôi ở địa phương, mà còn góp phần giảm lượng người vào rừng săn bắt trái phép, bảo tồn các loài động vật hoang dã trong tự nhiên. Đặc biệt, mô hình nuôi rắn hổ mang còn cho sản phẩm xuất khẩu với giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ phong phú, đa dạng.

ĐỨC PHƯƠNG

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop