Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 7 năm 2019

Khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi gồm: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi; cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi; cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực chăn nuôi.

Tổ chức thực hiện chức năng đầu mối xây dựng, cập nhật dữ liệu quốc gia về chăn nuôi cấp trung ương và cấp tỉnh được quyền khai thác dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo phân cấp.

Tổ chức, cá nhân có quyền tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi những thông tin sau: 1- Hệ thống cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi; 2- Danh sách cơ sở sản xuất giống vật nuôi; số lượng và tên giống vật nuôi được công bố tiêu chuẩn chất lượng và công bố hợp quy; Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn; Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu; 3- Cơ sở chăn nuôi; phương thức, quy mô chăn nuôi; sản lượng sản phẩm chăn nuôi; 4- Danh sách cơ sở đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu và mua bán thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải trong chăn nuôi; 5- Thông tin về thị trường: Giá giống vật nuôi; giá thức ăn chăn nuôi nguyên liệu; giá sản phẩm chăn nuôi; giá sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; 6- Thông tin về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; 7- Danh sách các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp, cập nhật thông tin vào hệ thống được quyền gửi và nhận các thông tin sau: Báo cáo thống kê về đàn vật nuôi; báo cáo về thị trường, giá cả sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; gửi các thông tin, ý kiến đề xuất tới cơ quan quản lý.

Quản lý cấp, đóng tài khoản

Cục Chăn nuôi căn cứ vào yêu cầu công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi để tổ chức việc cấp, khóa tài khoản truy cập cho cá nhân (cán bộ, công chức, viên chức) và tổ chức (cơ quan hành chính nhà nước).

Về quản lý tài khoản truy cập, dự thảo nêu rõ: Tổ chức được cấp tài khoản phân công cho cá nhân thuộc tổ chức mình thực hiện việc quản trị, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi đúng quy định; cá nhân đã được cấp tài khoản thực hiện bảo mật, quản trị, cập nhật, khai thác, quản lý và sử dụng tài khoản được cấp đúng quy định.

Theo dự thảo, tài khoản truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi đã được cấp bị khóa khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức bị chia tách, sáp nhập, giải thể, bị chấm dứt hoạt động, chuyển nhượng; cá nhân đã được cấp tài khoản thay đổi đơn vị công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu.

Tuệ Văn

Đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm 1.766 hoạt chất sử dụng trong nông nghiệp. Cụ thể: 850 hoạt chất với 1762 tên thương phẩm thuốc trừ sâu; 572 hoạt chất với 1208 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 236 hoạt chất với 660 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ; 8 hoạt chất với 26 tên thương phẩm thuốc trừ chuột; 52 hoạt chất với 148 tên thương phẩm thuốc điều hoà sinh trưởng; 9 hoạt chất với 9 tên thương phẩm chất dẫn dụ côn trùng; 34 hoạt chất với 154 tên thương phẩm thuốc trừ ốc; 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm chất hỗ trợ (chất trải).

Bộ cũng đề xuất trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam 15 hoạt chất với 25 tên thương phẩm thuốc trừ mối; 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm thuốc bảo quản lâm sản; 4 hoạt chất với 10 tên thương phẩm thuốc khử trùng kho.

4 hoạt chất thuốc sử dụng cho sân golf gồm: 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh; 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc trừ cỏ; 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc điều hoà sinh trưởng.

19 hoạt chất thuốc xử lý hạt giống gồm: 9 hoạt chất với 14 tên thương phẩm thuốc trừ sâu và 10 hoạt chất với 11 tên thương phẩm thuốc trừ bệnh.

Ngoài ra, Bộ đề xuất trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch là Chlorpropham (min 98%) với tên thương phẩm là Oorja 50HN.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm: 23 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản; 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh; 1 hoạt chất thuốc trừ chuột và 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ.

Tuệ Văn

Vĩnh Long: Nhịp cầu nối nông nghiệp với du lịch sinh thái

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Tiềm năng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái của tỉnh là rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả tiềm năng này đòi hỏi sự vào cuộc xây dựng, phát triển với nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để kết nối.

Nông nghiệp đô thị- tiềm năng lớn để kết nối với du lịch sinh thái.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên những vùng sản xuất chuyên canh gắn với du lịch như: Vùng sản xuất cải xà lách xoong ở TX Bình Minh, khoai lang Bình Tân, các vườn chuyên canh cây ăn trái phục vụ du khách như vườn bưởi Mỹ Hòa (TX Bình Minh), vườn cây trái bốn mùa ở cù lao An Bình (Long Hồ), các điểm du lịch homestay,… Nhìn chung, du lịch gắn với nông nghiệp đã từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Vĩnh Long.

Toàn tỉnh có trên 20 điểm vườn cây ăn trái tham gia phục vụ khách du lịch, thuộc cù lao An Bình (Long Hồ), cù lao Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), cù lao Quới Thiện (Vũng Liêm).

Hiệu quả mang lại từ việc tham gia phục vụ khách du lịch khá lớn, làm gia tăng lợi nhuận cho các nhà vườn và tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Vào lúc cao điểm mùa trái cây, hàng ngày một số điểm vườn đón trên 100 du khách đến tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn.

Đặc biệt, khách du lịch quốc tế rất quan tâm và thích trải nghiệm loại hình du lịch homestay tập trung nhiều ở 4 xã cù lao An Bình (Long Hồ), với 25 homestay với đủ loại hình từ dân dã đến hiện đại, mỗi năm thu hút 200.000 lượt khách nước ngoài, với nhiều hoạt động trải nghiệm tham gia sản xuất nông nghiệp cùng người dân, như nuôi thủy sản, thu hoạch trái cây, câu cá, chế biến món ăn, thức uống, thưởng thức hát bội, đàn ca tài tử và các loại hình giải trí dân gian khác.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là nông dân sản xuất với quy mô hộ gia đình, mang tính đơn lẻ, chưa liên kết chặt chẽ với nhau và chưa có khả năng tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm du lịch. Các nông hộ chỉ thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp lữ hành, chưa có khả năng tạo sản phẩm mới chất lượng phục vụ du khách.

Hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp ở Vĩnh Long còn có một số khó khăn. Toàn tỉnh có trên 25 làng nghề và nghề truyền thống đã được công nhận như làng nghề gốm (ở Mang Thít), làng nghề trồng lác (ở Vũng Liêm), làng nghề đan thảm lục bình (ở Tam Bình),... với nhiều sản phẩm gia dụng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Song, chủ yếu là gia công sản xuất sản phẩm thô, chưa được chế tác hoàn chỉnh để có tính thẩm mỹ cao, chưa thể tạo ra sản phẩm lưu niệm phục vụ đại trà cho khách du lịch nên chưa gắn kết được nhiều với hoạt động du lịch, chủ yếu phục vụ tham quan trải nghiệm.

Ông Đoàn Hiếu Hậu- Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Hoa Ngọc Mai (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) cho biết, thời gian qua, ông đang đầu tư kinh doanh nhà hàng với mô hình công viên ẩm thực nhằm giới thiệu các loại đặc sản cây ăn trái, các loại hoa đặc biệt là hoa lan của các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tại địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ và tiến tới liên kết, xúc tiến các sản phẩm đặc trưng của các vùng lân cận.

Theo ông Hậu, khó khăn hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chưa tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cây con giống chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Còn ông Võ Văn Trang (xã Trường An - TP Vĩnh Long) thì đã ấp ủ mô hình phát triển vườn cây ăn trái gắn du lịch nông nghiệp từ rất lâu nhưng đến năm 2016, ông mới mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình đa canh khép kín trên toàn bộ diện tích 4.000m2 trồng nhãn Edor (Ido), ổi nữ hoàng và mận.

Điểm đặc biệt là ông không sử dụng phân thuốc hóa học trong quá trình canh tác. Nhờ đó, sản phẩm sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều người biết đến.

Cũng theo ông Trang, hiện nay các vườn cây ăn trái vẫn còn phát triển riêng lẻ, tự phát, chưa hình thành được vùng du lịch sinh thái, do đó rất cần quy hoạch cụ thể, đa dạng hóa mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp đô thị, có ký kết hợp tác với các công ty du lịch, hình thành các tour đến với các nhà vườn, hợp tác xã.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, để góp phần giúp các địa phương và nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông nghiệp đô thị sẵn có, ngành nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thực hiện chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng trên cơ sở phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, trình độ canh tác và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã bước đầu được áp dụng có hiệu quả và nhân rộng.

Phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị được dựa trên cơ sở tận dụng hiệu quả đất nông nghiệp còn lại ở TP Vĩnh Long và TX Bình Minh như: trồng rau thủy canh, rau mầm, nấm ăn, trồng hoa trong nhà lưới, nuôi rắn, cá cảnh, lươn không bùn, nuôi gà đặc sản bản địa theo hướng an toàn sinh học.

Sở Nông nghiệp- PTNT xác định, sản xuất nông nghiệp đô thị, đặc biệt là TP Vĩnh Long cần phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ.

Trong đó, rau an toàn, hoa lan, cây kiểng sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực để vừa cung cấp cho người tiêu dùng, vừa tạo cảnh quan thu hút du lịch sinh thái.

Đồng thời, các nhà vườn khu vực ngoại ô có thể nắm bắt cơ hội để khai thác, phát triển các vườn rau an toàn, hoa lan, cây kiểng, nuôi lươn, nuôi cá, gà đặc sản kết hợp điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho khách du lịch.

Vấn đề hiện nay là cần khảo sát, hoàn thiện điểm đến, hình thành sản phẩm và dịch vụ du lịch, kết nối các điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức cho các hộ dân có tiềm năng và có nhu cầu phát triển du lịch homestay học tập mô hình tại các địa phương.

Ngành nông nghiệp đề xuất giải pháp quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp đô thị và ứng dụng công nghệ cao theo hình thức khu, vùng thích nghi cho từng loại cây trồng, vật nuôi và các nguồn lực sẵn có tại địa phương.

Bên cạnh đó là khoa học công nghệ, thị trường, cơ chế chính sách, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp để du lịch nông nghiệp có không gian hoạt động và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sản xuất

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Nông nghiệp (NN) Bến Tre đang có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết hợp tác giữa sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với 8 sản phẩm chủ lực là: dừa, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, heo, bò và tôm biển. Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng nhưng mức độ vẫn còn manh mún và hạn chế.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới. Ảnh: T. M

Thực hành nông nghiệp tốt

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN hiện nay đã trở thành nhu cầu cần thiết đối với nông dân. Hàng năm, hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã có nhiều sáng kiến mới, cải tiến kỹ thuật trên lĩnh vực sản xuất NN có tính ứng dụng thực tế và mang lại hiệu quả cao. Người nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học, cải tiến kỹ thuật trong trồng trọt các loại nông sản chủ lực như phương pháp xử lý ra hoa nghịch vụ, sản xuất rải vụ, phủ bạt xiết nước (với chôm chôm), tạo tán, tỉa cành, xử lý ra hoa theo ý muốn, hạn chế rụng trái non (với sầu riêng)... góp phần tăng năng suất cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân ấp Tân Quy, xã Tân Phú (Châu Thành, tỉnh Bến Tre), với giải pháp “Nâng cao năng suất sầu riêng bằng biện pháp tạo tán hình chóp” đã đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ VII năm 2018-2019. Gần 30 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Hòa chia sẻ kinh nghiệm: “Cây sầu riêng thân mềm, trái mọc từ nhánh nên để nhánh dài thì rất dễ gãy khi có dông, gió, đến lúc cắt trái cũng khó, cây quá cao cũng khó xịt thuốc. Thấy vậy, tôi mới mé nhánh để dưỡng sức cho cây, giúp các nhánh phát triển đồng đều, khống chế chiều cao của các cây ở tầm 6,5 - 7m để phát triển gốc và cành. Đồng thời tạo tán hình chóp để giúp cây hấp thụ nắng tốt hơn, hạn chế sâu bệnh”.

Câu chuyện sáng kiến cải tiến kỹ thuật trồng sầu riêng Ri6 của ông Hòa thuật lại tuy nghe đơn giản nhưng đã mang lại những giá trị kinh tế lớn cho gia đình ông. Ông Hòa có 15 công sầu riêng, chủ yếu là sầu riêng Ri6. Năng suất vượt trội, trái sung, mỗi năm thu hoạch khoảng 3 tấn trái/công, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/công. Hiện nay, xã Tân Phú có nhiều nông dân khác áp dụng cách tỉa cành, tạo tán sầu riêng của ông Hòa, cùng ứng dụng khoa học kỹ thuật theo ngành chức năng khuyến cáo và nhất là thực hành NN tốt để tăng năng suất nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thực hành NN tốt, áp dụng quy trình kỹ thuật hợp lý không chỉ nhằm tăng năng suất mà còn an toàn cho sức khỏe và môi trường. Là một trong những hộ đã sớm chuyển đổi thực hiện trồng dừa theo quy trình hữu cơ hơn 5 năm nay, ông Trần Hữu Danh ở ấp An Qui, xã An Thới (Mỏ Cày Nam) cho biết, việc trồng theo quy trình hữu cơ đối với ông là giải pháp an toàn cho môi trường sống và sức khỏe, giúp duy trì ổn định chất lượng đất vườn về lâu dài.

Về phía ngành chức năng đã và đang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn, hỗ trợ lắp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản xuất nông sản an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm dừa và cây ăn trái chủ lực. Thông qua đó, nhiều mô hình sản xuất an toàn được chứng nhận GAP, sử dụng giống mới và ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng tốt, kích cỡ khá đồng đều phục vụ chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0

Bên cạnh việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật theo hướng chuyên sâu vào trồng trọt và chăn nuôi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao như mô hình sản xuất NN trong nhà kín đối với trồng dưa lưới, rau màu, hoa kiểng, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động và có hệ thống theo dõi giám sát tự động; nuôi tôm công nghệ hai giai đoạn; hệ thống nuôi tôm tự động… Mặc dù được xem là giải pháp chính nhưng việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.

Nông dân Nguyễn Văn Hòa ứng dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán hình chóp cho cây sầu riêng Ri6. Ảnh: T. Đồng Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, mặc dù chủ trương xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh nhận được sự đồng thuận của nông dân nhưng hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa triệt để, chất lượng sản phẩm làm ra không đồng đều, gây khó khăn trong thu mua của doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn do người dân còn giữ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên khó quy tụ diện tích đất để tập trung sản xuất gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ. Đây là thách thức lớn nhất của NN tỉnh nhà trong thời kỳ NN 4.0.

“Phương hướng tới, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hướng dẫn cho nông dân rõ hơn trong xây dựng chuỗi giá trị, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để làm ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đầu ra”, ông Võ Văn Nam cho biết.

Ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú (Châu Thành) cho biết, chính quyền địa phương đang vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, xã cũng khuyến cáo và hướng dẫn bà con thực hiện sổ sách ghi chép, thực hành NN tốt, ghi chép ngày rải phân, xịt thuốc, ngày cách ly trái cây. Ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hành NN tốt là con đường tất yếu mà NN Bến Tre phải đẩy mạnh thực hiện.

Ông Nguyễn Quốc Trung - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao cho biết, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Điển hình, các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng đã được thử nghiệm và ứng dụng vào sản xuất đại trà cho hiệu quả như các giống lúa chất lượng cao (như OM 4900, OM 6162). Giống lúa chịu mặn, thích ứng biến đổi khí hậu cho vùng lúa tôm như OM 9921, OM 1348, OM 1352... Hiện diện tích lúa sử dụng giống mới chiếm khoảng trên 70% diện tích gieo trồng.

Các quy trình công nghệ tiên tiến về thâm canh như sản xuất cây ăn trái VietGAP; sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính; sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác rau; kỹ thuật tưới tự động cũng đã bắt đầu được áp dụng trong sản xuất lúa, rau và hoa cao cấp. Nhiều cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng thực hành nông nghiệp tốt. Việc ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, biện pháp thâm canh trong sản xuất trồng trọt đã nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác... Công nghệ nuôi tôm trong nhà kính hay nuôi tôm theo công nghệ hai giai đoạn cũng mang lại hiệu quả đột phá về nâng cao năng suất lên gấp 5 - 7 lần so với cách nuôi truyền thống.

Riêng 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã nghiệm thu cơ sở và cấp tỉnh các đề tài/dự án chương trình công nghệ cao như đề tài Nghiên cứu cải thiện phương pháp kéo dài thời gian bảo quản trái dừa tươi xuất khẩu; Nghiên cứu hiệu quả của một số sản phẩm nông dược có nguồn gốc tự nhiên trong sản xuất rau màu tại tỉnh Bến Tre; Dự án Xây dựng mô hình trồng dưa lê, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre; Dự án Xây dựng mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bến Tre; Dự án Nuôi cấy mô và xây dựng mô hình trồng các loại lan có giá trị kinh tế cao; Dự án Sản xuất giống chuối hột bằng nuôi cấy mô và xây dựng mô hình rồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Bà Võ Thị Thanh Hà - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN đã nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như sản xuất, trồng và cung cấp cây giống, cây ăn quả, cúc đồng tiền, hoa lan, nha đam Mỹ, cây chuối Nam Mỹ, chuối Xiêm, chuối đỏ; triển khai trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh trụ đứng; trồng ổi, hoa kiểng trong nhà màng. Trung tâm hoàn chỉnh lắp đặt 2 hệ thống tưới năng lượng mặt trời tại xã An Khánh (Châu Thành) và xã Phú Nhuận (TP. Bến Tre); chuyển giao công nghệ kỹ thuật trồng cà chua và rau an toàn cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Sóc Trăng; hoàn chỉnh bao bì sản phẩm dung dịch thủy canh cho rau ăn lá, chế phẩm sinh học EM; nghiên cứu quy trình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo. Nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, Trung tâm theo dõi xây dựng và hướng dẫn kỹ thuật mô hình ủ phân ở ba huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam; mô hình sử dụng chế phẩm EM trong chăn nuôi ở Mỏ Cày Bắc…

Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.500ha cây ăn trái và dừa được công nhận GAP và hữu cơ. Cụ thể là 16,5ha dừa uống nước, gần 4.300ha dừa công nghiệp, trên 132ha bưởi da xanh, 24ha nhãn. Điển hình như tại vùng cây ăn trái, hoa kiểng Chợ Lách có hơn 600ha cây ăn trái được áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), trong đó trên 144ha (238 hộ) đã đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP.

Thanh Đồng

Đẩy mạnh phòng, chống sâu keo mùa thu

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ban ngành và cơ quan chuyên môn của địa phương về tăng cường các giải pháp phòng chống sâu keo mùa thu hại ngô.

Sâu keo hại ngô tại các tỉnh miền núi phía Bắc - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nội dung văn bản nêu rõ, báo cáo của các địa phương cho thấy, sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô trong cả nước với tổng diện tích nhiễm khoảng 15 nghìn ha, gây hại nặng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Dự báo trong thời gian tới, sâu keo mùa thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất ngô do sâu keo mùa thu gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ban ngành và cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác; hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng chống theo quy trình kỹ thuật đã được Cục Bảo vệ thực vật ban hành.

Thông tin, tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại cũng như các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu keo mùa thu cho cán bộ ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông và nông dân. Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công như: thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu trên đồng ruộng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi sử dụng. Tổ chức điều tra, đánh giá nhằm xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với Sâu keo mùa thu để thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng thay thế các giống ngô đã bị Sâu keo mùa thu gây hại nặng. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng và tăng giá thuốc.

Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan bảo vệ thực vật địa phương tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời Sâu keo mùa thu. Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thực hiện đánh giá hiệu quả các biện kỹ thuật đã và đang thực hiện, tiếp tục khảo sát, thử nghiệm để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống phù hợp và hiệu quả để hướng dẫn các địa phương và nông dân áp dụng. Chủ động trao đổi với FAO, các tổ chức quốc tế và các quốc gia để tiếp nhận hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống sâu keo mùa thu. - Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên về tình hình phát sinh gây hại và công tác chỉ đạo phòng chống loài sâu hại này. Làm đầu mối tham mưu, chỉ đạo, tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình sâu keo mùa thu, công tác phòng chống và các hoạt động liên quan.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của Sâu keo mùa thu. Đặt hàng nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào áp dụng trong sản xuất. Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức, thông tin, tuyên truyền; soạn thảo, in ấn và phát hành tài liệu, tổ chức các diễn đàn khuyến nông với chủ đề phòng, chống sâu keo mùa thu. Đề xuất xây dựng các mô hình khuyến nông về quản lý dịch hại tổng hợp sâu keo mùa thu hại ngô ở địa phương. Tập huấn về sâu keo mùa thu cho cán bộ trong hệ thống khuyến nông ở địa phương. Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu và biện pháp phòng chống đảm bảo hiệu quả phòng trừ, hiệu quả kinh tế, an toàn cho môi trường; nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu keo mùa thu; nghiên cứu tuyển chọn giống ngô kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để áp dụng vào sản xuất.

Đỗ Hương

Giá lúa, gạo tăng nhẹ

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tại nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL tăng nhẹ trở lại khoảng 100-200 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.

Thu hoạch lúa ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Giá lúa tươi IR50404 tại: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… hiện ở mức 3.850-4.100 đồng/kg, trong khi trước đó giá lúa tươi IR50404 tại nhiều nơi chỉ còn ở mức 3.700-3.900 đồng/kg. Các loại lúa tươi hạt dài như: OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 9577 hiện được nông dân bán cho thương lái với giá 4.500-4.600 đồng/kg. Còn các loại gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu được nhiều doanh nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận thu mua với giá phổ biến từ 6.700-7.200 đồng/kg, tùy loại. Giá lúa tăng nhẹ do nguồn cung giảm vì lúa hè thu 2019 tại nhiều địa phương hiện đã được nông dân thu hoạch và bán hết cho thương lái và các doanh nghiệp. Ngoài ra, giá tăng do chất lượng hạt lúa hè thu đạt tốt, nhờ thời tiết nắng, việc thu hoạch lúa diễn ra đúng tiến độ và không bị ảnh hưởng bởi mưa gió như các tuần trước.

Tin, ảnh: Khánh Trung

Sâm Ngọc Linh lao đao vì sâm giả

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Giá trị sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam ngày càng cao với lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy, kẻ gian lấy sâm giả trà trộn vào sâm Ngọc Linh thật để kiếm lợi là điều không tránh khỏi. Đã có nhiều vụ việc bị cơ quan chức năng xử lý nhưng việc rao bán sâm Ngọc Linh giả tràn lan trên mạng đến nay vẫn chưa thể kiểm soát.

Để mua được những củ sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng nên đến phiên chợ sâm hàng tháng của huyện Nam Trà My

Sâm giả tràn lan

Không khó để tìm thông tin về việc rao bán sâm Ngọc Linh thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Tuy nhiên, chất lượng thì không phải ai cũng có thể kiểm chứng. Thông qua lời rao bán sâm Ngọc Linh trên Facebook, chúng tôi đã liên hệ và tiếp cận được một facebooker là H.Tr. Theo người này, cô là cộng tác viên bán hàng của một công ty tại tỉnh Quảng Nam chuyên rao bán sâm Ngọc Linh.

“Mình cũng không biết đó là những củ tam thất hay sâm Trung Quốc. Họ nói sao thì cũng nghe vậy, vì trước nay có rành về sâm Ngọc Linh gì đâu? Nghe bảo là hàng chất lượng, có kiểm định nên mình cũng nói với khách như thế”, người này nói.

Cũng theo người này, cô bán sâm đã được 2 năm và công ty có nhiều cộng tác viên bán hàng. Mới đây, khi phát hiện những củ mà công ty đưa ra không phải sâm Ngọc Linh nên người này đã nghỉ việc.

Như vậy, trong 2 năm đó, không ai biết được số lượng hàng giả được tuồn ra ngoài thị trường và đến với người tiêu dùng như thế nào. Vì vậy, việc thắt chặt quản lý trong việc bán sâm Ngọc Linh là cần thiết vì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu nổi tiếng của sâm Ngọc Linh (một trong 5 loại sâm quý của thế giới).

“Việc bán hàng giả ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Có rất nhiều người đã gửi ảnh cho tôi, nhờ xác nhận có phải là sâm thật hay giả. Hầu hết những hình ảnh đó cho thấy đều là tam thất, sâm Lai Châu hoặc Trung Quốc. Khi mua sâm Ngọc Linh, nhất thiết phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, cầm tận tay mới biết được sâm thật hay giả”, ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sâm Ngọc Linh, cho hay.

Gìn giữ thương hiệu sâm quý

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, để gìn giữ thương hiệu của sâm Ngọc Linh, huyện cùng với các cơ quan chức năng nỗ lực hết sức để tránh tình trạng sâm giả trà trộn vào phiên chợ hàng tháng của huyện. “Tôi dám khẳng định là chưa hề có 1 củ sâm giả nào lọt vào phiên chợ hàng tháng của huyện Nam Trà My. Bởi, 1 củ sâm khi vào tới các gian hàng ở phiên chợ thì phải trải qua 2 lần kiểm tra gắt gao của tổ kiểm định ngay ở cổng ra vào. Lần một là từ khi người dân tập kết sâm để chuẩn bị đưa xuống phiên chợ, xã sẽ kiểm định. Khi đưa vào sẽ trải qua một lần kiểm tra gắt gao nữa. Cuối cùng, khi khách mua xong, đưa ra để tổ kiểm định kiểm tra lại một lần nữa. Vậy nên rất đảm bảo”, ông Bửu thông tin.

Cũng theo ông Bửu, để siết chặt quản lý trong việc buôn bán sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện đã buộc các công ty, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải cam kết bằng văn bản sẽ bán hàng thật. “Chỉ cần phát hiện một lần bán hàng giả, lập tức sẽ giao cho cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, còn bị cấm tuyệt đối không được buôn bán hay ra vào phiên chợ nữa”, ông Bửu nói thêm.

Ông Trịnh Minh Quý khuyến cáo, hãy đến phiên chợ sâm để hoàn toàn yên tâm là 100% sâm Ngọc Linh thật. Còn nếu giao dịch mặt hàng này, cần kiểm tra kỹ từng củ để tránh bị trà trộn. Sâm Ngọc Linh với các mắt thể hiện các năm tuổi; rễ thường là rễ cọc chứ không theo chùm như củ tam thất. Trường hợp muốn chắc chắn thì nên cắt 1 lát để thử vì sâm Ngọc Linh màu vàng, có vân tròn và không có nước, mủ chảy ra, khác với các loại khác.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Sâm, cho biết, việc buôn bán sâm Ngọc Linh luôn được chính quyền giám sát chặt chẽ. Chính vì vậy, phía công ty luôn phải cẩn trọng trong việc mua sâm từ các đầu mối. “Dù là người bán mặt hàng này lâu năm nhưng vẫn có người đưa sâm giả đến cho mình. Đôi khi trong cả mấy chục củ sâm thật, họ trộn vài ba củ sâm giả, nếu không cẩn thận thì mình sẽ dính ngay”, chị Huỳnh cho biết.

Chị Huỳnh đã từng phát hiện và báo cho công an thu giữ và xử lý một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Lan Anh (38 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) khi người này mang một lô hàng giả sâm Ngọc Linh để bán cho chị. Công an huyện đã thu giữ 134 củ tam thất có trọng lượng 13,2kg và 6,1kg thân lá tam thất. Qua làm việc, đối tượng khai nhận đã sử dụng mạng xã hội lừa bán cho khách hàng những củ tam thất đánh tráo là sâm Ngọc Linh được trồng tại thôn 2 xã Trà Linh.

Theo ông Trịnh Minh Quý, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng, tổ kiểm định đã phát hiện 2 trường hợp cố tình đưa sâm giả vào phiên chợ. Hai trường hợp đã bị công an xử lý, cấm vĩnh viễn không được buôn bán, vào phiên chợ. Trước đây, tam thất hoang thường được sử dụng để giả sâm Ngọc Linh bởi vì nó giống đến hơn 90% so với sâm Ngọc Linh nên người mua thường bị nhầm lẫn.

“Vì bây giờ người tiêu dùng biết cách phân biệt nên các đối tượng đã tinh vi hơn. Thay vì dùng tam thất, họ lấy những củ sâm Trung Quốc, Lai Châu trà trộn. Những loại này rất khó phân biệt”, ông Quý nói.

NGUYỄN DƯƠNG

Không lơ là chống dịch khảm lá mì và sâu keo mùa thu

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Dịch khảm lá mì và sâu keo mùa thu trên cây bắp tuy xâm nhập và lây lan tại Việt Nam vào các thời điểm khác nhau nhưng đều là loài sâu hại mới và chưa có thuốc đặc trị. Hiện 2 loại dịch này đang lây lan nhanh, gây hại nặng cho nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Tình hình diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn Đồng Nai và một số địa phương có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất ở khu vực Nam bộ tính từ đầu năm 2019 đến nay. Ảnh: B. NGUYÊN – Đồ họa: HẢI QUÂN

Theo cảnh báo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khảm lá là một trong những dịch hại nguy hiểm đối với cây mì trên thế giới. Sâu keo mùa thu cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực và cuộc sống của hàng triệu nông hộ nhỏ ở châu Á.

* Nông dân loay hoay ứng phó

Hạn chế lây lan dịch khảm lá mì, việc tiêu hủy diện tích mì bị nhiễm bệnh nặng được cho là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ cho 1 hécta mì bị tiêu hủy chỉ 2 triệu đồng, còn quá thấp so với lợi nhuận hàng chục triệu đồng/hécta mì khi thu hoạch nên hầu hết nông dân không đồng thuận. Cụ thể, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vụ đông - xuân 2018-2019 và vụ hè - thu 2019 tại 8 tỉnh, thành phía Nam có trên 43,6 ngàn hécta; trong đó trên 8 ngàn hécta bị nhiễm bệnh nặng nhưng chỉ có 28,5 hécta diện tích mì nhiễm khảm lá nặng bị tiêu hủy.

Chia sẻ về khó khăn trong đối phó với dịch khảm lá mì, ông Nguyễn Thanh Liễu, nông dân tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho rằng, nỗi lo lớn nhất của nông dân là trồng qua nhiều vụ mì, người trồng vẫn không biết chính xác nguyên nhân dịch lây lan vì những vùng đất mới chưa bị nhiễm mầm bệnh, tỷ lệ cây mì bị nhiễm bệnh vẫn cao.

Chọn giải pháp trồng giống mì kháng bệnh thì giống này hàm lượng bột ít nên giá bán thấp khiến đồng lời giảm. Ông Liễu chỉ ra: “Khó khăn nhất là đến nay việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch bệnh này không hiệu quả”.

Cùng nỗi lo, ông Đinh Kim Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác mì Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) bức xúc: “Dịch khảm lá mì đã xuất hiện 2 năm nay, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nhưng nông dân mãi loay hoay chưa tìm ra cách phòng trừ hiệu quả. Mong các nhà khoa học, cơ quan chức năng sớm nghiên cứu ra giống mì kháng bệnh, đặc biệt là đưa ra được loại thuốc đặc trị con bọ phấn trắng để nông dân không phải rơi vào cảnh đi tập huấn về rồi để đó vì không áp dụng được vào thực tế”.

Với dịch sâu keo mùa thu mới xâm nhập vào Việt Nam vài tháng nay, hiện trong nước chưa có những nghiên cứu cụ thể nào về loài sâu bệnh này trong khi các giống bắp đang trồng phổ biến đều bị sâu keo mùa thu gây hại. Theo đó, nông dân càng lúng túng trong xử lý khiến tốc độ lây lan của dịch rất nhanh.

Dịch sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B. Nguyên

Ông Lý Quốc Sầu, nông dân trồng bắp tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Loài sâu này chỉ mới xuất hiện trong vụ bắp hè - thu năm nay. Sức cắn phá của nó khá mạnh, cây lớn, cây nhỏ đều bị nó tấn công. Sự lây lan của loài sâu này khá nhanh khiến nông dân chúng tôi rất lo lắng”.

* Còn lơ là trong phòng chống dịch

Năm 2018, huyện Xuân Lộc chỉ có 19 hécta bị dịch khảm lá mì nhưng đến vụ hè - thu năm 2019, diện tích mì bị bệnh tăng lên đột biến với 236 hécta, trở thành địa phương có diện tích dịch khảm lá mì lớn nhất Đồng Nai. Ông Tạ Khánh Sơn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch khảm lá mì là do nhận thức, sự cộng tác của người dân chưa cao.

“Những diện tích mì bị dịch khảm lá nặng, địa phương vận động người dân tiêu hủy nhưng đa số họ đều không đồng thuận. Lực lượng cán bộ, cộng tác viên nông nghiệp tại địa phương còn mỏng, việc nắm bắt và báo cáo về tình trạng dịch bệnh còn chậm cũng là nguyên nhân khiến dịch lan rộng” - ông Sơn dẫn chứng.

Về công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, ông Sơn cho biết, huyện đang tập trung cho công tác tuyên truyền để người dân nhận thức độ nguy hiểm của dịch bệnh này để chủ động phòng chống hiệu quả hơn. Huyện đã phân công trách nhiệm cụ thể đến từng xã, từng cán bộ nông nghiệp các cấp cơ sở có trách nhiệm thường xuyên thăm đồng, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm soát đầu vào của giống mì, tiêu hủy nguồn giống có mầm bệnh...

Từ trước khi sâu keo mùa thu xâm nhiễm vào Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành nhiều văn bản trong kiểm tra, giám sát, ngăn chặn loài sâu này trên các giống cây trồng nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước đã xuất hiện dịch bệnh này như: Trung Quốc, Lào, Campuchia... Ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân nhận biết về sự nguy hại và cách phòng trừ loài sâu mới này.

Dịch sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp tại huyện Cẩm Mỹ.

Với dịch sâu keo mùa thu, do đây là vụ bắp đầu tiên nông dân Đồng Nai mới biết về loài sâu mới này nên còn lúng túng trong công tác phòng, chống dịch. Cách thức tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn còn nặng tính giấy tờ khiến nông dân khó tiếp thu.

Ông Nguyễn Trung Thịnh, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật (trực thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai) nhận xét về những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch sâu keo mùa thu: “Do đây là loài sâu hại mới lần đầu tiên xuất hiện, gây hại tại Việt Nam nên chưa có những nghiên cứu cụ thể ở trong nước; việc phòng chống chủ yếu tham khảo từ các tài liệu của nước ngoài. Trên đồng ruộng có nhiều trà bắp, nhiều lứa sâu và nông dân phòng trừ không đồng loạt nên sau khi phun thuốc thì con trưởng thành (con ngài) từ đồng ruộng khác bay đến tiếp tục đẻ trứng hoặc sâu tiếp tục nở, vì vậy diện tích cây trồng bị dịch bệnh không giảm nhiều. Khó khăn không nhỏ là các giống bắp hiện đang trồng phổ biến đều bị sâu keo mùa thu gây hại nặng”.

* Phải ngăn nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, diện tích trồng mì hiện nay tại các tỉnh phía Nam là khoảng 69,5 ngàn hécta. Tính đến đầu tháng 7-2019, có 8 tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá mì với diện tích gần 31,8 ngàn hécta, tăng trên 9,3 ngàn hécta so với cùng kỳ năm trước.

Tây Ninh là tỉnh đầu tiên bị dịch khảm lá mì xâm nhiễm và hiện gần 100% diện tích mì của tỉnh này là 30,2 ngàn hécta đã bị nhiễm dịch khảm lá. Diện tích bắp của các tỉnh phía Nam khoảng 29 ngàn hécta. Tính đến tháng 7-2019, dịch sâu keo mùa thu trên cây bắp đã xuất hiện tại 10 tỉnh, thành phía Nam với tổng diện tích trên 591 hécta.

Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, dịch khảm lá mì lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống, cây giống mì bị bệnh. Nguyên nhân chính khiến diện tích mì nhiễm bệnh tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành là do nông dân sử dụng giống nhiễm bệnh; tái canh trên ruộng đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước.

Diện tích bắp bị ảnh hưởng bởi dịch sâu keo mùa thu tại một số địa phương ở khu vực Nam bộ tính từ đầu năm 2019 đến nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa:Hải Quân)

Ông Cường cho rằng: “Điều đáng báo động là công tác chỉ đạo phòng chống bệnh tại một số nơi còn chưa hiệu quả, nhất là việc kiểm soát nguồn bệnh trên đồng ruộng và giống nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường. Trong thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh thì dịch khảm lá mì sẽ lây lan ra khắp cả nước”.

Chỉ đạo tại hội nghị phòng chống chống dịch khảm lá trên cây mì và sâu keo mùa thu năm 2019 do Đồng Nai tổ chức, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt nhấn mạnh, thời gian qua, từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đến các địa phương đã đồng bộ vào cuộc nên công tác chống dịch khảm lá mì có nhiều nét mới như: tìm ra biện pháp là sử dụng giống chống chịu dịch; Đồng Nai đã có một số mô hình rất tốt trong quản lý giống mì sạch bệnh…

Ông Lê Văn Thiệt yêu cầu: “Các địa phương cần đánh giá rõ thực trạng, tác hại cũng như những hạn chế của việc phòng, chống dịch khảm lá mì và sâu keo mùa thu để từ đó đưa ra những giải pháp chỉ đạo kịp thời trong thời gian tới. Trong đó, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu keo mùa thu cần được khuyến khích sử dụng; với dịch khảm lá mì cần nhân rộng mô hình quản lý giống mì sạch bệnh”.

Bình Nguyên

Giá thu mua vỏ quế khô tăng cao

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Đây là tín hiệu vui cho người trồng quế Lào Cai khi thị trường giá thu mua vỏ quế năm nay tăng cao.

Hiện tại, giá thu mua vỏ quế khô của thương lái tại các huyện trong tỉnh có giá 52.000 đồng/kg; so với năm 2018, giá tăng hơn 12.000 đồng/kg. Những năm trước, giá thu mua vỏ quế khô trung bình dao động khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg.

Giá vỏ quế khô hiện tại là 52.000 đồng/kg.

Năm 2018, sản lượng toàn tỉnh đạt 1.318 tấn vỏ quế khô, người trồng quế chủ yếu xuất bán qua thương lái mua thu gom, các cơ sở, doanh nghiệp thu mua trên địa bàn. Theo hạch toán kinh tế của ngành lâm nghiệp, 1 ha quế cho thu khoảng 8 tấn vỏ quế khô (khai thác năm cuối), trung bình giá bán 50.000 đồng/kg, thu gần 400 triệu đồng. Cùng với nguồn thu từ thân, cành lá quế và các khoản phụ thu khác từ đầu chu kỳ, 1 ha quế cho thu hơn 600 triệu đồng.

Người dân xã Xuân Hòa (Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) thu hoạch vỏ quế.

Theo số liệu điều tra, rà soát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 26.651 ha cây quế, với 116/164 xã, phường, thị trấn có diện tích trồng quế. Trong đó, tập trung nhiều tại các huyện (có diện tích từ 500 ha trở lên): Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn, Bát Xát, Mường Khương... Riêng huyện Bảo Yên có diện tích trồng quế lớn nhất tỉnh, với trên 13.200 ha. Với diện tích quế hiện nay, luân kỳ khai thác 15 năm; bình quân 1 năm giai đoạn 2019 - 2025 toàn tỉnh sẽ khai thác 1.780 ha; cho thu bình quân khoảng 1.140 tỷ đồng.

Hiện có trên 28.000 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh, hằng năm tạo việc làm cho ít nhất 56.000 lao động, góp phần ổn định an sinh, kinh tế - xã hội của địa phương.

LÊ THANH CƯỜNG

Thu nhập cao từ mô hình trồng sầu riêng khổ qua

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Bên cạnh các giống sầu riêng Ri 6, Monthong, sầu riêng khổ qua được nhiều nhà vườn ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chọn trồng.

Theo ông Trần Ngọc Em (ảnh), chủ vườn sầu riêng khổ qua gần 30 năm tuổi ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, loại sầu riêng này dễ chăm sóc, năng suất cao. Sau khi cây giống trồng được 4 năm sẽ cho trái tự nhiên, không cần nhiều kỹ thuật xử lý, chi phí đầu tư phân, thuốc hàng năm thấp hơn 60% so với sầu riêng hạt lép. Bên cạnh đó, sầu riêng khổ qua cho trái to đều, năng suất trái thường cao hơn 20%, chất lượng cơm sầu riêng không bị tình trạng sượng và lạt. Gia đình ông Em có gần 1ha trồng sầu riêng khổ qua. Hiện những cây lão hóa đã được đốn bỏ để trồng mới. Trong vườn còn khoảng 20 cây đang cho trái, vừa thu hoạch xong với tổng sản lượng hơn 3 tấn trái, bán cho các thương lái 45.000 đồng/kg, thu về hơn 90 triệu đồng.

Tin, ảnh: QUỐC HƯNG

Thành phố Vị Thanh (Hậu Giang): Diện tích trồng khóm tăng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Đến nay, nông dân thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) đã trồng được trên 1.930ha khóm Cầu Đúc, tăng gần 500ha so với năm 2018.

Theo đề án phát triển khóm Cầu Đúc, đến năm 2020, thành phố Vị Thanh phấn đấu đạt 2.020ha khóm. Để nông dân yên tâm phát triển cây khóm, thành phố và ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ 4.0, xây dựng các mô hình trồng khóm theo hướng VietGAP… Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tiêu thụ và chế biến các sản phẩm từ khóm, như: dự án xây dựng Nhà máy sản xuất khóm đóng hộp, nước trái cây tại Cụm công nghiệp phường VII, thành phố Vị Thanh của Công ty Cổ phần Chế biến dứa Hậu Giang. Nhà máy có diện tích 6.700m2, tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng, công suất tối đa 10.000 tấn/năm, sản phẩm là chế biến đóng hộp các loại trái cây nhiệt đới, đặc biệt là khóm để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, thành phố còn khuyến khích được một số hộ dân tận dụng rẫy khóm để phát triển du lịch cộng đồng theo kiểu homestay, nhằm tăng thu nhập cũng như quảng bá các đặc sản của vùng khóm Cầu Đúc.

NHẬT CƯỜNG

Ninh Thuận: Mô hình dưa lưới công nghệ cao, hướng đi mới cho nông dân

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh (xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) thuộc Viện Khoa học thủy lợi vừa khảo nghiệm thành công mô hình canh tác dưa lưới trong nhà kính áp dụng công nghệ cao, tạo ra nguồn nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng.

Mô hình được triển khai trên diện tích 1.000 m2, dưa lưới được bao bọc kín kẽ bằng túi ni-lông, ở khu vực cửa ra vào nhà kính được thiết kế thêm hố vôi bột khử khuẩn nhằm ngăn chặn các loại côn trùng không thể xâm nhập vào bên trong, do đó quá trình canh tác không cần phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây dưa. Phân bón dùng cho cây dưa chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh được hòa sẵn vào các bồn chứa và hệ thống điều khiển tự động sẽ tự tưới cho toàn bộ vườn phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây dưa.

Sản phẩm dưa lưới sản xuất theo mô hình công nghệ cao.

Ngoài ra, theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm cho biết, cây dưa lưới phát triển tốt trong môi trường nhiệt độ từ 40-45OC, do đó, trong nhà kính còn được trang bị một thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm hiện đại, nếu nhiệt độ vượt mức quy định thì hệ thống máy điều hòa, hệ thống làm lạnh Coldlin Pad và các quạt đảo biến khí sẽ được kích hoạt để đưa nhiệt độ trong nhà kính về mức quy định. Do được canh tác trong môi trường sạch, áp dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng tốt các điều kiện sinh trưởng nên sản lượng dưa lưới có thể đạt đến 4,5 tấn/sào, chất lượng quả đạt chuẩn, mẫu mã đẹp.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Quản lý Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh cho biết, hiện nay, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao mà Trung tâm đang triển khai có mức đầu từ khoảng 500 triệu đồng cho 1.000 m2, tuy chi phí hơi cao nhưng bù lại sản lượng dưa lưới đạt rất tốt. Với dưa loại 1, do đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của sản phẩm nông nghiệp sạch có thể xuất khẩu nên giá bán lên đến 35.000 đồng/kg. Hiện nay sản phẩm dưa lưới loại 1 của Trung tâm đang được Công ty Biovit thu mua đưa vào các hệ thống siêu thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các sản phẩm này đều đã được kiểm định chất lượng về màu sắc, độ đường, độ dày của quả và quan trọng là lượng tồn dư của tạp chất trong độ chuẩn cho phép.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp. Để ngành Nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với sự biến đổi của thời tiết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu cơ cấu lại Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Và Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030.

Do đó, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như mô hình dưa lưới của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh rất cần nhân rộng và chuyển giao mạnh mẽ đến các nông hộ. Đây được xem là hướng đi phù hợp cho nông dân tỉnh nhà trong quá trình từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nâng cao năng suất, tăng tỷ suất lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, không chỉ giúp nông dân vươn lên làm giàu mà còn hướng đến việc xây dựng nền nông nghiệp sạch vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Nguyễn Anh

Chôm chôm mất giá

Nguồn tin: VN Express

Được mùa nên giá chôm chôm tại vườn chỉ còn 4.000-5.000 đồng một kg, giảm 50% so với năm ngoái.

Theo Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Đồng Nai, năm nay giá chôm chôm tại vườn lao dốc. Là tỉnh có sản lượng chôm chôm nằm trong top dẫn đầu nhưng đa phần hàng chỉ bán trong nước, lượng hàng xuất khẩu chưa nhiều.

Chị Hiền, chủ vườn 20 cây chôm chôm ở Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, giá bán lẻ xô tại vườn năm nay chỉ 4.000-5.000 đồng một kg. "Nếu khách mua lẻ tôi bán 7.000 đồng, giảm 50% so với năm ngoái vì năm nay được mùa. Chưa kể, mùa này quá nhiều loại trái cây để lựa chọn nên giá cạnh tranh", chị nói.

Chôm chôm được bán với giá rẻ ở lề đường Sài Gòn. Ảnh: Hồng Châu.

Cũng đang thu hoạch vài tấn chôm chôm, chị Hoa cho biết chôm chôm nhãn nhà chị năm ngoái bán 25.000 đồng một kg tại vườn thì năm nay chỉ 12.000 đồng một kg. Với mức giá này, gia đình chỉ lời tiền công chăm sóc.

Giá giảm mạnh nên nhiều thương lái, tiểu thương gom hàng lên TP HCM bán ở lề đường chỉ 15.000 đồng một kg cho loại chôm chôm tróc hạt, còn chôm chôm nhãn cũng chỉ 30.000 đồng.

Chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) có kích cỡ trái lớn, mẫu mã đẹp nên từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Cục Sở hữu Trí tuệ bình chọn vào top 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Long Khánh là trái chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (giống chôm chôm Java).

Hồng Châu

Thừa Thiên Huế: Liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi da xanh

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Để bưởi da xanh (BDX) đứng vững trên thị trường, người trồng BDX huyện Phong Điền đang liên kết với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm, tạo hướng đi ổn định trong tương lai.

Người tiêu dùng chọn mua bưởi da xanh hữu cơ Phong Điền tại cửa hàng của Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt

Thương hiệu bưởi da xanh Phong Điền

Vườn BDX của hộ ông Trần Đăng Phong (thôn thôn Cổ Xuân - Quảng Lộc, xã Phong Xuân) đang vào mùa cho trái. Khoảng hơn 1,5 tháng nữa, vườn BDX của ông sẽ cho thu hoạch.

Ông Phong bén duyên với loại cây ăn quả này chừng hơn 10 năm trước, lúc ấy, nhiều người dân địa phương và vùng lân cận cũng rục rịch phát triển. Khởi điểm, ông Phong trồng theo phương pháp truyền thống, khái niệm “bưởi sạch” dường như không hề được ông biết đến.

Năm 2018, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Phong quyết định trồng bưởi theo hướng hữu cơ, không sử dụng chất hóa học, đồng thời liên kết với Công ty TNHH Huế Việt để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hiện, sản phẩm của ông không chỉ đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo thu nhập mà cùng với nhiều nông dân khác liên kết với DN hình thành thương hiệu bưởi da xanh Phong Điền.

“Trồng BDX hữu cơ không sử dụng phân hóa học mà phải dùng phân chuồng, ủ rơm rạ để giữ ẩm, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nếu trồng mới thì khoảng 3 năm BDX cho lứa trái bói. Bưởi khi thu hoạch được các cán bộ kỹ thuật kiểm định, test mẫu xem có đúng theo tiêu chuẩn hữu cơ hay không. Trồng theo phương pháp này, năng suất và hiệu quả khá cao”, ông Phong nói.

Trong hơn 64 ha BDX tại xã Phong Xuân đã có hơn 40ha được trồng theo hướng hữu cơ và liên kết với DN để bao tiêu sản phẩm.

“Liên kết với DN giúp nông dân giải quyết đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi triển khai thí điểm vào năm 2018 cho thấy hiệu quả và tạo sự ổn định cho loại cây trồng này. Đây là loại cây trồng có giá trị, thương lái mua ngay tại vườn với giá gần 2 triệu đồng/cây”, ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân chia sẻ.

Người dân xã Phong Xuân phấn khởi khi bưởi da xanh cho thu nhập cao

Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH hữu cơ Huế Việt thông tin: “Chúng tôi chọn Phong Điền để xây dựng thương hiệu BDX. Tại địa phương này có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển cây BDX. Chúng tôi hướng đến trái cây sạch và thay đổi tư duy trồng của người dân. Sau quá trình thí điểm vào năm 2018 đã cho thấy hiệu quả với 2,5 ha cho thu hoạch. Sản phẩm của nông dân được bao tiêu khi họ trồng theo đúng phương pháp hữu cơ, đáp ứng tiêu chí của đơn vị và yêu cầu của người tiêu dùng. Năm 2019, dự kiến có 4 ha BDX hữu cơ ở Phong Điền cho thu hoạch. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô tại các địa phương khác ở Phong Điền”.

Tăng năng suất, chất lượng

Cây BDX đang phát triển tại nhiều địa phương ở huyện Phong Điền như, Phong Sơn, Phong Thu, Phong Mỹ…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, việc phát triển cây BDX trên địa bàn huyện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, việc ứng dụng các kỹ thuật mới hạn chế; công tác quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn nhiều bất cập, đặc biệt sự liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều nên giá trị sản phẩm mang lại chưa cao. Mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ BDX” ra đời là việc làm cần thiết nhằm hình thành và phát triển vùng trồng BDX có năng suất, chất lượng cao.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Đắc Thọ cho biết: Trên địa bàn tỉnh diện tích BDX đang phát triển. So với thanh trà, BDX dễ trồng hơn và thị trường tiêu thụ đang tốt. “Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ BDX” là hướng đi nhằm ổn định đầu ra, cần khuyến khích, phù hợp với chủ trương của Bộ NN&PTNT”.

Mô hình “Liên kết sản xuất và tiêu thụ BDX” được tổ chức thực hiện trên diện tích 30 ha. Nguồn vốn xây dựng mô hình trên 650 triệu đồng từ đóng góp của người dân và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Những hộ dân tham gia mô hình phải đảm bảo các tiêu chí như, có diện tích từ 1.000m2 trở lên; đủ nhân lực, lao động để tham gia trong suốt quá trình triển khai mô hình; có kinh phí cùng đóng góp để đầu tư thêm vật tư, phân bón, đảm bảo thực hiện mô hình.

“Chúng tôi sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ tham gia. Đồng thời, hướng dẫn trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, giám sát quá trình triển khai mô hình. Mục tiêu cuối cùng của mô hình là khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, phát triển vùng cây ăn quả có múi với quy mô lớn, có sản phẩm hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân địa phương”, bà Trần Thị Diệu Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết.

Bài, ảnh: L.Thọ

Triệu phú dứa đồi vùng sâu

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Năm 2011, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng và chị Trần Thị Hằng ở thôn 1, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) ra ở riêng với hai bàn tay trắng.

Chỉ đủ tiền mua 1 ha đất đồi cao, nhiều sỏi đá cách nhà gần 8 km, vợ chồng anh Hùng không ngại khó khăn, vất vả, quyết tâm khai hoang, vỡ hóa. Nhận thấy vùng đất cao, dốc này phù hợp với cây dứa đồi, anh Hùng đã mạnh dạn mua giống trồng 3.500 mắt dứa. Thấy dứa phát triển tốt, quả to nên từ đó mỗi năm anh lại trồng thêm hàng vạn mắt dứa giống. Năm 2013, lứa dứa đầu tiên đã cho thu hoạch. Dứa thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, nhiều hôm dứa hái về không đủ cung cấp cho khách hàng. Vụ đầu gia đình anh Hùng lãi gần 100 triệu đồng từ bán dứa quả và giống dứa.

Chị Hằng đang thu hoạch dứa.

Thấy hiệu quả kinh tế do cây dứa mang lại khá cao, đầu ra tương đối ổn định, vợ chồng anh Hùng tiếp tục đầu tư thuê nhân công khai hoang thêm hơn 10 ha đất đồi cao để trồng dứa; bỏ ra hơn 300 triệu đồng thuê xe ủi, xe múc làm hơn 1.000 m đường để thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển phân bón và dứa sau khi thu hoạch. Đến nay gia đình anh Hùng đã có 15 ha với gần 200.000 gốc dứa đồi đang cho thu hoạch. Do được chăm sóc tốt, trái to, chất lượng luôn đảm bảo, số lượng cung cấp ổn định nên dứa thu hoạch đến đâu đều được tư thương vào tận nhà thu mua đến đó, ít khi bị tồn đọng.

Từ năm 2015 đến nay mỗi năm gia đình anh Hùng thu từ 700 - 800 triệu đồng tiền bán dứa và giống dứa; sau khi trừ hết các khoản chi phí, vợ chồng anh lãi khoảng 500 triệu đồng. Hiện nay gia đình anh Hùng đang tiếp tục thuê xe làm đường, cải tạo đất, chuyển đổi diện tích đất trồng hồ tiêu, cà phê kém hiệu quả để trồng thêm gần 5 ha dứa nữa. Với thu nhập ổn định từ cây dứa đồi, vợ chồng anh Hùng, chị Hằng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, mua sắm được nhiều đồ dùng, vật dụng hiện đại phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Tùng Lâm

Dê hơi tăng giá cao kỷ lục

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Gần 1 tháng qua, giá dê hơi tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã đạt mức cao kỷ lục 140.000 đồng/kg, tăng trên dưới 40.000 đồng/kg so với hồi đầu năm 2019.

Cụ thể, giá dê hơi loại 1 (dê đực, loại khoảng 35-38 kg/con) tại: TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… hiện có giá 140.000 đồng/kg; dê hơi loại 2 có giá khoảng 110.000-115.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Giá dê hơi tăng mạnh do gần đây lượng dê hơi tới lứa xuất bán tại nhiều địa phương có phần giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt dê trên thị trường lại tăng mạnh. Theo nhiều tiểu thương, giá dê hơi nhiều khả năng còn tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, thịt dê, trâu, bò... được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.

Khánh Trung

Hậu Giang: Nuôi gà trên đệm lót sinh học lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/tháng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nhờ nuôi gà trên đệm lót sinh học mà gia đình bà Đoàn Thị Tuyết Mỹ, ở ấp 6, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), có thu nhập ổn định từ 180 triệu đồng/năm trở lên.

Đàn gà của bà Tuyết Mỹ.

Bà Tuyết Mỹ cho biết cách đây 6 năm, gia đình bà đã đầu tư chuồng nuôi gà công nghiệp trên đệm lót sinh học với diện tích trên 400m2, tổng kinh phí đầu tư chuồng trại và con giống khoảng 500 triệu đồng. Hiện tại, số gà bà đang nuôi là 5.000 con, bình quân mỗi tháng bán gà thịt cho thương lái từ 1.000-2.000 con, mỗi con nặng từ 1,5-1,8kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng gia đình bà thu lợi nhuận trên 15 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình bà có việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định mỗi năm từ 180 triệu đồng trở lên.

Để gà nuôi đạt hiệu quả, bên cạnh áp dụng các kỹ thuật, bà Tuyết Mỹ còn tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cúm và bổ sung các loại thuốc để tăng sức đề kháng cho gà.

Tin, ảnh: T.XOÀN

Nuôi dê vỗ béo 70 kg/con, không lo đầu ra

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Xã Lan Giới, huyện Tân Yên (Bắc Giang) có nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư vốn nuôi dê theo phương thức vỗ béo tại chuồng với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Đá Ong có khoảng 400 con dê lai Bách Thảo, dê lai Boer. Theo chị Nga, mỗi năm chị nhập khoảng 600 con dê đực từ 15 - 20 kg về nuôi.

Sau ba tháng vỗ béo tại chuồng đạt trọng lượng từ 35 - 40 kg/con chị xuất bán một lứa.Mỗi lứa xuất khoảng 200 con với giá bán 130 - 150 nghìn đồng/kg, thu về gần 300 triệu/lứa. Sau khi đã trừ hết các khoản chi phí, một năm xuất bán được 3 lứa cho thu nhập lên tới gần 1 tỷ đồng.

Chị Nga chăm sóc đàn dê.

Chị Nga cho biết, nhờ nuôi dê vỗ béo mà gia đình chị có nguồn thu nhập khá. Để có đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt thì việc lựa chọn giống dê để vỗ béo là rất quan trọng. Dê đực phải là những con có ngoại hình khỏe mạnh, vạm vỡ, bốn chân vững chắc, nhanh nhẹn và hai tinh hoàn to đều. Dê cái có thân hình nở nang, cân đối, bộ lông bóng mượt, ngực sâu, bầu vú nở rộng.

Bên cạnh đó chị cũng rất chú trọng tới việc thiết kế chuồng trại sao cho thuận tiện trong quá trình vệ sinh. Mặt chuồng cách sàn từ 0,7 – 1m. Sàn chuồng làm bằng tre, nứa tạo những khe hở đủ để phân dê lọt xuống. Dưới sàn chuồng thường căng lưới dưới mỗi ô nuôi để hứng phân, vừa sạch sẽ lại tiết kiệm được công lao động.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi dê vỗ béo của gia đình chị Nga, nhiều hộ dân trong xã đã tìm hiểu và học tập kinh nghiệm nuôi.

Cùng xã Lan Giới, gia đình ông Nguyễn Văn Thận ở thôn Bãi Trại cũng là hộ nuôi dê có tiếng. Ông bắt đầu học nuôi dê từ năm 2016, đến nay quy mô đàn luôn duy trì 100 con.

Nhiều hộ làm giàu nhờ nuôi dê vỗ béo.

Ông Thận cho biết, do tận dụng được nguồn thức ăn phong phú của địa phương nên nuôi dê không tốn kém mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt giống dê lai Bách Thảo có khả năng tăng trọng tốt, con trưởng thành có thể nặng tới 60 - 70kg. Với giá bán bình quân 130.000 đồng/kg dê thịt như hiện nay thì mô hình vỗ béo dê đã thực sự khẳng định hiệu quả rõ rệt.

Cũng theo ông Thận, muốn chăn nuôi dê hiệu quả thì người nuôi phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại và phòng chống dịch bệnh. Chuồng nuôi dê phải luôn khô ráo và thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thường xuyên làm công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh.

Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi, phòng bệnh mà đàn dê của gia đình ông và nhiều hộ dân trong xã phát triển có chất lượng tốt, sản phẩm dê khi xuất bán được các thương lái ở các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên đến tận nơi thu mua.

Theo ông Khổng Trọng Thủy, cán bộ Thú y xã Lan Giới, khoảng 3 năm trở lại đây đàn dê trên địa bàn đã tăng lên đáng kể, có nhiều hộ mở rộng quy mô từ vài chục con lên tới vài trăm con do nhận thấy điều kiện tự nhiên nơi đây rất thích hợp để vỗ béo dê lấy thịt.

NGUYỄN THANH - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Mô hình nuôi, ấp trứng gà ta hiệu quả

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Anh Trần Thiện Thanh, ở ấp Giồng Chi, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có hơn 20 năm gắn bó với nghề ấp trứng vịt, tuy nhiên cách đây 3 năm, anh chuyển sang nghề ấp trứng gà ta và đạt hiệu quả cao.

Anh Thanh chăm sóc gà nuôi trong lồng sắt.

Anh Thanh chuyển sang nghề ấp trứng gà để cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi. Đối với những hộ “thân thiết”, anh bán con giống và thức ăn cho đến khi nào xuất chuồng thì mới lấy tiền. Hộ nào nuôi đến khi gà đẻ trứng thì anh thu mua trứng và trừ tiền dần.

Song song đó, anh còn tuyển chọn và mua gà mái ta hậu bị từ các hộ nuôi về nuôi để cho đẻ trứng. Lúc đầu, anh nuôi quy mô 1 ngàn con, sau đó tăng lên 2 ngàn con.

Tháng 12-2018, do nhu cầu mở rộng quy mô nuôi gà ta cho đẻ trứng, anh dời đến đất nhà ở ấp An Điền Bé, xã An Hiệp để nuôi. Trên diện tích 9 công đất ruộng, anh san lấp mặt bằng và đầu tư láng trại nuôi gà trong lồng sắt, với quy mô 7 ngàn con.

Mỗi con gà mái nuôi trong lồng có chiều ngang 40cm, cao 40cm, sâu 50cm. Trung bình từ 6 - 8 con gà mái thì bố trí 1 con gà trồng. Gà trống mỗi ngày được di chuyển sang 1 ô của gà mái. Cứ như thế mà xoay vòng, để gà mái đẻ trứng, ấp ra gà con. Gà nuôi trong lồng có sẵn thức ăn và nước uống, cứ thế mà ăn và đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày, đàn gà từ 30 - 35% con đẻ trứng, cao nhất là 40%. Anh đem trứng gà đẻ vào máy ấp trứng, sau 20 ngày nở ra gà con.

Không chỉ cung cấp con giống và thu mua trứng gà trên địa bàn huyện Ba Tri, anh Thanh còn mở rộng sang một số xã ở huyện Giồng Trôm. Riêng các hộ dân ở huyện Mỏ Cày Nam và ngoài tỉnh, anh bán con giống thu tiền liền.

Hiện anh thu trứng gà của hộ dân với giá 5 ngàn đồng/trứng. Khi ấp thành gà con, anh bán giá 10 ngàn đồng/con. Gà nuôi với tỷ lệ trống và mái cân đối nên ấp cho ra gà con tỷ lệ cao. Để đảm bảo môi trường nuôi, anh mua mụn cưa và chất phân hủy lót dưới chuồng gà để giảm mùi hôi.

Theo anh Thanh, phân gà bán giá 10 ngàn đồng/bao, đủ trả công lao động vệ sinh chuồng trại, tiền mua mụn cưa và bao chứa phân. Hiện tại, anh Thanh tiếp tục đầu tư thêm láng trại trên phần diện tích đất còn lại để mở rộng quy mô nuôi, dự kiến nâng tổng đàn lên 10 ngàn con.

Khi đầu tư láng trại nuôi quy mô lớn, anh Thanh được Dự án AMD huyện hỗ trợ 1 máy ấp trứng trị giá 50 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn mua thêm 5 cái máy ấp trứng để ấp. Anh cũng đã cam kết với Dự án AMD huyện đầu tư con giống, bán thức ăn và thu mua trứng gà của các hộ dân nuôi gà trong xã. Nhiều hộ dân gắn kết với anh được bán con giống và thức ăn đến khi gà nuôi lớn xuất chuồng hoặc đẻ trứng mới thu tiền mà không tính lãi.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop