Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 07 năm 2017

Tiềm năng cây chuối tại Cà Mau là rất lớn

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi

Theo thống kê mới đây của cơ quan chức năng, Việt Nam hiện đang xếp thứ 36 về xuất khẩu chuối với tổng kim ngạch 16,5 triệu USD/năm.

Chuối già Nam Mỹ đang phát triển khá tốt trên vùng đất rừng U Minh - Cà Mau.

Trung Quốc là nơi tiêu thụ lớn nhất, chiếm trên 80% sản phẩm chuối xuất khẩu của Việt Nam, với trên 13 triệu USD/năm, kế đến là Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thông tin từ Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), nhu cầu chuối nhập khẩu của Nhật Bản, Dubai, Hàn Quốc, Singapore và các thị trường Trung Đông khá tiềm năng.

Trong đó, Nhật Bản và Arab Saudi đã tăng kim ngạch nhập khẩu chuối gấp 10 lần trong năm 2015 - 2016; Singapore cũng nổi lên là một thị trường tiềm năng với mức gia tăng gấp 6 lần trong 2 năm qua.

Đầu ra của chuối xuất khẩu Việt Nam đang mở rộng. Tại Cà Mau, việc người dân tận dụng đất đai để trồng chuối khá hiệu quả, nhưng giá cả lại không cao và còn bấp bênh, sản phẩm chuối Cà Mau chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước với giống chuối xiêm.

Tuy nhiên, với chuối già Nam Mỹ, hiện mô hình này đang phát triển khá tốt cả về diện tích, sản lượng, chất lượng, trong đó tập trung nhiều tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, với giá xuất bình quân 7.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg.

Hiện, ngoài diện tích sản xuất tự túc, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Sản xuất chế biến gỗ Cà Mau còn liên doanh, liên kết với trên 100 hộ dân, mở rộng diện tích lên khoảng 1.000ha theo hình thức sản xuất tập trung, quy mô lớn sau khi đã có những chuyến hàng đầu tiên xuất sang thị trường Saudi Arabia thuận lợi.

Công ty cung cấp giống chuối cấy mô, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch; Nhà máy Đạm Cà Mau cung ứng phân đạm suốt trong quá trình sinh trưởng của cây chuối… Đây được xem là mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiệu quả, là ngành hàng chủ lực được địa phương đưa vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trần Nguyên

Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên Internet

Nguồn tin: VNExpress

Mày mò cách trồng dâu tây thủy canh trên Internet và tự dịch tài liệu tiếng Anh, lão nông thu về 5 tỷ đồng mỗi năm.

Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, ông Nguyễn Thanh Trúc đã gắn bó với nghề nông hơn 30 năm. Trước đây, ông trồng hoa cúc, ớt... song giá bán bấp bênh, lợi nhuận thu về không cao. Ngay cả khi thành công với dâu tây, ông cũng từng lao đao khi dâu tây Đà Lạt phải cạnh tranh gay gắt với loại quả giá rẻ Trung Quốc trà trộn vào năm 2014.

"Tôi không từ bỏ, vì tôi nghĩ mình đã dám đầu tư tiền tỷ vào mô hình này thì phải kiên trì cho đến khi mang lại hiệu quả", ông Trúc nói. Lão nông không chỉ dồn toàn bộ vốn liếng dành dụm của hai vợ chồng vào vườn dâu này, mà còn bỏ không ít tâm sức để mày mò kỹ thuật trồng thủy canh bằng tiếng Anh qua Internet.

Ông Trúc bên vườn dâu tây thủy canh. Ảnh: NVCC

Được người em trai gợi ý và hỗ trợ, đầu năm 2013, vợ chồng ông Trúc quyết định trồng thử 500m2 dâu tây để cải thiện kinh tế. Khi đó, Đà Lạt đã có nhiều nông dân trồng dâu tây thành công, hai phương pháp phổ biến là dùng đất và giá thể xơ dừa. Tuy nhiên, ông Trúc lại quyết định theo đuổi phương pháp thủy canh cho sản phẩm sạch và năng suất cao.

Trồng thủy canh không hồi lưu (thủy canh tĩnh) chỉ sử dụng xơ dừa làm giá thể, đặt cách mặt đất ít nhất 1m. Toàn bộ chất dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp qua nguồn nước nhập về từ Isarel, Đức, Hà Lan… Thay vì chọn giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như các vườn khác, ông Trúc trồng thử nghiệm giống dâu New Zealand cho quả to hơn và thơm.

Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu tiên, những cây dâu đang lên mắc bệnh. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư mà vợ chồng gom góp được từ khi ra ở riêng có nguy cơ đổ sông bỏ bể. Áp lực trắng tay khiến đầu ông Trúc bạc hơn nửa.

Những trái dâu tây New Zealand to và thơm ngon. Ảnh: NVCC

“Cái khó nhất là phải điều chỉnh lượng dinh dưỡng hợp lý, nếu không sản lượng không cao, dâu cũng không ngon”, ông Trúc nhớ lại.

Không thấy khó mà nản, ông Trúc tìm tài liệu cách trồng dâu New Zealand qua Internet. Em trai ông, một người trồng thành công dâu tây theo phương pháp thủy canh chuyển cho ông tài liệu hướng dẫn kỹ thuật do người bạn từ Mỹ gửi về. Để hiểu tài liệu, ông Trúc chịu khó tra từ điển suốt 6 tháng. Cuối cùng, ông cũng chinh phục được loại dâu nhập ngoại này.

500m2 đầu tiên của ông Trúc cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường. Ngoài ra, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên bán được giá từ 180.000 đến 250.000 đồng mỗi kg. Giữa năm 2013, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên 4.000m2. Đầu ra ổn định, dâu tây sạch của ông được nhiều siêu thị và cửa hàng đặt mua.

Song đến giữa năm 2014, thị trường bất ổn, dâu Trung Quốc trà trộn vào và đội lốt dâu Đà Lạt khiến giá giảm mạnh. Chi phí bỏ ra nhiều mà thu về ít, nông dân lỗ nặng. Tuy nhiên, ông Trúc vẫn quyết bám vườn dâu. Tới cuối năm 2014, giá tăng lại khoảng 200.000-250.000 đồng mỗi kg không phụ lòng người trồng trọt.

Bên cạnh đó, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn để quảng bá sản phẩm. Gia đình bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua thương lái, giảm được chi phí trung gian.

Hiện vườn dâu có sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm, mang về thu nhập 5 tỷ đồng cho gia đình ông Trúc. Thị trường tiêu thụ ban đầu ở Lâm Đồng, sau đó mở rộng ra TP HCM, Huế, Hà Nội.

Thanh Thủy

Gò Dầu (Tây Ninh): Tập trung mở rộng diện tích cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Năm 2016, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Gò Dầu (Tây Ninh) là 1.393 ha. Trong đó nhiều nhất là cây nhãn, với 538 ha; kế đến là sầu riêng 222 ha, thanh long ruột đỏ 102 ha, xoài 89 ha; còn lại là một số cây trồng khác như chôm chôm, mít, vú sữa, quýt, chanh... có diện tích mỗi loại từ 50-80 ha.

Trong số các loại cây ăn quả, cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nhất.

Dự kiến đến năm 2020 huyện Gò Dầu có 350 ha vườn sầu riêng.

Theo Kế hoạch thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND huyện Gò Dầu, huyện sẽ rà soát lại những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây sầu riêng, nhãn để mở rộng diện tích trồng.

Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây sầu riêng là 350 ha, nhãn 800 ha; tập trung ở các xã Bàu Đồn, Phước Đông, Phước Thạnh. Các loại cây ăn quả khác như thanh long, chôm chôm, xoài, mít và cây có múi phát triển theo vùng quy mô cánh đồng lớn, đáp ứng chế biến, tăng diện tích mỗi chủng loại lên 200 ha.

Huyện cũng sẽ cơ cấu lại giống và chủng loại cây ăn quả phù hợp với thị hiếu và nhu cầu tiêu thụ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo năng suất và chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trong tương lai.

Triển khai chuỗi sản xuất gắn liền với tiêu thụ, phát triển vùng nguyên liệu trồng cây ăn quả phục vụ nhà máy chế biến rau củ quả đặt tại xã Thạnh Đức.

N.H

Giá bán nhãn tại vườn từ 20-35 nghìn đồng/kg

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, với hơn 2 nghìn ha nhãn tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam và Tân Yên, năm nay sản lượng nhãn toàn tỉnh ước đạt gần 8 nghìn tấn, giảm một nửa so với năm ngoái.

Vườn nhãn tại xã Hợp Đức (Tân Yên).

Nguyên nhân do có những biến động lớn về thời tiết như nắng nóng kéo dài, rét đến muộn dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng và phát triển của nhãn. Cùng đó, thời điểm nhãn ra hoa, đậu quả non lại gặp hạn nên tỷ lệ đậu quả thấp, sản lượng ít.

Được biết, hiện nay một số vườn nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, giá tại vườn dao động từ 20-35 nghìn đồng/kg (tùy từng giống).

Trịnh Lan

Triển vọng của mô hình trồng nấm linh chi đỏ

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Thời gian gần đây, mô hình trồng nấm linh chi đỏ Nhật Bản của gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) được nhiều người đến tham quan, học hỏi.

Đây là mô hình trồng nấm linh chi đầu tiên của huyện bước đầu đã cho những kết quả khả quan.

Đầu năm 2017, chị Tâm được tham gia lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm linh chi đỏ của Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar. Từ đó, chị bắt đầu say mê những tai nấm màu đỏ, sau khi tìm hiểu về thị trường, nhận thấy đây là cây trồng được khách hàng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, chị đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua các thiết bị như nồi áp suất, hệ thống phun sương, giống và các phụ phẩm để trồng nấm. Được biết, những ngày đầu mới bắt tay vào trồng, chị Tâm đã gặp không ít khó khăn, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều phôi nấm đã bị bệnh mốc vàng, mốc xanh, nấm dại phát triển… khiến chị chán nản và định từ bỏ công việc này. Tuy nhiên, nhờ được hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Trung tâm và chịu khó tìm hiểu, đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng nấm linh chi đỏ ở Đà Lạt nên những trở ngại ban đầu dần được tháo gỡ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm đang phơi nấm.

Theo chị Tâm, nấm linh chi tương đối dễ trồng, không tốn nhiều diện tích, có thể tận dụng được không gian trong nhà. Để nấm phát triển đều, to và không nhiễm bệnh thì phải tuân thủ nghiêm túc các quy trình mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn như: khu trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng, một ngày tưới từ 1-3 lần, nhiệt độ từ 28–31oC, nền nhà phải phủ một lớp cát mỏng khoảng 1 cm để duy trì độ ẩm cho cây nấm phát triển tốt. Ngoài ra, xung quanh nhà xưởng cần dùng lưới che chắn để ngăn chặn các côn trùng xâm nhập, gây hại cho nấm. Nguyên liệu chính dùng để trồng nấm là mùn cưa được ủ với nước vôi, sau 15 ngày thì lấy ra hấp tiệt trùng bằng lò áp suất. Từ thời điểm cấy phôi nấm, sau 4 tháng là có thể thu hoạch, sau khi thu hoạch lần 1 những nguyên liệu này lại được hấp tiệt trùng và tiếp tục chăm sóc để thu hoạch đợt nấm thứ 2, nấm sau khi thu hoạch phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40-45oC.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, trong đợt thu hoạch đầu tiên, với diện tích 100 m2, quy mô 18.000 bịch phôi, gia đình chi Tâm đã thu gần 300 kg nấm tươi, tương đương với trên 180 kg nấm khô. Với giá bán ngoài thị trường khoảng 600 ngàn đồng/kg nấm khô, sau khi trừ hết chi phí, gia đình chị đã lãi trên 100 triệu đồng, so với các loại nấm khác như nấm bào ngư, nấm sò, nấm mèo thì lợi nhuận của nấm linh chi đỏ cao gấp 5-6 lần. Hiện tại, chị Tâm đang tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 10.000 bịch phôi, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình.

Ông Trương Bảy, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, nấm linh chi đỏ là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, suy nhược thần kinh, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể nên còn được sử dụng để ngăn ngừa ung thư và hỗ trợ điều trị sau khi hóa trị, xạ trị… Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ mới có 6-7 hộ trồng mô hình này, trong thời gian tới huyện sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn, để nông dân tiếp cận với kỹ thuật trồng nấm linh chi đỏ. Đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để mô hình phát triển bền vững.

Như Quỳnh

Ngô lai trên đất lúa không chủ động nước

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

Mô hình sản xuất thử nghiệm giống ngô lai chịu hạn LVN 5885 trên đất lúa không chủ động nước vụ xuân hè 2017 do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP. Đà Nẵng phối hợp với xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) thực hiện bước đầu đạt hiệu quả. Hiện nay, bà con nông dân tiếp tục trồng vụ hè thu để nhân rộng mô hình.

Bà Nguyễn Thị Hảo và Đoàn Thị Được đang xới cỏ, chăm sóc ruộng ngô.

Trên cánh đồng ngô lai trồng thử nghiệm tại thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn, bà Nguyễn Thị Hảo (60 tuổi), một trong 11 hộ dân được chọn trồng thử nghiệm cho biết: “Trước đây, một số hộ dân ở địa phương đã trồng ngô (thường) nhưng chủ yếu là tự phát và sản xuất theo kinh nghiệm, chưa được hướng dẫn kỹ thuật. Hiện nay, với đề tài này, các hộ dân địa phương được hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình chặt chẽ từ khâu chọn giống, đến chăm sóc, bón phân, thu hoạch... Do đó, bà con nông dân có điều kiện nắm bắt và áp dụng khoa học kỹ thuật tốt hơn vào trồng trọt. Trồng ngô dễ hơn trồng lúa nhiều, ít tốn công chăm sóc, thu hoạch nhanh mà giá thành gần tương đương. Trong vụ xuân hè 2017, thấy những bắp ngô to, tròn, chắc nịch, bà con phấn khởi lắm”.

Tay thoăn thoắt cuốc xới từng lớp cỏ mụn trên bề mặt ruộng ngô, bà Đoàn Thị Được (55 tuổi) cho biết thêm: “Đây vốn là đất nông nghiệp nhưng do thiếu nước, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, có năm bỏ hoang. Lúc đầu, bà con ngại làm, nhưng sau được sự quan tâm của Sở KHCN, các cán bộ thực hiện đề tài cũng như chính quyền địa phương, bà con mạnh dạn sản xuất. Hiệu quả trồng trọt trước mắt thấy rõ nên bà con phấn khởi. Về lâu dài, chúng tôi mong chính quyền xã đầu tư thêm giếng nước tưới vào những thời điểm thời tiết khắc nghiệt nhất nhằm hỗ trợ người dân, chứ để đất bỏ hoang cũng phí”.

Giống ngô lai chịu hạn LVN 5885 được trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha/vụ và 500m2 đất trồng giống LVN 10 - giống trước đây một số hộ dân địa phương đã sản xuất - để làm đối chứng. Để thực hiện đề tài này, thành phố hỗ trợ giống, phân, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật (nếu có sâu bệnh) cho các hộ tham gia đề tài, người dân chỉ cần có đất và đối ứng công lao động. Bà Đinh Thị Hoa Mỹ, Phó chủ nhiệm đề tài cho biết: “Giống ngô lai LVN 5885 đã được Viện Nghiên cứu ngô (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) sản xuất và thử nghiệm thành công tại một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Tại Đà Nẵng, chúng tôi ứng dụng đề tài này với mong muốn góp phần tăng thu nhập cho bà con. Theo hợp đồng ký kết, đề tài triển khai sản xuất thử nghiệm giống ngô LVN 5885 chịu hạn vào vụ đông xuân 2016-2017 và hè thu 2017, nhưng do từ tháng 12-2016 đến tháng 1-2017, thời tiết mưa kéo dài khiến việc triển khai thử nghiệm chậm trễ, thời vụ sản xuất phải kéo dài qua vụ xuân hè. Song, không vì thế mà năng suất, chất lượng giảm. Vụ xuân hè vừa qua, trong số 11 hộ dân, 9 hộ có năng suất đều đạt trên 65 tạ/ha. Tuy nhiên, có 2 hộ sản xuất trên đất đã bị lấy đi tầng đất mặt nên năng suất chỉ đạt 51-52 tạ/ha, kéo năng suất trung bình xuống 63,1 tạ/ha, so với năng suất đăng ký là 65 tạ/ha. Với giá thị trường khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg, ước tính doanh thu đạt khoảng 42-48 triệu đồng/ha/vụ”.

Hiện nay, xã Hòa Nhơn có 15ha đất lúa không chủ động nước từ tháng 3 đến tháng 11 hằng năm nên bỏ trống không sản xuất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn nhìn nhận, trước tình trạng hạn hán ngày càng gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, chúng tôi chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp từ đất sản xuất đòi hỏi sử dụng nhiều nước sang trồng các cây trồng cạn. Việc trồng thử nghiệm thành công giống ngô lai chịu hạn tại thôn Diêu Phong đã giúp người nông dân tìm ra cây trồng phù hợp tại khu đất vốn bỏ hoang này.

Việc triển khai sản xuất thử nghiệm giống ngô LVN 5885 chịu hạn không những giúp người nông dân cải thiện đời sống, mà còn giúp họ tiếp cận và nắm vững kỹ thuật sản xuất giống ngô mới để tiếp tục sản xuất những năm sau. Sắp tới, UBND xã Hòa Nhơn có kế hoạch nhân rộng mô hình tại các diện tích đất bỏ trống không sản xuất được do thiếu nước. Đồng thời, UBND huyện Hòa Vang cũng sẽ xem xét triển khai rộng rãi trên địa bàn huyện nhằm giúp tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông hộ tại địa phương.

Thanh Tình

Mưa làm lúa đổ ngã hàng loạt tại ĐBSCL

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu tại ĐBSCL, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 12- 15 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hiện nay, tại một số tỉnh, mưa lớn đổ xuống liên tục khiến nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã, tiến độ thu hoạch chậm và có nguy cơ thất thoát.

Mưa làm nhiều diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL bị đổ ngã

Chiều 17-7, Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cho biết nông dân trong huyện đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu năm 2017. Đến nay toàn huyện đã thu hoạch hơn 6.000 ha/25.000 ha lúa hè thu, năng suất từ 5,5-6 tấn/ha. Hiện thương lái mua lúa tươi loại thường tại ruộng từ 4.800- 4.900 đồng/kg, lúa tươi hạt dài 5.200 - 5.400 đồng/kg, lúa thơm 5.600 - 5.800 đồng/kg… Với giá này, sau khi trừ chi phí nông dân còn lãi từ 12- 15 triệu đồng/ha.

Tại các tỉnh Long An, Vĩnh Long, An Giang… nhiều nông dân cũng khẩn trương thu hoạch lúa hè thu. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), những ngày qua nông dân ĐBSCL thu hoạch hơn 600.000 ha lúa hè thu, năng suất lúa đạt khoảng 5,9 tấn/ha và giá tương đối cao nên đảm bảo có lãi nhiều.

Tuy nhiên, hiện nay mưa liên tục khiến nhiều diện tích lúa hè thu bị đổ ngã, gây khó khăn cho tiến độ thu hoạch và có nguy cơ thu hoạch thất thoát. Ông Trương Tấn Được, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) lo lắng: “Mưa quá nhiều khiến cho 600 ha lúa hè thu ở các xã Tân Long, Chánh Hội, Nhơn Phú… bị đổ ngã, gây thiệt hại cho nông dân từ 30-40% năng suất. Bên cạnh đó, nhiều trà lúa bị ngập sâu trong nước sẽ rất khó cho máy liên hợp hoạt động, trong khi nhân công thu hoạch lúa bằng tay thì khan hiếm, dù giá rất cao…”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,7 triệu tấn, giá trị gần 1,2 tỷ USD; giá xuất khẩu trung bình đạt 444,6 USD/tấn. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 43% thị phần.

Nguyễn Thanh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop