Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 02 năm 2016

Chao đảo giá cà phê

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Suốt một năm qua, giá cà phê trên thế giới tuột dốc liên tục ngoài dự đoán của các nhà kinh doanh mặt hàng này. Niên vụ cà phê 2015 - 2016, nông dân trồng cà phê trong nước đã thiệt kép do vừa rớt giá lại năng suất giảm.

Bước sang năm 2016, cả nhà vườn lẫn giới kinh doanh cà phê đang trông đợi giá cà phê bớt “đắng” để người trồng cà phê không bị lỗ. Theo các chuyên gia, diễn biến thị trường cà phê trên thế giới rất khó nhận định do chịu tác động từ quá nhiều yếu tố.

* Tuột dốc không phanh

Bà Nguyễn Thị Hòa ở TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai một thương lái mua gom cà phê, cho biết giá cà phê từ cuối năm 2014 đến tháng 1 năm nay liên tục giảm ngoài dự đoán của mọi người. “Giá cà phê hiện xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua, trước đây giá cà phê xuống thấp cũng nằm ở mức 34 ngàn đồng/kg. Thời điểm trước tết, cà phê mua tại nhà ở Long Khánh chỉ còn 30 ngàn đồng/kg” - bà Hòa nói. Giá cà phê suốt cả năm diễn biến bất lợi, các nhà kinh doanh cà phê phải thay đổi cách làm để tránh lỗ. Cũng theo bà Hòa, trong năm 2015 nhiều đại lý kinh doanh cà phê đã lỗ cả trăm triệu đồng do tích trữ cà phê. Giá cà phê đầu năm 2015 là 40 ngàn đồng/kg, sau đó xuống 39 ngàn đồng/kg, rồi 37 ngàn đồng/kg, đến 35 ngàn đồng/kg và tới tháng 1 năm nay chạm mốc 30 ngàn đồng/kg. Như vậy, trong vòng đúng 1 năm, cà phê rớt giá liên tục, giảm 10 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Động, Trưởng phòng thu mua Công ty TNHH kinh doanh hàng nông sản Vĩnh Tuy A (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng với mức độ rớt giá sâu như hiện nay, ít nhà kinh doanh tránh khỏi lỗ, ai đẩy hàng ra sớm thì lỗ ít còn giữ hàng lại lâu thì lỗ nhiều. Ông Động chia sẻ: “Hồi tháng 9 năm ngoái, giá cà phê xuống đến 34 ngàn đồng/kg, nhiều người cũng cho rằng đã chạm đáy và nghĩ rằng giá sẽ dừng lại ở đó. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau cà phê lại rớt giá tiếp, khiến cho nhiều người kinh doanh bất ngờ”. Các đại lý cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay đều thực hiện phương án mua rồi bán ngay.

* Sôi động nhưng kém vui

Giá cà phê đầu năm 2016 thấp hơn cùng kỳ năm 2015 tới 10 ngàn đồng/kg, nhưng diễn biến thị trường mua bán cà phê lại sôi động hơn. Bà Dương Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc Phòng kinh doanh xuất khẩu cà phê của Tổng công ty Tín Nghĩa, cho hay trong tháng 1 năm nay sản lượng cà phê xuất khẩu của Tổng công ty Tín Nghĩa lên đến 14 ngàn tấn, tăng gần gấp 3 so với cùng kỳ năm 2015. Cà phê mua gom từ các đại lý khá dễ dàng. Theo phân tích của bà Hạnh, sở dĩ lượng cà phê năm nay được bán ra ngoài thị trường mạnh ngay từ tháng đầu năm do các nhà đầu cơ trong nước không dám trữ hàng như năm ngoái. Chính vì vậy, người dân bán cà phê ra bao nhiêu là sản lượng được đưa vào lưu thông trên thị trường xuất khẩu bấy nhiêu.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1-2016 tăng về lượng nhưng lại giảm về giá trị. Cụ thể, tháng 1-2016 sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước đạt khoảng 149 ngàn tấn, với trị giá đạt hơn 260 triệu USD, tăng 8% về sản lượng, nhưng giảm hơn 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Giá cà phê bước sang giữa tháng 2-2016 đã nhích lên được gần 1.500 đồng/kg so với tháng trước. Tuy vậy, theo nhận định của Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu trong quý I-2016 vẫn chỉ dao động ở mức 1.400 - 1.500 USD/tấn. Bởi việc phá giá đồng tiền ở một số nước xuất khẩu cà phê lớn như đồng real của Brazil hay đồng rupiah của Indonesia vẫn ở mức cao tới hơn 20% là bất lợi cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam, trong khi đó cán cân cung - cầu cà phê trên thế giới đang cân bằng.

Khắc Giới

Thả 19.000 cặp ong ký sinh ra đồng

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Trước tình hình thời tiết nắng nóng, để tránh tình trạng rệp sáp bột hồng bùng phát, Chi cục Bảo vệ Thực vật Tây Ninh đã nhân nuôi 19.000 cặp ong ký sinh Alopezi để thả trong vụ Đông Xuân.

Cây mì bị nhiễm rệp sáp.

Vụ Đông Xuân năm 2015 – 2016, Tây Ninh trồng mới trên 20.000 ha mì, trong đó đã có trên 80 ha bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Để ngăn chặn sự lây lan, phát triển của rệp sáp bột hồng trên diện tích bị nhiễm này, Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh tiến hành thả 5.000 cặp ong ký sinh để tiêu diệt rệp sáp bột hồng.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật, việc thả ong ký sinh ra đồng kết hợp với tưới nước đã giúp diện tích mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng phục hồi, cây mì phát triển tốt.

Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh khuyến cáo, đối với diện tích mì đã được thả ong ký sinh, nông dân cần thường xuyên tưới nước cho cây mì, không được phun thuốc trừ sâu để tránh tình trạng làm chết ong. Ngoài ra, hiện tại đang mùa nắng nóng, bà con phải chủ động tưới nước cho cây mì để hạn chế rệp sáp và nhện đỏ phát sinh gây hại.

Nam Sơn - Lê Hà

Phát triển cà phê bền vững - cần nhiều hình thức hợp tác

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Tròn 2 năm thành lập, Hội Người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng đã góp phần kết nối giữa người nông dân với cơ quan nhà nước và nhiều tổ chức kinh tế để thực thi các chương trình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, đề xuất các chính sách hỗ trợ… Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu, nên trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, Hội cần sự hợp tác với nhiều hình thức, đặc biệt là hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê ổn định, lâu dài.

Sản xuất cà phê ở Lâm Đồng đang tìm kiếm các giải pháp khắc phục tình trạng phân tán, nhỏ lẻ

Tổ chức Hội đầu tiên của cả nước

Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chọn xây dựng mô hình Hội Người sản xuất cà phê bền vững. Cách đây 2 năm, Hội chính thức được thành lập với 94 hội viên, mỗi hội viên đang sản xuất trung bình 3ha cà phê với năng suất đạt khoảng 3 tấn nhân/ha/năm. Và đến nay, Hội đã kết nạp mới gần 40 hội viên. Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng nói: “Hội Người sản xuất cà phê bền vững tỉnh Lâm Đồng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, chịu sự quản lý nhà nước của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hội hoạt động nhằm tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, vận động kết nối các nguồn lực hỗ trợ phát triển cà phê bền vững trên địa bàn…”. Theo chức năng đó, Hội đã thành lập 2 chi hội tại huyện Di Linh và Lâm Hà. Đồng thời bước đầu phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cử 4 hội viên tiêu biểu tham gia khóa đào tạo tập huấn viên nguồn (TOT) và tổ chức 4 lớp đào tạo kỹ thuật khác cho hội viên.

Về sự cần thiết để ra đời tổ chức Hội Người sản xuất cà phê bền vững đầu tiên của cả nước tại Lâm Đồng, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: “Mục tiêu thành lập và đi vào hoạt động của Hội là nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị cà phê của Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung. Hội sẽ thực hiện vai trò đối thoại thường xuyên với các ban, ngành chức năng và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng để tìm kiếm các giải pháp liên kết ổn định đầu vào, đầu ra cho sản xuất, kinh doanh cà phê bền vững…”.

Cần sự hợp tác từ nhiều phía

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, phân tích thêm: Lâm Đồng có diện tích cà phê hơn 150.000ha và sản lượng 400.000 tấn nhân/năm, đứng thứ 2 trong cả nước chỉ sau tỉnh Đắk Lắk. Những năm gần đây, diện tích cà phê Lâm Đồng sản xuất theo hướng bền vững ngày càng tăng. Nhiều mô hình liên kết thành từng tổ, nhóm, hợp tác xã đang từng bước phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê vẫn sản xuất ở quy mô nhỏ, manh mún, nhưng lại dễ bị tổn thương trước biến động của thời tiết, thị trường. Người nông dân chưa có tiếng nói đủ mạnh trong các quan hệ cung - cầu, còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp, đại lý cung ứng vật tư sản xuất và thu mua sản phẩm. Trong khi đó, các chính sách tín dụng, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng… chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Hội Người sản xuất cà phê bền vững Lâm Đồng vừa thông qua 4 phương án trọng tâm là: Thảo luận với các doanh nghiệp, đại lý cung ứng phân bón có uy tín, chất lượng để mở rộng hợp tác mua phân bón trả chậm với lãi suất thấp hoặc lãi suất bằng không. Trước mắt trong năm 2016, Hội sẽ liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cho hội viên sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chứng nhận của quốc tế như: 4C, UTZ, Rain Forest, Fair Trade… nhằm nâng cao hơn nữa giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất sản xuất. Những năm tiếp theo, Hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt xây dựng các mô hình hợp tác mới, gắn sản xuất cà phê bền vững với tiêu thụ và chế biến xuất khẩu; tiếp cận các nguồn vốn lồng ghép, ưu đãi từ các chương trình, dự án của trung ương, tỉnh, của các tổ chức phi chính phủ, cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp hội viên thâm canh hiệu quả trên từng diện tích đất cà phê bền vững của mình.

VĂN VIỆT

Giống tiêu lốp đã xuất hiện trở lại

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Mùa xuống giống 2015, anh Trần Minh Chánh ở ấp 6, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh, Bình Phước) quyết tâm phục hồi giống tiêu lốp... Nhiều người trồng tiêu ở Lộc Ninh cũng bắt đầu theo anh Chánh trồng tiêu lốp để sử dụng và làm “hàng độc” biếu người thân... Anh Chánh cho biết: Tiêu lốp cay và thơm hơn các loại tiêu khác nên nhiều gia đình ở Lộc Ninh, Bình Dương vẫn rất chuộng để kho cá, nêm canh.

Vị thuốc đặc biệt

Tiêu lốp còn gọi là tiêu dài, tiêu thất, tiêu lá tim, tên khoa học là Piper longum, thuộc họ thực vật Piperaceae, đến châu Âu trước tiêu đen (Black pepper). Tiêu lốp được đánh giá cao trong thời đế quốc La Mã và được định giá cao gấp ba lần tiêu đen do vừa cay vừa ngọt, rất thích hợp với các món ăn và khẩu vị người La Mã. Ngày nay, tiêu lốp rất ít được biết đến và được xem như vị thuốc hơn là gia vị.

Anh Chánh khoe giống tiêu lốp trồng tháng 7-2015

Cây tiêu lốp thuộc loại thân thảo, phần gốc mọc bò. Thân cành mang hoa, không lông, đứng thẳng, có thể cao 2 - 4m. Lá mọc so le, có cuống ngắn. Phiến lá hình trứng, thuôn dài khoảng 6 - 7,5cm, rộng 3 - 5cm, gốc hình quả tim, hơi lệch một bên. Đầu lá nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông nhỏ. Lá có 5 - 7 gân. Hoa đơn tính. Hoa đực dài khoảng 3,5cm, có trục nhẵn, lá bắc tròn, có 2 nhụy. Hoa cái ngắn hơn, khoảng 1,5cm, có cuống ngắn. Cụm trái hình trụ, hơi cong, do nhiều trái mọng nhỏ tập hợp tạo thành, dài 1,5 - 3,5cm, đường kính 0,3 - 0,5cm, mặt ngoài màu đen hoặc nâu. Gốc cụm trái có cuống còn sót lại hay vết của cuống đã rụng. Trái mọng nhỏ, hình cầu. Hạt tròn hay gần như tròn, cỡ 2 - 2,5mm.

Tiêu lốp là cây thuộc vùng nhiệt đới châu Á, phân bố tự nhiên tại Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nam Trung Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây), Đông Nam Á. Tại Việt Nam, tiêu lốp tương đối phổ biến ở các tỉnh vùng cao nguyên.

Tiêu lốp được dùng làm gia vị và thuốc trong dân gian. Trái được ghi nhận là có hoạt tính ngừa thai khi thử trên động vật, nên tránh dùng cho phụ nữ đang mang thai. Piperine có hoạt tính tương tác sinh học như can thiệp vào hoạt động xúc tác sinh hóa của một số men (enzyme) trong cơ thể, ức chế men Arylhydrocarbon hydrolase (AHH) và UDP- glucoryltransferase ở gan nên có khả năng gây thay đổi sự hấp thu phenytoine và barbiturates trong cơ thể. Tiêu lốp có thể gây tăng hiệu ứng thuốc và tăng phản ứng phụ khi dùng chung với phenytoin (Dilantin), propranolol (Inderal), theophylline.

Người Trung Quốc sử dụng tiêu lốp trị chứng bụng lạnh, đau, buồn ói, tiêu chảy. Dược học cổ truyền Việt Nam dùng tiêu lốp trị đau, lạnh bao tử, ói ra nước chua, sôi bụng, tiêu chảy, đau nhức đầu, chảy nước mũi, viêm xoang, đau răng, kinh nguyệt không đều.

Và là “đặc sản”

Anh Hoàng Sánh, khuyến nông viên xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh cho biết: Tiêu lốp trước đây được trồng nhiều ở Lộc Ninh, Bù Đốp nhưng sau mai một dần vì năng suất chỉ bằng khoảng 1/5 giống tiêu khác. Hiện nhiều hộ trồng tiêu ở Lộc Ninh phục hồi lại giống tiêu lốp như một “đặc sản”. Ưu điểm của giống này là khả năng kháng bệnh cao, kể cả bệnh “nan y” chết nhanh chết chậm...

Tiêu lốp được dùng khá thông dụng trong các món ăn Ấn Độ và Bắc Phi. Do sự khác biệt trong thành phần terpene nên tiêu đen không thay thế được tiêu lốp. Hương vị của tiêu lốp là pha trộn giữa cay và ngọt. Tiêu lốp cay hơn tiêu đen nên người ít ăn cay cần thận trọng. Tại Bắc Phi, nơi các vùng Hồi giáo, tiêu lốp đã được nhà buôn Ả Rập đem đến và trở thành một gia vị thông dụng trong nhiều món ăn truyền thống, nhất là ở Maroc và Ethiopia. Tại Ethiopia, tiêu lốp quan trọng hơn, dùng trong các món thịt hầm (wat). Tiêu lốp được pha trộn với tiêu đen, đậu khấu, đinh hương và nghệ. Hỗn hợp trộn Berbere của Ethiopia tương tự với marsala của Ấn Độ, dùng để ướp các món ăn từ thịt cừu.

Dân gian Việt Nam dùng tiêu lốp làm muối tiêu, vừa là món ăn vừa là bài thuốc gia truyền, có vị rất thơm, cay nhẹ, tính ấm, dễ tiêu dành cho người lớn tuổi, người ăn kiêng giảm cân, người ăn chay...

P. Hà

Kiên Giang công bố thiên tai, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại 235 tỷ đồng

Nguồn tin: VOV

Theo đó, ngân sách sẽ hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng cho 18.125 hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại ở tỉnh Kiên Giang.

Do ảnh hưởng của hạn, mặn kéo dài, toàn tỉnh Kiên Giang đã có hơn 34.000 ha lúa vụ mùa và đông xuân bị thiệt hại. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã công bố thiên tai trên toàn tỉnh.

Theo đó, ngân sách sẽ hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng cho 18.125 hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại. Dự kiến trong những ngày tới tỉnh sẽ triển khai giải ngân để hỗ trợ cho người dân kịp thời.

Ngoài ra, trong vụ hè thu, thu đông và rau màu năm 2015, Kiên Giang cũng đã công bố thiên tai với hơn 29.700 ha bị thiệt hại. Tổng kinh phí hỗ trợ cho dân trong vụ này là 84 tỷ 840 triệu đồng./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Hạn hán đe dọa mất mùa cà phê

Nguồn tin: VnExpess

Khô hạn kéo dài dẫn tới thiếu nước cục bộ trong thời gian tới sẽ khiến cho sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2016 - 2017 giảm mạnh.

Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho thấy, trong nửa đầu năm 2016, nhiều khả năng sẽ xuất hiện mùa đông khô, ấm ở miền Bắc, thiếu hụt mưa, dòng chảy dẫn đến hạn hán khốc liệt ở miền Trung và Tây Nguyên.

Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 5, dòng chảy trên các sông miền Trung và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung bộ khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm tới 50 - 70%; Trung và Nam Trung bộ còn có khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm tới 60 - 80%, có nơi trên 80%. Tình trạng khô hạn, thiếu nước xâm nhập mặn có khả năng xảy ra sớm trên diện rộng và khốc liệt tương đương hoặc hơn so năm 2015. Tại miền Bắc, do tác động của El Nino, nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn mức trung bình nhiều năm. Rét đậm, rét hại ở miền Bắc không kéo dài và nắng nóng xuất hiện sớm hơn so với mức trung bình nhiều năm ở Tây Bắc, Trung bộ và Nam bộ. Dòng chảy trên các sông suối giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước cục bộ sẽ rất cao, vùng núi và trung du phía Bắc có diễn biến nghiêm trọng hơn vùng đồng bằng.

Vicofa dự báo, với diễn biến thời tiết trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất cà phê vối ở Tây Nguyên là loại cà phê cần nhiều nước. Đồng thời tuyết rơi ở phía Bắc có khả năng gây mất mùa cà phê Arabica ở Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị. Vụ mùa 2016 - 2017 sản lượng cà phê sẽ tiếp tục giảm và sẽ là vụ giảm thứ 3 liên tiếp của Việt Nam. Nửa đầu tháng 1 năm nay xuất khẩu cà phê chỉ đạt 70.000 tấn. Dự kiến năm 2016 Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 25% so với 2015.

Trong năm 2015, tình trạng hạn hán cũng đã xảy ra tại các tỉnh Tây Nguyên khiến sáng lượng cả phê giảm 10 - 20%. Nhiều hộ gia đình ở các vùng này còn chịu cảnh thua lỗ vì giá cả phê giảm mạnh.

Thi Hà

Khá lên nhờ xoài rải vụ

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Ông Hoàng Văn Đảm ở ấp 2A, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) xuất thân là nông dân hai bàn tay trắng, song do sáng tạo, kiên trì nên hiện ông có trong tay gần 10 hécta đất trồng cây ăn trái, mỗi năm thu được gần 1 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Đảm, ấp 2A, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) đang kiểm tra xoài ra bông cho trái rải vụ.

Theo lời ông Đảm, ông từ miền Bắc vào Xuân Lộc lập nghiệp. Gần 20 năm về trước, Xuân Bắc là xã vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thiếu điện thiếu nước, thế nhưng ông vẫn trụ lại. Lúc đầu vợ chồng ông phải đi thuê đất để trồng rau, sau gom góp được chút vốn ông mua đất và trồng xoài. Cũng giống nhiều người khi chưa có kinh nghiệm, ông trồng xoài 3 mùa mưa, nhưng loại xoài này luôn rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Để tăng lợi nhuận, ông xử lý xoài rải vụ vào những thời điểm thị trường khan hàng giá bán khá cao. Do đó, người trồng xoài 3 mùa mưa thường hay thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp, nhưng ông trồng luôn có lời. Suy ngẫm nhiều ngày, ông thấy nếu duy trì cây xoài 3 mùa mưa thì rất khó có thu nhập tốt, ông Đảm tìm đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và khi về ông quyết định chuyển dần sang trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài Thái ăn xanh, lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần xoài 3 mùa mưa. Đồng thời, ông chuyển 3 hécta sang trồng cam, quýt đường nhưng xử lý cho ra trái vụ, giá bán khá cao mà lại không lo đến đầu ra. Ông Đảm chia sẻ: “Làm nông bây giờ phải am hiểu kỹ thuật mới để ứng dụng. Trồng xoài, cam, bưởi xử lý ra trái rải vụ không khó, nếu nông dân chịu khó học hỏi là làm được. Làm trái cây rải vụ bán luôn được giá cao và không lo thiếu đầu ra”.

Đồng Nai là tỉnh có sản lượng trái cây trong nhóm đầu của các tỉnh phía Nam và nổi tiếng với nhiều trái cây đặc sản, nhưng nông dân luôn rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Mấy năm nay, nhiều nông dân học cách làm trái cây trái vụ, nhưng nhiều người cùng làm trái vụ nên lại thành chính vụ, giá giảm. Vì thế ông Đảm và một số nông dân trong tỉnh nghĩ ra cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật làm trái cây rải vụ là chọn những thời điểm thị trường hiếm loại trái cây này đưa hàng ra, giá bán thường cao gấp 1,5 - 2 lần chính vụ.

Hương Giang

Nông nghiệp cứ manh mún, nhỏ lẻ… là thua

Nguồn tin:  Đại đoàn kết

Việt Nam có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp với hàng loạt các mặt hàng nông sản đứng trong top xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, thủy hải sản… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún. Giới chuyên gia nhận định, nếu ngành nông nghiệp không nâng cấp năng lực sản xuất, không tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao thì sẽ rất khó trụ vững.

Trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt.

Không thể phủ nhận những thành quả mà nền kinh tế nông nghiệp đã và đang mang lại cho nước nhà. Với thành tích xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đứng trong top đầu thế giới, đạt kim ngạch nhiều tỷ USD mỗi năm, nông nghiệp vẫn luôn được coi là “trụ đỡ” của toàn ngành kinh tế.

Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm yếu. Một trong số đó phải kể đến tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho ngành nông nghiệp khó có thể bứt phá, đời sống người nông dân bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến cho nền kinh tế nông nghiệp của nước ta phát triển thiếu bền vững, tính cạnh tranh của sản phẩm với khu vực và thế giới còn thấp. Người nông dân tuy không còn đói ăn, nhưng chưa thể giàu. “Đây là thách thức lớn đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng” – Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định.

Theo giới chuyên gia ngành nông nghiệp, với 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng có một thực tế cần phải thừa nhận đó là, 70% dân số đó vẫn chủ yếu là người nghèo. Nghèo vì họ chưa thể làm giàu bằng các sản phẩm do chính tay họ sản xuất.

Đơn cử như hạt gạo, con tôm, con cá… do người nông dân nuôi trồng được song, giá thành lại không do họ quyết định. Nhiều khi, chỉ một trận thiên tai, địch họa là nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Hay, nếu có được mùa như mùa dưa hấu, mùa vải, mùa thanh long… song do không thể tự định giá nên người nông dân vẫn luôn chịu cảnh thua lỗ.

Ông Trần Công Thắng, Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm: Hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay chính là ở chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế nông nghiệp chưa hấp thụ được vốn và công nghệ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các thị trường lớn. Cũng bởi sản xuất manh mún, nên người nông dân chưa có được lợi ích tương xứng với công sức bỏ ra, các hình thức cánh đồng mẫu lớn hay hợp tác xã kiểu mới chưa thực sự toàn diện...

Còn theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cách thức sản xuất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay có những điểm hạn chế cần phải thẳng thắn nhìn nhận. Hạn chế không chỉ ở việc tăng trưởng nông nghiệp của chúng ta đang chững lại mà cách làm của nông nghiệp hiện nay chưa đảm bảo được 3 yêu cầu: Một là lợi thế nhờ quy mô qua đó có thể hấp thụ được vốn và công nghệ, thứ hai là chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, đòi hỏi mới của nông nghiệp nói chung và các thị trường nông nghiệp Việt Nam cam kết. Thứ ba là mặc dù đóng góp rất lớn vào xóa đói giảm nghèo nhưng cơ bản người nông dân vẫn thiệt thòi nhất trong quá trình cải cách và phát triển. Lợi ích của người nông dân bị thu lại chưa tương xứng với cách thức làm ăn của người nông dân.

Trong khi đó nền nông nghiệp mới phải đáp ứng được các yếu tố sau: Đầu tiên là lợi thế quy mô để hấp thụ công nghệ, thứ hai là phải gắn kết được tất cả các bên liên quan vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng của nông nghiệp, từ giống đến thị trường trong nước và nước ngoài… Thế nhưng với năng lực sản xuất hiện nay của chúng ta, tất cả các yếu tố đó đều chưa được đảm bảo. Và như vậy, những điểm yếu đó sẽ là rào cản khiến cho nền nông nghiệp của nước ta khó có thể bứt phá.

Trước những rào cản, thách thức mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng: Ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt phải tập trung phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững, tính cạnh tranh cao… Đó là những yêu cầu đặt ra để ngành nông nghiệp nước nhà có thể bứt phá, nếu không muốn thua ngay trên sân nhà khi các cường quốc mạnh về nông nghiệp đang có những cơ hội lớn sẵn sàng lấn át chúng ta khi cánh cửa hội nhập kinh tế đã mở rất rộng.

Minh Phương

Niềm vui của những kỹ sư “thân bám vườn, chân lội ruộng”

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

Dù xuất thân trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là niềm đam mê với đồng ruộng. Vì thế, sau khi ra trường, với những kiến thức đã học, họ đem về chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Chúng tôi đến xã Đông Phước A (Hậu Giang) vào một ngày cuối năm, trong cơn gió heo may nhè nhẹ với cái nắng ấm áp của mùa xuân, dọc tuyến đường về trung tâm xã, có thể dễ dàng nhận thấy được những vườn cam nghịch vụ đang vào độ chín chờ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, từ khi chính quyền xã Đông Phước cho tiến hành xây đê bao ngăn lũ, rồi hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng, đến cán bộ nông nghiệp về làng hướng dẫn kỹ thuật đã giúp cho cây cam sành “lên ngôi”. Nhờ vậy, từ 3 vụ lúa bấp bênh, nay cây cam dần dần đứng vững thay cho cây lúa. Cây cam phát triển, cuộc sống của phần lớn bà con trồng cam trong ấp đã bắt đầu đổi đời”.

“Thủ lĩnh” cây có múi

Tò mò muốn gặp những cán bộ như thế, sau khi được lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh giới thiệu, tôi đã liên hệ được với anh Lâm Văn Mal, cán bộ kỹ thuật xã Đông Phước, huyện Châu Thành (Hậu Giang). Lần đầu cà phê với nhau, ấn tượng của chúng tôi về anh là phong cách giản dị, làn da ngăm đen như nông dân chính hiệu. Đưa chúng tôi đến nơi anh đang làm, anh say sưa nói về những đổi thay trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây. Nhắc đến duyên nghiệp của mình, anh kể: “Là anh hai của một gia đình, nên điều kiện học hành vô cùng thiếu thốn. Không như các bạn cùng trang lứa được bước vào giảng đường đại học, tôi phải dừng lại ở Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Cần Thơ để nhường chỗ cho các em có điều kiện học tập. Thế nhưng, “cái khó không bó được quyết tâm”, tôi chọn chuyên ngành bảo vệ thực vật, với suy nghĩ mình sinh ra ở nông thôn nên phải đi học để về giúp đỡ bà con nông dân”.

Anh Mal (phải) thường xuyên gắn bó với nông dân để hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây trồng đạt hiệu quả.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Mal được về công tác tại Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành. Đến năm 2009, khi cây có múi bắt đầu phát triển, anh được đưa về xã Đông Phước để giúp cho bà con nông dân. Thời bấy giờ, cây cam cho giá trị kinh tế cao nhưng luôn phải đối mặt với nhiều bệnh như: vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ… Các loại bệnh hại nguy hiểm này có thể làm cây chết hàng loạt. Theo lời anh Mal, để có những kiến thức về cây có múi, ngoài những kiến thức đã học trên ghế nhà trường, anh phải bỏ công sức tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi thầy cô ở các viện, trường và không nhớ mình đã đọc biết bao nhiêu tài liệu, nào là điều kiện khí hậu, đất đai, cách chọn cây giống, các loại bệnh cây cam thường gặp, cách xử lý trái nghịch vụ, phân bón…

Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Đông Phước, đến nay anh đã điều trị thành công 70% diện tích cam do bệnh vàng lá thối rễ gây ra. Ông Nguyễn Văn Lắm, ở ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước, chia sẻ: “Cũng như các hộ dân khác, khi cây cam bắt đầu “ngự trị” trên vùng đất Châu Thành, tôi cũng bỏ ruộng lúa bắt tay vào lên liếp trồng cam. Trồng được một thời gian, vườn cam của tôi bị đủ thứ bệnh, còi cọc, vàng quạch. Cứ ngỡ cây bị thiếu chất, thế là cứ bón phân, ai ngờ ngày càng trầm trọng. Ngặt nỗi, đi hỏi kỹ thuật thì đâu có ai thèm chỉ mình, nhưng cũng nhờ từ khi được địa phương mở các lớp tập huấn, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình nên vườn cam của tôi mới được tốt như vầy”.

Hiện tại, anh Mal có khả năng nhìn cây chẩn đoán bệnh, cũng như khuyến cáo nông dân sử dụng phân, thuốc gì để điều trị cho cây hiệu quả. Nhờ vậy mà nông dân trong vùng hay gọi anh là “thầy”, vì anh thường tham gia các lớp tập huấn để giúp họ kỹ thuật chọn giống cũng như hướng dẫn họ ghi chép, cách nhận biết bệnh, kỹ thuật trồng sao cho đạt năng suất, chất lượng. Anh Mal chia sẻ: “Có người kêu tôi là “thầy” cho vui, vì tôi “mê” cây, gắn bó đã gần chục năm nên ít nhiều hiểu được “tính nết” của nó”.

Hiểu được nỗi khổ người trồng cây có múi, nên anh Mal sẵn sàng đem kinh nghiệm của mình chia sẻ cho họ bất cứ đâu. Dù là cán bộ kỹ thuật ở xã Đông Phước, nhưng nhiều người trồng cam ở các xã lân cận ngỏ ý nhờ, anh đều nhận lời đến tận vườn giúp. “Niềm vui lớn của tôi chính là nhìn thấy nhiều vườn được phục hồi, vườn cây suy kiệt mất mùa được xanh tốt trở lại và cho năng suất gấp đôi”, anh Mal tâm niệm. Hiện anh Mal đã xây dựng được 8/9 vườn mẫu trên cây có múi trong địa bàn xã để có thể dễ dàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cũng như điều trị thử nghiệm các loại bệnh mà cây có múi đang gặp phải. Bên cạnh đó, anh còn tranh thủ thời gian tham gia khóa học sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân.

Phát triển nhiều mô hình hiệu quả

Theo chân chị Nguyễn Thị Thúy Kiều, cán bộ kỹ thuật, để tìm hiểu tình hình sản xuất nông nghiệp, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, hết lòng vì công việc của những người làm công tác khuyến nông. Mới hơn 5 giờ sáng, chị Kiều đã có mặt tại các trà lúa Đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch, rồi lại tất tả hướng dẫn kỹ thuật, trồng khảo nghiệm các giống mía mới. Đến trưa lại phải tranh thủ thời gian đảm nhiệm buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp bà con nông dân. Chị Kiều chia sẻ: “Làm công tác khuyến nông cơ sở là phải bám đồng, lội ruộng cùng với người nông dân để hướng dẫn, giúp họ thực hiện sản xuất, khuyến cáo người dân cách điều trị thích hợp, đảm bảo theo kế hoạch, mùa vụ. Vả lại khi bám vườn, lội ruộng mới dễ lắng nghe ý kiến của chính những người dân để từ đó truyền đạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho phù hợp”.

Nhớ lại những ngày đầu còn công tác tại xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm còn non yếu, trong khi công việc chị đảm nhận đòi hỏi người cán bộ khuyến nông không chỉ hiểu biết sâu ở lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, mà còn cần phải có kỹ năng truyền đạt để có thể hướng dẫn và tư vấn cho bà con các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Nhưng với tinh thần ham học hỏi, nhiệt huyết tuổi trẻ nên chị chịu khó gần gũi, thường xuyên xuống tận xóm, ấp trao đổi tận tình, hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những lợi ích thiết thực của việc ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, dần dần chị lấy được cảm tình của bà con. Chị Kiều chia sẻ: “Lúc đầu về làm việc, xuống ruộng cùng nông dân nhưng nói không ai tin. Bởi vì cái mặt “non choẹt” lại đi hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, trồng mía, trong khi nông dân đã có kinh nghiệm mấy chục năm. Thậm chí có nông dân còn bảo tôi là con gái thì làm ăn được cái gì. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của mình, dần dần họ đã hiểu và xem mình như người nhà và yên tâm áp dụng làm theo. Từ đó, nông dân hiểu ra không chỉ có kinh nghiệm, mà cần luôn học hỏi tìm kỹ thuật mới, tổ chức liên kết nông dân lại để sản xuất”. Từ cách làm cũ, bây giờ bà con đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như nhân giống lúa chất lượng cao nhờ áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”; sử dụng nấm xanh trên lúa để phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá;...

Do yêu cầu công việc, nên mới đây, chị Kiều được điều động về Trạm Khuyến nông thành phố Vị Thanh. Công việc bận rộn hơn bởi phải “quán xuyến” nhiều xã chứ không còn một xã như trước, nhưng chị Kiều vẫn giữ thói quen là xuống cơ sở từ sáng sớm cho đến chiều tối mới về nhà. Chị Kiều vui vẻ cho hay: “Có những hôm xuống ấp để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, nhưng vì quá say mê với công việc, nên đến chiều lúc nào cũng chẳng hay. Những lúc như thế, tôi phải nhờ chồng hoặc đồng nghiệp rước con thay. Là phụ nữ đã có gia đình, đôi lúc tự thấy mình chưa dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình, nhưng gia đình luôn an ủi, động viên giúp tôi có động lực để yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hơn nữa, tuy công việc có vất vả, bận rộn, nhưng bù lại, tôi có niềm vui lớn là được bà con tin tưởng nhờ mình gỡ rối những thắc mắc, khó khăn liên quan đến nông nghiệp”.

Bên cạnh làm tốt công việc ở cơ quan, chị Kiều vẫn dành thời gian sưu tầm nhiều mô hình có hiệu quả. Chị Kiều quan niệm: “Theo tôi, có học hỏi thì mới nâng cao được kiến thức. Bởi lẽ, học không chỉ trên lý thuyết, mà còn phải vừa kết hợp giữa lý thuyết và thực hành cùng với kinh nghiệm thực tiễn thì mới xây dựng được các mô hình hiệu quả, dễ dàng áp dụng vào đời sống”.

“Khắc tinh” của dịch bệnh

Thường ngày, tầm 1 giờ chiều, anh Đào Tự Chịa, cán bộ thú y xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, đã đi kiểm tra, tiêm phòng cho các đàn vịt của các hộ dân, rồi đến tối anh lại tổ chức tiêm phòng cho gà. Hôm nào nhanh cũng phải đến 9 giờ tối thì anh mới có thể về đến nhà. Do rơi vào đợt tiêm phòng cuối năm, nên công việc của anh cũng khá bận rộn. Để tiện gặp anh, men theo con đường nông thôn theo lời chỉ dẫn, tôi gặp được anh ngay thời điểm anh đang tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vịt của các hộ dân. Tiêm xong, anh lại cẩn thận xé biên lai có kèm theo số điện thoại của mình. Rồi anh quay sang bảo tôi: “Với bất kỳ hộ gia đình nào cũng thế, sau khi tiêm phòng, chúng tôi đều ghi số điện thoại lại cho họ để họ liên hệ mỗi khi cần thiết và cũng để chúng tôi theo dõi, giám sát, chứ không phải cứ tiêm xong là hết trách nhiệm”.

Anh Đào Tự Chịa, cán bộ thú y xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, luôn chủ động tiêm phòng gia cầm cho các hộ dân để phòng, chống dịch bệnh.

Khi được hỏi về công việc của mình, anh Chịa bảo: “Làm nghề này là không kể ngày, đêm, xa, gần, ở đâu người dân báo có gia súc, gia cầm bệnh là phải đến tận nơi kiểm tra, xác định nguyên nhân để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm. Vào những đợt tiêm phòng, vì muốn tiêm phòng đồng loạt phải “canh” lúc người dân đang ở nhà thì mới tổ chức được. Hơn nữa, trước đây, chỉ cần tiêm phòng 2 đợt/năm, nhưng nay còn phải tiêm bổ sung hàng tháng. Do quy trình vẫn phải đầy đủ thủ tục từ thống kê, xây dựng kế hoạch, đến thực hiện tiêm phòng, xong rồi lại tổng hợp báo cáo, giám sát, giao ban… nên khối lượng công việc rất lớn”.

Anh Chịa thông tin: “Nhớ lại thời điểm 10 năm trước, khi dịch cúm H5N1 bùng phát, nước ta bắt đầu triển khai tiêm phòng mở rộng trên gia súc, gia cầm. Không riêng gì các địa phương khác, trên địa bàn thị xã Ngã Bảy, do hiểu biết của bà con về bệnh này chưa nhiều, nên rất thờ ơ với công tác tiêm phòng. Khi đến vận động, có một số bà con viện đủ lý do như gia súc, gia cầm đang khỏe nên không cần tiêm hoặc sợ tiêm vào vật nuôi bị gầy, yếu, sẩy thai… Bởi, sau khi tiêm vắc-xin, sức khỏe ban đầu của vật nuôi ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Những lúc đó, nhiều đêm tôi không được ngủ, có khi còn bị đổ trách nhiệm vì gia súc, gia cầm đã tiêm phòng vẫn bỏ ăn, lây bệnh. Những lúc như vậy, tôi muốn nghỉ làm, nhưng rồi vì cái “duyên” không nỡ bỏ nên đành gắn bó tiếp”. Trước tình hình đó, anh đã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để trấn an tinh thần của bà con. Hàng ngày, cùng với việc xuống tận các hộ gia đình có chăn nuôi để theo dõi tình hình dịch bệnh, anh còn tổ chức cấp phát các tài liệu liên quan, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của người dân trong quá trình phòng, chống dịch.

Đã gần 10 năm gắn bó với nghề, bây giờ hễ vật nuôi của gia đình nào có biểu hiện dịch bệnh là người dân đều chủ động liên hệ với anh, khi ấy anh luôn có mặt tức thời để tiêm phòng, theo dõi, tư vấn cách chăm sóc, phòng chữa dịch bệnh. Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, để đàn vật nuôi trong xã phát triển thuận lợi, ngoài thực hiện tốt công tác tiêm phòng theo định kỳ, tiêm phòng bổ sung đầy đủ, hàng tuần, anh còn lên lịch rất cụ thể đến các ấp hướng dẫn bà con cách vệ sinh chuồng trại.

Theo anh Chịa, để chống được dịch bệnh trên đàn vật nuôi một cách triệt để, phải phòng được dịch bệnh ngay tại từng hộ gia đình có chăn nuôi. Vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, chủ quan trong phòng dịch sẽ dẫn đến thiệt hại khôn lường. Nhờ vậy, trong nhiều năm liền, tình hình chăn nuôi tại địa bàn xã Hiệp Lợi đều phát triển thuận lợi, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

THANH THÚY

Khởi nghiệp từ sản vật đồng quê

Nguồn tin:  Vnespress

Nhờ biết tìm hướng làm mới, việc nuôi dế, trùn, trồng cỏ... đang giúp nhiều cá nhân khởi nghiệp kiếm được hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.

1. Nuôi dế

Là loại côn trùng sống nhiều ở đồng quê, giờ đây dế trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng, đã giúp khá nhiều đơn vị giàu lên nhờ kinh doanh đặc sản này.

Anh Lê Thanh Tùng, ở Củ Chi (TP HCM) cho biết, cơ duyên khiến anh khởi nghiệp với nghề nuôi dế là nhờ xem truyền hình nước ngoài khi thấy họ giới thiệu các món ăn làm từ dế, một loài côn trùng quá thân thuộc ở Việt Nam nên anh nảy ra ý định bắt dế ngoài đồng về nuôi. Thời gian đầu thiếu kinh nghiệm, những con dế đầu tiên anh nuôi đã chết. Không chán nản, anh nuôi mộng vươn lên bởi dế ở Việt Nam rất nhiều, nếu không thử tiếp thì sẽ chẳng có công việc gì thành công.

Sau nhiều lần thất bại, anh đã đúc kết và đưa ra quy trình: Đầu tiên nuôi một cặp dế bố mẹ đẻ ra trứng rồi đem trứng đi ấp, sau khi ấp 9 ngày sinh ra dế con. Nuôi dế con khoảng 20 ngày tuổi thì chuyển sang nuôi dế thịt.

Những ngày đầu khi trại dế hình thành, anh tập trung nuôi dế ta, sau do nhu cầu thị trường anh đã tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm dế cơm và dế sữa. Để tiết kiệm chi phí, anh và người thân trong gia đình đi bắt dế về tự nghiên cứu, rồi phối giống. Dế nuôi được khoảng 2 tháng rưỡi là có thể bán được với giá khoảng 300.000 đồng mỗi kg. Giá bán lẻ mỗi con dế sữa là 850 đồng, dế cơm là 250 đồng. Hiện anh có tới 800.000 con dế giống, 20.000 con bò cạp. Hầu như ngày nào anh cũng có sản phẩm cung ứng ra thị trường và các nhà hàng tại TP HCM. Một tháng, ít nhất anh cũng thu về 10 triệu đồng.

Không chỉ anh Tùng mà Anh Nguyễn Hữu Phương và Nguyễn Quang Huy (Lâm Đồng) từ hai bàn tay trắng đã xây dựng nên được những trang trại dế lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

2. Nuôi trùn

Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Nông lâm TP HCM, sau một năm không tìm được việc làm, Nguyễn Văn Sang tự mày mò nuôi và khởi nghiệp với trùn quế.

Chàng sinh viên sinh năm 1990 cho biết, thời gian đầu khi tập dượt Sang trải qua rất nhiều khó khăn. Ban đầu là hợp tác với người nông dân cung cấp trùn quê rồi lập website quảng bá. Tuy nhiên, vì thiếu định hướng, đầu tư không đúng chỗ nên khách hàng dùng thử và không quay lại mua sản phẩm nữa.

Không có khách, Sang xoay xở nhận phân phối lại sản phẩm cho một công ty. Cũng vì thiếu kinh nghiệm về pháp lý, anh đã dán nhãn của mình đính kèm vào sản phẩm của doanh nghiệp để quảng cáo với hy vọng tìm kiếm thêm khách hàng. Công ty mẹ phát hiện và không cho phép anh quảng cáo đính kèm nữa.

Sau khi suy tính, Sang quyết định chỉ tập trung vào phân khúc cung cấp sản phẩm cho người trồng rau sạch. “Trong trùn quế có nguồn vi sinh vật tự nhiên rất có lợi, vơi nhiều axit amin kích thích tăng trưởng và tăng sức đề kháng, đặc biệt là cho rau sạch”, Sang nói và cho biết thêm, ngoài sản phẩm từ phân trùn quế anh còn phát triển mảng trùn giống. Hiện mỗi tháng công ty cung cấp 100 tấn phân bón cho thị trường sỉ và lẻ, thu về hơn 100 triệu đồng.

Từ diện tích 300m2, hiện nay Sang mở rộng ra 1.000m2 để nuôi trùn quế, đồng thời bao tiêu thêm sản phẩm cho một số hộ ở Củ Chi. Quy mô công ty của cựu sinh viên Nông Lâm này hiện có 6 nhân viên kinh doanh, 5-10 công nhân sản xuất bán thời gian, 2 công nhân nuôi trùn. Sang chủ yếu tập trung sử dụng kênh marketing online với 10 website để quảng bá thông tin, hình ảnh cho sản phẩm của trang trại.

Để đẩy mạnh sử dụng sản phẩm, Sang cho biết thời gian tới sẽ cho ra mắt bộ công cụ giúp cho người trồng rau sạch tự sản xuất phân trùn tại nhà với chi phí chỉ tốn vài nghìn đồng cho một lít phân bón lá.

3. Trồng cỏ

Tốt nghiệp chuyên ngành hóa, Đại học Công nghiệp TP HCM, thời gian đầu chỉ tìm được việc làm trái nghề với mức lương 1,5 triệu đồng, Võ Thành Ngân quyết định về quận 12 phụ người dượng trồng cỏ.

Ban đầu, chàng trai này làm công nhân trồng cỏ để tích lũy vốn, đồng thời tích lũy kinh nghiệm trong công việc từ khâu chăm sóc, đánh cỏ đến khuân vác.

Tháng 3/2012, Ngân mạnh dạn thành lập công ty. Để có vốn hoạt động, anh mượn họ hàng khoảng 50 triệu. Vì vốn hạn hẹp nên Ngân cùng anh rể và bác hùn vốn thuê một thửa ruộng lớn làm chung giúp tiết kiệm chi phí, vật tư. Nhờ làm tốt nên chỉ 2 đến 3 vụ Ngân trả được hết nợ.

Để tìm kiếm khách hàng, Ngân tự lập website làm kênh quảng bá, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả. Mặc dù website không đẹp, nhưng chàng cử nhân trẻ chú trọng đầu tư nội dung chuyên sâu, phong phú. Hơn 300 bài viết đã được anh chia sẻ về quy trình trồng và cách thức chăm sóc, thi công, bảo trì cỏ. Dẫu vậy, Ngân vẫn gặp khá nhiều khó khăn vì kinh nghiệm còn ít, thuê đất làm nhưng đợt cỏ đầu tiên bị úng và mất trắng 80 triệu đồng. Còn về phía khách hàng, vì tuổi đời còn khá trẻ, hồ sơ năng lực công ty chưa có gì ấn tượng nên lúc đầu khách hàng không mấy tin tưởng. Để tạo niềm tin, Ngân mời đối tác đến vườn để họ tận mắt thấy quy mô vùng trồng cỏ, kỹ thuật làm như thế nào thì mới dễ thuyết phục... Đặc biệt, Ngân tập trung đánh mạnh vào các công trình lớn như: dự án cao tốc sân bay, resort.

Tập trung chuyên canh cỏ, từ 3.000 m2 ruộng đầu tiên, hiện nay Ngân sở hữu 2 hecta. Ngoài ra anh còn thuê trồng bên ngoài với tổng diện tích 10ha; hợp tác với 7 đối tác ở Đồng Tháp, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương để cung cấp thêm. Tính chung, mỗi năm công ty Ngân cung cấp ra thị trường gần 20 hecta cỏ.

Ngân cho biết, công ty đã hoạt động ổn định và doanh thu tăng theo các năm, hiện tại đạt mức 4 tỷ đồng. Trong thời gian tới, anh muốn chế tạo thêm nhiều máy móc hơn, mở rộng chi nhánh tại ở Đà Nẵng để phát triển lan ra khu vực Tây Nguyên. Ông chủ trẻ cho biết, ngoài những công trình thông dụng, anh đang hướng đến việc chuyên làm sân cỏ thể thao, sân bóng, sân tập golf và đặc biệt là sân thể thao đa năng.

Hồng Châu

Đột phá để nông dân đứng vững trên đồng

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Những mô hình làm ăn hiệu quả

Cách đây không lâu, người dân ở xã Phước Hậu (huyện Cần Giuộc) phải “một nắng hai sương” với cây lúa, nhưng sau vụ mùa “tay trắng vẫn hoàn tay trắng”. Khoảng 10 năm lại đây, người dân bỏ lúa chuyển sang trồng rau màu và như có phép màu: nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Anh Thanh, một nông dân ấp Long Giêng, cho biết: “Lúc trước, 5 công đất làm lúa quanh năm mà không đủ ăn, nhờ chuyển qua trồng rau nên bây giờ gia đình khá hơn”.

Cũng theo anh Thanh, hiện nay, với 5 công ruộng trồng cải xanh, cải ngọt, mỗi năm thu hoạch 8 đợt, đã đem về cho anh gần 130 triệu đồng tiền lời. Không chỉ anh Thanh mà nhiều bà ở xã Phước Hậu, cũng như những xã gần kề như Long Thượng, Phước Lâm, Mỹ Lộc… của huyện Cần Giuộc cũng “sống được” nhờ cây rau màu. Hiện nay, diện tích trồng rau của huyện Cần Giuộc đã tăng lên gần 2.000ha, nhiều nhất tỉnh. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, cho biết: Ngoài vùng nuôi thủy sản ở các xã vùng hạ, huyện đang tập trung phát triển vùng sản xuất rau ở các xã vùng thượng, bởi giá của loại cây trồng này cao và ổn định hơn cây lúa.

Trong khi đó, cây chanh ở các xã ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Bến Lức cũng luôn được mở rộng, xanh vườn. Nói theo cách của bà con nông dân ở đây, tuy trái chanh có vị chua, nhưng khoảng 10 năm nay, cây chanh luôn cho “vị ngọt” sau mỗi vụ thu hoạch. Từ vài hécta trồng thử nghiệm ban đầu, nay đã lên hơn 3.000ha. Mỗi năm, 1ha đem về cho người dân từ 100 - 150 triệu đồng, trồng chanh không hạt thì lợi nhuận có thể gấp đôi.

Còn với cây thanh long ở huyện Châu Thành, lợi nhuận đem về cho người dân càng lớn hơn. Nếu trúng mùa, được giá, mỗi hécta thanh long đem về lợi nhuận trung bình từ 200 - 350 triệu đồng, trồng thanh long ruột đỏ lời còn cao hơn. Có lẽ thu nhập kiếm được từ cây thanh long quá lớn so với cây lúa, nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nông dân đã nâng diện tích trồng thanh long từ hơn 1.300ha năm 2010 lên hơn 7.000ha năm 2015 (kế hoạch của tỉnh là 1.500ha). Còn các huyện ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi sản xuất lúa chính của tỉnh, cũng nhanh chân tham gia vào các cánh đồng lớn để tìm cơ hội tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích lúa. Chỉ tính riêng năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với 19 doanh nghiệp triển khai thực hiện 63 lượt cánh đồng lớn, với diện tích gần 30.000ha (tăng hơn 11.000ha so năm 2014). Tính ra, mỗi hécta trên cánh đồng lớn tăng thêm thu nhập cho người dân từ 3 - 5 triệu đồng so với bên ngoài…

Thu hoạch chanh ở huyện Bến Lức - Long An Ảnh: MINH THÔNG

Đột phá chiều sâu, phát triển bền vững

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ, có trên 10.800ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, bắp, mè... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng cao, giá trị cao. Tuy nhiên, cây lúa vẫn còn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. Do vậy, để sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, đa dạng và có tính đột phá, thì ngành nông nghiệp của tỉnh phải phấn đấu tích cực trong một quá trình dài.

Ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An, cho rằng: “Theo xu thế hiện nay, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chỉ có thể ứng dụng công nghệ cao là giải pháp đột phá. Bởi chọn định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhằm thiết lập các điều kiện nền tảng cần thiết cho mục đích tăng trưởng ổn định, bền vững, đáp ứng đồng bộ yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới”.

Có thể nói, hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Long An, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều loại cây đem lại giá trị kinh tế cao như thanh long, chanh, rau màu đã được khuyến khích trồng, thay vì chỉ trồng mỗi cây lúa. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển thêm nhiều loại cây trồng mới như cây mè, cây bắp, khoai mỡ… Những giống cây trồng này đang từng bước góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn.

Theo ông Lê Văn Hoàng: Kết quả đạt được từ những mô hình, phương thức làm ăn mới, nhất là việc chuyển đổi hiệu quả cây trồng - vật nuôi trong thời gian qua là khá tích cực; góp phần củng cố để ngành xây dựng, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như vùng lúa chất lượng ở khu vực Đồng Tháp Mười (có trên 60% diện tích sử dụng giống xác nhận, 30% sản lượng lúa đạt lúa chất lượng cao, giống lúa IR 50404 được khống chế ở mức 10% - 15%), vùng rau thực phẩm Cần Đước - Cần Giuộc, vùng chanh Bến Lức - Đức Huệ, thanh long Châu Thành, chăn nuôi gia súc ở Đức Hòa, nuôi thủy sản ở các huyện vùng hạ…

Nhiều loại cây trồng như lúa, chanh, thanh long, rau màu… đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Tỉnh cũng đã xây dựng 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt trên địa bàn 4 huyện Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc (với 718 hộ, gồm chăn nuôi heo và gà, đã có trên 85% hộ chăn nuôi trong vùng được chứng nhận chuẩn VietGAP nông hộ). Bước đầu đã hình thành được chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn thông qua chuỗi sản phẩm thịt sạch, giết mổ sạch và buôn bán thịt sạch. Cũng theo ông Hoàng, đảm bảo đầu ra cho hàng hóa nông sản cũng đang được ngành tính tới.

Cho nên, khi quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu phải gắn với nơi tiêu thụ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, phải đẩy nhanh sản xuất theo mô hình GAP tại các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh cây trồng. Bởi chỉ có sản xuất theo tiêu chuẩn GAP thì mới hy vọng sản phẩm các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh vào được các thị trường khó tính. Khi đó, sản xuất cây trồng mới thật sự mang lại hiệu quả và phát triển bền vững.

ĐĂNG NGUYÊN - PHƯƠNG KHANH

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop