Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 06 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 06 năm 2016

Bình Định: Giống lúa AN1 và ANS1 cho năng suất đạt từ 67,3 - 68,7 tạ/ha

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ngày 17.6, tại xã Cát Minh (Phù Cát, Bình Định), Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ phối hợp với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Cát Minh tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện 2 giống lúa thuần mới gồm AN1, ANS1 trong vụ Hè Thu.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất các giống lúa AN1, ANS1 tại cánh đồng thôn Trung Chánh, xã Cát Minh.

Theo đánh giá tại hội nghị, qua thực hiện mô hình sản xuất giống lúa AN1, ANS1 trên diện tích 1,1 ha với 9 hộ nông dân tham gia tại cánh đồng thôn Trung Chánh, xã Cát Minh, tỉnh Bình Định cho thấy: Hai giống lúa này có khả năng đẻ nhánh khỏe, trỗ thoát, tỉ lệ hạt chắc cao, sạch sâu bệnh. Năng suất thực thu của giống ANS1 đạt 67,3 tạ/ha/vụ, tăng 16,2% so với giống lúa đối chứng ML48. Đối với giống lúa AN1 cho năng suất đạt 68,7 tạ/ha, tăng 18,6% so với giống đối chứng ML48.

Sau khi đánh giá, phân tích các ưu, nhược điểm của các giống lúa AN1 và ANS1, các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng 2 giống lúa này phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương, năng suất, hiệu quả tăng đáng kể so với các giống lúa đang sản xuất đại trà. Qua đó, đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh sớm xem xét, đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh để mở rộng diện tích sản xuất.

NGUYỄN HÂN

Trồng hoa thiên lý cho thu hoạch 200 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Nghệ An

Cùng với các loại cây hoa màu khác, thời điểm này ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (Nghệ An) bà con đang thu hoạch hoa thiên lý - một trong những cây trồng chủ lực của xã.

Hoa thiên lý được trồng từ tháng 7 âm lịch năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Đây là thời điểm đầu vụ thu hoạch nên hầu như các gia đình đều huy động toàn bộ lực lượng ra đồng.

Bên cạnh giá trị kinh tế, hoa thiên lý còn có tác dụng chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, tý bổ tâm, thận, bớt đi đái đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng, có tính chống viêm và làm tan màng mộng, thúc đẩy chóng lên da non, được sử dụng trị liệu trong các chứng như viêm kết mạc cấp và viêm mạn, viêm giác mạc và mờ đục màng mắt, viêm kết mạc do sởi, hoa trị giun kim.

Bà Nguyễn Thị Lan (xóm 9) cho biết: gia đình bà trồng 1 sào hoa thiên lý, năm nay nắng hạn nên cũng chết nhiều. Tuy nhiên mới đầu mùa nên giá có cao hơn. Tính ra 1 sào của bà cho thu nhập 17 triệu đồng.

Cùng với các loại hoa màu khác, 3 năm nay, Nam Anh đã đưa hoa thiên lý vào trồng đại trà trên diện tích 60 ha (toàn xã). Anh Đinh Xuân Hùng (trong ảnh) cho biết: so với các loại cây trồng khác, hoa thiên lý dễ trồng hơn, thời gian thu hoạch lâu hơn, thu nhập cũng khá ổn định.

Sau khi thu hoạch xong, hoa thiên lý được thu mua ngay tại ruộng với giá 30 nghìn đồng/kg.

Hoa thiên lý có thể chế biến thành những món ăn hấp dẫn giải nhiệt mùa hè như nấu canh với thịt băm nhỏ rất phù hợp với người già và trẻ em.

Hay hoa thiên lý xào thịt bò cũng là món ăn hấp dẫn được các bà nội trợ lựa chọn.

Thanh Thủy - Thu Hương

Sơn La: Để hương chè Shan tuyết Mộc Châu bay xa

Nguồn tin: Báo Sơn La

Cây chè Shan tuyết được trồng từ nhiều năm trước trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), hiện nay vẫn còn hàng nghìn cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch. Chè Shan tuyết được trồng ở độ cao từ 900 đến 1050m so với mặt nước biển, với điều kiện về nhiệt độ trung bình vào khoảng 18,5oC, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm lớn, đất trồng chè là loại đất đỏ vàng trên đá sét biến chất - những yếu tố trên đã góp phần cho cây chè Shan tuyết ở Mộc Châu phát triển tốt, búp chè tích lũy được hương thơm đặc trưng, hàm lượng các chất hòa tan trong búp chè cao hơn so với các loại chè Shan tuyết trồng ở nơi khác.

Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Mộc Sương sơ chế chè.

Chỉ dẫn địa lý đối với chè Shan tuyết Mộc Châu

Năm 2010, Chè Shan tuyết Mộc Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm chè Shan tuyết. Khu vực địa lý được bảo hộ bao gồm 7 xã của huyện Mộc Châu và 6 xã của huyện Vân Hồ. Khi chè Shan tuyết chưa đăng ký chỉ dẫn địa lý, ít người biết đến sản phẩm chè Mộc Châu nên giá bán cũng như giá trị sản phẩm đem lại thấp. Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý, giá thu mua chè búp tươi tăng 15-20%; giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu tại thị trường trong nước cao hơn từ 1,3-1,5 lần so với trước. Sở Khoa học & Công nghệ Sơn La và các cơ quan chức năng đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai áp dụng mô hình quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè. Cùng với đó, các địa phương đã thiết lập được một số công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý; xây dựng và chuẩn hóa quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chè Shan tuyết; xây dựng và vận hành quy chế kiểm soát chất lượng, sử dụng nhãn mác cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trong nước.

Phần lớn chè Shan tuyết Mộc Châu xuất khẩu thô

Sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu của các đơn vị tiêu thụ tại thị trường trong nước đã sử dụng tem nhãn về chỉ dẫn địa lý theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ và hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La. Tuy nhiên, 5 năm sau khi được cấp Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đến nay 90% sản lượng sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu vẫn phải xuất khẩu dưới dạng đóng bao to, không có nhãn mác. Nguyên nhân là do sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài, đặc biệt là đối với các nước ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè với các doanh nghiệp nước ta, dẫn đến việc các công ty nước ngoài mua chè Shan tuyết Mộc Châu về đấu trộn và chuyển thành thương hiệu khác, nên thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu chưa được người tiêu dùng ngoài nước biết đến. Ngay như Công ty Chè Mộc Châu là đơn vị thành viên sản xuất chè quy mô lớn nhất của Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Mộc Châu, nhưng lại trực thuộc Tổng công ty Chè Việt Nam, nên không được ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp. Phần lớn sản phẩm chè Công ty sản xuất ra đều chuyển về Tổng công ty Chè Việt Nam rồi xuất khẩu chung với sản phẩm của các công ty khác. Bởi vậy, giá chè xuất khẩu của Công ty Chè Mộc Châu thường thấp hơn 6.000-9.000 đồng/kg so với các đơn vị được ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của Công ty và người sản xuất.

Bên cạnh đó, các văn bản quy định về quản lý, sử dụng và phát triển sản phẩm chè Shan tuyết mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu chưa hoàn thiện và đồng bộ; việc sử dụng tem nhãn trên bao bì sản phẩm còn hạn chế; một số cở sở, cá nhân đã in bao bì đóng gói sản phẩm chè của đơn vị mình là “Chè Shan tuyết sản xuất tại Mộc Châu” dẫn đến sự nhầm lẫn của khách hàng và người tiêu dùng về sản phẩm chè Shan tuyết đủ điều kiện được cấp chỉ dẫn địa lý Mộc Châu.

Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản đang được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho hàng nông sản của Việt Nam. Để phát huy giá trị thương mại của chỉ dẫn địa lý đối với chè Shan tuyết Mộc Châu rất cần sự chung tay của chính quyền, các doanh nghiệp và người dân. Các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra quản lý thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý đối với các sản phẩm chè bán nhưng không rõ xuất xứ nguồn gốc, hoặc những sản phẩm trên bao bì có in nhãn mác “Chè Shan tuyết sản xuất tại Mộc Châu”, tránh việc khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm được bảo hộ về “Chỉ dẫn địa lý” với các sản phẩm khác đang lưu thông trên thị trường. Tỉnh ta cần sớm ban hành hệ thống các văn bản pháp lý về quản lý, phát triển sản phẩm chè Shan tuyết mang chỉ dẫn địa lý Mộc Châu; quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Mộc Châu và các đơn vị thành viên của Hội triển khai các nội dung về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Shan tuyết Mộc Châu ra thị trường Thái Lan và các nước tiểu vùng sông Mê Kông cũng như các nước EU, từng bước đưa thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu vươn ra thị trường nước ngoài, khẳng định thương hiệu và chất lượng của chè Shan tuyết Mộc Châu.

Duy Tùng

Lào Cai: Giá chè búp tươi trên địa bàn tỉnh tăng 1.000 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Năm 2016, giá thu mua chè búp tươi bình quân của các công ty đạt từ 6.300 - 6.500 đồng/kg, cao hơn từ 800 - 1.000 đồng/kg so với năm 2015.

Công ty chè Thanh Bình thu mua sản phẩm chè búp tươi tại huyện Mường Khương.

Hiện nay, toàn tỉnh Lào Cai có gần 5.000ha chè, tập trung chủ yếu tại các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát… Từ đầu năm đến nay, người dân trong tỉnh thu hoạch hơn 6.800 tấn chè búp tươi, bằng 111% so cùng kỳ. Sản phẩm chè búp tươi chủ yếu được các công ty chè kí hợp đồng bao tiêu với mức giá ổn định.

Năm 2016, các địa phương có kế hoạch trồng mới 500ha chè, trong đó có 295ha trồng chè chất lượng cao. Đến nay, ban quản lý chè các huyện phối hợp với các công ty chè đã chủ động chuẩn bị được 12,99 triệu bầu chè giống. Cụ thể: Công ty chè Thanh Bình đã giâm ươm 6,5 triệu bầu; Công ty Mường Hoa đặt mua 0,66 triệu bầu; Công ty chè Phong Hải đặt mua 3,19 triệu bầu và Công ty chè Đại Hưng đặt mua 2,64 triệu bầu, đảm bảo đủ giống phục vụ trồng chè vụ mới theo kế hoạch.

THÚY PHƯỢNG

Hà Nội: Thời tiết thay đổi, nông dân thiệt hại lớn

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

Nắng nóng kéo dài rồi có mưa vào rạng sáng 16/6 đã khiến nhiệt độ giảm đột ngột gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân ngoại thành.

Đáng lo ngại, tình hình thời tiết này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Sản xuất bị thiệt hại

Mới hơn 7 giờ sáng 16/6, khi ngoài trời vẫn còn mưa lác đác, trên cánh đồng thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, gia đình anh Nguyễn Đình Toản đã thu hái được hơn 30kg rau cải các loại. Anh Toàn buồn rầu cho biết, ruộng rau đang héo rũ vì nắng nóng đỉnh điểm lại gặp trận mưa dông rạng sáng nay càng khiến cho rau nhanh bị thối, hỏng. Để kịp cứu vãn chút vốn liếng, anh phải huy động cả 4 thành viên trong gia đình khẩn trương xuống đồng thu hái hết 4 sào rau cải ngồng mang đi bán. Anh lắc đầu ngao ngán, thời tiết khắc nghiệt làm rau xấu mã nên chắc chắn giá bán sẽ không cao.

Chị Nguyễn Thị Đoán, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa buộc lại giàn ruộng dưa bị đổ do trận mưa dông rạng sáng 16/6. Ảnh: Ánh Ngọc

Đã 11 giờ trưa nhưng 6 lao động của gia đình bà Trịnh Thị Trang, thôn Đanh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa vẫn cần mẫn ngồi nhặt nhạnh từng củ lạc. Vẻ mặt đượm buồn, bà Trang cho hay: “Vụ này, gia đình tôi coi như lỗ vốn vì lạc mọc mầm hết thảy, những củ chọn được thì vỏ lại bị ngả sang màu vàng. Chắc chắn chất lượng lạc kém và thương lái sẽ chê ỏng eo”. Trận mưa lớn hồi cuối tháng 5 đã khiến cho nhiều diện tích lạc tại các xã Vạn Thái, Hòa Nam, huyện Ứng Hòa ngập trắng trong 3 ngày. Để cứu ruộng lạc, các hộ dân đã phải thuê máy hút nước với giá 300.000 đồng/sào. Tuy nhiên, không ít hộ đành chịu mất trắng vì lạc non lại bị ngập sâu thì “vô phương cứu chữa”. Sau khi ngập úng, thời tiết lại nắng nóng kéo dài khiến cho năng suất, chất lượng lạc bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nắng nóng kéo dài nhiều ngày đến ngày 16/6 mới dứt càng làm tăng thêm nỗi vất vả trên vai người nông dân. Cẩn thận chằng buộc giàn cho những luống rau, đậu, chị Nguyễn Thị Đoán, ở thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa chia sẻ, thời tiết mưa nắng thất thường đã khiến cho phần lớn diện tích 2 sào rau, đậu các loại của gia đình bị thui chột. Thậm chí, khoảng 5 tạ quả dưa lê, dưa bở, bí đỏ, đậu trạch sắp đến ngày thu hoạch đã bị ủng, thối do tác động của thời tiết. “Vụ rau này, gia đình tôi thiệt hại cả chục triệu đồng. Đó là chưa kể trận mưa và gió lớn rạng sáng 16/6 đã làm đổ hết giàn của ruộng dưa mới” - chị cho hay.

Nguy cơ phát sinh dịch bệnh

Không chỉ gây thiệt hại cho người sản xuất, thời tiết nắng mưa thay đổi đột ngột rất dễ gây phát sinh với nhiều đối tượng vật nuôi và thủy sản. Anh Nghiêm Đình Minh, hộ chăn nuôi lợn ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cho biết, những ngày qua do thời tiết quá nắng nóng, trang trại đã phải vận hành hết công suất 7 chiếc quạt cỡ lớn. Đồng thời, lắp đặt hệ thống phun nước làm mát mái che, chuồng trại và cắt cử lao động trực 24/24 giờ để chăm sóc cho đàn lợn. Trang trại của gia đình anh hiện đang nuôi 450 con lợn nái và trên 400 lợn thịt. Dù nỗ lực chống nóng cho đàn lợn nhưng số lợn con mới sinh đang rất ốm yếu, thậm chí đã có một số con bị chết.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh dễ làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm. Vật nuôi thường bị mắc bệnh tiêu hóa, cảm cúm, hô hấp, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, gia súc, gia cầm có thể bị chết do “sốc nhiệt”. Trong tình hình thời tiết như hiện nay, bà con nông dân cần chú ý tăng cường chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn cho vật nuôi. Đồng thời tích cực kiểm tra chuồng trại, đối với những con gia súc, gia cầm có dấu hiệu bị ốm cần cách ly để có biện pháp chữa trị kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.

Đối với cây trồng, theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, mưa rào sau thời tiết nắng nóng sẽ giúp rửa trôi toàn bộ rầy nâu cuối vụ, diệt trừ mầm bệnh cho vụ Mùa tới. Tuy nhiên, với đối tượng rau màu, thời tiết đang nắng nóng chuyển sang mưa rào và giảm nhiệt có thể gây dập lá và xuất hiện một số mầm bệnh. Đáng chú ý, đối với thủy sản, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Nội cho hay, thời tiết thay đổi đột ngột như ngày 16/6 sẽ tạo ra tình trạng ngộ độc khí trong ao nuôi thủy sản gây chết cá. Để khắc phục tình trạng này, người dân cần áp dụng biện pháp bơm sục, quạt nước tạo oxy cho cá thở…

Nhóm phóng viên NN-NT

Bình Phước: Diện tích hồ tiêu ở Bình Long tăng nhanh

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Thị xã Bình Long (Bình Phước) hiện có 9.424ha cây lâu năm. Trong đó, 5.761,5ha cao su, 926,9ha điều, 93,2ha cà phê, 6,7ha ca cao, 1.419ha cây ăn trái, 16ha cây chứa dầu, 1.189ha hồ tiêu và các loại cây khác.

Trong đợt nắng hạn vừa qua, thị xã Bình Long có gần 50% diện tích hồ tiêu bị thiếu nước nghiêm trọng. Riêng xã Thanh Phú có gần 50ha hồ tiêu bị mất trắng. Giá tiêu hiện thấp hơn so với các năm trước khoảng 150 - 170 ngàn đồng/kg nhưng so với các cây trồng khác, tiêu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao, do đó nhiều nông hộ ồ ạt tăng diện tích. 6 tháng đầu năm 2016, nông dân Bình Long đã trồng mới 87ha hồ tiêu.

Theo khuyến cáo của Trạm Khuyến nông thị xã Bình Long, người dân không nên mở rộng diện tích trồng mới hồ tiêu, vì hiện diện tích tiêu cả nước đã vượt gấp đôi quy hoạch, dự báo vài năm nữa cung sẽ vượt cầu. Nông dân nên thâm canh trên vườn tiêu cũ hoặc phục hồi tiêu chết bằng giống sạch bệnh; xử lý đất thật kỹ trước khi trồng và trồng đúng quy trình kỹ thuật; đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ, dùng ít phân bón hóa học nhằm tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh trên cây tiêu.

Văn Tâm

Hậu Giang: Giá lúa tăng 200 - 300 đồng/kg

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những ngày gần đây, nhờ thời tiết nắng ráo trở lại sau đợt mưa dầm nên tình hình thu hoạch lúa Hè thu chính vụ 2016 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thuận lợi hơn. Điều mà bà con đang phấn khởi lúc này là giá lúa tăng nhẹ trở lại sau thời gian tuột giảm đáng kể. Cụ thể, lúa tươi cắt máy, giống IR 50404 đang ở mức 4.000 - 4.100 đồng/kg; giống OM 5451 dao động từ 4.300 - 4.500 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 30.000ha trong tổng số gần 69.000ha đã xuống giống. Hiện tại, có hai địa phương đã thu hoạch gần dứt điểm diện tích gieo sạ là huyện Châu Thành A (7.800/8.544ha) và huyện Vị Thủy (11.000/16.376ha).

HỮU PHƯỚC

Hậu Giang: Ngọt, chua trái cây đầu vụ

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nhiều nhà vườn trong tỉnh đang phấn khởi vì bước vào thời điểm thu hoạch trái cây chính vụ mà vẫn bán được giá cao. Tuy nhiên, không ít trường hợp phải đối mặt với nghịch lý được giá lại mất mùa.

Giá dâu vàng và dâu Hạ Châu đang được thương lái thu mua tận vườn ở mức khá cao.

Giá bán hấp dẫn

Tại các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, lượng trái cây đổ về đã tăng vọt theo từng ngày. Thế nhưng, sức tiêu thụ khá chậm do giá bán còn cao ngất ngưởng. “Khi hỏi mua măng cụt, tiểu thương báo giá 50.000 đồng/kg. Giá này được ghi nhận giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg so với cách đây một tháng; trong khi cùng kỳ năm trước, măng cụt chỉ có giá 25.000-30.000 đồng/kg. Không riêng gì măng cụt, quýt đường, mãng cầu, cam sành cho đến bòn bon… đều trên 30.000 đồng/kg”, chị Võ Như Tiến, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ.

Anh Dương Tấn, thương lái thu mua trái cây ở huyện Châu Thành, cho biết: “Ngay từ đầu vụ, tôi đã đi khắp các vườn “săn” măng cụt, mãng cầu xiêm. Mặc dù, ra giá thu mua lên đến 50.000-80.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ số lượng cung cấp cho chợ đầu mối”. Còn theo một số tiểu thương chợ Long Mỹ, hầu hết giá các loại trái cây chính vụ vẫn còn ở mức cao, đây cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng e ngại. Vì vậy, dịp Tết Đoan ngọ vừa qua, lượng trái cây bán ra giảm hẳn, đa phần chỉ là chôm chôm, vải thiều, vì đây là 2 loại trái cây ghi nhận có dấu hiệu giảm giá nhiều nhất kể từ ngày vào vụ đến nay.

Tại những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn ở huyện Châu Thành A, nông dân trồng dâu đang hối hả thu hoạch để đón giá hấp dẫn đầu mùa. Ông Đỗ Văn Tân, ở xã Nhơn Nghĩa A, hồ hởi nói: “Dâu vàng và dâu Hạ Châu đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá mua tại vườn dao động từ 10.000-13.000 đồng/kg, dâu xanh thì rẻ hơn một nửa. Do chủ động được mùa vụ, vườn dâu của gia đình tôi đang cho trái rộ và hơn tháng nữa sẽ thu hoạch. Nếu thời điểm đó, dâu vẫn giữ giá như bây giờ thì chắc chắn thu được lợi nhuận cao”.

Ông Lê Minh Tiến, ở ấp Nhơn Hòa 1, xã Nhơn Nghĩa A, thông tin: “Mới đây, sầu riêng khổ qua cân sô với giá 15.000 đồng/kg trở lên, sầu riêng Ri6 35.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với mọi năm. Nhà nào có sầu riêng thu hoạch sớm cũng đều vui mừng vì trúng giá”. Thực tế, giá trái cây được tiểu thương bày bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh còn khá đắt đỏ, một phần do khâu trung chuyển qua quá nhiều mối, trung gian. Chưa kể là giá xăng tăng nên chi phí vận chuyển được tính vào giá tiêu thụ sản phẩm của người tiêu dùng.

Niềm vui chưa trọn

Khác hẳn niềm vui trúng giá, không ít nhà vườn bước vào vụ thu hoạch mới với tâm trạng buồn nhiều hơn vui bởi họ vào mùa trễ hoặc gặp khó trong khâu xử lý ra hoa, đậu trái do thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài. Tuy đã chủ động các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc, tưới nước, bón phân nhưng tỷ lệ đậu trái trong vườn của bà con vẫn ở mức thấp, kéo theo năng suất giảm nghiêm trọng, thậm chí bị mất trắng. Ngoài thiệt hại năng suất thì tình hình thời tiết bất lợi trong thời gian qua còn gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng trái cây.

Theo một số nhà vườn ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, tuy vào thời điểm xử lý ra hoa nguồn nước tưới vẫn dồi dào nhưng năng suất măng cụt năm nay giảm gần một nửa so với mọi năm. Ông Lê Minh Tiến, ở xã Nhơn Nghĩa A, cho biết: “Năng suất sầu riêng năm nay chỉ đạt bằng 1/3 năm rồi, nếu năm trước tôi xử lý ra hoa đạt hết 7 công thì năm nay chỉ được 2 công, ước tính sản lượng trái thu hoạch khoảng 2 tấn. Nhưng bù lại là bán được giá cao gần gấp đôi nên vẫn đảm bảo lợi nhuận”.

Ông Thái Đình Ái, ở xã Nhơn Nghĩa A, than: “Đến giờ này, vườn dâu đã thu hoạch rộ còn măng cụt thì cho trái lác đác, trong đó số ít cây có chừng 2, 3 trái. Năm ngoái, tính sơ sơ cả vụ thu được 4-5 tấn măng cụt, nhưng năm nay mót hết vườn cũng chỉ hái được 300kg. Đáng nói là chôm chôm, sầu riêng hầu như không ra trái nào do bị khô bông. Riêng chi phí để xử lý 25 công vườn để chôm chôm và sầu riêng ra hoa lại đã lên đến hơn trăm triệu đồng. Tôi quyết tâm đầu tư thêm phân bón và công chăm sóc với hy vọng sẽ đạt được năng suất cao trong vụ trái cây tết tới đây”.

Nhà vườn mất mùa khiến các vựa thu mua gặp không ít khó khăn. Theo chủ vựa trái cây Cường, ở huyện Châu Thành A, tại thời điểm này năm ngoái thu mua được 3-4 tấn/ngày, nhưng năm nay chỉ có hơn tấn/ngày. Thu gom ít nên phải mất vài ngày mới đủ sản lượng cho xe lớn vận chuyển đi chợ đầu mối. Chưa kể là khâu bảo quản nhiều ngày gây ảnh hưởng chất lượng trái và giá cả, còn nếu xuất bán ngay để khỏi hao hụt thì chấp nhận mất thêm chi phí vận chuyển.

Mặc dù giá trái cây đang ở mức cao, nhưng theo các thương lái thì tình trạng này chỉ mang tính tạm thời. Bởi trên thực tế, mỗi khi bước vào giai đoạn thu hoạch rộ thì nhiều loại trái cây lại tái diễn tình trạng rớt giá. Vì vậy, nhà vườn cần phải cân nhắc, không nên thấy lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt xử lý cho cây ra hoa, đậu trái nghịch vụ.

KIM ĐIỀU

Nâng cao giá trị sản xuất cây nhãn Châu Thành (Đồng Tháp)

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 16/6, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan và Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rynan Agrifoods đến gặp gỡ bà con trồng nhãn ấp An Hoà thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành nhằm giới thiệu một số quy trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan chia sẻ với nông dân tại buổi gặp gỡ

Tại buổi gặp gỡ, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ đã giới thiệu về sản phẩm nổi phân bón thông minh đã được áp dụng trên cây lúa tại huyện Tam Nông. Điểm đặc biệt của loại phân này là có chất dẻo bao xung quanh, tan từ từ trong 60 ngày và chỉ tan khi cây lúa có nhu cầu. Phân bón thông minh không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, đỡ tốn công, tăng lợi nhuận mà còn rất thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, nông dân còn được các diễn giả giới thiệu những tính năng ưu việt của công nghệ điện toán đám mây. Sử dụng bao bì khí cải tiến để bảo quản nông sản lâu hơn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tại buổi gặp gỡ, bà con nhà vườn cũng đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh việc sử dụng phân bón thông minh, trao đổi cách bảo quản nhãn để xuất khẩu và mong muốn được tiếp cận nhiều kỹ thuật mới…

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan nhận định, đây có thể xem là một hướng đi mới trong nông nghiệp và bà con nhà vườn phải mạnh dạn thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu ngành nông nghiệp huyện Châu Thành gặp gỡ các nhà vườn để nắm bắt được những khó khăn, thuận lợi của bà con nông dân trong việc canh tác nhãn.

Khánh Phan

Chơn Thành (Bình Phước): Sầu riêng mất mùa, giá không ổn định

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Những năm gần đây, sầu riêng là một trong những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nên năng suất các vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Chơn Thành (Bình Phước) giảm mạnh. hiện đã vào vụ thu hoạch nhưng chủ vườn nơi đây luôn lo lắng vì giá bấp bênh cùng đầu ra không ổn định.

Tại địa bàn huyện Chơn Thành, sầu riêng được trồng nhiều ở thị trấn Chơn Thành và xã Thành Tâm, bởi đây là vùng đất thích hợp với loại cây này cả về thổ nhưỡng và khí hậu. Gia đình ông Phạm Văn Cương ở ấp 2, xã Thành Tâm có 1 ha sầu riêng Thái đã 10 năm. Ông Cương cho biết: “Tuy năm nay sầu riêng ra bông nhiều nhưng hầu hết bị rụng do nắng nóng. Mặc dù tôi đã dùng thuốc kích thích dưỡng bông, dưỡng trái nhưng năng suất vườn sầu riêng rất thấp, chỉ bằng 40-50% so với mọi năm. Nguyên nhân gây mất mùa do nắng nóng nhiều, ảnh hưởng đến quá trình đậu và phát triển của trái”.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Võ Văn Nàm ở ấp Hiếu Cảm, năm nay thưa trái

Năm nay, cùng với năng suất giảm mạnh thì giá sầu riêng cũng không ổn định, gây khó khăn cho nông dân. Đầu mùa, thương lái mua với giá 35 ngàn đồng/kg, sau đó giảm dần hiện chỉ còn 25 ngàn đồng/kg. Vụ này, 1 ha sầu riêng của gia đình ông Cương chỉ hái được khoảng 10 tấn trái, trừ chi phí cho thu nhập gần 200 triệu đồng, bằng một nửa so với năm 2015.

Ông Võ Văn Nàm - người có kinh nghiệm trồng sầu riêng ở ấp Hiếu Cảm, thị trấn Chơn Thành, trồng 5 sào sầu riêng, mọi năm cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Ông Nàm chia sẻ: “Năm nay, không những sầu riêng mất mùa mà chi phí vật tư, phân bón cho cây lại quá cao. Sản lượng vườn sầu riêng của gia đình tôi năm nay chỉ bằng 40% so với năm 2015. Với giá bán hiện nay là 25 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình tôi ước thu nhập khoảng 50 triệu đồng”.

Tính riêng trên địa bàn thị trấn Chơn Thành và xã Thành Tâm có khoảng 60 ha sầu riêng đang cho thu hoạch. Theo các nhà vườn ở đây, năm nay sầu riêng mất mùa làm thiệt hại đáng kể về kinh tế. Thương lái vào tận vườn thu mua chỉ với giá 25 ngàn đồng/kg. Giá rẻ nhưng người tiêu dùng lại không được hưởng lợi do giá bán trên thị trường hiện nay trên 50 ngàn đồng/kg. Như vậy, người chịu thiệt vẫn là nông dân.

Ông Đoàn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành cho biết: Hiện nay thương lái vào vườn mua ép giá người trồng sầu riêng và mua số lượng không nhiều. Vì vậy, các nhà vườn không chỉ thiệt do năng suất giảm mà còn rất lo lắng về giá sầu riêng bấp bênh. Trước tình hình đó, Hội Nông dân thị trấn đang liên lạc với các cơ sở thu mua uy tín cao để giới thiệu cho nhà vườn tìm đầu ra và giá ổn định, nâng thu nhập cho nông dân.

Đỗ Trình

An Giang: Nhân rộng diện tích xoài thơm Vĩnh Hòa theo hướng công nghệ cao tạo thương hiệu trên thị trường

Nguồn tin: An Giang

Về xã Vĩnh Hòa (An Giang) vào những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có dịp thưởng thức hương vị của một loại trái cây đặc sản đã gắn bó, mang đậm nét của vùng đất anh hùng, đó là trái xoài thơm Vĩnh Hòa. Với vị ngọt thanh tao, mùi thơm rất riêng của trái xoài thơm Vĩnh Hòa cũng là một đặc sản riêng của của vùng đất Tân Châu xứ lụa. Hiện tại là thời điểm bà con nông dân đang trong giai đoạn thu hoạch cuối vụ.

Theo nông dân Nguyễn Phước Hồng, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa là Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa, có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng xoài thơm trên địa bàn xã cho biết: thời gian gần đây, diện tích xoài thơm Vĩnh Hòa ngày bị thu hẹp so với trước, nhưng đối với gia đình ông vẫn duy trì trồng loại cây truyền thống đặc sản quê hương này, để phát triển thêm kinh tế gia đình. Bởi theo ông Hồng trồng xoài nhẹ công chăm sóc hơn so với làm ruộng, rẫy, chỉ cực nhất là thời gian phun thuốc kích thích ra hoa, thuốc trừ sâu bệnh và khâu bón phân, đặc biệt là thời điểm theo dõi diễn biến thời tiết lúc xoài đang ra hoa, vì đây là thời điểm quyết định đến tỷ lệ đậu trái ít hay nhiều. Giá thành xoài thơm năm nay thấp hơn so với năm trước, nhưng với 4 công xoài, 128 gốc trên 5 năm tuổi, gia đình ông Hồng vừa thu hoạch, sau khi trừ chi phí sản xuất, cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Ông Hồng cho biết thêm: “Trồng xoài ghép này, trong dòng 3 năm cho trái, một công đất có thể trồng 40 – 50 cây xoài thơm, hiện nay xoài có giá giao động từ 15 – 30 ngàn đồng/kg, một cây xoài mấy năm đầu cho 10kg - 50kg, tàng nó lớn chừng nào thì cả trăm kg. Cho nên thu hoạch 1 tấn xoài bây giờ có thể lợi nhuận lên đến 30 triệu đồng, so với đất ruộng thì hiệu quả cao gấp nhiều lần”.

Theo các nhà vườn, xoài thơm Vĩnh Hòa phải trồng ở mật độ thưa, cây xoài mới phát triển tốt, tán rộng, cho trái nhiều và to, mỗi năm cho thu hoạch một vụ. Tuy nhiên thời gian gần đây, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, một số hộ nông dân có kinh nghiệm trồng xoài thơm trên địa bàn xã Vĩnh Hòa đã cho sản xuất trái vụ để kích thích cây ra hoa, đậu trái, nhất là thời điểm giáp tết, vì thời điểm này xoài được giá, cho lợi nhuận cao.

Thời điểm thu hoạch rộ xoài thơm Vĩnh Hòa bắt đầu từ tháng 3 kéo dài đến giữa tháng 5 âm lịch. Xoài thơm Vĩnh Hòa thường thích hợp trồng trên vùng đất cát, bãi bồi ven sông Tiền, đặc biệt là loại cây này chỉ trồng ở xã Vĩnh Hòa thì chất lượng thơm ngon hơn nơi khác. Đây là loại xoài mang tính chất đặc trưng truyền thống của địa phương, nên xoài có da sáng bóng, chín vàng, có mùi thơm dịu. Khi già, thịt dày, ít xơ, hột nhỏ, ăn sống chua dịu, ăn chín ngọt thanh nên được nhiều người dân ưa chuộng.

Hiện tại, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ cho thị trường. Nguyên nhân do một số cây xoài lâu năm đã cằn cỗi cho năng suất thấp, cùng với đó xoài cặp ven sông bị sạt lở nên diện tích bị thu hẹp; đặc biệt là tình trạng trái bị thoái hóa, cho trái nhỏ không đồng đều. Trước thực trạng trên, lãnh đạo xã Vĩnh Hòa đã tuyên truyền, khuyến khích nông dân trong xã mở rộng diện tích, nhất là đối với các vùng đất cát, bãi bồi ở ven sông Tiền. Hiện tại Tổ hợp tác sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa, đã thu hút 28 hộ tham gia, với diện tích 05 héc ta, khoảng 1.000 gốc xoài, đồng thời xã còn xây dựng được logo, nhãn hiệu tập thể “Xoài thơm Vĩnh Hòa”, qua đó để quảng bá thương hiệu giống xoài thơm ra các tỉnh bạn.

Trước đây, theo truyền thống thì nông dân trồng xoài tại Vĩnh Hòa thường ươm cây bằng hạt, nên trồng đến 5 năm sau mới cho trái. Nhưng được sự hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thì người dân đã biết thực hiện ươm giống bằng hình thức ghép bo, khi trồng cây xoài từ 2 năm rưỡi đến 3 năm, bắt đầu sẽ cho trái, sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng, đem lại thu nhập lợi nhuận cho nông dân. Ngoài việc tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình canh tác cây ăn quả trong và ngoài tỉnh, Trạm bảo vệ thưc vật thị xã Tân Châu còn phối hợp với địa phương tập huấn cho các hộ trồng về quy trình áp dụng VietGap để có được xoài sạch và hướng tới xuất khẩu, tạo thương hiệu trên thị trường.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang còn phối hợp với Trường đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài “Khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa”, giúp địa phương khôi phục chất lượng, năng suất, kích cỡ trái, mở rộng diện tích trồng... hướng tới xuất khẩu. Qua 5 năm triển khai, đã công nhận 4 cây xoài đầu dòng có tuổi đời từ 30 – 40 năm, có phẩm chất trái, năng suất cao và ổn định; đồng thời sản xuất được 1.000 cây xoài giống bằng phương pháp nhân giống vô tính hay còn gọi là ghép bo từ 4 cây đầu dòng, tổ chức tập huấn kỹ thuật và chuyển giao quy trình canh tác.

Hiện giống xoài thơm Vĩnh Hòa đang được các nông dân trên địa bàn xã trồng với hình thức xen canh, vườn tạp, tập trung nhiều nhất ở ấp Vĩnh An và Vĩnh Bường trên địa bàn xã, với diện tích 7,3 héc ta. Tin rằng, với sự quan tâm của UBND thị xã, sự vào cuộc các Ngành khoa học, các ngành chuyên môn của thị xã, chính quyền địa phương, và sự quan tâm của các hộ nông dân trên địa bàn xã.

Tương lai không xa, diện tích xoài thơm Vĩnh Hòa sẽ được mở rộng, đưa sản phẩm xoài thơm Vĩnh Hòa không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống Tân Châu, thành phố Hồ Chí Minh,... mà còn sẽ xâm nhập các siêu thị, thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang các nước lân cận … đó điều kiện tốt để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thị trường, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế, và thực hiện sản xuất nông nghiệp hướng công nghệ cao./.

Văn Phô

Hưng Yên: Tập trung chăm sóc nhãn khi thời tiết bất lợi

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Một buổi chiều của đợt nắng nóng cao điểm giữa tháng 6, theo chân ông Nguyễn Quốc Chủng, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, chúng tôi đến thăm vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Chuyên ở thôn 6, xã Quảng Châu.

Anh Nguyễn Văn Chuyên ở Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) đang tỉa chùm nhãn

Gia đình anh Chuyên là một trong những hộ trồng nhãn có tiếng ở xã Quảng Châu. Hiện gia đình anh có 4.000m2 diện tích vườn trồng nhãn với hơn 100 gốc, trong đó chủ yếu là nhãn hương chi.

Anh Chuyên cho biết, so với mọi năm, nhãn năm nay sai hoa và đậu quả hơn. Tuy nhiên, do đợt mưa lớn kéo dài sau đó là đợt nắng nóng cường độ cao vào đầu tháng 6 khiến nhãn dễ mắc sâu bệnh, chăm sóc vất vả hơn rất nhiều. Thời tiết nắng ẩm mưa nhiều khiến cây nhãn dễ mắc bệnh, gây hại trên lá, lộc non và quả non. Nếu không phát hiện và phòng chữa kịp thời, bệnh sẽ khiến chồi non bị chết khô khi trời nắng và thối khi trời mưa, đồng thời làm rụng quả non, không chỉ giảm sản lượng nhãn hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa trong vụ sau.

Ông Nguyễn Quốc Chủng cho biết, toàn xã hiện có khoảng 400ha nhãn, tập trung nhiều ở thôn 4, 5, 6. Trước diễn biến thời tiết bất thường, sau đợt mưa lớn là nắng nóng gay gắt kéo dài khiến sâu, bệnh trên nhãn phát triển, Hội nông dân xã đã khuyến cáo bà con theo dõi sát sao dịch bệnh, phun thuốc phòng trừ các loại nấm, bệnh, sâu bọ hại lá nhãn và quả non. Đặc biệt, để phòng chữa bệnh thán thư, người trồng nhãn cần tỉa cành, thường xuyên cắt bỏ cành già giúp cho cho cây thông thoáng; theo dõi vườn, khi thời tiết ấm và ẩm cần tiến hành phun các loại thuốc theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Hiện nay, tổng diện tích nhãn đang cho thu hoạch trên địa bàn thành phố Hưng Yên đạt gần 900 ha, tập trung nhiều ở các xã Quảng Châu, Hồng Nam, Tân Hưng và Phương Chiểu. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên nhãn ra hoa muộn hơn, vì vậy thời điểm thu hoạch nhãn cũng chậm hơn so với mọi năm từ 15 đến 20 ngày. Dự kiến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, hiện nay người trồng nhãn cần lưu ý chống sâu ăn quả, bọ xít non và chống rụng để giữ số quả đã đậu.

Vườn nhãn của gia đình bác Đỗ Thị Nghĩa ở xã Hàm Tử (Khoái Châu) năm nay sai trĩu trịt. Những năm trước, do “tiếc” nên vợ chồng bác để chùm quá sai bởi vậy nhãn bị rụng và thối nhiều. Năm nay, xã thông báo qua đài truyền thanh hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc nhãn, đặc biệt là tỉa chùm sai để nhãn phát triển đều, hạn chế rụng quả nên vợ chồng bác đã tranh thủ cắt chùm.

Bác Nghĩa cho biết, năm nay nhãn nở hoa đúng giai đoạn thời tiết không mưa, trời ấm, khô ráo nên tỷ lệ đậu quả cao. Tuy nhiên, khi nhãn đang quả non thì trời mưa lớn sau đó vào ngay đợt nắng nóng gay gắt nên dễ bị sâu bệnh. Nước từ dưới đất bốc hơi lên kết hợp với thời tiết nắng nóng gây nên hiện tượng rụng quả, rụng lá. Do đó, vợ chồng bác Nghĩa thường xuyên thăm vườn để có giải pháp chăm sóc phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cây.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Khoái Châu, năm 2016, toàn huyện có khoảng 1.600ha nhãn. Các xã có diện tích nhãn lớn là Hàm Tử, Dạ Trạch, Bình Minh, Đông Kết, Ông Đình và Liên Khê. Hiện nay, cây nhãn đang thời kỳ phát triển quả, người dân phải tỉa đi khoảng 1/3 số chùm quả trên mỗi cây. Trước tình hình thời tiết bất thường trong mùa hè, ngành nông nghiệp huyện Khoái Châu đã khuyến cáo bà con nông dân chủ động theo dõi sâu bệnh hại quả, tưới nước, chống úng kịp thời; đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cây sinh trưởng khỏe, chất lượng quả ngon hơn. Theo dự báo, năm 2016, cùng với tỉ lệ đậu quả cao và diện tích tăng lên, sản lượng nhãn trên toàn huyện Khoái Châu ước đạt 15.000 - 17.000 tấn, mang lại giá trị kinh tế khoảng 300 - 350 tỷ đồng.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, diện tích nhãn của toàn tỉnh là 4.150ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt trên 3.000ha, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Tiên Lữ, Khoái Châu…Thời điểm này, các vườn nhãn trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn quả non. Tuy nhiên, thời tiết năm nay có nhiều diễn biến bất lợi, mưa lớn kết hợp với đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình nuôi quả của cây nhãn. Ngoài ra, một số loài sâu, bệnh như: bọ trĩ, bọ xít, rệp muội, bệnh thán thư… tiếp tục xuất hiện và gây hại nhãn. Để phòng trừ hiệu quả, các chủ vườn cần theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu, bệnh trên nhãn; bổ sung dinh dưỡng cho cây nhãn nuôi quả bằng các loại phân bón hữu cơ hoai mục hoặc tưới nước phân chuồng ngâm lân hoặc các loại phân hữu cơ có nguồn gốc thực vật như đậu tương, ngô.

Dương Miền

Nông dân “mê” công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Từ việc yêu thích công nghệ, một nông dân dám bỏ ra gần 1 tỉ đồng để đầu tư phát triển mô hình trồng dưa lưới ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao đầu tiên ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Đó là câu chuyện về anh Võ Văn Chưng, ở xã Bình Thành.

Dưa lưới được trồng trong chậu giá thể đều đặn, rất đẹp mắt.

Dám nghĩ dám làm

Đến xã Bình Thành hỏi về anh Võ Văn Chưng với mô hình trồng dưa lưới nhà kín thì hầu như ai cũng biết. Bởi không phải vì đây là mô hình đầu tiên ở huyện Phụng Hiệp, mà bởi sự dám nghĩ dám làm của một nông dân đam mê công nghệ sản xuất mới. Có cơ sở làm khung hình ở thành phố Cần Thơ, nhưng vì thích làm nông nghiệp nên anh Chưng đã đi, về giữa Cần Thơ và quê nhà ở xã Bình Thành để thực hiện sự đam mê của mình. Do mới mẻ, chưa có kinh nghiệm sản xuất thực tế nên năm rồi anh chỉ đầu tư trên 600 triệu đồng làm thử nghiệm trên diện tích khoảng 2.000m2. Nhưng qua 2 vụ sản xuất cho hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng diện tích thêm 2.500m2 nữa. Anh Chưng chia sẻ: “Bản thân rất thích công nghệ mới, có quen nhiều bạn bè làm trong lĩnh vực này nên cũng dễ tiếp cận. Trái dưa lưới của tôi trồng chỉ thích nghi với mô hình khép kín, sản xuất theo quy trình sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 2.000m2, làm được 2 vụ, trừ hết chi phí cho lợi nhuận trên 130 triệu đồng. Nếu tính thêm diện tích mở thêm, mỗi năm sẽ cho thu nhập trên 400 triệu đồng”.

Chị Trương Kim Nương, người dân địa phương, cho biết: “Lúc trước thấy anh Chưng về đây đầu tư hàng trăm triệu đồng làm mô hình này, người dân ở đây cảm thấy lo lắng cho anh, bởi từ trước đến nay, gia đình anh Chưng chỉ quen với sản xuất lúa truyền thống. Nhưng qua vụ thu hoạch trái đầu tiên, thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, người dân ở đây mới tin vào những gì mà anh quyết tâm thực hiện”.

Dưa lưới thuộc họ bầu bí, chịu nắng rất tốt nhưng không chịu được mưa. Nếu gặp mưa, cây dễ bị nhiễm nấm bệnh, trái sẽ bị nứt, thất thoát cho người trồng. Trồng dưa lưới trong nhà kín vừa giúp che mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại, không dư thừa hàm lượng phân bón trong trái, đảm bảo sản phẩm chất lượng khi đến với người tiêu dùng.

Quy trình nghiêm ngặt

Dưa lưới sau khi trồng khoảng 20 ngày thì cắt tỉa cành và các lá già dưới gốc để hạn chế các chồi phụ cạnh tranh dinh dưỡng. Dù trồng dưa trong nhà lưới, côn trùng không vào được nhưng nông dân vẫn phải đảm bảo khâu vệ sinh trong quá trình cắt tỉa để tránh nấm bệnh lây lan. Công việc này cần tiến hành định kỳ để dây dưa chính được to khỏe, cho trái đạt chuẩn sau này. Trồng dưa lưới rất nhẹ công chăm sóc, vì tất cả quy trình đã được thực hiện bằng máy. Tuy nhiên, lúc dây ở giai đoạn ra tược phải chú ý đến việc tỉa những lá úa ở gốc và tất cả những chèo (chồi), vì lá úa và chèo sẽ hút hết chất dinh dưỡng làm cho cây kém phát triển.

Sau khi cắt tỉa lá, khoảng 10 ngày, người trồng cần quấn dây dưa vào dây đã làm giàn để dây dưa có điểm tựa bò lên. Việc làm này cũng giúp tán lá đều đặn, không cạnh tranh ánh sáng trong quá trình phát triển. Sau khi trồng hơn một tháng thì dưa ra hoa, việc thụ phấn cũng cần đúng lúc để trái tăng trưởng đồng loạt, tròn đều. Cây được trồng trong bầu giá thể cách ly với nền đất theo hàng đôi với tỷ lệ 10 cây/m2.

Quy trình tưới được áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao theo công nghệ Israel, kỹ thuật tưới này đã quản lý chặt chẽ lượng nước tưới cho cây. Quy trình được lập trình sẵn với chu kỳ 10 lần/ngày và mỗi lần tưới là 2 phút. Mô hình đã góp phần tích cực trong tiết kiệm lượng nước so với cách tưới thông thường đến 80% lượng nước.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Do cây dưa lưới rất mẫn cảm với thời tiết nên nước tưới phải là nguồn nước sạch từ trạm cấp nước. Khi áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt này, bình quân mỗi tháng với 5.000 dây dưa lưới chỉ sử dụng khoảng 180m3 nước, quy ra tiền chỉ khoảng 700.000 đồng. Cây dưa lưới sinh trưởng khoảng 70 ngày nên mỗi vụ chỉ tốn gần 2 triệu đồng cho việc tưới nước, giảm đáng kể lượng nước so với cách tưới thông thường.

Dưa lưới còn mới mẻ ở Phụng Hiệp, nhưng theo đánh giá của anh Võ Văn Chưng thì dưa trồng ở đây có chất lượng trái tốt, dưa đạt loại nhất trên 90%, tỷ lệ hao hụt chưa tới 3%. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn nên có thể trồng được từ 3-4 vụ/năm nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu rất nhanh.

THANH DUY

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop