Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 03 năm 2021

Mầm xanh mới trên vùng chuyên canh cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Nhiều vườn chuyên canh cây ăn trái ở các huyện phía Tây bắt đầu khoác lên mình màu xanh tươi mới hơn sau khi chịu tác động khốc liệt của đợt hạn, mặn năm 2020. Những vườn sầu riêng ở xã Tam Bình, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chuẩn bị cho một mùa vụ mới, thắng lợi mới.

CHỒI NON NẢY NỞ

Trung tuần tháng 3, bước vào cao điểm mùa khô năm 2021, chúng tôi quay lại vùng chuyên canh cây ăn trái của các huyện phía Tây đúng 1 năm sau khi khu vực này phải hứng chịu một trong những đợt cao điểm của hạn, mặn khốc liệt mang tính toàn vùng và những thiệt hại do hạn, mặn gây ra khó đo đếm chính xác.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc khoan giếng ở xã Ngũ Hiệp.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi về xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), dù trong cảnh nắng chói chang, oi bức của mùa khô nhưng tâm trạng của người dân ở đây có vẻ phấn khởi và an tâm hơn năm trước. Điều này cũng một phần xuất phát từ niềm vui chung khi cầu Ngũ Hiệp chính thức nối đôi bờ, người dân “xã đảo” không còn phải qua sông lụy đò. Nhưng hơn hết, tâm lý phấn khởi của người dân được khơi nguồn từ những vườn cây ăn trái chuyên canh, trọng điểm là sầu riêng - nguồn sống chính của họ - đã bắt đầu đâm chồi, nảy lộc và chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Chạy dọc các tuyến đường phẳng phiu trên địa bàn xã Ngũ Hiệp, trước mắt chúng tôi giờ đây là màu xanh bạt ngàn của những vườn sầu riêng đang độ thu hoạch. Tuy chưa thật sự được khôi phục hoàn toàn, nhưng với người dân ở đây, những vườn sầu riêng được phủ màu xanh mới, chồi non nảy nở đã mang lại niềm phấn khởi cho họ. Bởi trong mùa khô năm 2020, xã Ngũ Hiệp có khoảng 150 ha vườn sầu riêng đang độ thu hoạch chịu ảnh hưởng không ít do hạn, mặn và tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân.

Niềm vui chung của người dân xã Ngũ Hiệp những ngày này còn được khơi nguồn từ những công trình phòng, chống hạn, mặn như đắp đập, đào giếng… được tỉnh, địa phương triển khai từ rất sớm. Chưa kể, ý thức người dân trong việc bảo vệ vườn cây ăn trái cũng thay đổi nhiều hơn, nhờ rút kinh nghiệm từ sau đợt hạn, mặn của năm trước.

Giờ đây, họ đã chủ động hơn về nguồn nước ngọt cho khu vườn của mình. Loay hoay dọn cỏ trong vườn sầu riêng hơn 0,5 ha, ông Nguyễn Hải Băng (ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp) cho biết, nếu đợt hạn, mặn năm trước ảnh hưởng 70% vườn sầu riêng thì nay đã phục hồi được khoảng 50%. Mùa hạn, mặn năm nay gia đình ông đã rút kinh nghiệm nên chủ động nguồn nước ngọt. Chưa kể, việc Nhà nước đắp các đập, khoan giếng nước ngọt mang lại nhiều ý nghĩa cho nông dân trên địa bàn.

Nhiều vườn sầu riêng bắt đầu xanh mượt trở lại.

Cùng chung niềm vui chuẩn bị vào vụ mùa mới, ông Phạm Văn Hùng (ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp) cho biết, vào mùa hạn, mặn năm trước gia đình phải mua nước ngọt để tưới cây sầu riêng, số lượng lên đến khoảng 250 m3, với giá 50.000 đồng/m3 nhưng vẫn không đảm bảo đủ nước cho vườn sầu riêng, chưa kể nguồn lực tài chính cũng khó khăn.

Từ đó, gia đình ông bàn nhau khoan giếng và áp dụng nhiều kỹ thuật chăm sóc nên vườn sầu riêng đến nay vẫn xanh tốt, không bị ảnh hưởng lớn. “Tuy nhiên, rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay gia đình chăm chút nhiều hơn cho vườn sầu riêng, nhất là chủ động kiểm soát nguồn nước ngọt, tránh để nước mặn xâm nhập nếu như nước mặn năm nay có lấn đến khu vực này.

Với 0,5 ha sầu riêng, cùng với 4 cái giếng đã được khoan năm trước, nếu nước mặn đến, gia đình sẽ sử dụng từ nguồn nước giếng khoan này để tưới cho sầu riêng. Nếu nước mặn không lấn tới thì sử dụng nguồn nước sông bình thường. Người dân ở đây cũng chủ động đo độ mặn hằng ngày, kinh tế của mình thì mình chủ động lo trước. Nói chung, ý thức phòng, chống hạn, mặn của người dân ở đây đã thay đổi nhiều”- ông Hùng chia sẻ.

CHỜ VỤ MÙA MỚI

Chúng tôi ngược về xã Tam Bình, nơi được xem là một trong những nơi “trọng điểm” chịu tác hại của hạn, mặn năm 2020. Sau đúng một năm, những vườn cây chịu thiệt hại hoàn toàn cũng đã được thay bằng những mầm xanh mới.

Số diện tích có tỷ lệ thiệt hại ít hơn cũng đã bắt đầu hồi phục, cây đâm chồi nảy lộc. Giờ đây, người dân trên địa bàn xã bắt đầu chăm chút để đón những mùa vụ mới; đồng thời chủ động ứng phó với những bất thường của khí hậu, thời tiết trong thời gian tới. Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm chia sẻ rằng, phải nói Tam Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của hạn, mặn năm 2020. Từ đó, diện tích sầu riêng trên địa bàn xã bị ảnh hưởng rất lớn, với trên 50% diện tích bị ảnh hưởng (tỷ lệ từ 30% đến 70%). Sau đó, người dân tập trung khôi phục lại vườn sầu riêng. Thực hiện theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đến nay hầu hết vườn cây ăn trái tương đối tươi tốt trở lại và chờ đợi cho vụ mùa mới.

Cụ thể, xã Tam Bình có khoảng 1.500 ha trồng sầu riêng, đến nay có hơn 50% đã khôi phục tốt trở lại sau đợt hạn, mặn của năm trước. Đối với những diện tích cây bị chết, người dân trồng lại sầu riêng mới, bởi cây trồng này được xem là chủ lực, mang lại kinh tế cao trong những năm qua. “Rút kinh nghiệm của đợt hạn, mặn vừa qua, địa phương đã chủ động hơn trong phòng, chống hạn, mặn như trữ nước ngọt, để cỏ, đậy gốc trong mùa nắng, tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Ngoài tuyên truyền người dân đo độ mặn, xã đã vận động, đề nghị sửa, gia cố các cống để chủ động trữ ngọt khi nước mặn xâm nhập” - đồng chí Đặng Văn Lâm cho biết.

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 xấp xỉ hoặc cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016 một ít và thấp hơn mùa khô 2019 - 2020. Đây là niềm vui của người dân trồng sầu riêng khu vực phía Tây tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chức năng, người dân cũng cần chủ động, nâng cao ý thức phòng, chống hạn, mặn nhằm ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường, giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại, góp phần cho cuộc sống ổn định hơn.

Vậy là, những màu xanh mới ở những vườn sầu riêng trên các địa bàn trọng điểm, chuyên canh cây ăn trái như Tam Bình, Ngũ Hiệp hứa hẹn sẽ mang đến một vụ mùa bội thu. Những vụ mùa thắng lợi mới cũng sẽ là niềm mong muốn của rất nhiều người…

A.P - M. THÀNH

Thu tiền tỷ từ trồng sầu riêng và bơ

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trước đây, trên 1,5 ha đất canh tác của gia đình, anh Lê Văn Hải ở buôn Pan B, xã Ea Yông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) chủ yếu trồng cà phê. Tuy nhiên, những năm gần đây cà phê bắt đầu già cỗi, sản lượng giảm, giá cả bấp bênh, hiệu quả kinh tế đem lại không cao.

Qua quá trình tham quan, học hỏi từ các mô hình xen canh ở một số nơi, nhận thấy đất đai ở địa phương màu mỡ, phù hợp trồng cây ăn trái, năm 2014 anh Hải đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn chuyển hướng sang trồng sầu riêng Dona. Sầu riêng được anh trồng xen trong vườn cà phê, đến khi bắt đầu thu hoạch thì anh tỉa bỏ cà phê. Cách làm này giúp anh vừa chuyển đổi cây trồng, vừa bảo đảm nguồn thu nhập cho gia đình.

Vùng đất Krông Pắc là nơi sầu riêng phát triển mạnh nên anh Hải có nhiều thuận lợi trong việc nắm bắt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh đã nghiên cứu xử lý cho cây sầu riêng ra hoa trái vụ để cây đậu trái sớm, bán giá cao. Bên cạnh đó, năm 2018 anh Hải đầu tư 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc cho vườn sầu riêng, tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể trong việc chăm sóc vườn cây. Hiện nay, vườn nhà anh có 150 cây sầu riêng, trong đó có 120 cây đang trong giai đoạn kinh doanh. Bình quân mỗi cây đạt sản lượng 200 kg (trung bình cứ 25 trái đạt 100 kg). Mỗi vụ anh thu được 26 tấn sầu riêng. Với giá bán tại vườn 55.000 đồng/kg, thu nhập từ bán sầu riêng của gia đình anh đạt 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 900 triệu đồng.

Anh Hải chăm sóc bơ.

Trong vườn sầu riêng, anh Hải còn trồng 150 cây bơ Thành Bích, bơ Trịnh Mười và hơn 100 cây bơ ghép giống bơ Hass, bơ Reed…, trong đó hơn 50 cây chuyên dùng ghép cành chồi để bán. Đặc biệt, trong vườn của anh có cây bơ nhân giống ghép 2 - 3 loại bơ. Mỗi năm anh Hải thu 100 triệu đồng từ việc bán bơ trái vụ; riêng việc bán chồi, cành bơ ghép cho các vườn ươm cho khoảng 30 triệu đồng.

Anh Hải chia sẻ, việc trồng xen canh bơ cùng sầu riêng có rất nhiều lợi ích như bơ là cây che chắn cho sầu riêng, giữ lượng nước tưới, giảm mức độ xói mòn của đất. Ngoài ra, trồng xen canh kết hợp với kỹ thuật ghép cành giống mới sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hải còn giúp nhiều hội viên nông dân cùng phát triển mô hình kinh tế theo hướng này để họ có thu nhập ổn định.

Đoàn Dũng

Phú Yên: Đậu đỏ được mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Theo Sở NN-PTNT, đến thời điểm này, nông dân các huyện Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) đã thu hoạch 3.700ha đậu đỏ, bán với giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cách đây 2 năm.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất đậu đỏ đạt 12 tạ/ha, cao hơn năm trước 4-6 tạ/ha. Theo nhiều người dân, đậu đỏ dễ trồng, không kén đất nên thường được trồng trên vùng gò đồi. Vào tháng 7 âm lịch, nếu đất rẫy thì phát dọn chồi non đốt, đến tháng 8 trời mưa trỉa đỗ.

Còn đất trống (đất hoang) thì qua tháng 8 vãi hạt giống rồi cày lấp, sau đó “khoán trắng” cho trời đến khi ra trái không tốn công chăm sóc và tiền phân, thuốc. Nông dân thu hoạch rộ đậu đỏ vào tháng Giêng và kết thúc vào tháng 2 âm lịch.

LÊ TRÂM

Gia Lai: Hồ tiêu tăng giá nhưng cần cẩn trọng khi trồng mới

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, hiện đang giữ ở mức 73.000 đồng/kg khiến nông dân Gia Lai vừa mừng vừa băn khoăn về việc trồng mới. Trước những trăn trở này, chính quyền địa phương cũng như chuyên gia nông nghiệp đều khuyến cáo người dân chỉ nên duy trì chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có.

Sản lượng giảm mạnh

Bà Lê Thị Hồng (làng Tông Két, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) cho biết: Giá hồ tiêu 73.000 đồng/kg là rất cao so với thời điểm trước đó nhưng tôi vẫn chưa bán 4 tấn đang trữ để tiếp tục chờ giá lên. Gia đình tôi có khoảng 1.500 trụ hồ tiêu già cỗi, do giá thấp nên lâu nay không đầu tư chăm sóc, mỗi năm chỉ trồng hơn 50 gốc để giữ giống. Đây cũng là tâm lý chung của các hộ trồng hồ tiêu tại Chư Pưh. Hiện nay, khi giá lên cao thì không có để bán.

Còn theo ông Lê Hùng (thôn An Điền, xã Ia Blang, huyện Chư Sê), để có vườn hồ tiêu hơn 6.000 trụ như hiện nay, năm 2015, gia đình ông đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi bắt đầu thu hoạch thì giá lại giảm, thậm chí có thời điểm chỉ còn 37.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng hồ tiêu chỉ đủ bù đắp chi phí đầu tư hàng năm chứ không có lãi.

“Năm nay, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá hồ tiêu bắt đầu tăng mạnh trở lại khiến người dân rất phấn khởi, mặc dù năng suất giảm mạnh. Dự kiến vụ này, tôi thu được khoảng 10 tấn, giảm hơn 5 tấn so với vụ trước. Hy vọng giá hồ tiêu có thể tăng và ổn định ở mốc trên dưới 100.000 đồng/kg trong thời gian tới để nông dân chúng tôi có tiền tái đầu tư, trả nợ ngân hàng”-ông Hùng nói.

Trao đổi với P.V, ông Trần Công Khuyến-chủ đại lý thu mua hồ tiêu (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) cho biết: Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá hồ tiêu liên tục tăng, hiện tăng hơn 20.000 đồng/kg so với đầu vụ. Tuy giá hồ tiêu tăng cao, nhưng lượng thu mua của đại lý rất ít do không có người bán.

Hầu hết người dân chỉ bán một phần nhỏ để chi tiêu và trả tiền thuê nhân công thu hoạch, phần lớn trữ lại với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng thêm. Cũng chính vì việc người dân găm hàng chờ giá lên dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn hàng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nên khả năng giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-khẳng định: Giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và có thể đạt mức 100.000 đồng/kg hoặc hơn vào cuối năm nay. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá hồ tiêu tăng mạnh trong những ngày qua là do nguồn cung thiếu hụt.

Dự ước niên vụ 2020-2021, sản lượng hồ tiêu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung giảm hơn 30% so với niên vụ trước. Mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch, nhưng hầu như người dân không bán mà giữ lại chờ giá lên, còn nguồn hàng dự trữ của các nhà đầu cơ hồ tiêu (đại lý) cũng đã cạn kiệt. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh đang mạnh tay mua hàng phục vụ xuất khẩu và các thương lái Trung Quốc cũng đẩy mạnh thu mua hồ tiêu Việt Nam để dự trữ.

Không nên đầu tư trồng mới

Ông Bính khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng mới mà trước mắt cần ổn định diện tích và chăm sóc theo hướng bền vững. Nếu trồng mới thì người dân cần chú trọng công tác chọn giống, đất phù hợp, tuyệt đối không tái canh mà nên trồng xen với các cây trồng khác để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Đặc biệt, người dân cần trồng hồ tiêu trên cây trụ sống, không nên đào hố mà cần đắp mô, để cỏ nhằm tạo độ ẩm cũng như tránh tình trạng ứ nước gây thối rễ... Ngoài ra, bà con cần áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ để vườn cây phát triển bền vững, hạn chế sâu bệnh”-ông Bính khuyến cáo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Giá tăng nhanh khiến bà con trồng hồ tiêu rất phấn khởi. Tuy nhiên, sản lượng hồ tiêu trong dân không còn nhiều, chỉ một vài hộ có điều kiện tích trữ chờ giá lên. Qua rà soát, trên địa bàn huyện hiện còn khoảng 2.500 ha hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch, ước sản lượng giảm 20-30%.

“Trước mắt người dân nên thận trọng, không đầu tư trồng mới mà chỉ duy trì chăm sóc vườn cây hiện có hoặc trồng xen trong phần diện tích cà phê tái canh. Giá hồ tiêu đang ở mức cao, theo tôi người dân nên bán để đầu tư tái sản xuất, không nên giữ lại vì không thể nào dự đoán chính xác được mức tăng giảm ra sao trong thời gian đến”-ông Hợp nêu quan điểm.

Giá hồ tiêu tại thị trường Gia Lai tuần qua (nguồn: Tin Tây Nguyên). Đồ họa: Huyền Trang

Trước những băn khoăn về việc có nên phục hồi lại vườn hồ tiêu, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-khẳng định: Đến thời điểm này, huyện không khuyến khích bà con đầu tư trồng mới mà tập trung chăm sóc diện tích hiện có. Huyện đã làm việc với Công ty TNHH Olam Việt Nam để liên kết, hướng dẫn bà con về mặt kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế bệnh chết nhanh chết chậm trên diện tích hồ tiêu hiện có.

“Thời tiết hiện nay khá khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, chưa phù hợp với việc trồng mới. Do vậy, bà con chỉ nên trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả, chờ huyện hình thành vùng tập trung chuyên canh về cây hồ tiêu trên cơ sở bản đồ thổ nhưỡng đã được thông qua. Huyện sẽ định hướng người dân trồng nhưng có khống chế diện tích chứ không để tràn lan như trước đây, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh khẳng định.

MINH TRIỀU-QUANG TẤN

Giải pháp giúp bồn bồn phát triển vào mùa khô

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Qua nhiều năm cần cù lao động sản xuất, bà con nông dân trồng bồn bồn ấp Ðông Hưng (xã Tân Hưng Ðông, tỉnh Cà Mau) đúc rút kinh nghiệm và có sáng kiến giúp cây bồn bồn cho thu hoạch ngay cả trong mùa khô.

Hiện trong thời điểm mùa khô nhưng cây bồn bồn vẫn cho thu hoạch.

Ấp Ðông Hưng có tổng diện tích trồng bồn bồn gần 100 ha, trong đó có 30 hộ là thành viên Hợp tác xã (HTX) bồn bồn Ðông Hưng, với diện tích sản xuất lên đến 40 ha. Những năm đầu mới hình thành mô hình trồng bồn bồn trên đất nhiễm mặn, bà con nông dân nơi đây chưa được ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chưa có kinh nghiệm, nên cây bồn bồn chủ yếu cho thu hoạch vào những tháng mùa mưa. Riêng đối với mùa hạn, mặt ruộng luôn trong tình trạng khô nứt, cây bồn bồn vàng úa vì thiếu nước ngọt, theo đó cây không cho thu hoạch.

Với mong muốn cây bồn bồn sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch vào những tháng mùa khô để bán được giá hơn và duy trì được nguồn nguyên liệu cung cấp cho HTX chế biến sản phẩm dưa bồn bồn OCOP, một số hộ dân trồng bồn bồn có sáng kiến dùng cao su trải từ mặt bờ bao xuống tận đáy mương, thuê xáng cuốc múc đất gia cố tạo vách ngăn vững chắc, hạn chế nước ngọt thất thoát ra bên ngoài và dự trữ nước vào cuối mùa mưa. Với cách làm sáng tạo này, ngay trong mùa khô năm nay, nhiều diện tích bồn bồn duy trì được mực nước ngọt từ 15-20 cm, giúp cây bồn bồn luôn xanh tốt và cho thu hoạch thường xuyên.

Một trong những hộ áp dụng giải pháp này, bà Lê Kim Em, thành viên HTX bồn bồn Ðông Hưng, cho biết, mùa mưa ruộng bồn bồn thường xuyên ngập nước từ 50-70 cm, thậm chí có nơi lên đến 100 cm, gây bất lợi cho quá trình cây đẻ nhánh, thêm vào đó là nạn ốc bươu vàng tấn công gây hại các chồi, nhánh bồn bồn non mới phát triển. Còn mùa khô, duy trì được mực nước trong ruộng bồn bồn chỉ từ 15-20 cm, cây đẻ nhánh khoẻ, kết hợp tác động khoa học - kỹ thuật bằng hình thức bón phân, giúp cây bồn bồn phát triển tốt hơn. Với gần 1 ha bồn bồn, chỉ tính riêng trong tháng Giêng âm lịch, gia đình bà thu hoạch khoảng 1 tấn bồn bồn nguyên liệu, bán với giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, mang về nguồn thu nhập không nhỏ.

Theo ông Ðặng Việt Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX bồn bồn Ðông Hưng, đây được xem là cách làm sáng tạo, hiệu quả của bà con trồng bồn bồn ấp Ðông Hưng. Tuy nhiên, để vùng nguyên liệu trồng bồn bồn phát triển bền vững, đảm bảo cung cấp chế biến dưa bồn bồn OCOP 3 sao, chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm quy hoạch, đầu tư hệ thống ngăn mặn trữ ngọt vào mùa khô căn cơ, hiệu quả hơn bằng hệ thống cống ngăn mặn./.

Huỳnh Việt

Đồng Tháp: Sinh kế mùa lũ, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và mang lại lợi nhuận cao

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

“Trong điều kiện thời tiết có nhiều yếu tố bất thường như hiện nay, mô hình sinh kế mùa lũ đang được thực hiện là khá phù hợp và hiệu quả. Bởi mô hình dễ thực hiện, không tốn quá nhiều chi phí, đặc biệt tính rủi ro không cao”, đó là đánh giá của ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp về phát triển mô hình sinh kế mùa lũ.

Do đầu mùa lũ 2020 nước về ít nên nông dân huyện Hồng Ngự đã đóng miệng cống trữ nước nuôi cá đồng và lấy phù sa

Theo ông Võ Thành Ngoan, năm 2020, Tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (ICRSL Đồng Tháp) triển khai thực hiện được 12 mô hình, tổng diện tích là 113ha, với 4 loại hình sinh kế (mô hình 2 lúa – 1 cá; 2 lúa – 1 tôm; 2 lúa + 1 vịt – cá và mô hình 2 màu – 1 cá) tại TP.Hồng Ngự Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình. Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất lúa, màu, nuôi thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tác động biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

Về hiệu quả kinh tế, mặc dù có một số mô hình bị lỗ trong hoạt động nuôi cá/tôm mùa lũ nhưng nhưng tổng lợi nhuận mô hình/năm đều tăng so với ngoài mô hình từ 5 triệu - 44 triệu đồng/ha/năm nhờ giảm lượng giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đa số nông dân tham gia mô hình đều rất phấn khởi bởi tính hiệu quả rất khả quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình 2 lúa - 1 cá, bình quân tổng lợi nhuận đạt 47,8 triệu đồng/ha/năm (lợi nhuận tăng 14,7 triệu đồng/ha/năm so với ngoài mô hình)

Anh Nguyễn Văn Vương ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông là một trong những nông dân được Dự án hỗ trợ thực hiện mô hình 2 lúa - 1 vịt - cá đồng. Anh chia sẻ, trước khi tham gia mô hình, anh sạ 20kg giống/công, tuy nhiên khi tham gia mô hình sinh kế, được cán bộ kỹ thật hướng dẫn năm đầu (năm 2019), anh sạ theo hình thức kéo hàng 16kg giống/công, thấy lúa cho hiệu quả cao nhờ ít sâu bệnh. Vụ sau (đông xuân 2020), anh tiếp tục giảm lượng giống xuống 10kg/công. Đồng thời kéo hàng cách 2tấc/hàng để vịt đi giáp đất và cho vịt, cá ăn được sâu mò.

“Nhờ sạ thưa, bón phân hữu cơ và hoàn toàn không dùng thuốc hóa học (cho vịt và cá ăn sâu mò trên lúa) nên lúa đạt năng suất khá cao - 8 tấn/ha. Bên cạnh đó, tận dụng lượng thức ăn tự nhiên trên đồng để nuôi cá, vịt đẻ đã tạo mô hình thu nhập gấp 3 lần so với thông thường. Nhờ vậy thu nhập tăng lên gấp nhiều lần so với cách trồng lúa đơn thuần từ trước đến nay” - anh Vương chia sẻ.

Một trường hợp khác vừa làm và dần rút kinh nghiệm, nên đến nay mô hình 2 lúa - trữ cá tự nhiên của anh Huỳnh Văn Kiểm - nông dân huyện Hồng Ngự đã đạt được lợi nhuận khá cao. Anh Kiểm cho biết: “Vụ đầu tiên (năm 2019), tôi sạ giống Ngọc đỏ hương dứa theo hình thức bón phân hữu cơ, kết hợp nuôi cá, qua tính toán, mỗi ha tôi thu được lợi nhuận khoảng 5-10 triệu đồng. Có kinh nghiệm cho mô hình, năm 2020, tôi làm bài bản hơn, chọn giống cá lăng để nuôi, hiện lúa còn khoảng 1 tháng nữa thu hoạch, giá lấy cọc là 7.200 đồng/kg. Riêng cá lăng, thương lái hỏi mua 80.000 đồng/kg, ước thu hoạch khoảng 5-7 tấn cá. Hai nguồn này dự tính năm nay sẽ cho thu nhập rất cao...”.

Thu hoạch cá lóc trong mô hình

Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc NN&PTNT, mặc dù không phải mô hình nào cũng mang lại hiệu quả, song qua 2 năm thực hiện và một số mô hình đạt hiệu quả khả quan là điều kiện để Ban quản lý Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp cùng nhìn lại và nghiên cứu những mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện từng vùng, khu vực cụ thể. “Cần xem đây là mô hình nông nghiệp lớn của tỉnh để có sự phối hợp giữa ngành và các địa phương chọn lựa những mô hình nông nghiệp thích ứng với điều kiện, địa hình, không nhất thiết là 12 mô hình hiện tại” - ông Ngoan chia sẻ.

Trong năm 2021, Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp đặt ra mục tiêu có hơn 16 ngàn ha thực hiện một trong các biện pháp quản lý đất, nước có tính chống chịu khí hậu (POD2); 75% số hộ nông dân vùng dự án (khoảng 14.524 hộ) áp dụng một trong các biện pháp quản lý đất, nước có tính chống chịu khí hậu (POD3); khoảng 39.483 người được hưởng lợi từ dự án (từ hoạt động công trình và phi công trình) (POD4). Đồng thời, diện tích gieo sạ lượng giống tối đa 120kg/ha, giảm ít nhất 10% lượng giống, phân bón, thuốc hóa học/diện tích vùng dự án; 25 – 30% diện tích sản xuất lúa/màu vùng dự án đạt đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm của Tiểu dự án ICRSL Đồng Tháp vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn chỉ đạo, sinh kế mùa lũ là mô hình nông nghiệp lớn của tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện. Trong điều kiện diễn biến nước lũ ngày càng thất thường, các mô hình gặp nhiều khó khăn, các ngành chức năng và địa phương cần đánh giá tính phù hợp của các mô hình, nghiên cứu những loại hình sinh kế mới và xem xét hướng chuyển đổi đối với những mô hình nếu không còn phù hợp. Ngoài ra, sinh kế mùa lũ nhưng cũng phải ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, không nên đơn thuần dựa vào tự nhiên. Sau khi dự án hoàn thành, cần đúc kết, xây dựng quy trình sản xuất thích ứng phổ biến cho nông dân áp dụng và thực hiện nhân rộng...

MN

Lợi kép từ nuôi ngỗng và trồng chanh

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi ngỗng sư tử trong vườn chanh vàng Mỹ, ông Lê Văn Tịnh, ấp Gò Rùa, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thu lợi kép.

Ông Lê Văn Tịnh bên đàn ngỗng sư tử 2 tháng tuổi.

Ông Lê Văn Tịnh từng có nhiều năm chăn nuôi và trồng cây ăn trái, chủ yếu là cây chanh vàng Mỹ. Với 1.300 gốc chanh vàng Mỹ cùng một số loại cây trồng khác trên diện tích 15.000m2, việc chăm sóc cho cây chiếm nhiều thời gian, đặc biệt là công cắt cỏ. Trong dịp ra miền Bắc, tình cờ biết người quen nuôi ngỗng sư tử, ông ghé tham quan và khá ấn tượng bởi từ lâu, ngỗng được xem như là loài vật “ăn của giả nhả của thật”.

Tháng 12/2020, ông Tịnh mua 50 con ngỗng sư tử 1 ngày tuổi với giá 130 ngàn đồng/con từ trang trại ở Hà Nội về nuôi thử nghiệm. Ông Tịnh cho biết, ngỗng sư tử có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc. Loài vật này dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít mắc bệnh. Ngoài ra, ngỗng còn được ví như một “cỗ máy xén cỏ”. Ngỗng ăn tạp các loại cỏ và không chê cỏ non, cỏ già, cỏ dại và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngỗng sư tử được nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên trong vườn cây chanh vàng Mỹ. Từ khi ông nuôi ngỗng sư tử, vườn chanh vẫn xanh tốt, sai quả, cỏ dại mọc đến đâu ngỗng ăn sạch đến đó, lượng phân bón cho cây cũng giảm. Ngỗng sư tử là loài thủy cầm có sự tăng trọng nhanh. Từ lúc nở đến 5 tháng tuổi, ngỗng sư tử bắt đầu đẻ bói (cá biệt nuôi 2-3 năm ngỗng sư tử nặng 9-10kg/con). Ngỗng đẻ trứng 4-5 lần/năm, lượng trứng thu được trung bình 40 quả/con/năm. Từ những ưu điểm này, ông tăng đàn ngỗng sư tử lên 100 con. Hiện tại, đàn ngỗng nhà ông có trọng lượng từ 3-5 kg/con. Khi nuôi từ 7 tháng đến 1 năm, ngỗng mái đạt trọng lượng 5-6 kg/con, ngỗng đực đạt 6-7 kg/con là có thể xuất bán.

“Thức ăn của ngỗng sư tử chủ yếu là các loại dễ kiếm trong tự nhiên như cỏ dại, rau, bèo, chuối… Để ngỗng tăng trưởng nhanh hoặc khi ngỗng bước vào thời kỳ sinh sản, người nuôi cho ngỗng ăn thêm thóc, bột bắp, cám gạo, bã đậu nành ngày 2 lần vào lúc 6 giờ sáng và 17 giờ chiều. Thức ăn tinh chiếm tỷ lệ nhỏ nên chi phí đầu tư không nhiều. Ngoài ra, đàn ngỗng không có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh”, ông Tịnh nhận xét. Bên cạnh đó, chi phí cắt cỏ cũng giảm. “Mỗi lần cắt cỏ, tôi phải thuê người làm với chi phí hơn 1 triệu đồng/1.000m2. Từ khi nuôi ngỗng, gia đình tôi vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm chi phí cắt cỏ”, ông Tịnh nói thêm.

Hiện nay, ông Tịnh đang nhân giống để tăng đàn lên 1.000 con trong thời gian tới. Bởi theo ông Tịnh, ngoài tác dụng làm cỏ, cung cấp phân cho cây trồng, giảm chi phí nhân công, thịt ngỗng sư tử giàu dinh dưỡng, nhiều người ưa chuộng nhưng số lượng đàn không lớn nên dễ tiêu thụ. Ngỗng sư tử là gia cầm mới có mặt ở khu vực phía Nam nên nhu cầu tiêu thụ ngỗng thương phẩm cũng như con giống rất lớn. Ngoài việc cho ấp nở để tăng số lượng đàn, ông còn bán trứng, con giống, ngỗng thịt ra thị trường.

Hiện tại, giá thịt ngỗng sư tử 100 ngàn đồng/kg, ngỗng sư tử giống 120 ngàn đồng/con, trứng ngỗng 30 ngàn đồng/quả. Mô hình trồng chanh vàng Mỹ mang lại thu nhập cho gia đình ông Tịnh gần 100 triệu đồng/năm. Dự kiến 3 năm sau, sản lượng chanh vàng Mỹ đạt 40-50 kg/cây, cùng với việc nuôi ngỗng sư tử trong vườn chanh, thu nhập của ông Tịnh tăng gấp 2-3 lần.

Ông Đinh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thành cho biết, qua đánh giá bước đầu cho thấy, nuôi ngỗng sư tử là mô hình mới, cho hiệu quả kinh tế cao. “Mô hình này là minh chứng cho việc làm giàu không khó trong sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích khi biết kết hợp, lồng ghép giữa chăn nuôi và trồng trọt. Hội Nông dân xã Nghĩa Thành sẽ theo dõi và kết hợp cùng hộ gia đình nhằm nhân rộng và phát triển những mô hình kép, tăng hiệu quả kinh tế cho nhà nông”, ông Thanh cho hay.

Bài, ảnh: NHUNG HOA-TRỌNG HOÀNG

Người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn tăng chóng mặt

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

Ngành chăn nuôi trong nước đang chịu khó khăn kép khi giá bán sản phẩm không tăng (nhiều loại còn giảm) trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng nóng thời gian qua. Nguy cơ có những vụ phá sản đã được đặt ra.

Giá nguyên liệu thế giới tăng chóng mặt khiến các nhà máy trong nước liên tục phải tăng giá bán lẻ thức ăn chăn nuôi - Ảnh: TRẦN MẠNH

Ngay đầu tháng 3, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt gửi thông báo tăng giá đến khách hàng với mức tăng 300 - 400 đồng/kg, cá biệt có công ty tăng giá đến 600 - 800 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá mới nhất và cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này và là tháng thứ 5 liên tiếp các công ty thông báo tăng giá tới khách hàng.

Giá thành tăng, giá bán giảm

Liên tiếp những ngày đầu tháng 3, ông Hoàng Văn Hậu (Trảng Bom, Đồng Nai) nhận được thông báo tăng giá từ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn như CP, De Heus, Emivest, Uni-President, Lái Thiêu…

Là đại lý TACN trong gần 20 năm qua, ông Hậu cho rằng mức tăng giá trong tháng 3 ở mức 300 - 600 đồng/kg, tùy công ty và tùy chủng loại, cao gấp đôi so với thông thường. Tổng cộng đã có 5-6 đợt tăng giá kể từ tháng 10-2020 đến nay, với mức tăng từ 17-30% so với trước.

"Bên kinh doanh của các công ty nói các đại lý tranh thủ đặt hàng sớm trữ trong kho vì thời gian tới sẽ còn tăng giá nữa", ông Hậu cho biết.

Ông Trần Quang Trung, chủ trại heo ở Thống Nhất (Đồng Nai), cho rằng chưa bao giờ giá cám lại tăng nhiều lần và tăng cao như hiện nay. Tính ra mỗi bao cám 25kg đã tăng tới 40.000 đồng kể từ tháng 10-2020, mức tăng chưa bao giờ có.

Một số hộ chăn nuôi có thâm niên so sánh giá TACN thời gian qua tăng nhanh không khác gì diễn biến của đợt lạm phát năm 2008. "Nhưng điểm khác biệt là thời kỳ lạm phát giá cám tăng thì giá bán heo, gà, trứng cũng tăng, còn bây giờ thì ngược lại", ông Trung phân tích.

Giá TACN tăng và chưa có dấu hiệu ngưng lại đã tác động trực tiếp đến giá thành chăn nuôi trong nước. Trong đó, tăng nhiều nhất là gà ta (tăng thêm 4.500 đồng/kg và giá thành là 45.000 đồng/kg), giá thành heo tăng khoảng 4.000 đồng/kg (giá thành 44.000 đồng/kg với nuôi khép kín và 60.000 đồng/kg nếu mua heo giống), gà công nghiệp tăng khoảng 2.700 đồng/kg giá thành lên 27.000 đồng/kg. Giá thành trứng cũng tăng thêm 200 đồng/quả, lên 1.600 đồng/quả.

Giá thức ăn chăn nuôi tác động đến giá thành và giá bán các sản phẩm chăn nuôi - Đơn vị tính: đồng/kg

Nguy cơ phá sản, biến động mạnh

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, ngành chăn nuôi của VN trong suốt cả năm 2020 và đầu năm 2021 chỉ có heo là vẫn có lời do nguồn cung thiếu hụt vì dịch tả heo châu Phi trước đó. Còn lại, chăn nuôi gà, vịt, trứng đều thua lỗ nặng nề và kéo dài.

Sau tết, giá bán gia cầm trong nước đang có sự hồi phục nhẹ vì hàng nhập khẩu về giảm hơn trước bởi khó khăn về container rỗng cũng như nhu cầu nhiều nước về thịt gà tăng lên. Thế nhưng, với việc tăng giá TACN quá nhanh như thời gian qua thì giá thành đã vượt xa mức tăng giá. Do đó, người chăn nuôi gia cầm tiếp tục kéo dài chuỗi thua lỗ của cả năm 2020 sang năm 2021 và cũng chưa biết khi nào mới hết.

"Giá cám sẽ còn tăng nữa do nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ đe dọa phá sản ngành chăn nuôi gia cầm của VN trong thời gian tới" - ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cảnh báo.

Ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi - cho biết giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh thời gian qua do các yếu tố về mất mùa và nhất là Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa cũng làm giá nguyên liệu về đến VN tăng lên. "So với mức tăng của nguyên liệu thì giá bán lẻ tăng thấp hơn nhiều do các doanh nghiệp thường mua hàng trữ rồi đưa vào sản xuất dần" - ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, với các tác động nói trên, ngành sản xuất TACN và ngành chăn nuôi của VN trong thời gian tới sẽ có những biến động lớn. Với sản xuất TACN, những công ty có nhiều vốn, dự đoán tốt thị trường để mua hàng khi giá còn thấp bây giờ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.

"Do có độ trễ về thời gian nhập hàng và thời gian sản xuất nên đến tháng 4-2021 các nhà máy tại VN mới đưa hàng nhập khẩu với giá cao nhất vào sản xuất thì giá bán lẻ sẽ tiếp tục tăng nữa. Nhưng như vậy thì không thể cạnh tranh nổi với các công ty lớn vẫn còn hàng giá thấp hơn trong kho. Thị trường TACN sẽ có nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, thậm chí phá sản vì không phải cứ muốn tăng giá bán cho nông dân là được", ông Bình cảnh báo.

Đối với ngành chăn nuôi, việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro khi giá thế giới biến động. Cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ và không có liên kết sẽ đẩy giá thành lên cao và không chia sẻ được rủi ro nên sẽ dẫn đến thua lỗ.

"Đây là khó khăn cho ngành nhưng cũng là cơ hội để những doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi (từ TACN, chuồng trại đến chế biến kinh doanh thịt) phát triển. Bởi vì những chuỗi này có thể san sẻ được rủi ro trong các khâu nên vẫn đảm bảo có lời hoặc không lỗ. Và đây cũng là xu hướng kinh doanh mà các nước tiên tiến đã làm", ông Bình nói.

5 tháng tăng giá 7 lần

Theo các thông báo nhận được từ các công ty thì trong 5 tháng vừa qua, mặt hàng có mức tăng cao nhất trong một lần điều chỉnh là sản phẩm hỗn hợp dành cho cá của Công ty TNHH thức ăn gia súc Lái Thiêu với mức tăng lên tới 800 đồng/kg vào tháng 2-2021.

Công ty có số lần tăng giá nhiều nhất là Công ty TNHH chăn nuôi CP Việt Nam, với 7 lần tăng giá trong khoảng thời gian trên. Các công ty khác tăng giá từ 3-5 lần.

TRẦN MẠNH

Đồng Tháp: Tập đoàn Mavin đầu tư Trung tâm nuôi và trung chuyển heo tại huyện Châu Thành

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 11/3 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa có buổi tiếp và làm việc với Tập đoàn Mavin. Thông tin tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Mavin cho biết, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại Đồng Tháp của Tập đoàn đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực.

Tập đoàn Mavin xin chủ trương đầu tư dự án mới tại Đồng Tháp

Hiện thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Mavin được tiêu thụ rộng rãi tại hầu hết các tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và xuất khẩu sang Campuchia.

Bên cạnh đó, dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống công nghệ cao của Tập đoàn được đầu tư tại xã Mỹ Long, huyện Cao lãnh cũng đang được triển khai thuận lợi tại địa phương.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn Mavin đề xuất UBND tỉnh được đầu tư thêm tại Đồng Tháp dự án Trung tâm nuôi và trung chuyển heo ở huyện Châu Thành. Doanh nghiệp đề xuất Trung tâm này sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng từ 8 – 10ha, tại khu vực xã Phú Long, huyện Châu Thành. Theo doanh nghiệp (DN), việc mở Trung tâm này có ý nghĩa rất nhiều trong việc góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm heo của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của địa phương phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Dự kiến sắp tới, Tập đoàn Mavin mong muốn xây dựng Nhà máy chế biến thực phẩm và Nhà máy sản xuất phân hữu cơ tại Đồng Tháp. DN kỳ vọng các dự án trong tương lai sẽ góp phần nâng cao giá trị nhiều hơn cho ngành chăn nuôi của Đồng Tháp nói riêng và chuỗi ngành hàng chăn nuôi của khu vực ĐBSCL nói chung.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao những dự án mà Tập đoàn Mavin đã đầu tư tại Đồng Tháp. Ông Phạm Thiện Nghĩa cũng nhận định các dự án mà Tập đoàn Maivin đã đầu tư và dự kiến đầu tư tại Đồng Tháp rất phù hợp với chủ trương phát triển ngành hàng chăn nuôi heo của tỉnh. Địa phương cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ DN xây dựng và phát triển các dự án mới trong tương lai.

Mỹ Lý

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop