Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 06 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 06 năm 2021

Giá phân bón tiếp tục đà tăng đến cuối năm

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/6, đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Mặt hàng phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Ảnh minh họa

Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng, Cục Hóa chất cho rằng, hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước. Trong khi đó, phân bón DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container. Thêm vào đó, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa.

Giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thế giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo, đại diện Cục Hóa chất cho hay.

"Hiện nay, theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón vô cơ, hữu cơ được giao Bộ NN&PTNT, nhưng dưới góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để đảm bảo nguồn cung với thị trường", đại diện Cục Hóa chất cho biết.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh chủ yếu bắt đầu từ đầu năm 2021. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu do các yếu tố như: Nguyên liệu sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh tăng 2 lần, giá amoniac tăng khoảng 30%, giá vận chuyển tăng 5 lần…

Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với Bộ NN&PTNT để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy, lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước. Trong khi, với phân bón DAP, MAP, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng của DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (8-10 triệu/tấn so với 14-15 triệu/tấn). Đây cũng là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường hơn.

"Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Sau khi điều tra, cân nhắc các yếu tố tác động kinh tế - xã hội, Bộ đã ban hành quyết định áp thuế cho mặt hàng này từ năm 2017. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp", ông Lê Triệu Dũng cho hay.

Liên quan đến việc đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019, ông Lê Triệu Dũng cho hay, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan ở mức 47,64% trong 5 năm, tính từ 16/6/2021.

Việc áp thuế sẽ giúp giảm sức cạnh tranh của đường nhập khẩu Thái Lan so với đường mía sản xuất trong nước; từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, giá thu mua mía của người dân tăng, giúp người nông dân tiêu thụ mía trồng trong nước.

Theo phản ánh Hiệp hội mía đường, các đơn vị sản xuất, nhiều địa phương đã có kế hoạch mở rộng sản xuất mía đường trong niên vụ 2021-2022 sắp tới. Bộ Công Thương cũng đang kết hợp hiệp Hội mía đường và các đơn vị liên quan tiếp tục theo sát diễn biến của đường nhập khẩu, có các biện pháp phòng vệ, ổn định thị trường, cung cầu…

Phan Trang

Hậu Giang: Xã viên hợp tác xã xoài: Thu lợi nhuận cao nhờ trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ông Bùi Hoàng Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã xoài Bảy Ngàn, cho biết từ Tết Nguyên đán năm 2021 đến nay, trong khi nhiều nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc ở huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) trúng mùa nhưng giá bán bấp bênh thì ngược lại xã viên Hợp tác xã xoài Bảy Ngàn đã thu lợi nhuận cao.

Nhờ trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP nên tất cả sản phẩm xoài trái của xã viên Hợp tác xã xoài Bảy Ngàn đều được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hòa Lộc Tiền Giang bao tiêu. Đối với xoài cát Hòa Lộc loại 1 được công ty thu mua với giá 40.000 đồng/kg, xoài loại 2 từ 20.000-25.000 đồng/kg. So với thị trường, giá công ty thu mua cao gấp đôi.

VIỆT PHƯƠNG

Thu 100 triệu đồng từ 42 cây sầu riêng đặc sản

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhờ biết cách chăm sóc, nên chỉ với 42 cây sầu riêng đặc sản, mỗi năm gia đình ông Trịnh Đình Đông, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) thu về khoảng 100 triệu đồng.

Là một nông dân sinh sống ở vùng đô thị, ông Đông luôn suy nghĩ làm sao tận dụng được hiệu quả đất đai để phát triển kinh tế. Ông đến nhiều nơi tìm hiểu và nhận thấy trồng sầu riêng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của Tây Nguyên.

Vườn sầu riêng hạt lép được ông Đông trồng xen trong cà phê

Năm 2001, ông Đông mua khoảng 60 cây sầu riêng hạt về trồng xen trong 1,5 ha cà phê. Sau hơn 1 năm, cây sầu riêng hạt không phát triển được, ông đã nhổ bỏ và chuyển sang trồng loại sầu riêng hạt lép.

Ông xuống tận Bến Tre mua 50 cây giống sầu riêng Ri6 và Dona về trồng xen trong vườn cà phê. Quá trình chăm sóc, có 8 cây bị chết, số cây còn lại đều phát triển tốt cho đến nay.

Trong 5 năm qua, mỗi năm vườn sầu riêng của ông đều cho thu hoạch từ 3-4 tấn quả. Theo ông Đông, sầu riêng Ri6 và Dona cho cơm vàng, hạt lép, năng suất và giá bán khá cao, được thị trường ưa chuộng.

Những năm qua, giá sầu riêng có nhiều biến động, nhưng ông vẫn bán được với giá cao. Vào thời điểm cao nhất, ông bán sỉ sầu riêng cho thương lái với giá 60 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí, mỗi vụ sầu riêng, ông lãi tầm 100 triệu đồng.

Vụ mùa này, vườn sầu riêng của ông Đông còn khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Do tình hình dịch Covid-19, nên giá sầu riêng dự kiến sẽ giảm còn khoảng 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ chi phí, ông ước thu về khoảng 80 triệu đồng.

Về cách chăm sóc sầu riêng, theo ông Đông, loại cây này không đòi hỏi phải cầu kỳ mà chỉ cần chăm đúng cách. Ông chủ yếu bón phân chuồng, phân hữu cơ cho vườn sầu riêng. Tùy thời điểm ông phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho cây. Chi phí chăm sóc vườn sầu riêng mỗi năm khoảng 15 triệu đồng.

Ông Đông đã trồng thêm 70 cây sầu riêng đặc sản để tăng thêm thu nhập

Cây sầu riêng khi mới trồng dễ bị bệnh hại rễ. Vì thế, sau khi đào hố, người trồng phải xử lý đất sạch, phơi đất khoảng 15 ngày mới bỏ bầu trồng. Trong quá trình chăm sóc cây con, vào mùa khô, sầu riêng phải được che chắn và tưới nước thường xuyên.

Khi cây lớn, cần chú ý tạo tán để sầu riêng đón đủ ánh nắng và phát triển tốt. Sầu riêng ở giai đoạn ra hoa, đậu quả, phát triển múi cần chú trọng chăm sóc đúng kỹ thuật và chú ý phun thuốc phòng sâu bệnh. Khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch, sầu riêng hầu như không phải phun thuốc.

Do được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, nên vườn sầu riêng của ông Đông rất sai quả. Trung bình mỗi cây sầu riêng cho từ 60-80 quả, mỗi quả nặng khoảng 3 kg. Chất lượng quả đồng đều, ít bị sâu, dễ tiêu thụ.

Hiện nay, ông Đông đã trồng thêm 70 cây sầu riêng Ri6 và Dona. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho người dân.

Ông Đông đang hướng tới trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ. Ông chuẩn bị đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước và công chăm sóc.

Bài, ảnh: Thanh Nga

Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng cà tím Nhật Bản

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Thời gian qua, một số hộ nông dân xã Quảng Sơn (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã chuyển đổi cây trồng, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để trồng và tiêu thụ cà tím Nhật Bản mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ giữa năm 2020, gia đình ông Đỗ Hoàng Hà, thôn 3A, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã liên kết với Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải ở TP. Hồ Chí Minh để trồng 1 ha cà tím Nhật Bản. Khi liên kết, gia đình ông Hà được công ty cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà tím Nhật Bản và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 7.000 đồng/kg.

Nông dân tích cực chăm sóc cà tím Nhật Bản theo đúng kỹ thuật đã cam kết với doanh nghiệp

Sau khoảng 2 tháng chăm sóc, vườn cà tím cho thu hoạch. Mỗi lứa cà tím Nhật Bản kéo dài từ 8 đến 12 tháng tùy vào sự chăm sóc của người trồng. Sản lượng thu hoạch cà tím đến đâu được công ty thu mua đến đó để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Vì vậy, gia đình ông Hà yên tâm canh tác, không lo về giá và đầu ra của sản phẩm.

Ông Hà cho biết: “Nếu mô hình phát triển tốt sẽ cho năng suất bình quân từ 70-100 tấn/ha tùy theo vụ. Sau khi trừ chi phí, mô hình có thể thu lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, quá trình trồng phải bảo đảm đúng kỹ thuật, nhất là chú trọng khâu chăm sóc sâu bệnh, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng và các yêu cầu xuất khẩu”.

Cây cà tím Nhật Bản có vỏ tím sậm, trái dài, ruột trắng xanh được thị trường rất ưa chuộng

Tương tự, gia đình ông Lại Văn Xuân ở bon R’bút, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cũng liên kết với Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải ở TP. Hồ Chí Minh trồng 5 sào cà tím Nhật Bản. Theo ông Xuân, so với trồng cà chua thì trồng cà tím Nhật Bản dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, tiết kiệm được chi phí đầu tư. Chi phí phân, thuốc, bạt phủ, làm giàn… để trồng cà tím Nhật Bản khoảng 15 triệu đồng/sào. Vụ mùa vừa qua, gia đình ông canh tác 5 sào cà tím Nhật Bản. Trung bình 1 sào thu từ 7 - 8 tấn quả. Với giá thu mua 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình ông thu về khoảng 150 triệu đồng.

Ông Xuân chia sẻ: “Đến mùa thu hoạch thì ngày nào cũng có xe của công ty lên tận nhà để thu mua cho bà con. Sau khi thu xong công ty chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản nên chúng tôi cảm thấy yên tâm, thoải mái trong quá trình lao động sản xuất”.

Đưa hệ thống tưới béc vào chăm sóc cây cà tím tại các mô hình liên kết với doanh nghiệp

Theo Hội Nông dân xã Quảng Sơn (Đắk Glong), cà tím Nhật Bản là một loại cây trồng mới trên địa bàn. Toàn xã hiện có 24 hộ trồng với tổng diện tích trên 15 ha. Sau những vụ mùa vừa qua, có thể khẳng định, loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu mua lại sản phẩm với giá cả theo hợp đồng ký kết doanh nghiệp. Những hộ dân trồng rất phấn khởi vì biết sản phẩm làm ra sẽ bán được và lợi nhuận khá cao. Việc liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân mở ra hướng đi hiệu quả trước bối cảnh nhiều cây chủ lực cho thu nhập thấp.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng trồng cà tím Nhật Bản tự phát, tràn lan, địa phương đang phối hợp với các ban, ngành chuyên môn của huyện tiến hành theo dõi, rà soát; đồng thời, liên hệ, kết nối với nguồn tiêu thụ theo hướng ổn định, lâu dài để bà con yên tâm trồng và phát triển loại cây này.

Bài, ảnh: Nguyễn Nam

Tây Sơn (Bình Định): Giá ớt xuống đáy, nông dân phơi, chờ bán ớt khô

Nguồn tin: Báo Bình Định

Nhiều người trồng ớt tại 2 xã Bình Hòa, Tây Thuận - 2 xã có diện tích trồng ớt lớn nhất, nhì huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) - cho hay, chỉ trong thời gian ngắn, giá ớt thu mua tại địa phương rớt từ đỉnh xuống đáy, tiền bán ớt không đủ trả công hái.

Theo đó, trong hai tháng đầu năm 2021, giá ớt dao động 70.000 - 80.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 120 nghìn đồng/kg, nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, bước vào mùa thu hoạch rộ, giá ớt giảm dần đến mức thấp nhất từ trước đến nay. Hiện với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg, đa phần người dân hái ớt phơi khô (ảnh), chờ bán ớt khô khi được giá hơn, số còn lại bỏ ngang, không tiếp tục đầu tư chăm sóc ớt.

ĐINH NGỌC

Trồng sen trên đất lúa, nông dân hái ra tiền

Nguồn tin: VOV

Gần đây, một số nông dân ở tỉnh Quảng Nam mạnh dạn đầu tư trồng sen lấy hạt trên những vùng đất bỏ hoang, ruộng lúa kém hiệu quả. Hiện đang vào vụ thu hoạch sen, được giá lại được mùa nên nhiều gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng từ cây sen.

Dọc 2 bên đường từ xã Duy Sơn qua Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam những cánh đồng sen trải dài đang kỳ thu hoạch toả hương thơm ngát không chỉ hấp dẫn du khách đến tham quan, chụp ảnh mà còn là nơi hái ra tiền của bà con nông dân nơi đây.

Bà Lê Thị Tám, ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn là người tiên phong đưa cây sen về trồng trên đất Duy Sơn. Bà Tám cho biết, trước đây, trên vùng đất này gia đình bà trồng lúa hiệu quả thấp, từ ngày chuyển sang trồng sen, bà Tám trở thành hộ khá giả tại địa phương. Vụ sen năm nay, gia đình bà Tám trồng 5 hecta, trừ chi phí, bà Tám còn lãi gần 250 triệu đồng.

Vụ sen năm nay gia đình Bà Lê Thị Tám thu lãi 250 triệu đồng.

“Trồng sen này so ra lúa, khoai lãi nhiều hơn. Nhờ trồng sen, cuộc sống khá giả, có tiền lo cho con ăn học. Năm nay sen được mùa”, bà Lê Thị Tám chia sẻ.

Theo nhiều hộ dân trồng sen ở đây, cây sen có thể trồng một năm 2 vụ, xuống giống từ tháng Giêng trở đi. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch mất 4 tháng. Ông Nguyễn Phước Minh, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên cho biết, cây sen dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, không tốn công chăm sóc. Bà con ở địa phương nhờ trồng sen có cuộc sống sung túc hơn. Hiện tại, hạt sen chưa qua sơ chế có giá từ 50.000 – 55.000 đồng/kg.

Nông dân Quảng Nam vào mùa vụ thu hạt sen.

Cây sen không chỉ đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều người già, trẻ em tại địa phương. Tiền công bóc hạt sen khoảng 20.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày, một người có thể bóc được 30 kg cũng kiếm được 500.000 – 600.000 đồng. Hạt sen được các tổ hợp tác xã mua tận nhà để phân phối đi các nơi.

Theo ông Nguyễn Phước Minh, hiện xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao từ sen, nông dân yên tâm sản xuất: “Thu hoạch hạt sen xong, sơ chế tại địa phương, còn một phần bán ra thị trường ngoài, giá trị cũng tương đối cao. Các đầm sen hiện nay, du khách đã đến chiêm ngưỡng mùa sen trổ là một điểm đến du lịch của địa phương. Chuyển đổi cây sen các hộ ở thôn Phu Nham Tây và Chánh Lộc, Duy Sơn trước đây các hộ dân này rất khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo mà hiện nay họ đã thoát nghèo”.

Không riêng xã Duy Sơn mà phần lớn diện tích đất trồng lúa nằm gần chân núi thuộc các xã Duy Trinh, Duy Hoà, Duy Phú đều chuyển sang trồng sen. Những cánh đồng này thường thiếu nước tưới, hay bị nhiễm phèn nên lúa kém hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng thử nghiệm cây sen cho hiệu quả kinh tế, bà con đã nhân rộng mô hình trồng sen. Đến thời điểm này, huyện Duy Xuyên đã mở rộng diện tích trồng sen lên hơn 100 hecta, nhiều nhất tỉnh Quảng Nam.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, cây sen không những mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con mà còn là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa tới tham quan du lịch. Địa phương khuyến khích người dân trông cây sen ngay cả trên những cánh đồng có đủ nguồn nước tưới.

“Gần đây nguồn lợi thu từ cây sen trên một đơn vị diện tích hiệu quả gấp 3 đến 4 lần so với làm lúa. Diện tích trồng sen ngày một tăng cao. Đặc biệt những vùng sâu, vùng xa như vùng núi giúp cho người dân tăng thu nhập cũng là thoát nghèo và làm giàu”, ông Phan Xuân Cảnh cho biết thêm.

Trong khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có thể thấy, mô hình trồng sen trên vùng trũng thấp, vùng đất lúa kém hiệu quả là hướng đi đúng của người dân tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Út, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có khoảng 500 hộ dân trồng sen tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Điện Bàn... Nhờ mô hình trồng cây sen, nhiều hộ nông dân dân đã vươn lên làm giàu. Địa phương cũng luôn đồng hành với người dân trong việc hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân,vốn tín chấp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời cung ứng các loại phân bón cho cây sen…

Ông Nguyễn Út cho biết, Hội đứng ra kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân bao tiêu sản phẩm: “Hiện nay đang vào vụ thu hoạch sen, năng suất sen năm nay được mùa, người nông dân rất phấn khởi. Trước đây người dân làm lúa, nuôi cá, năng suất bếp bênh thì hiện nay cây sen đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân. Nhiều hộ đổi đời từ nghề trồng sen. Các cấp Hội nông dân khuyến khích động viên bà con nông dân chuyển đổi sang trồng sen những vùng đất phù hợp”./.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Khuyến khích đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Giải pháp đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho nhà nông mà còn tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân phát triển kinh tế ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Vườn măng cụt của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) bắt đầu vào vụ thu hoạch

Giải pháp online

Những năm qua, nông sản Bình Dương tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhiều thương lái tìm về tận nơi để đặt hàng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương lái đến mua tại vườn ít hơn, sản lượng tiêu thụ giảm sâu. Đến nay, nhiều nhà nông vẫn đang loay hoay đi tìm đầu ra cho sản phẩm khi vườn cây ăn trái đã bước vào vụ thu hoạch.

Vườn cây của ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, diện tích hơn 1ha với khoảng 250 gốc cây măng cụt cũng trong tình cảnh khó tiêu thụ dù đã đến mùa thu hoạch. Chọn hái những trái măng ngả màu đỏ sẫm đầu mùa, ông Tỵ tâm sự: “Mấy năm trước, bình quân mỗi năm, vườn măng này thu hoạch từ 6 - 7 tấn, thu nhập dao động từ 200 - 300 triệu đồng/ vụ. Năm nay do thời tiết nắng mưa thất thường nên măng bị mất mùa, lại rớt giá và sức tiêu thụ cũng giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến khâu vận chuyển hàng nên thương lái ít đến vườn mua, thậm chí còn bị ép giá nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn”.

Không chỉ riêng vườn măng của gia đình ông Tỵ mà còn rất nhiều nhà nông ở huyện Dầu Tiếng cũng rơi vào cảnh tương tự. Họ đã tìm đến Hội Nông dân huyện nhờ hỗ trợ tìm đầu ra. Bà Lê Vân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang tìm đầu ra hỗ trợ bà con. Ngoài việc kết nối với các ngành, các địa phương trong và ngoài tỉnh, thời điểm này hội viên nông dân huyện cũng đang hỗ trợ bà con bằng hình thức bán hàng online thông qua tài khoản qua Zalo, Facebook cá nhân nhằm chia sẻ thông tin rộng rãi với hy vọng có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đang là định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, cần phải khuyến khích và tuyên truyền sâu rộng đến từng người nông dân. Ngoài các sàn TMĐT có thương hiệu như Lazada, Shopee, Tiki… Viettel Post Bình Dương và Bưu điện tỉnh là những đơn vị “chủ lực” hỗ trợ nhà vườn địa phương đưa hàng nông sản lên sàn TMĐT. Vừa qua, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tư vấn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng nông sản trên sàn TMĐT thông qua trang website Postmart. Ông Võ Văn Tín, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: “Dự kiến trước mắt sẽ ưu tiên các sản phẩm nông sản đạt chuẩn OCCOP. Thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động nhân viên ngành Bưu điện tỉnh phối hợp tư vấn, hướng dẫn nông dân cách đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, từng bước tự vận hành gian hàng hiệu quả. Qua đó, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc thù của từng địa phương” .

Thúc đẩy xúc tiến thương mại

Bưởi da xanh cù lao Bạch Đằng, TX.Tân Uyên vốn nổi tiếng từ lâu, được thị trường ở các thành phố lớn biết đến. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh, chính thức được đưa lên sàn TMĐT của Viettel Post Chi nhánh Bình Dương. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng, cho biết: “Bưởi Bạch Đằng thường cho trái quanh năm, nhưng bà con tập trung thu hoạch cao điểm nhất vào vụ giáp Tết Nguyên đán. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ bưởi năm nay chậm hơn và giảm so với mọi năm. Để chủ động tìm đầu ra, năm ngoái chúng tôi đã thí điểm đưa hàng lên sàn TMĐT của Viettel Post. Thời buổi dịch bệnh, chúng tôi đã linh động tiêu thụ hàng qua nhiều kênh, trong đó lập trang fanpage trên tài khoản Facebook để bán hàng”.

Sở Công thương cũng đã phối hợp với các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm ở địa phương thông qua các nền tảng công nghệ số. Đây được xem là biện pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng là định hướng lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp, Sở Công thương: Sở Công thương đã và đang khẩn trương kết nối các doanh nghiệp phân phối với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản với sản lượng lớn đang gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời, sở phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ở các địa phương chủ động ứng dụng TMĐT để phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Thời gian tới, ngành công thương của tỉnh sẽ phối hợp với các ngành, các cấp đào tạo kỹ năng vận hành kinh doanh trực tuyến, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm và hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản trên các sàn giao dịch thương mại uy tín trong và ngoài nước, đặc biệt là sàn TMĐT tỉnh Bình Dương (binhduongtrade.vn) dự kiến khai trương trong năm 2021.

THU HƯỜNG - TIẾN HẠNH

Nuôi bò sinh sản hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Ông Phạm Văn Mần (Bảy Mần), sinh năm 1960, ở ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), thu nhập gần 400 triệu đồng/năm từ công việc chăn nuôi bò sinh sản, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

Vợ chồng ông Phạm Văn Mần chăm sóc đàn bò sinh sản.

Những năm 90, gia đình tôi sống trên chiếc ghe 7 lá cũ, bôn ba sang Đồng Tháp làm thuê hơn 10 năm. Mưa gió, khó khăn cùng sông nước, gia đình phải lên bờ trú tránh. Làm đủ nghề từ cắt lúa, làm cỏ, đào đất thuê, tôi tích lũy sắm máy tuốt lúa gắn bó cùng nhà nông vài năm. Đến năm 2009, tôi trở về quê nhà, trồng trọt và chăn nuôi bò”, ông Bảy Mần kể lại.

Bao năm vất vả, gia đình dành dụm được số vốn, ông Bảy Mần chuộc lại 4 công đất, mua thêm 6 công để trồng táo. Vài năm sau, ông chuyển sang trồng dừa xen cỏ nuôi bò cho đến nay. Ông mua con bò giống khởi nghiệp giá 13 triệu đồng. Số lượng bò tăng lên qua từng năm. Ban đầu, bò sinh sản ít, ông mua thêm bò đực vỗ béo để tăng thu nhập, tạo vốn. Khi chọn được lượng giống thích hợp, ông quyết định nuôi bò theo quy trình: sinh sản - nuôi thịt - xuất chuồng.

Hiện tại, ông Bảy Mần nuôi 8 bò cái sinh sản, 4 bò đực nuôi thịt và nhiều bê con. Có giai đoạn, ông nuôi hơn 15 bò cái, 7 bò đực nuôi thịt. Ông chọn giống BBB (3B), Angus, Pháp kem do khoảng 8 - 9 tháng bò có thể sinh sản lứa đầu và thời gian sinh sản kéo dài. Sau sinh sản, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (đạm, xơ) tầm 2 - 3 tháng, bò nái có thể phối giống lứa kế tiếp.

Ông Bảy Mần thường mua chuối xiêm hoặc nấu tấm, khoai lang cho bò cái ăn giai đoạn chưa cai sữa bê con. Ngoài cỏ, thức ăn dạng tinh, ông bổ sung thêm chuối xiêm, nấu tấm hay khoai lang cho bê con ăn, nhằm tránh xù lông khi dứt sữa mẹ. Từ 16 - 18 tháng sau sinh, bò thịt có thể xuất chuồng, giá bán từ 190 - 200 ngàn đồng/kg, trung bình thu nhập 45 - 50 triệu đồng/con. Riêng bò lỡ (dứt sữa xong, người dân mua về nuôi vỗ béo) giá tầm 20 - 30 triệu đồng/con, tùy theo sắc vóc, giống đực hay cái.

Bò ăn 3 cử/ngày. Sáng, chiều ăn lượng cỏ vừa đủ, phù hợp thể trạng; buổi trưa cho uống nước (đực nuôi thịt - pha trộn thức ăn, cái nuôi giống - duy nhất cám). Lượng thức ăn tăng dần theo trọng lượng bò. Khoảng 1 - 2 tháng gần xuất chuồng, cho bò ăn theo tỷ lệ: mỗi ngày, 1kg tấm - gạo lức cộng 2kg thức ăn; giúp bò thịt tăng cơ. Bò được ông Bảy Mần chọn làm giống cần đạt yêu cầu: mát sữa (dáng khỏe - hình đẹp), xương chậu rộng (sinh sản dễ dàng).

“Cần quan sát nhận biết dấu hiệu bò cái lên giống để gieo tinh. Giảm lượng thức ăn, nước uống, không tắm bò sau khi phối giống trong vòng 3 ngày. Lượng nước làm tẩy chất tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng thụ thai. Khi bò mang thai, giảm ăn cỏ voi (đạm cao, nuôi thai ảnh hưởng quá trình sinh sản), tăng lượng cỏ rài”, ông Bảy Mần chia sẻ.

Để phát triển quy mô chăn nuôi, ngoài 1ha đất nhà, ông Bảy Mần mướn thêm 7 công trồng nhiều loại cỏ xen dừa như: cỏ voi, mồm lông, mật, móc… nhằm làm phong phú, đa dạng thức ăn, kích thích sự tăng trưởng cho bò. Riêng thu hoạch dừa, mỗi lứa ông thu nhập tầm 5 - 6 triệu đồng, tạo nguồn vốn đầu tư chăn nuôi. Ông thường xuyên dùng vôi bột rải chuồng (5 - 10 ngày/lần), xịt thuốc khử trùng theo hướng dẫn ngành chuyên môn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A Lữ Hoàng Văn cho biết: Ông Phạm Văn Mần là người nông dân cần cù lao động, từ khó vươn lên. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản giúp phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển. Cồn Thành Long thay da đổi thịt từng ngày, đất ngày càng bồi tụ phù sa giúp người dân trồng cỏ nuôi bò thuận lợi, hiệu quả.

Bài, ảnh: Lê Đệ

Kinh nghiệm nuôi dê đạt hiệu quả

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Từ một người từng gặp nhiều bỡ ngỡ, nhưng với tính cần cù, chịu khó học hỏi mà hiện tại, ông Nguyễn Văn Đua, ở ấp 2B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), đã gầy dựng được trang trại nuôi dê lấy sữa cho hiệu quả kinh tế cao và tạo ra nhiều sản phẩm OCOP cho quê hương.

Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, hiện ông Đua đã gầy dựng được trang trại nuôi dê với số lượng khoảng 300 con.

Đến với trang trại nuôi dê của ông Đua, điều cảm nhận đầu tiên đó là một không gian thoáng mát, sạch sẽ; những con dê với bộ lông trắng tinh mập mạp, khỏe mạnh và thân thiện. Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Đua đã trải qua cả một quá trình.

Khi nhận thấy quê hương mình có nhiều nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp dễ tìm để làm thức ăn cho dê, vì vậy ông Đua quyết định cải tạo lại 2ha đất vườn của gia đình để xây chuồng nuôi dê và trồng cỏ xung quanh (giống cỏ Mulato II) nhằm tạo nguồn thức ăn cho dê. Những ngày đầu đưa dê giống về chuồng nuôi, ông Đua cũng gặp nhiều bỡ ngỡ vì đây là mô hình mới của địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm của bản thân nên ông Đua không ngừng mày mò, học tập kinh nghiệm từ bạn bè đi trước và nghiên cứu trên internet về quy trình nuôi dê đạt hiệu quả. Nhờ vậy, mô hình nuôi dê lấy sữa được ông thực hiện từ năm 2005 đến nay không ngừng phát triển qua từng năm và hiện đã trở thành một trang trại với số lượng dê lớn nhất của tỉnh. Với 15 con dê giống ban đầu được ông mua từ Trung tâm giống Quốc gia nay đã nhân lên được tổng đàn khoảng 300 con, trong đó dê lấy sữa có 250 con.

Để có được những con dê mập mạp, khỏe mạnh và cho nguồn sữa dồi dào, ông Đua cho biết là chuồng nuôi dê cần xây cao khỏi mặt đất từ 0,9-1m, bề rộng của chuồng là từ 2-2,5m, còn chiều dài thì tùy thuộc vào số lượng dê được thả nuôi nhưng đảm bảo tối thiểu từ 1-1,5m/con. Việc xây chuồng cao ráo hơn mặt đất nhằm giúp cho việc vệ sinh chuồng được dễ dàng, khâu xử lý phân dê cũng thuận tiện và hạn chế việc dê tiếp xúc mặt đất để phòng ngừa một số bệnh. Vật liệu xây dựng chuồng dê là thân gỗ hoặc tre và phía trước chuồng dê sẽ làm máng để đưa thức ăn vào. Xung quanh chuồng dê, bà con làm nhà tiền chế để che nắng, mưa; trong đó lưu ý là không dựng các vách nhằm tạo sự thoáng mát.

Cũng theo ông Đua, khi bà con mới bắt dê giống thì nên lựa những con có trọng lượng từ 20kg trở lên để khi đem về nuôi dê không bị mất sức. Trong quá trình nuôi thì phải đảm bảo cho ăn, uống đầy đủ để dê khỏe mạnh và phát triển. Đối với chế độ ăn thì đảm bảo 3 cử/ngày, riêng dê trong quá trình sinh sản thì có thể tăng thêm số lần cho ăn. Về thức ăn của dê, ngoài nguồn chính là cỏ thì vẫn còn nhiều loại khác rất dễ tìm tại địa phương như rơm rạ, chuối cây, thân bắp, rau muống, lục bình hay lá mít... nên rất phù hợp cho người nông dân trong tỉnh áp dụng.

So với nhiều động vật khác như trâu, bò thì nuôi dê dễ hơn rất nhiều. Ngoài ra, dịch bệnh trên dê cũng ít, trong đó chỉ thường xuất hiện 2 loại bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Vì vậy, để hạn chế bệnh xuất hiện thì người nuôi cần vệ sinh kỹ chuồng trại, nhất là nước uống và thức ăn phải đảm bảo sạch. Ngoài ra, để dê phát triển mạnh khỏe hơn thì hàng tháng người nuôi nên chích thuốc bổ cho dê.

Mặt khác, có một điểm khá đặc biệt mà không phải trang trại hay chuồng nuôi dê nào cũng có là việc ông Đua mở nhạc thường xuyên trong trang trại dê của mình. Theo ông Đua, cách làm trên nhằm giúp con dê giảm stress (căng thẳng), hạn chế phá chuồng, tiết sữa được nhiều hơn do thoải mái và lớn nhanh.

Hiện tại, trang trại của ông Đua nuôi 2 loại giống dê là Saanen và Boer. Sau thời gian nuôi từ 1,5-2 năm thì trọng lượng của con dê cái có thể đạt từ 70-80kg/con và dê đực đạt khoảng 100kg/con. Dê cái trưởng thành (sau 2-3 năm nuôi) vào lúc sinh sản có thể cho từ 2-2,5 lít sữa/con/ngày. Mỗi con dê cái khi sinh sản sẽ đẻ từ 2-3 con. Với 250 con dê cái tại trang trại, hiện mỗi ngày ông Đua thu được từ 40-50 lít sữa.

Từ nguồn sữa dê trên, ông Đua phối hợp với một số đơn vị chế biến ra 4 sản phẩm đang được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh và được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa chuộng gồm: sữa dê thanh trùng, yaourt sữa dê, sữa chua dê sấy khô (sấy thăng hoa) và phô mai dê. Ngoài kinh doanh từ sữa dê thì hàng năm, ông Đua còn bán khoảng 10% số lượng dê con từ đàn dê cái tại trang trại sinh sản được để bà con trong và ngoài tỉnh mua về làm giống nhân rộng mô hình.

Ông Đua bộc bạch: “Hơn ai hết, chính bản thân mình thấu hiểu được sự khó khăn khi mới bắt đầu vào nghề. Do đó, tôi không ngần ngại chia sẻ mọi kinh nghiệm khi có ai hỏi về quy trình nuôi dê đạt hiệu quả. Đã có không ít người đến đây mua dê giống về nuôi và áp dụng tốt các hướng dẫn nên đều đạt hiệu quả kinh tế. Do dê là loài vật dễ nuôi, không cần diện tích đất rộng nên mô hình rất thích hợp với những hộ có ý chí thoát nghèo. Hiện tại, ngoài bán dê giống, hỗ trợ kỹ thuật thì tôi còn bao tiêu nguồn sữa dê khi bà con liên kết. Tới đây, ngoài tiếp tục nâng cao chất lượng và mẫu mã 4 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh thì tôi còn dự định đưa ra thị trường thêm một sản phẩm từ sữa dê và cũng đăng ký xét đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh…”.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Phòng chống nắng nóng cho đàn gia súc, gia cầm

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Trước tình hình thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng kéo dài kèm mưa lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ đàn gia súc gia cầm. Nếu không áp dụng tốt các biện pháp chống nóng đàn gia súc, gia cầm sẽ chết hoặc phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.

Người dân cần có các biện pháp chống nóng, làm mát để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: Thiện Tâm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Hà Nội có tổng đàn gia súc gia cầm lớn so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Những ngày qua thời tiết khí hậu có biến đổi bất thường xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ tăng quá cao, kéo dài hằng tuần liên tục làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Kèm đó là mưa về đêm, đột ngột rất khó lường. Nếu không áp dụng tốt các biện pháp chống nóng gia súc, gia cầm sẽ chết hoặc phát sinh dịch bệnh.

Thời gian qua diễn biến dịch bệnh đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố cũng khá phức tạp, đối với bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện bệnh ở 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ và Đan Phượng); bệnh cúm gia cầm từ tháng 1/2021 đến nay đã xuất hiện 32 ổ dịch tại 17xã/9 huyện; bệnh dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay đã xảy ra tại 4 hộ/3 xã/3 huyện, tổng số lợn tiêu hủy là 233 con. Đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Tai xanh, lở mồm long móng, dại … tuy không xảy ra nhưng nguy cơ bùng phát bệnh là rất cao.

Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ cho đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm nắng, nóng và đang có biến đổi thất thường như hiện nay, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, người chăn nuôi cần cải tạo, nâng cấp, kiểm tra các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi cho gia súc, gia cầm. Điều này rất quan trọng để tránh bị làm con vật thay đổi nhiệt độ đột ngột, trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ (kể cả gia súc gia cầm ở mọi lứa tuổi, nhất là gia súc gia cầm non, mới nhập đàn).

Với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín, cần kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không đảm bảo vận hành.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm. Đảm bảo nghiêm ngặt chế độ nước uống đủ và sạch cho gia súc gia cầm. Với trâu, bò, bò sữa cần tăng cường các loại thức ăn thô xanh, một số thức ăn ủ chua đảm bảo cho con vật đủ no và tăng cường quá trình trao đổi chất thông qua tập tính nhai lại ở trâu bò.

Hằng ngày phải đảm bảo vệ sinh cơ giới sạch sẽ từ trong ra ngoài xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động với trâu bò. Khơi thông cống rãnh; phát quang bụi rậm để tránh ruồi muỗi, côn trùng, không để nước đọng và định kỳ phun thuốc sát trùng để hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh.

Đảm bảo mật độ nuôi và chế độ vận động, tắm trải cho gia súc gia cầm; thực hiện tốt quy định về nhập giống tăng đàn và vận chuyển gia súc gia cầm trong những ngày nắng, nóng. Người dân nên nhập giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, đủ điều kiện, không nhập ở những nơi đang có dịch bệnh. Cần kiểm tra, xem xét kỹ về chất lượng giống cũng như việc tiêm phòng đủ thời gian miễn dịch mới vận chuyển đi.

Hiện nay diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm khá phức tạp, đặc biệt những năm qua đã có bệnh mới xuất hiện (dịch tả lợn Châu phi, viêm da nổi cục), hơn nữa mầm bệnh có xu hướng mạnh về biến chủng (như Cúm A/H5N6, Cúm A H5N9 …). Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần tập trung thực hiện tốt việc tiêm phòng các loại vaccine để chủ động phòng, chống bệnh.

Khi đàn gia súc gia cầm có biểu hiện dịch bệnh, cần thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không được bán chạy, chấp hành nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn để khống chế ngăn chặn dịch, không để bùng phát lây lan trên diện rộng.

Thiện Tâm

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop