Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 3 năm 2019

Giá gương sen ở mức cao

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thương lái thu mua gương sen của nông dân tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Hơn 1 tháng qua, giá gương sen tại nhiều quận, huyện ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL như: Vĩnh Long, Đồng Tháp… duy trì ở mức khá cao. Hiện gương sen già (nguyên liệu phục vụ sản xuất các loại hạt sen) được nhiều nông dân bán cho tiểu thương và các vựa thu mua với giá từ 20.000 đồng/kg trở lên, cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với mức giá tại nhiều thời điểm của năm 2018. Những tuần trước đó, giá gương sen tại nhiều nơi có giá lên đến 50.000-60.000 đồng/kg. Giá gương sen ở mức cao do nguồn cung hạn chế vì thời điểm này sen chưa bước vào thuận mùa ra hoa và cho gương. Ngoài ra, nguồn cung gương sen tại nhiều địa phương cũng đang giảm do nông dân giảm diện tích trồng sen vì giá cả đầu ra thường xuyên bấp bênh. Theo nhiều nông dân trồng sen ở TP Cần Thơ, nếu giá gương sen ổn định ở mức từ 15.000-20.000 đồng/kg, mỗi công đất trồng sen, nông dân có thể kiếm lợi nhuận từ 10-12 triệu đồng đồng/năm trở lên.

Tin, ảnh: Khánh Trung

Tiếp cận miễn phí thông tin về canh tác cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Ban Quản lý Dự án Greencoffee cho biết, người trồng cà phê khi tham quan gian hàng của dự án tại Hội chợ -Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2019 sẽ được hỗ trợ cài đặt miễn phí phần mềm ứng dụng Greencoffee.

Đây là ứng dụng hỗ trợ nông dân trong canh tác, chế biến và giao dịch cà phê trên nền tảng công nghệ nông nghiệp 4.0 với mong muốn tạo ra một phương thức hoàn toàn mới trong việc hỗ trợ người nông dân thông qua công nghệ số và công nghệ vệ tinh.

Cụ thể, người trồng cà phê có thể tiếp cận kịp thời các nhóm thông tin về thời tiết theo xã; thực hành canh tác bền vững với chú trọng về bón phân và tưới nước; thu hoạch và sơ chế đúng chuẩn chất lượng cao; giải đáp các sự cố bất thường xảy ra với cây cà phê trong vòng 24 tiếng đồng hồ; ứng phó với biến đổi khí hậu; thông tin về sâu bệnh; giá cả thị trường; diễn đàn mua và bán; cảnh báo hạn hán ngắn hạn và trung hạn. Các loại thông tin trên được thu thập từ thực địa, từ vệ tinh, sau đó được tổng hợp, phân tích và chuyển sang dạng thông tin dễ hiểu với người nông dân. Tiếp đó, các thông tin này được truyền tải đến người nông dân trên 3 nền tảng cơ bản là App, SMS, và website.

Greencoffee là chương trình hỗ trợ nông dân dưới dạng hợp tác công – tư (PPP) do Chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua Cục Không gian Hà Lan. Chương trình được tổ chức ICCO Hà Lan và các đối tác thực hiện trong vòng 3 năm (2017 – 2019).

Thanh Hường

 

Thiết kế và xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng khoai lang

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Đây là chủ đề hội thảo khoa học do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh)- cơ quan chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu chuỗi cung ứng cho sản phẩm khoai lang tỉnh Vĩnh Long”, phối hợp Sở Công thương tổ chức ngày 12/3/2019.

Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong- Chủ nhiệm đề tài, sau hội thảo thứ nhất tại huyện Bình Tân, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp cho việc phát triển sản xuất, tiêu thụ khoai lang bền vững.

Hội thảo lần này là nơi để các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện của hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động sản xuất và tiêu thụ khoai lang trên địa bàn tỉnh thảo luận, trao đổi, phản biện các kết quả của nhóm nghiên cứu.

Qua đó, giúp cho nhóm nghiên cứu xem xét, chắt lọc và điều chỉnh để hoàn thuận kết quả nghiên cứu sao cho phù hợp thực tiễn.

Các nội dung trình bày tại hội thảo cho thấy hoạt động sản xuất và tiêu thụ khoai lang còn nhiều vấn đề cần giải quyết và do đó cần một thiết kế hoàn chỉnh cho chuỗi cung ứng sản phẩm.

Đồng thời, mang lại nhiều nội dung bổ ích, thực tiễn về phát triển bền vững cho khoai lang, giúp nhóm nghiên cứu có cái nhìn toàn diện hơn trong việc thiết kế chuỗi cung ứng cho khoai lang.

Đề tài “Thiết kế chuỗi cung ứng khoai lang cho tỉnh Vĩnh Long” được thực hiện từ năm 2016, theo nhóm nghiên cứu, việc tổ chức lại sản xuất cho khoai lang là cần thiết, cần mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng lớn, liên kết hộ nông dân.

Yếu tố công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển thị trường mới.

Tin, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Tín hiệu vui cho lúa Nàng Thơm Chợ Đào

Nguồn tin: Báo Long An

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nông dân thường rơi vào cảnh “được mùa - rớt giá”, thậm chí nông sản làm ra không tiêu thụ được thì mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm do Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lệ (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phối hợp doanh nghiệp (DN) Bảy Sánh thực hiện mang lại hiệu quả.

Nông dân xã Mỹ Lệ thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào

Tâm huyết với việc nâng cao chất lượng, giá trị gạo Nàng Thơm Chợ Đào, ông Phan Văn Sánh - chủ DN Bảy Sánh, mạnh dạn liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa Nàng Thơm. Mô hình được thực hiện từ năm 2013 với 70ha, nông dân ký kết bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận, bảo đảm có lãi. Tuy nhiên, hình thức bao tiêu sản phẩm chỉ giải quyết đầu ra mà không thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất,... do đó, DN phối hợp HTX và nông dân thực hiện quy trình khép kín từ việc cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư phân bón, bao tiêu sản phẩm, nâng cao chất lượng và năng suất lúa Nàng Thơm.

Để có nguồn giống đạt chất lượng, DN và HTX chọn cánh đồng ấp 2 Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ và những ruộng lúa chất lượng tiến hành chọn từng bông lúa, sau đó về tuyển lựa rồi giao cho nông dân có kinh nghiệm nhân giống theo đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ông Sánh cho biết: Vụ Đông Xuân 2018-2019, HTX cung cấp lúa giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất 100ha lúa Nàng Thơm Chợ Đào thuộc khu vực ấp 2 Cầu Chùa và bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ, giá sàn được DN bao tiêu tại ruộng là 9.500 đồng/kg. Bình quân mỗi hécta, DN đầu tư 20 triệu đồng, bảo đảm bao tiêu toàn bộ 400 tấn lúa Nàng Thơm theo hợp đồng. Nông dân thu hoạch lúa bán cho DN khoảng 40 triệu đồng.

Ông Trần Văn Nhỏ, ngụ ấp 2 Cầu Chùa, cho biết: “Hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa DN và nông dân là tín hiệu vui của lúa Nàng Thơm vì hiện nay, chất lượng giống lúa Nàng Thơm không còn như trước, giá thị trường bấp bênh nên nông dân không mặn mà. Thời gian gần đây, được DN Bảy Sánh hỗ trợ về giống, khoa học - kỹ thuật, nông dân chỉ “lấy công làm lời”, tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư”.

Ông Phan Văn Sánh cho biết thêm: “Để giữ vững thương hiệu gạo Nàng Thơm Chợ Đào, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, Hội Nông dân tỉnh có chủ trương hỗ trợ DN mở rộng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước nâng cao chất lượng gạo. Chính quyền địa phương quan tâm quy hoạch vùng trồng lúa Nàng Thơm, đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, chuyển giao kỹ thuật,... Thời gian tới, DN sẽ đầu tư mở rộng diện tích và hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên địa bàn, góp phần duy trì giống lúa đặc sản nổi tiếng của địa phương"./.

Kim Thoa

Nông nghiệp sạch - hướng phát triển của huyện Lạc Dương

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã và đang áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, tạo ra những bước chuyển tích cực về tăng năng suất, chất lượng và quy mô canh tác đa dạng sản phẩm cây trồng đặc trưng, đạt tiêu chuẩn sạch trên thương trường trong nước và quốc tế.

Sản xuất rau thủy canh chất lượng cao ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Ảnh: V.V

Lợi thế trên độ cao 1.500 m

Huyện Lạc Dương thuộc huyện miền núi phía Bắc Lâm Đồng có 6 đơn vị cấp xã gồm thị trấn Lạc Dương, xã Lát, Đạ Chais, Đạ Nhim, Đạ Sar và Đưng K’Nớ với tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất gần 10.000 ha. Trong những năm gần đây, huyện Lạc Dương đã tập trung thâm canh, tăng năng suất các loại cây trồng chủ lực đặc trưng trên từng vùng sinh thái như: gần 4.100 ha cà phê (chủ yếu cà phê catimor với tổng sản lượng 12.000 tấn/năm); gần 1.770 ha rau bắp cải, cà chua, cải thảo, dưa leo, bó xôi, ớt… cho thu hoạch hơn 187.700 tấn/năm; 450 ha hoa hồng, hoa cúc, cẩm chướng, lily với sản lượng hơn 400.000 cành/năm và gần 1.150 ha cây ăn trái cam, quý, hồng…với sản lượng hơn 2.560 tấn/năm. Đáng kể, trên địa bàn huyện Lạc Dương có tổng diện tích gần 116.600 ha rừng, tỷ lệ che phủ duy trì 85%. Với hệ động thực vật phong phú và đa dạng, rừng Lạc Dương không chỉ với vai trò cân bằng sinh thái, điều hòa không khí, nguồn nước, mà còn tạo nên những vùng đệm cách an ly an toàn để sản xuất nông nghiệp sạch.

Đặc biệt, với địa hình độ cao từ 1.500 m trở lên, huyện Lạc Dương có lợi thế phát triển các loại rau có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới theo hướng công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn thực phẩm sạch trong nước và thế giới. Ước tính đến nay, toàn huyện Lạc Dương phát triển gần 740 ha sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đạt thu nhập bình quân 225 triệu đồng/ha/năm. Nếu tính riêng thu nhập trồng rau sạch trong nhà kính ở huyện Lạc Dương đạt đến 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương còn có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất các loại hoa cao cấp trong nhà kính, doanh thu đạt 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Cá biệt, một số diện tích trồng hoa lily trên địa bàn huyện Lạc Dương với doanh thu trên dưới 2 tỷ đồng/ha/năm. So sánh với cả nước, giá trị sản xuất thu nhập bình quân chung của huyện Lạc Dương cao hơn gấp 3 lần.

Thu hoạch, đóng gói phúc bồn tử hữu cơ tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Ảnh: V.V

Hình thành các vùng nông nghiệp sạch

“Huyện Lạc Dương có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá nhanh; nguồn lực đầu tư tăng, sản lượng đầu ra của nông sản đang chiều hướng tăng cao. Toàn huyện Lạc Dương hiện có gần 740 ha sản xuất rau, hoa, dâu tây trong nhà kính công nghệ cao. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hơn 220 ha khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đạ Sar. Đây là lợi thế và là điều kiện thuận lợi để huyện Lạc Dương triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, miễn tiền thuê đất để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch gắn với chế biến tại địa phương…” - theo đánh giá của UBND huyện Lạc Dương.

Theo đó, đến nay, huyện Lạc Dương đã thu hút 28 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và 2 trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn sạch. Điển hình với nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, xây dựng thương hiệu cạnh tranh tích cực trên thương trường như: Công ty TNHH Nông trại SamGong, Kbil Vina, Hoa Thắng Thịnh… trồng dâu tây chất lượng cao; Công ty TNHH Nông trại Kiến Huy, Vineco… trồng rau, củ, quả; Công ty TNHH Dalat GAP, Rừng Hoa Bạch Cúc, Trang trại Trường Phúc… trồng rau thủy canh. Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương cũng đang thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn xã Đạ Sar, trở thành những mô hình điểm để từng bước nhân rộng trên địa bàn. Đó là Công ty TNHH Florama sản xuất 2,7 ha diện tích rau, củ, quả với sản lượng hơn 35 tấn/năm; Công ty TNHH Jan’S với tổng sản lượng 38 tấn rau, củ, quả/năm trên tổng diện tích 2,8 ha. Hai công ty này được cấp chứng nhận đạt sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và Canada… Ngoài ra, ở huyện Lạc Dương hiện có một số nhà máy đang duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động chế biến nông sản như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ K’Ho, Công ty cổ phần Nông sản LangBiang… mỗi năm mỗi công ty chế biến đưa ra thị trường từ 5-6 tấn cà phê rang xay nguyên chất; hoặc HTX Tổng hợp Minh Thọ Organic chế biến 1.000 lít phúc bồn tử mỗi năm…

Hướng sản xuất nông nghiệp sạch trong thời gian tới ở huyện Lạc Dương theo UBND huyện đó là: Tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trong việc chuyển giao, nhân rộng quy trình kỹ thuật canh tác không hóa chất, xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững. Từ đó hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch tập trung gắn với du lịch canh nông mang thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành…

VĂN VIỆT

An Giang: Ứng dụng IoT trong nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo An Giang

Thời gian qua, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng hệ thống IoT đã được nhiều địa phương triển khai và đạt được kết quả khả quan, giúp nông dân giảm áp lực về chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình canh tác.

Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, anh Nguyễn Hùng Sinh (ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang, Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã đầu tư, xây dựng mô hình trồng nấm linh chi công nghệ cao, với tổng chi phí trên 300 triệu đồng. Mô hình canh tác của anh Sinh được khép kín từ khâu trồng đến bảo quản sau thu hoạch với các hệ thống như: thiết kế kệ trồng bằng sắt chắc chắn, đầu tư máy tách hạt nước để tưới nước bằng hệ thống phun sương, nhà sấy nấm bằng năng lượng mặt trời, thiết bị đóng gói nấm thành phẩm... Điểm nổi bật của mô hình là việc quản lý hệ thống, nước tưới… được thực hiện bằng điện thoại di động. Anh Sinh cho biết, hầu hết các công đoạn đều được chăm sóc tự động. Đúng giờ hẹn, hệ thống tự động quét và thông báo các chỉ số nhiệt độ và độ ẩm đến điện thoại. Nếu nhiệt độ và độ ẩm quá cao, mình có thể điều khiển cho máy phun sương tưới để duy trì độ ẩm 80 - 85% cho nhà nấm. Anh Sinh cho biết thêm, do việc trồng nấm linh chi phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng của nấm, nên ứng dụng tưới nước tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh giúp anh chủ động trong việc kiểm soát môi trường, giảm công chăm sóc. Ngoài ra, công nghệ này dùng sóng siêu âm tần số cao, tách nước thành hạt sương nhỏ đường kính chỉ khoảng 1µm (micromet). Sương mù mang hơi ẩm khuếch tán khắp nhà trồng mà không đọng lại thành giọt nước trên bề mặt tai nấm, không làm tổn thương cây, bào tử trên tai nấm còn nguyên, không bị rửa trôi như cách tưới thông thường.

Công nghệ IoT quản lý nhiệt độ, độ ẩm của mô hình trồng nấm linh chi

Gần đây, Công ty Gentraco đã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ IoT bơm tưới nước cho lúa tại xã Bình Thành (Thoại Sơn) với diện tích 23ha, sử dụng hệ thống cảm biến được đặt trên mặt ruộng để đo mực nước hiện có. Dữ liệu thu nhập sẽ được thông báo về bộ xử lý, sau đó thông báo kết quả cho điện thoại đã được thiết lập chương trình tưới nước, đồng thời đưa ra các kiến nghị tối ưu thông qua ứng dụng Mgreen. Dựa vào đó, nông dân có thể điều khiển máy bơm tưới vào bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi đâu có sóng điện thoại di động kết nối internet. Theo đánh giá, mô hình bơm tưới thông minh giúp giảm chi phí 2 lần bơm tưới nước và tiết kiệm lượng nước sử dụng, hiệu quả sử dụng phân bón cao hơn, bộ rễ phát triển tốt, hạn chế đổ ngã, giảm nhân công lao động và dễ dàng sử dụng.

Tương tự, mô hình canh tác dưa lưới sử dụng năng lượng mặt trời kiểm soát tự động hóa canh tác của chị Phạm Thị Kiều Oanh (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn) được đánh giá cao. Mô hình lắp đặt và vận hành thiết bị kiểm soát qua internet, lắp đặt pin mặt trời, giám sát tưới nước, phân bón tự động qua internet, nguồn điện vận hành bằng năng lượng mặt trời, giảm sử dụng nước và nhân công lao động. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, giảm chi phí canh tác, giảm công chăm sóc, hiệu quả mang lại cao hơn so với canh tác thông thường.

Điểm nhấn đối với các mô hình ứng dụng IoT là thông qua các cảm biến, thiết bị, hệ thống sẽ thu thập các chỉ số môi trường liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để vận hành hệ thống (máy tưới, làm mát, chiếu sáng). Vì vậy, việc ứng dụng IoT giúp nông dân giảm được nhiều khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng cũng như năng suất cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán canh tác trong nông dân phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, do chi phí đầu tư hệ thống IoT khá cao, trong khi người dân khó tiếp cận được vốn. Do chi phí cao nên nông dân phải lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, nhu cầu của thị trường để mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, việc quản lý, vận hành hệ thống đòi hỏi kỹ thuật cao. Để phát triển ứng dụng IoT trong nông nghiệp, cần sự chung tay của chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng để mô hình thật sự là hướng đi bền vững cho nông dân.

IoT - Internet of Thing (internet kết nối vạn vật) là việc kết nối, vận hành các phương tiện, máy móc, trang thiết bị theo mong muốn thông qua các thiết bị có kết nối internet, như: điện thoại thông minh, máy tính…

ĐÌNH ĐỨC

Câu lạc bộ sầu riêng Thiên Phú - Nhân Cơ: Kết nối nhà vườn sản xuất theo chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhằm tránh rủi ro về dịch bệnh, phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm, các hộ trồng sầu riêng trong tỉnh Đắk Nông đã thành lập Câu lạc bộ sầu riêng Thiên Phú - Nhân Cơ để hỗ trợ nhau, hướng đến mục tiêu sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị, mang tính bền vững.

Câu lạc bộ (CLB) Sầu riêng Thiên Phú - Nhân Cơ đặt điểm sinh hoạt tại xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp), chính thức đi vào hoạt động hơn 4 tháng nay. Hiện CLB có 22 thành viên sinh hoạt, với diện tích sầu riêng trên 40 ha.

Ngoài huyện Đắk R’lấp, CLB còn quy tụ nhiều thành viên từ các huyện, thị xã trong tỉnh như: Đắk Mil, Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa…

Với kinh nghiệm của bản thân, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sầu riêng Thiên Phú, Nhân Cơ đã giúp cho các hội viên chăm sóc vườn cây tốt hơn

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ nhiệm CLB Sầu riêng Thiên Phú - Nhân Cơ thì CLB có các tổ kỹ thuật, tư vấn, tự nguyện hỗ trợ cho thành viên kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch sầu riêng. Đồng thời, CLB cũng là cầu nối cho các hộ dân liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt. Qua đó, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế cho các thành viên.

Theo tính toán của các hội viên trong CLB thì 1 ha sầu riêng nếu được áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ giúp nông dân giảm trên 15 triệu đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản ban đầu. Còn đối với diện tích sầu riêng đã trồng lâu năm, khi ứng dụng kỹ thuật đồng bộ cũng cho năng suất tăng lên khá cao.

Anh Nguyễn Văn Thành, ở thôn 12, xã Nhân Cơ cho biết: “Sau khi tham gia CLB, tôi tiếp thu được nhiều kiến thức hơn trong các buổi sinh hoạt định kỳ hay đi thăm các vườn điểm của các thành viên”. Mặc dù CLB chỉ mới tổ chức được 4 đợt sinh hoạt, nhưng nội dung, tiêu chí luôn bám sát vào thực tiễn theo tình hình thời tiết và thời điểm sinh trưởng của cây trồng. Từ đó, các buổi sinh hoạt tập trung thảo luận, trao đổi những vấn đề thực tế trong sản xuất như: Kỹ thuật bón phân, tỉa cành, xử lý ra hoa, chăm sóc trái, xử lý nấm bệnh… Cụ thể, trong thời gian qua, CLB đã tổ chức xử lý bệnh hiệu quả cho 2 vườn sầu riêng của ông Lê Văn Quang ở thôn 12, với 140 cây sầu riêng và vườn của ông Hồ Đông Giang ở thôn 8, đều ở Nhân Cơ với quy mô vườn 500 cây sầu riêng bị nhiễm cục bộ một số bệnh thông thường. Sau khi tư vấn cho chủ vườn cách sử dụng thuốc, bệnh đã được đẩy lùi.

Bên cạnh đó, do phần lớn hội viên chưa có kinh nghiệm trồng sầu riêng nên tổ kỹ thuật của CLB phải ra tận vườn để giúp các biện pháp kỹ thuật tiến bộ trên cây sầu riêng. Rõ ràng, đây là phương thức giao lưu, học hỏi khá thuận lợi, bổ ích mà những nông dân riêng lẻ khó có thể tiếp cận được.

Theo ông Phạm Văn Tuấn, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thì việc tham gia CLB đã giúp ông học hỏi được từ các thành viên khác rất nhiều như: Chăm sóc cho cây đến việc phát hiện bệnh sớm để xử lý. Đặc biệt, ông còn thu được nhiều kiến thức về chăm sóc sầu riêng trong quá trình trao đổi kinh nghiệm. Hiện vườn sầu riêng của gia đình ông phần lớn đang giai đoạn kiến thiết nhưng sinh trưởng, phát triển khá ổn định.

CLB sầu riêng Thiên Phú - Nhân Cơ là một mô hình còn khá mới mẻ ở huyện Đắk R’lấp cũng như các địa phương khác trong tỉnh. Những người dân tham gia hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. CLB cũng có ban chủ nhiệm, có hội phí do các thành viên đóng góp và hoạt động theo định kỳ mỗi tháng một lần. Các thành viên tham gia CLB đều thấy được quyền lợi lớn khi tham gia nên khi vừa thành lập, nhiều người ở xa nhưng vẫn nhiệt tình tham gia và hoạt động tích cực.

Hiện nay, Ban chủ nhiệm và các thành viên đang định hướng phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ, về lâu dài sẽ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn cao hơn. Qua đó, giúp các nhà vườn kết nối cung ứng và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, tiến tới khẳng định thương hiệu sầu riêng của Đắk Nông với thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Lên núi trồng dâu tây, thu tiền tỉ mỗi năm

Nguồn tin: VOV

Với mô hình trồng dâu tây và du lịch trải nghiệm, Công ty Cổ phần Chi Mi Việt Nam (Mộc Châu, Sơn La) của anh Vũ Văn Lực thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Anh Vũ Văn Lực (sinh năm 1990, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) đã quyết định xa quê, lên lập nghiệp ở cao nguyên Mộc Châu. Đến nay, anh thành lập công ty cổ phần Chi Mi Việt Nam, trồng dâu tây, rau sạch và du lịch trải nghiệm. Với mô hình này, công ty của anh đã thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Công ty Cổ phần Chi Mi đã tạo việc làm cho khoảng 70 lao động thời vụ tại địa phương.

Năm 2013, anh Vũ Văn Lực tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Khoa Thương mại và Kinh tế quốc tế. Qua tìm hiểu và học hỏi, anh nhận thấy, Mộc Châu, Sơn La là nơi có khí hậu mát mẻ và thổ nhưỡng phù hợp để trồng dâu tây, đến giữa năm 2015 anh Lực đã quyết định lên đây thuê đất và trồng thử nghiệm dâu tây.

Ban đầu anh cũng gặp khá nhiều khó khăn do chưa quen khí hậu, năm trồng dâu tây đầu tiên chất lượng quả không được tốt. Tiếp đó được bà con và chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ nhiệt tình, anh tiếp tục phát triển mô hình của mình, đưa dâu tây trở thành một loại quả phổ biến hơn với mọi người.

“Tôi xác định, là doanh nghiệp thì vừa phải sản xuất tốt, vừa phải cố gắng để trở thành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hàng đầu. Ngoài ra, cố gắng tạo nhiều cảnh quan để phục vụ người dân đến tham quan Mộc Châu và khách thấy hài lòng nhất”, anh Vũ Văn Lực chia sẻ.

Du khách trải nghiệm hái dâu tây tại vườn.

Qua vài năm, mô hình trồng dâu tây của anh Vũ Văn Lực đã đạt hiệu quả cao. Đến tháng 8/2017 anh quyết định thành lập công ty cổ phần. Đến nay, công ty đã có 5 thành viên, với 12ha dâu tây, ước thu hoạch từ 40-50 tấn/năm. Giá của dâu tây thường dao động từ 200.000- 350.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, anh còn mở rộng thêm các sản phẩm rau sạch như: xà lách, cải, cà chua, ớt ngọt, atiso… tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm được xuất bán ra các hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng như: Thực phẩm sạch Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Cùng với đó, anh đã tạo việc làm cho khoảng 70 lao động thời vụ địa phương.

Mộc Châu là vùng phát triển về du lịch nổi tiếng nên anh đã kết hợp phục vụ du khách trải nghiệm, tham quan, chụp ảnh, cắm trại, nghỉ ngơi, hái dâu tây tại vườn. Chị Đào Nhật Linh, một du khách chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng khi đến đây, không khí ở đây trong lành”.

Trung bình mỗi năm công ty cổ phần Chi Mi của anh Vũ Văn Lực đã thu hút thêm 500.000 lượt khách tham quan. Từ sản xuất dâu tây, rau sạch và du lịch trải nghiệm, công ty thu lãi từ 3 - 4 tỉ đồng/năm./.

Trấn Long-Đắc Thanh/VOV-Tây Bắc

Trồng bưởi, ổi xen canh cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Long An

Mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi của ông Đỗ Tấn Bình ngụ ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đang rất hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Đỗ Tấn Bình (sinh năm 1961, ngụ ấp Bình Đông, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) có 5.000m2 đất trồng bưởi da xanh xen ổi (trong đó, 4.000m2 chuyển từ đất trồng lúa và 1.000m2 cải tạo vườn tạp). Hiện nay, vườn của ông có 300 gốc bưởi da xanh cho thu hoạch lứa đầu tiên đợt tết vừa qua với gần 1 tấn bưởi, giá bình quân 50.000 đồng/kg.

Ông Bình cho biết: "Bưởi da xanh là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, hiện rầy chỏng cánh là đối tượng sâu hại nguy hiểm cho vườn cây có múi. Để khống chế dịch hại trên cây bưởi, tôi trồng xen canh cây ổi vì theo các nhà nghiên cứu, lá ổi có khả năng đặc biệt xua đuổi loại rầy này. Mặt khác, trồng cây ổi còn tận dụng lượng phân bón, thuốc dư thừa của cây bưởi. Do vậy, trồng xen canh bưởi và ổi giúp tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, khi trồng bưởi xen ổi sẽ hạn chế sâu bọ và ngăn ngừa được bệnh vàng lá, giúp tăng độ che phủ cho đất, hạn chế đất bị xói mòn và cỏ dại. Bên cạnh đó, việc trồng xen canh cây ổi còn giúp “lấy ngắn nuôi dài” vì sau hơn 9 tháng, cây ổi đã bắt đầu cho trái”.

Ông Đỗ Tấn Bình với vườn bưởi da xanh và ổi xá lị xen canh, mang lại hiệu quả kinh tế

Theo ông Bình, để tiện cho nguồn nước tưới, ông thiết kế hệ thống ống tưới nước từ nước sông, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa giúp vườn cây phát triển tốt. Về chăm sóc, cây bưởi da xanh và ổi rất giống nhau, chỉ cần bón phân, tưới nước hợp lý, cây sẽ phát triển tốt. Giữa cây bưởi và ổi có sự cộng sinh lẫn nhau, do đó khi trồng ổi xen vào bưởi rất phù hợp.

Ông Bình chia sẻ: “Để ổi không bị sâu, bệnh, khi cây bắt đầu nở hoa cho trái, chờ đến khi trái non được khoảng 1 tháng, tôi dùng túi nylon bọc trái non lại. Làm theo cách này, trái ổi sẽ không bị sâu, bệnh hại tấn công, đồng thời tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, nhất là bảo vệ sức khỏe người sản xuất lẫn người sử dụng. Nhờ làm theo cách này, vườn ổi của tôi lúc nào cũng được mùa, cho năng suất cao. Vụ bưởi tết vừa rồi, tôi chỉ mới thu hoạch được gần 1 tấn với giá bình quân 50.000 đồng/kg, nhưng ổi đã bán được vài vụ, thu gần 200 triệu đồng”.

Mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi của ông Đỗ Tấn Bình đang rất hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất, vừa phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây là mô hình mới tại địa phương, mở ra hướng đi cho nhiều hộ nông dân đang muốn chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn trái./.

Song Hồng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop