Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 06 năm 2021

Vườn hẹp nhưng thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Bằng việc khai thác hiệu quả diện tích đất, ông Huỳnh Văn Hạnh, ở thôn Nam Nghĩa, xã Nam Đà, huyện Krông Nô (Đắk Nông), đã biến khu vườn chật hẹp của mình trở thành một mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Huỳnh Văn Hạnh có khu vườn rộng 2.000m2 được quy hoạch khá bài bản. Ông Hạnh cho biết, từ năm 2017, ông chuyển đổi, cải tạo khu vườn cà phê già cỗi sang trồng 100 cây ăn trái như: Chôm chôm, bơ, xoài, mít...

Mặc dù vườn của ông Hạnh chỉ rộng khoảng 2.000m2 nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cao

Khi cây ăn trái bắt đầu cho thu hoạch, ông tiếp tục trồng 1.000 gốc đinh lăng và 1.500 dứa để tận dụng không gian dưới tán cây ăn quả. Hai loại cây này được ông trồng thành hàng tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

Quá trình sản xuất, ông Hạnh nhận thấy, cây đinh lăng và cây dứa khi trồng dưới tán cây ăn quả đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, ông tập trung chăm sóc, mở rộng quy mô sản xuất hai loại cây trồng này.

Để thuận lợi chăm sóc cây trồng, toàn bộ vườn cây được ông Hạnh lắp đặt hệ thống tưới theo từng khu vực. Ông không làm sạch cỏ mà chỉ cắt cỏ định kỳ, đồng thời sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, phân chuồng để bón cho vườn cây.

Đinh lăng và dứa phát triển tốt dưới tán cây ăn trái

Ông Hạnh chia sẻ, khu vườn liền kề với nhà ở, gắn liền cuộc sống hàng ngày của cả gia đình, nên phải tạo được không khí trong lành, xanh, sạch, đẹp. Do đó, mọi hoạt động canh tác phải đặt dưới tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, không gây nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, khu vườn của ông Hạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng cây ăn trái đã cho ông khoản thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Các loại cây ngắn ngày, cây dược liệu cũng phát triển tốt, cho thu nhập đáng kể.

Hiện nay, ông Hạnh đang tiếp tục quy hoạch để xây dựng khu chăn nuôi dưới tán cây, tạo thêm nguồn thu, nguồn phân để bón cho cây trồng.

Cây mít mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho gia đình ông Hạnh

Theo ông Phạm Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Nam Đà, cách cải tạo vườn của ông Hạnh đã trở thành mô hình điểm điển hình trên địa bàn. Hiện nay, xã đang tổ chức đánh giá các tiêu chí trong việc xây dựng, cải tạo khu vườn của gia đình ông Hạnh.

Khu vườn tuy không lớn, nhưng khi được áp dụng cách làm mới, được đầu tư bài bản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hạnh không chỉ khai thác hiệu quả diện tích đất, mà còn tạo không gian sống trong lành, an toàn cho mọi người xung quanh.

Đây là mô hình được xã rất quan tâm, muốn triển khai rộng rãi để người dân trên địa bàn học tập, áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu nhập. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình ông Hạnh hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng vườn kiểu mẫu.

Ông Ánh nhấn mạnh: "Xây dựng vườn kiểu mẫu là xu hướng mới, góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất vườn và tạo cảnh quan môi trường trong xây dựng NTM".

Bài, ảnh: Đức Hùng

Khóm Tiền Giang rớt giá mạnh

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều loại trái cây chủ lực trên địa bàn Tiền Giang đang ở mức giá thấp, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đặc biệt, khóm rớt giá “chạm đáy” khiến nhiều nông dân khốn đốn.

Chiều 15-6, ông Trần Văn Thái (ngụ thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) cho biết, năm nay gia đình trồng hơn 6ha khóm, thu được khoảng 30 tấn, nhưng do dịch Covid-19 nên thương lái mua ít.

“Thương lái chỉ mua cầm chừng. Khóm chín không biết bán ai, đành đổ đống ngoài đường, bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Những năm trước, khóm có giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng/trái, nhưng năm nay giá chỉ 2.000 đồng/trái vẫn không có người mua”, ông Thái than thở.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Phước phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ khóm cho người dân trên địa bàn. Sắp tới, huyện Tân Phước sẽ triển khai điểm bán nông sản tại Khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước) và một số siêu thị trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông dân trồng khóm.

Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 15.000ha đất trồng khóm. Hiện trên đường ĐT 867 và một số con đường đến huyện Tân Phước, nông dân đổ khóm ra đường bán lẻ; khóm chín được người dân chế biến kẹo, nước khóm và nước màu… bằng phương pháp thủ công, hy vọng thu lại được ít tiền đầu tư.

NGỌC PHÚC

Đồng Tháp: Trồng sầu riêng - hướng đi mới cho nhà vườn huyện Châu Thành

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Cách đây hơn 10 năm, khi cây nhãn tiêu da bò bị thoái hóa do dịch bệnh chổi rồng, đa phần nhà vườn ở huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) chọn giống nhãn mới để duy trì loại cây ăn trái đặc sản của huyện, song nhiều nhà vườn ở xã Phú Hựu và thị trấn Cái Tàu Hạ lại mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng. Sự chuyển đổi mạnh mẽ đó đã tạo nên đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nông dân và đã mang lại hiệu quả đáng kể, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Thương lái thu mua sầu riêng ở vườn ông Xương

Là một trong những nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ cây nhãn tiêu da bò sang trồng cây sầu riêng, ông Nguyễn Văn Xương ở xã Phú Hựu cho biết, bước đầu khi chuyển đổi cũng chưa xác định hiệu quả thế nào nên ông chỉ chuyển đổi trồng trước 20 gốc sầu riêng giống RI6 trên diện tích 1.000m2. Sau 5 năm trồng, vườn sầu riêng bắt đầu cho trái và đến nay đã hơn 8 năm, bình quân mỗi năm 20 gốc sầu riêng cho thu hoạch khoảng 3 tấn trái, bán với giá 60.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận trên 130 triệu đồng và hiện ông đã mở rộng diện tích vườn sầu riêng lên hơn 5.000m2.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nam ở thị trấn Cái Tàu Hạ cũng đã thu hoạch dứt điểm vụ sầu riêng, mặc dù thời điểm thu hoạch gặp mưa nhiều nhưng với giá cả ổn định hơn 50.000 đồng/kg nên ông khá phấn khởi.

Hiện diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện Châu Thành là hơn 100ha, tập trung nhiều ở xã Phú Hựu và thị trấn Cái Tàu Hạ. Để hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất, xã Phú Hựu đã thành lập được Hợp tác xã sầu riêng. Còn thị trấn Cái Tàu Hạ cũng thành lập được Hội quán tập hợp những bà con nhà vườn trồng sầu riêng nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng áp dụng các quy trình sản xuất sạch, an toàn để sản phẩm sầu riêng đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thái Hòa – Chủ nhiệm Phú Nông Hội quán – thị trấn Cái Tàu Hạ cho biết: “Hội quán đang thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn để tìm đầu ra cho trái sầu riêng. Song song đó còn phối hợp với ngành nông nghiệp mời các kỹ sư ở các viện, trường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con, trong đó chú trọng sản xuất theo hướng an toàn VietGAP”.

Việc lựa chọn cây sầu riêng trong chuyển đổi cây trồng của bà con nông dân huyện Châu Thành là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, nông dân cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ cũng như tìm kiếm cơ hội mới để phát triển cây sầu riêng, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như nhiều loại cây trồng trước đây.

Thanh Dự - Đăng Phúc

Chàng thanh niên người Dao làm giàu từ nghề trồng nho hạ đen

Nguồn tin: Lao Động

Với niềm đam mê trồng cây từ nhỏ, chàng trai trẻ Lý Kim Lợi (sinh năm 1993, Phú Thọ) đã mạnh dạn lựa chọn giống nho hạ đen để khởi nghiệp trên đất đồi sau nhiều ngày chật vật nghiên cứu và thử nghiệm.

Quyết định táo bạo

Nỗ lực gieo trồng "giấc mơ" khởi nghiệp từ năm 18 tuổi, những gốc nho của chàng trai người Dao tên Lý Kim Lợi (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) đến nay đã trưởng thành, kết trái khiến nhiều người dân xóm núi Tân Lập không khỏi ngỡ ngàng.

Bởi trước đó, khi mới bắt đầu cuốc đất, gieo trồng, anh Lợi đã nhận được vô số lời can ngăn. Có thời điểm nho rụng lá và chuẩn bị ngủ đông, ai cũng lắc đầu cho rằng anh đã thất bại với kế hoạch của mình.

Được biết, nho hạ đen là giống cây được nhập từ nước ngoài. Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị, để trồng được giống cây này đòi hỏi phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt. Đặc biệt, thời tiết ở các tỉnh phía Bắc không thuận lợi, nếu muốn trồng phải chăm sóc rất kĩ lưỡng.

Không chấp nhận lùi bước, sau một thời gian miệt mài nghiên cứu và tìm hiểu, anh Lợi lặn lội về tận trường Đại học Nông - Lâm (Bắc Giang) - nơi đã trồng khảo nghiệm thành công giống nho từ Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tìm cách học tập kỹ thuật làm giàn, cách trồng và chăm sóc giống cây "khó tính" này.

Play Video

Chàng thanh niên người Dao “làm giàu” từ trồng nho hạ đen. Video: Nguyễn Thúy.

Anh Lợi chia sẻ: "Giống nho hạ đen tuy khó trồng nhưng lại có ưu điểm vượt trội hơn so với các loại giống nho khác như sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch. Nho có độ ngọt cao, thịt quả dày, có mùi thơm dịu và đặc biệt là không có hạt.

Với kinh nghiệm trồng cây ăn quả lâu năm, tôi đã thử độ chua và dùng kỹ thuật khử chua cho đất đồi trước khi mua 230 cây giống về trồng. Sau đó, gạt bỏ hết phần đất trên mặt, chỉ lấy tầng đất chai cứng, bón tầm 15-20 cân phân ủ cho mỗi hố trồng để phù hợp với giống cây".

Ngoài ra, để hạn chế sương giá, ngăn sâu bọ phát triển, anh Lợi còn đầu tư thêm giàn mái che bằng nilon trong suốt. Do thời tiết trên đồi khô ráo, buộc anh phải sử dụng bạt che toàn bộ phần gốc bên dưới và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để giữ ẩm cho cây.

Khu vực trồng nho hạ đen tại huyện Tân Sơn. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Trong quá trình chăm sóc, anh Lợi đã hạn chế tối đa phân hóa học, tăng cường nguồn phân hữu cơ để cây có tuổi thọ và chất lượng quả tốt hơn.

Thu lợi cao nhờ hướng đi mới

Nhận thấy hiệu quả kinh tế lớn từ loại nho không hạt này đem lại, anh Lợi quyết định nhân rộng diện tích trồng nho trên địa bàn huyện Tân Sơn. Từ 230 gốc nho ban đầu, đến nay anh Lợi có gần 600 gốc nho trên diện tích 5 sào.

Anh Lợi cho biết, trong vụ mùa tháng 5, sản lượng nho ước đạt 1,7 tấn. Với giá bán 150.000 đồng/kg, vựa nho hạ đen của anh Lợi đã trở thành mô hình kinh tế cho kết quả nổi trội.

"Trong năm đầu tiên gieo trồng 230 gốc nho hạ đen, tôi đã thu hoạch được khoảng 7 tạ nho. Thời điểm ban đầu, chùm nho ra quả không đều và non tôi chỉ bán với giá khoảng 130 nghìn đồng/kg. Nhưng các lứa sau thì quả đều tăm tắp, bán được với giá cao hơn" - anh Lợi cho hay.

Anh Lý Kim Lợi, người dân tộc Dao thành công với mô hình trồng nho hạ đen. Ảnh: Nguyễn Thúy.

Là mô hình nông nghiệp mới đầu tiên của tỉnh Phú Thọ, bên cạnh việc phát triển thương mại giống nho hạ đen, trong thời gian tới anh Lợi cũng dự tính sẽ đầu tư phát triển du lịch. Mỗi ngày, vườn nho của anh thu hút rất nhiều người dân địa phương, du khách đến tham quan, chụp ảnh, tự tay trải nghiệm hái những chùm nho căng mọng.

Nói về việc trồng nho trên đất đồi, anh Lợi cho biết: “Qua vài lần thử nghiệm, tôi thấy cây ăn quả khi được trồng trên đồi chất lượng sẽ ngon, ngọt và giòn hơn khi trồng ở ruộng vì sẽ kiểm soát được độ ẩm. Đặc biệt để thành công với mô hình này thì bên cạnh kỹ thuật, người trồng nho phải có nhiệt huyết, đam mê nữa mới chăm chút được".

Đầu năm 2020, mô hình trồng nho trên đất đồi của anh Lợi được Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc ghi nhận. Tại đây, giống nho hạ đen của anh đã được ghi nhãn mác và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, trở thành một điển hình khởi nghiệp đáng học hỏi và nhân rộng.

ĐÌNH TRƯỜNG

Nhiều cách làm sáng tạo của người trồng vải ở Lục Ngạn

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Vải thiều là trái cây đặc sản của Lục Ngạn và Bắc Giang. Với kinh nghiệm của mình, nhiều nông dân có những cách làm độc đáo, tạo nên những vườn vải đẹp, năng suất, chất lượng vượt trội.

Vườn vải cho nhiều quả nhất

Từng đặt chân đến nhiều vườn cây ăn quả trong tỉnh nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đến thăm trang trại vải thiều của gia đình anh Vũ Nguyên Bình, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn). Phần lớn vườn quả được bao bọc bởi hồ Làng Thum. Quan sát từ trên cao, khu này giống như hình con chim khổng lồ đang sải cánh, vươn về phía lòng hồ, trên lưng “cõng” những cây vải hình mâm xôi, quả đỏ trĩu cành soi bóng xuống mặt nước. Anh Bình cho biết, trang trại rộng 10 ha, trong đó có 7 ha trồng vải thiều, với 1.200 cây, đa phần cây đã trên 30 năm tuổi. Do được chăm sóc tốt nên cây rất khỏe, năng suất cao, đạt gần 10 tấn/ha, trái to đều, mã đẹp.

Vụ này cả vườn cho chừng 65 tấn quả. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn, vườn vải của anh Bình diện tích không lớn nhất huyện nhưng sản lượng hiện cao nhất Lục Ngạn và cả tỉnh Bắc Giang. Với diện tích và năng suất, sản lượng vải hiện có, mỗi vụ thu hoạch anh phải cần tới 25 nhân công/ngày. Mỗi năm gia đình anh thu lãi từ trồng vải cả tỷ đồng.

Che màng ni-lông bảo vệ vườn

Trong vườn vải được che phủ màng ni lông của anh Bình (bên phải).

Chưa hết ngỡ ngàng trước “rừng” vải đang thu hoạch rộ, anh Bình lại đưa chúng tôi đến khu trồng vải được che phủ màng ni-lông khép kín. Bên trong, một khung cảnh khác lạ hiện ra. Hàng chục cây vải cao từ 5-6m trái sai lúc lỉu, tỏa hương thơm dịu, không một bóng côn trùng.

Theo anh Bình, đây là mô hình “che màng lưới cho vải thiều” do Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn khởi xướng, diện tích 1.000 m2. Khi tham gia, anh được hỗ trợ 100 triệu đồng mua vật tư, lắp đặt và hướng dẫn sử dụng.

Mục đích nhằm hạn chế côn trùng, nhất là sâu đục cuống quả, giúp sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Nhờ che phủ màng ni-lông, vụ vải này gia đình anh Bình tiết kiệm được gần 3 triệu đồng thuốc BVTV và nhân công. Lợi ích lớn nhất khi che màng cho vải thiều, đó là không phải dùng thuốc BVTV, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người lao động, nâng chất lượng, giá trị quả vải.

Đây là một trong các biện pháp giúp người nông dân sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí bền vững, hướng đến sản xuất hữu cơ. Anh Bình cho biết: “Chỉ với 50 cây vải trong khu nhà màng, vụ này gia đình tôi thu khoảng 5 tấn quả. Toàn bộ vải trong vườn đã được khách đặt trước với giá cao gấp 2 lần vải thường bán trên thị trường tại thời điểm thu hoạch”.

Cho vải ra quả từ thân cây

Anh Phú chăm sóc vườn vải cho quả từ thân cây.

Đây là vườn vải của anh Tô Văn Phú, thôn Héo A, xã Hộ Đáp. Từ xa đã thấy những vạt quả đỏ đầy ắp trên tán vải. Vào sâu trong khu vườn, tôi thực sự ngỡ ngàng, thích thú khi lần đầu thấy những chùm vải căng mọng mọc ra từ thân cây.

Anh Phú giải thích, để có những chùm quả ra từ thân vải, tầm tháng 7 năm trước anh đã phải tạo lộc, sao cho lộc trên thân và ngọn cây phải đều nhau để đến mùa xuân cây phân mầm sẽ ra hoa đồng loạt. “Đây là một quá trình tỉ mỉ, không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cần sự kiên trì”, anh Phú nói.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn Tăng Văn Huy: “Chúng tôi khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp thâm canh vải thiều theo hướng hữu cơ. Động viên bà con tích cực sáng tạo trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giá trị quả vải nhưng phải giảm chi phí thuốc BVTV và nhân công lao động”.

Cách làm này có nhiều lợi ích, như: Sản lượng quả tăng gấp rưỡi so với chỉ để quả trên ngọn cây; mã quả đẹp, ít bị rụng vì không chịu va đập do gió, bão gây nên.

Anh Phú chia sẻ: “Năm 2017 tôi đã áp dụng kỹ thuật cho vải ra quả ở thân cây. Trước đó, tôi thấy đài truyền hình thông tin có hộ ở xã Giáp Sơn (cùng huyện) thực hiện thành công phương pháp sản xuất mới này nên rất háo hức và quyết thực hiện cho bằng được.

Mặc dù các kỹ thuật có được tôi đều học hỏi trên mạng Internet là chính nhưng có thể tự tin là mình đã làm chủ kỹ thuật”. Với cách làm sáng tạo, vườn vải 200 cây của anh Phú vụ này ước thu khoảng 10 tấn quả, hiện đã có thương lái đến đặt mua cả vườn với giá cao hơn thị trường 15%.

Cách vận chuyển độc đáo

Anh Yên (bên trái) điều khiển ròng rọc đưa vải từ trên núi xuống.

Xã Hộ Đáp cũng như 5 xã trên đèo khác của Lục Ngạn, vải thiều thường được trồng trên các triền núi dốc nên việc chăm sóc, thu hoạch rất khó khăn, vất vả. “Người dân phải vác từng bao phân bón nặng qua suối, qua khe, vượt dốc mới lên đến vườn. Khi thu hoạch lại phải gánh từng sọt vải xuống núi, nhiều khi trượt ngã, vải dập nát. Nếu lũ về là không lên vườn chăm cây, thu quả được”, anh Lăng Văn Yên (dân tộc Nùng), thôn Khuôn Trang, xã Hộ Đáp tâm sự.

Để cải thiện sản xuất, anh Yên đã lên huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) học cách làm, điều khiển ròng rọc, cáp treo vận chuyển na của bà con nơi đây. Năm 2020 anh đầu tư gần 15 triệu đồng xây dựng hệ thống ròng rọc (tận dụng động cơ xe máy cũ), cáp treo dài hơn 150 m của gia đình, vượt qua suối, khe sâu đưa vải về nhà.

“Trước đây, mỗi gánh vải phải mất 30 phút mới về tới nhà. Cùng thời gian đó, nay tôi đưa được cả tấn vải xuống núi. Thấy nhà mình làm được nên nhiều người gọi điện đến nhờ tư vấn làm theo”, anh Yên cười nói.

Năm nay vải được mùa, sản lượng lượng lớn nên nhiều hộ trong, ngoài xã Hộ Đáp có ý tưởng học anh Yên để làm ròng rọc. Anh Lâm Văn Khánh, dân tộc Nùng, cùng thôn Khuôn Trang chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 1 ha vải trên núi cao. Tới đây cũng gom tiền làm một cái ròng rọc để việc thu hái, chăm cây đỡ vất vả”.

Lục Ngạn hiện có hơn 28 nghìn ha vải thiều, trong đó có hàng nghìn ha trồng trên địa hình đồi núi dốc nên không thể làm đường cho xe đến vận chuyển được. Do đó, việc xây dựng cáp treo vận chuyển như của anh Yên thật hữu ích, nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thiếu rất nhiều nhân công thu hoạch vải thiều.

Cùng đó, sự năng động, sáng tạo của người trồng vải càng góp cho thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” ngày càng vươn xa.

Bài, ảnh: Thế Đại

Trồng nấm rơm trong nhà kính lãi cao gần gấp đôi so với sản xuất theo truyền thống

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thời gian gần đây, nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) phát triển mạnh mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính. Mô hình này cho năng suất và chất lượng nấm vượt trội so với hình thức trồng truyền thống.

Trồng trong nhà kính được kiểm soát tốt nhiệt độ và độ ẩm, thu hoạch kịp thời nên nấm đạt loại 1 trên 95%.

Ưu điểm của sản xuất nấm trong nhà kính so với ngoài trời là tiết giảm được diện tích, rút ngắn thời gian tái sản xuất, nên mỗi năm có thể sản xuất từ 7-8 đợt. Trung bình 100m2 có thể chất được 120-150 cuộn rơm. Rơm sau khi ủ sẽ được chất theo dạng trụ hoặc dạng kệ, sau 12 ngày rải meo là cho thu hoạch nấm và kéo dài trong 25 ngày tiếp theo. Do kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm giúp cho nấm ra đều, chủ động được khâu thu hoạch nên chất lượng nấm loại 1 đạt trên 95%. Bình quân một cuộn rơm cho năng suất khoảng 3kg nấm, được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, người trồng lãi 110.000 đồng, cao gần gấp đôi so với sản xuất ngoài trời.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Trồng xen canh củ đậu trong vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Thực hiện việc “lấy ngắn nuôi dài” để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, thời gian gần đây người dân trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) đã áp dụng mô hình trồng xen canh củ đậu trong vườn cây ăn trái, hiện khu vực trồng cây củ đậu đang bước vào vụ thu hoạch, bước đầu mô hình này cho thu nhập khá cho người trồng.

Trồng xen canh củ đậu trong vườn mít mang lại hiệu quả cao.

Điển hình như hộ ông Lê Văn Nhàn, ngụ ở xã Tân Phú, người đã mạnh dạn chuyển đổi trên 70 ha đất sản xuất cây mía, khoai mì và lúa sang trồng thâm canh cây mít thái lá bàng, để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, gia đình ông đã trồng xen cây củ đậu với mục đích lấy ngắn nuôi dài.

Ông Nhàn cho biết, củ đậu hay còn gọi là củ sắn, được xem như loại rau củ tươi, nhiều dinh dưỡng, có thể trồng nhiều thời gian trong năm như: vào thời điểm từ tháng 2 – 3, tháng 6 -7 hoặc tháng 7 – 8. Trồng vào những thời điểm này cây sẽ cho năng suất cao, củ đậu nhiều nước, có vị ngọt thanh hơn. Trồng củ đậu có thể kết hợp trồng xen canh với các loại rau màu ngắn ngày khác để tăng thu nhập như: cải xanh, cải ngọt, củ cải.. hoặc trồng củ đậu xen dưới vườn cây ăn trái khi chưa khép tán.

Việc trồng xen canh này vừa giúp tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giảm được thời gian vun xới đất và làm cỏ; nhưng vẫn đảm bảo cho gốc mít thông thoáng, phát triển tốt; đồng thời tạo ra nguồn thu nhập cho người trồng.

Nông dân thu hoạch củ đậu.

Đã qua nhiều vụ canh tác củ đậu, ông Nhàn cho rằng đây là loại củ dễ trồng, cho thu nhập cao, đầu ra dễ dàng, được thương lái thu mua theo hợp đồng. Vụ củ năm nay, ông Nhàn ước tính thu hoạch được gần 90 tấn, với giá ký kết bán cho thương lái từ 4.500-5.000 đồng/kg. Sau 4 tháng canh tác, sau khi trừ các khoản chi phí, đã mang về cho gia đình ông gần 200 triệu đồng.

Theo ông Nhàn, việc trồng xen củ đậu vào vườn mít đã giúp cho khâu chăm sóc đạt hiệu quả cao hơn, cây mít sinh trưởng và phát triển nhanh, khỏe mạnh. Thời gian tới, ông Nhàn dự định tiếp tục trồng xen thêm 15 ha củ đậu trong vườn mít của gia đình.

Nhi Trần

Cần thêm ‘trợ lực’ cho tiêu hữu cơ

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhiều hợp tác xã (HTX) tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã, đang sản xuất tiêu hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Thế nhưng, do nguồn lực hạn chế, nên nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng để tiếp cận những thị trường tiềm năng.

Sau hơn 3 năm hoạt động, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại hồ tiêu hữu cơ Nam Bình (HTX Nam Bình) đã có 120 thành viên. Trong 300 ha hồ tiêu đăng ký, HTX này có trên 90 ha hồ tiêu đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.

Quy trình chăm sóc tiêu hữu cơ nghiêm ngặt nhưng năng suất thường thấp hơn so với tiêu thông thường

Hiện sản phẩm tiêu hữu cơ của HTX Nam Bình được Công ty TNHH MTV Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) bao tiêu đầu ra. Do quy trình chăm sóc, chế biến bảo đảm, sản phẩm hồ tiêu của HTX được mua cao hơn mức giá thị trường khoảng 20.000 đồng/kg.

Dù sản xuất hữu cơ có lợi nhuận khá, nhưng HTX vẫn khó thu hút thành viên. Theo ông Lê Văn Bạo, Phó Giám đốc HTX Nam Bình, sản xuất tiêu hữu cơ tốt cho môi trường và tăng chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, quy trình chăm sóc tiêu hữu cơ khó hơn và chi phí phân bón, chế phẩm sinh học… cũng cao hơn so với tiêu thông thường. Nhiều hộ dân muốn sản xuất hồ tiêu nhưng do thiếu vốn, nên chưa tham gia vào HTX.

Cũng theo ông Bạo, quy mô của HTX còn nhỏ, số quỹ còn ít. Để phát triển mạnh, HTX cần đầu tư nhiều hạng mục như nhà kho, sân phơi… HTX rất mong được các đơn vị quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để phát triển.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên (HTX Hoàng Nguyên), xã Thuận Hà, là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất hồ tiêu hữu cơ của huyện Đắk Song. HTX có trên 40 thành viên với hơn 100 ha hồ tiêu được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.

Nhiều HTX gặp khó vì thiếu vốn xây dựng sân phơi, nhà kho (Trong ảnh: Sân phơi của thành viên HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên)

Trong niên vụ vừa qua, HTX Hoàng Nguyên đã cung ứng 400 tấn hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu và khoảng 250 tấn hồ tiêu trong nước. Sản phẩm hồ tiêu HTX Hoàng Nguyên được thị trường ưa chuộng bởi khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nghiêm ngặt nên giá thường cao hơn thị trường từ 20 - 30%.

Năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ 500 triệu đồng cho HTX Hoàng Nguyên đầu tư mua máy ép tinh dầu hồ tiêu, tạo điều kiện cho HTX đa dạng sản phẩm.

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, đối với sản xuất tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản phải chuẩn chỉ tuyệt đối.

Muốn làm được điều này, máy móc, thiết bị chế biến, hệ thống nhà kho, sân bãi… phải đồng bộ. Do đó, HTX cần thêm nhiều “trợ lực” để có thể theo đuổi ngành tiêu hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm để tiếp cận những thị trường tiềm năng.

Huyện Đắk Song đã có 6 HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của các HTX đã tiếp cận được nhiều thị trường tiềm năng. Hồ tiêu hữu cơ cũng mang lại giá trị cao hơn cho người sản xuất.

Thế nhưng nhìn chung, các HTX sản xuất tiêu hữu cơ tại Đắk Song có quy mô nhỏ, chi phí hoạt động hạn chế. Thêm vào đó, kinh phí đầu tư sản xuất hồ tiêu hữu cơ khá cao. Giá cả hồ tiêu thời gian qua thường xuyên biến động đã gây khó khăn cho các HTX mở rộng quy mô.

Theo ông Nguyễn Văn Đô, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, khó khăn lớn nhất các HTX là về nguồn vốn và dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, việc hỗ trợ của các cơ quan cấp trên về vốn, về dây chuyền sản xuất còn hạn chế.

“Nếu dây chuyền sản xuất đạt chuẩn, tiêu hữu cơ của chúng ta sẽ xuất sang được các thị trường khó tính, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhưng trước mắt, Nhà nước cần sớm có thêm những giải pháp “trợ lực” để các HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ tồn tại, từng bước tìm được chỗ đứng ổn định trên thị trường", ông Đô chia sẻ.

Bài, ảnh: Lê Phước

Ðể nông dân là 'chuyên gia' trên đồng ruộng

Nguồn tin:  Báo Bình Định

Với mục tiêu chuyển giao kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt hướng đến đào tạo nông dân trở thành “chuyên gia” trên đồng ruộng, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định tổ chức nhiều lớp học thực tế trên đồng ruộng.

Những năm gần đây, nông dân Bình Định đã làm quen với nhiều lớp học thực tế trên đồng ruộng (FFS - viết tắt từ tiếng Anh Farmer Field School), do ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật triển khai dưới hình thức học và hành ngay tại đồng ruộng. Lớp học FFS đặt nông dân ở vị trí trung tâm, giúp họ tham gia tương tác với chuyên gia nông nghiệp, tiếp cận thông tin về tiến bộ KHKT để trở thành “chuyên gia” trên đồng ruộng.

Nông dân nhóm cùng sở thích xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) học thực hành trên đồng ruộng với các chuyên gia Văn phòng Dự án rau an toàn tỉnh. Ảnh: VP Dự án rau toàn Bình Định

Dự án rau an toàn Bình Định bắt đầu triển khai năm 2016 là một ví dụ. 2 năm sau đó, Văn phòng điều phối dự án bắt tay vào phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai các lớp học FFS cho hơn 1.000 hộ nông dân thuộc các nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các chuyên gia của Văn phòng điều phối dự án phối hợp với cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp các huyện, thị xã tổ chức lớp học cho nông dân trong thời gian 7 tuần/lớp. Nông dân được phân nhóm thực hành ngay trên đồng ruộng để áp dụng kiến thức vừa học, hình thành thói quen mới trong canh tác. Đến nay, dự án đã tổ chức các lớp học FFS cho 40 nhóm cùng sở thích. Nông dân được hướng dẫn theo từng chuyên đề về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và thực hành trên ruộng rau, như: Lên luống; làm đất; trồng và chăm sóc cây rau; phòng trừ sâu bệnh theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM - kiểm soát dịch bệnh phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cơ sở kết hợp các hiệu quả từ quy luật của sinh thái đồng ruộng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định…

Bà Đồng Thị Tuyết Thu (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) chia sẻ: Khi tham gia các lớp học, nông dân mới biết rằng cách mình trồng cây, rau theo kinh nghiệm lâu nay là chưa đúng. Cũng là cây trồng, nhưng chăm sóc lúa, rau, hoa màu, mỗi loại đều có kỹ thuật riêng, từ đó nông dân chủ động chọn phương pháp phù hợp để sản xuất. Chẳng hạn, với rau ăn lá, thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch ngắn, cho nên không áp dụng và không khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; thay vào đó chuyên gia hướng dẫn người trồng chọn giống phù hợp với chân đất, mỗi luống, mỗi hộ chọn giống rau xen canh để phát triển…

Ông Phạm Tất Phát, Điều phối viên dự án Rau an toàn Bình Định, cho hay: “Lớp học FFS mang lại hiệu quả ở chỗ giúp nông dân chủ động tiếp cận tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, từ đó họ là người tự định hướng và quyết định chọn hay không chọn giống cây, quy trình canh tác cho cánh đồng của mình. Nông dân được đào tạo qua lớp học càng hiểu rõ hơn về thổ nhưỡng, vùng trồng. Dẫn chứng là nông dân ở xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), hiệu quả từ các lớp FFS thấy rõ khi nhóm cùng sở thích ở đây phát triển được những giống rau ôn đới phù hợp, có hiệu quả; lên kế hoạch sản xuất và chủ động kết nối với Văn phòng dự án để tiếp thị sản phẩm. Rõ ràng, với cách học này, không còn rào cản nào để ngăn việc nông dân chủ động tiếp cận với tiến bộ KHKT”.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: Phương pháp học trực tiếp trên đồng ruộng đưa đến cách tiếp cận không chỉ gần gũi, thực tế mà còn chủ động hơn cho dân so với cách thức truyền thống (tập huấn, hội thảo, trao đổi lý thuyết). Do đó, Trung tâm lồng ghép hình thức đào tạo này vào các mô hình khuyến nông trên địa bàn tỉnh, cán bộ kỹ thuật “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo cho nông dân ngay trên đồng ruộng. Kết quả cho thấy, không chỉ hộ nông dân được chọn tham gia mô hình thực hiện mà các hộ lân cận trong quá trình theo dõi nắm bắt cũng chủ động thực hành ở chân ruộng nhà mình. Trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai 14 mô hình trồng trọt với gần 1.000 hộ tham gia.

THU DỊU

Chăn nuôi an toàn để phát triển ổn định

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Sử dụng nguồn thức ăn sạch, vật nuôi được bán với giá cao hơn. Ảnh: NGỌC LY

Đó là cách mà chị Nguyễn Thị Hào và anh Lưu Văn Quân ở thôn Tân An, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh, tỉnh tỉnh Phú Yên) áp dụng cho trang trại gà của gia đình. Cách làm này vừa giúp mang lại thu nhập vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Theo chị Nguyễn Thị Hào, so với cách nuôi truyền thống, nuôi an toàn sinh học phải đầu tư kinh phí nhiều hơn. Nền là lớp đệm lót sinh học của trấu kết hợp vôi bột, được đảo hàng ngày. Chuồng được xây dựng thông thoáng với mái che cách nhiệt, giúp ổn định nhiệt độ theo mùa… Bù lại lợi ích mang lại rất lớn, đó là hạn chế mùi hôi ra môi trường xung quanh, vật nuôi ít bị bệnh. “Từ khi áp dụng phương pháp nuôi này, tôi thấy tỉ lệ gà nuôi sống đạt 95%, chi phí thức ăn, kháng sinh giảm và ít phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng...”, chị Hào nói thêm.

Còn anh Lưu Văn Quân, chồng chị Hào, cho biết: Để đảm bảo nguồn thức ăn sạch, vợ chồng tôi đầu tư hệ thống ép cám viên tại nhà. Tận dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như bắp, lúa, cỏ, đậu tương, cám… kết hợp với cây thuốc nam truyền thống gồm tỏi, cây sả, lá ổi, cây cỏ mực… tạo ra nguồn thức ăn an toàn vệ sinh giúp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Nhờ đó, gà thịt nhà tôi luôn được khách hàng đánh giá thơm ngon, thịt dai, ngọt nên dù chúng tôi bán giá cao hơn giá gà công nghiệp từ 30-35% mà vẫn không đủ bán, phải khất lại khách lứa gà sau và khách vẫn chờ. Mỗi năm tôi xuất bán 2 lứa với số lượng trung bình 1.000 con/lứa. Hiện đàn gà nhà tôi có 1.600 con.

Theo chị Triệu Thị Thang ở gần trang trại gà của vợ chồng anh Quân, dù trang trại nuôi nhiều gia cầm nhưng quanh năm không nghe mùi hôi thối, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Không chỉ nuôi gà, vợ chồng anh Quân còn nuôi thêm 200 con ngan, 200 con vịt và gần 20 con heo rừng lai. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, việc chăn nuôi mang lại cho gia đình anh chị từ 100-120 triệu đồng.

Chị Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh, nhận xét: Mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học của gia đình anh Quân, chị Hào là một trong những mô hình phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Hiện chăn nuôi theo hướng an toàn đang là xu hướng sản xuất tất yếu nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững. Vì vậy, mô hình này cần được nhân rộng để góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất cũ của bà con.

NGỌC LY - HẢI PHONG

Nuôi heo tộc, thu lộc liền tay

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Với vốn đầu tư thấp, thời gian xoay vòng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao- có thể thu tiền tỷ trong tầm tay, nhiều hộ dân xã An Bình (Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đang phát triển mô hình chăn nuôi heo tộc và thành lập tổ hội nghề nghiệp để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và thông tin thị trường.

Gia đình bà Lánh (bìa phải) nuôi heo tộc lời 500.000 đ/con.

Nuôi heo 2 tháng, lời 500.000 đ/con

Cách nay 10 năm, từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Long Hồ cộng với vốn tích lũy gia đình, ông Lê Minh Hùng (ấp An Thạnh, xã An Bình) đã đầu tư xây chuồng và mua 50 con heo tộc về nuôi. Là người đầu tiên ở địa phương nuôi heo tộc nên ông gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ “vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm” cộng với tính cần cù, chịu khó mà gia đình ông ngày càng khấm khá.

Hiện, mô hình này đang được các hộ dân trong xã nhân rộng. Riêng ở ấp An Thạnh có 12 hộ nuôi với tổng đàn 350 con và thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi heo tộc do ông Hùng làm tổ trưởng. Nhận thấy hiệu quả mô hình đem lại, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương (300 triệu đồng), năm 2020, Hội Nông dân đã hỗ trợ cho tổ hội vay vốn ưu đãi để tăng đàn, từng bước hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Theo ông Hùng, thông qua các nguồn vay ưu đãi giúp bà con có thêm đồng vốn phát triển chăn nuôi. Việc thành lập tổ hội nghề nghiệp còn tạo điều kiện cho các thành viên cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin thị trường và tìm đầu ra cho các hộ chăn nuôi.

Heo tộc là một trong những giống heo cho chất lượng thịt ngon, nên rất được thị trường ưa chuộng. Bình quân, heo đẻ khoảng 10 con/lứa, có con đẻ tới 26 con/lứa. “Trung bình, heo con nuôi cỡ 70 ngày là có thể đạt 25- 27kg, lúc này có thể kêu bán. Đây là mô hình vốn đầu tư thấp nhưng xoay vòng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao”- ông Hùng cho biết.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Lánh (ấp An Thạnh) nuôi heo pi (Pietrain) với số lượng lớn. Năm 2019, do bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo Châu Phi, bà thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Bà đã chuyển sang nuôi giống heo tộc, hiện tổng đàn đã lên đến gần 50 con. Cứ khoảng 2 tháng, bà cho xuất chuồng, với giá bán 110.000 đ/kg, bà lời 500.000 đ/con.

Bà Lánh cho biết: “Nuôi heo tộc có lợi hơn heo pi. Tuy giá bán heo pi 7,8 triệu đồng/tạ, nuôi khoảng 5 tháng mới vô tạ. Còn con heo tộc khi mình bắt về (nặng 8- 10 kg/con), nuôi chưa tới 2 tháng là có thể xuất bán nên việc quay đồng vốn dễ hơn”. Ông Trà Văn Nhọn- chồng bà Lánh- cho rằng, nhờ thời gian nuôi ngắn nên không lo ngại mầm bệnh, khi heo hơn 20kg là có thể xuất chuồng. Còn heo pi thì thời gian nuôi dài, trong khi giá thức ăn tăng cao lại có mầm bệnh nguy hiểm.

Trên thực tế, heo tộc có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Ngoài cho heo ăn thức ăn chăn nuôi, có thể cho ăn giặm thêm các loại rau cỏ có sẵn trong vườn, giúp người nuôi giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập.

200m2 kiếm nửa tỷ/năm

Tháng 4/2020, anh Trần Tết Dương (ấp An Thạnh) được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng để nuôi heo tộc. Từ 3 con nái đã đẻ được 28 heo con. Với giá bán 110.000 đ/kg, anh lời 70.000 đ/kg. “Với đàn heo này, tui đã dư tiền để trả tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội”- anh Dương nói. Để nuôi heo tộc hiệu quả, anh Dương đã đi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi. Anh chia sẻ, phải có bể xử nước chlorin (20 gr/m3) để tắm heo vì “tắm nước sông sẽ khó kiểm soát dịch bệnh”. Bên cạnh, phải có mẻ un khói chống muỗi, không cho chuột, bọ vào chuồng. Anh còn học cách tự chích, gieo tinh heo… “Tui nghe cán bộ thú y tư vấn, hỏi kinh nghiệm rồi tự làm”-

anh Dương nói.

Trên thị trường có ra loại vắc xin nào mới là anh Dương tiếp cận liền và tiêm hết tổng đàn để không “bị lỗi hệ thống”. Anh còn sử dụng đèn cực tím để khử trùng, diệt khuẩn nền chuồng. Anh Dương nói vui: “Chưa ai chăm sóc heo kỹ bằng tui. Sau khi heo đẻ, trong 3 ngày đầu, mỗi ngày tui cho ăn 3 trứng hột gà và 1 lon bia, nửa lít mật ong. Ngày thứ 4 thì sắc thêm thuốc bắc 2 nước rồi trộn lại với cách món trên cho heo ăn. Cách làm này, vừa giúp heo chống viêm, lại thêm mát sữa”.

Anh Dương (phải) cho rằng nuôi heo tộc chỉ với 200m2 trong vòng 1 năm là có thể thu nửa tỷ trong tầm tay.

Anh Dương dự kiến sẽ nâng tổng đàn lên 10 con heo nái, còn lại sẽ nuôi heo thịt. Anh làm bài toán nhẩm, chỉ cần nuôi với diện tích chuồng trại chừng 200m2, 10 con nái đẻ ra 2 dòng heo là đã có 200 con heo thịt, giá thành 1 con heo từ lúc trong bụng mẹ đến khi xuất chuồng chỉ 40.000 đ/kg. Với mức giá như hiện nay giá (110.000- 135.000 đ/kg), thì chỉ trong vòng 1 năm có thể lời nửa tỷ trong tầm tay.

Rũ bỏ đặc tính hoang dại, những con heo tộc đã nhanh chóng giúp nông dân phát triển kinh tế nông hộ. Làm giàu từ chăn nuôi heo tộc đang là mô hình được nhiều bà con nông dân hướng đến, vấn đề đặt ra là nâng cao chất lượng đàn heo và giữ vững thị trường tiêu thụ.

Ông Bùi Văn Chiều- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Nuôi heo tộc là một trong những hướng đi giúp hội viên, nông dân trong tỉnh duy trì, mở rộng, cũng như tái đàn sau dịch tả heo Châu Phi. Mô hình này hiện đang phát huy hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng gắn với việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, từng bước góp phần cùng địa phương tổ chức lại sản xuất.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop