Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 17 tháng 9 năm 2019

Nông dân Hưng Yên xuất khẩu chuối tiêu hồng

Nguồn tin: VnExpress

Hiện nay, trên địa bàn tình Hưng Yên có diện tích trồng chuối rộng khoảng 2.000ha cho sản lượng 38.000 tấn chuối mỗi năm.

Nhờ ứng dụng mô hình VietGap cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, mỗi ha trồng chuối tiêu hồng ở Hưng Yên có thể cho thu về hơn 300 triệu đồng, gấp cả chục lần vốn đầu tư ban đầu. Chuối Hưng Yên phát triển xanh tốt nhờ được bón phân chuồng trộn tro bếp, ngô, đỗ tương xay nhỏ. Hệ thống nước tưới tự động và trong suốt quá trình chăm sóc cây phát triển, bà con đều kiểm soát chặt chẽ lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Hàng ngàn ha trồng chuối ở Hưng Yên giup bà con vươn lên cải thiện kinh tế.

Vào tháng 9, nông dân sẽ dừng hẳn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tránh tồn dư lượng hóa chất trong quả, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn khi thu hoạch. Khi cây bắt đầu cho quả, bà con dùng túi chuyên dụng để bọc buồng chuối, tránh sâu bệnh, côn trùng tấn công và tạo độ đẹp đồng đều cho các nải.

Là một trong những người tiên phong đưa giống chuối tiêu hồng về trồng ở huyện Khoái Châu, anh Phạm Năng Thành (xã Đại Tập) hiện đã mở rộng nhà vườn của mình lên tới hơn 50 mẫu. Mỗi ngày cơ sở sản xuất chuối của anh Thành xuất khẩu khoảng 20 tấn sang Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường trong nước. Với mức lãi 40 triệu đồng một mẫu mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh Thành thu về khoảng 2 tỷ đồng.

Túi chuyên dụng dùng để bọc chuối.

Anh Thành chia sẻ, tình cờ được biết đến giống chuối tiêu hồng. Thấy quả to, đẹp mắt, ăn lại ngọt nên mới đầu anh đầu tư 1ha trồng thử nghiệm. Nhưng đến ngày được thu trái, lại vấp phải khó khăn đầu ra. Anh bảo, "nhìn thấy chuối đẹp mã quá nên người ta cứ nghĩ mình đánh thuốc nên không dám mua. Dần dần thấy tôi bán cả hoa chuối, chuối xanh, chuối chín nên người dân mới tin là chuối sạch".

Chuối tiêu hồng Khoái Châu cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu. Với nhãn hiệu này, sản phẩm chuối của địa phương không chỉ được nâng tầm giá trị mà quyền lợi hợp pháp của những hộ dân trồng và sản xuất chuối cũng được bảo đảm.

Linh Phương

Làm giàu nhờ trồng dừa Xiêm Mã Lai

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Đức (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã vượt khó, vươn lên làm giàu nhờ gắn bó với cây dừa Xiêm Mã Lai. Ông Đức cho biết, trước đây đất sản xuất của gia đình chủ yếu trồng lúa, sau đó chuyển sang trồng cây ăn trái. Nhưng cây ăn trái cũng cho hiệu quả kinh tế không cao nên ông quyết định chuyển 1,1 ha đất vườn này sang trồng dừa Xiêm Mã Lai. Nhờ dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và cho trái sai sau khoảng 4 năm trồng, nên dừa Xiêm Mã Lai cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Ông Đức chăm sóc vườn dừa của gia đình.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng gia đình ông Đức thu hoạch dừa tươi (dùng uống nước) 1 lần. Do dừa cho nước ngọt, nên được nhiều người ưa chuộng dùng để giải khát, từ đó đầu ra ổn định. Những lúc cao điểm, dừa tươi có giá lên đến trên 8.000 đồng/trái, mang về thu nhập cho gia đình ông khoảng 30 triệu đồng/tháng. “Dừa rất dễ chăm sóc, chủ yếu bón phân đầy đủ theo công thức để cho nước ngọt, trái sai; phòng trừ bọ cánh cứng, con đuông theo định kỳ. Định kỳ khoảng 6 tháng, tôi vệ sinh dừa 1 lần để chuột và các loại sâu bọ không gây hại đọt non làm ảnh hưởng đến năng suất. Mùa khô, tôi luôn đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây dừa nên dừa phát triển tốt và cho trái sai” - ông Đức phấn khởi.

Nhờ giống dừa chất lượng cao nên vườn dừa của ông Đức được Hội CCB xã, huyện chọn làm mô hình điểm để hội viên CCB và nhân dân tham quan, học hỏi. Ngoài ra, ông Đức còn nhân dừa giống để cung cấp cho người dân trong và ngoài huyện trồng. Năm 2018, ông bán hơn 5.000 cây dừa giống với giá 40.000 đồng/cây, mang về thu nhập đáng kể cho gia đình. Ông Đức cho biết: “Thấy dừa cho năng suất cao, nhiều người hỏi mua làm giống, nên tôi đã tuyển chọn những trái dừa chất lượng nhất để có cây giống tốt, nhân giống mới đạt hiệu quả cao. Năm 2019, tôi đã nhận đơn đặt hàng mua dừa giống khắp nơi với hơn 2.500 cây và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho những người có nhu cầu”. Ngoài việc trồng dừa bán trái tươi và dừa giống, ông Đức còn làm thêm dừa kiểng để phục vụ nhu cầu chưng tết của người dân. Với bàn tay khéo léo của mình, ông Đức đã tạo nên những chậu dừa kiểng đẹp mắt. Tùy vào hình dáng mà mỗi cây dừa kiểng có giá từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng. Riêng vụ tết năm 2019, gia đình ông thu được hơn 15 triệu đồng từ việc bán dừa kiểng. Ông Đức cho biết, người dân cũng có nhu cầu chưng dừa trên mâm ngũ quả. Nhưng chưng trái dừa thì đơn điệu, không tươi xanh, nên ông nghĩ ra việc ươm dừa kiểng để vào các chậu với kiểu dáng khác nhau để đáp ứng sở thích và thị hiếu của mỗi người. Do Tết năm 2019 chỉ mới làm thử nghiệm, không dám làm nhiều dừa kiểng nên đã bị “cháy hàng”. Tết năm 2020 này, ông dự kiến sẽ ươm nhiều kiểu dáng dừa kiểng khác lạ và hấp dẫn hơn để phục vụ cho người dân trong dịp tết.

Song song với việc phát triển kinh tế vườn, ông Đức còn tận dụng mặt nước ao dưới vườn dừa nuôi thêm cá tai tượng. Nhờ kinh nghiệm tích lũy được cộng với tận dụng nguồn thức ăn từ thiên nhiên để giảm chi phí sản xuất, nên mỗi vụ thu hoạch cá gia đình ông Đức đều thu được lãi cao. Với hiệu quả kinh tế mang lại từ sản xuất, kinh doanh các loại cây trồng, vật nuôi, mỗi năm gia đình CCB Nguyễn Văn Đức thu nhập trên 300 triệu đồng.

MINH TOÀN

Chư Pưh: Mất mùa bí đỏ

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Mặc dù giá bí đỏ cao hơn các năm trước, nhưng do năng suất sụt giảm đến 50% nên nhiều nông dân ở huyện Chư Pưh, Gia Lai vẫn lỗ nặng.

Chư Pưh là một trong những huyện có diện tích bí đỏ lớn của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã: Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ… Trong đó, Ia Phang là xã có diện tích bí đỏ lớn nhất. Những ngày này, người dân xã Ia Phang đang huy động nhân công thu hái bí đỏ rồi chở đến bán cho các đại lý trên địa bàn.

Người trồng bí lỗ nặng vì mất mùa. Ảnh: H.S

Trái hẳn với không khí vui tươi của những vụ thu hoạch trước, vụ bí năm nay, người trồng và người thu mua đều buồn thiu vì mất mùa. Ông Lê Viết Hiền (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang) trồng 4 sào bí đỏ từ tháng 5-2019 với chi phí đầu tư ban đầu là 5 triệu đồng. Ông Hiền chán nản nói: “Những năm trước, với 4 sào này, gia đình tôi thu 7 tấn bí. Nhưng năm nay chỉ thu được 1 tạ, nếu bán chắc được 400 ngàn đồng. Không biết do nắng hạn hay do giống mà bí đỏ không ra quả. Tính ra, năm nay, gia đình tôi lỗ rất nặng”.

Bán xong bí đỏ cho một đại lý gần nhà, chị Kpă Lạt (làng Phung A, xã Ia Phang) chia sẻ: “Nhà tôi thuê 4 sào đất trồng bí đỏ. Năm nay, do nắng hạn nên bí ra ít quả, lại nhỏ. Cứ nghĩ trồng bí có lời, ai ngờ lỗ nặng. Tôi thuê đất và đầu tư 5 triệu đồng nhưng chỉ thu về 1 triệu đồng”.

Không chỉ người trồng bí đỏ buồn rầu mà người thu mua cũng kém vui. Bà Trần Thị Tuyết Hoa-chủ một đại lý thu mua bí đỏ ở thôn Hòa Lộc-chia sẻ: “Đầu vụ, giá bí đỏ khoảng 10 ngàn đồng/kg. Giá này là dành cho những quả bí đẹp. Đến nay, giá bí rớt xuống còn 6 ngàn đồng/kg. Dù giá vẫn cao hơn những vụ trước nhưng hiếm hàng lắm. Từ đầu vụ đến giờ, tôi mới mua được 500 tấn bí đỏ, bằng 1/3 năm trước”.

Theo thống kê của UBND xã Ia Phang, năm nay, toàn xã có khoảng 250 ha bí đỏ, sản lượng thu chỉ tầm 50% so với những năm trước. Ông Trần Hoàng-Chủ tịch UBND xã Ia Phang-cho hay: “Hiện nay đang chính vụ thu hoạch bí đỏ nhưng nhiều hộ không muốn thu hoạch. Theo phản ánh của người dân thì bí không ra quả là do vừa rồi hạn dài ngày và cũng có một số người trồng phải giống không đảm bảo chất lượng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Những năm trước, toàn huyện có khoảng 700 ha bí đỏ. Năm nay, diện tích giảm một nửa. Dù giá bí khá cao nhưng người dân vẫn thua lỗ. Nguyên nhân là do đợt nắng hạn xảy ra trên địa bàn huyện vào tháng 7-2019 khiến cây không đậu quả.

HOÀNH SƠN

Bình Tân (Vĩnh Long): Hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Đến nay, toàn huyện Bình Tân có hơn 20 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Về vật nuôi, đã hình thành nhiều mô hình triển vọng như: mô hình nuôi bò sinh sản và bò thịt quy mô 120 con/năm; nuôi gà mái lấy trứng với trên 10.000 con/lứa, có năm lên đến 30.000 con/lứa; nuôi cá bông lau trong lồng với 50.000 con; nuôi cá tra theo hướng VietGAP quy mô khoảng 40ha… cùng với đó là các mô hình nuôi rắn ri voi; chăn nuôi kết hợp làm hầm biogas; nuôi heo trên đệm lót sinh học đã và đang mang lại hiệu quả cao.

Về cây trồng, đã thực hiện các mô hình: trồng cây có múi với diện tích gần 40ha, nhân giống lúa mới chất lượng cao từ 35- 40 ha/năm, cánh đồng mẫu lớn duy trì từ năm 2014 đến nay khoảng 300 ha/năm, ruộng lúa bờ hoa: 28ha; nhân giống khoai lang mới: 47ha; trồng khoai lang theo chuẩn GlobalGAP: 14ha; ứng dụng IPM trên khoai lang: gần 50ha; ứng dụng nấm xanh trên hành lá, lúa và khoai lang: gần 30ha; trồng hành lá theo hướng VietGAP: gần 40ha…

Nhìn chung, mô hình trồng trọt hiệu quả nhất là mô hình trồng cây có múi chuyên canh, cây sầu riêng, vú sữa, thanh long ruột đỏ, măng cụt, mít Thái... Đối với cây màu, hiệu quả nhất là cây hoa huệ, dưa hấu tết, khoai lang, hành lá, ớt sừng vàng Nam Phi, nấm linh chi. Nếu được mùa, được giá, nông dân thu lời 200- 300 triệu đồng/ha/năm.

NGUYỄN PHƯƠNG

Giá gà rẻ hơn... rau

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Người nuôi gà công nghiệp đang hứng chịu tổn thất lớn nhất trong hàng chục năm qua khi giá gà bán ra tại trại chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng.

Người dân mua thịt gà trong siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Mức giá này chỉ mới xấp xỉ 50% giá thành chăn nuôi, hiện lên tới 23.000 đồng/kg.

Trong khi giá gà xuất chuồng hiện rẻ hơn giá rất nhiều loại rau, giá gà thịt trên thị trường hầu như không giảm mà vẫn đứng ở mức cao, càng đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh khó khăn hơn do sức tiêu thụ không tăng, thậm chí giảm.

Chưa hết, người chăn nuôi nói chung và nuôi gà nói riêng hiện nay còn đối diện với rủi ro khi các loại thịt gà, thịt heo đang được ào ạt nhập khẩu.

Giá bán chỉ bằng nửa giá thành

Sau hơn một tháng thả nuôi, ông Trần Văn Hoan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) vừa xuất bán trại gà công nghiệp tổng đàn 10.000 con với giá 13.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2019, cũng là mức giá thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây với người nuôi gà lông trắng.

Với mức giá nguyên liệu thức ăn như trong thời gian qua, giá thành nuôi gà công nghiệp hiện ở mức 23.000 đồng/kg nên mỗi con gà ông Hoan bán ra (2,5kg) phải chịu lỗ 25.000 đồng. "Tính ra cả trại gà tôi lỗ khoảng 250 triệu đồng.

Gà đến ngày phải bán vì càng để lâu càng tốn thức ăn mà giá thấp cả tháng rồi không biết làm thế nào. Mấy tháng nay người nuôi gà tụi tôi toàn bán dưới giá thành" - ông Hoan cho hay.

Đây cũng là tình cảnh chung của ngành nuôi gà công nghiệp khu vực phía Nam kể từ đầu năm đến nay. Trong 5 tháng đầu năm, giá gà bán ra còn cao hơn một chút so với giá thành nhưng kể từ tháng 6-2019 đến nay, giá bán gà luôn thấp hơn giá thành khiến người nuôi lỗ chồng lỗ.

Nhiều trang trại nuôi gà đã quá ngày xuất bán, quá trọng lượng nhưng vẫn chưa bán được dù giá loại gà này giảm chỉ còn 11.000-12.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cho hay một trong những lý do khiến giá gà công nghiệp sụt giảm mạnh là do thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi gà tăng đàn với kỳ vọng thịt gà sẽ thay thế thịt heo trước tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi đang tàn phá ngành chăn nuôi heo, và giá thịt gà sẽ tăng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đến nay nguồn cung thịt heo dù có sụt giảm vẫn đang dồi dào, giá heo vẫn ở mức thấp nên nguồn cung gà bị dư, kéo theo giá giảm mạnh.

Ngoài ra, dù giá gà bán ra tại trại giảm rất mạnh trong thời gian dài nhưng giá bán thịt gà tại các chuỗi bán lẻ cũng như chợ lẻ hầu như không giảm tương ứng. Điều này đã không kích thích được nhu cầu tiêu dùng của người dân để giải phóng bớt lượng gà còn rất nhiều trong các trang trại.

Theo giám đốc một công ty kinh doanh, với giá gà tại trại là 12.000-13.000 đồng/kg như hiện nay, giá gà nguyên con sau giết mổ trừ đi chi phí vận chuyển, hao hụt, thú y, đóng gói... ở vào mức xấp xỉ 20.000 đồng/kg.

Thế nhưng tại các điểm bán lẻ, giá thịt gà các loại như đùi gà, cánh gà, ức gà... vẫn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg là quá cao. "Tôi cho rằng các nhà bán lẻ cần giảm giá thịt gà xuống để kích cầu tiêu dùng, góp phần hỗ trợ tiêu thụ gà thịt cho các trang trại chăn nuôi" - vị này nói.

Nguy cơ "chuồng không, trại trống"

Theo Bộ NN&PTNT, nhập khẩu thịt gà về VN trong nửa đầu năm nay đạt trên 80.000 tấn, chủ yếu là đùi, cánh và chân gà, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10% so với năm trước. Giá đùi gà nhập khẩu về VN trong thời gian qua ở mức xấp xỉ 1 USD/kg, cộng với chi phí kho bãi và thuế nhập khẩu 20%, giá thành đến kho của các doanh nghiệp ở mức khoảng 30.000 đồng/kg.

Trong khi đó, do lo sợ dịch bệnh, nhiều bếp ăn công nghiệp và các doanh nghiệp có sức tiêu thụ lớn đã ngưng sử dụng heo nội địa để chuyển sang dùng heo nhập khẩu, khiến lượng thịt heo nhập khẩu trong nửa đầu năm nay tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giám đốc một công ty chăn nuôi nước ngoài tại VN cho rằng nguồn thịt (gà, heo) nhập khẩu cũng góp phần khiến giá gà trong nước giảm mạnh, trong khi giá heo không tăng dù tổng đàn bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cũng theo vị này, không chỉ gà công nghiệp mà gà tam hoàng cũng như gà ta đang rơi vào giai đoạn giảm giá mạnh nhất khiến người chăn nuôi lao đao, phải bán tống bán tháo để giảm lỗ. Ngoài ra, sức tiêu thụ các loại thịt trong tháng 7 âm lịch vừa qua cũng sụt giảm, chưa kể thời gian qua học sinh, sinh viên nghỉ hè nên nhu cầu của các bếp ăn trường học hầu như không còn.

Trong khi đó, việc dự báo nguồn cung heo trong nước thiếu hụt do dịch bệnh trước đó cũng không chính xác, mà có thể xảy ra vào cuối năm nay.

"Bộ NN&PTNT tính toán nguồn thịt heo thiếu sẽ được bù đắp bằng thịt gà, vịt nhưng với tình hình thua lỗ thê thảm như hiện nay, nhiều trang trại sẽ giảm hoặc bỏ trống chuồng trại. Do đó, cuối năm có thể dẫn đến cả thiếu heo lẫn thiếu gà" - vị giám đốc này cảnh báo.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nếu những tháng cuối năm xảy ra tình trạng thiếu thịt không chỉ làm giá tiêu dùng trong nước tăng cao mà còn là cơ hội cho thịt nhập khẩu tràn về chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch tăng cường nhập khẩu thịt heo, gà cho cuối năm. "Một khi thịt nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa, ngành chăn nuôi trong nước rất khó giành lại như đã từng mất thị phần ở các bếp ăn công nghiệp khoảng 10 năm trước đây" - đại diện hiệp hội cho biết.

Chỉ thiếu thịt cục bộ?

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết với tình hình phát triển chăn nuôi như hiện tại, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm sẽ khó xảy ra.

"Nếu thiếu chỉ là cục bộ ở một vài thời điểm ngắn hoặc một vài địa phương cụ thể, về lâu dài nguồn cung thịt trong nước đáp ứng đủ, chưa cần tính đến chuyện nhập khẩu số lượng lớn" - ông Dương cho biết.

Theo ông Dương, dù tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi vẫn còn rất phức tạp nhưng số trang trại heo chưa nhiễm bệnh trên toàn quốc là rất lớn.

Các địa phương cũng đang tính đến chuyện tái đàn nếu hội đủ điều kiện như không xảy ra dịch bệnh trong 30 ngày, tái đàn ở nơi chưa có dịch bệnh, thử nghiệm tái đàn 10% rồi tăng lên theo tình hình dịch bệnh... Ngoài ra, nguồn cung thịt heo nếu thiếu sẽ được bổ sung bằng thịt gia cầm (gà, vịt), gia súc (trâu, bò) và thủy sản đang có mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua.

TRẦN MẠNH

Thu tiền tỷ từ trang trại chăn nuôi tổng hợp

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Thời điểm mới lập gia đình, cả hai vợ chồng anh chị đều không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống hết sức khó khăn. Với sức trẻ, sự tìm tòi, chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ những người làm kinh tế giỏi cùng với việc tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn của Hội Nông dân các cấp, năm 2006, anh chị đã mạnh dạn thuê lại 3 ha đất hoang hóa của xã, đầu tư cải tạo làm trang trại chăn nuôi với mong muốn phát triển kinh tế gia đình.

Để có nguồn vốn đầu tư, anh chị phải vay mượn từ ngân hàng và người thân để xây dựng nhà xưởng, đầu tư giống, trang thiết bị phục vụ cho việc chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà và cá. Thời gian đầu, anh chị chỉ nuôi với quy mô nhỏ, sau nhận thấy mô hình có hiệu quả, nên anh chị tiếp tục mở rộng trang trại với quy mô lớn hơn, thuê công nhân về phụ giúp công việc chăn nuôi.

Mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp của anh Hoàng Thái Chủ và chị Võ Thị Lan mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Chủ tâm sự, để chăn nuôi có hiệu quả, ngoài kiến thức sẵn có thì phải làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt quy định về tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Nhờ đó, vật nuôi của anh chị ít bị dịch bệnh, phát triển tốt.

Riêng với mô hình nuôi cá, mỗi năm 2 vụ cho lãi khoảng trên 300 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư. Từ chăn nuôi lợn, thỏ và gà, gia đình anh thu được trên 600 đến 700 triệu đồng.

Để thuận lợi trong chăn nuôi, anh chị đầu tư mua máy xay xát lúa và các loại củ cung cấp thức ăn cho gia súc, gia cầm, tận dụng các loại thức ăn, như: củ sắn, bột ngô, cám gạo, chuối; trồng rau, trồng cỏ làm thức ăn cho bò, lợn, gà..., vừa giảm chi phí, vừa hướng đến nông nghiệp sạch để cung cấp thực phẩm sạch cho mọi người.

Trước đây, do chăn nuôi nhỏ lẻ, không chủ động tìm kiếm thị trường, đầu ra nên vợ chồng anh chị phải chở cá ra các chợ để bán lấy tiền, tốn nhiều công sức, giờ chỉ cần điện thoại, tư thương có mặt để thu gom đưa đi các nơi tiêu thụ.

Sau hơn 13 năm chăn nuôi, đến nay, trang trại của anh chị rộng hơn 3 ha, luôn duy trì hơn 6.000 gà kiến thả vườn và sắp tới đây khi chuồng trại tiếp thục hoàn thành, anh chị sẽ tăng tổng đàn gà kiến lên 12.000 con và 20 con lợn nái.

Trung bình mỗi năm, anh chị xuất ra thị trường hơn 350 tấn gà thương phẩm, hơn 120 tấn lợn hơi, cùng 30 tấn cá trắm, chép, diêu hồng. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh lãi hơn 1 tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm thời vụ cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Nói về dự định trong thời gian tới, anh Hoàng Thái Chủ cho biết, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư phát triển chăn nuôi các loại con nuôi có giá trị thu nhập cao, đặc biệt là chăn nuôi gà kiến theo quy trình VietGAP.

Không chỉ biết làm giàu cho bản thân, gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình làm kinh tế trang trại, anh chị luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ nông dân tại địa phương, cũng như giúp đỡ nhiều hộ gia đình nghèo có điều kiện vươn lên.

Bản thân anh chị còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể, nhiệt tình trong mọi công việc, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Ông Lê Văn Tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sen Thủy cho biết, bằng ý chí, quyết tâm, dám nghĩ dám làm, anh Hoàng Thái Chủ và chị Võ Thị Lan đã rất thành công với mô hình trang trại của mình, góp phần phát triển kinh tế của gia đình cũng như ngành chăn nuôi địa phương. Anh chị là tấm gương để các hộ khác học hỏi và vươn lên.

Phạm Hà

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop