Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2019

Tây Ninh: Hiệu quả từ mô hình chiết ghép cây nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm ráo

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Trường Đông (tỉnh Tây Ninh) là vùng đất chuyên canh về các loại cây nông nghiệp như nhãn, mì, cao su... mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, các loại cây trồng này hiện đang phát triển rất nhiều ở khắp các khu vực trong tỉnh, vì vậy giá cả cũng biến động thất thường.

Nhiều năm trở lại đây, người trồng nhãn đang gặp khó khăn, do đa số nhãn tiêu da bò đã nhiều năm tuổi, cây dễ nhiễm bệnh, cây khô chết… Bên cạnh đó, giá bán thấp, nhiều nhà vườn chưa áp dụng kỹ thuật thâm canh đồng bộ nên năng suất không cao; không có đăng ký thương hiệu hàng hóa; thương lái ép giá… làm cho diện tích cây nhãn có xu hướng giảm, vì thế nhiều nhà nông không “mặn mà” tìm hiểu để nâng cao chất lượng vườn nhãn.

Hội thảo Kỹ thuật ghép chuyển đổi giống nhãn và chăm sóc cây nhãn sau khi ghép tại xã Trường Đông.

Tuy nhiên, cũng có hộ nông dân mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi và tìm ra phương pháp chiết ghép cây nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm ráo. Đó là nông dân Nguyễn Trí Dũng, ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành. Với quyết tâm nâng cao giá trị cây nhãn, ông Dũng đã mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi và tìm ra phương pháp chiết ghép cây nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm ráo. Theo ông Dũng, nhãn xuồng cơm ráo là loại cây rất hợp với vùng đất cát và thịt nhẹ. Do đó, chỉ cần bỏ công đầu tư chăm sóc thì hiệu quả kinh tế của cây nhãn xuồng mang lại rất cao so với nhiều loại cây truyền thống tại địa phương.

Ông Dũng chia sẻ: “Trong lúc loay hoay tìm cách nâng cao năng suất của 2 ha nhãn tiêu da bò, tôi chợt nhận ra đã bỏ quá nhiều chi phí để phòng ngừa dịch bệnh cho cây, như sâu keo, chổi rồng, nhện đỏ... nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao bởi thị trường giá cả lên xuống thất thường. Từ đó, tôi rút ra kết luận cần phải tìm ra một giống cây đem lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với vùng đất cát”.

Ông Dũng kể, cuối năm 2015, ông mang tất cả vốn liếng dành dụm được đi các tỉnh Bến Tre, Vũng Tàu để tham quan học hỏi, tích lũy kinh nghiệm về áp dụng trên 2 ha nhãn của mình. Lúc này, không ngần ngại, ông Dũng đã cho cưa khoảng 500 gốc nhãn tiêu da bò trên 10 năm tuổi để bắt đầu nuôi nhánh. Sau đó, Viện Cây ăn quả miền Đông Nm bộ có đến tham quan vườn nhãn, đồng thời hướng dẫn ông cách ghép cành cho khoảng 500 gốc nhãn này, mỗi gốc ghép từ 4- 5 mầm nhãn xuồng cơm ráo.

Với sự tận tình hướng dẫn của các kỹ sư, cũng như nỗ lực học hỏi của ông Dũng, sau một thời gian ngắn triển khai ghép cành, cây nhãn đã ra đọt xanh tốt.

Ông Dũng khẳng định, ghép cây nhãn xuồng cơm ráo trên cây nhãn tiêu da bò là mô hình mới có tính thực tế, hiệu quả cao. Năm 2018 là mùa thu hoạch đầu tiên của cây nhãn xuồng cơm ráo ghép trên cây nhãn da bò, gia đình ông Dũng thu được 1,5 tấn, với giá bán 80.000 đồng/kg, thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Vườn nhãn xuồng cơm ráo ghép trên cây nhãn da bò của ông Dũng bắt đầu cho bông vụ thứ 2.

“Với giá bán ổn định như hiện nay và việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thương lái tìm mua tận vườn thì chỉ vài năm nữa, gia đình tôi sẽ thu hồi vốn và có lãi. Hiện nay, các hộ dân ở các ấp còn lại trong xã đã đến vườn tham quan học hỏi kinh nghiệm. Với phần lớn diện tích đã cho thu hoạch, hứa hẹn vườn nhãn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định của gia đình tôi mùa vụ tới”- ông Dũng bộc bạch.

Ông Dũng cho biết, cách chăm sóc nhãn ghép không khó, chỉ đòi hỏi người trồng phải nghiên cứu cách xử lý cắt tỉa cành, làm trái, bón phân. Sau mỗi mùa mưa lũ, cần xới đất cho cây thoáng gốc, gom trái rụng để tiêu hủy nhằm phòng ngừa các loại nấm, sâu bệnh gây hại.

Phân bón chủ yếu là phân chuồng hoai, sau đó mới bón cân đối các loại phân lân, kali, NPK… Thời kỳ ra trái thì làm giàn chống đỡ để cây không bị gãy cành, rụng trái. Thời điểm thu hoạch cây nhãn xuồng cơm ráo bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng chạp.

Nhận thấy việc ghép nhãn xuồng cơm ráo trên cây nhãn tiêu da bò mang lại hiệu quả cao, cần được nhân rộng, ngày 14.6, Trung tâm Khuyến nông huyện Hòa Thành phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ tổ chức hội thảo về Kỹ thuật ghép chuyển đổi giống nhãn và chăm sóc cây nhãn sau khi ghép.

Thông qua buổi hội thảo, hơn 30 hộ trồng nhãn trên địa bàn xã Trường Đông được cung cấp thêm thông tin, tiến bộ khoa học về giống, kỹ thuật ghép chuyển đổi và chăm sóc cây nhãn sau khi ghép, cải tạo vườn nhãn già cỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng doanh thu trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.

Mặc dù trồng cây nhãn xuồng cơm ráo đem lại hiệu quả cao, đầu ra ổn định nhưng để loại cây trồng này phát triển bền vững, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có khuyến cáo người dân thận trọng, không nên phát triển ồ ạt, nhất là ở những vùng đất không thích hợp nhằm tránh tình trạng trồng rồi lại chặt, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhi Trần

Xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn: Giảm thủ tục, thông quan trong ngày

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Những năm qua, sản lượng vải thiều (quả vải tươi) xuất khẩu qua các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu của toàn quốc. Hiện đang vào chính vụ thu hoạch vải thiều. Để trái vải xuất khẩu qua các cửa khẩu diễn ra nhanh chóng, thuận lợi nhất, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Thủ tục thông quan không quá 2 phút

Năm nay, phần lớn vải thiều của một số tỉnh, đặc biệt là tỉnh Bắc Giang được các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh. Theo bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, tất cả các loại hàng hóa nông sản nói chung đều được đơn vị và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạo thuận lợi nhất để thông quan nhanh nhất.

Xe chở vải thiều qua Cửa khẩu Tân Thanh.

Đối với quả vải tươi, ngành hải quan chỉ kiểm tra thông qua hệ thống tờ khai điện tử và chỉ cần có chứng nhận của cơ quan kiểm dịch thực vật là làm thủ tục cho phép thông quan. Do đó, thời gian thông quan một xe chở vải thiều chỉ mất không quá 2 phút.

Ghi nhận cho thấy, không chỉ cơ quan hải quan, hầu hết các lực lượng chức năng tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh đều ưu tiên thực hiện cho việc xuất khẩu mặt hàng vải thiều. “Mục sở thị” hoạt động xuất khẩu vải thiều trong ngày 10-6, những xe chở vải quả được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh hướng dẫn, phân luồng và xuất khẩu qua cửa khẩu sang Trung Quốc rất nhanh chóng, thuận lợi.

Trao đổi với Trung tá Nguyễn Đức Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tân Thanh được biết, đơn vị chỉ đạo Trạm Kiểm soát Biên phòng bố trí cán bộ, chiến sĩ trực, phân luồng xe, ưu tiên xe chở vải thiều đi trước. Đồng thời, Đồn chủ động phối hợp với lực lượng hải quan, Trung tâm Quản lý cửa khẩu, kiểm dịch cho xe chở vải thiều xuất khẩu đi qua một luồng riêng. Do đó, xe chở vải thiều qua cửa khẩu không xảy ra ùn tắc.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn, cơ quan chức năng của tỉnh và tại các cửa khẩu có vải thiều xuất khẩu qua đã chủ động phối hợp với lực lượng liên quan phía Trung Quốc tạo thuận lợi tối đa cho vải thiều thông quan. Theo đó sẽ kéo dài thời gian thông quan (có thể đến 21 giờ hằng ngày), đồng thời làm việc cả ngày nghỉ, không để xe chở vải thiều nào không được thông quan trong ngày.

Với nhiệm vụ quản lý, nắm bắt một số hoạt động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, thời điểm này, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chỉ đạo các Trung tâm quản lý cửa khẩu chủ động hội đàm với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc để có thể xử lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình giao thương mặt hàng vải thiều giữa hai bên.

Theo thông tin cập nhập từ phía cơ quan chức năng, tính đến hết ngày 10-6, tổng sản lượng vải thiều (vải quả tươi) xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt hơn 21 nghìn tấn, tổng kim ngạch 5,5 triệu USD. Trong đó, hơn 95% sản lượng được xuất khẩu qua Cửa khẩu Tân Thanh.

Bảo đảm yêu cầu chất lượng

Thông tin từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, vụ vải thiều năm nay, phía Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm quả vải thiều tươi.

Đặc biệt, DN nhập khẩu vải thiều phía Trung Quốc rất chú trọng đến chất lượng vải quả qua việc chỉ nhập khẩu những lô hàng vải thiều bảo đảm đóng gói đúng quy cách, trong đó vải thiều không được để lá (lo ngại một số loại vi khuẩn vẫn tồn tại trên lá), cuống vải quả phải cắt gọn và chỉ để dài tối đa 15cm.

Chuẩn bị đóng gói vải thiều xuất khẩu.

Những năm qua, các tỉnh trồng vải thiều lớn, nhất là Bắc Giang đã chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước khác, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng. Thực tế, các DN nhập khẩu vải thiều phía Trung Quốc năm nay không còn “dễ tính” như những năm trước.

Minh chứng rõ nhất là ngay từ đầu vụ thu hoạch, phía DN nước bạn đã đến các vùng vải để khảo sát, đặt hàng và cung cấp trước số lượng lớn thùng xốp, tem nhãn để DN Việt Nam thực hiện dán tem, đóng thùng trước khi làm thủ tục qua cửa khẩu.

Cán bộ Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra chất lượng vải quả xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết, tinh thần chung là cơ quan kiểm dịch thực vật và các lực lượng chức năng khác đều tạo thuận lợi tối đa để vải thiều xuất khẩu nhanh nhất.

Tuy vậy, trên thực tế cũng đã có DN xuất khẩu vải đã thực hiện thông quan sang phía Trung Quốc nhưng lại phải “tái nhập” vì chưa đáp ứng đủ những điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng do phía bạn yêu cầu.

“Để vải thiều xuất khẩu thuận lợi cũng như bán được giá cao, người trồng vải và các DN phải tuân theo tiêu chuẩn, quy định về chất lượng hàng hoa quả tươi, trong đó có vải thiều xuất khẩu vào thị trường nước bạn”, bà Hà cho biết thêm.

Trí Dũng- Đỗ Hoạt

Hậu Giang: Diện tích trồng cây ăn trái đạt gần 39.000ha

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn đạt gần 39.000ha, tăng khoảng 1.170ha so với cuối năm 2018. Trong đó, có một số loại cây chủ lực như: bưởi 1.532ha, cam 10.672ha, quýt 951ha, chanh 2.289ha, khóm 2.179ha, nhãn 861ha, xoài 3.538, mít 3.014ha, mãng cầu xiêm 801ha. Tổng sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 310.000 tấn.

Diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh đang tăng mạnh, trong đó mít Thái chiếm nhiều nhất.

Nguyên nhân diện tích cây ăn trái tăng mạnh là do một số loại cây trồng có giá cao trong thời gian gần đây như mít Thái, mãng cầu xiêm… nên người dân chuyển từ vườn tạp, đất ruộng, mía kém hiệu quả sang trồng loại cây có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân không nên trồng tự phát, ồ ạt khi chưa có thị trường đầu ra ổn định.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Hậu Giang: Sản xuất lúa trong cánh đồng lớn lợi nhuận tăng thêm từ 2-5 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Tổng diện tích sản xuất lúa trong các cánh đồng lớn của toàn tỉnh Hậu Giang hiện nay 6.467ha, với 5.553 hộ tham gia. Các cánh đồng này đều có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra thu mua lúa hàng hóa của nông dân. Ngoài ra, hàng năm tỉnh đều kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với tổ chức đại diện nông dân là các hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong diện liên kết sản xuất được các doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường (tùy thời điểm và tùy theo giống), nhờ vậy hầu hết bà con nông dân đều đạt mức lãi từ 30-40% trở lên.

Nông dân sản xuất lúa trong cánh đồng lớn đã giảm chi phí hơn 2 triệu đồng/ha.

Các cánh đồng lớn bước đầu cho hiệu quả khá tốt, theo kết quả ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, năng suất lẫn giá thành sản xuất cho mỗi héc-ta lúa trong cánh đồng được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năng suất tăng từ 0,1-0,12 tấn/ha; chi phí sản xuất giảm từ 2-3 triệu đồng/ha; giá bán cao hơn 100-500 đồng/kg so với bên ngoài; lợi nhuận tăng thêm từ 2-5 triệu đồng/ha so với hộ trồng lúa bên ngoài cánh đồng lớn.

Tin, ảnh: H.THU

Chư Pưh (Gia Lai): Người trồng tiêu thiệt hại hơn 900 tỷ đồng

Nguồn tin: Tỉnh Gia Lai

Theo kết quả rà soát mới nhất của ngành chức năng huyện Chư Pưh, Gia Lai, tổng giá trị thiệt hại của người trồng tiêu trên địa bàn huyện do ảnh hưởng của mưa kéo dài trong năm 2018 là hơn 900 tỷ đồng.

Mưa kéo dài khiến nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh chết hàng loạt. Ảnh: Q.T

Cụ thể, tổng diện tích cây hồ tiêu bị thiệt hại trong năm 2018 do ảnh hưởng của thời tiết mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện tính đến nay là gần 1.677 ha của 4.192 hộ dân. Trong đó, diện tích hồ tiêu bị thiệt hại trên 70% là hơn 1.671 ha, diện tích bị thiệt hại từ 30% đến 70% là 5,75 ha. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 906 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện bị chết trên diện rộng là do ảnh hưởng của mưa kéo dài khiến cây hồ tiêu bị thối rễ và chết; làm cho độ ẩm đất, không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát sinh gây hại. Ngoài ra, do giá cả hồ tiêu xuống thấp, nông dân thu hoạch không đủ chi phí đầu tư, chăm sóc, trả lãi ngân hàng... nên vườn tiêu không được chăm sóc tốt.

Dựa trên kết quả rà soát, để giúp người dân giảm bớt phần nào thiệt hại cũng như có vốn tái đầu tư, phát triển sản xuất, UBND huyện Chư Pưh đề xuất tỉnh, Trung ương xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người trồng tiêu trên địa bàn với tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ trên 6,696 tỷ đồng.

QUANG TẤN

Hội thảo tư vấn kỹ thuật về cây mắc ca

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngày 13/6, tại thị trấn Di Linh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh tổ chức hội thảo tư vấn kỹ thuật về cây mắc ca cho các hội viên nông dân và đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện.

Mắc ca là một trong những cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân huyện Di Linh

Cây mắc ca đã được xác định là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đất Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Vì vậy, những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn huyện Di Linh đã mạnh dạn đầu tư trồng thuần và trồng xen cây mắc ca với cà phê trên diện tích hơn 860 ha.

Tại buổi hội thảo, bà con nông dân huyện Di Linh đã được đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty TNHH Him Lam giới thiệu về tiềm năng phát triển, thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca tại Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, bà con đã được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch mắc ca như: cách xác định vùng đất phù hợp với cây mắc ca; cách thiết kế vườn cây; kỹ thuật làm đất, bón phân, tưới nước, tỉa cành, hạn chế quả non rụng sớm; phòng trừ sâu bệnh hại và đặc biệt là khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm mắc ca... Từ đó, góp phần tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu mắc ca tại huyện Di Linh được bền vững, bảo đảm cho người nông dân yên tâm sản xuất.

NDONG BRỪM

Thừa Thiên Huế: Mủ cao su tăng giá, người trồng vơi bớt nỗi lo

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

So với năm ngoái, giá mủ cao su tăng gấp 1,5 lần khiến người trồng phấn khởi. Theo các cơ quan chức năng, trong tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, nông dân cần chăm sóc cũng như có phương pháp khai thác mủ cao su hợp lý.

Người dân huyện Nam Đông chăm sóc, khai thác mủ cao su

Dấu hiệu khả quan

Thời điểm này, nhiều người dân tại các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới và các địa phương vùng gò đồi huyện Phong Điền, TX. Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang thu hoạch mủ cao su để bán cho thương lái. Những năm qua, thị trường mủ cao su bấp bênh khiến người trồng lâm vào cảnh khó khăn.

Một thời, cây cao su mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân vùng núi và các địa phương vùng bán sơn địa. Giá mủ có thời điểm lên đến 45-50 nghìn đồng/kg khiến nhiều người đổ xô trồng cao su. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, giá mủ giảm sâu, năm 2016 chỉ còn khoảng 5-6 nghìn đồng/kg. Với mức giá này không đủ chi phí công cạo.

Mủ cao su rớt giá, nhiều người dân ở huyện Nam Đông đành chuyển đổi số diện tích già cỗi sang trồng cam, thậm chí có người dân chặt bỏ để trồng keo.

Sau một thời gian biến động về giá, năm 2018, giá mủ cao su nhích dần nhưng chỉ dừng ở 8-9 nghìn đồng/kg. Đến năm nay, thị trường mủ cao su mới có dấu hiệu khả quan. Và theo đánh giá của người trồng, mức giá vào thời điểm này cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

“Hiện nay, giá mủ vào khoảng 14-15 nghìn đồng/kg mủ đông. So với thời “hoàng kim”, mức giá này không cao. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, mủ cao su tầm giá này đã là cao. Người trồng cao su phấn khởi vì có thêm thu nhập. Hy vọng giá mủ tăng hoặc giữ ổn định để người trồng duy trì, khai thác số diện tích hiện có”, ông Hồ Văn Nam (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) chia sẻ.

Sau thời gian điêu đứng vì giá mủ cao su “chạm đáy”, bây giờ người trồng cao su đang vui mừng bởi mủ cao su tăng đúng thời điểm vào vụ khai thác.

Tại xã Hương Bình (TX. Hương Trà), người dân mỗi ngày khai thác khoảng 50 kg mủ đông. Ông Hồ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết, địa phương này hiện có khoảng 650ha cao su. Đây là thời điểm chính vụ nên sản lượng mủ cao su khá cao. “Nhiều năm rồi giá mủ cao su mới lại cao như vậy. Tại địa phương, cứ hai ngày người dân lại khai thác mủ một lần”, ông Sanh nói.

Theo ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Nam Đông, giá mủ cao su đang có xu hướng tăng, so với các năm gần đây, giá tăng khá mạnh. Đây là dấu hiệu lạc quan cho người trồng cao su sau thời gian dài điêu đứng. Ngoài ra, sau khi mủ được thu hoạch thương lái đến tận nơi để thu mua.

Mủ cao su đang có giá từ 14 - 15 nghìn đồng/kg (đối với mủ đông)

Duy trì diện tích

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 8.955ha cao su. Trong đó, hơn 6.392ha đang trong giai đoạn cho khai thác mủ và 2.562,4ha kiến thiết cơ bản.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm trở lại đây, diện tích cây cao su không quá đột biến và luôn giữ ổn định. Sau những đợt biến động của thị trường mủ cao su, có thời điểm loại cây từng được xem là “vàng trắng” bán rẻ như cho, một số hộ dân chặt bỏ để thay thế cây trồng khác. Chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động người hạn chế chặt bỏ, thay vào đó là tăng cường chăm sóc, ổn định vườn cây.

“Thị trường mủ cao su tăng giảm tùy theo nhu cầu từng thời điểm. Chúng tôi khuyến cáo người dân dùy trì số diện tích hiện có. Đối với những diện tích trong giai đoạn kiến thiết cơ bản thì cần tăng cường chăm sóc. Đến thời điểm này của năm 2019, giá mủ đang cao nên người trồng có thu nhập khá”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.

Trong toàn tỉnh, huyện Nam Đông được xem như “thủ phủ” của cây cao su với với tổng diện tích khoảng 3.100 ha. So với trước đây, diện tích cao su ở Nam Đông đã giảm do qua nhiều đợt mưa bão khiến cây gãy đổ và một số diện tích già cỗi được người dân thay thế bằng cây trồng khác. Hàng năm, sản lượng khai thác mủ cao su rơi vào khoảng 11.000 tấn mủ nước, tao ra thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân.

“Huyện Nam Đông nói riêng và toàn tỉnh nói chung chưa có cơ sở để chế biến mủ cao su. Mủ được người dân khai thác bán cho thương lái hoặc đại lý lớn tại huyện. Theo chủ trương chung, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân ổn định vườn cây. Hiện nay, dù giá cao nhưng người trồng cao su cũng cần có những phương pháp khai thác hợp lý để có chất lượng mủ tốt”, ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Nam Đông thông tin.

Hàng năm, từ tháng 5-11 là giai đoạn người trồng cao su khai thác mủ, và năm nay, thời điểm khai thác trúng vào lúc giá mủ tăng cao.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện A Lưới cho rằng: “Với mức giá như hiện nay, người trồng cao su đang có thu nhập cao. Tại địa phương có hơn 1.200 ha cao su. Trong đó có khoảng 520 ha đang đưa vào khai thác. Toàn huyện, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 18 tạ mủ đông/ha. Người trồng cao su bây giờ ngoài khai thác hợp lý cũng cần có những biện pháp chăm sóc diện tích cây cao su trong giai đoạn sinh trưởng”.

Bài, ảnh: L.Thọ

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên đất trồng lúa nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, vừa đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trồng lúa không hiệu quả

Trong vài năm trở lại đây, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa trên địa bàn TPHCM diễn ra rất nhanh, đồng nghĩa với việc đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần, trong đó có đất trồng lúa. TPHCM đã có chủ trương giảm đất trồng lúa tại Nghị quyết số 80/2018 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020). Theo đó, diện tích đất trồng lúa năm 2015 trên địa bàn thành phố là 18.675ha, giảm 8.919ha so với năm 2010 và đến năm 2020 chỉ còn 3.000ha đất chuyên trồng lúa.

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, thu nhập từ 1ha trồng lúa trên địa bàn thành phố thấp hơn nhiều so với các cây màu khác (như bắp giống) và thấp hơn rất nhiều lần so với trồng các loại rau, hoa. Thống kê cho thấy, tính bình quân, hoa cây cảnh đem lại lợi nhuận cao nhất - 1.427 triệu đồng/ha, đứng thứ 2 là nuôi cá cảnh - 485 triệu đồng/ha, thấp nhất là sản xuất lúa - 59 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa mang lại giá trị thấp nhất trong các loại hình sản xuất, thấp hơn từ 2 - 4 lần so với 1ha rau và 1ha trồng cỏ, từ 25 - 35 lần so với 1ha trồng hoa nền và hoa lan, từ 1,5 - 5 lần so với 1ha cây ăn quả.

Do đó, nếu chỉ chuyên trồng lúa sẽ khó có cơ hội cho các loại hình sử dụng đất nông nghiệp khác có hiệu quả cao hơn cây lúa phát triển (đặc biệt là các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực), nên không thể bảo đảm mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân.

Cùng với đó, TPHCM không giống như các tỉnh ở ĐBSCL - là “thủ phủ của cây lúa”, mà là nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế lớn đối với ngành hàng rau, hoa, cây cảnh về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và thị trường tiêu thụ khá lớn. Hơn nữa đây là ngành hàng truyền thống của nông nghiệp thành phố, người dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Nuôi cá trong sân nhà tại quận 7. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhiều năm qua, rau, hoa, cây cảnh không những xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần làm giàu đối với không ít hộ nông dân ở ngoại thành; cho thấy TPHCM không phải là địa bàn để bố trí phát triển cây lúa, cần phải chuyển đổi sang các vật nuôi, cây trồng chủ lực khác.

Giảm dần diện tích đất trồng lúa

Để đảm bảo mục tiêu về nâng cao thu nhập của người nông dân, thực hiện tốt Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cần thiết phải tiến hành lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Theo Sở NN-PTNT, căn cứ đặc thù của từng vùng sinh thái (ngọt ven sông, mặn ven biển, lợ, thấp trũng, vùng phèn...), TPHCM sẽ xem xét và có lộ trình chuyển đổi đất lúa không những cho việc trồng các loại cây, mà còn cho cả các đối tượng là vật nuôi chủ lực và nuôi trồng thủy sản, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa; phải phù hợp với hiện trạng giao thông, thủy lợi nội đồng, hạn chế đầu tư lớn và gắn với xây dựng nông thôn mới.

Diện tích sản xuất lúa thực tế điều tra năm 2018 là 11.732ha, giảm 6.125ha so với thống kê đất đai năm 2017 (17.857ha). Theo “Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại TPHCM đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa trình UBND TPHCM, Sở NN-PTNT đưa ra phương án để đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa còn 3.000ha, chuyển 8.732ha cho các mục đích khác.

Trong đó, tại huyện Củ Chi 2.650ha, bố trí sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn 12 xã; huyện Bình Chánh 350ha, toàn bộ được sản xuất lúa chất lượng cao và tập trung ở xã Tân Nhựt. Đến năm 2025, xây dựng 2 phương án chuyển đổi: Phương án 1, diện tích sản xuất lúa còn 1.000ha; Phương án 2, không còn sản xuất lúa.

Những năm qua, các quận huyện trên địa bàn TPHCM đã có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình chuyển đổi lúa sang sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã Thỏ Việt; chuyển đổi lúa sang sản xuất hoa lan tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi)...

Theo Sở NN-PTNT, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thủy sản trên đất trồng lúa phải đảm bảo thực hiện thành công cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho nông dân; phải đạt mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, tạo mảng xanh đô thị; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản.

Để chuyển đổi mang lại hiệu quả cao và phát triển bền vững, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong quy hoạch vùng chuyển đổi, cơ giới hóa, nghiên cứu - chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi.

BÌNH KHÔI

Làm giàu từ cách làm ‘chẳng giống ai’

Nguồn tin:  Báo Bình Dương

Gần 3 năm nay, anh Trần Văn Anh, sinh năm 1983, ngụ ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) không còn tốn nhiều chi phí mua phân bón hóa học để bón cho các cây ăn trái như những năm trước. Thay vào đó, anh đã chuyển sang sử dụng phân cá ủ để bón trên vườn cây ăn trái của mình.

Từ cách làm mới

Năm 2015, anh Anh mua 7 ha đất tại ấp Hòa Phú - khu vực gần hồ Dầu Tiếng, để trồng cây ăn trái. Từ kinh nghiệm trồng cây ăn trái của ba - ông Trần Văn Xộp - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh, kiến thức tự học hỏi từ sách báo, anh đã nghĩ ra phương pháp ủ cá để làm phân bón.

Hiện nay, vườn cây ăn quả của anh có 300 gốc bưởi, 600 gốc quýt và 100 gốc nhãn xuồng. Hàng ngày, gia đình anh bắt và thu gom được 30kg cá ở hồ Dầu Tiếng để dùng làm phân ủ. Phân bón cho cây bưởi, quýt, nhãn được anh làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học. Theo anh, chi phí từ việc ủ cá làm phân thấp hơn 40% chi phí đầu tư các loại phân bón khác, chưa nói đến việc mua phân kém chất lượng, hàng giả. Ưu điểm của đạm cá hữu cơ giúp cho cây trồng hấp thu và chuyển hóa thành dinh dưỡng; người trồng có thể tới gốc cây phun lên lá.

Công nhân làm việc cho gia đình anh Trần Văn Anh chuẩn bị lấy phân bón được ủ từ cá tưới tiêu cho vườn cây ăn trái

Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như anh Anh, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt. Anh chia sẻ: “Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cây ăn trái. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt, mà cây cũng dễ hấp thu”.

Hiệu quả cao

Anh cho hay, khi nước lòng hồ Dầu Tiếng dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ, thậm chí có ngày gia đình anh còn kéo vó được gần 50kg. Cá được anh cho vào thùng lớn trộn với men vi sinh của Viện Khoa học công nghệ xanh. Đây là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi, sau đó trộn với trái thơm chín xay nhuyễn với nước rồi ủ; thời gian ủ khoảng 60 ngày thì bón cho cây. Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê Dầu Tiếng.

Cách bón phân cá cho cây ăn trái của anh Anh được đánh giá có tính khoa học cao, bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Vì thế, 3 năm gần đây năm nào vườn bưởi, quýt và nhãn của anh cũng trĩu quả. Trung bình mỗi năm, vườn bưởi, quýt mang lại cho gia đình anh thu nhập trên 500 triệu đồng. Bưởi da xanh hiện anh bán với giá trung bình 40.000 đồng/kg, quýt đường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; riêng nhãn xuồng giá 35.000 đồng/ kg cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/vụ/năm.

Nhờ sự nỗ lực, chịu khó tìm tòi học hỏi, anh Anh đã từng bước khẳng định con đường đi của mình bằng việc sản xuất đạm cá hữu cơ - loại phân bón sạch cho cây trồng. Không ngại vất vả, anh đang ấp ủ hoài bão trong tương lai sẽ xây dựng cơ sở sản xuất đạm cá và cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt giúp người nông dân làm giàu ngay chính trên mảnh vườn của mình là rất cần thiết trong quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, mô hình ủ phân đạm của anh Trần Văn Anh cần được khuyến khích nhân rộng, góp phần giúp người nông dân tăng lợi nhuận kinh tế gia đình. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết phế phẩm nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường, cùng địa phương thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

HỒNG NGA

Trang trại nuôi bò công nghệ cao Thông Thuận: Thêm cơ hội việc làm cho người dân

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Trang trại nuôi bò sinh sản, bò thịt công nghệ cao Thông Thuận do Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Khánh Hòa xây dựng tại xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, trang trại này còn hứa hẹn tạo nhiều việc làm cho người dân khu vực này.

Hàng nghìn con bò chất lượng cao

Trang trại được đặt ở thôn Hòn Lay, khu vực này còn khá vắng vẻ và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trên diện tích rộng hơn 162ha tương đối bằng phẳng, có đến hơn 157ha đã được trồng cỏ voi và bắp dùng làm thức ăn cho bò.

Trang trại bò Thông Thuận.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh hiện nay xấp xỉ 90.000 con. Hầu hết hoạt động chăn nuôi bò vẫn đang ở mức độ nhỏ lẻ, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt công nghệ cao Thông Thuận phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh tại “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng theo hướng bền vững”. Đề án này khuyến khích phát triển đàn bò thịt theo hình thức trang trại gắn với phát triển trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn; ưu tiên đầu tư cho công tác cải tạo giống để nâng cao thể trạng, chất lượng đàn bò, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 phát triển lên 110.000 con trên toàn tỉnh

Theo chủ đầu tư, hệ thống đồng cỏ đảm bảo cho việc cung cấp đầy đủ thức ăn hàng ngày cho đàn bò thịt và bò giống của trang trại. Ngoài ra, để bổ sung lượng thức ăn thô xanh giàu chất dinh dưỡng cho bò, tại đây còn trồng thêm bắp. Hầu hết lượng phân bò được xử lý rồi bón lại cho đồng cỏ. Khu vực chuồng trại rộng 5.000m2. Toàn bộ hệ thống chuồng trại được lắp đặt các thiết bị, máy móc hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhất sự sinh trưởng, phát triển của đàn bò; đồng thời tạo sự an toàn và thuận tiện cho người chăn nuôi trong việc quản lý, chăm sóc bò. Nơi đây còn có khu vực dành cho bò sinh sản được xây dựng chuyên biệt.

Sau hơn 8 tháng đi vào hoạt động, trang trại đang có 1.100 con bò nhiều lứa tuổi, trong đó có 700 con bò sinh sản, số còn lại là bò cái hậu bị và gần 300 con bò thịt. Theo ông Đinh Văn Bình - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Khánh Hòa, công ty chú trọng nhập 3 giống bò thịt nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới. Đó là bò Brahman thuộc giống bò Zebu có nguồn gốc từ Ấn Độ; bò Doughmaster được lai tạo ở Úc - một giống bò chịu hạn rất tốt; cuối cùng là giống bò Angus có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Scotland và được nuôi phổ biến ở Hoa Kỳ nhờ đặc tính tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt tốt. Định hướng phát triển đàn bò của trang trại đến năm 2020 sẽ đạt công suất 1.000 con bò sinh sản và 2.000 con bò thịt mỗi năm, mỗi con bò thịt đạt trọng lượng 450kg, tương đương với việc đưa ra thị trường 900 tấn bò thịt mỗi năm. Mô hình hoạt động của trang trại là dùng bò sinh sản cho ra đời những con bò giống. Bò cái được giữ lại để phát triển thành bò mẹ, còn những con bò đực được nuôi theo chuỗi bò thịt.

Tạo việc làm cho người dân

Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, với hơn 50 tỷ đồng đầu tư vào trang trại chăn nuôi bò quy mô lớn nhất tỉnh tính đến thời điểm này, ngoài việc đảm bảo các quy định về chăn nuôi thú y, môi trường, còn góp phần cải thiện kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là tạo việc làm cũng như sinh kế mới cho người dân khu vực xung quanh.

Ông Bình cho biết, công ty đang xúc tiến với các hộ khu vực lân cận để phối hợp trồng cỏ cung cấp cho trang trại. Công ty cung cấp giống cỏ, quy trình canh tác, làm đất, phân bón và thu mua tận ruộng. Trong đó, có 2 giống cỏ chủ lực là Va06 và Mulato II. Đây là 2 giống cỏ có đặc tính sinh trưởng nhanh, dễ trồng, dễ chăm sóc, 1 lần xuống giống có thể cho thu hoạch mỗi năm 4 lứa cỏ, kéo dài trong 5 - 6 năm mới phải thay gốc. Qua tính toán, mỗi năm, 1ha người dân có thể đạt lợi nhuận 28 triệu đồng từ việc trồng cỏ. Con số này hiệu quả hơn so với trồng lúa, mía… ở khu vực này. Ngoài ra, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương với thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 5 triệu đồng/người. “Chúng tôi đang nỗ lực để đạt được mục tiêu chính là tạo việc làm và nâng cao mức sống cho lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Đinh Văn Bình nhấn mạnh.

Hồng Đăng

Quảng Ninh: ‘4 tại chỗ’ bảo vệ giống lợn quý Móng Cái

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi đã lan ra gần hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh, với 12.578 hộ dân ở 834 thôn, khu của 153 xã, phường, thị trấn ở 14 huyện, thị xã, thành phố có lợn bị nhiễm dịch tả, trên 110.000 con lợn chết và buộc phải tiêu hủy, trọng lượng tiêu hủy là trên 5.300 tấn. Theo dự báo của cơ quan chuyên môn trong thời gian tới, tình hình bệnh dịch có khả năng lây lan đến tất cả các xã chưa bị xâm nhiễm.

Cùng với bảo vệ đàn lợn chưa bị nhiễm bệnh, điều nhiều người chăn nuôi, người làm công tác chuyên môn lo lắng là làm thế nào để bảo vệ nguồn gen quý của đàn lợn Móng Cái trước cơn bão dịch tả châu Phi?

Di chuyển đàn lợn ra các đảo để “ngăn sông cách đò” với dịch tả hay thực hiện trữ tinh, phôi đông lạnh đợi bão dịch qua đi khôi phục lại đàn? Các phương án đều đã nghiên cứu, bàn thảo rất nhiều. Qua phân tích cân nhắc thì với gần 1.700 con lợn Móng Cái đang được nuôi ở các doanh nghiệp nếu di chuyển ra các đảo sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Bởi, lợn đang ở vùng an toàn dịch giờ di chuyển đi phải lên xe, xuống thuyền và trong quá trình này rất có khả năng bị xâm nhiễm bệnh tả.

Trên các đảo không đảm bảo tự cung, tự cấp được thức ăn cho đàn lợn đưa ra mà vẫn phải vận chuyển từ đất liền ra, đây cũng là một nguồn có khả năng gây lây lan dịch bệnh cho đàn lợn. Thêm nữa vì là đàn lợn giống nên sẽ phải sinh sôi trong khi điều kiện về chuồng trại, quy trình nuôi tại các đảo khó có thể đáp ứng được. Và ngay chính các cơ quan chuyên môn cũng không xác định được khi nào thì dịch mới chấm dứt, vậy nên đàn lợn sẽ phải nuôi trên các đảo bao lâu, xây dựng quy trình nuôi, chuồng trại như thế nào cho phù hợp?

Ngoài lo lắng về khả năng xâm nhiễm dịch bệnh lên đàn lợn dù đã được di chuyển ra các đảo để lánh nạn thì các chuyên gia cũng cho rằng tác động của việc di chuyển đàn lợn ra cũng rất lớn đối với các đảo. Vì các đảo đều đang có môi trường khá tốt, diện tích không phải đủ rộng lớn để lỡ xảy ra dịch có thể thực hiện tiêu hủy ngay tại đảo, nguy cơ ô nhiễm môi trường đối với các đảo cũng rất cao.

Làm thế nào để bảo vệ đàn lợn giống Móng Cái đang có trước cơn bão của dịch tả, giữ nguồn gen quý cho phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề rất khó đối với ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay.

Theo đề xuất của ngành NN&PTNT thì phương án tốt nhất để bảo vệ đàn lợn giống Móng Cái lúc này là thực hiện tốt “4 tại chỗ”, gồm: Thú y tại chỗ, an toàn sinh học, nuôi dưỡng và cách ly. Còn để giữ nguồn gen quý lợn Móng Cái cần thực hiện trữ tinh, phôi đông lạnh, thời gian phôi được lưu trữ đảm bảo trong vòng 3-4 năm, đây là giải pháp đang được đánh giá là tối ưu nhất trong bảo vệ nguồn gen.

Bảo vệ đàn lợn giống Móng Cái hay lợn của các hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh trước cơn bão dịch tả đang được các địa phương quyết liệt thực hiện, các giải pháp phòng chống dịch đang được thực hiện đồng bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh. Và phương án “4 tại chỗ” sẽ tiếp tục được quán triệt sâu sát để phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay.

Ngọc Lan

Tăng đàn gia cầm để bù thiếu hụt nguồn heo

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Khoảng 2 tuần nay, heo hơi liên tục nhích giá, hiện thương lái đang đưa ra mức giá mua tại trại từ 38-41 ngàn đồng/kg tùy loại. Giá heo tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thị trường hồi phục trong khi nguồn cung bị thiếu hụt do dịch tả heo châu Phi.

Chăn nuôi gia cầm tăng trưởng tốt, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong trường hợp thiếu hụt thịt heo (ảnh chụp tại một trang trại nuôi gà công nghiệp ở huyện Tân Phú). Ảnh: B.Nguyên

Dự báo trong thời gian tới, giá heo còn tiếp tục tăng cao do thiếu nguồn cung. Đồng Nai đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng tăng đàn gia cầm để có nguồn thực phẩm thay thế trong trường hợp thiếu thịt heo.

* Giá heo tăng từng ngày

Chỉ trong thời gian ngắn, giá heo hơi bán tại trại tăng lên từ 10-12 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Dự báo thời gian tới, giá heo hơi còn tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt.

Ông Trần Văn Minh, thương lái chợ đầu mối Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Vài tuần gần đây, đặc biệt trong những ngày gần đây, giá heo tăng từng ngày, có khi sáng mới tăng, chiều đã tiếp tục lên mức giá mới. Nguyên nhân là do lượng heo về chợ liên tục tăng vì thị trường tiêu thụ thịt heo đã dần hồi phục. Một lý do khác là do dự báo nguồn cung heo thịt sẽ thiếu hụt trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi”.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đa số các trại nuôi heo nhỏ lẻ bỏ đàn chủ yếu chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Đứng đầu trong danh sách được lựa chọn là mô hình nuôi vịt theo hướng công nghiệp do nhu cầu tiêu thụ loại thịt này tốt nên giá ổn định ở mức khá cao. Ngoài ra, mặt hàng gà ta thả vườn cũng được đầu tư nhiều, dần chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn cả chục ngàn con. Theo đó, nguồn cung các sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh khá dồi dào. Hiện giá vịt bán tại trại dao động từ mức ở 38-40 ngàn đồng/kg; gà ta thả vườn từ 50-55 ngàn đồng/kg; giá gà công nghiệp từ 24-26 ngàn đồng/kg.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai so sánh, ngày 11-6, Đồng Nai cung cấp khoảng 5,8 ngàn con heo/đêm về chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh, ngày trước đó là 5,5 ngàn con và vài ngày trước đó nữa là 5,2 ngàn con. Mức tiêu thụ thịt heo tại chợ đầu mối tăng nhanh cho thấy sức tiêu thụ mặt hàng thịt heo đang hồi phục tốt. Tuy do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi bỏ đàn hoặc giảm đàn nhưng nguồn heo trên địa bàn tỉnh vẫn rất dồi dào, đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội tỉnh và TP.Hồ Chí Minh.

Theo đó, có nhiều thông tin cho thấy tại nhiều tỉnh phía Bắc giá heo tăng nhanh do thiếu nguồn cung, tuy nhiên hiện vẫn chưa có thương lái đưa heo ra Bắc vì mức giá chênh lệch giữa 2 miền Nam - Bắc chưa cao, thủ tục kiểm dịch lại rất khắt khe. “Trước mắt, nguồn cung thịt heo của Đồng Nai cho thị trường vẫn đảm bảo. Giá heo chỉ tiếp tục tăng cao do thị trường chỉ cung không đủ cầu trong trường hợp diễn biến dịch tả heo châu Phi còn tiếp tục lan rộng; miền Bắc khan hàng phải tăng mạnh mua heo từ miền Nam” - ông Đoán dự báo.

Dự báo thị trường sẽ bị thiếu hụt nguồn thịt heo do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, vào giữa tháng 4-2019, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm thay thế cho nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong nước. Vì trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể phải dai dẳng, ngành hàng thịt heo cần hằng năm dài để khôi phục nên nguy cơ thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi.

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương nói: “Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án có những nguồn thực phẩm thay thế kịp thời trong trường hợp thị trường bị thiếu hụt thịt heo. Nhiều doanh nghiệp đều đã chủ động kế hoạch tăng đàn gia cầm, đảm bảo nguồn cung trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng lên”.

* Đón đầu thị trường

Trong khi đó, ngành chăn nuôi gia cầm đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đạt 27 triệu con, tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái do thời gian qua, Đồng Nai có thêm nhiều dự án đầu tư mới trong chăn nuôi gà công nghiệp.

Một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô trang trại và dây chuyền giết mổ gia cầm vì thị trường tiêu thụ tốt. Mảng chăn nuôi gà ta thả vườn cũng a9ã chuyển hướng theo quy mô công nghiệp. Theo ông Quang thì hiện trong 1 năm, các trang trại có thể nuôi được từ 4-5 lứa gà công nghiệp. Nếu nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt gà tăng cao thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh), doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư hệ thống trang trại nuôi gà VietGAP và cơ sở giết mổ tại Đồng Nai lại bày tỏ lo ngại: “Từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt heo đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư tăng đàn mạnh nên giá thịt gà bán ra thị trường ở mức người chăn nuôi chỉ huề vốn hoặc đạt lợi nhuận thấp. Vì vậy, áp lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng lớn, thị trường thịt gà sẽ khó có mức giá cao, lợi nhuận lớn như kỳ vọng của người chăn nuôi”.

Bình Nguyên

Tuyên Quang: Hướng đi mới của các hộ chăn nuôi lợn

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

“Cơn bão” dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã gây thiệt hại lớn cho 291 hộ, ở 144 thôn, xóm, tổ nhân dân thuộc 49 xã, phường, thị trấn. Để ổn định cuộc sống, bà con đang chuyển sang chăn nuôi gia súc lớn, gia cầm, thủy cầm và thủy sản.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn 17, xã Phú Lâm (Yên Sơn) chuyển từ nuôi lợn sang đầu tư nuôi bò thịt.

Hiện tại, người chăn nuôi thay vì tái đàn lợn mà chuyển sang phát triển đàn bò, nuôi gà, nuôi vịt và cá. Ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn 17, xã Phú Lâm (Yên Sơn) cho biết, DTLCP bùng phát, gia đình không tái đầu tư chăn nuôi lợn mà chuyển sang mở rộng quy mô chăn nuôi bò vàng địa phương. Theo ông Tuấn, bò vàng địa phương rất phàm ăn, ít dịch bệnh, mắn đẻ nên hiệu quả kinh tế cao. Bò nái mỗi năm đẻ 1 lứa, bê con sau 1 năm chăn nuôi nếu bán thịt được khoảng 12 triệu đồng, bán giống được 13 triệu đồng. Nuôi bò chi phí đầu tư ít, thức ăn được tận dụng lại từ sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Đại, xóm 5, xã Kim Phú ngay sau khi tiêu hủy xong đàn lợn bị nhiễm bệnh ông đã bắt tay vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Ông Đại cho biết, lợn bị chết lượng cám dư thừa còn nhiều. Trong lúc chưa thể tái đàn lợn, gia đình quyết định chuyển sang chăn nuôi gà thịt để lấy ngắn nuôi dài. Ông Đại tính toán, với 8 ô chuồng nuôi lợn trước đây giờ có thể nuôi vài trăm con gà. Nuôi gà khoảng 4 - 6 tháng được xuất bán, thu nhập sẽ ổn định trở lại.

Tại huyện Chiêm Hóa, hàng chục hộ dân bị thiệt hại do DTLCP thay vì tái đàn lợn bà con đang đề nghị huyện hỗ trợ kết nối tham gia chuỗi chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đang được triển khai trên địa bàn. Ông Đỗ Văn Thập, thôn Quang Hải, xã Vinh Quang chia sẻ, cuối tháng 5 vừa qua, đàn lợn của gia đình đã bị nhiễm DTLCP phải tiêu hủy hết. Lo ngại dịch tái phát nên gia đình dừng kế hoạch chăn nuôi lợn, đăng ký nhận nuôi trâu, bò vỗ béo. Hiện tại, ông Thập đang vệ sinh, sửa chữa lại chuồng trại, tích trữ rơm rạ để cuối tháng 6 nhận trâu, bò về nuôi.

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đơn vị liên kết với các hộ dân để chăn nuôi trâu, bò khẳng định, HTX đang thu mua trâu, bò giống để bàn giao cho các hộ chăn nuôi theo đúng hợp đồng liên kết. HTX sẽ ưu tiên những hộ đã có kinh nghiệm chăn nuôi, những hộ bị tổn thất do DTLCP đã có chuồng nhằm đảm bảo các điều kiện chăm sóc vật nuôi theo đúng kỹ thuật.

Theo đánh giá của ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà, thủy cầm, gia súc lớn, thủy sản trong thời điểm này không những ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho bà con và bảo đảm nguồn thực phẩm trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, người chăn nuôi cần thực hiện triệt để các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc, vệ sinh kỹ chuồng trại; chọn con giống khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Mật ngọt vùng ven biển

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Kim Sơn có gần 18 km bờ biển, tạo nên một vùng ven sinh thái rộng lớn, trù phú bao gồm đầm lầy, bãi bồi, cửa sông và những cánh rừng ngập mặn trải rộng. Từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, loài cây sú, vẹt ở đây ra hoa trắng cả một vùng trời và đó cũng là mùa cho mật ngọt đối với những người nuôi ong.

Thu hoạch mật ong sú vẹt trên đê Bình Minh III, huyện Kim Sơn.

Đê Bình Minh III, huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) những ngày này đang có tới hàng nghìn thùng ong của hàng chục thợ ong về đây khai thác mật. Những thùng ong được xếp ngay ngắn, trải dài 2 bên mặt đê. Cứ một quãng khoảng 700-1.000 m lại có một túp lều được dựng lên, đó là nơi ở của các chủ nuôi ong với nồi niêu, xoong chảo và các vật dụng thiết yếu. Họ ăn ngủ cùng với đàn ong cả tháng trời ở đây cho đến hết mùa hoa.

Là một trong những thợ nuôi ong thường xuyên khai thác mật ong hoa sú vẹt ở huyện Kim Sơn, anh Nguyễn Hùng ái (phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp) chia sẻ: Làm nghề nuôi ong này cứ nơi nào có nhiều hoa nở là tôi đưa ong đến hút mật.

Gần 20 năm trong nghề, lúc nào, nơi nào có nhiều hoa là tôi nắm rõ như lòng bàn tay, rồi rong ruổi trên những nẻo đường đưa các đàn ong đến. Từ Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ rồi các tỉnh miền Tây…, tôi đều đã đi, xa xôi vất vả lắm. Riêng mùa mật sú vẹt thì coi như được ở nhà vì khai thác trong tỉnh, rất thuận lợi cho di chuyển cũng như ăn ở.

Cũng theo anh ái, đầu vụ năm nay do thời tiết không thuận, mưa nhiều, ngày nào nắng thì lại nắng gắt quá nên lượng mật thu được kém hơn mọi năm. Đưa đàn ong về đây được gần 1 tháng rồi nhưng hôm nay mới là lần thứ 2 anh quay được mật. Anh ái giải thích: Ong giống như người vậy, khi thời tiết thay đổi thì cơ thể cũng mệt mỏi, sức làm việc kém đi, lượng mật khai thác được ít hơn. Được biết, bình thường như mọi năm, với 400 thùng ong, mỗi vụ mật sú vẹt, anh ái thu về hơn 5 tấn mật, tương đương với khoảng 350 triệu đồng.

Cách chỗ ở của anh ái không xa là nơi đặt đàn ong của ông Đoàn Ngọc Cẩn, thường trú tại khối 10, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn.

Hôm nay là ngày ông Cẩn quay mật. Vừa nhanh tay thực hiện các thao tác, ông Cẩn vừa chia sẻ với chúng tôi: Sau khi hút mật từ hoa, ong sẽ nhả mật vào trong cầu ong, khi các lỗ trên cầu ong đầy ắp mật và được ong quạt khô (đạt đến khoảng 20% thủy phần), đắp kín miệng thì đó là lúc khai thác mật tốt nhất.

Khi khai thác, để tránh bị đốt, người thợ phải dùng lưới che kín mặt mũi, chân tay sau đó hun khói vào từng cầu để ong di chuyển sang cầu khác. Ông Cẩn cho biết: Cây sú vẹt cho khai thác mật kéo dài hơn các loài cây khác và lượng mật cũng nhiều hơn.

Hơn nữa khai thác mật sú vẹt chủ ong không lo ong bị ngộ độc, chết do thuốc BVTV, hóa chất như khai thác mật của các cây công nghiệp, cây ăn quả khác. Vì vậy, mùa hoa sú vẹt cũng là mùa làm ăn khấm khá nhất của những người thợ ong như ông. Như năm ngoái, với 500 thùng ong, ông thu về ngót 7 tấn mật, với giá bán 70-80 nghìn đồng/1kg, ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Sú vẹt là loại cây mọc ở vùng bãi bồi ven biển, sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên, do vậy mật ong sú vẹt chứa nhiều dưỡng chất và vitamin tự nhiên, ngoài ra nó còn có một lượng muối khoáng nhất định. Nhiều người đã ví mật ong rừng sú vẹt như là “mật của biển” và mật ong sú vẹt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, coi đây là thức uống bổ dưỡng, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường ruột, suy nhược cơ thể, giảm mỏi mệt.

Bài, ảnh: Hà Phương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop