Sức sống vùng hạn, mặn: Sản xuất nông nghiệp bền vững
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Nhằm tạo sự bền vững trước biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt và khó lường, nông dân ĐBSCL đã và đang hình thành những mô hình nông nghiệp theo hướng “thuận thiên”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (bìa trái) tham quan mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của nông dân tại huyện Châu Thành.
Hiệu quả từ chuyển đổi sản xuất
Huyện Long Mỹ là một địa phương thuộc vùng sâu của tỉnh Hậu Giang, nơi đây còn là vùng đất bị nhiễm phèn và chịu ảnh hưởng nặng của tình hình xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm từ triều Biển Tây xâm nhập vào, nhất là những năm gần đây ngày càng diễn ra khốc liệt. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp, cộng với sự quyết tâm thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu, trên địa bàn huyện Long Mỹ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao.
Tại xã Thuận Hòa, sau thời gian ngắn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả do đất bị nhiễm mặn và phèn nhiều năm làm bạc màu sang trồng cây mãng cầu xiêm tháp gốc bình bát mà hiện nay vùng đất nơi đây đang được ví như một tiểu vương quốc mãng cầu xiêm của tỉnh. Từ những vườn mãng cầu xiêm xanh mướt bạt ngàn ở phía sau những ngôi nhà tường san sát, hàng năm cây trồng này đều cho nhà vườn nơi đây nguồn thu nhập tiền trăm triệu đồng/hộ.
Dẫn chúng tôi tham quan một số vườn mãng cầu xiêm của bà con xã viên, ông Trần Phú Quốc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Thuận Hòa, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, thông tin: “Gốc bình bát chịu phèn, mặn rất tốt nên từ khi chuyển đổi mô hình sản xuất mà nhiều năm qua nông dân từ một vùng đất chịu nhiều khó khăn ngày nào thì nay đã dần thay đổi cuộc sống do nguồn thu nhập từ trái mãng cầu xiêm khá hấp dẫn. Theo đó, với năng suất bình quân đạt 46 tấn/ha, giá bán được công ty hợp đồng bao tiêu là 9.000 đồng/kg (loại I), sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng mãng cầu xiêm ở Thuận Hòa có được nguồn lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa”. Hiện HTX có tổng diện tích đất trồng mãng cầu xiêm là 67ha, với 56 thành viên. Đặc biệt, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang” cho HTX. Nhờ vậy, thị trường đầu ra của mãng cầu ở HTX nói riêng và trên địa bàn xã Thuận Hòa nói chung ngày càng phát triển tốt hơn khi tạo lòng tin cho khách hàng.
Cũng là vùng đất bị nhiễm phèn và xâm nhập mặn nhưng lại khốc liệt hơn do gần với Biển Tây xâm nhập vào theo sông cái Ngan Dừa, do đó nhiều nông dân sống ngoài tuyến đê bao khép kín thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã tận dụng nguồn nước mặn trong những tháng mùa khô để nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nhiều nông dân nuôi tôm nơi đây cho biết, sau ba tháng thả nuôi, tôm sú có thể cho năng suất khoảng 400kg/ha. Với giá bán hiện nay là 200.000-220.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 20 triệu đồng/ha), người nuôi còn kiếm được nguồn lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả kinh tế mang lại nên số lượng hộ nuôi tôm tăng dần. Đến nay, toàn xã Lương Nghĩa có 82 hộ thả nuôi với diện tích gần 100ha.
Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Mô hình tôm - lúa tại xã Lương Nghĩa cũng là một trong những mô hình sản xuất thích ứng BĐKH của huyện mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hậu Giang cũng đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng và phát triển mô hình tôm - lúa luân canh ở vùng đất phèn nhiễm mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ” nhằm khai thác triệt để vùng đất viên lang bãi bồi nằm ngoài bờ bao ở các xã như Lương Nghĩa, Lương Tâm, Vĩnh Viễn A… với tổng diện tích khoảng 2.000ha.
Giống như Hậu Giang, hiện các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ nhằm thích ứng với BĐKH và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Chẳng hạn, trong năm 2019 vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện việc chuyển đổi hơn 4.000ha từ những cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang mô hình kinh tế mới cho nguồn thu nhập hấp dẫn hơn. Trong đó, chỉ tính riêng việc chuyển đổi từ đất trồng mía kém hiệu quả sang nuôi tôm là gần 2.900ha. Còn kế hoạch trong năm 2020 này, Sóc Trăng tiếp tục chuyển đổi khoảng 9.600ha, trong đó chuyển sang trồng cây hàng năm là 1.130ha, nuôi trồng thủy sản là gần 8.000ha.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính đang được nhiều nông dân tại vùng xâm nhập mặn huyện Long Mỹ nghiên cứu nhân rộng.
Hướng đến sản xuất công nghệ cao
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì ngành chức năng tỉnh Hậu Giang còn đang xây dựng và khuyến cáo nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là mô hình canh tác theo hướng công nghệ cao để thích ứng với BĐKH một cách hiệu quả nhất. Theo đó, một trong những mô hình thí điểm đang mang lại nhiều kỳ vọng cho nông dân là việc trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp với công nghệ tưới nước nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới tại các vùng sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho hay: “Với việc gắn thiết bị tưới nước nhỏ giọt thì mỗi ngày 1.000m2 dưa lưới tại HTX chỉ tiêu thụ từ 40-60 lít nước (cách một giờ tưới một lần, mỗi lần tưới từ 1-2 phút). Trong điều kiện bà con nơi đây phải thường xuyên đối mặt với tình hình xâm nhập mặn và hạn hán vào mùa khô nên tình trạng thiếu nguồn nước ngọt để tưới tiêu cũng thường gặp phải. Do đó, với việc chỉ tốn nguồn nước ít ỏi trong quá trình sản xuất như trên nên bước đầu bà con rất tâm đắc với cách làm này. Ngoài tiết kiệm nước, mô hình còn hạn chế sử dụng thuốc hóa học, phân bón vì được trồng trong nhà kính, từ đó tạo ra sản phẩm sạch và an toàn.
Hiện mô hình thích ứng với BĐKH bằng công nghệ cao như trên không chỉ xuất hiện ở xã Lương Tâm mà còn được một số nông dân của huyện Long Mỹ nói riêng, trong tỉnh Hậu Giang nói chung đang áp dụng khá nhiều và đều mang lại hiệu quả tương tự. Theo đó, qua khảo sát sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh đã triển khai hơn 5 điểm, tập trung ở huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành.
Cùng với mô hình trên, hiện có nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang còn áp dụng mô hình tưới nước phun sương tự động cho vườn cây ăn trái nhằm tiết kiệm nguồn nước ngọt. Vừa được hỗ trợ 50% chi phí để đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1ha bưởi da xanh gần 3 năm tuổi của gia đình, ông Đặng Văn Út, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Nhờ có mô hình này mà đợt xâm nhập mặn năm nay gia đình tôi đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho vườn bưởi đến thời điểm này. Ngoài ra, khi áp dụng mô hình còn giúp nông dân giảm công lao động và tiết kiệm được chi phí. Bởi, khi còn tưới nước thủ công bằng vòi phun từ chiếc máy Honda có gắn mô-tơ bơm thì với 1ha vườn bưởi, tôi thường mất khoảng một buổi mới tưới nước xong và tốn từ 2-3 lít xăng (tương đương 20.000-30.000 đồng). Nhưng khi chuyển sang mô hình tưới nước tiết kiệm, tôi chỉ cần bật cầu dao điện là vận hành và tưới trong vòng 15 phút là đủ lượng nước cho cây trồng, đồng thời tốn khoảng 1-2kWh điện (chưa đến 4.000 đồng). Với tình hình thời tiết bây giờ là ngày càng nắng nóng gay gắt, nước mặn lấn sâu thì mô hình tôi đang áp dụng là rất cần thiết”.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện Hậu Giang đang xây dựng Đề án “Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong đó, tỉnh xác định sẽ tiếp tục phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ 4.0. Ngoài ra, cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển có chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, một số loại cây ăn trái có thế mạnh, phù hợp với thị trường. Mặt khác, tỉnh cũng phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên để trồng các loại cây ăn trái như: khóm, cam, quýt, chanh không hạt, bưởi, xoài, mãng cầu xiêm, mít... Đặc biệt, việc khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao phải gắn với thị trường tiêu thụ và chuỗi liên kết.
Đồng tình với quan điểm của tỉnh Hậu Giang về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay: Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với BĐKH đang là nhu cầu tất yếu hiện nay. Do đó, Bộ NN&PTNT đang tiến hành quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất rau quả an toàn, áp dụng công nghệ cao và thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trước mắt, mỗi địa phương chỉ tập trung vào 1-2 loại cây chủ lực và ưu tiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sau đó làm cơ sở đánh giá để tổ chức nhân rộng. Để mô hình nông nghiệp bền vững phát huy hiệu quả thì những công trình và phi công trình ứng phó với BĐKH cũng cần triển khai có hiệu quả, đặc biệt là vấn đề quy hoạch và lựa chọn cây trồng phù hợp theo từng vùng phải có định hướng lâu dài để đảm bảo đầu ra sự ổn định, hạn chế rơi vào tình cảnh khó khăn về thị trường như những tháng đầu năm nay mà nhiều mặt hàng nông sản gặp phải…
Qua thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng trong vụ lúa Đông xuân 2019-2020 vừa qua, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa của toàn vùng ĐBSCL là khoảng 41.230ha. Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm là 32.648ha, cây ăn trái là 8.922ha và nuôi trồng thủy sản là 719ha. Hiện tại, một số loại cây ăn trái được nông dân vùng ĐBSCL ưu tiên chọn trồng do có hiệu quả kinh tế cao là cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng…
Bài, ảnh: H.THU - H.PHƯỚC
Hưng Yên: Đã bắt đầu thu hoạch nhãn chín sớm
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Để khắc phục tình trạng nhãn chính vụ thu tập trung trong một thời điểm sẽ bị thương lái ép giá, những năm gần đây, người dân ở một số địa phương trong tỉnh Hưng Yên đã và đang chuyển sang thâm canh các giống nhãn chín sớm và áp dụng khoa học kỹ thuật để “điều khiển” nhãn ra hoa, đậu quả sớm nhằm nâng cao giá trị thu nhập.
Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch nhãn chính vụ, nhưng hiện nay, một số vườn nhãn chín sớm ở Hưng Yên đã bắt đầu cho thu hoạch.
Là một trong những người tiên phong phát triển nhãn chín sớm, ông Đặng Văn Xây, Giám đốc Hợp tác xã Nhãn lồng Hồng Nam ở thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đã trồng một số giống nhãn chín sớm và áp dụng biện pháp cơ học để kích thích ra hoa, đậu quả sớm. Với 1,6 mẫu trồng nhãn, năm nay, ông có 5 sào nhãn chín sớm cho sản lượng khoảng trên 1 tấn quả.
Nhãn chín sớm của gia đình ông Đặng Văn Xây, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)
Ông Xây cho biết: “Xuất phát từ suy nghĩ muốn rải vụ thu hoạch nhãn để tránh mất giá nên những năm gần đây, tôi bắt đầu mày mò học hỏi kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả sớm. Từ tháng 8 âm lịch năm ngoái, tôi theo dõi sát sao sự phát triển của cây và căn cứ vào thời tiết để xác định thời điểm tác động khoanh cành kích thích cho cây ra hoa. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và để bảo đảm an toàn thực phẩm, tôi chỉ dùng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch ít nhất 1 tháng”.
Với cách làm đó, từ đầu tháng 4 âm lịch, ông Xây đã có nhãn chín để xuất bán. Nhãn chín sớm có quả to, mẫu mã đẹp, cùi giòn, vị ngọt đậm nên được thị trường ưa chuộng; giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 - 2 lần thời điểm chính vụ.
Biết cách xử lý cho cây ra hoa, đậu quả sớm, từ cách đây khoảng 1 tháng, anh Trịnh Ngọc Tiệp ở thôn Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh (Kim Động) đã có nhãn chín sớm bán được giá cao. Với 4,5 mẫu nhãn, anh Tiệp rải vụ thành 3 trà gồm: trà sớm, trà trung, trà muộn.
Theo đó, cơ bản anh Tiệp vẫn áp dụng các hình thức chăm sóc truyền thống như chăm bón cho cây phát triển cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn trồng nhãn khác trong tỉnh, anh đã lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc đẩy nhãn ra hoa sớm.
Vụ này, gia đình anh Trịnh Ngọc Tiệp ở xã Ngọc Thanh (Kim Động) ước thu trên 1 tấn nhãn chín sớm
Hiện, 40 cây của gia đình anh đã bắt đầu cho thu hoạch, được khách hàng đặt mua từ trước. Ước tính anh Tiệp thu trên 1 tấn quả, mang lại thu nhập từ 55 - 60 triệu đồng.
Anh Tiệp cho biết: “Để có nhãn ra hoa, đậu quả sớm đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật thâm canh cao, hiểu đặc tính từng giống, sức khỏe của từng cây và điều kiện thời tiết để quyết định chính xác thời gian tác động đến cây trồng. Chính vì khó làm như vậy nên tại vườn của gia đình tôi cũng chỉ có khoảng 70% cây nhãn được tác động trổ hoa, đậu quả sớm theo ý muốn”.
Theo số liệu của Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ nhãn năm nay toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 4.845ha nhãn các loại; trong đó diện tích nhãn chín sớm chỉ chiếm diện tích rất nhỏ, lác đác ở một số địa phương. Theo nhận định của ngành chuyên môn và các hộ sản xuất, năm nay tỷ lệ nhãn ra hoa, đậu quả non đạt từ 85 - 90%; sản lượng nhãn ước đạt từ 45.000 - 50.000 tấn, cao hơn năm 2019 khoảng 18.500 tấn.
Để nâng cao giá trị của đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, những năm qua, tỉnh, các địa phương cùng ngành chuyên môn đã xây dựng các mô sản xuất an toàn và mở rộng diện tích chứng nhận VietGap, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh nhãn cho nông dân… Nhờ vậy, nhiều nông dân đã áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật cho cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn, góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế.
Để bảo đảm năng suất, chất lượng, giữ vững thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh tế từ đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người trồng cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và phải bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch; không vì giá bán cao mà thu hoạch nhãn khi quả còn xanh...
Hương Giang
Nâng cao giá trị, phát triển bền vững bưởi da xanh
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Ngày 14-5-2020, tại UBND xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức hội thảo khoa học về “Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng bưởi da xanh Tây Nam Bộ”. Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam đến dự.
Ký kết tiêu thụ bưởi da xanh giữa đơn vị cung ứng với Hợp tác xã Bưởi da xanh Quới Sơn.
Tại hội thảo, Viện Cây ăn quả miền Nam báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề tài xây dựng và triển khai mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị cho phát triển bền vững ngành hàng cây có múi (bưởi và cam sành) ở vùng Tây Nam Bộ. Đề tài này được thực hiện tại xã Quới Sơn, từ cuối năm 2018. Thông qua việc thực hiện đề tài, Viện Cây ăn quả miền Nam đã hỗ trợ Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành phát triển thành hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Quới Sơn và thực hiện mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt tiêu chuẩn tham gia thị trường nội địa và xuất khẩu. Được biết, HTX hiện có 92 hộ tham gia với tổng diện tích trên 52ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Viện Cây ăn quả miền Nam đã trình bày nhiều giải pháp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành hàng bưởi da xanh như: Cần liên kết giữa nông dân với nông dân hình thành các tổ hợp tác, HTX; sản xuất theo quy trình VietGAP; hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, đầu ra cho nông dân…
Cùng ngày, HTX bưởi da xanh Quới Sơn đã thực hiện nghi thức ký kết với các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh cho HTX.
Tin, ảnh: Nhiên Luận
Rộn ràng mùa vải Bắc Giang
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã bắt đầu đặt hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc và phát triển vào các thị trường mới.
Sản lượng vải Bắc Giang tăng 10.000 tấn so với năm ngoái - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Chuẩn bị các kịch bản tiêu thụ
Chỉ riêng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, trong năm 2020 sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 85.000 tấn, trong đó có 20.000 tấn vải chín sớm.
Theo ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện nay các siêu thị lớn trong nước như Big C, Hapro, Co.opmart... đã lên khảo sát và ký hợp đồng tiêu thụ với các chủ vườn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
"Hiện việc xuất khẩu không gặp trở ngại gì. Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đã đàm phán với phía Trung Quốc thông quan thêm giờ. Trong mùa dịch, trước đó chỉ thông quan 5 giờ, nay đã nâng lên 9 giờ. Một ngày có thể xuất khẩu 1.000 xe container hoa quả" - ông Nam cho biết.
Theo đánh giá của ông Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang sẽ có những khó khăn nhất định so với những năm trước. Trong bối cảnh đó, Lục Ngạn đã xây dựng nhiều kịch bản chi tiết để giúp nông dân tiêu thụ vải thiều một cách tốt nhất.
Kịch bản thứ nhất, trong trường hợp dịch bệnh còn phức tạp, chưa cho phép thương nhân nước ngoài vào thì tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa. Cạnh đó sẽ xúc tiến xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới. Đồng thời xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Kịch bản thứ hai, nếu Việt Nam công bố dịch thì đây là bối cảnh hết sức khó khăn cho xuất khẩu. Lúc này sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tập trung vào các thành phố, khu vực trọng điểm như miền Tây, TP.HCM, miền Trung, Hà Nội... Song song với bán quả tươi sẽ tổ chức sấy khô, ép nước, trữ đông chờ điều kiện tốt nhất để xuất khẩu. Hiện Lục Ngạn đã có 400 lò sấy, công suất 13.000-15.000 tấn.
Kịch bản thứ ba, khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ vẫn tổ chức tiêu thụ, xuất khẩu như mọi năm.
"Năm nay chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác xúc tiến thương mại. Dự kiến vào đầu tháng 6, Bắc Giang sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và hai điểm cầu ở nước bạn Trung Quốc, nơi chúng ta thường xuất khẩu vải thiều" - ông Nam thông tin.
Cùng với đó là tổ chức xuất quân vải thiều đi các tỉnh trong cả nước. Thành lập chuyên trang về tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang...
Để việc tiêu thụ vải thiều được diễn ra tốt nhất, huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm, liên lạc với 190 thương nhân Trung Quốc. Họ đã đồng ý sang Việt Nam, cùng thương nhân Việt Nam thu mua vải thiều.
Danh sách thương nhân Trung Quốc đã được gửi về UBND tỉnh, để tỉnh báo cáo Bộ Công an làm các thủ tục nhập cảnh. Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, huyện Lục Ngạn cũng chuẩn bị đủ nơi cách ly cho khoảng 700 người nước ngoài đến mua vải tại đây.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin thêm, huyện đã đề nghị UBND tỉnh cho phép đưa đón các thương nhân Trung Quốc từ biên giới về nơi cách ly ở Lục Ngạn, đảm bảo thời gian cách ly theo quy định và việc thu mua vải cũng được giám sát chặt chẽ.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; trong đó vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.
Để chuẩn bị sản xuất vải thiều cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chọn và đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha, sản lượng ước 600 tấn ở huyện Yên Thế và Lục Ngạn.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng. Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.
Theo ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với thị trường Nhật Bản, đến thời điểm này, Bắc Giang đã sẵn sàng đầy đủ các điều kiện để đưa quả vải thiều với chất lượng tốt nhất sang thị trường này. Hiện đã có 3 doanh nghiệp về Bắc Giang ký hợp đồng để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, cuối năm ngoái, Nhật Bản đã chính thức cho nhập quả vải tươi Việt Nam. Hiện nay, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, Đại sứ quán hai nước đã và đang có sự phối hợp rất chặt chẽ để chuẩn bị mọi điều kiện để đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản.
Tỉnh Bắc Giang cũng rất chủ động quy hoạch vùng sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng vào Nhật Bản với sự giám sát chặt chẽ.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cử cán bộ về tận địa phương hướng dẫn, theo dõi từng quy trình sản xuất và đánh giá lại toàn bộ công tác chuẩn bị.
Ngày 14/5, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật đã họp trực tuyến với các đối tác liên quan của Nhật Bản để bàn hoàn thiện các thủ tục cho xuất khẩu lô vải tươi Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản.
“Với sự vào cuộc quyết liệt và thiện chí của phía Nhật Bản, chúng ta hi vọng sẽ có lô vải đầu tiên xuất được xuất khẩu sang thị trường này trong năm nay mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn nhất là vấn đề kiểm tra, kiểm dịch. Trong kiểm tra, kiểm soát phía Nhật Bản có thể ủy quyền cho phía Việt Nam cùng với sự giám sát của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Đỗ Hương
Ninh Thuận: Phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Nếu ai đã từng đi trên Quốc Lộ 27 từ Phan Rang đến Đà Lạt, khi ngang qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đều dễ nhận thấy hầu hết các cánh đồng trồng lúa đã được chuyển đổi sang những đồng cỏ xanh ngát...
Xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn có diện tích đất tự nhiên 12.870 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 4.500 ha. Với địa hình bán sơn địa, xã Mỹ Sơn còn có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển chăn nuôi các loại gia súc như: bò, dê, cừu. Hiện tổng đàn bò, dê, cừu của xã khoảng 12.080 con.
Nếu như trước đây, bà con chăn nuôi theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh thì hiện tại hầu hết đã dần chuyển sang nuôi nhốt do diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp hoặc dành đất để phát triển các lĩnh vực khác (năng lượng tái tạo). Để duy trì và phát triển đàn gia súc ổn định thì trồng cỏ là giải pháp bền vững, hiệu quả mà người dân nơi đây đã và đang thực hiện.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Thủy là một điển hình. Năm 2005, gia đình bà có 2 con bò cái. Hằng ngày đi làm về vợ chồng bà tranh thủ cắt cỏ ngoài bờ ruộng chỉ khoảng 30 phút đã có đủ thức ăn cho cả ngày hoặc lúc nhàn rỗi bà dắt bò đi ăn ở ngoài đồng gần nhà. Nhưng nhiều năm gần đây khi đồng cỏ ngày càng thu hẹp, cộng với việc biến đổi khí hậu làm đồng cỏ tự nhiên không thể phát triển nổi. Năm 2010, gia đình bà vay 30 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để phát triển chăn nuôi, xây dựng chuồng trại kiên cố và trồng cỏ. Đến nay, gia đình bà luôn duy trì nuôi 15 con bò sinh sản và trồng 5 sào cỏ, trong đó 2 sào được chuyển đổi từ đất ruộng.
Chuồng trại nuôi bò được bà Lan xây dựng kiên cố, có kho dự trữ thức ăn cho mùa mưa hay những lúc bận rộn
Gia đình anh Mã Văn Hòa ở thôn Tân Mỹ đã ứng dụng hệ thống tưới phun để tưới cho đồng cỏ voi, cỏ VA06 và các loại cây trồng khác. Anh cũng mua máy cắt cỏ, máy băm cỏ để tiết kiệm công lao động. Trên 3 ha đất gò đồi giờ phủ lên màu xanh của lá cỏ và nhiều loại rau đậu. Hiện tại gia đình anh có trên 20 con bò vỗ béo và 30 con dê sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đồng cỏ của gia đình anh Mã Văn Hòa lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước
Anh Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch xã Mỹ Sơn cho biết, chăn nuôi bò là nghề truyền thống của địa phương. Trước đây bà con thường chăn thả trên các cánh đồng cỏ nhưng thời tiết những năm nay trở nên khắc nghiệt khiến các đồng cỏ không thể phát triển. Cộng với đó là việc chăn nuôi vỗ béo bò, dê, cừu theo quy mô nhỏ hộ gia đình ngày một phát triển nhằm tận dụng công nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập làm cho cỏ tự nhiên không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho gia súc chăn thả. Chính vì thế mà việc trồng cỏ được chính quyền các cấp khuyến khích người chăn nuôi thực hiện”.
Anh Vương cho biết thêm, mô hình trồng cỏ bắt đầu phát triển mạnh vào năm 2016, đặc biệt khi địa phương thực hiện chương trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn để tiết kiệm nguồn nước. Không những trồng cỏ phục vụ chăn nuôi ở địa phương mà người dân nơi đây còn bán nguyên liệu cho công ty Chế biến thức ăn gia súc với giá bán 500 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 2.200 – 2.500 tạ/vụ/ha, mỗi năm các hộ cũng thu được trên 100 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu nhập không hề nhỏ với người dân nông thôn nên chính quyền địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích lên đến 150 ha gồm cả cỏ và cây bắp./.
Cơ Nguyên - Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận
Xóa dần cánh đồng mía
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Hàng chục năm về trước, những cánh đồng mía bạt ngàn ở miền Tây đã góp phần giúp nhiều nông dân nuôi con ăn học, xây nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, mấy năm nay giá mía nguyên liệu giảm mạnh và khó tiêu thụ đã đẩy người trồng mía vào cảnh khốn khó.
Nông dân bỏ mía
Hậu Giang là một trong những địa phương trồng mía lâu năm với diện tích lớn ở miền Tây, đồng thời cũng là nơi có nhiều nhà máy đường hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển cây mía. Thế nhưng vài năm gần đây, diện tích mía ở Hậu Giang không tăng, mà còn giảm đi rất nhanh.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, nếu như vụ mía năm 2018, nông dân trong tỉnh sản xuất hơn 10.581ha thì sang năm 2019 giảm xuống còn 8.147ha và kế hoạch vụ mía của năm 2020 chỉ còn 5.800ha… Nguyên nhân dẫn đến những cánh đồng mía liên tục bị thu hẹp là do tình trạng tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp chỉ 600-700 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành hơn 676 đồng/kg khiến nông dân từ hòa đến lỗ. Bên cạnh đó, vụ mía vừa rồi ở Hậu Giang chỉ còn 1/3 nhà máy đường hoạt động; máy móc trục trặc, thu mua muộn… cộng với nhân công thu hoạch thiếu trầm trọng, làm tăng chi phí và giảm năng suất, chữ đường, khiến nông dân thiệt trăm bề.
Ông Huỳnh Văn Nhành, hơn 22 năm trồng mía ở xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh (Hậu Giang), ngao ngán: “Vùng này ở gần nhà máy đường Vị Thanh nên trước đây mía bạt ngàn, nhà nhà đều trồng mía. Vậy mà giờ đây, cứ 10 hộ thì có tới 9 hộ phá bỏ ruộng mía để trồng cây khác, bởi càng làm mía càng lâm nợ vì thua lỗ”. Chỉ chúng tôi ruộng mía bỏ hoang cho cỏ mọc, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Hỏa Lựu) cho hay, vụ rồi 4,5 công mía bị lỗ vốn hơn 10 triệu đồng sau gần 1 năm vất vả chăm sóc. Do cây mía quá bấp bênh nên ông quyết định từ bỏ và tạm thời đi làm phụ hồ kiếm sống, từ từ tính toán chuyển đổi cây trồng.
Nông dân Hậu Giang chuyển đất mía sang trồng bắp
Ở Trà Vinh và Sóc Trăng, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Út, ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), buồn bã: “Mấy năm nay giá mía bèo quá, có lúc thương lái chỉ mua 300-500 đồng/kg nên nông dân không cách nào sống được. Ở dãy cù lao này, một thời cây mía chạy dài hơn 8.500ha, nhưng nay đành phải phá bỏ hàng loạt. Hiện tại đang vào thời điểm sản xuất vụ mía mới 2020-2021 trong điều kiện bất lợi như hạn mặn gay gắt, giá thấp… khiến bà con thấp thỏm lo âu”.
Ông Thạch Sô Phal, Phó phòng NN-PTNT huyện Trà Cú (Trà Vinh), bộc bạch: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi lên kế hoạch sản xuất vụ mía mới 2020-2021 khoảng 1.800ha, giảm khoảng 700ha so vụ trước. Dù vậy, đến giờ này nhiều nông dân thờ ơ, chứng tỏ thời hưng thịnh của cây mía đã đi qua”. Tại Kiên Giang và Cà Mau, 2 nhà máy đường không còn hoạt động đã nhiều năm, trong khi cây mía gần như xóa sổ.
Trồng cây khác
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, khoảng 3 năm gần đây, mía là cây trồng mà nông dân phá bỏ nhiều nhất với hàng ngàn hécta mỗi năm. Hiện tại, các loại cây khác như bắp, mè, rau màu, nhãn, xoài, sầu riêng, mãng cầu… được phủ xanh trên đất mía, đem lại những hy vọng mới cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Huê, xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh (Hậu Giang), tâm sự: “Sau khi bỏ cây mía, gia đình tôi chuyển 6,5 công sang trồng bắp đến nay được gần 2 tháng. Mới đây, thương lái đến đặt cọc mua bắp tại ruộng với giá 1.500 đồng/trái; tính ra sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 20 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng mía và thời gian rút ngắn chỉ 65-70 ngày/vụ”.
Theo ông Trần Văn Phục, Giám đốc HTX Nhãn Idol Cù Lao Dung (Sóc Trăng), mấy năm nay ông và hàng chục nông dân khác bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng nhãn Idol cho hiệu quả rất khả quan. Bình quân sau hơn 3 năm chăm sóc nhãn bắt đầu cho trái với năng suất 22-25 tấn/ha, giá bán khoảng 22.000 - 30.000 đồng, trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lãi từ 500 triệu đồng/ha trở lên. So ra cây mía không cách nào bì kịp.
UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Cùng với cây nhãn đã khẳng định chỗ đứng trên đất mía, huyện khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích trồng rau màu, cây ăn trái khác, nuôi thủy sản… nhằm tiếp tục giảm mạnh diện tích mía trong thời gian tới. Huyện sẽ tăng cường đầu tư thủy lợi, hạ tầng giao thông, hỗ trợ nguồn giống chất lượng, kỹ thuật sản xuất… giúp người dân chuyển đổi hiệu quả”.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, chia sẻ: “Thời gian qua, hàng loạt nông dân trong tỉnh đã bỏ cây mía để chuyển sang trồng bưởi da xanh, trồng dừa, chanh, rau màu hoặc trồng cỏ để nuôi bò… Tất cả đều mang lại thu nhập cao hơn mía và cây mía không còn nằm trong cơ cấu phát triển về lâu dài nữa”.
Tại Hậu Giang, ngành chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương và nông dân tiếp tục chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Riêng năm 2020, sẽ có khoảng 2.091ha đất mía được định hướng chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu, trồng lúa… thậm chí trồng cây tràm và tre.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang khuyến khích nông dân tăng cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ mới đưa vào sản xuất cho từng loại cây trồng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ưu tiên sản xuất những cây trồng có đầu ra ổn định, được các đơn vị bao tiêu sản phẩm.
HUỲNH LỢI
Đồng Nai: Chú trọng bảo vệ môi trường vùng chăn nuôi
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Hiện tại, các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, khép kín đang được tỉnh khuyến khích nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ở các vùng chăn nuôi.
Chăn nuôi heo trang trại tại H. Long Thành
Nguồn phát sinh rác thải lớn
Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, bình quân mỗi ngày một con heo trưởng thành thải 1,5kg phân; trâu, bò khoảng 15kg và gia cầm 0,2kg. Với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 38 triệu con, trung mình mỗi năm, Đồng Nai phát sinh khoảng 3 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi - một con số khổng lồ.
Vài năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường ở các vùng chăn nuôi được tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp mạnh như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; chỉ cấp phép cho các trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải theo quy định; nâng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cùng với đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại lớn; chăn nuôi công nghệ cao (an toàn sinh học, VietGAP, khéo kín và chuồng lạnh) nhưng bài toán về môi trường chăn nuôi còn “nan giải”. Thống kê cho thấy, có gần 90% cơ sở sản xuất chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định, nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở việc làm hầm chứa biogas. Nước và khí thải từ hầm biogas chưa được tái sử dụng hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Xuân Viên, Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường H.Cẩm Mỹ cho biết, khoảng 97% trại chăn nuôi trên địa bàn có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đạt chuẩn, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn phát sinh. Bà Viên cho rằng, đối với chất thải rắn, chất thải lỏng, việc thu gom, xử lý tương đối, nhưng chất thải khí rất khó. Theo bà Viên, các trang trại chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo thực hiện vệ sinh theo chu kỳ, phân và nước tiểu sẽ theo hệ thống đi xuống hầm chứa, nhưng khí thải, mùi hôi phát tán ra xung quanh.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai cho rằng, có nhiều phương pháp, giải pháp công nghệ để xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhưng chủ yếu hiện nay là đầu tư hầm biogas đối với heo và sử dụng tấm lót sinh học đối với gia cầm. Đối với hệ thống xử lý biogas, bã thải được thu gom, ủ làm phân bón hữu cơ; nước tùy chuẩn mức A hoặc B được tận dụng tưới cho cây trồng hoặc xả ra môi trường; khí thải được dùng làm chất đốt. Nhưng do khí thải từ hầm là khí tạp, dễ làm hỏng máy phát và các thiết bị bằng kim loại nên khí này chưa được sử dụng nhiều. Bên cạnh đó, lượng khí thải từ các hầm biogas là rất lớn, cơ chế thu mua khí thải chưa có, trong khi nhu cầu đun nấu, chạy máy phát ở các trang trại không nhiều, phải xả hoặc đốt nguy cơ hiệu ứng nhà kính, cháy.
Phát triển chăn nuôi sinh học
Có ý kiến cho rằng, sau dịch tả heo châu Phi là thời điểm để ngành chăn nuôi thực hiện cải tổ, trong đó, đảm bảo an toàn sinh học là ưu tiên hàng đầu. Các tiêu chuẩn về nước thải, khí thải, chất thải rắn được kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện khá tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. H.Xuân Lộc có gần 500 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, gần 100% các trại cam kết vận hành hệ thống xử lý thải theo quy định, đáp ứng tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Sử dụng năng lượng khí thải làm chất đốt, phân và nước thải dùng bón cho cây trồng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí.
Tại H.Cẩm Mỹ, nhiều năm nay, địa phương chủ động cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho người dân phản ảnh các vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó có môi trường chăn nuôi. Theo đó, người dân phát hiện nước thải, khí thải nhiều từ các trang trại chăn nuôi có thể gọi điện đến số đường dây nóng trong vòng 20 phút bất kể ngày, đêm sẽ có cán bộ môi trường đến nơi ghi nhận hiện trường, lấy mẫu đi kiểm tra. “Chúng tôi triển khai cách làm này từ năm 2017 và khá hiệu quả, các trang trại sợ bị bắt quả tang nên không lén xả thải, cán bộ môi trường đỡ vất vả hơn” - Phó trưởng phòng Tài nguyên - môi trường H.Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Xuân Viên cho biết.
Để tiết kiệm chi phí xử lý chất thải, tăng nguồn thu, các trang trại chăn nuôi lớn hiện nay đang có xu hướng đầu tư thêm vào lĩnh vực nông nghiệp sạch hoặc hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ để giải quyết bài toán chất thải.
Hiện tại, Đồng Nai đang hình thành vùng chăn nuôi an toàn sinh học, các mô hình chăn nuôi công nghệ cao (chăn nuôi sinh học, VietGAP, chuồng lạnh, khép kín) được ưu tiên phát triển; tỉnh cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi hợp tác với các công ty như: C.P, Japfa, Emivest để hình thành chuỗi liên kết. Tới đây, mô hình quan trắc môi trường tự động ở các vùng chăn nuôi cũng được lắp đặt thí điểm nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí. Các ngành môi trường, nông nghiệp cam kết hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý môi trường nước, không khí ở các vùng chăn nuôi.
Phan Anh
Phát triển thêm chăn nuôi để bảo đảm nguồn thu nhập
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Trong điều kiện giá các loại nông sản xuống thấp gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, nhiều nông dân đã tìm hướng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.
Có hơn 1 ha đất trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, nhưng thu nhập thấp, nên hai năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Ngần, thôn 9, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã chăn nuôi thêm gà. Bà Ngần đang nuôi gà Minh Dư, giống gà mà trên địa bàn tỉnh còn ít người nuôi. Giống này có chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp, thừa hưởng nhiều đặc tính tốt của gà chọi và gà ri, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Một năm bà ngần nuôi 2 lứa, mỗi lứa khoảng 100 con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, bà Ngần cũng có lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng từ nuôi gà.
Để nuôi gà đạt hiệu quả, bà Ngần chú trọng làm chuồng trại kiên cố, cao ráo, thoáng mát về mùa hè, mùa đông khô ráo, không bị gió lùa. Cùng với đó, quá trình chăm sóc, bà luôn cho gà ăn đầy đủ các bữa, bổ sung thêm các loại vitamin để phòng, chống các bệnh thường gặp như cúm, tiêu chảy.
Bà Ngần cho biết: “Ban đầu quen trồng trọt, nên chuyển qua chăn nuôi gà với số lượng lớn cũng cảm thấy khó. Gà chết nhiều do không biết cách chăm sóc, phòng bệnh. Dần dần tôi đúc rút được kinh nghiệm nên giảm hao hụt. Tôi thấy rằng, chăn nuôi là một "kênh" hiệu quả để đa dạng thu nhập, có vốn đầu tư cho vườn cây dài ngày, giảm được việc vay mượn cho các khoản chi tiêu trong gia đình”.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp, những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi được nhiều nông dân áp dụng theo hướng đa dạng vật nuôi, tìm kiếm các giống mới. Thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, tổng đàn vật nuôi của huyện có xu hướng tăng. Cụ thể, đàn heo toàn huyện hiện đạt khoảng 39.000 con; đàn trâu, bò khoảng 3.300 con; dê khoảng 1.500 con con và tổng đàn gia cầm khoảng 234.100 con.
Nuôi khoảng 20 con dê giúp gia đình ông Nguyễn Thế Vinh, xã Tâm Thắng (Cư Jút) có mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng mỗi năm
Cũng với quan điểm tận dụng thời gian nhàn rỗi giữa các mùa vụ, gia đình ông Nguyễn Thế Vinh, thôn 7, xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã phát triển chăn nuôi dê. Theo ông Vinh, thực tế việc chăn nuôi dê giúp gia đình có thêm khoản thu nhập đáng kể, khoảng 40 triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn, thức ăn có thể tận dụng được quanh vườn rẫy như cây ngô, chuối, cỏ, cám gạo. Ông Vinh cho biết: “Nhờ chăn nuôi khoảng 20 con dê mà gia đình tiết kiệm được một phần lớn chi phí mua phân bón cho cây trồng. Hình thức vừa chăn nuôi vừa trồng trọt mà tôi áp dụng đã bổ sung cho nhau, giúp nâng cao đời sống kinh tế gia đình”.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong những năm gần đây, nếu như đàn heo có sự biến động giảm do dịch tả lợn châu Phi thì tổng đàn các loại vật nuôi khác của tỉnh lại có xu hướng tăng. Điều này phần nào thể hiện được sự chủ động của người nông dân trong việc bảo đảm, nâng cao thu nhập cho gia đình. Hoạt động chăn nuôi cũng có thời gian thu hồi vốn nhanh, nên bà con có thể đầu tư trở lại cho vườn cây trong điều kiện giá cả các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu xuống thấp.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-PTNT, đến hết quý I/2020, Đắk Nông có tổng đàn trâu 6.200 con, đạt 97,68% so với kế hoạch năm và tăng 1.878 con so với cùng kỳ quý I/2019; tổng đàn bò 31.600 con, đạt 91,92% so với kế hoạch năm và tăng 1.304 con so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 2.200.000 con, đạt 98,95% so với kế hoạch năm và tăng 704.902 con so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tổng đàn heo hiện nay đạt 232.910 con, đạt 109,07% so với kế hoạch năm, giảm 17.406 con so với cùng kỳ năm 2019. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc về bảo đảm an toàn dịch bệnh, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, mua con giống ở những địa chỉ cung ứng uy tín.
Bài, ảnh: Trần Lê
Phát triển mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGap
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, trang trại chăn nuôi 1-1,4 vạn con gà/năm của gia đình anh Nguyễn Đắc Phúc, xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim được công nhận trang trại đạt tiêu chuẩn VietGAP năm 2019.
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi tập trung, theo quy mô trang trại.
Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Vũ Văn Tư, xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương là 1 trong những trang trại đầu tiên của huyện Phú Bình được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào năm 2017. Trang trại này được ông Tư xây cách xa nhà ở của gia đình và các nhà dân khác, xung quanh trồng nhiều cây xanh. Ông Tư cho biết: Tôi đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo chuồng trại, xây thêm bể biogas 40m3. Sau đó, cơ quan chức năng đã khảo sát điều kiện ban đầu, lấy mẫu nước và thức ăn chăn nuôi; đào tạo kiến thức về chăn nuôi VietGAP, ban hành biểu mẫu ghi chép, xây dựng và ban hành hệ thống quản lý, đánh giá nội bộ, cuối cùng là lấy mẫu nước tiểu động vật. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chuồng trại, nguồn nước, chất lượng con giống; ghi chép cẩn thận sổ theo dõi chế độ chăm sóc, thức ăn, lịch tiêm phòng vắc xin… nên qua nhiều đợt lấy mẫu xét nghiệm của cơ quan chức năng, trang trại của tôi đã được cấp giấy chứng nhận.
Cũng áp dụng quy trình VietGAP nhưng anh Nguyễn Đắc Phúc, xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim lại lựa chọn chăn nuôi gà. Theo anh Phúc: Trang trại tôi nuôi, trung bình 1-1,4 vạn con gà/năm. Bắt đầu áp dụng quy trình này từ tháng 3-2019, đến cuối năm thì trang trại tôi được cấp giấy chứng nhận. Chăn nuôi VietGAP, ngoài việc đàn gà phát triển ổn định, hạn chế dịch bệnh thì tôi thấy giảm được từ 3-4 triệu đồng tiền cám/1.000 con/lứa, 4-5 triệu đồng tiền thuốc thú y do sử dụng các chế phẩm sinh học.
Chăn nuôi theo quy trình VietGAP là áp dụng những nguyên tắc, trình tự, thủ tục vào chăn nuôi nhằm đảm bảo vật nuôi được nuôi dưỡng đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Hiện nay, toàn huyện Phú Bình có 23 trang trại chăn nuôi VietGAP (tăng 13 trang trại so với năm 2017), còn 4 trang trại khác đang hoàn thiện hồ sơ để thẩm định. Những năm qua, để khuyến khích người dân áp dụng quy trình này vào chăn nuôi, huyện Phú Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ngành cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình triển khai.
Theo ông Phạm Đăng Ninh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình: Hiện nay, mới chỉ có 5% sản phẩm của các trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAP được các trường học mầm non, bếp ăn bán trú trên địa bàn ký hợp đồng tiêu thụ, số còn lại chủ yếu được bán tại các chợ. Tuy nhiên, với những lợi ích, hiệu quả của quy trình chăn nuôi này mang lại, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân nhằm nhân rộng các mô hình, xây dựng nguồn cung ổn định, tạo chuỗi liên kết, dần hình thành sản xuất chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm vào các siêu thị, dán tem truy xuất nguồn gốc, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngọc Ánh
Giá dê hơi tăng lên ở mức cao
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
So với cách nay hơn 1 tháng, hiện giá dê thịt (dê hơi) tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg và đang ở mức khá cao, người dân nuôi dê rất phấn khởi.
Mô hình chuồng trại chăn nuôi dê tại một hộ dân ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… giá dê hơi loại 1 (dê đực, khoảng 35-38 kg/con) có giá 115.000-120.000 đồng/kg, trong khi trước đó, tại nhiều nơi, giảm xuống chỉ còn 100.000-105.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dê hơi loại 2 có giá khoảng 90.000-95.000 đồng/kg. Giá dê tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, khi các nhà hàng, quán ăn và dịch vụ ăn uống đã mở cửa hoạt động trở lại sau dịch. Giá dê ở mức khá cao, giúp người chăn nuôi có được mức lợi nhuận tốt. Theo nông dân chăn nuôi dê, với giá hiện nay, xuất bán mỗi con dê khoảng 35-38kg, nông dân có thể kiếm lời từ 1-1,5 triệu đồng. Những năm gần đây, hộ chăn nuôi dê đã kết hợp cho dê ăn cỏ và các loại lá cây với thức ăn công nghiệp nên dê nuôi khá mau lớn, dê con nuôi trong khoảng 4 tháng là có thể xuất bán. Để nuôi dê đạt hiệu quả cao, người ta thường làm chuồng cách xa trên mặt đất theo kiểu nhà sàn, dê ít bị bệnh và mau lớn.
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG
Cam Lâm (Khánh Hòa): Nhiều hộ chuyển đổi chăn nuôi
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Nhiều hộ dân tại huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đang chuyển đổi từ chăn nuôi heo sang nuôi gà, vịt... để né dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, vấn đề này không nên khuyến khích.
Tìm mô hình mới
Cuối năm 2019, ông Nguyễn Đức Cảnh (thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc) nuôi 500 con heo thịt. Dịch tả heo châu Phi lan nhanh đã buộc ông phải bán hết số heo, chuyển sang nuôi gà thịt. Theo ông Cảnh, nuôi gà nhọc nhằn hơn so với nuôi heo, song thời gian này nuôi gà an toàn hơn. Từ tháng 11-2019 đến nay, ông nuôi được 2 lứa, mỗi lứa 2.000 con, thời gian nuôi từ 3 - 3,5 tháng, bình quân đạt 1,8 - 2kg/con, giá bán 70.000 đồng/kg, thu nhập 40 - 45 triệu đồng/lứa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức tiêu thụ giảm nên giá gà chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Thử nghiệm nuôi vịt siêu thịt Grimaud tại trang trại của ông Tín.
Theo ông Lê Quý Danh - cán bộ thú y xã Cam Thành Bắc, hiện nay, người nuôi e ngại nếu tái đàn khi giá heo giống đang cao (khoảng 1,9 - 2,1 triệu đồng/con, trước đây chỉ 1,3 - 1,5 triệu đồng/con), đến khi thị trường bình ổn trở lại sẽ lỗ bởi lúc đó giá heo thịt sẽ hạ, không được cao như hiện nay (heo hơi 85.000 đồng/kg, thịt heo 150.000 - 170.000 đồng/kg). Mặt khác, vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi chưa có, nguy cơ tái phát dịch rất lớn. Vì thế, người nuôi heo tìm cách chuyển đổi sang các đối tượng khác như: bò, gà, vịt, chim trĩ... Chính quyền xã vận động người dân trước mắt nên lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện chăn nuôi của hộ, không nuôi ồ ạt dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Tín (thôn Văn Tứ Tây, Cam Hòa) có 60 con heo nái và 300 con heo thịt. Trước tình hình dịch tả heo châu Phi, ông giảm đàn mạnh. Đến tháng 10-2019, ông đã bán hết đàn heo. Hiện nay, ông tận dụng chuồng trại trống chuyển sang nuôi vịt siêu thịt Grimaud (Pháp). Đây là giống vịt thịt dày, nuôi khô, tốc độ tăng trọng nhanh, 60 ngày có thể đạt 2,8 - 3,2kg/con. Ông Tín cho biết, Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam cung cấp giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm cho hộ nuôi gia công. Trang trại của ông đang nuôi thử nghiệm 2.000 con vịt Grimaud vào giai đoạn xuất bán và tiếp tục cải tạo chuồng trại để nâng tổng đàn lên 10.000 con.
Ông Nguyễn Duy Biên - cán bộ thú y xã Cam Hòa cho hay, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho đàn heo trong xã, số lượng tiêu hủy tới 60 - 70 tấn. Hiện nay, người nuôi heo lo ngại không dám tái đàn nên chuyển sang vịt, gà… Một số hộ có điều kiện đầu tư nuôi gà quy mô hàng chục ngàn con. Xã có kế hoạch tập huấn cho người dân một số mô hình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm để tránh dịch, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên tạm hoãn.
Không khuyến khích
Cam Lâm là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi heo phát triển mạnh của tỉnh. Huyện có nhiều cơ sở chăn nuôi được đầu tư quy mô theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Tuy nhiên, gần đây, giá cả, đầu ra của sản phẩm chăn nuôi heo không ổn định, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến kinh tế của người nuôi. Đặc biệt, năm 2019, dịch tả heo châu Phi gây tổn thất lớn cho đàn heo khiến người nuôi lao đao.
Theo ông Lê Ngọc Tú - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm, dịch tả heo châu Phi đã làm thiệt hại nặng đàn heo của nhiều hộ chăn nuôi. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 15.000 con so với trước dịch là 27.000 con (không tính heo của doanh nghiệp không bị dịch, tổng đàn 90.000 con) và tốc độ phục hồi chậm, chỉ khoảng 10%. Trước tình hình đó, nhiều người chuyển hướng sang nuôi gia cầm để né dịch. Hiện tại, Công ty GreenFeed thử nghiệm nuôi vịt siêu thịt Grimaud tại Cam Hòa. Trước mắt, huyện không khuyến khích hay đưa ra mô hình nào để vận động người dân làm theo vì chưa được thử nghiệm. Đồng thời, huyện khuyến cáo người dân có điều kiện nuôi đảm bảo an toàn sinh học, tái đàn nếu trại được cách ly tốt.
Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, việc phát triển chăn nuôi của người dân, Nhà nước không cấm mà chỉ khuyến cáo chăn nuôi ở quy mô vừa, không phát triển ồ ạt, dễ gây biến động thị trường. Cơ quan quản lý chuyên môn chỉ hướng dẫn người dân nuôi đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo môi trường. Hiện nay, vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi còn đang được nghiên cứu nên việc tái đàn heo đứng trước nhiều nguy cơ, chỉ khuyến khích các trang trại lớn có năng lực quản lý phát triển tổng đàn.
V.L
Phú Yên: Thu nhập khá từ nuôi vịt chạy đồng
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Người nuôi vịt bơm nước vào ruộng để chăn vịt trên cánh đồng ở xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG
Khoảng 1 tháng qua, từ khi bắt đầu vào mùa chạy đồng cũng là thời điểm giá trứng và vịt thịt tăng nên các hộ nuôi vịt chạy đồng có thu nhập khá. Để hạn chế rủi ro, ổn định sản xuất, người dân và các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch cho đàn gia cầm.
Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh Phú Yên hiện có hơn 4,5 triệu con với khoảng 70% là vịt, nuôi tập trung ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Tuy An và Phú Hòa. Đặc biệt, vào các mùa chạy đồng, đàn vịt sẽ tăng mạnh để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng.
Lợi nhuận khá
Ông Nguyễn Văn Đặng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cho biết: Mùa chạy đồng năm nay tôi thuê được gần 150ha ruộng tại địa phương, vì vậy mạnh dạn tăng đàn lên 3.500 con. Để đón đúng vụ đồng, ngay khi ruộng vừa gieo sạ xong tôi liền thả giống, đến khi lúa thu hoạch cũng là lúc đàn vịt bắt đầu vào kỳ cho trứng, là giai đoạn vịt ăn “dữ” nhất. Nhờ cho vịt chạy đồng, tận dụng nguồn lúa chét (lúa tái sinh từ gốc rạ), cua, cá trong các chân ruộng nên không tốn chi phí thức ăn. Cũng theo ông Đặng, nếu đàn vịt này không ăn đồng thì mỗi ngày ông phải tốn 9 bao thức ăn với chi phí khoảng 2,8 triệu đồng, giờ tiết kiệm được khoản này. Trong khi đó, hiện giá trứng được mua từ 2.100-2.200 đồng/trứng là mức giá cao nhất trong nhiều năm gần đây nên lợi nhuận mang lại khá cao.
Tương tự, dọc các cánh đồng rộng lớn ở huyện Tây Hòa, nhiều đàn vịt cũng đang được đưa về đây ăn. Ông Năm Sang, một hộ đang dựng chòi chăn vịt trên khu đồng thuộc xã Hòa Đồng, cho hay: Mỗi đêm đàn vịt 2.000 con của tôi đẻ được 1.400-1.500 trứng. Tất cả số trứng thu được đều có thương lái thu mua tại chòi. Bình quân mỗi đêm tôi thu khoảng 3,2 triệu đồng, trừ các khoản chi phí thì còn lãi hơn 1 triệu đồng. So với các mùa trước thì đây là vụ trứng cho lãi khá nhất. Tuy nhiên, vụ này tỉ lệ vịt cho trứng lại giảm, chỉ còn 70-75%, nguyên nhân là vì trời nắng, đồng khô nước. Tôi và nhiều hộ khác phải bơm nước giếng vào đồng để chăn nhưng vẫn không đủ nên ảnh hưởng tỉ lệ sinh sản của vịt.
Vụ này, không chỉ người nuôi vịt đẻ có lợi nhuận khá mà những hộ nuôi vịt thịt cũng có nguồn thu tương đối cao nhờ giá vịt thịt tăng. Hiện mỗi con vịt có trọng lượng khoảng 2kg được bán với giá 85.000 đồng/con, trừ chi phí người nuôi còn lãi được 35.000 đồng/con. “Sau 80 ngày nuôi, gia đình tôi vừa bán hết đàn vịt thịt 600 con, cho lợi nhuận gần 20 triệu đồng”, bà Lê Thị Lài, một hộ nuôi vịt tại xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho hay.
Đề phòng dịch bệnh
Xác định những mối nguy do việc chăn nuôi vịt chạy đồng mang lại, ngay từ khi bà con bắt đầu tăng đàn đón đồng, ngành Thú y đã triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, Phú Hòa là địa phương thuộc vùng có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm nên huyện được tỉnh cấp 420.000 liều vaccine cúm gia cầm để tiêm phòng. Đến nay, địa phương đã tiêm được 336.000 liều từ nguồn vaccine hỗ trợ và 3.000 liều do dân tự mua. Ngoài ra, hiện phương án ưu tiên cho người nuôi vịt của địa phương thuê đồng nhà cũng là biện pháp hữu hiệu giúp ngăn chặn việc di chuyển đàn vịt giữa các vùng, góp phần phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm.
Còn Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tây Hòa Trần Khắc Dũng cho biết: Tổng đàn vịt của địa phương hiện có 195.200 con, trong đó chủ yếu là đàn vịt đẻ. Để khống chế dịch bệnh phát sinh khi vịt vào mùa chạy đồng, từ đầu tháng 3 khi bà con tăng đàn thì trạm cũng siết chặt việc nhập đàn. Toàn bộ đàn khi nhập về phải có giấy kiểm dịch và nuôi nhốt cách ly. Trạm còn vận động người dân tiêm phòng vaccine để tăng sức đề kháng cho vịt.
“Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 1 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho huyện Phú Hòa và Đông Hòa, là hai địa phương có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm để tiêm phòng cho toàn bộ đàn. Đồng thời, đơn vị cũng phân bổ 10.000 lít thuốc sát trùng cho tất cả các huyện, thị xã, thành phố để phun tiêu độc sát trùng môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, ngành còn triển khai các biện pháp giám sát, theo dõi việc mua bán, xuất nhập đàn gia cầm trong mùa chạy đồng, đảm bảo không để tình trạng lây nhiễm bệnh từ ngoài vào”, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm nói.
Ông Năm Sang, người nuôi vịt chạy đồng ở xã Hòa Đồng: Do địa phương không được hỗ trợ vaccine nên tôi phải chi khoảng 4 triệu đồng để tiêm phòng vaccine cúm gia cầm và dịch tả cho đàn vịt 2.000 con. Tuy tốn kém nhưng đổi lại đàn vịt được bảo vệ giúp hạn chế rủi ro.
THỦY TIÊN
Hiếu Giang tổng hợp