Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 5 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 5 năm 2019

‘Vị ngọt’ từ những vụ chanh tứ quý

Nguồn tin: Báo An Giang

Là một trong những nông dân năng động, sáng tạo của huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang đất vườn, ông Nguyễn Văn Tính (ngụ ấp Hòa Phú 2, thị trấn An Châu, Châu Thành) đã mạnh dạn trồng 15 công chanh tứ quý. Sau 1 năm trồng, ông Tính thu được sản lượng chanh đáng kể. Vụ chanh từ năm thứ 2 cũng đang mang lại cho ông những “quả ngọt”.

Ông Tính (64 tuổi) chia sẻ: “Tôi gắn bó với công việc nhà nông từ thuở nhỏ. Ngày trước làm lúa còn có ăn, chứ 6-7 năm gần đây, năm nào làm lúa cũng thua lỗ hoặc phá huề. Nhân một chuyến đến thăm nhà bạn ở Tiền Giang, tôi thấy các mô hình trồng cây ăn trái ở đây rất hiệu quả. Được bạn chia sẻ tận tình về kỹ thuật trồng chanh tứ quý, tôi mạnh dạn chuyển đổi 4 công đất lúa sang trồng chanh tứ quý. Sau 1 năm thấy chanh cho trái nhiều, tôi cùng con trai chuyển đổi thêm 11 công nữa”.

Ông Tính cho hay, chanh tứ quý là loại giống từ nước Úc, cây giống được mua trực tiếp từ các trang trại giống ở Tiền Giang. Chanh tứ quý trái to, vỏ màu xanh, dày, nước nhiều và có hạt. Sau 1 năm trồng có thể thu hoạch và tháng nào cũng ra trái, đạt năng suất 10kg/cây/năm. Trong khi đó, chanh không hạt thu hoạch 1 vụ/năm, năng suất trung bình 5kg/cây/năm. Năm trước (tháng 2-2018 âm lịch), với 4 công (300 cây chanh), ông Tính thu hoạch 625kg chanh, bán với giá 24.000 đồng/kg, thu về 150 triệu đồng. Sau đó, mỗi tháng chanh đều cho thêm trái. Thay vì bán tiếp với mức giá thấp (vào tháng thấp điểm, có khi chỉ 5.000-6.000 đồng/kg) ông Tính thu hoạch trái xấu, sau đó chăm bón dưỡng cây để tháng 9 (âm lịch) cây tập trung ra bông đẹp, cho trái to đẹp, năng suất cao, đến tháng có giá thì thương lái sẽ đến tận vườn thu mua.

Điều ông Tính yêu thích trồng chanh tứ quý không chỉ ở năng suất cao và được giá, mà còn nhẹ công chăm sóc. Ông Tính chia sẻ: “Nếu nắm bắt được kỹ thuật lên liếp, chăm bón ngay từ đầu cây chanh sẽ khỏe, ít sâu bệnh. Với cách làm liếp đất không quá cao, không quá thấp sẽ đảm bảo độ ăn sâu vào mặt đất, khoảng cách mỗi cây từ 4m trở lên sẽ đảm bảo cây phát triển cành, lá tốt. Cùng với đó là xử lý đất và bón phân tốt, đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên. Ngoài ra, nên hạn chế xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật, vì giống chanh có sức đề kháng tốt, ít bị các loại sâu hại”. Nắm bắt kỹ thuật trồng khá tốt nên khi hàng xóm, bạn bè đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, ông Tính đều tận tình chia sẻ nhằm giúp mọi người có kinh nghiệm để sản xuất.

Khi được hỏi nếu phát triển diện tích trồng chanh lên nhiều có băn khoăn về đầu ra, ông Tính chia sẻ: “Do đặc tính của cây chanh tứ quý có vỏ dày, thuận lợi cho việc vận chuyển, thời gian để được lâu nên thương lái “ăn hàng” mạnh. Sản phẩm được các thương lái tập kết tại chợ đầu mối và vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là các địa phương ở miền Bắc. Do vậy, thời gian này tôi tạm yên tâm về đầu ra cho sản phẩm chanh tứ quý. Trong tương lai, người nông dân cần phải năng động hơn, hướng đến sản xuất sạch hơn như: sử dụng phân bón sinh học đảm bảo an toàn cho cây chanh, tăng cường kết nối với các nông dân, đơn vị để cân đối diện tích trồng và sản lượng thu hoạch, tìm thêm hướng ra cho sản phẩm”.

Để không phải phụ thuộc vào thương lái, ông Tính còn đa dạng sản phẩm với việc trồng xen canh giữa chanh tứ quý và sầu riêng, cà na Thái Lan. Các sản phẩm có cùng đặc tính có thể xen canh lẫn nhau, hỗ trợ “lấy ngắn nuôi dài”, bổ sung thu nhập và tái đầu tư sản xuất, phát triển mô hình trồng vườn lâu dài.

Ông Tính giới thiệu về cây chanh tứ quý

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

Xúc tiến đưa quả bơ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Sau khi trái xoài của Việt Nam được chính thức xuất sang Hoa Kỳ sau gần 10 năm đàm phán, Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến để đưa trái bơ vào thị trường Hoa Kỳ.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thị trường này trong năm 2018 đã chi 2,35 tỷ USD nhập khẩu 1,04 triệu tấn bơ, hầu hết được tiêu thụ qua các siêu thị lớn. Điều kiện nhập khẩu là trái bơ phải được kiểm soát trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài ra, bơ nhập vào Hoa Kỳ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về độ chín, màu sắc, trọng lượng, đường kính, còn nguyên vẹn, sạch sẽ, không qua tiếp xúc với các môi trường ẩm ướt…

Việt Nam hiện có nhiều giống bơ cho trái gần như quanh năm. Tuy nhiên giá trị hàng hóa trái bơ Việt Nam còn thấp do hạn chế trong khâu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy mô sản xuất manh mún, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

MINH HẢI

Ứng dụng kỹ thuật thâm canh, nâng cao hiệu quả cây sầu riêng chuyên canh

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là cái nôi của nghề trồng sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang. Địa phương có gần 1.400 ha sầu riêng trồng dưới dạng chuyên canh, chiếm gần 100% diện tích canh tác toàn xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng đạt giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí nông dân còn lãi ròng từ 500 đến 700 triệu đồng.

Nông dân tham quan mô hình trồng sầu riêng VietGAP ở xã Tam Bình.

Nhờ cây sầu riêng, từ một xã thuần nông nghèo khó, bị bom đạn chiến tranh tàn phá nặng nề, Tam Bình trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI đã vươn lên, đi đầu trong công cuộc phát huy các tiềm năng đất đai, lao động, giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia trên vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang. Năm 2015, Tam Bình là một trong những xã đầu tiên của tỉnh được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới.

Đặc biệt, để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây sầu riêng đặc sản trong công cuộc làm giàu ở nông thôn thực sự phải làm một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Nông dân Tam Bình đoạn tuyệt với kiểu canh tác cổ truyền dựa vào kinh nghiệm và "được chăng hay chớ" trước đây, thay vào đó, chú trọng áp dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, vừa nâng được sức cạnh tranh của sản phẩm tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Bà con quan tâm tuyển chọn giống tốt, trồng đúng kỹ thuật, mật độ trồng vừa phải. Cây trồng sau 5 năm tuổi đã cho trái bói. Những năm sau, cây càng lớn, năng suất càng cao. Hai giống sầu riêng chất lượng cao đang được trồng phổ biến ở vùng chuyên canh sầu riêng Tam Bình, huyện Cai Lậy là giống Mongthong và Ri6.

Nhiều ứng dụng kỹ thuật mới đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong thâm canh sầu riêng tại địa phương như: Sản xuất theo tiêu chí GAP, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tự động điều khiển từ xa theo công nghệ Israel; Sử dụng các chế phẩm và phân bón vi sinh trong canh tác; Chăm sóc, phun thuốc bằng các bình phun có mô tơ và đường dây dẫn dài cho phép phun thuốc xa, đến tận những đọt cây cao, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao, rồi áp dụng biện pháp phủ bạt nylon kết hợp xử lý rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch "trúng mùa, dội chợ",...

Ông Nguyễn Văn Của, ấp Bình Hòa B đưa khách đi tham quan khu vườn sầu riêng 3.500m2trồng giống Mongthong cho biết, ông đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Khi tưới chỉ cần bật điện lên và sử dụng remote điều khiển là mô tơ hoạt động tưới nước cho cây. Tưới như thế chỉ mất có 15 phút trong khi trước kia cần phải có từ 1 đến 2 lao động kéo ống dẫn tưới cả khu vườn mất gần một ngày trời. Có người còn cài đặt hệ thống điều khiển tưới phun tự động vào máy điện thoại di động có thể sử dụng tưới theo ý muốn khi đi họp hoặc bận việc, đi đám tiệc không có ở nhà, hết sức tiện lợi, không cần đến công lao động hoặc có mặt trực tiếp tại vườn như trước đây. Còn theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, qua các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào thâm canh cây sầu riêng tại xã Tam Bình đã giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, xã hội lớn, đời sống nhân dân được nâng lên. Ví dụ, ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước tự động điều khiển từ xa theo công nghệ Israel giúp tiết kiệm 50% lượng nước tưới, 90% công lao động và tăng thu nhập bình quân từ 5% đến 10% so với sản xuất truyền thống. Bài toán thiếu lao động nông nghiệp hiện nay ở các vùng nông thôn được giải quyết một cách căn cơ.

Sự nhạy bén của nông dân trước những thời cơ và vận hội mới đổi đời từ loại cây trồng này mang lại đã mở ra tương lai giàu đẹp cho cả một vùng đất. Sầu riêng là cây ăn trái mỗi năm cho 1 vụ trái. Nếu trước đây, vụ chính vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch bà con thu hoạch rộ thường mất giá do trùng với mùa vụ của nhiều loại trái cây khác ở phía Nam thì ngày nay, cũng từ xã Tam Bình, kỹ thuật xử lý rải vụ được nông dân áp dụng rất thành công và truyền bá ra khắp cả vùng chuyên canh, là giải pháp kỹ thuật mang lại cho bà con hiệu quả kinh tế hết sức lớn, tạo bước ngoặt để cây sầu riêng thăng hoa vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Cụ thể, để tránh thu hoạch chính vụ, dân địa phương có sáng kiến dùng mủ nylon đậy gốc sầu riêng để kích thích cho cây ra hoa. Người đầu tiên áp dụng là một nông dân của xã Tam Bình: Ông Năm Dước và thời điểm cách đây khoảng 20 năm. Ông cho biết, nên đậy mủ nylon xử lý vào khoảng tháng 3 âm lịch, sau 4 tuần, dỡ bỏ mủ nylon và chăm sóc thì cây sẽ ra hoa. Khi cây ra hoa, phải cho thụ phấn, tỉa thưa trái... để có những trái to, đẹp, chất lượng đồng đều theo yêu cầu thị trường. Qua rất nhiều khâu công việc mà nông dân phải thực hiện trước, trong và sau vụ thu hoạch. Đến tháng 9, tháng 10 âm lịch thu hoạch vụ nghịch. Sầu riêng vụ nghịch bán giá cao gấp 3 - 4 lần sầu riêng chính vụ. 100% diện tích trồng sầu riêng ở Tam Bình đều áp dụng kỹ thuật xử lý rải vụ như thế đã thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây sầu riêng.

Trồng theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP là định hướng mới đang được hết sức khuyến khích. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Tam Bình, địa phương đã thành lập được hai tổ hợp tác trồng sầu riêng là Bình Hòa B và Bình Hòa A. Các tổ này đóng vai trò tập hợp nông dân, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo hướng VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo an toàn sản phẩm, đảm bảo sức khỏe, khắc phục ô nhiễm môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Trong đó, Tổ hợp tác trồng sầu riêng Bình Hòa B đã được cấp chứng nhận GlobalGAP trên tổng diện tích 21,1 ha và 35 hộ trồng sầu riêng.

Ông Võ Văn Hăng, là tổ viên Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa B canh tác 3.000m2. Sầu riêng của gia đình ông trồng nay đã được 15 năm. Khu vườn trên trước đây trồng lúa năng suất cao nhưng làm lúa thu nhập thấp, giá bán bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Từ khi chuyển đổi sản xuất sang lập vườn trồng sầu riêng đặc sản, thu nhập gia đình ông tăng lên gấp nhiều lần, cuộc sống ổn định và khấm khá lên. Ông Hăng cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch 5 tấn trái, bán giá 60.000 đồng/kg, thu 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 200 triệu đồng. Trồng sầu riêng theo tiêu chí GlobalGAP, ông Hăng thực hiện gần 20 phần việc khắt khe. Đáng kể như: Xây cất kho chứa vật tư nông nghiệp, nơi chứa bao bì, nơi pha chế thuốc, ghi chép sổ sách, nhà vệ sinh, được hướng dẫn sử dụng những chủng loại thuốc trong danh mục cho phép,... cùng những kỹ thuật canh tác tiên tiến khác. Qua đó, giúp nông dân thay đổi tư duy, nhận thức trong quá trình sản xuất hướng tới sản phẩm đạt chất lượng và an toàn. Còn ông Nguyễn Văn Nhủ, cư ngụ ấp Bình Hòa B có 5.000m2 vườn chuyên canh sầu riêng chia sẻ: Trước đây, ông trồng lúa. Thấy cơ hội đổi đời từ cây sầu riêng ông mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Khu vườn sầu riêng hơn 10 năm tuổi mỗi năm thu hoạch được 10 tấn trái, bán giá 60.000 đồng/kg, thu 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 400 triệu đồng. Nhiều năm nay, thấy lợi ích từ mô hình kinh tế tập thể kiểu mới, ông cũng vào Tổ hợp tác Bình Hòa B và thâm canh sầu riêng theo hướng GlobalGAP.

Ông Nguyễn Văn Của, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Bình Hòa B cho biết, sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP là hướng đi tất yếu đối với nông dân trồng sầu riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Qua áp dụng các tiêu chí, trình độ canh tác cũng như nhận thức về sự phát triển bền vững, bảo vệ môi sinh môi trường, sức khỏe và truy xuất nguồn gốc của nhân dân vùng chuyên canh nâng lên. Trái sầu riêng hàng hóa tăng được khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, ngày nay, phải khẳng định cây sầu riêng đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn địa phương đến tận gốc rễ. Từ một xã nghèo khó, là vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ bị bom đạn tàn phá nặng nề, sau 44 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng Tam Bình đã vươn lên, trở thành xã nông thôn mới, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, nhà cửa khang trang, diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày. Tất cả chính nhờ vào sự nhạy bén trong việc xác định cây trồng chủ lực để chuyển đổi sản xuất, phá thế độc canh cây lúa đồng thời với ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong thâm canh cây trồng để đạt năng suất, sản lượng cao, vừa có nhiều nông sản hàng hóa chất lượng tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.

Còn ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá, hiện nay, diện tích sầu riêng chuyên canh toàn tỉnh trên 9.000 ha, tập trung tại các huyện vùng ngập lũ: Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước,... trong đó các biện pháp thâm canh hiệu quả như trên từ đây nhanh chóng lan rộng, được áp dụng rộng rãi trong toàn vùng chuyên canh, cho thấy khoa học công nghệ đang phát huy vai trò đắc lực đối với nền nông nghiệp hàng hóa thích ứng biến đổi khí hậu để làm giàu thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung mà thành công trên cây sầu riêng của xã Tam Bình là minh chứng hết sức cụ thể.

Minh Trí

hu nhập cao nhờ mô hình xen canh

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Gần đây, nhiều nông dân ở huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn phát triển kinh tế bằng mô hình trồng xen canh, bước đầu đem lại hiệu quả, giảm bớt rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Trước đây, gia đình ông Y Băn Mlô (ở thôn Cư Blang, xã Pơng Drang) có 3 ha cà phê, mỗi năm cho thu hoạch 3 tấn, thu nhập dưới 100 triệu đồng trong khi công sức bỏ ra nhiều. Năm 2009, ông Y Băn quyết định chuyển đổi sang mô hình trồng xen canh. Ban đầu, ông chặt bỏ những cây cà phê già cỗi, đầu tư trồng xen 100 trụ tiêu, 100 cây sầu riêng, 30 cây bơ…; đồng thời chăn nuôi heo để chủ động nguồn phân bón. Ông Y Băn cho hay: "Nhờ mô hình trồng xen này thu nhập của gia đình tăng hơn 300 – 400 triệu đồng/năm so với trước đây. Tôi dự tính sẽ phát triển thêm cây ăn trái, cà chua thân gỗ… và mở rộng quy mô sản xuất".

Mô hình đa cây của ông Y Băn Mlô ở thôn Cư Blang (xã Pơng Drang).

Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện Krông Búk đã triển khai kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể cho hội viên nông dân. Qua đó, định hướng cho người dân phát triển sản xuất theo hướng liên kết để phát triển sản xuất bền vững.

Ông Trương Văn Trại (ở thôn 7, xã Pơng Drang) cũng thành công với mô hình xen canh. Năm 1999, sau khi xuất ngũ ông Trại đưa gia đình từ tỉnh Hà Nam vào Đắk Lắk lập nghiệp. Ban đầu, ông canh tác trên 1 ha đất nông nghiệp. Để có chi phí trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế, ngoài trồng cà phê, vợ chồng ông Trại phát triển chăn nuôi heo, gà, bò, dê…, từ đó tích cóp tiền mua 7 ha tại khu vực Đồi Sao. "Lúc đó, khu vực Đồi Sao chưa có điện, mùa khô không thể bơm nước tưới cho cây trồng, đường sá đi lại rất khó khăn, trong nhiều năm tôi đã vận động 30 hộ dân có đất canh tác tại đây tự nguyện đóng góp 1,3 tỷ đồng để cứng hóa gần 3,3 km vào khu vực này. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng kéo 2,5 km đường điện 3 pha vào tận rẫy không chỉ phục vụ tưới tiêu cho gia đình mình mà người dân vùng Đồi Sao cùng có điện để phát triển kinh tế”, ông Trại chia sẻ.

Sầu riêng trồng xen của gia đình ông Trương Văn Trại ở thôn 7 (xã Pơng Drang) phát triển tốt.

Sau khi đầu tư xong kết cấu hạ tầng để phát triển sản xuất, ông Trại tập trung phát triển diện tích cà phê lên 4 ha, hiện nay cho thu nhập ổn định 500 – 600 triệu đồng/năm; 3 ha đất còn lại ông đầu tư 200 triệu đồng trồng xen 400 trụ tiêu, 150 cây bơ booth, 350 cây sầu riêng, 250 cây mít, 50 cây mắc ca, 40 cây chanh đào, cam, bưởi… đang phát triển tốt, bắt đầu cho thu bói. Vụ chanh đào đầu tiên năm 2018, gia đình ông thu về hơn 10 triệu đồng, được thương lái đến tận vườn thu mua. Do đó, dù giá cà phê, hồ tiêu không cao như trước nhưng với mô hình trồng xen canh, gia đình ông Trại vẫn có thu nhập ổn định.

Thùy Dung

Tam Bình (Vĩnh Long): Quy hoạch 100ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Năm 2019, huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) chọn xã Bình Ninh và Loan Mỹ vận động nông dân trồng 100ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu chí chọn mô hình cam sành từ 1- 3 năm tuổi, cây sinh trưởng tốt; nhà vườn cam kết đối ứng kinh phí và nhân lực canh tác theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn.

Đối với nhà vườn được chọn tham gia mô hình mẫu trồng cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ 1 trong 2 phương thức: Được hỗ trợ 30% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoặc được hỗ trợ tương đương 2 triệu đồng xây dựng hố pha thuốc, nhà kho, tủ thuốc y tế, bảo hộ lao động… Ngoài ra, huyện Tam Bình phối hợp Sở Nông nghiệp- PTNT thuê chuyên gia viết quy trình canh tác cam sành theo hướng VietGAP; hướng dẫn nhà vườn ghi chép sổ nhật ký trồng cam; lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm; hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thiết bị ứng dụng công nghệ chế biến nước ép cam sành cô đặc, bột cam sành. Mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng, phần còn lại do doanh nghiệp đối ứng.

Tin, ảnh: LÊ SÁU

Tự làm phân vi sinh để tăng hiệu quả canh tác cây trồng

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Hiện nay, hầu hết người dân ở phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) đã tự làm chủ quy trình ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê để chủ động tạo nguồn phân bón, từ đó tiết kiệm chi phí mua phân bón, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Phường Thiện An có 650 ha đất nông nghiệp, là vùng chuyên canh cây cà phê của thị xã Buôn Hồ với diện tích khoảng 350 ha, còn lại là tiêu và các loại cây ăn quả. Trước đây, người dân sau khi xay cà phê xong thường đổ vứt vỏ, không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, sản sinh các mầm bệnh.

Nhiều năm trở lại đây, dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn, nông dân phường Thiện An đã biết sử dụng vỏ cà phê đem ủ làm phân vi sinh. Hiện tại, có đến gần 90% người trồng cà phê ở đây đã biết tự ủ vỏ trấu cà phê. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, bởi phân vi sinh được ủ từ vỏ cà phê an toàn và đảm bảo chất lượng hơn gấp nhiều lần so với phân bón vi sinh bán sẵn ở ngoài thị trường.

Anh Nguyễn Giang Nam áp dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê để bón cho cây trồng.

Ông Nguyễn Giang Nam (tổ dân phố 6) là người trồng cà phê lâu năm, hiện đang ủ 10 tấn vỏ trấu cà phê tại nhà làm phân bón vi sinh. Ông Nam cho biết, để có được phân bón vi sinh chất lượng cao, ông trộn men ủ và phân chuồng làm mồi với vỏ trấu cà phê. Trước khi ủ phải rải một lớp lá khô, rơm rạ xuống dưới cùng để lót; sau đó rải đều lên một lớp phân chuồng, nếu có thì rắc lên vài nắm cám gạo làm dinh dưỡng ban đầu cho vi sinh vật hoạt động, rồi tiếp tục rải vỏ trấu cà phê lên. Cứ lần lượt từng lớp như vậy cho đến khi hoàn thành thì đậy kín lại bằng ni lông và bạt.

Trong quá trình ủ, nên trộn đều các thành phần 1 lần/tháng. Thời gian ủ phải khoảng 3 tháng trở lên, khi đó phân đã hoai mục mới đem bón để tránh gây ra một số bệnh với cây trồng. Với diện tích 4 ha cà phê được sử dụng phân bón vi sinh bằng vỏ cà phê tự ủ, nhiều năm nay sản lượng cà phê của gia đình ông Nam vẫn đảm bảo ở mức 10 tấn/năm, ngoài ra còn tiết kiệm được một khoản chi phí lớn mua phân bón. Ông Nam chia sẻ, chỉ cần bỏ ra công lao động, ít tiền mua men sinh học, phân chuồng và vỏ cà phê là có thể sản xuất ra phân hữu cơ có chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 30% so với giá phân cùng loại bán trên thị trường.

Vườn bơ nhà chị Trương Thị Điệp phát triển tốt nhờ bón phân vi sinh từ vỏ cà phê.

Phân vi sinh bằng vỏ cây cà phê cũng được chứng minh rất tốt cho các cây trồng khác. Là một trong những hộ ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh nhiều năm nay, gia đình chị Trương Thị Điệp (tổ dân phố 6) đã dùng loại phân này để bón cho cây bơ, tiêu và sầu riêng cho kết quả cao. Kể từ năm 2012 đến nay, năm nào gia đình chị Điệp cũng ủ trung bình khoảng 7 tấn phân vi sinh từ vỏ cà phê. Ngoài vỏ cà phê, gia đình còn lấy thêm cùi bắp, vôi, phân urê về ủ với các chế phẩm sinh học tạo ra phân bón vi sinh để bón cho cả vườn cây trồng xen của gia đình.

Theo kinh nghiệm của chị, sau 1 - 4 tháng, khi kiểm tra thấy đống phân màu nâu đen, tơi xốp, thọc tay vào thấy ấm vừa tay là phân đã hoai mục, hoàn toàn có thể đem đi sử dụng. Phân ủ xong sử dụng tốt nhất trong vòng 1 năm. Cũng theo chị Điệp, đất được bón phân vi sinh từ vỏ cà phê rất tốt, giúp cải tạo đất nên trồng cây gì cũng đều có hiệu quả cao. Với cách làm đó, gia đình chị tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền mua phân bón cho cây cà phê và các loại cây ăn quả.

Theo ông Trần Văn Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thiện An, với năng suất cà phê bình quân 3 tấn/ha, hằng năm sản lượng cà phê của cả phường lên đến trên 1.000 tấn nhân. Lấy mức tỷ lệ nhân là 65%, mỗi năm có gần 400 tấn vỏ cà phê có thể sử dụng làm phân bón. Vỏ cà phê nếu bón trực tiếp thì khá lâu sau mới phân hủy và lượng chất hữu cơ thường không được bảo toàn. Nhưng nếu được xử lý bằng cách ủ theo quy trình thì sẽ giải quyết được hạn chế đó. Điều này rất có ý nghĩa đối với người sản xuất cà phê trong thời buổi giá cả các loại phân vô cơ đắt đỏ như hiện nay.

Băng Châu

Rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá gây hại 131ha sắn

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết, hiện nay rệp sáp bột hồng xuất hiện trở lại, gây hại 15ha sắn, với tỉ lệ hại 3-30% lá tại huyện Đồng Xuân và Sông Hinh.

Rệp sáp bột hồng là loại sâu hại rất khó phòng trừ, những năm trước liên tiếp bùng phát trên các vùng nguyên liệu sắn ở Phú Yên. Sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng thì cây còi cọc, chậm phát triển, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, thời gian đến, trời nắng nóng, không mưa nên rệp sáp bột hồng có khả năng lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, bệnh khảm lá vi rút gây hại sắn niên vụ 2019-2020 trên diện tích 116ha ở các giống sắn HLS11, KM 419... tại huyện Sông Hinh và Tây Hòa, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

Để ngăn chặn bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng NN-PTNT các địa phương tăng cường điều tra, rà soát diện tích sắn bị bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng, vận động nông dân tiêu hủy những cây sắn có biểu hiện bệnh để tránh lây lan trên diện rộng.

TRÂM TRÂN

Bayer Agricademy: Giải pháp sản xuất nông nghiệp tiên tiến và bền vững cho nông hộ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Ngày 15/5 vừa qua, tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, công ty Bayer Việt Nam đã tổ chức hội thảo ra mắt dự án Bayer Agricademy, một sáng kiến mới và quan trọng nhằm phát triển bền vững cho ngành hàng cà phê Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của thị trường.

Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 100 đơn vị liên quan trong ngành như đại diện Vụ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường của Quốc Hội, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Sở NN-PTNT các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông; các đại biểu đến từ các bên liên quan trong ngành cà phê như các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp thu mua, nông dân trồng cà phê…

Việt Nam hiện đang có 20% tổng diện tích cà phê độ tuổi trung bình từ 25-30 năm đang bước vào giai đoạn lão hóa và có khả năng làm sản lượng ngành cà phê giảm 30% - 40% cần tái canh. Làm thế nào để tái canh diện tích lớn cà phê này thành công? Đó là một thách thức không nhỏ không chỉ đối với người trồng mà còn liên quan đến việc phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.

Đoàn đại biểu tham dự hội thảo tham quan vườn ca phê tái canh theo giải pháp Bayer Agrycademy của gia đình ông Trần Văn Nhiên (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk).

Để giải quyết những thách thức này, Bayer đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công giải pháp tiên tiến Agricademy. Đây là chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho nông dân kiến thức khoa học và kỹ năng sản xuất cây trồng an toàn, bền vững, có lợi nhuận và được chấp nhận trên toàn cầu. Bayer Agricademy không chỉ cung cấp các giải pháp tiên tiến bao gồm giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật qua hệ thống tưới nhỏ giọt (viết tắt là “Drip Protection”) mà còn giúp nông dân khả năng liên kết thị trường thông qua sáng kiến Better Life Farming Alliance để phát triển các mô hình kinh doanh bền vững và có thể mở rộng theo hướng có lợi cho nông hộ nhỏ trồng cà phê.

Giải pháp Drip Protection đã được bộ môn Canh tác, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) đánh giá là một giải pháp nông nghiệp công nghệ cao giúp tái canh cà phê thành công nhờ các ưu điểm: tiết kiệm nước, lợi ích sinh thái, giải pháp thân thiện với môi trường, tối ưu lượng thuốc BVTV sử dụng (với lượng hợp lý) cũng như giúp nông dân ít tiếp xúc với thuốc.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Công Trí của Viện WASI đã trình bày về kết quả khảo nghiệm giải pháp khoa học tiên tiến "Drip Protection". Theo ông Trí, kết quả khảo nghiệm chứng mình rằng giải pháp Drip Protection sẽ hỗ trợ tái canh thành công cây cà phê. Với hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với sản phẩm Velum (giải pháp xuất sắc trong kiểm soát tuyến trùng hại rễ cây cà phê) và các sản phẩm khác sẽ giúp giải quyết được thách thức lớn của việc tái canh cà phê.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT đánh giá cao những kết quả mà các bên đã đạt được trong dự án khảo nghiệm giải pháp tái canh cà phê và góp phần hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam. Trên cơ sở đó, ông đề xuất nên thúc đẩy và chuyển giao giải pháp tiên tiến này đến cộng đồng nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên, hỗ trợ họ gặt hái được nhiều thành công hơn trong việc trồng lại cà phê.

Trong dịp này, các đại biểu được đến thăm vườn cà phê thử nghiệm giải pháp Drip Protection để trồng lại cà phê của nông dân Trần Văn Nhiên ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, ông Nhiên đã chia sẻ kinh nghiệm, thành công của việc trồng lại cà phê và phát triển giải pháp “Drip Protection” cho 250 cây cà phê; kết quả sau 20 tháng, 100% cây cà phê sống và tăng trưởng khỏe mạnh.

Drip Protection là một sự kết hợp giữa bộ giải pháp Bayer Much More Coffee và sản phẩm trị tuyến trùng sắp được giới thiệu ra thị trường là Velum của Bayer, được phát triển cho hệ thống tưới nhỏ giọt. Với hệ thống tưới nhỏ giọt, nước và thuốc phòng trừ dịch hại sẽ được phân phối đều trên khắp vườn thông qua hệ thống ống tưới nhỏ giọt và được chuyển trực tiếp đến rễ của cây trồng.

HỒNG THUỶ

Xem biến đổi khí hậu là động lực để nông nghiệp thay đổi

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Được dự báo là khu vực dễ bị tổn thương và chịu tác động trực tiếp nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH), hàng triệu nông dân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đứng ngồi không yên trước những diễn biến ngày một cực đoan hơn của thời tiết. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ lạc quan hơn thì BĐKH thật sự trở thành động lực mạnh mẽ để nông dân thay đổi tập quán canh tác của mình. Tại tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH mà ở đó hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đóng vai trò then chốt.

Quản lý nước tưới tiêu thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh ở Hợp tác xã Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh

Sống chung với BĐKH, khoa học kỹ thuật phải là nền tảng

Mới thoảng nhìn những cánh đồng trồng lúa ở HTX Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; cánh đồng lúa của HTX Thuận Tiến, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh hay cánh đồng lúa của HTX Tiến Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), nhiều người sẽ không thấy sự khác biệt rõ rệt so với những cánh đồng lúa khác ở khu vực miền Tây Nam bộ. Nếu có khác thì chính là việc áp dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất lúa mà các HTX này đang áp dụng.

Những năm qua, với việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo của tỉnh có nhiều diễn biến khởi sắc. Việc sản xuất lúa của nông dân Đồng Tháp đang dần phát triển theo chiều sâu, vấn về đảm bảo chất lượng đầu ra, giảm giá thành sản xuất đang được nhiều nông dân, HTX nhiệt tình hưởng ứng.

Đó là những giải pháp kỹ thuật mới như: mô hình tưới tiết kiệm ngập khô xen kẽ giúp tiết kiệm nước và kiểm soát tốt cỏ dại ở HTX Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười; giảm lượng khí phát thải nhà kính với mô hình sản xuất lúa giảm giá thành bằng cách bón phân vùi ở HTX An Phong, huyện Tháp Mười; nghiên cứu lai tạo các giống lúa mới kháng sâu bệnh, chống chịu hạn tốt nhằm giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở HTX giống Định An, huyện Lấp Vò; mô hình canh tác lúa lý tưởng ở HTX Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh...

Và, hiện có rất nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đang áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT mà chi phí sản xuất lúa tại các khu vực cánh đồng của tỉnh Đồng Tháp giảm khá nhiều so với những khu vực sản xuất bình thường.

Muốn là “đầu tàu”, HTX phải đột phá

Tại diễn đàn “Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL” diễn ra trong tháng 4 vừa qua tại TP.Cao Lãnh, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ và các chuyên gia cho rằng, nông nghiệp muốn thích ứng với BĐKH, nông dân có thể gắn bó bền lâu với nghề nông thì phải tham gia vào hoạt động của HTX nông nghiệp. Tuy nhiên để nông dân vượt qua những những thử thách cam go của “mẹ thiên nhiên”, HTX nông nghiệp phải thật sự có hướng đi đột phá.

HTX không ngừng tự đổi mới, khai thác mọi tiềm năng tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng và đa chức năng hoạt động, tổ chức mở rộng ngành nghề kinh doanh, hướng dẫn thành viên tiếp cận thị trường, chuyển giao tiến bộ KHKT - công nghệ, sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc... là những giải pháp sống còn mà HTX nông nghiệp cần hướng tới.

Với sự nhạy bén trong sản xuất và kinh doanh của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn một nền nông nghiệp thay đổi tích cực ở tỉnh Đồng Tháp. Được biết đến là vùng màu trọng điểm của huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vậy nhưng nhiều năm qua tình hình sản xuất hoa màu ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự thường rơi vào tình trạng bế tắc. Có thời điểm được mùa nhưng rau màu mất giá, có những lúc rau tăng giá nhưng lại mất mùa do thiên tai và dịch hại.

Để giải quyết hai điểm nghẽn lớn này, thời gian qua, HTX Sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận đã thay đổi kỹ thuật sản xuất cũng như hình thức kinh doanh của mình. Với việc áp dụng nhà màng, nhà lưới trong sản xuất đã giúp HTX này nâng cao chất lượng rau. Đây còn là giải pháp giúp HTX ứng phó tốt với những diễn biến tiêu cực của thời tiết.

Mô hình “Cây xoài nhà tôi” giúp nhiều nhà vườn ở Hợp tác xã xoài Mỹ Xương tăng lợi nhuận kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích

Ông Dương Minh Sang - Giám đốc HTX sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự chia sẻ: "Trong bối cảnh thời tiết và thị trường đang ngày càng diễn biến phức tạp thì tự đổi mới mình để thích ứng với tình hình mới là giải pháp sống còn. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến rất cực đoan đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất rau màu của nhiều nông dân.

Để tiếp tục gắn bó với nghề, chúng tôi bắt đầu chuyển sang vận động nông dân mở rộng diện tích sản xuất rau trong nhà lưới, nhà kín theo tiêu chuẩn an toàn và VietGAP. Đây là giải pháp để thích ứng với BĐKH tốt hơn và cũng là lời cam kết của HTX với người tiêu dùng trong việc cung ứng thực phẩm an toàn - sạch”.

Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, mở rộng kênh tiêu thụ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin như: mô hình cây xoài nhà tôi ở HTX xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh; mô hình ruộng nhà mình ở HTX Thuận Tiến, huyện Cao Lãnh; HTX Tiến Cường, huyện Tam Nông. Các HTX này đã và đang tận dụng sức mạnh của internet trong việc rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua các mô hình này, người nông dân có được giá trị tăng thêm nhiều hơn trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Đồng thời, đây còn là cách quảng bá hiệu quả hình ảnh nông sản của địa phương đối với người tiêu dùng.

Khẳng định vai trò của HTX nông nghiệp trong bối cảnh sản xuất mới, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BĐKH. Triết lý của HTX là lợi thế về quy mô, quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung.

Mỹ Lý

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop