Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 3 năm 2019

Tận dụng và khai thác tiềm năng cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức vào sáng 15-3 tại tỉnh Long An, sau khi đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển đối với cây ăn quả các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, nhu cầu tiêu dùng trái cây trong nước cũng tăng rất nhanh chưa kể phục vụ cho khách du lịch và xuất khẩu. Đây là ngành hàng rất có tiềm năng để phát triển nên Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các địa phương tập trung đầu tư sản xuất cây ăn quả theo hướng hiệu quả và khả thi nhất.

Tiềm năng của cây ăn quả còn rất lớn.

Đại biểu tham dự hội nghị cũng được chia sẻ nhiều thông tin về chế biến và phát triển thị trường xuất khẩu trái cây của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; công tác mở cửa thị trường cây ăn quả và giải pháp quản lý vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT); ý kiến của lãnh đạo một số tỉnh, thành và các doanh nghiệp.

Một số loại trái cây của Tiền Giang.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục tăng trưởng những năm gần đây, từ hơn 151 triệu USD năm 2003 đã đạt 3,8 tỷ USD năm 2018; trong đó đáng chú ý là thanh long đã đạt 1,1 tỷ USD. Theo đánh giá chung, tiềm năng xuất khẩu cây ăn quả còn rất lớn, nhất là sau khi nhiều thị trường khó tính đã mở cửa cho trái cây của Việt Nam…

A.P

Giàu lên từ trồng sen

Nguồn tin: VOV

Nhiều hộ dân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã chuyển những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Cư ở thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trồng lúa, thu nhập bấp bênh. Mới đây, ông Cư đã chuyển qua trồng sen ở những diện tích đất lúa kém hiệu quả, chân ruộng thấp trũng.

Theo ông Cư, sen từ khi trồng đến thu hoạch mất gần 6 tháng, rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Vụ sen vừa rồi, gia đình ông lãi khoảng 70 triệu đồng.

“Chuyển qua trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, một sào sen gấp 2 sào lúa. Nhờ trồng sen, kinh tế của gia đình tôi phát triển mạnh hơn những năm trước”, ông Cư cho biết.

Nhờ trồng sen, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho hay, hiện cả xã có khoảng 40 hộ trồng sen. Rất nhiều hộ dân ở đây đã chuyển đổi ruộng lúa sang trồng sen. Trước mắt, địa phương sẽ hỗ trợ mỗi hộ trồng sen 5 triệu đồng.

“Về cơ bản cây sen có giá trị kinh tế cao gấp mấy lần cây lúa. Phần lớn người dân có ý tưởng bỏ ruộng để làm sen. Một số hộ có 3-4 sào sen. Sau một năm cuộc sống của họ đã đổi khác. Việc phát triển cây sen đem lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương đã thống kê được những chân ruộng mà người dân có ý định chuyển đổi sang trồng sen. Tới đây sẽ hỗ trợ việc cải tạo, cây giống, sẽ quy hoạch một vùng hoặc nhiều vùng trên địa bàn”, ông Vũ nói.

Hiện, ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hàng trăm hộ trồng sen, trên diện tích gần 100ha, tập trung ở các xã Duy Sơn, Duy Phú, Duy Thu.

Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, trồng sen chi phí thấp. Người trồng sen nơi đây đã có cuộc sống khấm khá hơn, nhiều nhà giàu lên nhờ cây sen: “Giá sen cũng ổn định, khoảng 25.000 đồng/kg. Trồng sen hiệu quả kinh tế gấp 8-10 lần so với trồng lúa. Vì thu nhập cao nên cuộc sống của người dân ổn định. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân cải tạo đất trồng sen, quy hoạch theo vùng, đầu tư hạ tầng, thủy lợi để giúp dân mở rộng diện tích sen, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế”./.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Đức Cơ (Gia Lai): Giá hạt điều giảm, nông dân vẫn có lãi

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Năm nay, năng suất điều tại một số địa phương trong tỉnh Gia Lai giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ước tính của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ (Gia Lai), năng suất điều trên địa bàn đạt khoảng 1,2-1,4 tấn/ha, cao hơn so năm ngoái. Với giá bán 30-36 ngàn đồng/kg, người trồng điều vẫn có lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Những ngày này, nông dân huyện Đức Cơ đang bước vào cuối vụ thu hoạch điều. Đang nhanh tay lượm những quả điều chín mọng rụng dưới gốc cây, ông Rơmah Bren (làng Khóp, xã Ia Krêl) cho hay, năm nay, 3 ha điều của gia đình ông cho sản lượng khoảng 4 tấn. “Vườn điều nhà tôi thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua đến đó. Đầu vụ, tôi bán được giá 36 ngàn đồng/kg, sau giảm xuống 32 ngàn đồng/kg và hiện còn 30 ngàn đồng/kg. So với năm ngoái thì giá hạt điều thấp hơn nhưng bù lại năng suất đạt cao nên gia đình tôi cũng thu về được hơn 100 triệu đồng”-ông Bren phấn khởi nói.

Năng suất điều bình quân trên địa bàn huyện Đức Cơ đạt khoảng 1,2 tấn/ha nên dù giá có giảm, người trồng điều vẫn có lãi. Ảnh: V.T

Nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc hợp lý nên mặc dù gặp bất lợi về thời tiết khi cây ra hoa, trái non rụng nhiều nhưng năng suất điều ở huyện Đức Cơ năm nay vẫn đạt cao so với 2 năm trước. Ông Rơmah Thy (làng Khóp, xã Ia Krêl) cho biết, vụ điều năm nay, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người quen, chịu đầu tư chăm sóc, như: tỉa cành, định kỳ phun thuốc trừ sâu bệnh, bón phân bổ sung dưỡng chất cho cây nên 1 ha điều của gia đình ông thu được đến hơn 1,1 tấn hạt. Với năng suất tăng gần gấp rưỡi so với năm ngoái, sau khi trừ chi phí, gia đình ông có lãi 30 triệu đồng.

Theo nhiều nông dân ở huyện Đức Cơ, khoảng vài năm gần đây, nhờ giá điều ở mức cao nên bà con chú trọng đầu tư chăm sóc hợp lý. So với các loại cây trồng khác thì chi phí đầu tư, chăm sóc cây điều thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 7-10 triệu đồng/ha. Việc chăm sóc cây điều cũng rất phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn huyện có khoảng 4.500 ha điều, được trồng chủ yếu tại các xã Ia Lang, Ia Din, Ia Krêl, Ia Dom…

Ông Phan Đình Hải-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Thời điểm này, bà con nông dân trong huyện đã thu hoạch gần xong vụ điều 2018-2019. Giá điều trên thị trường đầu vụ là 36 ngàn đồng/kg và hiện dao động ở mức 30-32 ngàn đồng/kg. Dù giá giảm hơn so vụ trước nhưng bù lại năng suất cây điều trên địa bàn đạt khá hơn, bình quân khoảng 1,2 tấn/ha nên người trồng vẫn có nguồn thu ổn định. Riêng ở các xã khu vực biên giới như Ia Dom, Ia Nan, năng suất điều đạt đến 1,4 tấn/ha. Sản lượng điều trên địa bàn ước đạt khoảng 5.400 tấn.

Cũng theo ông Hải, năng suất điều của huyện Đức Cơ năm nay đạt cao là do nông dân đã quan tâm đầu tư bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây. Bên cạnh đó, thời tiết vụ điều này cũng không gặp nhiều bất lợi như những năm trước. “Giá điều tuy có giảm nhưng người trồng vẫn có lãi nhiều hơn so với một số loại cây khác. Đặc biệt, những năm gần đây, giá điều tương đối ổn định nên người trồng có nguồn thu khá. Điều này giúp họ yên tâm đầu tư chăm sóc, cũng như mở rộng diện tích điều trên địa bàn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết thêm.

VŨ THẢO

Bình Phước: Lợi ích kép từ màng phủ nông nghiệp

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Nhằm tận dụng nguồn tàn dư thực vật, cải tạo mùn hữu cơ, tăng độ tơi xốp cho đất, hiện nông dân nhiều nơi trong tỉnh Bình Phước đã dùng màng phủ nông nghiệp ủ cành, lá điều hoai mục làm phân. Ngành nông nghiệp một số huyện, thị xã, thành phố còn xây dựng mô hình, phổ biến kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí để nông dân áp dụng rộng rãi hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

GIẢM CHI PHÍ, TĂNG NĂNG SUẤT

Ông Vũ Văn Tấn (Bí thư Đảng ủy xã Phú Trung) ngụ thôn Phú Tâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng đã thực hiện mô hình này từ năm 2013. Ông Tấn cho biết: “Gia đình có 5,5 ha điều. 5 năm trước, tôi đã thực hiện màng phủ nông nghiệp tại 3 ha rẫy, thấy đem lại hiệu quả nên sau khi mua thêm 2,5 ha, tôi tiếp tục áp dụng. Do điều trồng khá lâu, già cỗi, quy cách trồng không thành hàng lối nên chỗ nào mật độ cây dày, nhiều lá thì tôi cào gom lại rồi phủ màng, lấp đất xung quanh”.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tài (xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng) đăng ký thực hiện mô hình sử dụng màng phủ nông nghiệp đầu tiên trong xã làm mẫu để nông dân tham quan học tập

Ông Tấn còn thuê máy múc nhiều hố trong rẫy để tích nước, tích mùn. Sau mùa thu hoạch, những cành, cây cắt tỉa ông đều cho xuống hố sau đó tiếp tục phủ màng để hoai mục. Từ kinh nghiệm làm nhiều năm ông Tấn cho biết nên đào hố rộng khoảng 1-2m, dài từ 3-5m, sâu khoảng 3m. Các hố đào so le theo chiều ngang với độ dốc của rẫy để tránh xói mòn. Đi một vòng quanh rẫy quan sát, chúng tôi thấy rõ từng lớp đất ẩm, xốp, có những chỗ nhiều mùn lún chân. Những cây điều đủ dinh dưỡng gốc to, tán rộng, rất ít bị sâu bệnh gây hại. Thời điểm này, nhiều rẫy điều đã vãn không còn trái, nhưng rẫy điều của gia đình ông Tấn vẫn cho thu hoạch rộ. Ông Tấn dự kiến năng suất bình quân vụ này đạt trên 3 tấn/ha. “Tôi đang tuyên truyền, vận động những hộ xung quanh áp dụng màng phủ nông nghiệp, vừa giảm chi phí phân bón vừa giúp điều đạt năng suất cao, chất lượng, bán sẽ được giá cao hơn, đồng thời liên kết xây dựng hợp tác xã phát triển điều bền vững. Một số công ty chế biến, xuất nhập khẩu điều trên địa bàn đã mời đối tác nước ngoài đến tham quan, khảo sát trực tiếp tại vườn, nhằm ký hợp đồng mua thường xuyên” - ông Tấn chia sẻ thêm.

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Huyện Bù Đăng có diện tích trồng điều lớn nhất tỉnh với khoảng 59 ngàn héc ta. Những năm qua, người trồng điều thường dọn rẫy trước khi thu hoạch bằng cách xịt thuốc cỏ, phát cỏ và quét gom lá điều đốt tại chỗ. Kỹ sư nông nghiệp Trần Minh Hiểu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết: “Việc đốt lá điều là phản khoa học vì lãng phí nguồn phân hữu cơ, gây chai đất, làm chết các vi sinh vật có ích. Hơn nữa, rễ điều thường ăn nổi nên gặp lửa nóng sẽ gây tổn hại đến bộ rễ, nếu đốt trong điều kiện gió lớn còn nguy cơ cháy rẫy, cháy cành lá, bông đọt, hạt non làm giảm năng suất. Việc xịt thuốc cỏ vừa tốn kém hơn phát cỏ vừa bị rửa trôi, ngoài ra thuốc cỏ còn gây độc hại môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó, dùng màng phủ nông nghiệp có rất nhiều tiện ích là tận dụng được tàn dư thực vật làm phân hữu cơ, cải tạo đất tơi xốp, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có ích phát triển, điều hòa nhiệt độ, giữ ẩm cho đất, không bị rửa trôi, ngăn ngừa cỏ dại, côn trùng gây hại, giúp cây phát triển tốt”.

Để phổ biến rộng rãi cách làm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng đã xây dựng 29 mô hình tại các xã, thị trấn trong huyện; tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền những lợi ích cho cán bộ hội, nông dân cơ sở. Mỗi mô hình được xây dựng có diện tích 1 ha, kinh phí 4,6 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,675 triệu, còn lại nông hộ thực hiện mô hình đối ứng. Phương pháp làm đơn giản, tiện lợi, chi phí ít, không độc hại. Màng phủ bán rộng rãi trên thị trường, chi phí thấp.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) đăng ký thực hiện mô hình này đầu tiên nhằm làm mẫu để nông dân trong xã tham quan học tập. Ông Tài cho biết: “Gia đình có 3 ha điều 20 năm tuổi. Từ tháng 11-2018, gia đình bắt đầu phát cỏ, cuối tháng 1-2019, tôi cào lá điều thành luống, tưới nước tạo độ ẩm, sau đó rắc nấm trichoderma theo đúng kỹ thuật (nấm trichoderma tiết ra enzym có tác dụng phân hủy lá điều, tiết kiệm thời gian ủ phân, tiêu diệt các loài nấm có hại). Lá được cào thành hàng chạy dọc giữa 2 hàng điều gọn gàng, sạch sẽ. Để tránh gió lớn gây rách bạt, dùng cọc tre cách khoảng 1-1,2m tôi lại ghim bạt xuống đất”.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Màng phủ nông nghiệp được dùng từ lâu, nhất là đối với các nhà vườn trồng, kinh doanh rau, củ, quả sạch vì đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, việc dùng màng phủ để ủ lá điều làm phân hữu cơ vẫn chưa được thực hiện nhiều do phần lớn người dân ngại làm, vẫn có thói quen đốt lá, xịt thuốc cỏ, vì vậy không tận dụng được tính ưu việt của nó. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh luôn khuyến khích và đẩy mạnh tuyên truyền người dân sáng tạo trong canh tác, tăng cường cải tạo đất bằng các chế phẩm sinh học, hữu cơ thay thế thuốc hóa học. Với Bình Phước là thủ phủ điều của cả nước, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, việc sử dụng màng phủ nông nghiệp trong vườn điều là cách làm cần nhân rộng, góp phần phát triển cây điều bền vững”.

Minh Quang

Liên kết trồng chanh không hạt cho hiệu quả

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Hiện nay, chanh không hạt (hay còn gọi là chanh tứ quý) là loại cây đang được nhiều người dân trên địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) trồng thành công và mang lại lợi nhuận cao.

Ông Trần Xuân Vũ, người tiên phong đưa cây chanh dây không hạt về trồng thử nghiệm tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu với diện tích 1 ha, đến nay cây đã cho thu hoạch. Ưu điểm của giống chanh không hạt là cây cho trái quanh năm, sau khi trồng được 1 năm là cho thu hoạch trái.

Ông Vũ giới thiệu về vườn chanh không hạt tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Bên cạnh đó, năng suất đạt cao nhất là từ năm thứ 4 trở đi, mỗi năm thu hoạch từ 120 kg đến 170 kg/gốc, bình quân năng suất đạt 30 - 40 tấn/ năm và có thể thu hoạch trên 10 năm mới phải chặt bỏ.

Theo ông Vũ, với giá bán tại vườn từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, lúc cao điểm vào mùa nắng nóng, giá chanh có thể lên đến 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg. Khi thu hoạch, chỉ cần nhìn trái nào vỏ căng mọng, có màu xanh sáng tức là chanh đã già. Cây chanh không hạt cho trái to, khoảng 6-7 trái /kg, vỏ mỏng, mọng nước, vị chua thanh và có mùi thơm.

Ông Vũ cho biết thêm, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng/ha gồm cây giống, phân bón, hệ thống tưới tự động tiết kiệm giúp cây phát triển và sinh trưởng tốt hơn. Sau khi trừ hết chi phí, người trồng thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Trái chanh không hạt.

Theo ông Vũ, sau khi tìm hiểu và trồng thử nghiệm 1 ha chanh không hạt đạt hiệu quả tốt, ông nhận thấy giống cây này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như khí hậu tại địa phương.

Bên cạnh đó, đầu ra, giá cả lại sản phẩm ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng, nên ông Vũ quyết định liên kết với nông dân để trồng và cung cấp cho thị trường sản phẩm chanh không hạt lớn hơn. Đến nay, mô hình liên kết trồng chanh không hạt của ông Vũ đã có diện tích 5 ha, với 5 hộ tham gia sản xuất.

Ông Vũ cho biết thêm, trong quá trình liên kết sản xuất, ông Vũ sẽ cung cấp cây giống đạt chất lượng cho người trồng; hỗ trợ người trồng trong các khâu trồng, bón phân và các kỹ thuật khác; hướng dẫn và lắp đặt hệ thống tưới tự động tiết kiệm. Đặc biệt, đến ngày thu hoạch, ông Vũ đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân với giá cả ổn định, sau đó cung cấp ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Nhi Trần

Giải pháp canh tác từ đất nhiễm mặn

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Nuôi heo, sử dụng túi ủ biogas kết hợp trồng khổ qua, đó là mô hình khá hiệu quả mà nhiều nông hộ ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã làm được.

Tưới khổ qua bằng nước thải từ biogas vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí.

Mô hình này vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn nước tưới hiếm hoi trong giai đoạn mùa khô, xâm nhập mặn hiện nay. Ông Nguyễn Việt Hồng, ở ấp 8, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cùng hơn 30 hộ dân khác trong xã đã thành công với mô hình trồng khổ qua tưới bằng nước thải từ hầm ủ biogas. Tiếp nhận kỹ thuật mới từ ngành nông nghiệp địa phương và nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao, ông Hồng đã thu về nguồn lợi không nhỏ. Ông Hồng nhớ lại: “Trước đây, tôi chỉ trồng theo kinh nghiệm, bây giờ làm theo quy trình của các nhà khoa học thấy rất bài bản. Từ công tác cải tạo ao, mương để thả cá, cách làm hầm ủ. Hướng dẫn theo dõi thời gian nguồn phân heo được đưa vào túi biogas hoai mục, sử dụng chất thải được thải ra ao làm thức ăn nuôi cá mà không cần sử dụng thức ăn công nghiệp”.

Nhờ học được kỹ thuật mới mà ông Hồng còn biết xử lý nguồn nước thải từ hầm ủ biogas, tận dụng để tưới cung cấp dinh dưỡng cho dây khổ qua thay phân hóa học. Đặc biệt với quy trình này, ông còn bao được trái khổ qua phòng sâu hại tấn công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí phun thuốc, sản phẩm làm ra đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng”.

Qua 6 tháng nuôi cá và trồng khổ qua, ông Hồng không chỉ nâng cao được kỹ năng, kiến thức trong canh tác nông nghiệp mà nguồn thu của gia đình cũng tăng theo. Cá sặc rằn mà ông nuôi trên 100m2 sau 6 tháng đã thu được 60kg, bán giá 30.000 đồng/kg thu lợi nhuận được 1,5 triệu đồng từ 4kg cá giống. Còn khổ qua chỉ với 500m2, ông Hồng bỏ túi được 2,5 triệu đồng sau 60 ngày canh tác. Ngoài ra, ông còn tiết kiệm được 200.000 đồng/tháng tiền khí đốt nhờ hầm ủ biogas.

Cũng khẳng định hiệu quả mà mô hình trồng khổ qua mang lại, bà Phạm Thị Bé Em, ngụ cùng xã Lương Nghĩa vẫn tiếp tục xuống giống trồng lại 50m2 khổ qua. Bà Bé Em cho rằng: “Trồng khổ qua mùa này tôi rất lo không có nước tưới vì đang vào mùa khô, nước hiếm và bị nhiễm mặn. Nhưng nhờ học được kỹ thuật trồng khổ qua tưới bằng nước thải hầm ủ biogas nên tôi không còn lo lắng nữa”. Được biết, vụ khổ qua năm 2018, bà Bé Em thu hoạch hơn 120kg mà không phải tốn tiền mua phân, thuốc. Bởi khổ qua của bà được bao trái, không bị sâu hại nên đảm bảo được năng suất, trái đẹp. Còn dinh dưỡng cho khổ qua được cung cấp từ nước thải của hầm ủ biogas nên vẫn đảm bảo đủ chất, cho trái to. Tổng kết lại vụ khổ qua năm qua, bà Bé Em cho biết mình đã thu thêm được 1,5 triệu đồng cho gia đình. Năm nay, bà Bé Em đã mạnh dạn mở rộng diện tích gấp đôi để tăng thêm thu nhập. Bà Bé Em vui vẻ cho biết: “Đàn heo của tôi hơn chục con thì dư nước tưới cho 100m2 khổ qua rồi. Sau 2 tháng nữa là gia đình có thêm thu nhập để sắm sửa vật dụng trong nhà”.

Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Quân, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cũng phấn khởi không kém. Bởi 2 tháng qua, ông bỏ túi mấy triệu đồng từ 200m2 khổ qua làm theo mô hình chống hạn mặn của các kỹ sư, nhà khoa học hướng dẫn. Ông Quân cho biết: “Trồng khổ qua theo cách này khỏe lắm vì cây được bón bằng phân hữu cơ và tưới nước có đủ dinh dưỡng nên ít bị sâu bệnh. Ngoài ra, khi treo bẫy ruồi sẽ hạn chế được sâu hại tấn công nên không cần xịt thuốc. Còn nước tưới cũng khỏi lo vì túi ủ biogas đủ cung cấp”. Vụ khổ qua vừa rồi, trừ tiền hạt giống, làm giàn khoảng 1 triệu đồng, ông Quân còn lời hơn 4 triệu đồng.

Có thể thấy, mô hình trồng khổ qua kết hợp tưới nước từ chất thải hầm ủ biogas đã giúp cải thiện sinh kế cho nông hộ, nhất là những hộ nông dân sống ở khu vực hiếm nước, nước bị nhiễm phèn, mặn. Mô hình còn tận dụng điều kiện sẵn có của gia đình để tăng gia sản xuất, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, mô hình còn có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra. Ông Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, cho biết: Hiện tại, nguồn nước ở một số địa phương trong huyện bị xâm nhập mặn. Đây chính là mô hình hiệu quả, vừa là giải pháp canh tác thời hạn mặn, vừa giúp nông dân cải thiện sinh kế. Trong năm 2019, trạm sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, đặc biệt là những xã có đồng bào dân tộc, nhiều hộ nghèo sinh sống.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Hậu Giang: Độ mặn đã vượt 7‰

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ngành thủy lợi huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) cho biết, qua kết quả đo mặn trong những ngày gần đây thì nồng độ mặn ngày sau luôn cao hơn ngày trước, trong đó kết quả đo vào sáng ngày 13-3 tại một số điểm chính thì nồng độ mặn đang ở mức rất cao, có nơi đã vượt mức 7‰. Cụ thể, trên địa bàn thành phố Vị Thanh, độ mặn đo tại ngã ba sông Nước Trong là 7,1‰, cống kênh Lầu là 5,4‰, đầu kênh Năm là 4,4‰. Còn tại huyện Long Mỹ, độ mặn đo ở cống Ba Cô là 5‰, cống Hóc Pó là 4,5‰, trước cửa UBND xã Lương Nghĩa là 3‰, kênh Mười Thước 7‰ và trước của UBND xã Vĩnh Viễn A là 3,1‰. Nồng độ mặn này đã tăng từ 1-2,5‰ so với ngày hôm trước.

Huyện Long Mỹ đã tiến hành đắp nhiều đập thời vụ để ngăn nước mặn từ sông lớn vào nội đồng.

Trước tình hình nồng độ mặn trên các tuyến sông lớn đang ở mức cao nên ngành chức năng thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ, cũng như người dân ở hai địa phương này đang tích cực phòng chống mặn như: Triển khai đắp các đập thời vụ, xuống các nắp cống ở những cây cầu thuộc tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh và đóng nắp cống tại các trạm bơm; đồng thời người dân đắp và gia cố các đê bao xung quanh nhà để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng, vườn cây ăn trái, rau màu, thủy sản... Ngoài hai địa phương trên thì Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng đề nghị ngành chức năng huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cần đo nồng độ mặn thường xuyên tại những điểm chính trên các tuyến sông, khi phát hiện nồng độ mặn từ 1,5‰ trở lên thì tiến hành đóng các cống, đập theo kế hoạch và thông báo cho người dân được biết để cùng phòng, chống xâm nhập mặn hiệu quả...

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop