Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 07 năm 2017

Trồng cây đặc sản trên đất bạc màu

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Nhờ đức tính cần cù, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ông Đặng Thanh Lộc (ngụ ấp 2A, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã biến đồi hoang, đất cằn cỗi thành vườn quýt, cam xoàn xanh tươi, trĩu quả.

Ông Đặng Thanh Lộc (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) bên vườn quýt đường trĩu quả. Ảnh: Tuệ Lâm

Mỗi năm gia đình ông Lộc thu được hàng trăm triệu đồng từ 3 hécta đất trồng quýt đường và cam xoàn.

* Cải tạo đất cằn

Năm 2013, ông Lộc và gia đình đến vùng đất Xuân Hưng lập nghiệp. Là người gốc miền Tây nên ông có nhiều kinh nghiệm trồng các loại cây có múi. Sau một thời gian bỏ công tìm tòi, khảo sát, ông quyết định chọn trồng cây cam xoàn và quýt đường. Theo ông Lộc: “Quýt đường, cam xoàn là loại cây ăn trái tương đối dễ trồng với những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ. Vùng đất sỏi bạc màu tại xã Xuân Hưng lại không phù hợp cho giống cây này sinh trưởng. Tôi phải bắt tay vào cải tạo đất cằn”.

Khi đã quyết định, ông Lộc không ngại tốn công, tốn của đầu tư cải tạo để đất ngày càng màu mỡ. Tuy nhiên, ông Lộc cũng tính toán chặt chẽ trong khâu bón phân đảm bảo đầy đủ liều lượng để cây sinh trưởng tốt mà không lãng phí. Bên cạnh đó, ông kết hợp áp dụng kỹ thuật bón phân qua đường ống tưới tiết kiệm, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa cung cấp đủ nước cho cây trồng sinh trưởng tốt.

Tuy đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng các giống cây có múi, nhưng khi trồng trên vùng đất mới, ông Lộc vẫn không ngừng học hỏi, nhất là việc ứng dụng những kỹ thuật mới. Ông Lộc chia sẻ: “Để vườn cây ăn trái luôn tươi tốt và cho trái quanh năm, ngoài khâu chăm sóc, nắm vững kỹ thuật xử lý cây thì người trồng phải làm tốt khâu phòng và trị bệnh. Tôi luôn theo sát vườn cây, hiểu rõ những bệnh gì hay gặp để chủ động phòng tránh, khi xuất hiện bệnh thì kịp thời xử lý ngay”.

* Thu lợi nhuận cao

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc đến xử lý trong giai đoạn cây ra hoa, kết quả nên bắt đầu từ năm thứ 3, vườn cam, quýt của ông Lộc đã cho thu hoạch. Vụ đầu tiên, với 1 hécta quýt gia đình ông thu về được 10 tấn trái. Ông Lộc vui vẻ khoe: “Bắt đầu từ năm thứ 5 trở đi, 1 hécta quýt tôi thu hoạch được từ 20 tấn trái trở lên, giá bán bình quân đạt 20 ngàn đồng/kg, có thời điểm giá cao là 25 ngàn đồng/kg. Với 3 hécta đất cằn, mỗi năm tôi thu được hàng trăm triệu đồng”.

Vùng đất Xuân Hưng cằn cỗi, bạc màu vốn chỉ hợp với những cây trồng dễ tính, như: cây điều, cây xoài... Qua bàn tay chăm chỉ lao động cải tạo đất và chăm sóc cây trồng, vườn cam, quýt đặc sản của gia đình ông Lộc luôn xanh mướt, cho năng suất cao. Chất lượng trái ngon với sản lượng nhiều cũng là ưu thế để ông thu hút thương lái về tận vườn bao tiêu. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Lộc còn sẵn lòng chia sẻ kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây cam, quýt cho nhiều nông hộ nhằm giúp họ đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tuệ Lâm - Ngân Hà

Sầu riêng Đa Mi - thương hiệu nông sản mới đang được gây dựng

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm vườn sầu riêng 4 ha của chị Hoàng Thị Bình tại thôn Đa Kim, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Nhớ lại năm 2015, đây là mùa đầu tiên cho trái bói khiến chị Bình vui sướng khôn nguôi. Sản lượng đạt 17 tấn trở thành niềm vui chung của cả gia đình sau bao năm canh tác. Nhờ thu hoạch sớm vụ, nên chị Bình đã bán được giá cao với 620 triệu đồng. Ở năm thứ hai ra trái, chị Bình tiếp tục áp dụng phương pháp kích cho sầu riêng ra quả sớm. Với sản lượng đạt trên 40 tấn, giá bán xô tại vườn bình quân 38.000 đồng/kg, có thời điểm hút hàng lên đến 63.000 đồng cho loại sầu riêng Ri6 da xanh, ước tính vụ 2016, chị Bình thu hơn 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí và tiền công.

Chị Hoàng Thị Bình vui mừng với vườn sầu riêng Ri 6 da xanh đạt hiệu quả của mình.

Không chỉ có chị Bình, chị Bùi Thị Diễm, nhà ở thôn Đa Tro cũng chọn mảnh đất Đa Mi lập nghiệp gần 10 năm qua với cây sầu riêng là cây trồng chính cho kinh tế của gia đình. Hơn 800 gốc sầu riêng da xanh, mỗi năm mang lại nguồn lợi nhuận 500 triệu đồng, chưa kể một số cây ăn quả khác trồng xen canh trong vườn sầu riêng. Chị Diễm chia sẻ, khí hậu ôn hòa mát mẻ cộng với đất đỏ bazan màu mỡ thích hợp cho cây có múi như sầu riêng phát triển, không chỉ năng suất đạt cao mà chất lượng không thua kém so với các vùng trồng sầu riêng ở khu vực miền Đông Nam bộ như thịt dày, cơm vàng, thơm ngon và độ ngọt dễ chịu.

Theo thống kê, toàn xã Đa Mi hiện có khoảng 560 ha sầu riêng được nông dân trồng thâm canh hoặc xen canh với cà phê hoặc một số loại cây ăn quả khác như măng cụt, bơ. Cây sầu riêng trồng nhiều ở các thôn: Đa Tro, Đa Kim và La Dày. Vì thời tiết tại đây dịu mát do tiếp giáp với vành đai khí hậu tỉnh Lâm Đồng, tương đồng với Long Khánh - tỉnh Đồng Nai. Nhờ thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt không phải lo lắng về nguồn nước tưới vì có hồ Hàm Thuận và hồ Đa Mi tích trữ nước làm thủy điện, nông dân tận dụng bơm tưới hoặc khoan giếng có nước tưới quanh năm rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp.

Phát huy lợi thế tiềm năng sẵn có, nông dân Đa Mi chuyển đổi những cây trồng có giá trị kinh tế cao với các loại sầu riêng từ Thái Lan, Ri 6 da xanh… được các thương lái thu mua, tiêu thụ tại các thị trường trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Ngoài ra, một số nông dân ở xã Đa Mi cũng chủ động thâm canh sầu riêng với quy mô lớn, kỹ thuật chăm sóc bài bản, sản phẩm đã được một số doanh nghiệp các tỉnh miền Tây Nam bộ thu mua, xuất khẩu sang Thái Lan, Lào và Myanmar. Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Đa Mi do 15 hộ dân (tổng diện tích canh tác 30 ha) ở Đa Mi đang đề nghị các cấp có thẩm quyền của huyện Hàm Thuận Bắc và tỉnh Bình Thuận chính thức công nhận thành lập tổ hợp tác, định hướng xây dựng thương hiệu sầu riêng Đa Mi. “Sản xuất sạch, bền vững, gây dựng thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản này sẽ là hướng đi của xã Đa Mi trong thời gian tới”, chị Nguyễn Thị Ngần – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Mi, cho biết thêm.

Chí Bình

Thanh long giá rẻ xuống đường

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Hiện thanh long đang vào mùa thu hoạch. Nhiều tiểu thương vận chuyển thanh long từ các tỉnh vùng trên về TP. Cà Mau bán với giá từ 10.000-15.000 đồng/3kg. Còn thanh long trồng tại Cà Mau được thương lái mua tại vườn với giá từ 5.000-10.000 đồng/kg. Bán lẻ tại chợ từ 15.000-20.000 đồng/kg, giảm hơn 10.000 đồng so với năm trước. Thanh long ruột đỏ cũng được bán với giá chỉ 15.000 đồng/kg. Những trái thanh long dạt loại 2, loại 3 thì được bán với giá rẻ mạt.

Thanh long loại 2, loại 3 chỉ từ 10.000-15.000 đồng/3kg.

Đây là năm thứ 3 thanh long tiếp tục rớt giá. Nguyên nhân là do những năm trước đây, thanh long là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên người dân ồ ạt trồng tự phát, trong khi nhu cầu thị trường trong nước không cao, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, dẫn đến cung vượt cầu.

Thảo Mơ

Đồng Nai: Bưởi da xanh sốt giá

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Theo các nhà vườn, khoảng 10 ngày trở lại đây, giá bưởi da xanh bất ngờ tăng cao trở lại. Hiện giá mua bưởi tại vườn đạt mức 50-52 ngàn đồng/kg, tăng gần 20 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Giá cao nhưng thương lái vẫn đua nhau về tận vườn thu gom.

Từ đầu năm đến nay, giá bưởi và nhất là bưởi da xanh liên tục đứng ở mức cao vì sản lượng ít do trái mùa, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn. Riêng cuối tháng 5 và tháng 6, giá bưởi các loại đều giảm do đụng vụ trái cây hè. Bưởi da xanh sốt giá trở lại do thương lái, doanh nghiệp đang tăng cường thu gom cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, bưởi đường lá cam thường có giá cao hơn bưởi da xanh hiện vẫn đứng ở mức 450-550 ngàn đồng/chục, giảm hơn 100 ngàn đồng/chục so với hồi đầu năm.

Bình Nguyên

Triển vọng từ giống lúa thơm có sức chống chịu tốt

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Vụ hè thu 2017, nông dân tại Hợp tác xã (HTX) Khiết Tâm ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ tiến hành sản xuất thử giống lúa mới với tên gọi Hương Xuân. Sản xuất thành công loại lúa thơm này trong điều kiện thời tiết khá khắc nghiệt của vụ hè thu mở ra nhiều triển vọng nâng cao thu nhập cho nông dân…

Thử với giống lúa thơm Hương Xuân

Hương Xuân là giống lúa thuần do Công ty TNHH giống cây trồng Miền Trung chọn tạo từ lúa Jasmine 85, lúa có thời gian sinh trưởng khoảng 90-105 ngày. Là giống lúa cứng cây, ít bị đổ ngã và có khả năng chịu nóng, chịu lạnh khá và chịu phèn tốt. Hương Xuân có hạt gạo dài đẹp, trong suốt, ít bị bạc bụng, cơm ngon, có vị đậm, mềm, đặc biệt khi nấu để nguội vẫn mềm, có hương thơm đặc trưng. Bà Huỳnh Thị Kim Mai, Giám đốc Công ty TNHH giống cây trồng Miền Trung, cho biết: "Hương Xuân là giống lúa thuần được chọn tạo từ Jasmine 85, lúa cứng cây, chống đổ ngã tốt, chất lượng gạo ngon. Công ty đã chọn tạo ra giống lúa này với mục đích ban đầu là có thể đưa vào trồng tại miền Trung với các điều kiện sản xuất rất khắc nghiệt, không thể trồng được giống lúa Jasmine 85. Từ thành công tại miền Trung, công ty đã đưa giống lúa Hương Xuân vào sản xuất thử tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL".

Nông dân TP Cần Thơ tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa Hương Xuân tại HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh.

Giống lúa Hương Xuân đã được Công ty TNHH giống cây trồng Miền Trung phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ và HTX Khiết Tâm sản xuất thử với quy mô 10ha trong vụ hè thu 2017. Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc HTX Khiết Tâm, giống Hương Xuân được gieo sạ hàng với mật độ 100kg/ha. Tổng các chi phí đầu tư cho sản xuất lúa (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công làm đất, chăm sóc…) vào khoảng 8.649.000 đồng/ha, năng suất lúa ước đạt 6,07 tấn/ha, lúa tươi được doanh nghiệp bao tiêu với giá 5.500 đồng/kg.

Ngày 6-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đã phối hợp Công ty TNHH giống cây trồng Miền Trung tổ chức hội thảo đầu bờ tại HTX Khiết Tâm nhằm đánh giá giống lúa Hương Xuân đang sản xuất thử tại địa phương trong vụ hè thu 2017. Qua tham quan thực tế ruộng lúa sạ vào ngày 7-4-2017 và so sánh với nhiều giống lúa đang sản xuất tại địa phương, nhiều nông dân, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp thành phố đánh giá cao với khả năng chống chịu tốt với nhiều yếu tố thời tiết khắc nghiệt. Chất lượng gạo ngon, có tiềm năng trong phát triển sản xuất các sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo sạch, gạo hữu cơ để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với giá cao.

Triển vọng phát triển

Hè thu được đánh giá là vụ sản xuất lúa có thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm tại ĐBSCL do trời mưa và nắng đan xen, nền nhiệt thường luôn ở mức cao và nhiều loại sâu bệnh cũng dễ bùng phát. Do vậy, hằng năm trong vụ lúa hè thu, nông dân rất ngại sản xuất các loại lúa thơm vì sợ thời tiết bất lợi làm chất lượng lúa gạo không đảm bảo, khó bán được giá cao và lúa thơm cũng dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh làm tăng chi phí sản xuất.

Thời gian qua, Jasmine 85 là loại lúa thơm cho chất lượng gạo ngon đã được phát triển sản xuất phổ biến tại ĐBSCL, nhất là trong vụ đông xuân. Tuy nhiên, qua nhiều năm giống lúa Jasmine 85 sản xuất tại nhiều địa phương có dấu hiệu bị thoái hóa làm giảm chất lượng lúa gạo, nhất là giảm mùi thơm. Mặt khác, lúa Jasmine 85 dễ nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn và dễ bị ảnh hương năng suất, chất lượng khi gặp các điều kiện thời tiết bất lợi nên nông dân hạn chế sản xuất trong vụ hè thu. Theo ông Dương Quốc Toàn, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, lúa Hương Xuân có chất lượng gạo thơm ngon và một số đặc tính chống chịu sâu bệnh và thời tiết bất lợi tốt hơn so với lúa Jasmine 85 là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu và tạo ra sản phẩm hàng hóa mới có giá trị. Lúa gạo Hương Xuân nếu xuất khẩu có thể bán được giá cao. Tuy nhiên, do đây là giống lúa mới, cần phải khảo nghiệm một thời gian. Công ty sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp thành phố và các bên liên quan để nghiên cứu và nếu nông dân phát triển sản xuất loại lúa này, Công ty có thể bao tiêu đầu ra. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: "Lúa Hương Xuân có hạt lúa đẹp, chất lượng gạo ngon, lại có thể sản xuất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vụ hè thu. Nếu được doanh nghiệp cung ứng lúa giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá phù hợp, các xã viên HTX Đồng Vạn sẵn sàng hợp tác phát triển sản xuất loại lúa thơm này".

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh cho biết, trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương, Vĩnh Thạnh luôn quan tâm thăm dò, tìm hiểu khả năng thích nghi của các giống lúa thơm ngon, đặc sản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giống lúa Hương Xuân góp phần cho huyện có thêm giống lúa thơm mới. Dù xuất phát từ lúa Jasmine 85 nhưng cũng là giống mới, có nhiều đặc tính tốt hơn. Vấn đề là doanh nghiệp cần có giải pháp liên kết với nông dân tạo ra giá trị tương xứng với chất lượng sản phẩm để khuyến khích nông dân sản xuất.

Thực tế cho thấy, thời gian qua nông dân tại HTX Đồng Vạn và một số HTX, tổ hợp tác khác trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh cũng liên kết với doanh nghiệp đưa vào sản xuất một số giống lúa mới giúp mang lại hiệu quả cao so với nhiều giống lúa được sản xuất phổ biến tại địa phương. Điển hình là giống lúa Nhật bước đầu đã được nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả và niềm tin để nông dân có thể mạnh dạn sản xuất các giống lúa mới để đột phá về giá trị.

Khánh Trung

Đức Cơ (Gia Lai): Sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế phương thức canh tác thiếu hợp lý, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã triển khai mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Chị Lương Thị Thanh Huyền kiểm tra chất lượng giống hồ tiêu nuôi cấy mô. Ảnh: L.N

Những năm qua, diện tích hồ tiêu trồng tự phát trên địa bàn huyện Đức Cơ không ngừng gia tăng. Hiện tổng diện tích hồ tiêu của huyện khoảng 600 ha. Tuy nhiên, người trồng hồ tiêu chủ yếu sử dụng dây lươn và dây chính chưa được kiểm soát nguồn gốc, sâu bệnh ký sinh để làm giống nên khi trồng cây dễ bị nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao làm thiệt hại về kinh tế.

Trước thực tế trên, huyện Đức Cơ đã triển khai mô hình sản xuất giống hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô. Theo đó, huyện triển khai 15 mô hình với tổng diện tích 2,5 ha tại các xã: Ia Dom, Ia Din, Ia Nan, Ia Krêl và thị trấn Chư Ty. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1 tỷ đồng (nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh 335 triệu đồng, người dân đóng góp hơn 709 triệu đồng). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây hồ tiêu nuôi cấy mô, cây trụ sống và công kỹ thuật; hỗ trợ 50% kinh phí mua các loại nấm, men vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật và các loại phân hóa học. Người dân tham gia dự án đối ứng 100% kinh phí làm trụ bê tông, mua phân chuồng, trả công lao động.

Dẫn chúng tôi đi tham quan những vườn hồ tiêu vừa trồng sử dụng giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, chị Lương Thị Thanh Huyền-Chủ nhiệm đề án, cho biết: Đây là một dự án mang tính ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Việc sử dụng nguồn giống hồ tiêu sạch bệnh được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật có ưu điểm vượt trội so với những giống được ươm bằng dây lươn và dây chính như cây giống có bộ rễ khỏe mạnh, hoàn chỉnh, cây có sức sống mạnh, có khả năng đề kháng tốt với dịch bệnh nguy hiểm, chất lượng cây giống đồng đều, kéo dài tuổi thọ cho cây... Chị Ngô Thị Lĩnh (làng Ia Khop, xã Ia Krêl), một trong 15 hộ tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô, vui vẻ cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 400 trụ tiêu được trồng bằng dây lươn ươm nên tỷ lệ sống không cao, phải trồng dặm vài lần mới hoàn thiện được. Vừa rồi, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ để tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 2 sào (khoảng 360 trụ), tôi thấy cây giống phát triển rất tốt do bộ rễ rất khỏe, tỷ lệ sống đạt gần 100%. Hy vọng với mô hình này, cây hồ tiêu phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao, giúp gia đình phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, cho biết thêm: Sản xuất cây giống hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô là sử dụng những mô được lấy từ những cây mẹ ngoài tự nhiên có khả năng kháng bệnh, năng suất cao. Với phương pháp này sẽ tạo ra hàng loạt cây giống giữ nguyên bản chất di truyền và năng suất của cây mẹ. Ngoài ra, cây giống được tạo ra trong môi trường cấy mô thì bộ rễ rất khỏe, khả năng sinh trưởng nhanh hơn so với giống ươm bằng phương pháp truyền thống. Ưu điểm vượt trội hơn nữa đó là một số giống không thể ươm bằng phương pháp dâm dây lươn như tiêu Phú Quốc thì phương pháp nuôi cấy mô có thể cho ra hàng loạt giống này từ những mô của cây mẹ. Áp dụng mô hình này sẽ giúp người dân giảm tỷ lệ cây chết khi xuống giống khoảng 20% so với giống thông thường; giảm tỷ lệ sâu bệnh hại; cây phát triển đồng đều. Mô hình này cũng sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức từ việc sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc sang sử dụng giống có chất lượng cao hơn.

Lê Nam

Bình Thuận: Ghép chồi trẻ hóa vườn điều già

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Phần lớn diện tích điều già cỗi được trồng trên đất xấu, chủ yếu phó thác cho tự nhiên và chờ ngày thu hoạch. Ắt hẳn, năng suất không đạt. Một trong những phương pháp trẻ hóa vườn điều già, nâng cao chất lượng sản phẩm là ghép chồi.

Diện tích giảm, năng suất thấp

Theo ông Trần Minh Quân (Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp – Phan Thiết - Bình Thuận), trước năm 2012, toàn xã có 950 ha điều. Cây điều giúp nông dân Thiện Nghiệp có thêm nguồn thu khá, cải thiện mức sống nhờ sản lượng tăng, giá ổn định. Tuy nhiên, kể từ năm 2012 cho đến nay, năng suất cây điều liên tục giảm, từ 1 tấn/ha giảm xuống còn vài tạ. Riêng năm 2017, năng suất đạt 800kg/ha do ra bông muộn so với thời gian thông thường. Khi năng suất giảm, nhiều gia đình chặt bỏ hết vườn điều chuyển sang trồng keo lá tràm và diện tích canh tác điều giảm 42,11%, tương ứng còn 550 ha (2017).

Không riêng gì xã Thiện Nghiệp có diện tích canh tác điều giảm, mà tại xã Suối Kiết (Tánh Linh), diện tích cây điều hiện nay còn 100 ha, giảm 1/2 số diện tích so với trước năm 2005 (hơn 200 ha). Chính vì năng suất thấp, thay vì tiếp tục cải tạo duy trì thì người nông dân chặt bỏ và trồng cao su, keo lá tràm.

Tìm hiểu thêm thông tin, ông Nguyễn Hữu Chí (Chủ tịch UBND xã Mê Pu – Đức Linh) than phiền: “Nông dân Mê Pu thâm canh sống nhờ cây điều trong suốt thời gian qua. Giá điều năm 2017 khá cao so với các năm trước, nhưng nông dân không có thu nhập bởi điều đang ra hoa, đơm nụ gặp mưa, sương muối kết hợp dịch bọ xít dẫn đến tỷ lệ đậu quả chỉ đạt khoảng 20% so với năm trước; nhiều hộ mất trắng. Với sản lượng 1 tấn/ha gần như mất trắng trên tổng diện tích hơn 1.800 ha, giá bán 35.000 đồng/kg; như tính toán, toàn xã thất thu từ điều hàng chục tỷ đồng. Hiện, không ít nông dân vẫn còn nợ tiền phân thuốc từ các đại lý”.

Già cỗi

Ông Quân cho biết thêm: “Phần lớn diện tích điều được trồng trên đất xấu, độ dốc, không có nước tưới, khó có điều kiện thâm canh. Bên cạnh đó, lượng điều trồng trên đất lâm nghiệp gần như không chăm sóc thì giai đoạn đầu cây điều kém phát triển. Với những vườn điều thâm canh không nhiều, người dân chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật; chủ yếu phó thác cho tự nhiên và chờ ngày thu hoạch”.

Theo thống kê, tổng số hơn 300.000 ha điều của cả nước, tập trung phân bố ở 9 tỉnh gồm Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… Trong đó, 29,5% diện tích điều già cằn trên 20 năm tuổi, 39,2% diện tích điều bị sâu bệnh, trồng phân tán bị năng suất thấp. Trên 65% diện tích điều hiện nay được trồng bằng giống chất lượng kém, dễ nhiễm sâu bệnh, ra hoa tập trung trong thời gian ngắn, dễ bị ảnh hưởng khi gặp mưa trái vụ, sương muối cho nên ít đậu quả.

Ghép chồi tăng năng suất

Với tình hình chất lượng cây điều giảm sút, các nông dân trồng điều tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có sáng tạo ghép cải tạo vườn điều. Bằng cách, chọn những cây điều chất lượng nổi trội, hạt to đều, năng suất cao, ít sâu bệnh, tỷ lệ nhân cao từ 30% trở lên để lấy chồi ghép vào những cây điều già cỗi, ít hạt hoặc hạt quá nhỏ, sau đó mới tỉa cành. Với kiểu ghép này, số cây điều/ha là 200 cây, hàng cách hàng 5m, cây cách cây 10m, giúp việc thu hoạch sẽ không bị gián đoạn vì không cưa cây; tỷ lệ nhân đạt từ 30 - 32%, năng suất cao khoảng 3 tấn/ha, ít sâu bệnh.

Khâu tiến hành ghép cải tạo vào cuối tháng 4 đến cuối tháng 8 âm lịch. Kết thúc mỗi một ngày ghép, cần tiến hành phun để phòng trừ ngay các côn trùng và sinh vật gây hại vết ghép và chồi ghép như kiến, bọ xít muỗi, bọ đục chồi… Sau đó, mô hình ghép cải tạo vườn điều già cỗi như trên được nhân rộng nhiều nơi, giúp người nông dân tăng năng suất, nâng chất lượng hạt điều gấp 3 lần so với trước đây; mà không gây ảnh hưởng đến nguồn thu nhập trong quá trình thực hiện ghép. Nếu trồng mới, người nông dân sẽ không có thu nhập trong 5 - 6 năm đầu.

Để khoảng 18.000 ha điều Bình Thuận phát triển bền vững mang lại giá trị sản lượng, thu nhập cao cho nông dân, thông qua cách làm của tỉnh bạn, các ngành liên quan giúp nông dân cải tạo vườn điều, học tập phương pháp ghép điều của Bình Phước. Song song đó, với vườn điều già cỗi, năng suất thấp, sâu bệnh nặng cần phải trồng tái canh bằng giống điều mới chất lượng cao theo phương thức đồng loạt hoặc cuốn chiếu phù hợp với khả năng của từng vùng, từng hộ.

Trang Minh

Đắk Lắk: Cấp 323.242 cây giống cà phê tái canh

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã cấp 323.242 cây giống cà phê phục vụ nhu cầu tái canh cho các hộ nông dân trong tỉnh, đạt 60,9% kế hoạch.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn kỹ thuật tái canh cà phê cho bà con nông dân

Trong đó, huyện Krông Năng 77.845 cây, Buôn Đôn 13.386 cây, Krông Pắc 17.160 cây, Ea H'leo 128.005 cây, Lắk 28.364 cây, Krông Ana 12.350 cây, Krông Búk 5.720 cây, Ea Kar 40.430 cây.

Đây là chương trình hợp tác với Công ty TNHH Nestle Việt Nam, theo đó, các địa phương có nhu cầu đến đăng ký cây giống tại Trung tâm, sẽ được hỗ trợ 1.500 đồng/cây và các kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê sau tái canh. Toàn bộ giống hỗ trợ đều có nguồn gốc từ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và có sự giám sát của Nestle trong suốt quá trình ươm giống, chăm sóc, bàn giao cây giống... Năm 2017, có 1.524 hộ của 8 huyện đăng ký với 530.502 cây. Dự kiến, số cây giống còn lại sẽ được cung cấp cho người dân vào cuối tháng 7 này để bà con kịp thời trồng tái canh.

Thanh Hường

Doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng ngô nuôi bò

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Hơn 12 ha đất chân ruộng một vụ của đồng bào dân tộc thiểu số xã Đinh Lạc (Di Linh, Lâm Đồng) liên kết sản xuất cây ngô cung cấp chăn nuôi bò sữa cho Công ty Cổ phần bò sữa Vinamilk đã đem lại hiệu quả cao.

Trồng ngô mang lại hiệu quả cao cho người dân tộc thiểu số. Ảnh: H.Y

Để giải quyết những khó khăn trong sản xuất, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, tăng cao năng suất và hiệu quả thu nhập, UBND xã Đinh Lạc kết hợp với Công ty Cổ phẩn bò sữa Vinamilk triển khai thí điểm mô hình trồng ngô và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Qua đó, bước đầu mô hình này đã cho hiệu quả rất cao so với trồng lúa, từ đấy nhiều hộ nông dân đã tăng thu nhập từ bán ngô cho công ty. Ông K’Briếp (thôn K’Kuil) cho biết, trước đây, gia đình ông có 1,3 ha đất ruộng chỉ trồng lúa, giá lúa luôn thấp, không ổn định. Từ khi Công ty Vinamilk thực hiện thí điểm mô hình trồng ngô, ông đã đăng ký tham gia. Những ngày vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch, giá bán ổn định, cao hơn trồng lúa gấp nhiều lần. Tương tự, bà Ka Hoa (thôn Djọe) chia sẻ, diện tích đất của gia đình trước đây chỉ trồng lúa 1 vụ, thời gian còn lại để đất trống rất lãng phí, từ khi chuyển sang trồng ngô kinh tế khá hơn hẳn do sản xuất 3 vụ ngô/năm. Với giá bán hiện nay 1.270 đồng/kg, người trồng ngô có thu nhập cao.

Trong quá trình sản xuất, nông dân được Công ty hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đến khi thu hoạch Công ty đến tận ruộng để thu mua sản phẩm nên giúp bà con yên tâm sản xuất. Điều đáng nói nữa là trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa chi phí không nhiều bởi phần giống, thuốc, phân tro đầu tư rất ít, trong khi đó khâu thu hoạch được doanh nghiệp thu mua thuê nhân công đốn, chặt, vận chuyển hoàn toàn, người nông dân chỉ việc cân sản lượng và thu tiền.

Cây ngô đã khẳng định sự thích nghi trên chân ruộng lúa 1 vụ của người dân, qua một vụ trồng thử nghiệm đã cho kết quả rõ rệt.

Bà con tham gia trồng ngô có lãi cao hơn trồng lúa rất nhiều, bởi bình quân mỗi ha đạt 70 tấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân đạt 60 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biết, cây ngô là nguồn thức ăn chính, giàu dinh dưỡng cho đàn bò sữa. Do đó, nhu cầu thu mua ngô làm thức ăn cho bò là rất lớn. Qua đánh giá thực tế, việc trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa đem lại giá trị kinh tế cao gấp 6 lần so với trồng lúa cho thấy hiệu quả rõ rệt nên bà con yên tâm chuyển đổi sang trồng ngô liên kết với doanh nghiệp. Hiện diện tích trên địa bàn xã cung cấp cho Công ty bò sữa Vinamilk là 12 ha ngô, ngoài diện tích nay ra người dân cũng chủ động trồng hơn 36 ha ngô cho đàn bò sữa của gia đình. Trong thời gian tới, UBND xã khuyến khích người dân mở rộng lên 50 ha ngô nữa, đây cũng là cơ hội mở hướng đi cho người nông dân trồng ngô cho doanh nghiệp, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Hoàng Yên

 Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop