Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 10 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 10 năm 2020

Phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch nâng cao nhu nhập người dân

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Theo UBND huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), toàn huyện có hơn 7.000ha cây ăn trái, trong đó nhiều loại trái cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như: quýt hồng, quýt đường, cam, bưởi…) với tổng giá trị sản xuất chiếm gần 60% giá trị toàn ngành nông nghiệp địa phương.

Điểm tham quan "Bá Chuốt" thu hút du khách với các dịch vụ trải nghiệm

Huyện triển khai thực hiện phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch trên địa bàn, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo đúc kết bài học kinh nghiệm qua nghiên cứu thực tế, tham quan học tập kinh nghiệm nhiều địa phương khác có mô hình phát triển du lịch đạt hiệu quả cao… nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế vườn cũng như thu nhập của người dân.

Tính đến nay, huyện Lai Vung có 7 điểm tham quan vườn cây ăn trái như: “Bá Chuốt”, “Hai Kiệt”, “Lan Anh”, “Ba Vững”, vườn mận “Hoà Thành”, “Út Hớn”, “Hưng Phát”. Riêng lúc cao điểm có 9 điểm, nhưng do ảnh hưởng bệnh vàng lá thối rễ có 2 điểm ngưng hoạt động vì không đủ điều kiện theo quy định. Các điểm tham quan tổ chức các động: phục vụ du khách ngắm vẽ đẹp của trái cây vào thời điểm chín rộ, tham quan cùng thu hoạch trái cây, bơi xuồng, câu cá, đi cầu khỉ, phục vụ ăn uống…

Cũng theo UBND Lai Vung, một số nhà vườn trên địa bàn mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật để xử lý cho trái nghịch vụ, cho trái xen kẽ các tháng trong năm (phân chia khu vực hoặc tách liếp cho trái rãi vụ) nhằm kéo dài thời gian phục vụ khách trong năm. Kết quả từ năm 2016 đến nay, địa phương đón trên 145.000 lượt khách với tổng doanh thu đạt trên 43 tỷ đồng.

Ngọc Tâm

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long

Nguồn tin: Báo Long An

Hiện, Long An có gần 2.100ha thanh long sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Hiện toàn tỉnh có gần 2.100ha thanh long sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Trong đó, xây dựng mô hình điểm, diện tích gần 842ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm,...

Thông qua mô hình, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón cho thanh long. Mô hình đã từng bước hướng dẫn nông dân quen dần với việc sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học trong quá trình sản xuất thanh long nhằm cải tạo đất, tăng cường hoạt động của rễ giúp hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý một số nấm bệnh vùng rễ, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, sản xuất theo hướng VietGAP và làm cơ sở để tiến đến đạt chứng nhận VietGAP.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, đơn cử như mô hình tưới nước tiên tiến giúp người dân tiết kiệm được 50 - 80% công tưới và điện năng tiêu thụ, tiết kiệm 10 - 40% lượng phân bón, tiết kiệm lượng nước sử dụng nhưng lại tăng hiệu quả hấp thu, hiệu suất phân bón, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sử dụng. Ước tính khi thực hiện mô hình tưới tiết kiệm, nông dân giảm chi phí công lao động, nước tưới, điện năng tiêu thụ, phân bón khoảng 2 - 4 triệu đồng/ha/tháng. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều mô hình tưới, chưa xác định mô hình nào chuẩn, giá thành thấp để nhân rộng.

Mô mình điểm trình diễn máy băm cành và ủ phân hữu cơ từ cành nhánh thanh long có tác động tốt trong việc vệ sinh vườn tược và quản lý nguồn bệnh từ nguồn xác bã cành nhánh, sử dụng chế phẩm sinh học phân hủy tốt xác bã hữu cơ, sau đó được sử dụng bón lại cho cây thanh long. Mô hình đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, tuy nhiên, việc thực hiện đòi hỏi tốn nhiều công lao động.

Trong thời gian qua, huyện Châu Thành phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai thực hiện 3 mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ tại HTX Thanh Phú Long với diện tích 0,5ha; 1 mô hình tại xã Phú Ngã Trị diện tích 0,9ha; 1 mô hình tại xã Dương Xuân Hội 0,4ha.

Qua triển khai thực hiện mô hình cho thấy hiệu quả bước đầu của sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ tương đối rõ nét, trong suốt quá trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm, phân khoáng và các loại chế phẩm sinh học để bón cho thanh long./.

Lê Đức

Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Nguồn tin:  Báo Thái Bình

Với nghị lực, cố gắng và quyết tâm vượt khó, ông Trần Xuân Lịch ở thôn Bích Kê, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã đầu tư mô hình trang trại tổng hợp, mỗi năm thu lợi nhuận trên 350 triệu đồng.

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Trần Xuân Lịch cho lợi nhuận bình quân hơn 350 triệu đồng/năm.

Năm 2005, ông Lịch đấu thầu trên 10 mẫu đất của các hộ dân và của xã đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trong đó có 2 ao nuôi cá diện tích trên 5 mẫu. Ông đầu tư 1 ao ươm cá giống và 1 ao cá thương phẩm. Toàn bộ diện tích ven ao trồng chuối tiêu hồng, bưởi, đào, quất cảnh và các loại hoa để bán vào dịp tết Nguyên đán. Ngoài ra, ông còn xây dựng hơn 1.200m2 chuồng trại để nuôi chim bồ câu thương phẩm và sinh sản. Theo ông Lịch, khó khăn nhất với gia đình ông khi khởi nghiệp là thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên gặp rủi ro, có năm bị thua lỗ. Nhưng chính những thất bại ban đầu ấy đã giúp ông đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho quá trình chăn nuôi sau này.

Những năm tiếp theo, hiệu quả chăn nuôi từ trang trại tăng dần. Năm 2015, gia đình ông Lịch thu về hơn 200 triệu đồng lợi nhuận, năm 2016 tăng lên 350 triệu đồng và 500 triệu đồng năm 2018. Để nâng cao hiệu quả mô hình, ông Lịch dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức, tham gia sinh hoạt hội sinh vật cảnh, hội làm vườn... học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, ông cũng chủ động đọc sách báo, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, tìm mua những giống chim, cá, vịt, gà có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm qua, các loại cây trồng, con vật nuôi trong trang trại của ông Lịch sinh trưởng và phát triển ổn định cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, ông Lịch đã mở rộng quy mô trang trại lên hơn 3,8ha với hơn 2.000 gốc chuối tiêu hồng và chuối tây, hàng trăm cây quất cảnh, vườn cây, ao cá đem về lợi nhuận bình quân hơn 350 triệu đồng/năm. Mặc dù năm 2019 đàn lợn của gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng doanh thu của gia đình ông Lịch vẫn giữ ở con số hơn 300 triệu đồng. Chính việc chăn nuôi bảo đảm kỹ thuật và nghiêm chỉnh chấp hành mọi biện pháp an toàn trong chăn nuôi đã giúp gia đình ông vượt qua khó khăn do dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Ông Lịch chia sẻ: Với khối lượng công việc nhiều nên tôi phải thuê thêm 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Những ngày cuối năm hay khi thu hoạch tôi phải thuê đến cả chục lao động thời vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu mua hàng của khách. Nhờ có mô hình tổng hợp này mà đời sống gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn, vợ chồng tôi có điều kiện tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ một số hộ nghèo trong xã có việc làm ổn định hơn, tham gia cùng nhân dân hiến đất, ủng hộ tiền làm đường giao thông nông thôn.

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền ông Trần Xuân Lịch được hội nông dân các cấp khen thưởng vì đã có những đóng góp tích cực trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông cũng là 1 trong 90 điển hình được nhận bằng khen của UBND tỉnh tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Bình lần thứ VII. Ông Trần Quang Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quốc Tuấn đánh giá: Hội viên nông dân Trần Xuân Lịch là người mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, là một trong những tấm gương đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Bản thân ông Lịch luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, của tổ chức hội. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với gia đình ông Lịch để tổ chức cho hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm, từ đó có thêm kiến thức đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tiến Đạt

Tiền Giang: Trồng lúa hữu cơ xuất khẩu trên địa bàn huyện Gò Công Tây

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Gò Công Tây là huyện nằm ở phía Đông tỉnh Tiền Giang, có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Với hàng chục ngàn ha diện tích đất canh tác lúa mỗi năm 03 vụ, địa phương được xem là vựa lúa gạo hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu của tỉnh. Để phát huy tiềm năng và lợi thế này, huyện hướng nông dân thay đổi tập quán canh tác, tuyển chọn giống tốt, giống đặc sản và ứng dụng khoa học - công nghệ đầu tư thâm canh, nhằm tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao xuất khẩu.

Tham quan mô hình trồng lúa hữu cơ tại huyện Gò Công Tây.

Trồng lúa hữu cơ gắn với doanh nghiệp bao tiêu, giải quyết đầu ra đã giúp cho nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất được địa phương triển khai gần đây là mô hình mới, đang mở ra hướng phát triển bền vững cho cây lúa và nghề trồng lúa tại huyện Gò Công Tây hôm nay.

Ông Mai Đức Tấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Gò Công Tây quan tâm đến công tác khuyến nông, khuyến khích nông dân chú trọng chuyển đổi từ trồng lúa thường sang trồng giống lúa chất lượng cao xuất khẩu mà chủ lực là giống VD 20 đặc sản, hướng bà con áp dụng kỹ thuật canh tác theo "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", sản xuất theo quy trình trồng lúa hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường, môi sinh kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng dẫn dụ thiên địch theo mô hình công nghệ sinh thái phòng, chống rầy nâu gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá,...

Với định hướng như thế, huyện Gò Công Tây đã mở rộng diện tích vùng trồng lúa VD 20 đặc sản lên khoảng 2.500 ha canh tác mỗi năm 03 vụ, chiếm tỷ lệ trên 25% tổng diện tích canh tác toàn huyện. Đây cũng là địa phương có vùng canh tác giống VD 20 tập trung lớn nhất của tỉnh Tiền Giang. Lúa giống VD 20 chất lượng cao, có nhiều ưu điểm như dẻo, thơm, được thị trường ưa chuộng nên luôn bán được giá cao.

Bên cạnh đó, địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tính, nông dân an tâm đẩy mạnh thâm canh theo khoa học - công nghệ. Đi đầu có các doanh nghiệp như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK, Doanh nghiệp Hai Thanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinh Hiển, Doanh nghiệp Hoàng Thiện,... trên diện tích liên kết theo mô hình Cánh đồng lớn lên đến khoảng 2.500 ha đến 3.000 ha/năm.

Theo ông Mai Đức Tấn, đặc biệt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK còn xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao kỹ thuật canh tác, định hướng nông dân trồng lúa VD 20 theo quy trình hữu cơ, nâng cao giá trị hạt gạo và mạnh mẽ thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính. Tại huyện Gò Công Tây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK hợp đồng liên kết với nông dân thực hiện khoảng 100 ha lúa hữu cơ tại 02 xã Đồng Thạnh và Vĩnh Hựu đạt chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu.

Lúa VD 20 hữu cơ theo mô hình liên kết sản xuất được Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK bao tiêu với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg không chỉ bảo đảm thu nhập cho bà con mà còn là động lực để nông dân gắn kết doanh nghiệp nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của hạt gạo trên thị trường xuất khẩu nói chung. Từ thành công bước đầu kể trên, dự kiến trong vụ Đông xuân năm 2020 - 2021, huyện Gò Công Tây sẽ mở rộng vùng trồng lúa VD 20 theo quy trình hữu cơ lên gấp đôi hiện nay, khoảng 200 ha tập trung tại các xã trọng điểm như: Đồng Thạnh, Vĩnh Hựu, Bình Phú và Bình Nhì.

Là người nhiều năm tiên phong hưởng ứng phong trào trồng lúa hữu cơ đạt kết quả cao, ông Cao Hồng Tiết, cư ngụ tại ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây chia sẻ: Được sự hướng dẫn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật của cán bộ khuyến nông địa phương, ông chuyển từ trồng lúa thường sang canh tác giống VD 20 đặc sản, chất lượng cao nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang trên diện tích canh tác 02 ha đồng thời áp dụng quy trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" trong sản xuất. Đặc biệt, chỉ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ hoặc chế phẩm sinh học đảm bảo an toàn cho sức khỏe và không gây ô nhiễm môi trường. Trên bờ ruộng, ông trồng thêm các loại hoa có màu sắc sặc sỡ, đẹp như: Sao nhái, Xuyến chi..., tạo cảnh quan cho làng quê ra dáng nông thôn mới, vừa dẫn dụ thiên địch có ích, bảo vệ cây trồng. Hơn nữa, lúa trồng theo quy trình hữu cơ mà ông áp dụng còn được Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK bao tiêu với giá cao hơn thị trường bình quân 200 đồng/kg. Gia đình ông rất phấn khởi bởi an tâm về đầu ra và lợi nhuận mang lại cao hơn hẳn trước đây. Trong vụ Hè thu năm 2020, với năng suất thu hoạch khoảng 50 tạ/ha, giá bán lên đến 8.400 đồng/kg, ông thu khoảng 84 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo gương ông Tiết, cánh đồng hàng trăm ha ở xã Đồng Thạnh nhiều năm nay chuyển sang trồng lúa VD 20 hữu cơ xuất khẩu.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn HK cho biết, cùng với chuyển giao quy trình công nghệ canh tác theo hướng hữu cơ an toàn cho sức khỏe và đảm bảo môi sinh, môi trường, tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu, trong năm 2020, doanh nghiệp cũng đã đăng ký và được công nhận thương hiệu gạo VD 20 - đặc sản Gò Công đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 02 sao. Kết quả trên mang lại niềm vui lớn không chỉ cho những nông dân quanh năm vất vả, nhọc nhằn với cây lúa quê hương mà còn cả những doanh nhân tâm huyết, các cấp, các ngành.

Đây cũng là bước tiến mới trên đường xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đặc sản của huyện Gò Công Tây nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung. Qua đó, thiết thực đưa nghề trồng lúa tại đây phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững với sự chung tay của các nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp cùng các cơ quan hữu quan vì nông nghiệp, nông thôn đổi mới và nông dân giàu có, ấm no.

Minh Trí

Làng rau Bàu Tròn trắng tay sau lũ

Nguồn tin: VOV

Mới qua dịch bệnh lại đến mưa lũ kéo dài khiến vùng rau chuyên canh lớn nhất tỉnh Quảng Nam thất thu, nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay.

Làng rau Bàu Tròn, xã Đại An, huyện Đại Lộc là một trong những vùng rau chuyên canh lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Đợt mưa lũ vừa qua, vùng rau Bàu Tròn ngập nặng.

Khi lũ rút đi để lại những cánh đồng xơ xác. Các loại rau, đậu, đu đủ chưa kịp xuất bán đã bị lũ cuốn trôi. Bà Trần Thị Huệ, ở thôn 2, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nói, công đầu tư phân bón cho vườn rau mất hàng chục triệu đồng, giờ coi như trắng tay.

“Đợt lũ lụt vừa rồi quá lớn, gia đình trồng đu đủ, bắp, dưa leo nên mất trắng. Trước đó đu đủ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covod-19 nên không bán được, rơi rụng đầy gốc nên gia đình rất khó khăn. Giờ gia đình mong muốn lãnh đạo ở trên quan tâm cho dân lúc khó khăn này giúp giống cây trồng để làm lại”, bà Huệ bày tỏ.

Năm nay vừa hết dịch lại đến lụt, Bà Phan Thị Đác hết cả vốn liếng đầu tư.

Mưa lũ qua đi, nhiều nông dân tại huyện Đại Lộc lâm cảnh khó khăn. Bà Phan Thị Đác, ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong 2 đợt dịch Covid-19, toàn bộ rau, củ bán không được, giá rớt thê thảm, giờ vườn rau ngập lụt không còn gì. Những năm trước, nếu không dịch bệnh, mưa lũ, vườn rau của bà thu lãi chừng 30 chục triệu đồng/vụ. Năm nay vừa hết dịch lại đến lũ lụt khiến bà Đác mất hết cả vốn liếng đầu tư.

“Nếu không lụt rau màu cho thu hoạch được vài chục triệu đồng, nhưng lụt vào khiến cây bị ngập chết hết. Vừa rồi cách ly do dịch Covid-19 rau đã không bán được, nay lũ về rau màu chết hoặc bị bùn bám vào cũng không bán được”, bà Đác than thở.

Cánh đồng rau Bàu Tròn ở xã An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua làm toàn bộ rau màu bị ngập nặng.

Ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong đợt lũ vừa qua trên địa bàn huyện Đại Lộc nước ngập sâu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp.

“Các đồng hoa màu ở Bàu Tròn nằm ven sông bình thường đem lại thu nhập lớn cho bà con. Qua đợt lũ lớn cây hoa màu bị thiệt hại rất nặng, xem như mất trắng. Huyện đang chỉ đạo các xã thống kê thiệt hại để lên phương án hỗ trợ cho bà con”, ông Vũ cho hay./.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang): Hơn 652ha lúa hè thu bị thiệt hại do mưa bão

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Ngày 16-10, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cho biết, những ngày qua đã có hơn 652ha lúa hè thu trên địa bàn huyện bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão, trong đó xã Vĩnh Bình Bắc 345ha, xã Bình Minh 55ha bị thiệt hại từ 30 - 70%; xã Vĩnh Bình Nam hơn 6ha, xã Vĩnh Phong 60ha, xã Tân Thuận hơn 185ha, bị thiệt hại hơn 70%.

Lúa trên nền tôm của nông dân thị trấn Vĩnh Thuận bị thiệt hại do ngập nước.

Ngoài ra, diện tích sản xuất lúa trên nền tôm, thị trấn Vĩnh Thuận 29ha, xã Bình Minh hơn 90ha, xã Tân Thuận hơn 11ha, thị trấn Vĩnh Thuận 1,5ha; sản xuất lúa đông xuân diện tích lúa bị thiệt hại hơn 20ha tại xã Bình Minh, thiệt hại 100%.

Sản xuất rau màu tại xã Tân Thuận với diện tích hơn 6ha bị thiệt hại 70%, xã Vĩnh Bình Nam và thị trấn Vĩnh Thuận có 4,7ha thiệt hại 100%.

Số nhà dân bị ngập nước tại xã Tân Thuận là 834 nhà, xã Bình Minh có 182 nhà chưa ghi nhận mức độ thiệt hại.

Hiện có hơn 1.900ha lúa trên nền tôm đang bị ngập nhưng chưa xác định mức độ thiệt hại là xã Vĩnh Phong, xã Tân Thuận và thị trấn Vĩnh Thuận. Đối với diện tích lúa hè thu bị ngập chưa xác định thiệt hại là hơn 1.300ha, gồm các xã: Vĩnh Bình Bắc, Bình Minh và Vĩnh Bình Nam.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đồng thời đảm bảo việc sản xuất có hiệu quả, người dân cần nên gia cố bờ bao chắc chắn, xây dựng bờ bao trên lúa hai vụ để chủ động trong bơm tát, tránh ngập úng như vừa qua.

Diễm Trang

Anh Đặng Hồng Phúc: Thanh niên vượt khó làm giàu từ mô hình nuôi thỏ

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Với sức trẻ, ham học hỏi, năng động, dám nghĩ, dám làm và chịu khó, anh Đặng Hồng Phúc, ngụ ấp Bình Hạnh, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã không ngừng học tập, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi thỏ thịt và thỏ giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi thỏ của anh Đặng Hồng Phúc.

Anh Phúc bén duyên nghề nuôi thỏ cách đây 05 năm, do tình cờ nói chuyện với bạn bè, anh nhận thấy rằng nghề nuôi thỏ có thể "phất" lên được, vậy là anh quyết tâm tìm hiểu, học hỏi, rồi quyết định chọn nghề nuôi thỏ để phát triển kinh tế gia đình. Khởi nghiệp từ 20 con thỏ giống, anh Phúc đầu tư xây dựng chuồng trại để bắt đầu nuôi thỏ. Để nắm vững kỹ thuật, anh Phúc tìm hiểu trên các trang mạng, kể cả từ kinh nghiệm những người nuôi trước và tự mình đúc kết kinh nghiệm qua thời gian chăn nuôi của mình.

Đàn thỏ của anh Phúc chủ yếu là thỏ Pháp và thỏ New Zealand, đây là giống có nhiều ưu điểm như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, vóc dáng lớn, sinh sản đều, thịt thơm ngon, trung bình một con thỏ mẹ giống New Zealand đẻ được từ 06 - 08 lứa/năm, khoảng 06 - 08 con/lứa. Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng hơn 04 tháng sẽ trở thành thỏ thịt, với trọng lượng trung bình khoảng 02kg là có thể xuất bán được.

Sau bao năm tâm huyết với nghề nuôi thỏ, đến nay, gia đình anh Phúc đã sở hữu đàn thỏ trên 250 con, trong đó có trên 50 con thỏ giống, 100 con thỏ thịt và trên 100 con thỏ con 01 tháng tuổi chuẩn bị cung cấp con giống ra thị trường.

Hiện nay, thịt thỏ trên thị trường rất được ưa chuộng, nên giá cả bình ổn. Hàng tháng, anh Phúc chiết lấy thỏ thịt để bán ra thị trường, với giá bán khoảng 85.000 đồng/kg. Theo anh Phúc, kỹ thuật nuôi thỏ không khó, quan trọng là chịu khó học hỏi, tìm tòi, chia sẻ những kỹ thuật chăn nuôi từ những người nuôi với nhau để đúc kết kinh nghiệm, có sự cố gắng, không nản lòng khi gặp khó khăn để tích lũy dần kinh nghiệm và nhân rộng đàn.

Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Phúc luôn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn các hộ dân trong và ngoài xã, thậm chí là ở các tỉnh lân cận khi có nhu cầu mua con giống, thiết bị làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình nuôi. Ngoài ra, anh Phúc còn bao tiêu sản phẩm đầu ra cho mọi người và cung cấp nguồn thức ăn cho thỏ với giá cả hợp lý. Hiện tại, mỗi tháng, anh xuất ra thị trường khoảng 100 con thỏ, cộng với việc cung cấp thỏ giống, sau khi trừ chi phí thu về khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Anh Đỗ Duy Tân, Bí thư Xã Đoàn Long Bình Điền nhận xét: "Bằng hoài bão của tuổi trẻ, tích cực sản xuất, anh Đặng Hồng Phúc, một thanh niên vượt khó, từng bước thay đổi cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định hơn. Thành công từ mô hình nuôi thỏ của gia đình anh còn mở ra hướng đi mới cho nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã học tập, làm theo, góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp".

Bình Yên - An Khương

Lâm Đồng hơn 3.000 hộ chăn nuôi lợn chưa thể tái đàn sau dịch

Nguồn tin: VOV

Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Lâm Đồng đã được khống chế, nhưng do nhiều lý do, nhất là về nguồn vốn, hơn 3.000 hộ chăn nuôi lợn chưa thể tái đàn sau dịch. Sau khi đàn lợn gần 200 con bị tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình bà Nguyễn Thị Tân ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà gặp rất nhiều khó khăn để tái đàn. Bà Tân cho biết, giá lợn giống tăng cao khiến gia đình không dám nuôi vì sợ mua trúng lợn không đảm bảo chất lượng, dễ phát sinh dịch bệnh.

“Đàn lợn chết hết rồi gây khó khăn cho gia đình trong việc trả nợ. Vốn của tôi mất khoảng 500 triệu. Bây giờ tôi đang muốn tái đàn nhưng không biết phải làm sao” - bà Tân nói.

Tương tự tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng nơi có hơn 160 hộ nuôi lợn đến nay cũng trong tình trạng không mua được lợn giống để tái đàn. Theo thống kê, đến nay toàn xã mới chỉ tái đàn được 15.300 con bằng một nửa so với trước dịch.

Một số chuồng chăn nuôi lợn được chủ hộ tận dụng nuôi vịt.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết, hiện nay, do nguồn giống cung cấp tại chỗ khan hiếm, giá lợn giống từ các cơ sở giống lại quá đắt nên nhiều hộ chăn nuôi sợ rủi ro chấp nhận bỏ trống chuồng trại.

“Địa phương đã khuyến cáo đối với những trường hợp đủ điều kiện thì nên tái đàn. Bên cạnh đó, xuất xứ ngồn gốc con giống phải có mẫu xét nghiệm đạt chất lượng thì mới cho tái đàn để tránh việc bùng phát lại dịch bệnh ảnh hưởng đến bà con” - ông Vũ nói.

Theo ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có hơn 10.000 hộ và 305 trang trại chăn nuôi lợn. Qua thống kê ngành chăn nuôi do tình trạng lợn giống khan hiếm đang khiến hơn 3.000 hộ chăn nuôi không thể tái đàn.

“Dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị do đó khi nhiễm bệnh tỷ lệ chết khá lớn lên đến 100%. Song song với kiểm soát dịch bệnh thì hiện tại tình trạng cung ứng con giống trên thị trường cả nước cũng như tỉnh Lâm Đồng hết sức khó khăn, do nguồn cung con giống không đủ để đáp ứng cho việc tái đàn của người dân. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Lâm Đồng khuyến cáo người dân tăng đàn nhưng không ồ ạt”./.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên

Nuôi gà nòi sinh sản theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Con gà được xem là vật nuôi nhẹ chi phí đầu tư, nhẹ công chăm sóc, thời gian nuôi ngắn. Nếu thuận lợi trong khâu tiêu thụ thì lợi nhuận khá tốt. Khi được Trạm Khuyến nông TX. Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) hướng dẫn triển khai mô hình nuôi gà nòi sinh sản theo hướng an toàn sinh học, ông Nguyễn Văn Sinh, Khóm 7, Phường 1 (TX. Ngã Năm) rất hào hứng thực hiện mô hình và qua gần 4 năm nuôi gà nòi sinh sản, theo hướng an toàn sinh học đã góp phần tăng thu nhập tại hộ, đảm bảo môi trường xung quanh, đặc biệt là đầu ra của trứng gà ổn định, giá bán tốt.

Ông Sinh bên trong chuồng gà nòi sinh sản nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: THÚY LIỄU

Nhiệt tình mời chúng tôi ra tham quan chuồng gà phía sau nhà, ông Nguyễn Văn Sinh nhanh chân đi lấy thức ăn cho đàn gà để “tập hợp” đàn gà vào chuồng cho khách xem. Nhìn đàn gà nòi sinh sản, ông Sinh bộc bạch: “Hơn 20 năm gắn bó với con heo nái sinh sản, rồi chuyển sang nuôi heo thịt nhưng đời sống gia đình không mấy phát triển bởi heo gặp dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Tính ra mỗi năm nuôi đến hàng chục con heo nhưng lợi nhuận thu về không đáng kể, gặp năm heo bị dịch bệnh xem như mất trắng số tiền, còn mắc nợ tiền mua thức ăn. Thấy nuôi heo vất vả, không có lời, tôi chuyển sang nuôi gà thả vườn. Bởi nhờ thông qua các phương tiện truyền thông, tôi biết nhiều mô hình chăn nuôi gà hiệu quả. Tôi tự tìm tòi tài liệu trên google rồi học hỏi kỹ thuật nuôi gà nòi thịt. Đợt đầu tôi nuôi 300 con, chăm sóc tầm 4 tháng tôi xuất bán đàn gà nòi thịt, thu về lợi nhuận khá. Qua đó, tôi suy nghĩ muốn giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong nuôi gà, phải nuôi gà nòi sinh sản nên tôi đã mua 100 con gà nòi sinh sản về nuôi, với số lượng gà trên, thu 40 quả trứng/ngày, trứng gà nòi được bán cho cơ sở ấp trứng, giá 5.000 đồng/trứng. Theo đó, nhằm đảm bảo chuồng nuôi sạch sẽ, mỗi ngày 2 lượt, tôi phải giặt miếng bạt lót dưới nền đất dầy phân gà. Tôi đang nghĩ cách để làm thế nào không phải giặt miếng lót chuồng gà mỗi ngày, thì được Trạm Khuyến nông TX. Ngã Năm hỗ trợ đầu tư mô hình chăn nuôi gà nòi sinh sản theo hướng an toàn sinh học. Trạm Khuyến nông thị xã đã hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chuồng chăn nuôi gà, kể từ đó chuồng gà luôn sạch sẽ, đàn gà phát triển rất tốt”.

Đàn gà nòi sinh sản tại hộ ông Sinh đang giai đoạn đẻ trứng. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo ông Sinh, kể từ lúc áp dụng chăn nuôi gà nòi sinh sản theo hướng an toàn sinh học do Trạm Khuyến nông thị xã triển khai thì lượng trứng do gà đẻ tăng lên. Nếu như trước đây 100 con gà chỉ đẻ được 40 trứng/ngày, thì khi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, 100 con gà đẻ 60 trứng/ngày. Việc cho gà ăn cũng thay đổi bằng việc dùng máng ăn, cho ăn đúng giờ, bổ sung các loại vitamin cần thiết, tiêm phòng vắc xin đầy đủ nên gà luôn khỏe mạnh.

Cán bộ Trạm Khuyến nông TX. Ngã Năm Huỳnh Phương Khanh chia sẻ: “Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học góp phần cải thiện môi trường sống cho người chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi nơi dân cư đông đúc, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi trên cùng diện tích, tạo ra việc làm cho bà con trong thời gian nhàn rỗi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm trên địa bàn TX. Ngã Năm”. Đồng thời, để chọn được gà nòi sinh sản tốt, người chăn nuôi nên chọn gà mái có màu xám đá, vóc dáng to, chân cao vừa phải, mắt sáng, mồng đỏ tươi, khoảng cách giữa hai xương chậu rộng, cổ cao, thịt rắn chắc, gà mái trưởng thành có trọng lượng 1,6kg - 1,8kg. Đối với gà trống, lựa chọn gà có màu đặc trưng của giống, vóc dáng to, chân cao, mắt sáng, mồng đỏ tươi và dựng đứng, vảy mịn và có màu sáng, vai nở, ức rộng, năng động, hăng hái, trọng lượng gà trưởng thành từ 2,5kg - 3kg. Theo đó, mô hình nuôi gà nòi sinh sản theo hướng an toàn sinh học là mô hình hiệu quả qua thực tế tại hộ nuôi. Tới đây, đơn vị sẽ nhân rộng cho hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn thị xã - ông Huỳnh Phương Khanh cho biết thêm.

THÚY LIỄU

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop