Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 07 năm 2017

Trồng rau thủy canh hồi lưu: Xu hướng của tương lai

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Hiện nay, một số nhà vườn ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đang áp dụng phương pháp trồng rau thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Đây là phương pháp trồng rau không cần đất mà trồng trực tiếp vào môi trường dinh dưỡng hoặc giá thể, giúp đem lại nguồn thực phẩm an toàn và hiệu quả kinh tế cao.

Phương pháp trồng rau hiện đại

Năng suất rau trồng theo phương pháp thủy canh cao hơn khoảng 30% so với bình thường. Ảnh: Thảo Nguyên

Là đơn vị ứng dụng phương pháp trồng rau thủy canh hồi lưu đầu tiên trên địa bàn TP. Pleiku, Công ty TNHH một thành viên Thủy canh Tây Nguyên (146 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) chính thức ra mắt sản phẩm rau thủy canh vào tháng 5 vừa qua sau hơn 2 tháng nhận chuyển giao công nghệ từ Mekong Farm (TP. Hồ Chí Minh). Giới thiệu về vườn rau thủy canh hồi lưu, anh Hồ Trọng Nghĩa-phụ trách kinh doanh của Công ty, cho biết: Trồng rau thủy canh hồi lưu là trồng bằng nước và phụ trợ dinh dưỡng sinh học được pha trực tiếp vào bồn chứa với liều lượng thích hợp, sau đó máy sẽ bơm tuần hoàn liên tục để tạo dòng chảy và cung cấp oxy cho cây. Phương pháp này giúp giảm tối đa sức lao động cho người trồng vì không tốn công làm đất, nhổ cỏ, tưới tiêu, bón phân… Đặc biệt, người trồng sẽ quản lý đầu vào nguồn dinh dưỡng qua hệ thống máy đo đếm, đồng thời quản lý hiệu quả các loại sâu bệnh. Vào thời điểm nắng nóng, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đi kèm sẽ hoạt động để cung cấp độ ẩm cho bề mặt, chống héo lá.

Theo phương pháp này, nếu trồng bằng cây con, sau 18-20 ngày sẽ cho thu hoạch, còn gieo hạt giống thì khoảng 30-32 ngày. So với cách thức canh tác hữu cơ, năng suất rau thủy canh ước tính cao hơn khoảng 30%. Không những vậy, rau thủy canh được khách hàng đánh giá là chất lượng ngon hơn. Ưu điểm dễ thấy nữa là mô hình này có khả năng thích nghi dễ dàng với các điều kiện thời tiết khác nhau; việc thiết kế giàn (giàn thẳng, giàn tầng, giàn chữ A) phù hợp ở nhiều vị trí, địa hình mà không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.

Anh Quốc Anh (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku)-một khách hàng của Công ty TNHH một thành viên Thủy canh Tây Nguyên, cho hay: “Gia đình tôi thường tự trồng rau ăn trong các thùng xốp để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Nhưng trồng kiểu đó tốn diện tích và công chăm sóc. Khi biết lợi ích của việc trồng rau thủy canh, tôi đã đầu tư một giàn trồng đặt trên sân thượng. Mới một tháng mà rau đã cho thu hoạch, đủ cho cả nhà ăn, tỷ lệ cây con phát triển đến khi thu hái gần như đạt 100%. Không những vậy, không gian của sân thượng lại tràn ngập một màu xanh mát mắt”.

Xu hướng của tương lai

Cửa hàng rau thủy canh lúc nào cũng tấp nập khách mua. Ảnh: Thảo Nguyên

Anh Nghĩa cho biết, hàng ngày, tiếp xúc với khách hàng, anh phải thường xuyên trả lời các câu hỏi lo ngại về phương pháp thủy canh như trồng sao không cần đất, chỉ có nước làm sao cây sinh trưởng và phát triển được, phải chăng là có thuốc kích thích tăng trưởng… “Với những điều mới mẻ, muốn thay đổi tư duy cũ không dễ chút nào. Sau khi nhận chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh hồi lưu, mất một thời gian dài tìm kiếm khách hàng, tôi nhận ra, nếu muốn khách hiểu thì trước hết họ phải được sử dụng và đánh giá sản phẩm làm ra từ hệ thống này. Do đó, tôi bắt tay gầy dựng một khu vườn và thực hiện công việc của một người bán rau sạch. Thế rồi, khách đến điểm bán để mua rau thủy canh ngày càng đông, tham quan và nghiên cứu phương pháp trồng thủy canh ngày càng nhiều. Cùng với đó, hiệu quả mang lại từ những giàn Công ty lắp đặt thử nghiệm cho một số gia đình đã giúp khách hàng có cái nhìn rõ hơn và hoàn toàn yên tâm về mô hình này”-anh Nghĩa chia sẻ.

Đặc điểm nổi bật của phương pháp trồng rau thủy canh là có thể trồng nhiều vụ trong năm và trồng trái vụ. Trồng thủy canh không phải sử dụng thuốc trừ sâu và các chất hóa học gây hại cho môi trường nên sản phẩm hoàn toàn sạch, đồng nhất, giàu dinh dưỡng và tươi ngon.

Để có một vườn rau đúng như tiêu chuẩn của Mekong Farm, Công ty TNHH một thành viên Thủy canh Tây Nguyên đã đầu tư ban đầu hơn 700 triệu đồng nhập ống, thiết bị, dung dịch dinh dưỡng và giống từ Thái Lan. Ngoài nhà kính làm khu ươm giống, Công ty dành phần lớn diện tích làm vườn mẫu để cung cấp rau thành phẩm cũng như cây con cho khách hàng. Theo ước tính của anh Nghĩa, nếu trồng kín giàn, sản lượng rau thu hoạch có thể đạt khoảng hơn 1 tấn/tháng, với giá bán 40-50 ngàn đồng/kg thì riêng việc bán rau đã cho thu nhập ổn định. Hiện sản phẩm rau trồng thủy canh ở thị trường Gia Lai còn khá mới mẻ, do đó lượng rau thành phẩm của Công ty bán ra chưa được nhiều. Song, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch như rau thủy canh sẽ là lựa chọn của người tiêu dùng trong tương lai không xa.

Thảo Nguyên

Tre măng Bát Độ mang lại lợi ích kép cho người dân

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Tre măng Bát Độ là cây trồng nhập nội, bén duyên đất Yên Bái từ năm 2003 từng trải qua những thăng trầm như bao cây trồng khác. Hơn 10 năm qua cây tre măng Bát Độ đã khẳng định được vị thế của mình là cây trồng mang lại lợi ích kép cho người dân…

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân bón phân cho cây tre măng

Sau hai năm trồng thử nghiệm, năm 2003 tỉnh Yên Bái chính thức nhập khẩu giống tre măng Bát Độ từ Trung Quốc về trồng ở hai huyện Trấn Yên và Yên Bình. Do quá trình vận chuyển trên quãng đường mấy ngàn cây số, lại gặp nắng nóng nên diện tích tre măng Bát Độ mới trồng bị chết quá nửa, khiến nhiều hộ dân ngao ngán. Không chỉ thế, những năm đầu măng làm ra không biết bán cho ai, người ta đành để mọc thành rừng tre chặt bán cho các nhà máy giấy đế làm hàng mã.

Năm 2005, nhìn thấy giá trị của cây tre măng Bát Độ có thể xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản Cty TNHH Vạn Đạt có 100% vốn nước ngoài và Cty CP Yên Thành đã quyết định đầu tư vào vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến măng xuất khẩu. Từ đó người dân mới thực sự chú ý phát triển cây tre măng Bát Độ, ngoài diện tích mà các doanh nghiệp đầu tư, người dân tự mua giống, vật tư phân bón về trồng.

Măng tre Bát Độ

Kỹ thuật trồng tre măng Bát Độ không quá khó đối với nông dân, mỗi ha trồng 600 - 625 gốc từ độ cao 500m so với mặt nước biển trở xuống, vốn đầu tư ban đầu không lớn, tiền mua giống khoảng 3 triệu đ/ha, chủ yếu là công lao động. Thuộc họ tre, nứa, nên tre măng Bát Độ dễ trồng không kén đất, chỉ trồng một lần được khai thác nhiều năm, năng suất trung bình mỗi ha 20 - 25 tấn, nếu hộ nào chịu khó chăm sóc và bón phân thì năng suất đạt 70 tấn/ha.

Từ nhiều năm nay Cty Vạn Đạt ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với hàng trăm hộ ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên nên người nông dân rất yên tâm phát triển vùng tre lấy măng. Cty Yên Thành tiếp nhận diện tích tre măng Bát Độ từ Cty Yên Sơn, đầu tư trồng 500ha tại huyện Lục Yên và Yên Bình, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân, tạo niềm tin để người dân mở rộng vùng tre măng.

Tính đến nay tỉnh Yên Bái đã có 3.706ha tre măng Bát Độ trồng tập trung ở các huyện: Trấn Yên, Yên Bình và Văn Yên. Trung tâm vùng tre măng Bát Độ là huyện Trấn Yên với diện tích 2.476ha, trong đó diện tích trồng mới năm 2017 là 576ha. Các xã có diện tích tre măng Bát Độ lớn: Kiên Thành 1.268,45ha, Hồng Ca 419,34ha, Hưng Khánh 78,6ha, Tân Đồng 55,35ha…

Thu hoạch măng

Thu nhập bình quân 30 triệu đ/ha, những hộ chịu khó thâm canh, nhất là những diện tích trồng dưới các khe đồi đất ẩm ướt thu 100 triệu đ/ha/năm là điều không khó. Như vậy, tính ra mỗi năm cây tre măng Bát Độ mang lại cho người dân khoảng 90 - 120 tỷ, riêng huyện Trấn Yên thu từ cây tre măng 45 - 60 tỷ. So với các cây trồng lâm nghiệp khác, như keo, mỡ, bạch đàn… chu kỳ từ 7 năm trở lên mới cho thu hoạch, thì giá trị cây tre măng Bát Độ thu khoảng 180 - 200 triệu/7 năm gần gấp đôi so với các loại cây keo, bồ đề, bạch đàn. Ưu thế của cây tre măng là hàng năm đều cho thu nhập, không phải đợi 5 - 7 năm như cây lâm nghiệp khác.

Mùa thu hoạch măng bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10, giá măng vỏ 1.500 đ/kg, nếu măng ống được bóc vỏ, luộc thì giá bán bình quân 4.500 đ/kg, măng củ 10.000 đ/kg. Đang vào mùa thu hoạch măng, xã Kiên Thành được mệnh danh là “thủ phủ” của vùng tre măng Bát Độ của tỉnh Yên Bái mỗi ngày người dân thu hái vài chục tấn, khắp các con đường xe cộ chuyên chở măng kìn kìn tới các điểm thu mua.

Kiểm tra măng trước khi thu mua

Gia đình các ông Trần Ngọc Sử thôn Đồng Cát trồng 10ha, ông Hà Văn Liêm 3ha, Giàng A Vừ thôn Đồng Ruộng 3ha… vào mùa thu hoạch măng phải thuê người hái và luộc măng suốt đêm. Bởi cây tre măng mang lại cho các gia đình mỗi vụ cả trăm triệu, nên hộ nào cũng rất phấn khởi mong mùa măng đến sớm. Bà Trần Thị Hoàn Liên, Trưởng trạm Khuyến nông Trấn Yên cho hay: Với 1.596ha tre măng được thu hoạch, tính vội năm nay người trồng măng Trấn Yên thu trên dưới 60 tỷ đồng…

Cty Vạn Đạt từ năm 2006 - 2016 đầu tư vốn trồng tre măng Bát Độ và bao tiêu sản phẩm cho khoảng 1.600ha. Sản lượng măng huyện Trấn Yên 30.500 tấn, phần lớn do Cty Vạn Đạt thu mua với giá ổn định 4.500 đ/kg măng luộc, 4.000 đ/kg măng tươi tại các điểm thu mua do Cty đặt.

Sản phẩm măng chế biến bao gồm măng khô sợi nhỏ, măng muối, măng khô... Tổng sản phẩm măng xuất khẩu khoảng trên 12.000 tấn. Riêng Cty Yên Thành mỗi năm xuất khẩu 300 tấn măng khô, 2.000 tấn măng muối sang thị trường Đài Loan và Nhật Bản…

Các điểm thu mua măng

Chế biến măng tại Cty Vạn Đạt

Cây măng tre Bát Độ không chỉ mang lại giá trị hàng hóa mà còn là lâm nghiệp phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ nguồn nước và tạo ra môi trường sống cho người dân. Đây là loài cây mang lại lợi ích kép đang được những người nông dân vùng núi Yên Bái mở rộng phát triển.

Thái Sinh

Nông dân Diễn Châu được mùa vừng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Hiện nay, trên các cánh đồng màu huyện Diễn Châu (Nghệ An), bà con bắt đầu thu hoạch vừng hè thu; năm nay năng suất vừng đạt trung bình 1,5 tấn/ha.

Vụ hè thu năm nay toàn huyện Diễn Châu trồng 2.000ha rừng, tập trung chủ yếu ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Thành, Diễn Hoa, Diễn Hoàng… Đây là những địa phương có diện tích đất màu lớn, phù hợp với trồng vừng.

Nông dân xã Diễn Hoa (Diễn Châu) thu hoạch vừng hè thu. Ảnh: Quang An

Chị Ngô Thị Hải ở xã Diễn Hoa chia sẻ: “Năm nay nhà tôi trồng 3 sào vừng, năng suất đạt khoảng 60kg/sào, cao hơn các năm khác. Với giá bán hiện tại khoảng 40.000 đồng/kg chúng tôi có lãi trên 2 triệu đồng/sào".

Các năm trước, năng suất vừng đạt khoảng 1 tấn/ha, năm nay năng suất tăng vượt trội, có những địa phương đạt 1,5 tấn/ha; sản lượng ước đạt gần 3.000 tấn. Nguyên nhân là do năm nay lượng mưa phù hợp đảm bảo độ ẩm cho cây vừng phát triển; đồng thời chất đất dinh dưỡng sau khi thu hoạch lạc đã giúp vừng sinh trưởng tốt.

Hiện giá bán trên thị trường vừng đen 40.000 đồng/kg, các loại vừng khác khoảng 30.000 đồng/kg. Ảnh: Quang An

Ưu điểm của cây vừng là có khả năng chịu hạn cao, chỉ sau 2 tháng là cho thu hoạch. Người trồng vừng không tốn công chăm sóc nhiều do cây phát triển tự nhiên và hầu như không chịu sâu bệnh; chi phí cho cây vì thế mà giảm đi đáng kể.

Đặc biệt, vừng là nông sản có đầu ra ổn định do thị trường tiêu thụ mạnh. Vào mùa thu hoạch vừng đều có các thương lái khắp nơi đến từng địa phương thu mua.

Những hạt vừng chất lượng sau khi được phơi và quạt sạch. Ảnh: Quang An

Hiện nay giá vừng đen là 40.000 đồng/kg, các loại vừng khác có giá khoảng 30.000 đồng/kg. Với giá thành này đã cho người dân thu nhập ổn định. Đối với những hộ dân trồng diện với diện tích từ 4 sào trở lên có thu nhập trên 10 triệu đồng./.

Quang An

Trà Vinh: Lịch xuống giống vụ lúa thu đông-mùa năm 2017-2018: Bắt đầu từ ngày 15/7/2017 và kết thúc vào ngày 25/9/2017

Nguồn tin: Trà Vinh

Ngày 11/7/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT tỉnh Trà Vinh) đã có Thông báo số 321/TB-SNN về lịch xuống giống vụ lúa thu đông-mùa năm 2017.

Nông dân Tiểu Cần chăm sóc vụ lúa hè-thu năm 2017

Trên cơ sở dự báo diễn biến nguồn nước vụ lúa thu đông-mùa năm 2017 các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Tổng Cục Thủy lợi; nhận định xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa bão, lũ của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, Sở NN-PTNT ấn định lịch xuống giống vụ lúa thu đông-mùa năm 2017 bắt đầu từ ngày 15/7/2017 và kết thúc vào ngày 25/9/2017, với khoảng 76.000ha, được chia thành 03 đợt.

Cụ thể, đợt I, từ 15/7 đến 25/7, tại các vùng sản xuất lúa 03 vụ/năm; với khoảng 8.000ha (Càng Long 5.000ha, Tiểu Cần 2.000ha và Cầu Kè 1.000ha); đợt II, từ ngày 05/8 đến ngày 20/8, khoảng 41.300ha (trong đó, có khoảng 5.600ha lúa-tôm), gồm các huyện: Châu Thành 9.500ha, Cầu Ngang 8.000ha, Tiểu Cần 8.000ha, Càng Long 7.400ha, Trà Cú 5.200ha và Cầu Kè 5.000ha. Riêng đợt III, xuống giống từ ngày 10/9 đến 20/9, diện tích khoảng 24.900ha (trong đó, có khoảng 1.409ha lúa mùa và lúa trung mùa), gieo sạ và cấy dứt điểm số diện tích còn lại.

Về cơ cấu giống lúa, Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa có khả năng thích nghi tốt với nhiều vùng đất, tập trung sạ các loại giống lúa chủ lực, chất lượng cao như: OM 4900, OM 429, OM 5451; các loại giống bổ sung: Đài thơm 8, OM 991, IR 50404, ML 202, OM 576 và các loại giống lúa mùa và trung mùa: Tài nguyên, ST 5, ST 20.

Với lịch xuống giống do Sở NN-PTNT khuyến cáo, tùy theo diễn biến của rầy nâu di trú và chế độ thủy văn tại từng địa phương, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thời vụ cụ thể để chỉ đạo, tổ chức sản xuất, phù hợp.

Sở NN-PTNT cũng khuyến cáo nông dân trên địa bàn tỉnh cần lưu ý, vì theo ghi nhận của Cục Bảo vệ thực vật, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá bộc phát từ giữa vụ lúa hè-thu 2017. Có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân do giống lúa OM 5451 tăng nhanh diện tích và giảm tính chống chịu ngoài đồng. Đối với loại giống này, ở vụ hè thu 2017, trên địa bàn tỉnh, nông dân đã xuống giống chiếm gần 51% diện tích. Do vậy, trong vụ lúa thu-đông, Sở NN-PTNT đề nghị các địa phương khuyến cáo, bố trí giảm lại, không vượt quá 35% so với tổng diện tích xuống giống. Đồng thời, bố trí các giống lúa chất lượng cao như đã khuyến cáo.

TT

Hoài Nhơn (Bình Định): 20 ha hồ tiêu nhiễm bệnh “chết nhanh, chết chậm”

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết: Đến nay, toàn huyện có trên 20 ha/115 ha hồ tiêu mắc bệnh “chết nhanh, chết chậm”; trong đó các xã có diện tích bị bệnh nhiều gồm: Hoài Hảo 8 ha, Hoài Thanh Tây 7 ha, Hoài Phú 3 ha, Hoài Tân 2 ha. Tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 20-30%; có nơi cao hơn 50%.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra một vườn hồ tiêu ở xã Hoài Thanh Tây.

Nguyên nhân gây ra bệnh “chết nhanh, chết chậm” trên cây hồ tiêu là do nấm Phytopphthora spp gây hại. Biểu hiện của bệnh là các chóp rễ cái của cây thối đen, không còn rễ tơ, lá chuyển sang màu vàng rồi rụng, cây không có khả năng phục hồi.

Hiện, Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn đã và đang phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện kiểm tra, hướng dẫn người trồng tiêu các biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả, hạn chế dịch bệnh lây lan.

N. Quý

Cà Mau: Thời tiết thuận lợi, dự báo vụ lúa trên đất nuôi tôm thành công

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi

Dự báo mùa mưa năm 2017 sẽ kết thúc sớm, cùng với việc người dân thả tôm kéo dài trong mùa mưa, không tranh thủ lượng mưa để rửa mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã kịp thời ban hành kế hoạch sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm, với những nhiệm vụ trọng tâm, việc làm cụ thể, phấn đấu đạt diện tích xuống giống lúa trên đất nuôi tôm là 48.260ha, thu hoạch được khoảng 35.000ha, đạt 70% tổng diện tích.

Công đoạn cải tạo đất cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật, như: Cày, trục (tại những nơi có điều kiện), xới xáo tầng mặt kết hợp bón vôi, xẻ nhiều rãnh trên mặt ruộng để độ mặn khuếch tán vào nước rửa mặn nhanh…

Trước thực tế phần lớn người dân vẫn còn tập quán canh tác theo phương pháp cấy, sử dụng giống lúa dài ngày nên nguy cơ bị thiệt hại do nhiễm mặn vào cuối vụ là rất lớn, ngành Nông nghiệp các địa phương phấn đấu chuyển khoảng 20.000ha sang áp dụng kỹ thuật sạ, chọn giống ngắn ngày. Xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, chất lượng cao với quy mô khoảng 1.000ha gắn với định hướng xây dựng thương hiệu tập thể chứng nhận lúa sạch Cà Mau, mời gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, cần bố trí gieo mạ tập trung từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Thời điểm cấy lúa tập trung tháng 9 đến đầu tháng 10, thu hoạch vào cuối tháng 12 đến tháng 1 năm 2018.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên sử dụng giống lúa nhóm “A”, có thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện đất nhiễm mặn, như: OM 2517, CXT 30, OM677, GKG… và những vùng có độ mặn thấp nên sử dụng giống lúa OM 5451, OM 6162, Đài Thơm 8, Camau 1, Camau 2…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tranh: Khâu cải tạo đất, rửa mặn là rất quan trọng, cần được các cấp chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng tích cực thực hiện, tổ chức rửa mặn đồng loạt từng hộ dân, trên từng địa bàn. Cùng với đó là việc giữ mực nước trên đồng trong suốt quá trình canh tác lúa - tôm, không để mặt ruộng bị khô làm tăng độ mặn ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây lúa, đồng thời giám sát chặt độ mặn trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc bón phân và quản lý sâu bệnh, công tác thủy lợi, thủy nông nội đồng, phối hợp chỉ đạo sản xuất phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có kiểm tra, đánh giá.

Là địa phương đã chuyển phần lớn diện tích đất sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm sang chuyên tôm, do xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, hạ tầng không được khép kín, năm nay huyện Cái Nước đặt ra chỉ tiêu sản xuất lúa trên đất nuôi tôm 500ha tại những nơi có điều kiện, như xã Phú Hưng, xã Thạnh Phú. Ông Phạm Phúc Giang, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Mưa nhiều, thuận lợi trong việc rửa mặn, người dân đăng ký sản xuất lúa khoảng 900ha.

Tại U Minh, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngay từ đầu năm, địa phương đã phát động, nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc đăng ký sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, bởi thời tiết đang khá thuận lợi.

Năm 2016, Cà Mau không đạt chỉ tiêu trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm do ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng El Nino, gây hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn nặng nề và sâu vào nội đồng. Năm nay, thời tiết nhiều thuận lợi, dự báo một vụ mùa hiệu quả, thành công.

Trần Nguyên

Tân Sơn, nhộn nhịp mùa vải chín

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Tân Sơn là trung tâm của vùng sản xuất và tiêu thụ vải thiều chín muộn của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Thời điểm này, việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều của người dân nơi đây đang diễn ra tấp nập. Năm nay, tuy vải thiều mất mùa nhưng bù lại giá cả cao hơn năm trước nên bà con rất phấn khởi.

Ông Lường Văn Cảnh (bên trái) và cán bộ khuyến nông xã Tân Sơn kiểm tra vườn vải đang chuẩn bị thu hoạch.

Những ngày này, khi vụ thu hoạch vải thiều ở các xã vùng thấp của huyện Lục Ngạn cơ bản đã kết thúc, tại xã vùng cao Tân Sơn vẫn diễn ra sôi động. Năm nay, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, rét ít ở đầu vụ và nắng hạn kéo dài trong thời kỳ quả non nên ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và chất lượng quả vải thiều của xã Tân Sơn nói chung, gia đình ông Lường Văn Cảnh ở thôn Hóa nói riêng. Để chăm sóc vườn vải thiều rộng 1,5 ha có 300 cây cho thu hoạch trong điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt, ngoài áp dụng quy trình chăm sóc vải thiều VietGAP, vợ chồng ông Cảnh còn phải ngày đêm máy nước giếng khoan tưới cho cây.

Với sự nỗ lực đó, vụ này vườn vải nhà ông Cảnh ước cho thu hoạch từ 8- 10 tấn quả. Tuy quả vải không to bằng năm trước nhưng mẫu mã khá đẹp, vị ngọt đậm, được khách hàng ưa chuộng nên tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn nhiều so với mọi năm. Khi chúng tôi đến thăm, gia đình ông Cảnh đã thu hoạch và tiêu thụ được 2 tấn quả, giá bán thấp nhất 19 nghìn đồng/kg, cao nhất 55 nghìn đồng/kg. Ông Cảnh phấn khởi cho biết, đây là năm vải thiều bán được giá cao kỷ lục, chưa năm nào bán vải thiều lại thu về được nhiều tiền như năm nay. Hiện nay giá vải thiều đã giảm nhưng vẫn được bình quân hơn 30 nghìn đồng/kg.

Gần đó, gia đình ông Lường Văn Sơn cũng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhân lực thu hoạch vải thiều. Ông Sơn cho biết vườn vải nhà mình có 130 cây to, vụ này do bị mất mùa nên sản lượng chỉ đạt khoảng 4 tấn quả, bằng một nửa so với năm trước nhưng bù lại việc tiêu thụ vải thuận lợi và bán với giá từ 28- 55 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với năm ngoái.

Xã Tân Sơn hiện có 6.655 ha vải thiều, trong đó có 16,2 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP tập trung ở 5 thôn gồm: Hóa, Hả, Nà Ruông, Đồng Rau và Mòng A. Năm nay, vải thiều của xã cũng mất mùa, sản lượng chỉ đạt 2.400 tấn quả, giảm gần một nửa so với vụ trước. Hiện cán bộ khuyến nông xã quan tâm hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả vải, bởi đây là cây ăn quả chủ lực của địa phương. Khuyến cáo người dân ghép chuyển đổi một phần diện tích vải thiều chính vụ sang giống vải chín sớm để kéo dài thời gian thu hoạch.

Do điều kiện thời tiết và đất đai của các xã vùng cao huyện Lục Ngạn có nhiều khác biệt so với xã vùng thấp nên quả vải thiều nơi đây chín muộn hơn từ 10 - 15 ngày. Cùng đó, kỹ thuật thâm canh vải thiều của bà con các xã vùng cao như Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp… ngày càng tiến bộ, nhất là việc áp dụng tốt quy trình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng, mẫu mã quả vải không ngừng được nâng cao: Quả vải to đều, chín đỏ đẹp, vị ngọt đậm và vỏ dày hơn, rất thuận tiện trong khâu vận chuyển. Vì vậy, những năm gần đây, thương hiệu vải thiều muộn vùng cao Lục Ngạn đã nổi tiếng. Phố Chợ xã vùng cao Tân Sơn trở thành trung tâm tiêu thụ vải thiều muộn trong khu vực.

Thời điểm này, vụ thu hoạch vải thiều ở các xã vùng thấp của huyện Lục Ngạn cơ bản đã kết thúc nhưng không khí thu hoạch và tiêu thụ vải thiều tại xã Tân Sơn vẫn diễn ra sôi động. Dự kiến đến 20-7, bà con nơi đây sẽ cơ bản thu hoạch xong diện tích vải muộn. Trên khắp các tuyến đường dễ dàng nhận thấy cảnh mua bán vải thiều của chủ cân hàng và vận chuyển bằng xe ô tô tải loại 2,5 tấn. Theo số liệu ước tính có khoảng 100 ô tô tải loại này thường xuyên chạy dọc các tuyến đường trong xã thu mua vải thiều; ngoài ra tại khu vực phố Chợ xã Tân Sơn thường xuyên có từ 8 - 10 điểm thu mua vải thiều từ 8 tấn/ngày trở lên để mang đi tiêu thụ tại Trung Quốc và khắp các tỉnh, thành trong nước.

Đức Thọ - Quỳnh Nga

Thanh Hóa: Cây dứa gai trên vùng đồi huyện Ngọc Lặc

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

Bác Ngô Văn Hòa, thôn Minh Thanh, xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) chăm sóc dứa gai.

Phần lớn diện tích tự nhiên của xã Ngọc Trung (Thanh Hóa) là đồi núi. Những năm qua, xã đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế gia trại, kinh tế vườn rừng.

Vì vậy, nhiều đất ven sườn đồi trồng mía, sắn... kém hiệu quả đã được chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, trong đó có thêm màu xanh tươi tốt của cây dứa gai. Toàn xã hiện có khoảng gần 100 ha trồng dứa gai. Bác Ngô Văn Hòa, thôn Minh Thanh, cho biết: Trước đây toàn bộ 12 sào đất đồi của gia đình bác chủ yếu là trồng mía. Tuy nhiên, thu nhập không cao. Cách đây 2 năm, gia đình bác Hòa đã đưa cây dứa gai vào trồng thay thế cho cây mía. Theo tính toán của bác Hòa nếu đầu ra, giá cả ổn định, mỗi sào dứa gai cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng, gấp khoảng 3 lần so với trồng mía. Cũng theo bác Hòa, chất đất ở vùng đồi Ngọc Trung rất hợp với cây dứa gai, trong tương lai, nếu có doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm dứa gai ở huyện Ngọc Lặc, chắc chắn đời sống người dân sẽ được nâng lên nhiều.

Từ năm 2004 đến nay, xuất phát từ nhu cầu thị trường, diện tích trồng cây dứa gai trên địa bàn huyện liên tục được mở rộng, tập trung chủ yếu ở các xã Cao Thịnh, Ngọc Trung, Quang Trung, Lộc Thịnh. Nếu như năm 2016, toàn huyện có khoảng 407 ha, thì năm 2017 tăng lên 450 ha. Năng suất bình quân của cây dứa gai trên địa bàn huyện đạt hơn 30 tấn/ha, sản lượng 12.282 tấn. Toàn bộ diện tích trồng dứa gai ở Ngọc Lặc được nông dân các xã chuyển từ đất trồng mía, sắn, ngô ở những vùng sườn đồi thấp sang. Theo đánh giá của bà con, đây là những chân đất phù hợp với cây dứa gai nên năng suất, sản lượng đạt tương đối cao. Với giá bán trên thị trường dao động từ 1.500 đồng đến 8.000 đồng/kg, giá trị hàng hóa của 1 ha dứa gai đạt khoảng 160 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, người trồng có thu nhập bình quân khoảng 80 triệu đồng/ha. Mặc dù giá trị kinh tế cao hơn so với cây mía, cây ngô nhưng thị trường đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, người trồng dứa gai phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương mà chưa thực hiện hợp đồng liên kết với các nhà máy, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vì vậy, quan điểm của huyện Ngọc Lặc, không khuyến khích người nông dân phát triển ồ ạt cây dứa gai, mà chỉ duy trì diện tích khoảng 400 ha.

Hòa Bình

Nông dân cải tiến bình phun thuốc bảo vệ thực vật

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Đối với nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, việc sử dụng bình phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, thay vì sử dụng những bình phun thuốc thường được bày bán trên thị trường, ông Lê Văn Sơn (SN 1953, thôn An Phú, xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc) đã mày mò, tìm tòi và cải tiến thành công bình phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long với những tiện ích và hiệu quả mới.

Ông Lê Văn Sơn và cải tiến bình phun thuốc BVTV

Tiện lợi, hiệu quả

Hơn một tháng nay, không ít hộ nông dân trồng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc râm ran và muốn tiếp cận về mô hình cải tiến bình phun thuốc BVTV cho cây thanh long của hộ ông Lê Văn Sơn. Ông Sơn là hộ gia đình sản xuất đến 3.000 ha trụ thanh long, với 9 lao động thường xuyên, nên ông hiểu rõ hơn ai hết việc chăm sóc, phun xịt thuốc BVTV cho cây thanh long là việc làm thường xuyên hàng ngày khá vất vả của gia đình. Bản thân người viết cũng được kỹ sư Trần Minh Tân- Chi cục phó Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh trực tiếp giới thiệu và trực tiếp dẫn tới trang trại sản xuất thanh long của gia đình ông Sơn để tận mắt chứng kiến. Quả thực, khi đến thăm trang trại thanh long của gia đình ông Sơn, chúng tôi khá ngạc nhiên khi ông giới thiệu về tác dụng của bình phun thuốc mà ông vừa chế tạo thành công. Ông Sơn cho biết, xuất phát từ việc dùng bình phun xịt bán sẵn trên thị trường (máy nổ, mô tơ) không an toàn, không thuận tiện cho người lao động. Vì thế, với kinh nghiệm lâu năm trong nghề nông và ngành điện cơ trước đây ông theo học, nên ông Sơn đã mua những bộ phận lẻ của bình phun để chế tạo. Theo đó, cấu tạo bình phun khá đơn giản, gồm bình ắc quy, bơm cao áp, bộ xạc của bình, đồng hồ báo xạc, 1 xe rùa, 1 quay dây (quấn ống), can 100 lít và cấu tạo dây 200m. Với cải tiến này, theo ông Sơn nhận xét là rất tiện lợi, an toàn, dễ sử dụng, dễ chế tạo, tiết kiệm thuốc BVTV và chi phí chỉ 2,5 triệu đồng/cái. Chi phí này rẻ hơn so với bình xịt thường, nhờ tiết kiệm xăng. Điều khác biệt ở việc cải tiến này là nếu bình xịt thường được cấu tạo bằng mô tơ điện, máy nổ nên sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng, tốn xăng. Trong khi đó bình xịt cải tiến sử dụng bình xạc, ít tốn điện. Đặc biệt, bộ phận van xịt (vòi phun) được cấu tạo điều chỉnh to, nhỏ, lên xuống, ngang dọc, rất thuận tiện cho việc phun xịt và tiết kiệm thuốc BVTV. Mặt khác, thay vì vác bình phun thuốc BVTV sau lưng như truyền thống, ông đã thiế kế can nhựa để trên xe rùa nên giúp người lao động giảm bớt mệt nhọc và hạn chế tiếp xúc với thuốc BVTV.

Nói về năng suất của bình phun thuốc BVTV cải tiến này, ông Sơn cho biết, mỗi ngày bình có thể phun được 480 lít nước, tương đương khoảng 1.500 trụ thanh long (1 người làm) nên rất tiện lợi và hiệu quả.

Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương

Đối với người dân huyện Hàm Thuận Bắc, có lẽ tên tuổi về gương nông dân sản xuất giỏi của ông Sơn đã được nhiều người biết đến và thán phục. Ông Sơn chia sẻ, xuất phát từ một gia đình nông dân nghèo, vợ chồng ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật liệu xây dựng, vừa sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2001, ông Sơn thành lập Công ty TNHH SX DV TM Sơn Hòa. Hiện nay ngoài việc kinh doanh điều hành công ty và quản lý hơn 10 nhân viên, ông Sơn còn chăm sóc 3.000 trụ thanh long, 0,2 ha đất ao hồ… Tổng thu nhập đã trừ chi phí bình quân của gia đình hàng năm khoảng 1,2 tỷ đồng. Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, ông Sơn còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, giúp đỡ nông dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học…Với những thành tích đáng phấn khởi như trên, ông Lê Văn Sơn đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương, giai đoạn 2014-2017 và hiện đang được đề nghị Chính phủ tặng bằng khen.

Trở lại với việc cải tiến bình phun thuốc đã được ông thực hiện thành công hơn 1 tháng nay, ông Sơn cho biết, hiện ông chưa bán ra thị trường mà chỉ áp dụng vào vườn thanh long của gia đình. Ngoài ra, nếu bà con nào có nhu cầu đặt mua hay hướng dẫn cách làm thì ông sẵn sàng chia sẻ và nhân rộng mô hình.

Kiều Hằng

Sắp diễn ra Lễ hội tôn vinh Nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, Sở Công Thương tổ chức triển khai kế hoạch tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, tỉnh Hưng Yên; hội chợ thương mại đặc sản vùng miền khu vực sông Hồng năm 2017 – lễ hội tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất.

Theo kế hoạch, các sự kiện trên dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 7.8 đến hết ngày 14.8 tại khu vực Quảng trường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên).

Các hoạt động được tổ chức kết hợp với việc công bố chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên và trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp tham gia hội nghị, hội chợ.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm, phương thức cung ứng hàng hóa tới hệ thống siêu thị, chợ đầu mối của tỉnh cũng như các địa phương trong cả nước nhằm thúc đẩy sản xuất, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Dự kiến có trên 300 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước… trưng bày các sản phẩm nông sản đặc sản tiêu biểu, nông - lâm, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề…

Minh Huấn

Bơ Đồng Nai được giá

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Nếu trước đây vùng Xuân Bảo, Bảo Bình của huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) nổi tiếng với trái mãng cầu xiêm thì hiện nay còn được biết đến với trái bơ. Bơ trồng ở Cẩm Mỹ chủ yếu là giống bơ sáp hạt nhỏ, cơm nhiều, béo ngậy, mang một hương vị riêng ít nơi nào có được. Cũng vì vậy mà giá bơ của huyện Cẩm Mỹ luôn được thương lái mua với giá cao hơn bơ của Lâm Đồng, Đắk Lắk từ 3-4 ngàn đồng/kg.

Vào đầu vụ hoặc cuối vụ, khi trái bơ trên thị trường khan hiếm, các nhà vườn ở huyện Cẩm Mỹ có thể bán được với giá 70-80 ngàn đồng/kg. Còn chính vụ như năm nay, các nhà vườn vẫn bán được giá trên 30 ngàn đồng/kg. Hiện nhiều nhà vườn tại huyện Cẩm Mỹ đã chuyển dần sang trồng bơ.

Khánh Minh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop