Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 03 năm 2021

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 03 năm 2021

T.X Phổ Yên (Thái Nguyên): Trồng mới trên 200ha cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Xóm Thuận Đức, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 9ha, thu hút nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Những năm qua, T.X Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) đã khuyến khích, vận động người dân đưa vào trồng các loại cây ăn quả phù hợp với địa phương, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dần hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Chỉ tính riêng 2 năm 2020-2021, người dân trên địa bàn đã trồng mới trên 200ha nhãn, bưởi, cam Vinh, xoài, nâng tổng số diện tích cây ăn quả toàn thị xã lên hơn 4.300ha (tăng hơn 600ha so với năm 2016), tập trung nhiều ở các xã Phúc Thuận, Minh Đức, Phúc Tân, Thành Công…

Nhằm khuyến khích bà con mở rộng, phát triển cây ăn quả, thị xã cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trong việc giới thiệu giống cây trồng mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật; quy trình sản xuất an toàn; quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Nhờ đó đến nay, năng suất các loại quả khi thu hoạch cao hơn so với trước đây.

Cụ thể, cây nhãn đạt 10-12 tấn/ha, cây cam đạt trên 25 tấn/ha; cây bưởi cho thu hoạch từ 30.000-35.000 quả/ha… Thị xã cũng đã xây dựng được vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô trên 500ha tại xã Phúc Thuận và Minh Đức. Trong đó, diện tích cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 60ha.

Trịnh Phương

Bắc Giang: Diện tích vải thiều VietGAP tăng

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, năm nay, trà vải sớm tỷ lệ ra hoa đạt khoảng 90-95%; trà vải chính vụ 85-90% (riêng huyện Lục Ngạn hơn 95%), cao gấp rưỡi so với vụ vải năm 2020. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn sạch tăng cao.

Ông Tẩy Văn Bốn, thôn Thượng Phương Sơn, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) bón phân cho vườn vải thiều.

Bắc Giang có hơn 28 nghìn ha vải thiều (kế hoạch sản xuất năm 2021 là 27,7 nghìn ha) tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Sơn Động. Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang thông tin, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15,5 nghìn ha, tăng hơn năm ngoái 700 ha.

Cùng đó, do năm nay vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên các diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP ổn định so năm trước, gần 340 ha. Riêng diện tích vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng 116 ha so với năm ngoái. Trong đó hai huyện Tân Yên và Lục Nam mỗi huyện thêm 10 ha, còn lại là ở Lục Ngạn.

Hiện thời tiết rất thuận lợi cho vải thiều nở hoa, đậu quả, báo hiệu được mùa. Thời điểm này, các địa phương đang chỉ đạo bà con chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất từ vật tư đến kỹ thuật, tập trung chăm sóc, bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Tại huyện Lục Ngạn, theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp huyện, các hộ đang cào rãnh quanh gốc vải để bón phân nuôi hoa. Theo khuyến cáo, bà con dùng phân bón Supe lân Lâm Thao, hoặc có thể lựa chọn các loại phân NPK tổng hợp (vì loại phân này có tỷ lệ lân cao), rắc đều trên mặt đất dưới tán cây, lấp một lớp đất mỏng lên trên rồi tưới ẩm cho cây.

Người dân thôn Họa, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) kiểm tra tỷ lệ đậu quả ở vải thiều chính vụ.

Đồng thời cắt tỉa các cành tăm, sâu bệnh, dày xít, trong tán để cây thông thoáng, tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh. Thời điểm này, bà con cũng được khuyến cáo phun thuốc trừ bọ xít, rệp muội, sâu róm, sâu đo, nhện lông nhung và bệnh sương mai...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết, với mục tiêu bảo đảm chất lượng diện tích vải đã được cấp mã vùng xuất khẩu, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều biện pháp ngay từ thời điểm cây mới trổ bông. Thành lập nhiều tổ công tác xuống các xã và hộ dân chỉ đạo, hướng dẫn bà con áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc quả vải. Tập trung cao vào các hộ được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Tin, ảnh: Đại La

Thanh long hội nhập… thương mại điện tử

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Mới đây, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cùng sự phối hợp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã triển khai chiến dịch nhằm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại Bình Thuận thử nghiệm ứng dụng live streaming (phát trực tiếp) vào kinh doanh các sản phẩm thanh long sạch. Ðây là một phần của dự án hỗ trợ phát triển thanh long bền vững và thương mại điện tử ở Bình Thuận.

Ðiều tất yếu

Từ trước đến nay, nông nghiệp luôn đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Tuy nhiên, hiện ngành mũi nhọn này đang phải đối mặt với nhiều thách thức như giá cả, an toàn thực phẩm, chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, thực tế thời gian qua số lượng trái cây nhập khẩu đang ngày càng gia tăng và hiện diện tại các chợ truyền thống cũng như hệ thống siêu thị tại Việt Nam, trong đó có khá nhiều ở Bình Thuận. Riêng nội tỉnh, một số lượng lớn các sản phẩm phát triển tại địa phương đang mất đi thị trường ngay trên sân nhà. Đáng nói trong thời đại 4.0 hiện nay, công nghệ kỹ thuật số và kết nối trực tuyến đang là một lực đẩy cho tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế. Theo đó, thông qua live streaming và thương mại điện tử, chiến dịch thí điểm sẽ giúp nông dân tiếp cận với các thị trường mới, nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng thanh long, cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về nông nghiệp bền vững và chất lượng của các sản phẩm sản xuất theo hướng xanh, sạch.

HTX thanh long sạch Hòa Lệ tham gia live streaming

Theo ông Nguyễn Đức Trí- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (đơn vị hỗ trợ chiến dịch tại Bình Thuận): Chiến dịch đặt mục tiêu nâng cao sinh kế cho nông dân, cũng như các HTX thanh long đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Live streaming sẽ mang trực tiếp sản phẩm từ trang trại tới bàn ăn của người tiêu dùng, giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà sản xuất và khách hàng, từ đó hình thành mối quan hệ tin cậy và không gian để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm, thông tin cũng như phản hồi về chất lượng sản phẩm.

Quảng bá thương hiệu qua sàn điện tử

Từ đầu năm đến nay, chiến dịch thí điểm được thực hiện tại 3 HTX thanh long là Hòa Lệ, Thuận Hòa và Hàm Minh 30. Những HTX này đã được lựa chọn dựa trên các tiêu chí như sản xuất theo hướng xanh, bền vững và các sản phẩm đã được chứng nhận chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh khóa đào tạo về live streaming và thương mại điện tử, cả 3 HTX này sẽ được hỗ trợ xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến trên Facebook, website và trên các sàn giao dịch điện tử trong thời gian diễn ra chương trình thí điểm. Theo đó, thí điểm phát trực tiếp cho sản phẩm thanh long sẽ tạo ra mối liên kết tốt hơn giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời nâng cao nhận thức về nông nghiệp bền vững, thúc đẩy đổi mới và tạo ra mối quan hệ đối tác.

Ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc) là 1 trong 3 HTX tham gia thí điểm chia sẻ: Thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, dự án, HTX Hòa Lệ hiện đang tích cực live streaming bán hàng. Qua hình thức kinh doanh này, HTX đã bán được một số đơn hàng về nước ép, thanh long sấy và đơn hàng trên trang Shopee…Theo ông Hiệp, đây là hình thức mới, đồng thời là sân chơi bổ ích, ý nghĩa, giúp các HTX thanh long sạch quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, các hạng mục các HTX được hỗ trợ là xây dựng nền tảng website; hướng dẫn đào tạo bà con live streaming trên nền tảng Facebook; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Shopee, postmart; xây dựng kênh youtube truyền thông trên mạng xã hội và hướng dẫn bà con sử dụng Fanpage…

Dù còn khá mới mẻ, nhưng việc ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm thanh long, nhất là thanh long sạch trên địa bàn Bình Thuận đang được nhiều nông dân đồng tình, ủng hộ. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu, tiêu thụ thanh long truyền thống gặp nhiều khó khăn, thì thương mại điện tử đang mở ra một kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản hứa hẹn tiềm năng.

K.H

Đắk Lắk: Ea Kar tìm đầu ra cho cây ăn quả

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Cùng với phát triển ổn định vùng nguyên liệu, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã và đang tìm cách chuyển từ trồng, bán thô sang bảo quản, chế biến sâu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhằm giải "bài toán" đầu ra và nâng cao vị thế, giá trị của cây ăn quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.

Phát triển vùng nguyên liệu

Với điều kiện tự nhiên phần lớn là đất xám pha cát, không thích hợp để phát triển đại trà các loại cây công nghiệp dài ngày, thời gian qua, huyện Ea Kar đã khuyến khích nông dân trồng các loại cây ăn quả phù hợp với từng địa bàn. Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: cây có múi ở các xã Cư Elang, Ea Ô, Cư Prông, Ea Păl; cây vải, nhãn ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih... Đến cuối năm 2020, toàn huyện Ea Kar có 3.247 ha cây ăn quả.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Sar, huyện Ea Kar (bìa phải) tìm hiểu quy trình trồng vải chín sớm của gia đình anh Lý Văn Thọ (thôn 2).

Ea Sar là một trong những xã đi đầu của huyện trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả bằng nhiều hoạt động thiết thực như: đầu tư kinh phí xây dựng mô hình trồng vải, tổ chức các lớp tập huấn trồng trọt, khuyến khích nông hộ liên kết trong sản xuất để hình thành cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết, sau gần 10 năm thực hiện chuyển đổi cây trồng, đến nay, xã Ea Sar đã có trên 550 ha cây ăn quả các loại, trung bình mỗi héc-ta trong thời kỳ kinh doanh cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận cũng cao gấp nhiều lần so với các loại cây dài ngày khác. Nhiều hộ đã vươn lên khá giả nhờ cây ăn quả.

Đơn cử như gia đình anh Lý Văn Thọ (thôn 2, xã Ea Sar) có 1 ha trồng điều, cà phê nhưng nhiều năm liền không có lợi nhuận. Năm 2016, anh phá bỏ, cải tạo đất trồng thử nghiệm 300 cây vải. Sau 4 năm vải cho thu hoạch trung bình 25 kg/cây, giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà: Việc tìm đầu ra ổn định cũng chính là nâng cao giá trị gia tăng cho cây ăn quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Định hướng sắp tới, huyện Ea Kar tập trung phát triển chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm, kêu gọi đầu tư xây dựng vùng trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao”.

Tại xã Ea Tih, nhiều hộ cũng đã phá bỏ diện tích cây điều, cà phê kém hiệu quả chuyển sang trồng vải, nhãn, trung bình mỗi héc-ta cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Ea Tih Phạm Đình Văn, cây ăn quả đã phát triển mạnh trên địa bàn xã từ năm 2010. Đến nay, toàn xã có trên 540 ha, chủ yếu là vải, nhãn, khoảng 60% diện tích đã cho thu hoạch. Nhiều hộ đã biết cách chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật cho cây ra hoa trái vụ đem lại lợi nhuận cao.

Nỗ lực tìm đầu ra ổn định

Cùng với việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, huyện Ea Kar chú trọng thành lập các hợp tác xã (HTX) nhằm tạo sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho trái cây. Nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả, góp phần định hình thương hiệu “Cây ăn quả Ea Kar” như: HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (xã Ea Kmút), HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Trường Xuân (xã Ea Tih), HTX Sản xuất và chế biến ca cao Ea Kar, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Thương mại Hợp Nhất (xã Ea Ô)...

Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến Nguyễn Ngọc Thuận giới thiệu các sản phẩm trái cây sấy của đơn vị.

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Giám đốc HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến cho biết: HTX đã liên kết với các nhà máy gia công sản phẩm mít sấy và sầu riêng sấy lạnh, thuê đơn vị thiết kế logo, đăng ký bản quyền cho nhãn hiệu, thành lập website giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm đi kiểm định chất lượng và được cấp tem kiểm định. Bên cạnh đó, HTX cũng đã đầu tư hệ thống cấp đông, trữ đông, kho mát, máy xay, máy cắt, máy hút chân không, máy ép. Trong năm nay sẽ đầu tư mở rộng nhà xưởng, hệ thống chuyên chân không và sấy lạnh với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để nâng công suất từ 3 tấn sản phẩm sấy/năm lên 50 tấn/năm.

Cùng với nỗ lực của huyện và các doanh nghiệp, mỗi địa phương cũng chủ động tìm đầu ra cho cây ăn quả. Các xã có diện tích cây ăn quả lớn đã tổ chức hội nghị gặp gỡ thương lái giới thiệu tiềm năng của địa phương, đưa các đoàn đi tham quan vườn cây tạo cơ hội gặp gỡ nông dân, đăng bài giới thiệu đặc sản địa phương trên mạng xã hội... Các hoạt động đó đã tạo sự kết nối giữa cung và cầu. Chị Trần Thị Thủy, một thương lái ở Đà Nẵng cho biết: Từ sự giới thiệu của chính quyền địa phương, hằng năm, các thương lái đến tận vườn của nông dân trên địa bàn xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih để mua vải. Vải ở đây quả to, mọng nước, ngọt lại chín sớm hơn miền Bắc nên rất “hút” thị trường.

Nguyễn Xuân

Triệu phú dừa sáp

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Sau nhiều năm học hỏi và áp dụng mô hình trồng dừa sáp cấy phôi, anh Đặng Minh Bé có thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Hiện anh Bé đang mở rộng vườn dừa, tuyển chọn những cây dừa sáp trái sai, tròn đều để sản xuất giống dừa sáp cấy phôi cung ứng ra thị trường.

Anh Đặng Minh Bé giới thiệu vườn dừa sáp của gia đình.

Anh Bé kể, anh xuất thân từ huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) - quê hương của cây dừa sáp nên khi về lập nghiệp tại ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, anh luôn mong muốn đưa cây dừa sáp về phát triển tại đây. Tuy nhiên, cây dừa sáp truyền thống thông thường chỉ có khoảng 2-3 trái sáp mỗi buồng nên hiệu quả kinh tế không cao. Để cải thiện kinh tế gia đình, anh Bé bắt đầu tìm hiểu những nghiên cứu về cây dừa sáp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, phương pháp trồng dừa sáp từ nguồn giống nuôi cấy phôi tỏ ra ưu việt vì tỷ lệ cho trái sáp của cây dừa có thể tăng từ 5-10 lần so với trồng cây dừa truyền thống. Từ đó, anh Bé bắt đầu tham quan, học hỏi để về áp dụng.

Năm 2013, sau khi tìm hiểu kỹ phương pháp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi, anh Bé đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 600 cây trên diện tích 3ha. Theo anh Bé, sau 3 năm trồng, cây dừa ra lưỡi mèo, đến năm thứ 4 cây cho thu hoạch. Nếu chăm sóc kỹ, khoảng 27 ngày thu hoạch một đợt, mỗi cây có thể thu hoạch đến 13 lần trong năm. Đến nay, bình quân mỗi cây dừa thu được 7 trái/đợt. Giá dừa sáp tuy có biến động theo mùa nhưng thường ở mức từ 100.000-150.000 đồng/trái, đặc biệt những ngày lễ, Tết, giá dừa sáp thường tăng lên từ 150.000-250.000 đồng/trái. “Bình quân, mỗi cây dừa sáp cấy phôi thu khoảng 1 triệu đồng/tháng, hiệu quả gấp 5-10 lần so với giống dừa sáp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa thông thường” - anh Bé tính toán.

Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của anh Bé, hiện nay giá thành sản xuất giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi vẫn còn cao, khi đến tay nông dân có giá khoảng 800.000 đồng/cây. Trong quá trình trồng, sẽ tốn thêm phân bón, công chăm sóc, đến khi thu hoạch chi phí mỗi cây khoảng 1,2-1,3 triệu đồng. Tuy chi phí cao nhưng chỉ cần chăm sóc tốt là có thể hoàn vốn sau 2 đợt thu hoạch. Theo anh Bé, tuy dừa sáp cấy phôi trồng rất dễ nhưng nhà vườn cần phải chăm sóc kỹ hơn so với các giống dừa truyền thống bởi cây giống rất mắc. Để trồng dừa sáp sai trái, bà con nông dân nên trồng thưa, mỗi cây cách nhau khoảng 7m trở lên để hạn chế các tàu dừa giao bẹ với nhau. Đặc biệt, cần thăm vườn dừa thường xuyên nhằm sớm phát hiện bệnh thối đọt, bọ cánh cứng để xử lý kịp thời. Sau khi thu hoạch 3 đợt nên bón lót 1 lần phân hóa học, mỗi năm nên bón 1 lần phân hữu cơ, mùa khô nên tưới nước thường xuyên để tránh rụng trái.

Chia sẻ về hướng phát triển của vườn dừa, anh Bé cho biết: “Thời gian qua, khi tôi thu hoạch xong thì có đại lý tại TP Trà Vinh thu mua bán cho các đối tác ở TP Hồ Chí Minh. Một số để lại làm mứt dừa sáp, kem, kẹo... cũng được tiêu thụ hết. Từ đó cho thấy nhu cầu dừa sáp để ăn tươi, dùng làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm và xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Tôi sẽ mở rộng vườn dừa, tuyển chọn những cây dừa sáp trái sai, tròn đều, để xây dựng bộ giống dừa chất lượng, năng suất cao nhằm sản xuất giống dừa sáp cấy phôi cung ứng ra thị trường”.

Bài, ảnh: BÌNH MINH

Vạn Ninh (Khánh Hòa): Mùa tỏi ‘cay’

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Tưởng như sẽ có được niềm vui khi năng suất vụ tỏi năm nay đạt cao, thế nhưng, nông dân ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang lo lắng khi giá tỏi thấp và khó tiêu thụ…

Xóm Ba Non (thôn đảo Ninh Tân, xã Vạn Thạnh) có khoảng 20 hộ trồng tỏi với diện tích hơn 20ha. Niên vụ tỏi 2020 - 2021, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của ngành Nông nghiệp và điều kiện thời tiết thuận lợi nên cây tỏi phát triển khá tốt. Tuy nhiên, khi thu hoạch, người trồng tỏi lại có nhiều nỗi lo lắng, trăn trở. Ông Võ Đình Tuấn (xóm Ba Non) cho biết, mọi năm, đến kỳ thu hoạch tỏi, thương lái trực tiếp đến mua, nhưng năm nay không có người ra đảo mua tỏi. Gia đình ông trồng hơn 0,5ha tỏi và đã thu hoạch gần hết, đạt năng suất hơn 10 tấn tỏi tươi/ha, nhưng hiện nay, tỏi chỉ phơi khô rồi đóng bao đưa vào kho chứ không bán được bao nhiêu dù giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng/kg tỏi tươi. Để trang trải cuộc sống, ông phải gửi vài tạ tỏi vào đất liền nhờ người thân bán giúp nhưng tiêu thụ cũng rất chậm. Nhiều hộ trồng tỏi ở xóm Ba Non cũng gặp tình trạng tương tự khi tỏi không tiêu thụ được.

Nông dân thôn Xuân Tây phơi tỏi sau thu hoạch.

Tại xã Vạn Hưng, địa phương có diện tích trồng tỏi lớn nhất huyện, nông dân đang thu hoạch tỏi trên những cánh đồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thông (thôn Xuân Tây) tỏ ra ngao ngán với tình hình đầu ra của tỏi trong niên vụ này. Bản thân ông chưa thấy vụ tỏi nào ảm đạm như năm nay. Gia đình ông xuống giống hơn 2ha, nhờ thời tiết thuận lợi trong quá trình sinh trưởng nên tỏi cho năng suất hơn 10 tấn tỏi tươi/ha. Tuy được mùa nhưng giá bán hiện nay rất thấp và tiêu thụ khó khăn. Giá bán đã thấp ngay từ đầu vụ, đến thời điểm này, giá bán tỏi tươi chỉ từ 12.000 đồng đến 18.000 đồng/kg tùy loại. Đã vậy, không có thương lái đến thu mua hoặc có thì lẻ tẻ; tỏi sau khi thu hoạch chưa bán được, trong khi ông vẫn phải trả công thu hoạch cho khoảng 10 lao động địa phương. Đó là chưa kể việc phải thanh toán tiền phân, thuốc cho đại lý sau khi hết mùa vụ.

Niên vụ 2020 - 2021, nông dân huyện Vạn Ninh xuống giống 210ha tỏi, trong đó xã Vạn Hưng có 150ha và thôn đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh) có 60ha. Mùa tỏi diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi nên cây tỏi phát triển rất tốt và cho năng suất khá cao.

Ông Lê Văn Hồng (thôn Xuân Đông, Vạn Hưng) cũng lo lắng khi việc thu hoạch hơn 2ha tỏi của gia đình đã gần xong với gần 20 tấn nhưng chưa bán được. Theo những người trồng tỏi nơi đây, với mức giá như hiện nay thì người trồng đều chịu thua lỗ ở mức bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha. Đó là chưa nói đến việc tỏi để lâu sẽ giảm chất lượng và hư hỏng, làm thiệt hại kinh tế nhiều hơn. “Tôi chỉ mong giá tỏi thời gian tới sẽ nhích lên và dễ tiêu thụ hơn để lấy lại được đồng vốn đã bỏ ra đầu tư chứ chưa dám nghĩ đến lời lãi”, ông Hồng nói.

Ông Cao Như Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã tỏi Vạn Hưng cho biết, năm nay, nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên tỏi đạt năng suất bình quân khoảng 10 tấn tỏi tươi/ha, một số hộ có năng suất hơn 13 tấn. Tuy nhiên, giá bán rất thấp, chưa tới 20.000 đồng/kg tỏi tươi; việc tiêu thụ rất chậm. Từ khi bắt đầu thu hoạch tới nay, nông dân Vạn Hưng mới bán được khoảng 50 tấn tỏi, chỉ bằng 10% so với cùng kỳ mùa tỏi trước dù nhiều diện tích tỏi đã được chứng nhận đạt VietGAP. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tỏi Trung Quốc đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường với mức giá thấp hơn. Đơn vị kiến nghị các cấp, ngành quan tâm, có chính sách hỗ trợ việc tiêu thụ tỏi cho nông dân; đồng thời sớm xây dựng thương hiệu tỏi của địa phương để sản phẩm có điều kiện thâm nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ một cách thuận lợi hơn.

THẾ ANH - THANH HẢI

Cảnh báo 'cơn sốt' hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Xuất khẩu (XK) hồ tiêu trong tháng 2 vừa qua giảm gần 42% sản lượng so với cùng kỳ và giảm hơn 23% giá trị. Tuy nhiên giá thu mua trong nước lại có thời điểm tăng đến 26% so với cùng kỳ năm 2020.

VPA cảnh báo người dân không nên mở rộng diện tích trồng tiêu hay vội vã thu hoạch tiêu xanh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Sản lượng cả thế giới đang tăng

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, theo số liệu của Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC), XK hồ tiêu trên toàn thế giới năm 2020 đạt hơn 459.000 tấn, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, lượng tiêu XK của Việt Nam đạt hơn 282.000 tấn, tương đương gần 60% của cả thế giới. Trên thị trường thế giới, tháng 2/2021, giá hạt tiêu đen XK tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn, trừ Indonesia. Giá hạt tiêu trắng XK tăng mạnh ở các nước sản xuất như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Theo tính toán, nhu cầu cả thế giới hiện ở mức 510.000 tấn hồ tiêu/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8-10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt hơn 660.000 tấn năm 2020, dự báo sẽ tăng lên 1 triệu tấn đến năm 2050, và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, VPA cũng ra khuyến cáo giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong nhiều năm nữa.

Theo Bộ NN&PTNT, XK hạt tiêu trong tháng 2/2021 đạt 15.000 tấn, trị giá 44 triệu USD, giảm 41,9% về lượng và giảm 23,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, XK hạt tiêu ước đạt 32.000 tấn, trị giá 93 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá tiêu trong nước tại một số thời điểm có dấu hiệu nhích và thậm chí tăng phi mã.

Nhiều khuyến cáo đã được đưa ra, nhưng tại một số địa phương nhưng vẫn có hiện tượng gom hàng, “thổi” giá. Ghi nhận của VPA cho thấy, vào ngày 26/2021, tại cảng khu vực TPHCM, giá thu mua để XK hạt tiêu đen loại 500 g/l và 550 g/l cùng tăng 250 USD/tấn (tăng 8,4%) so với ngày 29/1/2021, lên mức 3.155 USD/ tấn và 3.236 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng cũng tăng 300 USD/tấn (tăng 6,7%) so với ngày 29/1/2021, lên mức 4.800 USD/tấn... Giá thu mua tiêu để XK bình quân trong 2 tháng đầu ước đạt mức 2.907 USD/tấn, tăng đến 26% so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 2/2021, giá hạt tiêu đen trong nước tăng so với tháng 1/2021. Ngày 27/2, giá hạt tiêu đen tăng từ 1.000 – 3.500 đồng/kg (tương đương mức tăng từ 1,9-6,7%) so với ngày 29/1/2021. Mức tăng thấp nhất là 1.000 đồng/kg (tăng 1,9%) tại huyện Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông; mức tăng cao nhất là 3.500 đồng/kg (tăng 6,7%) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lên mức 53.000-55.500 đồng/kg.

Cập nhật mới nhất đến ngày 17/3/2021, VPA cho biết giá hồ tiêu tiếp tục tăng đáng kể tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Giá tiêu đêe đã lên mức 75.000 đồng/kg và tiêu trắng là 115.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp XK không “ôm” hàng

Nhìn nhận về câu chuyện giá hồ tiêu tăng biến động thời gian gần đây, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, giá hồ tiêu hiện nay vừa là giá thật nhưng cũng là giá ảo. Bởi ngoài việc hồ tiêu được các doanh nghiệp XK thu mua thì hiện có một lượng khách hàng ngoài ngành là người Việt Nam muốn mua hồ tiêu để đầu cơ.

Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh chuyên về xuất khẩu tiêu cũng nhìn nhận, giá tiêu tăng nhanh từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 đến nay, phần lớn là do hiện tượng đầu cơ của thương lái, đại lý. Ông Thông khẳng định: “Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, họ phải bán được thì mới mua hàng”.

Với tình hình giá hồ tiêu như vậy, VPA đã tổ chức họp đột xuất Ban chấp hành mở rộng, gồm lãnh đạo Hiệp hội và đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước và doanh nghiệp FDI.

VPA cho biết, thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều.

Do giá tiêu trong nước tăng cao, một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà thương mại Dubai vì giá hồ tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.

Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, VPA đã cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng, thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.

Bài học “vàng đen” những năm 2015 vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó mức giá được đẩy lên gần 200.000 đồng/kg khiến nhiều người dân bỏ hết các loại cây khác để mở rộng trồng tiêu, thậm chí cầm cố vay ngân hàng để đầu tư cho cây hồ tiêu. Sau đó, nhiều hộ gần như mất trắng khi sang năm 2016 giá tiêu lao dốc không phanh.

VPA cho rằng nông dân và các đại lý thu mua hồ tiêu cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không hái tiêu xanh khi thu hoạch, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống. VPA đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.

Đỗ Hương

Gia Lai: Nông dân Phú Thiện ‘trúng’ khoai lang

Nguồn tin: Báo Báo Gia Lai

Nông dân huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đang bước vào thu hoạch khoai lang Nhật Bản với niềm vui được mùa, được giá. Ước tính năng suất khoai lang bình quân đạt 25-30 tấn/ha và được các thương lái đến tận ruộng mua xô với giá 11.000-11.500 đồng/kg.

Giá khoai lang đạt đỉnh

Gia đình chị Bùi Thị Linh (thôn Kinh Môn, xã Chư A Thai) có 1,2 ha đất canh tác luân phiên 1 vụ lúa và 1 vụ khoai lang Nhật Bản. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước đảm bảo nên ruộng khoai lang sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, để cây khoai lang cho năng suất cao, gia đình chị đầu tư khâu làm đất kỹ, sử dụng phân hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa. Nhờ đó năng suất đạt 30 tấn/ha. “Vụ khoai năm nay, bà con ở Phú Thiện không chỉ được mùa mà thương lái đến tận ruộng mua xô với giá 11.000-11.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 60 triệu đồng/ha, tôi thu về hơn 200 triệu đồng”-chị Linh phấn khởi nói.

Nông dân xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) thu hoạch khoai lang. Ảnh: Vũ Chi

Cùng chung niềm vui, chị Mã Thị Dậu (thôn Thắng Lợi 2, xã Ia Sol) cho hay: Sau 3 năm liên tục xuống giá, vụ này, giá khoai lang mới đạt cao như vậy. Gia đình tôi trồng hơn 3 ha. Trước Tết, tôi đã bán 1 ha. Thời điểm đó, giá chỉ 8.000 đồng/kg. Hiện nay, giá dao động trong khoảng 10.000-11.000 đồng/kg. Khoai to, đẹp có thể bán tới 11.500 đồng/kg. Hiện thương lái đặt cọc tiền với giá 270 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 150 triệu đồng/ha”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kinh (thôn Chí Linh, xã Chư A Thai) thì cho hay: Vụ này, gia đình ông trồng 2 ha. Khi khoai mới được 2 tháng đã có thương lái tới đặt vấn đề mua với giá 132 triệu đồng/ha. “Khi thấy có lợi nhuận là tôi bán ngay chứ sợ đến kỳ thu hoạch giá lại giảm như những năm trước thì lỗ vốn. Như vậy ăn chắc, trừ hết chi phí đầu tư, tôi vẫn lãi 180 triệu đồng”-ông Kinh chia sẻ.

Không nên ồ ạt mở rộng diện tích

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn huyện trồng hơn 504 ha khoai lang Nhật Bản, tập trung chủ yếu tại các xã: Ia Sol, Chư A Thai, Ia Piar, Ia Peng, Chrôh Pơnan và Ia Yeng.

Hiện vẫn chưa có nhà máy, doanh nghiệp nào đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, vì vậy người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng khoai lang. Ảnh: Lê Nam

Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Giá khoai lang đạt đỉnh trong 3 năm trở lại đây đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Nguyên nhân là do năm nay mưa kết thúc sớm, thuận lợi cho bà con xuống giống từ giữa tháng 10-2020. Chính vì vậy, thời điểm thu hoạch sớm hơn các nơi khác gần 1 tháng. Hiện tại, do nguồn cung ít, trong khi thị trường tiêu thụ truyền thống tăng mạnh đã đẩy giá thu mua tăng cao.

Cũng theo ông Thành, nhiều năm nay, người dân trong huyện ổn định mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ khoai. Nhờ đất đai màu mỡ, nguồn nước thuận lợi nên khoai lang vừa được mùa, vừa được giá. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 150 triệu đồng/ha, cao hơn 4-5 lần so với cây lúa. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhà máy, doanh nghiệp nào đặt vấn đề bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Do đó, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích. Người dân cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, nắm vững kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chủ động canh tác theo hướng bền vững và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khâu tiêu thụ.

“Bài học kinh nghiệm từ việc phải giải cứu 800 ha khoai lang năm 2019 vẫn còn đó. Một khi bà con ồ ạt trồng thì chắc chắn cung sẽ vượt cầu và giá cả sẽ sụt giảm. Lúc đó, không ai khác, chính người nông dân sẽ chịu thiệt hại. Bên cạnh đó, thời điểm trồng khoai lang vụ tới cũng bắt đầu vào mùa khô. Nếu mở rộng diện tích sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lượng nước cung cấp cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân”-ông Thành khuyến cáo.

LÊ NAM-VŨ CHI

Kon Tum: Cà phê cao sản cánh đồng mẫu Kon Klôk

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Cùng với việc đầu tư phát triển, Công ty TNHH MTV Cà phê 704 vận động đồng bào DTTS làng Kon Klôk, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) nhận chăm sóc, khoán vườn cây trên cánh đồng mẫu cà phê cao sản. Cây cà phê trên cánh đồng mẫu cao sản ở làng Kon Klôk đang sinh trưởng tốt và mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp.

Dưới nắng gió hanh hao, nhìn vườn cà phê đang bung hoa trắng xóa và tỏa hương ngào ngạt trên cánh đồng mẫu ở làng Kon Klôk, người dân chăm sóc cà phê ở đây không khỏi phấn chấn.

A Thưa - người làng Kon Klốc nhận chăm sóc vườn cây khoe: Gia đình tôi nhận chăm sóc 0,74 ha cà phê (tương ứng 820 cây cà phê) của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 và sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Ban đầu tưởng việc sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao khó, nghĩ mình không làm được. Nhưng được cán bộ Công ty quan tâm và hướng dẫn tận tình, gia đình mình cũng như nhiều hộ dân trong làng nhận chăm sóc vườn cây đều thực hiện bảo đảm theo yêu cầu của Công ty. Vì vậy, cây cà phê hiện đang sinh trưởng tốt.

Tuy nhiên, A Thưa cũng thừa nhận trong giai đoạn đầu, cây cà phê bị bọ hũ (bọ cánh cứng) ăn lá ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây. “Khi ấy gia đình lo lắm, nhưng được cán bộ Công ty nghiên cứu và đưa thuốc bảo vệ thực vật về phòng trừ, ngăn chặn được bọ hũ hại cà phê. Cây cà phê hồi phục và sinh trưởng trở lại bình thường. Mùa thu hoạch năm 2020 - 2021, vườn cà phê trong giai đoạn thu bói, nhưng gia đình thu được trên 10 tấn quả tươi. Gia đình phấn khởi lắm!”- A Thưa cho biết.

Cà phê bung hoa trắng xóa. Ảnh: V.N

Niên vụ cà phê 2021 - 2022 này, cánh đồng cà phê chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 sẽ có một số diện tích chính thức đi vào kinh doanh. Gắn bó với cây cà phê, so sánh lượng hoa trên cành năm nay với năm trước, A Thưa phấn chấn: Gia đình mình cũng như người dân tham gia trồng cà phê đặt niềm tin trong niên vụ này và trong những năm đến, vườn cà phê sẽ cho năng suất cao hơn nhiều. Cây cà phê cho năng suất cao, thu nhập và đời sống người dân sẽ được nâng lên.

Không chỉ A Thưa, A Ben và nhiều người dân trong làng Kon Klôk nhận khoán chăm sóc trên cánh đồng cà phê cao sản ở làng Kon Klôk cũng rất tự tin. A Ben cho biết, ở vườn cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, người dân nhận chăm sóc vườn cà phê theo phương thức khoán công đoạn; còn dự kiến khi cây cà phê chính thức đi vào kinh doanh, Công ty từng bước thực hiện khoán vườn cây.

“Khi vườn cà phê đi vào giai đoạn kinh doanh ổn định cùng với việc chính thức giao khoán vườn cây, đòi hỏi người dân chịu khó học hỏi kỹ thuật, quan tâm đầu tư chăm sóc, nâng cao chất lượng cà phê và năng suất cà phê trên vườn cây nhận khoán”- A Ben bộc bạch.

Trên thực tế, trong quá trình nhận chăm sóc, ý thức được trách nhiệm của mình, A Ben luôn có những nỗ lực ở khâu chăm sóc, bảo đảm vườn cà phê sinh trưởng tốt. Trong vụ thu hoạch cà phê vừa qua, vườn cà phê (0,72 ha) của Công ty do gia đình A Ben tuy mới thu bói, nhưng đạt trên 10 tấn quả cà phê tươi.

Vườn cà phê trên cánh đồng mẫu ở làng Kon Klôk trong mùa thu hoạch cà phê năm 2020 - 2021. Ảnh: VN

Theo ông Nguyễn Văn Bể - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 704, cánh đồng mẫu sản xuất cà phê ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở làng Kon Klôk là cánh đồng mẫu đầu tiên của Công ty được đầu tư xây dựng trên cơ sở chuyển đổi từ vườn cao su già cỗi, năng suất thấp sang phát triển cây cà phê giống cao sản của Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Cà phê Eakmat. Cánh đồng mẫu được đầu tư phát triển cà phê từ năm 2016 với diện tích 80 ha. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu này, đến nay trên 16 tỷ đồng. Trên cánh đồng này, có 93 người dân tham gia trồng cà phê, trong đó có 61 người đồng bào DTTS ở làng Kon Klôk nhận trồng, chăm sóc cà phê được Công ty đóng bảo hiểm xã hội.

Trong giai đoạn đầu khi mới trồng cà phê, người dân được sản xuất các cây trồng ngắn ngày xen canh trong lô cà phê để tăng thêm thu nhập; đồng thời được Công ty trả công chăm sóc vườn cây theo từng công đoạn. Qua quá trình phát triển và chuyển giao khoa học kỹ thuật, người dân nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, thâm canh cà phê theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Toàn bộ vườn cây được Công ty lắp đặt hệ thống béc tưới. Cây cà phê đang phát triển tốt và một số diện tích đang đi vào giai đoạn kinh doanh. Trên diện tích cà phê đi vào kinh doanh, Công ty đang từng bước có kế hoạch khoán vườn cây cho người lao động.

“Người dân nhận khoán vườn cây tiếp tục được Công ty đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây; bảo đảm vườn cây phát huy hiệu quả kinh tế và góp phần nâng cao đời sống cho người dân chuyên canh cà phê”- ông Bể nhấn mạnh.

Văn Nhiên

Khoai mỡ trúng mùa, được giá, nông dân có lãi cao

Nguồn tin: Báo Long An

Vụ khoai mỡ Đông Xuân (ĐX) 2020-2021, nông dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá.

Vụ Đông Xuân 2020-2021, nông dân trồng khoai mỡ phấn khởi vì trúng mùa, được giá

Tháng 01/2021, nông dân Thạnh Hóa bước vào vụ thu hoạch khoai mỡ, năng suất dao động từ 12/15 tấn/ha. Không chỉ trúng mùa, khoai mỡ còn bán được giá. Cụ thể, vào đầu mùa vụ, khoai mỡ loại I bán với giá trên 20.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần so cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Vĩnh Thắng, ngụ xã Thủy Đông, chia sẻ: “Năm nay, thời tiết thuận lợi; đồng thời, người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên khoai mỡ ít bị bệnh, củ to, tròn đều, đạt năng suất, bán được giá và ít có khoai dạt. Tôi trồng gần 2ha khoai mỡ, đầu vụ bán với giá gần 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 200 triệu đồng”.

Theo nhiều nông dân huyện Thạnh Hóa, vụ ĐX 2019-2020, khoai mỡ loại I bán giá 5.000 đồng/kg, thậm chí nhiều ruộng không có thương lái đến thu mua, nông dân phải vận chuyển khoai mỡ ra tận ghe, xếp hàng đợi thương lái đến cân. Điều này làm nhiều nông dân trồng khoai mỡ lâm cảnh nợ nần. Còn vụ ĐX này, nông dân trồng khoai mỡ thắng lớn.

Tiểu thương Lê Văn Hiệp, ngụ thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, thông tin: “Thị trường tiêu thụ khoai mỡ chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Vụ ĐX 2019-2020, tình hình tiêu thụ khoai mỡ nói riêng, các loại hoa màu khác nói chung đều chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh

Covid-19. Còn năm nay, tình hình tiêu thụ khoai mỡ trở lại bình thường, bình quân mỗi ngày, tôi thu mua gần 10 tấn khoai mỡ, sau đó giao lại cho các thương lái ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây”.

Khoai mỡ góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương

Được biết, cây khoai mỡ thích hợp trồng ở các vùng đất phèn. Hiện nay, tổng diện tích trồng khoai mỡ trên địa bàn tỉnh gần 2.700ha, nhiều nhất là ở các xã: Thạnh An, Thủy Đông và Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa. Những năm qua, khoai mỡ được xem là cây “hái ra tiền” của người dân nơi đây. Bà Huỳnh Thị Liễu, ngụ xã Thủy Đông, bộc bạch: “25 năm qua, diện tích đất của gia đình chỉ trồng được khoai mỡ, còn trồng lúa cho năng suất rất thấp, không có lợi nhuận. Ngoài ra, trồng khoai mỡ còn tạo việc làm thường xuyên cho người dân quê tôi. Vào vụ thu hoạch, từ 6-12 giờ, chúng tôi thường đi làm cho các ruộng khoai xung quanh với tiền công 200.000 đồng/người. Còn buổi chiều, chúng tôi tranh thủ thời gian chăm sóc ruộng khoai của gia đình”.

Thời điểm này, nông dân huyện Thạnh Hóa tất bật thu hoạch khoai mỡ, khuôn mặt ai cũng nở nụ cười vui tươi vì vụ khoai trúng mùa, được giá. Chủ tịch UBND xã Thủy Đông - Phan Vũ Cường cho biết: “Thời gian qua, cây khoai mỡ phát triển góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở địa phương, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng khoai theo hướng an toàn, liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra và giá cả ổn định”./.

Kim Ngọc

Gia Lai: Khan hiếm nhân công thu hoạch hồ tiêu

Nguồn tin:  Báo Gia Lai

Nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, các hộ trồng hồ tiêu đang gặp khó vì khan hiếm nhân công dù tiền thuê từ 180 đến 200 ngàn đồng/ngày.

Chạy đôn chạy đáo tìm nhân công

Gần 1 ha hồ tiêu của anh Nguyễn Văn Vương (làng Mui, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) đang bắt đầu chín rộ. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm, anh vẫn không thuê được nhân công thu hoạch. “Vì kiếm người không ra nên vợ chồng tôi trực tiếp thu hái. Hơn 1.000 trụ hồ tiêu thế này không biết hái chừng nào cho xong”-anh Vương than thở.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương (xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) tự thu hoạch hồ tiêu do không tìm được nhân công. Ảnh: Hà Phương

Tương tự, gia đình chị Đặng Thị Tuyết (làng Mui, xã Bình Giáo) cũng đang gặp khó trong việc tìm nhân công thu hoạch hơn 1,2 ha hồ tiêu. Mặc dù hơn 1 tháng trước, chị Tuyết nhờ người thân ở tỉnh Bình Định tìm giúp nhưng cũng chỉ được 2 người với giá thuê 180.000 đồng/người/ngày. Sau mùng 10 tháng Giêng, chị Tuyết bắt đầu thu hoạch nhưng đến nay vẫn chưa xong do không thuê được nhân công.

Ông Nguyễn Đình Trọng-Chủ tịch UBND xã Bình Giáo-cho hay: “Toàn xã hiện có hơn 75 ha hồ tiêu, giảm hơn 50% so với các năm trước. Năm nay, nhiều người trồng hồ tiêu đang đau đầu với việc thiếu nhân công thu hoạch. Nếu để hồ tiêu quá chín mà không thu hái kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng cho vụ sau. Hiện tại, giá thuê nhân công thu hái cũng cao nhưng khó tìm được người làm”.

Không riêng huyện Chư Prông, nhiều nông hộ trồng hồ tiêu ở các địa phương như: Chư Sê, Ia Grai, Đak Đoa cũng rất khó tìm nhân công hái hồ tiêu. Bà Phạm Thị Hằng (tổ 3, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Tuy mới vào vụ thu hoạch nhưng nhiều hộ trồng hồ tiêu rất vất vả tìm nhân công thu hái. Năm trước, tôi thuê 10-15 nhân công với giá 160.000 đồng/người/ngày. Năm nay, công lao động tại địa phương từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày, còn phải bao ăn ngày 3 bữa mà vẫn không kiếm ra. Tôi phải nhờ người nhà tìm giúp mới được 6 nhân công từ tỉnh Quảng Ngãi lên.

“Chê” công việc thời vụ

Anh Trần Văn Nghị (thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cho biết: “Hơn 6 năm qua, cứ xong việc đồng áng, tôi lại lên Gia Lai để hái thuê cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, do công việc thời vụ không ổn định nên tôi xin làm bảo vệ cho một công ty. Tuy lương không cao nhưng công việc ổn định, lại gần nhà”.

Nhiều nhà vườn đỏ mắt tìm nhân công thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hà Phương

Không chỉ lao động ngoài tỉnh mà ngay cả lực lượng lao động trẻ trên địa bàn tỉnh cũng không mặn mà với loại hình công việc có tính thời vụ này. Anh Rah Lan Mul (làng Kueng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê) thông tin: Mấy năm trước, cứ vào vụ thu hoạch hồ tiêu thì thanh niên trong làng hồ hởi đi hái thuê. Hai năm nay, hàng chục thanh niên trong làng rủ nhau vào các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân, thu nhập ổn định hơn. “Hiện giờ, anh vào làng tìm người hái hồ tiêu thì không ai muốn đi đâu. Thanh niên đi làm công nhân trong các khu công nghiệp hết rồi”-anh Mul giải thích.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 2.500 ha hồ tiêu, giảm hơn 30% so với những năm trước. Việc không thu hoạch kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sản lượng cho năm tiếp theo do cây hồ tiêu sẽ bị mất sức và sinh trưởng yếu”.

HÀ PHƯƠNG

TP. Sóc Trăng: Nhân lên nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng

Là trung tâm của tỉnh nên TP. Sóc Trăng tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và là điểm giao thương hàng hóa của các địa phương trong và ngoài tỉnh, nhưng chỉ một bộ phận người dân sinh sống bằng việc kinh doanh còn lại nhiều hộ dân tại các phường có nguồn thu nhập chính dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, UBND TP. Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả triển khai đến hộ dân...

Các mô hình đem lại thu nhập tốt tại hộ có thể kể đến: mô hình nuôi cá sặc rằn, mô hình trồng sen lấy củ, mô hình trồng rau màu nhà lưới, mô hình đưa màu xuống chân ruộng thay thế lúa vụ 3… Để tìm hiểu người dân trên địa bàn TP. Sóc Trăng áp dụng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại kết quả như thế nào, chúng tôi đã tìm đến tham quan ruộng bí hồ lô của ông Điền Lên ở Khóm 6, Phường 7.

Ông Điền Lên ở Khóm 6, Phường 7 (TP. Sóc Trăng) khoe ruộng bí hồ lô thay thế lúa vụ 3 đang phát triển tốt. Ảnh: THÚY LIỄU

Dưới ánh nắng gay gắt của những ngày tháng 3, ông Lên nhanh tay lia chiếc ống nhựa phun nước liên tục để tưới ruộng bí hồ lô đang phát triển xanh tốt. Ông Lên tâm tình: “Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trong khóm không còn sản xuất lúa vụ 3 mà thay vào vụ lúa đó bằng việc đưa màu xuống chân ruộng - đây được xem là cây trồng cải thiện thu nhập cho hầu hết hộ dân”.

“Tôi có 3 công đất trồng lúa, sau thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân 2020 - 2021 chuyển ngay trồng dưa hấu và bí hồ lô (1,5 công trồng dưa hấu, 1,5 công trồng bí hồ lô). Tiện lợi của việc đưa cây màu xuống chân ruộng là không cần làm đất, chỉ cần làm sạch gốc rạ là xuống giống màu ngay. Lợi ích của cây màu trồng dưới chân ruộng là hạn chế phân bón, màu ít bị sâu bệnh, dịch hại tấn công nên năng suất cao. Với 1 công dưa hấu thu hoạch 4 tấn trái, trừ chi phí lợi nhuận 10 triệu đồng. Còn bí hồ lô 1 công có năng suất khoảng 2 tấn, thu lãi hơn 8 triệu đồng. Như vậy với 3 công trồng bí hồ lô và dưa hấu dưới chân ruộng, chỉ trong vòng hơn 2 tháng tôi bỏ túi số tiền 27 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa” - ông Lên chia sẻ thêm.

Rời ruộng màu dưới chân ruộng tại hộ ông Lên, chúng tôi đến Khóm 9, Phường 3 (TP. Sóc Trăng) thăm cây màu được trồng trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun tự động kết nối điện thoại thông minh của bà Cao Kiều Phương Uyên. Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông TP. Sóc Trăng hỗ trợ triển khai thực hiện. Bà Uyên bộc bạch: “Gần 2 năm qua, được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng màu theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là việc hỗ trợ xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới tự động nên việc sản xuất màu tại hộ thuận tiện hơn rất nhiều. Với diện tích nhà lưới 1.500m2, bên trong tôi trồng cải bông, năng suất thu về 2,8 tấn, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận 44 triệu đồng. Hiệu quả từ nhà lưới và hệ thống tưới tự động đem lại trong sản xuất màu đó là gia tăng năng suất từ 10 - 30%, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập từ 20 - 40%, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh; đồng thời, tiết kiệm nước đến mức tối đa, giảm thời gian tưới nước từ 40 - 50% kèm theo đó giúp vùng rễ cây màu luôn thông thoáng, đất tươi xốp, giúp rễ tăng khả năng hô hấp…”.

Ông Võ Văn Thức ở Khóm 3, Phường 5 (TP. Sóc Trăng) khoe đàn cá sặc rằn hơn 4 tháng nuôi sinh trưởng tốt. Ảnh: THÚY LIỄU

Bên cạnh các mô hình về trồng màu hiệu quả thì mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cũng đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ dân, điển hình như mô hình nuôi cá sặc rằn của ông Võ Văn Thức ở Khóm 3, Phường 5 (TP. Sóc Trăng). Ghé tham quan ao cá sặc rằn tại hộ ông Thức đúng lúc ông đang kiểm tra độ lớn của cá qua 4 tháng nuôi. Ông Thức cho biết: “Nhằm tăng thu nhập tại hộ, tôi chuyển đổi 1 ao nuôi tôm sang nuôi cá sặc rằn, với diện tích ao 1.300m2, thả nuôi 60kg cá giống. Qua quá trình nuôi cá sặc rằn tôi nhận thấy cá thích hợp điều kiện tự nhiên, sinh trưởng nhanh, không bị hao hụt về con giống, quan trọng là việc nuôi cá rất nhàn bởi cá dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, việc nuôi cá còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các phế phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, hạn chế nước thải từ ao nuôi cá và với con cá sặc rằn, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn nên không phải lo lắng đầu ra. Dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa cá sẽ thu hoạch được, ước năng suất 960kg, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận gần 5 triệu đồng”.

Trưởng Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng Mai Quốc Ngưng thông tin: “Ngoài các mô hình hiệu quả như tưới tự động trong nhà lưới, trồng màu dưới chân ruộng, nuôi cá sặc rằn, trên địa bàn TP. Sóc Trăng còn rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác đem lại nguồn thu nhập tốt cho người dân. Đơn vị cũng đã tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, như: mô hình trồng sen lấy củ, sản xuất lúa xác nhận, trồng màu tưới tự phủ, nuôi ếch, tưới tiết kiệm trên cây ăn trái… Theo đó, để đa dạng các mô hình hỗ trợ nông dân, trong thời gian tới có thêm nhiều lựa chọn phương thức sản xuất phát triển kinh tế gia đình phù hợp, trong năm đơn vị sẽ triển khai các mô hình như: nuôi lươn, trồng ớt, trồng bí...”.

THÚY LIỄU

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm

Nguồn tin: Báo Long An

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên gia cầm (GC) đã cơ bản được kiểm soát nhưng trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, các cấp, ngành và địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động đối phó với dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 9 triệu con GC và 200.000 con gia súc. Từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch cúm GC. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, GC tại các tỉnh lân cận, ngành Chăn nuôi tỉnh chỉ đạo các địa phương thường xuyên phun khử trùng, tiêu độc toàn bộ các khu vực chăn nuôi, đặc biệt là tại các hộ chăn nuôi GC.

Tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia cầm

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân, Cần Đước có nhiều trang trại chăn nuôi GC với quy mô vừa và lớn. Vì vậy, trong quá trình nuôi, ngoài việc hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, người chăn nuôi còn phải thường xuyên tiến hành vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường toàn bộ khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất. Dịch bệnh vừa tạm lắng nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại rất cao. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho đàn GC trong thời gian này, người chăn nuôi nên tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) - Võ Đông Triều cho biết: “HTX vừa tăng đàn trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chúng tôi chủ động vệ sinh chuồng trại và thực hiện các biện pháp an toàn chăn nuôi theo khuyến cáo”.

Đến thời điểm này, dịch cúm GC tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát. Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch như: Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, GC; theo dõi tình hình, xây dựng kế hoạch, chủ động khi có dịch bệnh xảy ra; duy trì hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật để giám sát tình hình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác giết mổ; tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho GC;...

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến dịch bệnh trên GC phát sinh tại tỉnh là do thời tiết diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn GC. Cùng với đó, người chăn nuôi còn chủ quan, thả rông gà, vịt, ngan ngoài đồng ruộng, ao, hồ, mua con giống không rõ nguồn gốc về nuôi và không tiêm phòng bổ sung làm dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh thông tin: Ngành Chăn nuôi tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra thực tế, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân./.

Minh Tuệ

Những mô hình chăn nuôi không chất thải

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Chăn nuôi ngày càng đem lại tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, số lượng đàn vật nuôi lớn, mật độ cao và thực trạng chăn nuôi xen kẹt trong khu dân cư lại là gánh nặng đối với môi trường. Việc xây dựng, nhân rộng những mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đang được ngành chuyên môn và đông đảo hộ sản xuất quan tâm.

Mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà của nông dân xã Hồng Tiến (Khoái Châu)

Chăn nuôi gia súc lớn không chất thải

Với đàn trâu, bò khoảng 40 nghìn con, đàn lợn khoảng 500 nghìn con, lượng chất thải hàng ngày ở các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh rất lớn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải bằng bể bi ô ga ở nhiều hộ chưa hiệu quả, chất thải vẫn gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận hộ chăn nuôi khác không xử lý chất thải, chỉ sử dụng một phần cho trồng trọt, phần lớn thải trực tiếp ra cống rãnh, sông, hồ.

Trang trại của gia đình bà Võ Thị Phương ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu) vừa chăn nuôi bò, vừa chăn nuôi lợn với số lượng vài trăm con. 3 năm trở lại đây, gia đình bà đã sử dụng hệ thống thu, ép chất thải gia súc để xử lý triệt để chất thải, bảo vệ môi trường. 100% chất thải gia súc của trang trại được thu vào bể sau mỗi lần rửa chuồng, đưa lên máy ép. Phân ép khô được đóng vào bao, bán cho các hộ trồng trọt. Nước thải được ủ, trở thành phân bón cho diện tích hơn 5 mẫu trồng cỏ nuôi bò của gia đình bà. Từ khi áp dụng hệ thống này, trang trại chăn nuôi hàng trăm con gia súc lớn của gia đình bà Phương không có chất thải dư thừa ra môi trường. Hoạt động chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Mỗi lần bán phân ép khô, trang trại lại có thêm nguồn kinh phí để tái sản xuất.

Loại máy ép này đã được sử dụng trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay, chi phí cho mỗi máy khoảng 100 triệu đồng, phù hợp với các trang trại chăn nuôi gia súc quy mô từ 100 con trở lên. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ liền kề có thể liên kết với nhau trong việc thu gom, xử lý chất thải để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả xử lý.

Nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học

Vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ hoạt động chăn nuôi bền vững, đó là mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của anh Đỗ Trọng Toán ở xã Đông Kết (Khoái Châu).

Chăn nuôi gà đã nhiều năm nay nhưng đến khi áp dụng đệm lót sinh học, mô hình sản xuất của gia đình anh mới thực sự bền vững. Anh Toán cho biết: Tôi sử dụng trấu, mùn cưa, một phần bột ngô hoặc cám gạo, trộn với men vi sinh, tạo thành hỗn hợp đệm lót trải xuống nền chuồng. Khi gà thải phân xuống, vi sinh vật sẽ tự động phân hủy phân. Mỗi lứa tôi nuôi 2 nghìn con gà Đông Tảo lai, kết hợp vận hành máy ấp trứng, bán gà giống, trứng giống, nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra.

Trên thực tế, việc sử dụng đệm lót sinh học đem lại lợi ích kép cho người chăn nuôi, vừa xử lý chất thải tại chỗ, mùa đông tăng nhiệt cho chuồng trại, lại không gây mùi hôi trong quá trình chăn nuôi. Sau mỗi lứa sản xuất, đệm lót trở thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng, được người trồng cây ăn quả, cây cảnh đến tận nơi thu mua. Trong các dãy chuồng gà khép kín của gia đình anh Toán, đàn gà khỏe mạnh, đẻ trứng to và đều, chuồng trại luôn thoáng sạch.

Loại đệm lót sinh học này có thể thay đổi linh hoạt cho từng đối tượng gia cầm, từ gà, vịt, chim cút... Đồng thời áp dụng cho cả chuồng kín và chuồng hở. Đàn gia cầm của tỉnh ngày càng tăng, tuy nhiên việc áp dụng đệm lót sinh học mới chỉ được thực hiện ở một bộ phận các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều người e ngại chi phí cao. Song, trên thực tế, chi phí cho đệm lót sinh học sẽ được hoàn lại khi đệm lót trở thành phân hữu cơ bán cho hộ trồng trọt với giá 15 – 30 nghìn đồng/bao (sử dụng vỏ bao đựng cám 25kg).

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, cơ giới hóa trong xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bi ô ga trên địa bàn tỉnh đạt 85%; dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm đạt gần 56%; khoảng trên 30 hộ chăn nuôi đang sử dụng máy tách, ép phân gia súc. Trong giai đoạn 2017 – 2020, thông qua một số dự án khuyến nông, tỉnh đã hỗ trợ hơn 20 hộ chăn nuôi mua máy tách, ép phân gia súc. Năm 2021, các dự án chăn nuôi an toàn sinh học của tỉnh có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi kinh phí, kỹ thuật để đầu tư và vận hành máy xử lý phân gia súc, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm. Nông dân quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với các phòng nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn, hỗ trợ. Đây là hướng đi mà các địa phương, nông hộ và cộng đồng đều mong muốn được các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn quan tâm, hỗ trợ để nông dân sản xuất bền vững, an toàn hơn.

Vi Ngoan

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giá thức ăn tăng, người chăn nuôi lo lắng

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, kéo theo giá thành sản phẩm chăn nuôi tăng theo, khiến người chăn nuôi lo lắng.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gà của hộ ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

Ông Đoàn Thanh Thủy (ấp Đông Linh, xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, để nuôi một con heo đạt 100kg, trung bình phải tiêu thụ hơn 10 bao thức ăn loại 25kg/bao, trị giá khoảng 3 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí vaccine phòng bệnh, hóa chất vệ sinh khử trùng tiêu độc... Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến ông Thủy cũng như nhiều hộ chăn nuôi heo khác rơi vào khó khăn.

Theo ông Thủy, mặc dù giá heo đang ở mức khá cao (74-76 ngàn đồng/kg heo hơi) nhưng nhiều hộ không dám mạo hiểm tái đàn, tăng đàn. Đa số các hộ chỉ chăn nuôi cầm chừng, bởi việc tái đàn, tăng đàn trong giai đoạn này gặp nhiều rủi ro khi heo giống đang khá đắt đỏ, khoảng 2,5-3 triệu đồng/con. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. “Do vậy, người chăn nuôi phải dè chừng, sợ đầu tư nhiều, giá heo giảm, dịch bệnh sẽ vướng nợ”, ông Thủy nói.

Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho biết, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm bắt đầu tăng mạnh từ những tháng cuối năm 2020 đến nay. Với nhiều đợt tăng liên tiếp, trung bình mỗi lần tăng từ 5-10 ngàn đồng/bao loại 25kg, đến thời điểm này, mức chênh lệch đã lên đến 40-45 ngàn đồng/bao so với trước đó. Hiện tại, giá cám gia cầm đang ở mức 265-280 ngàn đồng/bao; giá cám gia súc 290-300 ngàn đồng/bao.

Trong đợt Tết Tân Sửu, ông Đỗ Văn Tam, ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức xuất bán khoảng 10 ngàn con gà thịt. Sau khi khấu trừ chi phí, ông thu về gần 200 triệu đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến lợi nhuận từ việc nuôi gà của gia đình ông giảm mạnh. Hiện ông Tam đang nuôi khoảng 45 ngàn con. Theo tính toán của ông Tam, với mức giá thức ăn như hiện nay, trung bình 1.000 con tiêu tốn gần 100 triệu đồng chi phí (con giống, thức ăn, thuốc men…), trong khi giá gà chỉ ở mức 48-58 ngàn đồng/kg, thì ông Tam chỉ hòa vốn. “Do nuôi số lượng lớn nên gia đình tôi lấy cám trực tiếp từ công ty. Với giá bán ra hiện nay, tôi chỉ hòa vốn, còn người chăn nuôi lấy cám từ đại lý thì đang thua lỗ với mức từ 5-8 triệu đồng/1.000 con”, ông Tam tính toán.

Cũng trong tình cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá bán trứng thấp nên gia đình bà Lê Thị Ni (ấp Phước Trinh, xã Tam Phước, huyện Long Điền) đang chăn nuôi trong tâm trạng phập phồng lo thua lỗ. Hiện nay, giá bán trứng vịt loại 1 chỉ 18 ngàn đồng/chục; loại 2 từ 15-16 ngàn đồng/chục, giảm khoảng 5.000 đồng/chục so với thời điểm tháng trước Tết. Bà Ni cho hay, nếu giá trứng tiếp tục giảm, thì việc thua lỗ là tất yếu.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến đầu tháng 3/2021, tổng đàn heo của tỉnh có khoảng 415 ngàn con, tăng 5,9% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 5,9 triệu con, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang trên đà phục hồi sau dịch bệnh. Giá các sản phẩm thịt, nhất là thịt heo đang ở mức cao nên người chăn nuôi vẫn còn có lãi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Do vậy, các ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn thị trường đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, góp phần hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Phòng dịch gắn với chuyển đổi chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Những năm qua, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung và bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc của tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn tới, khống chế dịch bệnh gắn với chuyển đổi chăn nuôi là hướng đi được thúc đẩy và khuyến khích.

Dịch bệnh lở mồm long móng được khống chế

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hàng năm, tỉnh đều dành hàng tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng. Nhờ đó, từ năm 2016 đến 2020, tình hình bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc luôn được khống chế; không để bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi. Đơn cử như năm 2020, bệnh lở mồm long móng trâu, bò chỉ xảy ra tại 29 hộ ở 3 huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và Khánh Vĩnh; tổng cộng có 101 con gia súc mắc bệnh nhưng tất cả đều được điều trị khỏi. Riêng đàn heo không xảy ra bệnh lở mồm long móng. Trong năm, cơ quan chuyên môn tiến hành 2 đợt tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Cụ thể, đã có 67.065 lượt con/85.882 con tổng đàn được tiêm phòng, đạt 78,7%. Ở đàn heo, việc hỗ trợ tiêm phòng lở mồm long móng được thực hiện trên đàn heo nái và đực giống của 1.457 lượt hộ chăn nuôi tại các huyện Khánh Vĩnh, Cam Lâm, TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang; đã có 4.150 liều vắc xin được tiêm cho 4.062 lượt con/5.583 con tổng đàn, đạt 72,8%.

Cơ quan thú y kiểm tra công tác phòng dịch tại một hộ chăn nuôi ở Cam Lâm.

Song song với quá trình tiêm phòng, xử lý dịch bệnh, các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi cũng được thực hiện và chia thành nhiều đợt. Tổng cộng trong năm 2020 đã có khoảng 12.600 lít hóa chất được sử dụng để vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.

Đẩy mạnh chuyển đổi

Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những năm qua, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc hầu hết xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ này chưa đáp ứng những đòi hỏi cần thiết về an toàn chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, như: Con giống chưa đảm bảo, chuồng trại còn thô sơ, thức ăn không đảm bảo an toàn dịch bệnh, thậm chí nhiều hộ không tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Vì vậy, theo kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được gắn với quá trình chuyển đổi chăn nuôi.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 300.000 con heo, 70% trong số này được nuôi ở những trang trại chăn nuôi khép kín, được đầu tư bài bản, quy mô hàng nghìn con. Về heo giống, hiện nay đã có các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Khánh Tân, Công ty CJ Việt Nam, Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh… mỗi năm cung cấp bình quân 250.000 con heo giống đạt tiêu chuẩn cho thị trường. Đối với chăn nuôi đại gia súc, đã có doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tập trung, khép kín hơn 1.000 con bò tại Khánh Vĩnh. “Đây là kết quả bước đầu và có tính chất nền tảng trong việc chuyển đổi chăn nuôi theo hướng giảm số lượng hộ nuôi, tăng quy mô chăn nuôi và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, góp phần quan trọng vào tính hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung và bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc nói riêng”, ông Lê Thắng nhấn mạnh.

Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh sẽ chi 6,28 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện khoảng 1 tỷ đồng, cùng hơn 10 tỷ đồng kinh phí của người chăn nuôi để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng. Trong đó bao gồm việc ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút lở mồm long móng từ bên ngoài vào tỉnh; tổ chức tiêm phòng mỗi năm 2 đợt; tổ chức các hoạt động giám sát bệnh chủ động; tăng cường kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ…, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích người chăn nuôi xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu có từ 80% trở lên đàn vật nuôi được tiêm phòng; số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh giảm từ 10 đến 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2025, các sở, ngành, địa phương phải xây dựng thành công khoảng 10 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, đáp ứng việc cung cấp con giống an toàn cho người chăn nuôi. Ngoài ra, 100% trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 80% trang trại vừa và 50% trang trại nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.

Hồng Đăng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop