Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 11 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 11 năm 2019

Trồng sen trên đất ruộng

Nguồn tin: Báo An Giang

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh phát triển các loại cây ăn trái lâu năm, nông dân ở nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) lựa chọn trồng sen trên nền đất ruộng kém hiệu quả. Mô hình mới này được bà con học hỏi, chỉ dẫn nhau để phát triển ở những nơi phù hợp, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Hộ anh Đỗ Văn Nhiều (ngụ ấp Hòa An 2, xã Hòa Lạc, Phú Tân) chọn trồng xen canh “2 vụ sen + 1 vụ lúa” hơn 3 năm nay. Anh Nhiều trần tình: “Trồng lúa lâu năm thấy không còn hiệu quả, nên quyết định chuyển sang xen vụ trồng sen. Mô hình tuy mới, ít kinh nghiệm sản xuất nhưng nhờ học hỏi, theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ mà có nguồn thu nhập. Cứ vài ngày ra hái gương sen 1 đợt, hái bao nhiêu lời bấy nhiêu. Chi phí sản xuất sen tương đương làm lúa, lợi nhuận thu về cao hơn hẳn”. Tính đến vụ này, cây sen đã bén rễ trên nền đất ruộng của anh Nhiều qua 7 vụ mùa. Vụ đông xuân sen cho năng suất không bằng vụ hè thu, nhưng giá cả vượt trội, vì thương lái thu mua rất nhiều để cung ứng cho các cơ sở làm bánh, mứt phục vụ thị trường Tết. Giá sen dao động từ 10.000- 20.000 đồng/kg, có đợt “rớt” xuống còn 12.000 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ mọi chi phí vẫn còn lời khoảng 4 triệu đồng/công. Theo anh Nhiều, với cách thức sản xuất này, anh cải tạo được đất khá hiệu quả, sau vụ sen, độ mùn của đất giúp lúa đạt năng suất đáng kể. Riêng cây sen, sau nhiều vụ sản xuất, anh nhận thấy kỹ thuật trồng sen không quá phức tạp. Chăm sóc sen bằng phân bón định kỳ, sâu bệnh không đáng kể, nhất là trong mùa hạn, nếu so sánh với những loại cây trồng khác phải tốn chi phí tưới tiêu thì sen sinh trưởng tốt ở đồng trũng.

Từ ngày trồng sen, ông Trần Văn Ly (ấp Hòa Lợi, xã Phú Hiệp) có thêm niềm đam mê là: “ngắm sen”. Ông Ly chia sẻ: “Trồng sen đòi hỏi phải siêng năng. Ngày nào tui cũng ra vô dòm ngó, coi cây sen phát triển như thế nào, trổ bông thời điểm nào rộ. Vụ này nữa là vụ thứ 2, kinh nghiệm còn ít nên phải theo dõi sát để “hiểu” cây sen nhiều hơn. Tui học hỏi từ mấy nông dân làm trước, học trên mạng, rồi kinh nghiệm riêng của mình. Tôi mê việc sản xuất, rồi mê cả ngắm bông”. Với diện tích đất lúa 20 công, ông Ly chuyển toàn bộ sang trồng sen và được vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kỹ thuật canh tác mỗi người mỗi khác, riêng ông Ly rất coi trọng khâu chọn giống, trên 1 công chỉ trồng 150 con giống, trong tháng rải phân 3 lần cho sen sinh trưởng khỏe. Sau khoảng 1 tháng trồng, lá sen trải kín mặt nước thì bắt đầu ra bông, dưỡng thêm một thời gian, tùy nhu cầu mà thu hoạch lấy ngó hoặc lấy gương sen. Tuy nhiên, đa số các hộ trồng hiện nay chuộng bán gương sen hơn cả. Theo các thương lái lý giải, thu hoạch gương sen để lấy hạt cung ứng cho các cơ sở sản suất sen thành phẩm hoặc bán tươi, thị trường hút nhất là tỉnh Đồng Tháp. Một công sen thu hoạch được khoảng 500kg gương sen, sau khi trừ mọi chi phí lợi nhuận thu được bình quân là 3 triệu đồng/công, còn vụ này giá đẩy lên cao nên ông Ly lời đến 6-7 triệu đồng/công.

Trong những vụ mùa gần đây, mô hình trồng sen trên đất lúa được nông dân thử nghiệm thành công ở các xã: Phú Long, Phú Thành, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Phú Hiệp. Diện tích trồng sen trên đất lúa đang không ngừng được mở rộng. Việc chuyển đổi trồng sen không chỉ giúp nông hộ cải thiện kinh tế mà người lao động địa phương cũng có việc làm với thu nhập mùa vụ từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Dù đầu ra hiện tại của sen khá thuận lợi, thương lái từ nhiều nơi đến tại chỗ thu mua nhưng vì đây là mô hình mới, nông dân cần thận trọng trong ý định nhân rộng diện tích. Nếu trồng ồ ạt sẽ dễ dẫn đến tình trạng dội chợ như các mặt hàng nông sản khác. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hiệp Trần Thanh Liêm cho biết, có 17,5ha diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng các loại, trong đó sen chiếm diện tích 8,5ha. Sen phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trong các vụ đầu tiên đều được giá cả và đầu ra thuận lợi. Tuy đầu ra hiện nay không phải lo lắng, sản phẩm bao nhiêu thương lái tiêu thụ hết bấy nhiêu, nhưng địa phương rất lưu ý nông dân trong sản xuất chuyển đổi, nhằm tránh tình trạng một vài hộ sản xuất hiệu quả thì nhiều hộ “ăn theo”.

Song song với việc giúp bà con tiếp cận nguồn vốn quỹ “Hỗ trợ nông dân” và nguồn quỹ chính sách xã hội, Hội Nông dân còn tích cực tham mưu giúp UBND huyện Phú Tân tìm kiếm những doanh nghiệp làm ăn có uy tín để ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm, nhằm đảm bảo sản xuất lâu dài cho người nông dân.

MỸ HẠNH

Cảnh báo tình trạng hái xanh, bán tươi

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Giá cà phê tiếp tục "nằm" ở mức thấp, chi phí đầu tư lại ngày một tăng cao, trong khi lao động thu hái cà phê đang khan hiếm... là nguyên nhân khiến nhiều nông dân Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) thu hoạch cà phê theo cách "hái xanh, bán tươi".

Thiếu lao động được xem là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân tranh thủ hái cà phê sớm

Thu hoạch cà phê sớm vì giá thấp

Gia đình anh Trần Văn Hoa, ở thôn Xuân Bình, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) có hơn 1,2 ha cà phê. Gia đình chỉ có 2 vợ chồng, con còn nhỏ nên năm nào anh cũng phải thuê người để thu hái cà phê. Do khan hiếm nhân công, nên năm nay khi được giới thiệu 6 người đi hái cà phê thuê từ nơi khác đến anh Hoa đã thuê ngay. So với những năm trước, năm nay anh Hoa thu hái cà phê sớm hơn nên trái xanh chiếm tỉ lệ cao.

Anh Hoa chia sẻ: Tôi biết hái cà phê xanh sẽ giảm chất lượng cà phê nhân, nhưng nếu để chính vụ mới bắt đầu thu hái sẽ khan hiếm lao động, cà phê sẽ rụng, không thu hái kịp. Chưa kể dịp thu hoạch chính vụ thường xảy ra mưa bão, áp thấp nhiệt đới rất bất tiện, nên đành "tặc lưỡi" thuê người hái sớm. Để hạn chế hái cà phê non tôi chia thành hai đợt thu hái, giờ hái chọn những cây cà phê chín, già. Còn những cây cà phê trái còn non sẽ hái vào đợt sau.

Do việc thu hái cà phê xanh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân nếu phơi khô, nên anh Hoa đã chọn cách bán cà phê tươi ngay sau khi thu hái. Theo anh Hoa, với giá cả như hiện nay, bỏ công sức để phơi khô cà phê thì chỉ lấy công làm lời chứ không có hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, việc phơi cà phê cần một mặt bằng sân phơi nhất định, nếu không cà phê sẽ đen hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cà phê nhân.

Ông Trần Văn Huệ, chủ lò sấy trên địa bàn xã Đắk Sắk cho hay, ông thường mua cà phê tươi của người dân trên địa bàn để sấy. Dù đã chọn lựa kỹ, nhưng qua các đợt sấy đầu năm nay, ông nhận thấy tỷ lệ cà phê xanh mà người dân hái và bán còn rất lớn. Theo ông, nếu như những năm trước, trung bình 4,5 tấn cà phê tươi sẽ được 1 tấn khô. Còn như năm nay, phải tới gần 5 tấn cà phê tươi mới được 1 tấn khô. Nguyên nhân chủ yếu do cà phê xanh làm tăng trọng lương khi còn tươi và khi sấy khô thì hao hụt rất nhiều.

"Khi mua cà phê tươi tôi luôn khuyến cáo người dân không nên hái cà phê xanh. Vì cà phê xanh sẽ gây thiệt hại cho người sản xuất, chế biến bởi chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác, khi dùng nguyên liệu không đạt chất lượng thì chất lượng sản phẩm và thương hiệu cà phê cũng giảm đi. Trước mắt là như vậy và về lâu về dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả nông dân, vì cà phê sẽ tiếp tục mất giá do kém chất lượng", ông Huệ khuyến cáo.

Tỷ lệ cà phê chín đạt thấp nhưng người dân vẫn thu hoạch

"Chạy theo" nhân công

Do khan hiếm lao động thu hái cà phê, nên hiện nay người trồng cà phê ở Đắk Mil thuê công chủ yếu theo hình thức giao khoán. Giá nhân công mà người dân thuê thường dao động từ 1.000 - 1.300 đồng/kg quả tươi, tùy theo địa hình rẫy bằng hay dốc. Ngoài tiền công, nhiều gia đình còn phải chi thêm tiền gạo, thức ăn và lo chỗ ở cho người lao động đi thu hái cà phê. Nếu chỗ ở của người làm thuê ở xa rẫy thì sáng sớm chủ nhà phải bố trí xe đưa đón lao động đi hái và chiều đón về.

Anh Giàng A Sinh, người hái cà phê thuê cho gia đình anh Trần Văn Hoa cho biết nhóm anh có 6 người, được anh Hoa bố trí chỗ nghỉ ngơi. Ngoài ra anh Hoa còn cung cấp gạo trong thời gian thu hái. Do hái chọn nên giá giao khoán thỏa thuận với gia đình là 1.100 đồng/kg quả cà phê tươi. Giao khoán như thế này cũng có lợi cho người làm thuê, vì mỗi ngày 1 người có thể được khoảng 300 - 350 ngàn đồng tiền công trở lên. Sau 1 ngày thu hái, cà phê được cân ngay tại rẫy, người thu hái cộng số lượng lại để nhận tiền công.

Còn theo anh Trần Văn Hoa, năm nay rẫy cà phê của gia đình anh được khoảng 14 tấn cà phê tươi, nhưng tiền công nếu tính ra đã mất hơn 2,3 tấn. "Nếu tính toàn bộ chi phí đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, công làm cỏ, chăm sóc suốt 1 năm thì với giá cà phê như hiện nay chỉ lấy công làm lời. Hiện nay, người hái cà phê chỉ nhận hái khoán, không hái công như ngày xưa. Người trồng cà phê như tôi cũng biết người ta hái khoán thường rất ẩu, hay làm gãy cành, tuốt hết, làm ảnh hưởng đến cây cà phê, ảnh hưởng tới năng suất vụ sau, nhưng lại phải chấp nhận vì khan hiếm lao động", anh Hoa cho biết.

Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, toàn huyện Đắk Mil hiện có khoảng 22.000 ha cà phê, năng suất năm nay đạt khoảng 2,8 tấn/ha. Mùa vụ cà phê năm nay theo đánh giá sơ bộ là không mất mùa, mặt bằng chung sản lượng trên địa bàn đạt hơn so với năm ngoái. Hiện nay, người dân trên địa bàn đã tiến hành thu hái cà phê. Việc hái cà phê sớm như hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do khan hiếm lao động trong mùa vụ. Giá cà phê năm nay tiếp tục ở mức thấp và khiến người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn.

Bài, ảnh: Đức Hùng

Làm giàu nhờ ươm cây giống keo lá tràm

Nguồn tin: VOV

Mấy năm gần đây, nghề ươm giống cây keo lá tràm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tỉnh Quảng Nam.

Thời gian gần đây, phong trào trồng cây keo lá tràm ở miền núi phát triển mạnh. Theo đó, nhiều hộ ươm cây giống ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chuyển sang ươm giống keo lá tràm.

Nghề ươm cây giống đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Mai ở xã Duy Hải cho biết, trước đây, gia đình ông làm mấy sào đất trồng mè và lạc, nhưng chỉ đủ ăn. Thấy bà con trong làng ươm cây giống, hiệu quả cao nên gia đình ông đã thuê đất và ươm cây giống. Theo ông Mai, mỗi năm gia đình ông ươm khoảng 20.000 cây con để cung ứng ra thị trường, thu lãi cả 100 triệu đồng/năm.

“Trước đây ươm cây bạc hà mà giờ cây bạc hà không chuộng nữa cho nên chừ mình chuyển qua cây keo. Riêng năm nay được giá. Mấy năm bán tại vườn chỉ có 100 cây bán 20.000 – 25.000 đồng nhưng hiện giờ bán được 40.000 đồng/100 cây. Các tư thương tới mua, mình không phải đi bán. Nói chung nghề ươm cây lời gấp nhiều lần làm lúa. Kinh tế nói chung là ổn”, ông Mai nói.

Hiện nay, tại xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hàng chục hộ dân sống bằng nghề ươm keo lá tràm... Bình quân mỗi năm người dân cung ứng ra thị trường hơn 15 triệu cây keo giống.

Ông Trần Văn Siêm, phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, các vườn ươm keo lá tràm tại địa phương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật ươm cây giống lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cây giống; nhân rộng mô hình này để giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Người dân Quảng Nam khấm khá nhờ ươm cây giống.

“Ươm cây mang đến thu nhập ổn định. Xã tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất. Trước đây ươm cây dương liễu, sau đó đến cây bạch đàn. Các loại cây kia hiệu quả không cao nên các hộ dân ươm cây chuyển qua keo lá tràm. Vì keo lá tràm ươm được quanh năm thu nhập đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho các hộ. Thời gian gần đây mô hình ươm cây phát triển rất nhiều”, ông Siêm cho biết thêm.

Ông Phan Hùng Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm giống Nông lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, vài năm trở lại đây, người dân tỉnh Quảng Nam đã chuyển đổi nhiều diện tích đất vườn, đất trồng mè, khoai lang, lúa... kém hiệu quả sang làm vườn ươm cây giống. Việc ươm và bán cây keo giống từ trước đến nay vẫn mang tính tự phát.

Theo ông Vĩnh, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiên có 20 cơ sở ươm giống cây trồng, mô hình ươm cây giống này đem lại thu nhập cao cho bà con. Còn lại các hộ dân tự phát, sản xuất giống để phục vụ tại chỗ là chủ yếu. So ra với sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, rõ ràng sản xuất giống đã đem lại hiệu quả thu nhập cao nhiều lần cho bà con./.

Tuyết Lê-Phương Cúc/VOV-Miền Trung

Phú Thọ: Hiệu quả rau trồng theo phương thức mới

Nguồn tin: Báo Phú Thọ

Cà chua trồng trong nhà màng của HTX rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) có giá bán cao gấp đôi so với thị trường, tạo nguồn thu nhập ổn định cho HTX.

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa diện tích để đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển theo hướng an toàn sinh học, bền vững là giải pháp phù hợp đối với sản xuất nông nghiệp trong những năm tới đây. Trồng rau, hoa quả các loại trong nhà lưới, nhà màng hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nâng cao năng suất, chất lượng nông sản đang ngày càng được mở rộng trên địa bàn tỉnh, cho thấy hiệu quả rõ rệt mà phương thức sản xuất này mang lại.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nhà màng của HTX Mạnh Liên ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc HTX giới thiệu: Nhờ áp dụng công nghệ trồng rau trong nhà màng, nông sản của chúng tôi đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được công bố rộng rãi. Vì thế, chúng tôi không phải lo tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời giá bán bình quân thường cao gấp đôi so với giá thị trường.

Nhìn những luống cà chua đỏ tươi sai lúc lỉu, tươi roi rói; giàn trồng rau thủy canh đủ các loại rau như cải, xà lách… xanh mỡ màng; luống dưa chuột, dưa leo đang thời kỳ đậu quả… đủ thấy tâm huyết của ông và các thành viên đã bỏ ra. Như để chứng minh cho sản phẩm an toàn của mình, ông hái vài quả cà chua, dưa chuột và mời chúng tôi “thử” ngay tại vườn. Phải công nhận là chất lượng rau, quả ở đây cao hơn hẳn so với các rau quả bán tại các chợ. Ông Mạnh cho biết thêm: Xuất thân từ nông dân, tôi luôn trăn trở khi thấy người tiêu dùng phải sử dụng các loại rau, quả không đảm bảo chất lượng, tồn dư các loại thuốc như bảo vệ thực vật, bảo quản, kích thích tăng trưởng, phân hóa học cao. Do đó khi, được các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, tôi đã đầu tư xây dựng nhà màng và thành lập HTX chuyên về sản xuất rau, quả an toàn, vừa góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn vừa thay đổi tư duy sử dụng hóa chất trong sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng để trồng rau và hoa quả các loại có giá trị kinh tế cao. Theo một số chủ nhà màng, những tiện lợi mà hệ thống nhà màng mang lại góp phần không nhỏ trong việc tăng thu trên đơn vị diện tích nhờ vào việc tiết kiệm khá nhiều chi phí. Do có hệ thống lưới bao quanh nên cản trở được côn trùng xâm nhập, hạn chế việc phá hoại, giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, rau, quả trồng trong nhà màng gần như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, trồng rau dễ dàng đạt tiêu chuẩn an toàn và giá thành hạ, công chăm sóc giảm. Việc trồng rau ăn lá rất thích hợp với điều kiện nhà lưới do thời gian sinh trưởng ngắn, hệ số quay vòng nhanh, chăm sóc, bón phân đầy đủ, năng suất, hiệu quả cao. Mặt khác trong nhà lưới nếu được đầu tư hệ thống tưới phun tự động sẽ giảm đáng kể công lao động. So với canh tác truyền thống, hệ thống chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới hiện đại mang lại thực sự nhiều lợi ích: giúp tiết kiệm công lao động; năng suất tăng… Hầu hết sản phẩm được các siêu thị đặt hàng nên có đầu ra và giá thành ổn định. Nếu như sắp xếp không gian và thời gian canh tác, thâm canh hợp lý, bình quân, mỗi tháng có thể cho thu nhập khoảng 15 đến 20 triệu đồng/1.000m2 tùy loại rau. Sản phẩm có địa chỉ, có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng nên tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Mô hình nhà màng trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng/năm cho gia đình ông Hà Văn Tú ở khu 4, xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa.

Mặc dù trồng rau, củ quả trong nhà màng có hiệu quả cao hơn rõ rệt so với biện pháp canh tác truyền thống nhưng để đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng cần chi phí tương đối lớn, chưa phù hợp với đại đa số bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo anh Trần Văn Quyết, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chi phí đầu tư cho 1.000m2 nhà màng bao gồm hệ thống khung sắt, màng nilon, giá trồng cây, giá thể, hệ thống tưới tự động… vào khoảng trên 600 triệu đồng. Trong điều kiện thời tiết bình thường, hệ thống màng lưới nilon khoảng 4 - 5 năm phải thay một lần.

Bên cạnh nhà màng, hệ thống nhà lưới cũng là một giải pháp thích hợp cho các hộ muốn trồng rau an toàn nhưng hạn chế về vốn do kinh phí đầu tư thấp hơn, chỉ khoảng trên dưới 150 triệu đồng/1.000m2. Mô hình trồng rau trong nhà lưới cũng đã xuất hiện và được nhân rộng từ lâu trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, đối với nhà lưới thì việc tránh những ảnh hưởng bởi những tác động của thời tiết bị hạn chế hơn so với nhà màng. Thực tế cho thấy sau một thời gian phát triển rộng thì hệ thống nhà lưới trồng rau, hoa quả đã giảm đi so với thời điểm khoảng 5 - 7 năm về trước. Nguyên nhân chính là do thời gian trước đây, giá bán rau an toàn trong nhà lưới không cao hơn so với rau do người dân trồng đại trà ngoài đồng ruộng nên nhiều hộ nản không muốn tái đầu tư. Với nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn ngày càng cao hiện nay, việc trồng rau an toàn trong nhà lưới sẽ giúp người nông dân có lãi khi đầu tư sản xuất. Ngoài ra, bà con nông dân có thể trồng rau trong khung nilon, khung lưới theo kiểu che phủ nilon tránh rét cho mạ. Đây là phương pháp canh tác đơn giản, chi phí thấp và phù hợp với đại đa số người nông dân.

Tuy nhiên, có một điều mà người trồng rau, củ, quả trong nhà màng, nhà lưới cần lưu ý đó là phải có thời gian cho đất nghỉ ngơi, không nên canh tác liên tục. Nguyên nhân chính là sau 1 - 2 năm đầu canh tác, đất rất dễ bị nhiễm nấm, mốc tồn tại. Do đó cần có thời gian để xử lý. Nếu điều kiện cho phép, có thể tạm thu hệ thống màng che để không khí trong nhà có thể lưu thông, đảm bảo chất lượng rau, củ, quả.

Thực tế cho thấy, diện tích nhà màng, nhà lưới trồng rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp cận đô thị, an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Các địa phương và ngành nông nghiệp cũng đã có những cơ chế, chính sách, chủ trương nhằm hỗ trợ, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông sản an toàn. Tuy nhiên, để người dân có thể yên tâm đầu tư xây dựng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người sản xuất cần thực hiện nghiêm các quy định về sản xuất an toàn; tìm hiểu thị trường để sản xuất theo nhu cầu; có sự liên kết giữa các hộ để xây dựng kế hoạch gieo trồng gối vụ, rải vụ, nhất là đối với các loại rau ăn lá để có hàng cung cấp thường xuyên, ổn định, tránh hiện tượng ế thừa lúc chính vụ làm giảm hiệu quả kinh tế; chú trọng tìm hiểu và ký kết hợp đồng theo hình thức bao tiêu sản phẩm để tránh việc doanh nghiệp không thực hiện thu mua nông sản. Bên cạnh đó, các hộ, doanh nghiệp sản xuất nông sản cũng cần lưu ý đến việc đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, hạn chế tối đa việc dập nát, hư hỏng làm giảm giá trị, lợi nhuận…

QUÂN LÂM

160 cây nho Hạ Đen, giúp chủ nhân thu gần 70 triệu đồng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn xã Trung Mỹ (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) hết sức ngạc nhiên và tỏ ra thích thú khi trên địa bàn xã xuất hiện một vườn nho xanh tốt, với từng chùm quả sai trĩu cành, nhìn đẹp mắt và vô cùng hấp dẫn.

Vườn nho của gia đình anh Dương Văn Hiệp

Qua tìm hiểu được biết, vườn nho trên là của gia đình anh Dương Văn Hiệp, thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ. Giống nho được anh Hiệp triển khai trồng là giống nho Hạ Đen có xuất xứ từ Trung Quốc, được Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang trồng khảo nghiệm thành công tại Việt Nam.

Trong một lần tham quan mô hình sản xuất tại Trường Đại Nông lâm Bắc Giang, anh Hiệp đã bị cuốn hút bởi giống nho này. Sau khi trở về, tháng 4/2019, anh bắt đầu triển khai trồng 160 cây trên diện tích hơn 600m2 đất đồi sẵn có của gia đình.

Với sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật của Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, cùng với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi của anh Hiệp, đến nay, 160 cây nho Hạ Đen anh trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt bắt đầu cho quả ngọt. Dự kiến đến cuối tháng 11 này, vườn nho sẽ cho thu vụ quả đầu tiên.

Theo tính toán sơ bộ của anh Hiệp, sản lượng quả thu được sẽ đạt khoảng 500kg. Với mức giá trung bình thương lái đang chào bán tại vườn từ 150-160 nghìn đồng/kg, gia đình anh sẽ thu về trên 70 triệu đồng. Với mức đầu tư ban đầu hết 60 triệu đồng thì đây là cây trồng hứa hẹn nhiều triển vọng. Đây cũng là động lực để gia đình anh Hiệp tiếp tục mở rộng diện tích thêm 2 sào nho vào đầu năm tới.

Theo anh Hiệp, để thành công với mô hình trồng nho Hạ Đen người dân cần phải có vốn đầu tư, đảm bảo hạ tầng, tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật trong quá trình trồng. Cách chăm sóc cây cũng không quá khó, quan trọng nhất là giàn phải có mái che bằng nilon để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bọ dễ dàng phát triển. Trong đó, đặc biệt chú ý 2 loại chính là bọ trĩ hút nhựa làm lá khô, rụng và sâu ăn lá.

Với chu kỳ sinh trưởng lên đến 20 năm, mỗi năm cây ra quả 2 vụ, thu hoạch vào tháng 3 và khoảng đầu tháng 6. Chính vì vậy, mặc dù vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng hiệu quả kéo dài, càng về sau càng tiết kiệm chi phí, cho thu nhập ổn định.

Được biết, Nho Hạ Đen là giống nho không hạt được trồng sản xuất với quy mô lớn nhất tại Trung Quốc, cây có đặc điểm sinh trưởng khỏe, cho 2-3 vụ quả/ năm, thời gian cắt cành đến chín khoảng 110-120 ngày. Năng suất của giống nho Hạ Đen đạt khoảng 16,4 tấn/ha trong năm đầu tiên và có độ ngọt cao đạt 18,30 Brix. Dự tính, sau 2 năm trồng, các chủ vườn có thể thu hồi toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và bắt đầu có lợi nhuận.

Nguyễn Khánh

Cà Mau: Khẩn trương xuống giống vụ dưa hấu Tết

Nguồn tin: CTV Cà Mau

Hiện nay, nông dân ở các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh và thành phố Cà Mau đã và đang khẩn trương xuống giống vụ dưa hấu phục vụ Tết Canh Tý năm 2020.

Để có quả dưa hấu to, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau khuyến cáo bà con nên chọn giống: Sugarbaby, An Tiêm, Tiểu Long 246, Hắc Mỹ Nhân 1430.

Sau khi xuống giống 5 – 7 ngày thì tiến hành trồng dặm lại các cây bị hao hụt. Đặc biệt vào mùa nắng phải tưới nước đầy đủ. Nếu khô hạn kéo dài thì nên áp dụng phương pháp tưới rãnh, tưới 1 lần trong thời gian 3 – 5 ngày. Còn mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu.

Ngoài ra, bà con cũng cần chú ý sửa dây, tỉa nhánh, tuyển trái, bón phân đúng định kỳ để gặt hái vụ mùa thành công./.

PV: Tuyết Anh

Đắk Lắk: Cây chuối sáp ở vùng biên: Hướng phát triển khả quan

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Từ chỗ trồng vài bụi phục vụ gia đình, một số hộ dân tại xã Ia Lốp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã nhân rộng mô hình trồng xen chuối sáp trong vườn cây ăn trái để tăng thu nhập.

Khoảng 2 năm trước, anh Dương Văn Chấm mang vài “mồi” chuối sáp từ Bến Tre lên trồng thử nghiệm trên mảnh vườn của gia đình tại thôn Giồng Trôm, xã Ia Lốp. Nhờ chất đất ven suối màu mỡ, cây chuối nhanh chóng bén rễ, cho buồng to, quả đẹp, chất lượng không thua kém chuối sáp trồng ở vùng Tây Nam Bộ. So sánh với các giống chuối xiêm, chuối lùn trong vườn, anh nhận thấy chuối sáp có thân cao, lá đứng, bụi gọn, ít cạnh tranh ánh sáng với các cây trồng khác. Bên cạnh đó, thân và lá chuối sau khai thác sẽ tự phân hủy làm tăng độ mùn, giữ độ ẩm cho đất nên rất có lợi cho các loại cây trồng chính trong vườn.

Anh Dương Văn Chấm thu hoạch chuối sáp trồng xen trong vườn cây ăn trái.

Từ những bụi chuối sáp đầu tiên, anh Chấm dần nhân rộng trên 2,5 ha vườn cây ăn trái. Đến nay, vườn của anh đã có hơn 200 bụi chuối sáp trên 1 năm tuổi. Anh cho biết, cây chuối “đẻ” cây con rất nhanh. Sau 1 năm kể từ khi xuống giống, cây mẹ cho thu hoạch buồng đầu tiên. Từ năm thứ hai trở đi, mỗi bụi chuối có thể cho thu hoạch 6 buồng/năm. Bình quân mỗi buồng chuối có 10 nải, trọng lượng khoảng 12 kg. Hiện, anh đang bán ngay tại địa phương với giá lên đến 100.000 đồng/buồng.

Đến nay, những diện tích trồng thử nghiệm chuối sáp đều phát triển tốt và chưa ghi nhận tình trạng sâu bệnh nào đáng kể.

Gần vườn anh Chấm, anh Dương Văn Rạng (thôn Giồng Trôm) cũng bắt đầu nhân rộng cây chuối sáp sau khi thất bại với cây chuối xiêm. Anh chia sẻ, ngay từ khi tự quy hoạch vườn cây ăn trái cho gia đình, anh đã dự tính trồng xen chuối giữa hai hàng cây ăn trái để lấy ngắn nuôi dài. Phần lớn diện tích, anh trồng chuối xiêm và chỉ trồng thử vài bụi chuối sáp do sợ không có nơi tiêu thụ. Năm đầu tiên, anh trúng đậm nhờ bán chuối xiêm vào đúng thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Song, từ sau rằm tháng Giêng trở đi, chuối xiêm ngày càng rẻ, có thời điểm bán chẳng ai mua, phải mang đi bỏ. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chuối sáp lại duy trì đều đặn với giá bán khá ổn định. Buồng chuối sáp cũng nhỏ gọn, dễ thu hoạch và vận chuyển hơn chuối xiêm. Vì vậy, anh phá bỏ toàn bộ chuối xiêm để nhân rộng chuối sáp.

Vườn cây ăn trái trồng xen chuối sáp của anh Dương Văn Chấm.

Kỹ thuật canh tác chuối sáp khá đơn giản nên nhiều người dân tại xã Ia Lốp đã chia sẻ cây giống cho nhau để trồng xen giữa hai hàng cây ăn trái. Chỉ cần bón lót ít phân lân và phân chuồng hoặc phân hữu cơ rồi xuống giống, cây chuối sáp nhanh chóng bén rễ, "đẻ" chồi. Trong quá trình canh tác, cây chuối sáp sẽ hưởng chung nguồn nước tưới, phân bón với các loại cây trồng chính nên không tốn nhiều công chăm sóc.

Ông Ngô Văn Bé, một trong những hộ tiên phong trồng xen cây chuối sáp tại thôn Giồng Trôm cho biết, ông đã thăm dò nhiều bạn hàng ở TP. Buôn Ma Thuột và các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh… được biết giá chuối sáp bán sỉ dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg. Bản thân ông cũng đã trồng khoảng 1.000 bụi trên phần lớn diện tích trồng điều và cây ăn trái. Khi sản lượng chuối sáp của ông và bà con nhiều lên, ông sẽ thu gom và cung ứng cho bạn hàng tại các tỉnh thành để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đinh Nga

ĐBSCL: HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất nước

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp- PTNT, tính từ năm 2015 đến nay, ĐBSCL là một trong các vùng có số lượng hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước với 564 HTX.

Trong đó, tỷ lệ HTX trồng trọt chiếm tới 63%, cao nhất cả nước. Đặc biệt, mô hình “Hội quán” của tỉnh Đồng Tháp hoạt động theo phương thức liên kết tự nguyện của người nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất- kinh doanh bước đầu phát huy hiệu quả, được nhiều địa phương đến học tập và phát triển.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 83 HTX nông nghiệp, trong đó, 26 HTX nông nghiệp thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và dịch vụ tiêu thụ, bảo quản chế biến nông sản cho thành viên và nông dân địa phương; 4 HTX được hỗ trợ chứng nhận GlobalGAP; 9 HTX được hỗ trợ chứng nhận VietGAP.

Chương trình thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới vùng ĐBSCL theo Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã được tỉnh Vĩnh Long triển khai với nội dung như: tăng cường cán bộ ĐH về hỗ trợ 14 HTX, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại 3 HTX và xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng cho 6 HTX.

Hiện, các HTX vùng ĐBSCL đang từng bước phát huy vai trò hỗ trợ hiệu quả cho nông dân thông qua việc chủ động liên kết với doanh nghiệp, dưới hình thức doanh nghiệp cung ứng đầu vào, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

NGUYỄN PHƯƠNG

Xem xét nhập khẩu thịt lợn bảo đảm cung-cầu trong nước

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài để cân đối cung-cầu, nhất là trong dịp Lễ, Tết cuối năm.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Chiều 18/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá thịt lợn trong những tháng cuối năm có xu hướng tăng cao, cần có giải pháp để kiểm soát chỉ số giá, bảo đảm cung-cầu về thịt lợn và giảm lạm phát kỳ vọng đối với mặt hàng thiết yếu này.

Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho thấy, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.

Về vấn đề giá lợn, Thứ trưởng Tiến cho hay, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái 389 và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Thêm vào đó, người chăn nuôi lớn thường không muốn xuất bán lẻ do e ngại nguy cơ người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung lợn thịt, phải mua lại của thương lái hoặc những nông hộ ép giá lên cao đã làm cho giá lợn thịt ở những khu vực này tăng cao cục bộ so với giá bình quân chung.

Các nguồn thông tin vừa qua chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt đã vô hình chung cùng tạo hiệu ứng lan tỏa giá lợn trong nước tăng cao do thiếu trầm trọng nguồn cung và thương lái lợi dụng đẩy giá lên cao bất thường.

Trong khi đó, theo phân tích của Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn thời điểm này đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, ở miền Bắc, tháng 11/2019, giá lợn hơi ở mức 70.000-75.000 đồng/kg, cá biệt ở Lào Cai, Hưng Yên lên tới 78.000 đồng/kg, ở miền Trung dao động mức 70.000 đồng/kg và miền Nam từ 65.000-75.000 đồng/kg. Tổng cục Thống kê dự báo mức CPI tháng 11 tăng khoảng 0,8-1%, riêng giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%.

Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn. Dự báo nếu giá thịt lợn tăng khoảng 10-15% nữa, đạt đến mức giá 80.000 đồng/kg thì sẽ làm CPI chung tăng khoảng 0,5-0,7%, đưa mức CPI bình quân năm 2019 dự báo tăng dưới 3% so với năm 2018, vẫn trong vùng kiểm soát. Tuy nhiên, phải có hướng để kiểm soát xu thế giá tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.

Nhận định nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung-cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày. Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý.

Không chỉ vậy, Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới. Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung-cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối.

“Chính phủ khẳng định sẽ kiểm soát lạm phát từ 3,3-3,9% và có thể thấp hơn mặc dù giá xăng dầu thế giới tăng và giá lợn tăng trên cơ sở bảo đảm cung-cầu và minh bạch các thông tin cho người dân và người tiêu dùng biết để bảo đảm hài hoà lợi ích các bên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT, các địa phương không chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết 42 của Chính phủ, Chỉ thị 04 và Công điện 667 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo 9380 của Trưởng Ban Chỉ đạo giá liên quan tới sản xuất và cung ứng thực phẩm từ thịt lợn.

Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn vận chuyển lợn qua chế biến qua các địa phương, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải phụ trách theo địa bàn cụ thể về chống dịch, lưu thông thực phẩm từ thịt lợn, có kế hoạch điều hòa cung cầu, chịu trách nhiệm với Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính và NHNN tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi để phục vụ nhu cầu của người dân.

Thành Chung

Giá heo hơi tăng nhanh, người chăn nuôi phấn khởi

Nguồn tin: Báo Long An

Chỉ hơn 1 tháng nay, giá heo hơi đã tăng mạnh lên gần gấp đôi, từ 40.000 đồng/kg lên 75.000-80.000 đồng/kg như hiện nay và dự báo còn tiếp tục tăng khiến người chăn nuôi phấn khởi.

Heo đang tăng giá, người bán, người nuôi đều phấn khởi

Bà Lê Thị Kim, ngụ ấp 4, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết: “Gia đình tôi thường nuôi khoảng 20 con heo, trong đó có 3 con heo nái. Khi đàn heo thịt chuẩn bị xuất chuồng thì gặp ngay đợt dịch tả heo châu Phi nên tôi lỗ mấy chục triệu đồng. Nay giá heo tăng nhanh, với giá cả hiện tại, ước tính người nuôi có lãi từ 2-2,5 triệu đồng/con, tùy trọng lượng.

Tôi đã nuôi lại, hy vọng heo sẽ giữ được giá cho đến tết”. Còn bà Nguyễn Thị Xuân, ngụ ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, chia sẻ: “Lúc trước, chuồng heo của tôi có hơn 100 con. Đợt rồi, gia đình thua lỗ vài trăm triệu đồng.Hiện tại, giá heo đang tăng lên, không chỉ tôi mà hầu hết người chăn nuôi đều phấn khởi”.

Theo nhiều người chăn nuôi, khoảng 2 tuần qua, giá heo hơi tăng hàng ngày nên thương lái ráo riết tìm đến những trang trại, hộ dân có heo gần đến lứa xuất chuồng để đặt cọc trước. Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là khi giá heo giảm, người chăn nuôi ùn ùn “bán đổ bán tháo”, nhưng khi giá tăng, lại không muốn bán ra, họ cứ “kìm giá” khiến nguồn cung càng khan hiếm.

Hiện nay, giá heo hơi tăng kéo theo giá heo con cũng tăng. Tuy giá heo con tăng nhưng khó mua vì người chăn nuôi muốn giữ lại để tái đàn.Bên cạnh đó, đàn heo giống cũng giảm mạnh sau đợt dịch bệnh vừa qua. Khi bệnh dịch được khống chế, giá heo tăng nhanh như hiện nay, thị trường tiêu thụ ổn định hơn đã giảm áp lực cho người chăn nuôi, người bán cũng bớt khó khăn và bắt đầu có lãi./.

Hoàng Lê

Sợ bệnh dịch càn quét heo, nông dân thử vận may với gia cầm

Nguồn tin: VOV

Hết heo, tái đàn thì sợ dịch, bỏ chuồng trại trống thì trắng tay, nhiều nông dân quyết định “thử vận may” với gia cầm.

Tại Đồng Nai, sau khi dịch tả heo châu Phi càn quét, tổng đàn heo ở tỉnh này đã giảm hơn 1 nửa, số heo còn lại đa số nằm ở các trang trại chăn nuôi lớn, heo trong dân cơ bản đã không còn. Hết heo, tái đàn thì sợ dịch, bỏ chuồng trại trống thì trắng tay, nhiều nông dân quyết định “thử vận may” với gia cầm. Nhưng lại có những cảnh báo về việc tăng đàn gia cầm.

Đàn gia cầm ở Đồng Nai tăng mạnh bất chấp nhiều rủi ro.

Hết heo, chuyển sang nuôi gia cầm

Dịch tả heo châu Phi quét qua, phần lớn các nông hộ ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai đã hết heo. Nông dân ít ai dám tái đàn, phần vì sợ dịch, phần vì… đã cạn vốn, nếu tái đàn heo thì rủi ro là quá cao. Tái đàn không được, bỏ trống chuồng trại lại không xong, thế là gia cầm được lựa chọn như một giải pháp thay thế.

Bà Hoàng Thị Thanh Linh ở ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ vừa mất đàn heo 400 con do dịch tả. Với số tiền hỗ trợ ít ỏi, bà Linh quyết định “thử sức” với gia cầm. Việc cải tạo ngay những chuồng trại trước đây nuôi heo không quá khó khăn, tốn kém, bà Linh bắt tay nuôi khoảng 8.000 con gà đẻ và 1.000 con vịt. Thế nhưng đây lại là lần đầu tiên bà Linh nuôi gia cầm nên không khỏi lo lắng.

Bà Linh cho biết: "Tôi chưa nuôi bao giờ nên cũng lo lắng lắm. Giờ chỉ dám nuôi ít, nuôi thử lấy kinh nghiệm đã. Chuồng trại giờ thì trống quá nhiều, mà còn đang nợ ngân hàng nên phải tìm cách xoay xở".

Những nông dân quyết định chuyển sang nuôi gia cầm ở Đồng Nai như bà Linh không ít bởi họ không có nhiều lựa chọn. Người này bảo người kia, cùng nhau nuôi gia cầm vì so với heo, gia cầm đầu tư ít hơn, thời gian nuôi ngắn hơn và quan trọng nhất là không sợ dịch tả khủng khiếp như thời gian qua. Nhiều người nuôi khiến tổng đàn gia cầm ở Đồng Nai tăng mạnh, thống kê mới nhất con số đã là khoảng 24 triệu con, tăng hơn 3 triệu con so với thời điểm dịch tả heo chưa xảy ra.

Hiện giá gà đang ở mức 22.000 đến 25.000 đồng/kg đối với gà trắng, 27.000 đến 28.000 đồng/kg đối với gà tam hoàng và gần 50.000 đồng/kg đối với gà ta, còn giá vịt là trên 30.000 đồng/kg. Mức giá này có vẫn thể coi là ổn ở thời điểm hiện tại khi thịt heo có nguy cơ thiếu hụt, nhưng lại giảm khá sâu so với đầu năm, thậm chí có lúc giá gia cầm trên thị trường thấp hơn giá thành khiến người nuôi thua lỗ.

Nhiều rủi ro

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, việc tăng đàn gia cầm để bổ sung, thay thế cho lượng thịt heo bị thiếu là cần thiết.

Tuy vậy ông Quang lo ngại việc tăng đàn ồ ạt sẽ kéo theo nhiều nguy cơ: "Thứ nhất là vấn đề dịch. Mật độ dày, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo cộng với thời tiết cuối năm thì nguy cơ dịch bệnh lớn. Thứ 2, nếu tất cả đổ xô đi nuôi gà nuôi vịt thì có thể liên quan đến “cung – cầu”. Có thể thịt heo ít thì nhu cầu gà tăng lên, nhưng nó tăng ở mức độ nào đó thôi chứ đâu phải thịt gà thay thế hoàn toàn thịt heo".

Nhận định về tình hình tăng đàn gia cầm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ nhận xét, hiện nhiều nông dân vẫn còn xu hướng chăn nuôi theo phong trào, theo kiểu người này nuôi được thì người kia cũng nuôi, hay được giá thì đổ xô nuôi mà không tính toán đến các yếu tố như dịch bệnh, đầu ra... Từ đó dẫn đến tình trạng “cung – cầu” thường xuyên nhảy múa, có lúc “cung” vượt “cầu” nhưng lại có lúc “cầu” quá nhiều còn “cung” quá ít.

Theo ông Ngọc, cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực chăn nuôi cần có các kế hoạch cụ thể về nhu cầu thị trường, giúp người chăn nuôi có cơ sở căn cứ vào đó để điều tiết tăng hay giảm đàn cho phù hợp, còn hiện tại đa số người nuôi “tự bơi”.

Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc nêu ý kiến: "Đúng ra là Bộ Nông nghiệp hàng năm phải có một kế hoạch, nuôi bao nhiêu thì đủ cung cấp. Từ xưa tới giờ không có cơ quan nào làm kế hoạch cả. Người nuôi, doanh nghiệp tự điều chỉnh, muốn nuôi bao nhiêu thì nuôi, muốn thả bao nhiêu thì thả, ế thì tự giảm, không có định hướng. Cho nên cần phải có bảo hộ, không cần bảo hộ về tiền, mà chỉ cần bảo hộ về kế hoạch".

Trong khi dịch tả heo châu Phi vẫn chưa hết thì vấn đề tăng đàn gia cầm ồ ạt lại đối mặt với nhiều rủi ro. Điều đó cho thấy ngành chăn nuôi vẫ còn rất nhiều thách thức nếu không sớm có các giải pháp hiệu quả, căn cơ. Và chịu thiệt thòi nhiều nhất, không ai khác vẫn chính là người nông dân./.

Xuân Lượng/VOV-TPHCM

Động vật bí ẩn nghi đã tuyệt chủng xuất hiện tại Việt Nam

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Cheo cheo lưng bạc, động vật bí ẩn với kích thước như một con thỏ nhưng có ngoại hình giống một con hươu, lần đầu tiên được phát hiện trong môi trường hoang dã ở Việt Nam sau gần 30 năm. Các nhà bảo tồn động vật rất phấn khích vì điều này.

Cheo cheo xuất hiện ở Việt Nam sau 30 năm - Ảnh: CNN

Ngày 11/11, tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution đăng tin các nhà nghiên cứu tại Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (Global Wildlife Conservation, GWC) - một tổ chức phi chính phủ ở Texas (Mỹ) - vừa phát hiện loài cheo cheo lưng bạc (hay hươu chuột) ở thành phố biển Nha Trang.

Thông tin này gây nhiều chú ý khi được nhiều báo đài trên thế giới, như CNN, Guardian, NewYork Times… đồng loạt đưa tin.

Đây là lần đầu tiên người ta chụp được ảnh cheo cheo lưng bạc tại Việt Nam trong gần 3 thập niên. Lần cuối cùng sự xuất hiện của loài này được ghi nhận là khi một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nga thu được xác một con cheo cheo lưng bạc từ một người thợ săn.

Các nhà khoa học cho rằng loài vật bé nhỏ nằm trong danh sách 25 loài mất tích đang được tìm kiếm nhiều nhất của GWC, trở thành nạn nhân của ngành buôn bán động vật hoang dã trái phép và đã biến mất trong tự nhiên.

Sau khi phỏng vấn các dân làng và nhân viên kiểm lâm gần thành phố Nha Trang, nhóm các nhà khoa học trên đã lắp đặt camera trong 5 tháng tại những khu vực mà người dân địa phương tường thuật có sự xuất hiện của cheo cheo lưng bạc.

Họ đã ghi nhận 275 bức ảnh về loài vật này. Sau lần đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục thiết lập 29 camera khác trong cùng khu vực và tổng cộng thu được 1.881 bức ảnh về cheo cheo lưng bạc trong 5 tháng năm 2018.

Cheo cheo lưng bạc, hay còn gọi cheo cheo Việt Nam hoặc hươu chuột Việt Nam (tên khoa học: Tragulus versicolor) là một loài động vật guốc chẵn trong họ cheo cheo. Chúng có ngoại hình giống hươu nhưng không có tuyến lệ. Toàn thân loài vật phủ lông màu nâu đỏ mịn và mượt, trong khi vùng ngực và dưới bụng có 3 vệt lông trắng song song với thân. Con đực và con cái đều không có sừng.

Cheo cheo được ghi chép đầu tiên vào năm 1910 bắt nguồn từ 4 mẫu vật thu thập được quanh Nha Trang. Nhóm nghiên cứu trên hy vọng sẽ tiếp tục lắp đặt camera để khảo sát số cheo cheo lưng bạc hiện nay khi loài này đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt, chặt phá rừng và tình trạng xâm lấn của con người.

BT

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop