Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 02 năm 2016

Hậu Giang: Vụ mía 2014-2015, nông dân thu lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cơ bản thu hoạch xong vụ mía 2014 - 2015, với diện tích 11.500ha. Theo đánh giá của nông dân trồng mía, đây là vụ mía trúng mùa được giá nên lợi nhuận cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Cụ thể, giá mía tại rẫy dao động từ 900 - 1.200 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với cùng kỳ. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng mía thu lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt đến 70 triệu đồng/ha (đa phần là những thành viên trong Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm).

Với nguồn thu nhập hấp dẫn từ vụ mía qua, bà con nông dân đang tranh thủ xuống giống cho niên vụ mía 2015 - 2016 được hơn 10.314ha, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Đến nay, mía trong giai đoạn từ 1 - 3 tháng tuổi và đa phần phát triển tốt, tuy nhiên vẫn có một số diện tích bị nhiễm sâu đục thân, bọ trĩ, sâu cắn lá, nhưng mật số và tỷ lệ ảnh hưởng không đáng kể.

TUẤN PHÁT

Khuyến cáo nông dân không sử dụng xi măng bón cho lúa

Nguồn tin: Trà Vinh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Công văn số 86/SNN-KT về việc khuyến cáo nông dân trong tỉnh không nên sử dụng xi măng bón cho lúa.

Ngày 25 tháng 01 năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận được Công văn số 91/TT-VPPN của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xác minh ở tỉnh Đồng Tháp có 2 trường hợp nông dân sử dụng xi măng bón cho lúa trong vụ lúa đông xuân 2015 - 2016. Đây là hiện tượng nông dân tự phát thực hiện, không theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp, và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa nói riêng, đất nông nghiệp nói chung trước mắt và lâu dài.

Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất; xi măng không phải là phân bón, cũng không phải là chất cải tạo đất, về cơ bản xi măng không có chất dinh dưỡng cho cây trồng, khi bón xi măng vào đất sẽ ảnh hưởng xấu đến tính chất và sinh trưởng phát triển của cây trồng; do vậy, không được sử dụng xi măng bón cho lúa cũng như các cây trồng nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các ngành chuyên môn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn và tuyên truyền cho nông dân hiểu rõ về tác hại của xi măng đối với các loại cây trồng; đồng thời khuyến cáo nông dân không nên sử dụng xi măng để bón cho lúa cũng như các loại cây trồng khác./.

Khắc Lượng

Hiệu quả trồng ba kích dưới tán rừng Sơn Động (Bắc Giang)

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Sau 2 năm thực hiện mô hình "Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang", cho thấy bà con đã tận dụng được diện tích đất đồi bỏ hoang, giá trị kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác, làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, góp phần bảo vệ loài dược liệu quý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái thăm mô hình trồng cây ba kích ở xã Yên Định (Sơn Động).

Bảo đảm quy trình kỹ thuật

Cây ba kích xuất hiện ở huyện Sơn Động từ lâu, chủ yếu mọc tự nhiên. Trước đây, huyện Sơn Động đã có nhiều chương trình, dự án trồng thử nghiệm cây ba kích nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn. Nguyên nhân là do phần lớn người dân không nắm bắt được đặc tính và kỹ thuật chăm sóc dẫn đến cây sinh trưởng kém, không có củ hoặc củ còi cọc, tỷ lệ sống không cao, giá trị kinh tế thấp...

Đầu năm 2014, Hội Nông dân tỉnh thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả tại Tây Yên Tử, huyện Sơn Động". Đề tài do thạc sĩ Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh làm chủ nhiệm. Ông cho biết: Do nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu của con người ngày một tăng, trong khi các loài cây dược liệu tự nhiên đang ngày một giảm về số lượng và có nguy cơ bị tuyệt chủng, trong đó có ba kích. Vì vậy, tôi và các cộng sự đã thực hiện đề tài với mục đích bổ sung cây ba kích vào cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác cũng như bảo vệ nguồn dược liệu quý hiếm.

Qua nghiên cứu, cây ba kích tồn tại và phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ từ 22,5°C - 23°C. Nếu trồng thuần hoặc trồng xen với cây lâm nghiệp sẽ hỏng vì cây chỉ phù hợp khoảng 50% số giờ chiếu sáng trong ngày.

Nhóm nghiên cứu đã chọn 12 hộ ở xã Yên Định và thị trấn Thanh Sơn để thực hiện các thí nghiệm với diện tích 2 ha (khoảng 15 nghìn cây). Các vườn trồng ba kích bảo đảm đúng thiết kế.

Khi trồng dưới tán cây lâm nghiệp cần lựa chọn đất trồng có độ dốc vừa phải, diện tích trồng ở dưới chân đồi, trên cao trồng cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo). Khoảng cách cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1,5 - 2m tùy theo độ dốc. Đối với diện tích trồng dưới tán cây ăn quả phải lựa chọn đất đã canh tác nhiều vụ, đất chưa bị phong hóa mạnh...

Cùng đó, việc làm đất, bón phân, làm giàn, chọn giống, xác định hố trồng, chăm sóc sau trồng cũng được thực hiện đúng quy trình. Đặc biệt, trong 2 năm đầu, cây ba kích được chú ý chăm sóc rất cẩn thận, vì đây là giai đoạn quan trọng để cây sinh trưởng, phát triển và quyết định đến năng suất sau này.

Nhiều triển vọng

Ông Nguyễn Văn Định ở thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn là 1 trong 7 hộ ở thị trấn tham gia mô hình. Năm 2014, ông được cấp gần 2.000 cây giống ba kích trồng dưới tán rừng. Sau gần 2 năm cây đã cho củ. Theo ông Định, trung bình mỗi cây ba kích thu được từ 3 - 5kg củ. Với giá từ 120 - 160 nghìn đồng/kg ba kích tươi như hiện nay, trừ chi phí gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. "Ban đầu tôi cũng lo vì không biết có hiệu quả không. Nhưng, cây phát triển rất tốt, năng suất cao", ông Định nói.

Mô hình trồng cây ba kích ở thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động).

Ông Nguyễn Văn Hiệu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động cho biết: Các hộ tham gia đề tài thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, cây ba kích phù hợp khí hậu, thích hợp trồng xen ở đất đồi, không phải cạnh tranh về đất với các cây trồng khác, sinh trưởng tốt.

Không chỉ thị trấn Thanh Sơn và xã Yên Định, nhiều hộ ở các xã như Tuấn Đạo, An Lập, Vân Sơn... cũng đã áp dụng trồng ba kích theo mô hình này với diện tích 10 ha.

Theo tính toán, cây ba kích sau 5 năm trồng cho năng suất trung bình đạt 1,5kg củ tươi/cây với tỷ lệ cây sống 80%, doanh thu khoảng 1.800.000 đồng. Trồng 1 ha ba kích thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng keo. Mặt khác, tận dụng được diện tích đất đồi bỏ trống của bà con, tránh lãng phí.

Mô hình này không chỉ góp phần vào việc bảo vệ nguồn dược liệu quý mà còn giúp nông dân thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập.

Trên cơ sở kết quả của đề tài khoa học, huyện Sơn Động đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng cây ba kích dưới tán cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Theo đó, đến năm 2020 phấn đấu diện tích trồng ba kích của huyện Sơn Động khoảng 20 ha. Đồng thời, xây dựng thương hiệu ba kích Sơn Động trong thời gian tới.

Công Doanh

Đồng Nai: Giá rau củ tăng cao sau Tết

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Theo nhiều nông dân trồng rau trên địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thì sau những ngày tết, giá các loại rau, củ trên địa bàn huyện có xu hướng tăng cao. Cụ thể, giá các loại rau ăn lá như: cải ngọt, cải thìa, rau mùng tơi...đang được các thương lái thu mua với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, tăng 2.000 đến 2.500 đồng/kg so trước. Dưa leo, bầu bí, đậu đũa, đậu bắp... có giá từ 6.500 - 7.000 đồng/kg, tăng 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg.

Nguyên nhân dẫn đến giá các loại rau củ tăng cao là do trước đó thời tiết lạnh, kéo theo hiện tượng sương mù, nên cây rau dễ sâu bệnh và khó làm, năng suất chỉ đạt từ 1,5 đến 2 tấn/sào, giảm 0,5 tấn so với cùng kỳ. Ngoài ra, đa số nông dân đều tập trung sản xuất rau phục vụ cho vụ tết nên đến nay lượng rau củ cung ứng ra thị trường rất ít, dẫn đến hút hàng. Tuy năng suất giảm nhưng nhờ giá cả tăng cao nên mỗi sào rau nông dân vẫn thu lãi hàng chục triệu đồng.

Thiên An

Sóc Trăng: Gần 750 ha lúa ở Kế Sách bị thiệt hại do xâm nhập mặn

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

Do bị xâm nhập mặn, đã có gần 750 ha lúa của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại và nhiều diện tích canh tác bị thiếu nước.

Gần 750 ha lúa ở Kế Sách bị thiệt hại do xâm nhập mặn.

Từ trước Tết nguyên đán tình hình xâm nhập mặn trên điạ bàn huyện Kế Sách diễn ra gay gắt và đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 11‰ tại vàm Nhơn Mỹ, 8,7‰ tại thị trấn Kế Sách nên đã có gần 750 ha lúa bị thiệt hại và nhiều diện tích canh tác bị thiếu nước. Trong đó gần 264ha thiệt hại dưới 10%, trên 470ha thiệt hại từ 10% đến 30%, 6,5ha thiệt hại từ 30% đến 70% và 8,7 ha bị mất trắng. Nguyên nhân là các đợt xâm nhập mặn diễn ra đúng lúc lúa đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh nên gây ảnh hưởng lớn tới nhiều diện tích. Các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là thị trấn Kế Sách 150,5ha, xã An Mỹ 307ha, Kế Thành 185 ha, thị trấn An Lạc Thôn 50 ha. Ông Mai Văn Duẫn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kế Sách, cho biết: “Với tình hình này thì thiệt hại trên các trà lúa ở thị trấn Kế Sách còn tăng cao hơn nữa. Hiện chúng tôi mỗi ngày đều phối hợp chặt chẽ với Trạm Thủy nông huyện để nắm rõ tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông báo cho nông dân đóng cống bọng, hạn chế mặn xâm nhập vào đồng ruộng”.

Trái với quy luật mọi năm, tại Kế Sách xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm hơn 1 tháng và độ mặn cũng cao gấp đôi so với năm trước, khiến nông dân không kịp trở tay. Ông Sơn Chôm ở ấp An Khương, thị trấn Kế Sách, cho biết: “Năm nay độ mặn tăng cao mà mực nước ở các sông cũng dâng cao, những diện tích lúa, vườn cây ăn trái gần bờ kênh bị mặn xâm nhập rất sớm ảnh hưởng đến năng suất lúa và cây ăn trái rất nhiều”. Về phía ngành chức năng, thạc sĩ Vũ Bá Quan, Phó Phòng NN&PTNT huyện Kế Sách, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình mặn xâm nhập, ngoài hai điểm đo cố định tại xã Nhơn Mỹ và thị trấn Kế Sách, chúng tôi còn lấy mẫu nước ở các xã, những nơi có khả năng bị ảnh hưởng để kiểm tra độ mặn và có khuyến cáo để bà con chủ động lấy nước, trữ nước cho phù hợp”.

Các trà lúa Xuân hè ở Kế Sách bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập.

Để chủ động phòng chống xâm nhập mặn, huyện Kế Sách chỉ đạo ngành chuyên môn, chính quyền địa phương theo dõi sát diễn biến của xâm nhập mặn, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân có biện pháp ứng phó kịp thời./.

Hải An

Bảo vệ, phát triển đất trồng lúa

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.

Đây là quy định tại Thông tư 18/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Theo đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp có nghị quyết về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại địa phương, trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại địa phương theo từng địa bàn theo công thức tính quy định.

Thông tư nêu rõ: Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = tỷ lệ phần trăm (%) (x) diện tích (x) giá của loại đất trồng lúa.

Trong đó: Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%.

Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.

Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê.

Chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa

Thông tư nêu rõ mức hỗ trợ địa phương sản xuất lúa theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP.

Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ, xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm phân bổ ngân sách.

Về quản lý sử dụng kinh phí, Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng khoản tiền thu được và kinh phí được hỗ trợ để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp với điều kiện của địa phương như: Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; khai hoang phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/3/2016.

Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2015. Riêng chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa thực hiện từ ngày 01/01/2016.

Khánh Linh

Xuất khẩu… cùi bắp

Nguồn tin: Báo An Giang

Những năm gần đây, cùi bắp được một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thu mua khá mạnh để sản xuất nấm và phục vụ chăn nuôi. Nếu như trước đây, nông dân huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) coi cùi bắp là phế phẩm bỏ đi thì hiện nay, nó lại là nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân sau khi thu hoạch bắp.

- Bắp sau khi lấy hạt, cùi bắp cũng rất có giá trị

Bắp lai là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện An Phú. Diện tích trồng bắp lai hàng năm khoảng 3.000 héc-ta, năng suất bình quân 9,5 tấn/héc-ta. Bắp lai được trồng ở nhiều nơi nhưng tập trung chủ yếu tại các xã: Khánh An, Khánh Bình, Phú Hữu, Quốc Thái, Nhơn Hội, thị trấn Long Bình... Trước đây, sau khi thu hoạch, bắp được tách lấy hạt phơi khô rồi bán, một phần cùi bắp được sử dụng làm củi nấu, nhưng đa số là bỏ đi, gây ô nhiễm mỗi trường. Ước tính mỗi công, phần cùi bắp bỏ đi khoảng 200kg.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc có nhu cầu thu mua cùi bắp làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm với số lượng rất lớn. Ngoài ra, một phần do thị trường các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc tăng giá, các doanh nghiệp nước ngoài chuyển sang thị trường Việt Nam nên cùi bắp từ phế phẩm đã trở thành sản phẩm hút hàng. Đây cũng là cơ hội để nông dân tìm hướng đi mới cho mình.

Nhận thấy được tiềm năng to lớn từ cùi bắp, ông Trần Công Nẻo (thị trấn An Phú, huyện An Phú) đã nắm bắt cơ hội này và là người tiên phong đưa phế phẩm từ cây bắp ra nước ngoài. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Xuất nhập khẩu Tấn Lộc Phát (Công ty Tấn Lộc Phát) của ông Nẻo là địa điểm thu mua cùi bắp chính của nông dân huyện An Phú. Ông Nẻo cho biết: “Hiện nay, mỗi héc-ta bắp sau khi thu hoạch, tách hạt sẽ thu được 2 tấn cùi bắp. Với giá mua tại ruộng 800 đồng/kg, nông dân lãi thêm từ 1,5 - 2 triệu đồng/héc-ta.”

- Bắp sau khi lấy hạt, cùi bắp cũng rất có giá trị

“Thông thường, sau khi thu hoạch bắp, nông dân thường tách hạt rồi bỏ cùi tại ruộng. Phần cùi này được đốt đi hay tập trung lại một chỗ nhưng không được xử lý nên lâu ngày dẫn đến ô nhiễm môi trường. Sau khi tìm hiểu thị trường, với kinh nghiệm trong việc chế tạo, sửa chữa máy, tôi đã chế ra dây chuyền xay nhuyễn và ép thành khối cùi bắp” – ông Nẻo cho biết thêm. Tại công ty của ông Nẻo, cùi bắp sau khi mua về được sấy khô, sau đó được xay nhuyễn, rồi ép thành khối có kích thước 70x40x20cm theo một dây chuyền tự động khép kín, với khối lượng ước khoảng 30 kg/khối. Ước tính mỗi năm, Công ty Tấn Lộc Phát sản xuất 400 – 500 tấn cùi bắp thành phẩm, sản phẩn được tiêu thụ ở thị trường Cần Thơ và xuất khẩu sang thị trường Nhật, Hàn Quốc với giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/tấn.

Hiện nay, phần lớn nông dân An Phú chỉ canh tác một vụ bắp, thời điểm xuống giống từ tháng 7 - 10 âm lịch nên vào thời gian này, Công ty Tấn Lộc Phát đẩy mạnh sản xuất. Thời gian còn lại, công ty chỉ hoạt động cầm chừng vì nguồn nguyên liệu không đủ. Ông Nẻo cho biết: “Để có đủ nguyên liệu, chúng tôi phải đi mua cùi bắp từ những nông dân ở một số địa phương khác như Tân Châu, Trà Vinh… có khi sang Campuchia để mua hàng về. Nhìn chung, đầu ra của loại sản phẩm này ổn định và rất hút hàng. Làm ra bao nhiêu, khách hàng thu gom hết bấy nhiêu, không có tình trạng ế hàng”.

Với việc thành lập công ty thu mua cùi bắp cho nông dân, ông Nẻo không những góp phần tăng thêm thu nhập của nông dân trồng bắp, mà còn giảm ô nhiễm môi trường từ việc vứt bỏ cùi bắp và tạo việc làm cho khoảng 13 lao động, với thu nhập bình quân mỗi người từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

ĐỨC TOÀN

Hà Nội: Khẩn trương gieo cấy vụ Xuân

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Tranh thủ thời tiết nắng ấm, trong những ngày qua, bà con nông dân các huyện ngoại thành hối hả xuống đồng làm đất, gieo cấy lúa vụ Xuân 2016.

Năm nay, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại trong Tết nên tiến độ gieo cấy có phần chậm hơn năm trước, song vẫn trong khung thời vụ cho phép.

Hối hả xuống đồng

Sáng mùng 7 tháng Giêng Âm lịch, khi những tia nắng Xuân ấm áp đầu tiên ló rạng cũng là lúc cánh đồng Hến, đồng Nẩy, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội) bắt đầu nhộn nhịp. Dù chưa vào khung thời vụ gieo cấy của địa phương, song nhiều nông dân đã gác lại những cuộc vui Xuân ra đồng đắp bờ, làm đất, kiểm tra ruộng mạ. Bà Trần Thị Đức, thôn Nhuệ, xã Đức Thượng cẩn thận lật mở nilon che ở hai đầu luống mạ cho thoáng khí, để mạ đón ánh nắng cho thêm cứng cáp. Bà Đức chia sẻ, diện tích mạ mới gieo được 17 ngày tuổi, phải qua Rằm tháng Giêng mới bắt đầu bước vào vụ cấy. Tuy nhiên, từ mùng 4 Tết bà con nông dân trong xã đã tranh thủ xuống đồng làm đất với khí thế rất sôi nổi.

Bà Trần Thị Đức, thôn Nhuệ, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức lật nilon cho mạ.

Đông vui hơn là cánh đồng Láng, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ khi mà nhiều người dân hối hả xuống đồng cấy lúa. Những mảng ruộng nâu được làm đất phẳng phiu dần được phủ một màu xanh của lúa mới cấy. Tiếng í ới chuyện trò, hỏi thăm nhau của những người nông dân sau dịp nghỉ Tết hòa lẫn tiếng máy cày, tiếng tát nước oàm oạp càng khiến cho không khí lao động thêm phần rộn rã. Chị Trần Thị Tình, thôn Đông, xã Phụng Thượng cho biết, gia đình chị có 5 sào cấy lúa. Trong Tết đã cấy được 3 sào và từ mùng 6 Tết chị bắt đầu cấy tiếp diện tích còn lại. “Đầu năm, giá đạm, lân, công làm đất vẫn ổn định nên bà con yên tâm sản xuất” – chị Tình chia sẻ.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, tính đến ngày 14/2, toàn huyện gieo trồng cây vụ Xuân được hơn 1.700ha, đạt 33,8% kế hoạch, trong đó diện tích cấy lúa đạt 21%. Nhờ thời tiết ấm nên bắt đầu từ mùng 3 Tết, một số bà con nông dân trên địa bàn huyện đã ra đồng lấy nước, cấy lúa. Tuy nhiên phải tới ngày mùng 5 Tết, khí thế ra quân sản xuất mới thực sự sôi nổi. Theo kế hoạch, huyện Phúc Thọ sẽ hoàn thành gieo cấy vụ Xuân 2016 trong tháng 2.

Tận dụng tốt nguồn nước

Theo nhận định của các địa phương, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại trước Tết nên tiến độ làm đất, gieo cấy trong vụ Xuân năm nay đều bị chậm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, thời tiết ấm với nền nhiệt trung bình từ 16 – 20oC kéo dài từ Tết cho đến nay là điều kiện thuận lợi để cây mạ phát triển và gieo cấy. Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo các địa phương động viên nông dân tranh thủ thời tiết nắng ấm nên cấy lượng mạ dài trước, mạ ngắn sau song vẫn phải đảm bảo cấy xong trong tháng 2, bởi đây là khung thời vụ tốt nhất. Để kịp khung thời vụ, nhiều địa phương đã nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy nhằm tiết kiệm thời gian và công sức cho nông dân.

Đáng chú ý, hiện nay một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn về nguồn nước, cần tận dụng tốt lần xả nước đợt 3 (bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/2). Ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, tính đến ngày 14/2, huyện vẫn đang duy trì 39 máy bơm từ các ao hồ, vùng trũng lên phục vụ gieo cấy song diện tích có nước đổ ải của toàn huyện mới đạt 57%, diện tích làm đất đạt 44%. “Nguyên nhân là đợt xả nước lần 2 bị dừng thực hiện nên lượng nước trữ trong các ao, hồ trên địa bàn không đủ cấp cho đồng ruộng” – ông Tuấn cho hay.

Theo kế hoạch, vụ Xuân năm nay, toàn TP gieo cấy 99.700ha lúa. Nhằm kịp thời nắm bắt thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất, cuối tuần qua, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ đã đi kiểm tra tiến độ sản xuất vụ Xuân tại một số địa phương khu vực ngoại thành. Qua kiểm tra, ông Chu Phú Mỹ đề nghị các DN khai thác công trình thủy lợi và chính quyền địa phương tập trung lấy đủ nước đổ ải phục vụ làm đất gieo cấy. Đồng thời chấp hành nghiêm lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa gieo cấy, không gieo cấy các giống lúa dài ngày, phấn đấu gieo cấy lúa Xuân xong trong tháng 2.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), để chuẩn bị cho đợt lấy nước thứ 3, bắt đầu từ 0 giờ ngày hôm nay (16/2), các DN thủy lợi trên địa bàn TP đã tổ chức vận hành 102 trạm bơm với 283 máy bơm các loại (tổng lưu lượng khoảng 364.750 m3/giờ). Theo kế hoạch, đợt lấy nước thứ 3 sẽ kéo dài 8 ngày và kết thúc vào 24 giờ ngày 23/2. (Lâm Nguyễn)

Ánh Ngọc

Phát triển ngành hàng cây ăn trái theo hướng bền vững

Nguồn tin: Tiền Giang

Tiền Giang được xem là "vương quốc" cây ăn trái với nhiều chủng loại trái ngon. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng này trong thời gian qua còn nhiều bất cập, cần được tháo gỡ để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Khóm Tân Phước nổi tiếng ngon, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

1. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, năm 2010, diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 67.500 ha, sản lượng đạt 1 triệu tấn, đến năm 2015 tăng lên 72.800 ha, sản lượng đạt 1,27 triệu tấn. Giá trị sản xuất tăng từ 7.416 tỷ đồng năm 2010 lên 11.991 tỷ đồng năm 2015, chiếm 51% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Trong đó, phần lớn diện tích cây ăn trái tập trung ở khu vực phía Tây của tỉnh gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành (chiếm 79% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh). Đây cũng là vùng nguyên liệu quan trọng để tổ chức thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Đặc biệt, tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái đặc sản tập trung nổi tiếng như: Khóm Tân Lập, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, cam, bưởi, nhãn... góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở các vùng trồng tập trung được hình thành, tỉnh đã xác định được 7 loại cây ăn trái chủ lực gồm xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo, bưởi lông Cổ Cò; đồng thời xúc tiến các bước đi cụ thể để phát triển chúng như các loại cây ăn trái này đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Riêng xoài cát Hòa Lộc đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tiếp theo đó, ngành Nông nghiệp đã Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Trước xu thế sản xuất nông sản theo hướng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình canh tác an toàn, GAP cho nhà vườn. Kết quả đến nay, bước đầu nhà vườn đã chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Qua đó, trái cây của tỉnh được nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra cơ hội lớn cho việc xâm nhập vào thị trường trái cây thế giới.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, toàn tỉnh có khoảng 400 ha cây ăn trái áp dụng và duy trì việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên sản phẩm cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long, sơ ri, nhãn, chôm chôm.

Để hạn chế tình trạng "được mùa rớt giá, được giá mất mùa", một giải pháp hiệu quả được nhà vườn quan tâm là áp dụng khoa học - kỹ thuật vào xử lý cây cho trái nghịch vụ, sớm hoặc muộn hơn mùa vụ chính để bán được giá, tránh ngập lũ. Việc áp dụng các kỹ thuật xử lý cho trái nghịch vụ của nhà vườn trên một số cây ăn trái đạt hiệu quả tốt, mang lại lợi nhuận cao, góp phần ổn định cơ cấu cây ăn trái. Cụ thể như áp dụng kỹ thuật xử lý nghịch vụ trên sầu riêng, thanh long, thu nhập hàng năm của nhà vườn tăng từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

2. Giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định chất lượng, năng suất, sản lượng nông sản. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, tỉnh đã tiến hành bình chọn giống cây đầu dòng đối với cây ăn trái; cấp mã đơn vị sản xuất, kinh doanh giống. Tính đến năm 2014, tỉnh đã cấp 13 mã số cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn; tổ chức bình tuyển được 5 chủng loại cây ăn trái như xoài (xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu), bưởi lông Cổ Cò, khóm Queen, vú sữa Lò Rèn và sơ ri. Từ đó, diện tích các giống cây ăn trái cho năng suất, chất lượng thấp đã được thay thế dần bằng các giống có năng suất, chất lượng cao; đơn cử như các giống sầu riêng Ri 6, Monthong, sầu riêng sữa hạt lép đã thay thế hơn 90% diện tích các giống sầu riêng khổ qua,...

Theo ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh có khoảng 60 cơ sở sản xuất - kinh doanh giống cây ăn trái (2 cơ sở do Nhà nước quản lý), với số lượng giống sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sản xuất. Số nhu cầu giống cây ăn trái còn lại trong dân được cung ứng từ các tỉnh lân cận. Do đó công tác đảm bảo tính đúng giống và kiểm dịch dịch bệnh còn hạn chế, thiếu một số cây đầu dòng và vườn đầu dòng để nhân giống sản xuất. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống chưa đảm bảo chất lượng xuất bán; một số giống địa phương còn mang tính tự cung tự cấp, một số nông hộ sản xuất giống dựa vào kinh nghiệm, tự chuyển giao, nên không đúng cách, giống chưa kiểm soát chất lượng, dịch bệnh; còn nhiều cơ sở sản xuất giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh giống...

Để tiếp tục cải thiện năng suất, chất lượng nông sản trong lĩnh vực cây ăn trái, Sở NN&PTNT định hướng thời gian tới sẽ tập trung vào đầu tư, phát triển các loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long thành ngành hàng mũi nhọn của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị cao thông qua tăng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn GAP với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 30% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn trên. Song, trước mắt, ngành quy hoạch vùng sản xuất cho các loại cây ăn trái đặc sản lợi thế là xoài, sầu riêng, thanh long. Tăng cường sản xuất, quản lý chất lượng giống, chuyển giao quy trình canh tác tiến bộ; đầu tư cơ sở hạ tầng; tổ chức sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: "Ngành sẽ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng và phát triển liên kết chuỗi cho ngành hàng trái cây; đẩy mạnh công tác nhân giống, bảo tồn nguồn gen cây ăn trái tốt".

Theo Sở NN&PTNT, mặc dù là tỉnh có diện tích, sản lượng trái cây lớn, nhưng hệ thống cơ sở chế biến chưa được đầu tư, phát triển tương xứng; mối liên kết bền vững giữa sản xuất và chế biến chưa phát triển; các cơ sở công nghiệp chế biến chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; công nghệ chế biến vẫn còn nhỏ so với năng lực sản xuất (mặt hàng chế biến chủ lực vẫn là khóm). Hiện nay, trên lĩnh vực chế biến trái cây ở tỉnh có Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang hàng năm tiêu thụ khoảng 100.000 tấn trái cây tươi với hình thức chế biến trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp, trái cây ép cô đặc; Công ty TNHH Thịnh Phát tiêu thụ khoảng 8.000 tấn sơ ri/năm, chủ yếu sơ chế xuất khẩu tươi và chế biến dạng pure. Ngoài ra, còn có một số đơn vị sản xuất trái cây nhưng số lượng ít như: Công ty TNHH Long Nguyên, Công ty TNHH Hưng Phát.

Hiện các mặt hàng trái cây có sản lượng tương đối lớn và có thể đưa vào chế biến gồm xoài, cam, bưởi, nhãn, chôm chôm. Thế nhưng các loại khóm, nhãn, sa pô đã được đưa vào chế biến dưới dạng nước đường đóng hộp hoặc cô đặc... ước chiếm chưa đến 10%.

Ngô Văn

Mát, thơm cam Vân Đồn (Quảng Ninh)

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Từ lâu cam Vân Đồn (Quảng Ninh) đã nổi tiếng với vị ngọt, mát và thơm, tuy nhiên phải đến khi tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” - OCOP, cam Vân Đồn mới khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị của cây cam, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng cam.

Người dân xã Vạn Yên thu hoạch, đóng gói sản phẩm cam.

Anh Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên - một trong những hộ trồng cam lâu năm và thành công ở xã Vạn Yên, Vân Đồn cho biết: Gia đình chúng tôi bắt đầu xây dựng trang trại trồng cam từ hơn chục năm nay, chủ yếu trồng các giống cam bản địa như cam Sen, cam đường canh. Cả hai giống cam này đều cho năng suất và giá thành khá cao. Đến nay, trang trại đã có 7ha cam, trong đó có 1,5ha đã cho thu hoạch với sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 20 tấn. Vụ cam cuối năm 2015, nhiều hộ trồng cam tại Vạn Yên được mùa, được giá với mức giá bán tại vườn trên 30.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó và sản lượng chưa đủ cung cấp cho thị trường. Mức thu nhập bình quân của các hộ trồng cam đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.

Xác định là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, cam Vân Đồn đã được địa phương tập trung xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đến nay, sản phẩm cam Vân Đồn đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Cam Vân Đồn cũng ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và nghề trồng cam dần trở thành một nghề chính mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trồng cam trên địa bàn huyện. Hiện riêng xã Vạn Yên có 90ha trồng cam với 150 hộ tham gia, trong đó đã có 17ha cam cho thu hoạch.

Được biết cam Vân Đồn đã có từ lâu đời, do nhân dân tự trồng và phát triển, trong đó tập trung nhiều nhất ở xã Bản Sen và Vạn Yên. Đây là giống cam bản địa với các loại cam sáp, cam Sen, cam đường… có vị ngọt đậm đà và mùi thơm đặc trưng. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2013 đến nay, huyện đã hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật để bà con vùng cam phát triển trồng mới 80ha cam và một phần do bà con tự phát triển thêm. Chủ trương của huyện là sẽ xây dựng vùng sản xuất cam tập trung, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện Vân Đồn có 150ha cam, trong đó Bản Sen 70ha, Vạn Yên 80ha, sản lượng đạt khoảng 600 tấn. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2016, sẽ nâng diện tích trồng cam toàn huyện lên hơn 220ha, sản lượng đạt khoảng trên 900 tấn. Đến nay, huyện Vân Đồn cũng đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất cam tập trung tại Vạn Yên, Bản Sen, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên với diện tích đến năm 2020 phấn đấu đạt khoảng 610ha, sản lượng đạt trên 3.200 tấn/năm. Để hỗ trợ người dân tập trung phát triển cây cam đặc sản, huyện Vân Đồn cũng tích cực phối hợp với các đơn vị khoa học như Viện Nghiên cứu rau quả để chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất cây giống bằng công nghệ ghép để có hệ số nhân giống cao hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng cử đoàn đi học tập kinh nghiệm tại vùng sản xuất cam tập trung ở Cao Phong (Hoà Bình). Đồng thời, xây dựng cơ chế đầu tư hạ tầng dùng chung phục vụ sản xuất tại vùng trồng cam tập trung như hệ thống đường giao thông, điện lưới, tưới tiêu và hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho bà con. Huyện cũng đang tập trung xây dựng website Cam Vân Đồn, dự kiến quý I-2016 sẽ bắt đầu đi vào hoạt động, tăng thêm một kênh quảng bá sản phẩm để cam Vân Đồn vươn xa.

Phương Thúy

Đoàn công tác UBND tỉnh Trà Vinh tham quan mô hình trồng xoài trên vùng đất giồng cát ven biển huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre

Nguồn tin: Trà Vinh

Ngày 14/02, Đoàn công tác UBND tỉnh Trà Vinh do ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến tham quan thực tế mô hình trồng xoài trên vùng đất giồng cát ven biển ở 02 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Tham gia cùng đoàn có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND các huyện Cầu Kè, Càng Long, Hội Làm vườn tỉnh Trà Vinh.

Mục đích của chuyến tham quan thực tế lần này của đoàn Trà Vinh là nhằm tìm hiểu rõ hơn về những giống xoài thích nghi trên đất vùng cát ven biển, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đầu ra sản phẩm… để từ đó có thể áp dụng được trên đất giồng cát vùng ven biển tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.

Báo cáo với đoàn, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, ông Lâm Văn Tân cho biết: Sau hơn 02 năm triển khai mô hình trồng xoài trên vùng đất giồng cát ven biển, nông dân 02 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải đã tận dụng diện tích đất vườn tạp, bìa chéo, đất trồng màu kém hiệu quả để trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn như: Xoài Tứ Quý, xoài cát Hòa Lộc…Hiện nay, diện tích trồng xoài của 02 xã đã chiếm hơn 150 ha trên tổng số 610 ha đất nông nghiệp của 02 xã. Bên cạnh việc khuyến cáo bà con chuyển đổi trồng xoài Tứ Quý, xã cũng đã thành lập tổ hợp tác xoài Tứ Quý để bà con có đầu ra thuận lợi, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Tuy nhiên, cũng phải cân đối diện tích giữa các cây màu còn lại để đa dạng hóa nông sản tại địa phương. UBND 02 xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về kỹ năng trồng, chăm sóc xoài Tứ Quý để bà con có thể đạt được năng suất cao nhất, đời sống người nông dân ngày càng ổn định hơn khi đồng hành cùng cây xoài Tứ Quý trên đất giồng cát vùng ven biển của 02 xã.

Được biết, hiện nay ở tỉnh Trà Vinh đã có 02 huyện triển khai thực hiện mô hình này với tổng diện tích 96 ha, là Cầu Kè 63 ha và Càng Long 33 ha./.

Ngọc Hồng

Cửa khẩu Tân Thanh thông quan trên 200 xe dưa hấu và thanh long/ngày

Nguồn tin: VOV

Các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn giải quyết thông quan 220 - 230 xe dưa hấu, thanh long mỗi ngày qua cửa khẩu Tân Thanh.

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết ngày 20/1, tổng lượng dưa hấu xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đạt trên 26.000 tấn với giá xuất khẩu dao động khoảng từ 1,3 - 1,5 NDT/kg. Tổng lượng thanh long xuất khẩu cũng đạt trên 24.000 tấn với mức giá dao động khoảng từ 90 - 100 NDT/thùng 25kg.

Cho đến nay, hàng ngày các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn cơ bản vẫn giải quyết thông quan hết số lượng xe lên cửa khẩu theo hướng ưu tiên xe chở dưa hấu đi trước, xe chở thanh long đi sau với tỷ lệ 4 xe dưa - 2 xe thanh long, sau đó là hàng hóa khác, trung bình mỗi ngày xuất khẩu được 220 - 230 xe dưa hấu và thanh long. Tính đến ngày 28/1, lượng xe đỗ dừng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh ra đến gần khu vực Bắc Luống trên quốc lộ 4A khoảng 200 xe, trong có 80 - 90 xe chở thanh long.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, với nỗ lực của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lạng Sơn, mặc dù lượng hàng hóa đang có xu hướng tăng hơn so với các ngày trước nhưng công tác điều tiết, phân luồng hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015/2016, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lạng Sơn và UBND các địa phương trồng dưa hấu, thanh long theo dõi sát tình hình xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh hàng ngày, từ đó kịp thời điều tiết lượng hàng đưa lên khu vực cửa khẩu, tránh gây thiệt hại cho người nông dân và cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nêu trên tại thị trường trong nước...

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện công tác phân luồng giao thông trên quốc lộ 4A (đưa xe đỗ dừng một làn đoạn từ Ngã ba Ma Mèo đến khu vực Pá Phiêng, đảm bảo một làn còn lại vẫn lưu thông thông suốt); kéo dài thời gian làm việc, tạo điều kiện thông quan hàng hóa tối đa; đảm bảo an ninh trật tự; không thực hiện dừng xe kiểm tra với dưa hấu, thanh long và các hàng nông sản xuất khẩu khác tại các khu vực kiểm soát…

Đặc biệt, theo đề nghị của Bộ Công Thương, hiện nay Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã bố trí 2 khu vực để làm địa điểm trung chuyển và tập kết xe, tránh tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Trong đó, khu bãi phía đông Chợ Hữu Nghị, rộng 1,5ha có sức chứa 150 - 180 xe và Khu bãi tại Dự án Công ty CP Quốc tế Lạng Sơn, rộng 7.000m2 với sức chứa 70 - 80 xe. Việc tập kết xe chở hàng vào các khu vực nêu trên cũng phần nào giải quyết được 1/3 - 1/2 lượng xe không đỗ dọc trên quốc lộ 4A./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop