Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 11 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 11 năm 2016

TX Bình Minh (Vĩnh Long): Bưởi Năm Roi, xà lách xoong được giá

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Ông Lê Văn Biên - Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh (Vĩnh Long) - cho biết thời gian này nhà vườn trồng bưởi, xà lách xoong có thu nhập khá nhờ 2 nông sản này được giá rất cao. Cũng nhờ hệ thống bờ bao đảm bảo, nên ruộng vườn không bị ảnh hưởng do triều cường lớn.

Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa được giá nhờ mở rộng, đa dạng thị trường.

Hiện bưởi Năm Roi Mỹ Hòa loại 1: 30.000 đ/kg, loại 2: 22.000 đ/kg và loại 3 là 11.000 đ/kg. Còn xà lách xoong đang ở mức 40.000 đ/kg, cao hơn gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Lê Văn Biên, hiện xà lách xoong được giá cao nhất từ trước tới nay do nhu cầu thị trường tăng mạnh, thời điểm mùa nắng tháng 4 vừa qua, loại rau này có giá đến 55.000 đ/kg. Hiện vùng xà lách xoong của thị xã được trồng tập trung ở 2 xã Đông Thuận, Thuận An với hơn 130ha.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chua - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa - cho rằng: Sản lượng bưởi ngày càng ít trong khi thị trường đang được mở rộng, đa dạng hơn. Thị trường trái bưởi năm nay khá ổn định, mọi năm từ rằm tháng 7 thường bị “bể chợ” do cung vượt cầu.

TRẦN PHƯỚC

Làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp

Nguồn tin: Báo Bắc Kạ

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của hộ anh Vi Hoàng Sơn ở thôn Bó Lếch, xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn, Bắc Kạn), chúng tôi thật sự cảm phục nghị lực và ý chí của người nông dân này. Những sườn đồi hoang sơ trước kia, nay đã trở thành vườn cam, quýt, hồng, lê, dẻ… xanh mướt.

Gia đình anh Sơn đang vào vụ thu hoạch quýt.

Năm 1997, anh Vi Hoàng Sơn quyết định vào khu đất đồi ở Khuổi Già để khai phá, trồng cây ăn quả. Bước đầu, gia đình anh chọn cây mơ để trồng với diện tích 1,5ha. Tuy nhiên, cây mơ ngày càng mất giá. Thông qua học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình cách làm hay, tìm hiểu sách báo, các phương tiện truyền thông đại chúng… nhận thấy cây quýt có giá trị cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, anh quyết định chặt bỏ phần lớn diện tích trồng mơ để trồng hơn 500 cây quýt. Với bản tính cần cù, chịu khó kết hợp với vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tế, anh Sơn đã chăm sóc vườn quýt phát triển tốt. Sau 3 - 5 năm, những cây quýt đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch, năng suất và chất lượng cao, bán được giá.

Từ hiệu quả của mô hình trồng quýt, gia đình anh Sơn tiếp tục mở rộng diện tích đất đồi để trồng thêm nhiều loại cây ăn quả khác. Sau gần 20 năm, đến nay gia đình anh Vi Hoàng Sơn đã có vườn cây ăn quả với diện tích 8ha, với khoảng 1.000 cây hồng không hạt, hơn 500 cây quýt, 200 cây mận, 80 cây cam, 70 cây lê, 50 cây “mác cọt” và 40 cây dẻ, tất cả đều đã cho thu hoạch.

Để chăm sóc tốt cho vườn cây ăn quả, gia đình anh Sơn đã bỏ nhiều công sức dẫn nước từ khe núi về. Vào vụ thu hoạch, bón phân hoặc làm cỏ, gia đình đều thuê thêm nhân công để làm. Trong vườn của anh, cứ mùa nào thức nấy, tư thương đến tận vườn thu mua không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Với sự chăm chỉ, nỗ lực và không ngừng tìm tòi học hỏi, đến nay mỗi năm bình quân gia đình anh Sơn thu về khoảng 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Sơn cho hay: “Lúc đầu mới phát triển cây ăn quả, tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Quỹ đất của gia đình là đất đồi có độ dốc cao, phân bón dễ bị rửa trôi, gây trở ngại cho khâu chăm sóc. Sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, tôi kiên trì tìm mua về trồng những giống cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu và thị trường địa phương. Trồng cây ăn quả không quá nặng nhọc nhưng lại nhiều việc: làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Tuy nhiên, hướng phát triển kinh tế này cho thu nhập khá và ổn định nếu chăm sóc đúng kỹ thuật”.

Nhờ biết trồng xen canh các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích đất nên kinh tế của gia đình anh Vi Hoàng Sơn ngày một phát triển. Ngoài ra, anh luôn sẵn sàng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với bà con làng xóm để họ cùng phát triển kinh tế. Mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp của gia đình anh Sơn xứng đáng là điển hình để người dan tham khảo và làm theo./.

Lường Loan

Hàng trăm hecta chanh ngập chìm trong nước, nhà vườn thiệt hại nặng

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Chỉ qua mấy trận mưa lớn cộng thêm triều cường, nước lũ dâng cao trong tuần qua khiến hàng trăm hecta chanh của người dân huyện Đức Hòa (Long An) bị chìm sâu trong nước gây thiệt hại khá nặng. Dù người dân đã phải bơm nước suốt ngày đêm cứu vườn cây nhưng nhiều diện tích chanh vẫn bị chết, lá, trái rụng đầy gốc…

Thiệt hại nặng

Có mặt tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa (Long An), địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, chúng tôi chứng kiến nhiều vườn chanh của dân vẫn còn đang ngập sâu trong nước. Người dân phải ngày đêm canh vườn để tăng cường bơm nước cứu cây khỏi bị ngập úng do mưa, lũ, triều cường dâng cao.

Nhà vườn phải tăng cường bơm nước suốt ngày đêm tiêu úng cho vườn chanh

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thế, ở ấp Bùng Binh, có 1ha chanh (6 năm tuổi) đang cho thu hoạch trái, nhưng “dính” mấy trận mưa lớn nước không kịp tiêu thoát khiến vườn chanh bị ngập úng 100%. Dẫn chúng tôi ra sau nhà xem thực tế, ông Thế rầu rĩ than: “Chưa năm nào bị mưa lớn như năm nay, cộng thêm nước lũ, triều cường dâng lên nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Mặc dù gia đã dùng cả hai máy bơm dầu và bơm điện liên tục chạy suốt ngày đêm, vẫn không kịp, nhiều cây chanh bị ngập úng, lá vàng úa, trái rụng đầy gốc thế này, chắc cây sẽ chết”.

Tương tự, vườn chanh 5ha của gia đình ông Phan Bé Hùng kế bên cũng bị thiệt hại 30% do ngập úng nước. “Thời tiết thật kỳ lạ, vào mùa hạn bà con chỉ mong có chút nước tưới cho cây đỡ khát cũng hiếm, khi mưa lại như đổ nước xuống ngập trắng cả vườn chanh như thế này thật sợ quá. Để cứu vườn cây, tôi đã phải huy động thêm mấy máy bơm công suất lớn cho chạy 24/24 hết hơn 1.000 lít dầu rồi nước mới kịp rút đấy”.

Nhiều diện tích chanh ở Hòa Khánh Tây bị chìm trong nước mưa, lũ

Một trong những trường hợp có diện tích chanh bị ngập úng và mất trắng, thiệt hại nặng nhất ở xã Hòa Khánh Tây có lẽ là trường hợp ông Phan Văn Xăng, ấp Hóc Thơm 1. Gia đình ông Xăng có 8 công đất với hơn 450 gốc chanh và 50 gốc mãng cầu bị ngập úng không kịp xử lý.

Theo ông Xăng, gia đình đã đầu tư vốn xới đất, lên liếp, cây giống, phân bón, cộng tất cả các chi phí nhân công gần 35 triệu chưa tính phần đê bao, giờ đây xem như mất trắng hoàn toàn. Gần đó, gia đình ông Út Dẻo, ấp Bùng Binh, có 0,5ha chanh cũng đã “đi” sạch cả vườn đang cho thu hoạch vì mưa lũ lớn làm vỡ bờ bao.

Nhà vườn chủ quan

Ghi nhận của PV, mặc dù nông dân trồng chanh đã đầu tư hệ thống đê bao để tránh lũ, tuy nhiên, do mưa to, triều cường dâng cao khiến nhà vườn không kịp trở tay.

Không riêng xã Hòa Khánh Tây, hầu hết những hộ dân trồng chanh giấy ở các địa phương vùng lũ thuộc huyện Đức Hòa đều bị thiệt hại nặng.

Những cây chanh bị ngập úng nước đang vàng úa lá rụng trái rồi chết

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch HND xã Hòa Khánh Tây cho biết: “Sau những trận mưa lớn kèm theo hồ Dầu Tiếng xả lũ và triều cường lên nhanh khiến cho hơn 90% diện tích chanh của xã bị ngập úng, chỉ trừ một số trường hợp đê bao cao, nông dân bơm nước kịp thời mới tránh được thiệt hại. Từ sau năm 2000 đến nay mới có những trận mưa lớn như thế nên nhiều nhà vườn chủ quan, bờ bao không chịu gia cố chắc chắn. Khi mưa xuống, lũ, triều cường dâng lên nhanh, bà con không kịp bơm nước để cứu vườn cây, gây thiệt hại nặng như vậy”.

Theo ông Bình, hiện nông dân trồng chanh trong xã rất lo lắng vì thiếu vốn đầu tư lại sau khi mưa lũ rút.

Ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây:

“Hiện cây chanh được trồng tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn ven sông Vàm Cỏ Đông như thị trấn Hiệp Hòa, xã Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam và Hựu Thạnh.

Trong đó, xã Hòa Khánh Tây là địa phương có diện tích chanh chiếm hơn 50% toàn huyện (khoảng hơn 200ha) bị thiệt hại nặng nhất sau những trận mưa, lũ vừa qua. Nguyên nhân do nhà vườn chủ quan nên nhiều diện tích chanh thiệt hại từ 30%-100%.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão xã đang vận động nông dân gia cố đê bao và thống kê diện tích chanh thiệt hại nặng để huyện, tỉnh có phương án hỗ trợ”.

MINH SÁNG

Làm giàu nhờ cây thanh long trên vùng đất phèn

Nguồn tin: Tiền Giang

Nhắc đến huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, người ta nghĩ ngay đến vùng đất với "Bàng, năng chắn lối, lác phủ đầu người", thế nhưng, vài năm trở lại đây, ngoài cây khóm, khoai mỡ, cây thanh long bắt đầu bén duyên và nhiều nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ thanh long trúng mùa, được giá. Anh Ngũ Tấn Lũy, xã Thạnh Tân là một điển hình.

Anh Lũy chăm sóc thanh long.

Vốn xuất thân quê gốc Cà Mau, sau những vụ nuôi tôm thất bại, năm 2012, anh Lũy cùng gia đình quyết định chọn vùng đất Tân Phước để lập nghiệp. Anh Lũy mua 1,5ha đất khóm cõi, đồng thời mướn nhân công về cải tạo đất và bắt đầu "bén duyên" với cây thanh long ruột đỏ. Nhờ cần cù, siêng năng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc, cộng với thổ nhưỡng thích hợp, chưa đầy 1 năm, cây thanh long đã bắt đầu cho trái.

Theo anh Lũy, tàn thanh long càng lớn, nhánh càng nhiều, năng suất thanh long càng tăng. Nếu để thanh long ra trái theo tự nhiên, giá bán sẽ không cao, chính vì vậy, anh đã áp dụng biện pháp xông đèn để thanh long cho trái nghịch vụ. Nhờ vậy, năm 2015, sau khi trừ các chi phí, anh Lũy thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Anh Lũy chia sẻ: "Trồng thanh long trên vùng đất Tân Phước nếu bón phân theo quy trình như các vùng khác thì cây thanh long sẽ không cho hiệu quả kinh tế cao. Đất phèn cần tăng cường bón nhiều phân lân để rửa phèn, lúc xử lý đất phải xẻ rãnh để thoát nước và mưa có thể rửa phèn không gây hại cho cây thanh long. Nắng nóng, phèn bốc lên, thanh long không phát triển nổi, phải tăng cường đậy gốc bằng rơm để che mát cho gốc thanh long, đồng thời rơm mục thành phân hữu cơ ủ cho cây. Phân hữu cơ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cây thanh long phát triển lâu dài, tăng tuổi thọ, không bị mất sức, đủ khả năng nuôi trái cao, trái đạt chất lượng".

Bên cạnh đó, anh Lũy cho biết, khoảng 1 tuần nữa anh sẽ thu hoạch thanh long, trái nhỏ nhất khoảng 500gram, trái lớn nhất ngoài 1kg. Thời gian từ ngày thanh long ra hoa đến khi thu hoạch khá nhanh nên phải tăng cường bón phân, phun thuốc đầy đủ để thanh long đạt chuẩn xuất khẩu, không sợ bị ế. Hiện tại, giá thanh long ruột đỏ khá cao, nông dân phấn khởi. Năm nay, gia đình anh cũng mang về nguồn thu không thua kém năm rồi.

Ngoài ra, sau khi thu hoạch thanh long xong, phải tỉa cành, cắt bỏ những cành già cỗi, bị sâu bệnh và phun thuốc ngừa bệnh đốm trắng hại thanh long; thường xuyên kiểm tra để kịp phát hiện bệnh, tránh để lây lan trên diện rộng. Đồng thời, nên lưu ý, nhằm hạn chế sâu bệnh, đủ điều kiện để ánh nắng rọi vào vườn, làm khô ráo đất, không nên trồng thanh long quá dày, trồng với mật độ vừa phải. Với các quy trình như thế, sau khi cây phục hồi, đủ khả năng cho trái nông dân có thể tiếp tục xử lý để thanh long cho trái.

Từ khi thành công với cây thanh long trên vùng đất này, anh Lũy khuyến khích, kêu gọi nông dân mạnh dạn cải tạo đất, chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm tích lũy để cùng nhau phát triển diện tích thanh long, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Với anh Lũy, niềm vui lớn nhất của anh không phải là những bằng khen hay giấy khen mà là sự thành công, chiến thắng sau bao nhiêu lần thất bại từ những loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, anh đã chinh phục được vùng đất "rốn lũ, rốn phèn" bằng sức cần lao và sự chịu khó, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Ông Hồ Văn Học, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: "Mô hình trồng thanh long của anh Lũy được xem là mô hình hiệu quả tại nơi này và được địa phương chọn làm mô hình điểm để bà con tham quan, học hỏi, cùng nhân rộng mô hình. Anh nhiệt tình, thật thà trong việc hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, mạnh dạn phát biểu ý kiến trong các cuộc hội thảo về trồng và chăm sóc cây thanh long. Chúng tôi đánh giá cao vai trò, mô hình của anh Lũy".

Minh Toàn

Bắc Giang: Tỷ phú cam trên vùng cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Mỗi vụ cam có thể thu về lãi 1 – 1,5 tỷ đồng là hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng cam đường Canh, cam Vinh trên đất đồi của gia đình chị Vũ Thị Thìn ở thôn Đồng Quýt, xã vùng cao Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Cũng như bao hộ dân khác ở vùng quê Lục Ngạn, trước kia trang trại rộng hơn 10 mẫu của vợ chồng chị Vũ Thị Thìn cũng có hơn 2 mẫu vải thiều, còn lại chủ yếu là diện tích đồi trọc. Vào những năm 2000, giá cả của quả vải thiều bấp bênh, bởi vậy khi thu hoạch xong anh chị phải chở ra tận thị trấn Chũ tiêu thụ, vất vả mà tiền thu về chẳng được là bao.

Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn thôi thúc bản thân chị Thìn. Chị nghĩ rằng nếu cứ bám lấy cây vải thiều thì khó mà giàu được nên vợ chồng chị bàn nhau và quyết định chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang giống cây ăn quả khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo đó, từ năm 2004, vợ chồng chị Thìn đã chuyển đổi một phần diện tích vải thiều sang trồng khảo nghiệm 200 cây cam đường Canh. Hai năm sau thì gia đình anh chị trồng thử giống cam Vinh. Những năm tiếp theo, diện tích cam nhà chị cứ tăng dần lên.

Chị Thìn kiểm tra vườn cam đang chuẩn bị cho thu hoạch

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế lại không tỷ lệ thuận với diện tích bởi những năm đầu cả hai vợ chồng đều thiếu kinh nghiệm chăm sóc cây cam, nhất là đối với cây cam đường Canh. Những năm đầu do gia đình chị Thìn áp dụng theo cách chăm sóc cây cam của đồng bằng miền xuôi. Đó là khi cam đường Canh đến thời kỳ chuẩn bị ra hoa thì đánh lên phơi gốc, sau đó mới trồng xuống. Nhưng ở đây, đất đồi tơi xốp đâu có giống đất thịt ở đồng bằng, cây đánh lên không vỡ bầu cũng bị chột, không thể phát triển được, nói gì đến chuyện ra hoa. Cùng đó là việc tiết kiệm không bón đủ nguồn phân cho cây hay sử dụng phân chuồng chưa qua xử lý để chăm bón cho cây cam cũng làm cho cây phát sinh nhiều bệnh dẫn đến thất thu.

Thất bại trong buổi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng không làm vợ chồng chị nản chí. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của các chủ vườn đã trồng chăm sóc thành công cây cam trên đất đồi Lục Ngạn, kết hợp với việc đúc rút kinh nghiệm trong quá trình lao động sản xuất, vợ chồng chị Thìn đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cây cam ở trên đất đồi. Điển hình là việc chăm sóc cây cam Canh, gia đình chị Thìn sử dụng kỹ thuật chặt rễ và đảo đất thay cho kỹ thuật đánh bật gốc cây của miền xuôi, cùng đó là kết hợp với kỹ thuật khoanh gốc, bón phân hợp lý đã giúp cho cam đơm hoa, kết trái sai trĩu cành. Không những vậy, mẫu mã và chất lượng quả cam khi được trồng chăm sóc tốt trên đất đồi Lục Ngạn lại cho vị ngọt và thơm ngon hơn so với ở miền xuôi.

Từ khi nắm chắc được kỹ thuật chăm sóc cây cam, vợ chồng chị Vũ Thị Thìn đã quyết định mở rộng diện tích sản xuất ra hơn 10 mẫu đất, trong đó có một nửa diện tích trồng cam đường Canh và một nửa diện tích trồng cam Vinh.

Cùng đó, vợ chồng chị còn quyết định đầu tư vào chăn nuôi lợn để một mặt cung cấp thịt thương phẩm ra thị trường, mặt khác tiết kiệm nguồn phân bón hữu cơ chất lượng để chăm sóc cho cam. Theo đó, gia đình chị Thìn đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại chăn nuôi từ 100 – 150 con lợn thương phẩm/lứa (chỉ tính việc xuất chuồng lợn thương phẩm đã giúp gia đình chị Thìn thu lãi cả trăm triệu đồng/năm). Từ hệ thống chuồng trại này, nguồn phân thải được bơm rửa đưa qua hầm khí biogas (tận dụng nguồn ga phục vụ cho nấu nướng), rồi phế phẩm từ sau hầm biogas lại được bơm lên ao phân hủy và xử lý, sau đó mới được hòa với nước tưới bón cho cây. Cũng nhờ có nguồn phân bón hữu cơ đã được xử lý này tưới bón cho cam mà vườn cam nhà chị Thìn rất xanh tốt dù được trồng trên đất đồi cằn khô sỏi đá.

Nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt nên 5 năm gần đây, vườn cam nhà chị luôn được mùa cho thu hoạch từ 50 – 65 tấn quả/vụ, giá trị thu về đạt từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm. Điển hình như năm 2015, vườn cam nhà chị Thìn cho sản lượng 65 tấn quả, trong đó cam Vinh 15 tấn, bán trung bình được giá 28 nghìn đồng/kg; cam đường Canh được 50 tấn quả, giá bán trung bình được 20 nghìn đồng/kg, tổng giá trị thu về gần 1,5 tỷ đồng. Đến vụ cam năm 2016, chị Thìn ước tính sẽ thu hoạch khoảng 70 tấn quả, trong đó có 40 tấn cam Canh và 30 tấn cam Vinh. Hiện cam Vinh chuẩn bị được thu hoạch, tiểu thương ở Hà Nội đã đến thăm đặt mua cả vườn với giá chốt 20 nghìn đồng/kg, rẻ hơn 8 nghìn đồng/kg so với vụ trước.

Nhờ hiệu quả kinh tế từ vườn cam mang lại, gia đình chị Vũ Thị Thìn không chỉ xây dựng được căn nhà kiên cố, mua sắm được trang thiết bị phục vụ sinh hoạt đắt tiền mà năm 2014, vợ chồng anh chị đã mua được chiếc xe ô tô Fortuner sang trọng trị giá hơn 1 tỷ đồng để phục vụ đi lại. Thực tế, gia đình chị Vũ Thị Thìn đã trở thành hộ làm kinh tế giỏi tiêu biểu của huyện Lục Ngạn trong lĩnh vực phát triển làm kinh tế trang trại vườn đồi.

Hội Nông dân xã Tân Mộc thăm quan vườn cam của gia đình chị Vũ Thị Thìn

Đức Thọ - Đài truyền thanh Lục Ngạn – Bắc Giang

Không phát triển ồ ạt, tìm đầu ra bền vững cho cam Cao Phong

Nguồn tin: VOV

Cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến là một loại đặc sản của tỉnh Hòa Bình.

Sau hơn 2 năm được cấp chỉ dẫn địa lý, cùng với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến là một loại đặc sản của tỉnh Hòa Bình có chất lượng thơm ngon và an toàn. Diện tích trồng cam Cao Phong không ngừng được mở rộng qua mỗi năm. Sản lượng ngày càng tăng nhanh chóng. Đây cũng là lúc cần đến những giải pháp kết nối, tiêu thụ tìm đầu ra ổn định, để giữ gìn và phát triển bền vững thương hiệu cho loại nông sản nổi tiếng này.

Cần kết nối tiêu thụ bền vững

Khi những đồi cam ở Cao Phong bắt đầu chín vàng, cũng là lúc tư thương khắp nơi tấp nập đến tận vườn để gom hàng đưa về các tỉnh, thành tiêu thụ. Ông Trần Văn Tuyên ở khu 4, thị trấn Cao Phong chia sẻ, gia đình ông trồng cam từ năm 2004 đến năm 2008 bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây trồng này, ông Tuyên tiếp tục đầu tư hợp tác, liên kết mô hình 50/50 (người đầu tư vốn hợp tác với người có đất), đến nay đã có 17ha cam. Mỗi hec-ta cho sản lượng khoảng 30 tấn. Mùa cam năm nay, giá đầu vụ tương đối ổn định, người trồng cam Cao Phong phấn khởi vì có lãi.

Nông dân Cao Phong chăm sóc cam theo quy trình VietGAP

Ông Trần Văn Tuyên cho hay, 1ha thu về cả gốc lãi 700-800 triệu đồng. Cam Cao Phong có thương hiệu và chất lượng, an toàn thực phẩm tốt. Với giá đầu vụ người trồng cam cũng phấn khởi vì có lợi nhuận. Các năm trước chất lượng cam Cao Phong chưa cao, chưa có thương hiệu, tiêu thụ chủ yếu ở chợ đầu mối. Nhưng 3-4 năm trở lại đây có thương hiệu người tiêu dùng trong nước biết đến.

Cam Cao Phong vốn có nguồn gốc từ cam Xã Đoài (Nghệ An), nhưng khi được trồng tại huyện vùng núi Cao Phong đất đai phì nhiêu, màu mỡ, khí hậu mát mẻ, nên cam ở đây có những nét đặc trưng như mùi hương thơm mát, mọng nước, vị ngọt nhẹ, vỏ quả màu vàng óng đẹp mắt. Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, khiến cho loại cam này càng được nhiều người tiêu dùng biết đến là một thương hiệu nổi tiếng.

Điều mà người trồng cam nơi đây trăn trở là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cho đến nay, các chủ vườn vẫn tự tìm mối tiêu thụ, trông chờ vào các tư thương đến tận vườn thu mua. Cũng bởi vậy mà có những năm cam được mùa nhưng bị tư thương ép giá. Các chủ vườn chưa kết nối được với các chợ đầu mối, các hệ thống siêu thị, mà chủ yếu là qua tư thương.

Ông Nguyễn Đình Bang, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong cho rằng cần có kết nối chặt chẽ, tạo kênh tiêu thụ ổn định cho người trồng cam. “Bây giờ đang hình thành chuỗi sản phẩm. Hội trồng cam và hội nông dân đang có ý tưởng sang năm có chuỗi tiêu thụ cho nông dân. Vừa rồi cũng có nhiều siêu thị muốn ký hợp đồng nhưng còn một số vấn đề nên chưa ký được. Còn từ năm sau, với một số tiêu chí, họ ký trực tiếp từng hộ. Hội trồng cam sẽ đứng ra để làm đầu mối ký với các hộ, vận chuyển đưa ra các siêu thị”.

Không phát triển ồ ạt

Những năm gần đây, diện tích, sản lượng cam ở Cao Phong liên tục tăng. Năm 2010, mới có 557 ha cam, quýt, sản lượng đạt 9.000 tấn. Sau 6 năm, diện tích tăng lên 2.000 ha, sản lượng đạt tới 23.000 tấn. Diện tích trồng cam và sản lượng đang tăng lên nhanh chóng qua mỗi năm, vừa là niềm vui vừa là nỗi lo của người trồng cam. Nhờ giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý đã có hàng trăm hộ trồng cam trong huyện có thu nhập từ 1 đến gần 10 tỷ đồng/năm. Thế nhưng nếu không tìm hướng tiêu thụ bền vững, nguy cơ các chủ vườn sẽ rơi vào cảnh được mùa rớt giá, hoặc bị ép giá.

Hiện nay đầu ra của cam Cao Phong chủ yếu thương lái thu mua.

Ông Tạ Đình Đào, một chủ vườn có 10ha cam ở Cao Phong cho rằng: “Đầu ra từ trước giờ toàn thương lái đến tận vườn. Có những lúc thương lái ép không bán được hàng. Một vài năm trở lại đây thì không đến nỗi nhưng về lâu dài thì cần có đầu mối tiêu thụ để ổn định cho nông dân. Như sang năm trở đi cam sẽ nhiều hơn. Hiện đã có 2000 ha cam. Nếu thu trong vòng 1.700 – 1.800 ha thì có tới 60.000 – 70.000 tấn cam, nhiều quá không tiêu thụ hết sẽ ế ẩm”.

Theo ông Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, những năm gần đây, diện tích cam tăng lên nhanh chóng vì người dân thấy hiệu quả nên đã rót vốn đầu tư. Tuy nhiên, huyện đã quy hoạch cụ thể về diện tích trồng cam và kiểm soát chất lượng để giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong. Bên cạnh đó cũng đã thành lập ban kiểm soát chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường quản lý. Tới đây, địa phương sẽ nghiên cứu về việc sản xuất bao bì, gắn tem nhãn riêng cho cam Cao Phong để người tiêu dùng dễ nhận biết. Ngoài ra, việc mở rộng xuất khẩu cam Cao Phong cũng đã được tính đến để tạo thêm kênh tiêu thụ cho nông dân.

Ông Quách Văn Ngoan cho biết, “trước mắt là thị trường trong nước. Sau khi thị trường trong nước cung cầu đảm bảo thì hướng đến xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì cũng phải có các nhà máy chế biến. Hiện huyện cũng đã có một số dự án nhà máy sơ chế ban đầu. Trong tương lai đây cũng là hướng mở tốt để bà con có giá thành đảm bảo trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Cam Cao Phong đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất, chất lượng cam Cao Phong cũng tốt hơn nhờ kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất sạch. Vấn đề còn lại, là cần tạo dựng được kênh tiêu thụ ổn định cho nông dân. Không chỉ kết nối trong nước mà còn tìm cách vươn ra thị trường thế giới. Quan trọng nhất là phải giữ được thương hiệu cam Cao Phong, mà điều đó phải bắt đầu từ cái tâm của người sản xuất, mang ra thị trường sản phẩm sạch và an toàn, để có được niềm tin của người tiêu dùng./.

Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

Chè Lũng Phìn cần được bảo tồn

Nguồn tin: Báo Hà Giang

Chè cổ thụ Shan tuyết Lũng Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) đã từ lâu được mệnh danh là “đệ nhất trà” bởi hương vị độc đáo, khác biệt riêng có của nó. Qua năm tháng, nhiều cây chè cổ Lũng Phìn đang có dấu hiệu của sự già cỗi, sản lượng thu hái thấp do tập quán canh tác của người dân. Trên địa bàn xã, đã xuất hiện một số cơ sở, hộ dân thu mua chè từ các vùng lân cận hoặc từ nơi khác về chế biến, đóng gói bán với nhiều mức giá khác nhau. Điều này đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương cần có giải pháp bảo tồn, bảo vệ thương hiệu chè cổ Lũng Phìn.

Sự quý hiếm của chè

Chè Lũng Phìn “nằm trọn” trong hai dòng họ Sùng và họ Giàng được trồng nhiều nhất ở thôn Cán Phẩy Hờ A + B. Theo người dân địa phương, uống chè Lũng Phìn thì phải tìm chè cổ thụ, mà chè cổ không đâu có ngoài anh em nhà họ Sùng và họ Giàng. Theo lời kể của ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A, xã Lũng Phìn thì cây chè được trồng ở đây có tới vài trăm năm tuổi. Trước kia, chè của họ Sùng chỉ làm ra để biếu, tiến các bậc quân vương, địa chủ chứ người dân quanh vùng muốn mua cũng không đến lượt. Chè cổ thụ Shan tuyết mọc ở Cán Pẩy Hở A + B, nằm ở độ cao trừng 1.700 m so với mực nước biển, trong 3 bề núi đá. Phía trước mặt hướng về phía mặt trời mọc, mây mù phủ quanh 4 mùa. Thời gian cây chè đón nắng mỗi ngày rất ít vì sương che, chỉ về gần chưa, buổi chiều lại khuất nắng sớm vì núi chắn. Cây chè ở đây phát triển rất chậm bởi hút dưỡng chất trên nền đất lẫn đá mầu đỏ. Riêng chất đất và đá màu đỏ của Cán Pẩy Hờ A + B trên Cao nguyên đá Đồng Văn này không đâu có. Có lẽ chính sự độc đáo, đặc biệt về chất đất, khí hậu ở Cán Pẩy Hờ A + B nên chè ở đây có hương vị rất đặc trưng, rất riêng biệt, không nhầm lẫn với bất cứ chè ở đâu. Điều dễ phân biệt chè Lũng Phìn với các loại chè khác là: Chè chỉ có hai mùa hái, chè Xuân phải sau Tết Thanh minh, chè vụ Hè - thu vào tháng 5 - 7. Từ tháng 8 trở đi thời tiết ở vùng này đã trở lạnh, cây chè ít phát triển nên dân không hái. Vì nếu thu hái quá khả năng sinh trưởng, phát triển của cây sẽ làm cho cây chè kiệt sức, khó có thể chống chọi được với cái lạnh của vùng Cao nguyên đá. Điều nhận biết khác nữa đó là chè Lũng Phìn cánh rất nhỏ, rất nhẹ, tôm chè bé, nước khi pha có màu xanh vàng, vị ngọt ngậy rất dễ chịu kèm theo. Pha chè Lũng Phìn chắt ra chén để qua đêm, thậm chí vài ngày sau vẫn không có hiện tượng dính chén, đông kết nhựa chè.

Một cây chè Shan tuyết Lũng Phìn cổ thụ đầu dòng được gắn biển bảo tồn.

Theo các công trình nghiên cứu, trong cây chè, nhất là chè cổ ở Lũng Phìn, có chứa rất nhiều chất Camenlia Sinensit và các dẫn suất của nó. Các chất và các dẫn suất trên có khả năng chống ô xy hóa, có tác dụng bảo vệ gan, kháng khuẩn tốt với nhiều chủng vi khuẩn gram (-) và gram (+), có tác dụng chống viêm loét. Nghiên cứu trên tế bào ung thư nuôi cấy, Chè Lũng Phìn chứa chất có tác dụng ức chế sự phát triển ung thư và di căn ung thư lên gan, phổi. Như vậy, chè Lũng Phìn cũng đang là một tài sản quý đối với đời sống con người, đồng thời có giá trị lớn về mặt văn hóa gắn với bản sắc, tinh hoa của cộng đồng dân cư, dòng họ; là báu vật, đặc sản trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Chè Lũng Phìn cần được bảo tồn

Hiện nay, theo thống kê toàn xã Lũng Phìn có khoảng gần 100 ha chè, trong đó, chè cổ thụ Shan tuyết chỉ có 14 ha, số còn lại là chè giống mới được trồng từ năm 1999 đến nay. Chè Shan tuyết cổ thụ có nhiều nhất ở thôn Cán Pẩy Hở A + B và tập trung trong hai dòng dọ Sùng và Giàng. Do phong tục, tập quán canh tác của người dân từ nhiều đời nay, chè cổ thụ ở đây hoàn toàn sống và phát triển tự nhiên, không có sự chăm sóc bằng phân bón, đốn tỉa qua từng năm nên chè cho năng suất rất thấp; nhiều cây chè cổ thụ cũng đã có dấu hiệu của sự già cỗi. Gia đình ông Sùng Su Sá là một trong những hộ dân có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ nhiều nhất ở thôn Cán Pẩy Hở A và của xã Lũng Phìn với gần 100 cây. Trung bình một năm chè cho thu hái hai lứa, với diện tích trên mỗi năm gia đình ông cũng chỉ thu hái được khoảng trên dưới 1,5 tấn chè tươi, tương đương trên 30 kg chè khô thành phẩm. Giá bán chè Shan tuyết cổ thụ giao động ở mức trên dưới 500 nghìn đồng/kg chè khô (có thể cao hơn tùy thuộc vào kỹ thuật sao, chế biến). Kỹ thuật, cách sao chè Shan tuyết cổ thụ Lũng Phìn đòi hỏi khá cao và cầu kỳ từ khâu hái, phơi đến chế biến chè. Ở xã Lũng Phìn hiện nay còn rất ít những nghệ nhân sao chè với độ tinh tế cao do nhiều nghệ nhân đã già hoặc đã mất. Một khó khăn, trở ngại nữa trong việc gìn giữ thương hiệu của chè Lũng Phìn là hiện nay, trên địa bàn xã có một số cơ sở, hộ dân thu mua chè ở các vùng lân cận hoặc ở nơi khác về chế biến, đóng gói bán với nhiều mức giá khác nhau. Điều này đã làm giảm thương hiệu, giá trị của chè chính gốc Lũng Phìn.

Ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A, xã Lũng Phìn (Đồng Văn) thu hái chè muộn của gia đình.

Để bảo tồn và gìn giữ giống chè Shan tuyết đầu dòng Lũng Phìn, Viện khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tiến hành khảo sát, gắn biển công nhận cho 11 cây chè Shan tuyết cổ thụ đầu dòng. Được sự hỗ trợ của Viện, UBND huyện Đồng Văn cũng đã xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển trồng chè Shan tuyết Lũng Phìn, giai đoạn 2012 - 2020; trong đó đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật, nhân giống bằng việc tuyển chọn hạt giống từ cây mẹ, tiến hành cấy ghép mắt để trồng; hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đốn cải tạo cây chè cổ thụ. Cùng với việc bảo tồn, cải tạo cây chè, thiết nghĩ cần nhân giống, mở rộng diện tích chè Lũng Phìn vì điều này không chỉ bảo vệ nguồn gen quý mà còn có thể giúp người dân địa phương XĐGN, làm giầu từ cây chè. Thứ nữa là bảo vệ thương hiệu, bởi thương hiệu là tài sản quý trong hội nhập và sản xuất hàng hóa. Ngay trước mắt, rất cần một chế tài, một quy ước tại địa phương - nơi có cây chè Lũng Phìn để ngăn chặn việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng, làm giảm uy tín của chè chính gốc Lũng Phìn...

HOÀNG NGỌC

Trồng hành tăm trên đất cao cưỡng thu 250 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Trên diện tích đất cao cưỡng, đất trồng sắn, mía kém hiệu quả, bà con nông dân xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã chuyển đổi sang trồng hành tăm cho thu nhập 250 triệu đồng/ha.

Gia đình bà Lê Thị Sâm xóm 21 xã Nghĩa Trung trồng hành tăm thu 15 triệu đồng/vụ.

Từ việc trồng hành để dùng trong gia đình, dần dần diện tích cây hành tăm mở rộng, có gia đình trồng 1 sào, 2 sào nhưng cũng có những hộ đầu tư trồng gần hec ta hành. Trồng hành tăm, khâu thu hoạch là vất vả nhất.

Chị Lê Thị Sâm, xóm 21 xã Nghĩa Trung cho biết: Hành tăm là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, đặc biệt rất phù hợp chất đất cao cưỡng. Mùa vụ bắt đầu tháng 8 dương lịch hàng năm và thu hoạch vào tháng 3 năm sau. Mỗi vụ gia đình chị trồng 2 sào hành, trừ chi phí cho thu nhập hơn 15 triệu đồng/vụ.

"Sau khi gieo hành, rải lá mía khô lên trên đến lúc thu hoạch rất dễ dàng. Trồng hành tăm thu nhập cao gấp 5 lần so với ngô, mía', chị Sâm chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Vị, xóm 21, xã Nghĩa Trung đã chuyển diện tích đất triền đồi, trồng mía, sắn năng suất kém ông chuyển sang trồng hành tăm và mỗi năm thu hoạch được gần 10 triệu đồng/vụ.

Hành tăm có thể bán cây tươi hoặc thu hoạch củ.

Hiện, Nghĩa Trung trồng khoảng hơn 10 ha hành tăm, nông dân thu trên 1,5 tỷ đồng từ hành tăm/năm. Trồng hành tăm trải qua nhiều công đoạn như cày ải đất, làm sạch cỏ, lên luống cao. Sau khi trỉa hạt xong tiến hành phủ lớp rơm hoặc lá thông khô để giữ độ ẩm cho cây phát triển và tạo đất tơi xốp cho củ to và sáng.

Nghĩa Trung - Nghĩa Đàn chuyển đất trồng mía sang trồng hành.

Ông Ngô Sỹ Cần - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Trung cho biết: "Hành tăm là cây truyền thống của Nghĩa Trung, hiện xã có 10 ha hành tăm. Trong xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Trung phấn đấu nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc chuyển đổi cây trồng, và hành tăm là giống cây rất hiệu quả. Từ sản phẩm hành, người dân có thể bán củ tươi hoặc xay ra bán hành khô. Mỗi ha hành tăm có thể cho thu nhập đến 250 triệu đồng. Xã đang tiếp tục nhân rộng diện tích và nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cho sản phẩm".

Minh Thái - Đinh Thùy (Đài Nghĩa Đàn)

Phát triển "cánh đồng lớn" ở TP Cần Thơ - Nâng chất, nhân rộng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Mô hình "cánh đồng lớn" (CĐL) khẳng định hiệu quả khi đã giúp nhiều nông dân trồng lúa tại TP Cần Thơ tăng thêm lợi nhuận từ 2,95-5,5 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả kinh tế này, nhiều CĐL tại TP Cần Thơ đang được củng cố nâng chất và mở rộng diện tích.

Hiệu quả thiết thực

Thời gian qua, nhiều nông dân tại TP Cần Thơ mạnh dạn liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để xây dựng các CĐL trong sản xuất lúa. Mô hình này đã giúp cả nông dân và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhờ giảm được các chi phí sản xuất đầu vào và nâng cao năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm. Khi các nông hộ nhỏ lẻ liên kết, hình thành "cánh đồng lớn" đã tạo không gian và điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh cơ giới hóa, thực hành các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp ngay từ đầu vụ nên nông dân an tâm hơn trong sản xuất.

Nông dân Lý Hải Hoàng tham gia mô hình CĐL ở xã Thới Xuân, được doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào từ khá sớm để sẵn sàng cho vụ sản xuất lúa đông xuân 2016-2017.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Với 16 công ruộng, tôi đã tham gia mô hình CĐL từ năm 2013 đến nay. Doanh nghiệp không chỉ bao tiêu sản phẩm, mà còn cung cấp giống và các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng cho nông dân. Tới thời điểm thu hoạch lúa, doanh nghiệp bố trí người đến tận ruộng để thu mua lúa tươi với giá từ bằng đến cao hơn bên ngoài thị trường ít nhất từ 100-200 đồng/kg". Theo ông Lý Hải Hoàng, Tổ trưởng Tổ CĐL ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, trước đây bà con trồng lúa rất lo về đầu ra sản phẩm, bởi đến mùa thu hoạch rộ giá lúa thường giảm mạnh, thậm chí có lúc bán không được. Nhưng 4 năm nay, bà con rất an tâm về vấn đề đầu ra do tham gia CĐL và được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường bình quân 100-200 đồng/kg. Đồng thời, nhờ liên kết trong sản xuất, làm đất, bơm tát nước tập thể, xuống giống tập trung đồng loạt đã giúp nông dân thuận lợi trong cơ giới hóa các khâu. Và được doanh nghiệp cung cấp trực tiếp nhiều loại vật tư đầu vào, nông dân có nhiều điều kiện giảm chi phí, nâng cao năng suất… nên tăng được lợi nhuận ít nhất 2 triệu đồng/ha/vụ.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn (hiện nhiều nơi gọi là cánh đồng lớn) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hưởng ứng thực hiện từ năm 2011. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, từ 1 CĐL đầu tiên rộng khoảng 400 ha tại huyện Vĩnh Thạnh, đến vụ lúa hè thu 2016, có 14.559 hộ nông dân tại các quận, huyện thành phố tham gia 82 CĐL, với tổng diện tích 18.371 ha, tăng hơn 45 lần so với đầu kỳ. Trước đó, vụ lúa đông xuân 2015-2016 có 74 mô hình CĐL, với diện tích 16.666 ha và 12.647 hộ tham gia. Riêng vụ thu đông 2016 có 70 CĐL, tổng diện tích 14.485 ha, với 9.816 hộ dân. Mô hình CĐL đã thúc đẩy liên kết giữa các nông dân, hình thành liên kết nhóm nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi khi giá thành sản xuất giảm, chất lượng và giá bán sản phẩm tăng và giảm được các tác động xấu đến môi trường. Với sự tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của 26 doanh nghiệp, nông dân tại các mô hình CĐL trên địa bàn thành phố tăng lợi nhuận từ 2,95-5,5 triệu đồng/ha.

Mở rộng, nâng chất CĐL

Năm 2017, TP Cần Thơ có kế hoạch sản xuất 216.000 ha lúa, trong đó vụ đông xuân 2016-2017 là 86.470 ha, vụ hè thu 77.460 ha và vụ thu đông 52.150 ha. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, thành phố dự kiến mở rộng diện tích CĐL đạt 20.000 ha trên mỗi vụ sản xuất. CĐL khẳng định được nhiều hiệu quả thiết thực nên nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã và đang tích cực củng cố, nâng chất và mở rộng các CĐL, nhất là tại các huyện sản xuất lúa chủ lực của thành phố như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai…

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Năm 2016, huyện Vĩnh Thạnh xây dựng mới thêm 17 CĐL, nâng lên tổng số CĐL trên địa bàn huyện lên 59 cánh đồng, với diện tích hơn 9.827ha, trong đó diện tích có hợp đồng bao tiêu hơn 3.899 ha. Dự kiến trong vụ đông xuân 2016-2017, huyện nâng tổng số CĐL lên khoảng 65 cánh đồng, với tổng diện tích gần 11.000 ha. Đến cuối năm 2017, số CĐL trên địa bàn huyện sẽ đạt hơn 70, với tổng diện tích hơn 12.000 ha". Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, nông dân trong huyện tham gia CĐL vụ đông xuân 2015-2016 đạt lợi nhuận hơn 24,4 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình gần 3,2 triệu đồng/ha. Vụ hè thu và thu đông 2016, nông dân trong CĐL cũng tăng lợi nhuận từ 2,8- 2,97 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Đặc biệt, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ đã hình thành các vùng nguyên liệu chất lượng cao, khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, sản phẩm chất lượng cao, theo yêu cầu thị trường. Từ đầu năm đến nay, huyện Vĩnh Thạnh đã hỗ trợ, khuyến khích nông dân tại các CĐL trên địa bàn huyện xây dựng mới 6 hợp tác xã nông nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho nông dân trong việc gắn bó, ký kết các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa với doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, huyện Cờ Đỏ đã và đang tích cực mở rộng các CĐL. Năm 2016, tổng diện tích thực hiện CĐL (diện tích từ 200 ha trở lên) và cánh đồng mẫu (dưới 200/cánh đồng) trên địa bàn huyện trong 3 vụ lúa hơn 28.986 ha, với 13.423 hộ dân tham gia và có 12 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Trong đó, diện tích tham gia CĐL vụ đông xuân vừa qua hơn 11.206 ha, hè thu 2016 hơn 10.396ha và thu đông 2016 hơn 6.798 ha. Vụ đông này, huyện Cờ Đỏ có kế hoạch phát triển CĐL đạt tổng diện tích 11.838/24.891 ha lúa trong vụ, với 5.577 hộ tham gia và diện tích cánh đồng mẫu dự kiến 215 ha, với 160 hộ dân tham gia. Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, huyện đang rất quan tâm củng cố, nâng chất và phát triển các CĐL, nhất là phát huy vai trò cầu nối của các cấp chính quyền địa phương trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp cũng như hỗ trợ và giám sát chặt quá trình xây dựng, ký kết và thực hiện hợp đồng bao tiêu lúa. Để các CĐL thành công, rất cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong cả quá trình cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra. Huyện đang mời gọi, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích nông dân tại các CĐL thành lập các hợp tác xã theo Luật hợp tác xã mới để tăng cường liên kết và nâng cao tính pháp lý trong ký các hợp đồng với doanh nghiệp.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, vụ lúa đông xuân 2016-2017 huyện dự kiến xuống giống đạt diện tích 19.200 ha, với năng suất bình quân 7,3-7,5 tấn/ha và sản lượng lúa đạt khoảng 140.160 - 144.375 tấn. Trong đó, huyện phấn đấu sản xuất lúa chất lượng cao khoảng 70% tổng diện tích, với năng suất bình quân khoảng 7,5 tấn/ha. Đặc biệt, mô hình "cánh đồng lớn" trong vụ lúa đông xuân 2016-2017 dự kiến đạt diện tích khoảng 6.200 ha, tăng 255,6 ha so với năm 2015. Để hỗ trợ mô hình CĐL trên địa bàn, ngoài việc tăng cường mời gọi các doanh nghiệp đến liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, Thới Lai cũng tích cực vận động và hỗ trợ nông dân sản xuất trên cùng các cánh đồng liên kết với nhau để hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác, và nhất là hợp tác xã để tạo thuận lợi trong liên kết với doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan.

Việc tổ chức sản xuất kinh doanh khép kín theo chuỗi giá trị hạt gạo đã giúp nông dân và doanh nghiệp chủ động kiểm soát và tính toán chi phí phát sinh từng khâu của chuỗi, hạn chế đến mức thấp nhất các khâu trung gian. Đây là cơ sở để thu hút nông dân tham gia liên kết, tiến đến xây dựng mô hình nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Khánh Trung

Tiền Giang: Nông dân trồng hoa màu trong mùa lũ cho lợi nhuận cao

Nguồn tin: Tiền Giang

Nhờ có hệ thống ô bao khép kín nên nông dân các xã Thanh Hòa, Long Khánh, Nhị Quí và Phú Quí, thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) tranh thủ trồng hoa màu trong mùa lũ, chủ yếu là bầu, bí, dưa leo, bắp và khổ qua.

Nông dân thu hoạch mướp.

Mùa này thời tiết thất thường, mưa nhiều ngập úng thường xảy ra trên diện rộng nên hoa màu rất khó trồng, nông dân tốn nhiều chi phí bơm tát, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc, năng suất thấp nên giá hoa màu tăng đột biến. Hiện thương lái đến tại ruộng mua bầu, mướp, dưa leo, rau nhút giá từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với các vụ khác trong năm, trừ chi phí nông dân thu lãi 200 triệu đồng/ha.

Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong việc trồng hoa màu trong mùa lũ: Dùng màng nylon phủ mặt liếp hạn chế cỏ dại cạnh tranh và chống ngập úng, chọn giống phù hợp, bón phân cân đối..., nhiều nông dân trồng màu thoát nghèo bền vững và nâng cao mức sống gia đình.

Thảo Quyên

Quảng Trị: Đốn đau - phương pháp hay để phục hồi vườn cà phê già cỗi

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Cà phê là một trong 3 cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị với gần 4.700 ha, trồng tập trung tại huyện Hướng Hóa với giống chủ lực là cà phê chè Catimor. Sản lượng cà phê nhân năm 2015 đạt hơn 5.800 tấn, mang lại giá trị hơn 300 tỷ đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho hơn 8.600 hộ dân trồng cà phê, đặc biệt là đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều.

Tuy nhiên, do phần lớn được quy hoạch trồng từ giai đoạn 1994 – 1995 nên hiện nay trên địa bàn huyện có gần 2.400 ha cà phê trồng trước năm 2000, chiếm 53% diện tích cà phê toàn huyện. Đây là diện tích cà phê già cỗi, cần được phục hồi do năng suất và chất lượng cà phê thấp. Mặc dù vậy, theo người dân trồng cà phê, việc phục hồi những vườn cà phê già cỗi này gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu quy trình kỹ thuật, nguồn giống trồng mới không bảo đảm, chi phí lớn khi phải phá đi phần lớn diện tích để tái canh trồng mới lại.

Trước thực tế đó, với mục tiêu trẻ hóa vườn cà phê chè già cỗi, năng suất thấp. Trong thời gian 3 năm từ 2014 – 2016, Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa đã triển khai “Mô hình phục hồi vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau” trên diện tích 2 ha tại xã Tân Hợp và thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) với 4 hộ tham gia.

Mô hình phục hồi vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau tại Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê thực hiện mô hình “đốn đau” của gia đình mình, ông Mai Văn Xuân ở Thị trấn Khe Sanh vừa cho biết: Gia đình ông có 1 ha trồng cây cà phê chè trên 13 năm tuổi. Mặc dù đã đầu tư chăm sóc rất kỹ nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây năng suất của cây cà phê rất thấp, chỉ từ 6 – 8 tấn quả tươi/ha/năm. Hơn nữa, do vườn cà phê đang vào giai đoạn già cỗi nên sức đề kháng của cây yếu, sâu bệnh nhiều, hàng năm chỉ riêng thuốc bảo vệ thực vật đã tiêu tốn của ông từ 1,5 – 2 triệu đồng. Nhiều lần gia đình đã định phá bỏ để trồng lại, nhưng chưa có điều kiện. Đầu năm 2014, dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật ông tiến hành cưa 0,5 ha cà phê già cỗi của gia đình mình, chỉ để lại cách gốc khoảng 20cm. Cây cưa đốn xong ông cuốc rãnh bỏ phân xanh, phân vi sinh và rắc vôi bột để tạo màu, giảm độ chua cho đất, qua đó kích thích cây cà phê sinh trưởng nhanh. Chỉ sau hơn 18 tháng những cây cà phê trơ gốc ngày nào đã phát triển như cây cà phê trồng mới năm thứ 3 và bắt đầu cho trái, sản lượng đạt hơn 5,2 tấn, tương đương năng suất 10,4 tấn/ha. Đến nay sau 3 năm thực hiện mô hình, vườn cà phê của ông đã bước vào chu kỳ kinh doanh năm thứ nhất, sản lượng dự kiến đạt 11 tấn quả tươi, tương đương năng suất 22 tấn/ha. Với giá bán hiện nay khoảng 8.000 đ/kg thì sau khi trừ chi phí cho toàn bộ 3 năm cưa đốn và chăm sóc ông thu lãi được gần 30 triệu đồng.

Ông Xuân chia sẽ: Trên địa bàn này đã có một số hộ tái canh trồng mới cà phê tuy nhiên do vùng đất này trồng cà phê đã nhiều năm nên đất đai đã bị nhiễm các loại nấm bệnh, sâu bệnh hại. Khi tái canh trồng mới thì cây chết rất nhiều, thậm chí đến năm thứ 3, đang cho thu bói rồi vẫn có cây chết. Còn với các cây cưa đốn do có bộ rễ hoàn thiện ngay từ đầu, đã quen với đất nên cây vẫn phát triển tốt.

Theo kinh nghiệm của ông, sau khi cưa đốn cần phải cày xới giữa luống giúp đất thông thoáng, dùng dao hoặc cuốc chặt bớt rễ xung quanh cây để kích thích cây tạo rễ mới nhiều. Đồng thời để cây phát triển tốt cần tăng cường bón phân gấp từ 2 – 3 lần so với tái canh trồng mới. Sau cưa đốn 1 năm nên dùng dây cột 2 thân nhánh lại với nhau để chống gãy đổ. Một cây chỉ nên để lại từ 2 – 3 thân nhánh để cây có dủ khả năng nuôi thân. “Bên cạnh cho năng suất cao, vườn cà phê thực hiện mô hình “đốn đau” này còn có khả năng chịu hạn cao và ít bị các đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại. Trong thời gian tới tôi sẽ áp dụng phương pháp cải tạo trẻ hóa này ra toàn bộ diện tích trồng cà phê còn lại của gia đình mình”, ông Xuân nói.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Hoàng Công Chẩu – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa cho biết: “Đốn đau” là thuật ngữ chỉ kỹ thuật cưa đốn triệt để nhằm cải tạo làm trẻ hóa cơ bản vườn cây cà phê già cỗi. Vườn cà phê có thể tiến hành cưa đốn là vườn có độ tuổi từ 12 năm trở đi, bộ rễ còn khỏe, năng suất dưới 10 tấn/ha và không tăng theo nhiều năm. Theo đó cây cà phê già cỗi được cưa toàn bộ thân chỉ để lại đoạn gốc cách mặt đất 15 – 20 cm. Mặt cắt xiên 45 độ theo hướng Nam nhằm tránh các hướng gió mùa Đông Bắc và Tây Nam.

Thời gian cưa đốn tốt nhất là trong tháng 2 hàng năm. Sau khi cưa xong phải thu dọn sạch vườn cây, rãi vôi khử trùng, cày hoặc cuốc toàn bộ mặt đất trong vườn cách gốc cây cà phê khoảng 30 cm nhằm cắt đứt rễ già, tạo rễ mới phát triển. Sau khi cưa đốn phải tăng cường bón phân chuồng, phân vi sinh và phân NPK vào các thời điểm đầu mùa mưa (tháng 4 – 5), giữa mùa mưa (tháng 7 – 8) và cuối mùa mưa (tháng 10 – 11) để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cây, giúp cây phát triển tốt.

Qua theo dõi tại các mô hình trình diễn, từ năm chăm sóc thứ 2 cây đã đạt chiều cao ổn định từ 145 – 150 cm, năng suất thu bói đạt từ 2 – 2,5 kg/cây, tương đương 8,4 – 10,5 tấn quả tươi/ha. Đến năm thứ 3 sau cưa đốn tất cả các vườn đều cho năng suất trên 20 tấn/ha, đảm bảo có lãi cho người trồng cà phê. Trong khi với các vườn tái canh trồng mới thì thời điểm này mới bắt đầu cho thu bói.

Ông Nguyễn Trung Hậu – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá: Mô hình cải tạo vườn cà phê già cỗi bằng phương pháp đốn đau do Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa thực hiện phù hợp với điều kiện địa phương, dễ thực hiện và ít tốn kém. Cây cà phê cho cho thu hoạch bói từ năm thứ 2 và ổn định từ năm thứ 3 trở đi với năng suất hơn 20 tấn/ha. Sau khi cải tạo có thể thu hoạch thêm trong vòng 7 - 8 năm mới phải thay thế.

Với hơn 2.400 ha cà phê đã qua chu kỳ khai thác và xuống cấp, năng suất đạt thấp trong khi việc tái canh trồng mới tốn nhiều chi phí thì việc nhân rộng mô hình này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con trồng cà phê trên địa bàn huyện. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa để có những chủ trương, chính sách hỗ trợ bà con nông dân nhằm nhân rộng mô hình này một cách tập trung và có quy mô đồng bộ trên toàn huyện”, ông Hậu cho biết.

Thục Quyên

Hà Nội sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng hữu cơ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện 30 quy trình kỹ thuật sản xuất RAT nhằm giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường.

Khung kỹ thuật sát thực tế

Thời điểm hiện tại, Hà Nội cần phải điều chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất RAT để phù hợp với thực tiễn bởi ngày càng xuất hiện nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mới. Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng thuốc BVTV trên thị trường đã có tới 1.785 hoạt chất và 4.094 tên thương phẩm. Tuy nhiên, nhiều thuốc BVTV có cùng hoạt chất, hàm lượng nhưng lại đăng ký phòng trừ đối tượng bệnh hại khác nhau. Do đó, bộ quy trình kỹ thuật chỉ khuyến cáo nông dân dùng các loại thuốc BVTV đã đăng ký sử dụng trên rau trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Từ năm 2013 đến nay, Hà Nội đã đưa vào sản xuất thử nghiệm gần 400 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật không sử dụng thuốc BVTV tại các vùng chuyên canh rau. Trong đó, chủ yếu hướng dẫn nông dân sử dụng các biện pháp thủ công như: Ngâm nước, bẫy bả protein, che vòm nilon mặt luống, chế phẩm sinh học Emina xử lý tàn dư trên cây trồng…

Theo ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV, những cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng này đều rất dễ làm, chi phí thấp và mang lại hiệu quả cao. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bổ sung vào quy trình sản xuất RAT mới nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV hóa học.

Đáng chú ý, bộ quy trình kỹ thuật hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón dùng đậu tương để bón cho rau nhằm từng bước giảm lượng phân bón hóa học. Với phương thức này, đất sẽ được bổ sung một lượng lớn chất dinh dưỡng có nguồn gốc hữu cơ, từ đó làm tăng độ phì cho đất và giảm mức độ sâu bệnh hại trên rau. Kỹ thuật bón bột, khô dầu đậu tương đã được Chi cục BVTV thí nghiệm, đánh giá thực tế trên nhiều loại cây trồng tại nhiều địa phương khác nhau. Kết quả cho thấy, bột và khô dầu đậu tương là loại phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao, phân hủy chậm, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Tiếp tục hỗ trợ nông dân

Đóng góp ý kiến vào dự thảo quy trình kỹ thuật sản xuất RAT, đại diện phòng kinh tế một số huyện cho rằng, để phù hợp với tập quán canh tác của từng địa phương, quy trình cần đề ra giải pháp tối ưu đối với sản xuất RAT của Hà Nội. Đó là kết hợp hài hòa giữa sử dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ và vô cơ. Theo TS Trần Minh Hằng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, Hà Nội đã triển khai thành công nhiều mô hình trồng rau trái vụ, do đó quy trình cần bổ sung phương pháp canh tác cho các loại rau này. Bên cạnh việc hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ, cần hướng dẫn thêm về các loại phân bón tổng hợp khác để nông dân có thêm sự lựa chọn.

TS Nguyễn Văn Vấn - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá, Hà Nội xây dựng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất RAT mới rất phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gia tăng. Song, ông Vấn cũng bày tỏ lo ngại Hà Nội sẽ khó có đủ lượng nguyên liệu đậu tương để phục vụ làm phân bón cho các vùng sản xuất RAT. Mặt khác, sản xuất RAT thiên về sử dụng các loại phân bón hữu cơ thì mẫu mã sản phẩm RAT sẽ không bắt mắt người tiêu dùng. Vì vậy, nên hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hóa học với hàm lượng phù hợp nhưng vẫn đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch từ 15 - 20 ngày để không tồn dư hàm lượng nitrat trong rau.

Nắm bắt những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sở dĩ bộ quy trình kỹ thuật khuyến cáo nông dân sản xuất RAT hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học vì mục tiêu chiến lược của TP là phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Vì vậy, song song với việc sớm ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất RAT mới, Sở sẽ xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ nông dân sản xuất RAT theo hướng hữu cơ.

Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế - AgroViet 2016 đã diễn ra tọa đàm “Nông nghiệp hữu cơ – Giải pháp cho nông sản thực phẩm sạch”. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, phương thức sản xuất hữu cơ hiện nay đang trên đà phát triển tốt. Nếu như năm 2010, cả nước chỉ có 21.000ha sản xuất hữu cơ thì đến nay đã tăng lên trên 43.000ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, TP như Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng… (Văn Thắng)

NGỌC ÁNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop