Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 11 năm 2019

Hướng tới Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang): Nhà vườn sẵn sàng đón khách

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Chuẩn bị cho Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) dự kiến diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12 tới. Thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn huyện đang khẩn trương chỉnh trang vườn tược, chăm sóc những trái cây mẫu mã đẹp, thơm ngon để chào đón du khách.

Là một trong những gia đình nhiều năm gắn bó với cây ăn quả của huyện Lục Ngạn, đây là năm thứ tư liên tiếp gia đình anh Trần Văn Bẩy và chị Lại Thị Tâm, thôn Mịn Con, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) được Ban tổ chức Hội chợ lựa chọn là điểm nhà vườn để du khách và các thương nhân đến tham quan, mua sắm trong dịp diễn ra hội chợ. Các phần việc như vệ sinh vườn, tỉa cành, chăm sóc trái chín… đã được gia đình anh Bẩy thực hiện từ nửa tháng nay. Với hơn 1 ha, gia đình anh trồng nhiều loại cây ăn quả như: Mít, bơ, ổi, táo nhưng chủ lực vẫn là cam, bưởi.

Nông dân Lục Ngạn thu hoạch cam Đường Canh.

Thời điểm này, những trái bưởi da xanh và cam lòng vàng của gia đình anh Bẩy đang sai lúc lỉu, căng mọng như gọi mời du khách. Anh Bẩy chia sẻ: “Những năm đầu được chọn làm điểm tham quan, mua sắm nhân dịp diễn ra hội chợ, gia đình không khỏi bỡ ngỡ từ khâu đón tiếp cho đến đưa khách thăm vườn, thưởng thức quả ngọt, bán hàng… Bây giờ, việc đó đã quen và gia đình hiện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đón khách”.

Chuẩn bị hội chợ, gia đình anh Lý Đức Oanh, thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải cũng đang tập trung chăm sóc vườn cây ăn quả để đón du khách. Với sản phẩm chủ lực là cam Đường Canh, năm nay 1 ha cam của gia đình anh dự kiến cho thu hoạch khoảng 25 tấn quả.

Để chăm sóc cây cho ra quả đẹp về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, gia đình anh Oanh chủ yếu tưới điều hòa nước, cân đối bón kali để tạo đường và lên mã. Giờ đây, những vườn cam sai trĩu quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Oanh đang đỏ dần, mẫu mã đẹp.

Bưởi da xanh trọng lượng bình quân 3 kg/quả của gia đình anh Trần Văn Bẩy chuẩn bị được giới thiệu trong hội chợ tới.

Theo anh Oanh, với những người làm vườn nơi đây, hội chợ là dịp quan trọng để quảng bá các đặc sản quê hương đến du khách, thương nhân gần xa. Chính vì vậy, công việc chuẩn bị được các chủ vườn coi trọng. Ví như năm trước, khách đến tham quan vườn quả của gia đình anh không chỉ được thưởng thức trái ngọt mà còn mua về làm quà với số lượng lớn.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhìn chung các chủ vườn hiện nay đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng. Chính vì vậy, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã được bà con tuân thủ nghiêm ngặt từ mật độ cây trồng, tưới nước, cắt tỉa cành, bón phân, thu hoạch và bảo quản. Nhờ đó, quả được bảo đảm cả về mẫu mã lẫn chất lượng.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có 6.740 ha cây có múi; trong đó chủ lực là cam, bưởi; sản lượng ước tính năm nay đạt từ 58-60 nghìn tấn. Để các nhà vườn tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và thương nhân, huyện đã lựa chọn 30 điểm để tổ chức tham quan, thưởng thức và mua sắm tập trung.

Là vùng cây ăn quả tập trung với nhiều loại trái cây như vải thiều, cam, bưởi, táo, ổi, mít, thanh long… những năm gần đây, cùng với ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Lục Ngạn đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu nhằm đưa sản phẩm đặc trưng của huyện ngày càng vươn xa.

Để các nhà vườn tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và thương nhân, năm nay huyện lựa chọn 30 trong tổng số hơn 5 nghìn điểm tham quan, thưởng thức và mua sắm tập trung, chủ yếu tại các xã: Trù Hựu, Thanh Hải, Tân Mộc, Hồng Giang, Tân Quang… Đây là những điểm được sản xuất theo quy trình VietGAP, mẫu mã, chất lượng sản phẩm tốt, quy mô lớn và giao thông thuận lợi.

Du khách tham quan vườn cây ăn quả tại Lục Ngạn. Ảnh: Thế Dũng

Huyện đã phối hợp với các xã và nhà vườn bố trí bộ phận đón tiếp, đưa du khách tới các nhà vườn khi có nhu cầu tham quan, mua sắm bảo đảm an toàn. Cùng đó, trích một phần kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ các nhà vườn trong quá trình đón tiếp, giới thiệu và mời khách thưởng thức hương vị trái cây tại vườn. Về phía các nhà vườn đã chủ động vệ sinh vườn tược, chăm sóc cây trái, chuẩn bị địa điểm đón tiếp, thu hái và bán hàng tại vườn…

Ông Tống Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: “Do đã triển khai mấy năm liên tục nên các nhà vườn đã chủ động và ngày càng chuyên nghiệp hơn trong khâu đón tiếp du khách, kết nối thông thương. Mặt khác, do đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được bê tông phẳng phiu nên thương nhân và du khách đi lại hết sức thuận lợi ”.

Theo ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn, đây là năm thứ hai liên tiếp huyện tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của huyện. Trước đó hai năm liền, huyện đã tổ chức Ngày hội trái cây. Đây là dịp thuận lợi để địa phương giới thiệu về vùng đất, con người Lục Ngạn và những sản phẩm đặc trưng. Qua đó đẩy mạnh kết nối đối tác tiêu thụ nông sản cho nhà vườn, đưa sản phẩm của huyện ngày càng vươn xa.

Ngọc Hân

Chuẩn bị nguồn dưa lưới phục vụ thị trường Tết

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) tất bật xuống giống hoa màu phục vụ thị trường Tết, trong đó có dưa lưới trồng trong nhà màng công nghệ cao của anh Trần Thanh Tiền ở xã Long Thuận.

Anh Trần Thanh Tiền chăm sóc dưa lưới

Theo anh Tiền, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, anh đã xuống giống hơn 3.000 gốc dưa lưới với 2 nhà màng và 1 nhà lưới, tổng diện tích hơn 3.000m2. Ngoài các hợp đồng tiêu thụ tại nhiều hệ thống siêu thị ở tỉnh An Giang, hiện anh cũng đã có thêm nhiều hợp đồng khác tại các hệ thống siêu thị ở TP.HCM. Đặc biệt, năm nay, anh cũng tạo hình mới lạ cho dưa lưới, khắc chữ thư pháp theo yêu cầu. Dự kiến sẽ có 300 cặp dưa lưới khắc chữ và tạo hình, tuy nhiên đơn đặt hàng hiện tại đã lên 250 cặp.

Được biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh Trần Thanh Tiền sẽ cung ứng nhu cầu thị trường khoảng 3 tấn dưa lưới sạch được trồng theo kỹ thuật công nghệ cao.

Văn Bửu

Sơn La có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu

Nguồn tin: VOV

50 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia và 113 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có gần 70.000 ha cây ăn qủa và cây Sơn Tra, sản lượng ước đạt trên 210.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh có 163 mã số vùng trồng cây ăn quả, trong đó có 50 mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia được Trung tâm kiểm dịch sau Nhập khẩu - Cục bảo vệ thực vật cấp gồm xoài, mận, bơ. 113 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gồm nhãn, xoài, thanh long, bơ, mận, chanh leo, chuối, dâu tây.

Các vườn cam ở Sơn La đang mùa chín rộ.

Tại các địa phương của tỉnh như Mai Sơn, Mộc Châu, Thành phố Sơn La hiện đang là thời điểm thu hoạch các loại cây ăn quả như bưởi, cam, quýt; riêng dâu tây đang chuẩn bị thu hoạch phục vụ Tết Nguyên Đán.

Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, trong tháng 11 này, tỉnh Sơn La tiếp tục tổ chức tuần lễ trưng bày các sản phẩm nông sản sạch, hoa quả trái cây, phục vụ nhu cầu thị hiếu của người dân, đó là trưng bày bưởi, cam, các sản phẩm tỉnh đang có.

“Sang đầu tháng 1/2020, tỉnh sẽ tổ chức Tuần lễ dâu tây và các sản phẩm nông sản sạch an toàn khác phục vụ cho ngày Tết”, ông Công thông tin./.

Tuyết Lan/VOV-Tây Bắc

Trồng giống chất lượng cao để gạo Việt vươn xa

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Sự kiện gạo ST25 được chọn là gạo ngon nhất thế giới không chỉ nâng uy tín của gạo Việt trên thương trường mà đã trở thành 'cú hích' cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn chính quyền và nông dân.

Công nhân đưa lúa ST24 đi chế biến tại nhà máy huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều địa phương ĐBSCL đã và đang khuyến cáo nông dân trồng giống tốt, hạn chế chạy theo số lượng.

Tập trung làm giống chất lượng cao

Ông Phạm Minh Thiện - tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) - cho biết sự kiện gạo ST25 đạt danh hiệu gạo "ngon nhất thế giới" là sự khích lệ đối với ngành gạo của VN, góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt trong bối cảnh xuất khẩu gạo gặp khó khăn như hiện nay.

Theo ông Thiện, cần sự chung tay của doanh nghiệp, bộ ngành và các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt, trong đó việc quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu gạo là vô cùng cần thiết.

"Chúng tôi định hướng phát triển đi theo dòng gạo cao cấp. Nhiều năm qua, Công ty Cỏ May đã xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chuỗi liên kết bao tiêu" - ông Thiện nói.

PGS.TS Dương Văn Chín, chủ tịch Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời, cũng cho rằng các ngành chức năng nên ưu tiên số 1 đối với các loại giống đoạt giải mà thế giới vinh danh để bán gạo chất lượng cao ra thị trường thế giới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiền - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh An Giang - cho biết hiện tại tỉnh đã trồng 437.000ha lúa chất lượng cao, đạt trên 70% diện tích, cung ứng ra thị trường trên 2,8 triệu tấn/năm.

"An Giang là tỉnh đứng đầu khu vực về lúa gạo nên sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch trồng giống ST25 trên địa bàn tỉnh" - ông Hiền nói.

Tương tự, ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng - cho hay từ năm 2013, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch và xây dựng đề án sản xuất lúa đặc sản. Đến nay, hơn 50% diện tích đất trồng lúa đã được chuyển đổi bằng các giống lúa chất lượng cao.

Riêng nhóm giống lúa thơm ST, tỉnh dành ưu ái để "nàng thơm" từ ST1 đến ST25 bén duyên trồng trên đất Sóc Trăng. "Sắp tới, giống lúa thơm ST25 cũng được tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hữu cơ như đàn em ST24" - ông Quyết cho biết.

Phát triển giống lúa giàu dinh dưỡng

TS Trần Ngọc Thạch, viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng hiện tại người dân có xu hướng trồng các loại giống lúa nhiều dinh dưỡng, gạo chức năng và doanh nghiệp cũng đầu tư chế biến các sản phẩm khác từ gạo.

"Tôi cho rằng đây là chuyện tất yếu. Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc làm ra hạt lúa, sử dụng mà sản phẩm hạt lúa đó phải chế biến thành bột hay những sản phẩm giá trị gia tăng nào khác. Sắp tới viện sẽ thành lập bộ môn nghiên cứu chế biến sau gạo" - ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, Bộ NN&PTNT vừa giao viện thực hiện 3 dự án liên quan đến sản xuất giống lúa gồm dự án sản xuất giống lúa phục vụ xuất khẩu, trung tâm giống sản xuất giống nguyên chủng.

Dự án sản xuất thuộc chương trình sản phẩm quốc gia lúa gạo; và dự án khuyến nông, hỗ trợ các nông hộ sản xuất giống. Với ba dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu giống lúa cho người dân ĐBSCL.

GS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp Việt Nam): 3 việc cần làm ngay. Nhu cầu gạo cấp cao (gạo thơm, hạt dài) của thế giới đang tăng nên VN có cơ hội lớn vào thị trường này nhờ có giống mới ST25 vừa được vinh danh là "gạo ngon nhất thế giới" tại Philippines. Lợi điểm của lúa ST25, ngoài có đặc tính cơm ngon và thơm, là giống lúa ngắn ngày không quang cảm (khác với các giống lúa thơm của Thái Lan, Campuchia, Lào... là giống lúa mùa năng suất thấp, dài ngày, chỉ trồng được 1 vụ/năm). Vì vậy theo tôi, đã đến lúc Nhà nước cần làm ngay ba vấn đề sau: Thứ nhất, phải quyết liệt sắp xếp lại ngành sản xuất lúa gạo một cách bài bản, sản xuất theo chuỗi; doanh nghiệp phải xây dựng vùng nguyên liệu lớn để sản xuất đồng nhất một loại giống, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, giảm giá thành, làm ra gạo đẹp, ngon cơm, an toàn. Thứ hai, phải quản lý chặt chẽ các nhà sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, khuyến cáo nông dân thay đổi nhận thức không sản xuất lúa bằng việc sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ như lâu nay khiến gạo của VN bị cho là không an toàn. Thứ ba, phải xóa bỏ ngay tư duy chạy đua làm lúa thật nhiều, sản lượng thật cao mà tập trung đầu tư làm giống tốt, nâng cao chất lượng hạt gạo ngon, an toàn. (H.T.D. ghi)

Ông Lê Thanh Tùng (phó cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT): Phải bảo vệ hình ảnh cho hạt gạo ST25. Ở góc độ của ngành trồng trọt, chúng tôi đang nỗ lực để làm sao quản lý được các giống lúa thơm chất lượng cao, trong đó có các loại lúa ST và ST25 thật chặt chẽ để tránh sự phát tán tự phát của người dân và doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín của gạo thơm đặc sản Việt Nam. Để giữ giống lúa quý giá thì không phải người dân nào hay doanh nghiệp nào cũng tự do nhân giống được, mà chỉ có những đơn vị đảm bảo đủ điều kiện mới có thể làm. Nếu không đủ trình độ, nhân lực và cam kết rất có thể sẽ làm giảm chất lượng giống lúa. Chưa kể, một số người còn lợi dụng việc lúa ST25 đoạt giải để bán các giống lúa không đảm bảo chất lượng nhưng cũng gọi là các giống ST. Cục trồng trọt đã làm việc với tác giả của các giống lúa ST Hồ Quang Cua để phối hợp kiểm soát chất lượng cũng như phát triển giống lúa này. Chúng tôi đã nghiên cứu cho thấy các vùng đất phù hợp với giống lúa này để cho ra loại gạo có chất lượng ngon nhất chứ không phải vùng nào cũng trồng được. Có giống lúa tốt, có vùng trồng phù hợp để tạo ra hạt lúa chất lượng cao, nhưng để giữ những phẩm cấp ấy ra những bao gạo, đưa tới tay người tiêu dùng là câu chuyện mà các doanh nghiệp phải tham gia và thực sự làm để nâng cao giá trị hạt gạo. (Trần Mạnh ghi)

C.QUỐC - B.ĐẤU - K.TÂM - T.NHƠN

Đánh thức vùng cát…

Nguồn tin:  Báo Quảng Bình

Vùng cát nóng bỏng trải dài với khí hậu khắc nghiệt ở các địa phương phía Đông huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã từng ám ảnh biết bao thế hệ người dân nơi đây. “Sống trên cát, nước mắt chảy vào cát”, trên thực tế, vùng cát có rất nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn, phát huy nội lực cho các địa phương vùng cát Lệ Thủy vẫn còn những gian nan…

Làm giàu trên vùng đất cát…

Khó ai có thể hình dung về một vùng quê nghèo cách đây hơn chục năm chỉ có những đồi cát trắng hoang sơ và người dân nhọc nhằn bám biển với con tôm, con cá để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Hôm nay, đến với xã biển bãi ngang Ngư Thủy Trung, dễ dàng nhận thấy, thay cho những đồi cát trắng là màu xanh của cây rừng, tiếng cá quẫy trong ao hồ cùng với đó là những triệu phú làng biển ngày càng xuất hiện nhiều.

Anh Ngô Văn Thuần, 34 tuổi, ở thôn Thượng Nam không sao quên được con đường gian khó mà anh đã trải qua để tìm hướng đi phát triển kinh tế cho mình. Gần 6 năm trước, giống như những thanh niên làng biển khác, anh cũng theo đám bạn thuyền ra khơi vào lộng, nhưng được một thời gian, lại bỏ thuyền, bỏ biển tìm hướng đi mới vì cuộc sống quá bấp bênh.

Với suy nghĩ “Làm giàu không hẳn từ biển”, năm 2013, Thuần bắt tay vào làm kinh tế. Với ít tiền dành dụm được cộng với vay mượn, Thuần khăn gói vào miền Nam mua 50 cặp ếch giống để tiến hành nuôi thử trên vùng cát quê hương. Đến nay, Thuần đã xây dựng cho mình một cơ ngơi khá vững chắc với việc tập trung mở rộng diện tích nuôi ếch thịt và ếch giống cùng với đào ao thả cá. Thuần cho biết, vụ vừa rồi, gia đình anh đã xuất bán được hơn 10 tấn ếch thịt và hơn 50 vạn con ếch giống, thu về hơn 500 triệu đồng.

Anh Ngô Văn Thuần, thôn Thượng Nam, xã Ngư Thủy Trung đã biết khai thác thế mạnh vùng cát để trở thành triệu phú.

Theo chia sẻ của Thuần, câu chuyện thoát nghèo ngoài bám biển, làm giàu trên vùng cát xã Ngư Thủy Trung giờ đây không còn là chuyện hiếm. Nhiều hộ gia đình đã biết vươn lên làm giàu, xây được nhà cửa khang trang, cho con cái học hành đàng hoàng…

Ai đã từng đi qua xã Cam Thủy, nhìn những triền cát, động cát bỏng cháy, nhất là vào mùa hè, nạn cát bay, cát chảy đã ám ảnh rất nhiều thế hệ người dân ở đây. Nhưng bây giờ, trên những triền cát, động cát ấy, màu xanh đã ngút ngàn, xanh mướt.

Chúng tôi gặp ông Trần Như Thi, 53 tuổi, ở thôn Hòa Luật Nam khi ông đang sửa chữa lại hệ thống phun nước cho vườn rau trước nhà. Ông Thi cho biết rằng, trong quá khứ, tại vùng đất cát thôn Hòa Luật Nam này, người dân muốn làm gì để thay đổi cuộc sống cũng khó bởi sự khắc nghiệt của thời tiết, mùa nắng thì rát bỏng chân, mùa mưa thì gió thổi rát mặt, rồi nạn cát bay, cát chảy... Nhưng vài năm trở lại đây, người dân Hòa Luật Nam đã biết cải tạo vùng cát, chuyển đổi cây trồng phù hợp nên cho thu nhập khá ổn định.

Cũng theo ông Thi, trước đây, gia đình ông chỉ trồng rau theo hướng manh mún, tự phát nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2014, do biết cải tạo vùng cát, đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu bài bản, nên gia đình ông cũng có thu nhập khá. Với hơn 700m2 đất trong vườn nhà, ông Thi đã tiến hành trồng các loại rau, như: cải mầm, xà lách, rau màu các loại… Hàng năm, từ trồng rau, gia đình ông cũng có thu nhập hơn 120 triệu đồng.

“Thị trường tiêu thụ rau của gia đình tôi giờ đã vươn tới các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, hơn nữa, rau an toàn của thôn Hòa Luật Nam cũng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Và chính nhờ trồng rau đã mang lại gia đình tôi cũng như bà con trong thôn nguồn thu đáng kể trên vùng đất khó này...”, ông Thi bộc bạch.

Tháo gỡ khó khăn cho vùng cát…

Có thể nói rằng, thời gian qua, việc đánh thức tiềm năng kinh tế của các địa phương vùng cát ở phía Đông huyện Lệ Thủy là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những thách thức, khó khăn mà các địa phương này đang gặp phải.

Ông Nguyễn Đình Châu, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho hay, là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại khá của huyện Lệ Thủy, Cam Thủy còn đi đầu trong việc khắc phục những khó khăn của vùng đất để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Toàn xã có 1.089 hộ thì hơn 50% hộ giàu, khá; tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 3,85 %; thu nhập bình quân của người dân trong xã cũng đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Xã có hơn 100 gia trại chăn nuôi, trồng rau màu. Mỗi năm, các gia trại cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Có được thành quả đó là nhờ địa phương có quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong việc phát triển kinh tế nhất là làm thế nào để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cát hoang hóa.

Các mô hình sản xuất rau an toàn ở Cam Thủy góp phần thay đổi diện mạo vùng đất cát.

“Cam Thủy hiện có 285 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa là 200ha, đất trồng màu 85ha. Hiện tại, nhiều hộ dân tại địa phương rất muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiện đại nhưng gặp rất nhiều khó khăn do không có đất. Hiện, còn có khoảng hơn 200 ha đất vùng cát do Lâm trường Nam Quảng Bình đang quản lý. Địa phương cũng đã làm tờ trình xin tỉnh chuyển giao một số diện tích đất này, tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thực hiện được…Hơn nữa, người dân mong muốn các cấp đầu tư thêm về hạ tầng cho các vùng này nhằm giúp cho việc sản xuất được thuận lợi hơn…”, ông Châu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quang Thao, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung cho rằng, Ngư Thủy Trung là xã vùng biển nên đánh bắt, mua bán thủy hải sản là thế mạnh của địa phương nhưng lại rất bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhiều năm qua, địa phương đã nỗ lực giải quyết "bài toán" phát triển kinh tế cho người dân, trong đó, chú trọng nuôi trồng thủy sản, dịch vụ. Nhờ vậy, đến nay, đã có gần 100 hộ dân đào ao để nuôi cá, tôm thẻ chân trắng và nuôi ếch với tổng diện tích trên 20ha. Mỗi năm, từ nuôi trồng thủy sản, mỗi hộ gia đình cũng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, nhiều hộ có thu nhập gần cả tỷ đồng…

Cũng theo ông Thao, những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương khá cao. Nhưng đến nay, hộ nghèo chỉ còn có 50 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm cũng nhờ vào những chính sách, định hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ngoài khai thác biển.

“Nan giải nhất trong phát triển kinh tế vùng cát ở địa phương là thiếu nguồn vốn để chuyển đổi nghề cho người dân. Ngoài ra, do hơn 2/3 diện tích đất tại địa phương đang do Lâm trường Nam Quảng Bình quản lý nên việc triển khai thực hiện các dự án có quy mô của người dân gặp rất nhiều khó khăn do không có đất. Mặt khác, việc chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại đây chưa được thực hiện bài bản, chủ yếu do cán bộ địa phương thực hiện, do vậy, người dân vẫn còn lúng túng, chưa yên tâm làm ăn sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình ”, ông Thao chia sẻ.

Ngọc Hải

Triệu phú từ kinh tế tổng hợp

Nguồn tin:  Báo Tuyên Quang

Trong căn nhà 3 tầng khang trang tại trung tâm xã Bình Phú (Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), ông Ma Văn Thanh thôn Bản Khản chia sẻ, có được cơ ngơi như hôm nay đều bắt đầu từ nuôi trâu sinh sản.

Ông Ma Văn Thanh chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Năm 2010, gia đình ông chuyển từ Tri Phú đến thôn Bản Khản định cư, lúc mới về đất ít, nhà neo người nên làm kinh tế khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, ông vay anh em họ hàng hơn 200 triệu đồng để mua trâu sinh sản và đất trồng rừng. Ông chọn chỗ đất có khe suối quây lưới thép và làm chuồng nuôi trâu, trồng 1 ha cỏ làm thức ăn cho trâu. Đàn trâu được ăn no, tắm mát nên lớn nhanh, khỏe mạnh. Hiện đàn trâu của gia đình ông luôn duy trì 18 - 20 con, mỗi năm bán 3 đến 4 con trâu, thu từ 150 triệu đồng trở lên. Ông cho biết: Nuôi trâu nếu biết cách chăm sóc sẽ không vất vả, quan trọng nhất là phải có người trông coi và cho ăn, cho tắm đúng giờ, đặc biệt trâu sinh sản phải quan tâm những lúc chửa, đẻ, tiêm phòng đầy đủ để tránh rủi ro.

Ngoài nuôi trâu, ông Thanh trồng 10 ha rừng với các loại cây như: Lát, xoan và keo. Năm 2018, ông bán 5 ha keo thu về 350 triệu đồng. Số gỗ lát và xoan dự kiến cuối năm nay sẽ bán thu khoảng 500 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi và trồng rừng, gia đình còn mở thêm dịch vụ xay xát gạo, kinh doanh tạp hóa tổng hợp phục vụ nhân dân. Từ các nguồn kinh tế mỗi năm gia đình ông đều thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Mô hình kinh tế của gia đình ông Thanh là điểm sáng cho bà con trong xã học tập.

Bài, ảnh: Lê Duy

Trong khi giá thịt heo đuổi kịp giá thịt bò, người nuôi gà... rơi nước mắt

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Trong khi giá thịt heo tăng mạnh, thậm chí “tiệm cận” giá thịt bò; giá gà công nghiệp tại Đồng Nai - thủ phủ nuôi gà cả nước - vẫn đứng ở mức thấp, chỉ vừa trở lại mức hòa vốn sau khi rơi xuống mức chỉ bằng một nửa giá thành chăn nuôi. Vì sao?

Công nhân giao gà cho thương lái - Ảnh: A LỘC

Nhiều người chăn nuôi gà khẳng định giá gà giảm sâu là do nguồn gà đông lạnh nhập về nhiều, trong khi cơ quan chức năng cho rằng nguồn cung tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến giá gà giảm sâu, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng.

Ngừng nuôi, đóng trại

Ông Nguyễn Văn Khánh (chủ trang trại gà lông trắng ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết đã nuôi gà gần chục năm nhưng chưa năm nào giá gà bấp bênh như năm nay.

Lứa gà xuất bán mới nhất của ông chỉ có giá từ 20.000-22.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 23.500 đồng/kg. Với tổng đàn gần 80.000 con, lứa này ông Khánh lỗ hơn trăm triệu đồng, chưa tính tiền nhân công, điện, nước...

Nhưng với giá gà xuất bán trước đó với giá chỉ từ 16.000-18.000 đồng/kg, ông Khánh cho rằng mình đã may mắn giảm lỗ so với lứa gà xuất chuồng của đợt trước nữa, đồng thời cho biết đang tính chuyện tạm ngưng nuôi gà để "nghe ngóng" vì chẳng biết có tiếp tục thua lỗ nữa hay không.

Trong khi đó, một số hộ chăn nuôi có gà xuất chuồng vào trung tuần tháng 9-2019 vừa qua, khi giá chỉ 12.000 đồng/kg, thấp 10.000-11.000 đồng/kg so với giá thành chăn nuôi, đều bị lỗ nặng và không gượng dậy được. Nhiều hộ nuôi gà phải đóng trại, ngừng chăn nuôi vì cạn vốn.

Ông Lê Mạnh Cường, chủ trại gà 120.000 con ở huyện Tân Phú, cho biết đã "may mắn" vì nuôi gia công, theo hợp đồng được ký kết từ trước.

"Con giống, thức ăn và giá thu mua cố định nên gia đình tui không bị ảnh hưởng nhiều như nhiều hộ chăn nuôi khác, khi giá gà trắng xuất chuồng chỉ còn 12.000 đồng/kg" - ông Cường cho biết.

Những hộ chăn nuôi gia công không bị ảnh hưởng nhiều nhưng chính những công ty chăn nuôi đầu tư cho người dân nuôi gà đã lâm vào cảnh điêu đứng khi giá gà đứng ở mức thấp trong một thời gian dài.

"Gà đông lạnh nhập về nhiều với giá khá thấp nên gà nuôi trong nước cạnh tranh không lại" - ông Nguyễn Thanh Minh (chủ một trang trại gà tại Tân Phú, Đồng Nai) nói. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2019, VN đã nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu thịt gà tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch.

Ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai - cũng cho rằng lượng gà nhập về nhiều trong khi số lượng tổng đàn gà tăng nhanh, riêng tổng đàn gà của Đồng Nai đã tăng khoảng 3 triệu con (từ 21 lên 24 triệu con) so với thời điểm trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xảy ra khiến cho giá gà giảm sâu.

Phải kiểm soát nhập thịt gà

Theo ông Quang, dịch tả heo châu Phi bùng phát và lan rộng, với số lượng heo bị tiêu hủy khá lớn (hơn 5,7 triệu con tính đến hết tháng 10-2019), khiến cho giá heo tăng cao nên ngành nông nghiệp và các địa phương chủ trương phát triển một số vật nuôi khác, trong đó có gà để bù đắp cho lượng heo thiếu hụt. Tuy nhiên, nhiều người dân dồn vô nuôi gà sẽ dẫn đến cung vượt cầu, làm ảnh hưởng tới giá.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết tính đến hết tháng 10, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. "Do đó, người dân cần phải tỉnh táo, việc tăng đàn cần phải gắn trong chuỗi liên kết, có đầu vô đầu ra thì mới ổn định được" - ông Quang khuyến cáo.

Lãnh đạo một công ty chăn nuôi tại Đồng Nai cho rằng người chăn nuôi trong nước đang phải cạnh tranh không bình đẳng với thịt nhập khẩu. Không chỉ vì tại các nước xuất khẩu thịt gà tự chủ được nguồn nguyên liệu nên giá thành thấp hơn mà còn bởi nhiều quốc gia vẫn cho sử dụng chất ractopamine để kích thích tăng trưởng. Trong khi đó, tại VN cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi.

"Nếu nông dân VN bị cấm sử dụng chất tạo nạc ractopamine thì không có lý do gì lại cho nhập khẩu thịt từ các nước được sử dụng chất này trong chăn nuôi" - vị này nói.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, lượng thịt gà nhập khẩu tăng gần 50% trong thời gian qua là một vấn đề lớn với ngành chăn nuôi trong nước. Bởi các cơ quan quản lý không có những biện pháp điều tiết lượng nhập khẩu để cân đối với nguồn cung trong nước và cung cầu tiêu thụ.

Do đó, trong khi nguồn cung trong nước tăng rất mạnh, lượng thịt gà nhập khẩu cũng ồ ạt về làm ảnh hưởng đến giá trong nước.

"Nói gà nhập khẩu về nhiều vì giá rẻ là không hết bản chất vấn đề. Thời gian qua giá gà trong nước giảm rất thấp mà gà nhập khẩu vẫn tăng, đó là do khâu kiểm soát của chúng ta còn dễ quá" - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trong khi VN dễ dàng mở cửa cho thịt nhập, doanh nghiệp VN lại gặp rất nhiều khó khăn với hàng rào kỹ thuật khi xuất bán thịt gà cho nước ngoài, thường phải chuẩn bị từ 3-5 năm với rất nhiều quy trình khắt khe.

"Mỗi đơn hàng xuất khẩu đi phải tiến hành lấy mẫu phân tích an toàn thực phẩm và chỉ tiêu chất lượng. Nếu thịt nhập khẩu cũng được kiểm soát chặt chẽ như thế, lượng nhập về chắc chắn sẽ không tăng mạnh như thời gian qua" - ông Hùng khẳng định.

Nhập thịt gà không tác động lớn đến ngành chăn nuôi?

Việc nhập khẩu thịt gà thời gian qua dù có tác động nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu làm tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, theo khẳng định của Bộ Công thương trong một thông báo được phát hành vào ngày 29-10.

Dù thừa nhận trong 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại (tăng 49% so với cùng kỳ) với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD (tăng 46%) nhưng Bộ Công thương cho rằng nguồn cung thịt gia cầm trong nước cũng tăng khá nhanh.

Tính đến hết tháng 9-2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, trong khi tỉ lệ này trong giai đoạn 2015-2018 là 5,6%. Riêng quý 3-2019 đã tăng 19,2%.

Riêng tại Đồng Nai, tính đến hết tháng 9-2019, tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh này đạt hơn 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với tháng 4-2019. Giá thịt gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ đã giảm 30% so với cùng kỳ, do các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ.

A LỘC - TRẦN MẠNH - N.AN

Hậu Giang: Chuẩn bị nguồn thực phẩm tết

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Thời điểm này, người chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn gia súc, gia cầm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Nguồn cung heo hơi có khả năng khan hàng vào cuối năm.

Khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm, người chăn nuôi đã tất bật chuẩn bị nguồn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại các chợ trong dịp tết. Số lượng gia cầm hiện tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương trên 200.000 con. Nguyên nhân một phần là vì những hộ nuôi heo bị thiệt hại do dịch bệnh chuyển sang nuôi gà, vịt trong thời gian gần đây.

Anh Phạm Hữu Cường, ở ấp Thạnh Mỹ B, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, đã tận dụng chuồng heo trống để nuôi 300 con vịt. Dù chăn nuôi loài mới, nhưng anh Cường không thả theo cách truyền thống sơ sài mà làm sàn lưới cách xa mặt đất để vật nuôi có môi trường sống thông thoáng. Anh còn đặt máng ăn, làm ống nước tự động trong chuồng. Dự kiến sẽ duy trì đàn với số lượng tương đối trong thời gian chờ khi bệnh dịch tả heo châu Phi đi qua.

Chị Lê Thị Mẵn, tiểu thương ở chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cho hay: Sức hút tại các chợ có phần tăng nhẹ do thịt heo giữ mức cao nên người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng các loại thịt khác. Giá gà thả vườn, vịt xiêm, vịt siêu thịt cũng bắt đầu nhích lên.

Ngoài gia cầm, thịt heo là loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của rất nhiều người. Theo thông tin ở các địa phương, thịt heo ở các chợ hiện giữ mức khá cao. Thịt đùi và ba rọi có giá khoảng 100.000 đồng/kg; sườn heo khoảng 140.000 đồng/kg. Heo hơi trong vòng một tháng nay dao động 60.000-62.000 đồng/kg. Giá thịt heo tăng mạnh, nhiều người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa thêm các loại thực phẩm khác để phục vụ bữa ăn gia đình. Trước tình trạng giá heo hơi tăng cao tại các chợ, nhiều người nội trợ có xu hướng chọn lựa thêm các loại thực phẩm khác để bổ sung.

Chị Huỳnh Thị Ngọc, ở phường III, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: Dù thịt heo là nguồn thực phẩm chính trong dịp tết, nhưng người nội trợ hoàn toàn có thể thay thế bằng các loại thịt gia súc, gia cầm khác như thịt bò, thịt gà, thịt vịt, cá… Bởi sau dịch bệnh, giá thịt heo tăng cao nên cũng dự đoán mặt hàng này sẽ hút vào cuối năm.

Thời gian qua, các hộ chăn nuôi heo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả châu Phi. Tổng đàn heo chỉ còn chừng 70.000 con. Qua rà soát đã thiệt hại khoảng 40% tổng đàn heo toàn tỉnh. Con số thiệt hại đến nay trên 100 tỉ đồng. Chi phí chăn nuôi cao cộng với nguy cơ dịch bệnh chực chờ nên người dân không mặn mà trong chuyện tái đàn.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Ngành chức năng dự đoán nguồn cung thịt heo đợt tết này có nguy cơ thiếu. Tuy nhiên, ở Hậu Giang có một điểm trung chuyển của Công ty C.P, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Đây là điểm gom của các trại chăn nuôi heo gia công cho công ty rồi phân phối đi các tỉnh, thành khác. Do vậy, các mối lái có thể lấy nguồn từ điểm này để giết mổ rồi bán lại cho các điểm chợ trên địa bàn.

Theo các nhà khoa học, dịch tả heo châu Phi tồn tại ngoài môi trường khá lâu. Chủ trương hỗ trợ thiệt hại do dịch tả heo châu Phi nhằm tạo điều kiện cho bà con ổn định sản xuất. Mặt khác, các hộ dân nhận tiền hỗ trợ đều có ký cam kết không tái đàn khi chưa được cho phép. Các trường hợp cố tình tái đàn trong khi điều kiện vệ sinh an toàn không đảm bảo, không khai báo với ngành chức năng sẽ không được hỗ trợ tiếp khi có dịch bệnh xảy ra.

Tính đến ngày 31-10-2019, trên địa bàn tỉnh có 1.633 hộ chăn nuôi của 8 huyện, thị xã, thành phố bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi đã nhận được hỗ trợ với số tiền trên 73 tỉ đồng. Trong đó, gần 64 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh và trên 9 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng huyện.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop