Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 5 năm 2019

5.000 tấn mận hậu Sơn La lần đầu xuất khẩu sang Campuchia

Nguồn tin: VOV

Công ty CP Tập đoàn Uniseed thu mua 5.000 tấn quả mận hậu với tổng giá trị 40 tỷ đồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Campuchia.

Năm nay là năm đầu tiên quả mận hậu Sơn La được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Campuchia. Đây là cơ hội giúp nông dân Sơn La nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, ổn định giá cả và khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh những mặt hàng nông sản truyền thống như xoài, nhãn… mận hậu từ lâu đã trở thành mặt hàng chủ lực của tỉnh Sơn La. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang xây dựng thương hiệu cho quả mận bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn Vietgap, Global GAP, xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như Mỹ, Nhật…

Mận hậu Sơn La được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Campuchia.

Ông Đào Văn Lâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty CP Tập đoàn Uniseed thu mua 5.000 tấn quả mận hậu với tổng giá trị 40 tỷ đồng.

“Sản lượng mận năm 2018 của tỉnh Sơn La đạt rất cao, trong khi bà con canh tác vất vả nhưng đến mùa thu hoạch mận lại rớt giá. Do vậy, Hợp tác xã mới có ý định hướng giúp bà con nông dân từ khoa học, kỹ thuật chăm sóc để làm sao đưa được quả mận của Sơn La ra nước ngoài”, ông Lâm cho hay./.

Thanh Thủy/VOV- Tây Bắc

Lào Cai: Bắc Hà sẽ thu 3.500 tấn mận Tam hoa

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Dự kiến, vụ mận Tam hoa Bắc Hà năm 2019 sẽ cho thu hoạch khoảng 3.500 tấn quả bán ra thị trường.

Người dân xã Na Hối thu hoạch mận đầu mùa.

Mận to, đẹp có giá 60.000 đồng/kg.

Hiện, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) bắt đầu vào vụ thu hoạch mận Tam hoa, người dân các xã đang hái tỉa để bán ra thị trường. Ngay từ đầu vụ, mận Tam hoa Bắc Hà rất được giá, dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg tùy loại. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì năm nay thời tiết khá thuận lợi, nên mận Tam hoa được mùa, giá bán cũng cao.

Mận được người dân bày bán tại Bắc Hà.

Toàn huyện Bắc Hà hiện có 500 ha cây mận đang cho thu hoạch, vụ mận năm nay sẽ chín rộ đúng vào thời điểm huyện tổ chức Tuần Văn hóa du lịch năm 2019 (từ ngày 31/5 - 9/6).

ĐỨC NGUYỄN

Mở cơ hội cho vùng cây trái tiềm năng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Về cây có múi, Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) chọn cây chủ lực là bưởi da xanh. Về cây trái tiềm năng, huyện chọn đầu tư vùng trồng xoài (cát núm, cát chu) và sầu riêng. Và mới đây, một lượng xoài xanh ở huyện Vũng Liêm đóng góp vào lô hàng doanh nghiệp thu mua xuất sang Mỹ là tín hiệu đáng mừng.

Việc xác định căn bản giống cây trồng để phát triển, hoạt động xuất khẩu mở ra cùng quá trình sản xuất sạch, theo chuẩn VietGAP kỳ vọng sẽ đưa cây ăn trái đặc sản vùng này đi xa hơn.

Vùng trồng xoài cát núm đạt chuẩn VietGAP ở xã Quới An.

Vùng cây trái chủ lực và tiềm năng theo VietGAP

Ông Phẩm Văn Tiếu (Út Tiếu, ngụ ấp Lăng, xã Thanh Bình) trong mấy ngày qua đã đại diện bà con đứng ra xúc tiến thủ tục tái công nhận chuẩn VietGAP cho Tổ VietGAP sầu riêng ấp Lăng.

Trước đó trong buổi họp bàn để tái công nhận sau 2 năm được chứng nhận VietGAP, từ 42 hộ ban đầu tham gia sản xuất hơn 25ha sầu riêng, nay thêm 12 hộ đăng ký và diện tích cũng tăng lên. Ông Út Tiếu nói “đây là điều rất phấn khởi, chứ sợ canh tác không hiệu quả thì bà con không tham gia nữa”.

2 năm qua, nông dân “thủ phủ” sầu riêng ấp Lăng vẫn sản xuất ổn định như nào giờ. Tuy nhiên theo ông Phẩm Văn Tiếu- Tổ trưởng Tổ hợp tác VietGAP sầu riêng xã Thanh Bình, đầu ra cho cây trái tiềm năng này còn khó khăn.

“Nông dân chúng tôi phụ thuộc vào thương lái. Nói chung là thị trường không ổn định, nên sản phẩm cây trái giá cả còn bấp bênh”- ông Út Tiếu nói.

Vùng sầu riêng VietGAP ở ấp Lăng. Trong ảnh: Vườn nhà ông Út Tiếu học hỏi, thiết kế hệ thống phun thuốc trừ rầy tự động cho sầu riêng.

“Vào VietGAP hay lên GlobalGAP như đã khuyến cáo, người làm vườn cây trái đặc sản chúng tôi cần đầu ra thị trường ổn định hơn để được lợi nhuận hơn trong sản xuất”- ông Út Tiếu nêu mong muốn này không chỉ riêng mình, mà cho hầu hết bà con ở đây, không chỉ sầu riêng mà còn là trái xoài, trái bưởi,...

Trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao sản lượng, chất lượng và tham gia xuất khẩu sẽ rộng đầu ra cho các loại cây ăn trái nơi đây. Bởi theo tính toán của ông Út Tiếu: nếu 1ha sầu riêng cho thu hoạch 20 tấn, bán 40.000 đ/kg, trừ chi phí đầu tư 1ha tầm 100 triệu đồng, thì bà con lời 700 triệu đồng. Với giá bán 65.000-70.000 đ/kg thì lời bạc tỷ là chuyện thường...

Ông Hồ Văn Trọn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình- cho biết trên địa bàn hiện có Hợp tác xã Bưởi da xanh Vũng Liêm có 22 hộ tham gia canh tác 20ha; Tổ VietGAP bưởi da xanh các xã Thanh Bình, Quới Thiện có 14 hộ tham gia, canh tác trên 69ha; Tổ VietGAP bưởi da xanh các ấp Thái An, Bình Thủy, Thanh Lương, Thanh Bình, Tân Bình ở xã Thanh Bình với 100 hộ tham gia, canh tác 32ha.

Ông nói việc khởi động tái công nhận VietGAP cho tổ sản xuất sầu riêng của xã là tín hiệu rất vui, phát triển tổ viên, gia tăng diện tích sản xuất theo quy chuẩn để có hàng hóa nông sản chất lượng.

Tìm hướng mở cho cây trái đặc sản cù lao

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, diện tích vùng trồng xoài của huyện hơn 1.039ha, trong đó tập trung nhiều ở các xã Quới Thiện (418ha), Quới An (194ha), Tân Quới Trung (139,9ha)...

Tổng diện tích sầu riêng là 1.072ha, cũng vẫn tập trung chủ yếu ở Quới Thiện (632ha), Thanh Bình (391,5ha)...

Vùng trồng bưởi có tổng diện tích 1.936,9ha, trong đó bưởi da xanh trồng chủ lực với 1.453,93ha. Có ở hầu hết các xã, nhưng xã có diện tích bưởi nhiều, trong đó bưởi da xanh chiếm đa số gồm có: Thanh Bình (diện tích bưởi/bưởi da xanh 655,7/415,7ha), Quới Thiện (314/295ha), Trung Hiệp (139,85/85ha), Tân Quới Trung (119,6/50ha), Trung Chánh (112/110ha)...

Ông Dương Ái Đạo- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Vũng Liêm cho biết, thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động lĩnh vực cây ăn trái, nhà vườn sản xuất đạt sản lượng 1.040 tấn bưởi da xanh/năm (Thanh Bình, Quới Thiện), sầu riêng 200 tấn/năm (Thanh Bình), xoài cát Hòa Lộc, cát chu, cát núm đạt 964 tấn/năm (Quới Thiện, Quới An, Trung Chánh) và đều nằm trong vùng sản xuất an toàn, tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Dương Ái Đạo cho biết thêm, huyện đã có kế hoạch dự hội thi Trái ngon an toàn Nam Bộ lần thứ 11 tới đây (tháng 6/2019) tại TP Hồ Chí Minh với các loại trái cây đặc sản ở địa phương: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, sầu riêng Ri6, sầu riêng Monthong, bưởi da xanh.

Người dân xã Thanh Bình chở sầu riêng đến các điểm thu mua để đưa ra thị trường.

Tiêu chuẩn phải là trái cây từ nhà vườn trong tổ hợp tác và hợp tác xã cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP.

Qua đó tạo tiền đề để sản xuất cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, ngon, an toàn được nhân rộng, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.

Ông Hồ Văn Trọn cho rằng bà con vùng cây ăn trái ở xã hăng hái tham gia VietGAP và huyện có trái cây xuất khẩu là tín hiệu rất mừng.

Nhưng như đã nói, cái khó vẫn là thị trường tiêu thụ nông sản. Như chốt lại mùa sầu riêng cuối vụ, ông Út Tiếu lại nhắc chuyện cây trái đặc sản vùng cù lao này phụ thuộc thị trường vẫn là... muôn thuở.

Thế nên một mặt người dân vận động kiếm tìm thì ngành chức năng, chính quyền cần hỗ trợ để mở rộng thị trường đầu ra, từ đó người dân sẽ phấn khởi hơn trong sản xuất và hội nhập...

Bài, ảnh: MINH THÁI

Tiền Giang: Làm giàu từ mô hình trồng chanh không hạt

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Trên địa bàn huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) có hơn 160 ha trồng chanh. Từ lâu người dân nơi đây biết đến cây chanh như là loại cây trồng phụ xen trong vườn cây ăn trái để góp phần tăng thêm thu nhập kinh tế, ít ai chú trọng việc đưa cây chanh là cây trồng chính. Thời gian gần đây, một số hộ nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi sang chuyên canh trồng chanh, xem đó là kinh tế chủ lực và họ đã rất thành công, vươn lên làm giàu chỉ trong thời gian ngắn.

Anh Phan Văn Tâm sinh năm 1972, quê quán ấp 2, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước là một trong những tấm gương điển hình làm giàu từ trồng chanh. Xuất thân từ gia đình nông dân quen chuyện ruộng rẫy, sau khi lập gia đình ra ở riêng, cha mẹ cho 4 công ruộng. Lúc đầu, anh canh tác cây lúa. Sau 2 năm làm ruộng thấy không hiệu quả, anh chuyển sang trồng cây màu (dưa leo, khổ qua), trồng đôi ba vụ mà sâu bệnh nhiều, giá cả bấp bênh, anh thua lỗ nên nợ chồng nợ, đã nghèo lại càng nghèo hơn. Từ năm 2015, nghe qua báo đài và thông qua các buổi hội thảo ngành khuyến nông về mô hình trồng cây có, đặc biệt là cây chanh Limca không hạt, có lợi thế xuất khẩu, anh đã tìm hiểu. Từ đây, anh cùng người anh ruột tên Sơn đến tận huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) để tham quan mô hình, hỏi đầu ra và hợp đồng bao tiêu… Thấy có nhiều “cái hay” từ mô hình mới, thế là từ đây anh đã “đổi đời” cho mình từ cây chanh.

Sau khi quyết định chuyển đổi vườn sang trồng chanh, anh vay tiền ngân hàng. Cuối năm 2015, anh trồng 150 gốc chanh Limca trên diện tích 1,8 công đất, phần đất còn lại 2,2 công, anh trồng cỏ nuôi 2 con bò. Trong thời gian chăm sóc chanh, anh thuần dưỡng 2 con bò để cho ra 2 bê con, phân bò được anh ủ với nấm Trichoderma, tạo nguồn phân chuồng oai mục bón cho cây chanh, giảm đáng kể việc bón phân hóa học, từ đó giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

Anh Phan Văn Tâm bên vườn chanh của gia đình

Theo thường lệ hàng năm, mùa chanh nghịch thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch đến tháng 5 âm lịch năm sau. Chanh nghịch vụ có giá cao hơn so với chính vụ. Với 1,8 công đất, sau 18 tháng trồng, vườn chanh của anh bắt đầu cho trái chính vụ, mỗi đợt 300 - 700kg chanh, giá bán từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Bước sang năm thứ 3, anh xử lý nghịch vụ cây chanh vào giữa năm 2017, bằng Paclobutazol phun lên lá. Sau 3 tháng, anh thu hoạch, giá bán chanh nghịch vụ cao hơn hẳn, từ 25.000 – 26.000 đồng/kg, anh tổng thu 70 triệu, trừ chi phí đầu tư 15 triệu đồng, anh còn lãi 55 triệu đồng. Tiếp đó các năm sau, năm nào gia đình anh cũng thu hoạch rộ chanh trái vụ, đạt năng suất lên đến 4-5 tấn mỗi lứa hái, cứ 20 ngày là thu một lứa chanh.

Hiện nay, vườn chanh của anh vẫn tiếp tục ra trái. Theo anh tính toán, trồng chanh chi phí thấp mà lãi lại cao, đặc biệt do anh biết áp dụng ủ phân hữu cơ để bón cho vườn chanh nên cây xanh tốt, cho quả kéo dài, hạn chế sâu bệnh hại. Được biết hiện nay, nhiều nông dân trong ấp 2 cũng lên liếp trồng cây chanh như anh Tâm.

Trương Hồng Huy - Trung tâm DVNN huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang

Đắk Nông: Hiệu quả từ trồng xen cây bơ trong vườn cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Từ nhiều năm nay, việc trồng xen bơ trong vườn cà phê được nhiều nông dân áp dụng và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Bên cạnh mục đích đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập thì mô hình trồng xen canh này còn mang lại nhiều lợi thế về kỹ thuật, cải thiện môi trường sinh thái cho vườn cây.

Gia đình bà Trần Thị Thương ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô), mỗi vụ có thu nhập 50 - 60 triệu đồng/ha từ cây bơ trồng xen trong vườn cà phê

Theo các nhà vườn, qua thực tế sản xuất, việc trồng xen cây bơ trong vườn cà phê mang lại nhiều ưu điểm. Khi trồng cây bơ vào vườn cà phê, nông dân không mất quá nhiều công chăm sóc cho từng loại cây, bởi kỹ thuật chăm sóc, bón phân và tưới nước của bơ và cà phê là gần như cùng thời điểm. Do đó, khi tưới nước, bón phân, bà con có thể thực hiện đồng thời cho cả hai loại cây. Bệnh của cây bơ và cây cà phê cũng gần giống nhau nên khi phòng trừ cũng có thể sử dụng chung biện pháp hóa học hay cơ giới để giúp vườn cây luôn sạch bệnh.

Gia đình bà Trần Thị Thương, ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có 4 ha cà phê. Năm 2014, gia đình bà đã bắt đầu trồng xen bơ vào rẫy cà phê. Đến nay, toàn bộ 4 ha cà phê, gia đình đã trồng xen bơ và cho thu hoạch khá ổn định. Bà Thương cho biết: “Do tôi trồng thưa nên mỗi ha cà phê chỉ xen khoảng 40 – 50 cây bơ. Thế nhưng mỗi vụ bơ cũng cho thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/ha”.

Gia đình ông Trần Văn Hoàng, ở thôn 11B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) cũng trồng xen cây bơ vào 3,5 ha cà phê của gia đình. Ông Hoàng cho biết: “Ban đầu tôi chỉ trồng xen 50 cây bơ vào vườn cà phê. Đến năm thứ 7, chỉ riêng từ 50 cây bơ trong vườn gia đình tôi thu trên 200 triệu đồng. Số tiền này tương đương với 2/3 lợi nhuận từ 3,5 ha cà phê của gia đình hàng năm”.

Theo ông Hoàng, hiện nay một ha cà phê, bà con thu trung bình được khoảng 4 - 5 tấn. Với giá cà phê như hiện nay thì trừ chi phí canh tác (khoảng từ 60 - 80 triệu đồng) thì với 1 ha cà phê trồng độc canh, bà con cũng chỉ thu về khoảng 100 - 120 triệu đồng. Trong khi đó, nếu thực hiện mô hình trồng xen cây bơ với cây cà phê, cứ 4 hàng cà phê trồng một hàng bơ thì 1 ha có thể trồng được khoảng 100 cây bơ. Năng suất của cây bơ ghép đến năm thứ 5, mỗi cây bơ có thể cho khoảng từ 100 - 200 kg/cây, 1 ha khoảng từ 10 - 20 tấn quả. Với giá bơ khoảng từ 25.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân có thể thu được từ 250 - 400 triệu đồng. Từ năm thứ 7 trở đi, khi cây bơ đủ tuổi, năng suất, sản lượng sẽ cao hơn.

Theo các hộ trồng bơ, nếu chọn những giống bơ chín muộn hoặc bơ booth, bơ reed thì việc chăm sóc sẽ thuận lợi hơn. Bởi các giống bơ này thường có thời gian ra hoa cùng lúc với cây cà phê, thời điểm thu hoạch cũng từ tháng 10 đến tháng 12 nên bà con có thể chủ động hơn trong việc thu hoạch, bảo vệ vườn cây. Một ưu điểm nữa là cây bơ có bộ tán rộng nên có thể sử dụng như một loại cây che bóng cho cà phê, giúp cây phát triển tốt hơn nhờ độ ẩm thích hợp.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, việc thực hiện biện pháp đa dạng hóa cây lâu năm trong vườn cà phê còn giúp hạn chế được hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất, các xác bả thực vật chết sẽ cung cấp thêm từ 24-26% hàm lượng chất hữu cơ trong đất và hạn chế được các loại sâu bệnh gây hại cho vườn cà phê. Qua thực tế sản xuất, ở các nhà vườn áp dụng mô hình xen canh cây ăn quả, trồng đai rừng chắn gió không những giúp cho năng suất vườn cà phê tăng từ 25%-30% năng suất so với trồng thuần mà còn góp phần cải thiện môi trường đất, giúp cho khí hậu trong vườn cây được ôn hòa.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nông dân tiếp cận công nghệ phục vụ sản xuất

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Mạng xã hội hiện nay đã trở thành kênh thông tin được rất nhiều người quan tâm. Từ thực tiễn lao động sản xuất nông nghiệp, nông dân Bình Phước đang rất cần định hướng phát triển, nâng cao thu nhập. Và việc triển khai Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân Việt Nam” (Dự án Google) bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận công nghệ phục vụ sản xuất.

BẠN ĐỒNG HÀNH CỦA NÔNG DÂN

Dự án Google được UBND tỉnh cấp ngân sách đối ứng 200 triệu đồng/năm, từ 2017 đến hết năm 2019. Theo đó, năm 2017, Dự án Google triển khai thí điểm tại 2 xã của tỉnh để rút kinh nghiệm. Đến năm 2018, các cấp hội đã triển khai trong toàn tỉnh và thành lập thêm 10 câu lạc bộ (CLB) trực tuyến với 193 thành viên, nâng tổng số lên 17 CLB; thành lập thêm 13 CLB ngoại tuyến với 221 thành viên, nâng tổng số lên 18 CLB và hoàn thành kế hoạch tổ chức 9 lớp tập huấn với 225 người tham dự. Tại huyện Đồng Phú, Hội Nông dân chọn thị trấn Tân Phú thực hiện điểm, thành lập 2 CLB “Nông dân với internet” thu hút 40 thành viên tham gia sinh hoạt. Năm 2018, huyện Đồng Phú thành lập thêm 7 CLB tại các xã Tân Lập, Tân Tiến, Tân Phước và Đồng Tiến. Hiện các CLB duy trì hoạt động hiệu quả, thành viên tham gia sinh hoạt đầy đủ. Qua sinh hoạt, thành viên CLB đã thông tin cho nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc cây điều, cao su. Chị Huỳnh Thị Hằng, hội viên nông dân ấp 2, xã Đồng Tiến cho biết: Gia đình tôi vừa kinh doanh vật tư nông nghiệp vừa làm rẫy nên tham gia dự án rất có lợi. Từ ngày sinh hoạt CLB, tôi đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và kết nối, chia sẻ với các thành viên về giá cả, chất lượng phân bón cũng như kỹ thuật chăm sóc cây điều, cao su, cây ăn trái. Hiện điện thoại thông minh đã trở thành bạn đồng hành với tôi. Tôi quản lý cửa hàng bằng camera, nhận - chốt đơn hàng bằng điện thoại, tiếp cận sản phẩm mới cũng bằng điện thoại. Tuy rất có ích nhưng chúng tôi mong muốn được định hướng tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, nhất là trong bối cảnh đa chiều như hiện nay để có cơ sở phản biện với bà con về những vấn đề liên quan đến thị trường nông sản.

Một buổi hội thảo tại vườn điều của nông dân thị xã Phước Long có kết nối internet

Từ hiệu quả thiết thực của Dự án Google, năm 2019, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động 17 CLB trực tuyến và 18 CLB ngoại tuyến; tạo điều kiện để các CLB sinh hoạt nền nếp, phát triển thành viên. Đồng thời tham gia các hoạt động do Ban quản lý Dự án Google Trung ương Hội tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm thông qua hội thi nông dân với internet; kiểm tra, giám sát, tổng kết dự án.

ĐƯA KHOA HỌC VỀ TẬN VƯỜN CÂY

Từ Dự án Google, Hội Nông dân thị xã Phước Long đã tiên phong tổ chức các buổi chuyển giao khoa học, kỹ thuật trực tiếp trên mạng xã hội để đưa kiến thức đến nhiều nông dân hơn. Để các buổi chuyển giao khoa học, kỹ thuật đạt hiệu quả, Hội Nông dân thị xã Phước Long đã lựa chọn chủ đề phù hợp thực tế, địa điểm thuận tiện, vườn cây có đặc điểm khác nhau, mời chuyên gia, nhà khoa học để trả lời câu hỏi của bà con. Hội còn in băng rôn treo ở các trục đường chính và phát trực tiếp (livestream) trên Fanpage của Hội Nông dân tỉnh để hội viên có thể xem, đặt câu hỏi với chuyên gia và xem lại vào thời gian thích hợp. Nhờ đó thu hút rất đông nông dân trong và ngoài tỉnh tham gia.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Phước Long cho biết: Trong 2 năm 2017 và 2018, Hội Nông dân thị xã đã tổ chức 9 buổi chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên nông dân trực tiếp qua mạng xã hội. Nội dung chủ yếu hướng dẫn hội viên quy trình cải tạo, trồng và chăm sóc cây điều; khắc phục tình trạng sâu bệnh; cung cấp tài liệu, thông tin liên quan tới cây điều... Trong các buổi chuyển giao, hội viên tham gia rất sôi nổi, trực tiếp đặt câu hỏi và được chuyên gia tận tình giải đáp thắc mắc. Ông Trần Xuân Vinh, hội viên nông dân xã Phước Tín (Phước Long) cho biết: Nhờ tham gia CLB của Dự án Google, biết cách sử dụng điện thoại thông minh nên tôi không cần đến địa điểm tổ chức mà vẫn nhận được thông tin cần thiết, bổ ích. Thông qua các buổi livestream, tôi có cơ hội tiếp cận với chuyên gia đầu ngành để được tư vấn chi tiết về quá trình cải tạo vườn điều già cỗi của gia đình, nhờ đó tăng năng suất vườn cây. Đây là dự án thiết thực cần nhân rộng, đáp ứng sự phát triển của xã hội và nhu cầu của nông dân.

Hiện nay, nhiều nông dân đã chủ động tiếp cận khoa học, kỹ thuật thông qua công nghệ. Điện thoại thông minh, máy tính bảng... đã trở thành bạn đồng hành không thể thiếu đối với một bộ phận nhà nông. Bằng Zalo, Facebook, Fanpage... nông dân có thể kết nối, chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời, nhờ đó đã hỗ trợ rất nhiều trong phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để nông dân tiếp cận thông tin bổ ích, phù hợp, các cấp hội cần định hướng truy cập những kênh thông tin hợp pháp, tránh thông tin xấu, độc gây hoang mang, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hữu ích đối với nhà nông.

Phương Dung

Chủ động ứng phó, đảm bảo sản xuất khi mưa chuyển mùa

Nguồn tin:  Báo ảnh Đất Mũi

Hiện đã giữa tháng 5, là thời kỳ cuối mùa khô hạn, đồng thời lại đang bắt đầu có các cơn mưa chuyển mùa nên sản xuất càng trở nên khó khăn, nhiều nguy cơ thiệt hại do các yếu tố môi trường thay đổi, khiến chất lượng nước ao đầm có thể biến đổi thành độc hại.

Cần làm tốt thủy nông nội đồng để nước mưa được lưu chảy thông thoáng, tránh úng ngập cục bộ.

Theo quy luật, sau thời kỳ khô hạn do El-Nino sẽ là thời kỳ mưa chuyển mùa với các hình thế đặc trưng là mưa giông dữ dội. Đặc biệt, với thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao như năm nay, những trận mưa đầu mùa sẽ càng có nguy cơ nhiều giông sét, tố lốc, vòi rồng, nên ngoài chuyện phải phòng tránh thiệt hại do gió lớn thì cũng cần đề phòng úng ngập cục bộ lẫn trên diện rộng.

Trước mắt, các địa phương cần vận động nông dân, huy động mọi nguồn lực, lợi dụng thời kỳ khô hạn còn lại làm tốt thủy nông nội đồng để cho nước mưa được lưu chảy thông thoáng và chuẩn bị máy bơm để có thể can thiệp kịp thời, nhằm tránh úng ngập cục bộ, cứu cây trồng, rau màu sau những trận mưa lớn đầu mùa hay trong các cơn bão, áp thấp nhiệt đới tiếp theo. Ngành chức năng và các địa phương cần khẩn trương khắc phục tốt các trường hợp cống bị rò rỉ, nhằm chống xâm nhập mặn vào nội đồng vùng ngọt hóa, bảo vệ sản xuất vụ hè thu khi mùa mưa về.

Đề phòng thiệt hại trường hợp nguồn nước tưới bị nhiễm phèn, mặn do mưa chuyển mùa.

Đối với các vùng nuôi tôm, cần vận động nông dân tiến hành nạo vét kênh rạch, tu sửa bờ mương cho thông thoáng, sâu chắc để có nguồn nước tốt, an toàn phục vụ sản xuất. Chú ý tận dụng các con nước rong lấy và trữ đủ nước tốt vào ao đầm, ruộng nuôi để giảm thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng, nhiệt độ, độ mặn, các chất độc hại tăng cao và các loại dịch bệnh. Đặc biệt chú ý giữ lại nguồn nước tốt và phải qua lắng lọc cho nuôi tôm công nghiệp; phải quản lý, bảo vệ tốt nguồn chất thải và môi trường vùng nuôi, không để ô nhiễm nước từ vùng nuôi tôm công nghiệp lan tỏa đến các vùng nuôi khác.

Trong sản xuất lúa, cần tuân thủ lịch thời vụ sạ cấy do ngành Nông nghiệp khuyến cáo, áp dụng quy trình quản lý dịch hại phòng trừ tổng hợp IPM và biện pháp canh tác “3 giảm 3 tăng”; chuẩn bị nguồn giống tốt, chịu được phèn, mặn khá, thích nghi cao trong điều kiện úng ngập hay có thể bị hạn cục bộ và có chất lượng gạo ngon cho cả vụ hè thu lẫn vụ mùa, kể cả trên đất nuôi tôm.

Sản xuất lúa cần theo đúng lịch thời vụ.

Riêng về rau màu, hiện nay tuy là cuối mùa khô hạn nhưng vẫn còn nắng nóng gay gắt và bắt đầu có mưa chuyển mùa nên nhiều nơi nguồn nước tưới có thể bị nhiễm phèn, mặn nên không thể gieo trồng an toàn, cần đề phòng thiệt hại.

Đối với vật nuôi, cũng phải có giải pháp che chắn tốt để chống nắng nóng, tránh mưa tạt gió lùa trong những ngày mưa chuyển mùa sắp tới, vì nhiệt độ tăng - giảm đột ngột sẽ khiến gia súc, gia cầm dễ nhiễm các loại dịch bệnh, dẫn đến thiệt hại.

KỸ SƯ NGUYỄN VĂN THƯỚC - ẢNH: BẢO LÂM

Nhà máy chế biến rau, củ, quả Haphofood: Tạo bước ngoặt chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nguồn tin:  Báo Hải Phòng

Sau thời gian gấp rút chuẩn bị với sự đồng hành của Công ty CP Lavifood và thành phố Hải Phòng, ngày 10-5-2019, Nhà máy chế biến rau, củ, quả Haphofood chính thức được khởi công tại Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây là sự kiện lớn, bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của Hải Phòng nói chung, sản xuất nông nghiệp Hải Phòng nói riêng, đặc biệt mở ra cơ hội lớn trong tiêu thụ nông sản của Hải Phòng.

Nhà máy chế biến rau củ quả tại huyện Tiên Lãng đi vào hoạt động sẽ sử dụng lượng rất lớn nông sản Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Trong ảnh: Thu hoạch cà chua trái vụ tại phường Bàng La (Đồ Sơn). Ảnh: Hồ Hương

Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Lavifood, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong sản xuất rau, củ, quả. Nhu cầu rau, củ, quả hiện tại của Việt Nam khoảng 152 kg/người/năm, ước tính tới năm 2030 tăng lên 190 kg/người, tỷ lệ tăng khoảng 25% tương ứng với sản lượng 19,4 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng quả của cả nước hiện đạt khoảng 9,5 triệu tấn, rau các loại đạt 16,5 triệu tấn; ước tính tới năm 2030 tăng lên tương đương là 17 triệu tấn và 29,6 triệu tấn. Như vậy, sản xuất đã dư thừa cho nhu cầu trong nước; một sản lượng lớn rau, củ, quả đã được xuất khẩu, hiện mang về hơn 5 tỷ USD mỗi năm cho đất nước. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú như vậy, cùng với tiêu thụ tươi cả nội địa và xuất khẩu, chế biến rau, củ, quả là một trong những bước đi đúng hướng để đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản cho bà con nông dân. Với ý nghĩa đó, Lavifood đã đầu tư 1800 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại tỉnh Tây Ninh trên dây chuyền thiết bị hiện đại được thiết kế theo chuẩn Lead Silver của Mỹ, công suất 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm, chính thức đi vào hoạt động tháng 1- 2019.

Tiếp theo thành công của Tanifood, nhận thấy tiềm năng to lớn và nhiều điều kiện thuận lợi của Hải Phòng (cảng biển nước sâu; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; diện tích đất nông nghiệp lớn; tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn nhiều so với vùng đồng bằng sông Hồng...) và đặc biệt là hưởng ứng lời mời gọi đầu tư của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Lavifood quyết định đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả Haphofood tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 1800 tỷ đồng, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như nước ép trái cây cô đặc; trái cây đông lạnh; củ quả đông lạnh; xử lý rau tươi (rau ăn lá); sản xuất trái cây sấy (giòn, dẻo, lạnh); nước trái cây đóng lon; nước trái cây đóng chai... Công suất dự kiến là 150.000 tấn/năm, tiêu thụ nội địa một phần và chủ yếu xuất khẩu. Theo đại diện Công ty Lavifood, Nhà máy Haphofood có 6 dây chuyền sản xuất công nghệ mới và hiện đại được nhập khẩu từ châu Âu. Toàn bộ quy trình sản xuất khép kín với những quy định nghiêm ngặt và tự động hóa chiếm 80%. Phần còn lại của quy trình là bán tự động và thủ công ở các khâu như: lựa chọn trái cây, cắt gọt vỏ, tạo hình... Với quy mô như vậy, Haphofood không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa của Hải Phòng mà của cả vùng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ cao, công nghệ sạch. Nhà máy sẽ tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới cho lao động địa phương. Đặc biệt, công nhân sẽ có cơ hội tiếp cận với các thiết bị máy móc mới, được đào tạo tay nghề vững vàng và có thu nhập ổn định. Đại diện Lavifood khẳng định, đây là bước đi đầu trong mong muốn thực hiện đề án chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao ngành rau, củ, quả định hướng thị trường trên nền tảng logistics tại Hải Phòng, bao gồm nhà máy chế biến rau, củ, quả; tổng kho logictics; trung tâm hỗ trợ nông dân và thương mại nông thôn; phát triển vùng trồng nguyên liệu; các nhà máy giống cây trồng; nhà máy phân bón; đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ... Để đi tới bước khởi công Nhà máy Haphofood hôm nay là quyết tâm rất lớn của chủ đầu tư và thành phố Hải Phòng, rất quyết liệt, khẩn trương. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố dành sự quan tâm đặc biệt tới dự án, có sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hải Phòng; các sở, ngành liên quan; huyện Tiên Lãng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, chuẩn bị và hoàn thành nhanh chóng các thủ tục về đầu tư, mặt bằng... Chỉ sau gần 2 tháng kể từ khi Công ty Lavifood đến làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, dự án được khởi công cho thấy sự đổi mới, quyết tâm, quyết liệt của thành phố trong thực hiện dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, của ngành nông nghiệp Hải Phòng.

Song song với quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy, thành phố chỉ đạo các ngành gấp rút nghiên cứu, hỗ trợ chủ đầu tư trên cơ sở cơ chế, chính sách, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ vật tư, giống cây trồng cho bà tạo vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến rau củ quả Haphofood. Haphofood được xây dựng tại Hải Phòng mang lại nhiều lợi ích cho thành phố, nhưng quan trọng nhất là tận dụng, phát huy hiệu quả đất đai; tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi cây trồng từ những loại cây có giá trị kinh tế thấp sang loại cây có giá trị cao hơn, từ đó nâng cao thu nhập, mức sống của nông dân…

THANH HIÊP

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop