Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 02 năm 2016

Nấm rơm an toàn - sản phẩm triển vọng cho chuỗi ngành hàng lúa gạo

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Lâu nay, nấm rơm được xem là một trong những sản phẩm thế mạnh của nông nghiệp Đồng Tháp, song với phương thức sản xuất truyền thống, sản phẩm thế mạnh này chỉ dừng lại trong khuôn khổ thị trường nội địa. Xuất phát từ những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, Doanh nghiệp Cỏ May Essential đã nghiên cứu và cho ra đời loại nấm rơm hữu cơ, một sản phẩm được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho cây lúa.

Phân loại nấm trước khi đóng gói

Đến thăm Doanh nghiệp Cỏ May Essential (Khu C, Khu công nghiệp Sa Đéc), chúng tôi thật sự ngạc nhiên với đội ngũ làm nông nghiệp tại đây. Khác hẳn hình ảnh quen thuộc về người nông dân “chân lắm tay bùn”, đội ngũ làm nông nghiệp tại đây khoác lên mình những chiếc áo blue trắng tinh. Họ là nông dân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và công việc đồng áng tại đây được thực hiện trong nhà.

Nấm rơm tại Cỏ May Essential được sản xuất trong một quy trình khép kín, toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây nấm được kiểm soát tốt trong hệ thống nhà kín hiện đại. Tại đây, nấm rơm sinh ra và lớn lên trong một môi trường cơ chất tốt, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào. Trong quá trình sinh trưởng, cây nấm hoàn toàn không bị ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi từ thời tiết, côn trùng, dịch hại. Đây là một trong những điểm nổi bật so với phương thức sản xuất truyền thống.

Hơn hết để cây nấm hoàn toàn đạt chuẩn an toàn - hữu cơ, việc đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào được xem là yếu tố tiên quyết để nấm rơm hữu cơ ra đời. Hiện doanh nghiệp đang thực hiện hợp tác với các địa phương có xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP, hữu cơ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thu mua rơm. Công ty cũng đang tìm kiếm những khu vực, hợp tác xã có vùng sản xuất lúa hữu cơ được chứng nhận để thực hiện hợp tác lâu dài.

Anh Phạm Minh Thiện - Giám đốc điều hành Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May và cũng là cha đẻ của Cỏ May Essential chia sẻ: “Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Đồng Tháp đang sở hữu một nguồn tài nguyên rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn tài nguyên đó như thế nào nhằm mang lại giá trị cao nhất là vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu cứ sản xuất theo kiểu cũ thì đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sẽ lạc hậu và mãi đi sau thế giới. Với cây lúa, tiềm năng không chỉ dừng lại ở sản phẩm gạo thô xuất khẩu, với Cỏ May Essential, câu chuyện về cây lúa là một chuỗi dài. Chỉ cần đưa tri thức, khoa học hiện đại vào khai thác thì giá trị từ cây lúa sẽ được đẩy mạnh phát triển, đi vào chiều sâu. Từ những dự án mà Cỏ May Essential đang thực hiện thì nấm rơm hữu cơ là một trong những sản phẩm đơn vị hướng tới đầu tư”.

Hiện tại, sản phẩm nấm rơm của Cỏ May Essential đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp tại TP.Hồ Chí Minh, với mức giá chào bán cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại được sản xuất theo phương thức truyền thống, nhưng nấm rơm của Cỏ May Essential vẫn nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ người tiêu dùng. Dự kiến, sau khi hoàn thiện một số thủ tục, nấm rơm của Cỏ May Essential sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào cuối năm nay. Để sản phẩm nấm rơm đến được tay người tiêu dùng Nhật Bản, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu khắt khe từ đối tác, thì việc đầu tư công nghệ bảo quản cũng được công ty tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây là một trong những bước đột phá để sản phẩm thế mạnh của Đồng Tháp vươn xa hơn ở thị trường thế giới.

Anh Thiện phấn khởi tâm sự, từ thành phần dinh dưỡng cao, nấm rơm sẽ không ngại bị mất thị phần ở các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu, công ty sẽ thực hiện liên kết sản xuất với nông dân. Đồng thời, sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra, với giá cả ổn định, đảm bảo cho nông dân có lãi. Ngoài ra, với nguồn cơ chất sau khi trồng nấm, doanh nghiệp cũng có kế hoạch nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ phục vụ lại cho sản xuất trồng trọt. Đây cũng là cách chúng tôi tận dụng tối đa hết các giá trị mà cây lúa mang lại.

Mỹ Lý

Trồng mây giảm “xung đột” với rừng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Được sự hỗ trợ tích cực từ các dự án cùng chính quyền địa phương, các nhóm hộ cộng đồng ở Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã phát triển cây mây nước dưới tán rừng, mở ra triển vọng về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường rừng…

Đưa cây mây giống vào sản xuất ở Nam Đông

Trồng mây gây rừng

Trồng mây dưới tán rừng ở Nam Đông được các nhóm hộ cộng đồng triển khai từ năm 2014 - 2015, thông qua dự án Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông (BCC) với diện tích gần 150 ha.

Ông Nguyễn Xuân Mân (thôn 6, xã Thượng Quảng), Nhóm trưởng Nhóm 1 trồng rừng cộng đồng cho biết: “Cây mây tự nhiên trước đây ở vùng Nam Đông rất nhiều, lâu ngày bà con khai thác nên cạn kiệt dần. Giờ muốn kiếm mây bán phải đi sâu vào trong rừng Bạch Mã mới có. Từ năm 2014 đến nay, địa phương đưa cây mây nước về trồng dưới tán rừng tự nhiên, người dân được hỗ trợ giống, phân bón nên rất phấn khởi”.

Nhóm hộ trồng rừng cộng đồng ở Thượng Quảng có từ 5 - 8 người, được tập huấn kỹ thuật và phân công chăm sóc cho số diện tích cây mây nhóm mình được giao khoán. Trong đó, dự án BCC hỗ trợ 100% giống, phân bón, công chăm sóc, nhân công phát, xử lý thực bì bằng cách sau khi nghiệm thu số diện tích để chấm công, hỗ trợ cho người dân.

Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng thông tin, năm 2014 - 2015, địa phương được sự hỗ trợ của dự án BCC trồng 100 ha mây nước; trong năm 2016, dự kiến sẽ trồng thêm 60 ha nữa. Ngoài diện tích trồng theo dự án BCC, từ đầu năm 2013, địa phương cũng được hỗ trợ từ các đơn vị đã trồng hơn 30 ha mây nước. Hiện nay, một số diện tích đã cho khai thác, cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao từ loài cây nguyên liệu này. Điều quan trọng là cây mây tạo nguồn sinh kế mới, giúp người dân phát triển kinh tế, giảm xung đột với rừng, tránh tình trạng phá, xâm lấn rừng tự nhiên.

Ngoài ra, từ năm 2013, hai địa phương Hương Sơn, Hương Lộc, được sự hỗ trợ từ Chi cục Lâm nghiệp (cũ) đã trồng 30.000 cây mây nước nguyên liệu. Số diện tích này sắp cho khai thác khi cây mây đã đạt chiều dài từ 2 - 3m. Kết hợp với các hộ chuyên khai thác mây tự nhiên ở Nam Đông, loài mây nguyên liệu được các hộ cá nhân trồng được bán cho các chủ cơ sở cho xe vào tận đường 74, trạm La Ma để thu mua.

Phát triển bền vững

Hộ ông Hồ Xuân Sơn (thôn 3, xã Thượng Long) phấn khởi: “Nhóm hộ của mình gồm 5 thành viên trồng 15 ha mây, đến nay có một số diện tích đạt hơn 3 năm, bắt đầu cho khai thác. Tuy diện tích còn nhỏ, giá trị kinh tế mang lại chưa lớn, nhưng đây là loại cây nguyên liệu rất được ưa chuộng, đầu ra thuận lợi nên bà con trồng mây không sợ thua lỗ, khó bán. So với trước đây, phải vào rừng sâu chặt mây rất vất vả và nguy hiểm thì bà con giờ “sướng” hơn nhiều”. Tại xã Hương Sơn, năm 2014 - 2015, BCC đã hỗ trợ 5 vạn cây mây cho 5 cộng đồng; năm 2016 hỗ trợ 18 nghìn cây cho 2 nhóm cộng đồng trồng. Số diện tích này đang được chăm sóc, phát triển khá tốt.

Ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Đông cho biết: “Những năm qua, địa phương được sự hỗ trợ tích cực từ các dự án, đơn vị để phát triển rừng bền vững, mang lại sinh kế lâu dài cho người dân như BCC, Hành lang xanh, Trung tâm Phát triển môi trường (ĐH Nông lâm), Chi cục Lâm nghiệp (cũ). Trong đó, đặc biệt có sự phát triển loài cây mây nước nguyên liệu khoảng 250 ha toàn huyện đã mang lại triển vọng kinh tế, ổn định sinh kế lâu dài sau khi loài cây này đưa vào khai thác.

Anh Trần Đình Băng Sơn, cán bộ theo dõi dự án BCC tại Nam Đông đánh giá: Theo khảo sát của các chuyên gia, hiện nay cây mây tự nhiên ở Nam Đông người dân khai thác đã cạn kiệt. Vì thế, đưa cây mây nguyên liệu vào trồng không chỉ giải quyết việc làm, tạo sinh kế lâu dài, bền vững thông qua việc dự án sẽ tiến hành bao tiêu sản phẩm mây cho người dân, mà còn giảm xung đột, áp lực với rừng; người dân không còn phụ thuộc sâu vào rừng”.

“Huyện Nam Đông đã xây dựng đề án làm giàu và phát triển rừng, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng những năm sau nữa. Theo đó, huyện sẽ làm giàu rừng với diện tích khoảng 1.200 ha với phương thức trồng bổ sung cây bản địa có giá trị kinh tế cao; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên với diện tích khoảng 4.000 ha; trồng mây các loại với diện tích khoảng 1.200 ha, mật độ khoảng 300 - 400 cây/ha; xây dựng một số mô hình cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng. Nguồn kinh phí thực hiện đề án khoảng 12,5 tỷ đồng”.

HÀ NGUYÊN

Bình Thuận: Trồng trôm trên đất cằn

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Đến thăm vườn trôm đang vào kỳ thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Tiến Tuất trên vùng đất vốn khô cằn ở Suối Bang, xã Thắng Hải - Hàm Tân - Bình Thuận, mới thấy rõ thành quả ý chí và sự năng động của nông dân thời đại nông thôn mới.

Vùng Suối Bang quanh năm nắng gắt, khô cằn đến nỗi nhiều năm phải bỏ hoang hóa. Thế mà, nông dân Nguyễn Tiến Tuất đã biến mảnh đất 1 ha này thành vườn cây xanh, mang về thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng mỗi năm.

Đất cằn, nhưng trôm lại sống tốt. Nhìn khu vườn với 1.600 gốc trôm đang mạnh mẽ vươn mình tỏa tán, anh Tiết không dám tin quyết định mạnh dạn ngày nào của mình giờ mang lại hiệu quả kinh tế cao bất ngờ. Những dòng mủ trôm trắng tươm mỗi ngày mang về cho gia đình anh vài trăm ngàn đồng. Mủ trôm là bài thuốc dân gian, ngoài tác dụng giải nhiệt, mủ trôm còn giúp chữa bệnh tiêu hóa và ổn định về đường huyết, thế nên nhiều người mua về dùng.

Qua 2 năm chăm sóc, cây đến độ tuổi khai thác, anh Tiết dùng máy khoan 6 lỗ tròn nhỏ ở phần da cây, từ những vết này, mủ trôm như giọt nước thuần khiết tiết ra ngoài quánh đặc dần, 10 ngày sau, nhà vườn bắt đầu thu gom mủ. Sau khi thu mủ trôm về, chị Nguyễn Thị Tường Vy - vợ anh Tiết lại chăm chút gọt đẽo và tẩy sạch bụi bám cho từng viên mủ trôm. Mủ trôm được giá bình quân 150.000 đồng/kg nên gia đình anh Tiết có nguồn thu nhập ổn định..

Thông thường, chu kỳ thu hoạch mủ trôm khoảng 20 ngày. Và cứ 15 ngày, anh Tiết xoay vòng khoan lỗ. Canh tác đơn giản, trồng trôm còn có mức đầu tư thấp, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không tưới nước nên nhiều nhà vườn nơi đây bắt đầu học theo gia đình anh Tiết thực hiện mô hình trồng trôm.

Hàm Tân

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa tại An Giang

Nguồn tin: Báo An Giang

Trên cơ sở hiện trạng sản xuất lúa của tỉnh An Giang, các nhà khoa học, nông dân địa phương đã tham gia thảo luận tại hội thảo khoa học “Định hướng nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020”. Qua đó, xác định nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học- công nghệ cấp thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn theo hướng ứng dụng CNC. Từ đó, có thể đảm bảo mục tiêu của quy hoạch vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC đến năm 2020.

Định hướng phát triển

Phát triển và ứng dụng rộng rãi, hiệu quả các công nghệ tiên tiến, CNC trong sản xuất lúa, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 10% diện tích đất canh tác nông nghiệp của tỉnh được sản xuất theo hướng ứng dụng CNC và tăng giá trị thu nhập trên 1 héc-ta diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong một năm đạt ít nhất từ 30% trở lên. Cụ thể, tăng năng suất từ 0,3 – 0,4 tấn/héc-ta so với không ứng dụng CNC; giảm giá thành sản xuất từ 15 - 20% so với khi không tham gia mô hình; nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu; mỗi huyện hình thành ít nhất từ 1 - 3 vùng sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng CNC so với quy mô tập trung: 80-100 héc-ta/vùng, liên kết 4 nhà góp phần giải quyết hạ giá thành sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định.

Việc sản xuất lúa giống của nông dân cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa

Đối với sản xuất lúa giống, tập trung nâng chất các cơ sở sản xuất lúa giống tại mỗi huyện, thị (ít nhất 1 cơ sở/huyện): Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác sản xuất lúa giống; lúa giống được đóng bao bì, có nhãn mác. Chưa kể việc gắn kết các cơ sở sản xuất lúa giống vào vùng nguyên liệu “Cánh đồng mẫu lớn” để cung ứng lúa giống. Ngoài ra, tập trung nhân các giống lúa trong cơ cấu giống chủ lực của tỉnh, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các doanh nghiệp về chủng loại giống. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tăng lên 600 héc-ta diện tích sản xuất lúa theo hướng Global GAP ở các huyện: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú. Tiếp tục xây dựng thương hiệu lúa thơm, nếp đặc sản. Tại “Cánh đồng mẫu lớn”, nông dân chỉ nên trồng từ 1 - 2 loại giống đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tùy theo nhu cầu doanh nghiệp và nâng diện tích lên 71.793 héc-ta ở các huyện, thị, thành…

Để phát triển bền vững

Nền nông nghiệp CNC bắt buộc phải giảm chi phí sản xuất từ giảm lượng phân bón cho đến giảm nhân công lao động thủ công. Theo Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang, việc nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng được khuyến cáo do nhiều nguyên nhân: Tập quán canh tác, thâm canh lúa 3 vụ, biến đổi khí hậu nên dịch hại dễ phát triển… Chính vì thế, để giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần khuyến khích họ áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser… Điển hình, san laser làm cho năng suất lúa trung bình tăng 0,6 tấn/héc-ta/vụ, tiết kiệm nước; giảm lượng giống gieo sạ và nhân công; nhờ mặt đất bằng phẳng nên lượng phân bón trải đều, giảm được lượng bón; hạn chế sâu bệnh, kể cả ốc bươu vàng…

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long), để tăng năng suất và chất lượng cho cây lúa thì việc có giống lúa chất lượng cao, san bằng mặt ruộng bằng tia laser là đặc biệt cần thiết. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất là yêu cầu bức thiết ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như An Giang. “Trình độ thâm canh của nông dân An Giang đang được mọi người ngưỡng mộ nhưng chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ bé của mình và đang bị chia cắt bởi thị trường. Các nông hộ nhỏ ngán ngại tham gia vào các tổ chức làm ăn quy mô lớn… vì vậy, chúng ta cần nên tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác hóa mới có thể phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, có quy mô sản xuất lớn, bao gồm cả khâu tồn trữ, chế biến, lưu thông, mở thêm ngành nghề mới trong nông thôn”- bà Lang phân tích.

“Để có được nền nông nghiệp xanh, sạch, vững chắc cần lập ra lộ trình giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Chỉ cần cho nông dân thấy được lộ trình cần phải đi, khả năng giữa các nhà, làm tăng thu nhập cho họ thì sẽ phát triển được”- ông Từ Bá Đạt, nông dân sản xuất lúa ở huyện Châu Phú chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN

Đồng Tháp: Bình quân năng suất lúa vụ đông xuân đạt 65 tạ/ha

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Tính đến ngày 25/1/2016, toàn tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 được 209.100ha (đạt 103,5% kế hoạch), trong đó lúa ở giai đoạn mạ là 7.797ha, đẻ nhánh 10.565ha, làm đòng 17.271ha, trổ chín 111.445ha, thu hoạch 62.022ha.

Diện tích lúa đã cho thu hoạch chủ yếu tập trung tại các huyện đã xuống giống sớm như: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông, Tân Hồng. Năng suất bình quân trên diện tích lúa đã thu hoạch ước đạt 65 tạ/ha. Trên diện tích lúa chưa thu hoạch đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ có một số diện tích bị nhiễm một số bệnh như: rầy nâu 1.163ha (trong đó có 36ha nhiễm nặng); bệnh đạo ôn lá gây hại trên diện tích 2.925ha; bệnh cháy bìa lá gây hại 1.181ha; bệnh lem lép hạt gây hại 2.513ha. Ở các những vùng đã thu hoạch xong vụ đông xuân, nông dân trong tỉnh tranh thủ làm vệ sinh để chuẩn bị xuống giống vụ hè thu năm 2016.

HỒNG NGỰ

Miền Tây hạn, mặn nghiêm trọng nhất 100 năm

Nguồn tin: VnExpress

Hạn hán và xâm nhập mặn được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua, gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Tây.

Hàng chục nghìn ha lúa ở miền Tây chết do nước mặn xâm nhập. Ảnh: Cửu Long

"Dù chúng ta có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra và sẽ nghiêm trọng hơn, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó thiên tai", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, sáng 17/2.

Theo Bộ trưởng Phát, trước mắt phải bảo vệ vụ lúa đông xuân 1,55 triệu ha trên đồng, sau đó tính chuyện an toàn cho vụ hè thu cũng như đời sống sản xuất của người dân. Đồng thời, địa phương phải có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn.

Nạo vét kênh mương nội đồng để giữ ngọt ở vùng bán đảo Cà Mau. Ảnh: Cửu Long

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp cho thấy, năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20 - 50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Me Kong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.

Mùa khô năm nay do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40 - 93km, tăng 10 - 15km so với các năm trước.

Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.

Tỉnh Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu bị nước mặn tấn công. Tỉnh Kiên Giang công bố tình trạng thiên tai hơn 40.000 ha lúa bị chết, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Nhiều khả năng, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt từ 2 tháng trở lên.

Hệ thống cống đập ở các địa phương ven biển tại miền Tây được đóng kín để trữ nước ngọt. Ảnh: Cửu Long

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn.

"Trước mắt nên làm đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản suất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười... Về lâu dài, Chính phủ nên làm việc với các nước xung quanh để phối hợp giải quyết, thống nhất các biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, chống hạn, mặn", ông Nguyễn Phong Quang - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - nói.

Cửu Long

Xả nước đợt 3 phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Theo thống nhất giữa Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bắt đầu từ 0 giờ ngày 16/2 đến 24 giờ ngày 23/2/2016 (8 ngày) các hồ thủy điện tiến hành xả nước đợt 3 phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2015 – 2016.

Trước đó, kế hoạch lấy nước khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày. Tuy nhiên, do sự phối hợp chỉ đạo điều hành tốt, chủ động của các địa phương và điều kiện nguồn nước thuận lợi, thời gian đợt 1 đã rút ngắn 1,5 ngày và dừng thực hiện đợt 2. Diện tích có nước trung bình của các địa phương dự kiến đạt hơn 88% tổng diện tích gieo cấy theo kế hoạch.

Để bảo đảm nước phục vụ sản xuất và tận dụng tối đa nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản yêu cầu giám đốc sở NN&PTNT các tỉnh, TP chỉ đạo, phối hợp với các Công ty khai thác công trình thủy lợi liên tỉnh và các đơn vị có liên quan vận hành toàn bộ các phương tiện lấy nước, bảo đảm tận dụng tốt nguồn nước của đợt 3 để làm đất, phục vụ gieo cấy cho toàn bộ diện tích theo kế hoạch.Tích trữ nước trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng lúa; Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân phối hợp với các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị liên quan tranh thủ lấy nước và quản lý nước chặt chẽ, hiệu quả; Tiếp tục cập nhật diện tích có nước trước 15giờ hàng ngày lên website: www.httl.com.vn, mục “Tin cấp nước Đông Xuân 2016”. Phản ảnh các khó khăn, đề xuất, kiến nghị về Tổng cục Thủy lợi (qua Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập) theo số máy điện thoại 0437.335.711, 0437.335.712; số Fax 0437.335.703; Email: tuoitieu@mard.gov.vn.

Minh Phương

Hiệu quả mô hình trồng chuối công nghệ cao chục tỷ

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

Thông tin về vườn chuối được trồng theo công nghệ cao lớn nhất Miền Tây ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, chuẩn bị thu hoạch và xuất đi nước ngoài khiến cho người dân vùng này “thấy ham”. Quyết định táo bạo làm ăn đang mở ra một hướng mới cho người nông dân vùng nông thôn thời hội nhập.

Trái chuối quả to tròn rất đều.

Táo bạo.

Thời gian qua, cây chuối được người dân nông trường Sông Hậu trồng khá nhiều nhưng không tập trung và không được đầu tư nhiều. Từ khi một số nông dân của HTX Lâm Phát Hưng, xã Thới Hưng, thuộc Nông trường Sông Hậu mạnh dạn đầu tư trồng 10 ha chuối áp dụng công nghệ cao xuất khẩu ra nước ngoài, đạt được hiệu quả cao. Chỉ một năm sau, được Nông trường Sông Hậu khuyến khích và đầu tư, các thành viên trong HTX Lâm Phát Hưng mạnh dạn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, cải tạo 90 ha đất hoang của nông trường để trồng chuối theo mô hình cấy mô. Đây là vườn chuối công nghệ cao đầu tiên và lớn nhất ở miền Tây.

Vẫn là giống chuối già truyền thống của người dân, các nông dân của HTX này đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng trồng theo biện pháp cấy mô lai giống theo công nghệ cao của Hàn Quốc và Philipines. Ông Lâm Văn Hộ, 58 tuổi, Chủ nhiệm HTX Lâm Phát Hưng tâm sự: Lúc đầu thực hiện trồng chuối theo công nghệ này anh em cũng phân vân không biết hiệu quả thế nào nhưng đầu tư cũng cao quá, khác hẳn với cách trồng thông thường. Tuy nhiên cây chuối là loại dễ trồng mà ít bị thiên tai nên anh em trong HTX cũng quyết tâm. Điều mà chúng tôi yên tâm nhất là đầu ra ổn định và giá cả cũng cao…

Nói sâu hơn về kỹ thuật trồng chuối, Kỹ sư Nguyễn Khoa Nam, cho biết: Từ khi trồng đến khi lớn có các chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc và Philipiness xuống tận nơi hướng dẫn cho người dân về kỹ thuật trồng. Cho đến khi ra bắp, kỹ sư sẽ tiến hành chích bắp chuối để sau này quả chuối được mịn màng. Khi hình thành trái chuối sẽ bẻ núm cho đầu quả chuối phát triển tròn đều. Khoảng thời gian 45 ngày thì buồng chuối bắt đầu phát triển to, lúc này mỗi nãi chuối chừng 5-6kg. Các kỹ sư nước ngoài còn hướng dẫn người dân rất cặn kẽ, từ khâu trồng cho đến thu hoạch và đóng gói vận chuyển xuất khẩu được chỉ bảo nghiêm ngặt…

180 ngàn cây chuối buồng nào cũng cho trái đều

Hướng đi đúng.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến đợt thu hoạch vụ đầu tiên của vườn chuối công nghệ cao 90 ha. Có khoảng 180 ngàn cây, bình quân mỗi cây có buồng nặng từ 20 đến 30kg, dự kiến vườn chuối sẽ cho thu hoạch trên dưới 3.500 tấn để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với giá được bao tiêu sẵn 7.000 đồng/kg, cao gần 5 lần so với giá bình thường. Theo tính toán của các thành viên HTX, trong thời gian thu hoạch chuối thì cây chuối mẹ sẽ cho ra các cây con, sau 3 vụ thu hoạch trái lúc đó sẽ đốn bỏ và trồng cây con lại. Hiện có nhiều đối tác trực tiếp đến khảo sát khu vườn cũng như kỹ thuật trồng rồi đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm nhưng trước mắt, các thành viên HTX tập trung trồng trên diện tích hiện có. Tuy nhiên các thành viên trong HTX Lâm Phát Hưng được sự ủng hộ và bảo trợ của Nông Trường Sông Hậu và UBND TP. Cần Thơ nên dự kiến sắp tới sẽ tính toán mở rộng thêm. Ngoài việc tạo thương hiệu trái chuối Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản cho Cần Thơ nói riêng, và khu vực ĐBSCL nói chung. Vườn chuối công nghệ cao của HTX Lâm Phát Hưng còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết: Vườn chuối của HTX Lâm Phát Hưng được xác định là mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu là điểm nhấn của hoạt động của nông trường vì vậy thời gian qua các cấp, các ngành, UBND thành phố rất quan tâm. Đến thời điểm này chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch chuối, có thể khẳng định mô hình trồng chuối công nghệ cao đạt hiệu quả rất cao. Sắp tới sẽ cho tiến hành nhân rộng ra cho các nông trường thành viên, sẵn sàng hợp tác với các đối tác đến làm ăn với chúng tôi…

Vùng đất Miền Tây rất hợp với trồng chuối, nhưng thời gian qua người dân chỉ trồng với diện tích rất ít và không đầu tư nhiều cho loại trái cây nhiều dưỡng chất này. Tuy nhiên với cách làm mạnh dạn của Nông trường Sông Hậu nói chung và quyết tâm của những thành viên HTX Lâm Phát Hưng đang mở ra một hướng đi mới cho người nông dân trước ngưỡng cửa hội nhập…

Quốc Trung

Tìm hướng đi mới cho trái sơri Gò Công (Tiền Giang)

Nguồn tin: Tiền Giang

Hợp tác xã (HTX) Sơri Bình Ân - Gò Công Đông - Tiền Giang được thành lập từ cuối năm 2008 đến nay, với mục tiêu chính là làm cầu nối giữa các nhà vườn và doanh nghiệp thu mua, hỗ trợ kỹ thuật canh tác trái sơri chất lượng cao đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bước đầu thành lập gồm 28 xã viên, với tổng diện tích 5,8 ha, đến cuối năm 2013, HTX đã phát triển được 77 thành viên với 14,5 ha, có 5.196 cây sơri, trong đó trồng 3 giống cây sơri chua, sơri Brazil và sơri ngọt.

Để mở rộng thị trường, tìm thêm hướng đi mới, bên cạnh việc tiêu thụ trái sơri tươi, HTX chủ động phát triển thêm sản phẩm mứt sơri, sirô sơri, sơri khô ngâm rượu và rượu sơri. Qua hơn 2 năm bán thử nghiệm, sản phẩm mứt sơri dần dần đã được người tiêu dùng ưa chuộng, từ đó HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng, xây thêm nhà chế biến mứt sơri để kịp thời đáp ứng cho thị trường.

Trong năm 2014, HTX đã hoàn thiện hồ sơ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, xét nghiệm tiêu chuẩn cho sản phẩm mứt sơri, làm hồ sơ công bố sản phẩm. Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND cấp huyện, xã, đến tháng 02/2015 HTX chuyển đổi thành công cơ cấu theo Luật HTX (năm 2012), giấy đăng ký kinh doanh mới với ngành nghề là thu mua và sản xuất mứt sơri.

Từ sự thuận lợi đó, HTX đã có đầy đủ tư cách pháp nhân để ký kết các hợp đồng kinh tế và trong tháng 11/2015, HTX đã ký kết cung ứng bán sản phẩm mứt sơri vào hệ thống siêu thị Coop-Mart với đơn hàng đầu tiên là 2.016 hộp, tiếp đến đơn hàng tháng 12 là 2.500 hộp.

Theo kế hoạch thỏa thuận giữa 02 bên, HTX cung ứng mứt tết cho siêu thị với 2.500 kg mứt (tương đương 15.000 hộp mứt), HTX đã đẩy mạnh sản xuất với năng suất bình quân mỗi ngày trên 100 kg mứt. Ngoài ra, HTX mở rộng kênh bán lẻ trực tuyến kèm theo quảng bá sản phẩm, hiện nay sản phẩm mứt sơri đã được nhiều công ty liên hệ đặt hàng phân phối tại thị trường Hà Nội.

Tuy nhiên, HTX cũng đối mặt với nhiều thách thức như: Nguồn nguyên liệu trái sơri đầu vào không ổn định; mặt bằng sản xuất không phù hợp với quy mô và tốc độ sản xuất hiện tại; nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển lớn, trong khi HTX chưa tiếp cận được các khoản vay vốn hỗ trợ đầu tư phát triển HTX. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ quản lý HTX còn yếu kém, chưa có kinh nghiệm trong cơ chế quản lý mới.

Để HTX tiếp tục phát triển, thiết nghĩ các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực quản lý HTX; tổ chức vận động, tuyên truyền phổ biến Luật HTX và hỗ trợ pháp lý khi HTX ký kết các hợp đồng kinh tế; có chính sách ưu đãi hỗ trợ HTX được vay tín chấp khi cần vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Thu Hồng

Hàm Yên: Xây làng “tỷ phú”

Nguồn tin: Báo Công Thương

Nói làng “tỷ phú” có lẽ nhiều người cho rằng là hơi quá, nhưng thực sự màu xanh ấy với những mùa cam trĩu quả đã đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho rất nhiều bà con nông dân huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Tỷ phú nhờ cây cam

Chúng tôi đến huyện Hàm Yên, đúng vào mùa cam đang rộ, màu xanh mướt của cam chanh, xanh đậm của cam sành tràn ngập núi, đồi. Màu của ấm no, sung túc đang bừng trên vùng đất bán sơn địa bao năm nghèo khó.

Được mệnh danh là tỷ phú vùng cam, anh Trình Ngọc Huynh (xã Anh Lâm) - chia sẻ: Quê anh vốn ở Thái Bình, từ năm 1986 trong một lần lên Tuyên Quang, thấy đất rộng, người thưa gia đình anh đã ở lại lập nghiệp. Chỉ với 50 cành cam sành đầu tiên, đến nay, gia đình anh đã có 60 ha diện tích vườn, rừng, trong đó hơn một nửa là cam, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2015, dự kiến thu khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều khiến anh tự hào không phải là thu nhập tốt, nhà rộng, ôtô sang mà là 4 người con của anh 3 người được học đại học, 1 người học cao đẳng. “Nếu không có cây cam, tôi không thể có điều kiện chăm lo cho các con học hành”, anh Huynh nói.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, người vùng xuôi giỏi làm kinh tế, gặp vùng đất màu mỡ này thì chuyện làm giàu cũng không quá khó, kết thúc buổi chuyện trò với anh Huynh, chúng tôi lại rong ruổi về xã Phù Lưu - vùng lõi của cây cam sành huyện Hàm Yên để mục sở thị tại những gia đình bà con dân tộc.

Đến đây, chúng tôi thực sự bất ngờ, người dân Phù Lưu rất giàu. Những chiếc nhà sàn to, đẹp giá trị hàng tỷ đồng nằm dọc theo con đường vào xã. Như lời ví von của vị Phó Chủ tịch huyện Hàm Yên, Phù Lưu là “xã tỷ phú”, khi số lượng gia đình có thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm chiếm đến hơn 2/3 số hộ trong xã. Đặc biệt, số xe hơi người dân sở hữu rất nhiều. Theo Chủ tịch xã Mai Hoa Tàm, cứ sau mỗi vụ cam, số ôtô lại tăng thêm hàng chục chiếc.

Bằng tiếng phổ thông chưa sõi, anh Hà Văn Minh - một thanh niên còn rất trẻ người dân tộc Tày, thôn Pắc Cáp - cho hay: Kinh tế của gia đình anh cũng như của bà con trong thôn phụ thuộc chủ yếu vào cây cam. Gia đình anh hiện có 10 ha với khoảng 3.000 gốc cam, trong đó hơn 2.000 gốc đã cho thu hoạch. “Nhà có rồi, xe có rồi, con còn nhỏ, giờ chúng tôi cố gắng làm để dành thôi”, anh Minh thật thà bộc bạch.

Học cách làm giàu chuyên nghiệp

Cam là cây thoát nghèo, cây làm giàu của bà con trên địa bàn huyện Hàm Yên. Tuy nhiên, để cây cam phát triển bền vững, tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng đầu ra như những năm 2008 - 2009 “cam bán rẻ như cho” luôn là vấn đề đau đáu với những người tâm huyết với cây cam.

Nhận vai trò tiên phong, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu, xã Phù Lưu hiện đang đặt những bước đi đầu tiên trong việc phát triển vùng cam bền vững. Chia sẻ về trọng trách khó khăn này, ông Nguyễn Ngọc Quyết - Phó giám đốc HTX - cho hay: Phong Lưu đã bắt đầu thử nghiệm trồng một lô 5 ha cam theo tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao VietGrap. Đây sẽ là bước khởi đầu giúp cam Hàm Yên đạt chuẩn chất lượng cao hơn. Việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm được thực hiện rất gắt gao. Hàng năm, HTX đều lấy mẫu gửi đi kiểm tra chất lượng, Trung tâm Cây ăn quả của huyện Hàm Yên cũng tổ chức kiểm tra, chứng nhận cho cả vùng.

Bên cạnh kênh phân phối truyền thống là thị trường miền Nam, HTX đã đưa cam Hàm Yên vào các siêu thị lớn như: Big C, Metro, Fivimart, Coop mark. Năm 2015 là năm thứ 4 cam Hàm Yên vào được các siêu thị. “2 năm đầu rất khó khăn, mỗi chuyến hàng chỉ đạt số lượng 200 - 300kg, HTX đã bị lỗ do số lượng tiêu thụ ít trong khi công cắt và phí vận chuyển cao, còn mất thêm chi phí mua tem, hộp” ông Quyết nhớ lại.

Trả lời câu hỏi vì sao chọn con đường gập ghềnh đưa cam vào siêu thị, ông Quyết chia sẻ: Cam đưa vào siêu thị khó hơn rất nhiều so với bán buôn thông thường trong khi giá bán chỉ bằng và nhỉnh hơn một chút. Tuy nhiên, về lâu dài, việc bán vào siêu thị sẽ giúp cam Hàm Yên được người tiêu dùng tin tưởng, tốt hơn cho việc xây dựng thương hiệu. Việc liên kết với các siêu thị cũng sẽ giúp HTX có thị trường ổn định hơn. Đó chính là con đường làm giàu chuyên nghiệp.

Đồng hành với những người tiên phong đang ngày đêm tìm hướng phát triển bền vững cho cây cam, UBND huyện Hàm Yên đã quy hoạch diện tích và nhiều chương trình hỗ trợ về vốn, đất đai cho người trồng cam. Hy vọng sự đồng hành này sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp cam Hàm Yên vươn xa hơn nữa.

Việt Nga

Bình Thuận: Chi cục Bảo vệ thực vật: Triển khai nhiều mô hình ngăn chặn bệnh đốm nâu

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Năm 2015 và những tháng đầu năm nay, Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các viện, trường trung ương tìm giải pháp ngăn chặn bệnh đốm nâu trên thanh long.

Ảnh: N.L

Chi cục phối hợp Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài “Sản xuất thanh long bền vững”, qua đó hướng dẫn nông dân tiếp tục vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả thanh long bị bệnh và cành già vô hiệu, xử lý bằng chế phẩm BIO-ADB cho 100 ha ở các huyện, thị Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và thị xã La Gi (Bình Thuận) với mức hỗ trợ 2 gói chế phẩm BIO-ADB/1 ha. Tiếp tục hỗ trợ thuốc BVTV để phun vệ sinh vườn cho 20 ha/4 huyện thị. Chi cục phối hợp Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh thực hiện mô hình “Thâm canh thanh long bền vững và an toàn dịch bệnh”, với quy mô 30 ha ở xã Hàm Chính và 20 ha tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. Đồng thời Chi cục BVTV triển khai mô hình quản lý tổng hợp bệnh đốm nâu hại thanh long theo quy trình tạm thời với diện tích 3.000m2 tại xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc). Từ đầu năm đến nay, Chi cục BVTV phối hợp Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV thực hiện 25 khảo nghiệm về hiệu lực, hiệu quả của các loại thuốc BVTV trong phòng trừ bệnh đốm nâu hại thanh long.

P.V

Sau Tết, trái cây rớt giá từng ngày

Nguồn tin: Người Lao Động

Sau Tết Nguyên đán, nhiều loại trái cây ở thị trường TP HCM giảm giá liên tục dù vẫn còn khá nhiều dịp lễ lạc cần đến trái cây để cúng kiếng

Tại khu vực chợ Rạch Ông (quận 8) chiều 16-2, vú sữa có giá từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg (3 - 5 quả mỗi kg), rẻ hơn 5.000 đồng/kg so với 2 ngày trước đó. Đối với loại quả này, đây là mức giá rất thấp trong nhiều năm qua.

Theo anh Trần Văn Toàn, chuyên bán trái cây dạo theo kiểu mùa nào thức ấy thì vú sữa từ miền Tây (chủ yếu là Tiền Giang) đang về nhiều, giá rẻ nên dễ bán. Tuy nhiên, loại quả này rất dễ bị hư hỏng nên người tiêu dùng không nên ham rẻ mua loại hàng “dạt”. Khi mua, nên chọn quả mới hái, chín đều, quả bóng, không bị dập, nếu loại quả tím thì tím đến phần cuống.

Vú sữa đang có giá rất rẻ so với thời điểm trước Tết

Ngoài vú sữa, ổi giống Đài Loan cũng đang bị dội chợ, giá chỉ từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg, xoài keo cũng đang vào mùa, giá bán lẻ từ 15.000 đồng – 20.000 đồng

Trong khi đó, các loại trái cây được chưng để cúng nhiều đang ở mức chót vót: xoài cát Hòa Lộc 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg, xoài cát chu 25.000 đồng – 30.000 đồng/kg, quýt 45.000 đồng – 50.000 đồng/kg, nhãn 45.000 đồng – 50.000 đồng/kg. Tương tự, hoa cúng cũng đang ở mức cao, rẻ nhất là vạn thọ cũng 15.000 đồng/bình (cây), cúc nhỏ 30.000 đồng/bó, lay ơn 80.000 đồng/bó…

Ng.Ánh

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop