Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 6 năm 2019

Bất ngờ lá, vỏ, hạt chôm chôm Việt thành mỹ phẩm cao cấp nhất thế giới

Nguồn tin:  Tuổi Trẻ

Từ các phụ phẩm là lá, hạt và vỏ chôm chôm Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu và chiết xuất ra các nguyên liệu mỹ phẩm đạt tiêu chuẩn cao cấp nhất trên toàn cầu.

Nguyên liệu mỹ phẩm được chiết xuất từ lá, vỏ và hạt chôm chôm Việt Nam

Bộ phận nguyên liệu hóa mỹ phẩm của Tập đoàn BASF (Đức) cho biết đã nghiên cứu thành công ba hoạt chất mới cho thị trường làm đẹp chiết xuất từ lá, vỏ và hạt chôm chôm giúp cung cấp độ ẩm và trẻ hóa da cho người tiêu dùng trên toàn cầu.

Đây là những nguyên liệu đầu tiên được ra đời thông qua Chương trình phát triển cây chôm chôm của BASF, một sáng kiến về chuỗi cung ứng có trách nhiệm với xã hội và môi trường, qua đó sản xuất các hoạt chất sinh học bền vững từ nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.

Các nhà khoa học tại BASF đã nghiên cứu cách thức chiết xuất các thành phần có lợi từ lá, hạt và vỏ chôm chôm cho ngành mỹ phẩm.

Từ vỏ trái chôm chôm, các nhà khoa học đã chiết xuất ra hợp chất Nephydrat™, giúp tăng cường khả năng giữ nước và cấp ẩm cho da.

Các chiết xuất cung cấp năng lượng cho các tế bào sừng trên da và tăng cường phốt pho lipid (thành phần chính của lớp màng tế bào) và tổng hợp chuỗi ceramide hỗ trợ tối ưu hàng rào bảo vệ da.

Nephydrat cung cấp các lợi ích có thể đo lường và cảm nhận trực quan như tăng cường độ ẩm, mang đến một làn da tươi tắn, khỏe mạnh.

Trong khi chiết xuất Nephoria™ từ lá cây chôm chôm giúp trẻ hóa làn da có dấu hiệu lão hóa thông qua cơ chế hoạt động sinh học tương tự như sinh tố A, hỗ trợ tổng hợp collagens và tăng đàn hồi cho da.

Còn Rambuvital™ chiết xuất từ hạt chôm chôm có thể bảo vệ cả da đầu và nang tóc chống lại tác động do môi trường ô nhiễm, làm tăng sức sống nang tóc và giảm quá trình oxy hóa tạo ra bã nhờn khi tiếp xúc với các chất ô nhiễm và tia cực tím.

Nông dân Bến Tre chăm sóc vườn chôm chôm đạt chuẩn Global GAP - Ảnh: Trần Mạnh

Đại diện của BASF cho biết tất cả ba hoạt chất sinh học mới này đều không sử dụng chất bảo quản, có nguồn gốc 100% từ tự nhiên.

Nguyên liệu không chứa chất bảo quản, có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên và được chứng nhận đạt Tiêu chuẩn mỹ phẩm hữu cơ COSMOS (COSMetic Organic and Natural Standard).

Người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới đang ngày càng chú ý đến xu hướng làm đẹp có trách nhiệm, từ đó đặt ra yêu cầu đối với các nhà sản xuất hóa mỹ phẩm.

Việc nghiên cứu thành công các chiết xuất từ phụ phẩm chôm chôm cho ngành mỹ phẩm sẽ đem lại lợi ích cho nông dân trồng chôm chôm tại VN.

BASF hiện đang đưa ra hướng giải quyết cho những vấn đề này thông qua Chương trình phát triển cây chôm chôm được khởi động vào năm 2015.

Sáng kiến này kết nối BASF, nông dân địa phương, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ nhằm hình thành chuỗi cung ứng có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho trái chôm chôm Việt Nam.

TRẦN MẠNH

Hà Nội đẩy mạnh trồng bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi đặc sản

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN& PTNT Hà Nội) vừa tổ chức hội nghị triển khai sản xuất trồng bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản năm 2019 tới các hợp tác xã, hộ dân…

Theo kế hoạch, năm 2019, ngoài hỗ trợ các địa phương tập huấn kỹ thuật, đào tạo trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP tại các vùng trồng bưởi trọng điểm, trung tâm còn hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân mua giống bưởi, vật tư, hệ thống tưới thông minh để trồng mới trên quy mô 33ha, gồm các giống: Bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân, bưởi đào chín sớm... tại 7 xã trên địa bàn 5 huyện.

Để hỗ trợ các vùng trồng bưởi mới, trung tâm triển khai xây dựng vườn bưởi đầu dòng chất lượng cao quy mô 0,18ha; thực nghiệm sản xuất giống bưởi trên giá thể xơ dừa với 10.000 cây… Hà Nội định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang trồng cây lâu năm, đặc biệt là cây bưởi.

SƠN TÙNG

Tam Bình (Vĩnh Long): Tập trung xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cam sành

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo kế hoạch năm 2019, toàn huyện Tam Bình (Vĩnh Long) phát triển diện tích vườn cây ăn trái đến cuối năm là 8.190ha, đẩy mạnh phát triển diện tích vườn cam sành, đảm bảo quy trình kỹ thuật. Theo đó, huyện tập trung xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cam sành (100ha) ở xã Bình Ninh, Loan Mỹ.

Huyện tập trung phối hợp với các ngành tỉnh: Trung tâm Giống nông nghiệp, Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh triển khai các dự án hỗ trợ cho Hợp tác xã Cam sành Khánh Nhân và nông dân trong mô hình liên kết chuỗi, tập trung sản xuất an toàn, sản xuất đạt chứng nhận VietGAP để bao tiêu sản phẩm.

Phối hợp với Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh huyện vận động nông dân thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cam sành.

Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ xây dựng mỗi xã có 1 diện tích vườn mẫu. Tập trung xây dựng các mô hình trên các loại cây ăn trái có giá trị cao như: cam sành, thanh long, bưởi da xanh, sầu riêng,…

Tiếp tục chỉ đạo cải tạo vườn kém hiệu quả, khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn trái phù hợp với thị trường, điều kiện gia đình và theo quy hoạch của địa phương. Tăng cường tập huấn hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và phòng trừ sâu bệnh.

Củng cố tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển diện tích, đảm bảo quy trình kỹ thuật, hướng tới xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên vườn cây ăn trái như: cam sành (Bình Ninh, Ngãi Tứ, Loan Mỹ…), xoài (Tân Phú, Long Phú, Song Phú,...), thanh long (Hậu Lộc, Mỹ Lộc, Song Phú,... ).

NGUYỄN MINH

Đồng Tháp: Ứng dụng công nghệ sinh học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp việc chuyển giao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp góp phần thay đổi thói quen, tư duy lạc hậu trong canh tác của nông dân. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất các ngành hàng chủ lực, duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp...

Hoa kiểng cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Đối với cây trồng, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ di truyền vào lai tạo giống mới, phục tráng giống; áp dụng phương pháp nhân giống vô tính (chiết cành, tháp - ghép, cấy mô,...) các giống mang đặc tính tốt, sạch bệnh. Đặc biệt, công nghệ chuyển gen còn được đưa vào sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh với các giống bắp.

Hiện nay, một số loại hoa kiểng cũng được ứng dụng công nghệ cao nuôi cấy mô vào nhân giống nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường với các nhóm hoa chủ lực như: cúc đồng tiền, cúc mini, hoa chuông, lan ý, lan Dendrobium, dứa diễm phúc... Bên cạnh đó, khảo sát thành công một số cây cấy mô (cẩm chướng lùn, cây lá đỏ, cúc mai, cúc nút áo) và chuyển giao thành công nhân giống in-vitro hoa lan hồ điệp và lan đai châu từ Viện Nghiên cứu và Phát triển rau, hoa.

Ngành nông nghiệp vừa triển khai và hoàn thành giai đoạn 1 Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp”. Dự án được triển khai kịp thời với các mô hình trồng hoa trong nhà lưới năm 2018 (vụ 1), đa số nông dân thực hiện đều đạt lợi nhuận và tỷ lệ xuất vườn cao. Ngoài ra, dự án còn đào tạo ngắn hạn chuyên sâu cho 5 cán bộ kỹ thuật địa phương và tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 lượt nông dân tham dự nắm được các kỹ thuật nhân giống và sản xuất thương phẩm các loại hoa trong dự án.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chế phẩm sinh học, biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, công nghệ sinh thái trên đồng ruộng... góp phần kiểm soát tốt các đối tượng dịch hại bảo vệ sản xuất, tạo ra nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Đối với ngành chăn nuôi - thú y, công nghệ di truyền giống vật nuôi được áp dụng rộng rãi nhờ vào kỹ thuật gieo tinh nhân tạo, chọn lọc, lai tạo giống góp phần cải thiện tầm vóc, năng suất vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được triển khai thực hiện trên các đối tượng vật nuôi. Hiện nay, tỉnh chuyển đổi bước đầu hình thức nuôi vịt chạy đồng sang phương thức nuôi bán chăn thả, đảm bảo an toàn sinh học. Người chăn nuôi còn sử dụng vắc-xin, chế phẩm sinh học đối kháng, thực hiện xét nghiệm bệnh bằng phương pháp PCR (polymerase chain reaction), ELISA (enzyme linked immunosorbent assay) giúp cơ quan quản lý hướng dẫn người chăn nuôi phòng trị và áp dụng các biện pháp khống chế dịch bệnh kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Trên lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp bước đầu nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật chọn lọc di truyền trên các đối tượng thủy sản nuôi, kỹ thuật sinh sản nhân tạo như công nghệ sản xuất tôm toàn đực, ứng dụng quy trình sản xuất giống cá rô phi đơn tính sử dụng hormon MT (17 Alpha - Methyl Testosteron) nhằm tạo ra con giống có tốc độ sinh trưởng nhanh và chất lượng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, hoàn thiện công thức thức ăn công nghiệp, cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thiết kế ao nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trị bệnh và xử lý môi trường được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ngành thủy sản.

Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh các thành tựu đạt được thì việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất vẫn còn khó khăn, vướng mắc nhất định. Đơn cử như chính sách hỗ trợ áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất còn hạn chế, nội dung ứng dụng còn tương đối ít do chưa có nhiều đơn vị đủ khả năng tiếp nhận, chưa sẵn sàng về thiết bị, nhân lực và kinh phí đầu tư cho lĩnh vực công nghệ sinh học. Hiện nay, lĩnh vực công nghệ sinh học còn khá mới mẻ, do vậy việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn.

Y DU

Hiệu quả từ các dự án chăn nuôi bò

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Được triển khai năm 2009 và năm 2016, dự án Heifer của Mỹ và dự án cho vay bê giống sinh sản của Quỹ thiện tâm - Tập đoàn Vingroup đã và đang mang đến những hiệu quả tích cực, tạo cơ hội giúp các hộ nghèo nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó còn góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại các địa phương, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đàn bò của gia đình ông Dương Văn Tuần (xã Bình Định, huyện Kiến Xương) phát triển tốt, giúp gia đình ổn định cuộc sống.

Năm 2016, dự án cho vay bê giống sinh sản của Quỹ thiện tâm - Tập đoàn Vingroup được triển khai tại Thái Bình với hình thức “ngân hàng bò giống”. Sau khi hộ tiếp nhận con giống sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng thành bò trưởng thành và cho sinh bê con. Bê con phải được nuôi đến 12 tháng tuổi thì hộ nuôi có nghĩa vụ trả lại cho ban quản lý dự án để chuyển giao cho hộ tiếp theo. Sau đó, chủ hộ sẽ được toàn quyền sử dụng bò mẹ để nuôi và tiếp tục nhân giống. Dự án có tổng số 200 con bò giống sinh sản đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh bàn giao cho huyện Vũ Thư 55 con, huyện Quỳnh Phụ 55 con, còn lại giao cho hai huyện Đông Hưng và Hưng Hà. Đến nay 200 con bò giống đã sinh thêm 110 bê con tiếp tục hỗ trợ cho các xã Tự Tân (Vũ Thư), Bình Định (Kiến Xương), Tây An, Nam Hồng, Nam Hà (Tiền Hải).

Cùng với Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup, dự án Heifer của Mỹ cũng hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh số tiền trên 1 tỷ đồng. Theo đó, mỗi hộ nghèo, cận nghèo được vay từ 10 - 15 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi để mua con giống, trong đó chủ yếu là bò giống. Hiện nay dự án đã triển khai và trao 40 con bò cho 40 hộ nghèo tại 4 xã, mỗi xã 10 con gồm: Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), Phong Châu (Đông Hưng), Lê Lợi, Bình Định (Kiến Xương). Hộ vay tiến hành trả gốc và lãi hàng tháng là 450.000 đồng/tháng trong 2 năm. Như vậy, tổng đàn bò của cả 2 dự án do Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ trong 2 năm là 350 con với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện các dự án, các hộ hưởng lợi được tập huấn, hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trị bệnh cho bò, phối giống cho bò. Theo đó, các xã, thị trấn cử cán bộ thú y thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh cho bò.

Là xã đầu tiên được triển khai thực hiện dự án Heifer, Bình Định (Kiến Xương) đang duy trì và phát triển tốt các điều kiện của dự án. Sau 10 năm triển khai, đến nay, dự án là “cần câu” cho người dân nghèo của địa phương. 60/60 hộ nghèo của xã được nhận bò giống ban đầu từ dự án Heifer đã thoát nghèo. Đa số các hộ nuôi duy trì được 1 cặp bò mẹ. Một số hộ duy trì tổng đàn từ 8 - 11 con. Cá biệt, gia đình ông Dương Văn Tuần, thôn Hòa Bình luôn duy trì từ 10 - 13 con (bao gồm cả bò mẹ và bê giống), cao nhất xã. Chỉ sau 3 năm thực hiện dự án, gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành điển hình tiên tiến của xã trong phát triển kinh tế.

Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: Dự án hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Để dự án đạt được hiệu quả như hiện nay phải kể đến sự nỗ lực của những người dân nghèo, cận nghèo. Nhờ có đàn bò, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 3,98% năm 2015 xuống còn 2,72% đến hết năm 2018. Dự án không chỉ cải thiện đời sống kinh tế cho người dân mà còn phát huy được tính tương trợ trong giúp nhau phát triển kinh tế của nông dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, địa phương tiếp tục chú trọng đầu tư nhân rộng đàn bò theo dự án Heifer để các hộ nghèo của xã đều được nhận bò, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Khác với Bình Định, Tự Tân (Vũ Thư) là địa phương vừa được tiếp nhận bò từ dự án cho vay bê giống sinh sản của Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup vào tháng 1/2019.

Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những hộ được nhận bò là những hộ đã được xét chọn bảo đảm đúng đối tượng, đúng các tiêu chí của đơn vị tài trợ. Chúng tôi sẽ tích cực mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò cho bà con. Đây sẽ là cơ hội để các gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp. Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang “càn quét” ngành chăn nuôi lợn như hiện nay thì chăn nuôi bò sẽ là hướng đi mới, giúp Thái Bình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững. Chính vì thế, các dự án chăn nuôi bò do Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai đến các hộ dân nghèo không chỉ có ý nghĩa nhất thời mà còn có giá trị lâu dài, giúp các hộ vươn lên xóa nghèo bền vững.

Ông Lê Duy Quang, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Các dự án nuôi bò đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo sức bật đối với những hộ nghèo. Dự án đã giúp các hộ nghèo dần có cuộc sống ấm no, ổn định, từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu của dự án. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh mong muốn các nhà tài trợ của các dự án tiếp tục mở rộng và nâng cao các tiêu chí để các hộ nghèo đủ điều kiện nhận nuôi bê giống.

Thu Trang

Giá heo hơi tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Một thương lái mua heo tại thành phố Tây Ninh cho biết, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng tăng sau đợt giảm giá chạm đáy 30.000 đồng/kg, dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, người chăn nuôi chưa đủ để “gỡ vốn”.

Người chăn nuôi bán tháo heo dù chưa đủ lứa để “ chạy” dịch.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp, hiện đã lan rộng trên địa bàn 55 tỉnh, thành của cả nước. Đáng lưu ý là các tỉnh giáp ranh Tây Ninh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh đều đã công bố có dịch. Do đó, nguy cơ dịch tả heo châu Phi có thể xâm nhiễm vào Tây Ninh là rất lớn, khiến người chăn nuôi heo hết sức hoang mang, dù thời gian qua, tỉnh đã chủ động có nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng, chống dịch.

Đến nay, dịch tả heo châu Phi dù chưa xảy ra ở tỉnh nhưng cũng đã gây tác động đáng kể đến ngành chăn nuôi heo và thị trường tiêu thụ. Trong đó, đã có không ít trường hợp người dân bán tháo heo khoẻ mạnh để “chạy dịch” dù giá thấp. Chiều 13.5.2019, dù thở phào nhẹ nhõm vì xuất bán được đợt heo thịt cho thương lái nhưng ông Nguyễn Tấn Thành (ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) vẫn không khỏi luyến tiếc. Theo ông Thành, đàn heo của ông đang lớn, trọng lượng trung bình chỉ hơn 80kg/con nhưng ông vẫn bóp bụng bán với giá 36.000 đồng/kg heo hơi.

Ông Thành chia sẻ, vài hôm trước, giá heo hơi chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg. Do đó, khi giá heo vừa tăng trở lại thì ông vội vàng bán đi, bởi “ôm” đàn heo hơn 10 con trong thời điểm hiện tại rất bất an. Nếu không may có dịch xảy ra, coi như công sức hơn 4 tháng qua và bao nhiêu vốn liếng đổ sông, đổ bể.

Còn theo anh Nguyễn Văn Huy, người chăn nuôi tại xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, từ khi thông tin dịch tả heo châu Phi bắt đầu lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giá heo sụt giảm, khiến người chăn nuôi thêm khó khăn. Bởi trước đó, trong hai năm 2017 - 2018, giá heo đã giảm mạnh, có lúc chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng. Một số người cố gắng cầm cự chờ giá heo tăng lên nhưng chỉ được vài tháng, chưa kịp gỡ vốn thì dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở nơi khác đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu thụ heo trong tỉnh.

Anh Hùng, một thương lái mua heo tại thành phố Tây Ninh cho biết, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng tăng sau đợt giảm giá chạm đáy 30.000 đồng/kg, dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, người chăn nuôi chưa đủ để “gỡ vốn”.

Theo anh Kiệt, một người chăn nuôi tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, mặc dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, nhưng anh vẫn không an tâm khi biết bệnh tả heo châu Phi chưa có vắc-xin ngừa và kháng sinh điều trị, trong khi tỷ lệ heo mắc bệnh tử vong rất cao.

Số lượng thịt heo được bán tại các chợ cũng giảm mạnh so với thời điểm chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi trong nước. Tại nhiều chợ lớn trong tỉnh, giá bán thịt heo đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với trước.

Bà Kim Khánh, tiểu thương buôn bán thịt heo tại chợ thành phố Tây Ninh cho biết, trước đây mỗi ngày bà bán được trên dưới 150kg thịt móc hàm, hiện chỉ còn chưa đến 100kg mỗi ngày. Theo bà Khánh, dù các phương tiện thông tin đại chúng đều cho biết dịch tả heo châu Phi không gây hại trên người nhưng nhiều người dân vẫn e ngại, khiến lượng thịt heo bán ra giảm hơn 30% so với trước.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh trên 177.194 con. Công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi đang được ngành Thú y tập trung thực hiện với 11 chốt kiểm dịch động vật và 6 đội kiểm tra liên ngành.

Theo ông Nguyễn Thành Thúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện các ngành, các cấp có liên quan đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tả heo châu Phi. Trong đó, công tác kiểm dịch heo từ ngoài tỉnh vào địa bàn được siết chặt. Theo ông Thúc, mỗi ngày, lượng heo tiêu thụ trên địa bàn tỉnh trên 1.200 con. Trong khi đó, lượng heo nuôi trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận, chủ yếu từ Đồng Nai và Bình Dương.

Mặc dù các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện dịch nhưng nhờ thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện heo bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh tả heo châu Phi, người nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y gần nhất, tuyệt đối không bán chạy dịch hoặc vứt xác heo ra môi trường gây ô nhiễm và làm phát tán mầm bệnh.

MINH DƯƠNG - THẾ NHÂN

‘Chìa khóa vàng’ cho nông nghiệp Thái Bình

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Mục tiêu của dự án AVERP nhằm xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải KNK trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phần lớn lượng phát thải khí nhà kính ở giai đoạn làm đất, gieo cấy lúa.

“Lúc đầu tôi chưa tin vào công nghệ của công ty dự thi vì truyền thống từ trước đến giờ nông dân chúng tôi chỉ cấy khi mạ được khoảng 20 ngày tuổi. Nhưng đến khi cấy mạ non theo công nghệ của công ty, tôi rất ưng ý vì cấy thưa, nhỏ dảnh, giảm 50% thóc giống mà lúa đẻ khỏe, sâu bệnh giảm đi rất nhiều” - đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngát, xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình khi gieo cấy lúa theo quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính (KNK) của đơn vị tham gia dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính AgResults” (AVERP).

Bà Ngát cũng như hàng nghìn nông dân áp dụng các công nghệ giảm phát thải KNK, có thể họ chưa quan tâm đến những con số về lượng KNK cắt giảm nhưng tăng năng suất, giảm sâu bệnh, giảm chi phí đầu vào... là những hiệu quả thấy rõ khi tuân thủ đúng quy trình công nghệ của các công ty, đơn vị.

Ông Cao Bá Muồn, Giám đốc HTX DVNN xã Tây Lương (Tiền Hải) cho biết: Vụ xuân năm 2019, xã Tây Lương lần đầu được lựa chọn triển khai công nghệ canh tác lúa giảm phát thải KNK trên diện tích 14ha với 393 hộ dân tham gia. Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của nông dân khi họ không biết cũng không quan tâm đến phát thải KNK. Từ trước đến giờ, khi bón phân đạm cho lúa, ruộng lúc nào cũng phải có nước nhưng khi tham gia dự án, áp dụng quy trình của công ty, 3 lần vãi phân ruộng phải tháo khô nước trước đó vài ngày. Thay đổi này đã vấp phải sự hoài nghi của nông dân. Tuy nhiên, đến nay, lúa trong mô hình phát triển tốt, ít sâu bệnh, dự kiến cho năng suất cao hơn hẳn ruộng gieo cấy theo phương thức truyền thống, người dân đã dần tin tưởng vào quy trình của công ty.

Kết thúc vụ đầu tiên của giai đoạn 2 - giai đoạn nhân rộng các công nghệ tham gia dự thi, toàn tỉnh có 425,4ha lúa xuân của 4.709 hộ dân tại 47 xã áp dụng các công nghệ canh tác lúa giảm phát thải KNK, trong đó có 5 xã triển khai đồng thời 2 gói công nghệ của hai đơn vị dự thi đã cho thấy hiệu quả, sức hút lớn của dự án đối với chính quyền, nông dân. Theo đánh giá của ban quản lý dự án, các địa phương đều tham gia nhiệt tình với tinh thần hợp tác, trách nhiệm cao. Nhiều điểm triển khai rất khoa học, chỉ đạo sát sao từ làm đất, gieo cấy, bón phân, tháo nước...

Một trong những tiêu chí để trao giải chính là khả năng nhân rộng, vì thế, những công nghệ tốt, hiệu quả sẽ do chính người nông dân công nhận và tự nguyện nhân rộng. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Hòa (Kiến Xương) cho biết: Vụ xuân năm nay, xã Vũ Hòa có 7,2ha lúa áp dụng công nghệ canh tác giảm phát thải KNK của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed. Qua theo dõi thấy lúa sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho năng suất khá, đặc biệt lúa cứng cây, không bị đổ. Vụ mùa tới, dự kiến diện tích lúa áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải KNK sẽ mở rộng lên 70ha.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ xuân năm 2019 của Thái Bình được đánh giá là vụ được mùa so với các địa phương lân cận, góp phần vào thành công đó phải kể đến đóng góp của các công nghệ, giải pháp từ các đơn vị dự thi triển khai, áp dụng. Dự án được xem là “chìa khóa vàng” cho sản xuất lúa gạo của Thái Bình bởi đã đưa ra các gói công nghệ, giải pháp canh tác lúa vừa bảo đảm năng suất vừa cải thiện môi trường, an sinh xã hội.

Mục tiêu của dự án AVERP nhằm xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải KNK trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Justin Kosoris, Ban Thư ký đề án AgResults - cơ quan quản lý dự án cho biết: Dự án AVERP đã bước sang giai đoạn 2, các công ty, đơn vị dự thi sẽ được phép triển khai những gói công nghệ hiệu quả nhất nhằm nhân rộng đến càng nhiều nông hộ càng tốt. Đến thời điểm này, chúng tôi rất hài lòng với những kết quả đã đạt được.

Lưu Ngần (Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

Hơn 90 ngàn cây cà chua đang trĩu quả bị chết bất thường

Nguồn tin: Báo Lao Động

Trên 3 ha (với hơn 90 ngàn cây) cà chua đang trĩu quả bổng dưng “lâm bệnh” rồi chết bất thường. Theo chủ vườn, nguyên nhân chết không phải do bệnh dịch hại cây trồng mà do ai đó đã hạ độc bằng thuốc kịch độc…

Vụ việc xảy ra tại khu vực thôn Kambutte, xã Tu Tra (h. Đơn Dương, Lâm Đồng), làm trên 3 ha cà chua (giống ghép Rita) của hai nông hộ Nguyễn Minh Hòa (SN 1991) và Thân Thái Bình (SN 1972); cả hai đều ngụ tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), trong thời kỳ chuẩn bị cho thu hoạch quả bị chết bất thường, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Theo ghi nhận hiện trường ngày 12/6, toàn bộ diện tích hơn 3 ha cà chua đang trĩu quả của hai nông hộ Hòa, Bình nằm tách biệt với khu dân cư tại thôn Kambutte (xã Tu Tra) đang trong tình trạng đứng cây, xoăn đọt, lá héo rũ… Trong số này, với hơn 1/3 diện tích đã bị chết mòn với các biểu hiện cây vàng, cháy lá, thân cây héo rủ, rụng trái…

Anh Nguyễn Minh Hòa, cho biết: Cách đây khoảng 10 ngày, sau khi tiến hành tưới nước (bằng hệ thống tưới phun tự động) thì phát hiện toàn bộ diện tích hơn 3 ha cà chua của gia đình đang trong thời kỳ chờ thu hoạch bất ngờ “đổ bệnh” với những triệu chứng như bị phun thuốc diệt cỏ (ngọn xoăn lại, sau vài ngày thì vàng lá, rụng quả và cây bắt đầu héo rủ).

Một số hình ảnh hiện trường cà chua bị chết bất thường nghi do hạ độc bằng thuốc cỏ

Cũng theo anh Hòa, số diện tích này nay coi như mất trắng. Nếu chỉ tính tiền đầu tư thì thiệt hại khoảng 540 triệu đồng, nhưng tính về sản lượng thì tổng thiệt hại lên đến hơn 720 triệu đồng.

Trong khi đó, anh Thân Thái Bình, trình bày: Năm 2016, đã cùng với anh Hòa thuê lại diện tích trên của ông Sơn (ngụ tại xã Định An, Đức Trọng) với giá 540 triệu đồng/3 năm để đầu tư sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đất này là do ông Sơn thuê lại của chủ đất là bà N.T.H (ngụ tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương). Cũng theo anh Bình, mặc dù đến ngày 15/6/2019 này mới hết hạn hợp đồng, nhưng từ trước đó nhiều tháng bà H đã liên tục yêu cầu trả đất và nói muốn trồng cây gì cũng được nhưng không được trồng cà chua.

Anh Bình cũng khẳng định ai đó đã rất tàn độc khi hạ độc bằng cách đổ thuốc diệt cỏ xuống hồ nước, khi tưới thì toàn bộ diện tích hơn 3 ha cà chua nói trên đều bị ngộ độc…, và bổng chốc anh và anh Hòa đều trở thành tay trắng.

Liên quan vụ việc, anh Hòa cho biết đã có đơn trình báo với cơ quan chức năng của huyện Đơn Dương. Và chiều ngày 12/6, cơ quan công an huyện Đơn Dương cũng đã vào cuộc xác minh làm rõ.

THỤY TRANG

Đắk Lắk: Nông dân Cư Đrăm chủ động thay thế diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trong những năm qua, hồ tiêu là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2017, trên địa bàn xã Cư Đrăm và một số địa phương lân cận xảy ra dịch bệnh, khiến 102/120 ha hồ tiêu trên địa bàn bị nhiễm bệnh, trong đó hơn 80 ha hồ tiêu bị chết hoàn toàn. Trước tình hình đó, bà con nông dân xã Cư Đrăm đã chủ động phá bỏ, chuyển đổi những diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh nặng sang trồng một số loại cây khác.

Cây trồng được bà con chuyển đổi, thay thế nhiều nhất là cà phê, dứa, sầu riêng, vải. Gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1) có gần 2 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt vào năm 2017. Thấy các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, dứa cho thu nhập cao, gia đình ông Hoành quyết định phá bỏ hết tiêu để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, 2 ha vườn của ông đã được trồng dứa, trồng xen 300 cây sầu riêng, 150 cây vải, 40 cây nhãn, 40 cây na, 200 cây cau, 30 cây bơ, 20 cây táo… Gia đình con trai và con gái của ông cũng đã phá diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh để trồng dứa và trồng xen hơn 300 cây ăn quả các loại.

Ông Hoành chia sẻ: “Gia đình có hơn 10 cây sầu riêng đã cho thu hoạch được vài năm. Thấy sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác mang lại thu nhập khá cao nên gia đình quyết định không trồng lại hồ tiêu mà trồng cây ăn quả”. Gia đình ông Trần Hữu Thơ (thôn 2) trước đây nổi tiếng với vườn hồ tiêu 1.600 trụ đẹp, năng suất (vào thời điểm giá cao, mỗi năm vườn tiêu mang lại cho gia đình khoản lãi gần 1 tỷ đồng). Năm 2012, ông Thơ tiếp tục đầu tư trồng mới 1.600 trụ hồ tiêu. Đến năm 2017, vườn tiêu của gia đình ông bị bệnh, chết gần hết. Xót xa nhưng ông Thơ chỉ giữ lại 600 trụ tiêu không bị bệnh, còn lại phá bỏ để trồng cà phê và trồng xen nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, vải, nhãn…

Gia đình ông Đỗ Văn Hoành (thôn 1, xã Cư Đrăm) đã chuyển đổi vườn tiêu sang trồng cây ăn quả.

Đến nay, hơn 100 ha hồ tiêu bị chết đã được bà con nông dân xã Cư Đrăm chuyển đổi trồng các loại cây khác và bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan. Hơn 30 ha dứa đã cho thu hoạch. Giá cả và đầu ra tương đối ổn định, lợi nhuận đạt khoảng 110 triệu đồng/ha; 52 ha cà phê được bà con lựa chọn chủ yếu là giống cà phê lai lùn TS5, cà phê vối TR9, cà phê vối TR12... ít sâu bệnh, phát triển rất tốt. Các loại cây ăn trái như sầu riêng, vải, nhãn… được bà con chọn mua giống ở các vườn ươm uy tín, đảm bảo chất lượng, chăm sóc khoa học nên cây phát triển rất tốt.

Ngoài ra, hơn 900 ha diện tích đất trồng sắn, trồng ngô lai kém hiệu quả và đất đồi dốc cũng được người dân chuyển đổi và trồng mới cà phê, dứa và cây ăn quả. Tính từ năm 2016 đến nay, xã Cư Đrăm đã chuyển đổi, trồng mới 822 ha cà phê, hơn 80 ha dứa, 20 ha cây ăn quả và theo kế hoạch, trong vụ đông xuân 2019, bà con dự định sẽ tiếp tục chuyển đổi và trồng mới thêm 60 ha cà phê, 55 ha dứa từ đất trồng sắn, ngô lai và đất đồi dốc.

Tùng Lâm

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop