Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 06 năm 2016

Trồng sen và nuôi cá: Giải pháp hiệu quả trên ao trũng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Với 2ha diện tích đất trũng kém hiệu quả, ông Hồ Văn Minh ở xóm Làng Lầm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn trồng sen và nuôi cá rô phi, mỗi năm lãi trên 80 triệu đồng.

Trước đây, gia đình ông Hồ Văn Minh trồng lúa nhưng do năng suất thấp, lại hay bị ngập lụt vào mùa mưa nên hiệu quả kinh thế mang lại không đáng là bao. Ông quyết định chuyển sang trồng sen để bán đài (gương sen).

Từ tháng 5 hoa sen bắt đầu nở, tháng 6 trở đi là mùa ông Minh thu hoạch đài sen

Ông Hồ Văn Minh cho biết: sen là loại dễ trồng, chi phí ban đầu thấp, ít sâu bệnh, không tốn công chăm sóc. Trồng sen chỉ vất vả khi thu hoạch nhưng giá trị kinh tế mang lại gấp đôi làm lúa, khoảng 4 tháng là bắt đầu thu hoạch. Thời gian thu hoạch khoảng cuối tháng 5 đến tháng 8, cứ 3 ngày ông thu hoạch một đợt. Mỗi đài sen được bán với giá 1.500 đến 2.000 đồng. Mỗi ngày ông bán được khoảng 200 ngàn đồng.

Năm nay trời nắng nên ảnh hưởng đến sự phát triển của sen, đài sen nhỏ hơn các năm, tuy nhiên những ngày này thời tiết nắng nóng nên người dân có nhu cầu mua đài sen non về ăn sống hoặc luộc. Vì vậy thu hoạch đến đâu hết đến đó.

Do ao sen nằm ở gần đường mòn Hồ Chí Minh nên đến mùa nở hoa nhiều người tìm đến ngắm hoa chụp ảnh, tiếng lành đồn xa, ao sen của gia đình cũng được nhiều người biết đến, việc tiêu thụ sản phẩm càng thuận lợi hơn.

Ao sen đang rộ mùa của gia đình ông Hồ Văn Minh. Thu hoạch sen xong ông Minh sẽ thu hoạch cá

Bên cạnh đó tranh thủ nguồn nước dồi dào ở ao sen, ông Hồ văn Minh thả cá rô phi, cá trắm, cá mè, cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng/năm.

Có thể nói mô hình chuyển đổi đất kém hiệu quả, đất trũng sang trồng sen, nuôi cá của gia đình ông Hồ Văn Minh đang là hướng đi có nhiều triển vọng. Với một xã còn gặp nhiều khó khăn, lại đang trong gia đoạn xây dựng nông thôn mới như Nghĩa Lâm thì việc đi tiên phong của ông Minh là hướng đi để một số hộ khác học hỏi, nâng cao thu nhập.

Trước vẻ đẹp của ao sen, nhiều người tìm đến ngắm hoa, chụp ảnh.

Ông Lê Trung Kiên - PCT UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: Với diện tích đất trũng kém hiệu quả thì trồng sen, nuôi cá là hướng đi sáng tạo. Xã sẽ có các giải pháp khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng loại đất để nâng cao thu nhập cho người dân.

Đinh Thùy (Đài Nghĩa Đàn)

Sử dụng phân bón NPKSI, năng suất lúa tăng 15 - 20 kg/sào

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Sáng 14-6, tại xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng), Hội Nông dân Hải Phòng, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông tổng kết mô hình sử dụng đồng bộ phân bón “NPKSI vì nông dân Việt” vụ lúa xuân 2016.

Các đại biểu tham quan thực tế tại diện tích sử dụng đồng bộ phân bón NPKSI của Công ty CP Nông nghiệp Tiến Nông tại xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng).

Nhằm từng bước đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao cũng như sử dụng cân đối các loại phân bón nâng cao hiệu quả sản xuất, vụ lúa xuân 2016, Hội Nông dân Hải Phòng, Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông xây dựng mô hình sử dụng đồng bộ phân bón NPKSI trên diện tích 1ha tại khu đồng Vùng Màu xã Tiên Thắng (huyện Tiên Lãng). Qua thực tế và đánh giá của các hộ dân sử dụng phân bón do Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cung cấp cho thấy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Về hiệu quả kinh tế, trên cùng một điều kiện canh tác và giống lúa (Thiên Ưu 8), khi sử dụng phân bón NPKSI làm tăng số bông/khóm, tỷ lệ hạt chắc trên bông. Năng suất bình quân trong mô hình đạt 73 tạ/ha (270kg/sào), cao hơn giống lúa Thiên Ưu 8 sử dụng phân bón khác khoảng 15 - 20 kg/sào. Đặc biệt, trong quá trình sử dụng loại phân bón này hạn chế được các loại sâu bệnh hại lúa (sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn, rầy nâu), giúp nông dân tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật.

Tại hội nghị, nhiều cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Tiên Lãng đánh giá cao chất lượng phân bón do Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cung cấp và mong muốn Hội Nông dân thành phố, Công ty sớm triển khai mở rộng chương trình theo hình thức cho vay phân bón trả chậm. Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân Hải Phòng cho biết, từ thực tế kết quả mô hình này, Hội Nông dân Hải Phòng phối hợp với Công ty CP Công nông nghiệp Tiên Nông triển khai mở rộng chương trình đến các địa phương khác./.

Minh Châm

Trồng rau trong nhà

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Tận dụng những thùng xốp cũ, những chậu cảnh, chậu hoa, nhiều hộ dân đã dùng để trồng rau sạch trong nhà. Cách làm này vừa tạo nguồn rau sạch cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Hằng ngày, trước giờ đi làm, anh Quảng Trọng Khoa, ở phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi) vẫn thường lên khoảnh vườn hơn 70m2 trên sân thượng của gia đình để hái rau sạch. Theo anh Khoa, "mô hình” trồng rau trong nhà đã được gia đình anh thực hiện gần hai năm nay.

Trồng rau nhà phố rất đơn giản, chỉ cần vài thùng xốp cũ, các chậu cảnh đã bỏ rồi cho ít đất thịt vào là có thể trồng ở ngoài ban công, trên sân thượng, ngoài hành lang... “Từ khi xây nhà mới, gia đình mình đã nảy ra ý định trồng rau sạch trên sân thượng. Hồi mới trồng chỉ có vài chậu, mấy thùng xốp. Nhưng sau khi trồng thấy rau sinh trưởng, phát triển tốt nên mở rộng thêm quy mô”, anh Khoa chia sẻ.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà đã và đang được nhiều người áp dụng.

Giờ đây, trên sân thượng của gia đình anh Khoa chẳng thiếu loại rau gì. Từ xà lách, cải, mồng tơi, đến bí đỏ, khổ qua... đang xanh tốt. Bên cạnh đó, gia đình anh Khoa đã đầu tư hệ thống ống dẫn nước, vòi phun và mái che để rau sinh trưởng, phát triển tốt.

Với cách trồng rau trong nhà, người dân không dùng bất cứ loại phân hóa học, hay phun thuốc diệt sâu, diệt cỏ. Phần lớn phân để bón cho rau chủ yếu lấy từ các loại rác thải hữu cơ hằng ngày của gia đình như vỏ rau củ quả, vỏ chuối, vỏ trứng...

Giống như anh Khoa, bà Bùi Thị Cẩm ở tổ 5, phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) cũng đã tận dụng hơn 10m2 đất trước nhà để trồng rau sạch. Đến nay, rau đã cho “thu hoạch” và cung ứng cho gia đình và bà con, hàng xóm xung quanh cùng dùng.

Bà Cẩm bảo: “Trồng rau trong nhà dễ lắm! Chỉ cần mua ít hạt giống, xới ít đất thịt rồi rào lưới xung quanh là có thể trồng và có rau sạch ăn rồi. Phân để bón cho rau mình cũng tận dụng từ nguồn rác thải sinh hoạt hằng ngày của gia đình, nên vừa tiện dụng, vừa bảo vệ môi trường”.

Còn ông Trương Công Huỳnh Liên, phường Nghĩa Chánh thì trồng rau sạch bằng cách “xen canh” với các loại cây cảnh trong chậu. “Tận dụng được các chỗ trống của các ảng cảnh, tôi mua thêm hạt giống cải, xà lách, tần ơ... gieo vào để có thêm ít rau sạch dùng. Hằng ngày tưới nước cho cây cảnh là cũng tưới luôn cho rau. Trồng như thế này vừa có nguồn rau sạch cho gia đình, vừa có thú vui cho tuổi già”, ông Liên chia sẻ.

Ngày nay, nhiều mối nguy hại từ thực phẩm bẩn, rau mất an toàn làm cho nhiều người nảy sáng kiến trồng rau, quả sạch tại nhà để dùng. Với cách làm tuy đơn giản, nhưng đã và đang mang lại hiệu quả cho các hộ gia đình ở thành thị. Đây là mô hình không chỉ giúp cải thiện bữa ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống quanh ta.

ĐÌNH DIỆU

Khó khăn cho người trồng lúa

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Lúa Hè thu ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) hiện nay đang vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên do mưa lớn trong những ngày qua làm cho hàng trăm héc-ta lúa Hè thu bị đổ ngã. Mưa nhiều giá lúa sụt giảm, thương lái bỏ cọc không thu mua lúa trong dân, không còn cách nào khác nông dân đành trữ lại. Tuy nhiên, điều nông dân lo ngại hiện nay là thời tiết diễn biến phức tạp, khó có thể làm cho hạt lúa khô.

Lúa thu hoạch chất đống không thể bán do thương lái bỏ cọc.

Gần một tuần nay, gia đình bà Võ Thị Hai, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, đứng ngồi không yên, bởi gần 1,6ha lúa vừa mới thu hoạch xong vẫn chưa thể bán, do ảnh hưởng bởi những đám mưa kéo dài, giá lúa sụt giảm mạnh, thương lái bỏ cọc. Gia đình đã chấp nhận giảm giá nhưng vẫn không có ai thu mua. Gần 10 tấn lúa đang từng ngày lên mộng, bà Hai cũng không còn cách nào khác, phải tranh thủ lúc trời nắng, tận dụng đường lộ, bờ đê để phơi được mớ nào hay mớ đó. “Ban đầu, khi lúa chưa thu hoạch, thương lái đến năn nỉ bỏ cọc lúa với giá 4.700 đồng/kg. Nhưng khi đến ngày thu hoạch, mưa dầm, lúa đổ ngã thì thương lái mất dạng, không ai đến cân lúa. Gia đình đành chạy đi vay mượn tiền bên ngoài để trả tiền máy cắt và nhân công, số lúa thì vẫn còn đó không ai mua. Giá lúa quá rẻ tính phơi sấy để trữ lại, nhưng không chỗ nào chịu nhận hết, vì sân phơi, lò sấy hiện nay chỉ nhận gia công cho các thương lái, giờ cũng không biết phải làm sao”, bà Hai buồn bã cho biết.

Khó khăn của bà Hai là khó khăn chung của không ít nông dân trồng lúa ở huyện Phụng Hiệp hiện nay. Bởi để trữ được lúa, người dân không còn cách nào khác phải phơi, sấy hạt lúa khô lại. Hiện nay, những hộ có diện tích canh tác lúa lớn cũng đã chủ động làm sân phơi mùa vụ để ứng phó với tình trạng hiện nay. Ông Võ Văn Hai, ở xã Tân Bình, vụ này gia đình làm 2ha lúa IR 50404, với sản lượng gần 15 tấn lúa, sau khi thương lái bỏ cọc không mua, gia đình có kêu vài chủ khác nhưng trả với giá quá thấp. Ông đã mạnh dạn đầu tư trên 5 triệu đồng làm sân phơi thời vụ để làm khô số lúa này. Ông Hai cho hay: “Giờ không còn cách nào khác là phải làm liều, bởi nếu chấp nhận bán lúa với giá hiện nay khoảng ba ngàn mấy thì sẽ lỗ, còn phơi lại hy vọng hết vụ giá lúa sẽ ổn định trở lại”.

Theo thống kê, toàn huyện Phụng Hiệp hiện tại có trên 20 lò sấy, sân phơi nhận gia công lúa, chỉ đáp ứng được 15-20% sản lượng lúa khi thu hoạch, nhưng chủ yếu chỉ phục vụ cho thương lái sấy lúa với số lượng lớn, ít nhận gia công cho nông dân tại địa phương. Ông Lê Hữu Trí, chủ một lò sấy lúa ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Hiện nay, 3 lò sấy của gia đình đang hoạt động hết công suất, khoảng 90 tấn lúa/ngày đêm. Tuy nhiên, lò chỉ nhận gia công cho những mối lớn, hay những thương lái làm ăn lâu năm, còn với nông dân có những diện tích nhỏ lẻ thường không nhận. Bởi người dân chỉ sấy vào thời điểm mưa, còn những lúc nắng thì tự phơi lấy.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay: Thời gian qua, người dân trồng lúa quen với hình thức bán lúa tại ruộng cho thương lái, ít chịu phơi sấy trữ lại. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm này, do nhiều yếu tố tác động, thương lái bỏ cọc không thu mua, trong khi điều kiện phơi sấy của người dân là không có. Với những hộ có điều kiện hay diện tích sản xuất lúa nhiều sẽ đầu tư làm sân phơi thời vụ để giải quyết tình trạng hiện tại, còn với những hộ không có điều kiện thì mặt cho thương lái ép giá. Hay nói khác hơn, giá lúa hiện nay phần nhiều là do thương lái quyết định, cụ thể giá lúa hiện nay chỉ còn ở mức 3.700 đồng/kg đối với cắt tay, hay lúa cắt máy bị ướt, 4.300 đồng/kg đối với lúa cắt máy khô, thấp hơn đầu vụ khoảng 1.000 đồng/kg. Tính đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được 3.500ha lúa trong tổng số 20.000ha lúa Hè thu xuống giống.

Đứng trước thực trạng như hiện nay, dù trong điều kiện khó khăn nhưng bằng cách này hay cách khác, người dân trồng lúa ở Phụng Hiệp vẫn đang nỗ lực vớt vát lại những thành quả của cả một mùa vụ. Tuy nhiên, dù cách nào đi chăng nữa thì trước tình cảnh như hiện nay, thua lỗ là sự thật đang diễn ra.

THANH DUY

Trồng dưa hấu thay lúa hè - thu

Nguồn tin: Trà Vinh

Những năm gần đây, nông dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh đã áp dụng thành công mô hình luân canh vụ màu dưới chân ruộng thay lúa hè-thu đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống. Điển hình là phong trào chuyển đất lúa hè-thu sang trồng dưa hấu của nông dân xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang hiện đang đem lại hiệu quả cao.

Trồng dưa hấu thay lúa hè-thu cho thu nhập cao gấp 2-3 lần

Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ sản xuất độc canh cây lúa sang luân canh cây màu dưới chân ruộng, ngay từ đầu vụ hè-thu 2016, nông dân các ấp Huyền Đức, Sóc Giụp, Sóc Mới, Bào Mốt, xã Long Sơn đã chuyển đổi hơn 100ha đất lúa hè-thu sang trồng dưa hấu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Nông dân Đoàn Văn Minh, ngụ ấp Sóc Mới, xã Long Sơn cho biết: Với 0,4ha đất sản xuất lúa hàng năm, vụ hè-thu năm nay, trước tình hình thiếu nước ngọt sản xuất do xâm ngập mặn và nắng hạn kéo dài nên toàn bộ diện tích trên ông chuyển sang trồng dưa hấu. Sau 02 tháng trồng, năng suất đạt 20 tấn/ha, giá bán cho thương lái tại ruộng 5.500 đồng/kg, lợi nhuận hơn 15 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Lệ, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết thêm: Sau khi kết thúc vụ dưa hấu đông-xuân, bà tiếp tục xuống giống vụ dưa hấu hè-thu trên diện tích 0,2ha được hơn 01 tháng tuổi. Theo bà Lệ, hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, lượng mưa phân bổ không đồng đều, lúc mưa dầm lúc nắng hạn, vì vậy việc chăm sóc dưa hấu cực hơn trong mùa nắng. Dưa hấu đang trong giai đoạn ra hoa đậu trái nếu gặp mưa dầm thì trái dưa hấu phát triển không đồng đều, còn bị sượng. Để đạt được hiệu quả cao, giảm chi phí, tăng sản lượng ngoài hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà còn tự học hỏi thêm những kinh nghiệm của những người đi trước từ cách chọn hạt giống, ươm hạt, phun thuốc, tỉa đọt, bón phân... Bà Lệ chia sẻ: Dưa hấu chỉ thích hợp trồng mùa nắng, nhưng nếu trồng mùa mưa thì bán được giá cao gấp 02 lần. Cây dễ trồng lại thích hợp trên vùng đất giồng cát. Vì vậy, liếp dưa phải thoát nước tốt, trồng dưa hấu trong mùa này, tuy gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc nhưng lợi nhuận cao. Với giá bán hiện nay dao động từ 5.000 - 5.500 đồng/kg, nếu thời tiết thuận lợi, không chỉ được mùa, còn được giá, 0,2ha dưa hấu của bà ước lợi nhuận đạt gần 10 triệu đồng.

Có thể nói, trồng dưa hấu thay lúa hè-thu được xem là lợi thế theo hướng phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Đặc biệt, việc trồng dưa hấu trong mùa này giúp cho lượng lao động tại địa phương có việc làm ổn định trong những tháng nông nhàn; góp phần giữ được lao động ổn định tại địa phương không phải đi làm ăn xa.

Theo ông Kim Sô Phan, cán bộ nông nghiệp xã Long Sơn, dưa hấu là một trong những cây trồng có thị trường tiêu thụ mạnh và được nông dân trên địa bàn xã ưa chuộng và trồng từ 03 - 04 vụ trong năm. Vụ hè-thu năm nay, toàn xã xuống giống được gần 200ha, trong đó đất lúa hè-thu chuyển sang trồng dưa hấu hơn 100ha. Phần lớn dưa hấu năm nay được giá, nông dân vô cùng phấn khởi. Hiện nay xã tập trung cho phát triển nông nghiệp, khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng đất, trong đó sẽ tiếp tục nhân mô hình chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, nhất là dưa hấu mùa nghịch, nhằm nâng cao mức thu nhập, ổn định đời sống.

MỸ NHÂN

Xuất khẩu vải thiều: Khởi đầu thuận lợi

Nguồn tin: Báo Công Thương

Hướng vải thiều xuất khẩu (XK) vào các thị trường khó tính là mục tiêu mà nhiều ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực triển khai. Ngoài Mỹ, Úc và Pháp, hàng loạt thị trường khác trong khu vực đã ký cam kết nhập khẩu vải thiều Việt Nam.

Vải thiều Việt Nam bày bán tại sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh Diệu Trang

Xuất khẩu thành công sang Mỹ

Mới đây, lô vải thiều với khối lượng hơn 1 tấn được Công ty TNHH Ánh Dương Sao XK sang Mỹ thành công. Toàn bộ số vải thiều XK được mua ở các vùng gắn mã số sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap) tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Theo ông Phạm Ngọc Tú - Giám đốc Công ty Ánh Dương Sao, dự kiến, sau lô vải đầu tiên, doanh nghiệp xem xét thu mua thêm khoảng 20 tấn vải nữa để XK, với giá cao hơn giá thị trường từ khoảng 10% tại thời điểm mua.

"Năm 2015, doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công 2 container vải thiều sang Mỹ. Năm nay, nhu cầu vải thiều tại Mỹ cao hơn bởi mùa vụ ở Mexico chậm hơn Việt Nam khoảng 2 tuần. Nhìn chung, thị trường Mỹ rất cạnh tranh", ông Phạm Ngọc Tú thông tin.

Tại Hải Dương, Công ty Chế biến nông lâm sản XK Thanh Hà đã ký hợp đồng XK hơn 500 tấn vải sang thị trường Hàn Quốc, Trung Đông, cao hơn năm trước 100 tấn. Năm nay, công ty mở rộng thị trường sang các nước châu Âu. Hiện tại, doanh nghiệp này đã ký được hợp đồng XK 100 tấn vải thiều sang Pháp.

Tín hiệu XK vải thiều tích cực của hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cho thấy loại trái cây này của Việt Nam có thể khẳng định vị thế tại thị trường mới. Ông Robert Guillermo - Kiểm dịch viên với kinh nghiệm 42 năm kinh nghiệm làm việc tại Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) - đánh giá, vải thiều Việt Nam có chất lượng và mẫu mã vượt trội bởi quả to, đều, đẹp. Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - chia sẻ: Trong bối cảnh phải cạnh tranh với vải có nguồn gốc từ Trung Quốc, Mexico, Nam Phi, Thái Lan, Madagasca… vải thiều Việt Nam bước đầu đã khẳng định được vị trí và chất lượng tại các thị trường như Mỹ và châu Âu. Theo đó, hạn chế tình trạng vải thiều trong nước bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, tránh bị ép giá.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Bộ Công Thương đang tích cực chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường tiếp xúc với doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng tại nước sở tại nhằm tìm kiếm cơ hội XK vải thiều nói riêng và các mặt hàng rau quả của Việt Nam nói chung.

Để đẩy mạnh XK vải thiều, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cần nâng cao giá trị cạnh tranh của vải thiều XK. Việt Nam đã mất từ 5 đến 10 năm để mở được thị trường Mỹ, Úc nhưng việc mở được thị trường mới là khởi đầu, giữ được thị trường còn khó hơn nhiều. Vì vậy, đòi hỏi việc sản xuất, cung ứng sản phẩm phải ổn định và đạt chất lượng. Hiện Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng đề án thí điểm về tổ chức canh tác, sản xuất và tiêu thụ quả vải theo chuỗi giá trị từ khâu tổ chức sản xuất đến chế biến, tiêu thụ…

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC, đơn vị đầu mối triển khai đưa các ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ cho nhân dân vùng trồng vải - khẳng định: Vấn đề quan trọng để có giải pháp XK vải thiều Việt Nam ra thế giới chính là tiêu chuẩn, quy trình và công nghệ bảo quản quả vải tươi song song với việc marketing thị trường ra nước ngoài. Hy vọng trong 2-3 năm tới, vải thiều Việt Nam sẽ là một thương hiệu mà thế giới coi trọng và ít nhất khoảng 50% số vải của chúng ta trồng ra có thể XK được đi các nước trên thế giới.

Với những kết quả đạt được, vải thiều Việt Nam tự tin bước chân vào các thị trường khó tính trên thế giới, không lo phụ thuộc vào một thị trường nào, đồng thời mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm nông sản khác nếu đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):

Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và XK vải thiều; nghiên cứu đưa vải thiều và sản phẩm chế biến từ quả vải vào Chương trình Thương hiệu quốc gia.

Lan Anh

Nghệ An: Dưa hấu Diễn Châu được mùa, được giá

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Hiện nay bà con nông dân Diễn Châu (Nghệ An) đang tiến hành thu hoạch đại trà 55ha dưa hấu vụ xuân muộn 2016.

Năm nay, dưa hấu ở Diễn Châu đạt khoảng 30 tấn/ha

Theo đánh giá năng suất, dưa hấu năm nay ở Diễn Châu đạt khoảng 30 tấn/ha, tăng 10 tấn/ha so với năm 2015 và đạt 150% kế hoạch đề ra.

Điều đáng nói, cùng với thời tiết nắng nóng, nhu cầu giải nhiệt tăng cao nên thị trường tiêu thụ dưa rất tốt, hiện nay giá cũng tăng từ 3.000 - 4.000 lên 5.000 - 6.000 đồng/kg.

Dưa được thương lái đến tận ruộng thu mua. Trong thời gian 2 tháng trồng, tính trung bình 1 sào bà con thu hoạch 1,5 tấn, doanh thu 8 triệu đồng, trừ chi phí bà con lãi 7 triệu đồng.

Thương lái thu mua dưa hấu ngay tại ruộng cho bà con

Hiện nay, cùng với việc thu hoạch dưa hấu vụ xuân muộn thì bà con nông dân đang đẩy nhanh gieo trồng, chăm sóc 250ha dưa hè thu để kịp bán dịp tháng 7.

Hồng Hạnh (Đài Diễn Châu)

Bình Thuận: Xuất khẩu thanh long chính ngạch sang 12 quốc gia

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Trong nửa đầu năm 2016, lượng thanh long xuất khẩu của địa phương ước khoảng 3.840 tấn với tổng kim ngạch thực hiện 3,4 triệu USD, đạt xấp xỉ 36% so kế hoạch năm. Đến nay, xuất khẩu thanh long Bình Thuận theo đường chính ngạch đã có mặt tại thị trường 12 quốc gia, tăng thêm một thị trường (Tây Ban Nha) so thời điểm này năm ngoái. Trong đó vẫn tập trung xuất sang thị trường châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Malaysia và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE. Ngoài ra trái thanh long Bình Thuận còn xuất khẩu sang châu Âu (chủ yếu là Hà Lan), châu Mỹ (chủ yếu là Canada) và hiện có một doanh nghiệp xuất khẩu thành công sản phẩm thanh long sấy vào thị trường Hoa Kỳ.

Thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu chính ngạch sang 12 quốc gia.

Đ.Q

Lào Cai: Bắc Hà vào mùa mận chín

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

Vào những ngày này, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai ngày nào cũng đông như ngày hội bởi một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm vì những cây mận Tam Hoa ở đây bắt đầu chín đỏ.

Mận chín đỏ khắp các khu vườn.

Dọc theo con phố ở trung tâm thị trấn Bắc Hà, mận được người dân bày bán với số lượng lớn. Khác với thời điểm cách đây một tháng, mận Tam Hoa khi chín ngon hơn, mọng hơn nhưng giá bán lại rẻ hơn trước rất nhiều.

Mận loại 1 ngon nhất cũng chỉ được chào bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Còn mận loại 2 có giá từ 25.000 - 40.0000 đồng/kg; mận loại 3 nhỏ nhất có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Với những du khách khó tính, mận loại 1 luôn là ưu tiên số 1 bởi quả mọng, to, nhiều nước, ngọt.Còn với phần đông du khách chọn mận loại 2 vì giá rẻ hơn và có thể mua với số lượng lớn để về làm quà cho gia đình, bạn bè. Mận loại 3 được nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua tới hàng tạ để về ngâm đường bán cho khách. Tuy nhiên theo nhiều chủ vườn, giá mận các loại trên sẽ còn có thể giảm trong những ngày tới khi mận chín ồ ạt với số lượng lớn.

Ông Sùng Cồ Sài ở xã Na Hối cho biết, gần 100 gốc mận Tam hoa của gia đình ông được chăm sóc và tỉa cành đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông, nên sản lượng ước đạt gần một tấn quả. Bà Nguyễn Thị Lợi, chủ một vườn mận ở thôn Na Kim, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết năm nay mận được mùa nhưng số lượng mận loại 1 không nhiều, chủ yếu là mận loại 2 và 3.

Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu dẫn tới lượng mưa từ đầu năm đến nay ở Lào Cai không nhiều đã làm quả mận không được to. Chỉ những gia đình ở phía dưới vùng thấp, gần sông, suối mới có mận loại to nhưng diện tích lại không lớn. Còn phần lớn những vườn mận ở khu vực trên đồi cao do nắng nóng, ít mưa mận thường nhỏ và không đều quả.

Hiện Bắc Hà có trên 1.000ha mận Tam hoa, giảm 45% so với thời điểm được coi là “hoàng kim” của cây mận (2000-2005), tập trung chủ yếu ở thị trấn Bắc Hà và các xã Na Hối, Bản Phố, Thải Giàng Phố, Tà Chải với sản lượng ước đạt 10.000 tấn, tăng gấp hai lần sản lượng niên vụ 2013 (do niên vụ 2013 chịu ảnh hưởng nhiều của giông lốc và mưa đá).

Theo phòng Kinh tế huyện Bắc Hà, hiện nay, các vườn mận của địa phương đã bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa, có nhiều cây cho quả nhỏ dần và chua hơn. Do vậy, huyện Bắc Hà và tỉnh Lào Cai cũng đang có kế hoạch cải tạo giống mận Tam Hoa Bắc Hà để giữ cho loại quả đặc hữu của Cao nguyên trắng luôn có được hương vị ngon nhất.

M.Nguyên

Quà tặng miền nhiệt đới

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thiết thực hưởng ứng phát động của lãnh đạo Thành ủy - UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh về việc tổ chức các chương trình quảng bá, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam và trái cây Nam Bộ, Hệ thống siêu thị Big C triển khai chương trình khuyến mãi “Quà tặng miền nhiệt đới”, kéo dài từ 14/6 - 27/6/2016, giảm giá mạnh từ 18% - 49% đối với 17 loại trái cây đặc sản.

Hiện nay, các tỉnh miền Tây đang bước vào mùa thu hoạch rộ trái cây. Việc Hệ thống siêu thị Big C thực hiện chương trình khuyến mãi trên cũng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trái cây Việt, qua đó góp phần hỗ trợ bà con nông dân, tránh tình trạng khi vào chính vụ mùa trái cây, giá giảm đột biến như đã từng xảy ra trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến đời sống người nông dân chuyên canh cây ăn trái.

Với mức khuyến mãi giảm giá mạnh từ 18% đến 49% áp dụng cho đa số mặt hàng trái cây trong 2 tuần lễ diễn ra chương trình, dự kiến, khối lượng trái cây tiêu thụ trên toàn Hệ thống siêu thị Big C sẽ đạt từ 400 - 500 tấn.

Ngoài ra, để kích cầu tiêu thụ lượng lớn trái cây kể trên, một không khí “Lễ hội trái cây Nam Bộ” được tái hiện tại các siêu thị Big C. Cụ thể, ngay tại cổng chính của các siêu thị Big C được trang trí các gian hàng mộc mạc như ở các phiên chợ quê, trưng bày các loại trái cây, trông khá bắt mắt, thu hút sự chú ý của khách mua hàng và nhiều người đi đường.

Bước vào trong siêu thị, nhân viên bán hàng mặc trang phục của miền Tây Nam bộ; trong và ngoài khu vực bán hàng của siêu thị được trang trí mang tính chất sông nước miền Tây với những chiếc thuyền chở đầy trái cây - mô phỏng hình ảnh chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), kèm với đó là các chương trình hoạt náo của các nhà cung cấp, tạo cảm giác thích thú đặc biệt với các em nhỏ trong dịp nghỉ hè được cha mẹ dẫn đi siêu thị.

Thậm chí, những hình ảnh trên khiến một số khách hàng là người nước ngoài đi mua sắm tại siêu thị Big C tỏ ra rất thích thú, họ tò mò mua trái cây Việt về dùng thử, và bày tỏ khi về nước sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân về sự phong phú và đa dạng của trái cây Việt mà họ bắt gặp khi đi mua sắm tại siêu thị Big C.

Những hoạt động trên đây thể hiện sự nỗ lực của Hệ thống siêu thị Big C góp phần giữ giá cả mặt hàng trái cây ổn định, theo hướng có lợi cho người nông dân, đồng thời góp phần khẳng định và nâng tầm thương hiệu trái cây Việt. Điều này cũng thể hiện sự đồng hành của Hệ thống siêu thị Big C với bà con nông dân.

HT

Ninh Bình: Trái ngọt trên vùng đất mặn

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Vài năm gần đây, nhiều người biết đến hương vị đậm đà, ngon, ngọt, thơm giòn của dưa lê, dưa hấu... được trồng ở vùng đất bãi ngập mặn. Tuy nhiên, để có được hoa thơm, trái ngọt hôm nay là kết quả của sự dày công, nhẫn nại thử sức, tìm tòi các giống cây thích nghi với vùng đất mà nước biển mới rút đi không lâu.

Gia đình chị Triệu Thị Quyên, xóm 6 (Kim Đông) thu hoạch dưa lê.

Ai đó nói, vùng đất này là trù phú, chứ theo anh Phạm Xuân Thành ở xóm 5, xã Kim Hải (Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết: Những ngày đầu gia đình anh chuyển từ trong xóm ra vùng bờ đầm này, chuyện khó nhất là nước ngọt. Vì có nước ngọt thì mới sinh sống được. Nước ngọt để chúng ta uống, vừa để tưới cây. Rồi anh Thành kể lại: Gia đình đã trụ lại đây được 17 năm.

Cùng với làm nhà lán, dựng nhà, đào đầm là chuyện khoan giếng tìm mạch nước ngọt. ở vùng đất bãi này, nước ngọt quý như máu trong cơ thể con người. Gia đình anh mượn thợ về thực hiện việc khoan, dò tìm nguồn nước. Nhiều mũi khoan 40 – 50 mét đành phải dừng vì gặp phải móng núi Điền Hộ có chân móng dưới tầng sâu lòng đất.

Gia đình anh chưa có điều kiện để đưa loại mũi khoan hạng nặng về “công phá” xuyên qua móng đá dày cả chục mét. Và rồi dày công thay đổi vị trí, thay các mũi khoan… cuối cùng cũng chạm mạch nước ngầm có nước ngọt để dùng.

Có nước, cây cối sinh sôi, nảy lộc đơm hoa kết trái. Tương tự như gia đình anh Thành, bên cạnh việc canh tác thủy sản, nhiều hộ gia đình nơi đây cũng có thêm điều kiện trồng cấy các giống cây trên phần đất đang dần được ngọt hóa. Trong đó có các giống dưa đã đem lại giá trị kinh tế cao.

Gia đình chị Triệu Thị Quyên, xóm 6, xã Kim Đông thì cho biết: Khi chưa có nguồn nước ngọt, những ngày đầu ra vùng đất bãi ngang này, để cải tạo độ mặn trong đất, người dân thử trồng cây đinh lăng, cây từ, một thời gian sau thì trồng cây na, táo…

Qua mỗi vụ, độ mặn trong đất rồi cũng giảm đi nhiều phần. Vài vụ này, gia đình chị Quyên trồng dưa lê, dưa bở. Trước chỉ trồng vài gốc dưa để phục vụ nhu cầu của gia đình. Không ngờ, những quả dưa lê nho nhỏ lại cho vị thơm, ngọt và rất giòn.

Vụ dưa lê này, gia đình tận dụng mặt bằng (khoảng 2 sào) trên đất bờ đầm tôm, trồng xen canh cùng với 400 gốc thanh long. Trồng dưa trên đất cát có nhiều ưu điểm như sâu bệnh dễ bị rửa trôi xuống đầm, hơn nữa đất không giữ nước, không bị úng nên dưa không chết, khi có quả không bị thối.

Bên cạnh đó, khu vực bãi bồi thường biệt lập với các khu vực canh tác khác nên không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh từ các cây trồng. Vì thế, gia đình rất hạn chế phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim Đông cho biết: Hiện trên địa bàn xã có khoảng 30ha dưa các loại. Các hộ xã viên tận dụng phần đất thân bờ đầm, tất cả các phần đất quanh lán trại, hoặc quanh nhà và triền đê… để trồng dưa.

Tuy chưa hết vụ thu hoạch, song ước tính, năng suất dưa lê khoảng trên 10 tấn/ha, dưa hấu gần 25 tấn/ha. Với giá bình quân 15 nghìn đồng/kg, thì mỗi sào dưa lê cũng cho giá trị 6 triệu đồng/sào, gấp 5 lần giá trị cấy lúa.

Đó là phần giá trị rất quý, góp phần đáng kể vào thu nhập của nhiều hộ gia đình, trong khi vụ tôm nước lợ vừa qua cho năng suất kém hơn nhiều năm.

Gia đình anh Thành, chị Quyên là một trong nhiều hộ có diện tích dưa mà chúng tôi được dịp ghé thăm. Cũng như xã Kim Đông, các xã Kim Hải, Kim Trung mỗi xã cũng trồng từ 5 đến 15ha dưa các loại.

Bên cạnh các giống dưa lê, dưa hấu đã trồng cho kết quả khả quan, mấy năm nay, nhiều hộ đã trồng thêm cả giống dưa Kim Cô Nương, Kim Hồng Nương. Nhiều hộ dân thực hiện liên kết, góp vốn cùng đầu tư cải tạo đất, đào con mương để chứa nước mưa tưới cho cây trồng.

Đất bãi ven biển các xã bãi ngang ở Kim Sơn ngày càng được phủ xanh bởi cây dưa lê, dưa hấu...với diện tích tăng dần qua từng vụ. Quả dưa lê, dưa hấu, vùng bãi bồi ven biển được người tiêu dùng đón nhận bởi đây là sản phẩm sạch, ngày càng khẳng định chất lượng hơn dưa trồng ở nơi khác. Giá trị sản phẩm dưa nơi đây đã nâng cao vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng ven biển huyện Kim Sơn.

Nguyễn Minh

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop